Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Săn Đuổi

Chương 17

Tác giả: Gordon Thomas

Người dịch: Văn Hòa – Kim Thùy

Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên

Shared by: CCG –

Morton cảm thấy bánh xe trước mũi chiếc Concorde nâng bổng lên khỏi đường băng và thấy đôi cánh bay nghiêng, vút lên không trung. Một lát sau, các bộ phận máy móc dùng hạ cánh đều co lên đưa vào bụng máy bay, và chiếc mũi khoằm nằm vào vị trí bay theo đường thẳng. Vị trí này giữ yên cho đến khi máy bay vào không phận nước Anh.

Bốn giờ đã trôi qua sau buổi họp điện đàm thượng đỉnh, chuyến bay này cất cánh.

Bên trong chiếc Concorde đã được thiết kế để tạo nên một tổng hành dinh mặt trận trên không. Ở đây, Thủ tướng Israel và những thành viên chủ chốt trong Hội đồng sẽ tiến hành cuộc chiến cuối cùng của Israel. Karshov đã dành cho Morton chiếc máy bay trong suốt chiến dịch này.

Ở sau buồng lái là cabin của Thủ tướng. Trong cabin có một giường ngủ. Tiếp theo đó là chỗ ngồi cho các phụ tá, rồi phòng họp và toalét. Phần còn lại của máy bay dùng làm trung tâm truyền tin, với thiết bị trên tám mươi triệu đô la gắn gọn gàng vào phần từ giữa máy bay cho đến đuôi.

Chiếc Concorde nghiêng bốn mươi độ khi máy tính điều khiển máy bay hướng về phía bắc. Với tốc độ bốn trăm cây số/giờ chiếc máy bay quành trên bờ bể Tel Aviv rồi nhanh nhẹn bay lên, băng qua Địa Trung Hải. Trong lúc máy bay cất cánh, những máy bay kỹ thuật nối chiếc Concorde với vệ tinh viễn thông quốc phòng đã được đặt vào vị trí cao mười nghìn dặm trên sa mạc Nagev.

— Chúng ta đã nối đường dây với Thủ tướng rồi đấy – Người sĩ quan trung tâm viễn thông nói với Morton.

Trên máy bay, chỉ có Morton mới vượt quá quyền hạn của người mặc đồ bay có bộ râu mép, người chỉ huy ba mươi chuyên viên điện tử này.

Morton quay chiếc ghế có lưng dựa cao để nhìn những màn hình cao sáu inh gắn vào vách ngăn với phòng lái. Điện bật sáng trên một màn hình rồi mặt của Karshov hiện ra. Không khí yên lặng.

— Chào anh, David.

— Xin chào Thủ tướng.

— Thủ tướng Kunzler vừa gọi điện cho tôi hay là ông ấy rất lo lắng sợ những gì anh làm có thể khiến cho Raza thù hằn nước Cộng hòa Liên bang đấy.

Kunzler đang nắm giữ chức vụ cao nhất của nước Đức thống nhất.

— Ngài đã nói gì với ông ta ? – Morton hỏi.

— Tôi nói ông ta cứ làm những gì tôi đang làm, cứ làm ngơ đi và tôi thề rằng anh không hề nói cho tôi biết – Karshov cười khúc khích.

— Xin cám ơn ngài.

Bỗng Karshov trang trọng nói :

— Hiện anh đang ngồi ở chỗ của tôi đấy, David. Anh có thấy miếng thiếc nhỏ ở bên trái của anh đấy không ? Nâng nó lên đi.

Morton nâng một miếng thiếc sơn đen áp sâu vào trong một ô vuông kiểm tra. Bên dưới hộp có hai chìa khóa sơn đỏ.

— Chìa khóa mở cửa địa ngục đấy, David à. Nếu một ngày nào đó có cơ nguy dân tộc ta bị tiêu diệt, tôi sẽ ngồi vào chỗ anh đang ngồi và vặn chìa khóa đấy. Chúng không thể nào ngăn được kho vũ khí nguyên tử của chúng ta nổ tung được. Cho dù tôi ngồi hàng giờ trên ghế ấy, tôi vẫn chưa hề nghĩ đến trận chiến cuối cùng nằm kề gang tấc với mình cả.

Morton nhẹ nhàng hạ cái nắp xuống. — Tôi hy vọng Ngài sẽ không bao giờ đóng vai Chúa cả, thưa Thủ tướng.

— Anh bây giờ rất có khả năng đóng đấy.

Sau khi khuôn mặt của Karshov đã biến mất rồi, Morton vẫn ngồi yên, lắng nghe nhân viên của ông tìm băng tần và kiểm tra tần số. Một lát sau, người sĩ quan truyền tin báo :

— Thiếu tá Nagier đang gọi trên đường dây tiếp vận số hai.

Morton quay qua màn hình.

— Có gì mới không, Danny ?

