Tôi tự mình trấn tĩnh một cách chậm chạp. Có lẽ tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn với Cựu chồng. Ít nhất mọi chuyện cũng rõ mười mươi. Tôi không hiểu cớ sao những chuyện như thế này lại cứ nhằm vào tôi. Không biết xác suất là bao nhiêu nhỉ, để ở tuổi ba mươi bảy người ta gặp được một người đàn ông, yêu, rồi mới vỡ lẽ ra gã là kẻ cướp? Rõ là Chúa đã ném tôi lên vùng xác suất cao. Tôi muốn xuống vùng thấp.
Từ hôm nay tôi không để việc lại nữa. Sáng dậy tôi tập thể dục. Sau đó làm việc đến hai giờ chiều. Tiếp nữa ra vườn. Rồi lại làm việc. Tôi bắt tay vào việc dạy dỗ con cái đến nơi đến chốn. Tối nay tôi sẽ dọn dẹp mấy cái tủ bếp. Ngày mai dọn toilet và buồng tắm.
Tôi phải bắt đầu sống bình thường. Không một gã đàn ông nào, cho dù đúc bằng vàng, được bén mảng tới đây.
Hirek gọi điện. Bảo sẽ giải thích mọi chuyện. Bảo tôi là đôi mắt của gã. Vân vân.
Tôi yêu cầu gã hãy để cho tôi yên.
Đêm qua có người đi dưới cửa sổ nhà tôi. Tôi biết, chẳng có chuyện gì đâu, thế nhưng tôi vẫn sợ. Tôi không ngủ. Tôi gọi điện cho Ula. Ula hứa sẽ quan sát qua cửa sổ. Lúc ba giờ đêm, nghe cô ấy hô:
– Trộm.
Ula nhìn thấy có người nhảy qua hàng rào chung của hai nhà. Chúng tôi gọi điện cho cảnh sát. Cảnh sát đang dẹp cuộc ẩu đả ở tận đầu kia thị trấn. Kẻ lạ bỏ chạy. Chúng tôi bàn nhau, gọi công ty bảo vệ. Buổi chiều người ta đến lắp chuông báo động. Chúng tôi được cấp thêm hai bộ điều khiển để báo khi có kẻ đột nhập. Khi bị đột nhập chỉ cần nhấn nút.
Tại sao tôi lại muốn rời khỏi nơi này?
Hôm qua tôi và Tosia xem phim Hồ sơ tuyệt mật. Con Borys nằm trên đivăng, con Zaraz nhảy nhót loạn xị cạnh bình hoa, tôi quẳng nó ra tiền sảnh. Chúng tôi ăn pizza đặt qua điện thoại – Tosia không phải là đứa biếng ăn. Nữ đặc vụ Scully lẻn vào căn phòng tối om, trong đó có tên giết người cải trang thành quái vật đang phục. Nữ đặc vụ Scully giả vờ như không hay biết gì, bò vào dãy nhà kho. Khẩu sung lục nhỏ xíu trong tay lăm lăm chĩa ra phía trước, chúng tôi nghe thấy cả tiếng thở của tên quái vật kia!
Đúng lúc đó, một đám đàn ông mặc đồ đen, súng lăm lăm trong tay, ập vào. Không phải trên tivi. Nhà chúng tôi. Vào nhà.
Miếng pizza rơi khỏi tay Tosia. Tôi lo ngại.
– Có kẻ đột nhập vào nhà này! – một người hô to. – Mật khẩu.
Nữ điệp viên Scully bị tên quái vật tấn công, khẩu súng lục nhỏ xíu của cô văng ra, trượt trên nền nhà rộng.
– Mật khẩu!
Tosia nhặt miếng pizza rơi trên thảm lên.
– Quân ta hả? – con gái tôi lịch sự hỏi.
Tôi không biết nó thừa hưởng đâu ra chút ít nhã nhặn này nữa.
– Chúng tôi cần kiểm tra căn nhà, chúng tôi nhận được tín hiệu bị đột nhập.
