Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Vượt Lên Hàng Đầu

Chương 13

Tác giả: Jeffrey Archer

– Anh hãy giải thích tại sao Simon Kerslake thất bại trong cuộc bầu phiếu ngày hôm qua?

Charles nhìn ông Trưởng ban Tổ chức Nghị viện từ bên này bàn.

– Tôi không thể. – Anh nói. – Tôi vẫn phân phát tờ tuần báo “Phòng Tổ chức” cho anh ta giống như mọi người trong nhóm tôi.

– Vậy thì điều này có nghĩa như thế nào?

– Tôi nghĩ anh chàng tội nghiệp ấy đã tốn thời gian đi khắp nước để tìm một ghế cho cuộc bầu cử sắp tới.

– Đấy không phải là lý do, – ông trưởng ban nói, – Nhiệm vụ của Nghị viện phải đứng hàng đầu, mọi Nghị viên đều rõ điều đó. Anh ta thất bại trong cuộc bầu phiếu vì một điều khoản hết sức quan trọng, trong khi mọi người khác của nhóm đều tỏ ra rất đáng tin. Có lẽ tôi phải nói chuyện với anh ta chăng?

– Không nên đâu, theo tôi ông không nên làm chuyện này, – Charles nói, trong lòng ngại rằng giọng mình nghe có vẻ quá khẩn khoản. – Tôi nghĩ rằng đây là trách nhiệm của tôi. Tôi sẽ nói chuyện với anh ta và để ý để sự việc như này không lặp lại nữa.

– Thôi được, Charles, nếu đây là cách mà anh muốn. Ơn Chúa, chuyện này không thể kéo dài lâu hơn nữa, và cái điều khoản ấy chẳng mấy chốc sẽ trở thành luật, mà chúng ta phải hết sức cẩn trọng về mọi điều khoản. Đảng Lao động biết quá rõ rằng nếu họ đánh bại chúng ta về một điều khoản trọng yếu nào đó, họ có thể nhấn chìm toàn bộ dự luật, mà nếu tôi bị thua về một trong những điều khoản đó do một cuộc bầu phiếu duy nhất, tôi sẽ cắt cổ Kerslake. Và cả bất cứ người nào chịu trách nhiệm nữa.

– Tôi sẽ bảo đảm để anh ta biết được ý kiến của ông. – Charles nói.

– Thái độ của Fiona như thế nào khi dạo này anh hay về muộn? – Ông trưởng ban hỏi, cuối cùng thì đã dịu lại.

– Tốt lắm, rất quan tâm. Quả thực, vì ông vừa nhắc đến, tôi mới thấy chưa bao giờ cô ấy tử tế như bây giờ.

– Tôi thì không thể nói rằng bà nhà tôi thích thú với “những trò ngớ ngẩn ấu trĩ” này, đấy là lời bà ấy mô tả về những buổi họp muộn liên tục của chúng ta. Tôi đã phải hứa sẽ đưa bà ấy đến Tây Ấn Độ vào mùa đông này để bù lại. Thế nhé, tôi để cho anh tự giải quyết với Kerslake. Cứng rắn vào, Charles.

-Norman Edward? – Raymond nhắc lại không tin vào tai mình. – Tổng thư ký của Nghiệp đoàn xe tải hay sao?

– Đúng vậy, – Fred Raymond vừa nói, vừa đứng dậy ra khỏi bàn làm việc của mình.

– Nhưng ông ta đã đốt cháy cuốn “Đủ việc là bằng mọi giá” trong đám lửa hội trước mặt tất cả các nhà báo mà ông ta đã đặt tay lên bàn để thề sẽ chứng kiến ngọn lửa thiêu kia mà.

– Tôi biết, – Fred nói, vừa cất lại bức thư vào tủ đựng tài liệu. – Tôi chỉ là người quản lý cuộc vận động của ông thôi. Tôi không phải ở đây để giải thích những điều bí ẩn của thế giới.

– Ông ta muốn gặp tôi khi nào? – Raymond hỏi.

– Càng nhanh càng tốt.

