Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Thép đã tôi thế đấy

Chương VIII

Tác giả: Nikolai A.Ostrovsky

Trong sương sớm lúc mặt trời chưa mọc, dòng sông ánh lên bàng bạc và êm đềm chảy rì rầm giữa hai bờ sỏi đá. Gần bờ, mặt nước sông lặng màu xám nhạt dường như không động, đôi lúc long lanh sáng. Nhưng giữa dòng sông, nước thăm thẳm sóng nhấp nhô quằn quại hối hả trôi đi. Con sông xinh đẹp, hùng vĩ ấy là con sông Đơ-nhi-ép, con sông Đơ-nhi-ép mà nhà văn Gô-gôn đã viết nên áng văn tuyệt diệu : “Tươi đẹp thay, con sông Đơ-nhi-ép…” Bờ sông bên phải, núi đá dựng đứng. Dường như núi ấy chạy đến đây, sắp sửa đâm sầm vào bờ sông thì thốt nhiên dừng chân đứng sững lại, ngây ngất trước khoảng bao la trời nước. Bờ sông bên trái thoai thoải những bãi cát.

Sau vụ nước lớn mùa xuân, dòng sông thu mình vào bờ sỏi, để lại những bãi cát ấy. Bên bờ sông có năm người nấp trong hầm chật hẹp, giữ khẩu súng Mắc-xim. Đấy là đội viễn tiêu của sư đoàn bộ binh thứ bảy. Xéc-gây nằm nghiêng bên súng máy, mặt ngoảnh ra sông.

Hôm qua, bộ đội ta giao chiến liên miên với giặc. Đại bác Ba Lan, như bão táp làm cho tan tác. Sau cùng, kiệt sức, họ đành để thành Ki-ép lọt vào tay giặc và lui về cố thủ ở tả ngạn sông Đơ-nhi-ép.

Đã phải rút lui, lại thương vong nặng và cuối cùng mất Ki-ép đã làm cho các chiến sĩ đau buồn. Sư đoàn thứ bảy này đây đã chiến đấu anh dũng vượt qua vòng vây của địch, mở đường lách qua rừng rậm, tiến đến gần ga Ma-lin-nơ. Họ tấn công rất gắt, đánh tan bọn Ba Lan chiếm đóng nhà ga, dồn chúng vào rừng, giải phóng đường đi Ki-ép.

Bây giờ thì thành Ki-ép diễm lệ đã mất vào tay giặc rồi. Các chiến sĩ mặt mày ủ dột và buồn bực trong lòng.

Quân Ba Lan đã đánh bật các đơn vị Hồng quân khỏi Đác-nhi-xa và chiếm được một căn cứ nhỏ bên tả ngạn sông, cạnh chiếc cầu đường xe lửa.

Chúng ra sức đánh rộng ra nữa, nhưng gặp sức phản công mãnh liệt của Hồng quân, chúng chẳng nhích thêm được bước nào cả.

Xéc-gây ngắm dòng sông đang chảy và anh không thể không hồi tưởng lại chuyện xảy ra ngày hôm qua.

Hôm qua, vào lúc mặt trời đứng bóng, anh đang cùng anh em hăng máu xông lên thì đụng phải quân Ba Lan trắng trong một đợt phản công quyết liệt. Lần đầu tiên, Xéc-gây đứng trước mặt đối mặt một kẻ thù. Một thằng lê-dương Ba Lan, không râu, không ria, cầm súng cắm lưỡi lê Pháp dài như thanh kiếm, chạy lại đâm Xéc-gây.(Bọn can thiệp Ba Lan lúc bấy giờ do các đế quốc Pháp, Anh, Mỹ trang bị ). Nó nhảy như choi choi, miệng kêu xì xà xì xồ. Xéc-gây chỉ còn kịp nhận ra hai mắt nó trợn trừng điên cuồng. Chưa đầy một giây đồng hồ, Xéc-gây đã lấy đầu lưỡi lê của mình đánh bật lưỡi lê tên Ba Lan. Chiếc lưỡi lê Pháp sáng loáng rơi bắn sang bên.

Tên Ba Lan ngã vật xuống…

Xéc-gây đâm lưỡi lê không có run tay. Anh biết anh còn phải giết nhiều nữa. Chính anh là người biết yêu tha thiết, đối với tình bạn rất mực thủy chung, anh có phải đâu là một đứa hung tàn độc ác. Song anh biết rằng những người lính bị lừa dối kia, ăn phải thuốc của bọn sâu mọt toàn thế giới, đang xông lại đánh nước Cộng hòa của anh với một thú điên giận thật là của loài súc vật.

Và Xéc-gây thẳng tay giết cho chóng đến ngày trên trái đất này không còn có người chém giết người nữa.

Pa-ra-mô-nốp lắc vai Xéc-gây:

– Này, Xéc-gây xuống hầm đi, kẻo chúng nó trông thấy chúng mình đấy.

*

Đã một năm nay, Pa-ven hành quân đi dọc ngang khắp miền quê hương xứ sở, khi ngồi trên một chiếc xe kéo súng máy, khi leo lên bệ một khẩu đại bác, khi cưỡi trên con ngựa xám cụt tai. Khỏe ra, cứng rắn ra, anh đã lớn lên trong gian lao khổ cực.

Người anh đeo bao đạn sát vào da đến bật máu, chỗ sát đã thành sẹo và dây súng lằn trên vai đã chai lên thành một ụ thịt không bao giờ tan được nữa.

Trong có một năm trời, mắt anh đã thấy biết bao nhiêu cảnh đời ghê gớm. Cùng hàng ngàn chiến sĩ khác, áo quần tả tơi, chân đất như mình, nhưng lòng hừng hực bốc cháy ngọn lửa không bao tắt của cuộc đấu tranh vì chính quyền giai cấp, Pa-ven đã bước chân đi khắp các ngả của Tổ quốc U-cơ-ren và chỉ bị dứt ra khỏi cơn bão táp ấy có hai lần.

Lần thứ nhất, bị thương vào đùi, lần thứ hai, vào một ngày tháng Hai lạnh buốt của năm 1920, anh giãy giụa trong cơn sốt nhớp nháp của bệnh chấy rận.

Cái bệnh chấy rận truyền nhiễm đã tác hại các trung đoàn và sư đoàn của tập đoàn quân thứ mười hai ghê gớm hơn cả những cỗ súng máy Ba Lan kia. Tập đoàn quân lúc đó đóng ở một khu rộng lớn, rải hầu khắp miền Bắc U-cơ-ren, ngăn đường tiến của quân Ba-lan. Vừa dứt bệnh, Pa-ven đã trở về đơn vị ngay.

Bây giờ, trung đoàn của Pa-ven đóng ở một vị trí cơ động gần ga Phơ-rông-tốp-ca, trên con đường ngoặt từ Ca-da-chim đi U-mân.

Ga ở giữa rừng. Những túp nhà bị tàn phá xúm quanh khu ga bé nhỏ. Đấy là những căn nhà hoang trống trải, dân bỏ đi vì không thể nào ở được yên. Hai năm qua, chập chờn có lúc yên tĩnh, có lúc lại đánh nhau dữ. Suất hai năm trời, ga Phơ-rông-tốp- ca đã chứng kiến biết bao nhiêu là chuyện!

Lại sắp sửa xảy ra nhiều việc lớn. Trong lúc sư đoàn mười hai bị tổn thất nặng, tan rã từng phần, trước sức thọc mạnh của quân đội Ba Lan, phải rút lui về gần Ki-ép thì nước Cộng hòa vô sản chuẩn bị giáng một đòn chí tử vào quân thù lúc đó đang say sưa thừa thắng tiến.

Những sư đoàn kỵ binh dạn dày lửa đạn của tập đoàn kỵ binh thứ nhất đã mở cuộc trường chinh chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, từ vùng Bắc Cô- ca-dơ xa xôi chuyển đến U-cơ-ren. Các sư đoàn kỵ binh thứ tư, thứ sáu, thứ mười một và thứ mười bốn lần lượt tiến đến U-mân và tập kết ở sau trận tuyến của ta. Trên đường xông tới những cuộc chiến đấu ác liệt kỵ binh đã quét sách bọn phỉ Ma-khơ-nô.

Một vạn sáu ngàn năm trăm thanh kiếm, một vạn sáu ngàn năm trăm chiến sĩ da rám nắng đồng cỏ.

Bộ Tổng tư lệnh Hồng quân và Bộ Tổng tư lệnh mặt trận Tây-nam hết sức giữ bí mật để cho quân Ba Lan của phát-xít Điu-xuýt-ski không thể nào đối phó kịp với cuộc hành quân có tính chất quyết định đang chuẩn bị. Bộ tham mưu của nước Cộng hòa và các mặt trận trực tiếp phụ trách tập hợp khối kỵ binh này.

