Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Phía Tây Không Có Gì Lạ

Chương 3

Tác giả: Erich Maria Remarque

Chúng tôi nhận được viện binh. Người ta lấp các chỗ trống, và những ổ rơm trong lán trú quân lại có người nằm. Một phần là lính cũ. Nhưng cũng có hai mươi lăm anh trẻ tuổi từ những trạm tân binh sau mặt trận gửi đến. Bọn này kém chúng tôi gần một năm. Cốp huých tôi:

– Cậu đã trông thấy lũ nhóc chưa?

Tôi gật. Mấy đứa chúng tôi vênh vênh váo váo, chúng tôi chúi đầu ở ngoài sân, chúng tôi thọc tay vào túi quần, chúng tôi ngắm nghía bọn lính mới và chúng tôi tự cho là những tay cựu trào.

Catdinxki đến nhập bọn với chúng tôi. Chúng tôi dạo qua những chuồng ngựa và đi tìm những tay mới đến mà người ta đang phát mặt nạ chống hơi độc và cà phê. Cát hỏi một cậu trẻ nhất:

– Chừng đã lâu lắm đằng ấy chưa được đớp cái gì kha khá một tí phải không?

Thằng kia nhăn:

– Sáng bánh củ cải vàng, trưa củ cải vàng, tối sườn nấu củ cải vàng và xà lách củ cải vàng.

Catdinxki huýt sáo ra vẻ sành sỏi:

– Bánh củ cải vàng à? Còn là may đấy; bây giờ người ta đã đến chỗ làm bằng mùn cưa rồi. Thế còn cái món đậu trắng, cậu thấy cũng khá đấy chứ? Có muốn làm một miếng không?

Cu cậu đỏ mặt:

– Anh làm tôi thèm rỏ dãi ra làm gì?

Catdinxki chỉ nói như ra lệnh:

– Lấy cái cà mèn ra đây.

Chúng tôi nhìn Cát đầy vẻ tò mò. Anh ta dẫn chúng tôi đến một cái thùng gỗ, gần ổ rơm của anh.

Rõ ràng, cái thùng đầy đến nửa toàn là đậu hầm với thịt bò. Catdinxki đứng ưỡn ngực trước cái thùng, y như ông tướng và nói:

– Mở mắt ra, thò tay vào, đó là khẩu lệnh của người Phổ.

Bọn tôi ngạc nhiên quá. Tôi hỏi anh ta:

– Chết cha! Cát, cậu làm thế nào mà xoáy được chỗ này thế?

– Thằng cà chua đồng ý cho bê tất cả, tớ cho nó ba cái dù lụa. Này, này, cái món đậu trắng mà ăn nguội thì tuyệt lắm đấy nhé.

Anh ta rộng rãi cho thằng nhóc một khẩu phần và nói:

– Lần sau mang cà mèn đến đây, nhớ cầm ở tay kia một điếu xì gà hay một cuộn thuốc, hiểu chưa?

Rồi anh ta quay về phía chúng tôi:

– Tất nhiên, với các cậu thì được miễn khoản ấy.

Catdinxki là một người đáng quý vì anh ta có cái giác quan thứ sáu. Ở đâu cũng có những người như vậy nhưng thoạt đầu ít ai để ý. Đại đội nào cũng có một hai người như thế. Catdinxki là một con người tinh quái nhất xưa nay tôi chưa từng thấy. Anh ta xuất thân từ nghề đóng giầy thì phải, nhưng cái ấy không đáng kể, anh ta biết đủ mọi nghề. Đánh bạn với anh ta thú đáo để. Cốp và tôi được coi là bạn của anh ta, và trong chừng mực nào đó, Hai Vethut cũng thế. Thật ra thằng này chỉ là tay sai của anh ta thôi, vì khi nào xoay sở món gì mà cần đến sức lực thì Cát gọi đến nó. Ngược lại, nó cũng được hưởng những ân huệ, gọi là để đền bù cho cái công khó nhọc.

Thí dụ có lần ban đêm chúng tôi đến một nơi hoàn toàn xa lạ, một nơi vừa đặt chân đến đã biết ngay là chẳng nước non gì, chỉ trơ ra mấy bức tường.

Chỗ chúng tôi vừa thu vén xong là một cái xưởng máy nhỏ, tối mò. Có mấy cái giường – nói cho đúng là mấy cái giát giường, mấy thanh gỗ căng dây thép.

Dây thép thì gay lắm. Chúng tôi chẳng có cái gì rải lên vì chăn còn phải để đắp. Vải bạt thì mỏng quá.

Cát nhìn quanh quéo một tí rồi bảo Hai Vethut:

– Đi theo mình.

Họ đi vào xóm, một nơi hoàn toàn mới lạ đối với họ.

Nửa giờ sau, họ trở về, tay ôm đầy rơm. Cát đã lùng được một chuồng ngựa và bao nhiêu là rơm luôn thể.

Thế là, giá bây giờ không bị cái đói cồn cào nó hành thì chúng tôi có thể đánh một giấc say sưa ấm áp.

Cốp hỏi một anh pháo thủ đóng ở vùng này đã lâu:

– Có cái quán ăn nào quanh đây không?

Gã kia cười:

– Cậu tưởng, ở đây chẳng có cóc gì cả. Một mẩu bánh mì cũng đừng hòng.

– Thế không còn dân cư gì cả sao?

Gã kia khạc một cái:

– Có, có chứ, vài mống, nhưng chính họ cũng lượn quanh mấy cái nồi như bọn này thôi.

Thật là nẫu quá. Chúng tôi lại phải thít cái thắt lưng khốn khổ vào thêm một nấc nữa, đành đợi ngày mai xe chở thức ăn đến vậy.

Thế nhưng, tôi thấy Cát chụp cái mũ ca lô, tôi hỏi anh ta:

– Cậu đi đâu đấy, Cát?

– Xem tình hình một tí.

Anh ta uể oải bước ra, gã pháo thủ cười khẩy:

– Đằng ấy cứ đi mà xem tình hình. Nhưng đừng có ôm đồm lắm đấy nhé.

Chán nản, chúng tôi nằm ườn cả ra và tự hỏi có nên động đến lương thực dự trữ không. Làm thì liều quá, cho nên chúng tôi cố chợp mắt một tí.

Cốp cấu điếu thuốc, cho tôi một nửa. Jađơn nói về các món ăn ở vùng quê nó, đậu ván nấu thịt mỡ. Phải cho cả rau thơm vào, nhưng phải đun cùng một lúc, chứ không được (xin Chúa che chở cho chúng tôi) cho khoai tây đậu ván với thịt mỡ riêng rẽ. Một đứa gắt nhặng lên là nếu Jađơn không im ngay mồm đi, hắn sẽ nghiền nó ra làm đồ gia vị để rắc vào cái món đậu ván của nó.

Thế là im lặng trở lại cái phòng ngủ rộng rãi và ngẫu nhiên. Chỉ còn mấy ngọn nến lung linh trên miệng chai, và thỉnh thoảng gã pháo thủ lại khạc nhổ. Chúng tôi đang thiu thiu thì cửa kẹt mở và Cát xuất hiện. Tôi đương mê ngủ. Hắn cắp hai cái bánh ở một tay, tay kia xách cái bị rách vấy máu, trong đựng thịt ngựa.

Gã pháo thủ kinh ngạc để tẩu thuốc rơi khỏi miệng. Hắn nắn cái bánh: “Đúng, bánh thật, mà lại còn nóng!”. Cát không dài dòng mất thì giờ. Hắn xoay được bánh, thế là đủ. Tôi tin rằng giá đóng ở sa mạc, cũng chỉ một giờ sau hắn ta xoay xỏa được bữa chén có đủ thịt quay, chà là và rượu nho. Hắn bảo Hai bằng giọng cộc lốc: “Bổ củi”. Rồi hắn ta rút ở trong áo ra một cái chảo, móc ở túi ra một nắm muối và một khoanh mỡ. Cái gì hắn ta cũng đều nghĩ tới. Hai nhóm bếp ngay trên mặt đất.

Lửa kêu lách tách giữa cảnh trống trải của xưởng máy. Chúng tôi nhún tay nhảy xuống giường.

Gã pháo thủ ngập ngừng, không biết có nên tỏ lời khen ngợi không, biết đâu lại không được tí chút; nhưng Catdinxki chẳng để ý gì đến hắn, coi hắn như không có, thế là gã pháo thủ lủi mất, mồm lẩm bẩm văng tục.

Cát biết cách rán thịt ngựa sao cho thật mềm.

Không được bỏ ngay vào chảo; như thế nó sẽ dai, trước hết phải cho vào ít nước chần qua đã. Chúng tôi ngồi xổm thành vòng tròn, tay cầm dao ăn rồi cứ việc tọng cho đầy dạ dày.

Đấy, Cát là con người như thế. Giả dụ trong một vùng, quanh năm chỉ có cái gì ăn vào một giờ nào đó thôi, thì đúng cái giờ đấy, anh chàng Cát ta như có một linh tính báo trước sẽ chụp cái mũ ca lô đi ra, và đến thẳng chỗ có cái món ấy, y như có la bàn dẫn đường, và thế là anh ta chôm được.

