Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trở lại tìm nhau

Chương 11: Căn bệnh tình yêu

Tác giả: Guillaume Musso

Trong đêm tối của tâm hồn, lúc nào cũng là ba giờ sáng

Francis Scott FITZGERALD 1

Manhattan – phố 44

Đêm thứ Bảy rạng ngày Chủ nhật

2h 45

Céline Paladino tẩy trang trong phòng tắm ở phòng của vợ chồng cô tại khách sạn Sofitel.

Sé bastien, chồng cô, vừa mới ngủ ở phòng bên. Céline cởi chiếc váy cưới và nhìn mình trong gương không son phấn.

Giờ này anh đang làm gì?

Cô gỡ tung mái tóc dài cứng đơ, chăm chú ngắm khuôn mặt còn trẻ của mình với hai gò má cao và đôi mắt hình quả hạnh. Trên vai cô là một ký tự Ấn Độ mà cô đã cho xăm khi mới yêu Ethan.

Ethan…

Hôm nay cô đã gặp lại anh vài phút, nhưng là để mất anh lần nữa. Một vài lời trao đổi đối chọi nhau chỉ dẫn đến oán giận. Chiều nay, cô đã thấy anh dễ bị tổn thương, buông xuôi tất cả, vậy mà cô vẫn tấn công anh. Không dám tự nhận với mình rằng cô đã hy vọng một điều gì đó sẽ xảy ra trong hôn lễ. Bởi lẽ cô vẫn luôn tin rằng anh chính là người đàn ông của đời cô: người mà ta không ngừng tìm kiếm suốt cuộc đời mình, người mà ta dám thể hiện cả phần “con” trong mình và dù thế người ấy vẫn yêu ta.

Giờ này anh đang làm gì?

Tối nay, trong căn phòng khách sạn xa xỉ này, cô thấy mình như đang đóng kịch. Cô đã giấu mình trong nhiều vai không phù hợp từ quá lâu rồi. Càng nhượng bộ, càng đáp ứng những mong mỏi của gia đình, của bạn bè, xã hội, cô lại càng trở thành người xa lạ trong cuộc sống của chính mình. Một lần nữa, cô lại thấy cảm giác cô đơn đôi khi tàn phá mình.

Chạy trốn.

Cô mặc quần bò, áo sơ mi, áo len đen, đi đôi giày Kickers cũ. Cô thậm chí còn không định tự giải thích, cứ để mình bị cuốn đi bởi sức mạnh phi lý đột nhiên xuất hiện.

The ***** is back 2.

Cô biết mình sẽ làm mọi người thất vọng: tất nhiên là Sébastien, rồi cả cha mẹ cô và gia đình nữa, những người mà cô đã mời đến New York để mừng cái ngày được coi là đẹp nhất của đời cô.

Sẽ không ai hiểu được cô: người ta không thể rời bỏ tất cả như thế được.

Không một tiếng động, cô mở cửa phòng tắm. Sébastien vẫn đang ngủ. Gần cửa ra vào, hành lý đang chờ, sẵn sàng cho chuyến du lịch hưởng tuần trăng mật ngày mai đến Hawaii. Céline lấy chiếc túi xách và nhét vào đó bộ đồ trang điểm.

Trước kia, Ethan hiểu cô. Trong khi những người khác chỉ nhìn thấy một Céline tốt bụng, cô sinh viên nghiêm túc, cô tiếp viên hàng không xinh đẹp, cô giáo viên tiểu học có tấm lòng nhân hậu, thì anh đã nhận ra vực thẳm, nỗi cô đơn và những nứt rạn trong tâm hồn cô.

Cô khoác chiếc áo măng tô màu xám ngọc, nhìn một lần cuối những gì đã từng là cuộc sống của cô rồi rời khỏi căn phòng.

Hành lang.

Thang máy.

Không nuối tiếc.

Ở Paris, cô đã từng là tình nguyện viên cho các tổ chức khác nhau: các quán ăn từ thiện, tổ chức Les Blouses roses 3, các trung tâm đón nhận những trường hợp khẩn cấp. Cô đã làm việc với những kẻ vô gia cư, nghiện ngập, gái điếm. Mỗi lần gặp họ, nỗi đau của họ trở thành nỗi đau của chính cô. Cuối cùng đó là điều duy nhất cô biết cách làm tốt trong đời: cứu giúp các kẻ chết đuối. Nhưng chẳng phải đó cũng là điều cao quý nhất hay sao?

