Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Xin Cạch Đàn Ông

Chương 13: Nhà tiên tri

Tác giả: Katarzyna Grochola

Con Mietek biến mất. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó cách đây ba ngày. Nó đi về phía cánh đồng, đuôi cong tớn. Tôi không biết đã xảy ra chuyện gì. Không ai nhìn thấy con mèo tam thể cả. Ula an ủi tôi, giống mèo sớm muộn rồi cũng quay về. Tại sao con mèo của tôi không quay về? Tôi cho con Zaraz ăn thịt, để nó khỏi bỏ đi. Nhưng nó là một con mèo nhỏ xíu, dại dột, thích săn lũ ong vò vẽ giờ này đã thấy xuất hiện. Mà ong vò vẽ có thể giết chết mèo con như bỡn!

Xanh Lơ viết cho tôi một bức thư cực kỳ dễ thương. Tôi cũng trả lời anh ta rất là tình cảm. Cho dù anh chàng còn nói thêm: Tôi mà không già như tôi viết, thì từ sự thay đổi giọng điệu đột ngột trong các bức thư của tôi, anh ta có thể rút ra kết luận là tôi đang yêu. Anh ta là nhà tiên tri, hay gì nhỉ?

Tôi hồi âm và bảo, đừng viết về chuyện riêng tư nữa, vì ông tổng biên tập mà để mắt đến thì chắc tôi sẽ gặp phiền toái. Tôi gửi thư đi không thay mặt tòa soạn, làm sao tòa báo lại có thể thanh toán cho tôi khoản trao đổi thiện cảm với một gã đàn ông nào đó. Tôi còn khuyên anh ta nên xin vào trại tâm thần mà ở, tại đó anh ta có thể hoàn toàn yên tâm phân tích vấn đề ruồng bỏ. Vì tôi không thể làm bác sĩ chữa bệnh tâm thần cho anh ta được. Tôi thấy hơi tiếc là chúng tôi sẽ không viết thư cho nhau nữa.

Ngày nào Hirek cũng gọi điện cho tôi.

Ngày hôm nay chẳng khác nào đang giữa mùa hè! Nóng như rang, còn tôi thì phải đến toàn soạn lấy thư.

Tôi thích xe lửa nội đô. Đơn giản vì xe lửa nội đô dạy tôi rằng cuộc sống trên thế giới này chẳng có gì hay ho cả. Người ta lên tàu và xuống tàu. Hôm nay người ta đã lên tàu. Ngày càng chật chội hơn. Lại còn buồn tẻ nữa.

Và lúc đó, một người phụ nữ phom người đẹp cùng thằng bé kháu khỉnh chạy lăng xăng quanh chân bước vào toa. Thằng bé không chịu ngồi, nó gí sát mũi vào cửa kính, hỏi liên tục. Nào là, tại sao lại là cỏ? Nào là, tại sao tàu lại chạy? Nào là, tàu chạy đi đâu và để làm gì? Tàu chạy tới vũ trụ hay sao? Nào là, vũ trụ nghĩa là gì? Nào là, tại sao gọi là dòng điện? Nào là, đây là cái gì?

Tôi vểnh tai nghe, vì cho đến nay tôi vẫn không tin vào dòng điện. Thế nhưng trước khi mẹ của thằng bé, người phụ nữ phom người đẹp, kịp giải thích cho tôi hiểu thực chất dòng điện là cái gì và việc hình thành vũ trụ, thằng bé đột nhiên đòi:

– Cho con ăn kem.

Người phụ nữ cúi xuống mở túi lấy ra cốc sữa chua.

– Mẹ chỉ có sữa chua. – người mẹ nói.

– Con thích kem cơ. – thằng bé nhắc lại rành rọt.

– Sữa chua ngon lắm. – người mẹ tuyên bố.

– Kem cơ! – thằng bé hét to.

Hy vọng vào một chuyến đi cực kỳ lý thú tăng lên từng phút. Hai bà già chụm đầu vào nhau thì thầm. Mấy đứa bé tranh nhau chỗ ngồi bên cửa sổ đã im tiếng.

