Ở hầu hết các nước dân chủ, một người lãnh đạo mới được bầu ra sẽ được hưởng một thời gian chuyển giao nhiệm vụ trong thời gian đó ông ta có quyền tuyên bố những chính sách mà ông ta theo đuổi và những người sẽ được chọn ra để thi hành các chính sách ấy. Thế nhưng ở Anh các Thượng nghị sĩ lại ngồi cạnh máy điện thoại ở nhà mình và chờ trong vòng bốn tám tiếng ngay sau khi kết quả của cuộc bầu cử được công bố. Nếu ông ta nhận được một cú điện thoại trong mười hai tiếng thứ nhất, ông ta sẽ được gia nhập Nội các có hai mươi người, trong mười hai tiếng sau, ông ta sẽ được nhận một vị trí của một trong ba mươi chân Bộ trưởng của nhà nước, mười hai tiếng tiếp theo sẽ được cử làm một trong số bốn mươi thư ký của Nhà nước, còn trong vòng mười hai tiếng sau cùng, sẽ trở thành một thư ký Quốc hội của riêng một Bộ trưởng Nội các. Nếu điện thoại không reo có nghĩa là họ sẽ phải tiếp tục ở lại hàng ghế sau.
Raymond từ Leeds trở về vào lúc việc kiểm phiếu vừa kết thúc, để mặc Joyce một mình lái xe đi cảm ơn theo thông lệ trong khu vực bầu cử.
Ngày hôm sau cô không ngồi cạnh điện thoại, thì anh đi vòng vòng quanh nó, lo lắng đẩy cặp kính cận trên mũi. Cú điện thoại đầu tiên là của mẹ anh, bà gọi để chúc mừng con trai.
– Vì cái gì kia chứ? – Anh hỏi – Mẹ đã nghe thấy tin gì rồi à?
– Ồ, không con yêu – bà trả lời – Mẹ chỉ gọi để nói rằng mẹ rất hài lòng thấy số phiếu của con tăng lên nhiều đến vậy.
– Ồ!
– Và mẹ cũng muốn nói thêm rằng bố mẹ rất buồn không được gặp con trước khi con rời khỏi khu vực bầu cử, đặc biệt là khi con phải đi qua ngay trước cửa hàng để ra đường quốc lộ.
Raymond vẫn yên lặng. “Không nữa đâu, mẹ ạ”. Anh muốn nói.
Cú điện thoại thứ hai từ một đồng nghiệp, anh ta muốn hỏi xem Raymond đã được đề bạt vị trí nào chưa.
– Đến bây giờ thì chưa, – anh nói trước khi lắng nghe tin bạn mình được thăng chức.
Cú thứ ba là từ một người bạn của Joyce.
– Khi nào thì cô ấy về? – Một giọng Yorkshire khác cất lên.
– Tôi không biết nữa – Raymond nói, anh gần như tuyệt vọng muốn người ở đầu dây kia thôi ngay.
– Tôi sẽ gọi lại chiều nay vậy.
– Được – Raymond đáp và nhanh chóng đặt ống nghe xuống.
Anh chui vào bếp làm một chiếc bánh mì kẹp với pho mát, nhưng vì không còn chút pho mát nào, anh ăn một chiếc bánh đã ôi với chỗ bơ đã để qua ba tuần. Anh đang ăn dở miếng thứ hai thì điện thoại lại kêu.
– Có Raymond không?
Anh nín thở.
– Noel Brewster đây.
Anh thở ra một cách bực bội khi nhận ra giọng của Cha xứ.
– Anh có thể đọc bài thứ hai vào lần sau anh tới Leeds được không? Thật ra chúng tôi rất mong anh đọc nó vào buổi sáng nay – bà vợ yêu quý của anh…
– Được rồi, – anh hứa. – Ngay ngày nghỉ của tuần đầu tiên tôi quay trở lại Leeds. – Chuông điện thoại lại reo ngay khi anh vừa kịp hạ ống nghe xuống.
– Raymond Gould có phải không? – Giọng một người lại cất lên.
– Vâng, tôi đây – anh đáp.
– Thủ tướng sẽ nói chuyện với anh ngay bây giờ.
Raymond chờ đợi. Cánh cửa phía trước bật mở và một giọng khác cất lên, “Em đây mà. Em không tin là anh tìm được cái gì có thể ăn được. Tội nghiệp anh.” – Joyce bước vào phòng khách.
