Người dịch: Văn Hòa – Kim Thùy
Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên
Shared by: CCG –
Morton ngồi trong chiếc ghế dựa có lót đệm ở trong “Phòng Điều Hành” không có cửa sổ kế bên văn phòng của Karshov! Gặp lúc khủng hoảng, Thủ tướng thường làm việc quan trọng trong phòng này để được ở gần bên văn phòng của ông. Đã hai mươi hai giờ trôi qua kể từ khi Raza đưa ra các yêu sách.
Trong phòng chỉ có một cái bàn thật rộng và các ghế dựa mà thôi. Ngoài ra đều là những thiết bị thông tin và nghe nhìn. Căn phòng này giống như “Phòng Chiến tranh” nằm phía bên kia văn phòng của Thủ tướng. Từ khi xảy ra vụ đánh bom, phòng Chiến tranh đã được một toán chiến lược gia sử dụng để làm việc. Trong lúc Morton giám sát công việc của họ qua máy truyền hình mạch kín, thì ông một mình làm việc trong căn phòng chật hẹp này.
Trên một bức tường là một dãy máy giám sát. Những máy này có thể giúp Morton theo dõi những diễn biến ở Luân Đôn, Paris và Washington, và cả Liên Hiệp Quốc đóng ở New York nữa. Những màn hình khác tiếp vận tin tức ở hãng Interpol và những lực lượng cảnh sát ở châu Âu có nhiệm vụ truy lùng bọn đánh bom.
Hai chi bộ của Mặt trận IRA ở Hà Lan đã bị phá vỡ cùng với nhà máy chế tạo bom phục vụ cho bọn khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức. Nhưng vẫn không tìm ra dấu vết của bọn đánh bom khách sạn.
Tại Liên Hiệp Quốc, Hội đồng thường trực sau khi đã tham khảo ý kiến nhau, họ nhất trí bác bỏ những yêu cầu đòi Israel phải từ bỏ quyền làm chủ lãnh thổ của họ và phá hủy hết vũ khí nguyên tử. Quyết định này đã được đem ra toàn thể Hội đồng để biểu quyết. Hội đồng tranh cãi suốt mười giờ. Đại đa số đều ủng hộ Hội đồng Thường trực : tám nước Ả Rập không bỏ phiếu.
Ở Washington, Paris và Luân Đôn, nội các đều họp sau khi đã ra những bản thông cáo giống nhau tuyên bố rằng bọn đánh bom sẽ được săn bắt.
Nhiều quốc gia khai thác dầu và khoáng sản đều nhất loạt bác bỏ những yêu cầu của chúng.
Bitburg đã xuất hiện trên một màn hình mạch kín để tuyên bố rằng đây là lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh vùng Vịnh toàn cả thế giới đều đứng lên chống lại chủ trương khủng bố. Ông cũng kín đáo xác nhận ông đã sai lầm trong việc xử sự với Raza.
Kể từ khi ấy, kim đồng hồ trên bàn của Morton đã trôi qua hai mươi bốn giờ, nay đã nhích thêm một giờ nữa. Dưới chiếc đồng hồ, Morton đã ghi đậm lên một tấm cạc hai chữ : “Hạn cuối lần thứ nhất”. Hàng chữ để nhắc nhở mãi cho ông nhớ thời gian còn lại trước khi Raza tấn công lần hai như hắn đã hăm dọa. Bây giờ hắn còn hai giờ nữa.
Trong mấy phút vừa rồi, trên màn ảnh máy giám sát đã xuất hiện lời tuyên bố của Ayatollah Muzwar có nhan đề : “Phản ứng của người Ả Rập”.
Lời tuyên bố kêu gọi thế giới Hồi giáo hãy thận trọng trước hình ảnh khiêu khích của bọn ngoại đạo. Muzwaz cứ lặp lại lời kêu gọi tấn công vào Israel, Phương Tây, vào chủ nghĩa đế quốc và vào tư bản chủ nghĩa.
