Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Tôi Là Thầy Tướng Số – Tập 1

Chương 7: Bỏ Ma Theo Phật: Tôi Là Thầy Xem Tướng Đam Mê Chu Dịch

Tác giả: Dịch Chi

Chuyển Đường khẩu về Giang Hoài

Giang Phi Yến ra đi cùng với Phùng Thiếu tướng, từ biệt phái Giang Tướng, từ bỏ cái nghiệp của bà, rời xa Tổ Gia. Dường như điều này đã cho mọi người thấy rằng, tìm một người yêu mình dễ dàng hơn nhiều so với việc đi tìm một người mình yêu.

Việt Hải Đường đã được quy về một mối dưới trướng của Tổ Gia. Cuối cùng, ông cũng đã thực hiện được ước nguyện lớn lao là thống nhất các Đường khẩu trong giang hồ. Tôi cứ nghĩ Tổ Gia sẽ rất vui mừng, nhưng ông ấy lại chẳng có vẻ gì như vậy cả. Đã thống nhất phái Giang Tướng, việc tiếp theo là gì? Phải đi theo hướng nào đây?

Ngày 1 tháng 10 năm 1949, nước Trung Quốc mới ra đời. Mao Trạch Đông trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới: “Hôm nay, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức thành lập.”

Lúc này, Tưởng Giới Thạch cũng đang rất bận, bận vơ sạch vàng bạc, tiền của trong quốc khố mang về Đài Loan.

Khi nước Trung Quốc mới được thành lập, các vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên và Trùng Khánh vẫn chưa được giải phóng. Các A Bảo của Mộc Tử Liên và Việt Hải Đường cuống quýt cả lên, không biết số phận của mình rồi sẽ thế nào. Một vài người đã không thể kìm nén thêm được, bắt đầu đánh bài chuồn, lén vượt biển chạy sang Hồng Kông, nhưng đều bị Tổ Gia bắt lại và giết chết. Từ đó về sau, không còn ai dám chạy nữa.

Chẳng được mấy ngày, quân giải phóng đánh đến, bọn tàn dư của Quốc dân Đảng không chịu nổi một trận đòn nào nữa. Chưa đầy nửa tháng, Quảng Châu được giải phóng, nhân dân đổ ra đường phố, đốt pháo ăn mừng.

Tổ Gia ra lệnh: “Tạm thời giải tán, để nghe ngóng tình hình.”

Ngay tức khắc, hơn trăm người tản ra tìm nơi ẩn náu. Nhị Bá đầu của phân đà Tứ Xuyên cũng lẩn đi ngay sau khi nhận được lệnh.

Sau đó, Tổ Gia nói dứt khoát: “Đại Đầu, đi theo ta.”

Tôi hỏi: “Đi đâu ạ?”

Tổ Gia nói: “Khắp nơi trong cả nước.”

Tổ Gia làm bất cứ việc gì cũng đều có mục đích. Ông không nói nguyên nhân nên tôi cũng không gặng hỏi nữa.

Tôi và Tổ Gia xuất phát từ Quảng Châu, đi thẳng lên phía Bắc. Chúng tôi đi qua Giang Tây, vào đất Hà Nam qua chỗ giáp ranh giữa Hồ Bắc và An Huy, sau đó tiến vào Thiểm Tây, Sơn Tây, cuối cùng đến Hà Bắc, Bắc Kinh.

Dọc đường đi, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng khác hẳn. Nhân dân vui vẻ, phấn khởi, ai nấy đều rất tươi vui, lúc đó tôi mới biết rằng vùng giải phóng hoàn toàn không đáng sợ như những gì bọn Quốc dân Đảng tuyên truyền. Bây giờ được Tổ Gia đích thân dẫn tôi đến những nơi đã được giải phóng trước này, tôi mới thực sự hiểu thế nào gọi là giải phóng. Đặc biệt là đến vùng căn cứ cách mạng cũ ở Thiểm Bắc, nhân dân múa trống cơm ăn mừng trong niềm vui dào dạt, hát vang khúc hát Phương Đông hồng rực, Mặt trời lên cao, cảnh tượng nô nức, những nét mặt tươi vui xuất phát tự đáy lòng.

Tổ Gia thở dài: “Từ thời mạt Thanh đến nay, bọn đế quốc kéo đến xâm lược, đất nước tiêu vong, bọn quân phiệt cát cứ, chiến tranh loạn lạc liên miên, gần trăm năm nay, nhân dân chưa từng được vui mừng như thế!”

Tôi không hiểu lịch sử, càng không thể hiểu thấu cảm xúc ngậm ngùi của Tổ Gia khi đó. Tôi chỉ biết mình sinh ra thiên hạ đã loạn lạc, hiểu câu “Người Hoa và chó không được vào” là như thế nào. Thế nào là ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, và thế nào là nơm nớp lo sợ.

Sau một tháng đi khắp nơi, tôi và Tổ Gia quay về Quảng Châu.

Đêm đến, Tổ Gia lại trầm ngâm suy ngẫm. Tôi không rõ ông đang nghĩ gì, nghĩ về con đường đi rồi đây sẽ phải đi thế nào? Hay là hồi tưởng lại những năm tháng dâu bể trước đây?

Cứ như vậy, tiếng kèn tiễn bước năm 1949 sắp được gióng lên, chào đón năm 1950 gần kề. Năm đó xảy ra một sự kiện lớn: Cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Cuộc chiến ấy diễn ra vô cùng gian khổ. Khi đó, đất nước Trung Quốc mới vừa được thành lập chưa được bao lâu, cơ sở vật chất, tài nguyên mang tính chiến lược thiếu thốn cùng cực. Tàn dư của bọn Quốc dân Đảng phong tỏa đường biển, ngăn chặn không cho các nhân sĩ yêu nước ở Hồng Kông viện trợ cho đất liền.

Có vài tên trung gian trong thế giới ngầm xúi giục Tổ Gia. Họ nói chỉ cần hợp tác với Quốc dân Đảng, giám sát chặt chẽ ở cửa khẩu hải quan, có thông tin gì thì bắn tin ngay cho chúng, giúp Quốc dân Đảng chặt đứt nguồn cung cấp vật chất, tài nguyên cho quân Cộng sản, thì sẽ được một món hời. Tổ Gia không đồng ý, ông nói: “Tôi không thiếu khoản tiền đó.”

Chính vào lúc loạn trong giặc ngoài, Tổ Gia lại đưa ra quyết định khiến người ta phải kinh ngạc: “Dời Đường khẩu về Giang Hoài!”

Các Bá đầu không sao hiểu nổi: “Tại sao lại phải quay về, ở đây gần với Hồng Kông, một khi có biến, còn có đường mà chạy, hay muốn dời đi cũng nên dời đến vùng biên cương Tây Nam, ở đấy có thể chạy trốn sang Myanmar.” Đi sâu vào trong nội địa thì có khác gì chặt đứt đường lui của mình chứ?

Việc mà Tổ Gia đã quyết, ai cũng có thể ngờ vực, cũng có thể phản đối, nhưng chắc chắn sẽ chẳng ích gì, nên làm gì thì cứ làm như vậy. Ngay cả mấy chục người ở Tứ Xuyên cũng bị gọi đến.

Đây là lần di chuyển lớn nhất trong lịch sử của phái Giang Tướng. Gần 200 người chia thành từng nhóm nhỏ lẻ, lần lượt đi tới Giang Hoài. Trước khi đi, Tổ Gia trừ khử Ngũ Bá đầu, đồng thời, đưa tôi lên thay. Một năm sau, Tổ Gia lại giết Lục Bá đầu Tiểu Thời Thiên. Tiểu Hải Tử Triệu Định Hải mà Nhị Bá đầu đã tiến cử trước đây được làm Lục Bá đầu.

Tôi không có cống hiến gì lớn cho Đường khẩu, nhưng khi được thăng cấp không bị ai phản đối, Tổ Gia nói: “Khi đi dàn cục ở Tứ Xuyên, Đại Đầu đã đứng ra đỡ đạn cho ta.” Kỳ thực, khi đó tôi vốn không nghĩ được nhiều như vậy, thấy bọn chúng đòi bắt Tổ Gia thì tôi xông lên thôi. Tổ Gia lại nói: “Hành động theo bản năng mới là chân thành nhất.”

Khi đó, trong cả nước, ngoài đám lừa đảo của phái Giang Tướng ra, còn có rất nhiều hội đạo môn lớn nhỏ khác cũng đang giơ chân giãy giụa.

Theo lẽ thường, lúc này Tổ Gia sẽ rất thận trọng, nhưng trong giai đoạn đó, Tổ Gia lại tỏ thái độ khác hẳn, ông ra lệnh cho các Bá đầu và bọn tay chân ra trận hết lần này đến lần khác. Đồng thời, Tổ Gia tỏ thái độ huyênh hoang, phách lối, xưng hô huynh đệ với bọn cầm đầu của các hội đạo môn. Điều này không giống với với tác phong làm việc của Tổ Gia.

Các Bá đầu đều thấy Tổ Gia làm vậy là đối đầu với Chính phủ. Một hôm, Tổ Gia gọi tôi và Vương Gia Hiền đến Đường khẩu. Ông nói rằng có một vụ dàn cục mới, sai hai người chúng tôi đi làm. Theo lý mà nói thì vụ dàn cục này không nhỏ, tôi và Vương Gia Hiền có thể coi là lính mới trong số các Bá đầu, đều không có nhiều kinh nghiệm. Rõ ràng Tổ Gia có thể sai bọn Nhị Bá đầu đi làm, nhưng ông lại chọn đúng tôi và Thất Bá đầu.

Về sau, khi tôi vào tù, mới biết Tổ Gia cố ý làm như vậy, tôi và Vương Gia Hiền vào nghề khá muộn, chưa từng thực hiện vụ dàn cục lớn nào. Tổ Gia muốn đẩy chúng tôi có đủ tội danh để bị tống vào nhà giam.

Ở cách Lâm Trấn 30 dặm có một nhà giàu họ Lý, buôn bán lương thực, thực phẩm. Trước khi Quốc dân Đảng lùi về cố thủ ở Đài Loan, gia đình này có qua lại với bọn Quốc dân Đảng. Những năm đó, bọn họ chuyên đầu cơ tích trữ, vơ vét được không biết bao nhiêu hàng hóa. Tên nhà giàu này là Lý Tọa Sơn, hơn 60 tuổi, vì bị hói nên mọi người vẫn gọi lão là Lý trọc. Lý trọc có bốn thằng con trai, thằng cả có biệt hiệu là “thằng Cả phệ” vì hắn có cái bụng rất to, thằng hai bị nghễnh ngãng nên có biệt hiệu là “Hai điếc”, thằng thứ ba vì quá xảo quyệt, tráo trở nên bị gọi là “thằng Ba ranh”, thằng thứ tư khi còn bé thường hay ăn vụng dầu mè, nên hay bị đi ngoài phải chạy vào cầu tiêu, cho nên bị mọi người gọi là “Bốn té re”. Cả nhà này từ lớn đến bé luôn cậy lắm tiền nhiều của, ngang ngược hống hách, ở quê không ai dám dây với chúng.

Mùa xuân năm đó, Lý trọc bị bệnh lao phổi, phải mời đến ba, bốn thầy lang, nốc bao nhiêu thuốc thang vào bụng mà chẳng có tác dụng. Thấy bệnh tình càng ngày càng nặng, bốn thằng con bắt đầu bàn tính chuyện hậu sự cho lão ta.

Nhà giàu thường rất chú trọng đến phong thủy khi chôn cất người chết. Họ nghĩ rằng phong thủy khi mai táng cho tiên phụ tốt hay xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng vượng của con cháu đời sau. Nếu phong thủy xấu, chẳng mấy mà con cháu họ sẽ gặp chuyện xui xẻo, vì thế, nhờ tên lính trị an ở địa phương dắt mối, cơ hội kiếm tiền đến liền.

Tôi đi theo học Tổ Gia nên cũng biết rằng phong thủy được phân chia thành hai mảng, phong thủy âm trạch và phong thủy dương trạch. Dương trạch chính là nơi người còn sống ở, âm trạch là nơi ở của người đã khuất. Tổ Gia nói: “Vụ dàn cục lần này để cho Ngũ Bá đầu và Thất Bá đầu đi làm. Ngũ Bá đầu đóng giả là thầy xem phong thủy, Thất Bá đầu vào vai đồ đệ.”

