Raymond nghiên cứu vụ án một lần nữa và quyết định tự mình sẽ đặt câu hỏi thẩm vấn. Anh đã có kinh nghiệm về quá nhiều cử tri sẵn sàng nói dối anh trong giờ làm việc cũng như với bất kỳ một quan toà nào tại bục làm chứng.
Anh quay số máy văn phòng Công tố viên. Ở đấy có một người có thể giảm bớt một nửa công việc của anh bằng một lời phán quyết.
– Chào ông Gould. Tôi có thể làm gì cho ông đây?
Raymond buộc phải mỉm cười. Angus Fraser là người đồng trang lứa với anh khi họ gặp nhau ở quán rượu, nhưng khi đã ở văn phòng thì anh ta đối xử với mọi người như nhau, không phân biệt người quen người lạ.
– Ông ta còn gọi cả vợ mình là “Bà Fraser” khi bà ta gọi điện đến văn phòng. – Có lần ngài Nigel đã kể cho Raymond như vậy. Raymond sẵn lòng tham gia vào trò chơi của anh ta.
– Chào ông Fraser. Tôi cần lời khuyên trong khả năng theo khuôn khổ văn phòng của ông.
– Tôi lúc nào cũng sẵn lòng phục vụ, thưa ông.
Câu này đẩy nghi thức đi quá xa.
– Tôi muốn nói chuyện với ông thêm về vụ án Paddy O’ Halloran. Ông còn nhớ chứ?
– Tất nhiên rồi. Bất kỳ ai trong văn phòng này đều nhớ vụ án ấy.
– Tốt lắm, – Raymond nói, thế thì ông sẽ biết ông có thể giúp tôi nhiều như thế nào trong vệc làm sáng rõ cái mớ bòng bong này. Một nhóm cử tri của tôi, những người mà tôi không thể tin tưởng hơn cái đầm ném đá của tôi, khai là O’ Halloran bị dàn xếp cho vụ cướp nhà băng ở phố Princes năm ngoái. Họ không bác bỏ việc anh ta có những xu hướng tội phạm, – Raymond hẳn đã cười khoái trá nếu như người đang nghe anh nói không phải là Augus Fraser. – Nhưng họ nói rằng anh ta không hề rời khỏi quán rượu có tên là Walter Scott trong suốt thời gian xảy ra vụ cướp. Những gì ông phải nói cho tôi biết, thưa ông Fraser, là ông tin chắc O’ Halloran phạm tội, nếu vậy tôi sẽ không thẩm vấn gì nữa. Nếu ông không nói gì tôi sẽ đào xới kỹ vụ này.
Raymond đợi, nhưng chẳng nhận được một lời đáp lại nào cả.
– Cảm ơn ông Fraser. Tôi sẽ gặp ông vào trận bóng ngày thứ Bảy này. – Fraser vẫn tiếp tục im lặng.
– Tạm biệt, ông Fraser.
– Chúc một ngày tốt lành, ông Gould.
Raymond bình tĩnh trở lại. Sẽ là một sự tập dượt lâu dài đây, nhưng ít ra cũng là dịp để sử dụng kỹ năng về luật pháp thay mặt cho cử tri, và có thể thậm chí điều đó sẽ nâng cao thanh thế của anh trong Nghị viện. Anh bắt đầu kiểm tra với tất cả những người khẳng định rằng O’ Halloran có bằng chứng ngoại phạm vào đêm đó. Sau khi hỏi tám người đầu tiên, anh buộc phải kết luận rằng không ai trong số họ đáng tin để làm chứng. Mỗi lần gặp gỡ thêm một bạn bè của O’ Halloran, ý nghĩ “Thử tìm hiểu nữa xem sao” cứ luôn trong óc anh. Đã đến lúc phải nói chuyện với ông chủ quán rượu.
– Tôi không chắc chắn lắm, thưa ông Gould, nhưng theo tôi anh ta có mặt ở đây vào tối hôm ấy. Vấn đế là ở chỗ O’ Hallloran hầu như tối nào cũng đến, Thật khó mà nhớ lại.
– Ông có biết ai đấy có thể nhớ chuyện này không? Mà ông có thể giao phó cho hộp đựng tiền ấy.
