Chúng tôi đi xe lửa luôn mấy ngày. Những chiếc máy bay đầu tiên đã xuất hiện trên trời. Chúng tôi vượt những đoàn tàu chở quân nhu. Đại bác, lại đại bác. Chúng tôi chuyển sang đường sắt dã chiến. Tôi đi tìm trung đoàn. Chẳng ai biết nó ở đâu. Ban đêm, bạ đâu tôi ngủ đấy, đến sáng người ta cho ăn và chỉ dẫn một cách mơ hồ. Thế là lưng đeo ba lô, vai khóac súng, tôi lại đi.
Khi đến nơi, chẳng còn một ai trong đơn vị chúng tôi ở lại trong cái vùng đã bị bom đạn tàn phá hết này.
Tôi được biết tin đơn vị chúng tôi đã trở thành một sư đoàn cơ động, chỗ nào gay go là bị điều đến ngay. Cái tin ấy không làm tôi vui mấy. Người ta nói quanh vùng này, đơn vị chúng tôi đã bị thiệt hại nặng nề. Tôi hỏi thăm Cát và Anbe. Cũng chẳng ai biết gì cả..
Tôi lang thang khắp nơi, tiếp tục tìm kiếm; tình cảm lạ lùng…
Lại một đêm, rồi lại một đêm nữa, tôi cắm trại như một anh da đỏ. Cuối cùng, tôi được tin tức đích xác và đến quá trưa, tôi đến được văn phòng đại đội. Viên đội nhất giữ tôi lại. Hai ngày nữa đại đội tôi sẽ về. Không cần thiết phải cho tôi đi tìm họ.
– Thế nào, về nghỉ phép khoái chứ? – Anh ta hỏi tôi.
– Tương đối thôi, – tôi nói.
– Phải, phải, – anh ta nói, – giá mà không phải đi nữa nhỉ!
Ấy, cái nửa sau bao giờ cũng hỏng bét vì thế đấy. Tôi đi lang thang cho đến sáng thì gặp đại đội trở về, xám ngắt, bẩn thỉu, nhăn nhó và buồn bã. Thế là tôi chồm lên, lao vào giữa hàng quân, đưa mắt sục sạo. Đây là Jađơn, đây là Muynlơ đang xì mũi và đây là Cát và Cốp nữa. Chúng tôi xếp đặt ổ rơm cạnh nhau. Nhìn thấy chúng nó, tôi tưởng như mình có lỗi gì mà thực ra chẳng có gì phải nghĩ như thế. Trước khi đi ngủ, tôi lấy chỗ bánh rán và mứt sệt còn lại ra để cho chúng nó cũng được hưởng một tí.
Hai cái bánh rán dấu ở gối bắt đầu mốc; nhưng vẫn còn ăn được như thường. Tôi giữ lại phần tôi và đưa cho Cát và Cốp những cái nguyên vẹn. Cát nhai và hỏi:
– Bánh nhà cậu làm phải không?
Tôi gật.
– Đúng, cứ ăn là biết ngay, – anh ta nói.
Tôi gần phát khóc. Tôi không nhận ra mình nữa.
Tuy vậy, bây giờ tôi đã ở đây với Cát, với Anbe và những đứa khác nữa, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Tôi đã trở về đúng chỗ của tôi.
– Cậu may đấy, – Cốp thì thầm với tôi trước khi ngủ, – người ta nói cánh mình sẽ sang Nga.
Sang Nga! Nếu vậy không phải là chiến tranh nữa.
Phía xa xa, mặt trận gầm rống. Vách lán trú quân rung chuyển.
Mọi người cuống cuồng chải chuốt. Hết loạt điểm danh này đến loạt điểm danh khác. Người ta kiểm tra chúng tôi lu bù. Cái gì rách là được đổi ngay lấy cái lành. Thế là tôi vớ được một cái áo mới toanh, không chê vào đâu được, còn Cát, dĩ nhiên là được cả một bộ trang phục đầy đủ. Có tin đồn là đình chiến, nhưng một ý kiến khác nghe có lý hơn, ấy là chúng tôi sắp được chuyển sang Nga. Nhưng tại sao sang Nga lại phải ăn mặc khá hơn? Cuối cùng sự thật dần dần sáng tỏ.
Hoàng đế Đức sắp đến duyệt binh chúng tôi. Vì thế mới chuẩn bị rối tinh lên như vậy.
Tám ngày liền, người ta ngờ chúng tôi đang đóng trong một trại tân binh, mọi người làm việc và tập tành thật là ghê gớm. Ai cũng nhăn nhó và cáu kỉnh vì sự chải chuốt quá đáng như vậy không thích hợp với chúng tôi, những kiểu đi duyệt binh lại càng không hợp nữa. Chính những cái ấy làm người lính bực hơn cả chiến hào.
Cuối cùng, ngày giờ ấy đã đến. Chúng tôi đứng nghiêm, im phăng phắc và Hoàng đế xuất hiện.
Chúng tôi tò mò muốn biết dáng điệu của ngài thế nào. Ngài đi dọc trước hàng quân và, nói cho đúng, tôi cũng hơi thất vọng: cứ như những bức chân dung tôi thấy, tôi tưởng ngài phải to lớn hơn, đường bệ hơn và nhất là tiếng nói phải sang sảng hơn mới đúng.
Ngài phân phát những huân chương chữ thập sắt rồi nói chuyện với người này người khác. Sau đó, chúng tôi rút lui.
Thế rồi, chúng tôi bắt đầu bàn tán. Jađơn nói bằng giọng ngạc nhiên:
– Ấy đấy vị thủ lĩnh tối cao đấy. Ai cũng phải đứng nghiêm trước ngài, không trừ một ai! – Nó nghĩ một lúc – Trước mặt ngài, cả đến Hinđenbua[14] cũng phải đứng nghiêm chứ?
– Đúng, – Cát nói.
Jađơn chưa nói hết. Nó nghĩ một lúc rồi hỏi:
– Một ông vua có phải đứng nghiêm trước một vị hoàng đế không nhỉ?
Chẳng ai biết sự thực ra sao, nhưng chúng tôi không tin là như vậy. Cả hai vị đều đã cao cấp lắm rồi, chắc hẳn cái khoản đứng nghiêm chỉnh ấy không thể có được giữa hai vị với nhau.
– Cậu nói những chuyện vớ vẩn gì thế? – Cát nói. – Cái chính là cậu, cậu phải đứng nghiêm, thế thôi.
Nhưng Jađơn cứ bị ám ảnh mãi, óc tưởng tượng của nó rất nghèo nàn, thế mà lần này lại phong phú gớm.
– Này, – nó nói, – tớ không thể nào hiểu được một vị hoàng đế mà cũng phải đi ỉa như tớ!
– Ấy, ông bạn của tôi ơi, thế mà vẫn cứ phải đi đấy, cậu có thể cầm chắc như thế. – Cốp vừa nói vừa cười.
– Một thằng gàn cộng với mày thành hai thằng gàn, – Cát thêm vào, – mày đâm ra lẩm cẩm rồi đấy Jađơn ạ, đi ỉa ngay lập tức đi, cho đầu óc mày nó tỉnh táo ra và không ăn nói như bọn trẻ con thò lò mũi xanh nữa.
Jađơn bỏ đi.