Khuôn mặt Bitburg xuất hiện ở phía sau màn hình. Đôi mắt của ông ta nhìn thẳng, thái độ chững chạc. — Chỉ là gây tiếng vang mà thôi, David à ! Muzwaz đã biết Raza tính toán hết sức sai lầm trong việc đánh sập những khách sạn ấy. Nếu trước đây hắn ủng hộ Raza thì nay chắc là hắn không tiếp tục nữa đâu.
— Tôi thì không tin thế đâu, ông Walter à. Chuyện hắn kêu gọi nhân dân hắn thận trọng trước sự khiêu khích có thể là Muzwaz đang chuẩn bị nhân dân hắn bước qua giai đoạn hai đấy. Đấy chính là cái trò của Saddam rêu rao lên là chính chúng bị tấn công. Khi Raza sắp hành động chuyện gì, Muzwaz làm như hắn cần phải có quyền tự vệ trước.
— Anh lầm rồi, David à ! Muzwaz chắc sẽ nổi cáu lên vài hôm nữa, vì hắn phải làm thế. Nhưng nay thì mọi người đã cương quyết đứng lên rồi, hắn biết rằng bất kỳ Raza có hành động gì, hắn cũng sẽ không thành công được. Cho nên hắn chỉ muốn giữ chất nổ lại để chờ thời cơ khác thôi. Và Raza chắc không ngờ phản ứng của mọi người trước hành động đánh bom của hắn lại mạnh như thế. Anh nhìn vào máy giám sát đi. Cả thế giới đều vũ trang. Tốt hơn hết cho Raza là hắn phải lo mà biến đi.
Morton nhìn chằm chằm vào màn hình có Bitburg. Tại sao một con người như thế này lại leo cao đến như thế được nhỉ ?
— Ông Walter, hắn vẫn còn vi rút bệnh than trong tay mà.
— Anh vẫn tiếp tục nói thế à ? Tại sao hắn lại không dùng thứ này đi ? Thứ này chắc sẽ có tác dụng nhiều hơn những lời yêu cầu điên cuồng của hắn chứ ?
— Tôi đã nói cho ông nghe câu chuyện người Xi Ri nói rồi.
Bitburg lắc đầu một cách từ tốn. — Anh ta đâu có xác định chính xác những khách sạn này, David. Thì cũng giống như lời đe dọa của Raza về việc hắn sẽ hành động thêm nữa mà thôi. Mơ hồ lắm. Và bất kỳ chuyện gì hắn đã hoạch định, bây giờ thế nào chắc hắn cũng phải dẹp đi mà thôi.
— Chúng ta hãy chờ xem thôi, Walter !
Bitburg thở dài thườn thượt. — David, David, tại sao anh cứng đầu thế ?
— Vì linh tính tôi báo cho tôi biết như thế, ông Walter à.
Bitburg vẫn còn lắc đầu khi mặt ông ta biến dần trong màn hình. Morton nhìn vào màn hình trống một lúc, rồi ông bấm máy gọi Harry Fuller. Fuller là trợ lý cho ủy viên chính phủ đặc trách về tội phạm tại vùng New Scotland Yard. Ông đã cùng với anh ta thực hiện nhiều cuộc hành quân truy lùng bọn tội phạm rồi.
Fuller trả lời ông bằng máy điện thoại ở trên xe, ông nghe rõ cả tiếng ồn ào náo nhiệt ở khách sạn Connaught. Ông lắng nghe, không hề ngắt lời, rồi bình tĩnh nói rằng cũng có phần an ủi vì Steve và Dolly chắc không thấy đau đớn gì hết. Chắc cả ba mươi bốn nạn nhân đều cũng thế.
Morton gọi cho bà Hannah. Bà ta khóc như mưa. Khi ông báo cho Karshov biết, Thủ tướng la lối một hồi lâu bằng tiếng Ba Lan. Morton nhớ Steve và Karshov đã từng cầu nguyện với nhau tại giáo đường Do Thái và cùng nhau tham dự nhiều lễ hội. Thủ tướng nói ông sẽ cho chiếc Concorde duy nhất của Do Thái đến Luân Đôn mang thi thể hai người về.
Rồi Morton quay qua làm việc bình thường. Ông đã nhận được bản ghi âm của báo AP nhận được, do Matti chuyển đến, rồi ra lệnh cho Lou trở lại Washington để liên lạc với CIA và FBl.
