Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xin Cạch Đàn Ông

Chương 2

Tác giả: Katarzyna Grochola

Tôi đi đến nhà Ula. Cách thành phố ba mươi cây số. Ngu gì đâu mà ngu. Đó không phải nơi dành cho tôi. Tôi sẽ không bỏ việc kia mà. Tôi không có ô tô. Tôi không thích làng quê.

Tôi đi chỉ vì tôi đã trót hứa với cô bạn. Thực ra vẫn có tuyến xe lửa nội đô {Hệ thống đường xe lửa khổ nhỏ nối liền các vùng ngoại thành, các làng mạc, các thị trấn ven đô với thành phố Warszawa}. Y như xe điện ba toa. Tốt, thuận tiện và thoải mái. Tôi đi mãi đi mãi – mất khoảng một giờ đồng hồ. Đời tôi sẽ không bao giờ chấp nhận đi thứ xe lửa này đâu.

Thật đúng là hang cùng ngõ hẻm!

Ula đợi tôi ngoài ga.

Một đường ray, xe lửa mỗi giờ một chuyến, không cửa hàng cửa hiệu, có năm ngôi nhà chỗ ngã tư. Không còn gì để nói. Trường học cách đây hai cây rưỡi. Tôi sẽ không nói cho Tosia biết đâu. Chắc chắn con gái tôi sẽ không thích rời thành phố!

Ula dẫn tôi vào rừng bạch dương.

Tôi rất mê bạnh dương.

Hẳn cô bạn tôi điên! Gần đường ray có một cái hố. Tôi bị thụt chân xuống đó. Thiếu chút nữa là gãy chân. Đế giày của tôi lún sâu trong cát.

Chợt mắt Ula sáng lên.

– Cậu xem đi, ở đây này. – Cô bạn tôi đứng lại và chỉ cho tôi mảnh đất có vẻ như tôi sẽ mua. Đất hoang. Đồng ruộng. Khai khẩn chừng ba mươi năm trước. Toàn cỏ dại. Khiếp. – Mình đã nói chuyện với chủ đất. Họ sẽ nhượng với giá mười ngàn. Bọn mình sẽ giúp thêm cậu!

Tôi phải ở trên mảnh đất hoang này, cách xa thành phố ư? Bên cạnh đường xe lửa nội đô, mỗi giờ một chuyến? Không điện thoại? Vì làm gì có đường dây điện thoại. Trong cát và bùn? Không cửa hàng? Không rạp chiếu phim? Không nhà hát? Không bè bạn?

Thôi được, vào nhà Ula uống trà cái đã, sau đó tôi sẽ đi nói chuyện với chủ nhân của mảnh đất hoang. Nếu không xong thì mong Ula hiểu cho là tôi đã làm tất cả. Có điều mảnh đất này không phải dành cho tôi.

Ngôi nhà của Ula xinh xắn. Các cửa sổ nhìn ra rừng bạch dương. Trước nhà, một khu vườn tuyệt đẹp.

– Đây là cây kim tước hoa. Sang xuân sẽ nở hoa vàng. Mình bứng trong rừng đem về. Mọc tốt. Cậu xem đây, cây vân sam đẹp quá phải không? Quặt quẹo mất hai năm đấy, bây giờ đang lớn bật lên.

Cây liễu buồn rủ cành bên hiên gỗ. Ula đi đặt nước pha trà, tôi ngồi một mình. Con gái Ula đi học chưa về, còn chồng cô vào thành phố.

Tĩnh lặng. Nóng bức. Mặc dù mới tháng Tư.

Qua lưới rào tôi nhìn ra mảnh đất hoang. Nếu cày xới, rào giậu thì cũng có thể thành một mảnh vườn đẹp. Trồng thứ cây gì đó có ích. Phía góc xa thấy mấy lùm cây rủ cành. Có một cây liễu hay cây gì đó cành rủ xuống như cây trong vườn Ula. Giữa vườn có thể đào một cái ao. Dẫn nước vào đầy ắp. Như là có ao nước tự nhiên ấy. Nhà Ula có giếng đào.

Sống ở đây hẳn sẽ vất vả lắm.

