Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Phía Tây Không Có Gì Lạ

Chương 7

Tác giả: Erich Maria Remarque

Đây là mẹ tôi, đây là chị tôi, đây là cái hộp bươm bướm của tôi, đây là cái đàn dương cầm bằng gỗ đào hoa tâm, nhưng tôi vẫn còn ngơ ngác. Có một tấm màn và một khoảng cách giữa con người tôi với sự vật. Vì vậy bây giờ tôi đi lấy cái ba lô, tôi đặt nó lên cạnh giường, tôi lấy ra những thứ tôi mang về: một cục pho mát Hà Lan còn nguyên mà Cát đã xoay cho tôi, hai cái bánh lính, ba lạng bơ, hai hộp dồi gan, nửa cân mỡ và một túi gạo nhỏ.

– Chắc mẹ và chị dùng được những cái này…

Mẹ và chị tôi gật đầu.

– Có lẽ ở đây tiếp tế cũng khó khăn đấy nhỉ!

– Chẳng có mấy tí. Thế ngoài ấy có khá không?

Tôi mỉm cười và chỉ những thứ tôi mang về.

– Không phải bao giờ cũng được thế này đâu, nhưng kể ra cũng tương đối.

Chị Ecna tôi cất những thức ăn đi. Chợt mẹ tôi nắm chặt lấy tay tôi và hỏi bằng một giọng ngập ngừng:

– Ngoài ấy chắc gay go lắm phải không Pôn?

“Mẹ ơi, con biết trả lời mẹ thế nào đây? Mẹ sẽ không hiểu được đâu. Vả lại, mẹ cũng chẳng bao giờ nên hiểu làm gì. Mẹ hỏi có gay go không? Chính mẹ lại hỏi con câu đó sao, mẹ?”.

Tôi lắc đầu và nói:

– Không mẹ ạ, chẳng gay lắm đâu. Chúng con ở ngoài đó có rất nhiều bạn bè, và cũng không gay lắm đâu.

– Ờ, nhưng vừa rồi Hăng ri Brêđêmâyơ về đây, nó kể chuyện ngoài ấy bây giờ khiếp lắm, có hơi ngạt và bao nhiêu cái gì nữa cơ mà.

Chính mẹ tôi nói như thế đấy. Mẹ nói: “Có hơi ngạt với lại bao nhiêu cái gì nữa?”. Mẹ không hiểu cái mẹ nói là gì đâu. Chẳng qua mẹ lo cho tôi mà thôi.

Tôi có nên kể cho mẹ tôi nghe, một lần chúng tôi đã thấy những kẻ chiếm lĩnh ba chiến hào địch bị chết cứng, khác nào bị sét đánh không? Họ đứng hoặc nằm trên lũy, trong hầm, ngay tại chỗ họ bị đánh bất chợt, mặt mũi xám ngoét, chết.

– A, mẹ ơi, họ nói thế thôi! Brêđêmâyơ kể những chuyện đó chẳng qua là để làm quà thôi. Mẹ xem đấy con vẫn khỏe và lại béo ra nữa chứ…

Trước sự lo lắng của mẹ tôi, tới lại trở nên hoàn toàn bình tĩnh. Bây giờ tôi có thể đi đi lại lại, nói năng và trả lời, không còn sợ bất chợt phải dựa vào tường vì vũ trụ mềm nhũn ra như cao su và những mạch máu của tôi trở nên khô khốc như bùi nhùi nhóm lửa.

Mẹ tôi muốn ngồi dậy; trong lúc đó tôi vào bếp tìm chị tôi.

– Mẹ làm sao thế? – Tôi hỏi.

Chị tôi nhún vai:

– Mẹ nằm mấy tháng nay rồi đấy. Nhưng mẹ không muốn nhà viết thư cho cậu biết. Những thầy thuốc đã đến xem cho mẹ. Có một ông bảo có lẽ vẫn là cái bệnh ung thư của mẹ đấy thôi!

Tôi đến phòng quân sự để xin chứng thực vào giấy phép. Tôi đi thong thả qua những đường phố.

Thỉnh thoảng có người chào tôi. Tôi không dừng lại lâu vì không thích chuyện trò nhiều.

Ở trại lính về, tôi nghe có tiếng người gọi thật to.

Tôi quay lại, vẫn mải theo đuổi những ý nghĩ của mình; trước mặt tôi là một viên thiếu tá. Ông ta hoạnh:

– Anh không chào ta hả?

– Thưa ngài thiếu tá, xin lỗi ngài, tôi không trông thấy ngài. – Tôi luống cuống trả lời.

Ông ta quát to hơn:

– Anh không thể ăn nói phép tắc hơn hả?

Tôi chỉ muốn tát cho hắn một cái, nhưng tôi kìm lại được, nếu không thì đi đứt cái khoản nghỉ phép.

Tôi cứng người lại theo đúng kiểu nhà binh và nói:

– Báo cáo, tôi không trông thấy ngài thiếu tá!

– Vậy thì coi chừng, – hắn ta xẵng giọng. – Tên anh là gì?

Tôi nói tên.

Cái mặt đỏ gay của hắn vẫn còn bừng bừng tức giận.

– Đơn vị nào?

Tôi trả lời theo đúng quy tắc. Nhưng vẫn chưa đủ đối với hắn.

– Ở đâu?

Nhưng lúc này, tôi đã phát bực và nói với hắn:

– Giữa khoảng Langơmat và Bitsút.

– Hả? – Hắn hỏi có vẻ hơi ngạc nhiên.

Tôi trình bày với hắn là tôi được về phép độ một tiếng đồng hồ, tôi nghĩ rằng hắn sẽ dịu đi. Nhưng tôi nhầm, hắn lại càng cáu hơn nữa.

– À, anh muốn mang cái thói ở mặt trận về đây hả? Nhưng vô ích thôi! Ở đây, nhờ ơn trời, vẫn có trật tự nghe không?

Hắn ra lệnh:

– Lùi hai mươi bước, bước!