– Hay là phomát nhé? – người mẹ hỏi khiến chúng tôi vô cùng thất vọng, giọng cô không có vẻ gì là bực bội.

Phải vểnh tai nghe vì tiếng ồn của con tàu.

– Kem cơ!

– Đến Warszawa sẽ có kem cho con. Con xem này, phomát có chiếc thìa con như thế này…

Chàng trai ngồi ghế dành cho người tàn tật mở to hai mắt, tò mò nhìn chằm chằm vào chiếc thìa con để ăn phomát.

– Phomát á, không đâu! Kem cơ!

Tất cả mọi người đều cố làm ra vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Trong khoang tàu vẫn im lặng, chúng tôi căng thẳng theo dõi sự việc. Phát hay không phát vào đít nhỉ? Vũ trụ bị lãng quên cùng với bản chất của dòng điện.

– Con thích kem cơ! – thằng bé tru tréo, căng thẳng tột độ.

– Con ơi, – người mẹ xinh đẹp nói, – con nghe đây. Mẹ chỉ có sữa chua và phomát. Mẹ không thể cho con thứ mẹ không có. Mẹ chỉ có thể cho con những gì mẹ có.

Thằng bé há miệng rồi lại ngậm miệng lại. Chúng tôi im lặng nhìn nó. Cuối cùng nó phán:

– Ngồi lên đùi.

Thất vọng tràn về. Sau đó, vũ trụ quay trở lại. Chàng trai rời khỏi chỗ ngồi dành cho người tàn tật, nhường cho một bà đứng ngay cạnh đó.

– Bà ngồi xuống đi, – anh nói, và đứng tránh ra đằng sau.

Bọn trẻ đã thỏa thuận, chúng sẽ đổi chỗ cho nhau sau mỗi ga. Các bà lim dim mắt.

Tôi thì sáng mắt ra! Người phụ nữ phom người đẹp bỗng nhiên nói lên một sự thực sâu xa mà tôi quên khuấy! Tay không thì đến Salomon cũng chịu. Bạn chỉ có thể nhận được cái Ngài có! Phải có thì Ngài mới cho được. Còn nếu như Ngài chưa bao giờ có thì sao? Liệu Cựu chồng của tôi có thứ mà tôi muốn ở anh ta hay không? Mà có nhiều nhặn gì đâu – yêu tôi đến hết đời. Và chung cục chỉ như vậy thôi ư? Nếu một người đàn bà bỗng nhiên thèm tình cảm thì sao? Không rõ nguyên do? Cần sự chăm sóc thì sao? Ôi, lạy Chúa, cần một sự gần gũi tâm tình thì sao? Làm sao mà biết được, cô ta muốn gì nào? Bất thình lình như thế? Không báo trước? Không thể có chuyện xóa bỏ bản thỏa ước không hề nói tới những chuyện thất thường như vậy? Tôi hiểu cả rồi.

Mà Krzys – chẳng biết, có phải chỗ này tôi nói quá hay không – thậm chí anh ta vẫn đang trò chuyện với vợ mình đấy chứ! Và cả tôi nữa, cũng muốn Cựu chồng dễ thương với mình. Có điều, làm sao anh ta biết được dễ thương nghĩa là làm sao? – Anh ta dễ thương đấy chứ – vì không to tiếng, chỉ ngồi ở nhà độ một giờ là bỏ đến nhà Jola. Tôi hiểu tại sao Cựu chồng luôn luôn nói: “Em muốn gì ở anh nào?” Anh ta cảm thấy tù túng. Anh ta biến là phải. Chính tôi muốn anh ta nhớ ngày lễ thánh của tôi, muốn anh ta không quên thuở ban đầu và thậm chí muốn anh ta trò chuyện với tôi! Xét cho cùng, cái đó không phải lỗi tại anh ta. Chỉ tại tôi thôi.