Nếu là người thích nghịch đất, thì có thể làm những việc hay ho. Nhưng không phải tôi. Cây nào là cây thông, cây nào là cây liễu tôi còn không phân biệt được nữa là. Khó khăn lắm tôi mới nhận ra tiếng gù của chim câu. Cả tiếng hót ríu ran của chim sẻ nữa. Ở ngay đây, trên đầu chúng tôi vang lên những âm thanh ríu rít. Nắng sáng rực, mùi hoa thơm ngát, chim chóc hót rộn ràng. Thật khoan khoái. Cứ như thể giữa kỳ nghỉ hè vậy.

Ula bưng khay trà vào. Con mèo Jacek chạy lăng xăng quanh chân hết bên nọ đến bên kia. Con Jacek to tướng, lông vằn. Dễ thương. Tôi không thích mèo lắm. Thế nhưng tại đây, ở nơi làng quê, tôi có thể nuôi mèo. Tosia có lẽ sẽ mừng. Nó thích mèo mà.

Ula đặt trà trên chiếc bàn con dưới cây sồi.

– Có tiếng chim bạc má.

Như vậy là, ngoài chim câu và chim sẻ tôi còn nhận được tiếng chim bạc má.

Hương thơm ngào ngạt. Và khí trời hoàn toàn khác lạ. Có lẽ tôi sẽ phải thường xuyên đến với Ula. Ula mang chăn ra. Chúng tôi cùng nằm trên cỏ. Bầu trời trên cao. Tôi có thể an hưởng cuộc sống như thế này, ngắm mây trời. Nhưng còn những con ong mật kia thì sao? Và ong vò vẽ nữa. Chúng bay lượn khắp nơi, liệu có đe dọa tới muôn loài vừa thức dậy sau mùa đông hay không? Nơi này để nghỉ hè thì tốt, nhưng không phải ở hàng ngày.

Sau đó chúng tôi đi nói chuyện đất đai. Cho chắc ăn. Mà cũng để Ula đừng nghĩ là tôi không thấy hết những gì cô ấy đã làm vì tôi.

Đến trước cổng nhà chủ đất, Ula kéo tôi nán lại một lát.

– Cậu biết không, – cô nói, – trong thời gian xây nhà có thể kéo điện từ nhà tớ sang, cả nước nữa. Có người mách với Krzys {Tên gọi thân mật của Krzysztof} rằng người ta sẽ bắc đường ống cấp nước sạch ở đây trong năm nay, tháng Chín. Cậu mà mua bản thiết kế vẽ sẵn, bên cạnh có tốp thợ xây người miền núi đang xây một ngôi nhà, sắp xong rồi, họ có thể chuyển sang đây xây cho cậu.

Krzys, chồng bạn gái tôi, khác chồng tôi ở chỗ, thứ nhất không phải là cựu, thứ hai tốt và yêu Ula. Xác suất vận may không nhiều, nhưng lại trúng vào bạn tôi.

Đất hoang rồi sẽ đổi màu. Mặt trời rồi sẽ ngả về Tây. Dưới nắng vàng, cỏ xanh gợn sóng trong gió chiều. Đúng vậy, nhìn thì thật tuyệt vời. Nhưng không phải dành cho tôi. Đằng nào tôi cũng không mua miếng đất này.

Bà chủ nhà đi ra cổng.

– Hôm qua tôi nói với chị Ula là giá mười ngàn, nhưng ngần ấy thì quá rẻ. Cho nên không còn cái giá đó nữa. Tôi xin lỗi.

Tôi phát tởm. Bắt chẹt nhau. Tại sao lại không còn cái giá đó nữa? Mới hôm qua và hôm nay mà giá đã lên hay sao? Không thể có chuyện đó! Tôi phải mua bằng được mảnh đất này! Đây là cơ hội duy nhất để rời khỏi thành phố! Trường học chẳng xa xôi gì, đi mua sắm đã có xe lửa nội đô, không thể lật lọng người ta như thế được! Tôi phải bắt đầu cuộc sống mới.

– Thế bà định đòi bao nhiêu?

– Thì tôi còn phải bàn với con gái cái đã.

Lạy Chúa, bỗng dưng tôi tìm được chỗ cho mình trên trái đất này, thế mà nó lại không phải dành cho tôi hay sao? Chỗ của cả đời tôi! Tôi sẽ làm căng! Tôi không cho phép lấy lại đất của tôi! Tôi thậm chí đã biết sẽ đào cái ao chết tiệt đó ở chỗ nào!

Ula tiễn tôi ra ga. Đế giày lún trong cát. Trong cát mềm và ẩm. Tôi tránh cái hố cạnh đường ray. Những thanh ray lấp lánh trong nắng hồng.

