Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Vợ Phi Công

Chương 5

Tác giả: Anita Shreve

“CÔ NÊN ĂN CHÚT GÌ ĐÓ.”

Ngồi bên kia bàn, Robert Hart đang ăn nốt bát thịt hầm đậu.

“Tôi ăn không nổi,” cô đáp. Cô nhìn bát thịt đã hết sạch của anh ta. “Nhưng anh hẳn phải đói lắm.”

Anh đẩy chiếc bát sang một bên.

Trời đã tối, nhưng Kathryn không biết chính xác là mấy giờ. Trên lầu, Mattie và Julia vẫn đang ngủ. Trước mặt Kathryn, ngoài bát thịt hầm còn có một ổ bánh mì tỏi, một đĩa salad và một tách trà ấm. Trước đó, cô đã gắng gượng chấm bánh mì với thịt hầm rồi nếm thử, nhưng cổ họng cô không chịu nuốt xuống. Cô mặc quần áo sạch – quần jean và một chiếc áo len màu xanh dương, tất len, bốt da. Tóc cô vẫn còn ướt. Cô biết mắt mũi miệng của mình đang sưng húp. Cô nghĩ mình hẳn đã khóc trên sàn nhà tắm nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong ngày. Có lẽ là trong cả cuộc đời. Cô cảm thấy sức cùng lực kiệt, trống rỗng, chỉ vì khóc.

“Tôi rất tiếc,” anh ta nói.

“Vì chuyện gì?” cô hỏi. “Vì đã ăn à?”

Anh nhún vai. “Vì tất cả.”

“Công việc của anh thật không thể hình dung nổi,” cô đột ngột nói. “Sao anh làm nghề này?”

Anh có vẻ giật mình trước câu hỏi này.

“Cô có phiền không nếu tôi hút thuốc? Tôi có thể ra ngoài, nếu cô muốn.”

Jack vốn rất ghét những người hút thuốc, anh không thể chịu nổi khi ở chung phòng với họ.

“Ngoài trời đang âm chín độ đấy. Tất nhiên anh có thể hút thuốc trong này.”

Cô nhìn anh xoay lưng, cho tay vào túi áo khoác ở lưng ghế để lấy ra một gói thuốc lá.

Anh ngồi tựa cùi chỏ lên bàn, hai tay đan lại chống cằm. Khói thuốc cuộn tròn trước mặt.

Anh dùng điếu thuốc để ra dấu.

“AA,” anh nói.

Cô gật đầu.

“Tại sao tôi làm nghề này?” anh hỏi, hắng giọng vẻ căng thẳng. “Vì tiền, có lẽ thế.”

“Tôi không tin anh,” cô nói.

“Nói thật à?”

“Thật.”

“Có lẽ là do tôi thích những khoảnh khắc căng thẳng.” Anh nói. “Trong phạm vi của trải nghiệm con người.”

Cô im lặng. Lần đầu tiên nhận ra đang có tiếng nhạc. Art Tatum. Hẳn Robert đã mở đĩa nhạc này trong lúc cô tắm.

“Vậy cũng phải,” cô nói.

“Tôi thích nhìn người khác chữa lành,” anh nói thêm.

“Họ có chữa lành được không?”

“Nếu có đủ thời gian, phụ nữ thường làm được điều đó. Không may là…” Anh dừng lại. “Tôi rất tiếc…”

“Tôi đã quá ngán nghe người khác nói họ rất tiếc rồi. Thật đấy.”

“Trẻ con cũng không chữa lành được,” anh nói chậm rãi. “Người ta nói trẻ em hồi phục rất nhanh, nhưng sự thật không phải thế. Chúng thay đổi… chúng chuyển biến cùng với thảm họa và tìm cách thích nghi. Tôi hiếm khi thấy nam giới đau khổ vì không có nhiều phụ nữ làm phi công. Nếu có nam giới, thì họ là những ông bố, và họ thường phát rồ, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.”

“Tôi cá là họ sẽ phát rồ,” Kathryn nói.

Cô nghĩ đến Jack, là một ông bố, anh sẽ phát điên vì phẫn nộ và đau đớn nếu người trên máy bay là Mattie. Jack và Mattie rất thân thiết. Với Jack, hiếm khi có chuyện cằn nhằn hay nổi đóa, trong khi đó đôi khi lại là điểm đặc trưng trong những cuộc nói chuyện giữa Kathryn và Mattie. Với Jack, những quy định, những tham số, đã khác ngay từ đầu: Chúng không nhiều như thế.

Không lâu sau khi họ dọn đến Ely, lúc Mattie còn đi nhà trẻ, Jack đã “thuê” nó làm trợ lý mỗi lần sửa sang nhà cửa – sơn phết, cạo vôi, sửa cửa sổ. Anh nói chuyện huyên thuyên với nó. Anh dạy nó trượt tuyết, rồi đưa nó đi những chuyến trượt tuyết chỉ có bố-và-con-gái vào mỗi mùa đông, lúc đầu là đi phía Bắc New Hampshire và Maine, sau đó về hướng Tây, đến Colorado. Ở nhà, hai bố con xem đội Red Sox hoặc Celtics thi đấu, hoặc cùng nhau ngồi trước máy tính hàng giờ đồng hồ. Mỗi khi Jack trở về sau một chuyến bay, anh luôn đi tìm Mattie trước tiên, hoặc nó đón anh trước, và cả hai dường như có một mối quan hệ bố-con hiếm thấy: Họ luôn thoải mái khi ở cạnh nhau.

Chỉ có một lần duy nhất Jack nổi trận lôi đình với Mattie. Đến nay Kathryn vẫn còn mường tượng được cơn giận dữ trên mặt Jack khi anh phát hiện Mattie xô đẩy một bạn chơi ở dưới nhà. Mattie và bạn nó được mấy tuổi? Bốn tuổi? Năm tuổi? Jack đã nắm chặt cánh tay Mattie, đét một phát thật mạnh vào mông nó, rồi sau đó gần như là lôi con bé về phòng và đóng sầm cửa với thái độ giận dữ đến nỗi ngay cả Kathryn cũng phải giật bắn mình. Phản ứng của anh quá bộc phát, quá đột ngột, đến nỗi Kathryn nghĩ anh hẳn đã bị phạt như thế lúc còn bé và, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi đã mất tự chủ. Sau đó, cô thử tìm cách nói chuyện với anh về sự cố này, nhưng Jack, mặt vẫn còn đỏ phừng phừng, nhất định không hé răng nửa lời, chỉ nói rằng anh không biết vì sao mình phản ứng như vậy.

“Anh chuyên làm việc này à,” Kathryn nói với Robert.

Anh ta đưa mắt nhìn qua quầy bếp, tìm gạt tàn thuốc. Cô lấy chiếc đĩa trắng dưới tách trà của mình rồi đẩy qua bên kia mặt bàn gỗ thông. Anh gác điếu thuốc lên đĩa rồi bắt đầu dọn dẹp bát đĩa của mình.