Anh ta tìm ra được đủ thứ: khi trời rét thì những cái chảo con với củi, rơm rạ, bàn ghế, nhưng nhất là cái gì chén được. Thật là một sự bí hiểm. Người ta ngỡ những cái đó từ trên trời rơi xuống. Cái chuyến bở nhất của anh ta là bốn hộp tôm hùm. Nhưng của đáng tội, bọn tôi lại thích mỡ lợn rán hơn.

Chúng tôi lăn lộn trước lán trú quân về phía có nắng. Mùi hắc ín, mùi mùa hè và mùi mồ hôi chân nồng nặc.

Cát ngồi cạnh tôi, vì anh ta thích nói chuyện.

Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi tập chào quân sự trong một giờ đồng hồ, chỉ vì Jađơn đã chào một cấp chỉ huy uể oải quá. Cát chỉ nghĩ về chuyện ấy, anh ta nói: “Rồi cậu xem, chúng ta sẽ thua trận chỉ vì chào kỹ quá thôi!”. Cốp bước lại, chân đi không, quần xắn móng lợn.

Nó phơi đôi bít tất vừa giặt trên bãi cỏ. Cát nhìn trời, đánh một cái rắm thật lực, rồi nói bằng một giọng kiểu cách: “Bất kỳ hạt đậu nào, dù bé tẹo, cũng phát ra tí chút âm nhạc chứ!”. Cốp và Cát bắt đầu tranh cãi với nhau. Đồng thời, hai người đánh cuộc một chai bia về trận không chiến đang diễn ra trên đầu chúng tôi. Cát không chịu bỏ ý kiến của mình, với tư cách là lính cựu trào, anh ta cố phát biểu cho thành thơ: “Nếu cùng hướng cùng chén như nhau”. Chiến tranh đã hết từ lâu còn gì. Còn Cốp thì lại là một nhà tư tưởng. Nó muốn nói rằng mỗi lần tuyên chiến sẽ là một thứ hội hè của dân chúng: “có giấy vào cửa, có âm nhạc cẩn thận”, như trong những cuộc thi đấu bò mộng ấy. Rồi trên đấu trường, các ngài bộ trưởng và các vị tướng của hai nước, sẽ mặc quần đùi tắm và vũ trang bằng dùi cui, cứ việc xông vào mà nện nhau. Vị nào còn đứng vững được đến phút cuối cùng thì nước của vị ấy sẽ thắng trận. Lời đề nghị ấy được hoan nghênh và câu chuyện chuyển sang việc tập lính ở doanh trại.

Một hình ảnh hiện ra trong óc tôi. Mặt trời giữa trưa chiếu hầm hập trên sân trại lính. Cái nóng kinh người đè trĩu không gian im lặng. Các ngôi nhà im lìm như chết. Mọi vật đều ngủ. Người ta chỉ nghe thấy tiếng trống tập đánh. Họ ngồi ở quanh đâu đấy và tập đánh một cách vụng về, đều đều, ngớ ngẩn. Cả một sự hài hòa: cái nắng giữa trưa, cái sân trại lính và buổi tập đánh trống.

Những của sổ doanh trại đều trống hốc và tối om, ở vài cửa sổ, có vắt phơi mấy cái quần áo vải thô. Người ta nhìn vào bên trong có vẻ thèm thuồng. Những căn phòng thật là mát mẻ. Hỡi những căn phòng tối tăm có mùi mốc, với những giát giường bằng sắt, những tấm đệm vải kẻ ô vuông, những cái tủ đúng quy cách và những chiếc ghế đấu để trước mặt! Chính các ngươi, các ngươi có thể làm chúng ta ao ước. Ngồi đây nhìn các ngươi, các ngươi đối với chúng ta là cái phản ảnh thần kỳ của Tổ quốc, với cái mùi nồng nặc của thức ăn đã thiu, của giấc ngủ, của thuốc lá và của quần áo.

Catdinxki mô tả một cách rất hào hứng những căn phòng ấy với bao nhiêu là màu sắc rực rỡ. Chúng tôi còn ngần ngại gì mà không trở lại? Vì chúng tôi cũng chẳng đòi hỏi gì hơn.

Ôi! Những giờ huấn luyện quân sự trong buổi sáng tinh mơ. “Khẩu súng kiểu 98 gồm bao nhiêu bộ phận?”. Ôi! Những giờ tập thể dục buổi chiều. “Những anh nào đánh dương cầm đi ra khỏi hàng, bên phải quay! Đến nhà bếp gọt khoai!”. Kỷ niệm tràn ngập.

Tự nhiên Cốp bật cười và nói: “Đến Long, đổi tàu!”.

Đó là cái trò ưa thích của thầy cai chúng tôi. Long là một nhà ga ở ngã ba. Để cho tụi đi phép không thể nhầm được, Himmenxtôt bắt chúng tôi tập ở trong buồng cái động tác đổi tàu. Hắn cho chúng tôi biết rằng đến Long, người ta sẽ đi qua một con đường hầm để sang chuyến tàu chở thư: con đường hầm ấy được tượng thành bằng những cái giường. Một mệnh lệnh phát ra: “Đến Long. Đổi tàu”. Thế là nhanh như chớp, tất cả bọn chúng tôi phải chui xuống gậm giường, rồi nhoai ra phía bên kia. Có mỗi một động tác ấy mà phải làm hàng giờ.

Trong lúc ấy, chiếc máy bay Đức đã bị hại nặng.

Nó lao xuống không khác một ngôi sao chổi, kéo theo một đám khói như cái phễu.

Thế là Cốp thua cuộc, mất chai bia, nó xỉa tiền ra nhăn nhó như bị.

– Himmenxtôt làm phu trạm thì chắc chắn là một con người chất phác, – tôi nói khi Anbe đã bớt ỉu.

– Không hiểu sao khi đóng lon cai, hắn lại đểu cáng quá quẩn đến thế?

Câu hỏi làm cho Cốp sôi nổi hẳn lên:

– Không phải chỉ riêng Himmenxtôt mới thế, nhiều người khác cũng thế. Khi họ vừa đeo cái lon hoặc thanh gươm vào là họ biến chất hoàn toàn, y như tọng ximăng cốt sắt vào người.

– Quân phục nó làm nên thế… – tôi nói như một giả thuyết.

– Cũng gần đúng thế, – Cát vừa nói vừa chuẩn bị một bài diễn thuyết tràng giang đại hải. – Thế nhưng lý do chính lại khác. Cậu thấy đấy. Khi cậu luyện cho một con chó biết ăn khoai lang, rồi sau cậu chìa cho nó một miếng thịt: dẫu sao nó cũng vẫn nhảy xổ vào đớp miếng thịt, vì đó là bản chất của nó; nếu cậu cho con người một chút quyền hành, câu chuyện cũng thế thôi: hắn cũng nhảy xổ vào. Cái đó là lẽ tự nhiên, vì bản thân con người, nguồn gốc chỉ là một con vật bẩn thỉu, có lẽ chỉ mãi về sau này nó mới được quét lên một lớp lễ nghĩa, như một lát bánh có phết bơ lên vậy. Thế mà cuộc đời nhà binh lại là thằng nọ có quyền hơn thằng kia. Khổ một nỗi anh nào cũng có nhiều quyền quá: một thầy cai có thể hành chú lính trơn đến phát điên, cũng như ngài thiếu úy hành thầy cai, ngài đại úy hành ngài thiếu úy. Bởi anh nào cũng biết cái quyền của mình, nên họ quen lạm quyền. Lấy một thí dụ đơn giản: Chúng mình vừa đi tập về, mệt bở hơi tai. Thế mà họ ra lệnh hát. Kết cục là một điệu hát kém hào hứng, vì anh nào anh nấy chỉ còn đủ sức cõng cái ba lô. Thế là cả đại đội phải đằng sau quay, chịu phạt, tập thêm một giờ nữa. Khi trở về lại có lệnh hát: người ta phải cố hát cho ra hát. Như vậy có nghĩa lý gì? Viên chỉ huy đại đội cứ làm theo ý mình, vì ông ta có quyền. Không ai có thể chỉ trích ông ta được, trái lại ông ta lại được tiếng cương quyết là đằng khác. Nhưng đó mới là chuyện vặt, còn có những biện pháp hắc hơn nhiều, làm cho các cậu sùi bọt mép ra nữa kia. Bây giờ mình hỏi các cậu, có nghề gì cho một người thường dân làm, dù hắn là ông gì đi nữa, để hắn có thể giở những chuyện như vậy mà khỏi bị người ta đập cho vỡ mặt ra? Không chỉ trong cái nghề nhà binh mới có những chuyện như thế. Bây giờ, các cậu thấy cả đấy, cái uy quyền ấy bốc lên đầu con người ta. Hơn nữa, trong ngành dân sự thì họ không làm bộ được như thế.

– Như người ta thường nói, cần phải có kỷ luật, – Cốp nói một cách uể oải.

– Ôi dào, lý do thì thiếu gì. – Cát lầu bầu. – Kể ra thì có lẽ cũng cần đấy nhưng đừng có cạn tàu ráo máng thôi. Cậu thử nói chuyện ấy với một anh chữa khóa, một anh lực điền, một anh thợ nào đó, cậu thử nói chuyện ấy với một anh lính khốn khổ nào đó, mà đa số chúng ta ở đây là thế. Anh ta chỉ thấy một cách đơn giản là người ta hành hạ mình trăm khoanh tứ đốm và anh ta, phải ra chỗ mũi tên hòn đạn, anh ta biết rõ cái gì cần, cái gì không cần chứ. Mình nói để các cậu biết rằng ở đây. Ở mặt trận, cái anh lính quèn là dũng cảm lắm nhé. Điều ấy không phải xoàng đâu nhé.