Bầu trời phía tay phải, về hướng Warszawa , hiện lên một dải cầu vồng. Đó là điềm báo! Rằng có thể khởi đầu cuộc sống mới và tất cả!

Ồ! Tôi không đầu hàng đâu!

* * *

Tôi trở về căn hộ mà tôi phải dọn đi trong vòng một tháng.

Đến nơi đó hẳn Borys sẽ vô cùng thích. Tosia vẫn có thể giữ con mèo. Tôi bảo Tosia, con có thể mang mèo rời xa khỏi nơi này. Mỗi tuần tôi có thể đến tòa soạn hai lần. Tôi làm việc chủ yếu ở nhà mà.

Tosia hỏi, liệu nó có được mang con mèo đi theo không . Khi tôi bảo sẽ ở cạnh nhà Ula, con bé đòi đi ngay để gặp hai cô con gái của Ula mà nó đã quen.

Cũng may là đã chín rưỡi, cho nên chúng tôi không đi.

Tôi cho con Borys lên giường ngủ. Nó ngủ, còn tôi nằm chong chong. Ngày mai dứt khoát tôi phải đến nhà Ula. Cái chính là làm sao cho cô ả răng vàng Jola không hành hạ được tôi.

* * *

Mẹ tôi gọi điện và hỏi tôi định khi nào bắt đầu cuộc sống mới, vì có lẽ không thể tồn tại tiếp như vậy được. (Qua thuật ngữ tồn tại mẹ tôi ý nói cuộc sống không có công ăn việc làm ổn định, không có chồng ổn định, không có trọng lượng ổn định. Chưa kể chuyện đi ngủ muộn.) Và hỏi tôi định làm gì với bản thân.

Tôi không nói với mẹ. Tội gì mẹ phải mất ngủ. Tôi đặt lưng đi nằm lúc mười một giờ đêm. Nói cho cùng, ngay cả mẹ tôi đôi khi cũng có lý.

Mười một giờ ba mươi bố gọi điện hỏi tôi sao giờ này vẫn chưa ngủ.

Bị đánh thức, tôi không ngủ tiếp được nữa. Lúc một giờ sáng, con chó bắt đầu gầm gừ. Tôi dậy mặc quần áo rồi cho nó đi tè. Nếu có vườn, tôi chỉ việc thả cho nó ra vườn là xong. Sau đó tôi pha trà. Rồi hút thuốc. Rồi tôi ăn bánh mì trắng phết patê gan ngỗng. Tôi vẫn không ngủ tiếp được. Tôi bật đèn. Ăn xong tôi lại hút thuốc. Tôi pha cốc trà thứ hai. Sau đó tôi đánh răng. Rồi đọc sách, mặc dù đọc sách vào lúc này rất có hại cho tôi. Sau đó tôi cố ngủ. Không ăn thua gì! Ba giờ rưỡi sáng tôi bỏ cuộc và uống nửa viên thuốc ngủ. Chín giờ sáng mẹ tôi gọi điện.

– Giờ này mà con vẫn còn ngủ hay sao?

Tôi không biết tại sao bố mẹ tôi lại ly dị nhau.

Ở đó, ở làng quê, chưa có điện thoại. Như thế càng hay. Tôi sẽ sống hòa nhập với thiên nhiên.

* * *

Tosia hoàn toàn tán thành. Nó muốn kiếm một con mèo con. Bà chủ đất nâng giá thêm năm ngàn.

– Tôi đồng ý, – tôi nói luôn

– Nhưng tôi còn phải bàn với thằng con trai nữa, – bà ta nói.

Lạy Chúa, Ngài cho phép xác suất phụ nữ bị ruồng bỏ và đang sống cô đơn xây nổi một ngôi nhà nho nhỏ xinh xắn, một mái ấm gia đình cho mình là bao nhiêu đây? Xin hãy sắp đặt để lần này xác suất lại rơi trúng vào con, như Ngài đã làm vậy khi để con bị chồng ruồng bỏ!

Rốt cuộc con cũng phải được hưởng cái gì đó, bù cho việc cô ả Jola cả đời chẳng bao giờ mắc bệnh đậu mùa chứ?!

