Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Là Thầy Tướng Số – Tập 1

Chương 1: Tướng Số – Một Nghề Cổ Xưa

Tác giả: Dịch Chi

Khẩu quyết tướng số bí truyền

Tham giả tất bần, quân tử dĩ vi đại giới, Phật môn diệc vi ngũ giới chi thủ, cố tố “A Bảo”, cữu bất tại “tướng”, nhi tại “nhất”.(1)

— A Bảo Thiên —

Câu nói này trích từ thiên A Bảo trong cuốn Mật quyết giang hồ, nghĩa là bản chất con người vốn tham lam, tham lam ắt phạm vào đại Ngũ giới(2), do đó kẻ tham lam tất sẽ bần tiện, nên làm A Bảo là để đi lừa những kẻ tham lam đó, điều này không hề sai. Nói cách khác chính là đáng đời bọn chúng!

A Bảo là một từ tiếng lóng, nghĩa đầy đủ là kẻ dựa vào tướng số để đi lừa bịp. Tướng chỉ kẻ đi lừa bịp. Nhất chỉ người bị lừa.

Năm 1948, tôi tròn 20 tuổi, vì kế sinh nhai mà phải đi theo Tổ Gia. Tổ Gia là ông trùm lừa đảo, một kẻ lão luyện giang hồ, thủ đoạn tàn độc, người nào muốn bước vào địa bàn của ông ta, đều phải bái ông ta làm thầy, nếu không sẽ bị “cắt cổ” (giết). Giống như băng nhóm xã hội đen thời nay vậy.

Đi theo Tổ Gia sẽ được ô dù bảo vệ, nhưng tiền kiếm được phải giao nộp tất cả, không được bớt xén dù chỉ một đồng, sau đó trích phần trăm lại bao nhiêu, hoàn toàn do Tổ Gia quyết định. Đối với kẻ nào ỉm đi, Tổ Gia tất có cách trừng phạt riêng, nếu không ông không phải là Tổ Gia nữa. Tâm lý chiến của ông vô cùng lợi hại, hơn nữa còn phái người “kết thòng lọng” (giám sát), chỉ cần phát hiện kẻ nào đó ỉm tiền đi, lập tức chặt một ngón tay, tái diễn lần thứ hai sẽ “cắt cổ”.

Một khi đã bước vào nghề này rồi sẽ không bao giờ rút chân ra được, vì anh biết quá nhiều, nên anh chỉ có hai con đường hoặc là tiếp tục, hoặc là bị “cắt cổ”.

Thông thường không kẻ nào bước chân vào rồi lại muốn rút ra cả, vì thu nhập của nghề này rất cao, không bao giờ gặp mùa thất bát.

Đi theo Tổ Gia, trước tiên phải học âm dương Ngũ hành. Đây gọi là xây nền móng, tức muốn lừa đảo được, tất phải có một chút nền tảng, bằng không nếu sa chân, uy tín của Tổ Gia cũng sẽ bị ảnh hưởng. Kiến thức cơ bản được đào tạo trong vòng một tháng, trước tiên học Anh Diệu, tức tâm lý học trong thuật lừa đảo. Khẩu quyết trọng tâm của Anh Diệu đến nay tôi vẫn nhớ rõ mồn một:

Nhập môn quan lai ý, xuất ngôn mạc trù trừ;

Thiên lai vấn truy dục truy quý, truy lai vấn thiên vi thiên ưu;

Bát vấn thất, hỷ giả dục bằng thất quý, oán giả thực vi thất sầu;

Thất vấn bát, phi bát hữu sự, tất nhiên tử tức gian nan;

Sĩ tử vấn tiền đồ, sinh tôn vi cận cổ;

Điệp điệp vấn thử sự, định nhiên thử sự khuyết;

Tần tần vấn nguyên nhân, kỳ trung định hữu nhân;

Tăng đạo tòng thanh cao, bất vong lợi dục;

Miếu lang đạt sĩ, chí tại sơn lâm;

Nhất ca yêu ngận đao, nhị ca yêu phao đao, tam táo yêu khiêu tảo.

Đây đều là tiếng lóng, tôi sẽ giải nghĩa từng từ, từng câu một.

Câu thứ nhất: Nhập môn quan lai ý, xuất ngôn mạc trù trừ.

Ý là khi có người đến xem tướng số cho chính mình, hoặc giả xem cho người khác, ta không nên nói gì, phải nghe họ trình bày trước đã, họ nói càng nhiều, sẽ càng để lộ ra nhiều thông tin quý báu. Khi đó ta phải nắm đúng thời cơ, đột nhiên phán một câu lạnh lùng, đánh đúng chỗ hiểm. Nhất thiết không được chần chừ ngập ngừng, chớ úp mở không rõ ràng, nếu không đối phương sẽ cho rằng trình độ của ta còn non kém. Vậy làm thế nào để bắt được chỗ hiểm, hãy nghiền ngẫm kỹ những câu tiếp theo dưới đây.

Câu thứ hai: Thiên lai vấn truy dục truy quý, truy lai vấn thiên vi thiên ưu.

Thiên chỉ người cha, truy chỉ người con. Câu này nghĩa là: chỉ cần cha đến xem tướng số cho con, về cơ bản đều muốn biết tiền đồ của con cái mình thế nào, sau này có thể phát phú phát quý không. Phàm là bậc làm cha mẹ trong thiên hạ, ai mà chẳng hy vọng con cái thành tài, trai thành rồng, gái thành phượng, cho dù bản thân mình chỉ là con gà trụi lông. Dạng người này đến xem tướng số, một khi đã hỏi đến những vấn đề đó, hầu hết con trai hoặc con gái họ đều không có chí tiến thủ, hoặc không hề có một chút biểu hiện gì của phú quý, hoặc ngỗ ngược càn quấy. Cứ bám theo mạch này để phán đoán, đảm bảo không bao giờ sai. Nửa câu sau chính là nói hễ con cái xem tướng số cho cha mẹ, chắc chắn cha hoặc mẹ của họ sức khỏe không tốt, hoặc đang bệnh nặng, hoặc sắp quy tiên. Ngoài những điều đó ra, con cái chẳng còn vấn đề gì để hỏi liên quan đến cha mẹ mình cả. Do đó ta cứ trực tiếp phán đoán cha hoặc mẹ của họ sức khỏe có vấn đề, khẳng định không đúng không lấy tiền.

Câu thứ ba: Bát vấn thất, hỷ giả dục bằng thất quý, oán giả thực vi thất sầu.

Bát là chỉ người vợ, thất là chỉ người chồng, tức chỉ cần là vợ đến xem tiền đồ và vận thế cho chồng. Nếu người phụ nữ đến với niềm hân hoan vui mừng hiện rõ trên từng cử chỉ nét mặt, điều này chứng tỏ người chồng thời gian gần đây có thể sắp có vận quan chức hoặc vận tài lộc. Tóm lại là việc tốt. Chỉ có điều, việc tốt vẫn chưa đến, hoặc mới chỉ manh nha nảy mầm, người này thường mang tâm lý đón đầu, muốn đến xem một quẻ bói trước. Vậy ta có thể trực tiếp phán đoán rằng chồng của bà (cô) ta có phúc có lộc, sắp hành đại vận đến nơi rồi. Khỏi cần quan tâm kết quả ra sao, khi đó các bà các cô chắc chắn sẽ chớp chớp đôi mắt, mỉm cười như một chú nai ngơ ngác, vung tay thưởng hậu hĩnh cho thầy tướng số. Ngược lại, nếu người phụ nữ này đến với gương mặt lo âu, phiền muộn, chắc chắn chồng của họ gần đây hành vận kém, gặp nhiều điều xui xẻo, hoặc sắp bị mất chức, hoặc sắp phá sản, hoặc tình cảm vợ chồng bất hòa, thậm chí sắp bỏ rơi họ thì ta có thể lập tức phán đoán theo hướng hung họa, chắc chắn sẽ trúng đến tám chín phần. Sau đó đánh mạnh vào tâm lý của họ, phán rằng nếu không giải hạn, sớm muộn gì hung họa sẽ ngày càng nặng, thậm chí còn liên quan đến tính mạng. Lúc này họ sẽ ngoan ngoãn móc tiền ra. Ta lừa họ, mà họ còn vái lạy tạ ơn ta rối rít.

Câu thứ tư: Thất vấn bát, phi bát hữu sự, tất nhiên tử tức gian nan.

Câu này nghĩa là chỉ cần chồng đến xem tướng số cho vợ thì có hai khả năng xảy ra, hoặc đang nghi ngờ vợ không chung thủy, cắm sừng lên đầu mình, hoặc vợ chưa sinh được con. Ngoài những vấn đề này, chồng tuyệt đối không bao giờ đi xem tướng số cho vợ.

Câu thứ năm: Sĩ tử vấn tiền đồ, sinh tôn vi cận cổ.

Trong câu này có hai từ tiếng lóng, một là sinh tôn tức chỉ nhà buôn, người có tiền; cận chỉ còn sống, cổ chỉ đã chết. Sĩ tử là người đọc sách, sĩ tử đến chắc chắn hỏi về tiền đồ, có thể đỗ đạt cao, làm quan hay không, có thể làm rạng danh tổ tiên hay không. Kẻ lắm tiền nhiều của đến xem bói, chắc chắn để hỏi bản thân mình thọ đến năm bao nhiêu tuổi, hoặc hỏi về đường đời có tai họa, gập ghềnh gì không, vì họ là người không thiếu tiền, điều lo sợ duy nhất đó là không trường thọ. Nắm bắt được tâm lý này, tất cả đều trở nên vô cùng dễ dàng.

Câu thứ sáu: Điệp điệp vấn thử sự, định nhiên thử sự khuyết; tần tần vấn nguyên nhân, kỳ trung định hữu nhân.

Lẽ thông thường khi ai đó hỏi đi hỏi lại một sự việc, nhất định việc đó không hề tốt đẹp, không được như ý và là căn nguyên của sự việc mà họ đang lo lắng. Ở đây không có nghĩa là ta bói quá chuẩn, mà là do họ đã tự tiết lộ quá nhiều.

Câu thứ bảy: Tăng đạo tòng thanh cao, bất vong lợi dục.

Người xuất gia chân chính không bao giờ đi xem tướng số. Nếu một vị xuất gia đạo mạo trang nghiêm đến xem bói, chứng tỏ chưa dứt tâm phàm. Người này không hỏi về lợi lộc, tất sẽ hỏi về dục vọng ham muốn. Vậy thì ta cứ tâng bốc về danh lợi, về tham tâm, họ sẽ vô cùng vui sướng.

Câu thứ tám: Miếu lang đạt sĩ, trí tại sơn lâm.

Miếu lang đạt sĩ chỉ người làm quan, kẻ càng quyền cao chức trọng thì dã tâm càng lớn, càng hám lợi. Vậy thì ta cứ tán dương về công danh lợi lộc, họ càng vui mừng bao nhiêu, càng vung tay mạnh bấy nhiêu.

Câu thứ chín: Nhất ca yêu ngận đao, nhị ca yêu phao đao, tam táo yêu khiêu tảo.

Đây lại là tiếng lóng. Nhất ca chỉ kẻ khờ khạo dễ bị dắt mũi, tin tưởng tuyệt đối khi ta tuôn châu nhả ngọc, lúc này cứ rút đao mà chặt chém, chặt chém đến mức độ như Tổ Gia nói: “Đừng để họ khuynh gia bại sản là được.” Nhị ca chỉ kẻ nghi ngờ lời phán của ta, hoặc cho rằng ta bói không chính xác. Lúc này ta chớ nên hiếu chiến, tuyệt đối không được tham lam, không lấy tiền dù chỉ một đồng! Tam táo chính là chỉ người cố ý bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu, vừa đặt mông xuống đã soi mói bới móc. Gặp tình huống này, ba sáu chước chuồn là thượng sách. Những việc còn lại Tổ Gia sẽ ra tay giải quyết.

Nói đến đây, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ Tổ Gia là nhân vật vô cùng ghê gớm. Đúng vậy! Ông là người đặc biệt hào hoa, kinh luân một bụng, tướng mạo đường đường, nét mặt hiền hòa. Nếu không hiểu ông, bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng ông là một trùm lừa đảo, một kẻ chuyên đưa hối lộ, một tên giết người không gớm tay.