Morton đã ra lệnh cho Lester Finel, người điều hành máy vi tính của Mossad tuyển những chuyên viên lập chương trình máy tính, để nhận diện cho ra những tên đánh bom. Chantal Bouquet, Trưởng phòng tình báo hải ngoại, đã được vời đến để sưu tra xem vì chỉ có mình nàng mới biết được mạng lưới rộng lớn của bọn đánh bom. Tại sao tình báo Anh, Pháp, Mỹ lại không tìm ra được một manh mối nào nhỉ ? Nhân viên tồi ư ? Hay là có gì đây chứ? Trước vụ Lockerbie, người Đức đã ém nhẹm những tin tức sống động về bọn đánh bom, và cả tin tức có đề cập đến những hoạt động của chính họ.
Ban tâm lý chiến đã được lệnh chuẩn bị bản báo cáo về khả năng chọn lựa của những nhà lãnh đạo Ả Rập chính thống. Họ có ủng hộ Muzwaz không ? Và tập đoàn tôn giáo đã cảm thấy thời cơ mở một cuộc chiến đã đến chưa ?
Ban mật vụ đã được chỉ thị đưa ra danh sách một số ít ứng viên để lồng vào trong tổ.
Trong lúc đó thì Fuller đã gọi về ba lần nữa, để báo cáo các vụ nổ ở các khách sạn Savoy, Claridge’s và Berkeley. Đây là vụ bị tàn phá nặng nhất ở Luân Đôn sau vụ ở Blitz.
Lacouste, phó giám đốc cơ quan tình báo Pháp, đã cho biết đầy đủ các chi tiết về cảnh hư hại ở Paris. Năm tầng lầu của khách sạn Maurice đã sập, đã tìm ra được bốn mươi tử thi. Tại khách sạn Georges V. đã tìm thấy hơn năm mươi tử thi. Mặt tiền khách sạn Grant đã rơi đúng vào hai chiếc xe lớn chở khách đi tham quan trong thành phố vừa mới trở về. Một trăm người đã được xem như bị chết. Số thương vong tại khách sạn Crillon đã lên đến bảy mươi và sợ còn tìm ra nhiều hơn nữa.
Lacouste cho biết đấy là cái giá, vì đã cho phép nước Pháp biến thành nơi trú ngụ cho bọn khủng bố. Morton hiểu được nỗi giận dữ của ông ta.
Khi máy giám sát cảnh tượng ở Paris lại hiện hình ảnh ra, nét mặt khắc khổ thanh cao của Lacouste vẫn toát ra nét giận dữ ấy. — Chúng tôi đã hạn chế việc miêu tả bọn đánh bom của các nhân viên ở khách sạn còn ghi nhớ, là bọn Ả Rập ăn mặc thật sang, đăng ký vào ở với hành lý thật đắt tiền – Ông ta nói.
— Ông Fax hết đến cho Finel được không ? Chúng tôi sẽ so với những hình ảnh chúng tôi đang có tại đây. Điều chắc chắn là bọn khủng bố của Raza luôn luôn biết cách hòa đồng với môi trường tại chỗ.
Lacouste càu nhàu. — Chúng tôi đã gặp một người gác cửa, ông ta nhớ có một người Ả Rập đi ra mấy giờ trước đó thì xảy ra vụ nổ ở khách sạn Maurice – Một chị lao công cho biết chị nhớ có trông thấy có hàng chữ “xin đừng quấy rầy” gắn trước cửa phòng của người Ả Rập ấy. Chị ấy nói có cái gì đó kỳ lạ lắm đang xảy ra ở trong phòng.
— Nhiều chuyện như thế đã xảy ra ở những khách sạn khác, Pierre à. Những tên đánh bom đăng ký vào ở, gài dây điện trong phòng để làm nổ vào giờ giấc đã định trước, rồi chúng lẻn đi. Cơn ác mộng của các chủ khách sạn đã thành hiện thực. Chuyện kỳ lạ là trước đây có bao giờ xảy ra như thế đâu.
Lacouste lại càu nhàu. — Cuộn băng có giúp gì được không ?