* * *

Nói chung tôi không biết, một người, ý tôi là một phụ nữ, có thể làm lại từ đầu cuộc đời mình được bao nhiêu lần. Còn bản thân tôi, giờ đây tôi đang làm điều ấy, trong một chừng mực nào đó, như một cố tật. Không ngưng nghỉ. Tôi không biết tại sao điều đó lại cứ nhằm trúng vào tôi. Và sẽ chẳng bao giờ tôi biết được ngọn nguồn. Rõ ràng tôi phải nhầm lẫn một cái gì đó, bởi những người bình thường vẫn cứ sống bình thường. Họ không bị ruồng bỏ, chồng của họ không đi ngoại tình với những người đàn bà khác để kiếm đứa con cho tuổi già, những người vợ bị ruồng bỏ của họ không phải ra đi, tìm chỗ cho mình trên trái đất này, con của họ không phải chuyển trường và căng thẳng, và những người đàn bà ấy không bị béo phì.

Họ không phải đi mua đất.

Nhưng tôi sẽ có ngôi nhà của mình, cho dù phải đổi mạng.

* * *

Tòa soạn cử người mang thư bạn đọc đến. Bốn mươi bức.

Tôi bật máy tính, pha trà. Tôi cắt điện thoại. Tôi phải làm việc. Ba ngày nữa là phải dọn nhà rồi. Anh bạn Julek cùng tòa soạn đang đi công tác, có thể cho tôi mượn chìa khóa nhà 3 tháng.

Tosia đến ở nhà chồng chưa cưới của cô ả Răng Vàng. Đương nhiên tôi phải mừng vì con bé có quan hệ tốt với bố nó. Tôi điên đầu! Tôi phải xoay xở với chồng chưa cưới của cô ả Răng Vàng để anh ta cho phép tôi chuyển đồ gỗ sau.

Bốn mươi lá thư bạn đọc! Tôi ngồi vào bàn làm việc. Lá thư đầu tiên thật bi đát. Có phải là cố tình không đây?

Kính thưa tòa soạn,

Tôi không biết phải làm gì đây khi biết chồng tôi có người khác. Các con tôi biết cô ta, họ đã cùng nhau đi xem phim, đi nghỉ hè từ hai năm nay. Đời tôi thế là tan nát. Làm thế nào để giữ được chồng, đó là điều quan trọng nhất đối với tôi. Các con tôi khuyên tôi không nên quá buồn phiền, chúng tránh gần tôi, tôi khóc suốt ngày và van xin anh ta đừng ruồng bỏ tôi khi đã cùng nhau chung chăn gối tới ngần ấy năm. Chồng tôi liên tục nhục mạ tôi, anh ấy thừa biết tôi yêu anh ấy hết mình. Tôi phải làm gì đây?

Phải làm gì đây? Chị đúng là một mụ đần – phải giết! Làm cho hắn sạt nghiệp rồi mặc kệ hắn vác xác đến mà ở với con điếm đó, còn chị thì bắt đầu cuộc đời mới! Việc gì cứ phải bám riết lấy hắn như vậy chứ! Phải có một chút lòng tự trọng của mình chứ, bà chị ngu ngốc!

Chị thân mến,

Tôi rất thông cảm với hoàn cảnh khó khăn mà chị đang gặp phải. Rất tiếc, tôi không thể chịu trách nhiệm về mối quan hệ và những quyết định chị có thể đưa ra.

Thật đáng tiếc. Lẽ ra tôi đã có thể trả lời chị, khi chị đang mất ăn mất ngủ như vậy.

Cần phải suy ngẫm xem, cái gì khiến chị bám riết lấy chồng đến vậy, mặc dù anh ta vẫn xúc phạm chị từ nhiều năm nay. Liệu đó có phải là tình yêu hay không? Chị muốn đợi thì xin cứ đợi. Có điều, cuộc đời, có thể nói như vậy, vẫn cứ trôi đi trong khi ta chờ ta đợi, còn chị hẳn là một người đáng được tôn trọng và an hưởng một tình yêu thật sự. Chị hãy tính kỹ, chị có nên chung sống với một kẻ có thể làm bẽ mặt chị ngay trước mắt các con, không đếm xỉa gì đến tình cảm của chị hay không?

Tôi căm thù đàn ông!

Kính thưa tòa soạn,

Mặt tôi đầy tàn nhang, tôi đến tự tử mất…

Tôi cũng thế mà, cô bạn! Nhưng tôi có tự tử đâu! Hãy xoa sữa chua và đắp dưa chuột, mua loại kem chữa tàn nhang của các công ty dược phẩm hám lợi mà dùng. Tàn nhang còn khá hơn rỗ hoa vì bệnh đậu mùa. Tàn nhang còn hơn bị chồng bỏ.