Không quay sang nhìn vợ, anh đưa tay ra hiệu cho cô giữ im lặng.
– Chào Raymond, – từ đầu kia của đường dây một giọng nói cất lên.
– Xin chào Thủ tướng – anh đáp lại giọng Yorkshire rất rõ của Thủ tướng Harlold Wilson bằng một giọng khá trịnh trọng.
– Tôi đang hy vọng rằng anh có thể tham gia vào đội ngũ mới với chức vị là Thứ trưởng bộ Việc làm?
– Raymond thở phào. Đó chính là điều mà anh đang mong đợi. “Tôi rất vui mừng được lãnh trách nhiệm đó, thưa ông”.
– Tốt, điều này sẽ tạo cho các Nhà lãnh đạo Nghiệp đoàn một số việc để suy nghĩ đây. – Đường dây điện thoại lập tức bị cắt.
Raymond Gould, Thứ trưởng bộ Việc làm ngồi bất động trên bậc thang chức vị mới.
Khi Raymond rời khỏi nhà vào sáng hôm sau, anh được chào đón bởi một lái xe đứng ngay cạnh một chiếc Austin Westminster màu đen bóng lộn. Khác hẳn chiếc Wolkwagen cũ của anh, chiếc xe này lấp lánh dưới ánh mặt trời. Cửa hậu được mở sẵn và Raymond trèo vào trong xe, chờ được đưa tới Bộ. Bên cạnh chiếc ghế sau là một hộp da thuộc màu đỏ to ngang với một chiếc catáp dày với dòng chữ mạ vàng chạy quanh rìa.
“Thứ trưởng bộ Việc làm” Raymond xoay chiếc chìa khóa nhỏ, chợt nghĩ tới việc Alice chắc hẳn sẽ cảm thấy gì khi đang trượt xuống lỗ thỏ đào.
Khi Charles Hampton quay trở lại Hạ nghị viện vào thứ ba, trên bảng để thư của các thành viên có một mảnh giấy từ phòng Tổ chức của Nghị viện dành cho anh. Một trong các thành viên của bộ Môi trường đã đánh mất chỗ của mình trong cuộc Tổng tuyển cử và Charles đã được đề cử lên hàng thứ hai của đảng đối lập trong Bộ này. “Không phải là việc bảo vệ cây cối nữa. Anh sẽ phụ trách các vấn đề quan trọng hơn”, vị trưởng ban tổ chức chẹp miệng, “ô nhiễm, thiếu nước, khí thải…”.
Charles mỉm cười thú vị khi đi ngang qua Hạ nghị viện, gật đầu chào những người bạn cũ và để ý một số khuôn mặt mới. Anh không dừng lại nói chuyện với một người mới nào vì anh không chắc họ thuộc đảng Lao động hay đảng Bảo thủ và với kết quả của cuộc bầu cử, phần lớn trong số họ phải là những người của đảng Lao động. Rất nhiều người trong số những người bạn cũ trông rất tội nghiệp. Với một vài người trong số họ, họ sẽ phải chờ khá lâu cho tới khi có cơ hội được cất nhắc lại, một số người khác hiểu rằng đây sẽ là lần cuối cùng họ sẽ giữ chức Bộ trưởng. Trong chính trị, anh đã học được rất nhanh, rằng sự may mắn của tuổi tác và thời điểm đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của mỗi con người mà không phụ thuộc vào tài năng của người ấy. Nhưng vào tuổi ba lăm, Charles dễ dàng vứt bỏ những suy nghĩ này.
Charles bước về phía căn phòng của mình để kiểm tra đống thư từ trong khu bầu cử. Fiona đã nhắc anh về việc phải gửi tám trăm lá thư cảm ơn cho các công nhân trong Đảng mình. Mới nghĩ tới đó anh đã cảm thấy ngán ngẩm.
– Bà Blenkinsop, chủ tịch của Câu lạc bộ Ăn trưa của Sussex, muốn đề nghị ông tham gia vào buổi ăn trưa hàng năm của họ với tư cách là khách mời – cô thư ký thông báo khi anh vừa kịp ngồi xuống.
– Trả lời là tôi đồng ý, – vào hôm nào ấy nhỉ? – Charles hỏi, với tay lấy sổ nhật ký.
– Ngày 16 tháng Sáu.