Tôi giận tím người, nhưng không thể nào cưỡng lại hắn được, nếu hắn muốn, hắn có thể tống giam tôi tức khắc. Vì vậy tôi bước lui một cách mạnh mẽ, rồi tôi tiến lên, khi cách hắn độ năm sáu thước, tôi cứng người lên, chào một cách bực bội, rồi giữ nguyên tư thế chào như vậy cho đến khi vượt quá hắn sáu thước.

Hắn gọi tôi lại, ra bộ nhân nghĩa bảo cho tôi biết rằng một lần nữa, hắn đã khoan hồng hơn là áp dụng kỷ luật quân sự đối với tôi. Tôi tỏ lòng biết ơn, theo đúng kiểu cách nhà binh.

– Giải tán! – Hắn ra lệnh.

Tôi đập gót đánh chát rồi đi.

Thế là hỏng cả buổi chiều. Tôi về nhà, vất bộ đồng phục vào một xó; đó cũng là dụng ý của tôi; sau đó tôi lấy bộ quần áo thường trong tủ ra xỏ tay vào.

Tôi không quen mặc thường phục nữa. Bộ quần áo đã ngắn và chật. Ở trung đoàn, tôi đã lớn lên. Đeo cổ cồn và thắt ca vát vào vất vả quá. Cuối cùng chính chị tôi thắt hộ ca vát. Ôi, bộ quần áo mới nhẹ nhõm làm sao. Tôi có cảm tưởng chỉ mặc áo lót và quần đùi.

Tôi ngắm mình trong gương. Thật là một hình ảnh lạ lùng. Một cậu bé chịu lễ lần đầu, da cháy nắng và chóng lớn như thổi, nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Mẹ tôi lấy làm hài lòng thấy tôi mặc thường phục. Như thế có vẻ gần gũi mẹ hơn. Nhưng cha tôi lại thích tôi mặc quân phục để đưa tôi đến chơi các bạn; tôi từ chối.

Được ngồi yên một chỗ nào đó thì thật là dễ chịu.

Thí dụ trong khu vườn của quán cà phê trước nhà tôi dưới bóng những cây dẻ, cảnh sân chơi ki. Lá rụng xuống mặt bàn và mặt đất. Đấy chỉ là vài cái lá đầu mùa. Trước mặt tôi có một cốc bia; ở trung đoàn tôi đã đâm nghiện. Cốc đã cạn một nửa. Tôi còn làm được vài ngụm thật mát nữa, ngoài ra tôi có thể gọi thêm cốc thứ hai, cốc thứ ba nữa, nếu tôi thích.

Chẳng có điểm danh, cũng chẳng có bánh quét. Lũ trẻ con nhà ông chủ quán cà phê đang chơi ki, và con chó gục đầu lên đầu gối tôi. Trời xanh, qua cành lá, những cây dẻ, chiếc tháp chuông màu xanh của nhà thờ thánh Macgơrit đâm vút lên.

Cứ thế này thì tốt quá, tôi cảm thấy dễ chịu.

Nhưng tôi không thể hòa được với mọi người. Cái người duy nhất không hỏi tôi, là mẹ tôi. Còn cha tôi thì cũng như mọi người khác. Ông cụ bắt tôi kể những chuyện ở mặt trận. Ông cụ có những ý muốn mà tôi thấy vừa ngớ ngẩn vừa cảm động. Tôi đâm ra không thực sự thân thiết với ông cụ nữa. Cái điều cha tôi muốn là cứ được nghe tôi kể chuyện, nghe mãi. Tôi thấy cha tôi không hiểu rằng những chuyện như vậy không thể kể ra hết được, vậy mà tôi cũng muốn làm vui lòng cha tôi. Nhưng phải mô tả những cái ấy bằng lời thì thật nguy cho tôi quá; tôi sợ nó bị thổi phồng lên một cách ghê gớm, rồi không thể hãm lại được nữa. Chúng ta sẽ nghĩ gì nếu biết thật rõ ràng những cái gì đã xảy ra ngoài đấy? Vì thế tôi chỉ kể vài ba câu chuyện lăng nhăng thôi, nhưng cha tôi lại hỏi tôi đã đánh giáp lá cà bao giờ chưa. Tôi nói chưa và đứng dậy đi ra phố. Nhưng, cũng chẳng hơn gì. Sau khi bị hoảng lên mấy lần vì tiếng tàu điện mà tôi cứ tưởng như trái phá gầm lên, sắp rơi xuống đến nơi, thì có người vỗ vai tôi. Đó là giáo sư dạy tiếng Đức của tôi, ông tíu tít hỏi những câu thường lệ: “Thế nào, ở ngoài ấy ra sao? Ghê lắm, ghê lắm phỏng? Ừ, khiếp thật đấy, nhưng chúng ta nhất định phải giữ vững chứ, mấy lại người ta nói ở ngoài ấy ít ra các anh cũng được ăn uống khá. Pôn, trông anh khá đấy. Anh có vẻ khỏe lắm; còn ở nhà tất nhiên không được thế đâu; cũng là lẽ tự nhiên thôi. Ngay cái việc ấy cũng phải như thế; cái gì quý nhất bao giờ cũng phải dành cho chiến sĩ chứ”. Ông ta kéo tôi vào quán cà phê, ngồi vào bàn khách quen. Tôi được tiếp đãi long trọng quá. Một ông đeo cái chức giám đốc, chìa tay cho tôi và nói: “A! Anh ở mặt trận về. Tinh thần ngoài ấy ra sao? Tốt lắm, tốt lắm phải không?”. Tôi tuyên bố là ai cũng muốn về nhà cả. Ông ta cười ha hả: “Anh nói đúng thôi! Nhưng trước hết phải giã cho tụi Pháp tặc một trận nên thân đã chứ. Anh hút nhé! Này, làm một điếu. Bé con, đem một cốc bia cho người chiến sĩ trẻ tuổi của chúng ta nhé!”