Dáng tôi béo tốt, mắt bé, mặt mũi trông có vẻ từng trải, cho nên dán thêm bộ râu, đội mũ cao lên, trông già hơn mấy chục tuổi. Còn Vương Gia Hiền ngược lại, anh ta trắng trẻo, dáng vẻ thư sinh, cạo hết râu đi, rất ra dáng một đồ đệ.

Xem phong thủy cần phải chú trọng đến việc tầm long điểm huyệt. Long chính là mạch núi, huyệt chính là vị trí cát lợi trong mạch núi đó. Câu Long sợ cô độc huyệt sợ phong hàn, nghĩa là: long mạch cần phải có sơn thủy ôm ấp bao bọc, nhiều ngọn núi quấn quýt, vây quanh. Còn chỉ có một ngọn núi đứng trơ trọi một mình là không tốt, “Long sợ cô độc” chính là ý như vậy. Huyệt phải là nơi tàng phong tụ thủy, không được chọn nơi bị gió lạnh thổi làm tiêu tan vượng khí, nếu không sẽ bị coi là huyệt phong hàn.

Hôm đi xem xét, thăm dò phong thủy, bốn thằng con của Lý trọc đều có mặt. Mọi người đứng vây quanh triền núi rất lâu. Tôi vốn còn trẻ, đi đứng lại khá nhanh nhẹn, nhưng Thất Bá đầu cứ đỡ lấy người tôi, tay lại bê cái la bàn, nên làm tôi mỏi nhừ cả người, đi đứng y như một ông già thực thụ.

Thất Bá đầu nói với bốn ông con kia: “Sư phụ tôi làm nghề này mấy chục năm rồi, chưa từng nhầm lẫn bao giờ. Những chỗ ông ấy đã chọn đều là chỗ đắc địa có thế tàng phong tụ thủy cả. Con cháu đời sau của cải nhiều, ai nấy đều được sang giàu phú quý, còn có người làm quan lớn.”

Thằng Cả phệ nói: “Việc này phải phiền tiên sinh rồi.”

Tôi cầm chiếc la bàn, làm điệu bộ xem xem một hồi, sau đó hỏi: “Xin hỏi bốn vị sau này muốn được phát tài hay muốn được làm quan?”

Thằng Bốn té re nhanh mồm nói: “Phát tài, đương nhiên là phát tài rồi. Có tiền mới làm được việc chứ.”

Hai điếc nói: “Ừ, thằng Bốn nói phải đấy.”

Thằng Ba ranh nhếch miệng nói: “Các ông thì biết cái gì? Làm quan mới tốt, làm quan ắt sẽ có tiền, một thằng bảo vệ trị an thôi mà một năm cũng kiếm được mấy vạn rồi. Còn tay sĩ quan họ Từ xưa kia vẫn qua lại với ông già mình, chẳng phải chỉ là thằng thư ký làng nhàng, anh xem nó cũng giàu to. Mấy năm này nhà mình chẳng có ai ra làm quan. Cho nên mỗi lần có việc gì là lại tốn cả đống tiền của.”

Thằng Cả phệ cuối cùng cũng lên tiếng: “Cãi! Cãi! Chỉ biết cãi nhau!” Sau đó hắn nói với tôi: “Vậy ý tiên sinh là phải tách rời đường tài vận và đường quan vận, chứ cả hai cái này không thể làm cùng được ư?”

Tôi nghĩ thầm: Giở chiêu này chính là đợi cho mày hỏi câu ấy. Nếu chỉ cần một lần mà điều chỉnh xong ngay được cho chúng mày, thì rõ là chẳng có kỹ thuật gì cả. Tôi nói: “Khó đấy.”

Thằng Cả phệ nói: “Xin tiên sinh cứ làm cho, tiền không thành vấn đề!”

Thất Bá đầu nói: “Đây không phải là chuyện tiền bạc, sư phụ tôi phải làm phép. Như vậy sẽ bị tiêu hao mất nhiều nguyên khí, nói thẳng ra là sẽ bị tổn thọ.”

Thằng Cả phệ nói: “Xin thầy hãy rủ lòng từ bi, gắng chọn cho ông cụ nhà tôi một chỗ thật tốt mà không làm tổn hại đến sức khỏe của thầy, cũng là để bốn anh em tôi có tí lộc quan.”

Tôi nói: “Phong thủy là phải tính chuyện lâu dài, chưa chắc đã ứng nghiệm ngay được vào bốn anh em các ông, cũng có thể phải đến tận đời con hoặc đời cháu của các ông sau này mới được hưởng phú quý. Ông nôn nóng kiểu này, lão đây không dám làm.”

Tên Cả phệ nói: “Tiên sinh xin hãy bớt giận. Bốn anh em chúng tôi không có ý đó. Chỉ cần con cháu sau này được mở mày mở mặt, được giàu có là tốt rồi. Chúng tôi chẳng nghĩ chỉ một hai đời đâu.”

Kỳ thực đây chính là mánh khóe bí mật của thuật phong thủy. Nói là ba đời, đợi khi con cháu hắn trưởng thành đã mấy chục năm thậm chí là mấy trăm năm trôi qua, biết đi đâu tìm được ông thầy phong thủy này mà cãi lý đây.

Vì thế, chúng tôi chỉ việc Đẩy thuyền theo dòng, dựng một đàn tràng thật to trên triền núi đó, vạch ra phạm vi để mai táng cho bố họ. Chỉ vài ngày sau, Lý trọc chết, hôm đem lão đi chôn có rất nhiều người đưa tang. Một đám A Bảo mặc quần áo đạo sĩ đi vòng quanh huyệt, sau cùng là tiết mục hạ táng được diễn ra rất long trọng. Mọi người đứng xung quanh đều tấm tắc khen: “Đúng là nhà giàu có! Thế này phải tốn bao nhiêu tiền ấy chứ.”

Trong bố cục phong thủy, Tổ Gia từng truyền dạy rằng: “Đừng chọn trên lòng sông.” Nghĩa là, dù anh có chọn thế nào, thì tuyệt đối không được chọn đặt phần mộ tại chỗ lòng sông trong núi. Vì đây là chỗ nước chảy qua, hễ trời mưa sẽ hình thành dòng chảy, nếu chọn chỗ này, phần mộ rất dễ bị ngập nước. Đến lúc đấy có mà lĩnh đủ.

Tôi luôn ghi nhớ lời truyền dạy này, nên đã chọn được một chỗ hơi nhô cao hẳn lên, lại còn bảo bốn người con kia rằng: “Đây gọi là thế Rồng cuốn hổ chồm, đời sau ắt có người ra làm quan lớn.” Cả bốn tên đều sung sướng cười đến nỗi không khép miệng lại được. Khi đó, tôi thấy cái chết của người cha rõ ràng chẳng khiến chúng phải đau lòng, ngược lại còn làm cho chúng sướng rơn lên.

Có câu Người tính không bằng trời tính. Tôi đã tính toán đâu vào đấy, chẳng ngờ ông trời lại chơi khó, có lẽ đây là dấu chấm hết cho số phận Đường khẩu của chúng tôi.

Lý trọc được chôn chưa đầy hai tuần thì bắt đầu vào hè. Điều quái lạ là năm đó lại mưa rõ lắm. Suốt nửa tháng liền, trời cứ mưa dầm mưa dề, lúc mưa to, lúc mưa nhỏ. Kết quả là xảy ra chuyện sạt lở núi, cái gò đất cao chôn Lý trọc kia cũng bị nước mưa rửa trôi lộ cả nắp đậy quan tài. Sau đó lớp đất bùn, đá cũng bị cuốn theo khiến cho cả tấm bia mộ và chiếc quan tài cùng bị kéo tít đằng xa. Một phiến đá lớn lăn trúng lên chiếc quan tài, khiến cho chiếc quan tài vỡ tan thành bốn, năm mảnh. Khi bốn thằng con của lão lên núi kiểm tra thì thấy những mảnh tấm ván quan tài văng mỗi nơi một chiếc, thi thể của Lý trọc được tìm thấy ở cách đó mười mấy mét, mắc kẹt sâu mãi bên dưới lớp bùn, đá, chỉ còn mỗi một cái tay nát nhừ đang giơ lên, như thể đang bảo rằng: “Hình như phong thủy của phần mộ này không tốt lắm.”

Chẳng bao lâu đã có người báo tin này cho Tổ Gia biết, người đó còn nói nhà kia đòi mang cả thi thể đến gây rối. Tôi và Thất Bá đầu nghe tin đều choáng váng, sợ hãi, vội quỳ xuống trước Tổ Gia: “Tổ Gia, cứu con!”

Không ngờ, Tổ Gia lại bình tĩnh khác thường, ông nói: “Đứng lên, vẫn chưa đến mức ấy.”

Người báo tin nói bốn anh em nhà kia có qua lại với bọn sát thủ Quốc dân Đảng. Lần này e rằng sẽ phải giao một A Bảo ra đền mạng, nếu không sẽ không xong.

Tôi nói: “Tổ Gia, nếu phải nộp một mạng, thì phải là con. Vụ này con là người cầm đầu, Thất Bá đầu chỉ đi cùng. Chính con đã chọn sai chỗ…”

Thất Bá đầu nói: “Không! Tổ Gia. Ngũ ca không có lỗi. Người tính không bằng trời tính, cả trăm năm nay, ở đây chưa bao giờ có mưa lớn đến vậy. Việc này không thể trách Ngũ ca, xin Tổ Gia minh xét!”

Tổ Gia không nói gì nữa, chỉ bảo: “Các con cứ về ăn uống trước đi, mấy ngày này đừng có đi lại khắp nơi, những việc khác không phải để ý đến.”

Chúng tôi sững người, muốn nói thêm nhưng Tổ Gia xua tay nói: “Về đi.”

Đêm đó, tôi và Thất Bá đầu làm hai bình rượu to, mua thêm năm cân thịt quay, tôi nghĩ bụng cứ ăn cho no, uống cho đủ trước đã, có chết cũng không phải làm ma đói.

Trước đây cũng từng xảy ra chuyện lớn thế này, để bảo vệ lợi ích của cả Đường khẩu, chỉ cần đưa một tên hoặc vài tên ra thế mạng là được.

Chúng tôi không biết Tổ Gia sẽ làm thế nào. Lúc đó, tôi cảm thấy tính mạng của chúng tôi đều nằm trong tay Tổ Gia.

Suốt ba ngày liền, chúng tôi sống trong nơm nớp lo sợ. Sau đó Tổ Gia cho gọi chúng tôi đến tham gia Đường hội. Thất Bá đầu mặc chiếc áo dài mà anh ta thích nhất, tóc chải mượt hất ngược về phía sau. Tôi cũng cạo sạch râu, trước khi ra khỏi cửa tôi quay về hướng quê nhà, dập đầu mấy cái mà lạy người mẹ già đã mất của tôi, thầm nghĩ: “Kiếp này không thể tận hiếu mẹ được. Kiếp sau con sẽ hiếu kính với mẹ.”

Trong Đường hội, Tổ Gia nói: “Sự cố lần này, Ngũ Bá đầu và Thất Bá đầu đều không phải chịu trách nhiệm. Đây là ý trời.” Khi Tổ Gia nói, khuôn mặt không lộ chút cảm xúc nào.

Về sau, Nhị Bá đầu bảo chúng tôi, Tổ Gia vì muốn cứu chúng tôi nên đã phải vắt óc suy nghĩ, bỏ ra bao nhiêu tiền để mua chuộc mấy tên cướp, đút lót cho mấy tên đặc vụ, rồi bồi thường cho người ta rất nhiều tiền.

Nghe những chuyện này, tôi và Thất Bá đầu đều khóc. Thất Bá đầu nói: “Lần sau đệ sẽ liều chết làm một vụ thật lớn, để báo đáp Tổ Gia.”

Tôi nói: “Mạng này của huynh là do Tổ Gia nhặt về, báo đáp cả kiếp này cũng không hết.”

Cái “lần sau” mà Thất Bá đầu nói đến đã không thành hiện thực.

NGƯỜI VỢ BÍ ẨN CỦA TỔ GIA

Năm 1952, phong trào đập tan các hội đạo môn được triển khai một cách rầm rộ trên cả nước, dường như từ lâu Tổ Gia đã có linh tính về điều gì đó. Một hôm sau khi kết thúc Đường hội, ông bảo một mình tôi ở lại. Ông chắp tay sau lưng đi đi lại lại, như thể muốn nói điều gì đó, mấy lần định nói nhưng lại thôi.

