Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tôi Vô Tội

Chương 2: Mary Gerrard

Tác giả: Agatha Christie

Phu nhân Laura Welman nằm trên đống gối được xếp rất khéo. Bà không ngủ, nhưng thở rất vất vả. Bà ngước nhìn lên trần, cặp mắt cũng xanh biếc như của cô cháu bà, Elinor. Đó là một bà già béo bệu có khuôn mặt quý tộc với những đường nét kiêu kỳ và quyết đoán.

Bà cụ đưa mắt nhìn xuống rồi buồn bã nhìn cô gái trẻ lúc này ngồi bên cửa sổ. Cuối cùng bà nói:

– Mary…

Mary quay phắt đầu lại.

– Bà đã thức rồi ạ, thưa bà chủ Welman?

– Được một lúc rồi…

– Cháu không biết, nếu không cháu đã…

Bà Welman ngắt lời cô gái:

– Không sao. Ta đang suy nghĩ… ta nghĩ đến bao nhiêu thứ.

– Những thứ gì, thưa bà?

Cặp mắt dễ thương của cô gái trẻ, giọng nói ân cần của cô làm bà già quý tộc dịu lại.

– Ta rất yêu cháu, Mary. Cháu đã rất tốt với ta.

– Ôi thưa bà chủ Welman, chính bà chủ mới quá tốt với cháu. Nếu không có bà chủ, cháu chưa biết bây giờ cháu ra sao? Bà chủ đã giúp cháu mọi thứ.

– Ta không biết nữa, ta không biết nữa…

Bà già bệnh nhân bán thân bất toại cựa quậy trên tấm nệm… nhưng cánh tay bên trái vẫn co lại, cứng đờ.

Bà Welman nói tiếp:

– Con người ta ai cũng muốn làm hết sức mình, nhưng rất khó biết được việc gì mình làm là đúng việc gì là sai. Tiếc thay, ta đã luôn quá tự tin, quá chủ quan về bản thân ta…

Mary đáp:

– Cháu tin rằng lúc nào bà chủ cũng chọn cách làm nào bà chủ cho là đúng nhất.

Nhưng bà già quý tộc lắc đầu:

– Không phải thế đâu, Mary. Và bây giờ ta rất ân hận là ta đã phạm nhiều sai lầm chỉ vì ta quá kiêu ngạo. Đấy là một thói cực kỳ xấu mà ta thừa hưởng của dòng họ. Con Elinor cháu ta cũng bị nhiễm cái thói xấu đó.

Mary vội vã lảng sang câu chuyện khác:

– Bà chủ hài lòng về việc tiểu thư Elinor và cậu Roddy sắp về thăm bà chủ chứ ạ? Hai cô cậu đến sẽ làm bà chủ vui đấy. Đã khá lâu, hai cô cậu không về đây.

– Cả hai đứa đều đáng quý và chúng rất yêu ta. Ta biết chỉ cần gọi một tiếng là chúng đến đây ngay. Nhưng ta cố không làm phiền chúng. Cả hai đứa đều còn trẻ và đang sung sướng… Thế giới thuộc về chúng. Không nên bắt chúng chứng kiến cảnh tượng đau đớn và già nua quá sớm này.

– Ôi thưa bà chủ, cháu tin chắc hai cô cậu không bao giờ nghĩ như thế.

Bà già quý tộc nói tiếp, có vẻ như tự nói với bản thân hơn là nói với cô gái trẻ:

– Ta vẫn luôn ôm ấp niềm hy vọng là chúng sẽ lấy nhau, nhưng ta cố không lộ ra điều mong ước ấy, để khỏi làm chúng mất đi sự tự do lựa chọn. Bởi tuổi trẻ thường hay thích làm ngược lại. Có thể chúng đang yêu nhau, nhưng khi thấy ta hùn vào, chúng lại ngãng nhau ra không biết chừng. Đã từ lâu lắm rồi, khi con Elinor còn nhỏ, ta đã thấy nó mến thằng Roddy. Nhưng ta chưa tin là Roddy thật sự yêu con bé. Đấy là một kiểu tính cách rất quái đản. Ông Henry ngày xưa tính cũng như thế… thận trọng và đòi hỏi quá nhiều… Đúng thế ông Henry…

Bà ngừng lại một lát rồi hồi tưởng lại ông chồng ngày xưa. Bà lẩm bẩm:

– Đã lâu lắm rồi… lâu lắm rồi!… Chúng tôi cưới nhau được có năm năm thì ông ấy mất… viêm màng phổi tái phát… Hai chúng tôi rất hạnh phúc, đúng thế, rất hạnh phúc. Nhưng ta không thể cắt nghĩa được tại sao ta lại cảm thấy hạnh phúc đó dường như hư ảo. Ta thì như một đứa con gái non nớt, bồng bột và lý tưởng hóa người mình yêu… Trong quãng thời gian đó lúc nào ta cũng thấy như mình đang trong mơ…

– Chắc sau khi ông chủ mất, bà chủ thấy cô đơn lắm?

– Sau khi đó ấy à? Đúng thế, hết sức cô đơn… Cô đơn đến khủng khiếp ấy chứ… Bấy giờ ta hai mươi sáu mà bây giờ ta đã vượt qua ngưỡng cửa sáu mươi rồi. Cả một quãng thời gian dài, dài ghê gớm… Và kết thúc là thế này đây!

Câu cuối cùng bà quý tộc Welman nói bằng giọng chua xót.

– Bà chủ định nói đến căn bệnh hiên giờ của bà chủ phải không ạ?

– Đúng thế, bệnh liệt… đấy là thứ bệnh xưa nay ta vẫn sợ nhất! Ta bỗng trở lại thành đứa trẻ sơ sinh! Tắm rửa, ăn uống đều phải nhờ người khác giúp. Không tự mình làm được thứ gì. Ý nghĩ đó làm ta nhiều lúc phát điên. Chị y tá O’Brien mát tính, ta đánh giá rất cao tính tốt của chị ấy. Chị ấy chịu đựng một cách bình tĩnh mọi trái tính trái nết của ta. Chị ấy hơn hẳn mọi người phụ nữ khác. Nhưng chị ta tốt đến mấy cũng không thể bằng con, Mary. Chỉ cần có con bên cạnh là ta đã thấy bất cứ ai cũng không thể bằng con.

– Cảm ơn bà chủ. – Mary đỏ mặt sung sướng – Nghe bà chủ nói thế con sung sướng và vinh hạnh vô cùng.

– Hình như con đang băn khoăn lo lắng cho tương lai, có phải thế không? – Bà cụ Welman tế nhị hỏi – Con hãy để ta lo. Ta hứa sẽ giúp con có một chỗ đứng và có thể sống độc lập. Trong lúc này con hãy chịu khó kiên nhẫn… Ta rất cần đến sự có mặt của con trong nhà này, Mary.

– Thưa bà chủ Welman, con sẽ không đời nào rời khỏi đây, cho dù ai các toàn bộ số vàng trên thế gian này đi nữa… ít ra thì cũng trong lúc bà chủ cần có con ở đây.

– Ta hết sức cần đến con… – Bà già Laura Welman nói tha thiết – Ta coi con thật sự là con gái của ta, Mary. Ta biết con từ lúc con còn bé bỏng, ở Hunterbury này. Ta rất tự hào về con, con yêu quý của ta. Ta hy vọng những gì ta đã làm cho con đều là tốt đẹp…

Mary vội đáp:

– Nếu có lúc nào bà chủ nghĩ rằng cho con học hành như vậy là… vượt quá thân phận xã hội của con, là biến con thành một kẻ kênh kiệu, hư đốn như cha con vẫn thường nói, thì bà chủ đã lầm. Con chỉ thấy biết ơn bà chủ, còn nếu con nóng ruột muốn có một nghề nào đó để kiếm sống, thì chỉ vì con nghĩ đấy là bổn phận làm người của con… Con không thể ngồi không, sau khi đã được bà chủ cho ăn học như thế. Vả lại con rất không muốn người ta nghĩ rằng con muốn ăn bám bà chủ.

Giọng nói của bà cụ Welman chuyển sang quyết đoán:

– Vậy là ông Gerrard đã nhồi nhét vào đầu óc con những ý nghĩ vớ vẩn ấy? Con đừng nghe ông ta, Mary. Không làm gì có chuyện con ăn bám ta. Chỉ là ta muốn con ở bên cạnh ta thêm một chút thời gian, để khuây khỏa cho ta. Chẳng bao lâu nữa, mọi thứ sẽ kết thúc… Nếu cứ để mặc, sự kết thúc sẽ nhanh chóng thôi, nhưng mấy người bác sĩ, y tá nghĩ ra đủ mọi trò ngu xuẩn, đang kéo dài thêm cuộc sống thảm hại của ta.