– Tốt hơn, anh thử hỏi xem liệu ông ta có thể tới nhà tôi uống một chút gì đó vào lúc sáu giờ hay không?

Raymond đã phải trải qua những giờ nặng nề trong văn phòng vào ngày thứ Bảy và chỉ đủ thời gian vớ lấy cái bánh Sandwich ở quán rượu trước khi đi xem trận đấu bóng giữa Leeds và Liverpool. Mặc dù anh chẳng bao giờ quan tâm đến bóng đá, nhưng bây giờ cứ hai tuần một lần anh thường xuyên ngồi ở khoang của người điều hành trước con mắt của toàn bộ cử tri.

Trong khi ủng hộ đội bóng đá địa phương của mình, anh đã bắn một mũi tên trúng hàng ngàn đích. Anh cẩn thận dùng lại cái giọng Yorkshine xưa kia của mình mỗi khi nói chuyện với đám thanh niên trong phòng thay quần áo sau trận đấu, mà không phải bằng giọng mà anh thường dùng để trình bày với thẩm phán của tòa trong tuần làm việc.

Leeds thắng với tỷ số 3-2, sau trận bóng, Raymond cùng những người điều khiển vào phòng lãnh đạo uống mừng và gần như quên mất cuộc gặp với Norman Edward.

Joyce đang ở trong vườn và chỉ cho người lãnh đạo nghiệp đoàn những bông hoa tuyết đầu mùa của mình thì Raymond về nhà.

– Xin lỗi tôi đã về muộn, – anh nói to vừa treo cái khăn quàng cổ vàng pha đen của mình lên mắc. – Tôi vừa xem trận bóng địa phương.

– Đội nào thắng?

– Dĩ nhiên Leeds. Nào mời anh vào nhà, ta làm cốc bia. – Raymond nói.

– Tôi thích Vodka hơn.

Hai người đàn ông vào nhà trong khi Joyce vẫn tiếp tục làm vườn.

– Thế đấy, – Raymond vừa nói, vừa rót cho khách một ly Smironoff. – Điều gì khiến anh mất cả đường dài từ Liverpool tới đây nếu như không phải vì bóng đá? Có lẽ anh muốn một cuốn khác của tôi đề tặng để cho buổi lửa hội tiếp theo hay sao?

– Đừng gây rắc rối cho tôi, Ray. Tôi đi cả chặng đường đến đây chỉ vì tôi cần anh giúp đỡ, đơn giản vậy thôi.

– Tôi sẵn sàng nghe anh đây, Raymond nói, không một lời nào về cách gọi tắt tên mình.

– Hôm qua, chúng tôi có cuộc gặp toàn bộ thành viên với ủy ban vì mục đích chung, và một trong những người anh em đã phát hiện một điều khoản về Dự luật Thị trường Chung có thể loại chúng ta khỏi trò chơi. Nếu dự luật này mà được Nghị viện thông qua thì mấy anh chàng của tôi sẽ gay go đấy.

– Đúng vậy. – Raymond nói. – Tôi có thể thấy điều này. Thực tế, tôi ngạc nhiên là người ta đã để cho vấn đề này đi quá xa.

Raymond nghiên cứu kỹ từng lời của dự luật trong khi Edward rót cho mình một ly Vodka khác.

– Vậy anh cho việc này sẽ tăng thêm bao nhiêu chi phí? – Raymond hỏi.

– Tôi sẽ nói cho anh biết, đủ để làm cho chúng ta không còn cạnh tranh với nhau, đây là cái giá phải trả, người lãnh đạo nghiệp đoàn trả lời.

– Đã rõ điểm này, – Raymond nói.

– Còn bây giờ, điều mà ủy ban chúng tôi muốn biết liệu anh có sẵn lòng bảo vệ cho điều khoản vì chúng tôi tại Hạ viện không? Nhất là khi chúng tôi chẳng có gì nhiều để trả công cho anh – Edward nói.

– Tôi tin chắc các anh sẽ trả ơn tôi được sau này. – Raymond đáp.

