Một ngày hè, gấu và sói đi dạo chơi trong rừng. Gấu nghe có tiếng chim hót véo von, liền hỏi bạn:
– Sói này, chim gì mà hót hay thế hở mày?
Sói đáp:
– Vua loài chim đấy. Bọn mình có gặp thì phải cúi chào đấy nhé.
Nhưng đó chỉ là chim hoàng anh.
Gấu nói:
– Nếu quả như vậy thì tao muốn xem cung điện của hắn ra sao. Mày dẫn tao đi nhé.
Sói đáp:
– Đâu có dễ thế! Mày phải đợi vua và hoàng hậu đi đã chứ!
Gấu và sói để ý chỗ gốc cây có tổ chim rồi đi.
Nhưng gấu đứng ngồi không yên, muốn xem cung điện cho kỳ được, nên một lát sau lại lộn lại. Đúng lúc vua và hoàng hậu vừa bay đi khỏi, gấu ngó vào thấy năm sáu con chim nhỏ nằm trong.
Gấu kêu lên:
– Cung điện nhà vua gì mà thế này? Nhà ở tồi tàn quá! Hạng chúng bay thì con vua cháu chúa quái gì! Chúng bay chẳng qua là bọn con nhà đê tiện.
Mấy chú hoàng anh nghe thấy thế giận lắm quát
– Đừng có nói láo! Bố mẹ chúng tao dòng dõi quí phái cả. Thằng gấu kia, chuyện này nhất định phải làm cho ra nhẽ mới được.
Gấu và sói sợ quá quay về chui vào hang.
Các chú hoàng anh vẫn kêu la rầm rĩ. Khi bố mẹ chúng tha mồi về, chúng mách:
– Chúng con không động đến một cái chân ruồi nhỏ đâu. Chúng con can tâm chết đói nếu bố mẹ không làm cho ra nhẽ: chúng con có phải là con vua cháu chúa hay không? Thằng gấu nó đến đây sỉ nhục chúng con.
Vua cha nói:
– Các con cứ yên tâm, cha sẽ làm chuyện này cho ra nhẽ.
Vua cùng hoàng hậu liền bay đến hang gấu gọi:
– Lão gấu già cảu nhảu kia, tại sao mày dám sỉ nhục con ta? Thật là vô phúc cho mày, ta sẽ đấu với mày một trận sống mái cho rõ trắng đen.
Thế là hoàng anh khai chiến với gấu. Gấu cầu cứu tất cả các loài thú. Bò này, lừa này, hươu này, nai này… tất cả các loài vật bốn chân trên mặt đất. Hoàng anh thì đi gọi các loài bay trên trời: không phải chỉ có chim chóc lớn nhỏ mà thôi đâu, mà còn có cả loài ruồi, loài nhặng, loài ong nữa.
Sắp đến ngày đánh nhau, hoàng anh phái trinh sát đi dò xem ai là tướng chỉ huy quân địch. Nhặng là trinh sát tinh khôn nhất bay vào rừng tìm nơi quân địch tập hợp. Quân địch đang bày mưu tính kế ở một gốc cây. Nhặng ẩn mình sau một chiếc lá trên cây nghe thấy gấu gọi cáo bảo:
– Cáo này, mày khôn nhất các giống vật, mày làm tướng chỉ huy đi.
Cáo nói:
– Được, nhưng giờ tao lấy gì làm hiệu nào?
Không con nào nghĩ ra. Cáo liền bảo:
– Tao có một cái đuôi đẹp, vừa dài vừa r, rõ là chùm lông đỏ. Hễ tao giơ đuôi lên nghĩa là mọi việc đều ổn, chúng bay cứ việc tiến; hễ tao hạ đuôi xuống, thì chúng bay lo mà chạy thoát thân cho mau.
Nhặng nghe thấy thế bay về báo cho hoàng anh.
Trời tang tảng sáng, loài vật bốn chân ầm ầm kéo ra trận, mặt đất rung chuyển như có sấm động. Hoàng anh và quân của mình xuất trận trên không trung kêu vo vo, bay rào rào, nghe đến kinh hồn. Hoàng anh phái ong bầu đến bám sát đuôi cáo, ra sức đốt. Cáo bị đốt lần đầu giật bắn mình, giơ một chân lên, nhưng vẫn cố nhịn giơ đuôi lên thẳng. Bị đốt lần thứ hai, cáo đành hạ đuôi xuống một tí. Đến lúc bị đốt lần thứ ba thì cáo chịu không nổi nữa, kêu lên, cụp đuôi vào hai chân. Thấy vậy, các con bốn chân đều cho là mọi việc hỏng bét rồi, vội bỏ chạy về hang. Thế là chim được trận.
