Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Săn Đuổi

Chương 19

Tác giả: Gordon Thomas

Người dịch: Văn Hòa – Kim Thùy

Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên

Shared by: CCG –

Sau khi đưa Nancy về khách sạn ở sau Công trường Hiến pháp, Nadine và Anna đi taxi đến phi trường Athens.

— Nhỡ nó mở chai ra thì sao nhỉ ? – Anna hỏi khi hai người đi vào phòng chờ khởi hành.

— Nó không mở đâu – Nadine đáp – Người Mỹ thường rất dễ bảo. Raza thường nói rằng, nói sao là họ nghe vậy. Anh ấy rút kinh nghiệm khi cướp máy bay của chúng.

Họ kiểm tra quang cảnh trong phòng khách. Hành khách đợi làm thủ tục để ra đi đầy cả phòng. Nadine chằm bẳm nói :

— Bọn này không được. Chúng chỉ tổ làm bực mình như bọn Hòa Lan khi nãy thôi. Lần này chúng ta phải tìm một thương gia.

Họ bèn theo những hành khách đi đến quầy đăng ký. Costas đứng một chỗ thuận lợi trong phòng trưng bày nhìn bao quát cả phòng khách, anh tiếp tục theo dõi hai cô gái. Dần dần anh cảm thấy có cái gì bất thường nơi hai cô gái này. Khi anh đi qua khách sạn của cô gái người Mỹ ở, anh đã nghe cô gái Levantine dặn dò người Mỹ cách thức mang cái chai rất kỹ. Những người bán hàng rong đâu cần quan tâm đến những chi tiết này, mà họ chỉ lo bán cho được hàng thôi. Nhưng hai cô gái lại rời nơi công trường đông đúc du khách để ra đây. Anh cũng nhớ ra là không có công việc đi quảng cáo nào mà chỉ có hai cô gái thôi. Thông thường một sản phẩm mới ra lò, cả hàng mấy chục người đi phân phát giấy quảng cáo và cho hàng mẫu khắp các ngã tư đường. Ngoài ra, cô gái Levantine này lại quá hấp dẫn, cô nàng không thể nào lại phí thì giờ đi quảng cáo hàng như thế này. Nét người và dáng đi của cô ta phải là người mẫu mới xứng.

Anh lấy làm ngạc nhiên lắm, máu nghề nghiệp lại nổi lên. Vừa theo họ ra phi trường, anh đã dùng điện thoại trong xe hơi để tiếp xúc với tổ chức lãnh đạo ngành quảng cáo trong thành phố. Cô nhân viên trả lời sẽ gọi cho anh trong một giờ nữa.

Bây giờ anh đến một máy điện thoại công cộng trong phòng trưng bày để gọi lại cho cô .

— Có gì may mắn không, Susie ?

— Không có gì hết – một giọng Úc vui vẻ đáp.

Khi Susie từ Sydney đến Athens và dừng lại ở đây, hai người đã dan díu với nhau trong một thời gian ngắn cách đây đã một năm rồi. Khi chị quyết định ở lại thì anh lại chấm dứt mối liên hệ với chị, nhưng vẫn giữ tình bạn với nhau.

— Nhóm này không phải là khách hàng của chúng tôi. Tôi đã gọi các hãng khác, cũng không có hãng nào quảng cáo nước hoa. Tôi kiểm tra những kỹ nghệ gia hàng đầu, vẫn không có ai hết.

— Còn những xí nghiệp nhỏ hơn ?

— Tôi cũng gọi nhiều xí nghiệp rồi. Không có nơi nào quảng cáo nước hoa. Còn như bộ đồng phục theo anh cho biết thì cả những tư gia nhỏ cũng không có đâu.

— Có thể nào họ ở ngoài thành phố vào không ? – Costas gặng hỏi.

— Cũng có thể. Công việc này ở ngoài thành phố cũng rất phát đạt.

— Cám ơn, Susie. Tuần sau đi ăn tối được chứ ?

— Quá được !

Costas gác máy, anh tiếp tục dò xét Nadine và Anna. Raza trông thấy anh vừa khi hắn mới bước vào phòng khách. Phòng trưng bày cũng chính là nơi hắn chọn làm nơi giám sát. Hắn bèn chọn một gian hàng bán đồ kỷ niệm để theo dõi. Có lẽ anh chàng này là một thám tử hay một nhân viên điều tra ở Bộ chăng ? Nhưng mấy cô gái đâu có trái luật, Nadine đã mang theo giấy phép cần thiết để hoạt động ở chỗ công cộng tại Athens cơ mà. Nhân viên của tập đoàn tu sĩ Hồi giáo tại địa phương đã thu xếp đầy đủ giấy tờ mà. Dù hắn là ai đi nữa, thì sự hiện diện của hắn cũng đáng ngờ lắm. Raza bèn rời khỏi gian hàng và đi qua đám đông trong phòng lớn.