Ai cũng công nhận điều ấy; ai cũng biết rằng chỉ có ở chiến hào mới không tập quân sự nữa; nhưng vừa về cách mặt trận vài cây số, việc tập tành lại tiếp tục một cách ngu xuẩn với những động tác chào, đi nghiêm, bởi vì đó là một quy luật không thể tránh được, phải làm cho thằng lính không rỗi được một phút.

Vừa lúc ấy, Jađơn tới, mặt lấm tấm những mụn đỏ. Nó cảm động đến nỗi líu cả lưỡi. Nó hớn hở đánh vần từng tiếng câu nói sau đây: “Himmenxtôt đang trên đường ra mặt trận. Hắn sắp tới”.

Jađơn thâm thù Himmenxtôt đến tận xương tận tủy. Vì Himmenxtôt ở trại lính đã huấn luyện nó theo cái kiểu riêng của hắn. Jadơn hay đái dầm; ban đêm nó ngủ, cái chuyện ấy cứ tự nhiên xảy ra thôi.

Himmenxtôt gân cổ lên quyết đoán rằng đó chỉ do bệnh lười và hắn đã tìm được một phép không hổ danh thầy cai để chữa cho Jađơn.

Hắn phát hiện ở lán bên cạnh cũng có một anh chàng đái dầm nữa tên là Kjnđecvatơ. Hắn bắt cậu này ngủ cùng phòng với Jađơn. Trong các lán của chúng tôi, người ta quen sắp đặt như thế này, hai giường chồng lên nhau, giát giường bằng dây thép ken lại. Thế là Himmenxtôt bố trí cho hai chàng nằm với nhau, lần lượt, anh này nằm giường trên thì anh kia nằm giường dưới.

Dĩ nhiên anh nằm dưới phải chịu đựng cảnh ngộ một cách ê chề. Nhưng ngày hôm sau họ lại đổi chỗ.

Anh nằm dưới lại lên nằm trên, để trả thù. Đó là phương pháp tự giáo dục do Himmenxtôt phát minh ra. Biện pháp thì khả ố. Nhưng ý kiến không phải là không có giá trị. Khốn nỗi, biện pháp ấy vô dụng và giả thuyết ấy của Himmenxtơt sai. Cả hai cu cậu đều không phải vì lười mà đái dầm. Chỉ nhìn nước da nhợt nhạt của hai người, là ai cũng nhận thấy thế.

Kết quả cuối cùng là một trong hai chàng từ đó phải nằm xuống đất, rất dễ bị cảm lạnh.

Giữa lúc ấy, Hai đến, ngồi xuống cạnh chúng tôi.

Nó nháy tôi một cái, xoa xoa cái bàn tay hộ pháp: thực là chúng tôi đã sống với nhau cái ngày đẹp nhất của đời lính. Ấy là buổi tối trước khi lên đường ra mặt trận. Người ta đã ghép chúng tôi vào một trung đoàn vừa thành lập, nhưng trước đó người ta cho chúng tôi trở về chỗ trú quân để lĩnh quần áo; nói cho đúng không phải là về trại tân dinh mà là về một trại lính khác. Sáng hôm sau chúng tôi phải lên đường. Buổi tối chúng tôi nghĩ cách thanh toán với thằng cha Himmenxtôt mới được.

Chúng tôi đã thề với nhau mấy tuần lễ trước.

Cốp đã định bụng, khi hòa bình lập lại, sẽ vào ngành bưu điện để làm cấp trên của Himmenxtôt, lúc ấy chắc hắn sẽ lại trở về làm phu trạm. Nó nghĩ đủ mọi cách để ăn miếng trả miếng cho bằng được.

Chính vì thế mà không bao giờ Himmenxtôt hòng khuất phục được bọn tôi. Chúng tôi định thế nào cũng có phen hắn vào tay chúng tôi, chậm nhất là khi hết chiến tranh. Trong khi chờ đợi, chúng tôi muốn giã cho hắn một trận nên thân. Nếu hắn không nhận ra được chúng tôi thì sợ quái gì, hơn nữa, sáng mai chúng tôi tếch cả rồi cơ mà! Chúng tôi đã nắm được buổi tối hắn hay đến quán nào. Muốn về trại, hắn buộc phải qua một phố tối và vắng. Chúng tôi rình hắn ở đấy, sau một đống đá.

Tôi mang một cái khăn trải giường. Chúng tôi lo không biết hắn có đi một mình không. Cuối cùng, chúng tôi nghe tiếng bước chân quen thuộc của hắn.

Chúng tôi nghe tiếng bước chân ấy đã quá quen, sáng nào cũng vậy, cái cửa bất thình lình mở tung và Himmenxtôt ngoạc mồm ra: “Dậy!”.

– Có mình hắn? – Cốp thì thào.

– Phải, mỗi mình hắn.

Cùng với Jađơn, tôi bò len lén quanh đống đá.

Cái khóa thắt lưng của hắn đã lấp lánh kia rồi.

Himmenxtôt đang có vẻ khoái chí. Hắn hát. Hắn đi qua chỗ chúng tôi, chẳng nghi ngờ gì cả. Chúng tôi cầm cái khăn trải giường; chúng tôi chồm ra, nhẹ nhàng, từ đằng sau, chụp cái khăn lên đầu Himmenxtôt, rồi túm chặt lấy phía dưới, thành thử hắn y như chui vào một cái bị trắng và không thể nào giơ tay lên được. Tiếng hát tắt.

Một lát sau, Hai Vethut chạy đến. Nó giơ tay gạt chúng tôi ra, dành lấy phần đầu tiên. Với vẻ khoái trá không thể tưởng tượng được, nó lấy kiểu đứng, vung cánh tay lên như cột tín hiệu, rồi quai bàn tay to như cái xẻng xúc than vào cái bị trắng một cú, tưởng đến bò cũng phải chết. Himmenxtôt chao người đi ngã văng ra đến năm thước và rống lên.

Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện này. Chúng tôi đã mang theo một cái gối. Hai ngồi xổm, đặt cái gối lên đầu gối, rồi ghì đầu Himmenxtôt vào đấy. Những tiếng rống của Himmenxtôt tắt đi ngay. Thỉnh thoảng Hai cho hắn thở một tị, thế là những âm thanh khàn khàn hổn hển nổi lên, thay thế cho cái tiếng thét oai vệ sang sảng lúc này đã lịm đi dưới cái gối…

Jađơn bèn cởi dây đeo quần của Himmenxtôt rồi tụt quần hắn xuống. Đồng thời mồm nó cắn chặt một cái roi da. Rồi nó đứng dậy và bắt đầu hành sự.

Thật là một bức tranh tuyệt tác. Himmenxtôt nằm dài trên mặt đất; Hai cúi xuống, ghì chặt đầu hắn vào gối; mặt hắn nhăn nhó một cách quái quỷ, mồm há hốc ra vì khoái quá rồi cái quần đùi kẻ sọc dẫy dụa, cùng với đôi chân bắt chéo chữ X, cứ mỗi nhát roi, lại biểu diễn những động tác rất độc đáo bên trong cái quần bị tụt xuống. Còn phía trên thì Jađơn không biết mỏi, cứ đánh như bổ củi. Sau chúng tôi phải lôi nó ra để chúng tôi cũng dự phần nữa chứ.

Cuối cùng Hai dựng Himmenxtôt dậy và trình diễn một kiểu đặc biệt, để kết thúc. Nó giơ bàn tay phải lên thật cao, tưởng chừng muốn tóm lấy một ngôi sao, chuẩn bị đánh một cái tát nảy đom đóm.

Himmenxtôt ngã khuỵu xuống. Hai lại dựng hắn dậy, lại lấy thế, dùng tay trái, bợp cho một cái nữa, không chê vào đâu được. Himmenxtôt rống lên và cắm đầu chạy miết. Cái mông kẻ sọc kiểu phu trạm của nó lấp lóe dưới ánh trăng.

Chúng tôi biến ngay tức khắc. Hai còn quay lại một lần nữa, nói giọng chua chát, thỏa mãn và hơi khó hiểu: “Sự trả thù chẳng qua là cái vòng lẩn quẩn…”. Đúng ra Himmenxtôt nên bằng lòng mới phải, vì cái lý thuyết của hắn về sự người này phải giáo dục người kia đã mang lại những kết quả mà chính hắn được hưởng. Chúng tôi đã trở nên những môn đồ thông thái của hắn.

Không bao giờ hắn biết được người hắn đã phải mang ơn. Có điều là hắn được lãi cái khăn trải giường, vì mấy giờ sau, chúng tôi quay lại tìm thì không thấy nó nữa.

Chiến công tối hôm đó làm sáng hôm sau, chúng tôi lên đường có vẻ hùng dũng hơn. Chả thế mà một lão già đã gọi chúng tôi, bằng một giọng rất cảm động là tuổi trẻ anh hùng.

Chúng tôi bị điều lên tiền tuyến, làm công sự.