Tôi vô phúc đã nhận điếu xì gà; thế là phải ngồi nán lại. Ai cũng tràn ngập lòng tử tế. Chả còn trách vào đâu được. Nhưng vì vẫn thấy bực bội nên hút thật nhanh. Nhưng ít ra cũng phải làm một việc gì, tôi vội nốc một hơi hết cốc bia. Người ta mang ngay đến cốc thứ hai. Mọi người đều hiểu mình phải chịu ơn một người lính như thế nào. Họ cãi nhau về chuyện chúng ta phải sát nhập những vùng nào. Vị giám đốc đeo cái dây đồng hồ bằng sắt, tham ăn nhất, ông ta muốn nuốt cả nước Bỉ, những vùng mỏ than của nước Pháp, và những miếng rõ to của nước Nga. Ông ta nêu những lý do xác đáng tại sao phải chiếm. Còn người nào không chịu, ông ta còn cãi cho bằng được. Thế rồi ông ta bắt đầu trình bày cần phải chọc thủng mặt trận Pháp ở chỗ nào, xong đâu đấy ông ta quay về phía tôi: “Này, ngoài ấy các anh phải tiến lên một tí chứ, cứ mãi cái lối chiến tranh trận địa ấy ư. Cứ giã cho cái lũ chó má ấy một trận nhừ tử là chúng mình sẽ có hòa bình”.

Tôi trả lời là theo chúng tôi thì không thể chọc thủng mặt trận được, vì đối phương có nhiều lực lượng dự trữ quá để chống đỡ. Ngoài ra, tôi còn nói là chiến tranh không giống như người ta tưởng đâu. Ông ta cãi lại với một vẻ bề trên và chứng minh là tôi chẳng hiểu gì về việc ấy cả. “Dĩ nhiên, về chi tiết thì anh nói đúng”, ông ta nói – “Nhưng điều quan trọng là cái toàn cục, mà cái đó thì anh chưa đủ sức phán đoán. Anh chỉ nhìn thấy khu vực nhỏ bé của anh, cho nên anh không bao quát được tất cả. Các anh làm nghĩa vụ, hy sinh cả tính mạng mình, điều đó xứng đáng được những vinh dự cao quý nhất. Các anh mỗi người phải được huân chương chữ thập sắt mới đáng. Nhưng trước hết phải chọc thủng phòng tuyến địch ở Flăngđrơ rồi sau đó quật cho nó ụp từ nên xuống dưới!”. Ông ta thở hổn hển và lau bộ râu.

“Phải quật cho nó từ trên xuống dưới, rồi tiến thẳng đến Pari”.

Tôi muốn hiểu ông ta hình dung sự việc ra sao, và nốc luôn cốc thứ ba ông ta lại gọi ngay một cốc nữa. Nhưng tôi đứng dậy, ông ta còn nhét vào túi tôi mấy điếu xì gà, và chia tay tôi bằng một cái vỗ vai thân mật:

– Nhiệt liệt chúc mừng anh. Mong rằng chẳng bao lâu chúng tôi sẽ được nghe nói đến anh một cách thật vẻ vang.

Trước đây tôi đã nghĩ đến chuyện nghỉ phép một cách khác. Đúng một năm trước, nó khác hẳn bây giờ. Có lẽ chính bản thân tôi đã thay đổi chăng. Từ năm ngoái đến nay, có cả một hố sâu ngăn cách. Lúc ấy tôi chưa biết rõ chiến tranh lắm. Chúng tôi chỉ mới đóng trong những khu vực yên tĩnh. Bây giờ tôi không ngờ rằng mình chán chường đến thế. Ở đây, tôi không thoải mái nữa. Cảnh vật như xa lạ đối với tôi. Người này hỏi, người khác không hỏi, và tỏ vẻ kiêu hãnh về thái độ của họ; nhiều khi chính họ bảo rằng không thể nói những chuyện như thế được, cái giọng ra điều ta đây biết đủ mọi thứ, lại còn làm ra bộ trịch thượng nữa.

Tôi chỉ thích ngồi một mình, không muốn ai quấy rầy. Vì lúc nào ai cũng chỉ xoay quanh những chuyện: “Gay lắm phải không? Thế nào, khá chứ?”.

Người này thấy thế này, người kia thấy thế khác, và bao giờ họ cũng chú ý đến những gì có liên quan đến bản thân họ. Trước kia, chắc tôi cũng làm như họ, nhưng bây giờ, khác xa rồi. Tôi thấy người ta nói nhiều quá. Họ có những lo lắng, những mục đích, những ham muốn không giống với tôi. Có lần tôi ngồi với một người trong khu vườn nhỏ của quán cà phê và nói cho ông ta hiểu là tôi chỉ muốn được ngồi yên thân một chỗ. Dĩ nhiên, họ cũng hiểu điều đó; họ cũng nhận ra và cũng tán thành nữa, nhưng với họ chỉ toàn là những lời nói, những lời nói suông thôi, cái khác là ở đó. Họ cũng cảm thấy điều đó, nhưng chỉ một nửa. Còn nửa kia của con người thì bận vào chỗ khác. Chẳng khác gì họ bị chia xẻ. Chẳng ai cảm thấy điều đó với tất cả con người mình. Tôi không thể tự mình diễn tả ra rõ ràng điều tôi suy nghĩ được.

Khi nhìn thấy họ trong phòng riêng, trong bàn giấy, bận công kia việc nọ, thì tôi bị cái cảnh ấy lôi cuốn không cưỡng lại được; tôi muốn được như họ, sống cùng với họ và quên hẳn chiến tranh đi.

Nhưng đồng thời điều ấy cũng làm tôi ghê tởm. Sao mà nó chật hẹp thế? Cứ như thế thì làm sao đầy một kiếp người được? Phải phá vỡ những cái khung ấy đi chứ! Làm sao lại có thể thế được trong khi ngoài kia mảnh trái phá rít lên miệng hố và hỏa pháo vọt lên trời? Trong khi những kẻ bị thương bị lôi lên những tấm vải bạt, và bạn bè của tôi núp trong chiến hào?”. Ở đây họ là những sinh vật khác hẳn, những sinh vật mà tôi không hiểu lắm, tôi vừa thèm muốn lại vừa khinh bỉ. Tự nhiên tôi cứ phải nghĩ đến Cát và Anbe, đến Muynlơ và Jađơn: lúc này chúng nó đang làm gì? Chúng nó đang ngồi ở căng tin hay đang bơi lội?… Chẳng bao lâu, chúng nó lại phải ra tuyến thứ nhất.