Anna nhìn thấy hắn và quay qua Nadine. — Tại sao anh ấy có mặt ở đây ? Phải chăng anh ấy kiểm tra em ?

— Đừng có điên. Đừng để ý đến anh ấy – Nadine nói một cách bực bội – Lo mà làm việc của mình đi !

Từ phòng trưng bày, Costas bỗng trông thấy nét sợ hãi trên mặt cô gái trẻ, và vẻ giận dữ trong dáng điệu cô Levantine, rồi anh thấy cô ta chụp cánh tay cô bạn lôi đi. Có một cái gì đấy, hay có một người nào đấy, đã làm cho cô gái sợ hãi ? Anh đưa mắt nhìn quanh một lượt trên đám đông. Anh không thấy có gì bất thường. Costas vội bước nhanh ra khỏi phòng trưng bày, anh bước xuống nền nhà thấp hơn.

— Kia, thằng cha trông được lắm ! – Nadine nói nho nhỏ, gật đầu về phía bàn đăng ký.

Anna tỏ ra nghi ngại. — Chuyến bay đi Luton. Chúng ta đã định tìm một ai đó đi Luân Đôn cơ mà ?

Nadine cố giữ bình tĩnh, chỉ đáp :

— Luton là Luân Đôn đấy. Cũng như Gatwich hay là Stansted. Tất cả đều dùng để chỉ Luân Đôn hết.

— Chúng ta đến chứ ?

Nadine nhìn quanh. Không thấy Raza đâu. Chị nhìn về phía cửa vào phòng kiểm soát thông hành. Phòng này ngăn cách phòng khách bằng một tấm màn. Hành khách đi nhanh qua người cảnh sát kiểm soát giấy lên máy bay.

— Không. Chúng ta chỉ gặp hắn trước khi hắn qua đây mà thôi. Hắn sẽ không có đủ thì giờ để suy nghĩ nữa.

Chị cứ nhìn anh chàng đẹp trai, có mái tóc đẹp đang đưa vé để làm thủ tục.

Bill Hardman vui vẻ gật đầu chào người nhân viên sau quầy, anh bỏ túi chiếc vé soát thông hành. Trong suốt tuần vừa rồi, anh đã đi năm ngàn dặm. Sau năm đầu tiên, bây giờ anh đã quá quen thuộc với thức ăn, với nhiều khuôn mặt, với nhiều khách sạn, nhiều phi trường lắm rồi. Chỉ có hợp đồng mới khó thực hiện mà thôi.

Chưa đầy bốn mươi tuổi, anh ta đã được bầu làm trưởng ban kinh doanh của Công ty trong năm, hai lần trong vòng ba năm. Anh làm việc cho hãng Bio Grow, hãng sản xuất thuốc trừ sâu bán chạy nhất thế giới cho nên gia đình anh đã có mức sống khiến cho bạn bè phải ganh tỵ. Hai con gái là Debra và Kate đã đi học trường tư rất tốn kém, mà anh lại còn dành tiền tiết kiệm cho chúng vào các trương mục ngân hàng hàng tháng nữa. Bạn đồng sự thường đùa rằng nếu có một phần thưởng dành cho đức phu quân hạnh phúc nào trong năm, thì chắc Bill năm nào cũng đoạt giải.

Vì thế cho nên anh cảm thấy bực tức khi phải đi đến phòng khởi hành. Chuyến đi này rất tất bật khiến cho anh không có thì giờ để mua quà cho vợ con nữa. Lệ thường anh hay mua quà từ phương xa về cho gia đình.

— Xin lỗi ngài…

Bill quay lại.

— Xin lỗi ngài – Nadine lại nói, nụ cười rất tươi – xin làm phiền ngài một lát được không ?

— Chỉ xin hỏi ngài vài câu thôi, thưa ngài – Anna cũng tươi cười, nói thêm vào.

Bill nhìn hai cái băng chéo quảng cáo. — Các cô bán gì ?

Nadine lắc đầu.

— Không bán, thưa ngài. Chúng tôi chỉ tìm thị trường cho một loại nước hoa mới. Thưa ngài, nếu ngài giúp được chúng tôi, chúng tôi sẽ rất sung sướng được biếu ngài một chai mẫu.

Biil đưa tay nhìn đồng hồ. Chỉ còn vài phút nữa thôi. Anh để va li xuống đất :

— Được rồi. Các cô muốn gì nào ?

Anna nhìn vào tấm bảng kẹp giấy.

— Xin ngài vui lòng cho biết số chuyến bay của ngài và nơi đến của ngài.