Chiến sự ngừng hẳn ở mặt trận U-mân, đường dây liên lạc thẳng từ Mát-xcơ-va đến Bộ tham mưu mặt trận Khác-cốp làm việc không ngừng. Từ Khác-cốp, điện lại báo đi các bộ tham mưu các tập đoàn quân thứ mười bốn, thứ mười hai. Điện báo tạch tè ghi những mệnh lệnh mật mã lên những băng điện hẹp: “Không để cho quân Ba Lan chú ý đến quân đoàn kỵ binh của ta tập kết”. Chiến sự ngừng trên khu vực U-mân. Chỉ giao chiến khi nào và nơi nào bọn Ba Lan tiến quân uy hiếp đoàn kỵ binh của Bu-đi- on-ny, tránh cho kỵ binh khỏi bị dồn vào tình thế phải giao chiến quá sớm.

Đống lửa trú quân bập bùng ngọn lửa màu hung, khói bốc lên xoắn tít hình trôn ốc. Loài nhặng rừng không chịu được hơi khói bay tứ tung như ong vỡ tổ. Các chiến sĩ ngồi quanh ngọn lửa theo hình vòng cung, lửa hồng làm mặt họ ánh lên bóng như màu đồng.

Những chiếc cà-mèn vùi trong tro biếc ánh lửa. Nước sôi sùng sục. Một ngọn lửa từ khúc gỗ cháy lóe ra bén sém một chiếc đầu bù. Người bị cháy tóc bực mình phát bẳn:

– Rõ khỉ !

Anh em chung quanh bật cười khúc khích.

Một người lính già mặc áo dạ, râu mép xén ngắn, đang chìa nòng súng ra ánh lửa xem, thấy vậy nói khẽ:

– Thằng bé này mải đọc khoa học quá, đến nỗi sán vào lửa cháy mà cũng không biết.

– Pa-ven ơi! Đọc gì thế, kể cho chúng tớ nghe với.

Pa-ven, người lính trẻ ấy, vừa lấy tay mân mê mớ tóc sém của mình, vừa mỉm cười nói :

– Đồng chí An-đơ-rơ-súc ạ! Cuốn sách hay tuyệt. Đã đọc vào là tôi không thể nào buông ra được nữa.

Người ngồi cạnh Pa-ven là Xê-rê-đa, một thanh niên có cái mũi ngắn, hếch lên, đang chăm chú vá lại dây đeo bao đạn, hai răng cắn chặt lấy sợi chỉ xám to, nghe bạn nói vậy thì tò mò hỏi:

– Thế cuốn sách viết về ai hở cậu? – Xê-rê-đa tay cuộn đoạn chỉ còn lại vào cái kim cắm trên mũ dạ, nói thêm:

– Nếu nói về tình yêu thì mình thú lắm đấy.

Chung quanh cười rộ lên. Mát-vây-súc nhô cái đầu tóc cắt ngắn lên, nheo mắt láu lỉnh nói trêu Xê-rê-đa:

– Tình yêu là chuyện cũng hay, Xê-rê-đa ạ. Cậu đẹp trai, trông rất bảnh ! Hễ quân ta đi đến đâu, các cô ả thấy cậu đều mê tít. Chỉ phải một cái tật nhỏ: mũi cậu quá ngắn và hếch lên làm cho mưa cứ rơi tọt vào trong. Nhưng mà có thể chữa được. Cậu cứ lấy quả lựu đạn Nô-vít-ki treo vào đầu mũi, chỉ một đêm là mũi dài ra và quặp xuống thôi.

(Thứ lựu đạn tay, nặng gần bốn cân, dùng để phá hàng rào dây thép gai).

Câu nói bông đùa ấy làm mọi người phá ra cười sằng sặc. Nghe tiếng cười, mấy con ngựa buộc ở những xe súng máy cũng phải rùng mình phì hơi một cách hoảng hốt.

Xê-rê-đa lừ đừ quay mặt lại:

– Hơn nhau chẳng phải ở cái đẹp trai, mà ở cái sọ này. – Xê-rê-đa đập tay lên trán như ra hiệu chỉ cái đầu to – Đấy nhớ, lưỡi cậu cay như ớt thế mà cậu cứ vẫn là một thằng hết sức khờ. Với lại cậu có đôi tai lạnh như tiền nữa.

Hai chiến sĩ chực xông vào vật nhau, nhưng đồng chí tiểu đội trưởng Ta-ta-ri-nốp đã can ngay:

– Này, này, các cậu ơi, vặc nhau làm gì! Thôi để Pa-ven nó đọc sách cho mà nghe còn hơn.

– Phải đấy ! Đọc đi Pa-ven ạ! – Tiếng hưởng ứng nhao nhao lên.

Pa-ven kéo cái yên ngựa lại gần ánh lửa, ngồi cưỡi lên yên, mở trên đầu gối cuốn sách khổ nhỏ song khá dày.

– Báo cáo các đồng chí, cuốn truyện này tên là Ruồi trâu. Đồng chí chính ủy tiểu đoàn cho tôi mượn đấy. Cuốn truyện rất thấm thía đối với tôi. Các đồng chí ngồi yên đừng đùa, tôi đọc cho mà nghe.

– Thôi đọc đi, nhanh lên. Chẳng ai phá đám đâu.

Khi đồng chí trung đoàn trưởng Pu-dư-rếp-ski cùng đồng chí ủy viên quân sự Đô-rê-nin đi ngựa, lẳng lặng đến gần đống lửa, thì trông thấy mười một cặp mắt châu châu vào một chiến sĩ đang đọc to quyển truyện.

Pu-dư-rếp-ski quay đầu lại phía đồng chí chính ủy viên lấy tay chỉ nhóm người:

– Đây là một nửa số anh em quân báo của trung đoàn, trong đó có bốn thanh niên cộng sản, ít tuổi lắm, song mỗi cậu đều bằng một chiến sĩ cừ. Anh trông cậu đang đọc truyện, và cậu kia nữa có cặp mắt y như cặp mắt của con sói con, đấy là Ca-rơ-sa- ghin và Giác-ki. Hai cậu bé thân với nhau lắm, nhưng cũng ganh ngầm với nhau lắm. Trước kia thì Pa-ven là một tay quân báo giỏi nhất của tôi. Giờ có Giác- ki là tay địch thủ khá lợi hại của cậu ta. Anh trông kìa, các cậu ta đang làm công tác chính trị đấy. Nhìn thì chẳng ai biết là làm công tác, nhưng tác dụng lại rất lớn. Anh em gọi họ là “Đội thanh niên cận vệ”, tên ấy thật đúng quá.

Đồng chí ủy viên quân sự hỏi:

– Đồng chí đang đọc kia có phải là chính trị viên đội quân báo không?

– Không. Chính trị viên là Cơ-ra-me.

Trung đoàn trưởng cho ngựa bước lên. Đồng chí cất giọng nói to:

– Chào các đồng chí!

Mọi người quay lại. Trung đoàn trưởng nhẹ nhàng xuống ngựa, đi lại gần các chiến sĩ đang ngồi.

– Các đồng chí ngồi sưởi đấy à? – Trung đoàn trưởng hỏi, nụ cười rộng rãi ở trên môi. Trên khuôn mặt cứng cỏi của đồng chí với đôi mắt bé hơi giống mặt người Mông Cổ, vẻ nghiêm khắc đã biến đi.

Các đồng chí niềm nở đón đồng chí chỉ huy như một người đồng đội hiền từ, như một người bạn thân. Đồng chí ủy viên quân sự vẫn ngồi trên ngựa định đi tiếp sang đơn vị khác.

Pu-dư-rếp-ski kéo bao súng Mô-de ra phía sau, rồi lại ngồi cạnh Pa-ven và nói:

– Mời các đồng chí, ta hút một điếu thuốc. Tôi có thuốc lá hút cũng tạm được.

Châm thuốc xong, trung đoàn trưởng quay ra nói với đồng chí ủy viên quân sự:

– Đồng chí cứ về trước đi, đồng chí Đô-rê-nin ạ. Tôi ở lại chơi với anh em một lát. Nếu ở bộ tham mưu cần đến tôi, đồng chí tin cho tôi biết nhé.

Khi Đô rê-nin đã đi khỏi, Pu-dư-rếp-ski quay lại bảo Pa-ven:

– Chú đọc tiếp đi, tôi cũng nghe với.

Đọc xong những trang cuối, Pa-ven đặt sách lên gối và bâng khuâng nhìn chăm chăm vào ngọn lửa, nghĩ ngợi.

Trong mấy phút đồng hồ, không ai nói một lời. Tất cả mọi người đều xúc động vì cái chết của “Ruồi trâu”.

Pu-dư-rếp-ski hút một hơi thuốc lá, chờ đợi anh em lên tiếng.

