Ngày xưa có một người thợ rèn Di-gan. Ông có ba đứa con trai. Hai đứa con đầu cao lớn và khôi ngô, nhưng đứa thứ ba không được lực lưỡng lắm. Một bên thân của cậu như bị tê liệt. Chân phải của cậu khập khễnh, cánh tay phải co rút và nửa gương mặt bên phải méo mó như mắc chứng co cơ. Khi thấy Yépache từ phía trái, cậu dường như không sao cả, nhưng nhìn từ phía phải, người ta thấy ngay là cậu bị tàn tật. Vì vậy người ta gọi cậu là ”Nửa Người”. Nhưng ở nhà thì người ta chỉ gọi là Yépache. Cậu bé Yépache khổ tâm vì không giống như người khác. Cậu ít nói, cô độc và không chơi với ai hết, cả với các anh cậu. Vả lại, người ta cũng không yêu cậu lắm và ít để ý tới cậu. Cậu ăn, ngủ và lớn lên như những đứa con trai cùng tuổi khác, nhưng lạ là cậu không bao giờ đau ốm. Khi các anh cậu bị ban sởi, cậu vẫn ngủ chung giường mà không sao cả.
– Nó không bao giờ mắc bệnh – mẹ cậu nói.
Dầu tàn tật nhưng cậu khỏe như vâm. Ba anh em gần như sinh một năm. Khi người anh cả hai mươi tuổi, người ta nghe tin vua của dân Di-gan định gả chồng cho cô con gái Biechka mà ai cũng khen là đẹp. Vua muốn gả cô cho chàng trai trẻ Di-gan nào chứng tỏ mình mạnh hơn hết. Chàng trai đó có thể nghèo như ăn mày, nhưng phải thật mạnh. Người ta nói là đức vua sẽ thử thách từng người cầu hôn; người thắng cuộc sẽ cưới được cô Biechka xinh đẹp.
– Cha ơi, con tin rằng đây là cơ hội tốt cho con – người anh cả nói. Con trẻ và khỏe. Con sẽ đi cầu hôn con gái vua.
– Tôi không thấy tại sao anh lại đi được – người em nói. Tôi trẻ hơn anh một tuổi và anh biết rằng tôi mạnh hơn anh.
– Nói láo!
– Thật mà!
– Dừng cãi cọ – người cha nói. Chúng bây chỉ đang chứng tỏ đứa nào to mồm nhất. Hãy chứng minh mình khỏe nhất thì hơn. Hãy vào xưởng và thử nhấc cái đe lên. Đứa nào nhấc nó lên nổi và đặt được lên vai mới là người thật khỏe và có thể đi cầu hôn công chúa…
Hai anh con trai chạy vào xưởng.. Yépache đã nghe hết, cũng lếch thếch đi theo. Cậu muốn biết anh nào khỏe hơn.
Người anh cả nắm cái đe bằng hai tay, nhấc-lên được một chút nhưng đặt nó xuống ngay. Cái đe nặng quá.
Người em bật cười.
– Thấy chưa, anh nhấc lên còn không nổi nữa mà!
Anh tới gần cái đe, nhấc nó lên nhưng khi muốn đặt nó lên vai, anh không giữ nổi và phải buông nó xuống.
– Cha, con cũng được thử chớ?
Hai anh cậu cười rộ.
– Mày muốn nhấc cái đe hả? người anh cả hỏi giọng chế nhạo – Và mày chỉ có một tay.
– Mày tường tượng gì vậy? anh thứ hai quát mắng. Một đứa tàn tật như mày lại định làm hơn người khác hả?
– Để cho nó thử- người cha hòa giải. Ai cũng có quyền thử sức. Nhấc đi, Yépache.
Thế là đứa em út tới cái đe, nắm nó bằng bàn tay hữu dụng – bàn tay trái – và nhấc nó lên khỏi mặt đất như một chiếc lông. Rồi, rất bình tĩnh, không có vẻ gì mệt nhọc, cậu đặt cái đe lên vai.
Hai người anh nín thinh, kinh ngạc. Người cha cũng hết sức bất ngờ. Ông gật đầu và nói:
– Con mạnh thật. Ta không bao giờ ngờ nổi. Ta không biết người ta có thể tìm được người Di-gan thứ hai mạnh như con không.