Khi bóng tối vừa tỏa xuống, thì những chiếc xe vận tải bắt đầu chuyển bánh. Chúng tôi trèo lên xe.

Buổi chiều nóng hầm hập, bóng hoàng hôn như một tấm màn che khiến chúng tôi cảm thấy dễ chịu.

Nhờ thế chúng tôi gần gũi nhau hơn; cả đến anh chàng Jađơn bủn xỉn cũng tặng tôi một điếu thuốc lá và đánh diêm cho tôi.

Chúng tôi đứng chen chúc nhau, chật chội, chẳng ai ngồi được. Thật ra chúng tôi chẳng quen được thoải mái như vậy; lần đầu tiên, Muynlơ có vẻ phởn; nó đi đôi ủng mới.

Động cơ nổ ròn, xe chạy rầm rầm. Đường xấu, đầy những ổ gà. Không được phép bật đèn, chúng tôi bị xốc tưởng chừng ngã lộn nhào ra ngoài xe. Nhưng cái đó không làm chúng tôi lo quá đáng. Có gì xảy đến cho chúng tôi được? Gãy một tay còn hơn bị một lỗ thủng ở bụng. Nhiều người lại mong muốn cái dịp may hiếm có ấy để đảo về nhà một chuyến. Bên cạnh chúng tôi, một đoàn xe dài chở vũ khí chạy vội vã và luôn luôn vượt chúng tôi. Chúng tôi ném sang họ những lời đùa cợt và họ cũng trả lời.

Chúng tôi thấy một bức tường của một ngôi nhà cách xa đường. Đột nhiên, tôi vểnh tai lên. Có phải một sự nhầm lẫn không? Một lần nữa, tôi nghe rõ ràng tiếng ngỗng kêu càng cạc. Tôi nhìn Catdinxki, anh ta cũng nhìn trả lại ngay. Chúng tôi hiểu nhau quá.

– Cát, mình nghe tiếng một ông khách của cái chảo bọn mình đấy…

Anh ta gật gù và nói:

– Được thôi! Để lúc về. Tớ biết chỗ rồi.

Dĩ nhiên Cát biết đủ mọi chỗ. Chắc rằng bất kỳ dấu chân ngỗng nào trong vòng hai chục cây số anh ta cũng đều biết cả.

Đoàn xe đến những vị trí pháo binh. Các ụ pháo đều ngụy trang cành lá để che mắt tụi phi công.

Quang cảnh giống như ngày hội Tiết mao của quân đội. Những vòm cây đó có vẻ vui mắt và hiền lành biết bao nếu kẻ trú ngụ không phải là những khẩu đại bác.

Không khí nặng trĩu khói súng và sương mù.

Người ta cảm thấy vị đắng của thuốc súng trên đầu lưỡi. Những viên đạn khởi hành nổ rung cả xe chúng tôi, tiếng vọng lan xa ầm ầm. Mọi vật đều nghiêng ngả. Nét mặt chúng tôi tự nhiên biến sắc.

Tất nhiên, chúng tôi không lên tới những chiến hào của tuyến thứ nhất, mà chỉ đến khu vực làm công sự thôi; nhưng trên mỗi gương mặt chúng tôi, người ta có thể đọc được những ý nghĩ: “đây là mặt trận, chúng mình đã vào khu vực mặt trận”.

Tuy vậy, không phải là một sự khiếp sợ. Khi đã lên tuyến thứ nhất nhiều lần như bọn tôi, thì người ta đâm lì ra. Chỉ có bọn tân binh mới hốt. Cát dẫn dụ cho họ: “Quả 305 đấy. Cứ nghe tiếng nổ lúc bắn đi thì biết. Các cậu nghe nó rơi xuống ngay bây giờ đấy!”. Những tiếng nổ ù tai của những “quả đến” không lọt được đến tận đây. Nó bị lẫn trong muôn nghìn tiếng ồn ào của mặt trận. Cát lắng tai rồi nói: “Đêm nay là giã nhau kịch liệt đấy”.

Chúng tôi đều lắng nghe. Mặt trận đang rung chuyển. Cốp nói quân nhà Tôm bắn đấy. Nghe rõ tiếng bắn”. Đó là pháo binh của quân Anh bố trí ở bên phải khu vực chúng tôi. Chúng nã sớm hơn lệ thường một giờ. Phía chúng tôi bao giờ cũng đúng mười giờ mới bắn.

– Chúng nó làm sao thế? – Muynlơ kêu lên.

– Chắc đồng hồ chúng nó nhanh.

– Thì đã bảo sắp giã nhau kịch liệt mà. Tớ cảm thấy rõ rệt như vậy. – Cát vừa nói vừa rụt cổ lại.

Cạnh chúng tôi, ba quả đại bác bắn đi, gầm lên. Tia lửa xuyên chéo qua đám sương mù; trọng pháo gầm gừ quát tháo; chúng tôi rùng mình, và lấy làm sung sướng là sáng sớm mai lại được trở về lán trú quân.

Nét mặt chúng tôi không tái cũng không đỏ hơn lúc thường, cũng không căng thẳng, cũng không bình thản hơn, nhưng lại khác hẳn. Chúng tôi cảm thấy một luồng điện chạy trong mạch máu. Đó không phải chỉ là một cách nói. Đó là một sự thật. Đây là một mặt trận, chính cái ý thức đang ở mặt trận bật lên luồng điện ấy. Khi những quả đại bác đầu tiên rít lên, khi những viên đạn bắn đi xé không khí, thì đột nhiên trong mạch máu chúng tôi, nhen lên một sự chờ đợi ấm ức, một kiểu giữ miếng, một sự nhức nhối mãnh liệt nhất của cơ thể, một sự tinh tế đặc biệt của giác quan. Con người đột nhiên sẵn sàng hành động.

Nhiều lúc, tôi tưởng như không khí bị xô đẩy và rung động đã chồm lên chúng tôi với đôi cánh im lặng. Tôi lại có cảm tưởng rằng chính trận địa lóe ra một luồng điện, đang kích động trong tôi những sợi dây thần kinh mới lạ.

Lần nào cũng vậy. Khi ra đi chúng tôi chỉ là những anh lính tầm thường, nhăn nhó hoặc hớn hở.

Nhưng khi đến những vị trí pháo binh đầu tiên, thì mỗi tiếng chúng tôi nói ra, lại có một giọng khác hẳn… Khi Cát đứng trước dãy lán cho quân về nghỉ mà nói: “sắp giã nhau kịch liệt”, thì đó chỉ là ý kiến riêng của anh ta, thế thôi; nhưng ở đây, khi anh ta nói thế, thì câu nói có cả sự sắc bén của một lưỡi lê dưới ánh trăng. Nó xuyên qua tư tưởng chúng tôi một cách mãnh liệt; câu nói ấy gần gũi chúng tôi hơn và khêu gợi trong tiềm thức chúng tôi một ý nghĩ thầm kín: “Phải chăng cái sinh mệnh quý báu nhất và thầm kín nhất của chúng tôi đang rung lên, đang chồm lên để tự vệ”.

Đối với tôi mặt trận là một cơn lốc quái gở. Khi còn ở xa trung tâm, trong dòng nước phẳng lặng, người ta đã cảm thấy cái sức hút nó lôi kéo anh, thong thả, không thoát khỏi, không cưỡng nổi. Nhưng có những lực lượng phòng thủ, từ mặt đất, từ không trung đến với chúng tôi, nhất là từ đất. Đất, đất đối với người lính quan trọng hơn đối với bất cứ người nào. Khi người lính ghì lấy đất thật lâu, thật mạnh, khi người lính vục sâu mặt mình, chân tay mình xuống đất, trong những giờ phút khủng khiếp chết người của lửa đạn, thì lúc ấy đất là người bạn duy nhất, là người anh em, là bà mẹ của anh ta. Sự khiếp sợ và những tiếng kêu la rền rĩ của anh ta nổi lên trong im lặng, trong nơi ẩn náu: đất đón lấy chúng và lại để anh ta chạy, sống thêm mười giây khác, rồi đất lại ôm lấy anh ta, và có khi là ôm vĩnh viễn.