– Được vậy thì vận may của ông trong quán này tăng nhiều, ông Gould ạ. – Ông chủ quán rượu nghĩ ngợi một giây. – Tuy nhiên, có bà Bloxham, – ông ta vừa nói, vừa vắt chiếc khăn lau chén bát qua vai. – Đêm nào bà ấy cũng ngồi trong cái góc ở đằng kia. Ông ta chỉ tay về phía chiếc bàn nhỏ vừa đủ cho một người ngồi, chứ chưa nói gì đến hai người. – Nếu bà ấy nói anh ta có mặt ở đây, nghĩa là đúng như vậy. Raymond hỏi ông chủ quán nơi ở của bà Bloxham rồi sau đó rẽ vào đường 43 Mafeking với hy vọng gặp được bà ta ở nhà. Anh đi xuyên qua đám trẻ chơi bóng trên đường.
– Lại có cuộc Tổng tuyển cử nữa sao, ông Gould? – bà già nghi ngờ hỏi vọng ra khi nhòm qua khe thư.
– Không đâu, không có gì liên quan đến chính trị đâu, thưa bà Bloxham – Raymond vừa nói, vừa cúi chào. – Tôi đến để xin bà một lời khuyên về vấn đề cá nhân.
– Thế thì vào đây cho khỏi lạnh nào. – Bà già vừa nói, vừa mở cửa cho anh. – Ở hành lang này có gió lùa độc lắm.
Raymond đi sau bà già đang kéo lê đôi dép ở nhà, xuôi theo hành lang cáu bẩn vào một cái phòng mà anh cho rằng còn lạnh hơn cả ngoài trời nữa.
Trong phòng không có đồ trang trí ngoài trừ một cây thánh giá trên mặt lò sưởi chật hẹp, nằm dưới bức ảnh Đức mẹ Đồng trinh Mary bằng phấn màu. Bà Bloxham ra hiệu cho Raymond đến bên chiếc ghế gỗ bên cạnh chiếc bàn chưa trải khăn. Bả lão thả cái thân hình phục phịch của mình xuống chiếc ghế nhồi lông ngựa. Chiếc ghế kêu răng rắc dưới trọng lượng của bà ta và một sợi lông ngựa rơi xuống sàn. Raymond hướng cái nhìn khỏi bà già ấy khi anh vừa thấy tấm khăn choàng đen và chiếc váy mà bà ta có lẽ đã mặc hàng nghìn lần rồi. Khi đã yên vị trên chiếc ghế, bà Bloxham hất đôi dép lê ra khỏi chân, – “Chân với cẳng vẫn cứ làm phiền tôi”, – bà ta giải thích.
Raymond cố gắng không để lộ ra vẻ ghê tởm.
– Bác sĩ có vẻ như không giải thích được vì sao lại sưng như vậy, – bà già tiếp tục nói với giọng thản nhiên.
Raymond nghiêng mình về phía chiếc bàn, và phát hiện ra nó quả là một thứ đồ gỗ đẹp mắt, thật chẳng phù hợp chút nào với đồ đạc xung quanh. Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy những cái chân bàn chạm trổ thời Georgia. Bà Bloxham nhận ra sự thán phục trong mắt anh. “Cụ ông tặng cho cụ bà của tôi cái bàn này khi hai người mới cưới nhau đấy, ông Gould ạ”.
– Nó tuyệt đẹp, – Raymond nói.
Nhưng dường như bà ta không nghe thấy, vì bà ta chỉ đáp lại bằng vẻn vẹn một câu “Tôi có thể giúp gì ông đây?”.
Raymond kể lại câu chuyện về O’ Halloran. Bà Bloxham lắng nghe chăm chú, người hơi ngả về phía trước và bàn tay khum lại đặt bên tai để đảm bảo nghe được rõ từng lời.
– Cái tay O’ Halloran đó thật là đồ quỷ, – bà già nói. – Không thể tin được. Đức mẹ rất thánh sẽ phải hết sức nhân từ mới cho những loại người như hắn bước lên Thiên đàng. – Raymond buộc phải mỉm cười. – Tôi cũng chẳng trông mong gì gặp nhiều chính khách như thế khi tôi lên đó đâu, – bà ta nói thêm, rồi cười một nụ cười móm mém với Raymond.
– Liệu O’ Halloran có thể có mặt ở quán rượu buổi tối thứ Sáu như bạn bè của anh ta khai báo không? – Raymond hỏi.