Thế là Yépache hỏi:
– Cha có tin rằng con nên đi cầu hôn công chúa Blechka không?
– Chỉ còn thiếu chuyện đó thôi! hai người anh nói to, có vẻ khinh dễ. Dầu mày vượt qua được thử thách do đức vua đặt ra, công chúa cũng không ưng mày đâu.
– Chúng bây không biết gì cả – người cha thương hại đứa con út. Ba con phải hòa thuận và cùng đi thử thời vận. Nếu một đứa thành công, hai đứa kia không được ghen tị mà phải chia sẻ niềm vui với nhau cho hợp đạo lý trong gia đình.
Ba anh em lên đường tới triều đình vua Di-gan. Chiều đó, họ gặp một căn chòi gỗ trên núi. Một ông già chăn cừu ở đó. Họ lễ phép chào ông và xin ngủ nhờ.
– Được chớ – người chăn cừu nói. Cứ ngủ ở đây bao lâu cũng được. Nhưng ba cậu đi đâu vậy?
– Chúng tôi đi gặp vua Di-gan để xin cưới công chúa Biechka – người anh cả trả lời.
Như vậy, các cậu chắc khỏe lắm – người chăn cừu cười.
– Nhưng các cậu không phải là người đầu tiên xin cưới công chúa Biechka. Tôi đã thấy nhiều người đi qua đây, nhưng không người nào thành công. Vả lại, chuyện đó cũng không làm tôi ngạc nhiên, vì không có người nào đủ sức thắng được con cừu đực của tôi.
– Con cừu đực nào? người anh thứ hai hỏi.
Trong đàn cừu của tôi có một con cừu đực, nó đúng là ghê gớm. Nó to như một con bê, sừng nó đen bóng, cuộn tròn, và nó khỏe như một con bò đực. Nhiều người đã thử sức với nó và chưa ai vật ngửa nó ra được. Nếu một trong các cậu làm được việc đó, tôi không tin rằng vua Di-gan có thể đặt ra một thử thách khó khăn hơn.
– Tôi muốn thử lắm – người anh cả nói.
Và người em vội vàng nói thêm:
– Tôi cũng vậy.
– Vậy thì tới đây.
Người chăn cừu dẫn ba anh em vào chuồng cừu, gọi con cừu đen ra và mời họ thử sức với con cừu.
Người anh cả đấu sức với con cừu trước. Một cuộc đấu sức ngắn ngủi. Con cừu đảo đôi mắt dữ lợn, phóng tới, máng địch thủ lên sừng và hất tung lên không. Anh thanh niên rơi xuống đất và nằm yên như chết.
Người em nổi giận, xông tới con cừu, nắm sừng, toan vật nó ngã ra. Con cừu vùng ra, lui lại, rồi xông tới tấn công đột ngột và người em cũng bị hất tung lên không. Anh rơi xuống và cũng nằm yên. Yépache tới coi và lo ngại, hỏi ông già chăn cừu:
– Thưa ông, họ có chết không?
Người chăn cừu lắc đầu:
– Không, họ chỉ ngất thôi, rồi họ sẽ tỉnh lại. Còn cậu? Như tôi thấy, cậu có vẻ không muốn đối đầu với con cừu của tôi, phải không? Cậu là ngươi lạ lùng, tôi chưa từng thấy ai như vậy. Mặt cậu làm sao vậy? Còn tay phải và chân phải của cậu nữa? Có phải cậu bị ngựa đá không?
– Không, tôi sinh ra như vậy. .Nhưng cái đó không ngăn tôi giải quyết với con cừu của ông.
Vừa nói xong, cậu đã phóng tới, nắm sừng con cừu và quật nó mạnh đến nỗi chân của nó cắm sâu xuống đất. Nhưng cậu lại kéo nó lên, tung lên không và con cừu rơi xuống, lưng chạm đất, bốn chân chỏng lên trời.
Ông già chăn cừu sửng sốt:
– Tôi chưa bao giờ thấy như vầy. Nhất định cậu là người mạnh nhất thế gian. Tôi thề là cậu sẽ lấy được công chúa.
Yépache thở dài:
– Biết nàng có ưng tôi không?
Và không chú ý tới con cừu, cậu dùng tay trái ôm hai người anh bất tỉnh, đem họ vào căn nhà gỗ.
