Là thiếu niên có nghĩa là nhận ra rằng người ta không tốt như những người ta khiến chúng ta tưởng và nghĩ rằng như vậy, cuộc sống có lẽ không tuyệt vời như ta từng hình dung.
Marcel RUFO 2
Manhattan, hôm nay
Thứ Bảy ngày 31 tháng Mười năm 2007
9h 40
Lyzee ấn nút điều khiển để tăng âm lượng ti vi lên. Chị không tin vào mắt mình nữa: Ethan không đến tham gia chương trình. Stephen Austin, kẻ vốn thăm thú anh, đang trả lời câu hỏi của nữ nhà báo kênh NBC.
Giọng trầm và điềm đạm, cái nhìn cố tỏ ra sắc sảo xuyên thấu, gã Clark Gable 3 giả hiệu này tự tạo ra vẻ quyến rũ cũ kỹ vẫn còn gây ảo tưởng.
Nhưng mà với ai cơ chứ?
– Này, dùng kem rám nắng quá tay rồi đấy! Lyzee hét vào mặt Austin trên truyền hình.
Bận chiếc áo vét sáng màu, áo sơ mi trắng mở rộng cổ, bộ râu ba ngày chưa cạo, Austin ca ngợi những điều hay ý tốt trong cuốn sách mới xuất bản của anh ta hệt như kẻ rao hàng tài ba. Anh ta đã làm ăn trong nghề này được hai mươi năm và rất biết gây ấn tượng: trơ trẽn và tự cao tự đại, anh ta không hề tin vào những gì mình viết nhưng phải thừa nhận là khi nghe anh ta nói trên truyền hình thì không thể nhận ra điều đó. Anh chàng Don Juan hàng chợ này rất ghét Ethan. Anh ta cho là vì Ethan mà anh ta kém nổi tiếng đi. Thời gian gần đây, Austin không bỏ lỡ cơ hội để chơi Ethan vài vố. Mà vố cuối cùng này quả là ghê gớm: hất cẳng Ethan trong chương trình truyền hình buổi sáng được nhiều người xem nhất nước.
Lyzee lo lắng thấy ông chủ vắng mặt: nếu Ethan chịu nhường chỗ cho Austin thì chắc chắn là có điều gì đó nghiêm trọng đã xảy ra.
Cô gọi cho Ethan vào máy di động, nhưng chỉ thấy máy tự động trả lời.
Lạ thật.
Có chuyện gì mà anh phải bỏ chương trình có rất nhiều người xem này? Không nghe thấy chuông báo thức ư? Say rượu ngủ quên chăng? Đi chơi khuya rồi gặp chuyện chẳng lành?
Lyzee bỗng linh cảm thấy có chuyện chẳng lành. Nhỡ chuyện tồi tệ hơn thì sao nhỉ? Bị tấn công, dùng ma túy quá liều, tự tử…
Từ vài tuần nay, cô đã sợ sẽ xảy ra điều tệ hại. Cô thấy rõ là cuộc đời Ethan mỗi lúc một chệch hướng. Điều đó đáng ngại hơn là sự mệt mỏi hay gd chán nản. Ethan không còn tin vào bản thân và những ý tưởng của mình nữa. Lyzee bất lực nhìn anh mỗi lúc một lún sâu hơn vào trạng thái trầm cảm và cắt đứt mọi liên hệ với vẻ bề ngoài sáng láng của con người anh. Cô đã để anh trốn tránh trong xứ sở băng giá nơi nỗi đau và sự cô đơn ngự trị.
Đó là điều mà Lyzee tự trách mình khi điện thoại reo. Trên màn hình hiện lên số của ông chủ. Cô nhấc máy ngay mà không chờ hồi chuông thứ hai.
– Một phút nữa tôi sẽ tới, anh thông báo như vẫn thường làm.
o O o
– Có chuyện gì với anh vậy?
– Nếu tôi nói với chị là tôi vừa sống lại, chắc chị chẳng tin đâu…
– Anh say hay sao thế hả?
Ethan nhún vai:
– Tôi biết là chị sẽ không tin tôi mà.
Nhưng Lyzee chẳng còn bụng dạ nào mà bông lơn nữa:
– Tôi lo quá, anh có hình dung được không? Lai còn chương trình anh bỏ lỡ này nữa, chị vừa trách móc vừa chỉ cái ti vi. Cô phụ trách báo chí của anh chắc sẽ phát điên.