– Hắn ta ở đó suốt tối, – bà Bloxham nói. Không nghi ngờ gì nữa, vì tôi nhìn thấy mà.
– Sao bà có thể chắc chắn như vậy.
– Hắn ta đã làm đổ bia lên cái váy đẹp nhất của tôi, mà tôi biết thể nào cũng có chuyện vào ngày mười ba, nhất là ngày đó rơi vào thứ Sáu. Tôi không thể tha thứ cho hắn ta về chuyện này. Tôi vẫn chưa gột sạch cái vết bẩn ấy mặc dù dùng đủ các loại bột giặt người ta quảng cáo trên Tivi.
– Tại sao bà không nói ngay với cảnh sát?
– Họ không hỏi, – bà già thản nhiên trả lời. – Họ đã theo dõi hắn rất lâu vì nhiều chuyện mà họ không thể nào đổ vấy cho hắn được, nhưng về chuyện hắn ta có mặt ở quán rượu là rõ ràng.
Raymond ghi chép xong, rồi đứng lên ra về. Bà Bloxham phục phịch đứng dậy khỏi chiếc ghế, lúc này làm tung lả tả nhiều lông ngựa hơn xuống sàn. Họ cùng nhau đi về phía cửa.
– Xin lỗi ông, tôi đã không thể mời ông một tách trà vì vào lúc này chuyện đó nằm ngoài khả năng của tôi, – Bà ta nói, – nhưng nếu như ông mà đến ngày mai thì mọi thứ đều đầy đủ cả.
Raymond dừng lại bên ngưỡng cửa.
– Ngày mai tôi mới nhận lương hưu, ông biết đấy, – bà ta đáp lại câu hỏi không thành lời của Raymond.
Elizabeth nghỉ làm một ngày để cùng Simon đi Redcorn phỏng vấn. Một lần nữa, bọn trẻ lại phải ở nhà với cô trông trẻ. Báo chí địa phương và trung ương đã biến anh thành một ứng cử viên được ưa chuộng mà mọi người mong thắng cử cho chiếc ghế mới. Elizabeth mặc cái mà cô gọi là bộ quần áo Bảo thủ đẹp nhất của mình với chiếc áo màu xanh lơ nhạt có cổ áo màu xanh đậm che giấu hết tất cả, như lời Simon nhận xét, chạm vừa khít đầu gối.
– Ồ, tôi không thể nào nhận ra bà đâu, thưa bác sĩ, – Simon tươi cười nói.
– Dễ hiểu thôi, – cô đáp lại, – Em đã cải trang thành vợ của một chính khách mà.
Chuyến đi từ King’ s Cross đến Newcastle mất ba tiếng hai mươi phút bằng chiếc tàu mà trên bảng giờ tàu đề “tàu tốc hành”. Ít ra thì Simon cũng đủ thời gian đọc hết một đống giấy tờ được cho vào thùng thư của anh ở Nghị viện. Anh nhớ lại một điều là những viên chức nhà nước, những người làm việc chính thức trong công sở ít dành thời gian để các chính khách lôi kéo bản thân họ vào chuyện chính trị. Chắc hẳn họ sẽ chẳng thú vị gì khi biết anh đã dành một giờ liền trong chuyến đi để đọc hết bốn tờ tuần báo “Tin tức Redcorn” mới nhất.
Tại Newcastle họ được bà vợ của người thủ quỹ Hiệp hội đón, ông ta tình nguyện hộ tống Bộ trưởng và phu nhân tới khu vực bầu cử để đám bảo việc họ sẽ đến cuộc phỏng vấn đúng giờ. “Mọi người thật quan tâm quá”, Elizabeth nói, trong khi nhìn kỹ phương tiện giao thông mà người ta chọn để đưa họ đi tiếp chặng đường sáu mươi dặm nữa.
Chiếc xe mini Autin cổ lỗ đi thêm một tiếng rưỡi nữa trên con đường ngoằn ngoèo rồi mới tới điểm dừng, mà bà vợ của người thủ quỹ không hé răng suốt cả chặng đường đi. Khi Simon và Elizabeth ra khỏi xe tại thị trấn Redcorn, họ thấy kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.
Vợ của người thủ quỹ dẫn họ tới trụ sở của khu vực bầu cử rồi giới thiệu cả hai với ông điều hành cuộc vận động.
