Thế nào? – Bác sĩ Lord hỏi.
– Tiến độ không được như mình dự tính. – Thám tử Poirot đáp.
– Nghĩa là vẫn lại tối mò như cũ?
– Đến lúc này tôi kết luận có ba khả năng như sau: Elinor Carlisle đầu độc Mary Gerrard vì ghen… Elinor đầu độc bà cô để chiếm đoạt gia tài… Elinor thủ tiêu bà cụ vì lòng thương… Ba khả năng đó, mời anh bạn trẻ chọn lấy một.
– Ông nói vớ vẩn! – Bác sĩ Lord kêu lên.
– Tôi ấy ư? – Thám tử Hercule Poirot ngạc nhiên.
Trên mặt viên bác sĩ lộ ra nỗi giận dữ:
– Tất cả những thứ đó nghĩa là sao?
– Anh bạn có thấy giả thuyết đó của tôi là có lý không?
– Giả thuyết nào?
– Là Elinor, vì lòng thương bà cô ốm đau quá khổ sở nên đã giúp bà cụ chấm dứt nỗi đau khổ.
– Tào lao!
– Tào lao? Nhưng chính anh bạn trẻ đã kể rằng phu nhân Welman yêu cầu anh làm việc đó đấy thôi?
– Bà cụ nói nhưng không phải nói một cách thật sự nghiêm túc. Bà cụ biết rằng tôi sẽ không thực hiện điều đó.
– Tuy nhiên ý nghĩ ấy vẫn ám ảnh bà cụ và Elinor đã thực hiện điều bà cụ yêu cầu.
Đi đi lại lại trong gian phòng, viên bác sĩ trẻ cuối cùng nói:
– Tất nhiên nghe thoáng qua thì thấy giả thuyết của ông có lý. Nhưng Elinor là con người thông minh và bao giờ cũng có những giải pháp chính xác. Tôi không tin cô ấy lại để lòng thương hại thúc đẩy đến mức làm một việc có thể khiến cô ấy bị kết tội giết người.
– Vậy là anh bạn cho rằng Elinor không có khả năng hành động như vậy?
Viên bác sĩ trẻ dằn từng tiếng:
– Con người ta có thể hành động như thế đối với chồng hoặc con, thậm chí mẹ, nhưng không phải với một bà cô, mặc dù yêu quý bà ta đến mấy. Hơn nữa, y chỉ có khả năng làm như thế khi người bệnh đau đớn đến mức tột cùng, không thể chịu đựng thêm được nữa.
– Có lẽ anh bạn nói có lý. – Thám tử Poirot gật đầu tán thành.
Rồi ông nói thêm:
– Thế ông có tin là Roddy yêu bà cụ đến mức anh ta dám làm việc đó không?
Bác sĩ Lord bĩu môi nói:
– Anh ta đâu có gan ấy!
Thám tử Poirot nói khẽ:
– Tôi thấy anh bạn đánh giá hơi thấp chàng trai ấy đấy.
– Roddy thông minh và có học thức, tôi công nhận.
– Đúng thế – Poirot nói – Ngoài ra anh ta còn có một sức quyến rũ nào đó… Tôi nhận thấy rất rõ.
– Thật à? Tôi thì không nhận thấy.
Lát sau, bác sĩ Lord trở lại vụ án:
– Vậy ông không thu lượm được thêm điều gì để kể tôi nghe ư, nhà thám tử?
– Cho đến lúc này thì mọi điều tra của tôi đều không đạt được kết quả nào hết. Mọi công việc cuối cùng đều vẫn đưa tôi về điểm xuất phát ban đầu. Cái chết của cô Mary Gerrard không đem lại lợi ích cho bất cứ ai. Không ai căm thù cô ấy trừ Elinor Carlisle. Đến bây giờ chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi khác: Liệu có ai thù Elinor Carlisle không?
Bác sĩ Lord đáp:
– Theo tôi hiểu thì ông định tìm một kẻ nào đó đã đẩy cô ấy vào tội ác để làm hại cô ấy chứ gì?
– Tất nhiên đó chỉ là một giả thuyết rất yếu ớt, và cũng vẫn không cứu được cô ấy… trừ trường hợp sự thúc ép kia quá thô bạo.
Thám tử Poirot kế cho viên bác sĩ nghe về lá thư nặc danh, rồi nói thêm:
– Anh bạn thấy không? Chúng ta có quyền đặt ra những giả thuyết hết sức táo bạo. Elinor được một kẻ báo tin rằng cô ấy đang có nguy cơ mất quyền thừa kế… rằng một “ả” đang mưu đồ đoạt quyền lợi ấy của cô. Cho nên, khi phu nhân Welman thều thào bằng thứ tiếng nói hầu như không ai nghe hiểu, yêu cầu gọi viên công chứng đến gặp bà cụ thì Elinor đã chặn mọi nguy cơ, thủ tiêu luôn bà cụ ngay trong đêm hôm đó.