– Những người phụ nữ ngốc nghếch, đó là ngày phụ nữ ở Ascot. Nói với bà ta rằng tôi sẽ phải phát biểu tại một hội nghị môi trường, nhưng chắc chắn là tôi sẽ cố gắng thu xếp tham gia vào buổi lễ sang năm.
Cô thư ký ngẩng lên nhìn lo lắng.
– Đừng lo, – Charles bảo – Bà ta sẽ không bao giờ biết được đâu. – Cô thư ký tiếp tục báo cáo lá thư tiếp theo.
Simon đã đặt chiếc nhẫn có mặt saphia nhỏ tí xíu với đường viền kim cương lên ngón thứ ba trên bàn tay trái của cô. Ba tháng sau, một chiếc nhẫn cưới bằng vàng được đưa lên cùng với chiếc nhẫn đính hôn.
Sau khi Simon và bác sĩ Kerslake đi hưởng tuần trăng mật từ Italy trở về, họ vô cùng hạnh phúc tạo dựng cuộc sống chung của mình tại ngôi nhà nhỏ ở phố Beafort. Elizabeth không thấy có gì khó khăn trong việc đưa số tư trang rất gọn gàng của mình vào ngôi nhà nhỏ xinh ở Chelsea này, và chỉ sau một vài tuần Simon hiểu rằng mình đã cưới một phụ nữ rất tuyệt vời.
Vào thời gian đầu, cả hai người thấy rất khó khăn trong việc hòa nhập hai công việc có đòi hỏi rất cao của mình, nhưng họ nhanh chóng tìm ra một giải pháp ổn thỏa. Simon rất thắc mắc không hiểu giải pháp này liệu có áp dụng được không nếu hai người quyết định có con hoặc anh được bổ nhiệm là Bộ trưởng. Nhưng khả năng thứ hai thì sẽ không xảy ra trong vòng vài năm tới. Đảng Bảo thủ sẽ không thay người lãnh đạo của mình cho tới khi ông Heath được có cơ hội lần hai trong các cuộc thăm dò ý kiến.
Simon bắt đầu viết bài cho trang giữa của tờ Spetator và tờ Sunday Express với hy vọng anh sẽ gây dựng được tiếng tăm bên ngoài Quốc hội, mà lại kiếm thêm nguồn phụ cho khoảng lương ít ỏi ba ngàn bốn trăm bảng của mình. Thậm chí với thu nhập của một bác sĩ của Elizabeth, anh thấy hai người thật sự khó khăn dù chỉ sống tằn tiện, tuy nhiên anh không muốn làm vợ lo lắng. Anh ghen tị với Charles Hampton, người dường như không thèm đếm xỉa tới việc chi tiêu. Anh không hiểu anh chàng chết tiệt đó liệu có bao giờ gặp rắc rối gì không. Ngón tay anh tìm kiếm con số trên tài khoản của mình, như thường lệ, chỉ có khoảng năm trăm bảng ở bên lề phải, và cũng như thường lệ, con số này được in màu đỏ.
Anh tiếp tục đưa những câu hỏi hóc búa với Thủ tướng vào các ngày thứ ba và thứ năm. Mặc dù giờ đây việc này đã trở thành thường lệ, anh vẫn luôn chuẩn bị các câu hỏi của mình rất kỹ lưỡng, và có lần anh thậm chí còn được khen ngợi bởi người lãnh đạo vốn ít lời. Tuy nhiên, anh thấy rằng sau hàng tuần lễ, suy nghĩ của anh lại trở về vấn đề tài chính, hay nói cách khác, việc anh thiếu tiền.
Đó là trước khi anh gặp Ronnie Nethercote.
Tiếng tăm của Raymond giờ đây đang nổi lên như cồn. Anh không tỏ ra một chút nào bị choáng ngợp bởi vai trò của mình trong một Bộ lớn như bộ Việc làm. Phần lớn các cán bộ có dịp tiếp xúc làm việc với Raymond đều có nhận xét anh là một người có tài, đòi hỏi cao trong công việc, chăm và, tất nhiên điều này không được nói lại với anh, khá kiêu ngạo. Việc anh cắt ngang lời của một cán bộ hoặc sửa cô thư ký chính của mình trong các vấn đề chi tiết không hề làm cho anh được thậm chí những nhân viên kề cận nhất của mình yêu mến, mặc dù những người này luôn mong muốn trung thành với ông Thứ trưởng của mình.