Vậy là đã thỏa thuận rồi, – Edward nói, ngón tay trỏ sờ lên một cánh mũi. – Sau đây tôi phải làm gì?

– Anh quay về Liverpool và hy vọng là tôi cũng tử tế như anh vẫn nghĩ.

– Cái anh chàng chết tiệt ấy lại trượt một chân. Nghị viên phụ trách những vấn đề quan trọng nữa rồi, Charles. Đây sẽ là lần cuối cùng để anh bảo vệ anh ta.

– Chuyện này sẽ không xảy ra nữa đâu, – Charles hứa hẹn với giọng đầy thuyết phục.

– Anh rất trung thành với anh ta, – ông Trưởng ban Tổ chức nói. – Nhưng lần sau tôi sẽ tự gặp Kerslake và hỏi cho ra nhẽ.

– Chuyện này nhất định sẽ không xảy ra nữa đâu, – Charles nhắc lại.

– Ừm, – ông trưởng ban nói. – Vấn đề tiếp theo là tuần sau chúng ta phải chú ý đến những điều khoản nào về dự luật Thị trường chung hay không?

– Vâng, – Charles đáp. – Đó là điều khoản về Nghiệp đoàn vận tải mà Raymond Gould đang đấu tranh. Anh ta đã xử xuất sắc cho một vụ kiện, và được tất cả mọi người phe anh ta cùng như một nửa số người của chúng ta ủng hộ.

– Anh ta đâu phải là Nghị sĩ Quốc hội được tài trợ của Nghiệp đoàn Vận tải. – Ông trưởng ban nói, cảm thấy ngạc nhiên.

– Đúng vậy, các nghiệp đoàn rõ ràng cảm thấy Tom Carson không giúp gì được cho hoạt động của mình, mà anh ta là một tay điên rồ bất thình lình bị coi thường.

– Họ thật khôn ngoan mà chọn Gould. Mỗi lần nghe anh ta nói, tôi thấy anh ta càng hoàn thiện kỹ năng này. Mà chẳng ai có thể bắt bẻ được anh ta về luật pháp.

– Thế thì chúng ta nên chuẩn bị sẵn tinh thần là chúng ta sẽ thua về điều khoản này sao? – Charles hỏi, giọng có vẻ nản lòng.

– Không đời nào. Chúng ta sẽ soạn thảo lại cái điều khoản chết tiệt này để cho nó được dễ dàng chấp nhận và được coi dễ động lòng trắc ẩn. Bây giờ không phải quá muộn để trở thành người bảo vệ cho các quyền lợi của nghiệp đoàn. Bằng cách này, chúng ta sẽ ngăn không để Gould giành hết lòng tin. Tôi sẽ nói chuyện với Thủ tướng tối nay – và đừng quên những gì tôi nói về Kerslake đấy.

Charles quay về văn phòng và hiểu rằng anh sẽ phải cẩn thận hơn để nói với Simon Kerslake khi các điều khoản về Thị trường chung được đưa ra bầu phiếu. Anh ngờ rằng anh đã lái việc này đi quá xa so với khả năng của mình vào thời điểm ấy.

– Cùng với hay không cùng với nhân viên nhà nước? – Simon hỏi khi Raymond bước vào văn phòng của anh.

– Không cùng nhân viên nhà nước.

– Được thôi, – Simon nói và ấn vào nút trên máy bộ đàm. – Tôi không muốn bị làm phiền khi đang họp với ông Gould. – Anh nói rồi chỉ cho đồng nghiệp tới chỗ ngồi tiện nghi. Từ trước tới nay Gould chưa bao giờ đề nghị gặp gỡ nên Simon cảm thấy không chỉ vì tò mò, muốn biết Raymond muốn điều gì. Kể từ khi họ tranh luận gay gắt về vấn đề phá giá, họ ít khi liên hệ với nhau.

– Sáng nay nhà tôi hỏi việc anh tìm một chiếc ghế đã đến đâu rồi, – Raymond nói.