Chị Basa thân mến,

Mẹo chữa tàn nhang hay nhất là đắp mặt nạ dưa chuột…

Còn đây, một lá thư dễ thương. Chào mừng! Tôi thấy thú vị. Đánh máy hẳn hoi. Một anh chàng. Trên giấy màu xanh lơ. Một anh chàng ngớ ngẩn nào đó.

Kính thưa tòa soạn,

Vợ tôi bảo rằng, từ nhiều năm nay cô ấy không hạnh phúc với tôi, chính xác là chưa bao giờ. Vợ tôi phải lòng một đồng nghiệp cùng cơ quan và với anh chàng này thì cô ấy mới thấy mình là một người đàn bà thật sự. Tôi không biết phải làm gì bây giờ, tôi không hiểu nổi, sao lại có chuyện như vậy được, tôi luôn yêu vợ thắm thiết cơ mà…

Nhà ngươi không hiểu chứ gì, hả thằng ngu? Thế là hay cho nhà ngươi đó! Rốt cuộc cũng có một người đàn bà biết tự giải thoát mình khỏi mối quan hệ gia trưởng vẫn làm khổ chị ta, còn nhà ngươi không hiểu chứ gì? Ta giảng giải cho nhà ngươi nhé!

Thưa anh,

Tôi buồn lòng đọc thư anh và cho dù toàn bộ tình cảnh khiến tôi vô cùng cảm thông với anh (Ha, ha, ha – nhà ngươi toan cưỡi đầu cưỡi cổ người ta, nhưng nhà ngươi lại vớ phải bà vợ khôn ngoan hơn mình), nhưng tôi không khỏi có cảm giác, trong chuyện này anh có phần đóng góp hơi nhiều. Nói chung, người phụ nữ không đi lăng nhăng với người khác khi người chồng thỏa mãn những yêu cầu cơ bản của cô ấy – yêu thương vợ, tôn trọng vợ. Hình như trong quan hệ vợ chồng của anh chị thiếu sự tình tứ và tin tưởng, sự gắn bó giữa hai người không được bền chắc cho lắm. Một người đang yêu có thể tha thứ nhiều chuyện và đấu tranh cho tình yêu của mình. Nếu vợ anh hạnh phúc với một người đàn ông khác – thì cũng có nghĩa như vậy thôi. Cô ấy đã tìm được thứ mà anh không có hoặc không muốn trao cho vợ mình. Tôi hiểu là anh ghen. Điều đó không nhất thiết là bằng chứng của tình yêu, mà có thể là tính ích kỷ và thói sĩ diện đàn ông bị tổn thương. Anh thử tự vấn lương tâm thật kỹ xem, anh đã thực sự chăm lo hết sức cho quan hệ vợ chồng chưa? Tôi nghi ngờ đấy – bản thân là một phụ nữ cho nên tôi biết, tình yêu của đàn ông, nếu là tình yêu thật sự, thì sẽ là một điều kỳ diệu. Người đàn bà được yêu sẽ không bao giờ liếc nhìn một gã đàn ông khác. Nếu thực tình anh yêu vợ thì sự kiên nhẫn và lòng khoan dung của anh rồi sẽ được đền đáp.

Nhà ngươi cứ chờ vợ mình đi nhé, có mà mãn kiếp!

Tôi chúc anh hiểu biết nhiều hơn trong lần kết hôn sau, hẳn là vị thần Thất vọng sẽ không ám anh nữa đâu.

Kính thư…

Nếu phải nói thực lòng thì tôi xin nói. Tôi rất thích cô vợ của anh chàng có lá thư xanh lơ. Ít ra cũng có một người trong số phụ nữ chúng ta không để cho chồng khinh thường. Tôi cũng sẽ làm như vậy. Tôi sẽ có ngôi nhà của riêng mình, tôi sẽ tha hồ hút thuốc trên giường và đắp chăn cho chó. Các Chủ nhật tôi sẽ ăn sáng, đọc sách trên giường. Tôi sẽ vừa đọc vừa nhai bánh mì ngon lành.