Lời phát biểu của Xê-rê-đa phá tan cái không khí yên lặng.

– Câu chuyện bi thảm thật. Ai mà tưởng có được những con người bản lĩnh như thế trên đời này. Một người thường không thể chịu được cực hình đến độ ấy Nhưng khi người ấy đã vì lý tưởng mà chiến đấu thì nhất định giữ vững được tinh thần.

Giọng Xê-rê-đa hết sức xúc động. Câu chuyện làm anh cảm xúc sâu xa.

An-đơ-ru-sa, một người thợ học việc đóng giày vùng Bê-lai-a Xéc-cốp, bừng bừng phẫn nộ:

– Thằng ác tăng khốn nạn đó mà vớ phải tay tôi thì tôi đâm chết nó ngay tại chỗ!

An-đơ-rơ-súc lấy que củi ấn thêm chiếc cả-mèn của mình vào bếp, rồi nói bằng một giọng tin tưởng:

– Chết mà biết mình chết vì một sự nghiệp gì thì chết cũng đáng lắm. Trong trường hợp ấy anh thấy mình có đủ sức mạnh để không sợ chết. Ta sẵn sàng đi đến cái chết một cách kiên nhẫn khi ta cảm thấy có chính nghĩa ở phía ta. Chính cái đó làm con người ta trở thành anh hùng đấy. Tôi biết một đồng chí trẻ tuổi tên gọi là Pô-rai-ca. Cái hôm bọn giặc trắng thọc vào Ô-đét-xa, một mình anh ta xung phong đánh cả một trung đội chúng nó. Bọn chúng chưa kịp giở lưỡi lê đâm anh, anh đã rút lựu đạn ra, quăng ngay dưới chân mình. Người anh tan ra từng mảnh, nhưng cả bọn Ba Lan cũng tan xác. Ấy thế mà trông anh ta bề ngoài chẳng có vẻ gì đâu. Không ai viết sách nói về anh ta. Song chuyện anh ta thật đáng chép vào sách. Hàng ngũ ta có vô số đồng chí ưu tú như thế.

An-đơ-rơ-súc lấy thìa quấy cà-mèn, thè lưỡi ra nhắp ngụm trà, rồi nói tiếp:

– Cũng có cái chết như chó chết, chết đục, chết ô nhục. Bữa chúng tôi đánh nhau ở I-di-a-sláp, một thị trấn cổ, xây từ đời vua nào ngày trước trên sông Gô- rin, đấy có một nhà thờ Ba Lan, y như cái pháo đài, khó lắm. Thế mà cũng vào được tất. Quân ta hàng một trèo vào, leo lên các lối đi nhỏ ngoằn ngoèo, sườn bên phải có anh em người Lét-tô-ni kiềm chế cho rồi. Còn ta đổ ra phố lớn. Ra đến phố lớn thì trông thấy gì? Gần vườn hoa có ba con ngựa đóng yên sẵn buộc vào hàng rào.

Bọn tôi trước tình huống ấy tất nhiên bảo nhau: phen này tóm cổ bọn Ba Lan. Cả mười người hết cả vào sân. Đồng chí đại đội trưởng người Lét-tô-ni tay lăm lăm cầm khẩu Mô-de đi trước.

Vào đến nhà chính thì cửa đã mở. Bọn tôi đi vào. Tưởng tóm được bọn Ba Lan, hóa ra không phải. Trong đó có sẵn một tổ của ta. Họ vào trước chúng mình. Chẳng hay hớm gì cái chuyện đang xảy ra ở đấy. Nhà này vốn có một thằng sĩ quan Ba Lan ở. Bọn mất dạy ở tổ ấy vào đè ngay mụ vợ thằng ấy ra để cưỡng hiếp. Đồng chí chỉ huy người Lét-tô-ni của chúng mình tên là Bơ-rê-đi, trông thấy thế thét lên câu gì bằng tiếng Lét-tô-ni. Rồi cho tóm cổ ba đứa kia lôi ra sân. Hôm ấy chỉ tôi và một đồng chí nữa là người Nga, còn toàn người Lét-tô-ni cả. Họ nói gì với nhau, mình nghe không hiểu, song cũng thấy câu chuyện rõ ràng: kẻ nào phạm lỗi thì sẽ bị xử. Người Lét-tô-ni, tính thẳng, rắn chắc như đá lửa. Họ ấn ba thằng kia vào sát vách chuồng ngựa. Mình nghĩ thầm: chết, chắc là họ định bắn tan xác ba tên này đây. Trong số ba đứa đó có một tên vạm vỡ, chắc nịch cố cưỡng lại, mồm chửi rủa, văng tục lung tung. Hắn la ầm lên: ai lại nỡ vì một mụ đàn bà mà treo cổ tôi? Hai tên kia cũng van xin rối rít.

Trông thấy như thế mà ớn lạnh cả người. Mình chạy lại nói với Bơ-rê-đi: “Đồng chí đại đội trưởng, đồng chí bắn làm gì, dính vào máu chúng nó cho bẩn tay? Để đưa tòa án binh xử. Trong thành phố, chiến đấu đang tiếp tục mà ta lại đứng đây để xử tội”. Tức thì Bơ-rê-đi quay lại nhìn mình và mình thấy hối ngay là đã trót nói mất rồi. Mắt Bơ-rê-đi nhìn mình y như mắt hổ. Anh ấy gí súng vào tận miệng mình. Mình chiến đấu đã bảy năm rồi, bây giờ nói ra thật khỉ, song lúc ấy thật tình là mình hoảng thật. Mình nghĩ bụng: không khéo thì mất mạng phen này, chẳng còn nói năng gì nữa. Anh ta bảo mình bằng tiếng Nga lơ lớ, mình khó lòng mới nghe rõ, nhưng cũng hiểu ý như thế này: “Ngọn cờ của ta là máu nhuộm đỏ. Vậy mà quân chó này làm ô danh cả quân đội ta. Quân thổ phỉ phải lấy xác để đền tội”.

Mình không dám ở nán lại nữa, chạy một mạch từ sân ra đến phố thì nghe thấy tiếng súng nổ ở phía sau. Mình nghĩ thầm: thế là xong. Khi mình đi theo kịp đơn vị mình thì thành phố đã hoàn toàn về tay ta. Câu chuyện như thế đấy. Những tên ấy chết, thật chết như giống chó. Nghe đâu bọn đó trước là quân phỉ của Ma-khơ-nô, mới chạy sang theo ta ở gần Mê- li-tô-pôn. Bọn chúng chỉ là một lũ ô hợp, phức tạp.

Nói đến đây, An-đơ-rơ-súc, đặt cái cà-mèn xuống chân, tay mở túi dết lấy bánh mì ra:

– Có thể nào một đống phân bẩn như thế lại dính vào hàng ngũ chúng ta? Không sao kiểm tra hết được. Trông chúng, người ta tưởng như chúng cũng chiến đấu vì cách mạng. Thật ra, chính vì chúng mà bùn vấy cả lên mặt chúng ta. Dù sao thấy vậy cũng đau lòng. Chuyện đó cho đến bây giờ mình vẫn không quên được.

An-đơ-rơ-súc kết luận câu chuyện, rồi bắt đầu nhắp trà.

Đội quân báo kỵ binh mãi tận đêm khuya mới ngủ. Xê-rê-đa ngủ say hếch mũi lên kéo gỗ. Pu-dư-rép-ski cũng đã ngủ, đầu gối trên chiếc yên ngựa. Đồng chí chính trị viên Cơ-ra-me thì đang ghi sổ tay.

Ngày hôm sau, đi trinh sát về, Pa-ven buộc ngựa vào cây thấy đồng chí chính trị viên Cơ-ra-me vừa uống trà xong, bèn mời lại nói chuyện.

– Đồng chí chính trị viên ạ, tôi có ý định như thế này, đồng chí nghĩ có được không? Tôi định bỏ đây sang bên Quân đoàn kỵ binh thứ nhất. Bên ấy, sắp nóng sốt đến nơi rồi. Vì nhất định là họ tập trung đông người như thế chắc không phải để mà chơi. Còn ta ở đây thì cứ chết gí một chỗ. Tôi chán ngấy lắm rồi.

Cơ ra-me sửng sốt nhìn Pa-ven:

– Sao, thế nào, chú định bỏ đây chuồn đi à? Chú nghĩ thế nào? Vậy ra theo chú, Hồng quân là rạp chiếu bóng hay sao mà đòi đổi đơn vị như đổi chỗ ngồi thế? Nếu ai cũng đòi đổi đơn vị thế thì còn ra thế nào nữa?

Pa-ven ngắt lời đồng chí chính trị viên:

– Cốt sao đánh hăng là được. Ở đấy hay bên ấy cũng thế cả, không có gì quan trọng. Tôi có đào ngũ chuồn về hậu phương đâu!