– Nhưng tớ muốn biết một điều, – Anbe nói, – nếu hoàng đế mà nói không, liệu chiến tranh có thể xảy ra không nhỉ?
– Riêng tớ nghĩ thì vẫn xảy ra, – tôi nói, – người ta nói đâu chính ngài cũng không muốn chiến tranh.
– Phải, có lẽ mình ngài thì chưa đủ, nhưng trên thế giới có độ hai chục hoặc ba chục người nữa, cùng với ngài, đều nói không cả, thì chắc là đủ lắm.
– Có thể như vậy, – tôi nói vẻ nhượng bộ, – nhưng chính cái hai hay ba chục người ấy lại muốn có chiến tranh cơ mà.
– Càng nghĩ càng thấy kỳ quặc. – Cốp nói tiếp. – Chúng mình ở đây để bảo vệ Tổ quốc của chúng mình. Nhưng tụi Pháp chúng nó cũng ở đây để bảo vệ Tổ quốc của chúng nó. Vậy ai có lý?
– Có lẽ cả hai cùng có lý, – tôi nói bừa.
– Cho được đi, – Anbe nói (xem điệu bộ nó, tôi biết nó sắp hỏi tôi một câu hóc búa đây) – nhưng các giáo sư của chúng mình, cha cố của chúng mình, các báo chí của chúng mình đều nói rằng chỉ có chúng mình mới có chính nghĩa, và tớ cũng mong là như thế. Còn bọn giáo sư, bọn linh mục và báo chí của tụi Pháp lại nói rằng chỉ chúng nó mới có chính nghĩa. Như vậy thì ra làm sao?
– Mình cóc hiểu gì cả, – tôi nói, – dù sao thì cũng là chiến tranh, và mỗi tháng nó lại thêm vào một số nước nữa tham gia.
Jađơn lại vào. Nó vẫn còn bứt rứt, và nó chen ngay vào câu chuyện, hỏi tại sao chiến tranh lại nổ ra?
– Thông thường, là tại một nước này xúc phạm nặng nề đến một nước kia. – Anbe trả lời với giọng kẻ cả.
Nhưng Jađơn làm ra bộ ngớ ngẩn:
– Một nước ư? Tớ không hiểu. Nhưng một quả núi của nước Đức làm sao lại có thể xúc phạm một quả núi của nước Pháp được, một con sông, một khu rừng, một cánh đồng lúa mì, cũng thế thôi.
– Sao mà mày ngu đến thế, hay là mày muốn khôi hài? – Cốp lầu bầu. – Tao có định nói thế đâu.
– Một dân tộc này xúc phạm một dân tộc kia.
– Nếu vậy thì tớ ở đây làm gì? – Jađơn đáp lại. – Tớ chả thấy bị xúc phạm tí nào cả.
– Người ta lại phải trình với bày với mình nữa hay sao? – Anbe nói với giọng bực tức. – Cái hạng dân ngu khu đen như mày thì ai đếm xỉa đến?
– Nếu vậy lại thêm một lý do nữa để tớ trở về nhà. – Jađơn nhấn mạnh.
Mọi người cười ồ lên.
– Thật đồ ngu như lợn, đây là một dân tộc nói chung, nghĩa là Nhà nước. – Muynlơ thét lên.
– Nhà nước, Nhà nước (vừa nói Jađơn vừa búng ngón tay một cái ranh mãnh), những bọn sen đầm, cảnh sát, thuế má, đấy Nhà nước của các cậu đấy. Nếu những cái đó làm cho cậu thích thú thì tớ xin bái phục cậu.
– Đồng ý. – Cát nói – Lần đầu tiên cậu nói được một câu có nghĩa lý đấy, Jađơn ạ; giữa Nhà nước và Tổ quốc, quả là có một sự khác nhau.
– Nhưng cái này đi đôi với cái kia. – Cốp suy nghĩ.
– Làm gì có một Tổ quốc mà lại không có Nhà nước?
– Đúng! – Cát đáp – nhưng cậu thử nghĩ mà xem, chúng ta hầu hết là con nhà bình dân, và ở Pháp cũng vậy, phần đông là lao công, thợ thuyền và dân làm thuê. Tại sao một anh thợ khóa và một anh thợ giày người Pháp lại muốn đánh chúng ta? Không, đó chỉ là những chính phủ. Trước khi đến đây, mình chưa hề gặp một người Pháp nào, và phần đông người Pháp đối với chúng ta cũng thế thôi. Chẳng ai hỏi ý kiến họ, cũng như chẳng ai hỏi ý kiến chúng mình bao giờ.
– Vậy tại sao lại có chiến tranh? – Jađơn hỏi.
Cát nhún vai:
– Phải có những người kiếm chác được trong chiến tranh được chứ.
– Ấy! Tớ không phải cái hạng người ấy đâu nhé! – Jađơn cười khẩy.
– Chẳng phải cậu cũng chẳng phải ai trong số những người ở đây.
– Vậy ai kiếm chác được trong chiến tranh? – Jađơn gặng. – Chiến tranh cũng chẳng có lợi lộc gì cho hoàng đế. Ngài đã có đủ mọi thức rồi cơ mà…
– Chớ nói thế. – Cát đáp. – Cho đến bây giờ, hoàng đế chưa làm một cuộc chiến tranh nào. Mà bất cứ vị hoàng đế nào mà chả cần ít ra là một cuộc chiến tranh, nếu không thì làm sao mà nổi danh được. Cậu hãy xem trong những quyển sách giáo khoa thì biết.
– Các vị tướng cũng nhờ có chiến tranh mà nổi tiếng đấy. – Đêtơrinh nói.
– Nổi tiếng hơn cả là những vị hoàng đế ấy nữa chứ! – Cát xác nhận.
– Chắc hẳn đằng sau bọn này còn có những người khác cũng muốn chiến tranh mang lại lợi lộc cho họ chứ? – Đêtơrinh lầu bầu.
– Tớ cho rằng nó là một thứ bệnh phát sốt thì đúng hơn. – Anbe nói. – Thật ra chẳng ai muốn chiến tranh cả, thế mà đùng một cái, nó đến. Chúng mình không muốn chiến tranh, những người khác cũng nói vậy; thế mà một nửa nhân loại đang lăn xả vào đấy.
– Nhưng ở phía bên kia, chúng nó nói dối nhiều hơn bên chúng mình. – tôi nói. – Các cậu hãy xem những tờ giấy bắt được trong người bọn tù bình thì biết; chúng nó nói rằng ở Bỉ, chúng mình ăn thịt cả trẻ con… Những thằng khốn nạn viết lách như vậy phải đem mà treo cổ lên. Những thằng ấy là thủ phạm chính cống đấy.
Muynlơ đứng dậy:
– Dù sao thì chiến tranh diễn ra ở đây còn hơn ở bên Đức. Các cậu hãy nhìn những cánh đồng hố trái phá kia kìa?
– Đúng đấy, – Jađơn hòa vào, – nhưng chẳng có tí chiến tranh nào cả thì còn tốt hơn nữa.
Nó đi ra có vẻ tự hào, vì nó đã cho chúng tôi, bọn lính tình nguyện có học thức, một bài học. Ý kiến của nó rõ ràng là điển hình; người ta luôn luôn vấp phải cái ý kiến ấy, mà không có cách nào đối đáp lại cho hẳn hoi, vì cái ý kiến ấy gạt hết tất cả mọi kiểu suy luận khác. Tình cảm dân tộc của anh lính quèn chỉ bao gồm có việc anh ta phải đến đây, chỗ mặt trận này, và nó dừng lại đấy; còn những gì khác thì anh ta nhìn nhận bằng con mắt thực tiễn và phán đoán theo tâm lý của anh ta.