Trong căn phòng của tôi, sau cái bàn, có một chiếc trường kỷ bọc da nâu. Tôi ngồi xuống đó. Trên tường có ghim nhiều tranh ảnh dạo trước tôi cắt ở báo ra. Rải rác có những bưu ảnh và những trang mà tôi rất thích. Trong một góc nhà, có một bếp lò nhỏ bằng sắt. Trước mặt, áp vào tường, một cái giá sách.

Tôi đã sống trong căn phòng này trước khi trở thành anh lính. Những cuốn sách này tôi đã mua dần bằng tiền dạy học thêm. Phần nhiều là sách cũ.

Tất cả tác phẩm cổ điển chẳng hạn: “Một cuốn giá một đồng hai, đóng bằng vải dày màu xanh. Tôi đã mua toàn tập vì tôi rất khó tính, tôi không tin được mấy ông xuất bản văn tuyển, sợ họ không chọn được những đoạn hay nhất. Vì vậy tôi chỉ mua những loại toàn tập”. Tôi đã đọc rất say sưa, nhưng đa số không làm tôi thích thú. Tôi lại càng tha thiết hơn nữa đối với những loại sách khác, những sách mới, dĩ nhiên đạt hơn nhiều. Có những quyển tôi xoay được bằng cách không chính đính lắm, tôi mượn rồi không trả nữa, vì tôi không muốn rời chúng ra.

Một ngăn chứa đầy sách học. Chúng không được giữ gìn cẩn thận và rất là rách nát. Nhiều tờ bị xé, để làm gì chắc cũng dễ hiểu. Bên dưới là những quyển vở giấy má, thư từ buộc thành gói, những bức vẽ và những bài tập sáng tác.

Tôi cố trở lại thời ấy. Nó vẫn còn trong căn phòng, tôi cảm thấy nó ngay. Những bức tường vẫn còn giữ gìn nó. Hai tay tôi đặt trên trường kỷ. Bây giờ tôi ngồi thật đàng hoàng, co cả hai chân lên, tôi ngồi thoải mái như thế trong một góc, giữa những tay vịn của chiếc trường kỷ. Qua chiếc cửa sổ nhỏ mở toang, hiện lên hình ảnh quen thuộc của dãy phố và chiếc tháp chuông vươn lên ở đầu kia. Trên bàn có vài bông hoa. Bút mực, bút chì, vài cái vỏ sò chặn giấy, lọ mực, ở đây chẳng có gì thay đổi cả. Quang cảnh sẽ vẫn thế nếu tôi được may mắn, khi chiến tranh kết liễu, và sẽ được trở về mãi mãi.

Tôi sẽ cứ ngồi cái kiểu thế này, ngắm gian phòng của tôi và chờ đợi…

Tôi cảm thấy bứt rứt, nhưng tôi không muốn bứt rứt như vậy, vả lại cũng không nên bứt rứt làm gì. Tôi muốn như trước kia, khi ngồi trước sách vở, vẫn cảm thấy sự hấp dẫn thầm lặng cái tình quyến luyến mạnh mẽ và khó tả. Tôi muốn cái niềm khát vọng trước kia, từ những gáy sách nhiều màu kia lại dâng lên, lại quyện lấy tôi, tôi muốn nó làm chảy tan cái khối chì nặng trĩu trong tôi để đánh thức dậy trong con người lòng nôn nóng về tương lai, cái niềm vui mọc cánh mà thế giới tư tưởng đem đến cho tôi. Tôi muốn nó đem lại cho tôi cái nhiệt tình đã mất đi của thời niên thiếu.

Tôi ngồi đấy và chờ đợi. Tôi nhớ ra là phải đến thăm mẹ Kemơrich và cũng có thể đến thăm Mitenxtat nữa. Chắc nó ở trại lính. Tôi nhìn qua cửa sổ. Sau hình ảnh dãy phố đầy ánh nắng, nổi lên ngọn đồi mờ nhạt, rồi cảnh đó biến thành một ngày thu trong sáng, tôi đang ngồi trước bếp lửa cùng với Cát và Anbe, ăn khoai lùi.

Nhưng tôi không muốn nghĩ đến chuyện ấy; tôi gạt cái kỷ niệm ấy ra.

Điều tôi thèm muốn là căn phòng này phải nói lên với tôi, phải quấn quít lấy tôi, phải giữ lấy tôi. Tôi muốn được rung cảm mối tình ruột thịt đối với chốn này. Tôi muốn nghe giọng nói của nó, để khi trở lại tiền tuyến, tôi biết được điều này: chiến tranh sẽ bị xóa nhòa và biến mất khi ta trở về nhà; chiến tranh sẽ chấm dứt; nó không ray rứt ta nữa, nó chỉ có quyền lực đối với ta ở cái vỏ bên ngoài thôi.

Những gáy sách vẫn xếp cạnh nhau, tôi vẫn nhận ra chúng, tôi vẫn còn nhớ cách thức tôi xếp đặt chúng. Tôi đưa mắt van nài chúng: “Hãy nói với ta đi, hãy chào đón ta đi, hãy giữ lấy ta đi, ôi cuộc đời xưa cũ, cuộc đời vô tư và đẹp đẽ, hãy giữ lấy ta…”. Tôi chờ đợi, tôi chờ đợi…

Bao nhiêu hình ảnh lướt qua trước mặt tôi, chúng không có chiều sâu, chỉ là những bóng mờ kỷ niệm. Chẳng có gì, chẳng có gì cả.

Tôi càng lo lắng.