Một người chỉ muốn đánh bạn với người nguyên thủy, thì tại sao tối tối người đó lại phải tán dương văn học nước ngoài với bạn? Cựu chồng của tôi không thể bỗng dưng là người như vậy được. Lúc nào anh ta cũng dán mắt vào đàn bà chăng? Thế nhưng tôi đã không sớm nhận ra điều này. Thật lạ lùng! Sao tôi lại nghĩ ra chuyện một người đàn ông sẽ trao cho mình cái anh ta không có? May mắn thay, trên đời này đang tồn tại những người đàn ông có cái để mà trao. Tỉ như Hirek.

Từ nay tôi sẽ chú ý đến điều này trước, chứ không phải sau.

Cho nên tôi chỉ có thể chờ đợi tình cảm từ một người đàn ông tình cảm. Sex từ người đàn ông thích sex với mình. Chuyện trò từ người đàn ông thích chuyện trò. Tình thân ái từ người đàn ông thân ái, chứ không phải từ kẻ mà đến quan hệ mẹ con giải quyết còn không xong, dẫu rằng đã ngót bốn mươi tuổi đầu. Sự tôn trọng từ người tôn trọng phụ nữ. Tiền từ kẻ giàu có, vân vân.

Những sự thật này tôi đã nghe được hôm đứng xếp hàng mua vé xe lửa nội đô.

Và biết đâu – tôi chẳng rõ liệu chỗ này mình đi quá xa hay không – biết đâu đám đàn ông cũng nghĩ y hệt như vậy thì sao? Có lẽ không phải là phần nhiều, vì chỉ những kẻ có những đòi hỏi vượt quá bữa ăn thường nhật lên tiếng mà thôi. Phép màu có ở mỗi bước chân cơ mà.

Hirek có thể đòi hỏi gì nhỉ? Tốt thôi. Kể từ mai tôi thôi hút thuốc và bắt đầu chăm chút cho mình.

Tôi hút thuốc. Có điều tôi hút chỉ vì một lẽ, tôi bị nhức răng. Chắc tại lúc nào tôi cũng nghĩ về răng của Jola. Nhưng tôi thôi rồi đây! Răng, răng, răng. Ula sang, đưa cho tôi một viên thuốc, thuốc giảm đau. Mọc răng. Tôi uống hai viên, răng tiếp tục mọc và to như một cái cây. Lạy Chúa, tôi xin thề là không bao giờ sao nhãng việc đến nha sĩ, cứ ba tháng tôi sẽ đến một lần, thế nhưng tôi phải hết đau cái đã! Cái răng to như một ngôi nhà. Buổi chiều, Ula gọi điện đến nha sĩ của cô ấy. Đề nghị tiếp tôi. Tôi vào Warszawa. Trên xe lửa nhìn chung không có người, chỉ có những cái răng to, đau nhức đang ngồi. Răng cả ở bên ngoài cửa sổ con tàu. Những cái răng nhỏ, xanh lá cây, đau nhức, chồng lên những cái răng to. Tôi không chịu nổi. Tôi chịu được. Tôi phải ráng chịu.

Viên nha sĩ nom bảnh bao, tươi cười – cả đôi mắt cũng cười. Nha sĩ cười toét đến mang tai. Dịu dàng, không giống một gã đàn ông. Nha sĩ đặt tôi lên ghế và mỉm cười. Tôi há miệng. Nha sĩ mỉm cười. Nha sĩ tiêm thuốc. Nha sĩ mỉm cười. Không đau! Dễ chịu làm sao. Thuốc kháng sinh, hai ngày nữa đến khám lại. Một người đàn ông tươi cười, tuyệt diệu!

Rồi nha sĩ ghi hóa đơn. Không có gì lạ khi ông ta hớn hở như vậy. Tôi sẽ không bao giờ đến phòng khám của ông nha sĩ này nữa đâu. Từ thứ Hai này tôi cai thuốc.