Cơ-ra-me một mực can ngăn Pa-ven:

– Thế chú cho kỷ luật là cái gì? Pa-ven ạ, chú có nhiều ưu điểm, song chú phải cái tính vô chính phủ. Chú thích sao, chú làm vậy. Chú quên rằng Đảng và Đoàn thanh niên dựa vào kỷ luật sắt ư? Đảng trên hết. Đảng cần mình ở đâu thì mình phải ở đấy, chứ không phải mình muốn ở đâu thì ở. Đồng chí trung đoàn trưởng đã không cho phép chú đổi đơn vị nữa rồi phải không? Thế là quyết định rồi, không bàn gì nữa.

Cơ-ra-me người mảnh khảnh dong dỏng cao, nước da vàng nhợt, ho sù sụ vì xúc động. Bụi chì của nhà in đã ngấm sâu vào hai lá phổi, thỉnh thoảng những quầng đỏ tật bệnh của chứng lao lại hiện trên đôi má. Khi Cơ-ra-me dứt cơn ho, Pa-ven nói thấp giọng, nhưng cương quyết:

– Tất cả những điều đồng chí nói đều rất phải, song mai tôi sẽ cứ sang đoàn kỵ binh Bu-đi-on-ny, thật đấy!

Và tối hôm sau không còn bóng Pa-ven bên đống lửa trú quân nữa.

*

Ở thôn bên, trước cửa trường học trên gò cao, các chiến sĩ kỵ binh tập hợp thành một vòng lớn. Một chiến sĩ kỵ binh khỏe mạnh thuộc đơn vị Bu-đi-on- ny ngồi mé sau chiếc xe ngựa, mũ cát-két hất ra sau gáy, đang kéo rên rỉ chiếc đàn gió. Trong tay đồng chí ấy chiếc đàn kêu rú lên, nhịp điệu hỗn loạn, làm lạc cả bước chân của chiến sĩ mặc chiếc quần thủng màu đỏ đang nhảy một cách điên cuồng điệu nhảy dân gian xứ U-cơ-ren.

Trai gái trong làng tò mò kéo ra, leo lên chiếc xe ngựa và những hàng rào bên cạnh để xem những nhà vũ đạo rất liều của lữ đoàn kỵ binh vừa mới đến đóng ở làng này.

– Tốp-tan ơi! Kéo hăng lên nào! Làm một quắn nữa chứ! Cho thêm chất nóng vào đi!

Nhưng những ngón tay to lớn của anh bộ đội kéo đàn gió, chỉ quen gò móng ngựa, nên ngó ngoáy một cách khó nhọc trên phím đàn.

Anh chiến sĩ da rám nắng đang nhảy, bỗng than phiền:

– Chà, tiếc thằng Cu-láp-cơ quá. Quân thổ phỉ Ma- khơ-nô khốn kiếp đã giết chết mất cậu ấy. Cu-láp- cơ kéo đàn gió còn phải nói. Hạng nhất…Chiến đấu luôn luôn đi hàng đầu trung đội mình. Tiếc cậu ấy quá! Vừa là một chiến sĩ cừ, vừa là một tay chơi nhạc giỏi.

Pa-ven cũng đứng trong đám dự cuộc vui. Nghe mấy lời vừa rồi, anh liền len đến chiếc xe ngựa, lấy tay ấn vào hòm xếp của chiếc đàn. Tiếng đàn im bặt. Chiến sĩ kéo đàn gió quắc mắt nhìn anh:

– Cậu muốn gì?

Tốp-tan ngừng lại, không kéo nữa, làm mọi người chung quanh nhao nhao, giọng không bằng lòng nổi lên:

– Cái gì thế? Sao dừng lại thế?

Pa-ven chìa tay về phía dây kéo đàn:

– Đưa cho mình chơi một lát.

Tốp-tan nhìn người đồng đội lạ mặt với cặp mắt hoài nghi do dự, rồi gỡ dây đeo khỏi vai.

Bằng một cử chỉ quen thuộc, Pa-ven để đàn lên gối. Anh dìu dặt kéo nếp đàn lượn khúc mở ra hình cánh quạt, rồi sau từng nấc, từng nấc dồn dập, Pa- ven dạo bản nhạc với tất cả sức mạnh của chiếc đàn:

“Quả táo hồng hồngMày lăn đằng nàoLăn vào Sê-khaChẳng ra được sớm”

(Sê-kha: cơ quan đặc biệt chống phản cách mạng trong những năm đầu của chính quyền Xô-viết)

Tốp-tan cất giọng bắt ngay lấy điệu hát quen thuộc. Anh dang hai tay lên như hai cánh chim, lượn vòng tròn, hai chân đập vào nhau, tay vỗ chan chát vào ống giày vào gối, vào sau gáy, vào trán, vào đế giày và cuối cùng vào cái mồm đang hát to.

Tiếng đàn gió rung lên, kích thích, thúc giục chiến sĩ đang nhảy trong điệu hùng mạnh, hừng hực, tới tấp như những luồng gió cuồng liên tiếp. Tốp-tan bắt đầu quay tít đi như con cù đinh, vừa quay vừa nhảy một vòng tròn hết chân nó đến chân kia đá vút vào không khí, miệng hét lên đến hết hơi:

– Hích hắc! Hích hắc!

*

Ngày mồng năm tháng Sáu năm 1920, sau mấy cuộc giao chiến chớp nhoáng nhưng khốc hệt, tập đoàn quân kỵ binh thứ nhất, do Bu-đi-on-ny chỉ huy, đã chọc vỡ phòng tuyến Ba Lan ở điểm đóng giáp nhau của quân đoàn thứ hai và quân đoàn thứ tư của địch, đánh tan được lữ đoàn của tướng địch Xa-vi-ski và thừa thế tiến về hướng Ru-gin.

Bộ chỉ huy Ba Lan muốn đối phó với cuộc tiến quân đột phá ấy liền hối hả cho lập một đội xung kích. Năm xe tăng bọc sắt chở từ xe lửa tới ga Pô-gờ-rê- bích cấp tốc đến tiếp viện.

Chúng chuẩn bị đối phó ở Da-rút-nhích, nhưng kỵ binh Hồng quân đã vòng qua Da-rút-nhích, lọt vào hậu phương của các quân đoàn Ba Lan.

Chúng tung sư đoàn kỵ binh Ba Lan do tướng Coóc- nhi-ski chỉ huy ra đuổi theo vết chân tập đoàn quân kỵ binh thứ nhất của Bu-đi-on-ny. Sư đoàn kỵ binh Coóc-nhi-ski có nhiệm vụ đánh tập hậu bằng được vào cánh quân đỏ mà bộ chỉ huy Ba Lan cho là có ý định tấn công vào Ca-da-chin, điểm chiến lược trọng yếu nhất của hậu phương Ba Lan. Nhưng kế hoạch đó cũng không cứu vãn nổi tình hình nguy ngập của quân bạch vệ Ba Lan. Tuy ngày hôm sau quân Ba Lan có lấp được chỗ trận tuyến bị chọc thủng và khép được phòng tuyến sau đường đánh thọc của kỵ binh đỏ nhưng lúc đó trong lòng hậu phương của chúng, cả một đoàn quân đỏ mạnh như vũ bão đã hoành hành rồi. Tập đoàn quân này sau khi đã tiêu diệt các căn cứ hậu phương của địch, tiến lên đánh vào những lực lượng của Ba Lan đóng ở Ki-ép. Dọc đường tiến quân, các sư đoàn kỵ binh đỏ đã phá hủy các cầu và đường sắt để chặn đường rút lui của quân Ba Lan.

Theo tin tù binh khai thì tham mưu quân đoàn địch đóng ở Gi-tô-mia, nhưng thật ra ở đấy là cả bộ tham mưu mặt trận của địch. Chỉ huy tập đoàn quân kỵ binh của ta quyết định chiếm lấy những đầu mối đường xe lửa quan trọng và những trung tâm hành chính quan trọng là Gi-tô-mia và Béc-đi-sép. Và ngày mồng bảy tháng Sáu, khi trời vừa tảng sáng, sư đoàn kỵ binh thứ tư của ta đã ập đến Gi-tô-mia.

Pa-ven được bổ sung vào một trung đội kỵ binh, đi xung kích thay chân Cu-láp-cơ đã hy sinh. Cả tập thể chiến sĩ không muốn rời bỏ người kéo đàn gió cừ ấy, nên đã đề nghị thu nạp anh vào trung đội.

Đến gần Gi-tô-mia, quân ta chia làm nhiều mũi theo hình cánh quạt đánh tỏa vào. Không ai muốn ghìm vó ngựa đang phi hăng. Ánh nắng rọi vào lưỡi kiếm, bật ra muôn tia sáng óng ánh bạc.