Anbe nằm ườn trên cỏ, có vẻ khó chịu.
– Thôi nói làm quái gì đến cái của khỉ ấy nữa!
– Vả lại nó có thay đổi tí gì đâu. – Cát nói.
Khổ nhất là chúng tôi phải trả lại hầu hết những quần áo vừa được lĩnh, rồi người ta quăng lại cho chúng tôi đống quần áo cũ. Những của tất chỉ dùng cho việc phô trương thôi. Đáng lẽ sang Nga, chúng tôi lại trở ra tiền tuyến.
Dọc đường, chúng tôi đi qua một khu rừng thảm hại với những thân cây bị tiễn gãy xơ xác, và mặt đất bị cày nát lên. Ở vài chỗ, có những cái hố khủng khiếp.
– Mẹ kiếp! Chỗ này nó nã khiếp lắm đây, – tôi nói với Cát.
– Mìn, – anh ta vừa trả lời vừa ra hiệu cho tôi nhìn lên không.
Nhiều xác chết mắc trên cành cây. Một anh lính trần truồng như ngồi xổm trên một cái chạc cây, đầu vẫn đội mũ. Nói cho đúng, trên cây chỉ có một nửa người của anh ta, cái mình thiếu chân.
Tôi hỏi tại sao lại thế?
– Cậu ta vừa bị nó lột trần ra đấy mà. – Jađơn lầu bầu.
Cát nói:
– Thật là kỳ quặc, bọn tớ đã nhiều lần nhìn thấy thế. Khi cậu bị một quả mìn, thế là quần áo cậu bị tụt phăng đi đâu mất. Đó là do sức ép của không khí.
Tôi lại nhìn chỗ khác. Đúng như lời anh ta nói.
Chỗ này chỉ móc độc có những mảnh quân phục, chỗ kia dính bết một đống lầy nhầy, máu me, mới đây là những chân tay người. Một thân hình nằm đó với một mảnh quần đùi ở một chân, và cái cổ áo quân phục quanh cổ. Ngoài ra hắn gần như trần truồng, quần áo của hắn rải rác trên một cái cây. Không có hai cánh tay, khác nào chúng bị xoắn lại mà giật ra.
Tôi nhìn thấy một cánh tay cách đó hai mươi bước, trong bụi rậm.
Người chết úp mặt xuống đất. Ở chỗ cánh tay bị giật văng đi, mặt đất đen ngòm những máu. Dưới chân hắn lá bị nhàu nát y như hắn vẫn còn dẫm chân lên.
– Không phải đùa Cát nhỉ, – tôi nói.
– Một mảnh trái phá vào bụng cũng không phải đùa đâu, – anh ta vừa trả lời vừa nhún vai.
– Đừng có cảm động nhé, – Jađơn nói.
Sự việc xảy ra chắc chưa lâu lắm, vì máu hãy còn tươi. Những người mà chúng tôi trông thấy đều đã chết cả; nên chúng tôi không dừng lại mà chỉ báo cho trạm quân y gần đấy. Vả lại chúng tôi có phải làm nhiệm vụ của ngựa cáng đâu.
Có lệnh cử một đội trinh sát xuất phát để dò xét vị trí địch còn được phòng thủ đến mức độ nào. Vừa đi phép về, tôi cảm thấy ngường ngượng trước mặt anh em, nên tôi xung phong vào đội trinh sát. Sau khi bàn bạc kế hoạch hành động, chúng tôi trườn đến hàng rào dây thép gai rồi chia nhau, bò lên phía trước, mỗi người một ngả. Một lúc sau tôi thấy một hố trái phá không sâu lắm, tôi liền tụt xuống. Từ chỗ ấy tôi quan sát khắp chung quanh.
Trận địa bị một hỏa lực vừa phải của súng máy quét. Đạn tưới đều bốn phía, tuy không ác liệt lắm nhưng cũng đủ làm cho chúng tôi không dám nhổm người lên quá cao.
Một chiếc pháo sáng mở tung cái dù ra trên không trung. Mặt đất bị lạnh cứng lại dưới luồng ánh sáng nhợt nhạt ấy. Sau đó bóng tối lại ập xuống, mù mịt hơn nữa. Trong chiến hào người ta cho biết là có lính da đen ở phía trước mặt chúng tôi. Thật là rầy rà, khó mà nhìn rõ chúng, hơn nữa, chúng trinh sát rất giỏi. Nhưng kể cũng lạ, nhiều khi chúng rất dại dột, vì thế một lần Cát và Cốp đang thám thính, đã hạ được những tên phản trinh sát da đen, vì những tên này vừa đi vừa hút thuốc. Cát và Cốp chỉ việc nhắm những chấm đỏ lập lòe mà bắn.
Cạnh tôi, một quả đại bác hạng nhẹ rít lên. Tôi không nghe thấy tiếng nó đến, nên khiếp quá. Đồng thời một sự sợ hãi vô ý thức xâm chiếm lấy tôi. Chỉ có mình tôi ở đây và gần như bị chìm ngập trong bóng tối. Không biết chừng từ lâu đã có một đôi mắt ở một hố trái phá đang theo dõi tôi và một quả lựu đạn đang sẵn sàng ném tới, xé nát tôi ra từng mảnh. Tôi cố trấn tĩnh lại. Không phải đây là lần đầu tôi đi trinh sát, hơn nữa, nó cũng không có gì đặc biệt nguy hiểm. Nhưng là lần đầu từ khi nghỉ phép về, tôi đi thám thính và tôi không nắm được khu vực này mấy.
Tôi tự nhủ rằng xúc động như vậy là ngu ngốc quá, rằng trong bóng tối chẳng có cái gì rình mò cả, nếu không hỏa lực đời nào lại rời rạc thế. Nhưng vô ích. Những ý nghĩ lộn xộn quay cuồng trong óc tôi: tôi nghe thấy những lời vỗ về của mẹ tôi, tôi trông thấy những người Nga râu phất phơ, đứng tựa hàng rào; trước mặt tôi hiện lên hình ảnh sáng sủa và tuyệt diệu của một căng tin với những chiếc ghế ngồi, hình ảnh của một rạp chiếu bóng ở Valăngxiên; qua trí tưởng tượng nhức nhối của tôi, tôi thấy một họng súng đen ngòm, tàn nhẫn, đang xé địch một cách im lặng, đang đe dọa tôi và theo dõi từng cử động của cái đầu tôi. Mồ hôi toát ra dầm đìa… Tôi vẫn nằm yên trong hố. Tôi nhìn đồng hồ, mới chỉ có mấy phút trôi qua. Trán tôi ướt, lồng mắt ướt đẫm, tay tôi run lên và tôi thở hổn hển, khe khẽ. Đó chỉ là một cơn sợ, một cơn sợ hãi xấu xa và mãnh liệt làm tôi không dám nhô đầu ra và tiến lên.