“Không hẳn vậy,” anh đáp.

“Để tôi rửa cho. Anh làm nhiều rồi.”

Anh ngập ngừng.

“Làm ơn đi mà,” cô nói. “Tôi có thể rửa bát được.”

Anh ngồi xuống, cầm điếu thuốc lên. Cô đi đến bồn rửa, mở máy rửa bát ra. Sau đó cô mở nước.

“Tôi thích hình dung mình là người kéo một chiếc kén xung quanh gia đình phi công tử nạn,” anh nói, “cách ly họ khỏi thế giới bên ngoài.”

“Thế giới ấy đã xộc thẳng vào đời tư họ một cách thô bạo,” cô nhận xét.

“Thế giới đã xộc thẳng vào đời tư họ một cách thô bạo.”

“Ngăn chặn. Việc anh làm là ngăn chặn.”

“Kể cho tôi nghe về công việc của cô đi. Cô dạy môn gì?”

“Âm nhạc và lịch sử. Tôi phụ trách ban nhạc.”

“Thật chứ?”

“Thật. Chỉ có bảy mươi hai học sinh ở trường phổ thông của tôi.”

“Cô thích nghề giáo không?”

Cô nghĩ ngợi một lát.

“Có. Tôi rất thích. Tôi đã có một, hai học sinh thật sự xuất sắc. Năm ngoái, chúng tôi gửi một nữ sinh đến Nhạc viện New England đấy. Tôi rất thích bọn trẻ.”

“Kết hôn với phi công thì cuộc sống cũng thay đổi nhỉ,” anh nói.

Cô gật đầu. Cô nhớ đến giờ giấc thất thường, các dịp lễ tết không bao giờ ăn mừng vào đúng ngày. Những khi Jack muốn ăn sáng lúc bảy giờ tối, hoặc muốn bữa tối và một ly rượu vào lúc bảy giờ sáng. Cuộc sống của họ không giống như những gia đình khác. Jack có thể đi ba ngày, về nhà hai ngày, và lịch trình đó cứ tiếp diễn trong hai hoặc ba tháng. Rồi đến tháng tiếp theo, anh có thể nghỉ bốn ngày, đi làm sáu ngày, và mẹ con Kathryn lại thích nghi với nhịp điệu đó. Họ không sống theo nề nếp, như những gia đình khác – họ sống theo từng phân đoạn. Những đoạn thời gian khi Jack ở nhà, những đoạn dài hơn khi Jack đi làm. Khi anh đi, ngôi nhà dường như xẹp đi một chút, lặng lẽ tư lự một mình. Và cho dù Kathryn có quan tâm đến Mattie bao nhiêu đi nữa, hoặc dù cho hai mẹ con họ thích ở bên nhau bao nhiêu đi nữa, Kathryn luôn cảm thấy như họ đang trì hoãn – chờ đợi cuộc đời thật bắt đầu trở lại, chờ đợi Jack bước vào qua khung cửa.

Kathryn tự hỏi, trong lúc ngồi đối diện với Robert, liệu cô có cảm thấy thế vào lúc này – trì hoãn cuộc sống, chờ đợi Jack bước vào lần nữa qua khung cửa.

“Anh ấy có đi đi về về mỗi ngày không?” Robert hỏi.

“Từ đây à? Khoảng sáu lần một tuần.”

“Cũng không tệ lắm nhỉ. Mất bao lâu? Năm mươi phút không?”

“Vâng. Anh có để vali chứa sẵn đồ trong phòng làm việc không?” cô hỏi. “Với đầy đủ quần áo và sẵn sàng đem đi bất cứ lúc nào?”

Anh ngập ngừng.

“Một vali nhỏ,” anh đáp.

“Tối nay anh sẽ đến khách sạn phải không?”

“Đúng, nhưng nếu cô muốn, tôi có thể ngủ trên sofa ở đây cũng được.”

“Không, tôi sẽ ổn thôi. Tôi có bà Julia và Mattie rồi. Kể cho tôi nghe chuyện khác đi.”

“Ý cô là sao?”

Cô đặt chiếc đĩa cuối cùng vào máy rửa bát rồi đóng nắp lại. Cô lấy khăn lau tay, rồi vắt khăn lên tay nắm ngăn kéo.

“Về cảm giác khi anh đến được nhà của phi công.”

Anh gãi gáy. Anh không cao, nhưng tạo ấn tượng có chiều cao, ngay cả khi đang ngồi. Cô hình dung anh là người thích chạy bộ.

“Kathryn, việc này thật…”

“Cứ nói đi.”

“Không.”

“Nó cũng có ích đấy.”

“Không, chẳng ích gì.”

“Làm sao anh biết?” cô hỏi, giọng đanh lại. “Chúng tôi có giống nhau cả không, các bà vợ ấy? Chúng tôi có phản ứng giống nhau cả không?”

Cô nghe được sự tức giận trong giọng nói của mình, cơn tức giận đã hiện diện một cách rời rạc suốt ngày hôm đó. Những bọt bong bóng giận dữ nổi lên trên bề mặt chất lỏng rồi vỡ tan. Cô ngồi xuống bàn, đối diện với anh.

“Tất nhiên là không.”

“Nếu chuyện đó không đúng thì sao? Nếu anh nhận được tin, báo cho người vợ, sau đó phát hiện ra nó không đúng thì sao?”

“Việc đấy không xảy ra.”

“Sao lại không?”

“Tôi đứng rất lâu cuối đường mòn vào nhà, cầm điện thoại trong tay, chờ xác nhận tuyệt đối. Cô có thể thấy chuyện này khó tin, nhưng tôi không hề muốn nói với một người vợ rằng chồng cô ấy đã chết nếu thực tế anh ta chưa chết.”

“Tôi xin lỗi.”

“Tôi nghĩ việc đó bị cấm.”

Cô mỉm cười.

“Anh có phiền không khi bị hỏi những câu như thế?”

“Tôi lo lắng lý do tại sao cô hỏi những câu đó, nhưng không, tôi không phiền.”

“Vậy để tôi hỏi câu này: Anh sợ tôi sẽ nói gì với báo chí?”

Anh nới lỏng cà vạt, cởi nút áo trên cùng.

“Vợ của phi công thường trở nên quẫn trí. Nếu cô ấy nói một điều gì đó mà báo chí có mặt và nghe thấy, thì nó sẽ trở thành thông tin chính thống. Chẳng hạn như, một người vừa trở nên góa bụa có thể nói chồng cô ấy gần đây hay than phiền về vấn đề máy móc. Hoặc cô ấy có thể buột miệng, Tôi biết ngay chuyện này sẽ xảy ra mà. Anh ấy nói hãng hàng không sắp cắt giảm kinh phí đào tạo tổ bay.”