Vua và hoàng hậu liền bay về tổ gọi con bảo:
– Các con thích nhé, thôi cứ ăn uống thỏa thê đi, chúng ta thắng trận rồi.
Các chim Hoàng tử đáp:
– Nếu bản thân gấu không chịu đến xin lỗi và nhận chúng con là con nhà dòng dõi thì nhất định chúng con không chịu ăn đâu.
Hoàng anh bay đến hang gấu quát:
– Đồ gấu cảu nhảu, muốn sống thì đến xin lỗi con ta, nhận chúng là con nhà dòng dõi, nếu không thì mày thịt nát xương tan bây giờ.
Gấu sợ quá, lết đến tổ chim xin lỗi. Lúc ấy các chim hoàng anh nhỏ mới chịu thôi và ăn uống vui chơi cho đến khuya.
Câu chuyện thật là hay, phải không các em? Qua câu chuyện ta thấy rằng: sức mạnh không phải là vũ khí duy nhất để chiến thắng đối phương mà trí thông minh mới là sức mạnh to lớn giúp ta chiến thắng mọi kẻ thù.
HỌC RÙNG M̀NH
Xưa có người có hai con trai. Con trai lớn thông minh, khôn ngoan, gặp khó khăn đến đâu cũng biết đường xoay xở. Còn em thì ngu xuẩn, không biết gì, học gì cũng chẳng vào. Ai cũng phải kêu: “Thằng này chỉ ăn hại bố”. Việc gì cũng đến người anh làm cả. Nhưng anh lại có tính nhát. Tối đến, bố sai đi lấy cái gì mà phải qua bãi tha ma hay nơi nào rùng rợn là anh ta từ chối: “Con chịu thôi, bố ạ. Con run lắm, con không đi đâu”.
Buổi tối, người nhà ngồi sưởi thường kể những chuyện sởn vẩy ốc, thỉnh thoảng có người nói: “Rùng cả mình”. Người em ngồi một xó chẳng hiểu gì nghĩ bụng:
– Họ cứ nói mãi: “Rùng cả minh! Rùng cả mình!”. Mình chẳng thấy rùng mình gì cả. Hẳn đó là một thuật mà mình không biết tí gì.
Một hôm, ông bố bảo người em:
– Này, bây giờ mày đã lớn, lại khỏe mạnh, mày phải đi học lấy một nghề mà kiếm ăn. Trông anh mày đấy, nó chịu khó như thế, mà mày thì chả được việc gì.
Anh ta đáp:
– Thưa bố, con định học lấy một nghề. Con không biết rùng mình. Nếu bố bằng lòng thì con xin học nghề ấy.
Người anh nghe thấy em nói thế, cười và nghĩ thầm:
– Trời ơi, thép xấu thì uốn sao thành được lưỡi câu.
Ông bố thở dài, nói:
– Chắc mày sẽ học được rùng mình thôi, nhưng nghề ấy thì kiếm ăn làm sao được.
Sau đó ít lâu, một hôm, người coi nhà thờ đến chơi nhà. Ông bố kể cho khách nghe nỗi khổ tâm của mình vì con út ngu xuẩn, không biết làm gì, học gì cũng không vào. Ông nói:
– Đấy, ông xem, tôi hỏi nó muốn học nghề gì kiếm ăn, thì nó bảo muốn học rùng mình.
Ông khách đáp:
– Nếu chỉ học có thế thôi, thì tôi xin dạy cho nó ngay. Ông cho nó lại đằng tôi, tôi làm cho nó bớt ngu đi cũng chóng thôi.
Ông bố những mong cho con hết ngớ ngẩn, đồng ý ngay.
Thế là chú ngốc đến nhà thờ làm công việc kéo chuông. Vài hôm sau, vào khoảng nửa đêm, thầy đánh thức tớ dậy sai lên gác kéo chuông. Ông nghĩ bụng: “Mày sắp học được rùng mình đến nơi đây”. Ông lẻn lên gác chuông trước. Khi anh ngốc trèo lên đến nơi, quay lại sắp cầm dây chuông, thì thấy một cái bóng trắng trên cầu thang, gần chỗ treo chuông. Anh ta quát lên:
– Ai đó?