Sự hoảng loạn của tôi tràn ra như một nồi cháo đang sôi, làm cho tôi chỉ muốn nằm ì ra đó. Chân tay tôi dính chặt xuống đất; tôi đã toan trỗi dậy, nhưng vô ích: chúng không muốn rời khỏi mặt đất. Tôi nép mình xuống đất, tôi không thể nào tiến lên một bước được, tôi quyết định cứ ở lại đây, nằm dài ra. Nhưng ngay lúc đó, tôi bị một ý nghĩ hổ thẹn, hối hận và có cả cầu an nữa xâm chiếm lấy tôi. Tôi ngẩng lên một tí, để nhìn xem những gì đã xảy ra.
Đôi mắt tôi nóng rực vì trong bóng tối, tôi đã căng mắt nhìn trừng trừng. Một chiếc pháo sáng vọt lên trời. Tôi lại co rúm cả người.
Trong tôi diễn ra một cuộc đấu tranh hỗn loạn và vô ý thức, tôi muốn bò ra khỏi hố, thế mà tôi vẫn cứ chúi vào đấy. Tôi tự nhủ: “Bổn phận của mình, bạn bè của mình; đây có phải là một mệnh lệnh ngu ngốc đâu!”.
Nhưng ngay sau đó. “Làm quái gì tất cả những cái ấy. Chỉ có một đời sống, không được để nó mất đi…”. Tất cả những cái này là do kỳ về nghỉ phép đây. Tôi nghĩ một cách cay đắng, như để tự bào chữa cho mình.
Nhưng chính tôi cũng không tin lời bào chữa ấy. Tôi cảm thấy vô cùng rời rã. Tôi từ từ nhổm dậy, đưa cánh tay ra phía trước, trong khi lưng tôi trườn theo; bây giờ tôi đã nằm nửa người trên miệng hố trái phá. Nhưng tôi chợt nghe thấy cái gì, nên tôi giật mình lùi lại. Mặc dầu tiếng ầm ì của pháo binh, tôi cũng vẫn nhận thấy rõ ràng những tiếng lào xào. Tôi lắng nghe: tiếng động ấy ở phía sau tôi. Đó là người của ta đang vượt chiến hào. Bây giờ tôi lại nghe cả tiếng nói khe khẽ. Trong đám ấy hình như có cả tiếng Cát.
Bất giác, một hơi nóng ấm lạ kỳ tràn ngập cả người tôi. Những lời nói ấy, vài ba tiếng thì thầm ấy, những bước chân trên chiến hào phía sau tôi, đã lập tức lôi tôi ra khỏi cảnh cô đơn khốc liệt của sự sợ chết mà tôi gần như bị vất vào đó. Những tiếng nói ấy còn hơn cả sự sống của tôi. Chúng hơn cả sự có mặt của người mẹ, hơn cả sự khiếp sợ; chúng là một trong những sức mạnh nhất trên đời, che chở hiệu lực nhất cho tôi – đó là tiếng nói của các bạn tôi.
Tôi không còn là một mảnh đời run rẩy, cô đơn trong bóng tối nữa; tôi gắn bó với họ và họ với tôi; chúng tôi đều có những cái sợ giống nhau và một cuộc sống giống nhau; chúng tôi kết hợp với nhau một cách vừa đơn giản vừa sâu sắc. Tôi muốn vục mặt vào trong những giọng nói ấy, vào trong mấy tiếng thì thầm ấy đã cứu giúp tôi và sẽ còn nâng đỡ tôi mãi.
Tôi trườn ra khỏi hố một cách thận trọng và bò như một con rắn. Rồi tôi đi lom khom; mọi sự yên lành cả; tôi xác định phương hướng, tôi nhìn chung quanh, nhận xét hỏa lực pháo binh ra sao để còn lần về. Rồi tôi tìm cách liên lạc với những người khác.
Cái sợ vẫn còn lẩn quẩn trong tôi, nhưng là một cái sợ có nghĩa lý hơn, nó là một sự thận trọng đi đến chỗ quá đáng. Ban đêm, trời nổi gió, những bóng đen hiện lên đây đó khi có tia lửa từ những khẩu trọng pháo phụt ra. Lúc ấy người ta nhìn thấy vừa quá nhiều, lại vừa quá ít. Nhiều lúc tôi sợ cứng người, nhưng vẫn không có gì xảy ra. Cứ thế, tôi tiến lên khá xa, rồi tôi quay lại đằng sau, nhưng theo dường vòng cánh cung. Tôi không gặp một người nào bên mình cả. Mỗi bước nhích lại gần chiến hào nhà, càng làm cho tôi thêm vững tâm; thực tình tôi chỉ mong chóng về đến nơi. Bây giờ mà xơi một viên đạn thì thật là đời khốn nạn.
Nhưng tôi lại đâm hoảng. Tôi không nhận rõ phương hướng nữa. Tôi rón rén ngồi xuống một cái hố trái phá và tìm phương hướng. Đã nhiều lần, có những anh lính khoái trí nhảy bổ vào một chiến hào, nhưng khi nhận ra là chiến hào địch thì đã quá muộn.
Tôi lại nghe ngóng một lúc nữa. Vẫn chưa đúng đường. Đám hố trái phá, chằng chịt, hỗn loạn, làm cho tôi không còn biết đằng nào mà mò nữa, đến nỗi trong lúc hoang mang tôi không biết quay về phía nào. Có lẽ tôi đã bò song song với các dãy chiến hào, nếu vậy bò quanh năm cũng không về đến nhà. Do đó tôi lại bò ngoặt sang một bên.
Những cái pháo sáng chết tiệt kia. Tưởng chừng chúng nó cháy lâu đến một tiếng đồng hồ chắc, không thể làm một cử động gì mà không cảm thấy một viên đạn réo sát bên người.
Tuy vậy, mặc dầu thế nào chăng nữa, tôi cũng phải ra khỏi chốn này. Vừa ngập ngừng, tôi vừa cố hết sức tiếp tục bò đi, tôi trườn lên trên mặt đất như một con tôm, hai bàn tay bị rách nát, vì miết vào những mảnh trái phá sắc như dao cạo.
Đôi lúc tôi có cảm tưởng chân trời hừng sáng lên; nhưng có lẽ đó chỉ là ảo giác. Tuy thế, mỗi lúc tới lại càng thấy rõ những động tác của tôi, quyết định cả sinh mạng tôi.
Một quả đại bác nổ. Rồi hai quả nữa. Này đây, cuộc khiêu vũ bắt đầu. Trận pháo kích đã mở màn.
Súng máy rền rĩ. Trong lúc này, chỉ còn cách nằm bẹp dí xuống và đợi. Hình như đang chuyển sang một đợt tấn công. Hỏa pháo vọt lên phía trước. Không ngừng. Tôi nằm co rúm người lại trong một hố trái phá lớn, nước ngập đến bụng. Khi đợt tấn công bắt đầu tôi sẽ dìm người xuống càng sâu càng tốt, mặt úp xuống bùn, miễn không chết sặc là được. Tôi phải giả vờ chết.
Đột nhiên tôi thấy tầm bắn rút gần lại. Lập tức tôi nhấn mình xuống nước, cái mũ đặt trên gáy, và cái miệng chỉ để cao vừa đủ thở.