Lạy Chúa, họ chỉ là những người bảo vệ tôi, chứ không phải lũ cướp đột nhập nhà tôi! Tạ ơn Chúa! Rất tiếc, họ phải kiểm tra ngôi nhà.
Gian bếp bề bộn, tôi đã lôi những thứ cần cọ rửa trong tủ ra và chất một đống. Mai tôi mới làm nốt. Buồng tắm bề bộn, vì ngày mai tôi mới dọn. Cả toilet nữa! Phòng Tosia bề bộn, nó chưa dọn nên chưa xong, vì nó có toàn quyền đối với chỗ của mình trên trái đất này. Họ kiểm tra mọi ngóc ngách. Tôi cam đoan với họ là nhà chúng tôi không bị đột nhập. Rất tiếc, do không nhớ mật khẩu của nhà mình nên tôi phải gọi điện hỏi Ula. Ula nhớ. Tôi nói mật khẩu. Họ rút lệnh báo động nhà bị đột nhập. Toán người nhìn tôi ngạc nhiên. Khi họ đi ra, con Zaraz lao vào chân họ. Các bạn thử đoán xem, nó đang nghịch cái gì? Bộ điều khiển báo động đột nhập!
Người thứ hai trong tổ đột nhập ra đến cửa ngoái lại, nói:
– Chị phải lắp khóa đi. Chúng tôi vào nhà được vì cửa để mở đấy.
Tôi phải lắp khóa chứ gì. Để thay đổi nếp sống, tôi sẽ lắp ổ khóa chết tiệt này.
Hirek gọi điện.
Chết tiệt, hắn gọi làm chó gì chứ?
Tôi thực hiện rất nghiêm túc kế hoạch làm việc. Hôm nay tôi cũng đã tập thể dục nữa. Chín giờ sáng tôi ngồi vào bàn máy tính. Tôi lấy một chiếc phong bì.
Thưa tòa soạn,
Tôi có rất nhiều khó khăn và những vấn đề, nhưng có một chuyện tôi không chịu nổi. Xin hãy cứu tôi! Trong nhà tắm của tôi có những con gì bé tí tẹo, hầu như trong suốt, không cánh. Tôi chẳng biết đó là con gì và làm thế nào để diệt chúng.
Chị thân mến, chị có thích đổi cho tôi không nào? Tôi đổi người tình của tôi lấy con mọt của chị. Thậm chí tôi có thể lấy hết sạch lũ mọt đó. Phái chăng chị ao ước những khốn khó còn tồi tệ hơn? Làm một người vợ bị ruồng bỏ, có con gái đeo khuyên trên mũi và người tình là mafia chăng? Chị hãy đi mua một con dê cái và nhốt nó cùng với lũ mọt chừng ba tuần lễ. Rồi sau đó thả con dê ra. Lũ mọt ắt thôi làm phiền chị…
Tôi sẽ không đeo đẳng nỗi bực tức của tôi. Bây giờ tôi sẽ làm việc chuyên cần.
Thưa chị,
Mọt không lớn, 7-10 mm, mềm mại, một loài côn trùng không cánh, giống như một con cá nhỏ xíu. Thân nó phủ lớp vảy xám bạc óng ánh. Những con côn trùng sống đơn lẻ này thường hay gặp trong các ngôi nhà lắp ghép. Mọt ưa những nơi ẩm, ấm và tối. Chúng thường sinh ra trong những ngăn nhỏ bên dưới bồn rửa, nơi đặt ống thoát nước, dưới bồn tắm, dưới thảm trải sàn. Bật điện sáng lên là có thể nhìn thấy.
Có lẽ chỉ có mình tôi là mù quáng. Tôi nhận biết mọi thứ qua những gì nhìn thấy. Và đây, Cựu chồng là một ví dụ. Anh ta đến và nói, anh ta không thể sống với tôi. Tôi sẽ không nghĩ về đàn ông nữa. Tôi sẽ nghĩ về lũ bọ. Luôn luôn như vậy. Chỉ lũ bọ thôi.