Hai anh cậu tỉnh lại, nhưng sáng hôm sau họ cảm thấy còn quá yếu, không thể lên đường.
– Em sẽ đi một mình – Yépache quyết định. Khi trở về, em sẽ ghé qua đây đem hai anh theo.
Khi tới triều đình vua Di-gan, anh báo là mình tới cầu hôn công chúa. Vua nhìn Yépache và bật cười:
– Hả, một kẻ tàn tật khốn khổ như ngươi? Ngươi không biết rằng ta chỉ gả con gái cho người Di-gan mạnh nhất sao?
– Tôi không thiếu sức mạnh – Yépache trả lời. Đúng là tôi chỉ có một tay và một chân lành lặn, nhưng tôi khỏe hơn nhiều người khác.
– Được, để xem – vua nói.
Ông dẫn Yépachê tới một cánh đồng có một cối xay gió.
– Cối xay gió này không quay từ năm chục năm nay. Cánh cối xay quay không được vì rỉ sét. Nếu ngươi chỉ dùng một tay làm cho cánh chuyển động và cối quay được, ta sẽ gả con cho.
Và ông cười vì ông chắc rằng anh thanh niên tàn tật không đủ sức làm cối xay quay được. Yépache chỉ gật đầu, tiến tới cái cối xay, nắm một cánh và đẩy nhẹ. Người ta nghe tiếng kẽo kẹt. Anh đẩy một cánh khác và cốí xay bắt đầu quay. Một vòng, hai vòng, rồi cốí xay bắt đầu quay lại như chưa bao giờ ngừng.
Nhà vua sửng sốt và nhất là rất sợ. Ông không hề có ý định gả con gái cho một người tàn tật. Nhưng lời nói ra rồi không lấy lại được, dầu ta là vua. Ông cho gọi công chúa Biechka tới. Khi nàng tới, tình cờ nàng nhìn thấy Yépache từ phía trái.
– Đây là người đã làm cối xay quay được – vua nói. Anh ta muốn cười con. Và vì ta đã hứa, con phải lấy anh ta làm chồng.
Biechka nhìn cái cối xay đang quay một cách vui vẻ, nhìn lại Yépache và mỉm cười. Nhưng Yépache quay mặt lại và nàng nhìn thấy nửa mặt kia. Nàng giật mình, kêu thét lên:
– Sao? Tôi bị buộc phải lấy kẻ tàn tật ghê tởm này hả? Nàng khóc nức nở và bỏ chạy.
Vua Di-gan bối rối nói:
– Anh thấy chưa, nó không thích anh chút nào và thẳng thắn mà nói thì tôi không ngạc nhiên đâu. Anh muốn lấy nó thật chớ? Một phụ nữ mà người ta gả cho một người chồng không vừa lòng nàng thì không phải là một người vợ tốt. Và Biechka của ta không phải là một thiên thần.
Yépache cau mày. Làm sao đây? Từ bỏ một công chúa mà anh đã chinh phục được một cách xứng đáng như vậy chỉ vì bộ mặt của anh không làm nàng vừa lòng ư? Đành rằng một người vợ khinh thị anh thì cuộc đời không phải là thiên đường, nhưng anh thấy Biechka xinh quá… Anh khó lòng tìm được đám nào khá hơn, và sống không có một người vợ thì đâu phải là sống…
– Tôi muốn lấy cô, dầu cô có thích tôi hay không. Vua đã hứa và tôi đã được cô.
– Tốt, ta giữ lời hứa – vua nói. Nhưng nếu nó làm anh khổ thì anh đừng tới than phiền với ta đó, ta đã cảnh cáo rồi.
– Tôi sẽ chú ý – Yépache lẩm bẩm.
Ngày cưới đã tới. Người Di-gan từ khắp nơi đổ tới tham dự cuộc vui Lễ lạt kéo dài cả tuần và dĩa thức ăn cũng như ly rượu của khách mời lúc nào cũng được châm đầy. Khi lễ cưới kết thúc, đức vua ra lệnh đóng ngựa vào xe. Ông từ giã con gái, cho cô một túi vàng đầy làm của hồi luôn và chúc đôi vợ chồng trẻ nhiều hạnh phúc.
