Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Phía Tây Không Có Gì Lạ

Chương 6

Tác giả: Erich Maria Remarque

Người ta đưa chúng tôi về sâu trong hậu phương hơn lệ thường, về một trại tân binh, để bổ sung quân. Đại đội tôi cần bổ sung hơn một trăm người.

Trong thời gian đó, chúng tôi la cà đây đó vì không có công tác gì làm cả.

Hai ngày sau, Himmenxtôt cũng về đến nơi. Từ dạo ở chiến hào đến giờ, hắn không dám ngoạc mồm ra nữa. Hắn xin dàn hòa với chúng tôi. Tôi sẵn sàng chấp nhận, vì tôi thấy hắn đã giúp một tay vào việc khiêng Hai Vethut bị gãy lưng. Hơn nữa, hắn ăn nói đã có vẻ thật sự biết điều, nên khi hắn mời chúng tôi ra căng tin, chúng tôi cũng đồng ý thôi. Chỉ có Jađơn là còn nghi ngại và giữ kẽ.

Nhưng rồi chính nó cũng mau xuôi, vì Himmenxtôt cho biết hắn sắp thay chân thầy cai nấu bếp được đi phép. Để tỏ lòng thành, hắn khuân lại cho chúng tôi hai cân đường, và đặc biệt cho Jađơn nửa cân bơ. Sau đó, hắn lại còn vận động cho chúng tôi được điều về nhà bếp trong ba ngày liền, để gọt khoai tây và củ cải vàng.

Những món ăn hắn cung phụng cho bọn tôi, thật xứng đáng với bữa ăn của sĩ quan.

Ấy thế là chúng tôi tạm thời có hai cái khoái của người lính: ăn ngon và nghỉ khỏe. Nghĩ cho kỹ thì cũng không có gì quá đáng. Chỉ mới vài năm trước đây thôi, chúng tôi rất khinh ghét những chuyện ấy. Nhưng bây giờ chúng tôi gần như lấy thế làm thú vị. Cái gì cũng là thói quen cả, cả đến chiến hào cũng vậy thôi.

Sự thích nghi chính là nguyên nhân khiến chúng tôi hình như quên được rất nhanh mọi chuyện. Vừa mới hôm kia, chúng tôi còn sống dưới lửa đạn, thế mà hôm nay, chúng tôi đã đi lêu lổng và sống buông thả.

Ngày mai, chúng tôi sẽ trở lại chiến hào. Thực ra, chúng tôi chẳng quên cái gì cả. Ngày nào chúng tôi còn ở hậu phương, thì những ngày ở hỏa tuyến đã qua, giống như những hòn đá chìm sâu xuống trong con người; chúng nặng nề quá khiến chúng tôi không đủ sức nghiền ngẫm. Nếu chúng tôi cứ nghiền ngẫm, chúng sẽ tiêu diệt chúng tôi ngay, bởi vì, tôi đã nhận xét thấy điều này: những sự kinh khủng có thể chịu đựng được nếu như người ta bằng lòng cúi đầu xuống, trái lại, chúng sẽ giết chết ta, nếu ta nghĩ đến chúng.

Cũng như khi ra mặt trận, chúng tôi trở thành những con vật – vì đó là điều duy nhất làm cho chúng tôi đứng vững được – thì khi về nghỉ ngơi, chúng tôi trở nên những chú hề nhạt nhẽo, và những anh chàng nhác nhớn. Không thể làm gì khác được, hoàn cảnh bắt buộc đúng phải như thế, dù thế nào, chúng tôi cũng muốn sống đã. Vì vậy chúng tôi không muốn vướng vít những tình cảm có thể rất là đẹp đẽ trong thời bình, nhưng ở chỗ này, thì quá là không hợp một tí nào.

Kemơrich chết. Hai Vethut chết. Đến ngày phán xét cuối cùng, khó mà lắp lại được cái thân hình của Han Cramơ đã bị một quả đại bác nghiền nát như tương. Macten cụt cả hai chân, May chết, Mác chết, Bay chết, Hammơlinh chết; một trăm hai mươi người chết rải rác trong các trạm cứu thương, da thịt thủng nát; thật là một điều đáng nguyền rủa, nhưng cái đó có liên quan gì đến chúng tôi bây giờ?

Chúng tôi sống. Nếu chúng tôi có thể cứu được họ, phải, người ta sẽ thấy chúng tôi chẳng ngần ngại hy sinh tính mạng của mình. Chúng tôi có thể lên đường ngay, vì khi cần đến, chúng tôi có một sức bật kỳ dị; chúng tôi không biết sợ mấy, chỉ trừ có sợ chết, nhưng cái đó lại là chuyện khác, chuyện của cơ thể.

Nhưng các bạn của tôi đã chết, chúng tôi không có cách gì giúp họ được; họ đã yên phận rồi. Ai biết được số phận chúng tôi sẽ ra sao?

Điều chúng tôi mong muốn bây giờ là nằm khểnh ra đó, ngủ và ăn cho đầy tễ, uống rượu bí tỉ và hút, để cho ngày giờ khỏi trống rỗng. Đời người ngắn ngủi.

Sự khủng khiếp ở mặt trận sẽ biến đi, khi chúng ta quay lưng lại nó, chúng tôi đem những chuyện ở mặt trận ra đùa cợt một cách tục tĩu và ác khẩu. Khi một người chết, chúng tôi bảo là hắn đã ngậm đít lại rồi, chúng tôi cứ tếu như thế, chẳng tha cái gì. Nhờ vậy mà chúng tôi không phát điên. Chúng tôi còn nhìn mọi chuyện bằng con mắt ấy là chúng tôi còn đứng vững được.