Bill móc cái thẻ lên máy bay trong túi áo ra.

— Hàng không Britania 16 đến Luton.

— Ngài sống ở Luân Đôn à, thưa ngài ? – Anna hỏi.

— Vâng, tại Poutney.

— Tên đẹp quá – Nadine nói – Ngài cho biết tên và địa chỉ chính xác của ngài được chứ ?

Bill ngần ngừ vì lệnh của Bộ ngoại giao cấm các thương nhân không được làm như thế. Nhưng lần này chắc cũng chẳng sao đâu.

Cô gái cao lớn hơn nhìn anh cười. Cô ta có vẻ tháo vát hơn. Nadine giải thích.:

— Nếu những câu trả lời của ngài được Công ty của chúng tôi đánh giá cao, ngài sẽ được mời đến đây lại để dự lễ phát hành loại nước hoa của chúng tôi, mọi chi phí do chúng tôi đài thọ.

Chị không hề rời mắt khỏi Bill. Raza đã dặn rằng không có thằng đàn ông nào có thể chống lại, hay là nghi ngờ ánh mắt ấy được.

Bill đáp :

— William Hardman, 21 River Walk, Putney, London SW15.

Anna ghi chép.

— Thưa ông Hardman – Nadine nói tiếp – bây giờ thì xin hỏi ông vài câu. Nước hoa Hy Lạp có nhắc ông nhớ đến bờ biển hay núi non của chúng tôi không ?

Bill đáp liền : — Có chứ ! Nó gợi nhớ đến cả hai !

— Tuyệt ! – Nadine cười.

Anna ghi chép vào bảng kẹp giấy.

Nadine lại nhìn Bill :

— Nước hoa có nên tỏa thơm cả ngày lẫn đêm không ?

Bill nhớ Fiona đã nói với anh nàng thích loại nước hoa như thế nên đáp: – Rất cần.

— Tuyệt – Nadine nói – Ngài quả thật đã giúp những người đi chào hàng như chúng tôi rất nhiều.

Anna lại ghi chép thêm.

— Còn cái tên : Đêm Hy Lạp. Cái tên có gợi cho ngài hình ảnh gì không, thưa ngài Hardman ?

Bill cười.

— Âm nhạc nhẹ, thức ăn và rượu ngon, ánh trăng trên mặt biển.

— Câu trả lời thật rất thú vị.

Anna lại ghi chép.

— Tuyệt diệu quá – Nadine thở phào – Hình ảnh thật là tuyệt vời, thưa ngài Hardman.

Bill gật đầu, vẫn tươi cười.

— Tôi rất sung sướng được giúp đỡ quý cô.

Anna nhìn lên. Raza đang đứng gần đấy, nhìn máy truyền hình báo tin các chuyến bay. Hắn quay đi rồi biến mất trong đám đông. Nadine tiến đến gần Bill hơn, nhìn sát vào mặt Bill.

— Ông giúp chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi hứa là thế nào Công ty chúng tôi cũng mời ông.

Bill cười to. Chuyện thật lạ lùng khó tin quá. Anh hỏi :

— Tôi có thể đem theo vợ tôi được không ? – Fiona chắc thích lắm.

— Dĩ nhiên là được.

— Tôi có hai con gái nữa – Anh thử vận may ra sao.

— Không sao – Nadine đáp – Công ty chúng tôi rất rộng rãi.

Họ cùng cười vang. Bill nhìn đồng hồ.

— À, mẫu nước hoa biếu ngài đây – Nadine nói, chị lấy trong túi xách ra một chai đựng vi rút bệnh than B.C.

— Ông phải giữ nguyên lành cho đến khi đã qua khỏi Hải quan Anh. Đây là quy định. Tôi còn muốn ông cho phép chúng tôi chụp một tấm hình để đăng vào tạp chí của chúng tôi – Nadine nói.

Bill ngần ngừ. Anh từng nghe hình ảnh có thể được đem ra sử dụng vào các mục đích phi pháp.

— Tôi hứa không mở chai cho đến khi về nhà mà ! – Bill nói – Nhưng thực tôi không muốn chụp hình.

Nadine có vẻ tiu nghỉu.

— Thưa ông Hardman, tôi xin lỗi, tôi chỉ biếu ông chai nước hoa nếu ông bằng lòng chụp ảnh mà thôi – Chị nói nhanh lên – Bức ảnh sẽ không đem dùng nếu không có sự thỏa thuận trên giấy tờ của ông.

Chị nhìn anh ta vẻ thành khẩn.

