Chủ nhật đó, thám tử Poirot đến gặp Ted tại nông trại của cha cậu ta, ông Bigland. Ông không mất công gì cũng moi được của cậu ta rất nhiều điều, bởi Ted đang thèm có người nghe để cậu giãi bày cho nhẹ nỗi đau khổ trong tim.
– Vậy là ông thám tử đi tìm kẻ đã đầu độc Mary? Cái chết của cô ấy đối với chúng tôi còn chứa rất nhiều bí ẩn.
– Vậy cậu không tin thủ phạm giết cô Mary là tiểu thư Elinor?
Vẻ mặt ngây thơ như trẻ sơ sinh, Ted cau mày chậm rãi nói:
– Tiểu thư Elinor là người cao quý… không thể phạm một tội ác ghê tởm như thế… Ai chịu suy nghĩ một chút thì thấy ngay, một phụ nữ thuôc tầng lớp như tiếu thư không bao giờ xử sự như thế.
– Tôi đồng ý với cậu – Poirot nói – nhưng khi con người ta đã ghen lên…
Viên thám tử ngưng lại quan sát, cậu trai tóc vàng, vóc cao lớn vạm vỡ.
– Ghen ấy ạ?… Cháu biết khi ghen, người ta có thể làm chuyện này chuyện nọ, nhưng thường là nốc rượu và trong một cơn bộc phát nào đó. Khi say, người ta dễ mất tự chủ. Còn tiểu thư Elinor là người điềm tĩnh và có giáo dục tốt…
– Vậy mà cô Mary vẫn cứ bị chết… và lại là cái chết không bình thường. Cậu có thể cung cấp cho tôi được một số thông tin nào giúp tôi tìm ra hung thủ không?
Cậu trai trẻ lắc đầu.
– Cháu không sao hiểu nổi, tại sao lại có người muốn giết Mary. Cô ấy đẹp như một bông hoa.
Đột nhiên thám tử Poirot thấy trong óc hiện lên hình ảnh cô gái… Trong lời lẽ chất phác của cậu trai nông thôn này, hình ảnh Mary hiện lên sống động và tươi tỉnh như một bông hoa, Poirot cảm thấy một nỗi buồn vô hạn: kẻ nào đã hủy diệt một con người tuyệt đẹp và đáng yêu đến như vậy!
Những mẩu câu nối tiếp nhau văng vẳng trong trí óc ông. “Một cô gái rất đáng mến” – lời của bác sĩ Lord, “Con bé xứng đáng đóng phim ở Hollywood” – câu của bà y tá Hopkins. Rồi “trông điệu bộ uốn éo kiêu căng của nó tôi nóng cả mắt” – câu của bà quản gia Bishop… Và nổi bật lên trong số những câu nhận xét ấy là câu của một tâm hồn giản dị “cô ấy đẹp như một bông hoa”.
– Cậu nó nữa đi… – Thám tử Hercule Poirot giục, chìa hai bàn tay như năn nỉ.
Cặp mắt đờ đẫn như của một con thú bị thương Ted đáp:
– Cháu không biết đâu, thưa ông. Đúng như ông nói, Mary chết một cái chết không bình thường. Cho nên cháu nghĩ: hay là một tai nạn?
– Tai nạn? Nhưng tai nạn theo kiểu nào?
– Chắc ông nghĩ cháu là đứa ngu ngốc. Nhưng cháu cứ suy nghĩ mãi và cháu bỗng thấy có khi sự việc diễn ra không như người ta miêu tả. Có một sự lầm lẫn lớn nào ở đây! Đấy chỉ là một tai nạn, chỉ đơn giản là một tai nạn!
Bối rối không biết cách trình bày, Ted nhìn viên thám tử. Còn Poirot thì sau một lúc suy nghĩ miên man, ông nói:
– Cách suy nghĩ của cậu làm tôi rất ngạc nhiên và bắt tôi phải suy nghĩ đấy, Ted.
– Cháu nghĩ đối với ông, suy nghĩ của cháu chẳng có giá trị gì. Cháu không biết cách trình bày. Vả lại đấy chỉ là cảm giác của riêng cháu.
– Cảm giác nhiều khi là thứ gợi hướng đi chính xác cho hành động đấy… Cậu tha lỗi nếu tôi mạn phép cậu khơi lại vết đau trong lòng cậu Ted. Nhưng tôi xin hỏi cậu, cậu yêu Mary lắm phải không?
Khuôn mặt rám nắng của Ted tối xầm lại:
– Chuyện ấy cả làng đều biết.
– Cậu muốn cưới cô ấy?
– Vâng.
– Nhưng Mary từ chối phải không?
– Người ta có thể có những ý định tốt, nhưng tốt nhất là họ đừng lo cho người khác thì hơn. Chính việc Mary được học hành chu đáo và đi ngao du ở nước ngoài đã làm cô ấy biến đổi. Không đến nỗi thành kiêu căng, hay hư hỏng, không! Nhưng cô ấy đã lóa mắt. Cô ấy thấy ở đây không có chỗ đứng cho cô ấy. Cô ấy cảm thấy cao giá hơn cháu rất nhiều, cháu không nói sai đâu! Tuy nhiên cô ấy chưa đủ là một tiểu thư cao quý để có thể sánh với ông Roddy Welman.