Đi theo Tổ Gia lâu như vậy rồi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông rơi vào tình trạng như thế. Mãi lâu sau, ông mới nói với tôi: “Đại Đầu, nếu có cơ hội, con có thể rửa tay gác kiếm.”

Lúc đó tôi hoảng hốt quỳ xuống: “Tổ Gia, con chưa bao giờ ăn ở hai lòng! Đời này con không bao giờ phản lại sư phụ. Tổ Gia!” Khoảng thời gian đó, tình hình rất căng, tôi cứ tưởng Tổ Gia nghĩ tôi muốn rút lui.

Tổ Gia nói với vẻ mặt buồn thảm: “Ta nói thật đấy. Con vào nghề muộn, tay con chưa từng giết một mạng người nào, sau khi vào rồi vẫn có thể quay trở ra. Đừng làm nghề lừa đảo này nữa, sống cho thật tốt! Hãy sống cuộc sống của một người bình thường!”

Tôi cuống cuồng nói: “Tổ Gia, tình hình căng thế này hay cứ tạm lánh đi đã. Sau khi sóng gió qua rồi chúng ta lại làm lại.”

Tổ Gia lắc lắc đầu: “Con không hiểu, không hiểu được đâu.”

Tổ Gia trầm ngâm ngẫm nghĩ rất lâu mới nói: “Đại Đầu, có một việc…” Nói đến đây, Tổ Gia dừng lại, giọng hơi run.

Tôi im lặng nghe mà khiếp hồn khiếp vía.

Vào năm 1945, khi cuộc kháng chiến kết thúc, Tổ Gia đi một chuyến đến Sơn Đông. Vốn chuyến đi lần này của ông là vì một món đồ cổ. Tổ Gia rất thích sưu tập đồ cổ, có một nguồn tin nói rằng nơi đó có một miếng ngọc bích khắc hình con rồng từ thời Càn Long. Năm đó mưa lớn, Tổ Gia bị chứng phong thấp rất nặng. Đến Sơn Đông ngày thứ hai thì chân đau đến nỗi không thể nhấc lên nổi. Sau phải nhờ tay buôn đồ cổ ở địa phương giới thiệu, mời một thầy thuốc nữ đến châm cứu. Y thuật của cô nương đó là do ông cha truyền lại. Cha cô bị đánh đến chết vì không chịu khám bệnh cho một tên Hán gian.

Tổ Gia nói: “Có mấy vị thầy lang châm cứu cho ta, nhưng cởi hết cả áo mà vẫn không tìm đúng huyệt vị. Nhưng khi đó ta vẫn mặc áo lót, cô nương đó để ta nằm nghiêng trên giường, mũi nào cũng châm đúng huyệt.”

Tổ Gia nói ông ấy đã sinh lòng thương yêu, rồi để lại mầm sống. Về sau, khi đứa bé chào đời, người phụ nữ đó một mình ở lại Sơn Đông với con. Tổ Gia có mặt ở Sơn Đông với thân phận là một nhà buôn đồ cổ. Gã buôn đồ cổ của vùng này cũng nghĩ ông cùng hội cùng phường, cho nên Tổ Gia nói với người phụ nữ kia rằng ông chính là một nhà buôn đồ cổ chính hiệu. Từ đó trở đi, cứ cách nửa năm là Tổ Gia lại đi Sơn Đông một chuyến, đồng thời ông luôn cảm thấy dằn vặt vì phải che giấu thân phận của mình.

Giờ tôi mới hiểu tại sao có những lúc Tổ Gia đi ra ngoài mà không dẫn theo tay chân cùng đi, cũng không ai biết ông đi đâu. Những gì nên để chúng tôi biết, Tổ Gia sẽ bảo chúng tôi, cái không nên cho chúng tôi biết thì cũng không ai dám hỏi.

Người làm A Bảo không thể tùy tiện cho phép mình được kết hôn, nếu muốn kết hôn, thì người phụ nữ kia cũng nhất định phải trở thành A Bảo, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Vì lòng người là thứ khó có thể khống chế được nhất. Nếu vợ mình biết mình là kẻ lừa đảo, thì không ai dám chắc rằng bà ấy sẽ làm ra những việc gì.

Bởi vậy, nếu có người trong Đường khẩu lấy nhau, thì đều phải do đích thân Tổ Gia phán quyết. Sau khi những người phụ nữ đó trở thành A Bảo, thông thường đều phải vào vai bà đồng, bà cốt, đạo cô… và đảm nhận nhiệm vụ Trát phi. Mà trong mắt mọi người, Tổ Gia chưa từng có một người phụ nữ nào.

Tin này thật sự là tiếng sấm giữa trời quang. Nếu các Bá đầu mà biết Tổ Gia còn “để lại bản sao” thế này thì chắc chắn tất cả sẽ làm phản. Nếu lúc này có người đề nghị giết Tổ Gia, tôi nghĩ sẽ chẳng có ai phản đối.

Tổ Gia nói: “Không phải ta thấy có lỗi với các huynh đệ, ta chỉ muốn có đứa con nối dõi mà thôi. Năm Dân Quốc thứ sáu, người nhà ta đều bị hại chết cả. Mấy năm nay, toàn những cảnh đánh đấm chém giết lẫn nhau, ta cũng chỉ muốn sống một cuộc sống yên bình, nhưng đã không có cơ hội. Các con vẫn còn cơ hội, các con cần phải nắm chặt lấy cuộc sống từ nay về sau.”

Tổ Gia nói với tôi, sau khi ông ấy chết, nếu tôi vẫn còn sống, tình hình lắng xuống, tôi sẽ có cơ hội đi thăm hai mẹ con bà ấy. Nói đến đây, Tổ Gia cười: “Nó là một đứa con trai, có thể giữ gìn hương hỏa rồi.”

Tổ Gia còn cho tôi biết một bí mật: Ông đã chôn một cái hòm ở giữa hai cây hòe cổ thụ chỗ đèo Nhạc Gia Lĩnh, bên trong toàn là đồ thật. Tổ Gia nói cái gì nên nói thì ông ấy sẽ nói ra, nhưng ông cần phải giữ lại một ít tiền cho hai mẹ con họ. Sau này, khi Tổ Gia bị tịch thu hết tài sản, mặc dù bị quơ hết rất nhiều thứ, nhưng không ai biết vẫn còn một cái rương đựng đầy của nả. Tổ Gia luôn chừa lại đường lui cho mình.

Điều này thể hiện đầu óc rất lợi hại của Tổ Gia. Trong mấy năm bọn Quốc dân Đảng nắm quyền, chế độ tiền tệ hỗn loạn, đổi từ tiền Viên đầu to1 đến đồng Tôn đầu nhỏ2, từ đồng Pháp tệ đến Kim viên bản3, lại thêm cả các loại tiền bằng đồng, tiền đúc, chứng từ mua hàng được lưu thông riêng trong tầng lớp nhân dân. Có đến không dưới mười mấy loại tiền, nhưng Tổ Gia chỉ cất giữ loại “tiền cứng”. Ông chưa bao giờ tin tưởng vào những tờ tiền giấy, chẳng khác gì tờ giấy trắng. Cho dù là tờ Pháp tệ vừa mới được ban hành, khi sức mua bán khá cao thì ông vẫn giữ chặt vàng, bạc trắng. Ông thà cứ một thời gian lại đi đổi một ít pháp tệ, cũng không thể mất trắng được. Sau này xảy ra lạm phát, mới thấy quyết sách của Tổ Gia thật sáng suốt.

Nếu không, bây giờ đã để lại cho người nhà một rương giấy lộn.

Nhiều năm nay, Tổ Gia tích trữ bao nhiêu vàng, đồng bạc, nén bạc nguyên chất, còn có cả các loại đồ cổ như ngọc bích, đồng hồ bỏ túi mà khi Tổ Gia xem phong thủy cho những nhà giàu được người ta tặng cho. Tổ Gia bảo tôi có cơ hội thì lần lượt mang những thứ đồ này đưa cho vợ và con trai ông. Tổ Gia còn dặn dò rằng không được đưa tất cả cho họ một lần, như vậy sẽ rước họa đến cho họ, không khéo còn mất mạng. Nếu khi nào tôi túng thiếu, cũng có thể lấy một chút mà dùng.

Tôi sợ đến nỗi vội vàng quỳ sụp xuống, khóc rằng: “Tổ Gia! Con không dám.”

Rồi rụt rè hỏi: “Tại sao người lại tin tưởng con?”

Tổ Gia cười, rồi hỏi lại tôi một câu: “Đại Đầu, tại sao ta lại cho con gia nhập Đường khẩu?”

Tôi ngơ ngác một hồi mới sực bừng tỉnh. Đâu phải ông muốn chiêu mộ một A Bảo, mà là một người ông có thể phó thác chuyện về sau này. Tất cả những điều này đều là vụ dàn cục cuối cùng của Tổ Gia, ông luôn đứng trên đỉnh cái bẫy mà quăng lưới. Tất cả các Bá đầu đều lọt vào tấm lưới này, để đến cuối cùng tôi trở thành người thu mẻ lưới đó về.

Tổ Gia đã quan sát tôi rất lâu trong quán trà. Khi ông uống trà xong rồi ra về, nhiều lần ông cố ý đánh rơi tiền dưới đất, tôi nhặt lên, đuổi theo trả lại cho ông. Lần đó là ông muốn thử thách lòng tham của tôi. Sau khi vào Đường khẩu, khi Nhị Bá đầu dẫn tôi đến kỹ viện, ông cố ý cho người bám theo. Lần ấy là ông thử thách tính háo sắc trong người tôi. Cuối cùng ông muốn gửi gắm vợ con cho tôi cũng không phải ông không có sự đề phòng. Ông cố ý bàn với tôi một vài việc của Đường khẩu, đó là để xem xem tôi có biết suy tính không. Ông cho tôi cùng đi Tứ Xuyên đấu với Tần Bách Xuyên và bọn cướp kia là muốn thử thách lòng dũng cảm và trung thành của tôi.

Điều đáng mừng là tôi đã vượt qua tất cả những thử thách đó. Tôi không nén nổi sự xúc động, bùi ngùi. Tổ Gia trông coi Đường khẩu bao nhiêu năm nay, trong tay có biết bao nhiêu anh em huynh đệ, cuối cùng lại chẳng có được một người nào có thể tin cậy được. Rốt cuộc là do người ta không thể tin tưởng vào ông, hay ông không thể tin tưởng vào họ?

Tôi nói: “Tổ Gia, hay chúng ta cùng đi Hồng Kông, ở đó sư phụ có rất nhiều bạn bè mà?”

Tổ Gia cười cay đắng: “Ta không thể bỏ chạy.”

Tôi không hiểu: “Tại sao vậy?”

Tổ Gia thở dài, rất lâu sau, ông nói: “Sau này con sẽ hiểu.”

Sau đó, ông tới hậu viện nơi đặt bài vị thờ cúng liệt tổ liệt tông phái Giang Tướng lễ bái. Lần này ông không cho phép tôi vào cùng. Ông bảo tôi đứng đợi ngoài cửa, nên tôi chỉ còn biết từ từ khép cửa lại.

Tôi không biết Tổ Gia đã nói gì với liệt tổ liệt tông, cứ đứng ngoài đợi rất lâu, mãi sau ông mới đi ra. Tôi chỉ thoáng nhìn thấy vành mắt Tổ Gia bị đỏ.

Vài tháng sau đó, hơn 300 hội đạo môn trong cả nước bị tiêu diệt, mấy chục vạn tên đầu sỏ và thành phần cốt cán của các hội đạo môn đều bị trừng trị. Tổ Gia, vì tay nhúng chàm đã quá lâu rồi, nơi nào xảy ra chuyện lừa đảo có liên quan đến A Bảo đều bị “làm cỏ sạch sẽ”, nên cuối cùng ông cũng bị tố giác. Vì ông đã làm bao nhiêu chuyện ác tày trời như giết người, đốt nhà, đưa hối lộ, lừa đảo, dùng tà thuyết mê hoặc dân chúng, nên bị xử tử hình.

Trước khi bị đưa ra pháp trường, ông không hề sợ hãi như những người khác. Ông ung dung bước đi, tôi nhận thấy không phải ông đang đi đến chỗ chết mà giống như sắp được giải thoát. Cuối cùng ông không còn phải đi lừa người nữa, không còn phải vắt óc cân nhắc giữa sự sống và cái chết nữa.