Đột nhiên một cảm giác ghê gớm trỗi dậy trong tôi. Ở đây tôi là một kẻ xa lạ. Tôi không thể tìm lại ở đây chỗ ngồi quen thuộc nữa. Chẳng khác gì người ta ruồng bỏ tôi. Tha hồ cho tôi kêu nài, van vỉ, chẳng có gì rung cảm cả. Tôi ngồi đấy, lạnh lùng và buồn bã như một kẻ bị kết án, và quá khứ quay lưng lại với tôi. Đồng thời, tôi sợ không dám gợi nhiều đến quá khứ, vì tôi không biết cái gì sẽ đến. Tôi là người lính, tôi không thể rời bỏ cương vị ấy được.

Tôi uể oải đứng dậy, và nhìn qua cửa sổ. Rồi tôi cầm lấy một quyển sách, mở ra, cố đọc một vài đoạn, nhưng rồi lại vất xuống, và cầm một quyển khác. Có những đoạn gạch dưới; tôi tìm, tôi lật vài trang, rồi tôi lại lấy những quyển khác. Cạnh tôi đã có một đống sách. Những quyển khác tiếp tục, bồi thêm vào cái đằng ấy một cách vội vã hơn; rồi cả những tờ giấy, những quyển vở, những bức thư.

Tôi đứng lặng người trước cái đống ấy, như trước một tòa án. Không chút can đảm.

Những tiếng nói, những tiếng nói, những tiếng nói… Chúng không đến với tôi.

Tôi thong thả xếp sách vào chỗ cũ.

Thế là hết.

Tôi bước ra khỏi căn phòng không một tiếng động.

Tôi chưa từ bỏ nó hẳn. Đành rằng tôi không trở lại căn phòng của tôi nữa, nhưng tôi tự an ủi rằng, vài ngày chưa phải là quyết định. Rồi đây, sau này, tôi sẽ có thời gian hàng năm cho cái việc ấy. Hiện giờ, tôi đến thăm Mitenxtat ở trại lính và chúng tôi ngồi trong phòng của nó. Tôi không ưa cái không khí ở đây nhưng tôi đã quen với nó. Mitenxtat cho tôi biết một tin khiến tôi giật nẩy người như bị điện giật. Nó cho biết là Căngtôrec đã bị gọi nhập ngũ làm dân vệ.

– Cậu tưởng tượng xem, – nó vừa nói vừa rút ra mấy điếu xì gà ngon, – tớ vừa ở nhà thương ra đến đây và tớ rơi đúng ngay vào lão ta. Lão ta chìa tay ra và cứ quàng quạc: “A, Mitenxtat. Thế nào, khá chứ?”.

Tớ trợn tròn mắt nhìn lão và trả lời:

– Dân vệ Căngtôrec, việc công thì cứ phép công[11], tự anh, anh phải biết điều đó hơn ai hết chứ. Khi anh nói với cấp trên, đứng ngay ngắn lại! Tớ chỉ muốn cậu nhìn thấy mặt lão ta: thật là cứ ngay đuỗn ra[12]. Lại một lần nữa, lão ta rụt rè muốn làm thân với tớ. Thế là tớ lại hoạnh cho một trận dữ hơn. Sau đó lão ta dùng đến cái đòn ác nhất, lão ta nói với tớ bằng giọng bí mật: “Anh có cần tôi bảo đảm trong kỳ thi vớt không?”. Lão ta muốn nhắc tớ là lão vẫn còn một ưu thế đối với tớ, cậu hiểu chưa? Thế là tớ nổi giận đùng đùng, và tớ, tớ cũng nhắc lão ta một điều: “Dân vệ Căngtôrec, hai năm trước, anh đã kêu gào bọn tôi nhập ngũ; ngày ấy Jodep Bem không muốn đi. Nó đã bị giết chết ba tháng trước thời hạn chính thức nó bị động viên. Không có anh, nó đã đợi đến thời gian đó. Thôi, bây giờ giải tán! Chúng ta sẽ xét sau”. Tớ xin điều sang đại đội lão ta rất dễ. Việc đầu tiên là tớ dẫn lão ta đến kho quân nhu, xoay cho lão một bộ quần áo thật bảnh. Cậu có thể thấy ngay tức khắc”.

Chúng tôi ra sân, cả đại đội đã xếp hàng. Đại đội dàn ra theo tư thế đứng nghiêm.

Mitenxtat hô: “Nghiêm!”, rồi nó nhìn mọi người.

Lúc ấy, tôi tưởng thấy Căngtôrec và phải cắn môi để khỏi phì cười. Lão ta đóng một cái áo có đuôi tôm, màu xanh lơ bạc phếch. Lưng áo và khuỷu tay vá những miếng dạ màu xám to tướng. Chắc hẳn cái áo này trước phải là của một gã khổng lồ. Chiếc quần chẽn đen, sờn hết cả, ngắn hơn, chỉ xuống đến nửa bụng chân. Đôi giày rộng quá, cũ rích, rắn như sắt, phía trên ống cong tớn và buộc dây bên cạnh. Trái lại, cái mũ ca lô thì lại bé quá, thật là một cái mũ khốn khổ, đáng cho vào sọt rác, bẩn thỉu đến phát khiếp lên. Toàn bộ thật là thảm hại.

Mitenxtat dừng lại trước lão ta: “Dân vệ Căngtôrec, anh đánh bóng những cái khuy áo như thế hả? Có lẽ anh không học làm bao giờ hả? Đồ tồi, bất lực…”.

Trong bụng, tôi rú lên vì khoái trá. Thật y hệt hồi ở lớp Căngtôrec mắng Mitenxtat cũng đúng cái tọng: “Mitenxtat, đồ tồi… đồ bất lực…”.

Mitenxtat vẫn tiếp tục chỉ trích: “Hãy nhìn Bôtsơyiem; quần áo anh ta thật là gương mẫu, anh phải học lấy anh ta…”. Thật không ngờ. Bôtsơ cũng ở đây, chính anh ta, Bôtsơ, người gác cổng bãi tập thể dục của chúng tôi.