Ethan nhìn màn hình cười:
– Chẳng có ai là không thể thay thế được, anh nhận xét. Tôi nhường chỗ cho lão Austin, lão xoay xở cũng được đấy chứ! Lúc nào cũng sẵn sàng xung trận!
– Điều đó khiến anh thấy vui à?
– Ừ, nó làm tôi thấy vui vì nó chẳng có nghĩa gì.
– Hôm qua anh đâu có nói thế.
– Hôm qua, tôi là người khác. Hôm qua, tôi không được minh mẫn cho lắm.
– Đã khá lâu rồi anh không còn minh mẫn nữa, chị nổi cáu quay về bàn làm việc.
Lyzee cúi đầu, lấy tay xoa xoa mí mắt, ngập ngừng một lúc rồi nói:
– Anh Ethan này, tôi phải nói với anh một chuyện.
– Chị muốn nói gì cũng được, nhưng trước tiên tôi phải nói chuyện với cô bé đã.
– Ai cơ?
– Cô bé đang chờ trong phòng đợi ấy.
– Chẳng có ai ở phòng đợi cả, Lyzee bực bội trả lời. Anh bảo tôi không hẹn bệnh nhân sáng nay cơ mà.
Ethan bối rối bước đi trong hành lang.
– Có chứ, có một cô bé, cô ấy tên là Jessie, tôi biết thế vì tôi đã trải qua ngày…
Anh mở cửa ra: phòng đợi trống không.
Không thể thế được… Nếu ngày hôm nay lặp lại thì Jessie phải ở đó chứ.
Lyzee coi thái độ đó như một dấu hiệu. Chị thu nhặt vài đồ đạc, nhét chúng vào túi và ra khỏi phòng. Đến ngưỡng cửa, chị quay lại phía Ethan:
– Tôi được như bây giờ là nhờ anh, chị thừa nhận. Không có anh, chắc tôi vẫn còn đi dọn nhà thuê, nặng tới cả trăm ki lô và mấy đứa con tôi sẽ chẳng thoát khỏi cái trường tồi tệ của chúng…
Ethan chau mày và thoáng làm một cử chỉ để ngăn chị lại, nhưng Lyzee chặn anh:
– Dù anh có bảo tôi làm gì, tôi cũng sẽ làm. Dù anh có bảo tôi đi đâu, tôi cũng đi. Vì anh là người tử tế và có năng khiếu thực sự, năng khiếu làm cho mọi người tin vào bản thân mình. Nhưng anh đang phí hoài cái năng khiếu ấy. Thời gian gần đây, anh cứ vẩn vơ làm sao ấy, tôi không hiểu được anh nữa, mà cũng chẳng giúp được gì cho anh. Vậy nên tôi để anh lựa chọn. Hoặc là anh bình tĩnh lại và chúng ta sẽ cùng nhau đi tiếp, hoặc là anh cứ tiếp tục lún sâu hơn và tôi không làm việc cùng anh nữa. Trong khi chờ đợi, tôi nghỉ ngày hôm nay! chị tuyên bố với vẻ kiên quyết dữ tợ.
Rồi chị đi ra, sập cửa mạnh sau lưng.
o O o
Ethan đứng yên không phản ứng gì trong vài giây, choáng váng vì Lyzee bỏ đi và Jessie thì không thấy đến. Theo thói quen, anh châm điếu thuốc, phản xạ có điều kiện nhằm kích thích tư duy. Lúc đầu, ngày hôm nay lặp lại y hệt: người phụ nữ trong giường anh, cái xe bị phá hỏng, bài báo, thái độ của mọi người trên Quảng trường Thời đại. Nhưng lúc này, mọi việc bắt đầu lệch lạc: tại sao Jessie không đến tìm anh? Ethan nghĩ đến thuyết hỗn mang hay được đề cập đến trong điện ảnh và tiểu thuyết tầm tầm: một nguyên nhân nhỏ cũng có thể tạo ra những hiệu ứng không ngờ tới. Anh nhớ tới công thức của Benjamin Franklin 4 từng được học ở trường:
Vì cái đinh mà hỏng móng sắt.
Vì móng sắt mà hỏng con ngựa.
Vì con ngựa mà hỏng kỵ sĩ.
Vì kỵ sĩ mà hỏng trận đánh.
Vì trận đánh mà hỏng cuộc chiến.
Vì cuộc chiến mà mất tự do.