– Rất mừng là ông bà đã tới, – ông ta nói. Chuyến đi thật kinh khủng, phải không?
Elizabeth cảm thấy không thể không đồng ý với nhận xét của ông ta. Nhưng trong lúc này, cô không nói gì, bởi vì đây sẽ là cơ hội tốt nhất để Simon có thể quay lại Nghị viện, nên cô đã quyết định cho anh bất cứ sự ủng hộ nào mà cô có thể có. Tuy nhiên, cô cảm thấy ghê sợ khi nghĩ đến việc chồng cô sẽ đi Redcorn hai lần trong một tháng, vì cô lo rằng họ sẽ còn ít gặp nhau hơn nữa, ấy là còn chưa nói đến chuyện con cái.
– Thể lệ như sau, – người phụ trách cuộc vận động bầu cử mở đầu, – chúng tôi sẽ phỏng vấn sáu ứng cử viên, và ông sẽ là người được hỏi cuối cùng. – Ông ta nháy mắt một cách ranh mãnh. Simon và Elizabeth mỉm cười vu vơ.
– Tôi e rằng ít nhất sau một tiếng nữa họ mới sẵn sàng phỏng vấn ông, vì thế ông bà sẽ có thời gian dạo quanh thị trấn.
Simon vui sướng vì có dịp sải dài đôi chân và xem xét kỹ hơn thị trấn Redcorn. Anh và Elizabeth chậm rãi dạo chơi khắp thị trấn buôn bán xinh xắn ấy, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nền kiến trúc thời Elizabeth còn trụ lại sau những kế hoạch phát triển thị trấn vô trách nhiệm và tham lam. Thậm chí họ còn trèo lên đồi để nhìn vào bên trong nhà thờ cao vút tuyệt đẹp so với khung cảnh xung quanh.
Trên đường về qua những cửa hiệu phố High, Simon gật đầu chào những người dân địa phương, những người dường như nhận ra anh.
– Nhiều người có vẻ như biết anh nhỉ, – Elizabeth nói, và ngay lúc đó họ nhìn thấy bản yết thị ở bên ngoài một quầy báo. Họ ngồi xuống chiếc ghế băng trên quảng trường và đọc bài báo ở trang đầu in, dưới bức ảnh phóng to của Simon.
Nghị sĩ tương lai của vùng Redcorn? – Đó là đầu đề của bảng yết thị. Bài viết bộc lộ một điều là mặc dù Simon Kerslake phải được coi là người được ái mộ, nhưng mọi người dân vẫn nghĩ Bill Travers, một nông dân địa phương, người từng làm Chủ tịch hội đồng hạt năm ngoái, sẽ có cơ hội đến từ phía ngoài. Simon bắt đầu cảm thấy đau trong bụng. Điều này làm anh nhớ lại ngày anh trả lời phỏng vấn ở Trung Coventry gần tám năm về trước. Vậy mà giờ đây, ở cương vị một Bộ trưởng trong Nội các Chính phủ, mà anh không thấy bớt hồi hộp chút nào. Khi anh cùng Elizabeth trở lại trụ sở của khu vực bầu cử, họ được báo là mới chỉ có hai ứng cử viên trả lời phỏng vấn còn người ta đang phỏng vấn người thứ ba. Họ lại đi vòng quanh thị trấn lần nữa, lần này còn chậm rãi hơn ngắm nhìn những người bán hành kéo những cánh cửa màu mè và đổi mặt tấm biển “Mở cửa” thành “Đóng cửa”.
– Thật là một thị trấn kinh doanh dễ chịu. – Simon nói.
– Người dân ở đây có vẻ lịch sự, chỉ sau dân London. – Cô nhận xét.
Anh mỉm cười và họ quay về trụ sở của Đảng. Trên đường, khi đi ngang qua những người dân ở thị trấn, Simon có cảm giác hẳn là anh sẽ lấy làm hãnh diện được làm đại diện cho những con người nhã nhặn ấy.
