Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Phía Tây Không Có Gì Lạ

Chương 8

Tác giả: Erich Maria Remarque

Tôi nhận ra những cái lán trú quân của trại Lăng: chính nơi đây Himmenxtôt đã huấn luyện cho Jađơn. Ngoài cái đó ra, tôi chẳng thấy mấy ai quen thuộc. Mọi vật đều thay đổi, bao giờ chả thế. Họa chăng chỉ còn vài người ở đây mà trước kia tôi có lần thoáng gặp.

Tôi làm việc như một cái máy. Buổi tối, hầu như bao giờ tôi cũng ở Câu lạc bộ Chiến sĩ; ở đó có báo chí, nhưng tôi không đọc. Nhưng lại có một cái đàn dương cầm mà tôi rất thích chơi. Có hai người đàn bà phục vụ, trong số đó một người trẻ.

Chung quanh trại, có hàng rào dây thép cao. Khi chúng tôi từ Câu lạc bộ Chiến sĩ về muộn, chúng tôi phải xuất trình giấy ra vào. Dĩ nhiên anh nào biết thu xếp với lính gác thì cũng vào được.

Hàng ngày chúng tôi tập những thao tác đại đội trên cánh đồng hoang, giữa những bụi đỗ tùng và những khu rừng phong. Đối với những ai không đòi hỏi gì hơn thì cũng dễ chịu. Cứ chạy về phía trước, lao người xuống đất và để hơi thở làm cong xuống đây đó vài nhánh cỏ, vài đóa hoa. Nhìn gần như thế, sát mặt đất, cát nom trong sáng và tinh khiết như một thí nghiệm do không biết cơ man nào là hạt nhỏ li ti tạo thành. Tự nhiên người ta có ý muốn lạ lùng thọc tay vào đấy.

Nhưng đẹp hơn cả là những khu rừng với rặng cây phong viền bên ngoài. Các khu rừng mỗi lúc mỗi thay đổi màu sắc. Lúc này những thân cây lấp lánh màu trắng rực rỡ nhất và giữa các thân cây, màu xanh lam của cành lá đang rập rờn như một tấm lụa mỏng tang. Một lúc sau, tất cả lại ngả sang màu xanh mắt mèo lấp lánh ánh bạc; từ rặng cây ở mép rừng, màu xanh tràn đi và điểm lên cành lá; nhưng liền sau đó, ở một chỗ, màu sắc tối sầm lại gần như màu đen khi có đám mây lướt qua mặt trời. Rồi bóng đen ấy chạy như một bóng ma dọc các thân cây lúc này trở nên nhợt nhạt, và trải ra khắp cánh đồng hoang cho đến tận chân trời. Trong khi ấy những cây phong đã vươn lên như những ngọn cờ uy nghi, với những cán cờ trắng muốt mang ánh vàng son của cành lá nhuộm màu.

Tôi thường mê mải với cảnh biến diễn ánh sáng nhẹ nhàng và bóng tối trong trẻo ấy, đến nỗi gần như không nghe thấy hiệu lệnh chỉ huy nữa: những lúc cô đơn, người ta thích quan sát cảnh thiên nhiên và đâm ra yêu mến nó. Ở đây tôi ít quen thuộc, vả lại, tôi cũng không thích có quan hệ với nhiều người.

Người ta hiểu biết nhau quá ít nên ngoài việc chuyện gẫu và buổi tối chơi cờ mười bảy và bôn hoặc đánh bài ram cũng chẳng biết làm gì khác.

Cạnh lán chúng tôi có một trại lớn giam tù binh người Nga[13]. Nói cho đúng, thì trại tù binh cách chúng tôi một hàng rào dây thép, tuy vậy bọn tù binh vẫn sang được chỗ chúng tôi. Họ rất rụt rè và sợ sệt; phần nhiều họ rậm râu và rất to lớn, vì thế nom họ như những con chó xồm bị người ta đánh.