Con Mietek không quay về. Tôi hoàn toàn cô đơn. Không còn nữa những cái chân nhỏ mềm mại giẫm lên những thứ mềm mại. Con Borys không còn bị con mèo giẫm đủ nhẹ để nó có thể vờ như không trông thấy và không có cảm giác gì. Tôi cũng không bị con mèo giẫm nữa. Cái bụng mềm là chỗ cực kỳ hữu dụng – đương nhiên là theo cách nhìn của con mèo. Zaraz không còn giẫm một cách thích thú và ngủ cùng với Tosia. Và rồi một cơn dông lớn nữa lại ập tới, vậy mà tôi đơn độc một mình! Điện phụt tắt! Con Borys chui vào nhà tắm! Tôi chẳng biết trốn vào đâu! Tosia ngủ, còn tôi sợ. Tôi cực kỳ bất hạnh. Có lẽ sấm chớp phá sập nhà tôi mất thôi, mọi thứ rung lên bần bật. Mọi người đều có ai đó bên mình, chỉ tôi là cô độc.

Đúng lúc tôi đang khốn khổ như vậy, Ula gõ cửa trước. Tay cầm cây nến, người ướt sũng. Lạy Chúa, thật may mắn, tôi không còn đơn độc nữa! Chúng tôi thắp nến bằng que diêm cuối cùng, nghe tiếng mưa rơi chỉ chực chọc thủng mái tôn và nhấm nháp rượu vang. Sấm nổ ì ầm sau cây sồi đại thụ. Mãi khi nghe thấy tiếng gầm gừ của con Borys từ nhà tắm, tôi mới quyết định tập trung tất cả các con vật vào chỗ bọn tôi. Tôi lén vào phòng của Tosia và gọi: “Meo meo”.

– Zaraz ở chỗ mẹ, chỗ con không có đâu, – Tosia mơ màng nói.

Tôi mở cửa ra hiên nhà. Trời và đất tương phản, nước chảy thành dòng không ngớt, tôi gọi to vào đêm tối:

– Zaraz, Zaraz!

Lạy Chúa, xin phù hộ cho con không bị mất con mèo thứ hai!

Ula đứng bên cạnh tôi.

– Đợi tạnh mưa chúng mình sẽ đi tìm con mèo.

Cơn dông lồng lộn đến tận một giờ đêm. Ngọn nến cháy bùng rồi phụt tắt. Đêm vẫn oi nồng. Tôi có cảm giác, qua tiếng sấm đang lịm đi và xa dần, tôi nghe thấy tiếng mèo kêu thảm thiết. Đêm dữ dằn. Tiếng nước rỏ trên cây xuống nghe đến hiu quạnh, còn bầu trời ở phía xa thì không ngớt gầm gừ.

– Mình đi tìm con Zaraz.

– Mình sẽ cùng đi với cậu, chỉ tạt về nhà một phút thôi

Chúng tôi tiến vào màn sương đang bốc lên từ mặt đất. Ula rẽ về phía ngôi nhà tối thẫm của mình. Chiếc khăn choàng trắng, rộng, phủ xuống tận đầu gối của chúng tôi. Mỗi giọt nước rơi thấm vào người tôi nỗi sợ. Mây đã tan. Vầng trăng ló dạng, dưới ánh trăng, sương bay bay làm buốt lạnh máu trong huyết quản. Đến gốc cây sồi tôi dừng lại. Con Zaraz tội nghiệp ướt sũng đang bám chặt thân cây sồi, kêu rên thê thảm. Tôi nghe có tiếng sột soạt đằng sau mình. Tôi đứng sững, rồi từ từ quay lại phía sau. Ula đang đứng sau lưng tôi. Tay cầm cây nến đã tắt.

– Mình không có diêm. Nhưng không sao, như thế đi nhanh hơn và tìm thấy nhau nhanh hơn, – cô nói.

Hai chân tôi khuỵu xuống. Có lẽ đó là điều cần thiết trong cuộc sống. Mong có ai đó ở bên mình – kể cả lúc đi tìm con mèo bị lạc. Kể cả khi nến bị tắt.

Tôi quay về nhà. Con Zaraz quắp móng chân vào cổ tôi, ôm chặt lấy tôi. Con chuột mà con Mietek tha về nhà sột soạt sau tủ đựng thức ăn trong phòng bếp rồi nhảy ra khỏi gầm tủ.