Mặc dù họ đi chậm, Elizabeth và anh không thể kéo dài chuyến đi thêm ba mươi phút nữa. Khi trở lại trụ sở khu vực Bầu cử lần thứ ba, người ứng cử viên thứ tu đang rời khỏi phòng. Mặt bà ta lộ rõ sự chán nản. “Sẽ không còn lâu đâu”, – người quản lý cuộc vận động nói. Tuy nhiên phải mất bốn mươi phút nữa họ mới nghe tiếng vỗ tay lẹt đẹt, rồi một người đàn ông mặc áo khoác vải tuýt xy và quần màu nâu bước ra khỏi phòng. Vẻ mặt ông ta cũng không hạnh phúc.
Người ta chỉ đường cho Simon và Elizabeth, và khi họ bước vào thì mọi người trong phòng đều đứng dậy. Ông Bộ trưởng Nội các không thường xuyên đến thăm Redcorn. Simon đợi cho đến khi người ta đưa Elizabeth vào chỗ, mới ngồi xuống chiếc ghế ở giữa phòng đối diện với Hội đồng Phỏng vấn. Anh ước chừng năm mươi người có mặt và tất cả bọn họ đều dồn mắt vào anh, không hề khiêu khích, mà đơn giản vì hiếu kỳ. Anh nhìn những gương mặt dãi dầu sương gió. Hầu hết mọi người, cả nam giới lẫn phụ nữ, đều mặc quần áo vải tuýt xy. Simon cảm thấy lạc lõng so với họ trong bộ đồ kẻ sọc thẫm màu kiểu thị thành.
– Và bây giờ, – ông Chủ tịch nói, – chúng ta chào mừng ông nghị sĩ rất tôn kính Simon Kerslake.
Simon buộc phải mỉm cười trước sự nhầm lẫn mà rất nhiều người hay mắc khi cho rằng các Bộ trưởng Nội các đương nhiên là thành viên của Hội đồng cơ mật Hoàng gia, do đó thường thêm phần đầu “rất tôn kính” thay vì chỉ nói “tôn kính” dành cho tất cả các nghị sĩ Quốc hội.
– Ông Kerslake sẽ phát biểu trong vòng hai mươi phút, và sau đó ông sẽ vui lòng chấp nhận trả lời các câu hỏi, – ông Chủ tịch nói thêm.
Simon tin chắc bài phát biểu của anh rất hay, nhưng ngay cả những lời châm biếm đã được lựa chọn kỹ lưỡng cũng chẳng nhận được phản ứng gì ngoài một nụ cười, và những nhận xét quan trọng hơn của anh chỉ nhận được rất ít phản ứng. Đây không phải là nhóm người được phép biểu lộ tình cảm của mình. Khi kết thúc bài phát biểu, anh ngồi xuống trong tiếng vỗ tay và ù rầm đầy kính trọng.
– Còn bây giờ ông Bộ trưởng sẽ trả lời các câu hỏi, – ông Chủ tịch nói.
– Quan điểm của ông về án treo cổ là như thế nào? – Một người phụ nữ trung niên, mặt mày giận dữ, mặc bộ quần áo tuýt xy màu xám ngồi ở hàng ghế đầu tiên hỏi.
Simon giải thích lý do vì sao anh là người chủ trương xóa bỏ án tử hình.
Vẻ cau có không hề biến mất trên khuôn mặt của người đặt câu hỏi và Simon thầm thì nghĩ chắc hẳn bà ta trông sẽ hạnh phúc hơn nếu có Ronnie Nethercote trong hàng ngũ của mình.
Một nguời đàn ông mặc bộ đồ bằng da hỏi Simon nghĩ thế nào về tiền trợ cấp nông nghiệp trong năm ấy.
– Rất nhiều cho sản xuất trứng, hạn chế đối với sản xuất thịt bò, và là thảm họa đối với những người chăm nuôi lợn. Hay ít ra đó là những gì tôi đọc ở trang đầu tờ “Tuần báo Nhà nông” ngày hôm qua.
Lần đầu tiên có một vài tiếng cười. – Điều này không có nghĩa là bây giờ tôi có kiến thức rộng về nghề nông, nhưng nếu như tôi chỉ may mắn được bầu chọn cho Redcorn, tôi sẽ cố gắng học thật nhanh và với sự giúp đỡ của các vị, tôi hy vọng sẽ nắm vững những vấn đề của nông dân ở đây. – Một vài người gật đầu tán thành.
