Ngôi mộ của người chết là trong tim những người còn sống
TACITE 1
Trong đầu Jessie
Giữa cái chết…
… và sự sống
– CẨN THẬN!
Đầu tiên là cái xe ấy.
Khi tôi thấy nó lúc sang đường, tôi biết là đã quá muộn. Nó đâm thẳng vào người tôi. Chỉ là cái xe con, nhưng cú va chạm khủng khiếp đến mức tôi có cảm giác một đầu tàu hỏa và hai mươi toa xe hất tôi lên lộn vòng trên dòng xe cộ. Tôi cảm thấy người rơi xuống cái gì đó cứng và sắc. Khi mở mắt ra, tôi lại đang ở trên không trung, nhưng lần này thì khác. Tôi bay lượn trên đường phố, nhìn thấy thân thể mình nằm bất động trên mặt đường, xe cộ dừng lại và mọi người bao quanh mình.
– Bắt đầu xoa bóp cơ tim, Rico, Pêt, cởi quần áo cô bé ra. Động chân động tay đi, các cậu!
Tôi thấy nhóm cấp cứu đang cố làm tôi tỉnh. Tôi bay lượn như con bướm quanh bác sĩ đang chăm sóc mình.
– Glasgow độ 3, không thấy mạch đùi. Khỉ thật, chúng ta không cứu được cô ấy, các cậu ơi, chúng ta không cứu được cô ấy rồi!
Đó là một cô gái lai. Cô ấy tên là Saddy. Bố cô ấy người Jamaica, còn mẹ là người Canada. Thật là vì đây là lần đầu tiên tôi gặp cô ấy, nhưng tôi lại có cảm giác như quen biết cô đến tận chân tơ kẽ tóc. Tôi biết hết mọi chuyện về cô ấy: thời thơ ấu, những khát vọng, những mối tình, những bí mật của cô ấy.
– Chuẩn bị máy sốc điện, cho sốc điện ngay, Rico, phết gel đi. Không phải thế, giời ạ. Đầu đất à!
Lúc này, tôi biết là cô sợ đưa ra những quyết định sai lầm, sợ tỏ ra ngốc nghếch trước mặt những người y tá. Vì vậy, cô giấu nỗi sợ bằng cái giọng tỏ ra cứng rắn đàn ông.
– Tôi chẳng nhìn thấy gì hết. Cậu cố tình đấy à? Nào, đưa cho tôi mấy cái bàn sốc điện! Vị trí thẳng, 200 jun! Chú ý, sốc!
Tôi cũng thấy cả bố nữa: Ethan Whitaker. Bố đứng ngay sau những người cấp cứu, bố run rẩy cùng họ và thầm cầu nguyện để tôi đừng chết. Chính lúc này, tôi có thể làm rạn cái vỏ bọc của bố và thấy trong tim bố những điều ông không cho ai thấy những nỗi sợ hãi, lo âu và sự kiếm tìm tình yêu mà bố không biết cách diễn tả.
Tôi bay quanh bố như thiên thần. Giá mà bố nhìn thấy tôi như tôi đang nhìn bố. Giá mà bố cũng tìm thấy ánh sáng như tôi.
– Mở đường truyền vào tĩnh mạch đi, ta đặt ống rồi cậu truyền cho cô ấy một miligram andré và hai ống Cordarone. Rico, nhanh tay lên, đừng có đứng đó ngẩn tò te nữa!
Cô bác sĩ xoa bóp cơ tim cho tôi, tôi thấy dễ chịu quá. Dễ chịu đến nỗi tôi muốn cứ kéo dài thế này mãi, đừng bao giờ dừng lại. Suốt đời cứ thế, hai bàn tay bao quanh tim tôi.
– Được, ta lại cho sốc điện nữa nhé, 200 jun! Các cậu lui ra!
Tôi bay lên, thánh thiện và mỏng tang, nhẹ như lông hồng và êm dịu như sợi bông. Tôi thấy ấm nóng, nhưng rất dễ chịu, như trong bồn tắm vừa đủ nóng vậy. Từ chỗ này, tôi nhìn thấy tất. Từ chỗ này, tôi biết tất cả: rằng cuộc đời có ý nghĩa mà ta không hiểu nổi, rằng ta chẳng hiểu gì hết, rằng ta chẳng làm chủ được gì hết.
– Ổn rồi, Rico cười toét miệng nói. Tim lại đập rồi!
– Thì sao, cậu muốn được thưởng huy chương chắc? Saddy mắng mỏ cậu.