Tất cả, chỉ tại cái đinh…
Tại sao Jessie lại không đến tìm anh nhờ giúp đỡ? Từ khi ngày hôm nay bắt đầu cho đến giờ có điều gì khác ngăn cô bé không làm thế nữa? Anh nhắm mắt, hồi tưởng lại trong đầu vài lời trao đổi với cô bé trong lần gặp đầu tiên: Cháu tưởng nghề của chú là giúp mọi người/ Cuộc đời đôi khi bất công và chán ngắt/ Chính chú là người cháu đến tìm gặp/ Cháu muốn chú giúp cháu/ Cháu muốn không bao giờ thấy sợ nữa/ Cháu sợ gì?/ Mọi thứ/ Lúc nãy trên truyền hình, trông chú có vẻ tốt bụng hơn…
Trên truyền hình, trông chú có vẻ tốt bụng hơn. Đó chính là điều đã thay đổi! Lần trước, cô bé đã xem chương trình mà sáng nay anh không đến tham gia. Chính chương trình đó đã khiến cô bé quyết định đến gặp anh. Anh cố dựng lại khung cảnh: cô bé đau khổ, đang định tự tử, biết đến anh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cô tìm thấy địa chỉ văn phòng anh trên Internet, lưỡng lự, rồi quyết định làm thế sau khi đã thấy anh trên chương trình trực tiếp. Nếu trình tự mọi chuyện là như vậy thì Jessie chắc chỉ ở quanh đây thôi. Chắc ở một nơi công cộng có màn ảnh truyền chương trình của NBC.
Có lẽ trong một quán cà phê.
Ethan hăng hái lao ra khỏi tòa nhà. Trong buổi sáng bắt đầu kỳ nghỉ cuối tuần, phần khu thương mại quay ra cảng dần dần sôi động lên. Đó là New York trong các tấm bưu thiếp, thành phố của những tòa nhà chọc trời chen chúc nhau, của những cảnh quan chồng lên nhau, những con sóng bạc lấp lánh dưới ánh nắng chói chang.
Theo bản năng, Ethan quay lưng lại phía nắng và dấn bước vào phần khuất tối của thành phố, nơi những con phố hẹp tạo thành hẻm vực sâu hun hút giữa một rừng nhà bê tông, kính và thép.
Anh tìm rất có phương pháp, tìm đến mọi nơi mà mà nhìn gần hay nhìn xa có vẻ giống như quán cà phê; quán Starbucks trên phố Wall, quán sushi, quầy bar khách sạn, quán deli trên phố Fletcher. Ethan sắp bỏ cuộc thì chợt nhìn thấy một tấm bảng hiệu nhấp nháy. Quán Stom Café: đó là hình logo trên khăn giấy cô bé bỏ lại trong phòng đợi!
Cuối cùng anh đã tìm thấy cô bé, chính ở đó, trong quán cà phê trên phố Front, ngồi bàn cạnh cửa sổ. Anh nhìn cô qua cửa kính và không khỏi xúc động. Cô bé vẫn còn sống. Vẫn yếu ớt, tóc vàng, mảnh khảnh, nhưng còn sống. Anh cứ đứng như thế trong mấy phút liền mà quan sát cô bé, lòng tràn ngập cảm giác nhẹ nhõm đến không ngờ. Suốt mấy giờ liền, anh phải nghĩ là cô bé đã chết, và giờ thật dễ chịu khi được gặp lại cô. Hình dáng cô bé run rẩy, cách anh vài mét, ngay lập tức xóa bỏ những hình ảnh cứ ám ảnh anh mãi: phát súng, máu, sự kinh hãi, bàn tay cô trong tay anh vào giây phút cuối. Cô bé còn sống, nhưng tâm trí đang để tận đâu đâu, ủ rũ và khép kín, mắt nhìn mông lung, xa khỏi thế giới này, xa khỏi cuộc đời này. Chềnh ềnh trước mặt cô, cạnh cốc nước, là bài báo trên tờ Thời báo New York cô đã cắt ra:
Vị bác sĩ tâm lý quyến rũ nước Mỹ
Cương quyết không muốn chứng kiến tấn thảm kịch đã được báo trước, Ethan đẩy cửa quán cà phê bước vào. Thay vì quyến rũ nước Mỹ, anh sẽ cố cứu một cô bé khỏi định mệnh.
o O o
– Chào cháu, Jessie, chú ngồi được không?
Cô bé bối rối ngẩng đầu nhìn người đàn ông đang đứng trước mặt mình, Ethan ngồi xuống mà không đợi cô bé trả lời, đặt xuống bàn một cái khay có hai cốc cà phê, nước cam và một đĩa bánh quy.