Biechka khóc sướt mướt, ngồi bó gối trong một góc xe, giấu mặt trong chiếc khăn choàng và im lặng. Trong suốt tiệc cưới, cô không nói với chồng một lời. Yépache buồn lắm, nhưng vì cô dâu không nói gì, anh cũng làm thinh. Anh nhảy lên chỗ ngồi đánh xe, cầm cương và tặc lưỡi, và ngựa bắt đầu chạy nước kiệu. Họ đi qua căn nhà gỗ của ông già chăn cừu, nơi Yépache để hai người anh ở lại. Khi thấy đứa em út ngồi trên xe với một cô gái đẹp, họ tức mình lắm. Họ ghen tị. Họ thích Biechka. Về phía cô dâu, nàng nghĩ thầm: Khó tin được họ là ba anh em. Hai anh trai khôi ngô và người thứ ba tàn tật. Và người ta bắt mình lấy người đó làm chồng.
Yépache không phải người ngu nên anh đoán biết anh mình và vợ mình nghĩ gì, nhưng không để lộ ra. Anh mời hai anh ngồi trong xe và bảo Biechka lên ngồi bên anh ở chỗ người đánh xe. Nàng yên lặng vâng lời và xe chuyển bánh. Trên đường đi, hai người anh to nhỏ với nhau. Họ hỏi ý nhau làm cách nào loại bỏ Yépache và chiếm đoạt vợ anh. Người anh cả đề nghị:
– Khi tới một cái giếng, ta sẽ bảo nó dừng lại. Ta sẽ nói rằng ta khát nước. Ta sẽ bảo nó đi múc nước, ta sẽ đi theo và xô nó xuống giếng. Nó sẽ chết đuối và Biechka sẽ thuộc về tao.
– Tại sao lại về anh? người em phản đối. Tôi mạnh gấp hai anh và dầu sao tôi cũng có cảm giác là nàng nhìn tôi.
– Mày có những ý nghĩ buồn cười quá – người anh nổi giận. Nàng đã mỉm cười với tao hai lần. Nàng thích tao hơn.
– Không, nàng thích tôi.
Hai người cãi nhau một lúc lâu. Rồi họ thấy một cái giếng.
– Ngừng lại một chút đi, Yépache – người anh cả kêu – và đi lấy nước cho chúng ta uống. Tao khát nước.
Yépache dừng xe và đi tới cái giếng. Trong khi đi, anh quay lại và thấy hai anh mình đi theo. Anh nhỏ nhẹ nói:
– Hai anh ở trên xe đi. Em sẽ đem nước về cho.
– Chúng ta sẽ giúp em kéo nước – hai người anh nói.
Một người tháo dây và người kia thả thùng xuống giếng. Họ bảo Yépache:
– Bây giờ em kéo nước đi, vì em mạnh nhất.
Nhưng Yépache linh cảm hai anh mình có ý định không lành. Anh nói:
– Các anh biết rằng em chỉ có một tay, và kéo nước một tay không phải là dễ… Cả ba chúng ta có thể cùng kéo. Như vậy nhanh hơn.
Hai người anh không thể từ chối. Vì vậy cả ba cùng kéo nước. Trong khi hai anh mình uống nước, Yépache để ý nhìn họ nên họ không thực hiện ý định được. Khi trở lại xe, người em rỉ tai người anh cả.
– Cứ như vầy thì không kết quả gì đâu. Phải đợi tới đêm cho nó ngủ đã.
Họ tới một bìa rừng khi trời bắt đầu tối. Họ quyết định ngủ lại ở một chỗ rừng thưa. Biechka đem thức ăn mang theo cho ba anh em ăn. Ăn xong, Yépache và Biechka nằm gần một cây sồi lớn và hai người anh nằm xa hơn một chút. Một lúc sau Yépache đã ngủ say. Ngay khi thấy anh đã ngủ, hai người anh lặng lẽ ngồi dậy và lẻn tới chiếc xe. Họ cắt dây cương ngựa và trói chặt Yépache vào cây sồi. Biechka thức dậy, nhìn họ hành động nhưng không nói gì. Nhưng họ đã thấy nàng không còn ngủ nữa. Khi Yépache đã bị trói vào thân cây, người anh cả nói với Biechka:
– Tôi thấy cô không ái ngại cho chồng cô chút nào. Có lẽ cô sung sướng khi không phải vướng bận anh ta.