“Chẳng lẽ như thế không được sao? Nếu chuyện đó đúng thì sao?”

“Khi quẫn trí người ta nói những điều mà họ sẽ không nói sau này. Những điều mà đôi khi họ hoàn toàn không có ý như vậy. Nhưng nếu điều đó trở thành một phần của tin tức chính thống, thì sẽ không thể nói lại được nữa.”

“Anh bao nhiêu tuổi?”

“Ba mươi tám.”

“Jack bốn mươi chín tuổi.”

“Tôi biết.”

“Trong khi chờ đợi một vụ rơi máy bay, anh thường làm gì?”

“Tôi sẽ không nói theo cách như vậy,” anh nói, đổi tư thế ngồi. “Tôi không ngồi một chỗ đợi máy bay rơi. Tôi còn có những trách nhiệm khác.”

“Chẳng hạn như?”

“Tôi nghiên cứu các báo cáo điều tra tai nạn khá kỹ. Tôi liên lạc rất nhiều lần với gia đình các phi công để nắm tình hình. Nhà này xây lâu chưa?”

“Anh đang đánh trống lảng.”

“Đúng vậy.”

“Nhà xây từ thập niên 1860. Lúc đầu là tu viện. Giống như một nơi ẩn dật.”

“Nhà đẹp lắm.”

“Cám ơn anh. Cần sửa chữa nhiều đấy. Lúc nào cũng cần sửa chữa cả. Nó xuống cấp nhanh đến nỗi chúng tôi sửa không kịp.”

Cô nghe thấy từ chúng tôi.

Chẳng có điểm nào ở ngôi nhà khiến cô không thích, dường như nó biến đổi liên tục, tùy vào ánh nắng, mùa, màu nước biển, nhiệt độ không khí. Ngay cả những đặc điểm thất thường của nó, Kathryn cũng đã quen: sàn phòng ngủ bị dốc; những chiếc tủ quần áo cạn thiết kế theo thói quen của các nữ tu sĩ; những cánh cửa sổ kiểu truyền thống phải khổ sở lắp vào mỗi mùa thu và tháo ra mỗi mùa xuân (Jack phát hiện rằng, cũng như bông tuyết, chẳng có bông nào giống bông nào, vì vậy, trước khi anh biết cách dán nhãn để đánh dấu mỗi cửa sổ, việc lắp cánh cửa giống như vừa đứng trên thang vừa chơi ghép hình), nhưng sau khi được lau chùi sạch sẽ lại trở thành những vật rất đẹp đẽ, đáng yêu. Thực ra, đôi khi phải khó khăn lắm mới dứt mình ra khỏi những phút ngắm cảnh qua các khung cửa ấy khi việc nhà còn dang dở. Kathryn thường ngồi ở phòng khách dài và thả hồn mơ mộng. Cô thường ngẫm nghĩ, trong một ngôi nhà như vậy, ở một vùng địa hình như vậy, thật dễ dàng trốn khỏi thế giới bên ngoài, sống một cuộc đời cô quạnh và trầm tư, chẳng khác gì những cư dân đầu tiên của ngôi nhà này: những nữ tu sĩ của dòng Thánh Jean de Baptiste de Bienfaisance, hai mươi nữ tu sĩ từ mười chín đến tám mươi hai tuổi, dâng đời mình cho Chúa Jesus và nghèo đói. Thường khi ở phòng khách, cô hay tưởng tượng đến một chiếc bàn gỗ dài trong phòng ăn với một băng ghế một bên để các nữ tu sĩ có thể ngắm biển trong lúc ăn. Vì tuy đã tuyên thệ chấp nhận cuộc sống đạm bạc, nhưng họ vẫn sống ở một nơi có khung cảnh đẹp đến nao lòng.

Trong nhiều năm trời, Kathryn đã cố gắng tìm xem các nữ tu sĩ xây nhà nguyện ở đâu. Cô đã tìm kiếm trên bãi cỏ và vườn cây cạnh bên, nhưng không hề thấy một nền nhà nào. Cô tự hỏi liệu nhà nguyện có nằm ở bên trong ngôi nhà hay không, trong căn phòng mà họ đang dùng làm phòng ăn? Các nữ tu sĩ có tháo dỡ bệ thờ đơn sơ của họ trước khi rời khỏi tu viện này, đem theo tượng Đức mẹ Maria và cây thánh giá? Họ có băng qua vùng đầm lầy nước mặn mênh mông nằm giữa Fortune’s Rocks và thị trấn Ely Falls để dự lễ ở nhà thờ Thánh Joseph với những người nhập cư Canada gốc Pháp?

“Cô ở đây được mười một năm rồi à?”

“Vâng.”

Điện thoại reo khiến cả hai cùng giật mình. Dường như hai mươi phút đã qua, có thể là ba mươi phút, kể từ lần điện thoại reo cuối cùng, khoảng lặng dài nhất kể từ những cuộc gọi đầu tiên vào buổi sáng. Cô nhìn Robert trả lời điện thoại.

Khi cô và Jack chuyển về vùng Ely, cô chỉ mới hai mươi ba tuổi. Kathryn lo sẽ làm dân cư trong thị trấn phật lòng. Cô sắp có một ngôi nhà trên bãi biển và một ông chồng làm phi công ở hãng Vision. Cô sẽ không còn sống ở đất liền của Ely nữa, mà chuyển đến Fortune’s Rocks, một thế giới phù du của những du khách đến nghỉ hè, những người cho dù thường xuyên lui tới mua sắm ở cửa hiệu của bà nội cô và quan tâm tìm hiểu về thị trấn bé nhỏ mà duyên dáng lạ lùng này nhưng mãi mãi vẫn là những người ẩn danh xa lạ. Những thân hình bóng mượt, rám nắng với túi tiền dường như không bao giờ cạn. Dù bà Martha, chủ tiệm Ingerbretson, cửa hàng thực phẩm duy nhất ở Fortune’s Rocks, có thể kể vanh vách về những người đàn ông mặc quần soọc kaki và áo thun trắng trả hàng đống tiền – để mua vodka, tôm hùm, khoai tây chiên, và bánh chocolate konfetkakke do Martha tự làm – rồi biến mất sau những vụ phá sản, chỉ để lại duy nhất tấm biển Bán Nhà cắm trên cát trước ngôi nhà ven biển trị giá 400.000 USD của họ.