– Của cháu đấy. Chú chắc là cháu đang đói.
– Sao… sao chú lại biết cháu?
– Nếu cháu biết chú, anh vừa nhận xét vừa chỉ bài báo, thì chú cũng biết cháu được chứ sao.
Cô bé nhìn anh vẻ nghi hoặc, lo lắng nhưng quả quyết trong cuộc gặp mặt tay đôi cô từng nhiều lần hình dung ra.
Ethan nhận thấy quần áo cô bé nhàu nát, tóc bẩn bết lại, móng tay gặm nham nhở. Mặt cô bé trũng xuống vì mệt mỏi. Rõ ràng là đêm vừa rồi cô không ngủ ở nhà, mà có lẽ cô cũng chẳng hề chợp mắt.
Liếc mắt nhìn, anh nhận ra cái ba lô Eastpak màu hồng nhạt trên cái ghế băng cạnh cô bé. Cái túi chắc có chứa khẩu súng mà cô định dùng để tự kết liễu đời mình.
– Cháu muốn gặp chú, đúng không?
– Chú thì biết gì cơ chứ?
Cô bé thấy họng khô lại. Âm điệu giọng cô nghe buồn bã hơn là chống đối.
– Nghe này, chú biết là cháu đau khổ, cháu sợ hãi, và lúc này, cháu cảm thấy không muốn sẽ nữa.
Jessie mở miệng. Môi cô run run, nhưng không thốt lên lời nào. Ethan nói tiếp:
– Tuy nhiên, dù cháu có hoảng loạn đến đâu, có khó khăn đến đâu, cháu không được quên là trong đời không bao giờ nên tuyệt vọng, chuyện gì rồi cũng có lối thoát.
– Đó là mấy câu phỉnh phờ chú vẫn hay nói với bệnh nhân hả?
– Không, anh trả lời, đó là điều chú nghĩ thực lòng đấy.
Anh bắt gặp ánh mắt của cô bé. Những vảy bạc nhấp nháy trong đôi đồng tử của cô bé đang giãn ra.
– Chú biết là lúc này, đôi khi cháu thấy sợ sống hơn là chết. Chú biết là để giải thoát khỏi đau khổ, cháu ngày càng ẩn náu trong thế giới tưởng tượng. Nhưng điều đó đang làm hại cháu đấy.
Jessie ngồi yên không động đậy, cứng đờ như pho tượng, nhưng Ethan cảm thấy cô bé đang chăm chú nghe.
– Cháu không nên nghe theo tiếng nói trong đầu, nó làm cháu tưởng rằng cái chết là một giải phóa. Cháu phải tranh đấu, không được để nỗi sợ hãi choán lấy mình. Cái chết không chấm dứt đau khổ hay sợ hãi đâu.
– Sao chú biết?
Ethan lôi bao thuốc lá ra đặt lên bàn.
– Vì chú đã từng trải qua.
Jessie không hề hiểu Ethan muốn ám chỉ điều gì, nhưng nhận xét cuối cùng này hướng cô bé đến một câu hỏi khác:
– Vậy chú đã bao giờ như thế chưa?
– Như thế nào cơ?
– Muốn chết.
Ethan hơi nhếch mép và lắc đầu trong khi một cơn rùng mình lạnh buốt chạy suốt sống lưng. Anh rút một điếu thuốc lá ra và đưa nó lên miệng để hít một hơi tưởng tượng.
– Có, anh thừa nhận, chú đã từng muốn chết.
o O o
– Mẹ ơi, nhìn này, con làm thổ dân da đỏ này: U U U U U U!
– Con đừng có dở hơi nữa, Robbie, vào xe đi!
– UUUUUU!
o O o
Trung tâm Manhattan
Trước cửa siêu thị Woalfood
10h 04
Bế đứa bé đang gào thét trên tay, Meredith Johnston xếp đống túi đầy đồ ăn vào cốp chiếc xe Toyota loại nhỏ màu mơ. Một thằng bé mặc giả làm người da đỏ đang nhảy điệu vũ chiến binh quanh cô:
– UUUUUUUUU!
– Robbie, mẹ đã bảo con DỪNG lại và vào xe cơ mà!
