Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chị Em Thù Hận

Chương 2

Tác giả: Janet Dailey

Gần như không còn trông thấy gì vì nước mắt chảy ròng ròng, Rachel vọt khỏi mộ huyệt, sải hai chân dài đi ra ngoài thật nhanh. Cô ước chi đừng đến dự đám tang. Cô đã làm một điều sai lầm – một sai lầm khủng khiếp.

Cô đã trông đợi Abbie phản ứng ra sao khi gặp cô? Cô đã nghĩ Abbie sẽ giang hai tay ôm cô và đón cô như một người em gái đã lạc mất từ lâu chăng? Dù sao, chỉ là chị em khác mẹ. Cô đã hy vọng được Abbie mời về nhà chăng? Không, chuyện đó mới là đáng sợ.

Cô không tưởng tượng được có gì khó chịu hơn những cái cúp do Abbie giành được khi cưỡi những con ngựa của Dean dự các cuộc thi ngựa đẹp. Đã từ lâu, Rachel bắt đầu lui tới thư viện công Los Angeles, đọc các báo ảnh và nhật báo ngoài thành phố để thỏa mãn nhu cầu muốn tìm hiểu thêm về người cha mà cô ít khi gặp. Ông ta làm gì khi ở xa cô? Ông ở đâu? Ông sống như thế nào? Trong nhiều năm qua River Bend được làm phóng sự và đăng trên một số báo ảnh, phần lớn những tờ viết về lọai ngựa Ả Rập, và cả một vài tờ thuộc loại dành cho xã hội thượng lưu. Dean ít khi nhắc đến tờ nào với cô, nhưng trong nhiều tờ cô đã thấy quá nhiều ảnh của Abbie cưỡi một con ngựa Ả Rập lộng lẫy, trong khi Dean đứng ở đầu ngựa với vẻ mặt tự hào.

Cô đã thấy các hình chụp tòa nhà từ thời Victoria của gia đình ông, và các ảnh chụp các kiểu áo thời trang đắt tiền của vợ Ông và cô con gái chính thức khi họ dự các buổi liên hoan dạ vũ linh đình của ho…. Cô đã đọc biết các bài viết về lễ ra mắt chính thức của Abbie trong các mục xã hội thượng lưu của các nhật báo ở Houston; cô đã không muốn nhìn các hình chụp này, Abbie đẹp kinh hồn trong chiếc áo dạ hội trắng tinh, đang khiêu vũ với Dean trong một buổi dạ vũ ra mắt xã hội thượng lưu. Abbie, đẹp và gan dạ quá đỗi – và giống cô quá đỗi, khiến cô đau lòng.

Cô đã không thể chịu đựng nổi ý nghĩ nghe kể về những cuộc du lịch của Abbie với Dean sang Anh, châu Âu và vùng Trung đông; cô chưa đi với Dean đến đâu cả, ngoại trừ Disneyland và đảo Catalina.

Suốt đời, lòng cô tràn ngập ganh tị, vì biết Abbie luôn có Dean bên cạnh. Ông có mặt để tấn chăn vào giường nàng mỗi tối. Ông có mặt trong mỗi kỳ nghỉ lễ, mỗi sáng ngày lễ Giáng sinh khi nàng thức dậy. Ông có mặt trong mỗi dịp quan trọng, từ các buổi biểu diễn dương cầm cho đến lễ tốt nghiệp. Nhưng Rachel thì may lắm mới được gặp ông một năm bốn lần, nhất là từ sau khi mẹ cô qua đời.