Ôi đất! Đất! Đất! Ôi đất! Với những chỗ nhấp nhô của đất, với những lỗ, những hang hốc, nơi người ta có thể nằm dán xuống và ngồi nép mình, ôi đất! Trong những giờ phút quằn quại kinh khủng trong những cơn tàn phá như thác đổ sóng trào, trong tiếng gầm rống chết chóc của muôn ngàn tiếng nổ, chính đất đã mang đến cho chúng tôi cái dòng nước ngược của cuộc đời được cứu thoát. Giữa những lúc đang đảo điên cuồng loạn thì cuộc sống tơi bời của chúng tôi gặp được một nguồn khí lực hồi sinh chuyển từ đất đến tay chúng tôi: nhờ đó, sau khi thoát chết, chúng tôi đã sục sạo trong lòng đất và, tràn ngập niềm hạnh phúc âm thầm và hồi hộp được sống sót trong phút này, chúng tôi đã cắn vào đất đến ngập cả đôi môi…

Nghe tiếng gầm đầu tiên của trọng pháo, một phần con người chúng tôi như đột nhiên bị kéo lùi lại hàng ngũ ngàn năm về trước. Đó là bản năng của con vật thức dậy trong chúng tôi, dẫn dắt và che chở chúng tôi. Nó không có ý thức, nó nhanh hơn, vững hơn lương tri sáng suốt rất nhiều; không ai cắt nghĩa được hiện tượng ấy. Này đây, người ta đang đi chẳng nghĩ gì, thình lình người ta nằm rạp xuống một hố đất, trong khi trên đầu, những mảnh đạn đại bác tóe ra, thế mà không tài nào nhớ được là mình đã nghe thấy tiếng đạn đến và nghĩ đến chuyện lao mình xuống đất. Nếu có chờ đợi để làm cái việc ấy, thì bây giờ người ta chỉ còn là một đống thịt vương vãi tứ tung. Chính cái yếu tố khác ấy, cái giác quan tinh tế ấy đã hất người ta xuống đất, và không hiểu sao đã cứu người ta thoát chết. Nếu không thế thì từ lâu, từ miền Flăngđrơ đến núi Vô giơ, chẳng một người nào còn sống sót. Khi ra đi, chúng tôi chỉ là những anh lính tầm thường, nhăn nhó hoặc hớn hở, nhưng khi chúng tôi đến địa đầu mặt trận, chúng tôi trở nên những thứ nửa người nửa ngợm.

Chúng tôi tiến vào một khu rừng nhỏ. Chúng tôi đi qua những “khẩu đại bác đậu hầm”. Chúng tôi xuống xe ở phía sau khu rừng. Đoàn xe trở về; tờ mờ sáng mai, chúng sẽ lộn lại đón bọn tôi.

Sương mù và khói đại bác phủ đầy cánh đồng cỏ, ngập đến tận ngực. Phía trên, mặt tráng chiếu sáng.

Trên đường, quân lính đi rầm rập; những chiếc mũ sắt lóe dưới ánh trăng những tia sáng đục. Đầu người và mũi súng nhô lên khỏi lớp sương mù bàng bạc, đầu người lắc lư và mũi súng lập lòe.

Xa hơn một chút, không còn sương mù nữa. Ở đó, đầu người kéo dài thành những cái bóng trọn vẹn: những bộ quân phục, những cái quần, những đôi ủng lòi ra khỏi sương mù như khỏi một cái ao sữa. Họ đi thành hàng. Hàng người tiến thẳng về phía trước.

Bóng người lẫn vào nhau, cả khối giống như một cái nêm; người ta không nhận ra người nữa; đó chỉ là một cái nêm màu tối sầm, thong thả tiến đến, và kỳ dị hơn lại thêm những đầu người, những khẩu súng như bơi ra khỏi cái ao sương mù. Một hàng người, nhưng không phải là những con người.

Những khẩu đại bác hạng nhẹ và những cỗ xe chở đạn chạy trên một con đường xuyên ngang. Lưng ngựa lấp loáng dưới ánh trăng, động tác của chúng thật đẹp mắt, đầu chúng vươn cao, mắt như nẩy lửa.

Những khẩu đại bác và những cỗ xe lướt trên cái nền mờ nhạt của bức vẽ đêm trăng, những lính kỵ mã đội mũ sắt, có vẻ như những kỵ sĩ thời xưa; về một mặt nào đó thật là đẹp và xúc cảm.

Chúng tôi đến khu vực công binh. Tốp này vác những cọc sắt nhọn và cong, tốp kia xốc những thanh sắt xuyên qua những cuộn dây thép gai, rồi vác đi.

Những của ấy thật cồng kềnh và nặng nề.

Mặt đất lúc này đầy những vết nứt toác.

Từ đầu hàng người ta chuyền xuống: “Coi chừng! Bên trái có hố đại bác sâu đấy!…”. Mắt chúng tôi căng ra để nhìn cho rõ; đôi chân và chiếc gậy dò dẫm mặt đường trước khi đón lấy sức nặng của toàn thân. Bất thình lình hàng người dừng lại. Chút nữa thì vấp phải dây thép gai của người đằng trước, thế là lại có tiếng văng tục.

Mấy chiếc xe vận tải bị đại bác phá hủy chắn ngang đường, lệnh mới: “Tắt thuốc lá và tẩu đi”. Chúng tôi đã đến sát các chiến hào.

Trong lúc ấy bốn bề tối om. Chúng tôi lượn quanh một cánh rừng nhỏ; và kìa, trước mặt chúng tôi là hỏa tuyến thứ nhất.

Một luồng sáng đỏ nhạt và mờ ảo chạy suốt phía chân trời. Luồng ánh sáng ấy luôn luôn chuyển động, bị những ánh chớp lóe ra từ trọng pháo xuyên qua.

Những pháo hiệu như những quả cầu đỏ rực, lấp lánh ánh bạc, vọt lên trên tất cả, nổ tung ra rồi rơi xuống thành một trận mưa ngàn vạn ngôi sao xanh, đỏ, trắng. Pháo hiệu của quân Pháp bay vút lên, mở ra trong không trung chiếc dù lụa rồi từ từ rơi xuống đất. Chúng sáng như ban ngày, ánh sáng của chúng chiếu đến tận chỗ chúng tôi, và chúng tôi nhìn thấy rõ bóng chúng tôi trên mặt đất. Chúng bay là là mấy phút rồi mới tắt. Tiếp luôn đó, những loại pháo hiệu khác, vọt lên khắp nơi, rồi thỉnh thoảng lại có những chiếc màu xanh, màu đỏ, màu lơ.

– Đểu thật, – Cát nói.

Cơn bão táp của trọng pháo mỗi lúc một dữ dội, đến nỗi nó trở thành một tiếng gầm thét duy nhất, ù tai, rồi sau nó lại tách ra thành từng loạt kế tiếp nhau. Từng tràng súng máy khô khan, nổ ròn rã trên đầu chúng tôi. Không khí tràn ngập những đợt xô đẩy vô hình những tiếng rống, những tiếng rít, những tiếng rì rào, đó là những quả đại bác cỡ nhỏ.

Nhưng thỉnh thoảng, xuyên qua màn đêm, nổi lên giọng trầm hùng của những thùng than, những đạn của pháo binh hạng nặng, lao xuống tít đằng xa phía sau chúng tôi. Giọng chúng khàn khàn, xa vời, gào lên như bầy hươu động cỡn. Luồng đạn của chúng vượt lên trên hẳn những tiếng gầm rít của đại bác hạng nhẹ.

Đèn chiếu bắt đầu sục sạo bầu trời tối đen.

Những tia sáng kéo dài, giống như những cái thước kẻ khổng lồ hình búp sợi. Đây, một luồng sáng dừng hẳn lại và chỉ hơi rung rinh tí chút. Lập tức một luồng khác bắt chéo vào; người ta thấy giữa hai luồng ấy, một con bọ đen đang cố tẩu thoát: chiếc máy bay. Đường bay của nó trở nên loạng choạng, nó bị quáng mắt và nó lảo đảo.

Chúng tôi đóng thật chắc những cọc sắt thành từng khoảng đều nhau. Bao giờ cũng có hai người giữ cái trục, còn những người khác thì rải dây thép gai, cái thứ dây ghê người với đám gai góc dài nhọn, cái nọ xen vào cái kia. Tôi không thạo công việc này, nên bị rách nát cả bàn tay.

Sau vài giờ chúng tôi xong việc. Nhưng còn lâu ô tô mới đến. Phần đông bọn tôi nằm lăn ra đất và đánh luôn một giấc. Tôi cũng định bụng ngủ. Lạnh quá! Chúng tôi nhận ra là mình đang ở gần vùng bể và cứ bị thức giấc luôn vì lạnh.

Nhưng cuối cùng tôi cũng ngủ thực sự. Đột nhiên tôi chồm dậy, không biết mình đang ở đâu nữa, tôi nhìn thấy sao, tôi nhìn thấy hỏa pháo, và trong khoảnh khắc, tôi có cảm giác như mình đang ngủ trong một khu vườn, giữa lúc có hội. Tôi cũng chẳng biết lúc ấy là sáng hay là chiều nữa. Tôi nằm trong chiếc nôi xanh nhợt của buổi hoàng hôn, và chờ đợi những lời ngọt ngào tất nhiên sẽ đến, những lời êm dịu và ấm lòng, có phải tôi khóc không? Tôi đưa tay lên mắt, lạ quá, tôi là một đứa trẻ hay sao? Chỉ có làn da mềm mại. Cái đó chỉ thoáng qua trong giây lát rồi tôi nhận thấy bóng dáng Catdinxki. Anh lính già đang ngồi thanh thản, mồm ngậm cái tẩu, dĩ nhiên là tẩu có nắp. Khi thấy tôi thức giấc, anh ta bảo: “Cậu vừa giật mình đấy. Đó chỉ là tiếng rít của một cái pháo hiệu rơi xuống bụi rậm thôi”.

Tôi nhổm dậy, tôi cảm thấy cô đơn một cách lạ lùng. Có Cát ngồi đó, thật là tốt quá. Anh ta trầm ngâm nhìn về phía trận địa và nói: “Một cảnh pháo hoa tuyệt đẹp, chỉ tiếc rằng nó nguy hiểm quá thôi”.