* * *

Tôi phát hoảng. Đồ đạc chưa được gói ghém tí nào. Tôi không biết phải bắt đầu từ cái gì. Chỉ còn bốn mươi chín giờ nữa là xe chở chúng tôi đến nhà Ula sẽ tới. Sau đó tôi mới tính sẽ làm gì tiếp.

Ula đến. Tôi đang ngồi trên nền nhà, sắp xếp các thùng các tông. Bên cạnh bừa bộn mấy cuốn sách. Hình như tám cuốn. Mớ áo len. Áo sơ mi. Chăn, gối, ga trải giường. Quần áo của Tosia. Bộ cốc chén của tôi (đúng thế, tôi sắm trước khi cưới!). Lọ đựng đường bằng bạc cô em họ tặng. Mấy cái lẵng mây yêu quý mà tôi sưu tầm được, mỗi cái một kiểu. Mấy thứ đồ sứ mỹ nghệ. Vài cây nến. Tôi pha cốc trà không chanh. Thả luôn chè vào cốc – loại chè tôi thích. Để đọc quyển nhật ký về thời thơ ấu, vừa rơi từ ngăn tủ cao nhất xuống, khi tôi cố với lấy cái áo len. Tôi giấu trên đó để hắn ta không vớ được. Bốn năm về trước, sau dạo chữa nhà.

Nghe tiếng chuông, con Borys vùng dậy, làm đổ cốc trà, không hiểu tại sao, vào đúng cuốn Từ điển thần thoại Hi Lạp đang mở, và lao ra cửa. Tôi ghét chó! Bã chè loang khắp mục từ “Gót chân Achilles” và ngấm sang cuốn từ điển bách khoa. Thoạt tiên tôi hơi lúng túng, sau đó tôi cẩn thận đặt hai cuốn sách dính bã chè chồng lên nhau, rồi tôi đặt tiếp cuốn từ điển Anh – Ba Lan lên và đè mạnh. Cho bã chè bị ép chặt. Không thể nhận ra được trong sách có bã chè nữa.

Lạ thật. Cả hai cuốn sách đều của hắn ta.

Cún giỏi lắm.

Ula vào, hơi tái mặt. Nhưng sau đó dịu giọng:

– Ô, mình thấy cậu đã xong rồi.

Xong xiếc gì. Thậm chí còn chưa bắt đầu.

Còn Ula lấy một thùng các tông, loay hoay chừng mười lăm giây, rồi hỏi chúng ta bắt đầu từ cái gì nào. Tôi không cản trở cô ấy. Tôi đọc to cuốn nhật ký, nghe cực vui.

Sau sáu giờ đồng hồ tôi gói ghém xong đồ đạc.

Chiều tối chồng Ula đến đón vợ (chồng tôi chẳng bao giờ đón tôi nữa rồi!) và chúng tôi chở máy tính đi.

Sau đó họ chở tôi quay trở lại để dọn nốt đồ đạc của tôi (chồng chẳng bao giờ chở tôi về nhà nữa rồi!). Tôi mở chai whisky mà tôi mua về nhân dịp sinh nhật hắn (ngu thật!) – vẫn giấu trong tủ đựng giày – và chúng tôi uống hết nửa chai (sẽ không bao giờ tôi đem whisky cho chồng nữa vì tôi đang không chồng).

Tôi là một người phụ nữ cô đơn bị ruồng bỏ.

Khoảng ba giờ đêm tôi đặt lưng nằm cạnh cuốn Từ điển thần thoại Hi Lạp và con Borys, con chó yêu của tôi, nó rất quý tôi, không bao giờ chịu rời tôi, một con chó thật dễ thương. Còn cả lũ chúng nó, tức Jola và gã đàn ông chạy theo y thị, sẽ mắc bệnh đậu mùa và béo phì. Rồi trần nhà sẽ lung lay và sập xuống đầu chúng cho mà xem. Rồi miệng chúng sẽ đầy ắp răng vàng. Cả răng sâu nữa. Chúng sẽ bị thiểu năng não. Mặt toàn trứng cá. Và chúng sẽ không có con cún cưng dễ thương, con cún của tôi, của tôi và duy nhất của tôi thôi…

* * *

Ôi cha mẹ ơi, tôi muốn làm vài ngụm quá đi mất! Chẳng biết ai đã uống nốt chỗ whisky rồi.

Con Borys thì chắc không muốn uống. Tôi đã lén theo dõi nó rồi.

* * *

Bà chủ mảnh đất đòi hai mươi ngàn.