– Đúng vậy – Biechka trả lời.
– Cả hai chúng tôi đều xứng đáng hơn thằng tàn tật – người em nói. Nếu muốn, cô có thể chọn người cô thích nhất trong hai anh em chúng tôi.
Biechka thích đề nghị này. Cô cười khúc khích nhưng không nói gì. Yépache vẫn ngủ. Hai người anh và Biechka lặng lẽ đi ra xa rồi chạy tới chiếc xe. Họ đóng ngựa vào xe, nhưng lúc này giữa hai anh em phát sinh tranh chấp. Ai sẽ ngồi trong xe với Biechka và ai sẽ đánh xe?
– Chính tôi có ý kiến trói Yépache vào gốc cây – người em tuyên bố. Vậy tôi có quyền ngồi sau với Biechka. Còn anh, anh sẽ đánh xe.
– Không, mày phải đánh xe.
– Vậy Biechka phải quyết định – người em đề nghị.
Biechka đề nghị tự nàng sẽ đánh xe.
– Hai anh ngồi sau đi, tôi đánh xe khá lắm – nàng vừa cười vừa nói.
Nàng vừa cương quyết vừa khéo nói nên hai anh em, vì muốn lấy lòng nàng, đã nhượng bộ. Họ ngồi trong xe còn nàng cầm cương.
Khi xe dừng trước lò rèn, ông thợ rèn Di-gan và vợ ra cửa để ngắm chiếc xe sang trọng và cô gái đẹp. Họ sung sướng biết mấy khi thấy các con trai họ ngồi chung xe với công chúa! Họ đoán ngay rằng cô là Biechka, con gái của vua Di-gan, nhưng họ không biết đứa con nào là người được diễm phúc làm chồng nàng.
– Các con đã bỏ Yépache ở đâu? người cha hỏi.
– Nó thất lạc dọc đường, chúng con cũng không biết như thế nào nữa – người anh cả trả lời.
– Và đứa nào trong hai con có diễm phúc chinh phụ được cô gái đẹp này – người mẹ hỏi.
Hai anh em nhìn nhau, không trả lời được, rồi họ quay sang Biechka để hỏi ý kiến của nàng. Nhưng nàng chỉ cười và nói:
– Chính tôi cũng chưa biết tôi sẽ lấy người nào làm chồng. Cả hai đều đẹp và khỏe.
– Được rồi – người thợ rèn nói. Vậy tất cả hãy vào nhà, ta phải ăn mừng.
Trong lúc ở lò rèn người ta ăn mừng hai anh em trở về với công chúa, Yépache vừa thức dậy ở trong rừng. Anh nhìn quanh, không thấy ai cả và định ngồi dậy. Chỉ lúc đó anh mới biết mình bị trói vào thân cây. Anh hiểu ngay vợ anh và hai người anh đã phản anh. Anh tức giận nhảy lên, mạnh đến nỗi cây sồi trốc gốc. Anh cũng không bỏ công bứt dây trói anh vào thân cây. Anh cứ để vậy mà đi, mang cả cây sồi trên lưng.
Tới lò rèn, anh thấy cửa sổ sáng ánh đèn, anh nghe người ta cười nói và ca hát. Anh càng giận.
– Ta sẽ dạy cho các người biết cách vui cười khi vắng mặt ta – anh hét to, tức giận.
Anh vận sức và những sợi dây trói rơi lả tả. Anh nắm cây sồi và đập nó xuống đất dữ dội đến nỗi nó đứng sừng sững trước nhà như thể đã mọc ở đó từ lâu.
Nghe tiếng ầm ĩ, người trong nhà chạy ra. Biechka nhân ra Yépache đầu tiên. Cô thét một tiếng khủng khiếp, rồi cô thấy cây sồi vẫn còn vướng những sợi dây đứt. Cô còn sợ hơn nhưng cũng rất cảm phục. Bây giờ cô mới lường được hết sức dũng mãnh của Yépache. Nhổ cả gốc một cây to như vậy và mang nó về tận lò rèn, thật là một hành động phi thường? Người phụ nữ nào có thể cầm lòng trước một người đàn ông dũng mãnh như vậy? Thế là Biechka chạy tới ôm cổ Yépache và hôn anh.