– Thưa bà chủ, không phải thế đâu. Bác sĩ Lord quả quyết rằng bà chủ còn sống được nhiều năm nữa.

– Cảm ơn, nhưng ta không mong gì như thế! Ta đã nhắc đi nhắc lại với ông bác sĩ Lord ấy bao nhiêu lần rồi, là trong một xã hội tổ chức hoàn hảo như thế này, lẽ ra chỉ cần ta ngỏ ý muốn kết thúc cuộc đời bằng cách nào nhanh nhất là ông ta sẽ phải giải thoát cho ta, chỉ một liều thuốc nhỏ là xong. Ta đã nói với ông ta rồi: “Nếu bác sĩ còn đôi chút tình nhân đạo thì hãy giúp ta chuyện ấy”.

– Thưa bà chủ, ông bác sĩ nói sao ạ.

– Cái ông bác sĩ Lord trẻ tuổi ấy chỉ nhe răng cười, bảo rằng ông ta không muốn làm chuyện nguy hiểm. “Tất nhiên nếu bà cho tôi thừa kế một gia tài lớn thì lại là chuyện khác”, ông ta còn nói như thế nữa chứ! Con thấy chưa? Đúng là một thằng cha hỗn hào. Nhưng quả thật ta cũng rất mến ông ta. Những đơn thuốc của ông ta làm ta dễ chịu thêm rất nhiều.

– Vâng, thưa bà chủ. Bác sĩ Lord rất tốt bụng. Chị y tá O’Brien ca ngợi ông ấy hết lời, cả bà y tá Hopkins kia cũng thế.

– Hopkins ngần ấy tuổi, lẽ ra phải biết nhiều hơn nữa. Còn O’Brien thì rõ ràng mê ông bác sĩ, thấy ông ta đến là làm đủ thứ trò điệu bộ uốn éo.

– Tội nghiệp chị O’Brien!

Bà cụ Laura Welman nói:

– Chị ra không phải người xấu tính, nhưng ta ghét tất cả các y tá trên đời, chỉ cần nhìn thấy họ là ta đã buồn nôn rồi.

Đột nhiên bà quý tộc già ngừng lại, nói:

– Tiếng gì đấy? Có phải tiếng ô-tô không?

Mary ra cửa sổ nhìn.

– Vâng, tiếng ô-tô. Tiểu thư Elinor và cậu Roddy đến rồi.

II

Phu nhân Laura Welman nói với cháu gái:

– Cô rất hài lòng, Elinor khi biết quyết định của cháu và cô tỏ lời khen ngợi hai cháu.

Elinor mỉm cười:

– Cháu biết chúng cháu về sẽ làm cô vui.

Bà cụ ngập ngừng một chút rồi hỏi:

– Cháu… yêu nó lắm phải không, Elinor?

Cô gái xinh đẹp ngước cặp mắt kiều diễm:

– Vâng, thưa cô.

Bà già ốm yếu liền nói ngay:

– Cô nói thế này, cháu tha lỗi cho nhé. Cháu có tính thận trọng, biết tự kiềm chế, bên ngoài khó đoán được tình cảm thật của cháu. Tuy nhiên, từ hồi cả hai đứa còn bé, cô đã thấy cháu thầm yêu thằng Roddy… có lẽ còn yêu hơi quá mức ấy chứ.

Cặp mắt xanh biếc của Elinor lại ngước lên:

– Cô thấy hơi quá ạ?

– Đúng thế. Con gái mà để lộ ra ngoài tình cảm của mình với một người con trai là thiếu thận trọng đấy. Khi là trẻ con thì như thế còn được… Cho nên ta thấy cháu chịu vui vẻ sang Đức học nốt chương trình, và khi về cháu tỏ ra thờ ơ với nó, chính ta đâm lại thương nó. Cháu biết tính ta rồi, cô là một bà già không dễ chiều ai. Nhưng cô luôn luôn thấy cháu nhiễm cái thói tật chung của phụ nữ dòng họ Carlisle, là mãnh liệt trong tình cảm. Như cô vừa nói rồi đấy, đã có lúc cô buồn, thấy cháu thờ ơ với Roddy, trong khi cô thì rất mong hai đứa lấy nhau. Bây giờ hai cháu đã quyết định chuyện ấy, thế là tốt! Cô tán thành. Vậy là cháu thật lòng yêu thằng anh họ của cháu chứ?