Tổ Gia không phải là người dễ nổi giận, chỉ có bọn “đệ tử” chân tay vụng về lóng ngóng, bản lĩnh kém cỏi mới khiến ông tức giận. Nhưng không có kiểu đánh đập, chửi mắng như bạn nghĩ, ông chỉ cần sầm nét mặt cũng đã đủ khiến cho kẻ không may nào đó sợ chết khiếp.

Tôi chứng kiến lần tức giận đáng sợ nhất của Tổ Gia là vào năm thứ hai, sau khi bước chân vào nghề tướng số, có mấy tên Bá đầu muốn bò lên đòi hưởng hương. Bá đầu là quản lý cấp hai dưới trướng Tổ Gia, “hưởng hương” tức là tạo phản. Khi đó Tổ Gia đã nổi trận lôi đình, tự tay cắt cổ chúng.

LẦN ĐẦU LÀM THẦY TƯỚNG SỐ

Lần đầu tiên tôi lơ ngơ ra đường là khoảng hai tháng sau khi bước vào nghề. Vì là lính mới, không được hành nghề trong thành nên Tổ Gia sắp xếp cho tôi ở một thôn trang ngoài thành có tên An Gia trang. Ông nói vóc dáng tôi béo mập, hai mắt lại bé, có thể giả làm người mù, như vậy đối phương sẽ có tâm lý không quá cảnh giác. Sau này tôi mới ngộ ra, căn bản lần đó chưa thể coi là vào nghề thực thụ, mà chỉ là một sự “thử tay nghề”, kém xa so với việc chỉ cần đi một vòng mà kiếm mấy trăm đồng bạc của Tổ Gia.

Tôi chống gậy trúc, lắc la lắc lư đi vào trong thôn, mấy hộ đầu tiên đều xua đuổi tôi đi chỗ khác. Mãi sau cũng có một người nói chuyện với tôi. Đó là một bà lão đang ở nhà một mình. Bà lão khoảng hơn 60 tuổi, gương mặt nhăn nheo khắc khổ. Vừa dắt tôi vào trong nhà bà vừa nói: “Đi từ từ thôi, cẩn thận, để tôi lấy cho cậu một cái ghế ngồi”.

Lúc đó trong lòng tôi xen lẫn một chút cảm giác tội lỗi vì đôi mắt của bà lão đã mờ, không còn tinh tường như tôi. Hơn nữa, bà lão còn lật đật đi rót nước cho tôi uống. Tôi thấy đôi tay của bà lão nhăn nheo, nứt nẻ, thô ráp và xù xì giống như vỏ cây vậy. Từ trong sâu thẳm, tôi bỗng nhớ đến người mẹ đã qua đời của mình. Bà chết vì bệnh phổi hồi đầu năm, đôi tay bà cũng giống y đôi tay bà lão này vậy.

Tôi bỗng thấy mủi lòng, nhưng ngay lập tức cặp mắt Tổ Gia hiện lên, liền nghĩ đến nhiệm vụ mà Bá đầu giao phó.

Bà lão bắt chuyện với giọng quan tâm: “Còn trẻ như vậy mà đi làm nghề này sao?”

Tôi trợn đôi mắt giả mù đầy lòng trắng, trả lời: “Thưa cụ, con bị mù từ nhỏ, theo sư phụ học tướng số, tuy mắt con mù, nhưng lòng con rất sáng.”

Bà lão nói: “Đúng vậy! Đúng vậy! Con của ta giỏi lắm.”

Tôi nói: “Dạ, con chẳng có bản lĩnh gì ngoài biết xem bói. Thưa cụ, cụ xem tướng cho ai? Xem cho cụ ư?”

Bà lão nói: “Không, ta đến tuổi gần đất xa trời rồi, xem bói phỏng có ích gì. Nhờ cậu xem giúp cho con trai ta một quẻ, xem xem hai năm này vận hạn nó thế nào? Có trắc trở, gặp tai họa gì không?”

Lời nói của bà lão để lộ ra cho tôi biết rằng gần đây con trai bà chắc chắn vận hạn không tốt. Hơn nữa khi nói chuyện, giọng bà lão rõ ràng đang run rẩy.

Tôi nói: “Thưa cụ! Vậy lệnh lang nhà ta sinh vào giờ, ngày, tháng, năm nào?”

Thực ra đây cũng chỉ là diễn kịch mà thôi, còn nói thế nào, phán ra sao tất cả đều đã chuẩn bị trước cả.

Sau khi bà lão cho tôi biết Bát tự(3) của cậu con trai, tôi bắt đầu bấm đốt ngón tay tính toán, liếc đôi mắt giả mù đang trợn lên trắng dã. Tôi thấy bà lão đang lo lắng chờ đợi.

“Thưa cụ, lệnh lang mệnh Thủy, hai năm nay phạm vào Thái tuế, mọi việc không được thông thuận cho lắm.” Nói xong, tôi chờ xem phản ứng của bà lão như thế nào. Theo quy luật, về căn bản câu trả lời là câu khẳng định, nếu là câu phủ định cũng chẳng sao, tôi nói là “hai năm nay”, cũng có thể bao gồm năm nay, mà giờ mới là đầu năm, nếu bà lão phủ định, tôi sẽ nói đợi đến cuối năm mới ứng vận.

Kết quả không nằm ngoài dự liệu, bà lão thảng thốt nói: “Đúng vậy.”

Tôi lập tức tiếp lời: “Thưa cụ! Lệnh lang nhà ta là một người rất hiếu thuận.”

Câu nói này chắc chắn đánh trúng tâm lý bậc làm cha mẹ trong thiên hạ. Vì cha mẹ thương yêu con cái mười phần, dù con cái báo đáp lại chỉ một phần thì trong mắt người làm cha mẹ, người con đó rất hiếu thuận, trong lòng vô cùng mãn nguyện. Hơn nữa trên thế gian, những đứa con nghịch tử chỉ chiếm số ít, nếu con trai bà lão là kẻ bất trung bất hiếu thì bà lão sẽ không lo lắng như vậy, càng không bao giờ có ý định xem tướng số cho anh ta.

Bà lão rưng rưng đôi mắt đã mờ đục nói: “Đúng vậy, nó hiếu thuận lắm, dáng người dong dỏng cao và rất khỏe mạnh.”

Tôi nhìn đôi mắt mờ đục ngấn lệ của bà lão rồi nói tiếp: “Trong hai năm này, con trai cụ phạm vào sao Tẩu Mã.”

Bà lão lập tức hỏi dồn: “Là sao gì vậy?”

Tôi hắng giọng trả lời: “Là sao Tẩu Mã, tức chủ về bôn tẩu khắp nơi, vừa vất vả vừa khổ cực.” Vào thời đó, vì mưu sinh, ai mà không phải bôn tẩu ngược xuôi chứ.

Bà lão nước mắt lã chã rơi nói: “Đúng vậy, năm ngoái nó bị sung quân, đến nay vẫn không có tin tức gì, chẳng biết sống chết ra sao.”

Nhìn bà lão đau khổ khóc than, tôi bỗng dưng khóc nấc theo. Tôi không biết mình khóc vì điều gì, vì thương cảm bà lão hay thương cảm chính bản thân mình nữa!

Bà lão nhìn thấy tôi khóc liền vội vàng lấy chiếc khăn tay cáu bẩn vừa lau nước mắt cho tôi, vừa nói: “Con trai à, đừng khóc! Nín đi con!”

Tôi nói: “Thưa cụ, con khóc thương thay cho số phận, cảnh ngộ của cụ.”

Bà lão vỗ về tôi: “Con trai ngoan, con trai ngoan của ta.”

Tôi nói: “Hiện con trai cụ đang ở vào thời điểm khó khăn và vô cùng nguy hiểm.”

Bà lão hốt hoảng hỏi: “Sao cơ, nó vẫn còn sống chứ?”

Tôi nói: “Sống thì vẫn sống, nhưng gặp rất nhiều nguy hiểm. Cụ cũng biết đấy, chiến tranh mà, mũi tên hòn đạn lại không có mắt, chúng có kiêng nể một ai đâu. Vận hạn này của lệnh lang nhất định phải giải, không giải e rằng không thể trở về được nữa!”

Bà lão vô cùng hoảng sợ, mặt mày biến sắc: “Mau phá giải đi, mà phá giải bằng cách nào?”

Tôi nói: “Cụ lấy một miếng vải đỏ, bên trên viết tên tuổi của lệnh lang. Đúng 12 giờ đêm, cụ buộc miếng vải này lên một cây hòe cổ thụ, rồi khấn: ‘Cây hòe ơi, con trai ta nhận ngươi là mẹ nuôi, hãy bảo vệ nó khỏi hiểm nguy, đừng để nó bị thương gì.’ Sau đó khấu đầu ba cái, rồi về nhà đem miếng vải đỏ phủ lên trên một cái ổ gà là được. Cụ phải nhớ kỹ nhé.” Khi nói đến lễ giải hạn, thầy tướng số càng nói sinh động bao nhiêu, càng mang lại cảm giác chân thật bấy nhiêu. Mánh khóe nhận cây hòe làm mẹ nuôi, nhận gàu tát nước là cha nuôi, thường được các nhà tướng số sử dụng.

Bà lão nói: “Làm thế sẽ bảo vệ con trai ta tai qua nạn khỏi chứ?”

Tôi nói: “Cụ à! Cách làm này chỉ mang tính chất tạm thời mà thôi. Vì trên chiến trường, lệnh lang giết quá nhiều người, hồn ma của những người này thường hiện về đòi mạng.”

Nỗi lo sợ lại hiện rõ trên gương mặt bà lão: “Vậy phải làm thế nào?”

Tôi nói: “Làm việc thiện, thật nhiều việc thiện, giúp lệnh lang, ở hiền gặp lành.”

Bà lão gật đầu nói: “Đúng! Đúng! Con nói rất đúng! Vậy ta phải giúp con trai ta như thế nào?”

Tôi trả lời: “Cụ giúp lệnh lang quyên một chút tiền nhang đèn, con sẽ giúp cụ cung tiến vào chùa. Hơn nữa con đã tiết lộ thiên cơ, nên con cũng phải quyên góp chút đỉnh. Quyên góp xong mọi việc sẽ tai qua nạn khỏi, muộn nhất là mùa xuân sang năm lệnh lang nhà ta sẽ trở về!”

Bà lão nhoẻn miệng cười tươi, vui vẻ quày quả đi vào nhà, một lúc lâu sau cầm hai tờ Pháp tệ(4) quay ra. Nhưng hiện nay tình trạng lạm phát đã ở mức báo động, đồng tiền ngày càng mất giá, hai tờ Pháp tệ của bà lão chẳng đáng giá một xu.

Tôi nói: “Cụ à, loại tiền này của cụ hiện không còn tiêu được nữa rồi. Rất nhiều nơi từ lâu đã không còn dùng đến nữa, con chẳng thể nào giúp cụ cung tiến tiền nhang đèn. Hơn nữa, chúng ta không thể lừa Phật Tổ.”

Bà lão ngại ngùng nói: “Ở đây ta vẫn còn mấy xu tiền đồng.”

Tuân theo lời dạy của Tổ Gia, đồng bạc trắng và tiền đồng đều có thể lấy được, Quốc dân Đảng có cải cách thế nào đi chăng nữa đều không ảnh hưởng đến giá trị tiền kim loại.

Tôi nhận mấy đồng từ tay bà lão, vẻn vẹn chỉ có ba xu, tôi nói: “Cụ à, nếu quả thực chỉ có ngần này thôi cũng tạm gọi là có, quan trọng là lòng thành. Con vất vả giúp cụ đi một phen vậy.”

Bà lão vội vàng nói: “Không được, không được, đợi ta một chút con trai, ta vẫn còn mấy thước vải để dành.” Bà lão lật đật chạy vào trong nhà lật tung một hồi, lôi ra được một mảnh vải thô nhuộm màu xanh nhạt tận đáy một chiếc hòm mà ở nông thôn thường dùng để may vỏ chăn.

Tôi nói: “Ai da, như này là quá tốt rồi. Vậy con xin phép mang đi quyên giúp cụ.”

Bà lão vô cùng vui vẻ, luôn miệng nói: “Vất vả cho con quá, vất vả cho con quá!”

Nói xong bà lão còn đưa tôi ra tận cổng, nói với theo: “Con trai, đi đường cẩn thận nhé, đầu thôn có một cái giếng đó.”

Tôi trả lời: “Con biết rồi, thưa cụ.”

Tôi dò dẫm chống gậy trúc, giả mù tìm đường ra khỏi thôn, vừa đi vừa khóc.