Tuy nhiên, người dân địa phương lại rất có thiện chí với bà Julia Hull và tình cảm ấy lây sang cả Jack và Kathryn. Cô nhớ lại mình và Jack đã hòa nhập với cuộc sống ở Ely ra sao, đã ở cạnh bên Mattie trong chuyện học hành như thế nào. Công việc của Jack buộc anh đi làm bên ngoài thị trấn, nhưng anh vẫn tìm cách chơi tennis trong một đội của thị trấn với Huge Reney, hiệu phó trường trung học, và Arthur Kahler, ông chủ trạm xăng Mobil nằm ở cuối làng. Điều ngạc nhiên là, dù Jack và Kathryn thụ thai Mattie rất dễ dàng, nhưng hình như họ không thể có thêm con nữa. Họ tự bảo nhau rằng cuộc sống đã đủ hạnh phúc với Mattie nên không cần thử thêm các biện pháp khác để thụ thai lần nữa.

Kathryn nhìn Robert nghe điện thoại. Anh có xoay lại một lần rất nhanh và nhìn cô, sau đó quay lưng lại.

“Không bình luận,” anh nói.

“Tôi không nghĩ vậy.

“Không bình luận.”

“Không bình luận.”

Anh gác máy rồi đứng nhìn chiếc tủ phía trên điện thoại. Anh cầm một cây bút trên bàn lên rồi bắt đầu quay nó trong tay.

“Chuyện gì?” cô hỏi.

Anh quay lưng lại.

“À, chúng tôi biết chuyện này sẽ xảy ra.”

“Chuyện gì?”

“Chuyện này sẽ chỉ có thể được giữ kín trong tối đa là hai mươi tư giờ. Sau đó thì nó chỉ còn là quá khứ.”

“Chuyện gì?”

Anh nhìn cô chăm chú, hít một hơi sâu.

“Họ nói đó là lỗi phi công.”

Cô nhắm mắt lại.

“Đó chỉ là giả định,” anh nói nhanh. “Họ nghĩ rằng đã tìm thấy một số dữ liệu bay không hợp lý. Nhưng hãy tin tôi, họ cũng không biết chắc chắn đâu.”

“Ôi.”

“Thêm nữa,” anh hạ giọng. “Họ đã tìm thấy một số thi thể.”

Cô nghĩ rằng nếu cứ hít thở chậm rãi, cô sẽ không sao.

“Chưa nhận diện được.”

“Bao nhiêu?”

“Tám.”

Cô cố gắng hình dung. Tám thi thể. Nguyên vẹn? Từng phần? Cô muốn hỏi, nhưng lại thôi.

“Sẽ còn nhiều hơn,” anh nói. “Người ta đang đưa lên nhiều thi thể hơn.”

Cô tự nhủ, người Anh? Hay người Mỹ? Đàn bà hay đàn ông?

“Người đó là ai? Người gọi điện thoại ấy?”

“Reuters.”

Cô đứng dậy, đi đến phòng tắm ở cuối hành lang. Trong tích tắc, cô sợ mình sẽ nôn. Đó là một phản ứng tự nhiên, cô nghĩ, không thể chấp nhận sự thật và chỉ muốn ho tống nó ra. Cô tạt nước lên mặt rồi lau khô. Cô gần như không thể nhận ra khuôn mặt mình trong gương.

Khi cô quay lại nhà bếp, Robert lại đang nghe điện thoại. Một tay anh để ngang trước ngực, bàn tay kẹp dưới cánh tay kia. Anh nói chuyện rất nhỏ, chỉ trả lời Có và Được rồi, nhìn theo cô khi cô bước vào phòng. “Nói sau nhé,” anh nói rồi gác máy.

Một sự im lặng kéo dài.

“Lỗi phi công chiếm bao nhiêu?” cô hỏi.

“Bảy mươi phần trăm.”

“Lỗi gì? Chuyện gì đã xảy ra?”

“Đó là một loạt sự cố dẫn đến cái cuối cùng, và cái cuối cùng thường được gọi là lỗi phi công vì đến lúc đó thì phi công đã có liên quan rất nhiều.”

“Tôi hiểu rồi.”

“Tôi hỏi cô câu này được không?”

“Vâng.”

“Jack có…?”

Anh ngập ngừng.

“Jack có sao?” cô hỏi.

“Jack có bị kích động hay trầm cảm không?”

Robert ngập ngừng.

“Ý anh là gần đây?” cô hỏi.

“Tôi biết đó là một câu hỏi quá đáng, nhưng sớm muộn gì cô cũng sẽ phải trả lời. Nếu có chuyện gì, nếu có bất kỳ chuyện gì cô biết hoặc nhớ lại được, thì tốt hơn là cô và tôi nên nói về nó trước.”

Cô cân nhắc câu hỏi. Kỳ lạ thật, cô thầm nghĩ, cứ tưởng ta biết tường tận một ai đó, hoặc ngỡ như mình biết, khi ta đang yêu – chìm đắm, ngập tràn trong tình yêu – chỉ để nhận ra sau đó rằng có thể ta không biết rõ về người ấy như ta tưởng tượng. Hoặc không rõ như ta kỳ vọng. Thuở ban đầu, kẻ đang yêu luôn nuốt lấy từng lời nói, cử chỉ, và cố gắng duy trì sự nồng nhiệt ấy càng lâu càng tốt. Nhưng một điều không thể tránh khỏi là, nếu hai người ở cạnh nhau đủ lâu thì sự nồng nhiệt ấy phải phai nhạt dần. Đó là cách người ta sống trên cõi đời này, Kathryn tự nhủ, với nhu cầu phát triển từ giai đoạn yêu đương nồng thắm sang xây dựng cuộc sống với một ai đó, người đó cũng thay đổi, điều chỉnh bản thân, để hai người có thể cùng nhau nuôi dạy con cái.