Thằng bé hư quá đi mất. Nó mới có năm tuổi nhưng cô không bảo được nó nữa rồi. Còn đứa bé thì cứ gào khóc từ lúc… mới sinh, tức là năm tháng trước. Chẳng có đêm nào ngưng, chẳng có phút nào nghỉ. Nó lấy đâu sức mà khóc thế nhỉ? Sao nó không mất giọng vì lúc nào cũng gào to như thế?
Mereredith vật lộn với đống túi đồ. Một hộp nước cam cô đã mở lúc ở trong siêu thị để làm Robbie ngậm miệng tụt ra khỏi túi và đổ ụp xuống đất, bắn tung tóe vào đôi giày da hươu và quần tất cô đang mang.
– Mình chán ngấy rồi! Chán ngấy rồi!
– UUUUUUUUUUUUU! Ta là thổ dân da đỏ đâââââây!
Đã thế lại còn phải giả vờ thích thế nữa chứ! Đóng vai mẹ hiền trong khi chồng cô, Alan, đi đua thuyền với đám bạn. Mà đã chắc gì anh ta đang làm thế cơ chứ! Biết đâu anh ta chẳng đi nghỉ cuối tuần cùng cô thư ký, cái con bé Brittany lẳng lơ cứ liên tục gửi mail khiêu khích mời gọi ngay cả khi anh ta ở nhà. Nhưng không thể để mọi chuyện diễn ra như thế được! Cô sinh đứa bé thứ hai này cốt chỉ để ANH hài lòng. Chính ANH muốn có gia đình đông đúc. Vậy thì anh đi mà chăm sóc các con anh chứ không được phởn phơ với cái con nhóc hai mươi hai tuổi ấy.
o O o
Ethan dùng tay diễn đạt cho lời mình có sức thuyết phục hơn:
– Cháu phải tự nhủ rằng sống có nghĩa là dám chấp nhận nguy cơ.
– Nguy cơ ư? Jessie hỏi.
Lúc này cô bé rất hứng thú nghe anh nói. Nước da cô trong suốt và cái nhìn có phần do dự, nhưng Ethan thấy trong đó có cả sự hào phóng và lòng cảm thông.
– Nguy cơ phải đối mặt với thất bại, đau khổ và mất mát.
Cô bé suy nghĩ giây lát về nhận xét này. Ethan muốn tỏ ra có sức thuyết phục hơn.
– Chú nghĩ là muốn được hạnh phúc, trước hết phải chịu đau khổ. Chú tin là bằng việc chống chọi với bất hạnh, ta có cơ hội để đạt được hạnh phúc.
– Nói thế dễ lắm, cô bé nhún vai nhận xét.
– Có thể thế, nhưng đó là sự thật.
– Thế chú, chú có hạnh phúc không?
Bất ngờ vì câu hỏi, Ethan lúc đầu đinh thoái thác không trả lời nhưng rồi quyết định nói thẳng:
– Không hẳn, anh nhìn thẳng vào mắt cô bé và thừa nhận.
– Chú thấy không, chính chú cũng không áp dụng được những lời rao giảng của mình! cô bé khinh bỉ nói toẹt vào mặt anh. Ấy vậy mà chú có tất cả đấy chứ, đấy là cháu hình dung ra thế: tiền bạc, danh vọng, phụ nữ…
– Chuyện phức tạp hơn nhiều, cháu cũng biết thế mà.
– Thế chú thiếu cái gì?
Anh chợt nhận ra cô bé đang giữ thế chủ động trong cuộc trò chuyện giữa hai người.
– Điều cốt yếu, anh trả lời, chân thành đến ngạc nhiên.
– Điều cốt yếu là gì?
– Thế theo cháu là gì?
Cô bé bỏ mặc câu hỏi dở dang đó, cho rằng nó không cần có câu trả lời được nói thành lời. Lần đầu tiên cô thả lỏng người và chịu cầm một mẩu bánh quy lên, nhúng vào cốc cà phê.
o O o
– UUUUUUUUUUUUUUUU! Con làm thổ dân da đỏ.
– Robbie, con thật không chịu nổi! Con hiểu không? Không chịu nổi!
Ngồi sau tay lái chiếc xe nhỏ, Meredith thấy chán nản hết sức. Sao sáng nay cô lại thấy trầm uất thế không biết? Sao cuộc đời với cô lại là sự thất bại hiển nhiên đến vậy? Một chỗi những thỏa hiệp dẫn đến thất bại lớn…
– UUUUUUUUUUUU!
Công việc của cô ư? Căng thẳng và chẳng có chút sáng tạo nào.
Sao mình không có can đảm để làm việc khác nhỉ?