Họ lượn chung quanh lán chúng tôi, và diễu qua những cái thùng đựng nước nhờn. Chúng ta thử tưởng tượng xem họ tìm được những gì? Chỗ chúng tôi, thức ăn đã chẳng dồi dào gì cho lắm, và nhất là lại tồi nữa; củ cải vàng cắt sáu luộc nước lã, cà rốt còn dính cả đất; khoai sắn đối với chúng tôi đã là một món quý và bữa tiệc ngon tuyệt trần của chúng tôi là món cháo gạo lỏng bỏng, trong đó lều bều một ít nước gân bò băm nhỏ thì phải. Nhưng lại băm nhỏ quá đến nỗi chẳng ai trông thấy miếng nào. Dĩ nhiên, dù thế, chúng tôi cũng chén tất. Nếu anh nào tình cờ có cái gì ăn, không cần phải liếm đáy cà mèn thì có hàng chục người khác sẵn sàng liếm ngay. Chỉ có những cái thừa mà không xúc được, người ta mới tráng nước và đổ vào chậu nước nhờn. Thỉnh thoảng chúng tôi còn vất vào chậu ít vỏ củ cải, những mẩu bánh mốc và đủ các thứ rác rưởi.

Cái thứ nước bẩn thỉu, đục ngầu và chẳng béo bổ gì ấy chính là cái mà bọn tù binh khao khát. Họ đến múc nước ấy một cách thèm thuồng trong những chiếc thùng gỗ hôi thối, dấu nó vào trong áo khóac rồi mang đi.

Cái cảnh những kẻ thù của chúng tôi, nhìn tận mặt như vậy thật lạ lùng. Họ có những bộ mặt làm ta phải suy nghĩ, những bộ mặt nông dân chất phác, trán rộng, mũi rộng, môi dầy, bàn tay to, tóc rậm.

Dùng họ để cày ruộng, cắt cỏ và hái táo thì tốt biết bao nhiêu. Trông họ còn hiền lành hơn cả những người nông dân của chúng tôi. Thật là đáng buồn khi trông thấy những cử chỉ của họ và cách thức họ xin một tí thức ăn. Tất cả bọn họ đều suy nhược, vì họ chỉ được lãnh một khẩu phần vừa đủ để khỏi chết đói. Đã lâu rồi, chúng tôi ăn uống cũng chẳng ra gì. Họ bị bệnh kiết lị. Với con mắt lo âu, nhiều người trong bọn họ chỉ trỏ một cách lén lút vết máu trên vạt áo sơ mi của họ. Lưng họ run lên bần bật, đầu họ nhìn chênh chếch từ dưới lên khi họ chìa tay ăn xin, mồm lắp bắp vài ba tiếng mà họ biết – khi họ ăn xin bằng cái giọng trầm trầm nhẹ nhàng và êm dịu, cái giọng gợi lên những lò sưởi ấm áp, những căn nhà mà người ta đang sống thoải mái ở Tổ quốc.

Có những đứa đá họ ngã lăn xuống đất, nhưng đó chỉ là số ít. Phần đông chúng tôi cứ để mặc họ, khi họ đi bên cạnh. Thực ra, đôi khi thấy họ khốn khổ quá, người ta cũng điên tiết lên và đá cho một cái. Chao ôi! Giá họ đừng nhìn anh như vậy. Xiết bao là tiếng khổ trong hai cái điểm nhỏ bé ấy, mà ngón tay cái đủ che kín cả trong đôi mắt của họ.

Buổi chiều họ đến lán chúng tôi và tìm cách đổi chác. Họ đổi tất cả mọi thứ để lấy bánh. Đôi khi họ cũng đi đến chỗ thuận mua vừa bán với chúng tôi, vì họ có những đôi ủng tất, còn ủng của chúng tôi thì xấu quá. Da ủng cao cổ của họ màu lạ lùng, thực là da Nga chính cống. Trong bọn chúng tôi, có những anh chàng con gia đình nông dân nhận được thực phẩm gửi đến, có thể mua được. Một đôi ủng vào khoảng từ hai đến ba cái bánh lính kèm theo một khúc dồi nhỏ, hun khói và chắc mạch.