Rõ ràng ông đã muốn ở gần ai hơn, đã yêu ai nhiều hơn. Cô ngờ rằng cô chỉ là một gánh nặng cho ông, làm ông bối rối, một sự rắc rối mà ông không muốn. Cô đã tưởng là quên hết tất cả những nỗi đau đớn cay đắng ấy. Sau khi tốt nghiệp UCLA, cô đã cố thử gây dựng một đời sống cho riêng cô không cần có ông. Cô đã có việc làm tốt và đầy hứa hẹn, là họa sĩ thương mãi của một hãng quảng cáo lớn ở Los Angeles. Nhưng hôm nay, tất cả vết thương cũ đều chảy máu. Và nỗi đau đớn ăn sâu – sâu hơn trước nhiều.

Cô dừng bước, cố nhận ra phương hướng và chỗ đậu chiếc xe mướn. Đúng lúc cô vừa trông thấy chiếc xe Firebird màu vàng đồng, một chiếc xe hơi nhà màu đen dài tấp vào sát bờ đất bên con đường mòn của nghĩa trang và đậu lại vào chỗ trống sau xe cô. Một người tài xế mặc sắc phục nhảy ra và mở cửa sau xe. Rachel lơ đểnh nhìn người đàn ông tóc bạc đang bước xuống xe.

Ông ta nói gì với tài xế, rồi bước đi về phía Rachel và mộ địa sau lưng cô. Nét mặt của ông nhắc Rachel nhớ đến Dean. Ông ta khỏang năm mươi lăm tuổi – ngang với Dean. Nàng tự hỏi, mắt ông ta có nhăn ở đuôi như Dean chăng, khi mỉm cười?

Một lát sau, cô thấy có, khi ông để ý thấy cô và mỉm cười ngay.

– Cô mạnh khoẻ không?- Câu hỏi có ý nghĩa vì giọng nói nồng nhiệt, chân thành, chứ không phải là một câu chào cho có lệ. Rachel sửng sốt thấy mình bắt tay ông.

– Dạ mạnh, cám ơn ông. – Cô vội vàng chùi một giọt nước mắt trên má, và chắc rằng mặt cô trông xấu xí, với đôi mắt sưng húp và đỏ ngầu. Nhưng vẻ mặt đầy tử tế của ông cho cô biết ông là người hào hoa phong nhã nên chẳng có để ý gì đến chuyện đó.

– Lễ hạ huyệt xong rồi à? – Ông hỏi – Tôi tiếc đã đến trễ, nhưng tôi… – Ông dừng lại, mặt thóang cau lại. – Xin lỗi cô, nhưng cô không phải là Abbie, phải không?

– Không, không phải. – Rachel muốn chết khi để ý thấy ông bất giác thụt lùi ra xa cô. Cô không hề làm gì sai trái, thế nhưng cô không làm sao tránh khỏi có cảm nghĩ là mình có lỗi. Run rẩy vì một nỗi khổ đau khác, Rachel quay mặt định bỏ đi.

– Hãy chờ chút. Cô ắt là…con gái của Caroline.

Cô dừng lại, rưng rưng nước mắt vì biết ơn. Sau rốt, đã có người nhận ra cô, một người có thể hiểu được sự đau buồn sâu sắc của cô trước sự mất mát. Cô ngần ngừ quay lại đối diện ông:

– Ông đã …quen mẹ tôi sao?

– Phải. – Ông mỉm cười thông cảm, làm những nếp nhăn hiện ra ở đuôi mắt. – Tên cô là Rachel, phải không?

– Vâng. – Lần đầu tiên từ mấy ngày nay, cô mỉm cười. – Tôi rất tiếc, – cô nói, lắc lắc đầu, cảm động quá không nói được nhiều hơn. – Tên ông là gì?

– Xin lỗi. Tôi tưởng cô biết tôi. Tên tôi là Lane Canfield.

– Ông Canfield. Vâng, Dean thường nhắc đến ông, coi trọng ông lắm.