Một số đôi tình nhân không thể làm được điều đó, cô biết từ ví dụ của bố mẹ cô. Kathryn không nhớ có lúc nào mà bố mẹ cô lại không có cảm giác muốn nhau, cần nhau, và căng thẳng với nhau. Dù bố cô là người có lỗi vì thói trăng hoa của ông và đương nhiên đã gây đau khổ cho mẹ cô, nhưng Kathryn biết chắc rằng chính mẹ cô mới là người đập tan từ đầu bất kỳ cơ hội mong manh nào để họ tìm lại hạnh phúc. Vì ông trời đã an bài khiến mẹ cô suốt đời không quên được khoảng thời gian gặp Bobby Hull năm bà hai mươi hai tuổi, ông đã yêu bà và khiến bà ngây ngất. Trong một năm – khoảng thời gian mà bố mẹ Kathryn lấy nhau và thụ thai cô – Bobby Hull không hề rời mắt khỏi người vợ mới cưới hoặc xa bà nửa bước, vì thế mẹ cô cảm thấy, lần đầu tiên trong đời, mình vừa được yêu chiều vừa xinh đẹp tuyệt trần, liều thuốc gây nghiện mạnh hơn cả loại rượu bourbon mà Bobby Hull đã mời bà uống khi họ gặp nhau. Năm đó, năm mà Kathryn tin là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời mẹ cô – và là năm mà Kathryn biết tường tận hơn cả, vì, từ khi còn bé, cô đã được nghe kể hết sức chi tiết mỗi khi bố mẹ cãi nhau – có ý nghĩa quan trọng đến mức gần như thiêng liêng khi năm tháng trôi qua. Còn bố của Kathryn, sau khi đã tu thân tích đức và thực tâm cố gắng làm vui lòng vợ, vẫn không thể nào đem lại cảm giác đó một lần nữa. Kathryn luôn nghĩ rằng bi kịch của cuộc đời mẹ cô chính là khi Bobby Hull giảm dần cường độ quan tâm dành cho bà. Chuyện này bắt đầu rất tự nhiên, cũng như hai người yêu nhau đắm đuối cuối cùng vẫn có thể tiếp tục cuộc sống, đi làm và chăm sóc con cái, nhưng dần dà nó đã trở thành một cách sống, ngay khi mẹ cô nhận ra sự nguội lạnh và gọi tên nó – nói đúng hơn là gán cho nó một cái tên. Kathryn thường nghe mẹ cô cất lên từ phòng ngủ trên lầu, bằng một giọng đau đớn, lặp đi lặp lại, hai tiếng Tại sao? Đôi khi (nhớ đến điều này khiến Kathryn cau mày), mẹ cô lại van nài Bobby Hull khen bà đẹp, và lời van nài đó ngay lập tức khiến bố Kathryn, một người cứng đầu khó bảo, càng kiệm lời hơn, dù ông thực sự rất yêu vợ và hẳn sẽ khen bà đẹp nếu bà không đòi hỏi trước.

Về cuộc hôn nhân của riêng mình, sau khi cân nhắc mọi thứ, Kathryn nghĩ cô gặp khó khăn hơn Jack khi phải chuyển từ tình nhân sang vợ chồng. Kathryn ngờ rằng sự chuyển đổi này xảy ra với cô và Jack muộn hơn với những đôi vợ chồng khác, và đó là điều may mắn cho họ. Có phải đó là năm Mattie mười một tuổi? Mười hai tuổi? Jack có vẻ như giữ một chút khoảng cách với Kathryn. Cô không thể chỉ ra hoặc giải thích chính xác đó là gì. Cô luôn nghĩ rằng, trong mọi cuộc hôn nhân, hai vợ chồng tự tạo ra vở kịch tình ái, diễn nó trong phòng ngủ hoặc ở chốn công cộng trong im lặng, hoặc ngay cả qua điện thoại, một vở kịch thường được lặp đi lặp lại với câu thoại giống nhau, biên đạo sân khấu như nhau, những phần cơ thể làm đạo cụ như nhau. Nhưng nếu một người sau đó thay đổi một chút vai diễn của mình hoặc tìm cách bỏ bớt vài lời thoại, thì vở kịch sẽ không còn diễn ra suôn sẻ như trước nữa. Diễn viên còn lại, chưa nhận ra vở kịch đã bị thay đổi, đôi khi quên lửng lời thoại, hoặc nuốt mất chúng, hoặc trở nên lúng túng vì biên kịch đã đổi khác.

Vậy là nó đã xảy ra, với Jack và cô. Anh bắt đầu ít quay sang cô hơn khi nằm trên giường. Và rồi, những khi anh quay sang cô, dường như sự nhiệt tình đã biến mất. Đó chỉ là một sự trượt nhẹ ra xa, chậm đến nỗi đôi khi không thể nhận ra được, cho đến một ngày Kathryn chợt nhận ra hơn hai tuần rồi cô và Jack đã không ân ái. Vào lúc ấy, cô nghĩ rằng nhu cầu được ngủ của Jack quá lớn; lịch làm việc của anh rất khó khăn, và anh thường có vẻ mệt mỏi. Nhưng thỉnh thoảng cô lo lắng rằng có thể chính cô là người chịu trách nhiệm cho bước chuyển mới này, rằng cô đã trở nên quá thụ động. Và thế là có một lần, cô đã cố gắng nồng nhiệt hơn, sáng tạo hơn, nhưng nỗ lực ấy không mấy thành công.

Kathryn đã hứa với lòng sẽ không than phiền. Cô sẽ không bấn loạn. Cô thậm chí sẽ không nhắc đến chuyện đó. Nhưng cái giá cho sự ngậm tăm ấy, Kathryn sớm nhận ra, là một màn sương vô hình bao bọc quanh cô, một tấm màng khiến cô và Jack không thể dễ dàng chạm đến nhau được nữa. Sau một khoảng thời gian, màn sương ấy khiến cô căng thẳng.

Và rồi họ đã cãi nhau. Cuộc cãi vã kinh khủng duy nhất trong cuộc sống của vợ chồng họ.

Nhưng cô không muốn nghĩ đến nó vào lúc này.

“Chẳng có gì cả,” cô nói với Robert. “Chắc là tôi về phòng đây.”

Robert gật đầu, đồng tình với ý kiến đó.

“Cuộc hôn nhân của chúng tôi rất tốt đẹp,” Kathryn nói.

Cô lướt tay trên bàn.

“Tốt lắm,” cô lặp lại.

Nhưng thật tình cô nghĩ cuộc hôn nhân nào cũng giống như sóng phát thanh: lúc có lúc không. Thỉnh thoảng, nó – cuộc hôn nhân, Jack – trở nên rất rõ ràng với cô. Lúc khác lại bị nhiễu sóng, một âm thanh rè rè giữa họ. Vào những lúc đó, cô cảm thấy như mình nghe không rõ Jack, như điều anh muốn nói với cô đã trôi tuột sang hướng khác trong tầng bình lưu.

“Chúng ta có cần báo tin cho người nhà nào khác của anh ấy không?” Robert hỏi.

Kathryn lắc đầu.

“Anh ấy là con một. Chín tuổi đã mồ côi mẹ. Bố mất khi anh ấy học cao đẳng.”

Cô tự hỏi liệu Robert Hart đã biết hết những điều này chưa.

“Jack không bao giờ kể về tuổi thơ,” cô nói. “Thực tình, tôi không biết gì nhiều về tuổi thơ của anh ấy cả. Tôi luôn có ấn tượng đó là một tuổi thơ không hạnh phúc cho lắm.” Tuổi thơ của Jack là một trong những chủ đề mà Kathryn từng nghĩ còn cả đời để hỏi anh.

“Nói thật, tôi sẵn lòng ở lại đây,” Robert nói.

“Không, anh nên đi đi. Nếu tôi cần gì thì có bà Julia của tôi ở đây rồi. Vợ cũ của anh làm gì?”

“Cô ấy làm việc cho Thượng nghị sĩ Hanson. Ở Virginia.”

“Khi anh hỏi tôi về Jack, về việc anh ấy có bị trầm cảm hay không ấy?”

“Vâng.”

“Ừm, có một lần, tôi không nghĩ anh ấy bị trầm cảm, mà chắc chắn là không vui.”