Nhưng chúng tôi chẳng quên đâu! Điều mà các báo chí chiến tranh nói về óc trào phúng của quân đội, bảo rằng họ lo tổ chức những cuộc khiêu vũ khi vừa ra khỏi khu vực pháo kích, điều đó chỉ là chuyện ngớ ngẩn. Sở dĩ chúng tôi làm như thế không phải tại chúng tôi thích trào phúng, mà là vì nếu không trào phúng thì chết mất. Phần khác cũng chẳng mấy lúc nữa mà cạn tủ, rồi cái trào phúng của chúng tôi mỗi tháng một trở nên chua chát. Và tôi biết rằng, hiện giờ, khi chúng tôi đang đánh trận, tất cả những gì lắng sâu xuống cõi lòng chúng tôi như những tảng đá, sẽ trỗi dậy khi chiến tranh chấm dứt và chỉ lúc ấy mới giải thích được: cái sống, cái chết.

Những ngày, những tuần, những năm ở mặt trận lúc ấy sẽ sống lại và các bạn đã chết của chúng tôi sẽ trở về và sẽ cùng đi với chúng tôi. Đầu óc chúng tôi sẽ tỉnh táo, chúng tôi sẽ có một mục đích, và cứ thế chúng tôi sẽ đi cùng với các bạn đã chết bên cạnh chúng tôi và, phía sau chúng tôi, những năm ở mặt trận: chúng tôi sẽ đi… chống ai, chống ai?

Trong vùng này, vừa có những buổi biểu diễn của một đoàn kịch mặt trận. Trên một hàng rào, vẫn còn thấy dán những tờ quảng cáo sặc sỡ. Cốp và tôi đang trố mắt ra nhìn. Chúng tôi không thể hiểu được sao lại còn có những cái như thế. Này đây, một thiếu nữ mặc áo mùa hạ màu nhạt, với chiếc dây lưng da đỏ thắt quanh người. Một tay nàng đặt trên lan can, tay kia cầm chiếc mũ nan, nàng đi giày trắng và tất trắng, đôi giày cao gót xinh xắn có khóa; phía sau nàng, biển xanh lấp lánh với vài làn sóng tung bọt trắng xóa và bên cạnh một cái vịnh đầy ánh sáng.

Thật là một cô nàng tuyệt đẹp, mũi xinh, môi đỏ, chân dài, sạch sẽ, đỏm dáng không thể tưởng tượng được. Chắc hẳn mỗi ngày nàng tắm hai lần, và không bao giờ có ghét ở móng tay, quá lắm, có lẽ đôi lúc cũng chỉ dính vài hạt cát của bờ biển. Cạnh nàng, có một anh con trai quần trắng, áo vét tông xanh, mũ thủy quân, nhưng chúng tôi chẳng để ý đến chàng ta mấy. Cái cô nàng ở cạnh hàng rào ấy chẳng khác gì một phép lạ đối với chúng tôi; chúng tôi đã quên hẳn rằng trên đời này còn có những chuyện như vậy, và ngay đến bây giờ chúng tôi cũng khó tin là chính mắt đã trông thấy thế. Dù sao hàng mấy năm nay chúng tôi cũng chưa hề thấy những điều tương tự; những điều chưa đầy đủ lắm, nhưng đã nói lên biết bao nhiêu là trong sáng, xinh tươi và hạnh phúc.

Đấy mới thật là hòa bình; hòa bình là phải thế, chúng tôi cảm nghĩ như vậy, lòng đầy xúc động.

– Cậu hãy nhìn đôi giày nhỏ nhẹ này; khó mà đi nổi một cây số, – tôi nói.

Nhưng ngay lúc ấy, tôi tự thấy buồn cười, vì đứng trước một hình ảnh như vậy mà nghĩ đến chuyện đi thì thật là ngớ ngẩn.

– Nàng độ bao nhiêu tuổi nhỉ? – Cốp hỏi.

Tôi lẩm nhẩm rồi nói:

– Nhiều nhất là hăm hai, Anbe ạ.

– Nếu thế thì nàng lại hơn tuổi cánh mình mất.

– Tớ thì chắc nàng không quá mười bảy.

Chúng tôi run cả người.

– Anbe này, thế thì tuyệt quá nhỉ!

Nó gật.

– Ở nhà tớ cũng có một cái quần trắng.

– Một cái quần trắng, đồng ý, – tôi nói, – nhưng một cô gái như thế này…

Hai đứa chúng tôi nhìn lẫn nhau từ đầu đến chân. Quả là không có cái gì ra hồn, ngoài một bộ đồng phục đầy cáu ghét, vá chằng vá đụp và bạc phếch. Mọi so sánh đều không hy vọng.

Vì thế, trước hết chúng tôi lột béng ngay cái anh chàng quần trắng ra khỏi hàng rào một cách cẩn thận để khỏi động đến cô thiếu nữ. Thế là được một việc.

Sau đó, Cốp bàn:

– Chúng mình đi bắt rận đi!

Tôi không hoàn toàn tán thành ý kiến ấy vì như thế thì công việc hỏng bét mất; chúng tôi đã bắt rận suốt hai giờ rồi. Nhưng sau khi ngắm lại bức tranh một lần nữa, tôi tuyên bố sẵn sàng theo ý kiến của nó. Và tôi thêm:

– Chúng mình thử đi lùng một cái sơ mi sạch xem sao.

Anbe không hiểu thế nào lại nghĩ:

– Bít tất Nga chắc còn tốt hơn nữa.

– Phải đấy, có lẽ cả bít tất Nga nữa, chúng mình phải cố đi xoay cái gì mới được chứ.

Nhưng kìa, Lia và Jađơn đang phất phơ đi tới.