– Vợ anh còn thông thạo tin hơn cả các đồng nghiệp của tôi. Nhưng tôi e rằng thực tế không được suôn sẻ cho lắm. Ba khu vực bầu cử vừa rồi đã kết thúc vậy mà thậm chí họ không yêu cầu gặp tôi. Tôi không thể nào giải thích được vì sao, trừ một điều là họ đều chọn người của địa phương.

– Vẫn còn lâu mới tới cuộc bầu cử tiếp theo, Raymond nói. Anh chắc chắn sẽ tìm được một ghế trước khi đó.

– Có thể không lâu như vậy đâu nếu Thủ tướng kêu gọi Tổng tuyển cử để thử sức mình so với các nghiệp đoàn.

– Nếu vậy thì sẽ thật rồ dại. Ông ta có thể đánh bại chúng ta nhưng còn nghiệp đoàn thì không thể, – Raymond nói, vừa lúc đó cô thư ký trẻ măng bước vào với hai tách cà phê.

Phải tới khi cô thư ký đi khỏi văn phòng Raymond mới lộ ra mục đích cuộc gặp.

– Anh đã có thời gian xem hồ sơ chưa? – Anh hỏi, giọng nói khá công việc.

– Tôi xem rồi, xem qua giữa lúc kiểm tra bài tập về nhà cho con trai và giúp con gái tôi đóng thuyền kiểu mới.

– Anh thấy thế nào? – Raymond hỏi.

– Không ổn lắm. Tôi không sao nắm được môn toán theo phương pháp mới người ta dạy vào thời nay, và cánh buồm của tôi là cái duy nhất lật nhào khi Lucy hạ thủy chiếc thuyền xuống bồn tắm.

Raymond cười phá lên.

– Tôi nghĩ anh đã vào một vụ lời, Simon nói, lúc này giọng lại trở nên quan trọng. – Giờ thì anh muốn gì ở tôi?

– Công lý, Raymond nói. – Đó là lý do tôi gặp riêng anh. Tôi có cảm giác chẳng có luận điểm chính trị đảng phái nào cho cả hai ta trong vụ này. Tôi không có ý định đặt bộ Nội sự vào tình thế khó xử và tôi coi đây là lợi ích tốt nhất của khu vực bầu cử của tôi để hợp tác chặt chẽ với anh chừng nào tôi có thể.

– Cảm ơn, – Simon nói. – Vậy thì anh muốn đạt được điều gì đây?

– Tôi muốn đưa ra vấn đề đã sẵn có đối với bộ của anh với hy vọng anh coi như cách mở đầu một cuộc thẩm tra. Nếu như cuộc thẩm tra cũng đi đến những kết luận giống như của tôi, tôi mong anh sẽ yêu cầu xét lại.

Simon ngập ngừng – còn nếu cuộc điều tra chống lại anh, anh có đồng ý sẽ không có cuộc trả đũa nào đối với bộ Nội sự chứ?

– Tôi xin hứa.

– Và nếu có một điều gì đó tôi được biết, theo cách của tôi, về anh. – Simon nói, thì đó là anh không bao giờ làm sai lời hứa của mình.

Raymond mỉm cười. “Tôi coi việc đó đã bị lãng quên từ lâu rồi”.

Ngày thứ Ba tiếp đó, ông Chủ tịch Nghị viện nhìn về phía các hàng ghế sau phía đảng Lao động và xướng tên: “Ông Raymond Gould”.

– Số mười bảy, thưa ngài. – Simon nói. Ông chủ tịch nhìn xuống kiểm tra qua đề nghị bộ Nội sự xem xét cuộc thẩm tra về vụ án O’ Halloran.

Simon bước lên bục phát biểu, mở tập hồ sơ rồi nói. “Vâng, thưa ngài”.

– Ông Raymond Gould – ông Chủ tịch lại gọi tên một lần nữa.

Raymond đứng dậy từ hàng ghế sau của phe Đối lập để hỏi những câu hỏi bổ sung.

