Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xin Cạch Đàn Ông

Chương 15: Mùa xuân

Tác giả: Katarzyna Grochola

Sung sướng làm sao, xuân đã về, bây giờ tôi và cô bạn Ula của tôi lại có thể cùng nhau trò chuyện qua hàng rào, điều rất khó thực hiện trong mùa đông. Khó đây là khó bên hàng rào thôi, còn việc trò chuyện đã diễn ra thoải mái tại nhà cả hai suốt màu đông vốn chiều lòng người năm nay. Mùa xuân hiện ra trên mặt đất, trên không trung, còn tôi với Ula, bên hàng rào chung của hai nhà, cùng nhau trao đổi những chuyện hệ trọng, chia sẻ những dự định cho tương lai. Nào là chỗ này cần thêm, chỗ này cần bớt, chỗ này cần xê dịch, chỗ này cần dọn sạch.

Đúng lúc này cô bạn láng giềng thứ ba của chúng tôi đứng ở ngoài cổng, hai tay ôm bó cành giâm tua tủa rễ. Cô ta mang biếu Ula, chắc chắn là như vậy, vì đứng trước cổng nhà Ula. Ngay lập tức tôi nổi máu ghen, vì gì thì gì, những thân cây đó chẳng mấy chốc sẽ trổ những bông hồng, thì tôi thích quá đi chứ, tuy nhiên tôi không nói ra miệng, kịp thời kìm nén cảm xúc này của mình. Tôi niềm nở chào cô bạn láng giềng qua lưới sắt, cố nén máu ghen. Trước khi cô bạn láng giềng kịp đáp lại một câu gì đó tình cảm, từ nhà Ula bỗng vọng sang tiếng hét ầm ĩ.

Cả ba chúng tôi giật nảy mình, bó cành giâm đã mọc rễ cũng rung lên trong tay cô láng giềng.

– Đồ ngốc! – tiếng hét vọng tới.

– Chị mới là đồ ngốc thì có! – Giọng lảnh lót của cô con gái thứ hai của Ula đáp lại.

– Em đã bảo chị, đừng có đụng vào son phấn của em!

– Tao có đụng đâu.

– Chị đã đụng! Cũng như lần trước chị đã lấy cái áo cánh của em mà không hỏi han gì!

– Đồ tồi! Mỗi một lần thôi, chỉ tại mày thì có mà tao thì không!

Chúng tôi thở phào. Thì ra hai cô con gái của Ula cãi nhau, mùa xuân giúp cho lời qua tiếng lại vang xa, vì cửa sổ mở và giọng nói có thể bay ra.

Cô bạn láng giềng tay ôm bó cành giâm nhìn Ula. Ula có làm gì hay không? Ula không làm gì cả. Không có ý định can thiệp. Quay gương mặt thản nhiên về phía cô bạn láng giềng, Ula nói về bó cành giâm:

– Đẹp thật đấy! Cây gì vậy?

– Mày đừng có ăn nói như vậy với tao! – Tiếng quát bay qua cửa sổ ngôi nhà.

– Trả áo cánh của em đây, đồ ăn trộm!

– Đây, cầm lấy, và câm ngay cái mồm! Còn son phấn tao không lấy đâu! Tao chẳng có gì cả! Không bao giờ tao được một cái gì, chỉ mày thôi! Tao căm thù mày!

– Chị đã lấy, vì em để ở chỗ này này!

– Mày để lộn xộn, vứt lung tung thì mất là phải!

Ula vuốt nhè nhẹ bó cành giâm.

– Ôi, cành cây mập làm sao, – Ula khen, – Chắc năm nay sẽ ra hoa!

– Mẹ ơi! – giọng thất thanh thoát ra từ cửa sổ. – Mẹ ơi, mẹ bảo chị đi, chị đánh con!

– Mày, đồ điêu toa, bây giờ thì mày biết tay! Mẹ ơi! Chính nó đánh con!

Ula đặt bó cành giâm lên bờ rào.

– Mình xin lỗi một lát, mình quay lại ngay, – Ula nói. Và đi vào nhà.

Trong nhà im ắng.

Một lát sau Ula bước ra, bê một khay đựng ba cốc trà đặt lên chạc cây bên hàng rào. Cô đưa cho tôi cốc trà qua lưới sắt. Trong nhà im ắng, chim bạc má rung chuông ở đâu đó trong khu vườn cũ. Chúng tôi nhìn Ula chờ đợi.

– Chúng nó đánh nhau, – Ula nói.

– Rồi sao? – cả tôi, cả cô bạn láng giềng đều tỏ ý quan tâm.