Ông ta và Fuller đã chuyển bản sao đến cho Morton những cuộn ghi băng do Hiệp hội báo chí Press Association ở Luân Đôn thu, và ở Paris thì do cơ quan báo chí Pháp Agence France Presse thu. Những bản này đều giống bản do Associated Press gởi về. Morton đã nghe nhiều lần. Ông đã gởi tất cả sang cho Ban Phân Tích Tiếng Nói. Các kỹ thuật gia của ban này đều rất giỏi về mặt này.
— Chưa có tin tức gì. Khi có tin, tôi sẽ báo cho anh hay – Morton đáp.
— Cám ơn anh, David – Khuôn mặt nhăn nheo của Lacouste có vẻ trầm tư – Ông có nghĩ là Raza sẽ tấn công lại không ?
— Có chứ.
— Tôi cũng thế. Mà ở đâu ?
— Anh cho là ở đâu đây ?
Cả hai đều cười nhạt, căm tức.
Một lát sau máy giám sát nhờ vệ tinh để liên lạc với Washington kêu bíp bíp. Morton đè một nốt khóa trên tủ máy điện tử và mặt của Lou Panchez hiện ra trên màn hình ; anh đang nhìn xuống tờ ghi chép.
— Cơ quan FBI xác nhận nhịp âm của lời gọi đến tại trụ sở AP, họ nói lời kêu gọi này nằm ở ngoài lục địa Hoa Kỳ. Địa điểm gọi cách vào khoảng từ năm đến tám ngàn dặm.
Morton quay sang bên nhìn vào bản đồ trên tường ở sau lưng ông. Ông quay trở lại nhìn vào màn hình.
— Như thế có lẽ nằm vào khoảng giữa Philippins ở Thái Bình Dương và cả khu vực Nam Âu và sâu vào nội địa châu Á. Chúng không thể nào phát ra nghe rõ hơn nữa chứ, Lou ?
— Tôi đang tìm hiểu đây.
— Nói cho họ biết người Pháp và người Anh tin rằng chúng đã gọi đi trong nội địa châu Âu đấy.
— Tôi sẽ cho họ biết thế.
— Có nghe tin gì ở tòa Nhà Trắng không, Lou ?
— Không có gì cụ thể. Nhưng ở đấy hình như người ta đều nhất trí cho rằng Raza chắc sẽ rút lui, vì hắn đã động đến tổ ong vò vẽ rồi.
— Họ sai rồi, Lou à – Morton quả quyết nói rồi ông tắt máy.
Đồ Bitburg mắc dịch. Anh chàng này quá thụ động trước một tình trạng rất sôi động như thế này ư ? Morton quay lại máy vi tính. Ông đã yêu cầu hệ thống máy cho một danh sách những mục tiêu có khả năng bị Raza tấn công. Máy đưa ra trên mười lăm ngàn mục tiêu ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, châu Á và châu Úc. Morton loại ra những mục tiêu xem ra quá lộ liễu hay không có tầm quan trọng, hay không có đủ nét đặc biệt nào để dùng làm nơi cho chúng đánh bom ở khách sạn trong đợt tấn công sắp đến đây.
Ông gõ vào một phím máy vi tính Honeywell để ra lệnh tìm các mục tiêu bất thường bậc trung nhưng có tầm quan trọng, rồi ông đi gặp Thủ tướng.
Karshov đang ở một mình, ông đọc lướt nhanh nhiều tin nhắn để trên bàn làm việc. Từ phòng ngoài văn phòng của ông, có tiếng của những nhân viên phụ tá lễ phép từ chối những lời gọi đến. Ngài Thủ tướng nhìn lên.
— Bỗng nhiên cả thế giới đều muốn trấn an tôi rằng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp thôi. Và Walter cũng thế. Còn anh thì sao, David ? Anh có muốn làm cho một ông già hạnh phúc không ?
Morton nhìn vào khuôn mặt có sẹo. Ông đáp : — Ước chi tôi làm được, thưa Thủ tướng.