Chúng nó nhìn thấy tờ quảng cáo và câu chuyện xoay ngay sang cái giọng tục tĩu. Trong lớp tôi, Lia là đứa đầu tiên có một con nhân tình; nó đã tả cho chúng tôi nghe những chi tiết của cái ái tình của nó và làm chúng tôi bị kích thích tợn. Nhìn bức tranh này, nó hứng lên theo kiểu của nó, và Jađơn bắt chước nó một cách hăng hái. Nói của đáng tội, chúng tôi chẳng phải ghét cái đó. Ai không biết nói chuyện tục tĩu thì không phải là lính; có điều, lúc này đầu óc chúng tôi chưa để tất cả vào đấy mà thôi. Vì vậy, chúng tôi cắt đứt câu chuyện và đi về chỗ bắt rận, với cảm tưởng là mình đang đi tới một hiệu thợ may lịch sự.

Những ngôi nhà chúng tôi trú quân, ở gần một con kênh. Ở bờ bên kia, có những cái đầm với những cây bạch dương bao quanh. Bên kia kênh, cũng có cả đàn bà nữa. Phía bên này, dân cư đã tản đi hết, nhưng phía trước mặt, thỉnh thoảng vẫn có bóng người.

Buổi chiều chúng tôi đi bơi. Kìa, có ba người đàn bà đi đến, dọc theo bờ kênh. Họ đi thong thả và không ngoảnh mặt đi, mặc dầu chúng tôi không mặc quần đùi.

Lia cất tiếng gọi; các cô ấy cười và ngừng lại nhìn chúng tôi. Chúng tôi ném sang những câu tiếng Pháp nửa mùa chợt nhớ ra được, bất kể là câu gì, lộn xộn hấp tấp, cốt để các cô ấy không đi mất. Thật tình, đây cũng chẳng phải là những lời lẽ gì tao nhã cho lắm, nhưng chúng tôi moi ở đâu ra được kia chứ?

Đặc biệt có một cô tóc nâu, thân hình mảnh dẻ.

Khi cô cười, hàm răng trắng bóng. Cử chỉ của cô ta nhanh nhẹn, chiếc váy mềm mại rủ xuống chung quanh bắp chân. Mặc dầu nước lạnh, nhưng chúng tôi cũng cố làm cho các cô ấy chú ý đến để các cô ấy đứng lại. Chúng tôi cứ pha trò bừa đi, các cô ấy cũng bắt lời, nhưng chúng tôi chẳng hiểu gì cả. Chúng tôi cười và ra hiệu với các cô ấy. Jađơn khôn hơn, nó chạy về nhà, mang ra một cái bánh lính và giơ lên.

Thế là thu được kết quả rực rõ. Bằng dấu hiệu và cử chỉ, các cô mời chúng tôi sang chơi, nhưng đã có lệnh cấm. Chúng tôi không được phép sang bờ kênh bên kia. Cầu nào cũng có lính gác. Không có giấy tờ hợp lệ thì đừng hòng. Vì thế chúng tôi cố làm cho các cô ấy hiểu là chính các cô ấy phải sang chỗ chúng tôi, nhưng các cô ấy lắc đầu và chỉ những cái cầu; cả các cô ấy cũng không được phép sang. Các cô ấy quay trở lại đi thong thả, ngược dòng kênh và vẫn đi dọc theo bờ. Chúng tôi bơi theo các cô ấy. Được độ vài trăm thước, các cô ấy rẽ khỏi bờ kênh và chỉ cho chúng tôi một ngôi nhà gần đấy, nổi lên giữa đám cây cối và bụi rậm. Lia hỏi có phải các cô ở đấy không? Các cô ấy cười. Đúng, nhà các cô ấy đấy.

Chúng tôi gào to lên là chúng tôi sẽ sang khi nào tụi lính gác không thể trông thấy chúng tôi. Ban đêm, ngay đêm nay đấy? Các cô ấy giơ tay lên, úp hai bàn tay lại với nhau, rồi để sát mặt và nhắm mắt lại. Các cô ấy đã hiểu.

Cô tóc nâu mảnh khảnh uốn éo đi mấy bước vũ. Cô tóc vàng ỏn ẻn: “Bánh ngon… bánh thơm…”. Chúng tôi cam đoan rối rít với các cô ấy là chúng tôi sẽ mang bánh sang. Lại còn nhiều cái khác thú vị nữa cơ. Vừa nói, chúng tôi vừa nhấm nháy và giơ tay làm những dấu hiệu có ý nghĩa. Lia ta suýt chết đuối vì muốn cắt nghĩa là nó muốn mang sang một khúc dồi. Nếu cần, có lẽ chúng tôi hứa với các cô ấy cả một kho lương thực. Các cô bước đi nhưng vẫn còn quay lại nhiều lần. Chúng tôi vào bờ và kiểm tra lại xem có đích là các cô vào cái nhà ấy không, vì có thể là các cô ấy đánh lừa chúng tôi. Rồi chúng tôi lại bơi về chỗ khởi hành.

Không có giấy tờ hợp lệ, không được qua cầu. Vì vậy, ban đêm chỉ còn cách bơi sang thôi. Chúng tôi rạo rực cả người, cái rạo rực không buông tha chúng tôi, làm cho chúng tôi đứng ngồi không yên; chúng tôi đến căng tin, vừa vặn có bia và rượu pơnsơ[10].

Chúng tôi uống pơnsơ và kể chuyện cho nhau nghe, những câu chuyện ngộ nghĩnh bịa từ đầu đến cuối. Chẳng đứa nào đòi hỏi gì hơn là cứ việc nhắm mắt tin lời thằng cha bên cạnh, và hau háu đợi đến lượt mình lại ba hoa khóac lác một chuyện khác oanh liệt hơn nữa. Chân tay chúng tôi bồn chồn. Chúng tôi hút không biết bao nhiêu là thuốc lá, đến nỗi Cốp nói: “Theo ý mình, chúng ta có thể mang sang cho các nàng mấy điếu thuốc lá nữa”. Ấy thế là chúng tôi bỏ thuốc lá vào mũ ca lô và giữ nguyên đấy. Nền trời nhuộm màu táo xanh. Chúng tôi có bốn đứa, mà lại chỉ có ba cô nàng; vì vậy chúng tôi phải làm thế nào rủ được thằng Jađơn ra mới ổn. Chúng tôi ép nó uống rượu rum và rượu pơnsơ cho đến khi nó say mềm ra.