Có người bảo rằng Lan Canfield làm chủ một nửa vùng Texas – nửa còn lại không đáng để bỏ tiền mua. Theo những bài báo Rachel đã đọc trước đây, tài sản của ông bao la và rất đa dạng, bao gồm từ những công trình phát triển địa ốc, đến những khách sạn sang trọng, và những nhà máy hoá dầu vĩ đại. Các bài báo không mấy khi có ảnh kèm theo. Rachel hình như nhớ đã nghe người ta nói rằng, Lane Canfield tránh quảng cáo cá nhân.

– Nói thật ra, chúng tôi đều trọng nhau. Dean là người lỗi lạc, và là bạn trung thực. Nhiều người sẽ nhớ ông.

– Vâng ạ. – Cô cúi đầu vì lời nói của ông khơi lại nỗi thương tâm.

– Cô vẫn còn ở Los Angeles chứ? – Ông dịu dàng đổi qua đề tài ít xúc động hơn.

– Vâng, ba tôi vừa đến thăm tôi.

Chuyến bay trở về của ông bị chậm. Ông về trễ nên vội vàng về nhà và …tai nạn đã xảy ra. – Hấp tấp về nhà, với Abbie, đứa con gái ông yêu.

– Cô ở Houston lâu không? Có lẽ chúng ta có thể ăn trưa hay ăn tối cùng nhau một bửa. Tôi nghĩ rằng Dean có lẽ cũng thích vậy, cô nghĩ thế nào?

– Ông không cần phải mời như vậy. – Cô không muốn ai xem là một bổn phận, một nghĩa vụ phải tử tế với cô.

– Không có cái gì buộc tôi phải làm. Tôi muốn mời cô. Cô ở khách sạn nào?

– Khách sạn Holiday Inn, gần Astro. – Rachel đáp.

– Tôi sẽ gọi điện thoại cho cô sáng mai, sau khi tôi xem lại chương trình của tôi.

– Dạ được.

Sau khi từ giã, Lane lưu lại một lát để nhìn theo người phụ nữ trẻ trung đang bước đi. Hai cha con rất giống nhau. Cô cao và mảnh dẻ giống cha, cũng mái tóc dày màu nâu và đôi mắt xanh khó tin là có thật. Đa cảm và yếu đuối – phải, cô ta rất giống Dean.

Abbie tìm ra ngay mẹ nàng, và thuyết phục mẹ hấp tấp ra xe đang chờ. Nàng không muốn xảy ra chuyện rủi ro là mẹ nàng có thể vô tình gặp người phụ nữ tự xưng là…cô ta tự xưng là gì, không thèm biết. Ngay ý tưởng đó đã là lố bịch. Ắt hẳn cô ta điên.

Đường mòn vào nghĩa trang thì hẹp mà các xe hơi ra về mắc kẹt vào nhau nên tất cả các xe đều chạy chậm như ruà. Thần kinh căng thẳng và muốn đứt, Abbie dựa ngửa ra ghế, tự hỏi người phụ nữ ấy đã nói dối với bao nhiêu người quen biết nàng. Người Texas rất thích có chuyện tai tiếng để bàn tán.

Nàng lén nhìn mẹ. Babs – là tiếng gọi tắt của “Dòng suối róc rách”, đó là cái tên mà R.D. Lawson xưa kia thường gán cho bà, một nửa để đùa giỡn, và một nửa nói thật. Abbie phải công nhận cái tên ất đặc biệt tả đúng mẹ nàng. Bà có tính khí dễ vui, bốc đồng, không chú ý đến cái gì lâu. Bà có thể nói chuyện gẫu hàng giờ, mà chẳng nói được ý gì ra hồn. Đời sống của bà hình như chỉ là một chuỗi liên hoàn dài. Bà ưa thích tổ chức cũng như tham dự các buổi liên hoan.

Abbie có cảm tưởng không có cặp nào ít thích hợp với nhau như cha mẹ nàng. Thế nhưng Babs đã tuyệt đối tôn thờ Dean. Không một quyết định nào, dù vặt vãnh đến mấy, bà không hỏi ý kiến ông. Bà hoàn toàn tin vào ông. Bất cứ điều gì ông làm, bà đều cho là tuyệt hảo.