Họ nghĩ rằng tôi đã “quay lại”, nhưng họ nhầm rồi. Ngược lại, tôi đang ra đi. Chưa đến một giây sau, tôi đã ở cách đó hàng kilômét, giữa phố 42 và Đại lộ Công viên. Nhà ga lớn Trung tâm, nhà ga của Manhattan.
Bố Jimmy xuống tàu và đang ngơ ngác định hướng trên sân ga. Lâu rồi bố không đến Manhattan và thấy lạ lẫm quá. Tôi biết là đêm qua bố không ngủ, tôi biết là bố dậy sớm, đi xe buýt đến New Heaven rồi lên tàu đến New York. Tôi biết bố đi tìm tôi và bố thấy có lỗi.
Tôi bay lượn như chim, rập rờn bên trần sảnh chính có trang trí bầu trời rực sáng hàng nghìn ngôi sao. Tôi đậu xuống cái đồng hồ bốn mặt lấp lánh giữa tòa nhà.
– Bố ơi! Bố ơi!
Tôi kêu lên, nhưng bố không nghe thấy.
Tôi muốn nói với bố rằng tôi hối hận, rằng tôi yêu bố và…
Nhưng bỗng dưng mọi thứ mờ đi. Có luồng gió hút tôi và mang tôi đi nơi khác.
o O o
Manhattan
Bệnh viện St. Jude
21h 50
Mắt mũi trũng xuống, gương mặt vẫn còn in dấu ca mổ cô đã tham gia, Claire Giuliani, bác sĩ nội trú trẻ chuyên ngành phẫu thuật bối rối nhìn hai người đàn ông đứng trước mặt cô. Mặt họ sưng vù, có vẻ như vừa bị ăn đòn, cô hẳng hiểu ai là cha cô bé nữa. Cô hoài nghi nhìn hết người này đến người kia trong lúc nói cho họ biết điều khủng khiếp:
– Cô bé được đưa đến trong tình trạng rất nghiêm trọng. Chấn thương sọ não do tai nạn gây ra làm cô bé bị hôn mê sâu và chưa khi nào tỉnh lại. Chúng tôi đã cho chụp cắt lớp, vì chúng tôi sợ não bị tổn thương, sau đó đưa cô bé vào phòng mổ để ngăn chảy máu…
Cô bác sĩ dừng lại một lát như chờ lấy lại sức. Lần này Mitsuki đẩy cho cô nhiệm vụ khó khăn. Dù đã phải thông báo nhiều lần dạng tin xấu này nhưng chẳng bao giờ cô quên được. Ngược lại, cô cảm thấy ngày càng khó khăn hơn.
– Sau đó, tình trạng cô bé ổn định lại, nhưng chúng tôi phát hiện ra một tổn thương sâu phía trên đốt sống đầu tiên trong sọ…
Claire bỏ mũ phẫu thuật, để lộ ra những lọn tóc mướt mồ hôi. Cô chán phải đấu tranh với định mệnh, chán cái công việc nơi người ta phải cận kề với cái chết hàng ngày. Cô không muốn nghĩ đến cái chết nữa. Tối nay, cô cảm thấy có đủ can đảm để rũ bỏ tất cả và lên máy bay. Trong giây lát, cô nghĩ đến Braxin, đến bãi biển Ipanema, đến thân hình cởi trần rám nắng của những anh chàng người Rio de Janeiro chơi bóng chuyền trên bãi biển, đến điệu nhảy bossa-nova của nhạc sĩ Caetano Veloso, nghĩ đến món cocktail pina colada uống trong những quả dứa.
– Sau khi chụp cắt lớp lần hai, chúng tôi nhận ra một đường gãy xương và một bọc máu giữa xương và màng cứng não. Đó là hiện tượng tràn máu giữa xương và…
– Chúng tôi biết thế nào là bọc máu, Ethan cắt lời cô.
– Nó rất sâu và nằm ở chỗ rất bất lợi, một vết thương ở xoang tĩnh mạch càng làm mọi chuyện phức tạp hơn.
– Jessie chết rồi phải không? Jimmy hỏi.
Claire không trả lời thẳng. Cô buộc phải nói hết bài diễn văn để tránh xúc động.
– Bác sĩ Mitsuki đã mổ cấp cứu cho cô bé nhằm loại bỏ bọc máu. Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể, nhưng… cô bé không sống được. Tôi rất tiếc.
Jimmy thốt lên tiếng kêu đau đớn mà anh cố nén trong tiếng nức nở khàn khàn.