Một quả đại bác rơi xuống phía sau chúng tôi. Bọn tân binh sợ run lên. Vài phút sau lại một quả nữa nổ. Lần này gần chúng tôi hơn. Cát vỗ cái tẩu: “Sắp kịch liệt đây”. Thế là bắt đầu. Chúng tôi đánh bài chuồn, ra sức bò thật nhanh. Quả tiếp theo rơi ngay giữa bọn chúng tôi. Vài tiếng kêu nổi lên. Phía chân trời vọt lên những quả pháo xanh. Bùn tóe lên rất cao. Mảnh đạn kêu vo vo. Người ta nghe thấy tiếng mảnh đạn quật xuống đất rào rào một lúc khá lâu sau khi viên đạn nổ.

Một cậu lính mới tóc vàng hoe, khiếp đảm nằm dài cạnh bọn tôi. Cu cậu gục mặt vào lòng bàn tay, cái mũ văng ra một nơi, tôi nhặt mũ và định đặt lên đầu cậu ta. Cậu ta ngước mắt lên, đẩy cái mũ ra, rồi cứ thế rúc đầu vào nách tôi, áp đầu vào ngực tôi y như một đứa trẻ con. Đôi vai gầy của cu cậu run bắn lên. Đôi vai giống hệt vai Kemơrich trước đây.

Tôi cứ mặc hắn, nhưng muốn cho cái mũ sắt cũng có tí chút tác dụng tôi bèn đặt nó lên mông đít cu cậu không phải để đùa, vì đó là chỗ nhô lên cao nhất của người hắn. Đành rằng ở đó có một tảng thịt đầy nhưng bị đạn vào đó thì đau khiếp lắm. Hơn nữa ở bệnh viện lại phải nằm sấp hàng tháng liền, rồi sau thường bị thọt. Một quả đại bác đâu đó rơi xuống giữa đám đông.

Tiếng kêu thét nổi lên giữa những tiếng nổ liên tiếp. Cuối cùng yên tĩnh trở lại. Trận pháo kích đã chuyển sang mục tiêu xa hơn và bây giờ nó nhằm những vị trí hậu bị cuối cùng. Chúng tôi đưa mắt nhìn quanh. Những pháo hiệu màu đỏ lấp lánh trên nền trời. Chắc hẳn sắp có một đợt xuất kích.

Bên phía chúng tôi mọi vật đều im lặng. Tôi nhổm dậy vỗ vai anh lính trẻ: “Xong rồi, chú lỏi, may đấy nhé”!. Cu cậu nhìn quanh ngơ ngác. Tôi nói cốt cho hắn yên tâm: “Rồi cậu cũng sẽ quen thôi”. Hắn trông thấy cái mũ sắt liền chụp lên đầu. Dần dần hắn hoàn hồn.

Đột nhiên cu cậu đỏ mặt, dáng điệu bối rối. Hắn cẩn thận đưa bàn tay ra đằng sau, và nhìn tôi một cách đau đớn. Tôi hiểu ngay: bệnh “đau bụng súng”. Thật ra không phải vì thế mà tôi đặt cái mũ vào đít hắn, nhưng tôi vẫn an ủi hắn: “Chẳng việc gì mà xấu hổ cả, khối thằng to hơn cậu, ra trận lần đầu còn bĩnh ra đầy quần cơ. Chạy đến sau bụi cây kia, rồi cởi quần ra. Hiểu chưa?…”. Hắn chạy đi. Sự yên tĩnh càng tăng thêm, nhưng những tiếng gào rú vẫn không dứt. Tôi hỏi Anbe:

– Cái gì thế?

– Ở đằng kia, mấy đơn vị bị giã tơi bời.

Những tiếng kêu gào vẫn tiếp tục. Người không tài nào kêu gào khủng khiếp đến thế được. Cát bảo: “Ngựa bị thương đấy!”.

Tôi chưa bao giờ nghe ngựa kêu rên nên khó mà tin được. Thật là tất cả sự khốn khổ trên đời. Đó là kiếp sinh linh bị dày xéo, một nỗi đau đớn man rợ, khủng khiếp đang gào thét. Chúng tôi tái mặt đi. Đêtơrich chồm lên: “Mẹ kiếp! Kết liễu chúng đi thôi chứ!”. Nó là nông dân, nó hiểu biết về ngựa. Điều đó quan hệ mật thiết đến nó. Thế rồi như được sắp đặt từ trước, trận pháo kích lúc này hình như ngừng hẳn. Tiếng kêu gào của những con vật lại càng rõ hơn. Giữa cảnh vật màu trắng bạc rất yên tĩnh này, không hiểu cái tiếng kêu kia từ phía nào vọng đến nữa; sự vật thật vô hình, ma quái. Khắp nơi, giữa vòm trời và mặt đất, những tiếng kêu gào ấy lan rộng ra mênh mông. Đêtơrich chồm lên, điên cuồng: “Mẹ kiếp! Kết liễu chúng đi! Kết liễu chúng đi thôi chứ! Mẹ kiếp!”.

– Họ còn phải đi nhặt người đã chứ! – Cát nói.

Chúng tôi đứng cả dậy, đi tìm chỗ phát ra tiếng kêu ấy. Nếu chúng tôi trông thấy những con vật thì còn khả dĩ chịu đựng được hơn. May có một cái ống nhòm. Chúng tôi thấy một đám mây đen y tá với những cái cáng và những khối lớn màu sẫm đang cử động. Đó là những con ngựa bị thương. Nhưng chúng không nằm đó tất cả. Vài con còn tiếp tục chạy nước kiệu, quỵ xuống rồi lại chạy. Một con bị toạc bụng ra, ruột gan lòng thòng dọc đường. Đêtơrinh nâng súng lên, nhằm bắn, Cát trông thấy, gạt mũi súng đi.

– Mày điên à?

Đêtơrinh run lên và vất khẩu súng xuống đất.

Chúng tôi ngồi xuống, bịt tai lại, nhưng những tiếng kêu rống ấy, những tiếng gào thét tuyệt vọng ấy, những tiếng rên rỉ ấy vẫn cứ văng vẳng đến, thâm nhập vào mọi vật.

Có thể nói rằng chúng tôi có khả năng chịu đựng được nhiều thứ, nhưng lúc này, mồ hôi chúng tôi đầm đìa. Chúng tôi muốn đứng dậy và chạy đi, bất kỳ đi đâu miễn là không phải nghe tiếng kêu rên ấy nữa.

Vậy mà, không phải là những con người, đó chỉ là những con ngựa. Một lần nữa, những cái cáng lại tách ra khỏi đám đen. Rồi mấy tiếng súng nổ. Những cái khối to lớn ấy lảo đảo và nằm bẹp xuống. Thế là xong. Nhưng chưa hết. Người ta không thể lại gần những con vật bị thương đang kinh hoảng chạy lồng lên: miệng há hốc, kêu gào đau đớn. Một bóng đen quỳ xuống. Một phát súng: một con ngựa ngã vật ra, rồi một con nữa. Con cuối cùng đứng, dựng trên hai vó trước và xoay tròn như ngựa gỗ chạy vòng. Nó đứng xuống nhưng vẫn xoay vòng tròn trên hai vó trước đã cứng đờ; chắc hẳn mông nó đã bị thương nứt toác. Người lính chạy đến phía nó và bắn một phát.

Cái khối to lớn quỵ xuống chậm chạp, khốn khổ.

Chúng tôi buông tay ra khỏi tai. Những tiếng kêu đã im bặt. Chỉ còn tiếng thở dốc hấp hối bay lượn trên không trung. Rồi chỉ còn những pháo hiệu, tiếng trái phá nổ và những vì sao, và điều ấy làm cho chúng tôi gần như ngạc nhiên.

Đêtơrinh vừa đi đi lại lại vừa lảm nhảm: “Không hiểu những con vật ấy đau đớn đến thế nào”. Rồi nó trở lại vấn đề. Giọng nó cảm động gần như nghiêm trang, lúc nó nói. “Này, súc vật mà phải đi đánh trận, thì thật là điều kinh tởm nhất trên đời!”.

Chúng tôi quay trở về hậu tuyến, đã đến lúc trở về đoàn xe vận tải. Nền trời đã sáng hơn một chút.

Lúc ấy vào khoảng ba giờ sáng, gió mát và lạnh nữa, và cái thời gian nhợt nhạt nhuộm lên mặt chúng tôi một màu tro.

Chúng tôi vừa bước vừa dò dẫm, người nọ nối người kia, đi xuyên qua khu chiến hào và những hố đại bác, chúng tôi lại về đến khu vực sương mù.

Catdinxki có vẻ lo lắng. Đó là triệu chứng chẳng lành:

– Cát, cậu sao thế? – Cốp hỏi.

– Tớ muốn chúng mình trở về nhà.

“Về nhà” có nghĩa là về lán trú quân.

– Cát, rồi sẽ về chứ sao.

Anh ta đang bị kích thích.

– Mình không biết, mình không biết.

Chúng tôi đến những dãy giao thông hào rồi tới cánh đồng cỏ. Cánh rừng con đã ở trước mặt. Ở đây, chúng tôi biết rõ từng tấc đất. Này đây là nghĩa địa của lạp binh, nhấp nhô mộ đá và thập tự đen.