Chồng cô ư? Khi còn con gái, cô không bao giờ dám tấn công những anh chàng thực sự khiến cô thích thú mà đành lòng chấp nhận một gã chán ngắt, người chắc đã trâng tráo lừa dối cô.
Sao mình không có can đảm bỏ anh ta nhỉ?
Các con cô thì sao? Cô yêu chúng, nhưng chúng hút hết sức lực của cô mất rồi.
Mình còn than thở gì nữa, ai bảo sinh chúng ra làm gì!
Không, chắc là cô điên rồi! Làm sao có thể nghĩ như vậy được chứ? Chắc ngoài cô ra chẳng bà mẹ nào lại nghĩ như thế. Ít nhất cũng chẳng có bài báo nào viết về điều đó trong các tạp chí. Tuần nào người ta cũng nói về dụng cụ kích dục, cực khoái, trao đổi bạn tình, nhưng cô chưa từng đọc được bài báo nào có tiêu đề “Tôi có hai con quỷ ở nhà”.
Nhưng rõ ràng là chúng khó tính khó nết. Đứa bé cứ khóc nhằng nhẵng suốt, đứa lớn thì không sao chịu nổi. Phải thay tã cho đứa này, mặc đồ cho đứa kia, kể chuyện, hát ru, dẫn chúng đến nhà trẻ, đến nhà người trong trẻ, đến trường, đi chơi bóng, đi dự sinh nhật, đến nhà ông bà, đến bác sĩ nhi…
Nhất là cô chẳng còn thời gian cho bản thân nữa. Chẳng còn thời gian mà phát triển, mà thăng tiến đôi chút trong cuộc sống bị chi phối bởi công việc, tiêu dùng quá mức và những việc nhà phải hoàn thành với nụ cười trên môi. Từ khi nào cô không đọc hết được một cuốn tiểu thuyết? Cô đã mua những cuốn mới nhất của Philip Roth và KHaled Hosseini, nhưng chẳng có lúc nào mà mở chúng ra nữa. Ngoài rạp đang chiếu phim mới của đạo diễn người Canada Croneneberg, nhưng cô không thể đi xem được.
– UUUUUU! Con làm thổ dân da đỏ.
Mình chẳng còn sức mà bảo nó im đi.
Meredith lục trong ngăn chứa đồ tìm cái đĩa nhạc cổ điển: Magdalena Kozena hát nhạc của Haendel. Loại nhạc vừa hay vừa làm dịu lòng. Cô định cho đĩa nhạc vào máy thì Robbie cắt ngang, hua hua trước mắt cô cái đĩa CD bộ phim mà nó thích nhất.
– Con thích Cướp biển Caribê cơ.
– Không được, Meredith dứt khoát. ta nghe nhạc của mẹ.
Như mỗi khi bị trái ý, thằng bé ngay lập tức hét lên:
– Con muốn Cướp biển Caribê cơ! Con muốn Cướp biển Caribê cơ! Con muốn Cướp biển Caribêêêêêê cơ!
o O o
– Trên truyền hình, trông chú ít mệt mỏi hơn, Jessie nhận xét.
Ethan mỉm cười:
– Điều đó chứng tỏ không nên tin vào tất cả những gì ta thấy trên truyền hình.
– Mẹ cháu lúc nào cũng nói thế!
– Thế thì trong chuyện này, mẹ cháu đúng đấy.
Cô bé uống một ngụm cà phê, nhìn chằm chằm Ethan qua miệng cốc.
– Chú có con không?
– Cháu định làm cảnh sát đấy à?
– Cháu nói nghiêm túc đấy, chú có con không?
– Không.
– Tại sao?
– Vì điều đó không diễn ra, vậy thôi. Đời là vậy.
Cô bé nhìn không chớp mắt vào mắt anh rồi quay đầu đi không nói gì.
– Nhưng cháu thì có bố mẹ và chú chắc là lúc này họ đang lo lắng cho…
– Chú có biết bố mẹ cháu đâu! Bố mẹ cháu không tự xoay xở nổi, không biết phải làm gì trong đời.
– Tuy nhiên chú chắc cháu vẫn yêu bố mẹ.
– Chú chẳng hiểu gì hết.