Nhưng đã lâu lắm, hầu hết những người Nga đã đánh đổi tất cả những thứ họ có. Bây giờ họ chỉ mặc một bộ quần áo rách rưới thảm hại, họ chỉ còn tìm cách đổi chác những đồ vật chạm khắc nho nhỏ và những đồ vật họ làm bằng mảnh đạn trái phá, bằng những miếng đồng đai đạn. Dĩ nhiên, những vật ấy chẳng mang lại cho họ bao nhiêu; họ đổi lấy vài lát bánh. Những anh nông dân của chúng tôi rất kiên nhẫn và lắm mánh khóe trong cái khoa buôn bán. Họ giơ miếng bánh hoặc khúc dồi ra trước mũi anh người Nga, cho đến khi anh ta thèm rỏ rãi ra, hoa mắt lên, sau đó xem tất cả mọi vật đều là thường cả. Còn họ thì nâng niu cái món quý vật của họ hết sức là thận trọng, họ lấy con dao díp to tướng ra, từ tốn kính cẩn cắt một mẩu bánh, và cứ chén xong một miếng, họ lại nhấm nháp một miếng dồi chắc nịch ngon tuyệt, như để tự thưởng công cho mình. Nhìn chúng nó ăn như vậy thật là khó chịu; chúng tôi chỉ muốn đập lên cái đầu thô lỗ của chúng một trận. Rất ít khi chúng nó cho chúng tôi cái gì; cũng phải nói là chúng tôi không quen chúng nó lắm.

Nhiều lần, chúng tôi đứng gác cạnh trại tù binh Nga. Trong bóng tối, người ta thấy những hình thù của họ động đậy như những con cò ốm, như những con chim to.

Họ đến gần hàng rào, đứng áp mặt vào đấy. Ngón tay họ bíu lấy những mắt lưới sắt. Nhiều khi một số đông tù binh đứng cạnh nhau như thế và thở hít làn gió từ cánh đồng hoang và những khu rừng thổi đến.

Họ rất ít nói và có nói cũng chỉ vài tiếng thôi. Họ có tính chất con người hơn và tôi gần như tin rằng họ thương yêu nhau hơn là chúng tôi đối với nhau ở đây.

Có lẽ vì họ khổ cực hơn chúng tôi chúng. Thế mà chiến tranh đã chấm dứt đối với họ; nhưng phải thấy rằng ngồi mà chờ bệnh kiết lị thì cũng chẳng phải là một kiếp người nữa.

Bọn dân vệ già canh gác họ, kể chuyện là lúc đầu họ hoạt bát hơn, họ cũng giao thiệp với nhau, ở đâu mà chả thế, và hình như nhiều lần cũng có đánh nhau, đâm nhau nữa. Nhưng bây giờ họ đã mòn mỏi và thờ ơ quá đỗi. Đa số chẳng buồn thủ dâm nữa. Họ yếu quá rồi, nếu không, cái việc ấy phổ biến đến nỗi nhiều khi cả trại cùng làm một loạt.

Họ đứng đó, dựa vào hàng rào, đôi lúc một người lảo đảo rồi bỏ đi; chẳng mấy lúc một người khác đã thế chân. Phần đông chẳng nói chẳng rằng; chỉ trừ vài người, xin đầu thuốc lá.

Tôi ngắm những hình thù thiểu não ấy. Râu họ phất phơ trước gió. Tôi chỉ biết một điều về họ: họ là tù binh, và chính điều ấy làm tôi xúc động. Cuộc đời của họ không tên tuổi và không tội lỗi gì cả. Nếu tôi biết rõ số phận họ hơn nữa, nghĩa là họ tên gì, sinh sống ra sao, chờ đợi cái gì, cái gì làm cho họ khổ sở thì mối xúc động của tôi sẽ có một mục đích cụ thể và có thể trở nên tình thương. Nhưng lúc này, ở đây, tôi chỉ cảm thấy qua họ, nỗi đau khổ của con người, cảnh sầu thảm kinh khủng của cuộc đời, và sự thiếu lòng thương xót, đặc điểm của con người.