– Đây là chồng tôi! cô nói lớn.
Nhưng Yépache xua cô như xua một con ruồi và quay qua nhìn cha anh.
– Hãy cho con biết tại sao cả nhà vui mừng mà không có con? Cha không biết Biechka là vợ con sao?
– Ta đâu biết – người thợ rèn trả lời. Hai anh con nói rằng con thất lạc dọc đường.
– Vợ con không nói là họ đã ám hại con khi con đang ngủ sao? Yépache lại hỏi.
– Không, chúng ta không biết gì cả.
– Thế thì con không muốn nhìn thấy cô ta nữa – Yépache phẫn nộ. Anh quay lưng và quả quyết bỏ đi.
– Đợi em với, Yépache – Biechka rên rỉ. Cô chạy theo, kêu khóc:
– Em là vợ anh, anh hãy trở lại và tha thứ cho em!
Nhưng Yépache không bỏ công quay đầu nhìn lại. Anh rảo bước và khuất dạng sau khúc quanh. Biechka ngồi bẹt xuống đất và khóc. Cả nhà xúm lại khuyên lơn cô. Riêng hai người anh thì rất hài lòng. Họ nhẹ mình khi thấy Yépache không trả thù và bảo cô em dâu đừng đau khổ nữa. Người nào trong hai anh em được cô chọn cũng sẽ không đòi hỏi gì hơn là được làm chồng cô. Nhưng bỗng Biechka đứng dậy, lau nước mắt và nói:
– Tôi không ưng người nào cả, tôi chỉ muốn Yépache của tôi. Anh ấy xứng đáng hơn cả hai anh gộp lại một ngàn lần. Hai anh đã lừa anh ấy, còn anh ấy thì dầu đủ sức nhổ cả gốc một cây sồi cũng không thèm đụng tới một sợi tóc của các anh. Anh ấy đi đâu tôi cũng đi theo và sẽ xin anh ấy tha thứ cho tới khi nào anh ấy chịu tha thứ cho tôi.
Nàng vào nhà, xếp tất cả đồ đạc vào một túi nhỏ, từ giã cha mẹ chồng và lên đường. Nàng đã đi rất lâu… rất lâu và nàng bỗng thấy một nhân vật rất kỳ dị ở trên đường. Thoạt tiên, nàng tưởng người đó đi thụt lùi. Nhưng khi nàng đi qua bên cạnh ông ta, nàng phát hoảng. Nàng thấy người đó có hai mặt, một phía trước và một phía sau. Ông ta cũng có bốn tay và bốn chân. Thực tế, ông ta là ”người đôi ”. Nàng định chạy trốn cho nhanh, nhưng ông ta đã thấy nàng, và ông ta hỏi:
– Cô em, đi đâu vậy?
– Chẳng đi đâu cả – Biechka cố rảo bước.
Nhưng người đó bắt kịp nàng, nắm tay nàng và nói:
– Ta bằng lòng nhất khi cô em không đi đâu cả. Cô sẽ đi với ta.
Biechka toan kháng cự nhưng ông ta ôm chặt nàng trong bốn cánh tay và bốn chân ông ta đi nhanh đến nỗi một con ngựa có lẽ cũng khó lòng theo kịp.
Ông ta đem Biechka lên một ngọn núi thủy tinh. Cung điện của ông ta ở đó. Ông ta để nàng đứng xuống đất và nói:
– Cô sẽ là vợ của ta. Ta là một pháp sư nhiều quyền uy và ta sẽ cho cô tất cả những gì cô thích.
Nhưng Biechka không muốn gì cả mà chỉ khóc. Thế nên lão pháp sư nổi giận và nói rằng lão sẽ bỏ mặc cô một mình chừng nào cô chưa đổi ý.
– Trong ba ngày nữa, khi ngôi sao đầu tiên chiếu sáng, ta sẽ trở lại để yêu cầu cô trả lời.
Còn lại một mình, Biechka đi quanh đỉnh núi thủy tinh và hiểu rằng nàng không thể nào trốn thoát nếu không có ai giúp đỡ. Núi dốc đứng và vách đá trơn nhẵn. Nàng ngồi trước cửa cung điện thủy tinh và khóc đau đớn:
– Ta bị trừng phạt như vầy vì đã chê người chồng nhân hậu.