Khối lượng công việc của Raymond thật khổng lồ, và thậm chí cả viên thư ký thường trực còn được nghe câu nói cửa miệng của Raymond ” không được phép nói xin lỗi” khi anh ta định cắt bớt một trong những công việc riêng tư của Raymond. Và chẳng bao lâu sau khi Raymond nhận chức, các nhân viên của anh ta đã bắt đầu nói về việc khi nào, chứ không phải liệu có hay không, anh được thăng chức. Ông Bộ trưởng như tất cả những người luôn mong đợi ở sáu nơi vào cùng một lúc, thường nhờ Raymond đi thay cho ông ta, nhưng ngay cả bản thân Raymond cũng rất ngạc nhiên khi anh được mời đại diện cho Bộ mình làm khách danh dự tại bữa tiệc hàng năm của Liên đoàn Công nghiệp Anh.
Joyce kiểm tra lại bộ comple dành cho tiệc tối của chồng mình xem nó đã được là phẳng chưa, chiếc áo sơ mi không được có một vết nào và đôi giày phải sáng bóng như giày của một sĩ quan trực nhật. Bài phát biểu đã được chọn lựa từng câu chữ – một sự kết hợp giữa sự mài giũa công phu của người dự thảo cộng với một số câu mang tính thuyết phục cao mà chính anh đưa thêm vào đủ để chứng minh với cộng đồng các nhà tư bản rằng không phải tất cả các thành viên của đảng Lao động đều là những thằng hề luôn luôn nói năng nhảm nhí, – giờ đây nó được cài cẩn thận trong túi áo của anh. Người lái xe đưa anh từ ngôi nhà trên đường Lansdowne tới West End.
Raymond thấy buổi tiệc thật thú vị, và mặc dù có đôi chút hồi hộp lo lắng khi anh đứng dậy đại diện cho Chính phủ đáp lại lời chúc tụng của các quan khách, khi ngồi xuống anh biết rằng lần này là một trong những lần thành công của anh. Sự hoan hô của mọi người sau đó rõ ràng không phải chỉ là biểu hiện của sự lịch sự của những kẻ theo lẽ tự nhiên thuộc phe Đối lập của anh.
– Cái bài phát biểu này còn khô hơn cả Chablis, – một số trong số các vị khách quan thì thầm với ông chủ tịch, tuy nhiên ông ta phải công nhận rằng với những người như Gould nắm chính quyền, chắc chắn mọi việc sẽ dễ dàng hơn là sống với một Chính phủ của đảng Lao động.
Người đứng bên tay trái của Simon Kerslake thậm chí còn tỏ ra thẳng thừng hơn khi nhận xét Gould: “Cái anh chàng chết tiệt này suy nghĩ như một anh chàng Bảo thủ, vậy thì sao anh ta không phải là một thành viên của đảng Bảo thủ nhỉ?”. Ông ta kêu lên.
Simon mỉm cười nhìn người đàn ông sớm bị hói trước tuổi suốt bữa ăn đã không ngừng đưa ra các ý kiến khá sinh động. Nặng khoảng hơn hai trăm pound (khoảng hơn 90,8 kg), trông Ronnie lúc nào cũng như đang cố thoát ra khỏi bộ lễ phục buổi tối đang căng lên vì quá chật.
– Tôi cho rằng – Simon đáp lại – cái anh chàng Gould này, sinh ra vào những năm của thập kỉ ba mươi và sống tại Leeds, chắc hẳn đã gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với đội ngũ những kẻ bảo thủ trẻ tuổi.
– Vô nghĩa, – Ronnie trả lời. – Tôi cũng đã từng tưởng tượng ra điều đó và tôi được sinh ra tại Khu Đông London mà không có được một chút nào những lợi thế của anh ta. Nào bây giờ hãy cho tôi biết, ngài Kerslake, ngài làm gì khi không phung phí thời gian của mình trong Quốc hội?
Raymond ở lại sau bữa tối và tiếp tục nói chuyện về các thủ phủ của các ngành Công nghiệp. Anh rời bữa tiệc vào khoảng sau mười một giờ một chút để trở về ngôi nhà ở đường Lansdowne.