Và quần áo anh ta thật gương mẫu! Căngtôrec nhìn tôi như muốn quất lấy tôi. Còn tôi chỉ cười khẩy vào mặt lão ta một cách thản nhiên y như chẳng quen biết gì lão cả. Lão ta đội cái mũ thổ tả và đóng bộ quân phục trông mới ngu độn làm sao. Ấy thế mà hồi trước, bọn tôi sợ xanh cả mặt khi thấy lão chễm chệ trên bục, gạch bút chì vào bài học Pháp văn của tôi về những động từ bất thường – sau đó, lúc ở Pháp những động từ ấy chẳng giúp ích được việc gì cho chúng tôi cả!

Chỉ mới ngót hai năm thôi, thế mà bây giờ dân vệ Căngtôrec đứng đây, chẳng còn tí uy quyền gì nữa, với cặp đầu gối vòng kiềng, với hai cánh tay khuỳnh khuỳnh như quai nồi, với những cái khuy áo không biết đánh bóng, với một tư thế lố bịch, thật là một bức hí họa về người lính.

Tôi không thể nào kết hợp được hình ảnh này với hình ảnh vị giáo sư đang hung hăng ở trên bục và tôi thực sự muốn biết tôi sẽ làm gì nếu một ngày kia cái gã chó chết này dám hỏi tôi, một người lính cũ, những câu hỏi như: “Bao mơ, hãy đọc thì quá khứ của động từ…”.

Lúc này, Mitenxtat đang chỉ huy tập những động tác dàn hàng của khinh binh. Nó lại có nhã ý chỉ định Căngtôrec làm tiểu đội trưởng.

Cũng có một lý do đặc biệt đấy, tức là lúc dàn thành hàng khinh binh, tiểu đội trưởng bao giờ cũng phải đứng trước tiểu đội mình hai chục bước. Nếu có lệnh: “Đằng sau quay!” thì cả hàng khinh binh chỉ việc quay nửa vòng, còn tiểu đội trưởng lúc ấy đâm ra đứng sau hàng hai mươi bước, phải chạy lên phía trước đứng cách hàng hai mươi bước đúng như điều lệnh quy định, như thế là phải hộc tốc chạy bốn mươi bước tất cả. Nhưng vừa mới yên chỗ thì lại có lệnh “Đằng sau quay!”, thế là anh ta lại phải hộc tốc chạy bốn mươi bước nữa theo chiều ngược lại. Cứ như cách ấy thì cả tiểu đội chỉ việc đằng sau quay một cách nhàn hạ, thêm vài bước nữa là cùng, nhưng tiểu đội trưởng phải chạy đi chạy lại như con thoi.

Đó cũng là một trong nhiều phép tủ của Himmenxtôt.

Căngtôrec không thể đòi hỏi Mitenxtat đối xử khác được, vì cũng mới đây thôi, chính lão ta đã bắt Himmitenxtat phải lưu ban một năm, và nếu Mitenxtat không biết lợi dụng cái dịp may hiếm có này trước khi trở lại mặt trận thì thật là ngốc quá. Dù sao, có thể là người ta chết thỏa mãn hơn khi gặp được một sự may mắn như thế này trong đời con nhà binh.

Trong khi ấy, Căngtôrec lồng từ phía nọ sang phía kia như con lợn lòi phát điên. Một lúc sau, Mitenxtat ra lệnh ngừng cái trò ấy và bây giờ bắt đầu động tác rất quan trọng, bò toại. Tì đầu gối và khuỷu tay theo đúng tư thế quy định, Căngtôrec trườn cái thân hình mỹ miều của lão ta trên cát, ngay cạnh chúng tôi. Lão ta thở hồng hộc và hơi thở của lão là cả một điệu nhạc.

Mitenxtat khuyến khích, vỗ về anh dân vệ Căngtôrec bằng những lời trích dẫn của vị giáo sư Căngtôrec. “Dân vệ Căngtôrec, chúng ta có hạnh phúc được sống trong một thời đại lớn; vì vậy chúng ta phải hòa mình vào thời đại ấy, phải vượt qua tất cả những cái gì cay đắng…”. Căngtôrec khạc ra một mẩu gỗ bẩn đã chui vào mồm lão, mồ hôi lão toát ra đầm đìa.

Mitenxtat cúi xuống bên lão và nói giọng thôi thúc:

– Dân vệ Căngtôrec, không bao giờ nên để những cái nhỏ nhen làm mờ sự kiện lớn.

Tôi ngạc nhiên là sao Căngtôrec không nổi điên lên, nhất là lúc này đúng giờ tập thể dục, Mitenxtat bắt chước đúng hệt lão ta: nó túm lấy đũng quần của lão, nhấc bổng lão lên xà đơn, để cho cằm của lão đập thật mạnh vào cái xà ngang, dĩ nhiên là vừa làm nó vừa tuôn ra với lão những lời lẽ cao siêu. Ngày xưa, Căngtôrec đã đối với nó đúng hệt như thế. Sau đó, người ta phân phối tạp dịch. “Căngtôrec, Bôtsơ, đi lấy bánh ở xưởng bánh quân đội. Các anh mang xe bò đi”.

Vài phút sau, hai chàng đi ra với cái xe. Căngtôrec hằm hằm cúi mặt xuống, còn anh gác cống thì lại hãnh diện vì công việc nhẹ nhàng.

Xưởng bánh quân đội ở tận đầu kia của thành phố. Hai người phải đi qua suốt thành phố hai lần.

– Họ làm thế đã mấy hôm nay rồi đấy, – Mitenxtat cười khẩy. – Lúc này, có nhiều người đang đợi xem họ đi qua đấy.

– Tuyệt quá, – tôi nói, – nhưng lão ta không khiếu nại gì sao?

– Lão cũng đã thử rồi. Nhưng viên chỉ huy của chúng tớ cười bò ra khi ông ta nghe rõ câu chuyện.

Ông ta không chịu được cái bọn thầy giáo. Hơn nữa, tớ cũng đang lơn con gái ông ta mà.

– Lão ta sẽ làm hại cậu trong kỳ thi cho mà xem.