– Khi ta còn nhỏ, ta cứ tưởng bố mẹ chỉ toàn là ưu điểm và ta yêu họ mù quáng. Sau này, ta nghĩ mình ghét bố mẹ vì họ không hoàn hảo như ta tưởng và họ làm ta thất vọng. Nhưng sau đó, ta học được cách chấp nhận những khiếm khuyết của họ vì ta cũng có khiếm khuyết. Và có lẽ đó là khi ta trở thành người lớn.
o O o
– Mẹ ơi, mẹ mua cho con một chiếc iPhone nhé? Robbie hỏi.
– Cái gì cơ?
Meredith đi qua phố Front.
– Mẹ mua iPhone cho con! Mẹ mua iPhone cho con! Mẹ mua iPhone cho con!
– Làm gì có chuyện con mới có sáu tuổi mà đã có điện thoại di động.
– Nhưng bố bảo con có thể có mà.
– Mẹ không cần biết bố con đã nói gì. Không được.
– Mẹ mua cho con…
– Nếu con không im ngay thì sẽ nhận được cái tát đấy, con hiểu không?
– Nếu mẹ đánh con, con sẽ mách cô giáo, mẹ sẽ bị đi tù.
Đừng trả lời nó, đừng mắc mưu thằng bé.
Meredith mở cửa kính xe mong hưởng chút không khí thoáng mát. Cô cố hít thở bằng bụng để bình tĩnh lại. Mới có mười giờ sáng mà cô đã thấy kiệt sức. Cô cần được nghỉ ngơi cả hai ngày cuối tuần để lấy lại sức và đôi chút thanh thản. Trong giây lát, cô hình dung ra mình ở trong một phòng mát xa tiện nghi ấm cúng, nằm sấp trong khi đôi tay khỏe mạnh gỡ dần từng mối giận dữ đang vặn vẹo cơ vai và cổ cô. Một chiếc kẹo caramel vị sâm banh dịu dàng tan ra trong miệng, xa xa có tiếng nhạc nhẹ nhàng…
– UUUUUUUUU! Con làm thổ dân da đỏ.
Meredith giật mình và quay lại với thực tế.
o O o
– Còn cháu, cháu thấy thiếu điều gì trong cuộc sống?
– Cũng như chú thôi, điều cốt yếu, Jessie trả lời.
Ethan đánh giá cao câu trả lời thông minh, dù nó làm anh không được biết cụ thể hơn.
– Chú có giúp gì được cháu không?
Anh không quên là cô bé có mang vũ khí trong người. Khẩu súng cô đã dùng để tự sát, kết liễu cuộc đời vừa mới bắt đầu của mình. Nhưng lần này Ethan sẽ không để số phận ậm ọe lên tiếng.
Jessie nhún vai, hất mớ tóc trên khuôn mặt và quay mắt đi.
Ethan nhận thấy trong suốt cuộc trò chuyện của hai người, cô bé không hề mỉm cười. Sự khổ sở và nỗi đau đớn của cô trông thật rõ ràng. Anh những muốn thu nhận nỗi đau của cô để biến nó thành của mình, hút hết nó ra khỏi người cô bé. Nhưng để làm được thế thì phải tìm ra nguyên nhân nỗi buồn ấy, mà ở tuổi này thì tinh thần con người rất khó nắm bắt. Anh biết là ở tuổi thiếu niên, hiếm khi một sự kiện thực sự gây choáng váng lại là nguyên nhân của hành động. Thường chỉ cần một hạt cát nhỏ – mếch lòng, sợ hãi vô cớ, sự chia tay chẳng đáng kể gì – cũng đủ làm cỗ máy rít lại và khiến nó chếch hướng muốn tự sát.
Jessie vẫn nhìn qua cửa kính, mắt chăm chăm nhìn một người vô gia cư đang thiu thiu ngủ trong góc khuất của tòa nhà. Ông còn ở đó được bao lâu nữa trước khi bị cảnh sát đuổi đi? Năm phút, mười phút? Nhiều nhất cũng chỉ mười lăm phút.
– Đồng hồ của chú giá bao nhiêu? cô bé bỗng hỏi.
Ethan vô thức kéo tay áo vest để che cái đồng hồ.
– Chú không biết, anh lúng túng trả lời. Rất nhiều tiền.
– 5000 đôla?
– Khoảng thế, anh nhượng bộ.
Thực ra, đồng hồ của anh giá 18 000 đô la. Anh trông thấy quảng cáo mẫu đó trong cuốn catalog giấy láng của một hãng hàng không và đã mua ngay khi xuống máy bay. Kỷ niệm chẳng lấy gì làm vẻ vang về một thời khi anh cho rằng xa xỉ thực sự là có thể thỏa mãn ngay tức thì bất cứ ý thích ngông cuồng nào, cho dù giá phải trả là bao nhiêu đi nữa.