Đất chuyển, ngựa hí, chiến sĩ rướn người trên bàn đạp. Mặt đất chạy lướt nhanh, lùi lại dưới vó ngựa. Thành phố Gi-tô-mia to lớn có những công viên xinh như chạy đến đón sư đoàn kỵ mã. Đã vượt qua những vườn hoa ngoại thành. Và giờ đây, sư đoàn ập vào trung tâm, tiếng thét “xung phong” ghê rợn như thần chết, rung chuyển không trung.

Bọn Ba Lan kinh hoàng hầu như không dám chống cự lại. Quân đóng ở đây bị tiêu diệt tan tành.

Pa-ven cúi rạp xuống bờm ngựa, phi như bay. Bên cạnh là Tốp-tan đang phi trên con ngựa đen nhánh chân thon.

Mắt Pa-ven trông thấy nhát kiếm ác liệt của chiến sĩ Tốp-tan quả cảm bổ xuống một thằng lê dương Ba Lan, tên này không kịp đưa lưỡi lê lên đỡ.

Móng sắt của vó ngựa nện siết đường phố. Rồi bất chợt, ở ngã tư, một khẩu súng máy nhô ra. Ba tên mặc binh phục xanh, đầu đội ca-lô cúi rạp trên khẩu súng, một tên nữa, cổ áo có dải vàng như con rắn, chĩa súng lục nhằm bắn những người đi ngựa.

Không ghìm được dũng mã, cả Tốp-tan lẫn Pa-ven cứ lao tới khẩu súng, đi thẳng vào nanh vuốt của thần chết. Thằng sĩ quan cầm súng lục nhằm thẳng Pa-ven. Bắn trượt… Đạn víu như chim sẻ kêu, sượt qua má. Và thằng sĩ quan địch bị ngựa xô ngã lộn nhào, đầu vập xuống đường đá. Cùng lúc ấy, những súng máy hối hả nhả đạn như bật ra những dịp cười điên cuồng ghê rợn. Như bị đàn ong bằng sắt châm đốt, Tốp-tan và ngựa bị trúng chừng chục viên đạn ngã nhào xuống cả người lẫn ngựa.

Con ngựa của Pa-ven hoảng sợ, rống lên, cất vó nhảy chồm qua xác người và ngựa của Tốp-tan, rơi vào giữa bọn giặc giữ súng máy. Mũi kiếm Pa-ven hoa lên một vòng sáng rực, xả vào một chiếc ca-lô-xanh. Lưỡi kiếm lại vung lên không, nhằm bổ vào một chiếc đầu khác. Nhưng con dũng mã đang phi hăng đã nhảy tót sang bên.

Như thác lũ tràn về cả trung đội ập đến ngã tư này, hàng chục mũi kiếm hoa lên ngang dọc trên không…

Những hành lang hẹp và dài của nhà pha Gi-tô- mia vang ầm những tiếng kêu hét.

Trong các xà-lim đầy ắp những người bị giam, mặt hốc hác, đau khổ. Ngoài phố đang đánh nhau to, có thể nào tin được là giải phóng đến nơi? Có thể nào tin được đấy là quân mình đã bất ngờ từ đâu hiện đến?

Trong sân nhà pha đã có tiếng súng nổ rồi. Dọc các hành lang, người chạy vội vã. Rồi có tiếng đột ngột nói lên thân thiết, vô cùng thân thiết.

– Ra đi, các đồng chí ơi !

Pa-ven dừng lại trước tấm cửa đóng kín. Hàng chục cặp mắt nhìn qua lỗ nhỏ. Hăng máu lên, Pa-ven dùng báng súng cố ghè khóa cửa. Ghè nữa, ghè nữa!

– Để tớ làm cho. Lấy mìn mà phá. – Mi-rô-nốp gạt Pa-ven sang bên, rồi thò tay rút quả lựu đạn trong bao ra.

Trung đội trưởng Xi-ga-sên-cơ giằng lấy quả lựu đạn:

– Dừng lại, đồ ngốc! Mày điên à? Đợi mang chìa khóa mở đến. Không bẻ được đâu, để người ta lấy khóa mở cho chúng mình.

Bọn canh ngục, có súng ta gí sau lưng, bị dẫn đến mở khóa xà-lim. Hành lang một lát đã đầy những người quần áo tả tơi, lâu ngày không được tắm rửa. Lòng họ đang vui như điên.

Pa-ven mở rộng cửa sắt, chạy vào nhà giam.

– Các đồng chí ơi! Các đồng chí đã được giải phóng rồi! Chúng tôi là chiến sĩ kỵ binh của Bu-đi-on-ny. Sư đoàn chúng tôi đã chiếm được thành phố rồi.

Một người đàn bà, nước mắt giàn giụa, ôm chầm lấy Pa-ven như ôm người nhà thân thiết, khóc nức nở.

Giải phóng bằng ấy đồng chí bôn-sê-vích của mình, đối với các chiến sĩ của sư đoàn, thật quý hơn tất cả mọi thứ chiến lợi phẩm, quý hơn cả chiến thắng. Trong những hộp bằng đá này, bọn Ba Lan trắng nhốt của ta năm ngàn bảy mươi mốt đồng chí bôn-sê-vích đang đợi ngày chúng đem đi bắn hay đi treo cổ và hai ngàn chính trị viên Hồng quân. Đối với bảy ngàn chiến sĩ cách mạng được giải phóng ấy, đêm tối không cùng vừa qua phút chốc đã chuyển ngay thành ánh sáng chan hòa của một ngày tháng Sáu tươi nắng.

Một đồng chí bị giam mặt vàng như vỏ chanh ủng, sung sướng chạy đến gặp Pa-ven. Đấy là Xa-miên Lê-khe, người thợ sắp chữ ở xưởng in Sê-pê-tốp-ca.

Nghe Xa-miên kể chuyện, mặt Pa-ven cứ xám dần. Một tấn thảm kịch đẫm máu đã xảy ra ở thị trấn quê hương. Mỗi tiếng Xa-miên nói ra rơi vào lòng anh như từng giọt sắt nung lỏng.

– Có một thằng khiêu khích khốn nạn báo, nên chúng tôi bị tóm tất cả. Cả bọn chúng tôi rơi vào tay hiến binh. Chúng nó đem ra tra tấn ngay rất dã man. Tôi bị đau ít hơn các đồng chí khác: vì bị chúng nó đánh mấy tua đầu là tôi lăn ra bất tỉnh ngay. Còn các cậu khác thì khỏe hơn tôi… Cũng chẳng có gì mà giấu chúng nó nữa. Bọn sen đầm biết mọi chuyện hơn cả chúng tôi kia. Chúng nắm được chẳng sót một tý gì.

Làm sao mà chúng không biết, khi có một thằng chó phản bội đã len được vào tổ chức. Kể đến chuyện những ngày đó thật đau lòng. Những anh chị em bị bắt, Pa-ven quen biết gần hết đấy. Va-li-a Bơ-ru- giắc, Rô-da Gơ-rít-sman, người ở quận lỵ, anh nhớ ra Rô-da chứ, một cô bé con, một nữ thanh niên mười bảy tuổi, can đảm lắm, có đôi mắt người ta cứ nhìn vào là tin ngay, rồi đến Xa-sa Bun-sáp, Pa-ven nhớ chứ, thợ sắp chữ ở chỗ chúng tôi ấy mà, một thằng bé vui tính lắm, lúc nào cũng vẽ nghịch lão chủ xưởng. Cậu ấy rồi đến hai học sinh nữa: Nô-vô-xen-ki và Tu- gít. Những người ấy Pa-ven đều biết cả. Còn những người khác là người ở quận và ở thôn ngoại ô. Hai mươi chín người tất cả, trong đó có sáu phụ nữ. Ai cũng bị đánh dã man hết sức. Va-li-a và Rô-da bị chúng hiếp ngay hôm đầu. Thôi thì quân khốn kiếp tha hồ làm nhục hai người con gái tội nghiệp. Lúc chúng nó lôi hai người về xà-lim thì đã chết dở cả. Sau lần đó, Rô-da bắt đầu nói huyên thuyên và vài hôm sau thì phát điên hẳn.

Song quân giết người không muốn tin là chị điên. Cho là giả vờ, mỗi lần hỏi cung, lại đánh chị tàn tệ. Hôm chúng đem chị đi bắn, thật nhìn mà ghê sợ. Mặt bị đánh thâm tím khắp cả, đôi mắt dữ và dại đi. Trông y như một bà lão.