Anh đi đâu?

Cô vẫn luôn âm thầm tin rằng một ngày nào đó, cô sẽ có một đứa con với Ethan và việc làm mẹ sẽ giúp cô biến ngọn lửa đam mê thành ngọn lửa của tình yêu. Giờ đây cô biết rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy vậy, cô không muốn có con với một người đàn ông khác.

Chạy trốn, nhưng chạy đi đâu?

Trong sảnh khách sạn, tôi ngồi xuống trước một máy tính để vào trang web của ngân hàng. Chỉ vài thao tác nhấp chuột, cô đã chuyển số tiền trong sổ tiết kiệm sang tài khoản vãng lai.

Khi cô ra đến phố 44, một cơn dông dữ dội đang tàn phá thành phố, quét sạch mọi thứ trên đường đi của nó, khiến các mái nhà rung lên, và các rãnh nước và ga tàu điện ngầm ngập trong nước. Người gác cổng đề nghị cô dùng ô tô có tài xế mà khách sạn đã gọi để đối phó với cuộc đình công của cánh lái xe taxi. Cô định đồng ý thì một chiếc taxi đỗ lại cách chỗ cô đứng vài mét. Cô lưỡng lự: trên nóc xe khum khum kiểu cũ, cả ba đèn báo của biển hiện đều bật sáng, dấu hiệu cho biết xe không phục vụ.

– Thưa cô, để tôi chở cô đi nhé? Tuy vậy người tài xế vẫn kéo cửa kính xuống và hỏi cô.

Đó là một người da đen cao lớn, đầu húi trọc, nhưng có khuôn mặt hiền từ. Céline ngồi vào ghế sau. Cô thích thú ngạc nhiên nhìn các hình vẽ của trẻ con và quân bài tarô Marseille phủ kín bên trong xe. Từ chiếc đài trên xe phát ra giọng khàn khàn của Tom Waits đang trình bày bài The Heart of the Saturday Night có cái gì đó đang u sầu và khiến ta yên lòng.

– Sân bay Kennedy, cô yêu cầu và áp trán lên tấm cửa kính lóng lánh lạnh lẽo.

o O o

Sân bay Kennedy

3h 42

Céline đưa tiền boa cho người lái xe taxi rồi chạy ào vào sảnh đi.

Cô đi dạo nhiều phút trong sảnh, ngất ngây bởi khoảng không gian rộng bát ngát và trống rỗng. Trên chiếc iPod của cô, có tiếng tru lạnh buốt của ca sĩ Björk, bầy chó sói hút máu của ban nhạc rock alternatif Radiohead, rồi bất chợt cất lên bài hát cổ Bécaud đang nói với cô về bản thân mình:

Và giờ đây tôi sẽ làm gì

Giờ đây khi em đã ra đi?

Em để lại cho tôi cả trái đất này

Nhưng trái đất không em thật nhỏ bé.

Cô ngước mắt lên nhìn bảng các chuyến bay sắp khởi hành.

Rome, Los Angeles, Ottawa, Miami, Dubaï…

Phải chạy trốn đến tận nơi nào để chữa trị nỗi trống vắng?

Johannesburg, Montréal, Sydney, Brasília, Bắc Kinh…

Phải chạy trốn đến tận nơi nào để thoát khỏi nỗi đau, khỏi cái bóng của chính mình, khỏi cuộc đời mình?

Ở quầy bán vé của hãng hàng không American Airlines, cô mua một vé đi Hồng Kông.

Máy bay sẽ cất cánh trong hai tiếng nữa.

o O o

Manhattan

Khách sạn Sofitel – phòng 2904

3h 51

Đôi mắt đỏ hoe vì khóc quá nhiều, Sébastien chăm chú nhìn chữ viết bằng son môi choán hết tấm gương lớn ở phòng tắm.

XIN LỖI

Anh mỏi mệt, nhưng không ngạc nhiên.

Hồi nãy, khi hiểu ra rằng Céline rời bỏ anh, anh đã giả vờ ngủ. Anh đã nằm im, sững sờ, không tài nào có được ý tưởng gì, dù chỉ là nhỏ nhất.