– Tôi xin phép được hỏi bà Kerslake một câu? – Một người phụ nữ cao, gầy có dáng vẻ chưa chồng đứng dậy đúng tầm mắt của ông Chủ tịch. – Cô Tweedsmuir, Chủ tịch của Tổ chức Tư vấn các bà các cô, – bà ta nói tên mình bằng một giọng the thé. – Nếu như ông nhà được đề nghị ghế, bà có sẵn sàng tới và sống ở Northumber land không?
Elizabeth đã rất sợ câu hỏi này vì cô biết nếu Simon được đại diện cho khu bầu cử này người ta sẽ trông mong cô bỏ việc ở bệnh viện. Simon quay lại và nhìn về phía vợ.
– Không. – Elizabeth trả lời thẳng. – Tôi là bác sĩ ở Bệnh viện St. Mary, chuyên môn của tôi về sản và phụ khoa. Tôi ủng hộ chồng tôi, nhưng cũng giống như Magaret Thatcher, tôi tin rằng mỗi người phụ nữ đều có quyền có một học vấn tốt và sau đó có cơ hội để sử dụng bằng cấp của mình để đạt những ưu thế tốt nhất.
Tiếng vỗ tay rào rào vang khắp phòng và Simon mỉm cười với vợ.
Câu hỏi tiếp theo là về Thị trường Chung, Simon đã phát biểu rõ ràng những lý do anh ủng hộ ước vọng của Thủ tướng là được nhìn thấy nước Anh như một bộ phận của thị trường chung Châu Âu.
Simon trả lời tiếp những câu hỏi từ vấn đề về nghiệp đoàn đến vấn đề bạo lực trên truyền hình, cho đến khi ông Chủ tịch hỏi “Còn có câu hỏi nào nữa không?”. Im lặng kéo dài một lúc và ngay khi ông Chỉ tịch sắp sửa cảm ơn Simon thì người phụ nữ có vẻ mặt cau có ở hàng ghế đầu, không cần ông Chủ tịch đồng ý, hỏi quan điểm của ông Kerslake về nạo thai.
– Về mặt đạo đức, tôi chống lại, – Simon nói. Khi Luật nạo phá thai được ban hành nhiều người trong số chúng tôi tin rằng nó sẽ hạn chế làn sóng ly hôn. Nhưng chúng tôi đã lầm. Tỷ lệ ly hôn tăng gấp bốn. Tuy nhiên, trong trường hợp bị cưỡng bức hoặc do sợ bị tổn thương về mặt tinh thần hay thể lực khi sanh đẻ, chúng tôi ủng hộ việc đưa ra những lời khuyên giải y tế đúng lúc, Elizabeth và tôi có hai con và công việc của nhà tôi là làm sao để những đứa trẻ được sinh ra an toàn, – anh nói thêm.
Đôi mắt cau có chuyển thành một vạch thẳng. – Cảm ơn ông bà, – ông Chủ tịch nói. – Ông bà rất tử tế đã dành cho chúng tôi nhiều thời gian như vậy. Có lẽ ông và bà Kerslake sẽ vui lòng đợi ở bên ngoài.
Simon và Elizabeth nhập hội với những ứng cử viên đang hy vọng khác, với các bà vợ của họ và người quản lý cuộc vận động trong một phòng nhỏ, tối tăm ở phía sau tòa nhà. Khi nhìn thấy cái bàn trống một nửa trước mặt, cả hai người nhớ rằng họ vẫn chưa ăn gì từ trưa tới giờ, và họ hau háu muốn biết những gì còn lại của những chiếc bánh Sandwich dưa chuột và bánh kẹp xúc xích lạnh kia.
– Sau đó sẽ là gì? – Simon lúng búng hỏi ông quản lý cuộc vận động.
– Không có gì khác lạ cả. – Người ta sẽ bàn bạc, cho phép tất cả mọi người bày tỏ ý kiến của mình, sau đó họ bỏ phiếu. Tất cả khoảng hai mươi phút.
Elizabeth nhìn đồng hồ, đã bảy giờ mà chuyến tàu cuối cùng vào lúc chín giờ mười lăm.
Một giờ sau, vẫn không có người nào bước ra khỏi phòng phỏng vấn, ông quản lý cuộc vận động khuyên tất cả các ứng cử viên, những người sắp sửa phải đi một hành trình dài, rằng có lẽ họ nên đăng ký vào khách sạn Bell Inn ở ngay bên kia đường.
Simon nhìn quanh thì thấy rõ là tất cả mọi người khác đã làm như vậy từ trước rồi.