Bấy giờ nàng hối hận đã cư xử độc ác với Yépache biết mấy! Nàng không khóc nữa nhưng hết sức buồn rầu. Nàng cất tiếng hát để ít ra cũng nghe tiếng của mình cho bớt lẻ loi. Bài hát do nàng tự đặt ra:
Thuở xưa, Biechka sống vui
Ở nhà cha mình là vua Di-gan.
Nhưng một hôm, cha gả nàng
Cho một người anh hùng dũng mãnh.
Công chúa Biechka buồn lắm
Vì người đó xấu quá
Còn các anh chàng rất khôi ngô.
Họ đã làm hại em trai để chiếm vợ.
Cho tới ngày Biechka thấy chồng mình
Nhổ gốc một cây sồi to
Nàng quên nửa mặt chồng rất xấu
Và từ đó hết lòng yêu chồng.
Yépache phẫn uất bỏ đi,
Biechka theo chàng để xin tha thứ.
Nhưng nàng đã gặp rủi ro:
Một pháp sư có hai mặt, bốn tay.
Pháp sư bốn tay và bốn chân
Đã mang Biechka lên núi thủy tinh
Cô gái đáng thương bị giam cầm
Nàng đau buồn vì mất Yépache.
Hát xong Biechka bỗng nghe một giọng nói run run trên đầu:
– Bài hát của cô hay lắm! Hát một lần nữa đi. Tôi muốn học thuộc lòng.
Biechka hốt hoảng nhìn lên và thấy một con chim lông đen đậu trên một đầu cột trước lâu đài. Đó là một con chim ác là; nó nói được tiếng người vì pháp sư đã dạy nó để có người nói chuyện.
-Mày là ai? Biechka nói. Mày làm tao sợ quá.
– Đừng sợ – con ác là nói giọng ồ ề. Tôi thuộc về pháp sư nhưng tôi không thích ông ta và tôi thương hại cô. Nếu cô muốn, tôi sẽ giúp cô.
– Mày làm sao giúp tao được – nàng thở dài.
– Dạy cho tôi thuộc bài hát của cô đi và tôi sẽ bay đi tìm chồng cô. Đừng sợ gì cả, tôi sẽ tìm ra anh và tôi sẽ nói lại những lời đẹp đẽ mà cô đã dùng để ca tụng sự dũng mãnh và vinh quang của anh. Tôi chắc anh sẽ tha thứ cho cô và sẽ tới giải cứu cô.
Biechka dạy con chim thuộc bài hát của mình. Con chim rất chuyên cần và nó thuộc nhanh bài hát. Thế rồi nó giương cánh bay đi. Nó bay chỗ này, chỗ nọ và cuối cùng tìm được Yépache. Anh đang nằm ngủ dưới một gốc cây. Con ác là đậu trên một nhánh cây ngay trên đầu anh và kêu dữ dội. Nhưng Yépache không tỉnh giấc. Thế là con chim đậu ngay trên ngực anh và mổ lên mặt anh. Yépache giật mình, đuổi con chim bằng bàn tay lành lặn. Nhưng con ác là tiếp tục bay vờn quanh anh và bắt đầu hát bài ca của Biechka. Dĩ nhiên con chim hát dở hơn Biechka nhiều, nhưng Yépache cũng lắng tai nghe. Anh chăm chú lắng nghe và khi con ác là hát hết bài, anh đứng bật dậy:
– Ai đã dạy mày bài hát này, hả chim?
– Còn ai nữa nếu không phải vợ anh? Nếu anh luận giải cứu cô, tôi sẽ dẫn anh tới núi thủy tinh.
– Tao theo mày – Yépache nói.
Con ác là bay rất thấp để Yépache có thể đi theo và nó đưa anh tới núi thủy tinh. Khi Yépache thấy ngọn núi, anh hiểu rằng giải cứu vợ mình không phải là chuyện dễ. Anh suy nghĩ một lúc rồi anh yêu cầu con ác là bay lên đỉnh núi, nói với Biechka là anh đã tới tìm nàng.
Bảo cô lục lọi trong nhà pháp sư và tìm cho ra một sợi dây, một tấm khăn trải giường hay bất cứ thứ gì để làm một chiếc thang dây. Khi có vật liệu, nàng hãy bện thang ngay. Khi thang khá dài, nàng buộc chặt một đầu ở phía trên rồi ném xuống cho tôi.