— Lính của Yertzin đã tiến vào, sáu mươi lính biệt kích tinh nhuệ, tất cả đều là cựu chiến binh ở Afghan. Họ nhờ hai nhân viên của Đô đốc đi theo để liên lạc với vệ tinh của cơ quan An ninh quốc gia NSA.

— Vệ tinh nào ?

— Vệ tinh GWEN.

Morton nhìn viên sĩ quan truyền tin. Vệ tinh “Mạng lưới Địa Ba Khẩn” (GWEN – Ground Wave Emergencywork) là một vệ tinh mới nằm trong kho vũ khí của cơ quan An ninh quốc gia NSA. Vị sĩ quan truyền tin gật đầu. Chiếc Concord đã được trang bị máy móc để nhận tin từ vệ tinh này.

— Chúng ta sẽ ráp nối với vệ tinh ấy, Danny à.

— Tôi đã yêu cầu họ nối với vệ tinh Milstar rồi.

Hệ thống trên vệ tinh này rất bí mật và rất phức tạp khi sử dụng. Nó bay quanh trái đất và liên lạc được rất nhanh, rất bảo đảm giữa các cấp chỉ huy với nhau. Danny nói tiếp :

— Chúng ta đã nghe cuộn băng của Michelle lấy được. Cũng chính người phụ nữ này nói trong những cuộn băng khác. Ngoại trừ giọng lịu trong cuộn này có phần dễ chú ý hơn. Tôi đã sao gởi một cuộn đến cho Lacouste rồi. Cuộn băng đem thẳng đến cho Nội các nghe.

— Ông ấy có nghĩ là họ sẽ nhượng bộ không ?

— Ông ấy đang cố gắng thuyết phục họ vững tâm đấy.

— Có dấu hiệu gì ở Nam Phi giúp Lester tìm ra con đàn bà này không ?

— Hoàn toàn không có. Có một toán du lịch Hy Lạp trở về vào đêm đó. Máy vi tính bị hỏng khiến cho chuyến bay hoãn lại hai giờ. Vorag cho biết người Hy Lạp phản đối ghê lắm. Theo tôi thì họ rất cầu an. Athens lại thiếu thiện chí nữa, lần thứ ba trong tháng này. Còn chuyện nữa, một máy nghe lén gài trong máy vi tính của Phòng Nhập cư cho biết các máy bay đã bị dồn ứ lại giữa La Mã và Damascus.

— Còn gì nữa không ?

— Percy West cho biết ông ta đã cho xe ra đón anh. Nhưng ông ta không đi được. Ông ấy bận báo cáo tại đại lộ Downing. Vì vậy Fuller sẽ ra đón anh. Sau đó họ sẽ gặp anh tại đại lộ Foley.

Đại lộ Foley là nơi cơ quan Mossad đặt trụ sở mật tại Luân Đôn.

— Anh đã chấm dứt công tác của Costas chưa ?

Costas Calcanis, nhân viên mật vụ của Mossad tại Athens, là người được Bitburg chỉ định đầu tiên. Vì thế mà Calcanis thường không hoàn thành nhiệm vụ của Morton giao phó. Anh ta làm việc cũng tốt đấy, nhưng nhiều lúc anh ta có phần trình diễn và hầu như ngỗ ngược. Có lẽ vì thế mà Bitburg lại thích, ông ta dùng để kiểm tra người nào đối nghịch lại với mình.

— Tôi đã mật gởi đến cho anh ta những tin chặn được. Thêm những chi tiết do Steve và Cụ Gù cho biết về người đàn bà ấy.

Mỗi nhân viên mật vụ Mossad đều có máy nghe tí hon để nhận được những lời nhắn qua vệ tinh viễn thông quốc phòng. Vì là đang trong giai đoạn thí nghiệm cho nên Calcanis cũng là người đầu tiên có máy nhỏ bỏ túi ấy để trắc nghiệm trong vùng. Danny cười toe toét.

— Lần trước chúng tôi gọi đến anh ta, máy cứ hoạt động, còn Costas thì không tắt đi. Lúc ấy anh ta đang đi xem hát, anh ta đóng vai một bác sĩ đeo máy bip bên người phòng có trường hợp khẩn gọi đến.

— Cho anh ta nghỉ việc càng sớm càng tốt. Tôi cảm thấy an tâm hơn khi Athens không còn là nơi phải lo lắng nữa.

Sau khi Danny đã biến mất trên màn hình, Morton ngồi nhìn vào đồng hồ hiện số chỉ tỉ lệ số Mac (số tỉ lệ giữa vận tốc với vận tốc âm thanh) gắn trên vách ngăn với buồng lái, con số tiến dần đến một ngàn Mac khi chiếc Concorde vượt bức tường âm thanh. Thế rồi ông lại một lần nữa nghĩ đến cách trả lời những điều người ta sẽ hỏi ông ở Đức. Cô ta đã ra sao rồi sau hai năm bị cầm tù đây ?