Trời vừa tối mịt, chúng tôi trở về chỗ ở, Jađơn đi giữa ba đứa. Chúng tôi nóng ruột như lửa đốt, lòng tràn đầy ham muốn cái chuyện mới lạ. Cô tóc nâu mảnh dẻ là phần của tôi: chúng tôi đã chia nhau, dứt khóat rồi. Jađơn ngã lăn quay ra ổ rơm, và bắt đầu ngáy; nhưng kìa, nó lại thức dậy, nó vừa nhìn chúng tôi vừa cười khẩy có vẻ ranh mãnh khiến chúng tôi phát hoảng và nghĩ có lẽ nó chỉ giả vờ say rượu, và có lẽ mất toi cái khoản tiền rượu pơnsơ trả cho nó cũng nên; nhưng rồi nó lại ngã xuống và lại ngủ. Mỗi đứa chúng tôi chuẩn bị một cái bánh còn nguyên, lấy giấy báo gói lại. Chúng tôi để thêm vào đấy mấy điếu thuốc lá. Ngoài ra lại có cả ba khúc dồi gan mà chúng tôi vừa lĩnh buổi chiều xong. Thật là một món quà xứng đáng. Tạm thời chúng tôi bỏ tất cả những cái ấy vào những đôi ủng, vì cần phải mang ủng đi để khỏi dẫm phải dây thép gai hoặc mảnh sành khi lên bờ bên kia. Trước hết, vì phải bơi qua kênh, nên chúng tôi không đứa nào phải bận tâm đến cái khoản quần áo, sau nữa, vì là ban đêm và cũng không xa lắm. Chúng tôi khởi hành, tay xách ủng. Chúng tôi nhoài nhanh xuống nước, bơi ngửa, hai tay nâng khỏi đầu đôi ủng với những món nói trên. Chúng tôi rón rén trèo lên bờ kênh bên kia.

Chúng tôi lấy các gói ra khỏi đôi ủng rồi đi ủng vào.

Chúng tôi cắp vào nách những thứ mang theo. Thế là ba đứa bắt đầu đi, ướt như chuột lột, trần như nhộng, tất cả y phục chỉ có mỗi đôi ủng, chúng tôi chạy thong thả bước một. Chúng tôi tìm thấy ngay ngôi nhà. Nó khuất trong bóng tối của đám bụi rậm. Cát vấp phải một cái rễ cây và xước cả khuỷu tay. “Không hề gì!” – nó nói một cách vui vẻ.

Các cửa sổ đều có ván ngoài. Chúng tôi đi vòng quanh nhà một lượt, và thử nhòm qua những kẽ hở. Chúng tôi đâm ra sốt ruột. Đột nhiên, Cốp có vẻ lưỡng lự:

– Này! Nếu có một cấp chỉ huy đang ở trong ấy thì sao?

– Thì chuồn chứ sao nữa! – Lia cười khẩy.

– Lão ta chỉ việc đọc số hiệu trung đoàn cánh mình ở đây này! – Anbe vừa nói vừa vỗ vào mông đít.

Cửa ra vào ngôi nhà để ngỏ, ủng của chúng tôi gây ra một vài tiếng động, một chiếc bản lề rít lên. Chúng tôi nhìn thấy ánh sáng.

Một cô nàng hoảng sợ rú lên một tiếng. Chúng tôi nói với cô ta bằng thứ tiếng Pháp cố cho thật dễ hiểu: “Này… này… bạn… bạn hết…”.

Đồng thời để tranh thủ cảm tình của cô ta, chúng tôi giơ các gói lên.

Bây giờ, chúng tôi trông thấy cả hai cô kia. Cửa mở toang và ánh sáng chiếu vào người chúng tôi. Các cô nàng nhận ra chúng tôi và cả ba cô cười ngặt cười nghẽo về cách ăn mặc của chúng tôi. Các cô đứng trong khung cửa, vặn cả người, gập cả người lại mà cười, gớm cười cười quá thể. Thân hình các cô mới uyển chuyển làm sao.

– Đợi một tí nhé! – Các cô nói.

Các cô biến mất rồi vất cho chúng tôi một đống khăn áo, chúng tôi lấy quấn bừa vào người. Sau đó chúng tôi được phép vào.

Một ngọn đèn nhỏ thắp trong nhà. Có vẻ ấm cúng, lại thoang thoảng mùi nước hoa. Chúng tôi giở các gói ra và đưa cho các cô nàng. Mắt các cô sáng lên, đúng là các cô đang đói.

Sau đó, cả ba đứa đâm ra hơi lúng túng. Lia làm bộ điệu muốn ăn. Thế là quang cảnh lại nhộn lên; các cô đi lấy nĩa và dao rồi sà ngay vào đám đồ ăn.

Đầu tiên trước khi ăn một khoanh dồi gan, các cô lại giơ nó lên, có vẻ thán phục lắm; còn chúng tôi ngồi bên các cô, rất hãnh diện.

Các cô nói huyên thuyên với chúng tôi. Chúng tôi chẳng hiểu gì mấy những điều các cô nói, nhưng chúng tôi cảm thấy toàn là những lời lẽ đáng yêu cả.