Mọt có thể bò trên bề mặt thẳng đứng, nhưng sần sùi – chúng không thể bò ra khỏi bồn rửa hoặc bồn tắm. Chúng thích đường, bột mì, tấm, hồ dán giấy bồi tường, thảo dược sấy khô. Quá trình trưởng thành khoảng một năm, chúng có thể sống tới ba năm.
Trứng mọt không thể nở, nếu nhiệt độ xuống dưới hai mươi hai độ. Chúng vô hại – rất hiếm khi làm hỏng giấy bồi tường hoặc sách vở…
Ly dị làm hỏng sách kinh khủng. Tôi không còn được một nửa số sách của tôi. Tất cả chỉ tại vì thế giới đầy rẫy đàn ông. Một thế giới đầy mọt còn khá hơn.
Bên dưới thảm trải sàn, dưới bồn rửa… phải được khô ráo. Nếu quá nhiều mọt thì có thể đặt thuốc nhử: “Detia Silberfischen Koderdose Baygon Ungezieferkoder” hoặc thuốc diệt gián. Hoặc có thể dùng aerosol thay thế. Chỉ phun vào những chỗ phát hiện thấy có mọt – mặt dưới bồn tắm và bồn rửa…
Tại sao để diệt trừ những con mọt bé xíu, xinh xẻo và vô hại người ta đã sáng chế tới ngần ấy thuốc độc? Tại sao không có ai sáng chế ra những loại hóa chất có thể phun vào bọn đàn ông vô lương tâm! Những chất ngăn ngừa họ xây tổ, không cho nhân giống đàn ông? Cựu chồng của tôi lại là người có lương tâm. Không lừa dối tôi bất kỳ lúc nào. Anh ta nói ngay một cách thành thật rằng, Jola là người đàn bà thứ hai trong đời anh ta. Anh ta thích vậy.
Phong thư thứ hai. Phải chăng Xanh Lơ sẽ lại chế nhạo tôi như mọi khi? Thế thì chẳng nghĩa lý gì.
Thưa anh,
Có một cách – theo ý kiến của một bác sĩ trị liệu – để gặp được một bạn tình chân thành, tốt bụng, nhạy cảm và thông cảm, trước tiên mình phải là một người như vậy.
Nếu quả tình anh hỏi tôi về lời khuyên trong chuyện đàn bà, thì tôi nghĩ, ngược với bề ngoài, đàn bà không cần gì nhiều. Họ muốn yêu và muốn được yêu. Có điều tôi không được rành cho lắm trong những chuyện như vậy, vì tôi không có được một tình yêu đẹp và bền lâu trong đời. Và khi nghĩ về tất cả những bức thư tôi đã gửi tới anh, tôi nhận thấy, nếu hôm nay tôi trả lời bức thư đầu tiên của anh thì có lẽ tôi đã viết khác. Nhưng lúc đó tôi đang trong tình trạng cười ra nước mắt. Là một người chồng bị vợ bỏ, anh viết thư gửi đến tòa soạn xin được giúp đỡ, và chính một người vợ bị chồng bỏ đã viết thư trả lời anh. Xin anh thứ lỗi cho tôi về bức thư đầu tiên đó – bức thư của một người đàn bà đau khổ và ưu phiền.
Bây giờ tôi đã từ bỏ ý định muốn nện cho đàn ông một trận và tôi sẽ trả lời hết sức thành thật: tôi biết, làm cho đàn bà ưng ý dễ như thế nào – hãy nghe cô ấy nói và không cần giải quyết ngay các vấn đề của cô ấy. Nghe là đủ. Đây chính là sự trợ giúp mà cô ấy thực sự cần.
Tôi khuyên anh hãy quan tâm tới cô ấy một cách tận tình và cụ thể. Nếu cô ấy thích hoa, thì phải được nhận hoa. Nếu cô ấy thích đi du lịch, hãy đi du lịch cùng cô ấy, cho dù phải vay tiền ngân hàng. Nợ trả sau. Nếu cô ấy thích những bộ phim tình cảm sướt mướt thì thỉnh thoảng anh hãy đi xem phim sướt mướt với cô ấy. Có nhiều chuyện còn tệ hơn phim sướt mướt ấy chứ – anh hãy tin tôi đi.