— Àh – Bill nói, vẫn chưa quyết – Tôi không hiểu phải chăng…

Nadine bèn quyết định dứt khoát ngay. Chị nói nhanh :

— Nếu ông để chụp ảnh, tôi sẽ biếu ông thêm hai chai nữa cho hai cháu gái của ông.

Bill bèn gật đầu. Mỗi người một chai, vậy tốt quá còn gì ! Chuyện quà cáp coi như ổn thỏa. Một bức hình chụp cho tờ tạp chí nội bộ cũng chẳng có hại gì.

— Được rồi. Các cô muốn chụp hình ở đâu ?

Nadine cười khoan khoái, đưa mắt tìm vị trí thuận lợi. Bill nhìn quanh và thấy người cảnh sát đang kiểm tra thẻ lên máy bay ở nơi cửa bức màn ngăn phòng kiểm tra giấy thông hành. Bỗng anh nảy ra một ý. Anh hỏi :

— Ở đây có được không ?

— Được thôi – Nadine đáp. Chụp hình đồ heo thì ở đâu lại không được. Raza chỉ dặn cần chụp cái mặt nó là được.

Bill đưa tay ra.

— Xin cái chai, thưa cô,

Nadine đưa cho anh một chai. Bill bỏ vào vali.

— Xin hai chai kia luôn – Bill nói.

Nadine tươi cười lấy ra hai chai vi rút còn lại rồi đưa cả cho anh. Anh bỏ hết vào vali.

— Vợ ông chắc không ngại khi thấy ông chụp hình với tôi chứ ? – Nadine hỏi ghẹo anh.

— Không ngại đâu – Bill vui vẻ đáp, hai người cùng đi đến cửa ngăn.

Bỗng Nadine điếng cả người. Gã đàn ông trong quán rượu ở Công trường Hiến pháp đang đứng trước cửa ngăn. Ngay lúc ấy, chị thấy Raza. Hắn đứng bên cạnh một ki ốt bán nước ngọt, hắn chỉnh đồng hồ trên tay với đồng hồ treo tường của phi trường. Đấy là dấu hiệu báo trước cho hai người biết đang gặp nguy hiểm.

— Cô chụp nhiều ảnh không ? – Bill hỏi Anna.

— Nhiều.

— Nhưng lần này thì không được rồi !

Bill chìa thẻ lên máy bay ra, rồi vội bước nhanh qua người cảnh sát và mất tăm sau quãng hở giữa vách ngăn.

— Ê, thưa ông, trở lại đi ! — Anna la lớn, chạy theo anh ta.

Người cảnh sát chặn lại, nói cho cô ta biết không ai vào được nếu không có thẻ lên máy bay.

— Nhưng tôi phải chụp ảnh ông ấy mà – Anna la lên. Người cảnh sát nhún vai.

Anna rơm rớm nước mắt :

— Xin ngài làm ơn, ngài sĩ quan, cho tôi vào chụp hình ông ta. Việc này rất quan trọng.

Người cảnh sát đẩy cô ta sang một bên.

— Bước đi, không thì tôi sẽ bắt cô đấy !

— Đừng điên nữa ! – Nadine vội nói, kéo Anna đi – Chúng ta phải đi ngay thôi.

*

**

Trong phòng mật, Morton lấy cái điện thoại ở bàn ngủ đem sang giường. Ông lắng nghe Hans Dieter Muller đang ở trong văn phòng của ông ta tại Wiesbaden. Muller nói :

— Những bác sĩ tâm thần cho biết có rất nhiều biến chuyển tốt. Như là một tình trạng cải tà quy chính vậy. Sáu tháng trước, cô ta hiếm khi tỏ ra có cảm xúc lắm. Bây giờ thì cô ta hoàn toàn nói năng bình thường rồi.

— Bác sĩ kết luận ra sao ?

— Thoạt tiên họ cho là cô ta bị đau đớn nội tâm. Bước đầu họ đã cử một chuyên viên thật giỏi theo dõi cô ta, ông ta báo cáo là cô ấy nhất quyết không hé môi, cho nên chúng tôi dù cố gắng mấy cũng không đến gần cô được. Cho nên khi cô ta bắt đầu nói năng, vị chuyên gia về hành vi thấy đã đến lúc tìm hiểu được phần nội tâm bị ám ảnh quá nặng nề của cô ta. Trong giai đoạn cô ta bắt đầu nói năng lại, tính tình cô ta rất bẳn gắt, nóng nảy và buồn bã. Rồi bỗng cô ta tiến đến tình trạng mà chúng tôi gọi là “sóng tràn”, nghĩa là nói quá mức.

— Một loại bị ức chế phải không ? – Morton hỏi.