– Nếu không mua đồng hồ, chú có thể trả một năm tiền nhà cho người đàn ông này đấy.
Khó chịu vì nhận xét của cô bé, lần này chính anh nhún vai.
– Không đơn giản thế đâu. Khi ở tuổi cháu, người ta tin rằng đời được chia ra hai phía, một bên là những người nghèo khó tốt bụng và bên kia là những kẻ giàu sang độc ác. Hãy lỡn hơn chút nữa, đến trường học môn kinh tế đi. Còn cháu thì sao, cháu làm gì để giúp những người đang chịu đau khổ?
– Chẳng làm được gì nhiều, cô thừa nhận, mắt nhìn sâu vào cốc cà phê.
Ngay lập tức anh thấy hối hận vì đã nổi nóng, nhưng điều đó cho anh một ý tưởng.
Anh cởi đồng hồ ra và đặt lên bàn. Đó là kiểu đồng hồ du lịch, cổ điển và lịch sự, mặt bằng bạch kim, dây bằng da cá sấu Mỹ.
– Nếu cháu muốn, nó là của cháu đấy. Cháu có thể trả không phải là một, mà là ba năm tiền thuê nhà đấy.
Cô bé chau mày:
– Chú cho cháu ư?
– Chú đổi cho cháu.
Cô bé hơi lùi lại.
– Đổi lấy gì?
– Khẩu súng cháu để trong túi.
Cô bé ngỡ ngàng nhìn anh.
– Sao chú biết là…
Cô hoảng sợ đứng phắt dậy.
– Đợi đã! anh kêu lên. Cháu có thể tin tưởng chú mà.
– Không! Chú đã lừa dối cháu suốt.
– Chú không hề lừa dối cháu, anh thề.
– CHÁU BIẾT chú đã lừa cháu ít nhất là một lần!
Cô bé vớ lấy cái ba lô hồng và rời khỏi bàn.
Nhưng chỉ một giây sau, anh đã đứng cạnh cô bé, giằng cái ba lô ra khỏi tay cô.
– Chú làm thế vì cháu. Để cháu khỏi làm điều dại dột!
Thật lạ là cô bé không cố lấy lại túi mà chỉ tìm cách chạy trốn.
Khi ra đến cửa quán cà phê, Jessie lùa tay vào túi áo bu dông và lôi ra khẩu súng.
– Chú tìm cái này phải không? cô bé cười nhạo hỏi anh. Rồi biến mất.
Khỉ thật.
Khẩu súng không ở trong ba lô, mà ở trong túi áo.
Ethan chạy vội ra ngoài quán cà phê và lao theo cô bé. Cô cách đó không xa, chỉ vài mét, trên vỉa hè. Jessie quay đầu lại, chạy nhanh lên và cố bỏ xa anh.
– CẨN THẬN! Ethan hét lên khi cô bé chạy sang đường.
o O o
– Mẹ xem này, con làm thổ dân da đỏ: UUUUU!
Meredith vớ lấy một phong bánh bọc sô cô la trên kệ xe.
Bỏ ngay thứ vớ vẩn đó xuống.
Cô vẫn chưa giảm cân từ khi mang bầu đến giờ. Cũng chẳng có gì lạ, lúc nào cô cũng ăn, tìm trong đồ ăn sự nguôi ngoai dù biết đó chỉ là tạm thời.
– Mẹ ơi!
Cô mệt mỏi quay lại và quát thằng bé:
– Mẹ hiểu rồi, Robbie: con làm thổ dân da đỏ, con làm thổ dân da đỏ!
– Cô gái, mẹ ơi! Cô ấy sang đường! CẨN THẬN!…
Chú thích
1. Tiếng Anh trong nguyên bản, nghĩa là Cô gái đến từ New York.
2. Giáo sư tâm lý học người Pháp.
3. Diễn viên nổi tiếng của Mỹ, nổi tiếng với vai Rhett Buttler trong phim Cuốn theo chiều gió.
4. Benjamin Franklin (1706-1790), ông là một trong sáu nhân vật hàng đầu đã xây dựng nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ông là chính trị gia, nhà khoa học, tác giả, triết gia, nhà phát minh, nhà ngoại giao… nổi tiếng của Mỹ. Chân dung của ông xuất hiện trên các tem thư, tiền đồng và tiền giấy của Mỹ.