Elinor nghiêm trang đáp:

– Cháu yêu anh ấy, nhưng chỉ ở mức vừa đủ.

– Nếu như vậy thì cuộc hôn nhân của hai cháu sẽ thuộc loại hạnh phúc nhất đấy. Roddy cần tình yêu, nhưng nó lại khó chịu khi bị ai tỏ ra yêu nó quá mãnh liệt. Nó sẽ chạy trốn nếu cảm thấy bị người yêu chi phối.

– Cô hiểu rõ tính nết anh ấy quá!

– Nếu nó yêu cháu hơn một chút so với cháu yêu nó thì mọi thứ sẽ yên ổn.

– Nghe cô nói, cháu lại nhớ câu cô viết trong bài “Những lời khuyên của dì Agathie” in trong tạp chí Phụ Nữ: Bao giờ cũng nên để người yêu trong trạng thái nghi hoặc, đừng bao giờ để anh ta tin chắc rằng bạn tha thiết yêu anh ta!

Đột nhiên bà Laura Welman hỏi:

– Hình như cháu có chuyện buồn, cháu của cô? Có chuyện gì làm cháu chưa vừa lòng đấy, Elinor?

– Thưa cô, không có gì đâu ạ.

– Cô nói thế này cháu sẽ nghĩ cô là kẻ quá thực dụng, nhưng Elinor ạ, cháu còn trẻ và đa cảm. Cháu nên biết rằng cuộc đời đê tiện lắm.

– Vâng, cô nói đúng. – Elinor tán thành với một chút cay đắng trong lòng.

Bà cụ Laura Welman trở lại câu hỏi ban nãy:

– Cô thấy cháu đang đau khổ. Chuyện gì thế?

– Thưa cô Laura, không có gì đâu ạ.

Elinor đứng dậy, bước ra ngoài cửa sổ. Quay nửa người lại, nàng nói:

– Cô Laura, cô nói thật cho cháu nghe đi, cô có tin tình yêu đúng là thứ quý giá Trời ban cho con người không?

Nét mặt bà già Welman tối xầm lại:

– Không… hoàn toàn không phải thế. Yêu say đăm một con người đúng là có làm người ta đau khô nhiều hơn sung sướng, nhưng cháu Elinor ạ, ai chưa yêu thực sự bao giờ thì cũng có nghĩa kẻ đó chưa hề được sống…

– Vâng, cháu hiểu… cô biết thế nghĩa là sao, phải không, thưa cô Laura?… Là sao vậy, thưa cô?

Đúng lúc đó cửa mở và chị y tá O’Brien bước vào, vui vẻ báo tin:

– Thưa bà chủ Welman, ông bác sĩ đã đến khám cho bà chủ.

III

Bác sĩ Lord trạc ba mươi hai tuổi. Tóc ông màu cát, khuôn mặt xấu nhưng dễ mến, có nhiều nốt ruồi, cằm vuông và mắt xanh nhạt, sắc sảo.

– Chào bác sĩ Lord. Giới thiệu với ông, đây là cháu ruột tôi, tiểu thư Elinor.

Bác sĩ lộ vẻ thán phục nhan sắc nàng:

– Chào tiểu thư.

Bác sĩ thận trọng nắm bàn tay nhỏ nhắn của Elinor chìa ra, như thể ông sợ nắm mạnh sẽ làm vỡ.

Phu nhân Laura Welman nói tiếp:

– Cô cháu và cậu cháu tôi vừa đến đây để ban cho tuổi già của tôi một chút niềm vui.

– Chúc mừng phu nhân! – Bác sĩ Lord reo lên – Đấy chính là thứ phu nhân đang cần. Hai cô cậu đến sẽ làm phu nhân khỏe lến nhiều đấy, tôi cam đoan là như thế, thưa phu nhân Welman.

Ông ta vẫn chăm chú nhìn Elinor như thể chiêm ngưỡng nàng.

– Tôi muốn gặp ông trước khi ông về, được không, thưa bác sĩ?

– Tất nhiên là được, thưa tiểu thư.