Rồi tôi hoàn toàn nằm im không cựa quậy, vì quanh đó, tôi nghe thấy tiếng lách cách và những bước chân nặng nề tới gần, tất cả thần kinh của tôi căng cứng lại. Cái tiếng động ấy lướt trên đầu tôi; đợt thứ nhất đã vượt qua chỗ tôi. Tôi chỉ còn mỗi một ý nghĩ, một ý nghĩ ray rứt: mình sẽ làm gì nếu có đứa nhảy vào cái hố này? Lúc này, tôi rút vội con dao găm nhỏ ra khỏi vỏ, tôi nắm thật chặt chuôi dao và dấu lưỡi dao xuống bùn. “Nếu đứa nào xuống, mình sẽ đâm ngay” – cái ý nghĩ ấy quay cuồng trong đầu óc – “mình sẽ chọc ngay vào họng nó, để nó không kêu lên được. Chỉ còn cách ấy thôi, nó cũng hoảng như mình, và trong khi hai đứa cùng khiếp đảm cả, hai đứa sẽ nhảy xổ vào nhau; mình phải đánh phủ đầu ngay mới được”.
Bây giờ đến lượt pháo binh của chúng tôi trả lời, những viên đạn rơi xuống cạnh tôi làm tôi gần phát điên lên. Chỉ còn việc tan xác vì đại bác của quân nhà thôi! Tôi bắt đẩu chửi rủa và lục sục ở trong bùn. Tôi điên lên thật sự; cuối cùng chỉ còn biết rên rỉ và than thở. Tiếng trái phá đập vào tai tôi. Nếu quân nhà mở một đợt phản công, thì tôi mới thoát. Tôi chúi đầu sát đất và nghe thấy những tiếng gầm rống ù tai như những tiếng mìn nổ rất xa. Tôi lại ngẩng đầu lên để nghe những tiếng động trên cao. Tôi nghe thấy tiếng súng máy nổ giòn. Tôi biết là những công sự bằng dây thép gai của chúng tôi rất chắc chắn và hầu như còn nguyên vẹn. Có một đoạn bắt một quang điện mạnh. Tiếng súng trường mỗi lúc một to.
Quân địch không qua được, chúng buộc phải lùi lại.
Tôi lại cúi xuống, toàn thân căng thẳng đến cực độ. Những tiếng lách cách, lệch xệch, leng keng lại nghe thấy rõ; giữa tất cả những cái đó, chỉ có một tiếng kêu rít lên. Quân địch bị quét tơi bời: đợt tấn công đã bị đánh bật lại.
Bây giờ, trời đã sáng hơn một chút. Cạnh tôi, những bước chân hấp tấp. Đó là những người đầu tiên.
Họ đã vượt qua. Rồi lại những người khác. Những tràng súng máy nổ lia lịa. Tôi nghe thấy những tiếng ào ào của những cái gì đang đổ sập xuống. Vừa lúc tôi định giở mình một chút thì một thân hình nặng nề rơi xuống hố, trôi tuột và lăn vào tôi.
Tôi không nghĩ ngợi gì cả, tôi không suy nghĩ gì cả. Tôi chỉ còn biết đâm một cách điên cuồng và chỉ đơn thuần cảm thấy cái thân hình ấy dẫy dụa rồi trở nên mềm nhũn và gập lại như một cái túi. Lúc tôi tỉnh trí lại thì bàn tay tôi đã nhầy nhụa và ướt đẫm. Gã kia thở dốc. Tôi nghe hình như hắn rống lên và mỗi hơi thở như một tiếng kêu, một tiếng gầm; nhưng đó chỉ là quả tim của tôi đập rộn lên thôi. Tôi muốn bắt hắn câm mồm lại, nhét đất vào mồm hắn, lại đâm cho hắn một chập nữa để hắn câm đi, vì hắn có thể làm tôi bị lộ mất; nhưng tôi đã tỉnh trí lại, và đột nhiên tôi cảm thấy yếu đuối quá, không đủ sức làm gì nữa hết.
Thế là, tôi bò đến một góc xa nhất, ở yên đó, mắt trừng trừng nhìn hắn, tay nắm chặt con dao, sẵn sàng lại lao vào hắn nếu hắn cựa quậy. Nhưng hắn chẳng làm gì nữa, qua tiếng rên, tôi đã hiểu hắn ra sao rồi. Tôi chỉ nhìn thấy hắn rất lờ mờ. Tôi chỉ còn một ý định: đi khỏi chỗ này. Nếu tôi không đi gấp, chẳng mấy lúc mà trời sẽ sáng quá, mà bây giờ cũng đã khó rồi. Nhưng mỗi lần định ngẩng đầu lên, tôi thấy không thể nào đi thoát được. Hỏa lực của súng máy dầy đến nỗi tôi sẽ bị bắn nát người ngay trước khi chồm lên được một bước.
Tôi còn nhận thấy điều ấy rõ hơn nữa, khi giơ cái mũ lên khỏi mặt đất một chút để xem tầm đạn cao thấp ra sao. Một lát sau, một viên đạn bắn văng cái mũ ra khỏi tay tôi, như vậy là tầm đạn sát mặt đất. Tôi hiện nằm không xa vị trí địch mấy, nếu có định chạy trốn, cũng không tài nào thoát khỏi tay bọn xạ thủ giỏi.
Ánh sáng tăng dần. Tôi nóng lòng chờ đợi đợt tấn công của quân nhà. Những đốt ngón tay của tôi trắng bệch ra, hai bàn tay tôi ghì lấy nhau mạnh quá, tôi cầu mong tha thiết tiếng súng im đi và các bạn tôi đến.
Từng phút một trôi qua chậm chạp. Tôi không dám để mắt vào cái bóng đen trong hố nữa. Tôi cố sức nhìn sang bên cạnh hắn và tôi đợi, tôi đợi. Đạn réo lên, đan thành cái lưới thép; vẫn không hết, không bao giờ hết.
Lúc này, tôi chợt nhận thấy bàn tay tôi đẫm máu và đột nhiên tôi cảm thấy choáng váng. Tôi lấy đất, kỳ cọ bàn tay, bàn tay tôi giờ đây bẩn thỉu nhưng ít ra người ta không trông thấy máu nữa.
Hỏa lực vẫn không ngớt. Từ cả hai phía, hỏa lực mạnh ngang nhau. Có lẽ từ lâu, bên tôi đã cầm chắc là tôi đi đứt rồi.
Trời sáng, một ánh sáng mờ đục, ánh sáng của một ngày vừa hé. Những tiếng thở khò khè vẫn tiếp tục. Tôi bịt lỗ tai lại, nhưng tôi lại phải rút ngón tay ra ngay, nếu không, tôi không thể nghe thấy những gì xảy ra.
Cái hình thù trước mặt tôi cựa quậy. Tôi sợ run lên và dù không muốn, tôi vẫn phải nhìn hắn. Lúc này, hai mắt tôi như dính chặt vào hắn: một người có bộ ria mép nhỏ, đang nằm kia; đầu ngoẹo sang bên; gối lên một cánh tay duỗi ra nửa chừng, không động đậy. Bàn tay kia đẫm máu, đặt lên ngực.
Hắn chết rồi, tôi tự nhủ. Nhất định là chết rồi, hắn không còn biết gì nữa; cái tiếng thở khò khè ấy chỉ là cái xác thôi; nhưng kìa, cái đầu toan nhấc lên; những tiếng rên trong một lúc trở nên mạnh hơn, sau đó cái trán lại gục xuống cánh tay. Hắn đang hấp hối, hắn chưa chết. Tôi bò lại phía hắn; tôi dừng lại tì người lên hai tay, tôi nhích thêm một chút lên phía trước, tôi đợi; rồi tôi lại nhích lên nữa; đoạn đường chỉ có ba thước, mà thật là khốc liệt, một đoạn đường dài đăng đẳng và kinh khủng. Cuối cùng, tôi đến cạnh hắn.