Có lẽ các cô ấy cũng cảm cái tuổi trẻ măng của chúng tôi chăng; cô nàng tóc nâu mảnh khảnh vuốt ve tóc tôi và nói với tôi cái điều mà tất cả những người đàn bà Pháp, bao giờ cũng nói: “Chiến tranh… tai họa lớn… những chàng trai khốn khổ…”. Tôi nắm lấy cánh tay cô nàng, ghì chặt lấy và đặt miệng vào lòng bàn tay nàng. Ngón tay nàng ghì chặt lấy mặt tôi. Phía trên tôi là đôi mắt đầy xúc cảm, là làn da nâu mát rượi và đôi môi đỏ thắm. Miệng nàng nói những lời mà tôi không hiểu. Tôi cũng không hiểu hết được ý tứ của đôi mắt nàng, chúng nói nhiều hơn là chúng tôi mong đợi khi tới đây.

Bên cạnh có nhiều buồng. Tôi vừa bước vào, đã thấy Lia nói bô bô với cô nàng tóc vàng và tiến hành một cách táo bạo. Thực ra nó đã thông thạo cái khoản ấy; nhưng tôi, tôi bị lạc vào một cõi xa lạ, vừa dịu dàng lại vừa mãnh liệt, và tôi cứ thả mình vào đó. Tôi cảm thấy trong tôi có một cái gì vừa khát khao lại vừa chìm đắm. Đầu óc tôi quay cuồng. Ở đây chẳng có gì để bấu víu cả. Chúng tôi để ủng ngoài cửa; các cô đã thay cho bằng những đôi dép ngủ và thế là bây giờ tôi chẳng còn cái gì là tư thế mã thượng và lấc xấc của anh lính nữa: không súng, không thắt lưng, không quân phục, không mũ. Tôi rơi vào chốn lạ lùng này, thôi thì muốn ra sao thì ra, vì dẫu sao tôi cũng hơi rờn rợn.

Cô nàng tóc nâu nhíu đôi lông mày lại, mỗi khi nàng suy nghĩ. Khi nàng nói thì đôi lông mày không động đậy.

Cũng có đôi lúc, điều nàng nói chỉ thốt ra nửa chừng, bị nghẹn lại hoặc lướt nhẹ trên đầu tôi; thật như một cánh cung, một đường đạn, một ngôi sao chổi. Tôi hiểu như thế nào? Những lời lẽ của cái tiếng ngoại quốc mà tôi chỉ biết lõm bõm, ru ngủ tôi, dìm tôi vào một cảnh tĩnh mịch, trong đó căn buồng gần như biến đi cùng với những bóng tối và ánh sáng của nó, trong đó chỉ còn rõ nét, chỉ còn sống có mỗi cái mặt người phía trên tôi.

Thật khó hiểu biết bao, cái khuôn mặt mới một giờ trước đây còn lạ lùng, thế mà bây giờ cúi xuống với một dáng điệu âu yếm, cái dáng điệu không phải tự nó mà có, mà từ bóng đêm, từ vũ trụ, từ dòng máu như đang tỏa ánh sáng trên nó. Những đồ vật chung quanh đều bị ảnh hưởng và biến dạng bởi cái môi trường này, chúng khóac một hình thù đặc biệt và nước da trắng trẻo của tôi gần như gây cho tôi một cảm giác tôn sùng, khi ánh sáng ngọn đèn chiếu vào nó và khi bàn tay nâu và mát rượi vuốt ve nó.

Tất cả cái này khác xa biết bao cảnh nhà thổ lính mà chúng tôi được phép đi, và chúng tôi phải đứng nối đuôi thành hàng dài! Tôi không muốn nghĩ đến chuyện đó nữa, nhưng kỷ niệm ấy vẫn ám ảnh tôi và làm tôi phát khiếp, vì có lẽ chúng tôi không bao giờ có cách gì rũ sạch nó đi được.

Nhưng lúc này tôi cảm thấy đôi môi của nàng tóc nâu mảnh khảnh và tôi vươn về phía đôi môi ấy; tôi nhắm mắt lại và qua đó, tôi muốn xóa bỏ tất cả, chiến tranh, những sự kinh khủng, những sự nhục nhã của nó, để khi tỉnh dậy sẽ trẻ trung và sung sướng. Tôi nghĩ đến hình ảnh cô thiếu nữ ở tờ quảng cáo, và trong chốc lát, tôi tưởng cuộc đời tôi chỉ tùy thuộc có một điều: chinh phục được nàng. Tôi càng ghì người vào trong đôi cánh tay đang ôm chặt lấy tôi: có lẽ sẽ xảy ra một sự kỳ diệu chăng?… Sau cùng, tôi không hiểu sao cả ba đứa tôi lại trông thấy nhau. Lia có dáng điệu đắc thắng. Chúng tôi chia tay các cô nàng một cách đằm thắm và đi ủng vào.

Không khí ban đêm xoa dịu những tấm thân nóng bừng của chúng tôi. Những cây bạch dương đứng sừng sững và rì rào trong bóng tối. Vầng trăng lấp lánh trên trời và trên dòng nước của con kênh. Chúng tôi không chạy, chúng tôi rảo bước cạnh nhau. Lia nói:

– Cũng đáng một cái bánh lính đấy!

Tôi không biết nói gì; tôi cũng chẳng vui nữa.

Bỗng, có tiếng chân bước, chúng tôi liền ẩn sau một bụi rậm. Bước chân mỗi lúc một gần, và bây giờ đến sát chúng tôi. Chúng tôi thấy một gã trần truồng cũng đi ủng, y hệt bọn tôi, nó cắp một gói ở cánh tay và chạy lồng lên. Đúng Jađơn, cu cậu đang vội quá.

Cu cậu đã biến mất.

Chúng tôi cười. Ngày mai thế nào nó chả chửi om lên!