Một mệnh lệnh đã làm cho những hình thù lặng lẽ ấy trở nên kẻ thù của chúng tôi; bây giờ một mệnh lệnh khác có thể làm cho họ trở thành những người bạn của chúng tôi. Trên một cái bàn nào đó, có những người, mà chúng tôi chẳng ai quen biết, ký vào một bản viết; thế là, trong bao nhiêu năm, cái mục đích tối cao của chúng tôi trở nên cái điều mà trong thời bình người ta phải ghê tởm và phải trừng phạt một cách quyết liệt nhất. Vậy ai có thể tự nhận ra mình trong tất cả những cái ấy khi nhìn thấy ở đây những con người im lìm kia, với bộ mặt trẻ con và bộ râu của các vị thánh tông đồ? Bất cứ thầy cai nào đối với lính mới cũng như bất cứ giáo sư nào đối với học sinh, mà chả là kẻ thù hung ác hơn cả những người này đối với chúng tôi. Thế mà chúng tôi vẫn sẽ bắn vào họ, cũng như họ sẽ bắn vào chúng tôi, nếu như họ được tự do.

Tôi hoảng sợ; nếu cứ tiếp tục suy nghĩ về những chuyện này thì nguy quá. Con đường ấy sẽ đẩy xuống vực mất. Ngày ấy chưa đến. Nhưng tôi không muốn để rớt mất ý nghĩ này, tôi muốn giữ gìn nó, giấu diếm nó một cách cẩn thận cho đến khi chiến tranh kết liễu.

Tim tôi đập rộn: đây là mục đích, mục đích cao cả, mục đích duy nhất mà tôi nghĩ tới trong chiến hào, mục đích mà tôi đã tìm kiếm, xem nó như có thể hướng dẫn đời tôi sau cái tai họa lớn đã giáng xuống tất cả nhân loại này.

Phải chăng trong cuộc sống này của tôi, cái đó sẽ là một công việc xứng đáng với những năm khủng khiếp?

Tôi rút thuốc lá trong túi ra; tôi cấu mỗi điếu thuốc thành hai, và đưa cho những người Nga. Họ cúi mình và châm lửa.

Giờ đây trên mặt họ lóe lên những chấm đỏ. Đó là một mềm an ủi cho tôi; tưởng như đấy là những cửa sổ nhỏ trong căn nhà tối tăm ở vùng quê, những cửa sổ cho biết rằng đấy, phía sau chúng, có những căn phòng niềm nở đón chào.

Ngày lại ngày. Một sáng sương mù, người ta lại đem chôn một người Nga; hồi này gần như ngày nào cũng có người chết. Tôi đứng gác vừa lúc đám ma đi qua. Những tù binh hát một bài thánh ca; họ hát nhiều giọng và cũng chẳng ra giọng hát nữa mà là tiếng đàn đại phong cầm trên cánh đồng hoang.

Việc chôn cất làm rất nhanh.

Buổi tối họ vẫn còn đứng dựa vào hàng rào, gió từ những khu rừng phong thổi vào họ. Những ngôi sao lạnh lẽo. Dạo này tôi quen vài tù binh biết nói tiếng Đức khá. Trong số ấy có một nhạc sĩ. Anh ta nói với tôi rằng trước anh từng chơi vĩ cầm ở Berlin. Khi biết tôi cũng bập bõm chơi được dương cầm anh ta liền đi lấy đàn và bắt đầu kéo. Những người khác ngồi xuống và dựa lưng vào hàng rào.

Anh ta đứng đó mải mê kéo; nhiều lúc anh ta có nét mặt mơ màng của những người chơi vĩ cầm khi họ nhắm đôi mắt; rồi anh ta nhịp nhàng, đu đưa cây đàn và mỉm cười với tôi.

Có lẽ anh ta chơi những bản dân ca, vì những người khác khe khẽ hát theo. Tiếng đàn dồn dập âm thầm, dường như rung lên từ lòng đất. Tiếng vĩ cầm vươn lên như một nàng thiếu nữ mảnh dẻ, nghe trong trẻo và cô đơn. Tiếng hát ngừng lại, nhưng tiếng đàn vẫn tiếp tục, âm thanh phát ra thánh thót trong đêm, tưởng chừng đang run rẩy. Muốn thưởng thức tiếng đàn phải đứng thật gần, giá ở trong một căn phòng thì hay biết mấy. Ở đây ngoài trời, người ta đâm ra buồn bã trước cái âm thanh mơ hồ và cô đơn ấy.