Lần đầu tiên hành nghề thu hoạch không nhiều. Ngoại trừ hai tờ Pháp tệ chẳng đáng giá một cắc, còn lại là mấy thước vải thô và ba xu tiền đồng.

Nhưng so với hai tay mới khác cũng vẫn còn hơn chán. Một tên chẳng kiếm chác được gì, còn bị người ta đánh mắng cho một trận tơi tả. Còn tên kia, sợ Tổ Gia và Bá đầu trách phạt, liền ăn trộm cái búa sắt đóng cọc trong vườn hạnh nhân của một nhà ở đầu thôn, về giao nộp.

Tổ Gia nói: “Chúng ta là ‘tướng’, không phải là kẻ trộm cắp. Không kiếm được gì thì quay về tay không, tuyệt đối không được làm những việc trộm gà trộm chó.”

Lời Tổ Gia khiến kẻ trộm cắp kia sợ hãi quỳ mọp xuống, luôn mồm nhận lỗi.

Tổ Gia nói: “Không phải lỗi của ngươi.”

“Nhị Bá đầu!” Tổ Gia gọi. Nhị Bá đầu lập tức khúm núm chạy lại quỳ xuống thưa: “Tổ Gia!”

Tổ Gia quát to: “Tay chân của ngươi, ngươi phải có trách nhiệm dẫn dắt dạy bảo cho tốt chứ!” Nhị Bá đầu sợ hãi mồ hôi vã ra như tắm.

Mỗi khi hành nghề trở về, các Bá đầu đều phải báo cáo tường tận. Một là kiểm tra người của mình, hai là tránh va chạm địa bàn. Mỗi Bá đầu đều phải ghi chép rõ ràng, nhưng không được sai lệch với con số của Tổ Gia.

Tổ Gia là người có con mắt quan sát vô cùng tỉ mỉ, sau khi đường hội giải tán, ông kêu một mình tôi ở lại.

Tổ Gia nói: “Ngươi quá mềm yếu.”

Tôi nghĩ: “Sao mà ông ta biết được?”

Tổ Gia tiếp tục: “Ngươi đã khóc.”

Tôi vội vàng trả lời: “Thưa vâng! Vì hoàn cảnh bà lão thật đáng thương.”

Tổ Gia nghiêm giọng: “Đáng thương? Ngươi thấy ta có đáng thương không?”

Tôi ngây người ra nhìn Tổ Gia, không hiểu ông nói như vậy là có ý gì.

Tổ Gia nói: “Ta còn đáng thương hơn! Mỗi ngày có đến cả chục khẩu súng dí vào đầu ta, chỉ cần sơ sảy là mất mạng!”

Tổ Gia nói không sai. Để có thể hành nghề ở đây, việc đầu tiên cần làm đó là tạo mối quan hệ tốt với nhân vật quan trọng của cả hai phái Hắc ‒ Bạch. Hàng tháng tiến cống tốn kém cũng không ít, nhất là khi thay cũ tuyển mới, phải tăng gấp đôi.

Những nhân vật của hai phái Hắc ‒ Bạch này không chỉ đứng ra bảo kê cho ta, mà khi cần thiết còn có thể giúp ta dàn cục(5). Chỉ cần dúi vào tay họ một số lợi lộc, đến ngay cả việc bán rẻ cha mẹ những nhân vật này cũng dám làm. Quan viên Quốc dân Đảng, ông chủ bến Thượng Hải, thậm chí đến cả chủ ý của Tống Mỹ Linh họ cũng dám động đến. Dàn cục nhỏ có thể được thực hiện ngay khi đó, còn dàn cục lớn có khi phải cần đến vài ba tháng, hoặc đến vài năm, nhưng đổi lại thu hoạch từ những trận dàn cục lớn lại vô cùng hấp dẫn. Hoàn thành một vố lớn, thường đủ để cả đường hội tiêu xài thoải mái trong vài năm.

TRUYỀN KỲ ĐƯỜNG KHẨU(6)

Dàn cục mang lại thu hoạch lớn nhưng tính mạo hiểm cũng cao. Vì những người này không phải mấy chú nai ngơ ngác, mà đều là những con cáo già thành tinh. Muốn biến họ thành “nhất” là điều không hề dễ dàng. Đôi lúc dàn cục còn bị sơ hở, tức có kẻ “phản đồ”, hoặc kẻ bị lừa trở thành kẻ đi lừa lại.

Thông thường lúc này phải có kẻ bị chết, còn ai chết thì phải xem tình hình cụ thể.

Đã đi theo Tổ Gia coi như phó thác chuyện sinh tử của bản thân cho ông. Nếu sợ chết ư? Theo như lời Tổ Gia nói: “Sợ chết thì về nhà chăn lợn cho rồi.” Nghề A Bảo này vô cùng nguy hiểm, nhưng đổi lại thu nhập không hề nhỏ, nhìn đám Bá đầu bên cạnh Tổ Gia mà xem, ai mà chẳng từng kinh qua trăm trận, vượt qua tử lộ chứ.

Đầu tiên là phải nói đến Đại Bá đầu. Đó là sát thủ hạng nhất của Đường khẩu. Từ giết người, đốt nhà đến bắt chó, mổ lợn đều do hắn ta đảm nhiệm. Đại Bá đầu là người đi theo Tổ Gia lâu nhất, mặt mũi bặm trợn, thân hình béo mập, đầu cạo nhẵn thín. Chỉ cần tóc hơi dài một chút là cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Do đó, cách vài ngày, Đại Bá đầu cạo trọc một lần, nên đầu lúc nào cũng nhẵn bóng. Mỗi lần họp đường hội, đầu lúc nào cũng lấm tấm mồ hôi, người cứ như bốc hỏa vậy.

Tổ Gia thu nạp Đại Bá đầu về dưới trướng của mình vào năm Dân Quốc thứ 13(7), tức là năm thứ hai sau khi lên quản lý Đường khẩu. Trước khi về dưới trướng Tổ Gia, Đại Bá đầu là một tay đồ tể cho một lò mổ ở đầu phố. Một hôm sau khi xong việc, chủ lò mổ cho anh ta hai cân(8) thịt hun khói, không ngờ trên đường về, gặp bọn lưu manh đòi giao nộp hai cân thịt. Hắn ta không chịu, bọn chúng vẫn quyết tâm cướp bằng được. Kết quả đã chọc giận Đại Bá đầu. Trên thực tế, đánh nhau không hề giống như miêu tả trong tiểu thuyết võ hiệp, nào là ra chiêu này, đánh chiêu kia. Thật ra, khi đã lao vào nhau rồi, vớ được cái gì là dùng cái đó, cái gì khả dĩ chiến đấu được đều được tận dụng tối đa. Đầu tiên, Đại Bá đầu túm lấy cổ một tên, vặn một cái, tiếp đến chọc mù mắt một tên khác, còn nhe răng cắn người ta và cuối cùng vớ được một viên gạch, đập vỡ đầu một tên khác. Kết quả, Đại Bá đầu bị xử tử hình.

Khi đó, vụ án này truyền đi rất nhanh. Tổ Gia sau khi biết tin, nhận thấy người này có thể thu nạp được, sau này sẽ là cánh tay đắc lực cho mình. Vì thế, ông đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua bằng được mạng sống anh ta về làm việc cho mình. Tổ Gia quả thực là người có con mắt tinh đời, Đại Bá đầu quả đúng không phụ sự kỳ vọng của Tổ Gia. Sau khi ra nhập Đường khẩu, rất nhiều lần anh ta xả thân liều mạng vì Tổ Gia. Những lần bọn Hắc bang đến quấy rối gây chuyện, chỉ trong chớp mắt, tay Đại Bá đầu lăm lăm cây đao, dẫn theo toán người, hùng hổ xông lên trước và lúc nào cũng là người xung trận đầu tiên! Trên thế gian này có loại người chỉ cần nhìn thấy máu là vô cùng phấn khích, Đại Bá đầu chính là loại người ấy. Từ bấy đến nay, cùng với Nhị Bá đầu, họ là đội cận vệ trung thành của Tổ Gia.

Nếu Đại Bá đầu là người nhìn thấy máu là phấn khích thì Nhị Bá đầu thuộc loại người nhìn thấy người chết là vô cùng kích động.

Tên tuổi của Nhị Bá đầu gắn liền với một truyền kỳ. 15 tuổi đã theo Tổ Gia. Đó là vào năm 1928, đúng vào trước đêm cuộc chiến Bắc phạt lần thứ hai nổ ra, rất nhiều vùng ở Giang Nam lan truyền lời đồn đại đáng sợ về “yêu nữ nhiếp hồn”. Lời đồn đại này xuất phát từ Nam Kinh: nghe nói một cậu bé đang chơi đùa với đám bạn ở đầu phố. Lúc này, có một người phụ nữ đi đến, xoa đầu cậu bé mấy cái, sau đó quay lưng bỏ đi. Ngay lập tức cậu bé này mặt mày trắng bệch, tứ chi cứng đờ, hai mắt đờ dại và bị á khẩu, từ đó trở thành người như bị bắt mất hồn vậy.

Lời đồn đại đã nhanh chóng lan truyền khắp thành Nam Kinh, sau còn lan truyền đến các vùng xung quanh. Điều đó khiến nhiều bậc cha mẹ lo sợ con cái họ bị yêu phụ bắt mất hồn, liền bện những sợi dây màu đỏ đeo lên người hoặc nhét lá đào vào túi bọn trẻ để tránh tà. Sau lại có thêm lời đồn đại rằng con yêu phụ đó không tha cả người lớn. Vậy là cả người lớn cũng thi nhau thắt lên người dải dây lưng màu đỏ. Thậm chí có người còn dùng cả miếng vải mà người phụ nữ dùng trong thời kỳ kinh nguyệt, cắt thành từng miếng nhỏ, đặt vào tất cả các túi trên người. Họ sợ con yêu nữ bắt hồn của mình đi mất.

Tổ Gia lợi dụng cơ hội này. Chiêu trừ yêu gọi hồn về đã giúp ông kiếm được một khoản lớn. Một hôm, ông đang đi trên phố thì có một đứa trẻ nhắm mắt nhắm mũi từ phía trước chạy lại, đâm sầm vào Tổ Gia. Thoạt nhìn, Tổ Gia đã biết đây là một tên trộm có nghề. Ông liền túm chặt cánh tay tên trộm, bẻ quặt ra sau rồi nói: “Tí tuổi đầu mà đã làm cái nghề này. Cẩn thận! Kẻo ta giao cho yêu nữ bắt hồn của ngươi đi.”

Thằng bé vênh mặt ngang ngạnh: “Tôi không sợ.”

Tổ Gia nhìn một lượt từ đầu đến chân thằng bé, trên người không hề có sợi dây đỏ nào, mỉm cười nói: “Nhà ngươi không sợ chết ư?”

Thằng bé trả lời: “Chỉ có ma mới tin.”

Cậu bé này khiến Tổ Gia ngạc nhiên pha lẫn thích thú, ông hỏi: “Tại sao ngươi lại đi ăn cắp tiền?”

“Đói!” Thằng bé nghênh mặt lên trả lời cộc lốc.

Tổ Gia thả tay cậu bé ra, rồi vỗ nhẹ lên đầu nó: “Đi theo ta.”

Thằng bé hỏi: “Làm gì vậy? Đưa tôi đến chỗ yêu phụ sao?”

Tổ Gia vừa khoát tay gọi nó đi vừa nói: “Đi ăn cơm!”

Tổ Gia dừng lại trước quán hoành thánh trên phố, mua cho thằng bé một bát. Nó không khách sáo, loáng một cái đã sạch bát. Ông lại gọi thêm một bát nữa, nó cũng đánh vèo một cái rồi đặt cái bát trống không xuống. Tổ Gia mỉm cười: “Ngươi có thể ăn được mấy bát nữa?”

Thằng bé trả lời: “Ông mua được bao nhiêu, tôi ăn bấy nhiêu.”

Tổ Gia vẫy tay gọi chủ quán, nói: “Này! Ông chủ, cho thêm mười bát nữa!”

Thằng bé nới lỏng dải lưng quần, bê bát lên miệng húp xoàn xoạt, đánh một lèo hai mươi bát. Tổ Gia mỉm gật gù cười, biết rằng đây sẽ là một nhân tài đắc dụng.