Chúng tôi về ổ rơm, chẳng ai biết tí gì cả.

Tôi được gọi lên văn phòng, viên chỉ huy đại đội chìa cho tôi một cái giấy phép và một tờ giấy đi đường, rồi ông ta chúc tôi lên đường bình an. Tôi nhìn xem được bao nhiêu ngày phép: mười bảy ngày. Mười bốn ngày nghỉ và ba ngày đi đường. Đi đường như vậy thì ít quá. Tôi liền hỏi liệu có xin được năm ngày không. Béctinh ra hiệu bảo tôi nhìn kỹ tờ giấy; tôi nhận ra là sẽ không phải trở về ngay mặt trận. Hết hạn phép, tôi sẽ đi dự lớp học ở trại Lăng.

Nhiều đứa ghen với tôi. Cát mách cho tôi nhiều nước hay, bảo tôi cách xoay sở để có thể lẩn được. “Nếu cậu láu thì cậu sẽ ở lì đấy”.

Nói tình thực, tôi chỉ thích độ tám ngày nữa hãy đi, vì chúng tôi còn ở đây trong suốt thời gian ấy và ở đây thật là khoái. Dĩ nhiên, tôi phải đãi một chầu căng tin. Mấy đứa chúng tôi đều ngà ngà say cả. Tôi đâm ra buồn. Tôi sẽ ở lại hậu phương trong sáu tuần lễ, cái đó hẳn là sướng rồi, nhưng lúc trở lại thì ra sao? Liệu có còn gặp nhau đủ mặt không? Hai và Kemơrich đã không còn nữa; đến lượt ai bây giờ đây?

Chúng tôi uống rượu và tôi lần lượt nhìn kỹ từng thằng bạn của tôi. Anbe ngồi cạnh tôi, hút thuốc và rất vui, hai đứa tôi lúc nào cũng có nhau. Cát ngồi trước mặt, hai vai xuôi thõng, ngón tay cái to bè và giọng nói trầm tĩnh. Rồi đến Muynlơ với bộ răng vẩu và tiếng cười như lệnh vỡ. Jađơn với đôi mắt chuột nhắt. Lia để bộ râu trông đến bốn mươi tuổi.

Trên đầu chúng tôi khói bay đặc sệt. Không thuốc lá, đời thằng lính còn ra sao nữa. Căng tin là nhà an dưỡng của hắn, bia không phải chỉ là một thứ đồ uống, mà còn là dấu hiệu có thể nằm dài, duỗi tay duỗi chân không sợ gì nguy hiểm. Sự thực về mặt này chúng tôi chẳng đứa nào ngại tí gì cả. Chúng tôi nằm thẳng cẳng và khạc nhổ bằng thích ra khắp chung quanh, hẵn tạm nói thế đã! Tất cả những cái này ghi vào lòng kẻ ngày mai ra đi một ấn tượng sâu sắc biết bao!

Đêm ấy chúng tôi còn sang bên kia kênh một lần nữa. Tôi hầu như sợ sệt phải nói với cô nàng tóc nâu mảnh khảnh là tôi sẽ đi và khi trở về, tất nhiên lại ở chỗ khác, và như thế là vĩnh biệt nhau; nhưng nàng chỉ gật gật đầu và không có vẻ cảm động lắm. Đầu tiên tôi không thể nào hiểu được, nhưng sau tôi vỡ nhẽ. Lia nói có lý, nếu tôi ra chiến hào thì người ta còn nói: “Chàng trai khốn khổ!”. Nhưng một anh lính đi phép thì còn sơ múi gì nữa, các cô nàng chết tiệt này. Quỷ bắt cô ta đi với cái giọng ỏn ẻn và những lời ăn tiếng nói của cô ta! Cứ tưởng là chuyện kỳ diệu, nhưng rút cục, chỉ có bánh lính.

Sáng hôm sau, bắt rận tinh tươm rồi, tôi đi ra phía đường sắt. Anbe và Cát đi tiễn tôi. Ở nhà ga, người ta nói mấy giờ nữa tàu mới chạy. Hai bạn tôi phải trở lại, vì có công tác; chúng tôi chia tay nhau:

– May mắn! Cát nhé! May mắn, Anbe nhé!

Chúng nó đi khỏi và còn vẫy tôi nhiều lần. Bóng chúng nó nhỏ dần. Mỗi bước đi, mỗi cử chỉ của chúng nó đều quen thuộc đối với tôi, từ xa tôi có thể dễ dàng nhận ra chúng nó. Thế là chúng nó đã đi khuất hẳn.

Tôi ngồi trên ba lô và đợi. Đột nhiên, tôi nóng ruột như điên đi.

Tôi đã dừng lại ở nhiều ga; tôi đứng trước nhiều cái nồi để người ta phát súp, tôi đã ngả lưng trên nhiều tấm ván. Nhưng rồi sau đó, phong cảnh những nơi con tàu chạy qua dần dần trở nên xao xuyến lòng người, vừa khơi nỗi ưu tư, vừa đượm tình ruột thịt; phong cảnh lướt trên mặt kính chiều với những làng mạc – có mái tranh úp chụp xuống những ngôi nhà trát vữa và có vách ngăn, như những chiếc mũ ca lô với những cánh đồng lúa, dưới ánh nắng xiên khoai, lấp lóe như ánh xà cừ, với những vườn cây ăn quả, với thùng kho lúa, với những gốc bồ đề già cỗi.