Va-li-a cho đến lúc chết vẫn hiên ngang. Anh chị em đã chết ra cái chết của những chiến sĩ chân chính. Tôi không biết anh chị em đó đã lấy đâu ra sức mạnh mà dũng cảm phi thường như vậy. Pa-ven ơi! Có tài nào thuật lại được hết về cái chết của họ? Không, Pa- ven ạ. Cái chết của họ ghê gớm hơn tất cả những lời kể lại… Va-li-a nguy nhất trong bọn: chị phụ trách bắt liên lạc với cánh làm vô tuyến điện cho tham mưu Ba Lan. Chị được phái đến quận để bắt liên lạc. Chúng vào khám nhà chị thấy khẩu Bơ-rao-ninh và hai quả lựu đạn. Súng lục và lựu đạn đó chính do tên khiêu khích đã đưa cho chị. Chúng nó bày trò ra tất cả, để buộc tội chị âm mưu dùng mìn ám sát ban tham mưu.

Pa-ven ạ, tôi thật đau lòng mà kể lại những giờ phút cuối cùng của anh chị em, nhưng Pa-ven đã yêu cầu thì tôi xin kể hết. Tòa án binh của chúng đã tuyên án: Va-li-a và hai người làm việc với chị thì bị treo cổ, những đồng chí khác thì xử bắn.

Những lính Ba Lan mà chúng tôi đã vận động được bị đem ra xử trước chúng tôi hai ngày.

Đồng chí vô tuyến điện tên là Snê-guốc-cô liên lạc với Va-li-a bị buộc tội phản quốc và tuyên truyền cộng sản trong binh lính. Đồng chí người còn trẻ, đóng cai, trước chiến tranh làm thợ máy điện ở Lốt. Chúng kết tội xử bắn. Đồng chí từ chối không ký giấy chống án, và bị đem đi bắn ngay, hai mươi bốn giờ sau khi tuyên án.

Va-li-a bị gọi đến làm chứng xử vụ Snê-guốc-cô, về có kể lại là Snê-guốc-cô nhận đã tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, song cực lực phản đối án kết tội anh là phản quốc. Anh nói:

“Tổ quốc của tôi là nước Cộng hòa Xô-viết xã hội chủ nghĩa Ba Lan. Phải, tôi là đảng viên Đảng cộng sản Ba Lan, bị cưỡng ép mà đi lính. Vào lính, tôi phải tìm hết cách để mở mắt cho các bạn đồng ngũ cũng bị ép ra mặt trận như tôi. Các ông viện cớ đó muốn treo cổ tôi thì treo cổ, nhưng không bao giờ tôi phản bội Tổ quốc của tôi, không bao giờ cả. Duy có một điều: Tổ quốc của các ông và Tổ quốc của tôi không phải là một. Tổ quốc của các ông là tổ quốc của bọn vương bá. Tổ quốc của tôi là Tổ quốc của thợ thuyền và dân cày. Tổ quốc của tôi – phải, tương lai sẽ có Tổ quốc của tôi, tôi tin tưởng sâu xa điều đó. – Trong Tổ quốc của tôi, không ai nói rằng tôi là phản quốc cả”.

Bị kết án xong, chúng tôi bị giam tập trung vào một chỗ. Trước khi bị đem đi hành hình, chúng lại chuyển chúng tôi về nhà pha. Đêm trước chúng trồng cột treo cổ ngay trước nhà pha bên cạnh nhà thương. Chỗ bắn lại ở nơi khác, hơi xa đấy, bên rừng, gần con đường men theo bờ lạch. Chúng đã đào sẵn một cái huyệt chung để vùi chúng tôi.

Bản án dán khắp nơi, trong thành phố ai cũng biết. Chúng rắp tâm định hành án chúng tôi giữa ban ngày, có mặt dân, để cho nhân dân ai cũng trông thấy mà sợ. Từ sáng sớm, chúng lùa hàng phố ra chỗ cột treo cổ. Một số người vì tò mò mà kéo đến. Trông xử treo cổ ghê mắt thật, nhưng họ vẫn đến. Quần chúng vây quanh những cột treo cổ đông lắm. Nhìn đâu cũng thấy đầu người như sóng biển. Pa-ven nhớ có cái tường bao quanh nhà pha bằng gỗ cây ghép đấy nhỉ. Cột treo cổ trồng dựa lưng vào nhà pha cho nên chúng tôi nghe rõ tiếng rào rào của đám đông bên ngoài. Trên đường phố, phía sau lưng quần chúng, đã đặt sẵn súng máy, sen đầm đi ngựa và đi chân đều dồn về đây canh gác. Một tiểu đoàn bộ binh vây lấy các vườn rau và các thành phố. Chúng đã đào sẵn một hố riêng chôn những người bị treo cổ ngay bên cột treo cổ. Chúng tôi im lặng chờ đợi trong ngục, thỉnh thoảng nói với nhau vài lời. Đêm hôm trước, chúng tôi đã nói hết mọi chuyện với nhau rồi và đã gửi nhau lời vĩnh biệt. Chỉ có Rô-da đứng lẩm bẩm một mình ở góc tường. Va-li-a bị đánh, bị hiếp, kiệt sức không bước được nữa, thường phải nằm liệt một chỗ. Có hai chị em ruột, đảng viên ở thôn ngoại ô, ôm lấy nhau chào vĩnh biệt và không nén nổi, nấc lên khóc nức nở. Stê-pa-nốp, một thanh niên ở quận khỏe như đô vật, khi mới bị bắt đã choảng hai tên sen đầm bị thương, nghe khóc, lại gần hai chị ấy, nhắc đi nhắc lại: “Đừng khóc, các đồng chí! Nếu khóc ở đây để chốc nữa đừng khóc ngoài kia thì các đồng chí cứ khóc. Đừng cho đàn chó khát máu thấy chúng ta yếu lòng mà chúng phởn bụng. Thế nào thì chúng cũng chẳng thương gì chúng ta đâu, thế nào rồi cũng chết. Vì vậy phải chết cho cứng cỏi. Đừng có ai trong chúng ta được quỳ gối, cúi đầu cả. Các đồng chí nhớ lấy, chết thì phải chết cứng cỏi”.

Rồi chúng đến dẫn chúng tôi đi. Đi đầu là thằng Sơ-vác-cốp, trưởng ban phản gián trắng, một thằng cuồng dâm điên loạn, một đứa trông thấy đàn bà nếu chính nó không đè ra hiếp, thì cũng để cho lũ sen đầm hiếp ngay trước mặt để nhìn cho sướng mắt. Từ nhà ga ra đến cột treo cổ, xếp song song hai hàng rào sen đầm. Bọn “vện” đeo lon vàng ấy đứng nghiêm, gươm tuốt trần sáng loáng.

Chúng nó lấy báng súng dồn chúng tôi ra sân nhà pha, rồi bắt chúng tôi xếp hàng tư điệu ra chỗ cột treo cổ, định tâm bắt chúng tôi phải chứng kiến cái chết của đồng chí mình, trong khi chờ đợi đến lượt mình đi chết. Cột treo cổ bằng những thanh gỗ to sù, cao dựng đứng, lủng lẳng ba thòng lọng bằng thừng to bện lại. Chung quanh, biển người náo động, xì xào. Dân nhìn chúng tôi… chúng tôi nhìn dân. Mỗi người nhận ra người nhà của mình.

Xa xa, trên thềm cao, tất cả bọn quý tộc Ba Lan đã ngồi chầu sẵn, tay cầm ống nhòm. Nhiều đứa là võ quan. Chúng đến xem treo cổ người bôn-sê-vích.

Dưới chân chúng tôi, tuyết êm lắm, rừng chung quanh trắng xóa, cây cối như có bông bao phủ, hoa tuyết quay tròn rơi từ từ và tan trên da mặt nóng bừng của chúng tôi. Bệ dưới cột treo cổ cũng có tuyết. Mặc phong phanh mà chúng tôi cũng chẳng thấy rét, Stê-pa-nốp cũng không biết là chân mình chỉ đi tất không mang giày.

Tên chưởng lý tòa án binh và các sĩ quan cao cấp đứng trước cột treo cổ. Rồi chúng dẫn Va-li-a và hai người nữa bị xử treo cổ ra khỏi nhà giam. Ba người khoác tay nhau, Va-li-a đi giữa. Hai người đỡ cho chị đi, chị không còn sức nữa, cố lê bước chân, mình không áo khoác, trần một chiếc áo sợi. Chị cố đi thẳng người, có lẽ chị đang nhớ tới lời Stê-pa-nốp: “Phải chết cho cứng cỏi!” Thằng Sơ-vác-cốp trông thấy ba người tử tù khoác tay nhau mà đi thì lấy làm cáu lắm. Nó gạt hai người đàn ông đỡ chị ra. Chị cự lại nó ngay. Thế là có một thằng sen đầm đi ngựa đến quất roi da vào mặt chị, tay này mỏi hắn lại đưa roi sang tay khác quất lấy quất để.