Sau này, Tổ Gia được biết, bố mẹ đứa trẻ này mất sớm. 8 tuổi đã phải lang thang đầu đường xó chợ. Ông liền lập tức thu nạp, đào tạo làm việc cho mình. Vài năm sau, thằng bé đó trở thành Nhị Bá đầu danh tiếng lẫy lừng trong giới A Bảo. Con mắt tinh đời thể hiện ở chỗ ông có thể nhìn qua là thấy sở trường của một con người. Với Nhị Bá đầu, thứ mà con mắt tinh đời của ông nhìn thấy chính là lòng can đảm.

Khi mới đi theo Tổ Gia, Nhị Bá đầu rất ương ngạnh, không thích bị quản thúc, để uốn nắn gò ép một tên ăn cắp vặt, tính cách tùy tiện đã trở thành thói quen ở đầu đường xó chợ thành một A Bảo tuyệt đối tuân thủ quy tắc là một việc không hề dễ dàng. Không ít lần Tổ Gia phải dùng đến biện pháp roi vọt, nhưng có đánh nó cũng cứ giương mắt lên không hề khóc, giống như người bị đánh không phải là nó vậy.

Cuối cùng Tổ Gia nói: “Ngươi đi đi!” Khi đó nó mới bắt đầu chịu thua. Rời khỏi Tổ Gia đồng nghĩa với việc nó không còn cơm để ăn, không còn nhà để ở. Sau đó Nhị Bá đầu dần phục tùng, Tổ Gia là người lọc lõi giang hồ, thông minh hơn nó gấp vạn lần. Mỗi lần nó chuẩn bị mở mồm là ông biết nó muốn nói gì.

Cái gan của Nhị Bá đầu rất lớn, bất cứ việc gì cũng dám làm. Nhất là thuật Trát phi, không những vậy còn có tài thi triển đến mức hết sức điêu luyện. Trát phi là tiếng lóng của giới A Bảo, nghĩa là giả thần giả quỷ. Dân tình càng mê tín bao nhiêu, Trát phi càng có đất tung hoành bấy nhiêu.

Trước khi Trát phi một cách chính thức, Tổ Gia từng có ý thử sự gan lỳ của Nhị Bá đầu.

Tổ Gia nói với hắn: “Ngươi nói không sợ ma quỷ phải không? Ta nghe nói trong ngôi miếu hoang, trên một cái gò bên ngoài thành ba dặm có một tên ăn mày vừa chết đói, đêm nay ngươi đi lột quần áo của hắn mang về đây cho ta.”

Nhị Bá đầu nói: “Việc này có gì khó đâu? Hơn nữa không phải là con chưa từng làm việc đại loại như thế này. Trước đây có lần bị lạnh, con còn lột cả áo liệm của người mới được chôn để mặc ấy chứ.” Nói xong Nhị Bá đầu liền quay người định đi ngay.

Tổ Gia nói: “Đợi đã. Ta nghe nói, người bị chết đói, sau khi chết đi đều biến thành quỷ đói, giờ Tý nửa đêm còn biết mở miệng. Nếu ngươi cho nó đồ ăn, nó còn có thể ăn được. Không biết là thật hay giả? Khi đi ngươi mang theo một bát cơm, bón cho cái xác tên ăn mày đó, xem xem nó có biết mở miệng thật hay không.”

Nhị Bá đầu cười nói: “Thật vớ vẩn, làm gì có chuyện hoang đường đó chứ!”

Đến đêm, ánh trăng mờ mờ ảo ảo giống như dát một lớp bạc lên tòa thành cổ. Nhị Bá đầu đeo lủng lẳng bát cơm được bọc bằng một miếng vải ở thắt lưng đạp lên ánh trăng mà bước tới.

Đó là một ngôi miếu Sơn thần bị bỏ hoang từ lâu, cánh cửa ọp ẹp lỗ chỗ vài vết thủng, Nhị Bá đầu phải đi mất một canh giờ mới tới. Xung quanh một màu đen đặc quánh tĩnh mịch, đâu đó thỉnh thoảng vẳng lại vài tiếng dế kêu.

Nhị Bá đầu định thần một lát, rồi nhẹ nhàng đẩy cửa miếu. Nhưng bản lề cửa bị hỏng từ lâu, nên phải dùng sức đẩy mạnh một cái, cánh cửa kêu lên một tiếng kẽo kẹt rồi mới từ từ mở ra. Một mùi tử khí xộc thẳng vào mũi. Con người sau khi chết trên người bốc ra một mùi đặc biệt, thường được gọi là tử khí. Loại mùi này cứ ngòn ngọt lại tanh tanh, bay đi rất xa, do đó luôn dẫn dụ lũ quạ đen tìm đến.

Nhị Bá đầu lần mò trong bóng tối, cuối cùng cũng tìm được thi thể người ăn mày đó. Nhờ ánh trăng rọi qua khe cửa miếu, Nhị Bá đầu liền bắt đầu lột quần áo của cái xác. Bỗng nhiên Nhị Bá đầu nhớ đến bát cơm mang theo, liền nhanh nhẹn đặt xuống đất, mở miếng vải bọc bát cơm ra, sau đó dùng tay bốc một nắm cơm nhét vào miệng thi thể, rồi lẩm bẩm: “Ngươi ăn được mới là lạ.”

Không ngờ thi thể đó bỗng từ từ mở miệng, còn phát ra tiếng nấc. Nhị Bá đầu nghĩ chắc mình bị hoa mắt, chớp mắt liên tục rồi nhìn lại. Quả đúng là miệng đã mở ra thật. Nhị Bá đầu tay run run bốc cơm nhét vào miệng thi thể. Cái thi thể đó chầm chậm nuốt miếng cơm xuống. Nhị Bá đầu đờ người ra, tóc gáy dựng ngược, mắt trợn trừng nhìn thi thể nhai hết bát cơm, rồi phát ra tiếng lục cục nuốt xuống, nuốt xong thì ợ lên một tiếng rồi lại mở miệng ra. Nhị Bá đầu như kẻ bị điên nói: “Cút mẹ mày đi!” Sau đó đập thẳng cái bát vào mặt thi thể! Bỗng nhiên cái thi thể bật ngồi dậy kêu gầm gừ. Nhị Bá đầu co cẳng chạy thẳng một mạch về thành.

Tổ Gia đang ngồi đợi, nhìn thấy Nhị Bá đầu mồ hôi đầm đìa trở về liền hỏi: “Quần áo đâu?”

Nhị Bá đầu thở hổn hển nói: “Hỏng rồi, hỏng rồi… Quả đúng thật… ăn rồi… ăn thật rồi…”

Tổ Gia cười lớn, nói: “Nó ăn được thì ngươi bón cho nó ăn. Tên ăn mày đó chết vì đói, ngươi cho nó ăn cũng là tích chút công đức.”

Nhị Bá đầu nói: “Quái lạ! Con thấy nó há mồm ăn, con liền đập cái bát vào mặt nó thì nó lại ngồi bật dậy…”

Tổ Gia sững người: “Ngươi đánh vào mặt nó sao?”

Nhị Bá đầu trả lời: “Vâng, đánh xong là chạy.”

Tổ Gia nói: “Ngươi đợi ở đây.”

Nhị Bá đầu hỏi lại: “Đợi cái gì?”

Tổ Gia trả lời: “Một lát nữa ngươi sẽ biết.”

Khoảng nửa canh giờ sau, Đại Bá đầu từ ngoài bước vào, mặt mũi đầy máu, Nhị Bá đầu kinh ngạc hỏi: “Đại sư huynh, huynh làm sao thế?”

Đại Bá đầu đùng đùng nổi giận: “Còn hỏi sao! Mẹ kiếp nhà ngươi ra tay độc ác quá!”

Tổ Gia cười nói: “Mau đi rửa mặt, chữa trị vết thương đi.”

Đây thực chất là một trò do Tổ Gia bày ra. Tên ăn mày bị chết đói đó chính là do Tổ Gia sai Đại Bá đầu đóng giả. Người ăn mày bị chết đã được chuyển đi nơi khác. Ngờ đâu Nhị Bá đầu bị kích động, tức giận đập thẳng cái bát vào mặt Đại Bá đầu. Từ đó, trên mặt Đại Bá đầu có một vết sẹo to, còn Tổ Gia lại càng hài lòng về Nhị Bá đầu.

So với Đại Bá đầu và Nhị Bá đầu, Tam Bá đầu được xem là A Bảo kiểu văn nhân hào hoa phong nhã. Thiên văn, Địa lý, Âm dương, Bát quái không có thứ nào không biết, hơn nữa còn thuộc nằm lòng Luận ngữ, Mạnh Tử, xuất khẩu thành thơ, tài văn hoa mỹ… Kẻ tỏ vẻ đạo mạo trang nghiêm, sói đội lốt người thế này mới đáng sợ nhất.

Tam Bá đầu đi theo Tổ Gia từ năm 1930, trước đó là tên bói toán lừa đảo ở quê, nhưng cũng là người hiểu chút đạo lý, có nhiều sở trường đặc biệt. Một hôm anh ta vào thành hành nghề, đã lấn sang địa bàn của Tổ Gia, lại còn dám treo biển mở sạp xem tướng số. Khi đó Đại Bá đầu có ý kiến muốn xử anh ta ngay, nhưng Tổ Gia đã nói: “Để xem thế nào đã.”

Mấy tên chân tay mà Tổ Gia cử đi để thăm dò trình độ của Tam Bá đầu trở về báo cáo rằng: tên tiểu tử này ra chiêu vô cùng đẹp mà gọn gàng, người dân bị anh ta lừa trắng trợn mà vẫn luôn miệng cảm ơn rối rít.

Tổ Gia quyết định đích thân đến sạp của anh ta. Ấn tượng đầu tiên là một tên tiểu tử ngoài 20 tuổi, dáng vẻ thư sinh, mặc áo dài văn nhân, rất có phong độ, miệng lưỡi xem quẻ thao thao bất tuyệt. Tổ Gia cố ý để lộ một vài sơ hở, để anh ta ra chiêu. Anh ta còn hí hửng cho rằng hôm nay bắt được một con gà, lại càng ra sức thao thao bất tuyệt chuyện trên trời dưới biển. Tổ Gia ngồi nghe gật gù liên lục ra điều vô cùng đắc ý. Cuối cùng, ông trả cho mấy đồng bạc, nói: “Ta hôm nay ra ngoài không mang nhiều tiền, ngươi theo ta về nhà lấy, nhân tiện xem giúp và điều hòa phong thủy cho nhà ta. Nhất định ta sẽ hậu tạ.”

Tam Bá đầu vội vàng thu dọn đồ đạc, trong bụng vui như mở cờ đi theo Tổ Gia về nhà. Kết quả không cần đoán cũng biết, vừa bước chân vào cửa liền bị mấy người trói gô lại, Đại Bá đầu tặng cho một cái bạt tai: “Mẹ kiếp! Tên tiểu tử nhà người, không biết chọn chỗ mà đại tiện.”

Tam Bá đầu mắt nổ đom đóm, nhưng vẫn rất tỉnh táo, không chịu thừa nhận mình là kẻ lừa đảo, nhăn nhó nói: “Tiên sinh, thế này là cớ làm sao? Tiểu nhân chỉ là một người xem bói bình thường, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà đến đây, không biết đã mạo phạm đến ngài!”

Nhị Bá đầu đứng bên cạnh không nhịn được, lao lên đạp cho anh ta một cái, sau đó vỗ bốp vào gáy của Tam Bá đầu quát: “Còn vờ vịt nữa hả? Vẫn cố giả ngây ngô với ông mày à?”

Tam Bá đầu nước mắt lưng tròng: “Xin lão gia tha mạng, tiểu nhân chỉ là một thầy bói. Nếu bói không đúng thì xin hoàn lại tiền. Cầu xin lão gia đừng đánh nữa, tiểu nhân trên còn có mẹ già 70 tuổi, dưới còn có con nhỏ mới lên 3.”

Nhị Bá đầu đưa mắt ra hiệu, Đại Bá đầu lập tức rút con dao mổ lợn giắt ở thắt lưng ra rồi đi đến trước mặt Tam Bá đầu: “Để ta cắt cái lưỡi đi xem ngươi có còn ra vẻ được nữa không.”

Tam Bá đầu vừa khóc vừa van xin Tổ Gia: “Đại lão gia, ngài nói đi chứ, tiểu nhân xem bói cho ngài không đúng ư? Vừa rồi chẳng phải rất đúng sao? Lão gia!”