Bây giờ anh sẽ làm gì? Giải thích câu chuyện này với gia đình, với hội bạn chơi bóng bầu dục, với khách hàng của tiệm ăn thế nào đây?

Tuy vậy, nếu suy nghĩ kỹ, gốc rễ của sự chia cắt này là sâu xa, cho dù anh không muốn biết. Anh nhớ lại tất cả những hoạt động mà cô tham gia ngoài nghề nghiệp của mình: các quán ăn từ thiện, công việc tình nguyện tại các trung tâm cứu trợ khẩn cấp hoặc ở bệnh viện. Anh không hiểu vì sao cô làm thế, cũng không hiểu cái thói gàn dở của cô khi cô ghi chép dày đặc các cuốn sổ tay những nhận xét, cảm giác và suy nghĩ chẳng bao lâu sau lại bị cô gạch xóa. Và rồi, đứa con mà họ không tài nào có được, ngay cả khi đã khám bác sĩ và trải qua các nguyên do sinh học. Và tất cả những lần anh bắt gặp cô đứng bất động lúc nửa đêm bên cửa sổ, đầu óc để tận đâu đâu. Anh vẫn thường tự hỏi Céline nghĩ gì, nghĩ về ai trong lúc ấy. Chiều hôm nay, khi cái tay lạ lùng kia xuất hiện ở đám cưới, anh đã cảm thấy một mối đe dọa lớn đang treo lơ lửng. Bởi lẽ trong mắt người đàn ông ấy và trong mắt vợ anh có cùng một nỗi đau, và khi quan sát cả hai người, dễ nhận thấy có một luồng điện đang chạy giữa họ. Một luồng điện cao thế, mạnh như sét, có thể giết chết mà cũng có thể làm sống lại một con tim như máy làm rung cơ tim vậy. Lúc đó anh đã sợ rằng sẽ phải chịu một điều nhục nhã mà anh đã tránh được trong lễ cưới nhưng lại phải khổ sở hơn trong phòng ngủ.

Những tháng gần đây, nhiều lần anh tự hỏi liệu vợ anh có đau khổ hay không. Thậm chí anh còn kể chuyện đó với một người bạn bác sĩ và cậu bạn cho rằng vợ anh bị trầm uất.

Nhưng còn nặng hơn thế.

Đó là bệnh tình yêu.

o O o

Sân bay Kennedy

4h 07

Céline chờ chuyến bay của mình. Trong một hiệu sách ở phòng đợi lên máy bay, cô mua tờ Herald Tribune, một cuốn tiểu thuyết của Haruki Murakami và số mới nhất của tờ Paris Match với ảnh của Céline ở trang bìa.

Trong tủ kính bày các cuốn sách bán chạy nhất, ở giá sách về phát triển nhân cách, một nhân viên nhận được lệnh sắp xếp lại các tác phẩm. Anh ta rút ra một chồng cuốn sách mới nhất của Ethan Whitaker và xếp chúng vào các thùng các tông trước khi tháo dỡ hình quảng cáo bác sĩ trị liệu to đúng bằng người thật.

Một màn hình ti vi được gắn phía trên quầy thu ngân, bắt kênh NSNBC đang phát bản tin. Trên màn hình plasma là hình ảnh người đàn ông run rẩy đang quỳ gối gần một cơ thể máu me be bét. Lời bình chính là giải thích của nữ phát thanh viên dẫn bản tin đêm:

… một cô bé mười bốn tuổi hôm nay đã chết tại phòng khám của bác sĩ trị liệu nổi tiếng Ethan Whitaker. Người mà sáng nay tờ Thời báo New York vẫn còn gọi là vị bác sĩ tâm lý quyến rũ nước Mỹ giờ thanh danh đã bị hoen ố và…

Nghe đến tên Ethan, Céline ngước mắt lên nhìn màn hình, đúng lúc nữ nhà báo dừng lại trong câu nói và áp ngón tay lên tai nghe để chắc chắn hiểu rõ những gì người ta nói với cô. Trên màn hình: màn đêm, bãi đỗ xe, đèn trên xe cứu thương nhấp nháy và xe cảnh sát, các dải dây vàng có ghi do not cross 4.