Đại Bá đầu và một vài vị Bá đầu đến từ Tây phái, vì họ đã từng mang án giết người, nên cũng bị phán tội chết. Hơn 200 người lớn nhỏ còn lại của Đường khẩu cũng đều bị trừng trị thích đáng tùy theo tội nặng hay nhẹ. Tôi bị xử năm năm.

Từ đầu đến cuối, tôi không sao hiểu nổi tại sao Tổ Gia không chạy đi. Hơn nữa còn không cho phép bất kỳ một Bá đầu và bọn chân tay nào chạy trốn. Điều này chẳng phải là một tay ông ấy muốn chặn đường sống của phái Giang Tướng hay sao? Tổ Gia nói sau này tôi sẽ hiểu, đến khi nào tôi mới có thể hiểu được đây?

Thời hạn tôi phải chịu án dài đằng đẵng, chịu đựng cảnh đen tối như ban đêm. Ở trong ngục, tôi thường hay nghĩ về những năm tháng đã qua, nhớ đến người mẹ già đã qua đời của tôi, nghĩ đến Tổ Gia, nghĩ đến cảnh sống qua ngày trong cơn mộng mị.

Chắc chắn Tổ Gia sẽ không thể nghĩ rằng sau khi ông chết, xã hội lại biến đổi lớn đến như vậy. Ông không thể ngờ được không khí sục sôi của bước đại nhảy vọt, càng không thể ngờ đến ngọn lửa điên cuồng của cuộc “Đại Cách mạng văn hóa” và sức mạnh của phong trào “Xóa bỏ bốn cái cũ”. Dẫu sao ông cũng chỉ là một người hay dùng mưu chứ không phải là một nhà chính trị. Ai mà có thể dự đoán trước được một cơn bão sẽ ào lên mạnh mẽ của 20 năm sau. Những thứ ở trong cái rương đó, mãi tận những năm 80 của thế kỷ 20 tôi mới dám cho chúng nhìn thấy ánh mặt trời.

Sau khi ra tù, việc đầu tiên mà tôi nghĩ đến là muốn đi thăm người vợ góa và đứa con thơ của Tổ Gia. Nhưng trong tay tôi không có tiền, ngay cả tiền chi tiêu đi đường cũng không có. Tôi liền tìm một công việc vặt trong hợp tác xã mua bán – là hợp tác xã công tư hợp danh ở thị trấn để kiếm tiền rồi tích cóp làm tiền lộ phí.

Khi đó, toàn quốc tiến hành việc luyện gang luyện thép trên quy mô lớn, chỉ một trị trấn nhỏ mà xây dựng hơn một nghìn lò luyện gang. Các xã viên hăng hái đi khai thác quặng sắt ở khắp núi khắp đồng, thậm chí họ chỉ muốn có thể quăng hết nồi, niêu, xoong, chảo, thìa, muôi của nhà mình vào lò luyện. Tôi đã rất lo sợ, sợ bọn họ vô tình đào được cả cái hòm châu báu kia lên.

Mấy buổi trưa, trời nắng như thiêu như đốt, mọi người đều trốn trong nhà tránh nắng. Tôi một mình lẩn ra chỗ ngọn Nhạc Gia Lĩnh, nhìn ra tít đằng xa, thấy hai cây hòe cổ thụ đã biến mất. Tôi giật mình vội vàng đi thêm vài bước nữa, đến chỗ quẹo của con đèo đó, đi đi lại lại quanh chỗ đó, để xác định vị trí của hai cái cây đó theo cảm giác của mình. Sau khi đã xác định được phạm vi của chúng, tôi liền đi khỏi đó. Tôi biết, trong hoàn cảnh xã hội khi đó, anh mà có nhiều của báu bao nhiêu cũng không thể tiêu được, không ai dám tiêu chúng, cũng không ai dám lấy chúng. Tất cả đều phải xếp gọn vào những kế hoạch kinh tế, huống hồ đây lại là những thứ bất chính.

Mùa xuân năm sau đó, cuối cùng tôi cũng tích cóp đủ tiền lộ phí, cứ lần theo địa chỉ mà Tổ Gia khi còn sống đã dặn, đến Sơn Đông một chuyến.

Phải vất vả lắm tôi mới tìm ra họ. Khi gặp tôi, người phụ nữ đó sững sờ nhìn. Tôi thấy bà ấy chỉ khoảng ngoài 30 tuổi. Điều đó cho thấy khi gặp Tổ Gia, bà mới chỉ chừng mười tám, mười chín tuổi là cùng. Tổ Gia chết khi ông 50 tuổi. Điều đó có nghĩa là họ cách nhau khoảng hơn 20 tuổi.

Người phụ nữ đó nhìn tôi từ đầu đến chân: “Anh là…?”

Trong lòng tôi dấy lên bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn đan xen. Bao nhiêu hình ảnh khi Tổ Gia còn sống cứ ào về trong tâm trí tôi. “Tôi… tôi là đồ đệ của Tổ Gia, tôi thay ông ấy đến thăm bà.”

“Tổ Gia?” Người phụ nữ đó không hiểu liền hỏi.

Tôi nhận thấy ngay rằng mình suýt nữa đã lỡ lời, liền nói: “Tức là chồng của bà, ông ấy là thầy của tôi, chúng tôi đều làm về đồ cổ.” Tôi đã đồng ý với Tổ Gia, giữ mãi bí mật của ông ấy.

Người phụ nữ đó ngây người, nhìn tôi trân trân, mãi lâu sau, nước mắt trào ra: “Ông… ông ấy còn không?”

Tôi không kìm nén nổi cũng bật khóc: “Năm 1952, Tổ Gia bị phong hàn, về sau bị nhiễm vào phổi, cuối cùng… không cứu được…”

Nước mắt lăn tràn trên má người phụ nữ ấy.

Tôi lau nước mắt, nói: “Trước khi Tổ Gia mất, ông luôn nhắc đến bà. Mấy năm nay, những người buôn đồ cổ như chúng tôi đều bị chính phủ cho đi cải tạo, nên không có lúc nào rảnh tới thăm bà được. Thật là thất lễ, thất lễ quá!”

Chúng tôi đang trò chuyện, một tiếng gọi từ bên ngoài cửa vọng vào: “Mẹ!”

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cốt nhục của Tổ Gia. Những đường nét trên khuôn mặt đến ánh mắt đều giống Tổ Gia như tạc.

Người phụ nữ ấy vội lau khô nước mắt, nói: “Con trai, lại đây với mẹ. Con chào chú đi.”

Tôi vội nói: “Không được, không được, tôi là đồ đệ của Tổ Gia, tôi và cậu đây cùng vai vế.” Tôi lôi từ trong túi ra mấy chiếc kẹo đưa cho cậu bé đó. Cậu bé mừng rỡ bỏ vào miệng, ăn rất ngon lành.

Tôi không khỏi thở dài, thế sự biến đổi, thịnh suy khó lường. Ai có thể nghĩ rằng cha của đứa bé nghèo này lại là một ông trùm có thể hô mưa gọi gió. Ai lại có thể nghĩ rằng Tổ Gia ngày nào cũng có thể tiêu tiền như nước, nhưng con ông lại nghèo khó đến vậy.

Tôi để lại cho họ ít tiền rồi trở về, không dám nhắc đến chuyện về chiếc hòm đựng toàn của báu kia, sợ nó là mầm tai họa.

Tôi đã định cứ cách nửa năm sẽ lại đi thăm hai mẹ con họ một chuyến. Chẳng ngờ lại là ba năm. Bắt đầu từ năm 1959, cả nước xảy ra nạn đói khủng khiếp, thiên tai kéo dài ba năm, khiến cho bao nhiêu người bị chết đói. Khi đó, người dân đói khổ đến nỗi ngoài đường đầy xác người chết. Người ta đi khiêng những xác chết này về, khi đi qua một con mương chỉ rộng chừng nửa thước mà mấy người đàn ông không ai còn đủ sức vượt qua, chúng tôi cũng đói đến chẳng còn chút sức lực nào. Một khi đã ngã xuống thì không còn có sức mà bò dậy nổi nữa. Một lần, tôi đi nhà xí, xách quần lên, vừa đứng dậy thì hai mắt tối sầm lại, đầu lao xuống đất. Kết quả là trán bị đập vào mép của một chiếc nồi sắt đã bị gỉ bẹp ở trong góc tường chảy máu. Không phải tôi không lo lắng, không nghĩ đến hai mẹ con họ, mà quả thật đến bản thân mình tôi còn chẳng lo nổi nữa là.

Cuối năm 1961, Nhị Bá đầu và Thất Bá đầu được ra tù. Năm sau đó, tình hình kinh tế bắt đầu chuyển biến tốt đẹp.

Nhị Bá đầu hỏi tôi: “Mấy năm nay ở ngoài có thấy động tĩnh gì không?”

Tôi sững người: “Động tĩnh ư? Sống được là khá lắm rồi.”

Nhị Bá đầu gượng cười: “Ở trong tù, tôi thường hay nhớ lại những ngày tháng trước đây, nhớ về Tổ Gia, nhớ về các huynh đệ. Lão Ngũ, sau này định thế nào?”

Tôi thở dài: “Định thế nào nữa? Cứ sống tốt, báo đáp công ơn của lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông.”

Nhị Bá đầu cười: “Thật không?”

Tôi nói: “Đường không như mật, chăn ấm chẳng bằng được lớp da, ân tình cha mẹ sâu nặng cũng không thể sánh với Mao chủ tịch. Khi còn ở trong đó huynh chưa từng học qua sao?”

Nhị Bá đầu vội nói: “Học rồi, học rồi!” Mãi lâu sau, Nhị Bá đầu mới lại đột ngột hỏi: “Lão Ngũ, trước khi chết Tổ Gia không dặn gì à? Tôi còn nhớ có mấy lần họp Đường hội xong ông ấy thường hay bảo cậu ở lại mà.”

Tôi nói: “Ông ấy không dặn gì. Ông ấy chỉ lo cho tiền đồ của các huynh đệ.”

Nhị Bá đầu nói: “Cứ theo tác phong làm việc của Tổ Gia, làm việc gì cũng sẽ có dự phòng, chừa lại đường lui. Mà ông ấy không dặn lại gì ư?”

“Không!” Tôi lặng lẽ lắc đầu.

Cuối cùng, Nhị Bá đầu không thể nhẫn nhịn được, nói: “Lão Ngũ, đã nghĩ đến chuyện chấn hưng lại chưa?”

Tôi không kìm nén nổi một tiếng thở dài: “Đã là thời đại nào rồi mà vẫn còn nghĩ đến chuyện làm lại? Xem ra huynh ở trong đó vẫn chưa nếm đủ sao?”

Nhị Bá đầu nói: “Mấy A Bảo như chúng ta không biết làm cái gì. Nếu không làm việc đó thì biết sống kiểu gì.”

Tôi cười: “Người dân trong cả nước đều đang hăng hái xây dựng Xã hội Chủ nghĩa, người nghèo cũng như người giàu đều làm như vậy. Tại sao chúng ta lại không thể sống được chứ?”

Nhị Bá đầu nói: “Cũng phải có cách kiếm ra tiền chứ?”

Tôi liếc nhìn ông ta một cái: “Xưởng dệt, xưởng cơ khí, xưởng máy kéo, nếu không làm được thì có thể vào hợp tác xã, làm ruộng, xay thóc, nhặt phân có gì khó đâu.”

Nhị Bá đầu lại cười: “Bánh xe phong thủy lần lượt quay vòng, không ngờ Triệu Nhị gia ta lại đến nỗi phải đi nhặt phân.” Lặng im một lúc, đột nhiên ông ta nói: “Mấy năm nay đệ cũng không đi tìm một người phụ nữ à?”

Tôi cười cười, thở dài nói: “Một thằng khố rách áo ôm lại từng ngồi tù thì ai dám theo?”

Nhị Bá đầu cũng cười: “Nhớ năm xưa, thằng này vừa bước vào Xuân Hiểu lầu, mụ tú bà dẫn một đám gái đẹp bâu quanh. Thời thế thay đổi, cảnh vật cũng đổi thay hết cả rồi.”

“Thật là Tổ Gia không dặn gì à? Không chỉ đường cho các huynh đệ ư?” Nhị Bá đầu lại chợt hỏi lại lần nữa.