Tổ Gia vẫy tay, Đại Bá đầu thu dao lại đứng sang một bên. Tổ Gia đi đến trước mặt hắn, giơ ngón tay cái lên và nói: “Người anh em, ngươi quả là có tính niệu nhi!”(9)

Tam Bá đầu hốt hoảng nói: “Niệu gì ạ, lão gia?”

Tổ Gia gật đầu nói: “Nhân tài.”

Tam Bá đầu vẫn giả ngây giả ngô: “Lão gia, ngài nói tiểu nhân ư? Tiểu nhân chỉ là một thầy bói…”

Tổ Gia giơ tay một cái, một chiếc phi trâm bắn ra, đâm xuyên qua tai trái của Tam Bá đầu, một miếng thịt trên vành tai rớt xuống, Tam Bá đầu đau đớn thét váng lên: “Lão gia! Tiểu nhân nói. Tiểu nhân xin nói.”

Tổ Gia quát to: “Miết hiệu nhi?”

“Tiết Gia Nhân.”

“Oa bính?”

“Huyện Bái Từ Châu.”

“Đại Sư bá?”

“Đỉnh thủy phong tử.”

“Kham tải?”

“Uông.”

“Phách đảng phủ?”

“Không dám.”

Đại Bá đầu và Nhị Bá đầu vô cùng thán phục, quả không hổ danh Tổ Gia, chỉ vài chiêu đã trị được tên tiểu tử ngoa ngoắt này. Cuộc hội thoại trên đều là tiếng lóng của giới A Bảo. Miết hiệu nhi là hỏi tên thật là gì. Oa bính tức hỏi người vùng nào. Đại Sư bá là hỏi thủ lĩnh là ai. Đỉnh thủy phong tử tức không có bè đảng, vì gây án mà phải trốn chui trốn nhủi. Kham tải là hỏi đã hành nghề được mấy năm rồi. Uông nghĩa là số 3. Phách đảng phủ là hỏi có phải đã từng giết người.

Tổ Gia đánh giá cao tài ăn nói và cái gan của Tam Bá đầu. Nhất là cái cách giả ngây giả ngô, có đánh chết cũng không chịu thừa nhận, càng khiến ông cảm thấy người này sẽ trợ thủ đắc lực cho mình, vì thế mỉm cười nói: “Hãy đi theo ta.”

Trước đó khi nghe Tổ Gia hỏi những câu tiếng lóng, Tam Bá đầu hiểu rằng, đây là người trong nghề, hơn nữa còn là một cao thủ. Mấy năm nay, anh ta luôn đơn độc tác chiến, tuy có thể giải quyết vấn đề cơm ăn áo mặc, nhưng vẫn luôn bất đắc chí, không có người chống lưng, nên chẳng dám đánh quả lớn, giờ cũng tìm được chốn nương thân. Tam Bá đầu quyết đi theo Tổ Gia là như vậy. Đương nhiên, khi đó anh ta chưa phải là Tam Bá đầu, sau này lão tam của Đường khẩu mắc bệnh qua đời, mới được cất nhắc lên chức ấy.

So với ba vị Bá đầu, Tứ Bá đầu luôn mang lại cho người khác cảm giác buồn não nuột. Tuy anh ta rất kiệm lời, nhưng lại là “Quân sư kỹ thuật” của cả Đường khẩu, theo cách gọi hiện đại chính là “Nhân tài khoa học”. Trước khi dàn cục, đặc biệt là dàn cục Trát phi lớn, đạo cụ đều do anh ta chuẩn bị. Anh ta có thể dùng chu sa(10) và phốt-pho vàng, trộn theo tỷ lệ nhất định, rồi dùng các loại hóa chất vẽ bùa chú, khiến cho nó có thể phát ra ánh sáng trong bóng tối; dùng phèn chua kết hợp với thuốc nước đặc biệt, rồi dùng hỗn hợp này để viết chữ lên giấy. Sau khi viết xong, chữ tự nhiên sẽ tự biến mất, chỉ khi hơ qua lửa cho đến khi tờ giấy bị ám muội đen thì chữ mới xuất hiện. Nghe mọi người nói, Tứ Bá đầu là do Tổ Gia chiêu mộ được từ tay người Nhật, rồi đích thân đào tạo với tư cách là người nối nghiệp. Hơn nữa, ông còn đứng ra làm mối tìm cho Tứ Bá đầu một nữ A Bảo thần thông quảng đại, dung mạo xinh đẹp làm vợ. Việc này thật khiến kẻ khác ước ao. Tiếc rằng nhân tính không bằng trời tính, sau này xảy ra biết bao biến cố, Tứ Bá đầu bị một cú sốc tinh thần quá lớn. Từ đó, tinh thần trở nên sa sút, chán nản.

Cũng giống như Tam Bá đầu, Ngũ Bá đầu thuộc dạng A Bảo có học thức. Nghe nói anh ta tinh thông phong thủy, diện tướng, thiên tượng. Không biết thông hiểu thật hay giả? Dù sao sau khi tôi bước vào nghề, có một vài lần tận mắt chứng kiến anh ta đứng trên đỉnh núi, ngửa mặt lên trời, trông rất nhập thần. Bản lĩnh lớn nhất của anh ta chính là có thể vẽ một cách chuẩn xác long mạch của cả thiên hạ. Trước mỗi lần dàn cục phong thủy, Tổ Gia hỏi đến đâu, anh ta đều có thể trả lời vanh vách đâu ra đó. Anh ta đặt nền tảng lý luận vững chắc trong mỗi lần dàn cục phong thủy cho Đường khẩu.

Lục Bá đầu, gọi là Phong Tử Thủ. Phong Tử là tiếng lóng, có nghĩa là ngựa, nghe nói biệt hiệu này do Tổ Gia tặng cho. Bởi anh ta rất giỏi khinh công, chuyên đảm trách là người liên lạc, quan hệ với giới Hắc đạo và những công việc nghiên cứu đường đi nước bước trước khi dàn cục. Anh ta giống như một con ngựa chạy không biết mệt mỏi, cho nên mới có biệt danh này.

Phong Tử Thủ công phu cao cường, sở trường là khinh công và Tông hạc quyền. Khinh công không phải thần kỳ giống như trong truyền thuyết. “Nhảy một bước ba bốn dặm, cách mặt đất bốn năm trượng” chỉ có Tôn Ngộ Không mới làm được. Phàm là vật hay người đều có trọng lượng, tất phải chịu lực hấp dẫn của Trái Đất. Khinh công kỳ thực là so với người bình thường có đôi chân nhanh nhẹn, chạy nhanh, leo cây trèo tường thoăn thoắt. Cách tập luyện thông thường là đeo túi cát vào chân, sau đó hàng ngày kiên trì chạy bộ hoặc tập nhảy từ dưới một cái hố lên. Trong quá trình tập luyện tăng dần trọng lượng của túi cát, từ đó sức bật của họ ngày một tăng cao, khổ luyện như vậy trong vòng vài năm. Một khi bỏ túi cát đeo ở chân đi, đôi chân như được giải phóng gánh nặng, chạy nhanh như cưỡi gió và có cảm giác toàn bộ cơ thể như lướt nhẹ. Trong 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm có phần ghi chép phương pháp luyện môn khinh công này.

Khinh công của Phong Tử Thủ quả thực rất ư lợi hại. Tường cao hơn hai trượng, giậm chân chạy đà, mũi chân lướt trên mặt tường, tay bám chặt lên tường, hai chân đạp mạnh, thoắt một cái là vượt qua được. Ngoài ra, anh ta vận dụng vô cùng biến hóa Tông Hạc quyền gia truyền, cộng thêm sự dũng mãnh của Hồng quyền. Tổ Gia thường nói: “Phong Tử Thủ là một kỳ tài võ học.”

Phong Tử Thủ sinh vào năm Dân Quốc thứ mười (1921). Thúc phụ của anh ta là Vương Á Tiều, một nhân vật cốt cán của Phủ Đầu bang (bang búa rìu). Nghe Nhị Bá đầu nói, Phong Tử Thủ theo Tổ Gia khi mới 14 tuổi. Tổ Gia chiêu mộ anh ta chính là muốn lợi dụng mối quan hệ xã hội sau lưng anh ta.

Người cuối cùng là Thất Bá đầu, cũng có một biệt hiệu riêng là Tiên Nhân Thủ. Gia nhập Đường khẩu muộn, là người có tư cách và sự từng trải kém nhất trong nhóm Bá đầu. Trước đây anh ta là thủ hạ của Nhị Bá đầu, lòng dạ nham hiểm, thủ đoạn độc ác, kỹ thuật Trát phi cao siêu. Năm 1948 trước khi tôi vào nghề, anh ta vừa được Nhị Bá đầu tiến cử làm Thất Bá đầu của Đường khẩu. Tiên Nhân Thủ lúc nào cũng lấm la lấm lét, mặt mày gian xảo. Khi nhìn người khác, cặp mắt luôn đảo đi đảo lại liên tục.

Những Bá đầu này đều rất lợi hại, thuộc hạng xuất sắc. Nhưng chớ quên rằng, bọn họ đều cúi đầu nghe theo Tổ Gia. Thế cũng đủ hiểu Tổ Gia lợi hại đến thế nào rồi.

TÂM LÝ HỌC TƯỚNG SỐ

Tôi gia nhập Đường khẩu vào thời điểm mưa gió bão bùng. Vì khi đó Quốc – Cộng giao chiến, việc làm ăn của các Đại Đường khẩu chẳng dễ dàng gì. Đặc biệt ở khu giải phóng, rất nhiều Đường khẩu đều giải thể. A Bảo ở phương Bắc bắt đầu chuyển địa bàn xuống phương Nam hành nghề kiếm cơm. Vì vấn đề này, Tổ Gia đã mấy lần triệu tập Đường hội, nhằm ứng phó với cục diện ngày một hỗn loạn.

Người mới vào nghề cần phải có người cũ dẫn dắt. Đội ngũ A Bảo có quy định vô cùng nghiêm ngặt, từ cao xuống thấp lần lượt là Đại học sĩ, Bảng nhãn, Thám hoa, Hàn lâm, Tiến sĩ, Cử nhân… Đại học sĩ là thủ lĩnh cao nhất của một địa bàn, danh xưng đối ngoại gọi là Đại Sư bá. Tổ Gia cũng chính là Đại Sư bá. Danh xưng này chính là một tiêu chí về thân phận và địa vị. Người trong nghề thoạt nghe ít nhiều phải nể mặt vài phần. A Bảo ở những địa bàn khác nhau đụng mặt trên giang hồ, nếu không rõ vai vế thì kẻ ít tuổi thường gọi bậc bề trên nhiều tuổi là Đại Sư bá, biểu thị sự tôn trọng. Đẳng cấp thứ hai là Bảng nhãn, hay còn gọi là Bá đầu.

Trước đây, trong giới A Bảo đầu tiên phải đi lên từ bậc sơ cấp Tú tài và cần phải có Cử nhân dẫn dắt. Nhưng sau Cách mạng Tân Hợi (1949), hệ thống A Bảo chia năm xẻ bảy, rất nhiều quy tắc bị thay đổi. Tổ Gia hủy bỏ đẳng cấp huynh đệ trong Đường khẩu của mình. Ngoại trừ Đại Sư bá và Bá đầu, tất cả những người còn lại đều là tay chân cấp dưới, không còn phân đẳng cấp cụ thể nữa. Đây là một phương pháp quản lý của Tổ Gia.

Bọn tay chân sau khi gia nhập hội, đều phải đi theo một Bá đầu, còn đi theo ai là do Bá đầu chọn. Mỗi Bá đầu đều có tuyệt kỹ của riêng mình, họ sẽ xem bạn có thể đào tạo được không, có thích hợp làm việc với họ không. Ví dụ, Đại Bá đầu là một sát thủ, nếu tay mới là kẻ bạo gan hiếu sát, anh ta nhất định sẽ thu nạp dưới trướng. Còn Nhị Bá đầu có sở trường là Trát phi, nếu là người có tài thiên bẩm giả thần giả quỷ, anh ta tất sẽ lựa chọn người đó. Tam Bá đầu là người có chân tài thực học, nếu anh không đọc sách, không biết chữ, không hiểu Tứ thư, Ngũ kinh, chắc chắn sẽ không cần anh. Những Bá đầu khác cũng như vậy, đều chọn người để đào tạo.