Chủ nhật, tôi không được về phép, do tôi vừa được nghỉ dài hạn xong. Vì thế, ngày chủ nhật trước hôm tôi lên đường, cha tôi và chị tôi đến thăm. Suốt hôm ấy, chúng tôi ở Câu lạc bộ Chiến sĩ, còn đến nơi nào khác được? Vì chúng tôi không muốn vào trong doanh trại. Khoảng trưa, chúng tôi đi dạo trên cánh đồng.

Thì giờ trôi qua buồn bã; chúng tôi chẳng biết nói gì với nhau. Vì thế chúng tôi nói chuyện về bệnh tình của mẹ tôi; bây giờ rõ là ung thư rồi; mẹ tôi đã đi nhà thương và sắp mổ. Các thầy thuốc mong rằng mẹ tôi sẽ khỏi, nhưng chúng tôi chưa từng thấy ai chữa được bệnh ung thư bao giờ. Tôi hỏi:

– Mẹ nằm đâu?

– Nhà thương Lui dơ, – cha tôi nói.

– Hạng mấy?

– Hạng ba. Còn phải đợi xem mổ hết bao nhiêu tiền. Chính mẹ con đã muốn nằm hạng ba. Mẹ con bảo ở đấy có người nọ người kia. Vả lại cũng rẻ tiền hơn.

– Như thế là mẹ nằm cùng nhiều người nữa trong một buồng nhỉ! Miễn là ban đêm mẹ ngủ được thôi.

Cha tôi gật đầu. Nét mặt cha tôi trĩu xuống và đầy những nếp nhăn. Mẹ tôi ốm đau luôn, dù vạn bất đắc dĩ mới chịu đi nằm nhà thương, nhưng cũng rất tốn kém, và cũng vì thế, cha tôi phải hy sinh rất nhiều.

– Ấy là chưa biết cái giá tiền mổ là bao nhiêu cơ đấy, – cha tôi nói.

– Cha không hỏi họ sao?

– Cha không dám hỏi thẳng đâu, khó lắm, nếu làm ông bác sĩ mất lòng thì rất phiền, vì dù sao cũng phải để ông ấy mổ cho mẹ con kia mà.

Phải, tôi nghĩ một cách chua chát, đối với chúng tôi là thế đấy; đối với những người nghèo là thế đấy. Họ không dám hỏi giá và họ lo lắng vì chuyện ấy không biết ngần nào; nhưng đối với những người khác mà vấn đề ấy chỉ là phụ, thì việc định giá trước là chuyện bình thường. Đối với người này, bác sĩ chả mất lòng bao giờ.

– Lại còn cái khoản băng bó nữa cũng đắt lắm, – cha tôi nói.

– Quỹ cứu tế không cho gì sao?

– Mẹ con ốm lâu quá rồi.

– Thế cha có tiền không?

Cha tôi lắc đầu.

– Không, nhưng cha có thể làm thêm giờ.

Tôi biết lắm, cha tôi ngồi ở bàn cho đến nửa đêm, gấp dán, cắt. Tám giờ tối cha tôi mới ăn một chút cái thức ăn đạm bạc mua theo phiếu. Sau đấy cha tôi uống một ít thuốc nhức đầu, rồi lại tiếp tục làm việc.

Để cha tôi vui, tôi kể cho cha tôi nghe vài chuyện tôi chợt nghĩ ra: chuyện tếu của lính tráng và những loại như thế dính dáng đến các vị tướng hoặc các ngài đội nhất, bị những vố cay bằng cách này hay cách khác.

Sau đó, tôi tiễn cha tôi và chị tôi ra ga. Hai người đưa cho tôi một lọ mứt sệt, một gói bánh khoai rán mà mẹ tôi còn cố làm cho tôi.

Rồi tàu chạy, còn tôi, tôi quay trở lại.

Buổi tối, tôi phết mứt lên bánh rán và tôi ăn. Tôi chẳng thấy ngon lành gì cả. Vì vậy, tôi đi ra, định đem cho những người Nga. Nhưng tôi chợt nghĩ chính mẹ tôi đã làm những cái bánh này, và có lẽ, đứng trước lò lửa nóng rực, mẹ tôi đau lắm. Tôi lại cất gói bánh vào ba lô, chỉ đem cho bọn người Nga hai cái.

Bình luận