– Tôi xin phép được cảm ơn ông Bộ trưởng Nội các đã đồng ý cho thẩm tra nhanh chóng như vậy, và cho phép được hỏi liệu ông ấy có nhận thấy ông Paddy O’ Halloran, một cử tri thuộc khu vực bầu cử của tôi đã bị đối xử bất công, rằng Bộ trưởng điều hành bộ Nội sự đã đề nghị xử lại ngay lập tức không?

Simon lại đứng dậy.

– Vâng, thưa ngài.

– Tôi xin cảm ơn Quý ông tôn kính. Raymond vừa nói, vừa nhỏm dậy.

Tất cả chưa đầy một phút, – nhưng những nghị sĩ lớn tuổi nghe cuộc đối thoại ngắn gọn giữa ông Gould và ông Kerslake đều hiểu rằng cả hai đều có sự chuẩn bị kỹ càng cho cái phút ấy.

Simon đọc xong bản báo cáo cuối cùng của Bộ anh về vụ án O’ Halloran trong lúc Elizabeth cố chợp mắt. Anh phải rà lại các chi tiết chỉ khi nhận ra sẽ phải yêu cầu xử lại và tổ chức một cuộc thẩm tra toàn bộ hồ sơ cũ của các quan chức cảnh sát liên quan tới vụ án này.

Vào ngày thứ ba của vụ án, ông Justice Comyns, sau khi nghe chứng cứ do bà Bloxham đưa ra, đã ngừng việc xét xử và yêu cầu ban bồi thẩm trở lại với lời phán quyết vô tội.

Raymond nhận được những lời khen ngợi từ bốn phía nghị viện nhưng anh đã công nhận ngay sự ủng hộ của Simon Kerslake và bộ Nội sự. Ngày hôm sau tờ “Time” London thậm chí còn viết một bài xã luận về việc sử dụng đúng đắn ảnh hưởng của một nghị sĩ đại diện cho một khu vực bầu cử.

Điều trở ngại duy nhất đối với thành công của Raymond là tất cả các bà mẹ của phạm nhân xếp hàng để gặp anh vào giờ tiếp khách một tháng hai lần. Nhưng suốt năm đó anh chỉ nhận một vụ một cách nghiêm túc và một lần nữa bắt tay vào nghiên cứu các chi tiết.

Lần này, khi Raymond gọi điện cho Augus Fraser ở văn phòng Công tố viên, anh không tìm được gì về Ricky Hodge ngoài một thực tế là Fraser có thể khẳng định rằng anh ta không có hồ sơ hình sự rõ ràng. Raymond có cảm giác anh đã vấp phải một vụ án mang tính quốc tế. Ricky Hodge đã bị tù ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho nên mọi cuộc thẩm tra đều phải thông qua bộ Ngoại giao. Raymond không có được mối quan hệ với ông Bộ trưởng điều hành bộ Ngoại giao như với Simon Kerslake, nên anh thấy rằng tiếp cận trực tiếp là tốt nhất, và đã nộp câu hỏi để được trả lời tại Nghị viện. Anh cân nhắc từng lời. “Ông Bộ trưởng bộ Ngoại giao dự định có hành động như thế nào để tiếp nhận việc thu hồi hộ chiếu của một cử tri cho một nghị sĩ đáng kính cho vùng Bắc Leeds, mà chi tiết về việc này đã được cung cấp cho ông Bộ trưởng?”

Thứ tư tiếp theo đó, khi câu hỏi trên được đưa ra trước Nghị viện. Bộ trưởng bộ Ngoại giao tự đứng lên trả lời câu hỏi. Ông ta lên bục phát biểu, nhìn qua gọng kính hình bán nguyệt và nói:

– Chính phủ Hoàng gia sẽ giải quyết vấn đề này thông qua con đường ngoại giao thông thường.

Raymond đứng ngay dậy. – “Liệu quý ông rất tôn kính có biết rằng cử tri của tôi đã ở tù ở Thổ Nhĩ Kỳ trong sáu tháng và vẫn chưa bị kết án hay không?