– Tớ cóc cần. – Mitenxtat nói một cách thản nhiên. – Vả lại, lời khiếu nại của lão ta cũng chẳng nước mẹ gì, vì tớ đã chứng minh được rằng phần lớn công việc của lão ta rất là nhẹ nhàng. – Cậu có thể nện cho lão ta một trận ra trò không?

– Như thế thì tệ quá, – Mitenxtat trả lời bằng một giọng hùng hồn và độ lượng.

Nghỉ phép là gì? Là một sự thay đổi làm cho mọi chuyện sau đó trở nên nặng nề gấp bội. Ngay từ bây giờ đã phải nghĩ đến ngày đi. Mẹ tôi lặng lẽ nhìn tôi.

Mẹ tôi đếm từng ngày, tôi biết; sáng nào mẹ tôi cũng buồn: lại bớt một ngày, chắc mẹ tôi nghĩ thế. Mẹ tôi đã cất cái ba lô của tôi đi, vì mẹ không muốn nó nhắc nhở điều tất yếu tàn nhẫn.

Thời gian trôi mau, khi người ta nghiền ngẫm nhiều ý nghĩ. Tôi cố giữ vẻ bình thản và đi cùng chị tôi. Chị tôi đến lò sát sinh mua vài cân xương. Mua được là cả một đặc ân lớn; từ sáng sớm, hàng người đã xếp hàng dài dằng dặc. Nhiều người ngã vì nhọc quá. Chúng tôi đen đủi quá, sau khi đợi mất ba tiếng đồng hồ, người nọ thay phiên người kia, hàng người giải tán, chẳng còn gì nữa. May sao, lương thực của tôi được bảo đảm. Tôi lại mang một ít về cho mẹ tôi, cho nên gia đình có cái ăn khá hơn một chút.

Ngày giờ trở nên nặng nề hơn, và đôi mắt mẹ tôi lại càng thêm phiền muộn.

Chỉ còn bốn ngày nữa. Tôi phải đi thăm mẹ Kemơrich mới được.

Không tài nào mô tả nổi cái cảnh ấy: bà cụ run rẩy và nức nở, vừa lay tôi vừa kêu gào: “Tại sao cháu sống mà nó lại chết?”. Để nước mắt chan hòa lên cả người tôi, bà cụ nói: “Tại sao những đứa trẻ như chúng mày mà lại phải ra đấy?”. Bà cụ ngồi phịch xuống một cái ghế và khóc: “Cháu có nhìn thấy nó không? Lúc ấy cháu có nhìn thấy nó không? Nó chết ra làm sao?”. Tôi trả lời là nó đã bị một viên đạn trúng tim và chết ngay tức khắc. Bà cụ nhìn tôi có vẻ ngờ vực.

– Cháu nói dối, bác biết không phải thế đâu, trong thâm tâm bác cảm thấy là nó chết khổ chết sở lắm mà. Bác nghe thấy tiếng nó kêu mà, ban đêm bác mơ thấy nó trăn trở dẫy dụa mà. Cháu nói thật cho bác biết đi, bác muốn biết, bác cần phải biết mà.

– Không bác ạ, – tôi nói, – Cháu ở bên nó, nó chết ngay lập tức, thật đấy.

Bà cụ khe khẽ van vỉ tôi:

– Nói cho bác biết đi. Cần phải nói. Bác biết cháu muốn an ủi bác thôi. Nhưng cháu không thấy rằng cháu làm bác khổ hơn là cứ nói thật hay sao? Bác không thể nào chịu được cái nỗi phấp phỏng như thế này đâu. Nói cho bác biết đầu đuôi như thế nào, dù kinh khủng đến mấy cũng được. Như vậy còn hơn là để bác nghĩ vơ nghĩ vẩn.

Không bao giờ tôi kể cho bà cụ nghe câu chuyện đã xảy ra đâu. Thà rằng bà cụ xả tôi ra làm trăm mảnh đi nữa. Tôi thương bà cụ, nhưng thấy bà cụ cũng hơi ngớ ngẩn. Đáng lẽ cụ nên thỏa mãn với những lời tôi nói mới phải, vì dù bà cụ biết hay không biết sự thực, Kemơrich cũng không phải vì thế mà sống lại được. Khi đã nhìn thấy quá nhiều người chết, người ta không thể hiểu nổi sự đau thương quá đỗi như vậy đối riêng với một người. Cho nên tôi nói với bà cụ, giọng hơi sốt ruột:

– Cháu đã nói với bác là nó chết ngay lập tức mà; nó chẳng đau đớn gì cả. Nét mặt nó hoàn toàn thanh thản.

Bà cụ im. Rồi bà cụ thong thả hỏi tôi:

– Cháu có dám thề không?

– Có.

– Thề trước tất cả những cái gì thiêng liêng đối với cháu chứ?

Trời! Cái gì là thiêng liêng đối với tôi bây giờ? Ở chỗ chúng tôi, những cái ấy thay đổi xoành xoạch.

– Vâng, nó chết ngay lập tức mà.

– Cháu có dám thề là sẽ không trở về nữa nếu cháu nói dối không?

– Cháu sẽ không trở về, nếu nó không chết ngay.

Tôi còn thề bồi chẳng biết những gì nữa; nhưng bà cụ đã có vẻ tin tôi.

Bà cụ rên rỉ và khóc rít rất lâu. Bà cụ bắt tôi phải kể cho nghe chuyện ngoài ấy và tôi bịa ra một câu chuyện mà bây giờ chính tôi cũng gần tin là có thực.

Khi tôi ra về, bà cụ ôm hôn tôi và tặng tôi một bức ảnh của Kemơrich. Nó đứng đó, trong bộ đồng phục tân binh, tì tay vào một chiếc bàn tròn, chân bàn bằng cành cây phong, vẫn còn dính cả vỏ cây. Hậu cảnh là một khu rừng vẽ. Trên bàn có một cốc bia.

Đây là đêm cuối cùng tôi còn ở nhà. Mọi người đều trầm lặng. Tôi đi ngủ sớm. Tôi ôm lấy gối, tôi ghì chúng vào người, tôi vục đầu vào đấy. Không biết rồi đây tôi có còn được nằm trên một cái giường êm ấm như thế này nữa không?