“Kể cho tôi nghe đi,” Robert nói.

“Liên quan đến công việc của anh ấy. Chuyện này xảy ra khoảng năm năm trước. Anh ấy cảm thấy chán hãng hàng không. Suốt một thời gian ngắn, gần như là chán phát điên. Anh ấy bắt đầu mơ tưởng đến chuyện nghỉ việc, tìm một công việc khác – anh ấy gọi là máy bay nhào lộn. Trong một chiếc YAK 27 của Nga, tôi còn nhớ như vậy. Hoặc là mở công ty riêng. Anh biết đấy, trường dạy bay, công ty cho thuê máy bay, bán vài chiếc máy bay.”

“Tôi cũng từng nghĩ đến chuyện đó,” Robert nói. “Tôi nghĩ đến lúc nào đó mọi phi công đều nghĩ đến nó.”

“Jack nói công ty phát triển nhanh quá. Nó đã trở nên quá xa lạ, anh ấy hầu như chẳng còn biết ai trong tổ bay cùng mình nữa. Rất nhiều phi công là người Anh sống ở London. Ngoài ra, anh ấy nhớ những giờ bay thực hành trước đó. Anh ấy muốn tìm lại cảm giác khi bay. Một thời gian hòm thư chúng tôi chứa đầy tờ rơi giới thiệu về máy bay nhào lộn, thậm chí có một buổi sáng, anh ấy còn hỏi tôi muốn đi với anh đến Boulder hay không, ở đó có một phụ nữ đang bán lại trường học. Và tất nhiên tôi phải trả lời là có, vì anh ấy đã từng làm thế vì tôi, tôi nhớ mình đã rất lo lắng vì trông anh rất không vui, tôi nghĩ có lẽ anh thực sự cần phải thay đổi. Mặc dù tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm khi chủ đề này cuối cùng cũng trôi vào quên lãng. Sau đó thì không còn nói gì đến chuyện rời khỏi hãng hàng không nữa.”

“Chuyện này xảy ra năm năm trước à?”

“Tầm đấy. Tôi không giỏi nhớ về thời gian lắm. Tôi biết rằng đường bay Boston-Heathrow đã thật sự giải cứu chúng tôi. Tôi nghĩ mình đã vô cùng vui sướng khi cơn khủng hoảng qua đi, tôi không dám hỏi han gì vì sợ nhắc lại chủ đề này. Giờ thì tôi ước gì mình đã hỏi.”

“Sau đó anh ấy không còn vẻ trầm cảm nữa à?” Robert hỏi.

“Đúng, có vẻ vậy.”

Cô nghĩ mình không thể kết luận một cách chắc chắn Jack đã điều chỉnh gì bên trong con người anh. Dường như anh đã chôn cất sự bất mãn của mình vào cùng nơi mà anh đã chôn cất tuổi thơ – một chiếc hầm đóng kín.

“Trông anh mệt rồi đấy,” cô nói với Robert.

“Tôi mệt thật.”

“Có lẽ anh nên đi đi.”

Anh ta im lặng, không nhúc nhích.

“Cô ấy trông như thế nào? Ý tôi là, vợ của anh ấy. Vợ cũ.”

“Cô ấy bằng tuổi cô. Cao. Tóc ngắn màu đen. Rất đẹp.”

“Tôi đã tin anh ấy sẽ không chết,” Kathryn nói. “Tôi có cảm giác như mình bị lừa. Điều đó nghe có kinh khủng quá không? Cuối cùng thì anh ấy đã chết, tôi thì không. Có thể anh ấy đã đau đớn lắm. Tôi biết anh ấy đã rất đau đớn, dù chỉ vài giây.”

“Giờ cô là người đang đau đớn đấy.”

“Không giống nhau.”

“Cô đã bị lừa,” anh ta nói. “Cả cô và con gái của cô.”

Nghe nhắc đến con gái, Kathryn thấy cổ họng mình thắt lại. Cô đưa tay ra ôm mặt, như muốn bảo anh ta đừng nói gì nữa.

“Cô phải để chuyện này xảy ra với cô,” anh nói khẽ. “Nó có nhịp điệu riêng.”

“Giống như một chuyến tàu đang chạy qua người tôi vậy. Một chuyến tàu không dừng lại.”

“Tôi muốn giúp cô, nhưng tôi chẳng thể làm gì nhiều, chỉ biết đứng nhìn mà thôi. Đau đớn vì mất người thân là điều khó kiểm soát. Nó chẳng hay ho gì cả.”

Cô úp mặt xuống bàn rồi nhắm mắt lại.

“Chúng ta phải tổ chức tang lễ, đúng không?” cô hỏi.

“Ta có thể nói chuyện đó vào ngày mai.”

“Nhưng nếu không tìm thấy xác thì sao?”

“Cô theo tôn giáo nào?”

“Tôi vô thần. Tôi từng theo Hội Giám lý. Bà Julia là tín đồ Hội Giám lý.”

“Còn Jack thì sao?”

“Công giáo. Nhưng anh ấy cũng chẳng tin gì. Chúng tôi không có tên ở nhà thờ nào cả. Cũng không làm lễ cưới trong nhà thờ.”

Cô cảm thấy ngón tay Robert chạm lên tóc mình. Nhẹ nhàng. Thoáng chốc.

“Tôi đi đây,” anh nói.

***

Sau khi Robert ra về, Kathryn ngồi nán lại một phút, sau đó đứng dậy, đi vào từng phòng ở tầng trệt để tắt đèn. Cô tự hỏi chính xác thì lỗi phi công nghĩa là gì. Rẽ trái trong khi được lệnh rẽ phải? Tính toán nhầm số liệu nhiên liệu? Không bay đúng hướng? Vô tình bật mở một công tắc? Có nghề nào khác mà một người có thể phạm sai lầm khiến 103 người thiệt mạng không? Kỹ sư tàu hỏa? Tài xế xe buýt? Người làm việc với hóa chất, với chất thải nguyên tử?

Đó không thể là lỗi phi công, cô tự nhủ. Vì Mattie, đó không thể là lỗi phi công.

Cô đứng một lúc lâu tại bậc trên cùng của cầu thang, sau đó quay qua hành lang.

Phòng ngủ rất lạnh. Cửa đóng cả ngày. Cô để mắt làm quen với bóng tối. Giường ngủ bừa bộn, giống như lúc cô thức dậy vào ba giờ hai mươi bốn phút sáng.