Khuôn mặt của Karshov có vẻ hoang mang. Ông nói :
— Anh biết họ bắt đầu nói sao không ? Nếu chúng ta biết điều, thì mọi việc sẽ tốt đẹp hết. Họ bắt đầu rỉ tai, này, xén đi một dúm đất được không ? Có thể cắt dải Gaza đi ? Hay là bờ Tây lại tốt hơn ? Trao cho người Ả Rập một miếng, hay cả hai đi. Họ nói cứ làm như thế đi, chúng tôi sẽ bảo đảm Raza không còn gây khó khăn cho quý vị nữa đâu. Không có chuyện khủng bố xảy ra ở các nơi ủng hộ ta nữa. Không có chuyện đánh bom xảy ra nữa đâu. Họ nói : thôi, hãy quên đi! Vẫn còn tùy thuộc vào chúng ta đã chứ. Luôn luôn thuộc quyền chúng ta đã chứ, David. Luôn luôn mà.
Morton đã quên không biết ông đã đứng ở đây bao nhiêu lần, chia sẻ cùng Thủ tướng nỗi giận dữ khi thấy thế giới cứ chực chờ để trách Israel.
— Còn Luân Đôn và Washington thì sao ?
— Họ muốn trao đổi qua điện thoại trong vòng hai giờ nữa. Tổng thống Mỹ cần có thì giờ để tham khảo ý kiến nội các. Ít ra thì Thủ tướng cũng không cần làm như thế – Karshov nói lớn.
Việc truyền thanh sẽ được nối thẳng từ phòng thu thanh đến văn phòng của Thủ tướng. Karshov bước ra cửa sổ. Ông đưa mắt nhìn lên bầu trời đêm. Sao giăng đầy trời, li ti, lấp lánh, xa xôi, khó với tới quá.
— Anh có biết không, David, tại buổi thảo luận ở Liên Hiệp Quốc, có môt nước ở châu Phi nói rằng giải pháp đơn giản nhất là đưa người Do Thái ra ngoài không gian ? – Ông quay lại nhìn Morton – Nhưng nơi đây thật sự là quê hương duy nhất của chúng ta từ lâu rồi. Tôi đã chiến đấu trong ba trận giặc để bảo vệ đất nước này. Tôi đã chứng kiến nhiều người tốt đã hy sinh cho mục đích ấy. Điều mà tôi biết chắc là bất kể Raza sẽ làm gì, nước Israel vẫn tồn tại.
— Tôi rất sung sướng khi nghe ngài nói thế, thưa Thủ tướng. Nhưng áp lực vẫn còn gia tăng. Như ngài đã nói đấy. Mọi người đều muốn ngài phải nhượng bộ.
Giọng nói của Karshov bỗng vang lên đầy giận dữ . — Chúng ta sẽ không nhượng bộ một tấc đất. Chúng ta đã đổ biết bao xương máu. Dân tộc ta. Máu của ta. Đất đai của ta. Nhưng không còn nữa !- Ông ta đi rảo bước, mỗi bước đi, ông càng thêm giận dữ – Raza và bọn người như hắn đã hăm dọa chúng ta hơn bốn mươi năm nay rồi. Trong suốt thời gian ấy, chúng ta đã mất người vì chiến dịch khủng bố này nhiều hơn cả các nước trên thế giới gộp lại. Trong một năm đã có nhiều người Do Thái bị giết chết nhiều hơn là mười năm ở Bắc Ai Len, Munich, Vienna, La Mã, Paris…. không có một thành phố nào mà lại không có máu của người Do Thái đổ ra. Và mỗi lần như thế, chúng ta lại nói chúng ta sẽ không bao giờ để cho ai đẩy ra khỏi nơi đây hết. Đây là mảnh đất của Chúa, của tôn giáo chúng ta, của dân tộc ta. Không ai giành mảnh đất này được hết. Không có ai hết.
Morum đứng yên lặng. Không những ông đã hiểu và đồng ý với những gì mà Thủ tướng vừa nói ra, mà ông còn hoàn toàn biết chắc rằng Karshov sẽ ủng hộ những gì ông sẽ nói ra.
— Thưa Thủ tướng – Ông thận trọng nói – Chúng ta phải khuyến khích Raza tin vào điều này. Có thế, hắn mới xuất đầu lộ diện. Sau đó chúng ta mới kết liễu đời hắn được.