Elinor ra rồi khép cửa lại. Bác sĩ đến bên giường bệnh. Chị y tá O’Brien lăng xăng bên cạnh ông ta.

– Ông lại sắp trình diễn các tiết mục của ông đấy, bắt mạch, nghe thở, cặp nhiệt độ… Lạy Chúa, sao tôi ngán các trò của ông đến thế! – Bệnh nhân nói.

Chị y tá O’Brien thở dài:

– Sao bà chủ lại nói như vậy với bác sĩ ạ?

Bác sĩ Lord láu lỉnh nói:

– Phu nhân Welman đọc được ý nghĩ của tôi đấy, chị O’Brien ạ. Nhưng biết làm sao được, thưa phu nhân? Đấy là phận sự của thầy thuốc. Chỉ có điều là tôi chưa đủ sự tế nhị cần thiết khi làm các công việc ấy, khiến phu nhân không hài lòng.

– Không phải đâu. Bác sĩ rất khéo. Hiếm bác sĩ nào mát tay được như bác sĩ đấy, ông Lord ạ.

Báe sĩ cười:

– Đấy chỉ là ý kiến của mỗi một mình phu nhân thôi.

Sau khi đưa ra vài câu hỏi chuyên môn và nghe bệnh nhân trả lời, bác sĩ Lord ngồi ngả lưng trong ghế bành, cười nói:

– Mỗi ngày phu nhân lại phục hồi thêm được một ít, thấy rất rõ.

– Nếu vậy, hẳn chỉ một tuần lễ nữa tôi có thể dây và đi dạo chới quanh nhà được chứ gì?

– Chưa đâu! Làm sao nhanh thế được, thưa phu nhân?

– Vậy thì nằm liệt giường và bắt mọi người chăm sóc như chăm một đứa trẻ sơ sinh thì sống để làm gì?

– Tôi xin hỏi, vậy phu nhân cho biết sống là để làm gì? Con người ta ai cũng có bản năng sống. Chính vì lẽ đó, con người chịu đựng được mọi đau đớn, khổ cực, đấu tranh với mọi kinh nghiệm trở ngại để bảo toàn cuộc sống…

Đột nhiên bà Laura Welman xoay sang chuyện khác:

– Ông có thấy ở vùng đất này buồn tẻ không? Làm một bác sĩ nông thôn ông không thấy quá tẻ nhạt hay sao?

Bác sĩ Lord lắc mái tóc màu cát:

– Không. Tôi yêu công việc của tôi. Tôi yêu những con người ở đây. Điều đáng buồn là tôi không có tham vọng lớn lao. Tôi sống thế này là vui rồi và tôi sẽ cứ sống ở đây cho đến già. Nhưng phu nhân tha lỗi, tôi phải đi bây giờ.

– Cháu gái tôi muốn nói chuyện gì đó với ông thì phải. À, ông thấy Elinor thế nào? Hôm nay ông mới gặp nó đấy nhỉ?

Bác sĩ Lord đỏ tía mặt:

– Tôi… Tiểu thư rất đẹp, có phải không, thưa phu nhân? Và… rất thông minh nữa.

Bà Laura Welman thích thú thầm nghĩ “Anh chàng này hồn nhiền quá!” Rồi bà nói to lên:

– Ông phải lấy vợ thôi, bác sĩ Lord ạ.

IV

Roddy đi ngang qua bãi cỏ rộng rồi theo con đường lát đá bước vào khu vườn cây ăn quả được chăm sóc rất kỹ lưỡng, có tường bao quanh. Anh hình dung sẽ đến lúc được cùng với Elinor sống trong dinh cơ Hunterbury này. Bản thân Roddy không ao ước gì hơn. Anh vốn thích không khí thôn quê. Nhưng làm thế nào biết được tình cảm thật sự của nàng? Elinor quá kín đáo. Tuy nhiên tính kín đáo ấy lại làm Roddy thích.

Đối với Roddy, nàng là người vợ lý tưởng. Hình thức yêu kiểu, trí óc thông minh. Trong nàng, không có nét nào làm Roddy thấy chối. Anh thầm nghĩ: “Không hiểu sao nàng lại có thể yêu ta, một kẻ tầm thường nhường này?” Bởi tuy vẻ ngoài làm như kênh kiệu, Roddy không hề kiêu căng. Bao nhiêu hạnh phúc đang đón chờ anh trước mắt.