Khi đó bảy Bá đầu quan sát người mới liên tục trong mấy ngày. Mọi người đều có nơi có chốn, riêng tôi chẳng có ai chọn và không ai đồng ý dẫn dắt tôi.

Cuối cùng Tổ Gia chỉ vào tôi và cười hỏi: “Không có ai chọn cậu ta sao?”

Tất cả Bá đầu đều không ai lên tiếng. Một lúc sau, Nhị Bá đầu ngáp dài một cái, xoa xoa cái đầu rồi nói to: “Theo ta đi!”

Kỳ thực, tôi không muốn đi theo Nhị Bá đầu. Anh ta không giống với người bình thường, chỉ có chín ngón tay. Mỗi lần nhìn thấy chỗ ngón út bị cụt nhẵn bóng là tôi cảm thấy rùng mình.

Tuy trong lòng nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn vội vàng quỳ xuống, khấu đầu nói: “Đa tạ Nhị gia.”

Sau đó, Nhị Bá đầu nói: “Trông bộ dạng nhà ngươi vừa xấu vừa đần, chẳng trách những Bá đầu khác đều không muốn chọn, nhưng ta thấy Tổ Gia rất thích ngươi. Trong đám mới vào nghề này, chỉ có ngươi là ít bị Tổ Gia mắng nhất. Kể cũng lạ, Nhị gia ta cũng thấy thích nhà ngươi đấy.”

Qua một khoảng thời gian rèn luyện cọ xát, những người mới như chúng tôi bắt đầu được học Lục tự chân ngôn(11). Đây là cảnh giới chí cao của tâm lý học lừa đảo, do đích thân Tổ Gia truyền thụ.

Lục tự chân ngôn là: thẩm, xao, đả, thiên, long, mại.

Tức là:

Tiên thẩm hậu xao, cấp đả mạn thiên

Long mại tề thi, xao đả bính dụng

Thập thiên cửu hưởng, thập long cửu thành

Tiên thiên hậu vãng, vô vãng bất lợi

Hữu thiên vô long, đế thọ chi tài

Lục tự chân ngôn này có nguồn gốc từ thiên Anh Diệu trong cuốn Mật quyết giang hồ. A Bảo hành nghề chủ yếu dựa vào sáu chữ này. Nếu có thể vận dụng Lục tự chân ngôn này đến mức xuất quỷ nhập thần thì đó là một thiên tài, đánh đâu thắng đó.

Nói một cách đơn giản, Thẩm chính là thẩm tra phán đoán, bao gồm y phục, khí chất, phong thái của đối phương. Phú quý hay bần tiện đều thể hiện từ đó ra cả. Thoạt nhìn là có thể nhận định được đẳng cấp, thứ bậc của một người. Ý nghĩa thứ hai của Thẩm là lắng nghe đối phương nói. Họ nói càng nhiều, thông tin tiết lộ cũng càng nhiều.

Xao nghĩa là thăm dò, vừa thăm dò, vừa đánh theo một gậy, thăm dò nhưng không được để lộ sơ hở. Xao là nền tảng của Thẩm, nếu thăm dò một câu chính xác, có thể dùng chữ Đả để hạ màn. Còn nếu hai lần đều không chính xác, thì sẽ vô cùng nguy hiểm, giống như vạch cỏ tìm rắn vậy, không khéo sẽ bị rắn cắn lại. Khi rơi vào trường hợp vạch cỏ tìm rắn, thông thường A Bảo sẽ phải vứt dao (tức rút êm).

Đả là suy đoán một cách kiên định. Đả hay là phải nhanh, xuất khẩu câu nào, mỗi chữ trong ấy đều phải tựa như tiếng kim ngân. Cao hơn nữa, ý nghĩa của Đả chính là đập tan ý chí của đối phương. Vì ta Xao chuẩn xác nên họ sẽ tuyệt đối tin vào lời nói của ta. Vậy nên với người bình thường, ta nói sắp tới họ gặp vận xấu; với quan chức, ta nói họ sắp mất chức; với thương nhân, nói sắp phá sản; với người phụ nữ có nỗi niềm chất chứa, nói họ sắp bị bỏ rơi. Như vậy là Đả thủng hoàn toàn phòng tuyến tâm lý của đối phương.

Thiên là lừa người. Có thể xuất chiêu lừa ngay tại trận, cũng có thể thông qua cách thức sắp đặt dàn cục. Thiên được dung hòa trong năm chữ kia, hoặc ở sự chậm rãi. Xuất Thiên không được nóng vội, nếu không sẽ lộ sơ hở, do đó mới có câu cấp Đả, mạn Thiên.

Long là vỗ về an ủi, nói những điều đối phương thích nghe, mang lại cho họ một tia hy vọng. Vì ta đã Đả họ nên họ rất sợ hãi, tâm tư rơi xuống cùng cực. Lúc này, ta phải Long họ một chút, cho họ biết dù sao vẫn còn hy vọng. Nếu họ làm theo lời nói của ta thì có thể biến nguy thành an, gặp hung hóa cát. Sau đó lại tiếp tục Long một chút, nói với họ rằng nếu vượt qua giai đoạn gập ghềnh này, sẽ đại phú đại quý, thọ đến trăm tuổi. Đương nhiên họ vô cùng vui mừng. Đả đối ứng với Long, trước tiên làm cho tuyệt vọng, sau đó lại gieo hy vọng, cuối cùng đối phương sẽ hoàn toàn bị trói chặt.

Thực chất Đả và Long đều là thủ đoạn của Thiên, không thể tách rời nhau. Nếu chỉ có Đả Thiên thì dù có ra chiêu lừa đẹp thế nào chăng nữa cũng vô dụng. Vì đối phương đã rơi vào tuyệt vọng, nghĩ rằng dù sao đó chính là số mệnh của mình, đành chấp nhận vậy nên có nói thế nào họ cũng không mắc câu nữa. Do đó nói: “Hữu Thiên vô Long, đế thọ chi tài”. Đế thọ là tiếng lóng, nghĩa là phạm phải sai lầm ngớ ngẩn.

Cuối cùng là chữ Mại, một cảnh giới viết văn, vẽ tranh tự nhiên phóng khoáng. Lúc này ta nói gì, đối phương liền nghe theo vậy. Hàm nghĩa thứ hai của nó là đã đến thời điểm thu tiền rồi. Mục đích cuối cùng đều là những thỏi ngân lượng sáng lóa của đối phương đang chìm trong mê muội, do đó có bán chác gì cũng phải bán sạch sẽ, gọn gàng.

Khi Tổ Gia truyền thụ khẩu quyết, ông kết hợp lý luận với thực tiễn, giảng một cách tường tận kinh nghiệm của chính bản thân, cộng thêm những dẫn chứng sinh động.

Lục tự chân ngôn này nói thì dễ, nhưng thực sự để thông hiểu tất cả được nó lại rất khó. Nếu đã vận dụng đủ sáu chữ, mà đối phương vẫn chưa thực sự tin tưởng hoặc vẫn tỏ thái độ xem xem thế nào đã, thì vẫn còn một chiêu cuối cùng, đó là xuất sát.

Tiền đề của xuất sát là đối phương như một con gà béo, vẫn còn chút hoài nghi, không hoàn toàn tin vào ta, thái độ và lời nói cũng không thực sự rõ ràng.

Vậy, thế nào là xuất sát? Suy cho cùng cũng một khâu của Thiên. Ví dụ, ta nói họ gần đây sẽ gặp “họa đổ máu”, họ nửa tin nửa ngờ. Ta muốn giải hạn cho họ, họ không đồng ý. Cuối cùng họ chỉ trả cho ta một ít tiền, mà không cắn câu bỏ khoản tiền lớn để giải hạn, lúc này ta có thể thỉnh thị Tổ Gia xuất sát.

Tổ Gia sẽ phái một vài tay chân đi theo người đó, tìm hiểu cuộc sống thường ngày của đối phương, khoảng vài ba tháng sau, tìm mấy tên lưu manh cố ý kiếm cớ va chạm, đánh cho mặt mũi bầm dập. Ngày hôm sau người đó nhất định sẽ ngoan ngoãn quay lại, nói: “Đại sư, ứng nghiệm rồi, ứng nghiệm rồi! Thật hối hận vì ban đầu đã không nghe theo ngài!”

Hoặc ta xem tướng số cho một ông chủ lớn và phán rằng sắp tới sẽ gặp họa. Ông ta không tin thì Tổ Gia sẽ cho người đến phóng hỏa hậu viện nhà ông ta, không đầy mấy ngày sau, ông ta sẽ ngoan ngoãn quay lại giải hạn.

Sau khi vào nghề được ba năm, tôi leo được lên vị trí Bá đầu. Tổ Gia nói: “Người có lương tâm mới có thể làm Bá đầu”. Ông nói cái tâm của tôi không hoàn toàn mất hết, tương lai có thể thay vị trí của ông.

Khó có thể khái quát tính cách của Tổ Gia chỉ bằng một vài câu đơn giản. Khi hung tính nổi lên, ông sẵn sàng ra tay giết người không chớp mắt, nhưng khi lòng từ tâm xuất hiện, ông lại giống như một vị Bồ Tát.

Thường ngày, Tổ Gia đều giúp đỡ người nghèo, ông không phải giúp đỡ theo kiểu làm cho có, qua loa đại khái, mà giúp đỡ một cách thực sự. Tôi cũng không biết ông làm như vậy có phải vì sám hối lương tâm hay để chuộc tội trong tâm hồn.

Tổ Gia nói, cảnh giới tối cao của A Bảo là chỉ lừa kẻ ác, kẻ xấu, như bà lão mà lần đầu tiên tôi hành nghề, không phải là đối tượng của A Bảo. Đó chỉ là lần luyện tay nghề, mà cũng có thể gọi là luyện cái tâm, dám lừa cả người lương thiện thì cũng dám lừa cả kẻ ác.

Kỳ thực, trong lòng tôi luôn cầu nguyện cho bà lão đó. Ông trời có mắt, mùa xuân năm sau, con trai bà lão bỗng nhiên trở về thật và khi đó cả nước cũng nhanh chóng được giải phóng. Sau này, Tổ Gia cho tôi quay lại nhà bà lão, kín đáo bỏ rất nhiều tiền trong sân nhà. Khi đó, tôi cảm thấy mình đã tìm lại được chính bản thân mình.

Làm A Bảo hiếm khi có được giấc ngủ trọn vẹn, thường xuyên bị tỉnh giấc trong cơn mơ. Có khi tỉnh giấc vì cười lớn, có khi tỉnh giấc vì sợ hãi. Khi rảnh rỗi không có việc gì làm, mọi thường người tụ tập uống rượu, vào lầu xanh. Nhưng có một quy định, các A Bảo muốn chơi thì ra ngoài chơi, có thể chơi hết mình, nhưng không được phép xuất hiện tại địa bàn hành nghề.

Bình thường A Bảo hành nghề với phong thái trang trọng, đạo đức mẫu mực, đặc biệt là các Bá đầu. Nơi hành nghề của họ đều ở những nơi đông đúc sầm uất như cổng thành, phố thị… Hàng ngày, họ ngồi ở đó với tư thế đạo mạo đường hoàng, nếu bị người khác bắt gặp ở chốn ăn chơi trụy lạc, đại họa tất sẽ rơi xuống đầu.

Khi ra ngoài ăn chơi, hoặc nhiều hoặc ít đều phải hóa trang. Điều này không hề khó đối với A Bảo. Mỗi người đều có vài bộ trang phục, mấy bộ râu tóc giả bởi lẽ đã đi lừa đảo tất phải hóa trang.

Đi chơi thì có thể, nhưng không được phép tẩu phong, tức là trực tiếp hành nghề ở bên ngoài, hoặc gia nhập giới A Bảo ở nơi khác. Đây là điều đại kỵ. Trong hơn 20 năm Tổ Gia cai quản Đường khẩu, chưa từng xảy ra tẩu phong một lần nào.

Có một tay chân ăn chơi bên ngoài, bị mắc bệnh hoa liễu, cuối cùng toàn thân phát bệnh mà chết. Trước khi chết, có ý nguyện muốn gặp cha mẹ, nhưng Tổ Gia không đồng ý. Ông nói: “Ngươi gặp họ với bộ dạng này, họ sẽ chết vì đau lòng mất.”

Sau khi tên này chết, Tổ Gia cho hỏa thiêu. Về phần gia đình, hàng tháng Tổ Gia đều cử người đến đưa tiền, nói rằng anh ta ở ngoài làm ăn rất tốt. Vì công việc quá bận rộn nên không về thăm cha mẹ được.