Lúc này, hắn mở mắt ra. Có lẽ hắn đã nghe thấy tôi và hắn nhìn tôi với một vẻ sợ hãi ghê gớm. Thân thể hắn không động đậy nhưng trong đôi mắt hắn, hiện lên cái ý muốn chạy trốn, mãnh liệt đến nỗi trong chốc lát tôi tưởng đôi mắt ấy có đủ sức lôi phăng toàn thân đi theo, có thể chỉ cựa mình một cái là đi được hàng trăm cây số. Thân thể hắn không động đậy, hoàn toàn yên tĩnh và lúc này, rất im lặng; tiếng thở khò khè cũng bặt đi, nhưng đôi mắt kêu lên, thét lên; trong đôi mắt ấy, tất cả sinh lực đều tập trung thành một cố gắng phi thường, để chạy trốn, thành một sự khủng khiếp ác liệt trước cái chết, trước tôi. Tôi cảm thấy các khớp xương của tôi long hết cả ra và tôi ngã xuống hai khuỷu tay. “Không”, tôi nói thầm.
Hai con mắt hắn nhìn theo tôi. Tôi không thể nào cử động trong lúc hai con mắt còn đó. Lúc này, bàn tay hắn từ từ và nhẹ nhàng nhích ra khỏi ngực; nó chỉ xê dịch độ vài phân thôi, nhưng cái động tác ấy cũng đủ làm cho đôi mắt bớt vẻ dữ dội đi. Tôi nghiêng người về phía trước, tôi lắc đầu và thầm thì: “Không, không, không”, tôi giơ một bàn tay lên, cho hắn thấy là tôi muốn cứu chữa hắn, rồi tôi đặt bàn tay lên trán hắn.
Đôi mắt chớp chớp khi bàn tay tôi sát lại; bây giờ chúng không còn nhìn trừng trừng như trước nữa, lông mi hạ xuống, vẻ căng thẳng dịu bớt. Tôi cởi khuy áo cổ hắn, để cho đầu hắn thoải mái hơn.
Hắn há nửa miệng; hắn cố nói vài tiếng gì đó.
Môi hắn khô cả. Cái bi đông của tôi không có đây, tôi không đem đi theo. Nhưng ở đáy hố, trong vũng bùn, có nước: Tôi lần xuống, tôi lấy cái khăn tay, trải nó ra trên mặt bùn rồi ấn xuống, sau đó, tôi lấy lòng bàn tay vục lấy ít nước vàng vàng lọc qua chiếc khăn tay.
Hắn uống. Tôi lại đi lấy nữa. Rồi tôi cởi áo hắn ra để nếu có thể thì băng bó cho hắn. Dù sao, tôi cũng phải làm những việc này, để lỡ có bị bắt làm tù binh, bọn đối phương cũng thấy rõ là tôi muốn cứu chữa hắn và chúng sẽ không tàn sát tôi. Hắn muốn chống đỡ, nhưng bàn tay hắn yếu quá. Chiếc áo lót của hắn dính chặt, không sao lột được, vì nó cài cúc đằng sau lưng. Chỉ còn cách cắt ra thôi.
Tôi tìm con dao và lại thấy nó ngay. Nhưng lúc tôi bắt đầu rạch cái áo lót của hắn ra, mắt hắn lại mở ra một lần nữa, đôi mắt tỏ vẻ hoảng sợ một cách điên cuồng, chẳng khác những tiếng thét, đến nỗi tôi phải vuốt mắt hắn lại, và nói khe khẽ: “Tôi muốn cứu bạn kia mà”. Tôi lại nói thêm bằng tiếng Pháp: “Bạn… bạn… bạn…”, nhấn mạnh vào tiếng đó để hắn hiểu.
Hắn bị ba nhát dao. Những cuộn băng của tôi quấn các vết thương, máu ri rỉ bên trong: tôi buộc chặt hơn nữa; hắn rên lên.
Đấy là tất cả những gì tôi có thể làm được. Cả hai người chỉ còn biết đợi, đợi.
Chao ôi! Những giờ phút này, những giờ phút này!
Tiếng khò khè lại nổi lên. Một con người sắp chết mới chậm chạp làm sao! Vì tôi biết rằng không có cách nào cứu sống hắn được. Thực ra, tôi đã cố nghĩ khác, nhưng đến trưa, những tiếng rên của hắn đã phá tan hết niềm hy vọng giả dối ấy. Nếu trong khi bò, tôi không đánh rơi khẩu súng lục, thì tôi đã kết liễu hắn bằng một phát cho rồi. Tôi không còn sức đâm hắn nữa.
Buổi chiều hôm đó, tôi hoang mang đến cực độ.
Cái đói dày vò dữ dội; tôi gần phát khóc lên vì đói, nhưng không thể nào chống lại nó được. Nhiều lần tôi đi lấy nước cho gã hấp hối và chính tôi cũng uống.
Đấy là con người đầu tiên chính tay tôi giết, tôi có thể biết một cách rõ ràng như thế, cái chết do chính tôi tạo ra. Cát, Cốp, Muynlơ cũng đã nhìn thấy những người mà chúng nó giết; rất nhiều đứa khác cũng thế, nhiều khi ngay cả trong một trận đánh giáp lá cà…
Nhưng mỗi tiếng thở của hắn như xé lòng tôi. Cái gã hấp hối này còn thoi thóp được lúc nữa, hắn có một con dao vô hình đâm suốt qua người tôi, đó là thời gian và những ý nghĩ của tôi.
Tôi sẵn sàng chịu đựng tất cả để cho hắn sống.
Phải nằm đây nhìn hắn và nghe hắn rên thì khổ thực.
Đến ba giờ chiều, hắn chết.
Tôi thở phào, nhưng chẳng được lâu. Sự im lặng đối với tôi còn khó chịu hơn cả những tiếng rên. Tôi lại muốn nghe cái tiếng thở nấc của hắn, khò khè, thỉnh thoảng khẽ rít lên rồi lại khò khè ầm ĩ.
Việc tôi làm chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng tôi cũng phải làm một cái gì đó. Vì vậy tôi xê dịch người chết một lần nữa, để cho hắn nằm ngay ngắn hẳn hoi. Tôi vuốt mắt hắn. Đôi mắt nâu; tóc đen, hai bên mái hơi xoăn.
Dưới bộ ria mép cái miệng đầy đặn và hiền lành.
Mũi hơi quặp, nước da xám, bây giờ cái nước da ấy không xỉn bằng lúc hắn chưa chết. Trong giây phút, trông mặt hắn, tưởng như một người đang khỏe mạnh; nhưng nó biến đổi nhanh chóng thành bộ mặt kỳ lạ của những người chết mà tôi thường thấy và đều giống nhau.
Giờ đây, vợ hắn nghĩ đến hắn, chị ta chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Cứ nhìn hắn có thể đoán được là hắn hay viết thư cho vợ; chị ta sẽ còn nhận được thư hắn, ngài mai, một tuần nữa, có lẽ một tháng nữa, một lá thư tới chậm. Chị ta sẽ đọc thư và tưởng như hắn đang nói với chị.