Tên các nhà ga trở nên những điều làm rung động lòng tôi. Con tàu chạy, chạy mãi, rập rình lúc lắc, tôi ngồi cạnh cửa sổ và tì vào thành tàu. Những cái tên đó chứa đựng cả thời niên thiếu của tôi. Đồng cỏ phẳng lì, đồng ruộng, trang trại. Một cỗ xe ngựa cô đơn chạy qua trên nền trời, trên con đường song song với chân trời. Đây kia, một chỗ chắn ngang đường, phía trước chắn có những bác nông dân đứng đợi, những thiếu nữ giơ tay vẫy vẫy, những em bé chơi dọn đường, những con đường chạy về tận thôn xóm, những con đường rất bằng phẳng, không có pháo binh.

Buổi chiều, nếu con tàu không kêu ầm ầm chắc tôi phải hét lên. Đồng ruộng trải ra bát ngát; xa xa bóng những dãy núi xiên ngang một màu xanh nhạt bắt đầu nổi lên. Tôi nhận ra cái nét đặc biệt của đỉnh Đôđenbe lởm chởm, đột ngột buông xuống trên ngọn khu rừng. Chính sau ngọn núi đó, thành phố sẽ hiện ra.

Ánh sáng màu vàng son chảy trên mặt đất và hòa với đất; con tàu chạy vào một khúc lượn, kêu rít lên, rồi lại một khúc lượn nữa, và xa tít, những cây bạch dương thẳng tắp có vẻ hư ảo, mơ hồ, mờ mịt, cây nọ nối cây kia thành một hàng dài như toàn bằng bóng tối, ánh sáng và ưu tư.

Đồng quê từ từ xoay tròn với hàng cây, con tàu lượn quanh chúng, các khoảng cách giảm dần, những bóng cây chập lại chỉ còn một khối và, một lát sau, tôi chỉ còn nhìn thấy một cây. Rồi những cây khác lại xuất hiện sau cây đầu tiên, chúng đứng cô đơn như vậy rất lâu, trên nền trời, cho đến lúc chúng bị những ngôi nhà đầu tiên che lấp.

Đây là chỗ đường sắt chạy ngang phố. Tôi ngồi yên cửa sổ không thể rời ra được. Mọi người sửa soạn hành lý để xuống, còn tôi, tôi thầm thì đọc tên phố đi qua: “Phố Brem, phố Brem Brem…”. Dưới đường có người đi xe đạp, có xe cộ: có người ta. Đấy là một phố màu xám và một cái cầu chui màu lam, thế mà nó làm tôi cảm động khác nào chính mẹ tôi. Rồi con tàu dừng lại, nhà ga đây rồi, với tiếng ồn náo, tiếng gọi nhau và những bảng yết thị. Tôi nhắc ba lô đeo lên vai, xách khẩu súng trường và bước xuống những bậc tàu, gần như loạng choạng. Đứng trên sân ra, tôi nhìn quanh. Tôi chẳng quen một ai trong đám người đang chen chúc ấy. Một bà Hồng thập tự mời tôi uống. Tôi lảng ra. Bà ta cười với tôi một cách ngớ ngẩn, tưởng mình quan trọng lắm (Xem, tôi cho anh lính uống cà phê đây!). Bà ta nói với tôi: “Anh bạn ơi”, y như tôi cần đến cái tiếng ấy lắm.

Phía ngoài trước ga, một dòng sông lấp lánh chảy cạnh dãy phố. Ra khỏi cửa cổng của chiếc cầu nhà máy xay, con sông reo lên trắng xóa. Ngọn tháp vuông cổ kính đứng sừng sững ngay gần đó; trước tháp, có cây bồ đề thật to màu sắc rực rỡ, và sau tháp là cảnh hoàng hôn.

Nơi đây chúng tôi thường hay ngồi chơi – ngày ấy lâu quá rồi!

Chúng tôi thường đi trên cầu, ngửi mùi mát rượi và khăm khẳm của mặt nước im lìm. Chúng tôi thường hay cúi xuống ngắm dòng nước bình thản phía bên này cống, nơi bao nhiêu cây leo xanh và rong rêu bám lòng thòng ở chân cầu. Và phía bên kia cống, những ngày nóng nực chúng tôi vừa hướng luồng hơi mát rượi của bọt nước bắn tung vừa tán gẫu về chuyện các thầy giáo.

Tôi đi qua cầu, nhìn về phía bên phải và bên trái, nước vẫn đầy rong rêu, vẫn lao xuống ầm ầm làm thành một vòng cung trắng xóa. Trong ngọn tháp cổ, các cô thợ là vẫn như ngày trước, cánh tay trần đứng trước đống quần áo trắng, và hơi nóng bàn là đang tỏa ra ngoài cửa sổ mở tung. Lũ chó chạy lon ton trong phố hẹp trước cửa nhà, có những người nhìn tôi đi qua, bẩn thỉu và tay xách nách mang như một anh phu khuân vác. Trong cái hiệu bánh này, chúng tôi đã uống nước đá và tập hút thuốc lá. Trong dãy phố tôi đang đi, tôi thuộc lòng từng ngôi nhà, từng cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, hiệu bánh; và đây, tôi đến trước cái cửa màu nâu với chiếc then đã mòn; bàn tay tôi cứng đờ ra. Tôi mở, một luồng không khí mát mẻ lạ lùng đón lấy tôi; nó làm tôi mờ cả mắt.

Cầu thang cọt kẹt dưới gót ủng. Phía trên, một cánh cửa rít lên, có ai nhìn qua lan can. Đấy là cửa nhà bếp vừa mở. Người ta đang rán bánh khoai, mùi thơm bay tỏa khắp nhà. Phải, hôm nay là thứ bảy; có lẽ chị tôi đang đứng trên ấy nhìn xuống. Trong khoảng khắc, tôi ngượng ngùng và cúi đầu. Rồi tôi bỏ mũ và ngước mắt lên. Đúng, đúng là chị tôi: “Pôn! Pôn!”, chị tôi kêu lên.

Tôi vẫy. Cái ba lô của tôi đụng phải lan can; khẩu súng sao mà nặng thế!