— Đúng thế. Ông đã nghe những cuộn băng của cô ta đọc vào thời ấy rồi, thì nay ông sẽ như nghe những đoạn thu ấy tách ra vậy. Ông sẽ có cảm giác cô ta bị những ý tưởng ấy đang đè nặng lên cô ta, như là những ý tưởng ấy đang tuôn từ trong đầu cô ta ra vậy.

— Nhân viên của ông làm thế nào để đạt được như thế ?

Im lặng một hồi. Rồi Muller nói :

— Gây tác động sinh hóa trong người cô ta. Họ đã cho cho cô ta uống loại men chống chứng trầm cảm trong suốt sáu tuần.

Người Đức thường rất giỏi trong việc dùng thuốc hỗn hợp để chữa trị bệnh tâm thần. Morton nói :

— Nhân viên của ông chắc là quá hài lòng khi thấy việc thay đổi tính nết của cô ta, không có gì phải đặt ra cho môn dược lý học ư ?

— Tuyệt đối không. Cô ta đã thôi uống thuốc trọn hai tháng rồi mà vẫn thấy không có gì thay đổi hết. Khi tính tình cô ta thay đổi, họ tin rằng sự việc đã tốt đẹp. Và sẽ kéo dài lâu.

Có tiếng máy fax trong phòng mật phát ra. Wolfie đang cho thêm nhiều tên của những phụ nữ bị chết nữa vào máy tính.

— Cô ta có nhắc nhở gì đến cô chị không, Hans Dieter ?

Muller dừng lại một hồi lâu mới đáp :

— Đây là một việc mà cô ta vẫn rất dè dặt. Sở dĩ như thế vì khi cô ta đến đây lần đầu, những nhân viên thẩm vấn đã khẳng định với cô ta rằng, đến lúc cô ta được thả, chắc chị cô ta đã chết từ lâu rồi.

— Thật bậy !

Tại Wiesbaden, vị trưởng an ninh đằng hắng giọng. Khi nói lại, giọng ông có vẻ ân hận.

— Chắc ông cũng hiểu rồi chứ ? Ngay từ đầu, ông đã dùng mọi biện pháp cố đập tan sào huyệt của chúng nó mà.

— Cô ta nghĩ gì về Raza ?

— Cô ta đã thất vọng , về chủ nghĩa tôn sùng anh hùng, cô ta đã bất bình lắm rồi. Ngay bây giờ thì cô hoàn toàn khinh thường hắn. Nhưng cô ta vẫn còn tinh thần quốc gia rất mạnh. Tình cảm với dân Ả Rập vẫn nóng bỏng trong người cô.

— Tốt lắm, Hans Dieter. Rất tốt – Morton nhẹ nhàng nói – Sáng nay ông có đến đấy không?

Muller cười vang. — Tôi sẽ đến phi trường để giải quyết công việc giấy tờ. Chuyện này không có tiền lệ đâu. Vì vậy người Đức sẽ giải quyết như cũ lại. Cả môt đống giấy tờ. Thủ tướng phải ký kết. Ông ta chắc phải nhắm mắt nhắm mũi mà ký kết.

— Xin ông báo cho Thủ tướng biết tôi rất cám ơn – Morton nói, ông gác máy.

Ông bấm số máy ở nhà của Nan. Đường dây vẫn bận. Ông bước ra khỏi giường, sang phòng mật.

— Vẫn không có gì – Wolfie nói, mắt anh chăm chú nhìn vào máy phát hình VDU. Tên tuổi những phụ nữ bị chết trong vòng cách Beirut năm trăm dặm tiếp tục hiện ra rồi biến mất trên màn hình.

— Theo Danny đã định vị nơi xuất phát lời gọi ấy, thì chắc là con ấy chết tại Athens – Morton nói.

— Tôi vẫn đang đợi tin của Costas đây – Wolfie đáp.

Morton càu nhàu rồi ông bước vào phòng ngủ lại. Ông bấm số gọi Nan. Chuông reo lần thứ ba thì nàng trả lời.

— Xin chào Nan.

— David à ! Thật quá bất ngờ, thú vị làm sao ! Em vừa ở phi trường về đây.

Số điện thoại của nàng bận rộn suốt một giờ nay.

— Buổi hội nghị ra sao ?

— Toàn chuyện đâu đâu. Không hiểu tại sao em lại đi dự – Nàng thở dài – Anh ở đâu đấy, Tel Aviv à ? Em đã nhận lời nhắc của anh.

— Không, anh ở Luân Đôn.

Anh cảm thấy nàng có vẻ kinh ngạc.

— Có phải vì chuyện đánh bom và vụ ở Trekfontein không ?

— Phải.

— Khiếp thật. Em đã nghe tin tức trong buổi hội nghị rồi.

— Steve và Dolly có mặt tại khách sạn Connaught, Nan à.