Khi người lái xe cho xe đi chậm qua khu nhà Grosvenor phía dưới đại lộ Công viên, Raymond nhiệt tình vẫy chào những người chủ tiệc. Một ai đó vẫy trả lại. Lúc đầu Raymond chỉ liếc qua cửa sổ, cho đó là một trong các vị khách, cho tới tận khi anh trông thấy cặp giò của cô ta. Đứng trong góc đường bên ngoài trạm xăng trên đại lộ Công viên là một cô gái trẻ đang mỉm cười nhìn anh mời mọc, chiếc váy ngắn màu trắng của cô ta ngắn đến nỗi mà có lẽ nên gọi nó là một chiếc khăn tay mới đúng.
Cặp giò rất dài của cô ta làm cho anh nhớ tới cặp giò của Joyce mười năm trước. Mái tóc uốn rất đẹp của cô và những đường nét của bộ hông in chặt trong đầu Raymond suốt chặng đường về nhà.
Khi họ về với đường Lansdowne, Raymond ra khỏi chiếc xe của Chính phủ và chào tạm biệt người lái xe trước khi chầm chậm đi về phía trước cửa, nhưng anh không lấy chìa khóa ra. Anh chờ cho tới khi chắc chắn rằng người lái xe đã đi khuất sau góc đường trước khi ngẩng lên kiểm tra cửa phòng ngủ. Tất cả các đèn đều đã tắt. Chắc chắn Joyce đã đi ngủ.
Anh mò mẫm đi xuống đường và quay trở lại vỉa hè, rồi nhìn trước nhìn sau một lượt, cuối cùng tìm thấy nơi Joyce đã đậu chiếc Volkswagen. Kiểm tra lại chiếc chìa khóa dự bị trong chùm chìa khóa của mình, lóng ngóng như thể đang đi ăn trộm xe của ai. Phải ba lần khởi động động cơ mới nổ và Raymond băn khoăn không hiểu mình có đánh thức cả khu dậy không khi anh cho xe chuyển động và quay trở lại đại lộ Công viên, không hiểu là mình chờ đợi điều gì. Khi anh tới Marble Arch, anh cho xe đi chậm lại hòa vào dòng xe cộ ở giữa tâm đường. Một số vị khách trong lễ phục buổi tối vẫn đang túa ra từ khu nhà Grosvernor. Anh cho xe chạy qua trạm xăng, cô ta vẫn còn đứng đó. Cô ta lại mỉm cười và anh cho xe chạy vọt lên gần như đâm thẳng vào chiếc xe chạy phía trước. Raymond lại cho xe chạy về Marble Arch, nhưng thay vì chạy thẳng về nhà, anh cho xe vòng xuống đại lộ Công viên, lần này không chạy nhanh như lần trước và lái sang lề đường. Anh rời chân khỏi bàn đạp tăng tốc khi sắp tới trạm xăng và cô ta lại vẫy mời chào anh. Anh quay trở lại March Arch trước khi bắt đầu chuyến du ngoạn đại lộ Công viên, lần này thậm chí còn chậm hơn cả hai lần trước. Lần thứ ba chạy qua khu nhà Grosvernor, anh cẩn thận kiểm tra chắc chắn không còn vị khách nào đứng nói chuyện trên vỉa hè nữa. Không một bóng người. Anh gạt cần phanh và chiếc xe dừng lại ngay cạnh trạm xăng. Anh chờ đợi.
Cô gái nhìn trước nhìn sau trước khi đi về phía chiếc xe, mở cửa dành cho khách và ngồi xuống cạnh anh.
– Muốn đi à?
– Cô nói gì kia? – Raymond hỏi bằng một giọng khan khan.
– Thôi đi, anh yêu. Anh không thể cho là em đứng ở đây vào giờ này để tắm nắng chứ.
Raymond quay lại nhìn cô gái cẩn thận hơn và muốn chạm vào người cô ta mặc dù mùi nước hoa rẻ tiền đang phả ra. Chiếc áo sơ mi lụng thụng của cô có ba chiếc cúc không cài, chiếc thứ tư không còn dấu nổi một thứ gì mà người ta có thể tưởng tượng được.
– Ở chỗ em sẽ mất mười bảng.
– Cô ở chỗ nào? – Anh chỉ còn cảm giác được mình đang nói.
– Em dùng một khách sạn ở đường Paddington.
– Làm thế nào mà đi tới đó được đây? – Anh hỏi, lo lắng lùa những ngón tay lên mái tóc dày màu đỏ.
– Bây giờ đi ra Marble Arch và em sẽ chỉ đường cho anh.
– Em là Mandy, – cô nói. – Còn anh tên gì?