Thám tử Poirot vẫn quan sát Ted.
– Cậu không ưa ông Roddy?
– Tại sao cháu phải yêu ông ta? Ông ta là người tốt và cháu không có gì để trách cứ ông ấy. Nhưng cháu thấy ông ấy không đáng để cháu coi ông ấy là một người đàn ông. Cháu có thể bẻ đôi ông ấy dễ dàng. Tuy ông ta thông minh… nhưng thông minh để làm gì khi xe ô-tô của ông ta bị pan? Anh có thể hiểu lý thuyết nguyên nhân hỏng hóc, nhưng anh vẫn bất lực như một đứa trẻ trong nôi. Trong khi anh chỉ cần tháo cái ma-nhê-tô ra và dí ngọn lửa vào đó là nó lại chạy.
– Hình như cậu làm ở xưởng sửa chữa ô-tô?
– Vâng, thưa ông Poirot, xưởng của cháu ở cuối phố kia.
– Sáng hôm xảy ra vụ án mạng, cậu đang làm việc ở xưởng chứ?
– Vâng, cháu kiểm tra xe của một khách hàng. Hôm ấy không hiểu sao cháu thấy bồn chồn rất lạ, mãi mà không sao tìm được nguyên nhân hóc hỏng. Cháu bèn ngồi lên xe cho chạy ra ngoài. Hôm đó thời tiết tuyệt vời và mùi hoa kim ngân thơm ngát. Mary rất thích mùi hoa kim ngân. Cô ấy và cháu đã từng cùng hái hoa với nhau, trước cái lần cô ấy ra học ở nước ngoài ấy.
Trên khuôn mặt Ted lại hiện ra vẻ hồn nhiên. Viên thám tử im lặng.
Đột nhiên Ted như bừng tỉnh khỏi cơn mê, nói:
– Xin lỗi ông, và xin ông quên đi những gì cháu vừa nhận xét về ông Roddy. Cháu rất bực thấy ông ta tán tỉnh Mary. Lẽ ra ông ta không nên quấy rầy cô ta như vậy. Mary đâu thuộc tầng lớp ông ta? Hoàn toàn không phải!
– Cậu có cho là Mary yêu ông ta không? – Poirot hỏi.
– Không, cháu không cho là như thế. Nhưng cháu không dám khẳng định.
– Mary còn có người đàn ông nào nữa không? Chẳng hạn một người cô ta gặp ở nước ngoài?
– Cháu không biết. Không thấy Mary kể gì.
– Cô ấy có kẻ thù nào ở đây, thị trấn Maidensford này không?
– Một người nào thù ghét cô ấy ạ? Không ai thật thân với cô ấy, nhưng mọi người đều trọng cô ấy.
– Bà Bishop, quản gia trong lâu đài, có quý cô ấy không?
Ted bật cười:
– Nếu bà ấy ghét Mary thi chỉ vì tức, thấy phu nhân Welman mê cô ấy quá. Chỉ là tức thôi.
– Mary có sung sướng được sống ở đây không? Cô ấy cũng quý phu nhân Welman lắm thì phải?
Ted Bigland đáp:
– Cô ấy sẽ sung sướng nếu bà y tá kia để cô ấy yên, cháu nghĩ thế. Bà Hopkins ấy nhồi nhét vào đầu óc Mary đủ thứ rác rưởi. Bà ta khuyên Mary tìm một nghề, và là nghề y tá xoa bóp.
– Bà ta quan tâm đến Mary lắm à?
– Cháu cảm thấy thế. Bà ta thuộc loại thích khuyên bảo người này người nọ.
– Giả sử bà ta biết được một điều bí mật nào đó trong cuộc đời Mary, theo cậu nghĩ, liệu bà ta có khả năng làm hại cô ấy không?
Ted tò mò nhìn nhà thám tử:
– Cháu chưa hiểu ông hỏi gì?
– Nếu bà Hopkins ấy biết được một điều gi đó bất lợi cho Mary, liệu bà ta có giữ kín cho cô ấy không?
– Bà ta không giữ được đâu. Bà ta chuyên ngồi lê đôi mách.
Rồi Ted hỏi lại:
– Nhưng tại sao ông lại hỏi cháu câu đó?
– Khi trò chuyện với người khác, người ta hay cố tạo cho người kia một hình ảnh về họ. Khi bà Hopkins nói chuyện với tôi, bà ta cố tạo cho tôi quan niệm rằng bà ta là con người thẳng thắn, chân thật. Tuy nhiên tôi luôn có cảm giác bà ta giấu tôi một chuyện gì đó. Có khi đấy chỉ là một chi tiết không liên quan đến vụ án mạng. Nhưng tôi thấy rõ bà ta đang giấu tôi một thứ. Hơn nữa tôi còn cảm thấy dường như điều bà ta giấu đó có thể có hại cho cô Mary.
Ted bối rối lắc đầu.
Thám tử Poirot thở dài:
– Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng sẽ biết được điều bà ta đang giấu tôi ấy.