Ngoài những việc đã nói ở trên, việc còn lại chỉ là phải yêu nhau.
Thay mặt tòa soạn, tôi chúc anh được ưng ý…
Hôm nay Tosia đi học về muộn bốn tiếng! Tôi nghĩ mình đã bạc hết tóc rồi. Nó lại còn kể cả đống những chuyện vô lý, đầu tiên là thầy giáo chuyển tiết học tự chọn sang giờ khác, sau đó một chiếc xe Fiat nhỏ chui vào gầm một chiếc xe chở bê tông lưu động và có người chết, cho nên nó không thể đi đến nhà đứa bạn gái mà nó cần phải đến ngay sau khi tan học, vân vân…
Tôi bảo Tosia là nó nói dối. Tôi chẳng hiểu sao nó lại nghĩ ra toàn những chuyện vô lý để bao biện cho mình như vậy. Tôi không thể tin nó được. Thật đáng tiếc. Tosia òa khóc rồi đóng cửa ở lỳ trong phòng.
Chiều tối Ula sang nhà tôi và nói Krzys về muộn ba tiếng. Con đường duy nhất từ Warszawa bị ùn tắc vì một chiếc xe Fiat nhỏ chui tọt vào gầm chiếc xe chở bê tông lưu động. Tôi đi xin lỗi Tosia.
Tại sao con người ta, tức là tôi ấy, khi đang già đi thì quên mất một điều là phải tự hứa với mình sẽ không bao giờ làm một số việc nào đó?
Tosia thậm chí không nổi cáu. Chỉ bực mình.
Còn tôi nhớ lại hồi mình mười chín tuổi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học tôi đi làm ở bệnh viện, chân lao công. Tôi nhớ hồi đó tôi thích làm bác sĩ lắm. Hồi đó làm như vậy là để kiếm điểm vào ngành y – tôi nộp đơn xin vào làm tại bệnh viện và được chấp nhận, bà trưởng khoa nghiêm nghị nói tôi phải có mặt đều hàng ngày từ lúc bảy giờ sáng, và đường công danh của tôi được bắt đầu như vậy đó.
Ngày đầu tiên tôi hăm hở dậy lúc sáu giờ sáng. Sáu giờ ba mươi tôi đã ngồi trên xe điện. Bảy giờ kém hai mươi, tại góc một ngã tư lớn ở Warszawa, xe điện của tôi va chạm một xe điện khác. Toa thứ hai trệch khỏi đường ray. Hành khách la ó, cửa xe không mở được, mùi thiết bị điện cháy khét khiến ai nấy càng thêm hoảng. Cuối cùng chúng tôi cũng chui ra khỏi toa xe. Tôi không có thời gian để sợ, tôi chỉ sợ muộn giờ làm mà thôi. Tôi chạy thục mạng trên đoạn đường còn lại (ba ga xe điện), vì xe điện không chạy được.
Tôi lao vào khoa khi đã muộn và tất nhiên người tôi gặp đầu tiên là bà trưởng khoa. Bà ta đứng ngoài hành lang như một bức tượng. Mặt bà hầm hầm, bực tức. Tôi than thở vì vụ tai nạn, bà ta ngán ngẩm nhìn tôi, rồi sai tôi đi cọ toilet.
Hôm sau tôi dậy lúc năm giờ ba mươi. Sáu giờ mười tôi ra khỏi nhà – trời tối, xám xịt, đầy sương mù – cuốc bộ đến bệnh viện. Tôi biết mình không được phép đến muộn. Tại một bãi rộng ở phố Plocka có một đám đông đứng chờ xe buýt. Xe đến, hành khách lên xe, một cô mới bước một chân lên bậc xe thì có một gã xô đến giật mất túi xách. Người phụ nữ ngã ngửa ra, hét ầm lên. Tôi chạy lại, vài hành khách trên xe buýt nhảy xuống đuổi tên cướp, cảnh sát cũng tới. Bảy giờ kém mười lăm, các anh cảnh sát rút sổ ghi tên tôi là người làm chứng. Bảy giờ hai mươi tám phút, một chiếc xe trang bị điện đài đỗ xịch trước cổng bệnh viện – vì tôi đã cầu cứu cảnh sát giúp đỡ.