“Không!” Tôi nói: “Tổ Gia cũng không có cách nào. Ông ấy chỉ nói: ‘có cơ hội, mọi người hãy rửa tay gác kiếm, tìm việc khác mà làm’.”

“Làm việc khác?” Nhị Bá đầu hừm lên một tiếng: “Chính Tổ Gia đã dẫn ta đi theo con đường này. Ông ta chết rồi, lại bảo chúng ta làm việc khác. Vậy là có ý gì?”

“Tổ Gia chỉ muốn tốt cho mọi người.”

Nhị Bá đầu lắc lắc đầu: “Làm sao mà làm việc khác được, lừa đảo quen rồi. Đến chết cũng vẫn đi lừa, không thể thay đổi được.”

“Thời thế thay đổi rồi!” Tôi nói: “Trước tiên cứ làm việc gì đó đàng hoàng đã, huynh đi vào nhà máy làm thêm cùng với đệ nhé.”

Nhị Bá đầu lẳng lặng gật đầu.

Lần thứ hai khi tôi đến thăm người vợ góa của Tổ Gia là vào năm 1963. Năm tháng chẳng chừa một ai, người phụ nữ ấy trông già nua hẳn đi, đứa bé cũng cao lớn hơn rất nhiều. Lại cách hai năm sau, khi gặp lại họ vào năm 1965, tóc mai bà ấy đã điểm bạc, người con trai cũng đã trưởng thành và đi lính. Trở về nhà, tôi cảm thấy vui mừng, thanh thản vô cùng. Đêm đó, tôi quay mặt hướng về nơi Tổ Gia bị xử tội và đốt cho ông mấy tờ vàng mã. Tổ Gia ở trên trời linh thiêng có thể an lòng rồi. Tôi bắt đầu nghĩ cách làm thế nào để mang những thứ trong chiếc hòm kia cho bà ấy.

Đột nhiên, tôi nghe thấy có người gõ cửa, mở cửa ra thì thấy Nhị Bá đầu. Vừa bước vào cửa ông ta cứ nhìn tôi, nhếch miệng cười rất khó hiểu.

“Có chuyện gì vậy?” Tôi hỏi.

Ông ta vẫn nhìn chòng chọc vào mặt tôi, rất lạ. Sau khi vào nhà ngồi, ông ta nói: “Lão Ngũ, bao nhiêu năm nay Nhị Bá đầu ta đối xử với đệ thế nào?”

“Rất tốt, không có gì phải nói.”

Ông ta gãi gãi đầu, nói: “Vậy sao lại giấu ta?”

Tôi chột dạ: “Giấu cái gì?”

“Ha ha…” Ông ta cười: “Tào Gia Trang, huyện Tào, Sơn Đông.”

Tội giật mình: “Huynh theo dõi đệ?”

Ông ta nói: “Không phải hốt hoảng thế, làm A Bảo là phải bình tĩnh. Hãy nói xem phải làm thế nào đây?”

“Huynh muốn thế nào?” Tôi trừng mắt nhìn chằm chằm ông ta.

Ông ta lắc lắc đầu: “Tổ Gia thật đúng là khốn kiếp, ngấm ngầm giấu các huynh đệ dan díu với gái làng chơi, lại còn sinh ra thứ nghiệt chủng.”

Tôi nói: “Nhị Bá đầu! Hãy nói những lời lọt tai một chút! Tổ Gia đối xử với huynh không bạc.”

Ông ta lại vò gãi đầu: “Lão Ngũ, nói xem, Tổ Gia có con nối dõi, thì chắc chắn sẽ để lại thứ gì cho nó. Chẳng trách bấy lâu nay đệ im bặt, thì ra đã biết rõ.”

Tôi lạnh lùng nói: “Trước khi Tổ Gia chết, đã bị tịch thu gia sản, không phải là huynh không thấy sao? Ông ấy không để lại thứ gì cả.”

Ông ta cúi đầu, rồi lại ngẩng đầu lên, hậm hực nói: “Vậy tao đành phải tố giác hai mẹ con chúng nó. Để tất cả mọi người đều biết bọn chúng là dòng giống của tên trùm xã hội đen, dòng giống của kẻ giết người, của tên lừa đảo. Tao xem bọn chúng sẽ sống thế nào.”

“Nhị Bá đầu ông… một tay Tổ Gia đã dìu dắt huynh. Sao huynh có thể?”

“Hừm, hừm. Là lão ta bất nhân, đừng trách tôi bất nghĩa!”

Đầu óc tôi quay cuồng, trấn tĩnh lại một lát, tôi nói: “Thôi được, đệ nói cho huynh biết vậy. Tổ Gia để lại một cái rương đựng đồ. Huynh cũng biết, năm này không thể lôi chúng lên được.”

“Khà khà”, Nhị Bá đầu cười, “Vậy mới phải chứ! Lão Ngũ, nói cho ta biết nó ở đâu, chúng ta chia nhau, coi như phí bịt miệng ta.”

Tôi nói: “Bây giờ không phải lúc đâu, một khi bị người ta phát hiện, chúng ta sẽ đi tù.”

Ông ta nói: “Không sao, đệ đưa ta một nửa trước. Ta không giơ nó ra đâu, nhưng cầm trong tay cho chắc ăn đã.”

Tôi nhìn ông ta, tôi quá hiểu Nhị Bá đầu, ông ta là loại tráo trở. Cho dù có đưa hết thì chưa chắc ông ta đã tin. Hơn nữa ông ta đã biết được bí mật của Tổ Gia thì sớm muộn gì cũng lấy chuyện này mà uy hiếp. Một khi ông ta nói ra chuyện này, thì người vợ góa và con trai của Tổ Gia không thể sống tiếp được. Hai mẹ con họ luôn giữ gìn giấc mộng, nếu giấc mộng này tan vỡ, thì hỏng mất. Lần đầu tiên tôi có ý định giết người.

“Thôi được, để đệ dẫn huynh đi. Sau khi đưa cho huynh, huynh phải tuyệt đối giữ bí mật. Dù gì chúng ta cũng đều do Tổ Gia dìu dắt!”

“Yên tâm đi!”

Vào một buổi tối trời nổi gió to, tôi hẹn Nhị Bá đầu ra sau dãy Nhạc Gia Lĩnh. Nửa đêm, tôi cưỡi “con lừa sắt” ra sau núi. Con lừa sắt chính là chiếc xe đạp do người ta tự chế ra vào thời đó, không có chuông, không có hộp xích, cũng không có tay phanh, khi muốn phanh xe lại thì phải dùng chân chắn bánh trước. Sau khi dừng lại, cũng không có chân trống, phải dùng một thanh gỗ như cái cán bột để chống.

Khi tôi đến nơi, Nhị Bá đầu đã đến trước rồi, ông ta giơ giơ cái xẻng lên nói: “Làm cái gì mà muộn thế!”

Tôi nói: “Ra sớm sợ bị người ta phát hiện ra.”

Tôi đo đạc một lúc, xác định khoảng khoảng vị trí, rồi nói: “Tổ Gia nói chính là chỗ này. Chúng ta cùng đào đi.”

Hai người chúng tôi đào thật nhanh, trời lạnh căm mà mồ hôi vẫn túa ra, đã bao nhiêu năm, lớp đất đã cứng lại, phải đào xuống 20cm, mới bắt đầu gặp lớp đất mềm, chúng tôi lại đào thêm mấy chục phân nữa, cuối cùng cũng đào trúng phải một cái rương. Sau khi đào lên thì thấy đó là một cái rương to chừng 1m. Nhị Bá đầu đã có sự chuẩn bị từ trước. Hắn lôi ra một cái cọc sắt đã thủ sẵn trong chiếc áo khoác, rồi cắm vào móc khóa, lấy sức mà bẻ mạnh một cái, chiếc hòm bật tung ra.

Nhờ có ánh trăng, chúng tôi nhìn thấy lớp bên trên toàn là đồ bằng ngọc, có miếng ngọc bích trạm trổ hình rồng, vòng ngọc, còn có cốc rượu bằng ngọc và trâm ngọc, bên dưới là lớp lót bằng nỉ. Lật lớp lót nỉ này lên có thể thấy những thỏi vàng được xếp rất ngay ngắn.

Nhị Bá đầu thèm nhỏ rãi, mắt sáng quắc lên: “Có chỗ này, chúng ta chẳng phải lo cho nửa cuộc đời còn lại nữa rồi. Lão Ngũ à, Lão Ngũ! Đệ chẳng có lòng thành gì cả.” Ông ta không hề biết tôi đã lẳng lặng cầm lấy thanh gỗ dùng để chống chiếc xe đạp đi vòng ra sau lưng ông ta, đập mạnh đánh “thịch” một cái. Nhị Bá đầu hự một tiếng rồi ngã xuống, tôi lại nện liên tiếp mấy cái nữa mới thôi. Tôi ném thanh gỗ đi, người tôi tê dại ngồi phịch xuống đất. Tiếng gió ù ù thổi từng hồi vào cây cổ thụ.

Sau khi định thần lại, tôi ném Nhị Bá đầu vào trong cái hố vừa được đào lên, rồi lấy đất lấp lại, tôi bê mấy tảng đất đắp lên, vùi thêm nắm cỏ lên trên, làm như chưa từng có chuyện đào bới ở đây.

Năm sau đó, cuộc “Đại Cách mạng văn hóa” bắt đầu được triển khai rầm rộ, ồ ạt. Năm đó, tôi 38 tuổi. Vào tháng 6, khẩu hiệu “Bài trừ tất cả những tư tưởng cũ, nếp văn hóa cũ, phong tục cũ, thói quen cũ mà giai cấp bóc lột đã đầu độc nhân dân trong mấy nghìn năm nay” được ban ra, kêu gọi mọi người “Quét sạch tất cả bọn yêu ma quỷ quái.”

Tôi đào một cái hố thật sâu ở sau sân nhà, rồi chôn cái hòm đó xuống, bên trên đắp lớp phân gà rất dày. Tôi nghĩ là làm như vậy sẽ được an toàn.

Thời kỳ “Cách mạng”, tôi không dám đi đâu, càng không dám đến thăm hai mẹ con họ, sợ chẳng may gây ra chuyện gì sẽ làm liên lụy đến họ.

Lịch sử cuối cùng cũng bước đến năm 1976, cuộc “Cách mạng” kết thúc, rồi lại mấy năm nữa trôi đi, tôi đã có chút ít tiền để dành. Năm 1979, tôi lại bước lên tàu hỏa đi Sơn Đông, tôi muốn xem xem hai người thân của Tổ Gia sống thế nào.

Phu nhân của Tổ Gia trông phúc hậu hơn rất nhiều so với lần gặp mặt trước. Hơn nữa, bà còn trở thành chủ nhiệm trạm y tế Đông y của địa phương. Thấy tôi đến, bà mừng đến rơi nước mắt, bà hỏi tôi mấy năm nay sống có tốt không? Có bị phê bình trong cuộc “Cách mạng” không? Tôi nói tất cả đều rất tốt, tôi bảo với bà tôi cũng đã lập gia đình và có con rồi, sinh đôi một trai một gái, năm nay lên 10. Tôi hỏi con trai bà đã phục viên chưa? Bà vui mừng báo cho tôi biết rằng con trai của bà đã trở thành đại đội trưởng rồi, cậu ấy đã lập được công lớn ở chiến trường.

Tôi không nén nổi tiếng thở dài, tạo hóa thật đã trêu ngươi con người. Tổ Gia cả đời chuyên đi lừa đảo, nhưng con trai của ông ấy lại tận trung vì nước. Đây cũng có thể xem như cậu ấy đã trả lại món nợ cho Tổ Gia rồi.

Tôi thấy đã đến lúc giao lại cho bà ấy cái hòm, tôi nói với bà: “Trước khi Tổ Gia chết có để lại vài món đồ cổ và vàng bạc, bảo tôi đợi khi sóng gió lắng xuống thì giao lại cho hai người. Mấy năm nay vì phong trào diệt trừ “bốn cái cũ” nên tôi không dám đưa cho hai người, sợ sẽ gây ra chuyện. Nay mọi việc đã qua rồi, tôi nên đưa trả nó cho hai người.”

Khi cái hòm nặng trình trịch bày ra trước mắt, bà bưng mặt mà khóc. Bà khóc rất lâu, tôi cũng rớt nước mắt, nhớ đến Tổ Gia, nhớ đến những năm tháng đã qua.