Tinh thần tôi càng rối loạn, tôi không thể kìm những ý nghĩ lại được. Người đàn bà ấy như thế nào?
Chị ta có giống cô con gái tóc nâu mảnh khảnh bên kia kênh không? Chị ta có thuộc về tôi không? Có lẽ trong lúc này, vì cái việc này đây mà chị ta thuộc về tôi. Chao ôi! Nếu Căngtơrec ở cạnh tôi! Nếu mẹ tôi nhìn thấy tôi như thế này! Chắc hẳn người chết này có thể sống thêm ba mươi năm nữa, nếu tôi nhớ rõ đường hơn. Nếu hắn đi quá về bên trái hai thước nữa, thì lúc này hắn đã về đến chiến hào và hắn lại viết một bức thư nữa cho vợ rồi.
Những ý nghĩ ấy không giúp gì cho tôi cả, vì đó là số phận của tất cả chúng tôi; nếu Kemơrich dịch chân quá về bên phải mười phân nữa, nếu Hai cúi xuống thêm năm phân nữa…
Yên lặng kéo dài. Tôi nói, tôi phải nói. Vì vậy, tôi nói với hắn: “Này anh bạn, mình có muốn giết cậu đâu. Nếu cậu lại nhảy vào cái hố này một lần nữa, mình sẽ không làm thế nữa đâu, miễn là chính cậu, cậu cũng phải biết điều. Nhưng đầu tiên, đối với mình, cậu chỉ là một ý nghĩ, một sự tính toán nảy ra trong đầu mình, rồi nó dẫn đến một quyết định. Chính mình đã đâm vào cái sự tính toán ấy. Bây giờ, lần đầu tiên, mình nhận ra cậu cũng là một con người như mình. Mình đã nghĩ đến những quả lựu đạn của cậu, đến cái lưỡi lê và các thứ vũ khí của cậu; nhưng bây giờ, mình nhìn thấy vợ cậu, cũng như nhìn thấy mặt cậu và những gì giống nhau giữa hai đứa chúng mình. Bạn ơi, hãy tha thứ cho mình. Bao giờ chúng ta cũng nhìn ra sự việc một cách quá muộn. Tại sao người ta không nói cho bọn mình biết rằng chính các cậu, các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như bọn mình, rằng các bà mẹ của các cậu cũng đau khổ như mẹ chúng mình, rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau? Bạn ơi, hãy tha thứ cho mình; tại sao cậu lại có thể là kẻ thù của mình? Nếu chúng ta bỏ những vũ khí và bộ quân phục này đi, thì cậu rất có thể là người anh em của mình, như Cát và Anbe vậy. Bạn ơi, cậu hãy lấy hai mươi năm của đời mình và cậu hãy đứng dậy đi… Đời mình còn gì nữa, cậu cứ việc lấy nốt đi, vì mình không biết là từ nay mình còn làm những gì nữa”.
Bốn bề phẳng lặng. Mặt trận yên tĩnh chỉ trừ tiếng nổ của súng trường. Đạn nối tiếp nhau; họ không bắn lung tung; trái lại họ nhắm cẩn thận từ bốn phía. Tôi không thể rời khỏi chỗ trú ẩn được. “Mình sẽ viết thư cho vợ cậu”, tôi vội vã bảo người chết. “Mình muốn viết thư cho chị ấy, chính mình sẽ báo tin cho chị ấy, mình sẽ nói hết cho chị ấy biết những cái mình nói với cậu; mình không muốn chị ấy khổ, mình sẽ giúp đỡ chị ấy, giúp đỡ cả cha mẹ cậu cũng như cả con cậu nữa…”. Bộ quân phục của hắn vẫn chưa cài lại. Rất dễ tìm thấy cái ví. Nhưng tôi ngập ngừng không dám mở ví ra. Có cả tập quân bạ ghi tên tuổi hắn. Nếu chưa biết tên hắn, có thể tôi sẽ quên hắn đi; thời gian sẽ xóa mờ hình ảnh này đi. Nhưng tên hắn là một cái đinh sẽ đóng ngập vào người tôi và tôi sẽ không thể nào nhổ ra được. Nó có sức mạnh nhắc lại tất cả, bất cứ lúc nào; cái cảnh tượng này sẽ có thể mãi mãi tái diễn và hiện lên trước mắt tôi.
Tôi cầm cái ví trong tay mà không biết làm gì. Nó tuột khỏi tay tôi và mở ra, ảnh và thư rơi ra. Tôi nhặt chúng lên, toan để vào chỗ cũ, nhưng cái trạng thái rã rời mà tôi đang lâm vào, tất cả cái tình huống bấp bênh này, cái đói, cái nguy hiểm, những giờ phút bên cạnh người chết, đã biến tôi thành một kẻ tuyệt vọng: tôi muốn đi gấp đến kết cục, chịu thêm nhiều cực hình hơn nữa để mau chóng chấm dứt, khác nào quật một bàn tay đang bị đau ghê gớm vào thân cây, không cần biết rồi sau sẽ ra sao nữa.
Đó là những bức ảnh của một người đàn bà và một đứa con gái nhỏ, những bức ảnh nhỏ chụp nó chơi với một giàn trường xuân. Cạnh đấy, là những bức thư. Tôi rút ra và thử đọc. Tôi không hiểu gì mấy, thật khó mà lần ra được, tiếng Pháp tôi chỉ biết lõm bõm thôi. Nhưng mỗi chữ tôi dịch ra được cứ như một viên đạn xuyên vào ngực tôi, như một mũi dao găm đâm vào trái tim tôi…
Đầu óc tôi bị kích thích mãnh liệt. Nhưng tôi còn đủ sáng suốt để hiểu rằng không bao giờ tôi được phép viết thư cho họ như tôi vừa nghĩ lúc này. Thật là không thể được. Tôi nhìn những bức ảnh một lần nữa; họ không phải là hạng người giàu có, nếu sau này tôi kiếm được ít nhiều, tôi sẽ gửi tiền cho họ bằng cách dấu tên. Tôi bám lấy ý định ấy, ít ra nó cũng là một chỗ dựa nhỏ của tôi. Người chết này gắn liền với đời tôi; vì thế tôi phải làm tất cả mọi thứ và phải hứa hẹn mọi điều để tự giải thoát; tôi thề một cách mù quáng rằng tôi chỉ muốn sống vì hắn và vì gia đình hắn. Đôi mắt ướt đẫm, tôi chuyện trò với hắn; làm thế, trong thâm tâm tôi có cái mong muốn chuộc lại điều tôi đã làm, đồng thời, có lẽ đó cũng là cái mẹo nhỏ để mong thoát thân, vì lúc nào nuốt lời thề mà chả được.
Tôi mở tập quân bạ và thong thả đọc: “Giêra đuy van, thợ nhà in”.
Tôi lấy cái bút chì của người chết, ghi địa chỉ lên một chiếc phong bì rồi đột nhiên tôi vội vã bỏ tất cả vào túi áo hắn.