Cựu chồng trao tiền cho tôi tại phòng công chứng. Tôi đã ký nhận theo yêu cầu của anh ta.

Tôi ăn mặc lộng lẫy, vì Renata đã cho mượn váy, để cho hắn một quả bất ngờ. Chiếc váy đẹp và sang trọng. Riêng đôi tất quần tôi vừa mua mất bốn mươi tư zloty. Màu ghi. Hàng Pháp. Sơn móng tay bảy mươi lăm zloty. Son phấn bảy mươi. Cựu chống chẳng nói năng gì, nhưng tôi thấy anh ta cứ nhìn tôi suốt. Mặc dù anh ta không tỏ vẻ ngạc nhiên. Cho anh ta tiếc! Anh ta hỏi có cần chở tôi đến đâu đó hay không.

Tôi cảm ơn một cách lịch sự. Anh ta đi mà chở ả đàn bà chết tiệt của anh ta. Anh ta phải biết tôi là người phụ nữ có đẳng cấp. Vả lại, chỉ đi hai mươi phút xe buýt là xong. Đứng chết gí trên xe, phải mất một tiếng rưỡi đồng hồ tôi mới về đến nhà Ula, vì trên đường Lazienkowska có một chiếc xe tải bị lật.

Trên phố thiên hạ ngắm nhìn tôi. Tôi cực kỳ hấp dẫn. Chẳng cần phải là Jola nhịn ăn vẫn thu hút cái nhìn của đàn ông nhé. Trên xe buýt có một gã nhìn tôi không dứt mắt! Mà không chỉ một đâu nhé! Tất cả đang ở phía trước tôi! Tôi đã là một người phụ nữ mãi mãi thanh lịch rồi!

Con Borys mừng quýnh khi tôi về, cứ như thể một năm nay không được gặp tôi.

Nó làm rách bộ tất quần bốn mươi tư zloty của tôi, nó cào móng vào váy của Renata. Lỗ thủng trông như chiếc khuy ốc trắng. Tôi lao vào nhà tắm, phun sơn lên lỗ thủng tất quần. Hình như người ta làm như vậy. Mẹo này trong máy tính của tôi có mách. Trong cơ sở dữ liệu, phần hướng dẫn cách xử lý các sự cố ở nhà. Sơn cũng chẳng ăn thua gì. Đổ cả ra nền nhà. Quần tất hỏng, sơn đi đời. Máy tính của tôi sao lại đi hướng dẫn chuyện vô lý vậy!

Đúng lúc đó, rất tiếc là tôi lại nhìn vào gương. Một con mắt của tôi quả là tuyệt. To. Long lanh. Vệt bóng xanh phớt khiến tròng mắt nổi bật. Tiếc thay tôi lại sở hữu thêm con mắt thứ hai. Nom y như bị ăn đấm. Mí dưới xanh lè, lẫn với chì đen. Ôi Chúa ơi, sao nỡ lòng như vậy chứ? Tại sao tôi không phải là một cô nàng Cyclop khổng lồ một mắt nhỉ?

Đúng rồi. Lúc vừa từ salon thẩm mỹ bước ra, có thứ gì đó rơi vào mắt tôi. Chắc chắn tôi đã dụi tay vào mắt rồi! Tại sao tôi không nhớ mình là một người đàn bà thanh lịch nhỉ? Tôi chúa ghét phải làm một cô ả thanh lịch! Sẽ không bao giờ tôi kẻ mắt nữa, thề đấy!

Sau khi rửa mắt bằng xà phòng có pha chút kem tôi không nhìn thấy gì nữa. Buốt. Đau. Mà tôi còn phải làm việc nữa chứ! Nom tôi chẳng khác nào một con thỏ nhà. Mỗi tội mắt có thêm những viền đen. Rửa không sạch.

Tôi chúa ghét làm một con thỏ nhà.

Tôi bật máy tính.

Kính thưa tòa soạn,

Tôi đọc quý báo và được biết có loại chì kẻ mắt chịu nước. Chị có thể giới thiệu cho tôi loại chì đó được không, vì tôi sắp đi nghỉ hè, tôi thích trang điểm…

Loại của tôi là loại chịu được nước. Chị hãy dùng loại của tôi đi. Khi đi tắm hồ. Chỉ cần kẻ một lần trước lúc đi, sẽ đủ cho hai tuần liền đấy. Có điều đừng tìm cách rửa sạch.