– Vâng, thưa ngài, – Bộ trưởng bộ Ngoại giao trả lời. – Tôi đã yêu cầu sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho bộ Ngoại giao thêm chi tiết về vụ án này.

Raymond lại bật đứng dậy. – Cử tri của tôi sẽ còn bị lãng quên ở Ankara trong bao lâu nữa trước khi ngài Bộ trưởng bộ Ngoại giao làm được nhiều hơn là chỉ yêu cầu thêm chi tiết về vụ án?

Ông Bộ trưởng bộ Ngoại giao lại đứng dậy, không tỏ vẻ bực bội. “Tôi sẽ báo cáo kết quả cho ông Nghị đáng kính ngay khi tìm được”.

– Khi nào kia? Ngày mai, tuần sau hay năm sau? – Raymond nói to, giận dữ.

– Khi nào? – Các nghị sĩ hàng ghế sau của đảng Lao động đồng thanh hỏi, nhưng ông Chủ tịch đã gọi câu hỏi tiếp theo mặc cho tiếng ồn ào nổi lên.

Trong vòng một giờ Raymond nhận được một mẩu nhắn tin viết tay của bộ Ngoại giao. “Nếu ông Gould có thể gọi điện, Bộ trưởng bộ Ngoại giao sẽ vui lòng thu xếp cuộc hẹn với ông”.

Raymond gọi điện từ Hạ viện và được mời đến gặp ông Bộ trưởng ngay.

Bộ Ngoại giao, được biết đến với cái tên “Cung điện” theo cách gọi của những người trong tòa nhà, có một không khí riêng của mình. Mặc dù Raymond đã từng làm việc trong một Bộ của Chính phủ với vị trí Bộ trưởng Nội các, anh vẫn choáng ngợp trước vẻ bề thế của tòa nhà. Anh được đón ở cổng vào và dẫn qua sân có hành lang bằng hoa cương, rồi sau đó đi lên một thang gác rất đẹp. Đến nơi, thư ký riêng của ông Bộ trưởng nói:

– Ngài Alec Home sẽ gặp ông ngay, ông Gould. – Ông ta nói, rồi dẫn Raymond đi qua những bức tranh và những tấm thảm lớn tuyệt đẹp treo khắp dọc đường. Anh được đưa đến một căn phòng đẹp mắt. Ông Bộ trưởng đứng trước lò sưởi Adam mà trên đó treo chân dung của Thượng nghị sĩ Palmerston.

– Ông Gould, ông thật tử tế là đã đến đây khi được báo gấp thế. Quả là tôi hy vọng cuộc gặp này không làm phiền đến ông. – Lời nói nhàm chán, Raymond thầm nghĩ.

– Tôi biết ông rất bận, liệu chúng ta có thể đi thẳng vào vấn đề ngay không, thưa ông Bộ trưởng? – Raymond yêu cầu.

– Tất nhiên rồi. – Ngài Alec khô khan nói. – Tha lỗi cho tôi vì đã chiếm nhiều thời gian của ông. – Không nói thêm lời nào nữa, ông ta trao cho Raymond tập hồ sơ có tên: Richard M. Hodge – Tuyệt mật. – Mặc dù các nghị sĩ Quốc hội không phải tuân theo Điều luật Giữ bí mật của các quan chức, tôi biết ông sẽ tôn trọng vấn đề mà theo đó tập hồ sơ này được phân loại.

Lại bịp bợm, Raymond nghĩ. Anh lật trang bìa. Quả là đúng, y như anh nghi ngờ: trong vòng sáu tháng kể từ khi bị tù, Ricky Hodge chưa hề bị chính thức buộc tội.

Anh lật tiếp trang khác. “Rome – mại dâm trẻ em; Marscilles – ma túy; Paris – vu khống” – hết trang này đến trang khác và kết thúc ở trang ghi tại Thổ Nhĩ Kỳ, ở đó Hodge bị phát hiện tàng trữ bốn pao heroin mà hắn ta bán trong những túi nhỏ ở chợ đen. Quả thực, hắn không có hồ sơ phạm tội ở Anh, nhưng mới chỉ hai chín tuổi, Ricky Hodge đã trải qua mười một năm trong số mười bốn năm vừa qua ở các nhà tù ngoại quốc.