… người ta vừa thông báo cho chúng tôi một tin mới. Theo phóng viên của chúng tôi, thân thể của Ethan Whitaker với các vết đạn lỗ chỗ đã được tìm thấy tại bãi đỗ xe của bệnh viện St. Jude, nơi anh đã nhập viện vài giờ trước đó. Trả thù, thanh toán hay do rượu chè trụy lạc? Cuộc điều tra của cảnh sát sẽ cho chúng tôi biết thêm thông tin vào những ngày tới. Trong khi chờ đợi…

– Thưa bà?

Người bán hàng đột nhiên lo lắng, đứng lên khỏi ghế: một khách hàng nữ vừa ngất tại cửa hàng.

– Thưa bà? Bà không được khỏe à? Này bà?

o O o

Bệnh viện St. Jude

4h 20

Curtis Neville đỗ chiếc taxi cũ kỹ ở bãi đậu xe của bệnh viện và đẩy cánh cửa của nhà hàng Elvis Diner. Khi làm việc ban đêm, anh thường dừng lại tại tiệm ăn nhanh này, được bố trí trong một căn phòng bằng kim loại đối diện với cửa ra vào khu cấp cứu. Vào giờ này ban đêm, nhà hàng chủ yếu phục vụ khách là nhân viên chăm sóc bệnh nhân đang nghỉ giữa ca trực. Curtis tiến lại gần quầy để gọi một đĩa khoai tây rán và nhiều lát thịt hun khói.

Ở cuối phòng, đằng sau đĩa xa lát và bát xúp, bác sĩ Shino Mitsuki ngồi thẳng lưng trên ghế.

Bình thản.

– Chỗ này còn trống chứ?

Người đàn ông châu Á chậm rãi ngước nhìn và phát hiện ra một gã khổng lồ da đen vai rộng. Gật đầu, anh mời anh ta ngồi xuống.

Curtis Neville đặt khay thức ăn xuống và ngồi trên chiếc ghế bằng vải giả da. Mitsuki để ý mắt trái anh ta bị teo lại và các chữ cái L.O.V.E và F.A.T.E Xăm trên các đốt ngón tay.

Trong một giây, ánh mắt của họ gặp nhau.

Tối nay, Số phận và Nghiệp chướng ăn tối cùng một bàn.

o O o

4h 30

Chim mòng biển xoay tròn, kêu ríu rít trong màn đêm tang tóc.

Đối diện với Đảo Roosevelt là một tòa nhà cổ và dài: Viện Pháp y New York.

Trong tòa nhà là các tầng hầm rộng mênh mông.

Tại một trong các tầng hầm đó có một căn phòng bao quanh bằng tường kính mờ. Một căn phòng lạnh lẽo, được chiếu bởi thứ ánh sáng tối mờ. Một căn phòng lạnh lẽo, được chiếu bởi thứ ánh sáng tối mờ. Một căn phòng gợi đến bệnh viện, nỗi sợ hãi, sự chết chóc. Cô đơn và tuyệt vọng lên đến tột đỉnh.

Trong căn phòng ấy, hai cái xe bằng thép được đặt cạnh nhau.

Trên chiếc xe thứ nhất là thi thể một người đàn ông bị các vết đạn bắn thủng lỗ chỗ. Anh ta không phải lúc nào cũng đúng trong cuộc sống, nhưng anh ta xứng đáng được biết nguyên do cái chết của mình.

Trên chiếc xe còn lại là thi thể một bé gái với một phần hộp sọ bị vỡ nát. Khuôn mặt cô bé màu vàng sáp, tím tái, và các đường nét trên khuôn mặt bị méo mó vì nỗi khiếp đảm trước cái chết hung đạo.

Cô bé đã cầu cứu, nhưng tiếng gọi của cô không có ai trả lời.

Hôm nay, hai người này đã gặp nhau, nhưng họ không tiếp xúc được với nhau.

Cặp mắt lờ đờ của họ dường như đang nhìn đi nơi khác.

Cái nơi xa lạ và đáng sợ ấy.

Cái nơi mà tất cả chúng ta rồi sẽ đến.

Chú thích

1. Nhà văn nổi tiếng người Mỹ, sinh năm 1896 mất năm 1940.

2. Sói cái quay lại là tên một bài hát của Elton John, do Bernie Taupin soạn lời, đồng thời là tên của một xê ri phim truyền hình.

3. Cấm đi qua.

Bình luận