Ela thân mến,

Xin chân thành cảm ơn chị vì đã tin tưởng tòa soạn chúng tôi…

* * *

Hai mươi nghìn. 20 000. Tôi thành bà chủ đất rồi. Tôi đã có đất riêng. Tôi có bản thiết kế. Tôi có tốp thợ xây toàn người miền núi.

Tất cả mọi thứ được giải quyết trong một thời gian kỷ lục, ba tuần vừa rồi. Kiến trúc sư, cán bộ đạc điền, ủy ban xã, lại kiến trúc sư, trích lục, sổ trước bạ, lại cán bộ đạc điền, xét duyệt, công văn về việc hoàn tất vụ cắt thửa đất nông nghiệp nằm tại… lý giải rằng, vụ việc này không còn thuộc phạm vi đối tượng phải xem xét, bởi đã khẳng định thửa đất (mảnh đất của tôi!) nằm trên vùng đất có nguồn gốc đất khoáng, cho nên được miễn giấy phép cắt đất sản xuất nông nghiệp và các khoản lệ phí có liên quan đến mục này.

Ô, như thế đấy.

Không hiểu bố mẹ tôi sẽ nói gì nếu hai cụ biết thợ xây đã bắt đầu đào móng. Nhưng tôi sẽ không nói với các cụ đâu. Tôi đang hoảng sợ, và chỉ cần mình tôi hoảng sợ là đủ.

Tôi chỉ nói với Agnieszka, người cũng như tôi, có nhiều kinh nghiệm trong đời. Đó là em họ của tôi, nó có đặc điểm là không nằm trong xác suất, và trái với tôi, nó đang thực hiện các mục tiêu của đời mình. Sau tiệc cưới của tôi, lúc đang dùng tráng miệng, mẹ chồng tôi bảo, đến lúc phải có con rồi, Agnieszka bèn tuyên bố, nó sẽ chỉ lấy một anh chồng mồ côi. Khi cô bạn thân của cả hai chúng tôi ly dị chồng ngay sau lễ cưới thì Agnieszka bảo rằng, sẽ đi kiếm một anh chàng đã ly dị, kinh nghiệm đầy mình, không còn bị ngu lâu.

Grzegorz – chồng con bé bây giờ – nửa phần mồ côi và đã ly hôn. Một anh chàng dễ thương. Hồi thiết quân luật anh ta từng bị giam vì in thơ của Milosz. Cho nên bây giờ, khi không còn tác động của adrenalin nữa, anh ta xin mọi người tránh xa mình. Trong đời mình Grzesiek {Tên thân mật của Grzegorz} cũng có vài thời điểm cam go.

Thứ nhất, hồi thiết quân luật, anh ta và một số bạn bè bị bắt quả tang cùng toàn bộ ba nghìn sách của Bor–Komorowski. Bọn họ tưởng hoạt động bí mật lắm, trong khi chính quyền chỉ đợi tài liệu in xong là tóm. Một nhân viên an ninh vỗ vai Grzesiek, nói nhỏ:

– Anh khỏi lo, không phí đâu, những người quen của chúng tôi rất thích những thứ phi lý này.

Kết quả là Grzesiek ngồi tù một năm, nhưng anh ta bảo rằng rất thoải mái vì sau này trong đời anh ta không còn được biết nhiều người thú vị như vậy nữa. Bây giờ anh ta quen đến một nửa chính phủ.

Tôi sống trong một đất nước mà chính phủ quen biết nhau trong nhà tù. Chẳng biết mai kia có còn như vậy nữa không.

Thời điểm khó khăn thứ hai đối với Grzesiek là khi đứa con của họ ra đời. Agnieszka nằm viện còn Grzesiek đau đẻ và đã phải cùng mẹ vợ uống cạn một chai cô nhắc để vượt qua cơn đau.

Đến tận bây giờ anh ta vẫn còn sợ cô nhắc. Ốm đau liên miên. Lúc sinh ra đứa bé rất tỉnh, nhưng bây giờ cứ ngây ngây như say. Nó đòi bố nó phải tránh xa.

Vậy là tôi báo với Agnieszka và Grzesiek rằng, thợ đã bắt đầu đổ móng. Agnieszka nhìn tôi thương xót. Grzesiek xúc động, quên cả khuyên tôi dừng lại. Cả hai đều sốc. Bảo tôi điên.

Chỉ có Ula tin tôi sẽ thành công.

Bình luận