– TẤT CẢ TẠI CẬU! Anh vừa hét vừa tống cho Ethan một cú trời giáng khiến Ethan ngã vào một trong những cái xe đẩy bằng kim loại trên có chất đống các khay đồ ăn tối.
o O o
Trong đầu Jessie
Giữa sự sống…
… và cái chết
Tôi trôi, nhẹ như không khí, phía trên những đám mây. Từ trên này, tôi không nhìn thấy đất đai, cây cối, mọi người nữa. Tôi trôi, nhưng tôi không điều khiển được mình. Một lực nào đó hút tôi đi, như thể có hòn nam châm trên trời kéo tôi lên không trung, không sao cưỡng lại được. Nhưng tôi càng lên cao thì những đám mây càng tối sẫm, dày đặc và đe dọa. Chẳng mấy chốc, tôi có cảm giác lạc giữa đám khói đen của một đám cháy làm tôi nghẹt thở và nó thiêu đốt tôi. Đúng là có một đường hầm chật, nhưng không phải đường hầm tràn đầy ánh sáng như người ta vẫn hứa hẹn với chúng ta trong sách vở. Đường hầm này giống như một lối đi ngầm, nhầy nhụa, dinh dính, có mùi nhựa đường cháy. Trong lối đi đó có cái cửa sổ nhô ra chắc người ta quên chưa khép, cửa sổ mở ra tương lai tôi. Tôi cúi xuống để quan sát và điều nhìn thấy khiến tôi hoảng sợ. Tôi thấy mình đang nằm trên giường, chân tay bất động, mặt mũi biến dạng. Tôi cố cựa quậy đầu, nhưng không làm nổi. Tôi thử nhỏm dậy, nhưng bị một bộ giáp sắt vô hình giữ chặt, tôi mở miệng gọi mẹ, nhưng vẫn câm lặng. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi hiểu là mình có thể sống, nhưng tôi chẳng đời nào muốn tiếp tục nỗi thống khổ như thế này. Vậy là tôi mặc cho mình trôi đi và tôi hiểu là mình sẽ chết. Đường hầm dẫn đến một xoáy nước mênh mông hình êlip, lốc xoáy khổng lồ kéo dài hàng trăm kilômét, nơi cuồng phong thả sức thét gào. Tôi dấn sâu vào cái vùng hỗn độn ấy và chìm trong cơn lốc xoáy cao hơn cả ngọn núi cao nhất.
Lúc này tôi thấy sợ thật sự. Chẳng thấy chút dấu vết tình yêu hay lòng nhân từ ở bất cứ đâu. Trong lúc rơi, tôi thoáng gặp vài người: Tommy, con trai gia đình láng giềng nhà tôi, bị xe tải cán lúc bốn tuổi khi nó đang đi xe đạp, bà ngoại Frida, chết vì ung thư phổi, thầy Roger, một trong những thầy giáo cũ của tôi, người đã lao vào đoàn tàu sau khi vợ thầy bỏ đi. Tommy đi qua tôi với cái xe ba bánh đỏ và thoáng ra hiệu cho tôi trước khi biến mất. Bà Frida, người lúc nào cũng ghét tôi, phả khói thuốc vào mặt tôi, còn thầy Roger, ăn vận như công nhân đường sắt, cưỡi đầu tàu hỏa chạy hơi nước trông giống như đồ chơi trẻ con.
Tôi càng rơi xuống dưới thì xung quanh càng tối sẫm và tôi càng cảm thấy khó thở. Một đám mây rắn chắc, màu xanh xám ngoạn lấy tôi, bao bọc quanh tôi làm tôi thấy ngạt thở. Tôi biết là cuối đường rơi, một cái lỗ sẽ nuốt lấy tôi và thế là hết. Tôi sợ đến mức khóc nức nở và kêu gào như đứa trẻ sơ sinh. Tôi kêu, tôi kêu mãi, nhưng chẳng thấy ai trả lời.
Rồi bỗng dưng, tôi thấy ông ở bên rìa một đám sương mù: bố Ethan của tôi, như tôi thấy ông lúc ban sáng. Vẫn cái áo chui đầu màu đen, áo vest da, vẫn vẻ người hùng mệt mỏi. Tôi không biết bố làm gì ở đó, nhưng bố có vẻ không ngạc nhiên khi thấy tôi. Có điều tôi hiểu là ông đang đứng đúng ở giới hạn của điểm đoạn hồi.
– Jessie, Jessie!
Tôi đi qua bố rất nhanh:
– Bố ơi, con sợ! Con sợ!
Tôi chìa tay ra cho bố, nhưng ông không nắm lấy nó.
– Bố ơi, đi với con! Con sợ!
– Bố… bố không thể, Jessie ạ.
– Tại sao?
– Nếu bố đi với con thì thế là hết.
– Con xin bố, bố đi cùng con đi!