Tosia cho cả con chuột ăn nữa. Không có Mietek, nó sẽ không quay về nữa.

Thế nhưng, lần đầu tiên tôi cảm nhận có một người tay cầm nến tắt đang đi theo sau tôi trong đêm. Vậy thì tại sao tôi lại có thể nghĩ là mình cô đơn nhỉ?

Tosia yêu rồi! Lạy Chúa, rồi sẽ sao đây, – tôi lo lắng nghĩ.

Mẹ đến.

Tosia bảo là sẽ không ngồi với bà và mẹ được vì phải đến cuộc hẹn với bạn trai. Vì nó đã yêu.

Mẹ tôi buồn rầu nói:

– Ôi, lạy Chúa.

Tôi không hiểu. Giai đoạn đẹp nhất trong đời của con gái tôi bắt đầu, mẹ tôi lo ngại thế thôi. Để an ủi mẹ, tôi nói:

– Mẹ đừng lo, từ buổi đầu yêu nhau đến sex còn có hẳn một đoạn đường.

– Tại sao con lại nói chuyện tình dục, – mẹ tôi tái mặt.

Ô, thế thì sao. Tôi là người lớn rồi còn gì.

– Mẹ ơi, – tôi trịnh trọng, – con biết là mẹ cho rằng sex không phải cho những người…

– Sao con nói vô lý như vậy! Ai bảo với con thế!

Tôi biết là ai đã dạy dỗ tôi cơ mà!

– Mẹ chỉ muốn bảo sex không phải cho trẻ con!

Tôi tự biết là như vậy. Thế nhưng từ cuộc hẹn hò của một cô gái mười sáu đến sex thì không đến nỗi gần đâu. Tuy nhiên, nếu xem những cuốn sách dành cho trẻ vị thành niên…

– Mẹ cho rằng, – mẹ tôi chữa lại, – sex là dành cho người lớn.

Như vậy đã khá hơn.

– Một số người lớn, – mẹ tôi nói thêm sau giây lát.

Chẳng biết đó là những người lớn nào nhỉ?

Thì ra thế! Thì ra Xanh Lơ lại viết thư!

Kính thưa tòa soạn, cụ thể là chị Judyta,

Các vị đã giúp tôi rất nhiều việc, đến nỗi tôi không chút chần chừ lại viết thư. Bởi lẽ tôi tự lo liệu việc nhà, có rất nhiều chuyện, dù nghe có vẻ buồn cười, tôi không làm nổi. Tôi không biết, làm thế nào để tẩy gỉ sắt – chiếc áo khoác của tôi sau khi ngâm vào nước (tôi không giấu là chiếc áo nằm trong chậu đã hai ngày nay) bị ố xung quanh khuy bấm. Chị Judyta ơi, chị mà cho tôi biết tôi phải làm gì, thì chẳng những chị khả dĩ cứu được chiếc áo khoác của tôi, mà còn cứu được danh dự của một người đàn ông cô đơn nữa.

TB. Bên ngoài cửa sổ nhà tôi, mùa xuân dễ thương lắm chị ạ – cửa sổ nhà tôi ấy mà. Thế còn chỗ chị thì sao? Tôi cảm thấy thiếu thốn những lời khuyên vô giá của chị. Bây giờ hiếm khi gặp được những người phụ nữ biết xử trí trong mọi tình huống.

Tôi không thích anh ta. Tôi đã thôi không chọc tức thẳng thừng rồi cơ mà. Có điều đàn ông không bao giờ thấy hết được sự chịu đựng này.

Anh kính mến,

Chuyện ố gỉ sắt thời nay giải quyết dễ thôi. Thứ nhất, ở bất kỳ cửa hàng hóa phẩm nào anh cũng có thể mua thuốc chống gỉ sắt, tức là thứ chất lỏng có tác dụng như thuốc tẩy, nhưng dùng tẩy gỉ. Có thể tự tẩy vết gỉ theo cách sau đây: thấm ướt vùng vải quanh vết gỉ, đổ nicnin lên vết gỉ. Dùng miếng gạc tẩm dung dịch axit chanh nóng mười phần trăm xát nhẹ. Sau đó dùng nước vò sạch. Nhưng cách này có thể không áp dụng được với vải màu: vải có khả năng phai màu (mặc dù không nhất thiết) phải do axit chanh.

