Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng của Kiyoshi nói chuyện với ai đó trên điện thoại. Lúc ấy khá muộn nên Emoto đã đến công sở. Tôi ngồi dậy, cất túi ngủ vào tủ và xuống bếp kiếm ít cà phê.
Khi tôi vào phòng khách tiện thể mang cho Kiyoshi một tách cà phê thì cậu vừa mới kết thúc cuộc gọi. Cậu xé một tờ giấy nhắc việc và nói, “Con gái Yasukawa đang ở Higashi-yodogawa tại Osaka. Tôi không thể hỏi được địa chỉ chính xác của chị ấy, nhưng công ty vận tải nói ở gần bến xe buýt tại Toyosato-cho, cuối một con hẻm và gần một cửa hàng bánh tráng có tên Omichi-ya. Chồng chị ấy tên là Kato. Chúng ta đi nào!”
Khi chúng tôi đến Toyosato-cho, từ xa chúng tôi có thể nhìn thấy cây cầu thép bắc qua sông Yodo. Khu vực này vẫn còn rất kém phát triển. Rải rác khắp những rẻo đất bỏ trống mọc đầy lau lách là những chiếc lốp xe cũ. Tuy nhiên, đường phố dường như mới được rải nhựa. Chúng tôi đi xuống một con hẻm nằm giữa một cụm lều lán và tìm thấy ngay cửa hàng bánh tráng. Qua một chút là vài cụm nhà bình dị. Căn cứ vào những hòm thư có ghi tên, chúng tôi tìm được căn hộ của bà Kato.
Chúng tôi leo lên thang gỗ và tìm đường vào căn hộ, len qua khu vực giặt ngay trên lối đi. Cửa sổ của họ mở hé, chúng tôi nghe thấy tiếng rửa bát đĩa và tiếng khóc của một đứa bé.
Kiyoshi gõ cửa, lập tức một phụ nữ xuất hiện. Người phụ nữ không trang điểm và mái tóc thì rối bù. Đó chính là con gái của Yasukawa. Kiyoshi bắt đầu giải thích mục đích chuyến thăm của chúng tôi, nhưng chủ nhà ngắt lời khi Kiyoshi chưa kịp nói gì nhiều.
“Tôi chẳng có gì để nói về việc đó! Cha tôi không làm gì cả. Chúng tôi đã chán lắm rồi. Hãy để chúng tôi yên!” Chủ nhà đóng sầm cửa, khiến cho đứa bé khóc càng to hơn.
Kiyoshi đứng trước cửa, không nhúc nhích. Trông cậu mất hết tinh thần.
Tôi rất ngạc nhiên khi nghe con gái Yasukawa nói phương ngữ vùng Kanto; chúng tôi đang ở sâu trong vùng Kansai và suốt hai ngày qua chúng tôi được nghe mọi dạng biến thể của thổ âm Kansai.
Khi chúng tôi rời khỏi khu chung cư, Kiyoshi nói khẽ “Tôi biết chị ấy sẽ từ chối nói chuyện với chúng ta mà. Ông bố cũng sẽ như vậy nếu ông ấy vẫn còn sống. Tôi chỉ muốn tới gặp Yasukawa nhân danh Bunjiro Takegoshi. Thôi, chúng ta hãy quên Yasukawa và con gái ông ấy đi.”
“Vậy giờ chúng ta làm gì đây?”
“Tôi không biết. Chúng ta quay về Kyoto đã.”
Vậy là chúng tôi lên tàu mà chẳng có một kế hoạch nào trong đầu.
Kiyoshi chìm trong suy nghĩ suốt đường đi, rồi đột ngột lên tiếng, “Kazumi, giờ anh đã ở Kyoto, sao anh không nhân cơ hội này đi thăm chú một chút nhỉ? Tôi gợi ý tới thăm Arashiyama, hoa anh đào vùng này đang độ rực rỡ. Anh có thể đổi tàu ở trạm tiếp theo, Katsura. Cẩm nang chỉ dẫn ở đây. Tôi muốn ở một mình để tập trung suy nghĩ. Tôi sẽ gặp anh ở nhà Emoto.”