Cách bà nhận những thứ đồ này nằm ngoài dự liệu của tôi. Bà nói: “Sung công đi. Tôi đã vào Đảng năm 1966 rồi, cũng là một Đảng viên lão thành. Những thứ này đều thuộc tài sản của nhà nước. Đây là vấn đề nguyên tắc.”

Tôi ngơ ngác nhìn bà rất lâu, tôi thở dài nói: “Cũng được. Nhưng có một thứ bà hãy giữ lại, đó chính là miếng ngọc bích trạm trổ hình con rồng kia, Tổ Gia đến Sơn Đông chính là để tìm mua miếng ngọc bích này nên mới gặp bà, bà hãy giữ lại làm kỷ niệm.”

Bà cầm miếng ngọc trên tay, áp vào ngực, rồi lại khóc. Bước ra khỏi ngôi nhà ấy, tôi ngẩng mặt lên trời mà thở phào: “Tổ Gia! Việc sư phụ giao phó con đã làm được rồi.”

Khi từ biệt, tôi ngoảnh lại nhìn người vợ góa của Tổ Gia, mà cảm thấy chua xót vô cùng: “Sư phụ à! Sao hồi đó người không đưa họ chạy trốn?”

LỜI SÁM HỐI CỦA THẦY TƯỚNG SỐ

Thời gian trôi đi thật nhanh, năm tháng giục giã con người ta đến tuổi già nua. Năm 1988, tôi đã 60 tuổi, đã sống trọn một Lục thập hoa giáp4 rồi, chân cẳng không còn nhanh nhẹn nữa, mắt cũng đã mờ, ngủ không ngon giấc. Điều này có lẽ có liên quan đến việc tôi thích uống trà.

Tôi luôn có thói quen pha một ấm trà sau bữa ăn. Khi uống trà, tôi thường nhớ đến Tổ Gia, nhớ đến những ngày tháng ở bên cạnh ông. Đêm về khuya, vợ tôi thường khoác một chiếc áo lên cho tôi. Mười mấy năm nay đều như vậy.

Tôi cảm ơn ông trời đã cho tôi có được một người vợ tốt như vậy. Bao nhiêu năm nay, bà ấy luôn yêu thương, chăm sóc tôi. Bà ấy nói trước đây tôi đã chịu nhiều cực khổ rồi, giờ lấy tôi là để bù đắp và mang lại hạnh phúc cho tôi.

Một hôm, tôi đang đeo cặp kính lão đọc sách. Vợ tôi từ ngoài bước vào, đưa cho tôi một cuốn tuần san: “Ông à! Cho ông xem cái này này. Tôi cứ cảm thấy có bài nói về những chuyện rất giống chuyện của các ông trước đây.”

Tôi cầm cuốn tuần san đó xem, đó là bài Sám hối do một phạm nhân đã viết được đăng trên tuần san của báo Pháp Luật, ghi chép lại những việc từ khi đất nước Trung Quốc mới được thành lập cho đến nay. Có một vài phạm nhân bị tử hình trong một vài vụ án nghiêm trọng đã viết lời độc thoại để sám hối trong ngục. Người sắp chết thường hay nói thật, chim sắp chết tiếng kêu cũng bi ai, một vài tội phạm từng làm những việc cực kỳ ác, nhưng trước khi chết cũng thường ăn năn, hối lỗi, và viết một vài thứ gì đó dành cho mình, như là lời kết của cuộc đời để cảnh tỉnh cho những người đi sau.

Vợ tôi bảo tôi đọc bài viết thứ ba. Tôi giở cuốn tuần san ra, đọc thật kỹ, đọc một mạch đến nỗi máu nóng trong người trào sôi, nước mắt giàn giụa. Bài viết đó có tiêu đề Giữa thiện và ác:

Sống trong trời đất, có ai không muốn làm người lương thiện? Nhưng thế sự rối ren, số phận biến đổi khó lường. Một khi đã sa chân bước vào con đường tà đạo, mãi mãi khó có thể quay đầu trở lại.

Tôi sinh vào tháng 4 năm Quang Tự thứ 28, mang họ Thượng Quan, mẹ hiền đặt tên là Thành Minh, mang nghĩa “chân thành tất sáng suốt” trong Lễ ký, lại do vai vế trong dòng họ có tên Quan nên cha đặt cho tên cúng cơm là Quan Sinh. Năm Dân Quốc thứ 6, nhà tôi gặp phải biến cố, chỉ trong vòng một tháng, bảy người thân của tôi đều bị chết. Từ đó, tôi bơ vơ một mình, trốn chạy khắp nơi.

Cũng năm đó, vì chính nghĩa tôi đã gia nhập phái Giang Tướng, nhờ được Trương sư phụ nâng đỡ, tin yêu nên được đứng đầu Mộc Tử Liên. Mới đầu tôi cứ nghĩ dựa vào sức của mình có thể xoay chuyển được cục diện vô pháp vô đạo trong phái Giang Tướng. Từ đó, suốt mấy chục năm, tôi gồng mình làm hết sức. Tất cả mọi việc lớn nhỏ trong Đường khẩu, đều thật tâm làm theo đạo trời, ra sức làm theo tôn chỉ luôn thận trọng, không lạm sát, cấm chuyện tà dâm, không trộm cắp, chỉ cướp của người giàu cứu giúp người nghèo, lấy ác trị ác.

Nhưng, suy cho cùng, phái Giang Tướng cũng chỉ là một đám người ô hợp. Ngồi ở Đường khẩu như ngồi trên đống lửa. Giữa cái lợi và cái hại, thiện ác khó phân định rạch ròi, rất nhiều việc vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi. Tệ hơn, có lúc tôi không thể tự điều khiển được chính mình, từng vì mình, nhiều lần lạm sát người vô tội. Trên đời ai mà không có cha mẹ, con cái. Mỗi lần nghĩ đến những người vô tội đã bị chết, hồn oan không được siêu thoát, tôi cảm thấy hổ thẹn vô cùng.

Tôi từng muốn thống nhất phái Giang Tướng, nhưng vì không còn cách nào khác phải tìm cách tiêu diệt hàng loạt. Khi cả bốn Đường khẩu đã quy về tay tôi, tôi lại bối rối vô cùng. Phái Giang Tướng sẽ đi về đâu? Tôi sẽ đi về đâu?

30 năm nay, tôi muốn thay trời hành đạo, nhưng, bản thân lại chẳng còn đạo đức chính nghĩa gì nữa. Lừa đảo, đốt nhà, giết người, cướp của, không có tội ác nào mà tôi chưa làm;

30 năm nay, tôi muốn dẫn dắt các huynh đệ trong Đường khẩu từ chỗ ngạ quỷ tìm đường trở về hình hài của một con người, làm điều phước thiện, cho lòng dạ trở nên nhân từ. Nhưng đến bây giờ nhìn lại tôi chỉ thấy toàn cảnh chém giết, hỗn chiến với nhau, chỉ còn lại những vết thương và cảnh tượng điêu tàn.

30 năm nay, tôi muốn lấy ác chế ác, trừng trị cái ác biểu dương cái thiện, nhưng, kẻ ác thì càng thêm ác, không nhổ được cái gốc rễ của những kẻ lừa đảo bịp bợm, không thể làm cho người ác khai tâm để trở thành người lương thiện. Thật xót xa cho những mảnh đời bất hạnh! Tôi tức giận và cảm thấy đáng tiếc khi người ta không dám đấu tranh, kháng cự lại.

Tôi muốn chấm dứt mọi chuyện, có lúc tôi chợt nhớ đến lời người bạn của tôi là pháp sư Thanh Phong đã nói: “Tôi đi hay ở lại không quan trọng, phái Giang Tướng nên bỏ hay giữ mới là điều quan trọng.”

Sau khi Quảng Đông được giải phóng, tôi đi khắp các tỉnh, được tận mắt trông thấy và hiểu rõ cảnh tượng phồn vinh, vui tươi ở các vùng giải phóng, cảnh tượng đất nước yên bình, nhân dân được yên ổn sinh sống. Đó là cảnh tượng chưa từng có suốt cả mấy nghìn năm.

Tôi không thể bỏ đi, tôi đi rồi phái Giang Tướng như bầy rắn mất đầu. Mấy trăm con người kia chắc chắn sẽ chạy trốn khắp nơi. Những người này như những hạt giống, chỉ cần ném họ vào một xó xỉnh nào của xã hội, xuống tới mặt đất liền lập tức bén rễ. Họ sẽ lại tiếp tục đi lừa đảo, rồi tiếp tục gây nguy hại cho xã hội.

Tôi đã lựa chọn cái chết, dùng sinh mạng để rửa sạch tội ác của cuộc đời mình, cũng là để cứu rỗi và chuộc tội cho cả phái Giang Tướng. Có lẽ các huynh đệ trong Đường khẩu sẽ căm hận tôi, nhưng rồi họ sẽ hiểu, kẻ lừa đảo bịp bợm rồi cuối cùng cũng chẳng có đường thoát, cách lấy ác chế ác khó có được đường đi thông suốt.

Phái Giang Tướng đã duy trì được mấy trăm năm, từ lâu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, đến nay đạo đức chẳng còn, hơi sức sắp tàn, cũng đã đến lúc đặt dấu chấm hết.

Tôi thành khẩn mong Chính phủ nghiêm trị các huynh đệ của tôi, trừng phạt nghiêm khắc mới có thể thức tỉnh được họ. Khi họ biết quay đầu hối cải, đi theo con đường đúng đắn, nhất định họ sẽ hiểu được nỗi khổ tâm của tôi.

Đọc đến đây, tôi khóc không thành tiếng. Tổ Gia, tôi đã hiểu rồi. Cuối cùng tôi cũng đã hiểu tại sao ông không bỏ đi, không cho phép bất kỳ người nào bỏ trốn, chúng tôi đã khiến ông đã phải lao tâm khổ tứ rồi. Cuối cùng cũng đã tìm thấy được thứ “đạo” mà ông phải khổ sở đeo đuổi kiếm tìm – kẻ bạt mạng đã biết quay đầu hối cải, từ bỏ ác hướng thiện. Ông đã dùng sinh mệnh của mình để cứu vớt, chuộc lại sinh mệnh cho chúng tôi! Tôi vốn nghĩ bí mật lớn nhất của ông chính là vợ và con trai ông, chẳng ngờ đây mới là bí mật cuối cùng.

Vợ tôi đi tới, ôm tôi vào lòng, tôi gục vào lòng vợ mà khóc thật to, tôi cứ khóc mãi, khóc mãi như một đứa trẻ.

Khóc một hồi thật lâu, bỗng nhiên tôi nảy ra một ý nghĩ, không biết mấy năm nay các huynh đệ tỷ muội kia đang làm gì, họ sống thế nào? Tôi phải tổ chức một buổi gặp mặt, tìm bằng được các huynh đệ tỷ muội năm xưa. Tôi muốn nói cho họ biết chuyện này, tôi muốn xem hiện giờ họ đang làm gì.

Tôi đã huy động mọi mối quan hệ, qua tất cả các kênh để liên lạc lại với các huynh đệ tỷ muội năm xưa. Năm đó, sau khi tòa án tuyên phạt, một bộ phận những người có tội danh lớn nhất, đặc biệt là các A Bảo từng giết người như Tổ Gia, Đại Bá đầu, còn có một vài Bá đầu là thủ hạ của Tần Bách Xuyên nữa, tất cả bọn họ đều bị tử hình, phần lớn những người khác đều chỉ bị phạt tù có thời hạn, còn có một vài người vừa mới vào nghề. Họ không tham gia nhiều vào các việc của Đường khẩu, nên được chính phủ xét xử khoan hồng, chỉ cho đi cải tạo một thời gian. Sau khi những người này ra tù, những người có hộ khẩu ở vùng này thì tìm công việc ở vùng này, còn những người ở vùng khác, như các nữ A Bảo của Đường khẩu ở Nam Việt, thì đều trở về quê cũ, những người ở Tứ Xuyên cũng trở về Tứ Xuyên. Đã bao nhiêu năm trôi qua, có lẽ các A Bảo lớn tuổi cũng không còn mấy người nữa. Cho nên, muốn tìm được họ không phải là chuyện dễ.

Chạy ngược chạy xuôi suốt mấy tháng dòng, cuối cùng tôi tìm được hơn 80 người. Mọi người nghe nói sẽ gặp mặt, đều thấy rất xúc động. Đặc biệt mấy anh em của Đường khẩu Mộc Tử Liên, nghe nói người đứng ra tổ chức là Tứ gia, Ngũ gia và Lục gia, tất cả đều rất phấn khởi nói: “Nhất định sẽ đến!”