Trong thâm tâm, Roddy thành thật mong bà thím hồi phục sức khỏe và sống thêm nhiều năm nữa. Bà Laura Welman đúng là một bà thím tuyệt vời, luôn tỏ ra yêu quý đứa cháu con ông anh chồng. Hè nào Roddy cũng về đây nghỉ và bao giờ cũng được hưởng sự chăm sóc trìu mến của bà. Nhưng liệu bà thím anh có sống được lâu nữa không?

Roddy gạt ngay ý nghĩ về cái chết sắp tới của bà, cũng như anh luôn luôn gạt ra khỏi trí óc mọi thực tế làm anh khó chịu. Nhưng rồi ý nghĩ của anh vẫn quay lại những vấn đề thực tế. Thím anh rõ ràng không thể sống được lâu nữa. Roddy tự hỏi, không biết bà viết di chúc ra sao, mặc dù anh không coi trọng cái đó quá mức.

Một số phụ nữ coi trọng chuyện gia tài được thừa kế cho chồng hay cho vợ, nhưng Roddy biết tính Elinor. Nàng coi thường chuyện đó. Cho nên Roddy thấy chẳng cần suy nghĩ gì nhiều. Bà Laura Welman muốn viết di chúc thế nào cũng được.

Vừa bước qua cánh cửa nhỏ để ra khỏi khu vườn cây ăn quả, Roddy thấy ngay trước mắt anh mở ra một cánh rừng thơ mộng. Nắng lọt qua cành lá dọi xuống mặt đất thành những mảng sáng hay động. Bỗng nhiên Roddy cảm thấy một nỗi bồn chồn mà anh không cắt nghĩa được.

Và anh thấy một cô gái trẻ đang tiến về phía anh. Cô gái có mái tóc vàng óng, da mặt hồng hào. Roddy thầm nghĩ: “Cô gái đẹp quá…” tim anh như ngừng đập và anh đứng sững lại bàng hoàng, cảnh vật chao đảo trước mắt anh. Cô gái đứng lại rồi tiến vài bước về phía anh. Roddy há hốc miệng, như bị hút vào cô gái.

Cô ngập ngừng một chút rồi nói:

– Cậu không nhận ra cháu ư, cậu Roddy? Đúng rồi, đã quá lâu cậu không nhìn thấy cháu. Cháu là Mary Gerrard, ở trạm bảo vệ ngoài kia.

– Ôi, Roddy reo lên mừng rỡ. Chào Mary!

– Chào cậu Roddy!

Rồi cô e thẹn nói tiếp:

– Cháu trông khác trước nhiều quá, phải không thưa cậu?

– Đúng thế, quả thật tôi không nhận ra cô.

Roddy mải chiêm ngưỡng Mary, không nghe thấy tiếng chân người bước sau lưng, rồi tiếp đó là tiếng nói:

– Chào Mary.

– Chào cô chủ Elinor! Cô chủ khỏe chứ? Cháu rất sung sướng được gặp lại cô chủ. Bà chủ Welman rất mong cô chủ đấy.

– Tôi biết… đã lâu quá rồi tôi chưa về thăm cô tôi. Chị y tá O’Brien nhờ tôi ra tìm Mary. Chị ấy muốn đỡ cô tôi dậy và bảo rằng mọi lần Mary vẫn giúp chị ấy một tay.

– Cháu vào ngay đây.

Mary chào hai người rồi chạy về phía lâu đài. Elinor nhìn theo đáng chạy rất tự nhiên và duyên dáng của con gái bác bảo vệ. Rồi nàng quay sang nói với Roddy:

– Đã đến giờ điểm tâm, ta về đi.

Họ sánh vai nhau cùng đi về ohía lâu đài.

V

– Đi xem phim với tôi đi, Mary. Ngoài rạp đang chiếu bộ phim rất hay, Greta Garbo đóng vai chính. Kịch bản cũng của một tác giả danh tiếng. Nghe nói người ta soạn cả một vở opera theo kịch bản này đấy.

– Cảm ơn anh, nhưng em không thể nhận lời được.

Anh chàng Ted Bigland lộ vẻ khó chịu:

– Tôi không còn hiểu cô ra sao nữa, Mary. Cô khác trước nhiều quá.

– Anh nhầm rồi đấy, Ted.

– Xin lỗi! Hẳn là do thời gian cô theo học cái trường nổi tiếng kia ở bên Đức. Bây giờ cô coi tất cả bọn chúng tôi dưới tầm con mắt.

