Xưa có một gã con trai học nghề thợ khóa. Một hôm anh thưa cha, muốn ra ngoài thiên hạ để thi thố tài năng. Người cha bảo:
– Được con ạ, cha cũng bằng lòng thôi.
Ông đưa con lên đường và cho con một ít tiền. Anh con trai đi tìm việc làm. Nhưng chỉ ít lâu sau, anh thấy chán nghề và thích đi săn. Đang lang thang, anh gặp một bác thợ săn mặc quần áo màu lục, hỏi anh từ đâu đến và định đi đâu. Anh bảo anh là thợ khóa, giờ không thích nghề ấy nữa, muốn học săn bắn, không biết bác có sẵn lòng nhận anh làm học trò không. Bác thợ săn đáp:
– Ồ, có chứ! Nếu chú thích thì cứ đi với tôi.
Anh đi theo, ở với bác mấy năm liền và được bác truyền nghề cho. Ít lâu sau, anh lại xin đi để tìm dịp thử tài. Bác thợ săn trả công cho anh một khẩu súng hơi. Súng này đặc biệt là bắn gì trúng nấy.
Anh đến chỗ kia có khu rừng rậm, đi cả ngay vẫn chưa hết. Tối đến, để tránh thú dữ, anh leo ngồi trên ngọn cây cao. Khoảng nửa đêm, anh thấy ở xa có ánh lửa le lói. Anh nhìn kỹ qua cành lá, cố nhớ chỗ ấy. Anh lại lấy mũ ném về phía ánh lửa, đánh dấu đường. Xong anh tụt xuống nhặt mũ rồi cứ hướng ấy thẳng đường đi tới.
Càng đi tới, ánh lửa càng rõ. Lúc đến gần, anh thấy một đống lửa rất to, ba gã khổng lồ đương xiên một con bò nướng. Bỗng một gã bảo:
– Tớ phải nếm xem sắp chín chưa.
Gã xé một miếng, sắp đưa vào miệng thì bị anh thợ săn bắn một phát, thịt văng đi mất. Gã nói:
– Ôi chao, thế mà gió cũng thổi bay được miếng thịt mình cầm đấy!
Gã xé miếng khác. Gã ghé răng vừa định cắn, lại bị anh thợ săn bắn luôn phát thứ hai, thịt văng mất nốt. Gã cáu quá, tát gã ngồi bên quát:
– Cậu giằng của tớ à?
Gã kia cãi:
– Tớ có giằng đâu, chắc tay thiện xạ nào bắn văng đi đấy.
Gã khổng lồ xé miếng thịt thứ ba, nhưng gã cầm chưa chắc tay đã lại bị bắn văng luôn nốt.
Mấy gã bảo nhau:
– Người bắn rơi miếng ăn của ta nhất định phải là tay thiện xạ. Thật là cần được một người như thế!
Cả ba gã gọi ầm ĩ:
– Này nhà thiện xạ ra đi nào! Ra đây sưởi ấm ăn no, bọn tớ không làm gì cậu đâu! Nhưng nếu cậu không chịu ra, để bọn tớ phải đi tìm thì lúc ấy xong đời cậu
Anh bèn bước ra, nói anh là tay thợ săn lành nghề, bắn gì trúng nấy.
Chúng bảo nếu anh muốn đi với chúng, chúng sẽ cho đi. Chúng kể cho anh biết, ở trước cửa rừng có một nàng công chúa xinh đẹp, chúng đang muốn cướp nàng ấy. Anh nói:
– Được, việc ấy dễ thôi!
Chúng lại bảo:
– Nhưng còn điều này: Ở đấy có con chó nhỏ, cứ thấy người đến gần là nó sủa. Mà hễ nó sủa là kinh động cả triều đình. Cậu có bắn chết con chó ấy được không?
Anh bảo:
– Được chứ, có khó gì cái trò mọn ấy.
Sau đó anh xuống thuyền qua sông. Lúc thuyền vào gần bờ, con chó chạy ra định sủa. Anh bắn nó chết ngay. Bọn khổng lồ thấy thế mừng lắm, chắc mẩm phen này sẽ cướp được công chúa. Nhưng anh muốn vào xem tình hình ở trong động tĩnh thế nào đã. Anh bảo chúng cứ đứng đợi, chờ anh gọi.