Tôi đã giết anh thợ nhà in Giêra đuy van. Tôi phải trở thành thợ nhà in mới được, tôi nghĩ, đầu óc quay cuồng rối loạn, tôi phải thành thợ nhà in, thợ nhà in…
Buổi chiều, tôi bình tĩnh hơn. Sự sợ hãi của tôi không có căn cứ. Cái tên ấy không làm tôi hoảng hốt nữa. Cơn khủng hoảng đã qua. “Bạn ơi”, tôi nói với người chết nằm bên cạnh tôi, nhưng bằng một giọng trấn tĩnh, “cậu hôm nay, mình ngày mai thôi. Tuy vậy, nếu mình thoát chết, bạn ạ, mình sẽ đấu tranh chống lại cái đã giết hại cả hai chúng ta; với cậu, nó đã lấy mất cuộc đời của cậu. Với mình?… Nó cũng đã lấy mất cuộc đời của mình. Mình xin hứa với bạn, bạn ạ. Sao cho cái chuyện này không bao giờ được tái diễn nữa”.
Mặt trời chiếu xiên khoai. Tôi mệt và đói đến kiệt sức. Chuyện xảy ra ngày hôm qua đối với tôi như một đám sương mù, tôi không còn hy vọng thoát được nữa.
Vì vậy, tôi nằm lịm đi, không biết chiều đến lúc nào.
Hoàng hôn xuống. Hình như lúc này thì giờ đi nhanh lắm. Còn một giờ nữa. Nếu là mùa hè, còn phải đợi ba tiếng đồng hồ nữa. Còn một giờ nữa!
Lúc này tôi phát run lên, sợ từ bây giờ đến lúc ấy, lại xảy ra tai vạ gì nữa chăng. Tôi không nghĩ đến người chết nữa; tôi trở nên thản nhiên hơn đối với hắn. Bất thình lình, lòng ham sống vượt lên trên tất cả và đẩy lùi tất cả những gì mà tôi hứa hẹn sẽ làm. Có điều, không muốn lại mắc phải một tai vạ nữa, tôi tự nhiên lẩm bẩm: “Mình sẽ giữ lời hứa, tất cả mọi lời hứa mình đã nói với cậu”. Nhưng ngay từ lúc này, tôi đã biết rằng không đúng như thế.
Đột nhiên, tôi nghĩ rằng chính các bạn tôi có thể bắn phải tôi, nếu tôi bò; vì thực ra họ có biết tôi bò ở đây đâu. Khi nào có thể, tôi sẽ kêu lên để họ nghe thấy. Tôi sẽ cứ nằm trước chiến hào cho đến khi nào họ trả lời.
Ngôi sao đầu tiên. Mặt trận vẫn yên tĩnh. Tôi thở và trong lúc xúc động, tôi tự nhủ: “Thôi, bây giờ đừng vớ vẩn gì nữa, nghe không Pôn…? Phải bình tĩnh, bình tĩnh, nghe không Pôn…? Như thế mày sẽ thoát, nghe không Pôn…?”. Tự gọi tên như thế có tác dụng như được người khác gọi tên mình, và kết quả lại còn hơn thế nữa.
Bóng tối dầy thêm. Sự xúc động của tôi giảm bớt; tôi cẩn thận đợi những quả pháo sáng đầu tiên bắn lên đã. Sau đó, tôi bò ra khỏi hố. Tôi đã quên người chết. Trước mắt tôi, bóng đêm bắt đầu trải khắp và chiến trường ánh lên màu xanh nhợt. Tôi nhằm một hố trái phá; lúc ánh sáng vừa tắt, tôi vội vàng lao ngay vào đấy; tôi sờ soạng phía trước mặt rất kỹ lưỡng, tôi đến được cái hố gần đấy, tôi thu hình lại thật nhỏ và cứ thế tiếp tục trườn lên phía trước.
Tôi đã đến gần. Lúc ấy, nhờ ánh sáng một hỏa pháo, tôi nhận thấy đúng có cái gì còn đang động đậy quanh hàng rào dây thép gai trước khi nó im hẳn; tôi nằm yên, không tiếng động. Tôi lại thấy thế một lần thứ hai nữa.
Đúng rồi đó là những bạn tôi từ chiến hào đi đến.
Nhưng tôi vẫn khôn ngoan chưa dám lên tiếng, cho đến khi tôi nhận đúng mũ của quân nhà. Rồi tôi gọi. Ngay lúc đó tên tôi vang lên, như tiếng trả lời: “Pôn… Pôn…”. Tôi lại gọi. Đó là Cát và Anbe, đang vất một miếng vải bạt đi tìm tôi.
– Cậu có bị thương không?
– Không, không…
Chúng tôi lao cả vào chiến hào: tôi đòi ăn, và tôi ăn ngấu nghiến. Muynlơ cho tôi một điếu thuốc lá.
Tôi kể qua loa lại sự việc. Chẳng có gì lạ cả. Những chuyện như thế thưởng xảy ra luôn. Riêng có đợt tấn công ban đêm là đặc biệt trong chuyện này. Nhưng ở Nga, có ăn. Cát đã nằm hai ngày liền sau phòng tuyến quân Nga rồi mới mò được về.
Tôi không nói đến anh thợ nhà in chết.
Nhưng sáng hôm sau, tôi không nhịn được nữa; tôi phải kể việc ấy cho Cát và Anbe nghe. Cả hai người muốn cho tôi bớt áy náy:
– Cậu không thể làm gì được đâu. Cậu muốn làm khách thế nào được? Có thế, cậu mới về được đây chứ.
Tôi nghe chúng nó, yên tâm, vững lòng bên cạnh chúng nó. Chao ôi! Những ý nghĩ của tôi lúc ở trong hố, mới ngớ ngẩn làm sao!
– Cậu nhìn kìa! – Cát bảo tôi.
Mấy xạ thủ xuất sắc đứng tì vào lũy. Họ đang ở tư thế nhắm bắn, có cả ống nhòm để nhắm cho rõ hơn, họ đang quan sát trận địa địch. Thỉnh thoảng, một phát súng nổ. Lúc này, chúng tôi nghe những tiếng kêu: “Trúng điểm đen rồi” – “Cậu có thấy nó lộn nhào đi không?”. Viên đội Ônrích quay lại, nêu thành tích của mình một cách tự đắc. Hắn ta dẫn đầu bảng xạ kích ngày hôm nay với ba phát trúng đích hẳn hoi.
– Cậu nghĩ sao? – Cát hỏi.
Tôi chỉ trả lời bằng một cử chỉ.
– Cứ cái điệu này, chiều nay ngài đội lại được thêm một con chim xanh đỏ vào khuy áo đấy. – Cốp nói.
– Hoặc chẳng bao lâu ngài đội sẽ được thăng chức phó đội nhất. – Cát thêm.
Chúng tôi nhìn nhau.
– Mình chả làm thế đâu, – tôi nói.
– Nhưng dù sao, cậu cũng vừa được chứng kiến một điều hay đấy! – Cát trả lời.
Viên đội Ônrích trở lại bên lũy. Nòng súng của hắn xê dịch về mọi phía.
– Xem đấy, cậu không còn phải thắc mắc về chuyện của cậu nữa nhé. – Anbe vừa nói với tôi vừa ra hiệu bằng đầu.
Chính tôi, lúc này, tôi cũng chẳng hiểu tôi nữa.
– Chỉ tại lệnh phải ở đấy với hắn lâu quá. – Tôi nói. – Rút cục, chiến tranh là chiến tranh.
Khẩu súng của Ônrích nổ một phát gọn và khô.