Ông nghe nàng nín thở.

— Ôi, David, khiếp thật. Em giúp gì được không ?

— Cám ơn em – rồi ông kể cho nàng nghe chuyện đám tang.

— Ôi, David ! – Nàng lại nói.

Ông cảm thấy nàng bỗng trở nên lúng túng hốt hoảng. Cả hai im lặng một hồi lâu, rồi nàng lên tiếng :

— Anh có mặt ở đây em rất sung sướng, David à. Em phải gặp anh ngay để trò chuyện…

— Chúng ta đi ăn tối được chứ ?

Lại một lần nữa nàng có vẻ ngần ngừ.

— Dạ, được.

— Nhà hàng Pháp hay Ý ?

Ông nhớ lần vừa rồi hai người ăn ở nhà hàng Ý.

— Nhà hàng Pháp chắc ngon hơn – Nan đáp.

Có cái gì không ổn rồi đây. Ông cố giữ giọng bình thản.

— Công việc suông sẻ chứ ?

Lại có dấu hiệu ngần ngừ.

— Chúng ta sẽ nói chuyện trong bữa ăn.

— Nhà hàng La Touche được chứ ? – Ông cảm thấy nhớ nàng quá.

— Được. Ở đấy không đông đúc lắm. Tám giờ nhé ? Ông thấy nàng nói năng có vẻ dân Anh quá.

— Tám giờ thì tuyệt.

— Hẹn anh đến giờ ấy – Nàng nói, rồi cúp máy.

Điện thoại reo ở phòng kế bên. Morton nghe giọng của Wolfie.

— Giữ điện thoại nhé, Matti. Tôi sẽ đi gọi ông ấy.

Morton bước nhanh vào phòng, cầm lấy điện thoại.

— Cái gì thế ?

— Rachid Harmoos. Cơ quan tình báo Mỹ cho biết hắn nằm trong danh sách bị tình nghi có dính líu đến bọn buôn lậu ma túy Columbia. Và cơ quan FBI cho biết nhân viên đặc trách về ngân khố đã làm việc mấy tháng trời để cố tìm cho được mối liên hệ giữa Harmoos với nhiều nhà băng ở Thụy Sĩ. Hai nhà băng có trương mục của Muzwaz.

Harmoos nằm trong danh sách điều tra của Morton đã một năm nay. Cho đến bây giờ vẫn chưa có gì cụ thể.

— Có gì liên hệ giữa Harmoos với Raza không ? – Motton hỏi.

— Không có gì rõ ràng hết.

— Có gì liên hệ giữa Harmoos với tập đoàn tu sĩ không ?

— Không có gì, ngoại trừ việc cùng gởi tiền vào cùng những ngân hàng với nhau. Có thể đấy là việc trùng hợp mà thôi. Giống như thời chúng ta phát hiện ra Arafat đã gởi tiền vào cùng ngân hàng với Liên Minh phòng vệ Do Thái vậy.

— Có phải cơ quan FBI và CIA gài điện thoại nghe lén Harmoos không ? – Morton hỏi gắt.

Giọng Matti nghe rất giận dữ :

— Tòa kiểm tra cơ quan tình báo hải ngoại (FISC) không chịu cho biết. Họ nói không đủ bằng chứng.

Morton chửi thề bằng tiếng Do Thái. Tòa kiểm tra Cơ quan Tình báo Hải ngoại Hoa Kỳ được thiết lập ra nhằm mục đích xác nhận việc nghe lén ở máy điện thoại của những người nước ngoài khả nghi có mối liên hệ với Hoa Kỳ. Cơ quan đóng tại Washington hoàn toàn giữ bí mật khi đang điều tra các tình huống.

— Tất cả bảy ông quan tòa đều biểu quyết không – Matti nói tiếp – Như mọi khi, họ cho không có bằng chứng. Và dĩ nhiên là không có việc chống lại họ. Gates cho biết, chỉ có cơ may là nếu ông ta trở về có nhiều bằng chứng hơn mới được.

— Chúng ta không thể đợi lâu được – Morton nói – Cho các nhân viên trong Ban Cải Tổ Nhanh hoạt động. Cho họ theo dõi quanh nhà của Harmoos và những kẻ hợp tác với hắn.

— Tôi đã làm như thế rồi, David à. Nhưng Gates lại bảo đừng làm thế. Ông ấy cho là Appleton có thể nghe được. Rồi thì lại ồn ào lên. Harmoos đã giúp hai triệu đô la để tranh cử Tổng thống đợt vừa qua. Hắn đã hứa sẽ tăng gấp đôi số tiền lên vào dịp tranh cử tháng mười một sắp tới đây.

Morton khẽ thở dài.