Trong đám quần chúng có một người đàn bà rú lên, tiếng rú của một người mất trí khôn, bà ta lăn xả vào lách qua hàng rào lính, chạy đến hàng người bị xử, nhưng bà bị giữ lại và bị dẫn đi đâu không rõ. Chắc là bà mẹ chị Va-li-a. Khi ba người đến dưới chân cột treo cổ, Va-li-a cất tiếng hát. Chưa bao giờ tôi được nghe thấy một giọng hát như thế. Chỉ có một người bị xử tử, dũng cảm đi ra trước cái chết, mới hát say mê đến nhường ấy được. Va-li-a cất tiếng hát lên Bài hát của người dân thành Vác-xô-vi. Hai người cùng bị tội với chị đồng thanh hát theo. Thế là bọn sen đầm quất roi như bão táp vào mặt họ thật cực kỳ hung tợn. Nhưng họ dường như không biết đau nữa. Rồi bọn chúng đánh họ ngã lăn ra, lôi lại cột treo cổ như lôi những bì gạo. Chúng hấp ta hấp tấp đọc bản án, rồi vứt thòng lọng vào cổ họ. Thế là đến lượt chúng tôi hát lên.

Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian !…

Chúng nó tứ phía bổ lại nện chúng tôi túi bụi. Tôi chỉ còn kịp trông thấy một tên lính lấy báng súng đánh bật cọc giữ chân ra và ba thân người lủng lẳng, giãy giụa ở đầu dây thừng treo cổ.

Mười người trong bọn tôi, trong số đó có tôi được ân giảm: khi chúng tôi đã bị đứng lấp quay mặt vào tường để ăn đạn chì, thì chúng đọc cho chúng tôi nghe lệnh của tên tướng cho giảm xuống mười năm khổ sai thay vào tội xử tử. Mười bảy đồng chí kia bị bắn chết gục bên cạnh chúng tôi.

Xa-miên cởi giật cúc áo cổ dường như bị nghẹt thở, rồi kể tiếp:

– Trong ba ngày, những người bị treo cổ cứ lủng lẳng ở đấy, ngày đêm có một tiểu đội lính gác bên cột treo cổ. Anh em bị bắt vào sau cho chúng tôi biết như thế. Đến ngày thứ tư thì xác đồng chí Tô-bôn- đin nặng nhất rơi xuống. Bấy giờ, chúng mới cởi hai cái xác kia, chôn ngay tại chỗ. Còn cột treo cổ vẫn để đấy, hôm chúng dẫn bọn tôi vào đây, bọn tôi vẫn còn trông thấy. Cả cột lẫn dây thòng lọng vẫn còn nguyên để đợi những người khác bị xử tử.

Xa-miên ngừng kể, mắt nhìn chằm chằm vào một cái gì mơ hồ ở đằng xa. Câu chuyện kể hết vào lúc nào, Pa-ven cũng không để ý nữa. Trước mắt anh hiện rõ ra hình ảnh ba xác người, đong đưa, im lặng, đầu rũ về bên một cách thê thảm.

Ngoài kia, kèn gọi tập hợp. Tiếng kèn oai hùng đưa anh về với thực tại. Anh nói khẽ, tiếng bật ra trong hơi thở.

– Xa-miên ạ, chúng ta ra khỏi đây đi thôi!

Ngoài phố, tù binh Ba Lan lê bước giữa hai hàng kỵ binh của ta áp giải. Ở cửa trại giam, đồng chí chính ủy trung đoàn đứng viết nốt mệnh lệnh vào cuốn sổ tay đi trận. Đồng chí đưa mảnh giấy cho người trung đội trưởng thấp lùn:

– Danh sách tù binh đây, đồng chí An-ti-pốp cầm lấy. Lấy một tổ đi theo và áp giải họ về Nô-vô-gơ-rát.

– Vô-lưn-xki. Cho băng bó những người bị thương, rồi đặt họ nằm trên xe và cũng đưa về đấy cả. Áp giải họ chừng hai mươi dặm, sau đó để họ tự đi tiếp. Ở đây chúng ta còn bận việc khác. Song cẩn thận nhé, đừng để xảy ra chuyện gì ngược đãi đối với họ.

Pa-ven lên ngựa, quay bảo Xa-miên:

– Anh nghe rõ chứ? Chúng nó treo cổ anh chị em ta, mà chúng ta thì dẫn họ đi không được ngược đãi họ ! Không dễ như thế đâu!

Đồng chí chính ủy quay lại, nhìn vào mặt Pa-ven và đồng chí nói những tiếng gọn, rắn rỏi, như nói với chính mình:

– Ai ngược đãi tù binh giải giáp rồi sẽ bị xử bắn. Chúng ta không có như bọn bạch vệ.

Rời trại giam, Pa-ven nhớ lại những lời cuối trong bản mệnh lệnh của Hội đồng quân sự cách mạng đã đem ra đọc trước toàn thể trung đoàn:

“Đất nước của thợ thuyền và dân cày yêu mến Hồng quân của mình và lấy làm tự hào về Hồng quân. Đất nước đòi hỏi phải giữ cho lá cờ của Hồng quân trong sạch, không một vết nhơ”.

Pa-ven nhủ thầm trên môi: “Không một vết nhơ”.

*

Trong khi sư đoàn kỵ binh đỏ thứ tư chiếm lĩnh Gi-tô-mia thì lữ đoàn thứ hai mươi của sư đoàn khinh binh thứ bảy vượt sông Đơ-nhi-ép ở quãng thôn Ô- cu-nhi-nô-vô. Lữ đoàn thứ hai mươi này nhập vào binh đoàn xung kích của đồng chí Gô-li-cốp.

Đoàn này gồm có sư đoàn khinh binh 25 và lữ đoàn kỵ binh Ba-sơ-kia, nhận lệnh sau khi vượt sông Đơ- nhi-ép, thì cắt đường rút quân của địch từ Ki-ép đến Cô-rô-ten, gần ga La-sa. Do thế vận động đó mà quân Ba Lan mất đường rút lui duy nhất. Chính trong cuộc vượt sông Đơ-nhi-ép này mà Mi-sa, người thanh niên cộng sản thành Sê-pê-tốp-ca, đã hy sinh.

Lúc ấy bộ đội như đang chạy thi vượt nhanh nhịp cầu nổi rung rinh, thì có một quả đại bác, từ phía đằng kia, sau ngọn đồi, rú lên, ghê rợn, bay trên đầu các chiến sĩ rồi rơi tõm xuống nước. Mi-sa bị bắn, người lộn nhào ngay xuống dưới đáy một chiếc thuyền làm cầu. Dòng nước cuốn nuốt chửng anh đi không buông tha nữa. Chỉ có I-a-ki-men-cô, một thanh niên tóc vàng hoe, đội mũ mất lưỡi trai, kêu lên kinh ngạc:

– Cậu không trông thấy gì à? Mi-sa bị nước cuốn mất rồi. Tội nghiệp thằng bé rơi xuống đã biến mất, như bị con bò thè lưỡi liếm phăng đi ! – I-a-ki-men- cô đứng sững lại, hoảng hốt, nhìn dòng nước thăm thẳm, nhưng đoàn quân từ phía sau tiến lên xô tới, giục anh:

– Sao cậu đứng há mồm ra nhìn như thằng ngố thế ? Tiến lên đi nào!

Thời giờ không có để mà suy nghĩ về người đồng đội mất tích ấy nữa: lữ đoàn của họ đã bị các đơn vị khác chiếm xong bên hữu ngạn, bỏ rớt lại xa rồi.

Bốn ngày sau, Xéc-gây mới biết tin bạn chết. Khi đó lữ đoàn đã chiếm được ga Bu-sa và chuyển thế trận quay sang Ki-ép, chống lại những đợt tấn công ác liệt của quân Ba Lan đang tìm cách đánh thọc vào Cô-rô-ten.

I-a-ki-men-cô nằm ngay cạnh cùng hàng xạ kích với Xéc-gây. Anh ngừng nhịp bắn điên giận, đẩy quy- lát một cách khó nhọc trên nòng súng nóng bỏng, cúi đầu xuống đất, quay lại nói với Xéc-gây:

– Khẩu súng của mình nó đòi nghỉ. Ái chà nòng súng nóng như lửa!

Tiếng nổ ầm ầm át đi làm Xéc-gây chỉ thoáng nghe thấy tiếng nói của bạn. Khi tiếng súng im một lát, I-a-ki-men-cô mới báo tin qua cho Xéc-gây biết:

– Bạn cậu bị chết đuối ở Đơ-nhi-ép rồi. Lúc ấy một quả đại bác bắn tung tóe vào chúng tớ. Mình chưa kịp kêu lên, Mi-sa đã lăn tòm xuống nước rồi không thấy ngoi lên nữa.

I-a-ki-men-cô nói rồi lấy tay kéo quy-lát, móc túi dết lấy đạn ra và vội vã lắp vào súng.