Khi con ác là báo cho biết nàng phải làm gì, nàng vui mừng hớn hở. Nàng thu nhặt tất cả khăn trải giường và rèm trong lâu đài của pháp sư, không chừa lại một miếng giẻ nhỏ, cắt tất cả thành những dải dài và bắt đầu bện một chiếc thang dây. Nàng bện suốt ngày, suốt đêm, nhưng chiếc thang vẫn chưa đủ dài.
Sáng ngày thứ ba, ngày mà pháp sư sẽ tới, không còn dây vải cho nàng bện nữa. Nhưng khi nàng tung cái thang xuống chân núi, nó vẫn thiếu một đoạn. Nàng lục lọi khắp lâu đài một lần nữa nhưng không còn một khúc vải nào. Thế nên Yépache bảo con ác là nói với nàng cắt tóc để bện cho xong chiếc thang.
Biechka làm theo lời anh. Nàng cắt sát đầu hai bím tóc dài và bắt đầu hoàn tất chiếc thang. Trời đã xế chiều khi nàng làm xong. Khi nàng ném chiếc thang xuống sườn núi, nó đã đủ dài tới chỗ Yépache. Anh bám thang, leo lên. Chiếc thang đu đưa và nhiều lần Yépache phải dừng lại để thở. Khi anh lên tới đỉnh núi thủy tinh thì trời vừa tối. Đúng lúc anh ôm chặt vợ vào lòng, ngôi sao đầu tiên cũng vừa chiếu sáng… Lúc đó lão pháp sư không biết từ đâu ra, đứng sững trước mặt Yépache và Biechka.
– Ngươi định bắt cóc vị hôn thê của ta hả? lão nói bằng giọng đe dọa.
– Nàng là vợ ta – Yépache trả lời. Chúng ta đã kết hôn trước một vị tu sĩ và ngươi không có quyền giam cầm nàng.
Lão pháp sư phá lên cười man dại.
– Ta bất chấp tu sĩ của ngươi. Người đàn bà thuộc về người nào chiến đấu để chiếm được nàng. Ta thách ngươi quyết đấu. Người thắng sẽ chiếm Biechka theo quyền của kẻ mạnh.
– Được.
Yépache buông Biechka ra, lui một bước, và chỉ lúc đó lão pháp sư mới thấy đối thủ có một tay co rút và một chân khập khểnh.
– Ngươi tưởng ta sẽ chiến đấu với một tên đẻ non sao? Lão tức giận hét to. Đi đi, đồ khốn kiếp?
– Thử một chút đi rồi sẽ biết – Yépache vừa nói vừa cười.
Và anh đánh lão pháp sư bằng tay trái. Lão không ngờ bị một đòn dữ dội như vậy. Lão sững sờ, lảo đảo và ngã từ đỉnh núi thủy tinh xuống.
Yépache ôm ngang lưng vợ anh, nàng bám chiếc thang và cả hai xuống núi nhanh như ánh chớp. Khi tới mặt đất, Yépache đi coi lão pháp sư ra sao. Lão nằm như một đống giẻ rách, chết cứng cạnh chân núi. Biechka quì trước mặt chồng và xin anh tha thứ.
– Chuyện đã qua rồi – Yépache nói. Tôi đã tha thứ cho em lúc tôi nghe con chim ác là hát bài hát của em. Có đúng là em hối tiếc chuyện đã làm. Em có muốn ở bên tôi và trung thành với tôi không? Nếu em không muốn, cứ nói thẳng và tôi sẽ đưa em về với cha em.
– Em yêu anh và em muốn ở với anh nếu anh không xua đuổi.
– Được, chúng ta đi thôi.
Yépache nắm tay vợ. Nhưng bỗng họ nghe tiếng nói run run trên đầu. Họ nhìn lên và thấy con ác là.
– Hãy cho tôi theo với. Tôi không có người thân thiết và tôi yêu mến anh chị.
Vì vậy con chim ác là đi theo họ. Nó rất biết ơn họ: mỗi khi có người yêu cầu, nó lại hát bài ca của Biechka. Nhờ vậy mà bài hát này được cha truyền con nối trong cộng đồng người Di-gan và chuyện của Yépache không bị lãng quên.