Tôi hỏi Tổ Gia vì sao không đưa ra quy định, cấm không cho ai được phép đến kỹ viện. Tổ Gia trả lời: “Ăn chơi, gái gú là bản tính của con người. Làm A Bảo là phải đem cả tính mạng ra để đánh cuộc, ta làm vậy vì điều gì hả? Nếu áp chế bản tính của họ, sớm muộn gì cũng sẽ tạo phản. Ăn no, uống đủ, đĩ điếm thoải mái, có như vậy họ mới có sức lực làm việc.”

Khi đó, tôi mới nhận thấy nhân tính của Tổ Gia thật đáng sợ.

LẦN LỘ CỤC DUY NHẤT CỦA TỔ GIA

Người mới vào nghề sau khi học Lục tự chân ngôn thường xuyên cùng ngồi lại thảo luận, mọi người ai nấy đều hăm hở xắn tay áo, nóng lòng muốn thử sức.

Nhưng Tổ Gia lại nói: “Học được Lục tự chân ngôn, đồng nghĩa với việc càng gần với cái chết hơn.”

Lời nói ấy khiến mọi người sợ hãi, đứng ngây ra không nói được câu nào. Tổ Gia liền giải thích: “Kẻ bị chết chìm, đều là những kẻ biết bơi. Kẻ không có bản lĩnh, không bao giờ dám có tà tâm. Chỉ có kẻ có bản lĩnh mới dám liều lĩnh mạo hiểm. Bản lĩnh là phúc, nhưng cũng chính là họa. Do đó, học được những thứ này, khi hành nghề càng phải thận trọng hơn!”

Lúc này mọi người mới tỉnh ngộ. Quả đúng như vậy, trước khi học những thứ này, ai nấy đều cảm thấy chơi vơi không nơi bấu víu. Khi học được rồi, dường như tay nắm được chuôi dao, ai cũng muốn thử ngay xem thế nào. Một khi ý niệm tội ác sinh ra, nguy hiểm cũng theo đó mà đến.

Thế là những tay mới như chúng tôi bắt đầu suy đoán, ngoại trừ Lục tự chân ngôn này, liệu còn có mật quyết nào cao siêu hơn nữa không? Có thể dùng để xoay chuyển cục diện cuối cùng không?

“Có! Nhưng không phải ai cũng có thể học được.” Tổ Gia nói: “Chiêu cuối cùng này là trực giác. Cũng chính là giác quan thứ sáu. Trực giác là thứ không thể nói rõ ra được, nhưng nó thực sự tồn tại. Bất kỳ sự việc nào sắp xảy ra, trong sâu thẳm đều có một dự cảm, chỉ một số người mới có thể cảm nhận được.”

Tổ Gia là người có trực giác vô cùng nhạy bén. Cũng chính nhờ điều này mà ông đã nhặt lại được mạng sống của mình quay về. Đó là lần duy nhất Tổ Gia để “lộ cục”.

Năm Dân Quốc thứ 28 (1939), có một vị quan chức cấp cao của Cục Quân thống Quốc dân Đảng đến đôn đốc công việc ở địa bàn của Tổ Gia, Khôi gia nói: “Đây có thể là một tên ‘nhất’ to tướng. Chỉ cần Tổ Gia đích thân ra tay, chắc chắn sẽ kiếm được một khoản lớn.”

Khôi gia là thủ lĩnh của xã hội đen, khi Quốc dân Đảng truy lùng Đảng Cộng sản, rất nhiều tin tức đều do ông ta cung cấp và cũng có rất nhiều việc đều do bàn tay ông ta nhúng vào.

Hiếm khi Tổ Gia đích thân ra tay. Chỉ khi gặp quan chức, hoặc quý bà giàu có, những ông chủ tài phiệt, ông mới tự mình làm “tướng”.

Bài diện của Tổ Gia rất đẹp. Bài diện là tiếng bản địa, tức là tướng mạo. Hơn nữa phong cách ăn nói của ông cũng rất thanh cao tao nhã. Chỉ có tướng mạo và phong cách này của ông mới xứng với bàn tiệc lớn, xứng với dàn đại cục.

Tổ Gia đối ngoại với thân phận là truyền nhân của Thiết bản thần số, nhân vật mà rất nhiều tờ báo xếp ngang hàng với Vĩ Thiên Lý(12).

Khôi gia có qua lại với người của Cục Quân thống, còn kết nghĩa anh em với một vị quan chức của Cục này. Con mồi lần này chính là anh em kết nghĩa của ông ta.

Khôi gia từ lâu đã đánh hơi thấy được người anh em kết nghĩa này rất tin vào số mệnh, bèn tìm cơ hội nói với ông ta: “Ở đây có một vị đại sư tướng số, vô cùng lợi hại. Chỉ có điều rất khó có thể mời được ông ta đích thân ra tay.”

Viên quan này lập tức nhờ vả Khôi gia hẹn gặp giúp, nhưng hẹn đến ba lần đều không thành. Đây gọi là Vờ tha để bắt thật.

Cuối cùng, mấy tháng sau, ông ta cũng hẹn được, địa điểm gặp mặt ở một lầu trà. Trước đó thông qua sự mô tả và thông tin mà Khôi gia cung cấp, Tổ Gia có thể nói đã nắm rõ mọi chuyện về viên quan Cục Quân thống này như lòng bàn tay.

Trước tiên Tổ Gia hỏi Bát tự, trầm ngâm suy tính một lát rồi nói: “Năm 28 tuổi, ngài suýt chút nữa mất mạng vì một khẩu súng.”

Vị quan này trả lời: “Đúng vậy.”

“Năm 29 tuổi, ngài được thăng chức.”

Vị quan trả lời: “Đúng.”

Tổ Gia lại nói: “Ngài có ba người vợ.”

“Đúng.” Vị quan trả lời.

Tổ Gia nói: “Sang năm ngài sẽ gặp kiếp nạn, sẽ mất chức vị.”

Vị quan nửa tin nửa ngờ nói: “Ồ, vậy ư?”

Tổ Gia nói: “Ngài làm theo lời tôi, tôi giúp ngài điều chỉnh một chút phong thủy.”

Tổ Gia giảng giải một cách tường tận cho ông ta cách làm thế nào để điều chỉnh lại phong thủy. Cuối cùng vị quan này nắm chặt tay Tổ Gia nói: “Tiên sinh quả là cao nhân!”

“Người đâu!” Viên quan đó kêu thuộc hạ mang đến một chiếc vali, bên trong là từng xấp từng xấp giấy bạc mới cứng: “Tiên sinh vất vả rồi. Một chút lòng thành, xin tiên sinh hãy nhận cho.”

Tổ Gia mỉm cười nói: “Có thể bỏ chút công sức vì Cục trưởng đã là một niềm vinh hạnh cho bỉ nhân rồi. Làm sao lại có thể nhận tiền của ngài được?” Nói xong, ông liền quay đi.

Giác quan thứ sáu của Tổ Gia vô cùng nhạy bén, ông cảm thấy có điều gì đó không ổn ở đây, nên ngay lúc đó liền thay đổi kế hoạch, một xu cũng không lấy.

Trên đường về nhà, Tổ Gia còn phát hiện có người đang đi theo mình. Không hề quay đầu lại, ông bước nhanh về thẳng nhà.

Vừa về đến nhà, ông phát hiện trong nhà có bốn tên đặc vụ, chúng lập tức chĩa súng quay về phía ông nói: “Mời ông đi theo chúng tôi.”

Tổ Gia hỏi: “Đi đâu?”

Một tên đặc vụ nói: “Đi gặp Cục trưởng của chúng tôi.”

Tổ Gia bị áp giải về Cục. Vị Cục trưởng nói với vẻ mặt rất kỳ quặc: “Cái trò trẻ con này mà cũng định lừa ông đây hay sao?”

Tổ Gia hỏi lại với vẻ khó hiểu: “Ngài nói vậy nghĩa là sao?”

Vị Cục trưởng nói: “Ta cố ý làm như vậy để các người mắc câu.”

Tổ Gia lập tức hiểu ra vấn đề, hóa ra ông ta là Táo, những điều ông ta tiết lộ cho Khôi gia đều là giả.

Tổ Gia nói: “Vậy là ý gì?”

Vị Cục trưởng trả lời: “Tên Khôi Nhị khốn kiếp! Từ hôm hắn giới thiệu ngươi cho ta, ta đã có ý nghi ngờ rồi. Ta biết hắn biết rất nhiều điều về ta, nên đã cố ý bịa ra chuyện suýt bị mất mạng năm 28 tuổi. Kết quả là ngươi cũng nói y như vậy, thử nói xem ngươi có đáng chết không?”

Tổ Gia cười nhạt: “Cục trưởng quả nhiên cao minh. Chính xác là như vậy!”

Vị Cục trưởng sững người.

Tổ Gia nói tiếp: “Khôi Nhị nói với tôi là Cục trưởng muốn xem tướng số và bảo tôi xem chuẩn một chút. Chúng tôi hành nghề xem tướng số không dám đảm bảo chính xác trăm phần trăm. Khôi Nhị nói ông ta tiết lộ cho tôi một vài thông tin, tiền kiếm được sẽ chia đều. Ông ta là người của giới Hắc đạo, những nhà tướng số nhỏ bé chúng tôi không dám không nghe theo, do đó chỉ có thể làm theo lời ông ta nói. Nhưng Cục trưởng à! Ngài cũng thấy đấy, một xu tôi cũng không dám lấy, vì chúng tôi xem tướng số luôn tin thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo.”

Cục trưởng mỉm cười nói: “Được, bây giờ ngươi xem cho ta, xem chính xác, ta sẽ thả ngươi, Bằng không lập tức bắn bỏ!”

Tổ Gia quả không hổ danh là Tổ Gia, nếu không ông đã chết từ lâu rồi. Ông nhắm hai mắt lại, miệng lẩm nhẩm mấy câu, một lát sau định thần lại nói: “Cục trưởng ngài sinh ở nhà này, nhưng được nuôi ở nhà khác.”

Cục trưởng sững người: “Nghĩa là sao?”

Tổ Gia trả lời: “Nuôi ngài trưởng thành không phải là cha mẹ đẻ.”

Cục trưởng nói: “Ngươi… ngươi nói tiếp đi.”

Tổ Gia nói: “Phía nam nhà ngài có một con sông, hoặc có một hồ nước, nếu không ngài không thể leo lên đến chức Cục trưởng.”

Vị Cục trưởng trầm ngâm một lát: “Tiếp đi.”

Tổ Gia nói: “Cục trưởng, ngài không nói đúng hay sai, tôi không dám nói nữa.”

Vị Cục trưởng hỏa khí đã hạ, nói: “Đúng, đúng là có một cái hồ, nhưng sau này gặp hạn hán, nên cái hồ đó đã bị cạn khô.”

Tổ Gia nói: “Thế phong thủy đó có lợi cho con đường hoạn lộ của Cục trưởng, ngài lên chức nên nước tự nhiên sẽ cạn đi.”

Vị Cục trưởng cười lớn.

Đây chính là chữ Long trong Lục tự chân ngôn, tức tâng bốc lấy lòng, nhưng tâng bốc cũng phải có độ, nếu không sẽ phản tác dụng. Tổ Gia dùng chiêu này thật vô cùng khéo léo.

Cuối cùng Tổ Gia cũng quay về một cách bình an. Về đến nhà, cả người ướt đẫm mồ hôi. Ông lập tức triệu tập Bá đầu, tuyên bố: “Lộ cục rồi. Khôi Nhị phen này chết chắc.”

Một Bá đầu nói: “Không nghiêm trọng đến vậy chứ?”

Tổ Gia nói: “Lần này là đắc tội với tên trùm đặc vụ, có thể sống quay về được là phúc bảy mươi đời nhà ta rồi. Khôi Nhị chắc chắn sẽ khai ra chúng ta, mau chóng thông báo cho các huynh đệ, lập tức giải tán Đường khẩu. Mọi người không được liên lạc với nhau, không có lệnh của ta, tuyệt đối không được hành nghề trở lại. Mọi người chia nhau cầm theo ít tiền, rồi trốn đi.” Ngay đêm đó, Tổ Gia vội vàng lên đường về quê.

Lần đó giải tán Đường khẩu khoảng một năm, cho đến khi người Nhật đánh chiếm Trung Quốc, Quốc dân Đảng lùi về phía sau chiến trận.