Giờ thì bố cũng khóc.
– Jessie ạ, nếu bố quay lại, con có thể còn có cơ hội.
Nhưng tôi không hiểu điều đó nghĩa là gì. Cơ hội gì cơ?
– Con sợ quá, bố ơi!
Tôi cảm thấy bố lưỡng lự và nhận ra sự hoảng loạn của tôi.
– Nếu người ta để cho bố quay lại thì bố còn có cơ hội cứu con. Nếu không, cả hai bố con mình cùng chết.
Tôi chẳng hiểu gì hết. Dù sao hai bố con cũng chẳng còn thời gian mà trò chuyện nữa. Tôi lao vào đám sương mù dày đặc, nó thiêu đốt, làm tôi chết điếng. Lúc này, tôi thấy sợ và đau đến mức tôi gần như hối hận vì lúc nãy đã không chọn việc quay lại, khi người ta cho tôi được lựa chọn. Dù là sống mà không động đậy chân tay cũng được. Dù là trong tình trạng thực vật cũng được.
– Bố hứa là con sẽ sống, Jessie ạ! Bố hét về hướng tôi.
Dù là những lời cuối của tôi và tôi không hiểu sao bố lại nói với tôi điều đó.
Bởi vì tôi thì tôi biết chắc,
rằng mọi thứ đã biến mất.
o O o
Manhattan
Bệnh viện St. Jude
21h 55
Jimmy đẩy cửa phòng.
Jessie nằm đó, mắt nhắm, trong bóng tranh tối tranh sáng của gian phòng màu lạnh giá. Dưới tấm khăn trải giường hồng nhạt chỉ nổi lên khuôn mặt như bằng đá cẩm thạch với đôi môi tím ngắt và đường viền khuôn ngực trắng toát. Cạnh giường là đống ống truyền nhằng nhịt giờ đã vô dụng, cái máy điện tâm đồ câm lặng, máy hô hấp nhân tạo không hít thở nữa. Trên sàn lát gạch men, những vết máu chưa được lau, cái áo blu và găng mổ bị ném trong tâm trạng giận dữ xuống sàn, dấu vết của trận chiến với tử thần, trận chiến thất bại.
Jimmy mang một cái ghế lại gần giường con gái. Anh ngồi bên đầu giường con bé, cố nén nỗi đau đớn. Rồi anh gối đầu lên bụng con gái và lặng lẽ khóc.
Tối nay, sợi dây liên kết đã đứt. Số phận vừa thắng một ván trong trận đấu với Nghiệp chướng.
o O o
Manhattan
Bệnh viện St. Jude
22h 05
Ethan đẩy cánh cửa kim loại mở ra sân thượng bệnh viện, nơi máy bay trực thăng hạ cánh trong các đợt chuyển bệnh nhân cấp cứu và chuyển nội tạng đến để ghép. Sân thượng lộng gió nhìn xuống East River. Bác sĩ Shino Mitsuki đứng cạnh một ống thông khí, mắt nhìn mải miết xa hút, xa ra ngoài ánh đèn thành phố.
– Sao, không có can đảm thú nhận là mình thất bại ư? Ethan vừa hỏi vừa đi về phía bác sĩ.
Bác sĩ vẫn thản nhiên. Ethan thách thức anh:
– Những việc này không tốt cho nghiệp chướng của anh đâu. Lương tâm đè nặng vì cái chết của một cô bé, điều đó chắc làm anh phải quay ngược lại mấy kiếp ấy nhỉ?
– Tôi đã làm hết sức mình, bác sĩ trả lời.
– Ai chả nói thế.
Ethan rút ra một điếu thuốc và tìm bật lửa. Anh lộn các túi ra, nhưng chúng đều trống rỗng cả. Chắc là anh đánh mất trong trận ẩu đả ở bãi xe.
Anh nhìn Mitsuki có ý hỏi, những người bác sĩ gốc Á lắc đầu.
– Tôi không hút thuốc.
– Đương nhiên rồi, anh là vị thánh mà. Hay đúng hơn là sư.
Bác sĩ vẫn giữ cái nhìn bí hiểm. Vì vậy Ethan tiếp tục khiếu khích anh:
– Không hút thuốc, không uống rượu, không ăn đồ có cholestérol, không ăn nằm…
Lòng nặng trĩu vì đau đớn và cảm giác tội lỗi vì không cứu được Jessie, Ethan muốn trút nỗi giận lên ai khác. Anh nói tiếp:
– Không mạo hiểm, không buồn bã, không hứng chí, không say mê, không sống! Chỉ có sự tồn tại hẹp hòi, thứ triết lý thiền ngớ ngẩn và những câu răn dạy trong fortune cookies 2.