— Thôi được rồi, anh sẽ làm như thế này này. Tôi sẽ ra lệnh cho Danny thành lập một tổ để bay vào đấy. Anh cho Appleton biết nhân viên trong Ban Cải Tổ Nhanh đã được lệnh hành động.

— Thế cũng nguy hiểm lắm, David à – Matti nghi ngại nói.

— Thì bao giờ cũng phải nguy hiểm thôi, Matti – Morton đáp.

Sau khi gác máy, Morton lại gọi cho Danny ở Tel Aviv để nói cho ông ta biết về Harmoos.

— Tôi sẽ cho một tổ đi vào chuyến bay sắp đến – Danny hứa.

— Costas đã xuất đầu lộ diện chưa ?

— Đồ quỷ thật, chưa thấy gì hết. Tôi đã gởi tin bảo hắn phải gọi về ngay. Tôi sẽ trị cho hắn một trận.

— Thế mới được. Rồi bảo hắn gặp tôi. Tôi muốn biết hắn làm cái trò quái quỷ gì ở đấy.

*

**

Costas đi sau hai chiếc xe chạy sau chiếc Mercedes khi nó rẽ sang phải ở con đường cắt ngang thứ hai khi qua khỏi điện Acropolis. Hai cô gái ngồi phía sau xe.

Bước theo hai cô gái ra khỏi phòng khởi hành, anh thấy cô nhỏ hơn gần như muốn khóc, còn cô Levantine thì cứ nhắc cô ta nhiều lần hãy bình tĩnh đi. Cả hai người đều như sợ sệt cái gì đó, hay là sợ ai đó. Không chụp được ảnh của một hành khách mà khiếp sợ đến thế ư ? Tai sao họ lại cần chụp ảnh đến thế ? Và tại sao họ lại chọn lựa kỹ thế ? Họ không thèm quan tâm đến những người Hà Lan say rượu và những người khác mà anh thấy họ đến gần ở Công trường Hiến Pháp. Chỉ có cô gái Mỹ với anh chàng thương nhân kia. Rõ ràng là họ có kế hoạch phải làm việc với ai đó – Dù kế hoạch ra sao không biết, nhưng chắc chắn việc này không phải là công việc quảng cáo bình thường. Và trông hai người rất hồi hộp khi họ đợi ở trên vỉa hè. Khi chiếc Mercedes dừng lại, họ liền nhảy vào chỗ ngồi ở sau xe như hai con mèo hoảng sợ. Nhưng anh vẫn còn thì giờ để nhìn người tài xế. Hắn ta khoảng tuổi trung niên, ăn mặc rất lịch sự, đeo nhiều vàng trên người, là một người Ả Rập.

Thế là đủ cho Costas hăng hái theo dõi họ rồi. Anh không cảm thấy hăng hái như thế này kể từ dạo anh theo dõi anh chàng Tunisie mang chất nổ Semtex trong cái xách bác sĩ của hắn. Khi Costas đi với cảnh sát đến căn hộ của ông bác sĩ, thì họ tìm ra lượng chất nổ đủ phá tan cả thành phố Athens.

Điện thoại trên xe reo lên. Trước khi rời khỏi phi trường, anh đã hỏi nhân viên tiếp xúc với cảnh sát kiểm tra xem số đăng ký chiếc Mercedes.

— Costas – nhân viên của anh nói – Anh sẵn sàng chưa ?

— Nói đi.

— Chiếc xe đăng ký tên của người Iran anh mến yêu đấy, đó là Ali Akbar Muzwaz. Hắn có nhiều xe đăng ký tên của hắn. Chắc là hắn có nhiều gara lắm. Xe đều đăng ký cùng một địa chỉ.

Chiếc Mercedes chạy về hướng gần đến khu ngoại giao đoàn.

— Cám ơn, Taki.

— Còn chuyện nữa, Costas, tôi nghe người anh họ của anh đang tìm anh ấy.

Taki thường gọi trưởng trạm CIA là ông anh họ của anh, bây giờ anh không còn nhớ trạm hoạt động ra sao nữa. Lời gọi chắc là có gì đây. Rồi anh sẽ gọi ông trưởng trạm sau.

— Hơn hai trăm năm mươi người.

— Tôi sẽ lấy tên sau.

Khi thay lại điện thoại, Costas lấy máy MRT ra, anh bật nút lên. Một tiếng “cắc” phát ra, rồi một giọng Do Thái từ trong loa vang lên.

— Đây là Gabriel – Gọi Ha Zoafim. Đây là Gabriel gọi Ha Zoafim. Đây là…

Costas tắt cái nút phát ra lệnh đã được ghi băng của Danny truyền cho anh gọi về Tel Aviv. Ha Zoafim là mật mã trong tuần này gọi cho Mossad ; Gabriel, mật mã hiện hành của Danny.