Anh vào trong lâu đài, thấy thật yên tĩnh. Anh mở cửa phòng đầu tiên, thấy trên tường treo thanh kiếm bạc, có đính ngôi sao vàng và khắc tên vua.
Trên bàn cạnh đấy, có lá thư niêm phong gắn xi. Anh xé thư đọc. Thư viết: “Ai lấy được kiếm thì chém ai cũng chết”. Anh lấy kiếm đeo rồi lại đi. Sang đến căn phòng công chúa ngủ, thấy nàng đẹp quá, anh nín thở ngắm mãi, bụng nghĩ: “Người con gái ngây thơ thế, sao ta nỡ để vào tay mấy người khổng lồ hung bạo và nham hiểm?”. Anh nhìn quanh, thấy một đôi hài dưới gầm giường. Hài bên phải đính một ngôi sao có tên vua. Hài bên trái cũng đính một ngôi sao có tên công chúa. Cổ nàng quấn chiếc khăn lụa lớn thêu kim tuyến, vạt bên phải thêu tên vua với một ngôi sao, vạt bên trái thêu tên nàng với một ngôi sao, chữ vàng rực rỡ. Anh lấy kéo cắt vạt khăn bên phải bỏ túi. Anh bỏ túi cả chiếc hài bên phải th tên vua. Trong lúc ấy, người con gái vẫn ngủ say, người như vùi trong áo. Tiện tay anh cắt một mảnh áo đút nốt vào túi kia. Anh làm rất nhẹ nhàng, không động đến người nàng.
Xong anh ra đi, để nàng ngủ yên. Lúc anh đến cổng, bọn khổng lồ đợi ở ngoài tưởng anh đem công chúa ra. Anh gọi chúng vào bảo: người thiếu nữ đó ở tay anh rồi. Anh không mở được cổng, nhưng cổng có lỗ hổng, chúng phải chui mà vào. Đợi gã thứ nhất lại, anh túm tóc kéo đầu nó, chặt một nhát, đoạn kéo cả người nó vào trong nốt. Xong anh gọi đứa thứ hai, chặt đầu nó rồi đến đứa thứ ba và rất mừng là cứu được công chúa khỏi tay kẻ thù. Anh xẻo lưỡi mầy đứa, bỏ túi. Khi ấy anh nghĩ bụng: “Hay ta về cho cha biết những việc ta làm đã, rồi ta lại đi quanh thiên hạ, nhất định sẽ gặp vận”.
Vua ở trong lâu đài thức dậy thấy xác ba đứa không lồ, vội chạy sang phòng công chúa hỏi ai đã giết lũ giặc. Công chúa thưa:
– Tâu vua cha, con ngủ say nên không biết.
Công chúa tỉnh dậy, định mang hài thì chiếc bên phải đã mất. Nàng nhìn khăn thấy mất vạt bên phải, nhìn áo cũng thấy mất một mảnh.
Vua cha hội cả triều thần, binh tướng, hỏi ai đã giết lũ khổng lồ, cứu công chúa. Có tên đại úy chột mắt, xấu trai đứng ra nhận liền.
Vua bèn phán gả công chúa cho gã để thưởng công. Công chúa thưa:
– Tâu vua cha, thà con bỏ nhà ra đi, chứ con không thể lấy tên ấy được!
Vua truyền nếu nàng không vâng lời thì bắt nàng cởi trả hoàng y, mặc quần áo nông thôn rồi đuổi đi. Nàng phải tới một hàng nồi kia để ngồi bán nồi đất.
Công chúa trả hoàng y, đến nhà hàng nồi hỏi mượn trước một số nồi, hẹn chiều bán xong sẽ trả tiền.
Vua lại bắt nàng phải dọn hng ngay ở góc đường. Xong vua thuê mấy chiếc xe, sai đánh chạy qua giữa đám nồi đất cho vỡ hết. Công chúa vừa dọn hàng thì đoàn xe kéo đến, cán vỡ tất.
Nàng khóc nói:
– Trời ơi, giờ biết lấy gì đền nhà hàng!