Raymond đóng tập hồ sơ lại và cảm thấy trán mình đẫm mồ hôi. Phải mấy giây sau anh mới nói: “Tôi xin lỗi, thưa ngài Bộ trưởng. Tôi đã biến mình thành thằng ngốc”.

– Khi còn trẻ, – ngài Alec nói, – tôi cũng mắc sai lầm tương tự vì một cử tri của mình. Khi đó Ernie Bevin là Ngoại trưởng điều hành. Ông ấy hẳn đã có thể làm tôi khốn khổ ở Nghị viện với những gì ông ta biết. Thay vào đó ông ta nói hết sự thật qua một buổi chuyện trò nhẹ nhàng trong căn phòng này. Đôi khi tôi mong ước công chúng có thể nhìn thấy được các nghị sĩ cả trong những giây phút yên tĩnh cũng như những khi họ làm om sòm.

Raymond cảm ơn ngài Alec rồi trầm ngâm trở về Nghị viện.

Hai tuần sau, khi Raymond bắt đầu những giờ tiếp dân tiếp theo ở Bắc Leeds anh ngạc nhiên khi thấy bà Bloxham cũng đăng ký hẹn gặp.

Khi đón bà tại cửa, anh còn ngạc nhiên hơn nữa, bởi vì thay cho bộ quần áo tàng tàng và đôi dép lê vải thảm, bà ta mặc chiếc váy cô-tông sạch sẽ mới và đi một đôi giày da màu nâu. Raymond chỉ chỗ ngồi cho bà ta.

– Tôi đến để cảm ơn bà nhà ông, thưa ông Gould, – bà già nói khi đã ngồi xuống.

– Vì cái gì kia chứ? – Raymond bối rối hỏi.

– Vì bà ấy đã đưa đến một chàng trai tốt bụng từ Chris-tees. Họ đã bán đấu giá cái bàn của cụ tôi để lại cho tôi. Tôi không thể tin rằng mình được may mắn thế – được một nghìn tư bảng.

Raymond không thốt lên một lời nào.

– Cho nên cái vệt trên váy tôi không còn là vấn đề nữa. Thậm chí phải đi ăn ở ngoài trong vòng ba tháng đã được bù lại.

Suốt mùa hè nóng nực năm 1972 ấy, hết điều khoản này đến điều khoản khác của Dự luật Thị trường Chung được bầu phiếu, thường diễn ra suốt đêm. Một vài dịp, Chính phủ cố gắng đạt được đa số phiếu chỉ là năm hoặc sáu, nhưng Dự luật vẫn được giữ nguyên.

Charles vẫn thường về nhà ở Quảng trường Eaton vào lúc ba giờ sáng khi thấy Fiona đã ngủ say, và dậy đi làm trước khi cô thức giấc. Những cựu chiến binh của Nghị viện khẳng định họ chưa bao giờ phải trải qua một sự kiện nào căng thẳng như vậy kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thế rồi, bỗng nhiên, cuộc bầu phiếu cuối cùng diễn ra và cuộc marathon chấm dứt. Dự luật về Thị trường chung được Hạ viện thông qua và được trình lên Thượng viện cho các Thượng nghị sĩ phê duyệt. Charles thầm hỏi anh sẽ làm gì với những thời giờ rảnh rỗi bỗng nhiên còn lại với anh.

Khi Dự luật cuối cùng nhận được “Phê chuẩn của Hoàng gia” vào tháng Mười, ông Trưởng ban Tổ chức đặt một bữa trưa ăn mừng ở Câu lạc bộ Carlton trên phố St. James để cảm ơn toàn bộ đội ngũ của mình. “Nhất làm Charles Hampton”, ông nói, vừa nâng cốc suốt bài diễn văn ứng khẩu của mình. Khi bữa trưa đã xong, ông Trưởng ban mời Charles cùng về Hạ viện trên xe của mình. Họ đi dọc theo Piccadilly, xuôi xuống Haymarket, qua quảng trường Trafalgar và vào Phòng Trắng. Ngay khi tòa nhà của Hạ viện vào tầm mắt, chiếc Rover đen rẽ vào phố Downing. Charles đoán là sẽ đưa ông trưởng ban đến số 12. Nhưng ngay khi xe dừng lại, ông trưởng ban nói: “Thủ tướng chờ gặp anh trong năm phút nữa”.