Nhưng cái bóng cứ đứng im, không đáp mà cũng không nhúc nhích. Anh ta lại quát:
– Muốn sống nói mau, không thì bước ngay! Đêm khuya, có việc gì mà đến đây?
Nhưng người coi nhà thờ vẫn không động đậy để anh ngốc tưởng là ma.
Anh ngốc lại thét lên:
– Mày đến đây làm gì? Nếu mày là người ngay thì nói lên, nhược bằng không thì tao quẳng xuống chân cầu thang bây giờ.
Người coi nhà thờ nghĩ bụng: “Nó chẳng dám đâu”, nên cứ đứng im. Hỏi đến lần thứ ba cũng không thấy trả lời, anh ngốc lấy đà, du con ma xuống chân cầu thang. Ma lăn qua mười bậc, rồi nằm sóng sượt ở một xó. Anh ngốc kéo chuông xong, lẳng lặng đi xuống nằm ngủ kỹ.
Vợ người coi nhà thờ chờ mãi không thấy chồng về, đâm lo, đi đánh thức anh ngốc dậy hỏi:
– Mày có biết ông nhà ở đâu không? Ông lên gác chuông trước mày đấy mà!
Anh ta đáp:
– Thưa bà không ạ. Nhưng ở gần chỗ gác chuông thấp thoáng có bóng người, con hỏi mãi không nói, đuổi cũng không đi, con cho là ăn trộm, liền đẩy xuống chân cầu thang. Bà thử lên xem có phải ông nhà không. Nếu phải thì con thật ân hận.
Vợ vội lên thì thấy chồng gẫy chân nằm ở xó cầu thang rên rỉ. Bà cõng chồng xuống, rồi đến nhà bố chú ngốc, làm om lên:
– Con ông gây tai vạ, nó đẩy ông nhà tôi xuống chân cầu thanh, làm gẫy mất một chân. Xin ông rước đồ ăn hại ấy ra khỏi nhà tôi đi.
Ông bố choáng người chạy bổ đến, mắng con một trận rồi bảo:
– Sao mày lại nghịch quái ác thế? Quỉ ám mày hay sao?
Con đáp:
– Thưa bố, bố hãy nghe con. Quả thật con oan, giữa đêm mà ông ấy đứng đó như tính chuyện gì đen tối, con không biết là ai. Con đã bảo ông ấy ba lần là hãy lên tiếng nếu không thì đi đi cơ mà.
Ông bố đáp:
– Trời ơi, mày chỉ làm khổ tao. Bước đi cho khuất mắt tao, tao không muốn thấy mặt mày nữa.
Con nói:
– Con xin vâng lời bố. Nhưng bố hãy để sáng trời đã. Con sẽ đi học thuật rùng mình để kiếm ăn.
Bố nói:
– Mày muốn học nghề gì thì mặc xác mày, việc quái gì đến tao. Đây tao cho mày năm mươi đồng tiền mà đi chu du thiên hạ, nhưng chớ có cho ai biết là quê mày ở đâu và tên bố mày là gì, mà nhọ mặt tao.
Con nói:
– Thưa bố, bố muốn sao, con xin làm vậy. Nếu chỉ có thế thì cũng dễ nhớ thôi.
Anh ta bỏ vào túi năm mươi đồng tiền, rồi sáng sớm ra đường cái đi, lẩm bẩm luôn mồm: “Ước gì ta biết được rùng mình, ước gì ta học được rùng mình…”.
Một người đánh xe đi qua nghe thấy, liền hỏi:
– Tên mày là gì?
– Tôi không biết.
Người đánh xe lại hỏi:
– Mày ở đâu đến?
– Tôi không biết.
– Cha mày là ai?
– Tôi không thể nói được.
– Mày cứ luôn mồm lẩm bẩm cái gì thế?
– Ấy, tôi muốn học rùng mình mà chẳng ai dạy cho.
– Thôi đừng nói lẩn thẩn mãi, đi theo tao, tao tìm chỗ cho mà ngủ.
Hai người cùng đi, đến tối thì tới một quán trọ, định ngủ lại đó. Vào hàng, anh ta lại nói bô bô lên:
– Ước gì tôi biết được rùng mình, ước gì tôi học được rùng mình.
Chủ quán nghe nói bật cười bảo:
– Mày thèm khát cái đó thì đến đây vừa đúng lúc đấy.