Tôi đặt riêng một khách sạn. Ngày hôm đó, tôi đứng đợi ở đại sảnh từ rất sớm. Mấy chục năm không gặp, rất nhiều người trông lạ đến nỗi tôi không thể nhận ra được.

Người đến đầu tiên khiến tôi bất ngờ nhất lại là một nữ A Bảo của Đường khẩu Hải Việt Đường năm xưa, trông dáng vẻ cũng chừng 60 tuổi. Khi bà ấy xách túi hành lý đi về phía cửa khách sạn, tôi cũng đã ngờ ngợ đó chắc chắn là một chị em trong Đường khẩu, nhưng là ai thì tôi không thể nhận ra được.

Tôi còn đang đứng ngây người ra thì người đó đi về phía tôi hỏi: “Có phải Ngũ gia đấy không?”

Tiếng “Ngũ gia” khiến tôi giật mình, tôi nói: “Chị là…?”

Bà ấy tháo cặp kính ra, nói: “Tôi là thủ hạ của Yến nương, Liễu Ngọc Mai đây mà. Chúng ta từng gặp nhau ở Tứ Xuyên vào năm 1949.”

Tôi chợt nhớ ra, vào năm 1949 tại Đường khẩu Tần Bách Xuyên, khi Lưu Tư lệnh đang định bắn Tổ Gia thì Giang Phi Yến đến, đi phía sau là hai nữ A Bảo áp giải hai kẻ đã phá vỡ ngôi mộ kia cũng vào theo. Trong hai nữ A Bảo đó, một người là Liễu Ngọc Mai, một người là Liễu Hồng Mai, họ là chị em sinh đôi, đều là hai nha đầu thân cận của Giang Phi Yến.

Tôi vội vàng nói: “Ồ, Ngọc Mai. Mau vào trong, mau vào trong!”

Hơn 80 người đều lần lượt đến, họ đều gọi tôi bằng cái tên thân thiết Ngũ gia, khiến tôi vừa cảm thấy ấm áp, lại xót xa trong lòng.

Trước bữa ăn, mọi người bảo tôi nói đôi lời. Tôi bước lên bục, nhìn vào những khuôn mặt vừa quen vừa lạ này, từng cảnh tượng của những ngày tháng trước đây lại tràn về trong tâm trí, chưa nói gì mà nước mắt đã rơi…

Ước nguyện của Tổ Gia đã trở thành sự thật. Các anh em sau khi được Chính phủ đưa đi cải tạo, ai nấy đều làm ăn lương thiện, người vào làm trong nhà máy dệt, người làm ở bưu điện, trong xưởng máy cơ giới. Có người lại làm ăn buôn bán nhỏ, có người thi đỗ vào ngành Đông y đã ra làm thầy thuốc, có người thì làm giáo viên, cũng có mấy người trong đó có cả tôi, vì có tình cảm đặc biệt với Chu Dịch nên đã chuyên tâm học về Chu Dịch.

Trong bữa tiệc, có một người anh em hỏi tôi: “Ngũ gia, sau khi học được Chu Dịch chân chính thì anh thấy thế nào?”

Tôi nói: “Chu Dịch chân chính là một cuốn sách hay nói về tượng, số, lý, chiêm bói, cát, tịnh, tinh, vi, thiên nhân hợp nhất, trời đất giao hòa, không biết Dịch thì không phải người quân tử.”

Lại có một người anh em khác đứng lên hỏi tôi: “Ngũ gia, rốt cuộc thì Chu Dịch là gì vậy?”

Nghe hỏi vậy, tôi vừa thấy rất hài hước lại vừa thấy buồn phiền trong lòng, mang tiếng là một thầy tướng số của phái Giang Tướng, cả đời mượn danh nghĩa Chu Dịch đi lừa đảo mà lại không biết Chu Dịch là gì. Đây chính là chỗ đáng sợ cũng là chỗ đáng buồn của chúng tôi.

Tôi thở dài nói: “Trong Chu Dịch, chữ Chu có hai cách giải thích, cách thứ nhất cho rằng ‘Văn Vương đã diễn giải Chu Dịch khi ông bị giam giữ, Kinh Dịch bao gồm 64 quẻ (quái) ra đời vào thời nhà Chu nên được gọi là Chu Dịch; cách thứ hai cho rằng chữ Chu có nghĩa là vòng quanh và bắt đầu lại, tượng trưng cho quy luật vận động của vạn vật trong trời đất, còn chữ Dịch là chữ tượng hình, phía trên có một chữ Nhật, phía dưới có một chữ Nguyệt. Điều đó cho thấy thứ mà Kinh Dịch nghiên cứu chính là mối quan hệ tương tác giữa mặt trời, mặt trăng và trái đất’, cho nên Kinh Dịch nghiên cứu về chân lý trong vũ trụ.

Nguyên văn chỉ có 64 quẻ và quẻ từ, hào từ5, nhưng hiện nay chúng ta thấy Chu Dịch phân thành hai bộ phận, một bộ phận là nguyên văn Chu Dịch, một bộ phận khác là lời chú thích, diễn giải mà Khổng Tử đã thêm vào, tất cả bao gồm 19 thiên chú thích, về sau người ta gọi là Thập Dực, nghĩa là 10 chiếc cánh mà Khổng Tử đã thêm vào Chu Dịch, nhờ đó mà Chu Dịch mới có thể sải cánh bay cao. Kỳ thực, vì Khổng Tử diễn giải, chú thích Chu Dịch nên Chu Dịch thiếu chút nữa thì bị Tần Thủy Hoàng cho đốt sạch vì nghĩ là sách của Nho gia, cũng may Thừa tướng Lý Tư đã liều chết khuyên can, nói rằng Chu Dịch chính là một cuốn sách dùng để xem bói, không có liên quan gì đến Khổng Tử nên mới may mắn thoát nạn. Đồng thời, cũng chính vì Khổng Tử viết lời chú thích cho Chu Dịch, chắp cánh cho Kinh Dịch vốn chỉ là một cuốn sách dùng để xem bói thuần túy bay thật cao trở thành loại sách triết học. Đời sau Nho học phát triển mạnh mẽ, Chu Dịch cũng có giá trị hơn và được liệt vào hàng Ngũ kinh. Đến thời Càn Long, nhà Thanh soạn thành bộ Tứ Khố Toàn Thư, cuốn Chu Dịch đã nhảy vọt lên vị trí dẫn đầu.”

Người anh em kia lại hỏi tiếp: “Vậy rốt cuộc Chu Dịch và Bát quái, 64 quẻ có liên quan gì với nhau vậy?”

Tôi bật cười ha hả, cuối cùng thì cũng hỏi đến vấn đề hay rồi: “Cả 64 quẻ trong Kinh Dịch đều nói về quy luật âm dương, cái mà người ta nói trong vô cực lại có thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái đan xen với nhau tạo thành 64 quẻ. Vô cực là gì? Cực tức là giới hạn, là biên giới, vô cực tức là trạng thái hỗn độn không có giới hạn, không có điểm đầu và điểm cuối. Trong vô cực đã thai nghén ra thái cực, thái cực chính là khởi đầu của vạn vật. Bàn Cổ khai thiên lập địa, khi có trời, có đất thì thái cực đã xuất hiện rồi. Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi chính là âm và dương, cũng chính là hai mặt của một sự vật, trời là dương, đất là âm; đàn ông là dương, đàn bà là âm; ngày là dương, đêm là âm. Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Tứ tượng là chỉ thiếu âm, lão âm, thiếu dương, lão dương. Nó miêu tả quy luật biến hóa của âm dương, giống như một con người từ nhỏ đến lúc trưởng thành, từ lúc trưởng thành đến tuổi già, phản ứng của sự vật là trạng thái phát triển từ yếu biến thành mạnh, rồi lại mạnh đến yếu, hết một chu kỳ thì quay lại từ đầu. Anh hãy nhìn đôi cá âm dương thái cực kia xem, đó chính là biểu hiện quá trình biến hóa tăng giảm của âm dương. Tứ tượng sinh bát quái, âm dương lại được chia nhỏ thêm một lần nữa trong quá trình này, nó được chia thành bát quái là: Càn, Khôn, Chấn, Đoài, Ly, Khảm, Tốn, Cấn. Càn tượng trưng cho trời, Khôn tượng trưng cho đất, Chấn tượng trưng cho sấm, Đoài tượng trưng cho hồ đầm, Ly tượng trưng cho lửa, Khảm tượng trưng cho nước, Tốn tượng trưng cho gió, Cấn tượng trưng cho núi. Đến đây, các hiện tượng tự nhiên cơ bản nhất trên trái đất đã được bao quát trọn vẹn. Trong bát quái, từng cặp phối hợp với nhau tạo thành 64 quẻ, vạn vật trong trời đất đều được bao trùm bên trong nó…”

“Ha ha, thật không ngờ! Ngũ gia đã trở thành một bậc thầy Chu Dịch chân chính rồi đấy!” Một tiếng cười có vẻ rất sảng khoái vang lên cắt ngang lời nói của tôi, Liễu Ngọc Mai nâng ly rượu đi đến.

Cuộc gặp mặt lần này, người khiến tôi cảm thấy vui và ngạc nhiên nhất chính là Liễu Ngọc Mai của Việt Hải Đường. Sau khi mãn hạn tù, bà làm công nhân dệt sợi. Nhờ thông minh khéo léo, bà làm tốt hơn hẳn mọi người, nhanh chóng được làm tổ trưởng. Dưới sự dẫn dắt của bà, các chị em trong tổ đều là những người phụ nữ giỏi giang, luôn hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao. Về sau được lên làm chủ nhiệm phân xưởng, năm đó bà còn được bình chọn là “Chiến sĩ thi đua tiên tiến mùng 8 tháng 3”. Sau cải cách mở cửa, bà từ chức ra làm ăn buôn bán, kinh doanh hàng quần áo thời trang ở miền Nam, bây giờ đã có hơn mấy trăm vạn tệ. Sau khi có tiền, bà quyên góp cho mấy trường tiểu học, tài trợ cho các viện dưỡng lão, nhiệt tình trong sự nghiệp công ích, đi đầu trong phong trào bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Bây giờ bà đang giữ chức Chủ nhiệm Hội phụ nữ. Tôi không nén nổi xúc động: Các A Bảo đều là những người thông minh, chỉ cần vận dụng đầu óc theo con đường chính đạo, cho dù làm việc gì, cũng sẽ làm tốt hơn những người bình thường.

Đã đến lúc cho mọi người biết về lời trăng trối của Tổ Gia khi còn ở trong tù, tôi nói với mọi người: “Gần đây có một tuần san mới ra, không biết mọi người đã đọc qua chưa?”

Mọi người hỏi: “Tuần san gì vậy?”

Tôi lôi tuần san đó ra, từ từ giơ lên. Tay tôi run lên vì xúc động. Tôi hít một hơi để lấy lại bình tĩnh, từ từ đọc lời tự bạch khi ở trong tù của Tổ Gia.

Sau khi đọc xong, tất cả mọi người đều yên lặng, tôi nói: “Bức thư này được kẹp trong tập hồ sơ về Tổ Gia năm xưa. Gần đây, chính phủ tiến hành việc giáo dục, phổ biến những bài học pháp luật, một biên tập viên của tuần san báo Pháp luật đã biên tập lại và cho đăng nó. Vợ tôi đã phát hiện thấy khi bà ấy đi dạo quanh cửa hàng sách.”

Tứ Bá đầu chầm chậm đứng lên, nước mắt lã chã, tay giơ ly rượu run run nói: “Chúng ta kính Tổ Gia một ly nào!”

Mấy chị em đã bật khóc thành tiếng, mọi người cùng nâng ly: “Tổ Gia sống mãi!”

Đây chính là Tổ Gia mà mọi người sẽ đi theo cả đời. Vị Tổ Gia đó vừa khiến người ta kính mến nhưng cũng khiến người ta nể sợ. Khi còn sống, ông tìm kiếm con đường sống sung túc cho mọi người. Khi chết, ông lại dẫn mọi người đi theo con đường chính đạo.

Liễu Ngọc Mai đã khóc không thành tiếng, tôi đi tới đưa cho bà chiếc khăn tay. Bà lau nước mắt: “Ngũ gia, ông nhắc đến Tổ Gia, làm tôi lại nhớ Yến nương.”