Giữa lúc ấy, chúng tôi chợt nghe một tiếng rít phía sau, nó to dần và trở thành một tiếng gầm mãnh liệt như tiếng sấm. Chúng tôi rạp xuống; một trăm thước phía trước chúng tôi, lửa tóe ra như một đám mây. Một phút sau, một phần của khu rừng từ từ bốc lên không trung. Đó là quả đại bác thứ hai vừa rơi xuống, ba bốn cây bị bật văng đi, gãy vụn từng khúc. Những viên đạn tiếp theo đã dồn dập như tiếng nắp nồi hơi, hỏa lực rất ác liệt.

– Nấp đi! Nấp đi! – Một người gào lên.

Đồng cỏ phẳng lì, khu rừng thì nguy hiểm quá không còn chỗ nấp nào khác ngoài những ngôi mồ trong nghĩa địa. Chúng tôi chạy vào đó, loạng choạng trong bóng tối. Đứa nào đứa nấy đính bệt xuống một mô đất như một bãi đờm.

Còn kịp. Bóng đêm lồng lộn. Cả một trận bão táp sôi sục. Những bóng tối đen hơn cả. Đêm tối lao xuống chúng tôi, điên cuồng, chẳng khác gì những cái bướu khổng lồ, rồi vượt qua chỗ chúng tôi. Lửa từ những quả nổ bốc cháy rừng rực trên nghĩa địa. Không đâu có lối thoát. Qua ánh sáng của lửa đạn, tôi liếc nhìn phía đồng cỏ. Cả một vùng biển động; những ngọn lửa trái phá vọt lên như những vòi nước. Không ai có tài gì vượt qua được.

Khu rừng biến mất, nó bị tan tành từng mảnh, bị nghiền nát. bị tiêu tan. Chúng tôi bắt buộc cứ phải ở lại đây, trong khu nghĩa địa.

Phía trước chúng tôi, mặt đất nứt toác. Đất tảng rào rào như mưa. Tôi cảm thấy bị lay chuyển, cánh tay áo của tôi đã bị mảnh đạn xé rách. Tôi nắm chặt bàn tay lại, không thấy đau. Nhưng vẫn không yên tâm, vì những vết thương sau một lúc mới thấy đau.

Tôi sờ lên cánh tay, nó bị xây xát, nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Bỗng đầu tôi bị quật một cái mạnh đến nỗi tri giác tối sầm cả lại. Một ý nghĩ lóe ra trong óc: “Không được ngất”. Tôi cảm thấy bị ngụp trong tối tăm mù mịt, nhưng lại hồi tỉnh được ngay. Một mảnh trái phá đã quật vào mũ tôi, nhưng nó nổ từ xa quá, nên chẳng đủ sức xuyên qua mũ. Tôi vuốt đất đã lấp kín cả mắt. Phía trước tôi, một cái lỗ há hốc. Tôi nhìn thấy nó, tuy rất là khó khăn. Không mấy khi đại bác lại cứ rơi liên tiếp xuống một hố. Cho nên tôi định bụng xuống đó. Tôi nhảy một cái, nằm xoài xuống đấy. Tôi nằm bẹp dí xuống đất như một con cá ra khỏi nước. Nhưng lại có tiếng rít. Tôi vội co rúm người lại, tìm cách nấp tránh. Tôi cảm thấy một vật gì phía bên trái, tôi nép người vào đó, nó lún xuống.

Tôi rên rỉ, mặt đất toác ra, không khí bị ép, gầm rống bên tai tôi. Tôi trườn lên trên vật ấy, nó không cưỡng lại. Tôi lấy nó phủ lên người; ra là gỗ và vải, một chỗ trú một chỗ trú thảm hại chống những mảnh đạn đang quật rào rào xuống chung quanh tôi.

Tôi mở mắt, ngón tay tôi đang nắm chặt một cái tay áo, một cánh tay người, một người bị thương chăng? Tôi nói hết sức to với hắn; không có trả lời, một người chết. Bàn tay tôi thục sâu vào hơn nữa, vớ phải những mảnh ván… lúc này tôi mới nhớ ra là chúng tôi đang ở khu nghĩa địa.

Nhưng lựu đạn đã mạnh hơn tất cả. Nó tiêu hủy mọi giác quan; tôi càng chúi sâu hơn nữa xuống dưới chiếc quan tài, tôi cần phải nấp tránh, dù nó chứa đựng cả Thần Chết đi nữa.

Trước mặt tôi, cái hố đại bác há hốc. Tôi nhìn nó trừng trừng, khác nào đang tóm chặt lấy nó. Thế nào cũng phải lao xuống đấy một cái mới được. Nhưng có một vật gì đập vào mặt tôi, một bàn tay túm lấy vai tôi. Thằng chết tỉnh dậy chăng? Bàn tay lắc lắc người tôi. Tôi quay đầu lại và trong một giây lóe sáng, tôi nhìn thấy khuôn mặt Catdinxki. Anh ta há mồm thật to như hét lên câu gì đó… Tôi chẳng nghe thấy gì cả; anh ta lay tôi, anh ta lại sát tôi. Trong một giây phút tạm lắng, tôi nghe thấy tiếng anh ta: “Hơi ngạt, hơi ngạt, hơi ngạt. Đeo vào!”. Tôi vớ lấy hộp mặt nạ; có một người nằm gần tôi, tôi chỉ còn nghĩ một điều: làm sao cho hắn cũng biết mới được. “Hơi ngạt, hơi ngạaat…”. Tôi gọi hắn, tôi trườn về phía hắn, tôi giơ cái hộp mặt nạ về phía hắn; hắn chẳng nhận thấy gì cả: Một lần nữa, lại một lần nữa, hắn chỉ nghĩ đến chuyện co rúm người lại. Đó là một tân binh. Tôi nhìn một cách thất vọng về phía Cát, anh ta đã đeo mặt nạ, tôi cũng rút nhanh cái áo của tôi ra, chiếc mũ bay xuống đất và cái mặt nạ ấp vào mặt tôi. Tôi đến bên gã tân binh. Hộp mặt nạ của hắn ngay cạnh đó. Tôi chụp lấy cái mặt nạ, đặt lên đầu hắn. Hắn cầm lấy, tôi để hắn đó, và bất thình lình tôi chồm lên, lao thẳng vào cái hố hình phễu.

Tiếng kêu ù tai của những quả đại bác mang hơi ngạt chen lẫn tiếng kêu răng rắc của những quả đạn nổ. Một hồi chuông vang lên giữa những tiếng nổ.

Những tiếng thanh la và tiếng đập trên kim khí, báo hiệu khắp nơi có hơi ngạt, hơi ngạt, hơi ngạaat…

Đằng sau tôi, có tiếng ầm ầm như cái gì đổ sụp, một lần, hai lần. Tôi lau mắt kính mặt nạ để khỏi bị ám hơi nước của hơi thở. Cát, Cốp và một người nữa nằm kia. Thần kinh bốn đứa chúng tôi đang bị vô cùng căng thẳng, chúng tôi đang giữ miệng, chúng tôi cố thở càng ít càng hay. Những phút đầu tiên đeo mặt nạ quyết định cái sống hay cái chết, vấn đề là mặt nạ có kín hay không.

Tôi nhớ lại những hình ảnh rùng rợn của bệnh viện: những người bị trúng hơi ngạt, ngày nọ qua ngày kia, khạc ra từng miếng phổi cháy bỏng…

Tôi thở rất thận trọng, mồm áp vào cái lót. Giờ đây lớp hơi ngạt đã xuống đến mặt đất và chui vào các kẽ đất. Như một con sứa khổng lồ và mềm nhũn, nó trườn vào cái hố đại bác của chúng tôi, tràn ngập tất cả các ngóc ngách. Tôi đẩy Cát. Nên ra khỏi đây và nằm lên phía trên thì tốt hơn là nằm chỗ hơi ngạt tụ lại. Nhưng không sao ra được vì một trận mưa đại bác nữa lại trút xuống. Chúng tôi tưởng không phải là đạn đại bác gầm thét nữa mà chính là mặt đất đang nổi cơn cuồng loạn. Một vật gì đen ngòm lao xuống người tôi, kêu răng rắc. Nó rơi sát cạnh chúng tôi: một chiếc quan tài bị hất tung lên trời.