Không phải mọi việc đều vậy, Abbie nghĩ thầm, mặt nàng hơi cau lại khi sực nhớ những cuộc cãi vã trong phòng đóng kín cửa. Giọng rít lên của mẹ nàng và tiếng khóc lóc, cái nhìn giận dữ, quyết tâm, nhưng cũng đau khổ của cha nàng khi đi ra. Mẹ nàng luôn luôn ở riết trong phòng, đôi khi hàng mấy giờ liền, và khi đi ra, tái xanh và co rúm lại, im lặng một cách bất thường, hai mắt sưng húp đỏ au. Một số kỷ niệm sớm hơn đã phai mờ, tuy nhiên Abbie có cảm tưởng họ luôn luôn cãi nhau về một chuyện – và chuyện đó có liên hệ thế nào đó với những chuyến đi vì công việc thường có của cha nàng đến California để viếng thăm một người khách hàng.

Có một lần, ngay sau khi nàng bắt đầu vào trường đại học Texas, Abbie đã gợi ý với mẹ là bà nên đi Los Angeles với ông. – Dù sao, – nàng đã lý luận qua điện thoại, – bây giờ con không còn ở nhà, tại sao mẹ Ở làm gì một mình trong toà nhà to lớn như vậy? Đây là cơ hội tuyệt hảo cho mẹ để đi đó đi đây và làm việc này việc khác cùng ba.

Nàng còn nhớ tiếng “Không” của mẹ, nói bằng giọng nghẹn ngào nhưng kiên quyết, qua đường dây điện thoại.

– Me….

– Mẹ ghét xứ California, – mẹ nàng đáp ngay, giọng cay đắng khác thường.

– Mẹ, mẹ chưa hề đến đó kia mà!

– Mẹ cũng không bao giờ thèm đến đó, – và Babs đã đột ngột đổi qua chuyện khác.

Với ai khác, Abbie có lẽ đã hỏi cho được lý do. Khi gặp một bức tường bất kể lọai gì, nàng có thể trở nên ngoan cố không tưởng được. Nếu cần, nàng có thể đập bể từng viên gạch chỉ để biết cho kỳ được có cái gì ở bên kia bức tường. Nhưng rõ ràng đây là một chuyện mà Babs đã không muốn đương đầu. Bây giờ Abbie tự hỏi tại sao vậy?

Con mụ Rachel ấy đã nói là ở Los Angeles, Abbie nhớ lại, dù không muốn. Dĩ nhiên, đó chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên – như màu xanh đặc biệt của mắt cô ta. Màu xanh của dòng họ Lawson. Khó chịu với ý nghĩ ấy, Abbie cau mặt, vì bị ám ảnh bởi kỷ niệm nàng còn giữ về cách cha nàng xưa kia thường hay nhìn trừng trừng vào nàng khi ông tưởng nàng không thấy, vẻ mặt ông hơi nuối tiếc và đau khổ, mắt ông có vẻ buồn rầu và hối tiếc, cặp mắt cùng màu xanh đậm với mắt nàng- và mắt con đàn bà Rachel Farr ấy.

Nàng đã nghĩ rằng ông nhìn nàng kiểu đó bởi vì ông ước mong nàng là con trai. Người đàn ông nào lại không muốn có con trai để nối dõi tông đường và truyền thống gia đình? Ông đã cố gắng thương yêu nàng. Và nàng cũng đã cố gắng tuyệt vọng để được ông thương yêu, mà không bao giờ đạt được hoàn toàn.

Có lẽ do lỗi của nàng. Có lẽ nếu nàng không hay cãi lại ông nhiều như vậy…Trong một nửa số trường hợp, nàng đã kiếm chuyện với ông chỉ cốt để cho ông nhìn vào nàng, chứ không phải nhìn “xuyên qua” người nàng. Hai cha con đã cãi nhau về đủ thứ chuyện, từ chuyện ngựa, đến chuyện bài làm ở nhà, đến chuyện tiền nong, và chuyện chính trị. Cuộc đối đầu quan trọng nhất giữa họ là về vụ nàng ly hôn.