Kính thư, thay mặt tòa soạn…

Anh ta không còn được nghe những lời dễ thương của tôi.

Tại sao trời đẹp như thế này mà tôi lại ngồi lỳ trước máy tính nhỉ?

Kính thưa tòa soạn,

Bạn gái của em không chịu ăn. Em muốn giúp bạn nhưng không giúp nổi, vì bạn em cứ khăng khăng bảo là đã quá béo. Bạn em cực gầy, cả nhà cười bạn em, ông anh bạn em nói: mày là một cá xác còm nhom, bố mẹ bạn em thì buồn cười với con gái. Em biết bạn em thường giấu đồ ăn đi, rồi sau đó đem vứt, có lần còn nôn ọe ở nhà em, khi mẹ cho chúng em ăn trưa. Bạn em thường giả vờ, chẳng hạn mang suất ăn tối về phòng mình, rồi sau đó đem vứt. Liệu đó có phải là bệnh biếng ăn không ạ?

Tôi không vứt thức ăn. Sẽ không có ai bảo tôi: cô là cái xác còm nhom. Tiếc thay.

Karolina thân mến,

Em hãy đến gặp chuyên gia tâm lý ở thành phố Lodz, em sẽ được giúp đỡ ngay. Từ bức thư của em chị rút ra kết luận, tiếc rằng em nói đúng. Bạn gái của em có vấn đề với bản thân mình – không ăn và để tâm quá đáng đến hình thức của mình là con đường dẫn đến chứng biếng ăn, một căn bệnh không phải do béo, đó chỉ là sự bộc lộ những xung đột nội tâm nghiêm trọng. Cũng có thể bạn em đang tự bù đắp mặc cảm thấy mình kém cỏi, cho nên chắc chắn bạn em cần uống một liều tự tin thật mạnh và được mọi người nhìn nhận – có điều chị thấy phân vân, bản thân em có cáng đáng nổi việc này hay không.

Chị hy vọng em sẽ liên hệ với chuyên gia tâm lý để cả hai cùng bàn với nhau xem sự hỗ trợ nào là khả dĩ nhất đối với Ewelina. Biếng ăn là một căn bệnh đáng ngại – con số thống kê cho thấy, khoảng mười phần trăm số người mắc bệnh có nguy cơ tử vong. Trong bệnh biếng ăn, nguyên tắc sống để ăn biến thành sống để không ăn. Một khi ngay cả khi bị rối loạn hormone do biếng ăn cũng không khiến bạn gái của em sợ thì điều trên có thể trở nên rất nguy hiểm.

Giúp đỡ một cách khôn khéo là rất cần, tuy nhiên để chấm dứt được (hoặc phòng ngừa) bệnh biếng ăn thì cả nhà phải mỗi người giúp một tay. Quở trách, nhạo báng, nhiếc móc, tức giận đối với người muốn mình ngày càng gầy hơn không mang lại kết quả đâu. Vấn đề của bệnh biếng ăn còn là ở chỗ, những người bị bệnh này không nhìn mình bằng con mắt thực tế. Sự trợ giúp và cảm thông có thể mang lại kết quả. Chị vui là em đã viết thư, và chị hy vọng em sẽ liên hệ với chuyên gia để xin được giúp đỡ. Đó có thể là bước đầu tiên mang lại cho bạn gái của em cảm giác an toàn và quay về với cuộc sống bình thường.

Chào thân ái, thay mặt tòa soạn…

Tosia bước vào phòng. Hớn hở. Hăm hở. Đắm say. Lạy Chúa, tôi sởn da gà! Tôi đứng dậy khỏi máy tính và dọn bữa cho con ăn.