– Còn Roddy? – Bác sĩ Lord hỏi – Còn Roddy nữa? Anh ta cũng có khả năng mất hết.
Thám tử Poirot lắc đầu:
– Không đâu. Anh ta sẽ có lợi nếu bà thím anh ta để lại di chúc. Còn nếu bà cụ qua đời không để lại di chúc, anh ta mới không được hưởng gì hết Anh bạn nên nhớ là như thế. Người thân nhất của bà cụ là Elinor chứ không phải Roddy.
– Nhưng anh ta sắp kết hôn với cô ấy!
– Đúng thế – Poirot cộng nhận – Nhưng anh bạn cũng lại nên nhớ rằng ngay sau khi bà cụ qua đời, cuộc đính hôn giữa hai người bị hủy bỏ, và Roddy nói rõ với Elinor rằng anh ta ít quan tâm đến số tiền ấy.
– Chà, vậy là mọi suy luận đều vẫn dẫn đến việc buộc tội cho cô ấy.
– Đúng, trừ phi…
Thám tử Poirot suy nghĩ rồi nói tiếp:
– Trừ phi có một chuyện gì…
– Chuyện gì sao?
– Một chuyện… Chẳng hạn chúng ta phát hiện ra một quân bài trong ván bài lớn này mà chưa ai quan tâm. Bây giờ thì tôi hiểu ra rồi, một kẻ ta chưa biết là ai, có liên quan đến Mary Gerrard. Anh bạn trẻ thân mến, anh đã nghe được lắm lời bàn tán xung quanh vụ việc này, có bao giờ anh nghe thấy nói đến một kẻ nào căm ghét Mary không? Thậm chí chỉ cần một kẻ nào có định kiến xấu với cô ấy.
Bác sĩ Lord sau một lúc mới nói:
– Kiểu tìm ấy của ông chỉ càng làm rối thêm vấn đề… Còn nếu chúng ta moi quá sâu vào quá khứ để bôi xấu một cô gái đã khuất thì… Tôi không ngờ ông lại có thể nghĩ đến một cách làm đê tiện như thế, ông Poirot!
– Vậy theo anh bạn thì Mary là con người trong trắng, tinh khiết đến mức không có gì có thể chê trách?
– Theo tôi biết thì cô ấy đúng là con người như thế.
– Nhưng anh bạn nên tin rằng tôi không bao giờ làm cái trò bới bèo ra bọ. Không bao giờ tôi xục lên những bùn nhơ ở chỗ không hề có bùn. Không bao giờ tôi làm như thế! Nhưng bà y tá tốt bụng Hopkins, bà ta không biết cách giấu diếm tình cảm. Bà ta rất yêu Mary và biết một điều bí mật trong lai lịch cô gái đó, nhưng bà cô không lộ ra với ai. Nói cách khác, bà ta sợ tôi biết tôi sẽ kể cho người khác. Điều bí mật ấy có vẻ không liên quan đến vụ án mạng và cũng không liên quan đến cô Elinor, là người bà Hopkins một mực khăng định chính là thủ phạm giết cô Mary. Anh bạn thân mến, tôi cần phải biết mọi chuyện. Rất có thể cô Mary đã có lỗi với một người thứ ba, và người này muốn cô ấy chết đi.
– Nếu vậy, bà y tá Hopkins hẳn phải biết.
– Bà ta rất thông minh – Viên thám tử nhận xét – Nhưng sự thông minh ấy có những hạn chế và không thể bằng cái đầu của tôi. Thứ bà ta không thấy thì Poirot có thể buộc bà ta phải thấy.
– Tôi xin thú thật là dốt. – Bác sĩ Lord nói.
– Cậu Ted sống ở đây từ nhỏ nhưng cậu ta không biết gì mấy, trong khi bà Hopkins mới về đây được hai năm thì lại biết rất nhiều chuyện. May một nỗi là bà ta không giấu kín được chuyện gì. Hay! Bây giờ thì tôi thấy lóe ra một tia hy vọng rồi.
– Hy vọng thế nào?
– Ngay hôm nay tôi sẽ đi gặp chị y tá kia: Chị O’Brien!
– Chị ta không biết gì về những người trong địa phương này đâu. Chị ta mới đến lâu đài làm hai tháng nay, từ khi phu nhân Welman bị ốm.
– Tôi biết – Poirot nói – Nhưng anh bạn thân mến ạ, bà Hopkins nổi tiếng là người ngồi lê đôi mách, không phải chỉ trong làng mà cả trong lâu đài. Nhất là những chuyện có hại cho cô Mary bà ta càng không nói trong làng mà nói ở nơi khác: Trong lâu đài Hunterbury. Bởi như tôi đã nói, bà ta không thể nhịn được. Bà ta tin rằng bạn đồng nghiệp O’Brien là người ngoài cuộc, có cho chị ta biết chuyện này chuyện khác cũng không đáng ngại. Cho nên tôi tin chị O’Brien biết được khá nhiều chuyện, qua miệng bà Hopkins.