– Abbie, ba nghĩ rằng con đã quá hấp tấp, như thường lệ. – Ông nói khi được nàng cho hay là đã bỏ Christopher ra đi. – Cặp vợ chồng nào cũng có nhiều vấn đề. Nếu con chịu cố gắng tỏ ra thông cảm hơn một chút.

– Thông cảm! – nàng đã nổ bùng ra – Ba hãy cho con biết một người vợ phải tỏ ra thông cảm như thế nào khi khám phá ra chồng mình đang dan díu – thậm chí với những phụ nữ mà mình quen biết?

– Nào, cái đó không có nghĩa là…

– Ba chờ đợi con làm gì? Thừa nhận chuyện đó hả? Có phải ba muốn gợi ý rằng con nên ngoảnh mặt qua phía khác khi anh ta bôi nhọ con trước mặt tất cả bạn bè chăng? Con không chịu để bị nhục như vậy – không chịu nhục nữa đâu.

– Ba hiểu được rằng con bị tổn thương đến chừng nào bởi những chuyện…không kín đáo của cậu ta. – Ông đã lựa lời kỹ lưỡng, và đi đi lại lại trước bàn giấy như thể đang biện hộ cho khách hàng trước đoàn bồi thẩm. – Ba không tin cậu ta muốn để việc đó xảy ra. Những chuyện như vậy có thể bắt đầu một cách vô tình. Chưa kịp biết thì một người đàn ông đã thấy mình có dính líu vào quá sâu hơn là mình đã muốn. Chuyện đó không do cố ý sắp đặt. Tự nó xảy đến.

– Có phải là những lời nói do ở kinh nghiệm bản thân mà ra không, hả ba? – Nàng đã gay gắt vạn lại ông chỉ để thấy ông tái mặt và quay mặt đi để tránh cặp mắt nàng. Ông đã lộ vẻ có tội. Là hạng người không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội để khai thác thắng lợi đã hé mở, Abbie tấn công ngay. – Ba đã không trung thành với mẹ con hồi nào chưa? Có phải vì vậy ba đã đứng về phe Christopher chống lại con, con gái ruột của ba? Ba không quan tâm sao, nếu con không có hạnh phúc?

– Dĩ nhiên là có, – Ông đã cương quyết đáp.

– Thiệt à? Đôi khi con cũng đánh dấu hỏi. – Nàng đã ngoảnh mặt đi, cố đè nén sự chua xót trong lòng. – Ba ạ, con biết ba nghĩ rằng con phải tha thứ và quên đi chuyện đã xảy ra. Nhưng con không thể – và sẽ không làm vậy. Con không thể tin anh ấy. Không có lòng tin, không có tình yêu. Có lẽ từ trước đến giờ đã không có chút nào. Con không biết gì thêm, và thẳng thắn mà nói, con không thèm quan tâm. Con chỉ muốn thoát ra khỏi cuộc hôn nhân này và đẩy Christopher ra khỏi đời con.

– Mẹ kiếp, Abbie, chưa hề có một người nào trong dòng họ Lawson đã ly hôn.

– Vậy thì con là người đầu tiên phải không? Đã đến lúc có ai đó tạo ra một tiền lệ. – Trên đường đi ra, nàng dừng lại ở cửa phòng làm việc của ông. – Nhưng, ba đừng lo. Con sẽ không yêu cầu ba đại diện cho con trước tòa. Con sẽ nhờ luật sư khác – một người không có thắc mắc cao thượng như ba.