– Con không ăn đâu, con đang giảm cân! – Nó tuyên bố và chỉ lấy vào đĩa một chút xa lát.

Trong nhà tôi có người biếng ăn, thế mà tôi không để ý!

– Con điên à! – tôi quát – Con muốn sinh bệnh ra à! Con nhìn người con mà xem! Con mà không ăn thì người con sẽ như khung xương! Mọi người sẽ chê cười con! Con sẽ không có ngực, và không có cả kinh nguyệt nữa. Rối loạn hormone còn có thể dẫn tới ung thư!

Tôi run lên lo lắng. Mắt tôi để ở đâu mà lại không nhận ra có vấn đề như thế ngay trước mũi mình.

– Con sẽ ăn ở phòng con. Bây giờ con không nuốt nổi. Mẹ lại mắng con rồi. – Tosia cao giọng, cầm cái đĩa có tý tẹo xa lát bỏ ra bếp. Nó loanh quanh ở đó một lát rồi về phòng.

Thế đó! Chuyện bắt đầu như vậy đó! Con gái tôi tưởng là nó béo! Nó mờ mắt rồi! Tôi không thể để cho nó như vậy được! Tôi gõ cửa phòng con gái rồi bước vào. Tệ hơn tôi tưởng. Trước mắt Tosia, bênh cạnh đĩa xa lát có hai khoanh bánh mì, hộp ớt ngâm, một quả táo, một quả chuối, miếng phomát và một ít nho khô. Rồi nó sẽ nôn ọe cho mà xem! Rồi chỉ chút xíu nữa cơ thể sẽ mất nước kiệt quệ! Nhưng tôi cần bình tĩnh. Tôi phải giúp con. Có thể nó cảm thấy không được yêu thương.

Tôi ngồi trên đivăng.

– Mẹ cần nói chuyện với con, – tôi mở lời. – Có thể mẹ không phải là người mẹ tốt nhất, nhưng mẹ rất yêu con và mẹ cho rằng con là một người tuyệt vời. Không cần bỏ ăn để mẹ yêu con hơn đâu. Trông con thế nào mà chẳng được, đằng nào thì mẹ cũng không hết…

Nó chăm chú nhìn tôi. Rất chăm chú.

– Như thế đó, – nó cay đắng ngắt lời tôi, – đến mẹ cũng bảo thế nào mà chả đuợc đối với diện mạo của con. Mẹ không thấy con phải vứt bớt chí ít là ba kilô hay sao! Con không ních nổi chiếc quần mua hồi tháng Giêng nữa rồi! Mẹ lại còn mắng con, làm con không được yên thân mà ăn! Lúc ăn người ta phải được yên!

Tôi ra ngoài. Quay về máy tính. Tôi không biết phải làm gì bây giờ. Tôi cần phải tìm gặp một nhà tâm lý học.

Tosia vào nhà tắm. Nhất định nó sẽ nôn ọe! Tôi lén ra bên cửa và nghe ngóng. Không có gì. Khi Tosia mở cửa, nó lao thẳng vào người tôi. Tôi ôm bụng và giả vờ đau lắm. Nó ngạc nhiên nhìn tôi:

– Mẹ khó ở hay sao?

Tôi nói lí nhí gì đó rồi đóng sập cửa lại. Nó có nôn ọe không nhỉ? Có lẽ không. Tôi không thấy gì cả, vả lại thời gian nó ở trong nhà tắm rất ngắn. Nhưng những cô nhịn ăn rất ranh ma. Công nương Diana chẳng hạn. Không ai biết chuyện này! Và hãy nhìn kết cục đấy!

Vừa nghĩ tôi vừa lại gần tủ lạnh, và tôi cũng lấy một chút phomát kèm nho khô. Tôi nhìn vào hộp: nếu zêrô calo thì tôi phải mắng ngay. Cũng may đó là loại phomát béo bình thường. Ngon! Vậy hóa ra Tosia không phải là con bé sợ ăn ư?

Sao hôm nay Hirek không gọi điện nhỉ? 

Bình luận