Vợ chủ quán ngắt lời chồng:
– Chà, mặc người ta. Lắm cu cậu ngổ ngáo đã toi mạng. Nếu đôi mắt xinh đẹp kia mà không còn được nhìn ánh sáng nữa thì thật đáng tiếc.
Anh ta nói:
– Tôi đã cất công ra đi là để cốt học môn ấy, thì dù khó đến đâu tôi cũng chẳng quản.
Anh ta quấy rầy mãi, ông chủ quán phải kể cho nghe rằng ở gần đây có một lâu đài có ma, chỉ ngủ đấy ba đêm liền khắc biết thế nào là rùng mình. Vua đã hứa ai cả gan làm việc ấy, sẽ gả công chúa cho. Trong lâu đài lại có cả vàng bạc châu báu do mà quỉ giữ, ai lấy được tha hồ mà giàu. Đã người vào, nhưng không thấy một ai trở ra.
Sáng hôm sau, anh đến yết kiến vua, tâu: “Nếu bệ hạ cho phép, tôi xin ngủ ba đêm ở lâu đài có ma”. Vua ngắm anh ta hồi lâu, thấy anh ta có duyên, bèn bảo:
– Ta cho phép nhà ngươi mang theo vào lâu đài ba đồ vật chứ không được mang sinh vật.
Anh nói:
– Tôi xin cái gì để đốt lửa sưởi, một bàn thợ tiện và một ghế thợ chạm có dao.
Ban ngày, vua sai người mang những thứ đó đến lâu đài. Chập tối thì anh đến, đốt một đống lửa to trong một gian phòng, đặt dao cạnh ghế thợ chạm, và ngồi bên bàn thợ tiện. Anh nói:
– Ước gì ta biết rùng mình! Nhưng ở đây rồi cũng đến toi công thôi.
Nửa đêm, anh định thổi cho lửa bùng lên, chợt thấy tiếng kêu ở góc buồng: “Meo! Meo! Bọn mình rét đến buốt xương”.
Anh nói:
– Đồ chúng bay ngốc quá! Sao lại kêu như thế? Có rét thì lại đây mà sưởi.
Anh vừa dứt lời thì có hai con mèo to tướng nhảy vọt đến ngồi chồm chỗm hai bên anh, quắc mắt bừng như lửa nhìn anh một cách dữ tợn. Lát sau, chúng sưởi đã ấm người, bảo anh:
– Mày có muốn chơi bài không?
Anh đáp:
– Có chứ. Nhưng các cậu hãy cho tớ xem chân đã. Hai con mèo giơ móng ra.
Anh nói:
– Ôi chao, móng các cậu dài quá. Hẵng gợm, để tớ cắt bớt đi cái đã.
Thế là anh tóm cổ chúng, đặt chúng lên ghế thợ chạm và cho chân chúng vào kẹp, rồi nói:
– Chân các cậu làm tớ mất cả hứng chơi bài với các cậu.
Anh giết chúng, rồi quẳng xác qua cửa sổ xuống nước. Anh vừa giết chúng xong, sắp quay về ngồi bên lửa, thì thấy rất nhiều mèo đen, chó mực đeo xích sắt nung đỏ, từ bốn bề xông đến, mỗi lúc một đông, anh không biết đứng vào chỗ nào nữa. Chúng cất tiếng kêu ghê gớm, chực dập đống lửa cho tắt. Anh để mặc chúng làm ồn một lúc. Nhưng khi anh thấy chúng hăng quá, anh bèn lấy dao ra, xông vào quát lên: “Đồ súc sinh cút ngay!”. Một số con chạy trốn, anh giết những con còn lại, quẳng xác qua cửa sổ. Rồi anh lại về chỗ đống lửa, thổi lên để sưởi. Lát sau, anh buồn ngủ díp mắt lại. Anh nhìn quanh thì thấy ở góc phòng có một cái giường to. Anh nói: “May quá”, rồi lên giường nằm.
Anh vừa nhắm mắt thì thấy giường rung chuyển chạy khắp lâu đài.
Anh nói:
– Được lắm, cứ việc mà tế lên nữa đi.
Giường chạy nhanh như xe tứ mã, nhảy qua ngưỡng cửa cầu thang và xông vào các phòng. Bỗng giường vấp, làm đổ lổng chổng mọi thứ lên người anh. Anh gỡ mình ra, quẳng cả chăn gối, nói: “Bây giờ đứa nào muốn nằm giường thì đi mà nằm!”, rồi lại bên đống lửa ngủ đến sáng.