Ula cực tài trong việc ngăn chặn và hầu như không can dự vào những vụ cãi cọ của con cái. Nhưng rõ ràng cô vừa làm gì đó ở trong nhà. Tôi tò mò, không hiểu Ula phân xử vụ này thế nào. Và đứng về phía nào. Đứng về phía cô con gái nghi ngờ cô con gái kia đã lấy cái gì đó, hay đứng về phía cô con gái thứ hai này, cô con gái mà nếu thậm chí có lấy đi nữa thì cũng chỉ vì nó không có. Có điều lấy mà không được sự đồng ý, nếu tin cô con gái thứ nhất, thì không thể biện bạch gì được. Tất nhiên, một đứa có một đứa không thì thật tội nghiệp. Tuy nhiên, kể cả khi bị xúc phạm thì cũng không nên chửi tục cơ mà. Nhưng nó chửi tục chỉ vì đứa kia cũng chửi tục mà thôi. Có lẽ vì thế mà Ula tập trung vào chuyện đứa nào đã tung nắm đấm trước.

Tôi thấy hứng thú với câu chuyện trong ngày đầu xuân này. Có nên xử hòa cả làng với hai cô con gái cưng? Hay nên nghiêm khắc với cả hai cô con gái? Nếu bênh vực thì bênh bên nào? Và tại sao? Tôi chợt nghĩ đến Tosia. Nó chỉ có một mình – tôi luôn đứng về phía nó, cho dù đôi lúc tôi không tự nhận thấy. Nếu tôi có hai cô con gái thì sẽ ra sao? Giống như chúng tôi bên bờ rào chăng? Tôi sẽ cho ai bó cành giâm đây, khi chẳng mấy chốc những cành cây đó sẽ thành những bụi cây đẹp?

Ôi, cô bạn láng giềng kia cũng phải nghĩ đến tôi nữa chứ. Cho dù bó cành kia có thể không được hoan nghênh lắm, vì to quá, mà cũng chẳng đẹp lắm.

Ula đã làm gì? Cô bước vào phòng, nơi hai đứa đang đánh nhau. Cả hai đứa cùng gào lên “Mẹ ơi!”, Ula nói:

– Yêu cầu thôi ngay, không được đánh các con tôi!

Rồi cô bỏ đi pha trà.

Tôi không nghĩ cành giâm quan trọng đến như vậy. Một ngày mùa xuân, Ula đã chứng tỏ cho tôi thấy toàn bộ cái khôn khéo của một người mẹ tốt. Bình tĩnh. Kiên nhẫn. Và tình yêu. Cô không phải đứng về một bên nào. Nhưng đồng thời cô đứng về phía cả hai cô con gái. Tôi nhìn Ula, khâm phục.

Ula đưa tay nhận bó cành giâm và nói:

– Mình cảm ơn bạn rất nhiều, rồi cây sẽ rất đẹp cho mà xem! Đương nhiên bạn không còn gì cầm trên tay nữa. Ngày mai mình sẽ cùng Judyta đi mua. Cây sẽ ra hoa rất đẹp cho mà xem!

Cô bạn láng giềng đáp:

– Mình tính thế này, các bạn mà trồng đổi bên, một cành phía bên này hàng rào, một cành phía bên kia hàng rào, thì chẳng những lũ chó sẽ không phá hỏng được mà cây sẽ bện vào nhau, nom rất đẹp!

Các bạn có thể hình dung tôi cảm thấy thế nào. Từ lâu tôi đã không còn là một cô gái bé bỏng hay ghen tị nữa cơ mà! Thậm chí có lúc tôi còn nghĩ mình là người tốt tính. Nhưng thật xấu hổ! Một đặc điểm trong tính cách của tôi. Tôi muốn thỉnh thoảng mình được là Ula! Vì đối với cô, đứa con gái đầu là đứa con gái đầu quan trọng nhất, còn đứa con gái thứ hai là đứa con gái thứ hai quan trọng nhất.

Tosia đã tháo cái khuyên đeo mũi, vì cái lỗ trên mũi nom rất bẩn. Và nó không thích nữa. Tôi hy vọng nó sẽ không gặp phiền toái gì khi bị sổ mũi.

Ngày mai Hirek sẽ về.

Xanh Lơ không thư từ gì.

Sao những người đàn ông này lại là những kẻ khiến người khác phải bực mình như vậy?