Cô đi quanh giường và nhìn nó, như một con thú rình mồi – cảnh giác và thận trọng. Cô kéo lại chăn, ga giường, và ngắm nghía tấm ga bọc đệm trong ánh trăng. Nó có màu kem, vải sọc ca rô dành cho mùa đông. Jack và cô đã làm tình bao nhiêu lần trên chiếc giường ấy? cô tự hỏi. Trong mười sáu năm chung sống? Cô chạm lên ga giường. Nó đã sờn và êm ái. Mềm mại. Cô ngập ngừng ngồi lên mép giường, xem mình có thể chịu đựng nổi chuyện này không. Cô không còn tin vào bản thân nữa, không còn biết chắc chắn cơ thể cô sẽ phản ứng thế nào với bất kỳ tin tức gì nữa. Nhưng khi ngồi đó, cô chẳng cảm thấy gì cả. Cô thầm nghĩ, có lẽ, sau một ngày dài, cuối cùng cô cũng đã trở nên tê dại. Các giác quan không thể chịu đựng hơn được nữa.

“Lỗi phi công,” cô nói lớn, thử cảm giác của mình.

Nhưng đó không thể là lỗi phi công, cô nghĩ nhanh. Cuối cùng, đó sẽ không phải là lỗi phi công.

Cô nằm xuống giường, mặc nguyên quần áo. Cô nghĩ, bây giờ nó sẽ là giường của cô. Giường của một mình cô. Cả căn phòng dành cho một mình cô.

Cô nhìn qua chiếc đồng hồ đầu giường: chín giờ hai mươi bảy.

Thận trọng – theo dõi những chuyển động địa chấn của bản thân – cô duỗi chân và kéo chăn đắp lên người. Cô tưởng tượng mình có thể ngửi thấy mùi của Jack trong lớp vải sọc ca rô. Có thể được – cô chưa giặt ga giường kể từ khi anh đi vào hôm thứ ba. Nhưng cô không thể tin tưởng vào giác quan của mình, không biết cái gì là thật hay là tưởng tượng. Cô nhìn sang chiếc áo sơ mi của Jack vắt trên ghế. Kathryn đã có thói quen, từ khi mới cưới, không bận tâm dọn dẹp nhà cửa cho đến khi Jack sắp về. Bây giờ, cô biết, cô sẽ không muốn tháo chiếc áo ra khỏi ghế. Có thể còn nhiều ngày nữa cô mới chạm đến nó, mới dám áp nó vào mặt, mới đánh liều tìm lại mùi của anh trong từng sớ vải. Khi mọi dấu vết của Jack đã được giặt sạch và cất đi, khi đó cô còn lại gì?

Cô lăn qua một bên, nhìn căn phòng trong ánh trăng. Qua khoảng trống nhỏ trên cửa sổ, cô nghe tiếng nước chảy.

Cô nhớ rõ mồn một hình ảnh Jack dưới biển, bập bềnh trên lớp cát ở đáy biển.

Cô kéo lớp ga sọc ca rô qua mũi và miệng rồi hít thở chậm, nghĩ rằng làm vậy có thể giúp mình không bấn loạn. Cô nghĩ đến chuyện bò sang phòng của Mattie rồi nằm trên sàn nhà cạnh Mattie và bà Julia. Có thật cô đã tưởng tượng mình có thể ngủ đêm đầu tiên một mình trên chiếc giường hôn nhân này?

Cô ngồi bật dậy và đi vào nhà tắm. Robert đã để lại một lọ Valium trong đó. Cô uống một viên, rồi thêm một viên nữa để phòng hờ. Cô nghĩ đến việc uống viên thứ ba. Cô ngồi trên mép bồn tắm cho đến khi cảm thấy choáng váng.

Cô nghĩ có lẽ mình sẽ nằm nghỉ trên chiếc giường nhỏ trong phòng ngủ dành cho khách. Nhưng khi đi ngang phòng làm việc của Jack, cô thấy đèn còn mở. Cô mở cửa.

Phòng làm việc sáng trưng và không màu – trắng, kim loại, nhựa, xám. Cô hiếm khi vào phòng này, nó là khoảng không gian chẳng có gì hấp dẫn, cửa sổ không có rèm, tủ hồ sơ kim loại dựa vào tường thành hàng. Một căn phòng đàn ông.

Cô cho rằng nó có trật tự riêng – một trật tự chỉ mình Jack biết. Trên chiếc bàn kim loại khổng lồ có hai máy tính, một bàn phím, một máy fax, hai điện thoại, một máy scan, nhiều cốc cà phê, mô hình máy bay bám bụi, một tách nước ép hoa quả màu đỏ (cô đoán đó là tách của Mattie), và một đồ cắm bút chì bằng sáp màu xanh Mattie làm tặng Jack năm nó học lớp hai.

Cô nhìn chiếc máy fax đang nhấp nháy đèn.

Cô đi đến bàn làm việc và ngồi xuống. Robert đã ở đây lúc tối, dùng điện thoại và máy fax. Kathryn mở ngăn kéo bên trái. Bên trong là sổ lịch trình của Jack, những quyển sổ nặng, màu tối, gáy bằng nhựa vinyl và những quyển nhỏ hơn, bỏ vừa túi áo. Cô thấy một chiếc đèn pin nhỏ, một đồ mở thư bằng ngà mà anh đem về từ châu Phi nhiều năm trước, những quyển cẩm nang về các loại máy bay mà anh không còn lái nữa, một quyển sách về radar dự báo thời tiết. Một cuốn phim tập huấn về gió nghịch chiều. Cầu vai từ thời ở Santa Fe. Những miếng lót cốc trông như thiết bị bay.

Cô đóng tủ lại rồi mở ngăn kéo dài ở giữa. Cô chạm phải một bộ chìa khóa, có thể là chìa khóa căn hộ trước đây ở Santa Fe. Cô cầm lên một cặp kính đọc sách gọng đồi mồi cũ bị chiếc Caravan của Jack cán qua. Anh quả quyết nó vẫn còn dùng được. Có những hộp kẹp giấy, bút mực, bút chì, dây thun, đinh bấm, hai cục pin, một bugi đánh lửa. Cô cầm lên một tập giấy ghi chú và thấy bên dưới là một bộ kim chỉ của khách sạn Marriott. Cô mỉm cười nhìn bộ kim chỉ và hôn lên nó.

Cô mở một ngăn kéo đựng hồ sơ lớn hơn ở bên phải. Nó được thiết kế để đựng hồ sơ cỡ giấy A4, nhưng trong đó chỉ có một chồng giấy tờ cao khoảng ba tấc. Cô lôi chồng giấy ra đặt lên đùi. Đó là một bộ hồ sơ ngẫu nhiên không có thứ tự gì. Có một tấm thiệp sinh nhật từ Mattie, báo cáo từ hãng hàng không, một quyển danh bạ điện thoại, một loạt mẫu bảo hiểm y tế, một bản nháp bài văn mà Mattie viết ở trường, một catalog những quyển sách về lái máy bay, một tấm thiệp valentine mà Kathryn tự làm tặng anh năm ngoái. Cô nhìn bìa trước của tấm thiệp. Bìa thiệp có dòng chữ Valentine, em thích điều anh làm cho ký ức em… Cô mở thiệp ra. Và những gì anh làm cho cơ thể em. Cô nhắm mắt lại.

