[1] Đại lộ Triết Gia (Philosopher’s Walk) là một lối đi cho khách bộ hành bám theo một con kênh hai bên là những cây anh đào nằm ở Kyoto, giữa Ginkaku-ji và Nanzen-ji. Con đường này được đặt tên như vậy vì triết gia người Nhật rất có ảnh hưởng ở thế kỷ 20 và cũng là giáo sư của Đại học Kyoto, Nishida Kitaro, thường sử dụng khu vực này hằng ngày cho mục đích tĩnh tọa.
Thói quen ngủ nướng của tôi dường như đã thay đổi. Tôi dậy rất sớm, vào đúng thời gian tỉnh giấc của hôm trước. Shusai Yoshida lập tức hiện ra trong tâm trí và tôi cần phải nói chuyện với Kiyoshi. Tôi nhìn sang phía túi ngủ của cậu ấy, nhưng Kiyoshi có vẻ đã dậy và đi mất.
Thật cần cù, thật nhiệt tình với nhiệm vụ!
Tuy nhiên, khi lại gần nhìn kỹ hơn túi ngủ đó tôi mới nhận ra rằng nó vẫn chưa được động tới. Trước lúc đi ngủ đêm hôm trước, tôi chỉ ném túi ngủ của Kiyoshi lên sàn như một ngư dân quăng lưới xuống biển và giờ nó vẫn nằm chồng đống ở đó.
Cậu ấy đâu nhỉ? Có chuyện gì rồi chăng? Cậu ấy gặp nguy hiểm chăng? Cậu ấy đi chỗ quái nào chứ? Hay cậu ấy đã tìm được manh mối quan trọng nào đó?
Hôm nay là thứ Năm ngày 12, ngày cuối cùng của chúng tôi.
Chúng ta cần nói chuyện. Bạn thân mến ơi, chúng ta rất cần nói chuyện!
Phần điều tra của tôi rất hữu ích, nhưng tôi chẳng giải quyết được gì. Chưa làm được gì. Tôi thiết tha muốn chia sẻ thông tin với Kiyoshi. Nhờ vậy cuộc điều tra của chúng tôi hy vọng sẽ đi tới đoạn kết có hậu.
Sao cậu ấy không gọi điện nhỉ?
Tôi cố gằng nằm yên nhưng đầu óc quay cuồng. Tôi ngồi dậy. Emoto vẫn đang ngủ. Tôi khẽ khàng thay đồ và ra ngoài đi bộ. Tôi đi lòng vòng trên bãi cỏ đẫm sương trong công viên, đầu óc quay cuồng.
Khi tôi quay về, Emoto đang đánh răng. Kiyoshi vẫn chưa gọi điện. Tôi quyết định phải ở nhà cho tới khi có tin tức của cậu ấy.
Emoto vừa bước xuống cầu thang để đi làm thì điện thoại đổ chuông, tôi nhảy bổ tối vồ lấy ống nghe.
“Kazumi”… một giọng nói yếu ớt rên rỉ ở đầu dây bên kia. Tôi phải mất vài giây mới nhận ra là Kiyoshi.
“Có chuyện gì thế? Anh ở đâu? Anh ổn chứ?” Tôi tuôn cả tràng bằng giọng gấp gáp.
“Tôi mệt lắm,” Kiyoshi đáp, giọng thều thào. Ngừng một lúc, cậu khẩn khoản, “Tôi nghĩ tôi đang chết… hãy… đến đây giúp tôi…”
“Anh ở đâu? Có chuyện gì thế?”
Tôi chực tuôn ra hàng tràng câu hỏi, nhưng tôi cần biết chính xác cậu ấy ở đâu. Tôi có thể nghe rõ tiếng xe cộ và giọng trẻ con, cho nên tôi cho rằng Kiyoshi đang gọi từ một trạm điện thoại trả tiền trên phố.
“Chuyện gì xảy ra ư? Tôi không thể nói cho anh ngay lúc này được… Tôi yếu lắm rồi.”
“Được rồi, chỉ cần cho tôi biết anh ở đâu thôi!”
“Đại lộ Triết gia… không phải bên bờ Ginkakuji… bên đối diện… ở lối vào…”
Tôi cảm thấy rối bời. Đại lộ Triết gia ư? Đó là cái quái gì vậy? Hay là Kiyoshi mất trí chăng?
“Địa chỉ như thế nào? Tôi đi taxi tới đó có được không?”
“Được, lái xe sẽ biết chỗ. Chỉ cần nói Đại lộ Triết gia. Lái xe sẽ đưa anh đến… Và xin hãy… mua một ít bánh mì với sữa… cho tôi… làm ơn.”
“Bánh mì và sữa à? Được thôi, nhưng tại sao vậy?”
“Để ăn, dĩ nhiên rồi… Tôi còn biết làm gì khác với mấy thứ đó?”