Bây giờ thì anh đã chắc chắn chiếc Mercedes đi đâu rồi, Cosats bèn chạy chậm lại. Anh định sẽ gọi cho Danny sau, ở trong phòng mật của mình. Rồi anh có thể nói cho ông ấy nghe nhiều về hai cô gái đi chào hàng rất kỳ lạ trong chiếc xe đăng ký tên của một trong những kẻ thù lớn nhất của Israel.

*

**

Sau khi đã hỏi kỹ Nadine, Raza im lặng lái xe. Chị đã kể lại hết những chuyện xảy ra không bỏ sót một chi tiết. Lần thứ hai, hắn nhìn chiếc xe của gã đàn ông kia. Có thể hắn nằm trong cơ quan An ninh Hy lạp ư ? Nhưng tại sao một sĩ quan tình báo lại đi dò xét mấy đứa con gái ? Hay là hắn theo dõi người Mỹ đây, ? Phải chăng mấy con đĩ ngựa đang ngồi sau xe đây đụng phải một con lừa đã bị tình nghi ? Có thể hắn là thằng chạy hàng ma túy không ? Vụ này có liên quan gì đến cái chết của con đĩ ngựa kia không ? Raza lắc đầu quầy quậy. Giả sử hắn là dân của Mossad thì sao nhỉ ? Biết đâu chúng đã có hồ sơ ? Một tấm hình của Nadine chẳng hạn ? Đáng ra hắn nên hóa trang cho cô ta mới phải. Hắn lại lắc đầu. Hắn tin là bọn Do Thái chắc không theo dõi được đâu. Nhưng hắn vẫn không yên tâm.

Raza nhìn vào tấm kính. Chiếc xe đã mất dạng, hắn lái qua phải rồi lại qua phải, cho đến khi hắn đi quành đủ vòng sang đến con đường hắn đã đi trước đó. Không thấy có chiếc xe của gã đàn ông ở trước mặt.

Raza lái thêm nửa dặm nữa, rồi hắn lại làm động tác như trước. Hắn làm như thế nhiều lần trước khi đến đại lộ có căn hộ hắn ở. Đại lộ này rộng rãi, cây cối trải dài hai bên đường, vắng vẻ. Hắn lại chạy dọc theo đường rồi quay lại. Vẫn không thấy bóng dáng gã đàn ông trên xe.

Hắn cho chiếc Mercedes đậu vào lề đường, rồi để phá tan bầu không khí im lặng căng thẳng đã lâu, hắn nói :

— Tôi đi đậu xe. Về lo pha trà đi.

Costas đã để xe cách đấy hai con đường và tìm chỗ đứng trong hành lang của một khu chung cư ngay trước mặt chiếc Mercedes. Anh dùng máy MRT để đọc số khóa điện tử trên những cánh cửa.

Anh nhìn chiếc Mercedes chạy đi và mấy cô gái bước vào khu nhà ở bên kia đường. Khi thấy những cánh cửa trên hành lang đóng lại rồi, Costas đợi thêm vài phút nữa. Tên tài xế chiếc Mercedes không trở lại.

Costas rời hành lang, anh vội vã bước xuống đường.

Cửa nhà chỉ mở ra được bằng cách bấm vào khóa số gắn ở trên ô cửa. Anh ấn máy MRT vào tấm bảng số và bấm nút phát. Một hồi tiếng kêu lích kích phát ra, máy đọc được mã số các cô gái vừa dùng. Anh đẩy cửa bước vào trong, đóng cửa lại.

Hành lang dài, tối tăm. Cửa các căn hộ nằm dọc hai bên hành lang, cuối hành lang có một thang máy. Costas bước theo lớp thảm dài lót ở giữa. Anh bấm nút cầu thang máy. Tấm ván trên ô cửa mở ra tức khắc. Hai cô gái không lên lầu. Anh dừng lại nghe ngóng các cửa. Không có tiếng động ở đằng sau hai cánh cửa đầu tiên. Đằng sau cánh thứ ba phát ra tiếng nói.

Anh tìm trong túi lấy ra một núm nghe nối với một nút kim loại nhỏ bằng một sợi dây điện cách ly. Anh nhét núm nghe vào tai rồi cẩn thận áp nút kim loại vào cửa. Qua núm nghe, anh nghe giọng nói của cô gái Levantine. Cô ta đang nói về chuyện những tấm ảnh.

Thế rồi Costas cảm thấy có cái gì cứng rắn dí sát vào hông.

— Hãy gõ vào cửa đi – Raza nói nho nhỏ, hắn đang ấn mạnh nòng súng vào người Costas.

Bình luận