Lúc đó, tôi vẫn chưa biết Giang Phi Yến đã mất, tôi hỏi: “Có tin tức gì của Yến nương không?”

Liễu Ngọc Mai nói: “Cuối năm ngoái, khi đến Hồng Kông bàn chuyện làm ăn, tôi đã nhìn thấy bà trên một tờ báo.”

Tôi hỏi: “Bà ấy sống tốt chứ?”

Liễu Ngọc Mai lại rơi nước mắt: “Bà ấy mất rồi, mất vào tháng 3 năm ngoái. Trên báo nói ở bên đó bà làm Ủy viên lập pháp, luôn chủ trương thống nhất hai bờ. Bà phản đối việc Đài Loan đòi độc lập, muốn hai bờ được nối liền huyết mạch. Trước khi chết, tâm nguyện lớn nhất của bà là có thể về Đại Lục, thăm lại Quảng Đông và vùng đất Giang Hoài.”

Nghe những lời này, lòng tôi đau nhói, bà ấy vẫn thương nhớ Tổ Gia.

Giang Phi Yến còn viết một bài thơ khi ở Đài Loan, và cũng được đăng trên tờ báo ở Hồng Kông. Liễu Ngọc Mai đã cắt lấy nó, và luôn trân trọng giữ gìn. Bài thơ có tên là Nỗi nhớ:

Biết còn phải đợi bao lâu nữa,

Đủ cho nỗi nhớ nhạt phai mầu.

Biết mình chờ được mấy thu nữa,

Mấy độ thu dài hơn đợi chờ.

Khi chết đi rồi hồn về đâu,

Hỏi ngày sau số kiếp đổi mầu.

Khỏi tìm nhau đôi bờ cách biệt,

Bởi nỗi không bao giờ nói thiệt.

Chỉ biết dành nỗi nhớ cách xa

Ôm cô đơn Phi Yến đợi chờ.

Cho đến khi mất, Giang Phi Yến vẫn thương nhớ Tổ Gia. Cả cuộc đời bà vẫy vùng khắp muôn nơi, như loài chim yến chao liệng giữa bầu trời. Biển trời tuy rộng lớn, nhưng bà vẫn sải cánh một mình.

Chiều hôm đó, sau khi buổi liên hoan kết thúc, người thì phải trở về nhà ngay, còn một vài người nán lại đôi hôm. Sau đó chia tay mỗi người một phương.

Sau khi mọi người ra về, trong lòng tôi vô cùng trống trải. Lần từ biệt này không biết đến khi nào mới có thể gặp lại, có lẽ phải chờ đến kiếp sau.

HOÀNG PHÁP DUNG KHÔNG CHẾT

Tháng 4 năm 1998, Tứ Bá đầu lúc đó 82 tuổi và đang trong cơn nguy kịch vì bệnh tật. Tôi biết, lại một huynh đệ nữa sắp ra đi. Tình cảm huynh đệ của những người từng đi theo Tổ Gia như chúng tôi luôn rất tốt đẹp. Sau khi mọi người được ra tù đều sống cuộc sống bình thường, lấy vợ, sinh con. Ngày thường mọi người có thể tụ tập, nhấm nháp chén rượu, hồi tưởng về những ngày tháng đã qua.

Khi Tứ Bá đầu đang trong cơn hấp hối, tôi đến bệnh viện thăm ông. Ông ấy đã phải nằm viện một tháng, ăn uống bài tiết không tự chủ được, khắp người đủ các dây dẫn ống xông.

Tôi không biết người đang cận kề với cái chết sẽ nghĩ gì, nghĩ về cuộc đời mình, hay nghĩ sau khi chết rồi hồn sẽ đi về đâu? Cả cuộc đời ông nghiên cứu thuật Trát phi, chế tạo đủ loại đạo cụ phối hợp với Nhị Bá đầu dàn cục, cuối cùng lại bị các loại dây rợ ống dẫn cắm quanh người. Đây có lẽ cũng là quả báo.

Tôi nắm chặt tay Tứ Bá đầu, ông ấy đã rất yếu. Tôi cúi người, nói nhỏ: “Tứ ca, tôi là lão Ngũ đây.” Phải khó khăn lắm ông ấy mới hé được mi mắt ra nhìn tôi mỉm cười. Sau đó, tỏ ý bảo mấy người con đi hết ra ngoài, ông có chuyện muốn nói riêng với tôi.

Trong phòng chỉ còn lại hai chúng tôi. Tôi hỏi nhỏ: “Tứ ca, có chuyện gì ông hãy nói đi.”

Ông ấy dừng lại một lát, chớp chớp mắt, cố gắng nói: “Lão Ngũ, tôi sắp đi rồi… Có một chuyện, giữ trong lòng đã rất lâu…”

Tôi giật bắn người: “Chuyện gì vậy?”

Tứ Bá đầu nhìn ra cửa, tôi hiểu ngay ý ông ấy, liền quay người ra mở cửa, thò đầu nhìn ra ngoài hành lang. Các con ông đang đứng nói chuyện ở tít đầu kia hành lang, xem chừng có vẻ sẽ không quay trở lại ngay.

Tôi quay lại trước đầu giường của Tứ Bá đầu: “Tứ ca, có điều gì ư?”

Hai hàng nước mắt nóng hổi chen nhau lăn khỏi khóe mắt: “Pháp Dung vẫn chưa chết. Tổ Gia đã lừa tôi.”

Đầu óc tôi bỗng ù lên: “Gì cơ? Chưa chết ư?”

Tứ Bá đầu nói chắc nịch: “Ừ!”

Cái tên “Pháp Dung” mà Tứ Bá đầu vừa thốt ra tên đầy đủ là Hoàng Pháp Dung, chính là người vợ trước của Tứ Bá đầu. Bà ấy chính là “Viên kim cương” chính cống trong số các nữ A Bảo. Một người người cực kỳ thông minh, có thể nói chuyện được với cả quỷ thần trong trời đất, cũng chính là “Bà đồng” mà dân gian thường hay gọi. Được Đường khẩu ca tụng “Luận đoán được thiên cơ là em của quỷ, Diêm Vương hỏi chuyện cứ tìm Pháp Dung.”

Về sau, trong một vụ dàn cục, Hoàng Pháp Dung không may gặp nạn mà chết, khiến Tứ Bá đầu đau khổ chỉ muốn tìm đến cái chết. Việc này các huynh đệ trong Đường khẩu ai cũng biết. Giờ đột nhiên Tứ Bá đầu lại nói với tôi rằng Hoàng Pháp Dung chưa chết, khiến tôi vô cùng sửng sốt.

Tứ Bá đầu nói tiếp: “Tôi cũng chỉ mới biết vào năm 1995 thôi. Tôi thật có lỗi với bà ấy…” Nói đến đây, Tứ Bá đầu bật khóc, nước mắt trào ra, đột nhiên thở dốc, trông ông ấy như thể sắp không thở được nữa. Tôi vội vàng xông ra cửa gọi to: “Bác sĩ! Bác sĩ!”

Các con của Tứ Bá đầu cũng hốt hoảng chạy lại. Tứ Bá đầu rơi vào trạng thái hôn mê. Sau đó ông ấy không tỉnh lại được nữa.

Hai hôm sau, Tứ Bá đầu mất, trước khi mất, ông ấy chợt tỉnh lại, gào hét thật to: “Trát phi thủ, Lỗ Ban khẩu, Trát phi khiên trước, Lỗ Ban tẩu; khiên trước tẩu, khiên trước tẩu, khiên xuất lục thú đối khẩu du…”

Tôi nghe và nhận ra nó chính là bài khẩu quyết trong Trát phi mật bản. Mười lăm tuổi, Tứ Bá đầu đã nổi danh khắp vùng tô giới. Ông ôm chí lớn báo quốc, nhưng đành bất lực vì số phận long đong, lận đận. Chính vào lúc tài năng được bộc lộ thì bị bọn người Nhật đưa vào tầm ngắm. Nếu không phải Tổ Gia ra tay cứu giúp thì ông ấy đã chết lâu rồi.

Từ đó, ông ấy đi theo Tổ Gia. Cũng bắt đầu từ đó, Tổ Gia mới thực sự như hổ thêm cánh, Đường khẩu bắt đầu phát đạt hẳn lên. Tứ Bá đầu quá lợi hại. Tổ Gia là ân nhân cứu mạng của ông ấy, nhưng ông ấy chính là quý nhân đến giúp Tổ Gia. Sau khi thông thuộc Trát phi mật bản, ông liền đề nghị Tổ Gia bổ sung thêm rất nhiều điều còn thiếu sót trong Trát phi mật bản, Tổ Gia còn bảo ông ấy sáng tạo thêm một vài thủ pháp Trát phi mới. Ông ngồi vắt óc suy nghĩ vài ngày, rồi cho ra thành quả là bộ Trát phi tân pháp phân thành các chương như: Đạo pháp, Thiên số, Khí tượng, Tây học (vật lý, hóa học), Bùa chú. Ông kết hợp thuật Trát phi cũ và mới để làm thành một bộ hoàn chỉnh, ngay cả Tổ Gia sau khi xem xong cũng phải khen ngợi không ngớt lời.

Nhiều lúc, Tứ Bá đầu nổi bật hẳn lên, những năm 30 của thế kỷ 20, ông và người vợ yêu của mình là Hoàng Pháp Dung luôn sát cánh bên Tổ Gia. Họ gây chiến với Mai Hoa Hội, san bằng bang Thái Cực, làm cỏ Trung Nguyên Ngũ Hổ, diệt Giao Đông Trịnh Bán Tiên, hô mưa gọi gió, đứng trên đỉnh cao chót vót. Giang sơn lúc đầu của Tổ Gia đều là nhờ vào hai người và Nhị Bá đầu lấy về được. Đó chính là khoảng thời gian huy hoàng, đẹp đẽ và cũng đầy đau thương.

Cuối cùng, Tứ Bá đầu cũng nhắm mắt xuôi tay, nhưng trong đầu tôi vẫn còn văng vẳng mãi tiếng gào hét đến đứt hơi, khản tiếng của ông ấy:

Trát phi thủ, Lỗ Ban khẩu

Trát phi khiên trước Lỗ Ban tẩu

Khiên trước tẩu, khiên trước tẩu

Khiên xuất lục thú đối khẩu du

Kê bất minh, cẩu bất khiếu

Ma ngật nhân phạn thần khiêu khiêu

Cáp mô niệu, thập đông tạo

Hồng hỉ bạch tang vô vị đạo

Ban đêm, tôi vẫn không sao chợp mắt được vì uống trà liên tục. Tứ Bá đầu mới chỉ nói một nửa ý tứ, nếu Hoàng Pháp Dung thật sự vẫn chưa chết, vậy thì lớn chuyện rồi. Hoàng Pháp Dung là nữ A Bảo đầu tiên của Việt Hải Đường, được Tổ Gia và Giang Phi Yến đứng ra làm chủ trì giúp Tứ Bá đầu và Hoàng Pháp Dung nên vợ nên chồng. Sau khi lấy Tứ Bá đầu, Hoàng Pháp Dung trở thành nữ A Bảo duy nhất vừa tinh thông Việt Hải Đường phong tướng Trát ký lại vừa tinh thông Trát phi mật bản, tinh hoa của hai cuốn sách quý giá của Nam phái và Đông phái đều nằm trong tay bà ta. Trước khi Tổ Gia chết, đã đem đốt cả hai cuốn sách này, nhưng sách là thứ hữu hình, còn tư tưởng, ý nghĩ lại là cái vô hình. Nếu Hoàng Pháp Dung vẫn còn sống, vậy thì mầm mống của tội ác liệu có được gieo trồng? Rốt cuộc thì bây giờ Hoàng Pháp Dung đang ở đâu?

Còn nữa, Tứ Bá đầu nói Tổ Gia đã lừa ông ấy, cũng có nghĩa rõ ràng Tổ Gia cũng biết Hoàng Pháp Dung chưa chết, nhưng lại cố ý nói bà ta đã chết. Như vậy rốt cuộc là vì sao đây?

Tôi đang đăm chiêu suy nghĩ, bỗng nhiên nghe thấy tiếng gõ cửa cộp cộp, đã muộn như vậy rồi, ai vậy nhỉ? Khoác chiếc áo lên người, mở cửa ra, tôi giật bắn người: “Tổ Gia!”

Hết tập 1

Tập 2 các bạn đọc tiếp ở đây

Bình luận