Tôi thấy Cát né người, và tôi cũng làm theo anh ta. Chiếc quan tài đổ ụp xuống cánh tay duỗi của người lính thứ tư nằm cùng hố với chúng tôi. Hắn định dùng tay kia tháo mặt nạ ra. Cốp kịp thời ngăn chặn, vặn quặt cổ tay hắn lại sau lưng và giữ thật chặt. Cát và tôi cố gỡ cánh tay bị thương của hắn ra. Cái nắp quan tài đã bị bật và chẻ ra. Chúng tôi có thể nhấc nó ra dễ dàng. Chúng tôi lôi cái xác chết ra, nó rơi phịch xuống đất như một cái bao tải; rồi chúng tôi cố nhích cái phần dưới của chiếc quan tài. May sao người bị thương đã ngất đi và Anbe có thể giúp chúng tôi một tay. Chẳng cần phải gượng nhẹ nữa, chúng tôi lấy những cái xẻng làm đòn, ra sức bẩy, kỳ cho cái quan tài phải bật ra cùng với tiếng thở phào của chúng tôi. Trời rạng sáng hơn. Cát lấy một mảnh nắp quan tài, đặt dưới cánh tay dập gãy, rồi chúng tôi quấn nó lại bằng tất cả những cuộn băng của chúng tôi. Trong lúc này, chưa có thể làm gì hơn được. Đầu tôi kêu ù ù vo vo dưới cái mặt nạ. Có lẽ đầu óc đến vỡ tung ra mất. Phổi rất ngột ngạt, nó phải thở đi thở lại cái thứ không khí nóng bỏng đã thải ra. Mạch máu hai bên thái dương căng lên. Tôi tưởng bị chết ngạt đến nơi…

Một ánh sáng mờ đục rọi đến chỗ chúng tôi, gió đang quét khu nghĩa địa. Tôi nhổm lên khỏi bờ hố đại bác. Trong cảnh chạng vạng nhá nhem, một cái cẳng bị đứt rời nằm vật ngay trước mặt tôi. Chiếc ủng còn nguyên vẹn. Tôi thoáng nhìn thấy tất cả những cái đó một cách rất rõ ràng. Nhưng bây giờ, trước mặt tôi độ hai ba thước, có người nhổm dậy. Tôi lau đôi mắt kính, chúng lại mờ đặc hơi nước ngay, vì tôi thở mạnh quá. Tôi nhìn trừng trừng, người này không đeo mặt nạ nữa. Tôi đợi thêm vài giây, hắn ta vẫn đứng nguyên. Hắn nhìn chung quanh như tìm vật gì rồi hắn đi một hai bước; gió đã thổi tan hơi ngạt, không khí đã sạch rồi. Lúc ấy, tôi cũng giật mạnh cái mặt nạ ra, thở dốc lên một tiếng và ngã quỵ xuống đất. Không khí như một dòng nước lạnh, chảy tràn trề trong tôi, đôi mắt như muốn lồi ra khỏi đầu.

Cái luồng gió mát rượi ấy đã tràn ngập cả người tôi và làm mờ cả mắt tôi. Trận pháo kích đã ngừng. Tôi quay người lại phía hố đại bác và ra hiệu cho những người khác. Họ ra khỏi hố và lấy bộ mặt nạ ra. Chúng tôi dìu người bị thương, một người đỡ cánh tay băng bó của hắn. Cứ thế chúng tôi chạy thật nhanh, nhưng không phải không loạng choạng. Khu nghĩa địa chỉ còn là một bãi hoang tàn.

Quan tài và xác chết vương vãi tứ tung. Chẳng khác gì người chết bị giết một lần thứ hai. Nhưng mỗi xác chết bị tan ra từng mảnh như vậy đã cứu sống một mạng người trong bọn tôi. Hàng rào nghĩa địa bị phá trụi. Đường sắt dã chiến chạy sát qua bị tóe lên, dựng đứng lên trời, uốn thành hình cánh cung. Phía trước chúng tôi, có người nằm sóng sượt. Chúng tôi dừng lại; riêng Cốp vẫn tiếp tục đi với người bị thương. Người nằm ở đất là một tân binh. Hông hắn đẫm máu đã đông cục.

Hắn kiệt lực quá, tôi đã tháo cái bi đông đựng nước chè có pha rượu rum. Nhưng Cát ngăn lại và cúi xuống người lính: “Cậu bị thương ở đâu?”. Mắt hắn động đậy. Hắn mệt quá, không trả lời được.

Chúng tôi thận trọng cởi quần hắn ra. Hắn rên lên.

“Bình tĩnh, bình tĩnh, không việc gì đâu…”. Nếu hắn bị thương ở bụng thì không nên cho uống. Hắn không nôn mửa, như thế là triệu chứng tốt. Chúng tôi lột trần hông hắn ra. Cả một đống thịt bầy nhầy với những mảnh xương gãy vụn. Khớp xương bị trúng đạn, anh chàng này chả bao giờ hòng đi lại được nữa. Tay ướt xoa thái dương hắn và cho hắn uống. Đôi mắt hắn sáng lên. Lúc ấy chúng tôi mới lại thấy tay hắn cũng bị chảy máu. Với hai cuộn băng, Cát cố gắng buột kín vết thương lại. Tôi tìm vải quấn tất cả chung quanh, nhưng cũng không quấn chật quá. Chúng tôi không có gì nữa. Tôi bèn tụt quần gã bị thương ra, định lấy một mảnh quần đùi của hắn làm băng quấn. Nhưng hắn không có quần đùi; khi nhìn kỹ hắn, té ra anh chàng tóc vàng hoe ban nãy. Trong lúc ấy, Cát lục được mấy cuộn băng trong túi một người lính đã chết, chúng tôi thận trọng băng vết thương. Tôi bảo gã trẻ tuổi đang nhìn tôi không chớp: “Chúng tớ đi lùng một cái cáng đây”.

Hắn liền mở miệng và lẩm bẩm: “Các anh ở đây”. Cát nói: “Chúng tớ lại ngay bây giờ, để chúng tớ đi kiếm một cái cáng cho cậu chứ”.

Không biết hắn có hiểu không. Phía sau chúng tôi, hắn rên rỉ như một đứa trẻ: “Các anh đừng bỏ tôi!”. Cát quay lại và thì thào: “Hay là cho một phát súng lục cho xong chuyện đi?”. Gã trẻ tuổi khó lòng chịu đựng được khi người ta khiêng hắn đi, và nhiều nhất cũng chỉ thoi thóp được vài ngày nữa là cùng. Tất cả nỗi đau đớn từ lúc hắn bị thương cho tới giờ không thấm vào đâu với cái đau đớn từ giờ cho đến lúc hắn chết. Lúc này hắn còn đang bị tê dại, và chưa cảm thấy gì. Chỉ một tiếng đồng hồ nữa, hắn sẽ thành một cái bọc gầm rống lên vì những nỗi đau đớn không thể chịu được. Những ngày sống sót của hắn sẽ chỉ là một hình phạt tàn nhẫn đối với hắn mà thôi. Để cho hắn sống thêm vài ngày nữa thì ích gì cho hắn?

Tôi gật đầu tán thành.

– Phải đấy Cát ạ, ta lấy một khẩu súng lục.

– Đưa đây, – anh ta nói và dừng lại.

Trông bộ dạng, tôi biết là anh ta đã quả quyết.

Chúng tôi nhìn chung quanh, nhưng không phải chỉ có mình chúng tôi. Trước mặt chúng tôi đang hình thành một cuộc tập hợp nho nhỏ. Những cái đầu nhô ra khỏi các hố đại bác và các ngôi mộ.

Chúng tôi đành đi tìm một cái cáng. Cát lắc đầu:

– Những thằng bé như thế… Những thằng bé thật ngây thơ đáng thương!…

Những thiệt hại của chúng tôi ít hơn chúng tôi dự đoán. Năm người chết và tám người bị thương.

Chẳng qua chỉ là một trận pháo kích bất chợt trong một thời gian ngắn. Hai người trong bọn chúng tôi bị chết, nằm dài trong một ngôi mộ tung nắp, chúng tôi chỉ còn việc lấp đất lên thôi. Chúng tôi lại đi. Im lặng, chúng tôi chạy hàng một, người nọ nối người kia. Những người bị thương đã được chở đến trạm cứu thương. Trời buổi sáng ảm đạm. Các y tá chạy đi chạy lại với những con số và những tấm phiếu; các thương binh rền rĩ. Trời bắt đầu mưa. Chừng một giờ sau, chúng tôi đến chỗ xe vận tải, chúng tôi trèo lên xe. Bây giờ thì rộng chỗ hơn lúc đi.

Mưa mỗi lúc một to hơn. Chúng tôi giở vải bạt ra đội lên đầu. Nước mưa rơi xuống long bong như gõ trống. Quanh chúng tôi, mưa cứ tầm tã trút xuống. Xe lõm bõm lăn qua các hố trũng. Chúng tôi lắc lư bên nọ qua bên kia, ngủ chập chờn.

Hai người ngồi phía trước xe, cầm những cái gậy dài có chạc. Họ chú ý nhìn những quãng dây điện thoại võng xuống ngang mặt đường, thấp đến nỗi có thể hớt mất đầu bọn tôi đi. Hai người dùng cái chạc ở đầu gậy kịp thời nâng lên khỏi đầu chúng tôi. Chúng tôi nghe tiếng họ nhắc: “Chú ý! Dây đấy!”. Và, ngủ gà ngủ gật, chúng tôi cúi xuống rồi chúng tôi lại ngẩng lên.

Xe lúc lắc đều đều. Tiếng nhắc đều đều và mưa rơi đều đều. Mưa rơi xuống đầu chúng tôi, xuống đầu những xác chết phía trước, xuống thân hình anh lính bé nhỏ bị vết thương quá to đối với cái hông của anh ta.

Mưa rơi xuống nấm mồ của Kemơrich, mưa rơi xuống tâm hồn chúng tôi.

Một quả đại bác nổ tung gần đâu đấy.

Chúng tôi giật mình. Mắt chúng tôi căng ra, những bàn tay đã sẵn sàng để nhảy ra khỏi xe và lao vào những cái hố cạnh đường…

Chẳng có gì xảy ra nữa. Chỉ có tiếng nhắc đều đều vang lên: “Chú ý! Dây đấy!”. Chúng tôi cúi xuống và lại ngủ gà ngủ gật. Cứ thế, suốt trên đường.

Bình luận