Sau một lúc, cô áp những tài liệu đã xem qua lên ngực, và tiếp tục xem những tài liệu còn lại. Cô phát hiện ra vài tờ sao kê ngân hàng của Jack được kẹp chung với nhau. Cô và Jack có tài khoản riêng. Cô trả tiền quần áo cho Mattie và mình, tiền thức ăn và các món khác trong nhà. Jack trả tất cả những khoản còn lại. Anh đã nói dành dụm được bao nhiêu sẽ dùng khi về hưu.

Mắt cô ríu lại đến không mở nổi nữa. Cô cố gắng xếp các tài liệu còn lại ngay ngắn trên đùi rồi đặt lại vào ngăn kéo. Trong ngăn kéo, mắc kẹt vào khe, là một bì thư chưa mở, thư rác, một thư mời mở thẻ Visa nữa. Ngân hàng Bay, 9,9 phần trăm. Cũ rồi, cô nghĩ.

Cô cầm bì thư lên và định ném nó vào thùng rác thì chợt nhìn thấy dòng chữ ở mặt sau. Chữ của Jack. Một danh sách cần làm khác: Gọi điện Nhà thuốc Ely Falls, Gọi Alex, Gửi tiền ngân hàng, Chi phí tháng ba, Gọi Larry Johnson về thuế, Gọi Finn về Caravan. Cô nhớ Finn là người môi giới xe Dodge-Plymouth ở Ely Falls. Họ mua chiếc Caravan bốn năm trước và theo cô biết thì không hề mua bán gì với Tommy Finn nữa.

Cô xoay bì thư lại. Ở cuối mặt trắng của bì thư là một ghi chú, cũng bằng chữ của Jack. Muire 3:30.

Muire là ai? Kathryn thắc mắc. Randall Muir ở ngân hàng? Chẳng lẽ Jack có thương lượng một khoản vay?

Kathryn nhìn lại mặt trước bì thư. Cô kiểm tra dấu bưu điện. Chắc chắn là bốn năm trước.

Cô đặt chồng giấy tờ vào ngăn kéo rồi lấy chân đóng tủ lại.

Lúc này cô chỉ muốn nằm xuống. Cô đi ra khỏi phòng làm việc của Jack, sang phòng nghỉ dành cho khách, nơi nghỉ dưỡng của cô. Cô nằm lên ga giường in hoa, và chỉ vài giây sau đã ngủ thiếp đi.

Cô bị những giọng nói đánh thức – một tiếng hét, gần như điên loạn, và một giọng khác, bình tĩnh hơn, như đang cố gắng để được nghe thấy giữa cơn náo loạn.

Kathryn ngồi dậy, mở cửa, và giọng nói to hơn. Mattie và Julia đang ở phòng khách bên dưới.

Họ đang quỳ gối khi Kathryn đi xuống, Julia mặc áo ngủ sọc ca rô, Mattie mặc áo thun và quần đùi. Xung quanh họ là một bãi chiến trường giấy gói quà – những đống giấy vò nát và nhăn nhúm màu đỏ, vàng, ca rô, xanh, bạc, nằm giữa hàng nghìn mét dây ruy băng màu.

Julia ngước lên.

“Nó thức dậy rồi đi xuống dưới đây,” bà giải thích. “Nó định gói quà.”

Mattie khụy xuống sàn, nằm cuộn tròn tư thế bào thai trên thảm.

Kathryn nằm xuống cạnh con.

“Con không chấp nhận nổi, mẹ ơi,” Mattie nói. “Nhìn đâu con cũng thấy bố. Bố ở trong mọi căn phòng, trên mọi chiếc ghế, ở cửa sổ, ở giấy dán tường. Con thật không chịu nổi, mẹ ơi.”

“Con đang định gói quà cho bố à?” Kathryn hỏi, vén tóc trên mặt con gái.

Mattie gật đầu và khóc nấc lên.

“Bà sẽ đưa nó về nhà bà,” Julia nói.

“Mấy giờ rồi ạ?”

“Mới qua nửa đêm thôi. Bà sẽ đưa nó về nhà cho nó đi ngủ.”

“Cháu cũng đi,” Kathryn nói.

“Không. Cháu kiệt sức rồi đấy. Cháu ở lại và đi ngủ đi. Mattie ở với bà sẽ ổn thôi. Nó cần thay đổi hoàn cảnh, một khu vực trung tính, một phòng ngủ trung tính.”

Và Kathryn nghĩ hình ảnh đó thật phù hợp, vì cô có cảm giác mơ hồ rằng họ đang dính vào một cuộc chiến, rằng tất cả họ đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của cuộc chiến.

Khi Julia soạn đồ để đem theo cho Mattie, Kathryn nằm xuống cạnh con và xoa lưng nó. Thỉnh thoảng Mattie lại rùng mình thật mạnh. Kathryn hát bài hát mà cô đã tự nghĩ ra khi Mattie còn bé: M là viết tắt của Matigan…, đó là câu đầu của bài hát.

Sau khi Julia và Mattie đi rồi, Kathryn quay lại phòng ngủ của mình. Lần này, cảm thấy dũng cảm hơn, cô bò vào nằm giữa những tấm ga sọc ca rô.

Cô ngủ không mộng mị.

***

Buổi sáng, cô nghe tiếng chó sủa.

Có điều gì đó quen thuộc một cách phi lý trong tiếng chó sủa ấy.

Và cô gồng mình lên chuẩn bị, như cách cô phản ứng khi dừng xe chờ đèn đỏ và tình cờ nhìn vào kính chiếu hậu, thấy người lái xe ở phía sau đang chạy quá tốc độ.

***

Tóc Robert ướt và mới chải. Cô nhìn thấy đường chải bằng lược ở gần đường rẽ ngôi. Anh mặc một chiếc áo khác, màu xanh gần giống như vải jean, thắt cà vạt màu đỏ sậm. Áo ngày thứ hai, cô nghĩ vẩn vơ.

Trên quầy bếp có một cốc cà phê. Anh đang cho tay vào túi quần, đi đi lại lại.

Cô nhìn lên đồng hồ. Sáu giờ bốn mươi. Sao anh ta đến sớm thế nhỉ?, cô tự hỏi.

Khi trông thấy cô ở cuối cầu thang, anh rút tay ra khỏi túi quần và tiến đến cô.

Anh đặt hai tay lên vai cô.

“Chuyện gì?” cô lo lắng hỏi.

“Cô có biết CVR là gì không?”

“Có. Máy ghi âm giọng nói buồng lái.”

“Ừm, họ tìm thấy nó rồi.”

“Rồi sao?”

Anh ngập ngừng. Chỉ một chốc.

“Họ nói là tự sát.”

Bình luận
× sticky