Sau đó đề tài ấy ít khi được đề cập tới nữa. Tuy nhiên Abbie biết ông không bao giờ thực sự tán đồng vụ ly dị cuả nàng. Nàng đã trở về nhà cha mẹ, ý thức được sự căng thẳng giữa hai cha con và quyết tâm ráng chịu cho qua. Nhưng chưa qua, thì ông đã chết. Nàng cảm thấy nghẹn ngào ở cổ họng, và nước mắt muốn trào lên.

Qua kính màu của cửa xe phiá sau, Abbie thấy Rachel Farr đứng giữa các mộ chí. Cha nàng đã có dan díu với một người đàn bà nào trong quá khứ chăng? Có phải Rachel là kết quả mối tình ấy chăng? Khả năng ấy có thật sự là phi lý như thoạt đầu nàng đã nghĩ hay không?

Có quá nhiều kỷ niệm đã quên đi một lần nữa làm cho câu chuyện ấy không có vẻ chỉ là một chuỗi trùng hợp ngẫu nhiên. Một vài lời qua tiếng lại giữa cha mẹ nàng, các chuyến đi Los Angeles thường xuyên, mỗi năm bốn năm lần, cách ông nhìn nàng như thể thấy ai khác – những cái mà trước đây nàng không xem là những mảnh ghép của một hình đố vui, nay lắp lại thật ăn khớp. Người chồng và cha tận tâm. Cha nàng đã đóng kịch chăng? Suốt bao nhiêu năm, ông đã lén nuôi một đứa con khác ở Los Angeles thật sao?

Cố xua đuổi cảm nghĩ bị phản bội, Abbie nhìn trừng trừng vào Rachel, một lần nữa nhận xét những điểm giống nhau đáng ngạc nhiên: màu tóc, khuôn mặt, và cặp mắt xanh. Khả năng của con ngựa cha – Ben có lẽ đã gọi vậy, theo ngôn ngữ của giới nuôi ngựa. Khả năng cuả một con ngựa giống truyền vẻ ngoài của nó cho con ngựa con do nó gây giống.

Nàng cảm thấy như cả thế giới của nàng bị lật úp lại và lắc mạnh. Nàng nghi ngờ tất cả những điều mà xưa nay nàng tin là thật. Suốt mấy chục năm, Abbie đã tưởng rằng hiểu rõ người cha. Bây giờ ông gần như là một người xa lạ. Ông đã yêu mẹ nàng thật sự không – hay yêu nàng không? Câu hỏi thật khó chịu, và cả những sự nghi ngờ…và các kỷ niệm bây giờ mang dấu vết của sự lừa phỉnh.

– Abbie, coi kìa! – Mẹ nàng kêu lên. Abbie lập tức trân mình lại, vì chắc chắn mẹ nàng đã trông thấy Rachel Farr. – Phải đó là Lane Canfield không?

Qúa bị thu hút bởi Rachel, Abbie đã không chú ý tới người đàn ông đang nói chuyện với cô ta. Đó là Lane Canfield, bạn thân nhất của cha nàng. Nàng đã không gặp lại ông từ lễ cưới cách đây sáu năm, những ông ít thay đổi. Ông vẫn gọn ghẽ, vẫn là một nhân vật có quyền uy, và vẫn có được bề ngoài điềm tĩnh và mát mẻ trong cái nắng ban chiều, mặc dù đang bận bộ com- lê và thắt cà vạt. Nếu có gì thay đổi, thì đó là mái tóc cuả ông- từ xưa đã sớm hoa râm- bây giờ có bạc thêm. Nhưng ông nói chuyện với Rachel để làm gì vậy? Ông biết cô ta chăng? Ông có vẻ như quen cô ta. Nếu tất cả chuyện này có thật, thì không hợp lý hay sao nếu cha nàng đã thổ lộ với Lane? Sự hợp lý ấy càng khó chịu khi Abbie sực nhớ cha nàng đã cử Lane Canfield làm người thi hành chúc thư của ông.