*

Sư đoàn mười một tấn công vào chiếm lĩnh Béc- đi-sép vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của quân Ba Lan.

Chiến đấu gay go, máu loang các phố. Liên thanh nổ giòn chặn đường kỵ binh. Nhưng rồi thành phố cũng bị ta chiếm, tàn quân địch bỏ chạy. Trên ga, ta thu được nhiều đoàn tàu chở quân trang, quân dụng của chúng. Thiệt hại nặng nhất của địch là kho dự trữ đạn dại bác của toàn mặt trận chừng một triệu viên bị nổ tung. Các cửa kính trong phố vỡ vụn ra, nhà cửa bị tiếng nổ mạnh rung chuyển, tưởng như làm bằng giấy bồi.

Bị đánh vào Gi-tô-mia và Béc-di-sép đối với quân Ba Lan tức là bị đánh quật từ sau lưng lại, cho nên chúng vội vàng chia ngay làm hai mũi như hai dòng thác người hấp tấp chuồn khỏi Ki-ép, cố sống cố chết đánh một cách tuyệt vọng để mở đường chạy thoát vòng vây sắt của quân ta.

Pa-ven đã không còn nghĩ gì về cá nhân mình. Những ngày đang sống say sưa trong những trận xung sát ác liệt, anh hòa hẳn mình vào tập thể và cũng như mỗi người trong các chiến sĩ, anh như đã quên hẳn tiếng “tôi” chỉ còn nói tiếng “ta”: trung đoàn “ta”, trung đội “ta”, lữ đoàn “ta”.

Mà tình hình thì dồn dập, diễn biến nhanh như gió bão. Mỗi ngày đều mang đến một chuyện mới. Đoàn kỵ mã lao đến đâu cuốn phăng phăng đến đấy. Đoàn kỵ binh quang vinh của tướng Bu-đi-on- ny đánh hết trận này đến trận khác, đã làm tiêu hao, kiệt sức tất cả hậu phương của Ba Lan. Say sưa trước thắng lợi ngày càng một lớn, các sư đoàn kỵ binh đỏ hùng dũng tấn công vào Nô-vô-gơ-rát-vô-lưn-ski, trái tim của hậu phương quân địch.

Quân ta lùi lại như những đợt sóng đập vào bờ sông có đá dựng đứng, bị đẩy ra, rồi lại chồm lên với tiếng thét “xung phong” mãnh liệt.

Không gì cứu nổi quân Ba Lan nữa rồi, cả những hệ thống hàng rào dây thép gai và cuộc kháng cự liều chết cố sống của quân giữ thành này cũng chẳng ăn thua gì. Sáng hai mươi bảy tháng Sáu, quân kỵ mã của ta thúc ngựa lội qua sông Xi-lút, ập vào thành, truy kích quân địch ở phía làng Cô-rét. Cùng lúc ấy, sư đoàn bốn mươi nhăm cũng vượt qua sông này ở quãng Mi-rô-pôn, còn lữ đoàn kỵ binh Cô-tốp-ski thì đã phóng tới Lu-ba.

Vô tuyến điện của tập đoàn quân kỵ mã thứ nhất nhận được lệnh của Bộ tư lệnh mặt trận: đưa toàn bộ quân kỵ mã xung phong chiếm lấy Rốp-nô. Cuộc tấn công ồ ạt không sức gì cản nổi của các sư đoàn đỏ truy kích quân Ba Lan, làm chúng bị chia cắt tán loạn, rời rạc, mất tinh thần, cố chạy dài bán sống bán chết để tháo thân.

Một hôm, Pa-ven được lữ đoàn trưởng phái đến chỗ ga có đoàn xe bọc sắt đỗ. Tới đấy, anh được gặp một người mà anh không ngờ là có thể gặp. Con ngựa của anh nhảy tót qua bờ dốc của đường xe lửa. Pa- ven kéo cương dừng lại trước toa xe đầu sơn xám. Đoàn xe bọc sắt kiên cố ghê sợ đứng lù lù, ló những chiếc mõm đen của nòng súng giấu trong tháp pháo. Chung quanh nhiều bóng người bê bết dầu mỡ đang loay hoay ỳ ạch nâng những tấm thép nặng bọc ngoài bánh.

Gặp một chiến sĩ mặc áo da đang xách thùng nước, Pa-ven hỏi:

– Đồng chí có biết đồng chí chỉ huy đoàn tàu bọc thép này ở đâu không?

Chiến sĩ kia hất đầu chỉ về phía đầu tàu:

– Ở đằng kia kìa.

Pa-ven đi lại đầu tàu hỏi:

– Ở đây ai là đồng chí chỉ huy xin cho biết.

Một người mặc toàn đồ da từ đầu đến chân, mặt rỗ, quay lại :

– Tôi đây.

Pa-ven thò vào túi lấy ra một phong thư:

– Đây là mệnh lệnh của lữ đoàn trưởng. Đề nghị đồng chí ký nhận trên phong bì cho.

Đồng chí chỉ huy tì phong bì lên đầu gối ký tên.

Một bóng người đang cầm bình dầu lúi húi gần bánh xe giữa của đầu máy. Pa-ven chỉ nhìn thấy cái lưng rộng của người ấy và báng súng lục lòi ra ngoài túi quần da.

Đồng chí chỉ huy trao lại phong bì cho Pa-ven:

– Gửi đồng chí. Tôi đã ký nhận rồi đấy.

Pa-ven cầm dây cương ngựa định ra về. Giữa lúc đó bóng người bên đầu tàu đứng thẳng cả người lên quay lại. Thì ngay lúc ấy, Pa-ven nhảy tót xuống như thoắt có một cơn gió cuốn khỏi yên ngựa:

– Anh A-rơ-chom!

Người thợ máy khắp người nhọ nhem dầu ma-dút, đặt bình dầu xuống đất và ôm chặt lấy anh chiến sĩ Hồng quân trẻ tuổi trong cánh tay khỏe như gấu của mình.

– Pa-ven! Ra mày đấy à, hở thằng nhãi con. – A- rơ-chom kêu lên thế, mắt nhìn còn ngỡ là nhầm.

Đồng chí chỉ huy đoàn tàu nhìn cảnh đó rất lấy làm lạ. Anh em pháo thủ chung quanh cười ran cả lên:

– Trông kìa, hai anh em gặp nhau.

Ngày mười chín tháng Tám, trong trận đánh ở vùng Lơ-vốp, Pa-ven để rơi mất mũ cát-két. Vừa hãm ngựa lại nhặt mũ thì thấy trước mặt các trung đội đỏ đã đánh thọc vào hàng ngũ khinh binh Ba Lan. Lúc đó, Đê-mi-đốp phi ngựa vun vút giữa những lùm cây, vừa phi theo bờ dốc xuống sông, vừa kêu lên:

– Sư đoàn trưởng đã bị chúng giết rồi.

Pa-ven rùng mình. Đồng chí Lê-tu-nốp, người chỉ huy anh hùng của sư đoàn, người đồng chí có lòng quả cảm vô biên, người ấy đã mất rồi. Pa-ven căm giận sôi người, lấy đốc kiếm phát vào mông con ngựa Gơ-nê-đốc, ghì cương chặt, hàm thiếc siết mạnh làm mõm ngựa bật máu tươi, anh lao sâu vào lòng cơn xung sát, thét lớn:

– Chém hết đầu loài súc sinh nhơ bẩn ấy đi! Chém đi! Chém hết bọn quý tộc Ba Lan! Chúng nó đã giết mất Lê-tu-nốp rồi.

Và Pa-ven chém phập vào bóng một tên mặc binh phục xanh, anh chẳng ngoái lại nhìn kẻ bị chém đó nữa. Điên tiết lên vì căm thù trước cái chết của sư đoàn trưởng, quân kỵ mã đỏ chém chết cả một đơn vị lê-dương.

Họ xông lên đến tận cánh đồng, truy kích lũ giặc đang chạy thì vừa lúc ấy pháo binh địch bắn tới. Trái phá nổ vừa bung lên xé đứt không trung, mảnh đạn chết người bắn tung tóe.

Trước mắt Pa-ven, một ngọn lửa xanh bùng lên, lóe sáng, như chớp lòe xoẹt mạnh bên tai nghe như tiếng sấm, mảnh đạn đỏ rực cháy sém vào đầu anh. Mắt Pa-ven hoa lên, đất bắt đầu xoay như chong chóng, ghê sợ, quay cuồng, lảo đảo rồi như ngã vật xuống bên anh.

Tiếng nổ rung chuyển mạnh làm Pa-ven bắn khỏi mình ngựa nhẹ như chiếc lông. Anh lăn qua đầu con ngựa Gơ-nê-đốc, nặng nề ngã nhào ra đất.

Và anh thấy tối sầm lại.

Bình luận