Chị tôi mở toang cửa và kêu lên: “Mẹ, mẹ, Pôn đây này!”. Tôi không bước thêm được nữa. “Mẹ, mẹ, Pôn đây này!”.

Tôi dựa vào tường và run run ôm chặt cái mũ và cây súng, tôi ôm chặt với tất cả sức lực của tôi, nhưng tôi không sao đi thêm được một bước nữa. Trước mắt tôi, chiếc cầu thang mờ đi. Tôi thúc một báng súng vào chân, tôi nghiến răng lại một cách giận dữ, nhưng không sao cưỡng lại được mỗi một câu nói ấy của chị tôi; không làm thế nào được. Tôi tự dày vò, bắt mình phải cười, phải nói, nhưng không tài nào thốt ra được một tiếng, cứ thế, tôi đứng sững ở cầu thang, khổ sở, bối rối, như bị một cơn biến chứng ghê gớm; tôi cố trấn tĩnh lại, nhưng nước mắt cứ trào ra, ướt đẫm cả mặt. Chị tôi trở ra, và hỏi: “Em sao thế?”.

Lúc ấy, tôi cố trấn tĩnh, đi thẳng đến phòng đợi, vừa đi vừa vấp. Tôi dựng khẩu súng vào một góc, đặt ba lô sát tường rồi để cái mũ lên trên. Tôi phải cởi ngay thắt lưng và những thứ móc vào đấy ra mới được. Rồi tôi nói một cách giận dữ: “Đưa tôi cái khăn tay nào!”. Chị tôi lấy cái khăn tay trong tủ ra cho tôi, tôi lau mặt. Phía trên đầu tôi, vẫn còn nguyên một cái hộp thủy tinh treo trên tường, trong đựng đủ các thứ bươm bướm nhiều màu sắc mà ngày trước tôi sưu tầm. Lúc này, tôi chờ mẹ tôi lên tiếng. Tiếng nói ấy vọng ra từ buồng ngủ. Tôi hỏi chị tôi:

– Mẹ chưa dậy sao?

– Mẹ ốm… – chị tôi trả lời.

Tôi bước đến bên mẹ tôi, đưa tay cho mẹ tôi cầm và nói với mẹ tôi bằng một giọng cố hết sức bình tĩnh:

– Con đây, mẹ ạ.

Mẹ tôi nằm im lặng, trong chỗ tranh tối tranh sáng. Mẹ tôi hỏi tôi một cách lo lắng, trong khi ấy tôi cảm thấy như đôi mắt mẹ đang sờ nắn người tôi:

– Con có bị thương không?

– Không, con được về phép.

Mẹ tôi xanh quá, tôi sợ không dám để ánh sáng vào nhiều.

– Thế mà đáng lẽ phải vui mừng thì mẹ lại cứ nằm đây mà khóc, – mẹ tôi nói.

– Mẹ ốm hả mẹ?

– Hôm nay mẹ sẽ dậy một tí…

Rồi mẹ tôi quay về phía chị tôi, chị tôi cứ chốc chốc lại phải nhảy vào bếp, sợ cháy mất cái món đang làm.

– Mày mở cả cái lọ mứt quất ra nhé. Con thích quất phải không? – Mẹ tôi hỏi.

– Vâng, mẹ ạ, đã lâu con không được ăn quất.

– Y như là cả nhà đã biết trước cậu về! – Chị tôi vừa nói vừa cười. – Vừa đúng nhà làm cái món cậu thích, món bánh rán khoai, lại thêm cả mứt quất nữa nhé.

– Nhưng phải nói hôm nay là thứ bảy, – tôi nói.

– Ngồi xuống bên mẹ, con, – mẹ tôi nói.

– Mẹ nhìn tôi, tay mẹ tôi trắng nhợt, ốm yếu và so với bàn tay tôi thì gầy bé quá. Hai mẹ con nói với nhau rất ít và tôi rất biết ơn mẹ tôi vì mẹ không hỏi gì cả. Vả lại tôi biết trả lời ra sao? Rút cuộc tôi cũng chẳng có gì đáng than phiền vì tôi đã về đây, khỏe mạnh, ngồi cạnh mẹ và trong bếp, chị tôi vừa hát vừa làm bữa ăn chiều.

– Con yêu quý của mẹ ơi! – Mẹ tôi nói khe khẽ.

Gia đình tôi không bao giờ âu yếm nhau một cách lộ liễu quá. Đó không phải là thói quen của người nghèo khổ phải lam lũ vất vả và quá nhiều lo lắng.

Thậm chí họ cũng không hiểu nổi những kiểu cách ấy nữa, và họ không thích nhắc đi nhắc lại những cái mà họ đã biết rồi. Khi mẹ tôi nói với tôi: “Con yêu quý của mẹ ơi”, thì cũng có nghĩa như một bà mẹ nói những lời đằm thắm cảm động nhất. Tôi biết lọ mứt quất là lọ mứt duy nhất của nhà tôi đã để từ lâu, mẹ đã để phần tôi, cũng như bánh bích quy mà mẹ đang cho tôi ăn bây giờ, cũng đã để từ lâu.

Chắc hẳn những cái bánh này đã do một sự tình cờ đặc biệt nào mà có, và mẹ tôi đã cất ngay đi để dành cho tôi.

Tôi ngồi xuống cạnh giường mẹ tôi; qua cửa sổ, những cây dẻ trong vườn, cái quán cà phê trước mặt, ánh lên những tia nâu sẫm và vàng rực. Tôi thở hít thong thả, thật thoải mái và tự nhủ: “Mình đang ở nhà, mình đang ở nhà”. Nhưng tôi vẫn chưa hết ngượng nghịu, tôi chưa thích nghi được với tất cả những cái này…

Bình luận
× sticky