Vua muốn dùng cách ấy để buộc nàng lấy viên đại úy. Nhưng nàng lại đến hàng nồi, hỏi mượn thêm chuyến hàng nữa. Nhà hàng không chịu, bắt nàng phải nộp lại đủ số tiền lần trước đã. Nàng về kêu khóc với cha, nói nàng muốn đi xa.
Vua phán:
– Ta sẽ cho dựng một cái lán nhỏ trong rừng, ngươi vào đó mà ở. Ngươi sẽ phải nấu ăn cho bất kỳ ai mà không được lấy tiền.
Lán dựng xong, ngoài cửa treo tấm biển đề: “Hôm nay không lấy tiền, mai sẽ lấy”. Công chúa đến đấy ở. Tin truyền đi chỗ nọ có người con gái nấu ăn không lấy tiền, biển treo ngoài cửa đề rõ ràng như thế.
Tin đồn đến tai anh thợ săn. Anh nghĩ bụng: “Đấy là dịp tốt cho mình, mình nghèo xơ xác, một xu không có”. Anh khoác súng, đeo túi đi. Trong túi còn nguyên những thứ đã lấy ở lâu đài làm vật chứng. Vào rừng, anh tìm thấy cái làn có biển đề: “Hôm nay không lấy tiền, mai sẽ lấy”. Anh vẫn đeo thanh kiếm dùng để giết ba gã khổng lồ, bước vào xin ăn. Anh mừng rỡ thấy người con gái đẹp quá, cứ như tranh vẽ. Nàng hỏi anh từ đâu lại và định đi đâu. Anh đáp:
– Tôi ngao du thiên hạ.
Nàng thấy tên cha mình trên đốc kiếm, hỏi anh đã lấy nó ở đâu. Anh hỏi nàng có phải là công chúa không. Nàng đáp:
– Đúng.
Anh
– Chính tôi ngày ấy đã chặt đầu ba đứa khổng lồ bằng thanh kiếm này. Anh lấy xâu lưỡi trong túi ra làm chứng, lại cho nàng xem cả chiếc hài, vạt khăn và mảnh áo.
Nhận ra người cứu mình, công chúa vui mừng khôn xiết.
Sau đấy, hai người về gặp vua. Công chúa dẫn vua về phòng riêng của mình ngày trước, đoạn tâu để vua rõ: Chính anh thợ săn mới là người đã cứu mình và giết lũ khổng lồ. Vua thấy vật chứng rành rành, không ngờ gì nữa mới phán: “Giờ mọi sự đã rõ ràng là điều rất tốt. Ta thuận cho chàng thợ săn làm phò mã”. Công chúa nghe phán mừng vô hạn.
Sau đây người ta cho anh thợ săn ăn mặc giả làm khách lạ. Vua truyền bày tiệc cưới. Khách vào bàn tiệc, tên đại úy ngồi bên trái công chúa, anh thợ săn ngồi bên phải công chúa. Tên đại úy cứ tưởng anh là khách mời đến. Ăn uống xong, vua phán người có điều muốn hỏi để tên đại úy thử đoán xem: “Có kẻ dám nhận đã giết ba đứa khổng lồ, người ta mới hỏi lưỡi mấy đứa ấy đâu, nó ra tìm thấy đầu lâu không có lưỡi, thì thế nào?”
Tên đại úy tâu:
– Tất mấy đứa kia không có lưỡi.
Vua phán:
– Nói sai rồi. Phàm động vật, giống nào lại không có lưỡi.
Vua hỏi tiếp:
– Với kẻ nói sai, nên xử lý thế nào?
Tên đại úy đáp:
– Tâu, phải đuổi ra ngoài cõi.
Vua phán: “Thế là nó tự kết án nó rồi”. Người sai đuổi tên ấy ra ngoài cõi.
Công chúa lấy anh thợ săn. Phò mã cho đón cha mẹ đến để phụng dưỡng. Cả nhà đoàn tụ êm ấm. Sau khi vua mất, phò mã lên nối ngôi.
Câu chuyện kể về anh chàng thợ săn tài giỏi và tấm lòng trung thực của nàng công chúa. Những kẻ gian dối rồi cũng bị lôi ra ánh sáng, người có công, trung thực sẽ được đền bù xứng đáng.