– Sao cơ? Tại sao lại vậy? – Charles hỏi.

– Tôi tính thời gian khá đấy chứ, phải không? – Ông trưởng ban nói, rồi bước về phía tòa nhà số 12.

Charles đứng lại một mình trước tòa nhà số 10, phố Downing. Một người mặc chiếc áo choàng đen mở cửa. “Chào ông, ông Hampton”. Thủ tướng gặp Charles tại phòng làm việc của mình, và cũng như mọi khi, không mất thời giờ cho những chuyện ngoài lề.

– Cảm ơn ông vì đã làm việc tích cực cho Dự luật về Thị trường chung.

– Công việc ấy là một sự thử thách lớn, – Charles cố gắng tìm lời để nói.

– Và đó cũng sẽ là công việc tiếp theo của ông. – Ông Heath nói. – Đã đến lúc ông cần kiểm nghiệm khả năng của mình ở một bộ phận khác. Tôi muốn ông tiếp nhận vai trò Bộ trưởng Nội các của bộ Thương mại và Công nghiệp. Charles không nói nên lời.

– Với tất cả những vấn đề mà chúng ta sắp phải đương đầu với Nghiệp đoàn Thương mại trong vài tháng tới, ông sẽ bận bịu suốt ngày đấy.

– Vâng tất nhiên như vậy rồi. – Charles nói.

Anh vẫn chưa được mời ngồi, nhưng giờ đây Thủ tướng đã đứng dậy khỏi bàn làm việc, có nghĩa là cuộc gặp đã kết thúc.

– Ông và Fiona đến ăn tối ở số 10 phố Downing khi ông đã thu xếp vào bộ mới đấy nhé, – Thủ tướng nói khi họ bước ra phía cửa.

– Cảm ơn ông, – Charles nói rồi rời khỏi. Khi bước ra phố Downing, một người lái xe mở cửa sau của chiếc Austin Westminster bóng loáng. Phải mất một giây, Charles mới nhận ra giờ đây chiếc xe và lái xe là dành cho anh.

– Đến Hạ viện chứ ạ, thưa ngài?

– Không, tôi muốn về quảng trường Eaton một lúc, – Charles nói, khi đã vào xe và bắt đầu thích thú nghĩ về công việc mới của mình.

Chiếc xe đi ngang qua Hạ viện, lên phố Victoria rồi vào phố quảng trường Eaton. Anh không thể chờ để nói cho Fiona biết rằng toàn bộ những công sức vừa qua đã được đền bù. Anh cảm thấy có lỗi về việc gần đây anh ít gặp cô, mặc dù anh không thể tin được giờ đây mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nhiều khi anh tham gia vào việc làm luật về nghiệp đoàn thương mại. Anh vẫn còn hy vọng có một cậu con trai đến nhường nào – Có lẽ ngay cả bây giờ cũng có thể. Chiếc xe dừng lại bên ngoài ngôi nhà kiểu Georgia. Charles chạy lên thang gác và vào phòng khách. Anh có thể nghe thấy giọng vợ vẳng từ gác trên xuống. Anh nhảy hai ba bậc một lúc và chạy ào đến mở cửa phòng ngủ.

– Bây giờ anh là Bộ trưởng Nội các của bộ Thương mại và Công nghiệp, anh thông báo với Fiona, lúc này vẫn còn đang nằm trên giường.

Alexander Dalglish nhìn lên. Ông ta không hề tỏ ra quan tâm đến việc thăng chức của Charles.

Phần Ba

Các Bộ trưởng (1973 – 1977)

Bình luận