Hirek không gọi điện. Tôi gọi vào di động – gã tắt máy. Tôi chẳng biết xảy ra chuyện gì. Tôi chẳng biết có chuyện gì, tôi chẳng biết có chuyện gì, có chuyện gì. Tôi đã biết là sẽ như vậy. Tôi nghi ngờ. Lúc nào tôi cũng thấy vậy. Mọi thứ đều quá đẹp đẽ để có thể là sự thật. Tôi không biết phải làm gì bây giờ. Tôi không thể tìm được chỗ cho mình. Tại sao ông mặt trời vô tích sự kia lại tỏa nắng, mặc dù gã không gọi điện! Tôi thích trời đổ mưa.

Tôi đến tòa soạn. Có thư của Xanh Lơ.

Chị Judyta thân mến,

Tôi đã cố gắng làm theo gợi ý rất rõ ràng của chị: “Nếu tôi có thể giúp đỡ anh trong các vấn đề gia đình”, và chị nghe đây, tôi viết thư cho chị, còn chị trả lời tôi khô khốc như với người xa lạ. Hay là cần có một chút empatia? Nếu từ này quá khó thì tôi xin nhắc chị bằng Từ điển tiếng nước ngoài của Nhà xuất bản Khoa học Quốc gia: empatia có nghĩa là, “đồng cảm với một người nào đó và nảy sinh trong mình những cảm xúc mà người kia đang có”. Cho nên nếu chị có khả năng empatia, dù chỉ chút xíu, thì có lẽ chị đã không bỏ rơi tôi. Liệu có phải không có thư của chị thì tôi hết chịu nổi không nhỉ?

Còn bây giờ là câu hỏi chính: chị có thông tin nào có thể làm hài lòng chị em phụ nữ? Tôi xin cảm ơn trước.

Ôi, Xanh Lơ, anh nhất định không phải là đàn ông. Anh đừng ảo tưởng.

Tôi đọc một bức thư khác, thú vị:

Thưa chị,

Em không biết có phải em là một người con gái không bình thường, hay là thế giới quanh em chẳng ra làm sao. Em không biết vì sao em đã hai mươi tám tuổi đầu mà lại phải từ bỏ những ước mơ chỉ vì người yêu của em cho rằng đó là không tưởng. Chúng em yêu nhau đã bốn năm nay. Em đã phải nhượng bộ khi anh ấy bảo còn chưa đủ chín chắn để lập gia đình. Em không nài ép gì, em nghĩ đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Có điều, trong suốt bốn năm trời yêu nhau, không một lần nào anh ấy nhớ đến ngày sinh nhật và ngày lễ thánh của em. Khi em bảo, em bực mình, anh ấy phản ứng gay gắt và nói là anh ấy không thích bị ép buộc. Em không hiểu có chuyện gì nữa – đối với em, quà tặng chứng tỏ người ta có nhớ đến nhau, có tình cảm đối với nhau. Anh ấy cười nhạo em rồi bảo em cần phải có một chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng cơ – rằng như thế thì trẻ con lắm.

Chẳng hiểu tại sao những chuyện xúi quẩy như thế này cứ hành hạ tôi. Và đến khi nào chúng mới buông tha tôi. Chẳng hiểu tôi có tội tình gì mà cứ mắc vào những chuyện như vậy. Tôi không còn cầu mong cho ai bị đậu mùa nữa, tôi mừng khi Tosia vẫn thường lui tới với bố nó và nó quý thằng em cùng cha khác mẹ. Thế nhưng một kịch bản như thế này thì ngay trong những giấc mơ táo bạo nhất tôi cũng không nghĩ ra.

Ula đứng bên hàng rào và hỏi hôm nay tôi có xem bản tin thời sự hay không. Không. Tôi không xem. Có lẽ tại tôi ốm. Tôi xem phim tài liệu và phim tình cảm. Tôi không xem những tin vặt vãnh, có lẽ tại tôi ốm. Tôi nhận thấy Ula có vẻ băn khoăn. Tôi hỏi:

– Có chuyện gì vậy?

– Cậu mà xem bản tin thời sự hôm nay thì hay biết mấy. Mình sang nhà cậu xem chương trình Toàn cảnh nhé, – Ula nói.

Chắc có chuyện gì, tôi gọi điện hỏi mẹ, có chuyện gì không hả mẹ. Mẹ tôi vẫn thường xuyên xem bản tin thời sự. Vì thế mẹ hay bảo tôi phải xem chương trình thời sự, vì… Chẳng phải chỉ tại vì những người trí thức phải xem bản tin thời sự. Thế ai bắt con phải đi dạo lúc bảy giờ ba mươi tối hồi thiết quân luật nào? Mẹ tôi không nói, chỉ hỏi thăm Tosia.

Tosia ổn.

Ula sang nhà tôi xem Toàn cảnh, mang theo hai ly rượu.

Có chuyện gì nhỉ?

Bình luận