Người đầu tiên tôi chạm trán là bà trưởng khoa. Bà ta hỏi sao tôi đến muộn. Sau khi nghe tôi phân bua, bà ta sai tôi đi cọ bể bơi.
Ngày tiếp theo tôi dậy lúc năm giờ ba mươi. Tôi lên chiếc xe buýt chỉ chở tôi được một đoạn. Trời mưa. Tôi xuống xe, tôi chỉ phải băng qua phố Wolska, và tới phố Kasprzak thì cuốc bộ. Tôi đứng bên rìa đường, đợi đèn xanh. Đứng bên cạnh tôi còn có nhiều người khác cũng đang vội đi làm. Thình lình một người vừa mới bước một bước xuống lối sang đường thì ngã vật ra, người run bắn, đập đầu đành đạch xuống mặt đường nhựa, sùi bọt mép. Một thanh niên kéo anh ta vào vỉa hè, kêu lên:
– Giúp tôi một tay, anh ta bị bệnh động kinh.
Mọi người giãn hết ra, còn tôi đứng ngẩn người.
– Cô đừng đứng đực ra như vậy, – anh thanh niên hét lên, – gọi giúp xe cấp cứu đi.
Đèn xanh, khách bộ hành qua đường, tôi đứng ngây như một con ngốc rồi quay gót chạy đi tìm bốt điện thoại.
Tôi có mặt tại bệnh viện lúc bảy giờ ba mươi lăm phút. Người đầu tiên tôi gặp là bà trưởng khoa. Hành lang lộn tùng phèo trong mắt tôi. Còn bà trưởng khoa thét lớn:
– Hôm nay lại có chuyện gì hả? Cháy nhà chăng? Động đất chắc?
Tôi nhìn bà ta rồi nói:
– Xin lỗi cô, hôm nay em ngủ quên.
Bà trưởng khoa tươi tỉnh mặt mày. Miệng cười tuơi rói. Mặt dịu hẳn.
– Cô thấy chưa? Lần này cô không nói dối. Thôi, vào làm việc đi.
Thực khó tin, phải không? Lúc đó tôi đã tự hứa với mình, tôi sẽ luôn luôn tin những gì người khác nói. Tôi chẳng hiểu tại sao tôi thấy khó tin, rằng người khác nói thật. Cho dù là sự thật khó tin. Tôi đã quên câu chuyện về bà trưởng khoa và hậu quả là ở đó.
Tôi quên rằng hồi còn non trẻ, khi có những chuyện vô lý và phi thường xảy ra với mình, tôi vẫn thường nghe: “Toàn điêu”. Hoặc: “Thôi được rồi, bây giờ thì nói thật xem nào.” Hoặc: “Bớt đi một nửa là vừa đấy.” Hoặc: “Cô biết không, chẳng qua là cô tưởng tượng quá đấy thôi…” Hoặc: “Cô toàn nói đâu đâu vô lý thế để làm gì hả? Cứ nói thẳng sự thật không được hay sao?” Và bây giờ tôi cũng đã cho Tosia xơi đúng một quả như vậy.
Tôi vẫn như trông thấy bà trưởng khoa bằng xương bằng thịt đứng trước mặt. Tay chống nạnh, tạp dề trắng toát. Hành lang bệnh viện chen chúc những cái giường kê thêm. Tôi ngửi thấy mùi lizol {Dung dịch xà phòng kali carbonate hòa với 50% krezol dùng để sát trùng tay, phòng bệnh viện và dụng cụ y tế}. Những từ: “Cháy nhà chăng? Động đất chắc?” xuyên qua mùi này và chui vào tai tôi. Và nụ cười mỗi lúc một thêm rạng rỡ của bà khi tôi nói dối là tôi đã ngủ quên.
Tosia ơi, mẹ đúng là ngốc và có trí nhớ kém quá. Con bỏ qua cho mẹ chứ?