– Ông Lane đấy. – Mẹ nàng ấn cái nút ở tay ghế, cố mở cửa kính tự động của chiếc xe hơi nhà. Cuối cùng tấm kính chạy xuống rè rè, và cái nóng ẩm ướt của buổi chiều tháng sáu xông vào trong xe.

– Lane, Lane Canfield!

Nghe gọi tên mình, Lane quay lại và bước tới chào họ.

– Babs. Tôi rất tiếc không đến sớm hơn được. Tôi đang dự một buổi họp ở Ả Rập Saudi. Xế chiều hôm qua tối mới nhận được tin về …vụ tai nạn…Tôi đã cố gắng đến càng sớm càng tốt, – Ông nói, và cầm tay bà.

– Anh có đến là đủ rồi. Dean coi trọng tình bạn của anh rất nhiều, chắc anh biết thế. – Babs bám víu vào tay ông. – anh về nhà chung xe với chúng tôi nhé!

– Dĩ nhiên. Cho tôi một phút.

Ông bước đi, và Abbie tự hỏi ông đi theo Rachel chăng. Nhưng không, ông bước tới chiếc xe hơi nhà màu đen đậu cách đó mấy chiếc và nói với tài xế, rồi quay trở lại. Nàng thấy tê tái cả người, không muốn tin chuyện này chút nào.

Khi Lane Canfield lên xe ở phía sau và ngồi xuống ghế, quay mặt đối diện với mẹ nàng. Abbie thấy cách ông nhìn nàng, để ý đến từng nét và rõ ràng thâm so sánh với Rachel. Ông không có vẻ bì ngạc nhiên vì sự giống nhau giữa hai cô – điều đó có nghiã là ông đã trông đợi thấy vậy. Abbie đã hiểu ra.

– Tối nay anh ở lại ăn tối nhé, Lane? Vợ chồng Ramsey và vợ chồng Cole sẽ có mặt, và một vài người khác cũng đã hứa sẽ ghé lại. Nếu được anh nhận lời thì chúng tôi thích lắm

– Babs khẩn khoản nói.

– Tôi rất muốn. – Lane cố gắng chú ý trở lại người vợ góa của Dean, bà ta vẫn còn hấp

dẫn ở tuổi bốn mươi tám.- Rủi thay tôi phải đi sớm. Tôi phải về phố tối nay vì có công việc.

– Tôi hiểu. – Babs gật đầu, giọng run run. Trong giây lát, bà có vẻ như sắp òa lên khóc, nhưng bà can đảm cố nén và quay lại Abbie. – Lane là rể phụ trong đám cưới của ba mẹ. Nhưng mẹ đóan là con đã biết, phải không, Abbie?

– Dạ phải, thưa mẹ.

– Tôi thiết nghĩ không bao giờ quên ngày ấy. – Babs thở dài, mặt lộ vẻ nhớ nhung. – Anh

nhớ không, Lane, chiếc xe hơi của chúng tôi không chịu nổ máy? Dean đã bỏ công sửa nó gần một giờ. Chiếc áp dạ hội của anh ấy dính đầy mỡ, và tôi thì biết chắc thế là phải đi hưởng tuần trăng mật bằng xe ngựa thôi. Anh ấy làm mọi cách, nhưng không làm sao cho chiếc xe hơi chạy được.

– Tôi tin rằng xe thiếu mất vài bộ phận, – Lane mỉm cười, ông nhớ lại ông và vài người bạn nữa đã phá hỏng chiếc xe.

– Hèn chi, Babs cười ồ, tiếng cười vui vẻ vẫn còn có sức lôi cuốn sau bao nhiêu năm.- Tôi nhớ như anh đã cho chúng tôi mượn chiếc xe cuả anh.

– Phải.- Ông cùng bà nhắc lại kỷ niệm xưa trong khi ông hồi tưởng lại cái ngày xa xưa ấy.

Bình luận