Đến đây chắc hẳn ai cũng sẽ thắc mắc: vì sao vào thời điểm cấp bách cuối cùng đó Tổ Gia lại bói chuẩn? Phàm là Tổ Gia làm bất cứ việc gì đều để lại đường lui cho mình. Trước tiên theo những thông tin Khôi Nhị cung cấp, ông cử một vài tay chân lần theo đầu mối, đi gần trăm dặm, tìm đến tận quê quán của vị Cục trưởng đó, ghi chép lại toàn bộ địa hình địa mạo nơi đó. Mặt khác những tên tay chân này còn hóa trang thành người đi bán ớt, lân la hỏi chuyện hàng xóm, biết được một vài sự việc thời thơ ấu của vị Cục trưởng.

Khôi Nhị có nằm mơ cũng không thể nghĩ đến việc Tổ Gia để lại đường rút cho mình, vị Cục trưởng đó càng không thể ngờ rằng vì dàn cục mà Tổ Gia phải mất đến hai tháng để tìm ra quê quán mà ông ta rời xa đã hơn 20 năm.

Giác quan thứ sáu nhạy bén cộng thêm việc luôn để đường lui cho mình là bí quyết không bao giờ thất bại trong mấy chục năm hành tẩu giang hồ của Tổ Gia.

THUẬT TRÁT PHI – GIẢ THẦN GIẢ QUỶ

Thời điểm khi mới vào nghề, tôi luôn suy nghĩ đến một vấn đề. Đó là vì sao Tổ Gia lại kết nạp tôi vào Đường khẩu? Tôi vừa xấu vừa đần. Với trí thông minh và con mắt tinh đời, ông không thể không biết điều đó. Rốt cuộc ông đang nghĩ gì đây?

Mới vào nghề có rất nhiều kiến thức cần học, không có nhiều thời gian để tôi nghĩ đến những việc không liên quan đến nghề A Bảo. Do đó, mỗi lần tôi không tập trung, Nhị Bá đầu liền đập cho tôi một cái vào sau đầu.

“Ngươi nhắc lại một lượt những điều ta vừa nói xem.” Nhị Bá đầu hằm hè gằn giọng quát tôi.

Tôi bừng tỉnh, tay xoa xoa đầu. Kỳ thực, hôm đó Nhị Bá đầu giảng về kiến thức liên quan đến thuật Trát phi. Trong Đường khẩu, Nhị Bá đầu là bậc cao thủ Trát phi, rất được Tổ Gia yêu mến. Ông ta luôn tự hào về những vụ Trát phi mà mình đã thực hiện. Khi giảng bài, học trò không tập trung thì quả là một sự sỉ nhục lớn đối với ông ta.

Thực ra, những thứ đó tôi đã được nghe ông ta ba hoa rất nhiều lần, tôi không biết giả vờ nịnh nọt giống như những người khác, bọn họ luôn tròn mắt ngây thơ mỗi khi nghe Nhị Bá đầu kể đi kể lại những câu chuyện đó.

Trong trí nhớ của tôi, vụ dàn cục Trát phi hay nhất chính là năm thứ hai sau khi tôi vào nghề, Nhị Bá đầu theo sự sắp đặt của Tổ Gia dàn cục một ông chủ lớn.

Năm Dân Quốc thứ 38, đêm trước giải phóng, nhà Tứ gia Lâm Trấn Trương xảy ra chuyện.

Con trai Trương Tứ gia mắc bệnh tương tư, không thiết ăn uống, người gầy đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Trương Tứ gia là hậu duệ của Kỳ Nhân, sau cách mạng Tân Hợi, thế lực dần suy bại, nhưng Lạc đà gầy trơ xương vẫn to hơn ngựa, vẫn là một miếng thịt béo.

Sự việc là thế này, con trai Trương Tứ gia đến hẻm Nam Liễu chơi gái, gặp một cô nương tên Xuân Đào, liền động lòng tình, nhưng nha đầu đó vô cùng lẳng lơ, tính toán, lừa cho mấy quả rồi biến mất. Kết quả Trương công tử ngày đêm nhung nhớ, không ăn không uống, mới có mấy ngày mà hai hố mắt trũng sâu, mặt mũi vêu vao, hốc hác trơ trơ như cái đầu lâu.

Tổ Gia nhân cơ hội này tìm người dẫn mối, bắn tin đến Trương Tứ gia rằng thực chất là Trương công tử bị một con hồ ly quấy nhiễu, phải làm lễ cúng bái, trừ yêu, bệnh tương tư tự nhiên sẽ khỏi.

Ban đầu, Trương Tứ gia không tin, nhưng vài hôm sau, vào một buổi tối, Trương Tứ gia ăn cơm xong ra sân tản bộ, bỗng nhiên nhìn thấy một bóng đen lướt qua trước mặt, chưa kịp phản ứng xem là chuyện gì thì lại có một bóng đen nữa lướt qua, hai bóng đen một trước một sau nhảy phắt lên tường, rồi theo đó nhảy xuống hậu viện biến mất, cỏ cây trên tường bị hai bóng đen đó chạy qua phát ra âm thanh xào xạc, Trương Tứ gia nhìn thấy rất rõ, chính là hồ ly tinh. Mấy ngày sau đó, Trương Tứ gia và người nhà mỗi tối đều nhìn thấy hồ ly tinh thoắt ẩn thoắt hiện trong sân nhà, ông ta sợ hãi tim đập thình thịch, lại thêm có người xúi giục, cuối cùng phải đến gõ cửa Tổ Gia nhờ giúp đỡ. Vậy là, Tổ Gia điều Nhị Bá đầu đến lập đạo tràng.

Một đạo tràng lớn được dựng lên, một bàn hương án to, mười mấy A Bảo đóng giả làm đạo sĩ miệng niệm thần chú, chạy đi chạy lại quanh đạo tràng. Nhị Bá đầu dùng một miếng vải trắng trùm lên đầu, tay cầm kiếm gỗ đào múa may trong không trung như đang vẽ tranh. Nửa đêm giờ Tý, tiền giấy kèm theo khói bay mù trời, Nhị Bá đầu giống như lên cơn kinh phong, chạy đi chạy lại quanh sân, trong tay cầm bảo kiếm chém dọc chém ngang. Bỗng nhiên, trên trán ông ta có máu chảy, nhuộm đỏ cả miếng vải trắng, đồng thời chảy theo sống mũi nhỏ xuống đất. Mọi người có mặt chứng kiến đều bị dọa hoảng sợ một phen.

Sau khi Nhị Bá đầu thu chiêu lại, bộ dạng vô cùng mệt mỏi, Trương Tứ gia nét mặt vẫn còn hoảng sợ, bèn hỏi: “Sư phụ, sao ông lại bị chảy máu vậy?”

Nhị Bá đầu nói: “Con hồ ly tinh này quả thật lợi hại, vừa rồi khi ta đấu với nó một trận, nó nhảy lên đầu ta, cắn ta một miếng. Giờ thì tốt rồi, ta đã diệt trừ được nó, các ngươi đi tìm xác của nó đi.”

Mọi người tỏa ra đi tìm quanh sân một hồi lâu, những không tìm thấy. Nhị Bá đầu nói: “Không cần phải vội, nó chạy không xa được đâu.” Sau đó, mọi người đều quay về.

Ngày hôm sau, mới tờ mờ sáng, một tiếng kêu thất thanh từ trong phòng Trương công tử phát ra, Trương lão gia và mọi người vội vàng chạy lại xem chuyện gì, chỉ thấy trong chăn của Trương công tử có một con cáo mình đầy máu me nằm cuộn tròn. Trương Tứ gia hỏi làm sao mà kêu thế? Trương công tử run cầm cập, lắp ba lắp bắp nói: “Buổi sáng dậy đi tiểu tiện, cảm thấy trong chăn có vật gì đó, mở ra thì thấy…”

Trương Tứ gia ngẫm nghĩ một lát, rồi gật gật đầu mỉm cười. Trương công tử cũng nhờ lần sợ hãi này mà tỉnh táo hơn. Anh ta cảm thấy đói và bắt đầu ăn uống trở lại, mấy hôm sau sắc mặt tươi tỉnh, sức khỏe cũng hồi phục rất nhiều.

Sau đó, Trương Tứ gia đặc biệt chuẩn bị mấy chục đĩnh bạc, vài xấp tơ lụa thượng hạng, đem đến tạ ơn Tổ Gia và Nhị Bá đầu. Ông ta nói: “Các sư phụ quả là đạo pháp cao minh, cứu độ muôn dân.”

Kỳ thực, từ đầu đến cuối đây đều là một màn lừa bịp không hơn không kém. Ban đầu, Trương Tứ gia không tin, Tổ Gia bèn sai Nhị Bá đầu dẫn theo mấy người lên núi bắt vài con cáo, cách một hôm thả một con vào nhà Trương tứ gia, đợi đến khi đối phương tin là có “hồ ly tinh” thật, liền cử Nhị Bá đầu đến lập đàn làm phép. Còn về máu trên đầu, kỳ thực là máu chó. Nhị Bá đầu dùng một tấm vải trắng được may nhiều lớp, ở giữa có đặt một túi tiết chó được làm từ bàng quang của lợn. Khi làm phép Nhị Bá đầu chùm tấm vải này lên đầu, nhân lúc không ai để ý, đập mạnh lên trán một cái, túi máu chó liền vỡ ra, máu sẽ chảy xuống. Trong lúc hỗn loạn, không ai đề phòng, sai một tên tay chân chạy vào nấp sẵn trong phòng Trương công tử, thổi một ít mê hồn tán, rồi đem con cáo đã chết nhét vào trong chăn của anh ta.

Thủ pháp này được gọi là Trát phi, cũng tức là chiêu giả thần giả quỷ.

Tổ Gia thường nói: “Phàm ‘nhất’ giai khả Trát phi, quân tử kính quỷ thần nhi viễn chi, tiểu nhân úy quỷ thần nhi chiêu chi, phi hữu sở cụ, tức hữu sở cầu, A Bảo trát chi, thuận thiên thừa mệnh.”

Ý rằng, người quân tử chân chính trong tâm không có quỷ, ngay thẳng bộc trực, không sợ quỷ thần. Còn những kẻ sợ quỷ hoặc cầu khấn quỷ thần, nếu không phải vì làm việc trái với lương tâm thì chắc chắn có điều muốn cầu xin quỷ thần, A Bảo có thể nhân cơ hội này mà thả thòng lọng. Thủ đoạn của thuật Trát phi rất đa dạng như chu sa họa quỷ, thần tiên gửi gắm… thực chất đều có tác dụng làm đạo cụ.

Trong Kinh Hoa nghiêm nói: “Ác nghiệp tạo ra trước kia, đều do tham, sân, si vô cùng vô tận.” Nhược điểm trong bản tính con người chính là: tham, sân, si. Quan sát một cách tỉ mỉ thì dường như tất cả tai họa đều bắt nguồn từ ba nhược điểm này.

Tham là tham lam. Tức tham tài, tham sắc, tham danh, tham tiếng, tham địa vị… để thỏa mãn sự tham lam đến điên rồ cuồng dại, táng tận lương tâm, không việc gì không dám làm. Bọn tham quan, cường đạo, trộm cướp, cờ bạc, háo sắc, gian thương, đạo văn, bao gồm cả A Bảo đều như nhau. Kết cục cuối cùng của những người này đều rất thê thảm.

Sân nghĩa là phẫn nộ, tức giận. Khi tức giận về căn bản không thể khống chế được bản thân mình, những kẻ tử tù vì tức giận nhất thời mà giết người, chẳng tên nào không cảm thấy hối hận cả. Hàm nghĩa khác của sân là sự đố kỵ, một khi sinh ra tâm đố kỵ, dù là bạn bè bằng hữu tốt đến mấy chăng nữa đều sẽ ngáng chân lẫn nhau.

Si là si tình. Kẻ rơi vào lưới tình, nhất là kẻ bị làm cho mê mẩn tâm thần, mất đi hồn phách, bị tình cảm chi phối, cuối cùng kẻ buồn rầu mà chết, kẻ vì yêu mà sinh lòng thù hận hoặc giết chết đối phương, hoặc cả hai tự tử vì tình.

Một khi con người để lộ ra ba nhược điểm này, A Bảo tất sẽ có cơ hội ra tay.

Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com

Bình luận
720
× sticky