Sớm hôm sau, vua đến lâu đài, thấy anh nằm dài dưới đất ngỡ là anh đã bị ma giết.
Vua than:
– Anh chàng xinh trai này chết thật uổng quá.
Anh nghe tiếng nhổm dậy, nói:
– Tâu bệ hạ, chưa đến nỗi thế ạ.
Vua ngạc nhiên đến vui mừng, hỏi anh về chuyện xảy ra đêm qua.
Anh đáp:
– Tâu bệ hạ rất bình yên. Thế là được một đêm, còn hai đêm nữa rồi cũng đến thế thôi
Khi anh về quán trọ, chủ quán trố mắt ra nhìn, nói:
– Tôi không ngờ anh còn sống. Thế anh đã học được rùng mình chưa?
Anh đáp:
– Khổ lắm, chỉ mất công toi. Giá ai dạy cho tôi thì hay quá.
Tối đến, anh lại đến tòa lâu đài cổ để ngủ đêm thứ hai. Anh đến ngồi bên lửa rồi lại nói lải nhải: “Ước gì ta biết rùng mình!”.
Nửa đêm, anh thấy tiếng động, trước còn khe khẽ, rồi to dần, sau rõ hẳn.
Im một lát, sau có tiếng thét lớn, một nửa thân người rơi từ ống khói lò sưởi xuống trước mặt anh. Anh kêu lên:
– Còn nửa nữa đâu?
Thế là có tiếng ầm ầm, rồi nửa nữa hiện ra, đồng thời có những tiếng hú và tiếng rên. Anh nói:
– Chờ một tí, rồi tao thổi lửa cho mà sưởi.
Sau khi đã nhóm lửa, anh ngoảnh mặt lại thì thấy hai nửa người ban nãy đã liền lại với nhau thành một người ghê gớm ngồi vào chỗ của anh. Anh nói:
– Không phải là chuyện thách thức nhau đâu, ghế này là ghế của tao chứ.
Người ấy định cứ ngồi lì ở đấy, nhưng anh hẩy mạnh nó ra, chiếm lại chỗ cũ. Rồi có nhiều người khác cứ lần lợt rơi từ ống khói lò sưởi xuống. Chúng mang đến chín xương ống chân và hai đầu lâu để chơi ki với nhau. Anh cũng muốn chơi, liền bảo:
– Này các cậu cho tớ chơi với nhé.
– Được thôi nhưng phải có tiền.
Anh đáp:
– Tiền thì có đủ, nhưng những hòn lăn của các cậu không được tròn lắm.
Rồi anh để mấy cái đầu lâu lên bàn tiện mà tiện lại cho thật tròn. Anh nói:
– Như thế này nó lăn dễ hơn. Bây giờ ta tha hồ mà chơi.
Anh chơi và thua mất ít tiền. Khi đồng hồ đánh mười hai tiếng, tất cả bọn người kia biến mất. Anh nằm lăn ra đất, ngủ yên đến sáng.
Sớm hôm sau, vua lại đến hỏi thăm việc đã xảy ra đêm hôm trước. Anh nói:
– Tâu bệ hạ, tôi đã đánh ki và thua mất ít tiền.
Vua hỏi:
– Nhà ngươi có thấy rùng mình không?
Anh đáp:
– Thưa không ạ. Tôi đánh vui lắm. Tôi chỉ ước gì biết thế nào là rùng mình.
Đêm thứ ba, anh lại ngồi ở ghế dài mà phàn nàn: “Ta muốn biết rùng mình mà chẳng được”.
Đến khuya, sáu người khổng lồ khênh một cỗ quan tài hiện ra.
Anh liền nói:
– Hừ! Chắc đây là em họ mình mới chết được vài hôm nay.
Anh ta đưa ngón tay ra hiệu gọi: “Lại đây, chú em ơi!”.
Sau khi sáu người kia đặt quan tài xuống, anh tới giở tấm ván thiên lên xem thì thấy xác một người. Anh sờ vào mặt người chết thấy lạnh giá. Anh nói: “Để tôi sưởi cho chú một tí”. Anh về chỗ đống lửa, hơ nóng tay, rồi ấp vào mặt người chết. Nhưng người chết vẫn lạnh như đồng. Anh khiêng người chết ra, đem lại gần đống lửa, cho ngồi vào lòng, xát hai cánh tay vào cho máu lại tuần hoàn. Thấy thế cũng không ăn thua, anh nghĩ rằng hai người m chung một giường chắc ấm hơn. Anh bèn đặt xác chết lên giường, lấy chăn phủ lên, rồi nằm kề bên cạnh. Lát sau, người chết đã ấm, bắt đầu cựa quậy. Anh liền nói:
– Thấy chưa, chú nó ơi. Nếu anh không sưởi ấm cho chú thì chú đã đi đứt rồi nhé.