Cậu ấy vẫn có thể châm chọc ngay cả khi không được khỏe. Kiyoshi tội nghiệp.
“Anh có bị thương không?”
“Không…”
“Được rồi, tôi lên đường đây. Cứ ở nguyên chỗ đó nhé!”
Tôi lao ra khỏi nhà và chạy tới ga tàu. Ở Shijo-Kawaramachi, tôi mua mấy cái bánh kẹp và vài hộp sữa. Tôi vẫy một chiếc taxi. Kiyoshi nói đúng – người lái xe biết cần đưa tôi đi đâu.
Tôi hoàn toàn mù mịt về những gì đang diễn ra. Nghe giọng Kiyoshi vó vẻ như sắp chết đến nơi. Hay cậu ấy đang hấp hối thật? Phải chăng đây lại là một màn kịch gay cấn khác? Hay cậu ấy đang trêu chọc tôi? Thỉnh thoảng, Kiyoshi tỏ ra rất đáng ghét nhưng cậu vẫn là người bạn đích thực duy nhất của tôi.
Lái xe thả tôi ở chân một con dốc và chỉ cho tôi lên đỉnh dốc. Đó là một công viên nhỏ, và đương nhiên là cả một tấm biển ghi “Đại lộ Triết gia”. Không có ai ở xung quanh cả.
Tôi đi theo con đường chạy dọc một dòng kênh. Không bao lâu, tôi thấy một chú chó mực đang vẫy đuôi và hít ngửi quanh một gã đàn ông vô gia cư nằm dài trên ghế băng. Đó chính là Kiyoshi!
Tôi gọi tên cậu ấy. Kiyoshi lầm bầm gì đó và cố gắng ngồi dậy. Cậu ấy yếu tới mức phải để tôi đỡ mới có thể ngồi dậy được. Mới có vài ngày kể từ lần cuối gặp nhau, Kiyoshi đã thay đổi ghê gớm. Đôi mắt đỏ ngầu, hai má nhô ra, râu ria tua tủa. Trông cậu không ổn tí nào, thực sự rất ốm yếu.
“Anh có mang ít thức ăn như tôi dặn không?” Kiyoshi lên tiếng. Tôi đưa một chiếc bánh kẹp, cậu ấy mở giấy gói ra. “Ôi, chuyện ăn uống mới phiền toái làm sao! Nếu không cần phải ăn, chúng ta có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian…” cậu làu bàu và chúi mặt ngấu nghiến cái bánh.
Tôi thở phào khi nhìn thấy cậu ấy ăn, nhưng vẫn chẳng hiểu gì cả. Rõ ràng cậu đang mệt lả, vẻ sắc sảo vẫn còn nhưng khá mong manh. Tôi cảm thấy lo ngại cho trạng thái tâm lý của Kiyoshi. Tôi không muốn nghĩ đến khả năng cậu ấy bị rối loạn thần kinh.
“Lần cuối anh ăn uống là khi nào thế?” Tôi hỏi cậu.
“Tôi không biết nữa… Có lẽ hôm qua, có lẽ hôm kia… Tôi quên mất rồi…”
Tôi nhắc Kiyoshi không nên ăn quá nhanh. Sau khi ăn uống xong xuôi, dường như một chút năng lượng đã quay trở về với cậu ấy.
“Anh có thu thập thêm được mạnh mối gì không?” Tôi hỏi nhẹ nhàng.
“Vắt kiệt quả cam anh sẽ được bã!” Kiyoshi giận dữ thốt lên, đứng bật dậy và khoa tay. “Kazumi, chúng ta sinh ra để bị lừa gạt! Nhìn tôi xem. Sau khi chạy long nhong ở vùng này mấy ngày trời không ngủ, tôi không khác gì một con châu chấu sắp chết. Nhịn ăn một hai ngày là điều rất tốt; nó làm cho các giác quan của chúng ta thêm sắc bén. Ôi, giờ tôi có thể thấy điều đó. Cả một cánh đồng cải hoa mênh mông đang nở bung! Thành phố này được hình thành từ lịch sử và bí ẩn! Tôi thấy hằng hà sa số nóc nhà trông như những cuốn sách đang mở. Và tôi nghe thấy tiếng xe hơi ở khắp mọi nơi! Chúng không hề mệt mỏi ư?… Không, có khi không phải là hoa cải dầu, đó là cúc vạn thọ. Tôi có thể dùng liềm cắt. Bây giờ thì tôi thậm chí còn không nhớ nổi làm thế nào mình cắt được chúng… À, mà tôi để cái liềm ở đâu nhỉ? Chắc nó hoen gỉ rồi! Tôi phải tìm nó đã. Tôi phải tiếp tục đào như con chuột chũi! Thời gian thì trôi đi vùn vụt. Ngay lúc này hoặc là không bao giờ nữa!”