Đêm đã khuya, mẹ tôi đến phòng tôi. Mẹ tôi tưởng tôi ngủ, và tôi cũng vờ ngủ thật. Nói chuyện và thức với mẹ thật rất khổ tâm cho tôi.

Mẹ tôi ngồi đến tận gần sáng, tuy mẹ tôi đang đau và thỉnh thoảng người mẹ tôi lả xuống. Sau cùng tôi không thể chịu được nữa. Tôi làm như chợt tỉnh giấc:

– Đi ngủ đi mẹ ơi, mẹ ngồi thế bị cảm lạnh đấy!

– Rồi mẹ ngủ sau cũng được.

Tôi ngồi dậy.

– Nhưng mẹ ơi, con có ra mặt trận ngay đâu, con còn ở trại bốn tuần lễ nữa kia mà. Ở đấy có lẽ, nhân chủ nhật nào đó, con lại về.

Mẹ tôi im lặng rồi thầm thì hỏi tôi:

– Con có sợ lắm không?

– Không mẹ ạ.

– Mẹ muốn dặn con một điều cuối cùng, con phải coi chừng bọn đàn bà bên Pháp, con nhé. Ở cái xứ ấy chúng nó không tốt đâu.

Chao ôi! Mẹ ơi, đối với mẹ, con vẫn là một đứa bé…

Tại sao con không thể gục đầu lên gối mẹ mà khóc? Tại sao con cứ phải là kẻ bình tĩnh hơn và cứng rắn hơn. Vậy mà có lần con cũng muốn khóc, và cũng muốn được dỗ dành. Thực ra, con cũng chẳng hơn một đứa bé mấy tí; trong tủ vẫn còn treo những chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn của con mà. Cũng chỉ mới ngày nào thôi. Tại sao lại là quá khứ rồi?

Tôi cố sức trấn tĩnh và nói:

– Chỗ chúng con đóng, chẳng có đàn bà đàn biếc gì đâu mẹ ạ!

– Ở mặt trận phải khôn ngoan lắm mới được, Pôn nhé.

Chao ôi! Mẹ ơi! Mẹ ơi? Sao hai mẹ con ta lại không thể ôm nhau cùng chết?

Đời chúng ta sao mà tủi nhục thế?

– Vâng mẹ ạ, con sẽ khôn ngoan.

– Hàng ngày mẹ sẽ cầu nguyện cho con, Pôn ạ.

Chao ôi! Mẹ, mẹ ơi! Sao hai mẹ con ta không thể đứng dậy, trở về những năm quá khứ, cho đến khi tất cả nỗi khổ cực này phải từ bỏ chúng ta, trở về cái thuở chỉ có hai mẹ con ta với nhau, cả hai mẹ con, mẹ nhỉ?

– Con có thể đóng ở một nơi ít nguy hiểm hơn không?

– Vâng mẹ ạ, có lẽ con sẽ nhận việc làm bếp, rất có thể được.

– Cứ nhận con nhé, ai nói gì mặc người ta.

– Mẹ đừng lo cái ấy, mẹ ạ…

Mẹ tôi thở dài, nét mặt mẹ là một vệt trắng trong bóng tối.

– Bây giờ mẹ phải đi ngủ đi, mẹ ạ.

Mẹ tôi không trả lời. Tôi đứng dậy và lấy chăn quàng lên vai mẹ; mẹ tôi dựa vào cánh tay tôi, mẹ tôi đau khổ. Tôi bế mẹ tôi về phòng. Tôi còn ngồi một lúc bên mẹ.

– Từ giờ đến ngày con trở về, mẹ cố khỏi mẹ nhé.

– Được, được, con ạ.

– Có gì mẹ đừng gửi cho con, mẹ nhé, ở ngoài ấy chúng con có đủ thức ăn rồi. Ở nhà những thức ấy cần cho mẹ hơn.

Khốn khổ biết bao, con người nằm trên chiếc giường kia, con người yêu tôi hơn tất cả mọi thứ trên đời. Khi tôi muốn đứng dậy, mẹ tôi vội vã bảo tôi:

– Mẹ có tìm được cho con hai chiếc quần trong nữa, bằng len tất đấy, con mặc chắc ấm lắm, nhớ bỏ vào ba lô nhé.

Chao ôi! Mẹ ơi! Con biết hai cái quần trong ấy đã làm mẹ tốn biết bao thì giờ và công sức để tìm kiếm, chạy vạy và năn nỉ. Chao ôi, mẹ ơi, làm sao có thể nghĩ được rằng con bắt buộc phải xa mẹ? Ngoài mẹ ra, ai có quyền gì đối với con. Con ngồi cạnh mẹ, mẹ nằm đó, hai mẹ con có bao nhiêu chuyện nói với nhau, nhưng không bao giờ có thể nói với nhau được.

– Mẹ ngủ ngon mẹ nhé.

– Con của mẹ ngủ ngon nhé.

Gian phòng tối đen. Hơi thở của mẹ tôi lên xuống.

Trong lúc ấy chiếc đồng hồ kêu tích tắc. Bên ngoài gió thổi qua cửa sổ. Những cây dẻ rì rào. Trong phòng trước tôi vấp phải cái ba lô đã để sẵn đấy, vì ngày mai tôi phải đi thật sớm.

Tôi cắn chặt gối, hai bàn tay tôi nắm chặt những thanh sắt ở đầu giường. Không bao giờ tôi nên về phép nữa. Ở mặt trận trước kia tôi lạnh lùng và nhiều khi không chút hy vọng, không bao giờ tôi có thể tìm thấy lại điều ấy nữa. Trước đây, tôi là một người lính, nhưng bây giờ tôi chỉ là đau khổ – đau khổ vì tôi, vì mẹ tôi, vì tất cả những cái gì quá nản lòng và quá dai dẳng. Không bao giờ tôi nên về phép nữa.

Bình luận
× sticky