– Không phải thế đâu, Ted. Em đâu ngu xuẩn đến nỗi kiêu căng như thế. – Mary cãi lại một cách quyết liệt.

Anh chàng Ted tuy tức giận nhưng vẫn say đắm nhìn cô gái.

– Tôi nói không sai đâu. Bây giờ cô gần thành là một tiểu thư rồi đấy, Mary ạ.

Mary chua chát nói:

– Mới “gần thành” thôi, và như thế không có nghĩa là gì hết.

– Đúng thế. – Ted bèn nắm lấy câu bóng gió kia.

Mary nói thêm:

– Với lại, ngày nay không ai quan tâm đến thứ đó nữa đâu.

– Quả là không quan trọng như ngày trước – Ted tán thành. Dù sao Mary cũng thay đổi rất nhiều – Tôi nói thật, trông cô như một bà hoàng ấy.

– Cũng lại là chuyện chẳng quan trọng, bởi em đã nhìn thấy một số phu nhân quý tộc trông giống như mấy bà buôn bán vặt vãnh ngoài chợ. Nhưng em phải xin lỗi anh, muộn mất rồi.

– Cô phải đi đâu?

– Em đã hẹn với bà y tá Hopkins đến uống trà ở nhà bà ấy.

Ted nhăn mặt:

– Bà Hopkins? Bà ta bị cả làng này ghét, vì cái thói việc gì cũng thóc mách vào.

– Nhưng bà ấy lại rất tốt với em.

– Tôi không muốn nói xấu ai, nhưng thú thật tôi rất ghét cái tính lắm lời của bà ta.

– Chào anh, Ted.

Mary vội vã bước đi. Anh con trai thở dài nhìn theo.

VI

Bà y tá Hopkins ở trong một ngôi nhà nhỏ rìa làng. Bà vừa đi đâu về, đang cởi dây buộc mũ thì Mary vào:

– Mary! Tôi về muộn mất một chút. Bà già Caldecott bệnh lại tái phát, cho nên các chuyến thăm bệnh nhân khác của tôi đều bị đẩy lùi lại. Tôi nhìn thấy cô đứng với thằng Ted ở đầu phố.

Mary chán nản nói:

– Vâng, đúng thế…

Bà y tá Hopkins vừa châm bếp ga, trên đặt siêu nước, vừa ngước nhìn cô gái có cánh mũi đang phập phồng:

– Nó có nói với cô chuyện gì đặc biệt không đấy?

– Không. Anh ấy rủ cháu đi xem phim.

– Tôi hiểu. Thằng ấy chăm chỉ, tháo vát lắm đấy. Nó làm ở xưởng sửa chữa ô-tô được việc. Bố nó làm nông trại cũng khấm khá hơn mọi chủ nông trại khác. Nhưng cô em ạ, nó không phải loại sánh được với cô đâu. Cô có học thức cao lại lịch thiệp hơn nó nhiều. Tôi nhắc lại ý kiến của tôi, vào địa vị cô, tôi sẽ theo học một lớp xoa bóp trị liệu. Cô sẽ có dịp tiếp xúc với nhiều loại người, lại chủ động được thời gian.

– Cháu sẽ suy nghĩ – Mary đáp – Bà chủ Welman hôm nọ có nói chuyện với cháu, bà ấy chưa muốn cháu đi đâu bây giờ. Bà chủ bảo, lúc này bà ấy rất cần có cháu bên cạnh. Và bà ấy cũng bảo cháu không phải băn khoăn về nghề nghiệp tương lai vội.

– Hy vọng bà cụ thể hiện ý định ấy bằng giấy trắng mực đen! Mấy người ốm hay tính toán viển vông lắm! – Bà y tá Hopkins nói giọng hoài nghi.

Mary im lặng một lúc rồi nói:

– Bà quản gia Bishop có vẻ ghét cháu lắm… hay cháu chỉ tưởng tượng ra thế? Bà thấy sao, thưa bà Hopkins?

– Bà ta có thói hay ghen ghét, nghĩ là cô được bà chủ nuông nhiều quá. Có thế thôi. Nhưng cô mặc bà ấy. Kìa, cô mở cái gói kia ra. Bánh hạnh nhân đấy, ta ăn với nước trà.

Bình luận
× sticky