– Tốt hơn, anh ở lại đây phòng trường hợp người ta gọi anh, – Elizabeth nói, – Em sẽ đi và đặt phòng, tiện thể gọi điện xem bọn trẻ đang làm gì. Khéo bây giờ chúng nó đang ăn thịt cô trông trẻ mất.
Simon mở chiếc hộp đỏ và cố làm một số công việc khi Elizabeth đi khỏi về phía khách sạn Bell Inn.
Người đàn ông có dáng vẻ một nông dân tiến lại và tự giới thiệu.
– Tôi là Bill Travers, Chủ tịch của khu vực bầu cử mới này, – ông ta bắt đầu nói. – Tôi chỉ muốn nói rằng tôi sẽ hoàn toàn ủng hộ ông với tư cách Chủ tịch nếu như ủy ban chọn ông.
– Cảm ơn ông, – Simon đáp lại.
– Tôi đã từng hy vọng được đại diện cho vùng này như ông tôi ngày xưa. Nhưng tôi hiểu rằng vùng Redcorn này thích chọn một người có chí hướng vào nội các hơn là một người mà suốt đời chỉ thích ngồi ở hàng ghế sau.
Simon có ấn tượng về sự thẳng thắn và tự tin của lời phát biểu của ông ta và muốn đáp lại những lời chân thành, nhưng ông Travers đã nhanh chóng nói thêm: “Hãy tha lỗi cho tôi, tôi sẽ không làm tốn thêm thời giờ của ông nữa đâu. Tôi có thể thấy…” – ông ta nhìn xuống cái hộp đỏ. – “Ông đang có nhiều việc phải làm”.
Simon cảm thấy hối hận khi người đàn ông đó đi khỏi. Vài phút sau Elizabeth quay lại và gượng mỉm cười. “Cái phòng còn lại duy nhất còn nhỏ hơn phòng trẻ của Peter và quay mặt ra đường, cho nên sẽ rất ồn”.
– Ít ra không có đứa trẻ con nào nói “con đói”, – anh nói và nắm lấy tay cô. Khoảng sau chín giờ một chút thì ông Chủ tịch mệt mỏi bước ra và đề nghị tất cả các ứng cử viên chú ý. Những ông chồng và các bà vợ của họ đều quay mặt về phía ông ta. “Ủy ban chúng tôi muốn cảm ơn các ông bà đã trải qua thủ tục quyết liệt này. Chúng tôi thật khó quyết định một vấn đề mà chúng tôi hy vọng không phải bàn bạc lại trong vòng hai mươi năm”. – Ông ta dừng lại. “Ủy ban sẽ mời ông Bill Travers tranh chiếc ghế cho vùng Redcorn trong cuộc tranh cử tiếp theo”. Chỉ trong một câu nói, tất cả đều chấm hết. Họng Simon khô khốc.
Anh và Elizabeth không ngủ được mấy trong căn phòng chật hẹp tại khách sạn Bell Inn, và cái điều mà người đưa tin báo cho về kết quả bỏ phiếu cuối cùng 25 – 23 cũng không giúp gì cho họ.
– Em nghĩ cái bà cô Tweedsmuir không thích em. – Elizabeth nói, cảm thấy hối hận. – Nếu em trả lời em sẽ sẵn sàng sống ở khu vực bầu cử, thì chắc hẳn cái ghế ấy đã được dành cho anh rồi.
– Anh không tin, – Simon nói. Trong mọi trường hợp, chẳng ích gì khi đồng ý với những điều kiện của họ vào lúc phỏng vấn, rồi sau đó lại dùng những quan điểm riêng của mình khi đã được đề cử cho khu vực bầu cử. Anh đoán rằng em sẽ thấy là Redcorn đã tìm được đúng người đại diện cho mình,
Elizabeth mỉm cười với chồng, trong lòng cảm kích về sự hỗ trợ của anh.
– Sẽ còn các ghế khác nữa, – Simon nói, quá biết thời gian không còn nữa. – Rồi em sẽ thấy.
Elizabeth thầm ước anh nói đúng, rằng lần sau việc lựa chọn khu vực bầu cử sẽ không buộc cô phải đối mặt với vấn đề nan giải mà đến nay cô vẫn cố gắng tránh.