Karshov chăm chăm nhìn ông một hồi. — Tại sao anh lại dám nói chắc chắn như thế ?
— Những gì tôi biết về Raza là hắn có yếu điểm, hắn quá tự tin. Hắn đã tỏ ra như thế tại Luân Đôn và Bá Linh. Những kẻ khủng bố khác không bao giờ dám làm như thế. Raza thì phải thế … vì hắn buộc phải chứng minh cho người ta thấy thế. Những trận đánh bom khách sạn này đã cho người ta thấy thế. Bây giờ thì hắn lại còn muốn làm cái gì phi thường hơn nữa kia.
— Như cái gì ? Đánh sập điện Vatican sao ? Đánh sập lâu đài Buckingham à ? Phá sập cầu Golden Gate ư ?
— Có thể lắm. Nhưng tôi không nghĩ đến những nơi ấy. Có khả năng hắn sẽ làm những chuyện bất thường lắm. Và việc có thể thắng hắn là phải bí mật tìm cho ra những nơi hắn hoạt động.
— Nhưng bằng cách nào ? – Karshov lập lại.
Morton lắc đầu. — Ngay bây giờ thì tôi không biết. Nhưng tôi đã yêu cầu máy vi tính Honeywell rà tìm rồi.
— Trong lúc đó, anh cần tôi phải làm gì ?
— Ngài phải luôn luôn cương quyết như mọi khi. Ngài cứ ở trong tình trạng báo động quyết chiến. Ngài hãy tuyên bố cho mọi người biết rằng nước Israel không bao giờ chịu khuất phục. Như thế là đủ lôi Raza chường mặt ra rồi. Một người xuất đầu lộ diện ra như thế sẽ dễ cho ta hạ hắn hơn.
Không khí trong phòng trở nên im lặng kéo dài từ lúc Karshov quay nhìn ra cửa sổ cho đến khi ông quay lại nhìn thẳng vào mặt Morton.
— Được rồi. Tôi sẽ làm những gì anh đã nói. Walter không thích thế đâu, nhưng tôi sẽ làm việc với Walter. Nhiều người sẽ không thích thế đâu. Nhưng tôi cũng sẽ cư xử với họ như thế.
— Xin cám ơn Thủ tướng.
Karshov dừng lại một chốc. Morton lắng nghe ông nói tiếp :
— Tôi cũng đã ra lệnh cho các phòng thí nghiệm bắt đầu chế tạo nhiều chất men PEG rồi. Nhưng ta phải giữ bí mật để tránh gây ra cảnh hoảng sợ – Karshov vuốt một bàn tay lên mặt – Và tôi cũng muốn anh có mặt ở đây để nghe điện đàm thượng đỉnh luôn.
— Dĩ nhiên là tôi sẽ có mặt ở đây.
Morton bước về phòng họp khẩn lại. Máy Honeywell vẫn đang dò tìm. Ông điều chỉnh máy vi tính để máy báo động vào máy bíp của ông khi nó làm xong nhiệm vụ, rồi một lần nữa ông lại bước ra khỏi phòng.
oOo
Lila đứng trên bờ của bể nước, chị nhìn chai nước hoa chị buộc vào một mảnh gỗ nhẹ đang từ từ trôi theo dòng nước đến cửa ống cống. Khi chị không còn thấy cái chai nữa, chị bèn bước lui, leo lên chiếc xe thuê, lái băng qua thảo nguyên hướng về Johannesburg.
Trời đã xế chiều, và chị vẫn còn dư thì giờ đến phi trường để đáp chuyến bay mười giờ đi Nairobi. Từ đây, chị sẽ đi tiếp trên chiếc Luthansa đến Athens. Việc thay đổi chuyến bay một mạch của hãng Olympic này như người quản lý khách sạn đã nói, chỉ là một đề phòng theo thường lệ mà thôi. Gặp trường hợp này thì cũng chả sao. Chỉ trong vòng vài giờ nữa thôi, sẽ không còn ai sống sót ở Trekfontein để có thể miêu tả hình dạng của chị cho thế giới biết nữa.