Người chết liền quát lên:
– Tao sắp bóp cổ mày đây.
Anh nói:
– Sao! Mày giả nghĩa tao như thế à? Tao lại bỏ mày vào săng ngay vậy.
Tức thì anh nhấc nó lên ném vào săng, đóng nắp lại. Thế là sáu người ban nãy lại đến khiêng cái săng đi ngay.
Anh nói:
– Nhất định ở đây ta không thể học được rùng mình.
Vừa lúc đó, một lão khổng lồ tóc bạc râu dài có vẻ hung dữ bước vào.
Lão nói:
– Thằng nhãi kia, mày sắp được biết thế nào là rùng mình, vì mày sắp chết!
Anh đáp:
– Đâu lại chóng thế? Còn xem tao có muốn chết không mới được chứ.
Con quái đáp:
– Mày có bằng lòng hay không, tao cũng sắp bắt mày đây.
Anh nói:
– Khoan, khoan, mày đừng có làm bộ. Tao cũng khỏe bằng mày, có khi còn khỏe hơn kia đấy.
Con quái nói:
– Ừ để xem sao – Nếu mày khỏe hơn tao, tẽ để cho mày yên. Nào, ta đấy sức đi.
Nó dẫn anh qua những lối tối tăm đến một lò rèn, lấy một chiếc búa, đập lên đe, đe thụt hẳn xuống đất.
Anh nói:
– Tao đập còn khỏe hơn mày.
Anh đi đến một cái đe khác. Con quái đứng sát ngay bên cạnh đe để biết sức đập mạnh đến đâu. Bộ râu bạc hắn thõng xuống lòng thòng. Anh vớ lấy búa, nện mạnh xuống đe, lôi cả râu bạc của nó vào đó. Anh nói:
– Bây giờ tao tóm được mày rồi, thế là mày sắp phải chết.
Tức thì anh cầm thanh sắt đánh cho nó một chập. Nó rên rỉ van lạy anh tha cho nó, nó sẽ cho nhiều của. Anh nhấc búa lên để nó ra. Nó dẫn anh về lâu đài, đưa anh vào một cái hầm, trỏ cho anh ba tráp đầy vàng, và bảo:
– Một tráp dành cho kẻ nghèo, tráp thứ hai cho vua, tráp thứ ba cho anh.
Bấy giờ, đồng hồ vừa đánh nửa đêm. Lão kia biến mất. Còn anh ở lại trong đêm tối. Anh nghĩ bụng: “Ta phải lần đường ra”. Sờ soạng hồi lâu lại thấy buồng cũ, anh liền nằm ngủ bên đống lửa.
Sớm hôm sau, vua lại đến hỏi anh:
– Chắc ngươi đã rùng mình được rồi chứ?
Anh đáp:
– Như vậy thực là hay, nhưng tôi vẫn chưa biết thế nào là rùng mình.
Người ta lấy ở hầm lên chỗ vàng mà con quái vật biếu anh. Lễ cưới được cử hành. Tuy vui duyên mới, vị phò mã vẫn cứ nói lải nhải: “Ước gì ta biết rùng mình!”.
Công chúa thấy chồng nói dai, đâm ra bực mình. Thị tỳ tâu với công chúa:
– Con sẽ xin giúp một tay làm cho phò mã
Ả ta ra con suối chảy qua vườn thượng uyển lấy một thùng nước đầy cá bống mang về cung. Đêm ấy, phò mã đang ngủ say, công chúa khẽ kéo chăn ra, đổ thùng nước lạnh đầy cá lên người chồng. Cá quẫy khắp lên người, phò mã choàng dậy, reo lên:
– Mình ơi, tôi rùng mình quá thể. Thế là tôi đã biết thế nào là rùng mình rồi.
Câu chuyện ca ngợi lòng dũng cảm và gan dạ của con người. Một con người gan dạ thì dù có ngu dốt thì cũng có thể làm nên được việc lớn. Người không có lòng dũng cảm và gan dạ thì có thông minh đến đâu cũng không làm nên được trò trống gì.