Joyce lại đến London như thường kỳ khi Raymond nhận chân luật sư Hoàng gia và trở thành Cố vấn Nữ hoàng. Cô quyết định nhân dịp này sẽ đến cửa hàng Tổng hợp Marks and Spencer. Cô nhớ lại lần đầu tiên đến cửa hàng này nhiều năm trước đây khi cô cùng chồng tới gặp Thủ tướng. Raymond đã tiến nhiều trên con đường công danh kể từ đó tới giờ, mặc dù quan hệ giữa hai người dường như tiến triển rất ít. Cô không thể không nghĩ đến Raymond ngày càng trông đẹp hơn ở cái tuổi trung niên, và cảm thấy sợ rằng không thể nói như vậy về bản thân.
Cô thích thú theo dõi buổi lễ theo luật lệ khi chồng cô được giới thiệu với các vị thẩm phán trong tòa, người ta nói những lời Latin nhưng không hiểu gì. Bỗng nhiên chồng cô – Raymond Gould, Cố vấn Nữ hoàng, Nghị sĩ Quốc hội.
Cô và Raymond đến muộn để dự buổi tiệc chúc mừng ở văn phòng luật sư. Dường như tất cả mọi người đều có mặt đông đủ để chúc mừng chồng cô, Raymond cảm thất tràn đầy hãnh diện khi ngài Nigel trao cho anh một ly champagne. Ngay khi ấy anh nhìn thấy dáng hình quen thuộc bên lò sưởi và nhớ ra vụ án ở Manchester đã chấm dứt. Anh cố đi vòng quanh căn phòng, nói chuyện với mọi người trừ Stephanie Arnold. Anh lo sợ khi quay lại, thấy cô ta đang tự giới thiệu với vợ anh, Mỗi lần anh nhìn về phía họ, hai người có vẻ đang say sưa nói chuyện.
– Thưa quý bà, quý ông! – Ngài Nigel nói, đập mạnh tay lên bàn. Ông đợi cho mọi người im lặng. – Chúng ta luôn tự hào khi một người của văn phòng chúng ta trở thành luật sư Hoàng gia. Đó chính là lời khen đối với không chỉ người ấy mà còn dành cho cả văn phòng của anh ta nữa. Và đó lại là một luật sư Hoàng gia trẻ nhất, – chưa đầy bốn mươi tuổi – thì càng tăng thêm niềm tự hào của chúng ta. Tất cả các ngài tất nhiên đều biết Raymond còn phục vụ ở một vị trí khác nữa mà chúng ta trông đợi anh ấy sẽ giành được những vinh quang còn lớn hơn. Cuối cùng, cho phép tôi nói thêm, thật thú vị biết mấy khi phu nhân của anh, Joyce, cũng cùng vui với chúng ta đêm nay. Thưa quý bà, quý ông, – ông ta nói tiếp. – Hãy nâng cốc chúc mừng Raymond Gould, Cố vấn luật của Nữ hoàng.
Tiếng vỗ tay kéo dài và chân thành. Khi các đồng nghiệp lại gần và chúc mừng anh, anh không thể không nhận thấy Stephanie và Joyce lại quay vào trò chuyện với nhau. Raymond được trao một ly Champagne nữa thì cũng vừa lúc một cậu học trò trẻ tuổi rất nghiêm chỉnh Patrick Montague, người vừa mới chuyển từ văn phòng luật Bristol tới, nhập vào nói chuyện với anh. Mặc dù Montague đến làm việc cùng họ đã vài tuần, nhưng chưa bao giờ Raymond chuyện trò lâu với anh ta. Anh ta có vẻ có quan điểm rõ ràng về luật hình sự và những thay đổi cần thiết. Lần đầu tiên trong đời Raymond cảm thấy mình không còn trẻ trung gì nữa.
Bỗng nhiên, hai người phụ nữ xuất hiện bên cạnh anh.
– Chào anh, Raymond.
– Chào cô, Stephanie – anh lúng túng nói và nhìn vợ nôn nóng – Cô có biết Patrick Montague không? – Anh đãng trí hỏi.
Cả ba người phá lên cười.
– Có chuyện gì buồn cười vậy?
– Quả là đôi khi anh làm em khó xử, Raymond ạ.- Joyce nói. Chắc anh phải biết chuyện Stephanie và Patrick đã đính hôn chứ?