Raymond ngập ngừng. “Malcom”.
– Anh làm nghề gì vậy, Malcom, trong những ngày khó khăn này?
– Tôi… tôi bán xe cũ.
– Anh vẫn chưa tìm được một công việc thực sự tốt đâu, phải không nào? – Cô bật cười.
Raymond không nói gì. Nhưng Mandy không dừng lại.
– Một kẻ bán xe cũ sao mà phải ăn mặc như một kẻ thượng lưu vậy?
Raymond quên bẵng rằng mình vẫn đang đeo cà vạt đen.
– Tôi vừa… mới tham dự hội nghị… ở… ở khách sạn Hilton.
– Nhiều kẻ mới may mắn làm sao – cô ta nói, và bật lửa châm một điếu thuốc. – Em đứng đợi bên ngoài khách sạn Grosvernor gần hết đêm mong có thể bắt được một ông khách giàu có từ cái bữa tiệc sang trọng ấy.
Da mặt Raymond chuyển màu gần như màu mái tóc anh. “Đi chậm lại và rẽ vào lối thứ hai bên trái”.
Anh làm theo lời chỉ dẫn của cô ta cho tới khi họ dừng lại trước một khách sạn nhỏ trông không lấy gì làm sạch sẽ. ” Để em ra trước, anh theo sau nhé”. Khi cô ta bước ra anh gần như phóng xe đi nếu mắt anh không nhìn thấy sự di chuyển của bộ hông cô gái khi cô đi về phía khách sạn.
Anh ngoan ngoãn vâng theo sự chỉ bảo của cô và trèo một vài bậc cầu thang chật hẹp cho tới khi lên tới tầng thượng. Khi anh lên tới đầu cầu thang, một cô gái tóc vàng đồ sộ vượt qua anh khi cô ta đi xuống cầu thang.
– Chào Mandy – cô ta gọi với lại cho cô bạn.
– Chào Syly. Phòng rỗi chứ?
– Vừa xong, – cô gái tóc vàng trả lời vẻ gắt gỏng.
Mandy đẩy cửa và Raymond bước theo cô vào phòng. Căn phòng nhỏ và chật, ở một góc phòng có một chiếc giường nhỏ và một chiếc thảm xơ tướp. Tờ giấy dán tường màu vàng đã ngả màu bị bong một số chỗ. Một chiếc bồn rửa mặt gắn liền vào tường, chiếc vòi đang rỉ nước để lại một vệt màu nâu xỉn trên mặt men.
Mandy chìa tay chờ đợi.
– À quên mất, tất nhiên rồi – Raymond nói, đưa tay vào ví và thấy rằng anh chỉ còn có chín đô la.
Cô nhăn mặt “Xem chừng em có thể làm thêm giờ đêm nay rồi, phải không anh yêu?”. Cô hỏi, cẩn thận nhét tiền vào trong góc túi trước khi thản nhiên cởi quần áo.
Mặc dù động tác cởi quần áo của cô hoàn toàn không mang tính khêu gợi tình dục một chút nào, Raymond không khỏi choáng ngợp bởi vẻ đẹp của thân hình cô. Anh cảm thấy mình bị tách rời khỏi thế giới thực. Anh theo dõi cô, thèm muốn được cảm giác da thịt cô, nhưng không cử động. Cô nằm xuống giường.
– Không sao đâu, anh yêu. Em phải kiếm tiền chứ.
Raymond cởi quần áo rất nhanh, quay lưng lại phía giường. Anh gập quần áo thành một đống gọn gàng trên sàn vì không có một chiếc ghế nào. Rồi anh nằm lên trên cô. Tất cả mọi việc diễn ra trong vài phút.
– Anh vào nhanh đấy, anh yêu ạ. – Mandy nói, mỉm cười.
Raymond rời khỏi cô gái và bắt đầu cố hết sức cọ rửa mình trong chiếc bồn nhỏ tí xíu. Anh mặc quần áo vội vàng vì nhận ra anh cần phải rời khỏi nơi này càng nhanh càng tốt.
– Anh có thể thả em về chỗ trạm xăng được không? – Mandy hỏi.
– Phía đó thực sự là trái đường đi của tôi, anh nói, cố gắng không tỏ ra lo lắng khi anh bước ra ngoài. Anh vượt qua Syly trên cầu thang cùng một người đàn ông. Cô ta nhìn chằm chằm vào mặt anh một lần nữa. Vài phút sau anh đã ngồi trong xe. Anh lái xe rất nhanh về nhà nhưng vẫn nhớ mở cửa sổ xe cho bay hết mùi thuốc lá hôi và nước hoa rẻ tiền.