Tôi xuống tàu tại Arashiyama và đi thẳng ra phía sông. Kiyoshi nói đúng một chi tiết: hoa anh đào tuyệt đẹp.
Một cô maiko – thiếu nữ trẻ được huấn luyện để trở thành geisha – đi ngang qua khiến tất cả mọi người chú ý. Cô mặc bộ kimono và đi cùng một cậu choai choai có mái tóc nhuộm vàng. Cậu nhóc đeo một cái máy ảnh trên cổ. Đôi dép gỗ đế dày tạo ra thứ âm thanh êm dịu, dễ chịu theo mỗi bước chân của cô gái.
Tôi theo đám đông đi về phía sông Katsura. Theo sách hướng dẫn, cây cầu có tên gọi Togetsu-kyo, có nghĩa là “cầu bắc qua mặt trăng”. Chắc là khi mặt trăng được phản chiếu trên mặt sông, du khách sẽ có cảm giác mình đang trôi bồng bềnh phía trên mặt trăng.
Gần đây là một ngôi miếu nhỏ. Nhưng khi đến gần, tôi mới nhận ra đó là một trạm điện thoại được thiết kế giống như một miếu thờ. Tôi nghĩ đến việc gọi cho ai đó từ chỗ này cho lạ, nhưng trong đầu chẳng nghĩ ra ai cả.
Sau bữa trưa, tôi bắt xe điện đi dạo. Việc này làm tôi rất thích thú vì Tokyo không còn xe điện nữa. Tôi nhớ đã từng đọc trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám rằng nhân vật thám tử nảy ra cảm hứng trong lúc đi xe điện. Tôi cảm thấy những tiểu thuyết trinh thám hay ho ngày trước đều lỗi thời như những chiếc xe điện vậy!
Tôi chẳng biết xe điện đang đi đâu nên đành xuống ở trạm cuối cùng, Shijo-Omiya. Tôi đi bộ dọc một con phố đông đúc và đột nhiên nhận ra mình đã quay lại Shijo-Kawaramichi. Không lẽ tất cả đường phố ở Kyoto đều dẫn về Shijo-Kawaramachi?
Từ đó, tôi đi thẳng tới đền Kiyomizu nổi tiếng thả bộ theo vỉa hè lát đá Sannen-zaka và dừng lại ở một quán trà nhỏ để uống tách rượu gạo amazake ngọt lịm. Rồi lại tiếp tục lang thang.
Trước cửa một tiệm đồ cổ nhỏ có một phụ nữ mặc kimono đang rẩy nước ra vỉa hè cho đỡ bụi. Cô làm rất cẩn thận, không để bắn lên người tôi và tôi cảm kích vì sự chu đáo ấy.
Tôi quay lại Shijo-Kawaramachi. Đã thấm mệt với chuyến du lịch vất vả này, tôi quyết định quay về nhà Emoto.
Emoto đã về đến nhà.
“Ồ, ông về rồi à! Tham quan có thích không?”
“Có, tuyệt lắm!”
“Kiyoshi đâu rồi?”
“Chúng tôi tách nhau trên tàu… Chà, thật ra thì cậu ấy bỏ tôi!”
Emoto nhăn mặt, nửa thích thú, nửa cảm thông.
Khi chúng tôi đang chuẩn bị món sốt hải sản cho bữa tối thì Kiyoshi thẫn thờ bước vào như người mộng du. Cậu chẳng nói gì, dù chỉ một câu chào cộc lốc.
Ăn xong bữa tối, tình trạng của Kiyoshi cũng chẳng có gì khác. Đồ ăn của Emoto rất tuyệt, nhưng Kiyoshi không chú ý lắm.
“Ngày mai là Chủ nhật,” Emoto nói với Kiyoshi. “Mai tôi được nghỉ nên ta làm một chuyến lên phía bắc Kyoto nhé? Tôi biết các ông bận, nhưng theo lời Kazumi, việc các ông đang làm ở đây chủ yếu là vận dụng trí não. Cho nên tại sao các ông không đi xe? Các ông vẫn có thể làm việc trên xe mà.”
Kiyoshi ngoan ngoãn gật đầu. “Được, miễn là các vị để tôi ngồi yên ở phía sau.”