– Vẫn cơn giận ấy… Mitsuki tỏ ra tiếc cho Ethan.
– Tôi sẽ cho anh biết một điều, ông Phật ạ: ngược với những gì anh tưởng, giận dữ là cuộc sống.
– Nhưng dù sao tôi vẫn mong có ngày anh tìm thấy bình yên.
– Nhưng tôi không muốn cái thứ bình yên của anh, anh bạn ạ. Lúc nào tôi cũng sẽ tranh đấu, vì khi ngừng tranh đấu nghĩa là ta đã chết.
Trong giây lát, trông hai người như đang thầm lượng sức nhau, rồi Ethan quay đầu đi và buồn bã nhìn bầu trời. Chẳng thấy trăng cũng chẳng thấy sao, nhưng có thể đoán được là chúng ở đó, ngay sau những đám mây. Anh tự hỏi giờ này Jessie ở đâu. Liệu có tồn tại thế giới bên kia, có chăng một thực tế không đo đếm được, đầy bí ẩn nấp sau bức tường giá lạnh của cái chết?
Vớ vẩn, chẳng có gì hết. Chỉ có đêm tối, giá lạnh và hư vô.
Như thể đọc được suy nghĩ trong đầu anh, Shino Mitsuki nhận xét:
– Ai tự phụ đến mức dám khẳng định mình biết thực sự điều gì diễn ra sau cái chết?
Ethan chấp nhận ngay lý lẽ đó:
– Thế theo anh, sẽ… sẽ là cái gì?
– Ngay cả người làm khoa học luôn vin vào những giải thích hợp lý cũng không thể nghĩ rằng thực tế dừng lại ở những gì ta có thể hiểu được.
– Ờ, xét cho cùng thì anh chẳng biết gì hết.
– Tôi chỉ biết là khi không có chứng cớ hay khi không chắc chắn thì ta được tự do lựa chọn cái gì ta muốn tin. Và giữa ánh sáng và hư vô, tôi đã có sự lựa chọn cho riêng mình.
Gió thổi mạnh hơn. Một cơn lốc bỗng dưng cuốn xoáy bụi và buộc hai người phải giơ tay che mặt. Ethan dụi điếu thuốc mà anh thậm chí còn chưa châm và rời sân thượng, bỏ lại vị bác sĩ đang mải suy nghĩ.
Trong thang máy đưa anh xuống tầng trệt, anh chạm trán với Claire Giuliani, bác sĩ nội trú đã thông báo với anh cái chết của Jessie. Trong thang máy, hai người không nói với nhau lấy một lời. Chỉ một ánh mắt cũng nói lên nhiều điều hơn bất cứ ngôn từ nào. Cô hiểu nỗi buồn của anh, còn anh hiểu sự chán ngán của cô.
Khi cửa mở, Claire nhìn theo anh đến tận lối ra. Trong giây lát, cô lưỡng lự muốn đi theo và gọi anh. Dù lúc này trông anh không ổn cho lắm, nhưng trong mắt anh vẫn có cái gì đó không định nghĩa được, điều gì đó khiến ta nghĩ rằng sự yếu đuối có khi lại là sức mạnh của ta. Cuối cùng, cô không dám làm thân với anh. Đời cô là vậy: lúc nào cũng bám lấy những gã chẳng ra gì và bỏ qua những người tử tế.
Mấy cánh cửa tự động mở cho Ethan đi ra khi có chiếc xe cứu thương dừng trước lối vào. Tối đã muộn và những nạn nhân đầu tiên của lễ Halloween bắt đầu đổ về bệnh viện. Cửa xe mở cho hai cái cáng xuống: trên một chiếc cáng là người mặc đồ công chúa thời xưa đeo mặt nạ hồi sức, còn trên cáng kia là người hóa trang thành Freddy Krueger 3, bụng đầy máu.
Ethan nhìn những nhân viên cấp cứu đi qua anh. Thọc tay vào túi, anh tìm thấy cái bật lửa, nhưng lần này thì bao thuốc lá của anh lại rỗng không.
– Có những ngày như thế, phải không? có tiếng nói sau lưng anh.
Anh quay lại và…
Chú thích
1. Tacite: (55 – khoảng năm 120 sau Công Nguyên).
2. Bánh quy dùng trong các nhà hàng Tàu ở Bắc Mỹ, trong túi bánh có nhét một mẩu giấy ghi lời tiên đoán hay châm ngôn (chú thích của tác giả).
3. Nhân vật giả tưởng do Robert Englund đóng trong phim A Nightmare on Elm Street của Wes Craven, năm 1984.