Quay trở lại đường Lansdowne, anh tắm rất lâu trước khi bò vào giường cạnh Joyce, cô chỉ hơi xoay người mà không nói gì.
Charles đưa vợ đi Ascot rất sớm để tránh tình trạng giao thông xe nọ đụng vào xe kia thường xảy ra vào cuối ngày. Với chiều cao của mình cùng bộ ria, anh rất hợp với chiếc áo có đuôi và một chiếc mũ có chop, còn Fiona thì đội một chiếc mũ mà bất kì ai không tự tin bằng cô sẽ coi là nực cười. Họ đã được mời tới gặp gia đình Macalpines vào buổi chiều, và khi họ tới nơi họ thấy Sir Robert đang đợi họ trong lô riêng của ông.
– Chắc ông đi sớm lắm phải không? – Charles hỏi, anh biết Macalpines sống ở trung tâm London.
– Khoảng ba mươi phút trước – ông trả lời, phá lên cười. Fiona tỏ ra hoài nghi mà vẫn cố giữ lễ độ.
– Tôi luôn tới đây bằng máy bay trực thăng – ông giải thích.
Họ ăn trưa với tôm hùm và dâu tây kèm với sâm banh chế từ nho ngon, và anh bồi bàn cứ phải luôn tay rót thêm. Có lẽ Charles đã không uống nhiều đến như vậy nếu anh không chọn đúng con ngựa thắng cuộc trong ba cuộc đua đầu. Trong cuộc đua thứ năm, anh gục trên chiếc ghế trong góc lô, và chỉ có tiếng reo hò của đám đông mới có thể giữ cho anh không thiếp đi.
Và nếu họ không chờ đợi để uống chia tay sau vòng đua cuối cùng, có lẽ sẽ không có chuyện gì xảy ra. Anh quên rằng ông chủ bữa tiệc sẽ đi về bằng máy bay trực thăng.
Một đoàn dài các xe đỗ xuyên suốt phố Windsor Great Park cho tới tận đường cao tốc làm Charles nóng đầu. Khi ra tới đường chính anh cho chiếc Daimler của mình tăng lên số bốn. Anh không chú ý tới chiếc xe của cảnh sát cho tới tận khi nghe thấy tiếng còi và anh được lệnh lái sang một bên đường.
– Hãy hết sức cẩn thận, Charles – Fiona thì thầm.
– Đừng lo, em. Anh biết chính xác cần phải làm gì với luật pháp – anh nói, và quay kính xe xuống nói với viên cảnh sát đứng cạnh xe – Thưa ông sĩ quan, ông có nhận ra tôi là ai không?
– Thưa ông, không, nhưng tôi muốn ông đi theo tôi.
– Tất nhiên là không, thưa ông sĩ quan, tôi là một thành viên của …
– Làm ơn giữ yên nào – Fiona nói – và đừng có làm cho mình trở thành thằng hề nữa.
– … của Quốc hội và tôi sẽ không bị đối xử…
– Anh có biết là anh nghe huênh hoang thế nào không, Charles?
– Ông có thể làm ơn đi theo tôi về đồn được chứ, thưa ông?
– Tôi muốn nói chuyện với luật sư của tôi.
– Tất nhiên là được, thưa ông. Ngay khi chúng ta về tới đồn.
Khi Charles về tới sở cảnh sát, anh hoàn toàn không thể đi vững được và từ chối việc lấy mẫu máu.
– Tôi là nghị sĩ đảng Bảo thủ của Sussex Downs.
Tất nhiên là không giúp gì cho anh rồi, Fiona nghĩ, nhưng anh không thèm nghe và chỉ yêu cầu cô gọi cho viên luật sư của gia đình ở Speechly, Bircham & Soames.
Sau khi Ian Kimmins đã nói chuyện, lúc đầu nhẹ nhàng, sau đó cứng rắn hơn với Charles, khách hàng của anh ta dần dần đồng ý hợp tác với cảnh sát.
Sau khi Charles đã viết xong lời khai, Fiona lái xe đưa Charles về nhà, lẩm nhẩm cầu nguyện là sự ngu ngốc của anh sẽ không bị giới báo chí chú ý.