*

**

Còn cách khoảng năm mươi dặm và ở độ cao khoảng một ngàn rưỡi mét, chiếc Airbus của hãng Hàng không Pháp bay từ Tripoli đến Athens đã trễ mất ba mươi phút vì máy vi tính ở phòng nhập cư đã bị hỏng.

— Thưa quý bà quý ông, bất kỳ ở phi trường nào, cảnh chậm trễ như thế này cũng là một vấn đề khó khăn sẽ được giải quyết chóng vánh thôi – Tiếng xin lỗi trong buồng lái cất lên – Nhưng hiện dưới đất báo cho chúng tôi biết phi đạo đang kẹt cứng, cho nên họ muốn chúng tôi bay thêm ít vòng nữa. Tôi chắc quý ngài sẽ thông cảm cho hoàn cảnh của họ.

Raza quay về phía Nadine, chị ta ngồi ở bên cửa sổ vé hạng nhất, hắn bóp chặt hai tay chị trong tay mình. Chị cười với hắn, hai mắt long lanh vì kích động.

Trước khi rời trại, hắn đã điện thoại cho người liên lạc của tập đoàn tu sĩ Hồi giáo ở Tripoli, nói cho người này biết hắn muốn gì. Người này gọi đến Athens và ngay sau đó máy vi tính gặp phải trục trặc. Máy tiếp tục không hoạt động được thêm một giờ nữa sau khi chuyến bay đến Tripoli đã hạ cánh. Raza ngước mắt nhìn lên. Cô tiếp viên hàng không đang đứng bên cạnh hắn, tay cầm chai sâm banh, miệng cười tự nhiên.

— Ông dùng một ly khi chúng ta lượn quanh nhé ?

Hắn lắc đầu và cười để xua cô ta đi. Raza chọn Nadine để đóng cặp với hắn rất cẩn trọng. Hắn cho chị ta ăn mặc để đóng vai cô dâu mới. Chị không cần phải hóa trang. Hắn không thể làm cho chị mất nét thơ ngây được.

Trong thời gian hắn ở Moscou, người huấn luyện viên KGB đã nói rằng hóa trang càng giản dị càng tốt. Chỉ thay đổi cái chính yếu thôi, luôn luôn làm cho mình già hơn thì tốt. Raza nhuộm tóc và lông mày cho bạc ra rồi hóa trang khuôn mặt cho thành một gã trung niên. Hắn đeo cặp kính gọng màu xám. Dưới áo sơ mi, hắn mặc chiếc áo dài mỏng độn hai vai cho rộng thêm và độn bụng cho phệ ra như một tay cự phú. Mấy chiếc răng, hắn tô cho vàng ra. Hắn đeo trên ngón tay chiếc nhẫn cưới mới lóng lánh so với cái nhẫn cưới của Nadine. Cả hai đều đi du lịch bằng giấy thông hành của Pê Ru.

Tựa người qua Nadine, Raza nhìn nhiều chiếc máy bay khác đang lượn quanh trên không. — Tuyệt – hắn nói nho nhỏ – Thiên hạ sẽ nổi điên lên hơn thường ngày ở các phòng nhập cư và quan thuế. Rồi sẽ xảy ra cảnh gắt gỏng vì máy móc bị hư hỏng, cố giữ cho mọi người tiếp tục di chuyển, tránh gây phiền nhiễu. Athens quả là phi trường hắn ưng ý nhất.

Cô tiếp viên hàng không trở lại để thu hồi báo chí. Tất cả báo chí đều nằm yên trong túi bọc ở ghế ngồi trong suốt chuyến bay, Raza đưa tay lấy hết ra. Tờ International Herald Tribune rơi xuống và mở ra, tất cả các nhan đề đều viết về Trekfontein, những vụ nổ ở khách sạn và tai họa ở Athens. Raza lấy tờ báo lên, rồi vẫy tay xua cô tiếp viên đi với vẻ khó chịu.

Những bài tường trình từ Luân Đôn, Paris và Washington đều cho thấy cuộc săn lùng đang ráo riết. Cứ để cho chúng săn lùng đi. Nơi nào bị săn lùng là nơi ấy đi lại được an toàn hơn. Hắn quay sang câu chuyện viết về vụ nổ ở Athena. Chỉ có một thi thể được nhắc đến mà thôi. Bác sĩ pháp y tin rằng thi hài không nhận diện ra là một thiếu nữ mang một số chai lọ theo ; những mảnh chai đã tìm thấy lẫn lộn trong đám xương vụn. Một phát ngôn viên của cảnh sát nói rằng cô ta có thể là một người bán thuốc dạo thường thấy rất nhiều ở Athens.

Raza xếp tờ báo đưa cho Nadine. Hắn vỗ vỗ vào tay chị rồi áp miệng vào sát tai chị : — Không cần lo lắng lắm. Hơi nóng chắc đã tiêu hủy hết cả rồi.

Nadine cảm thấy hắn đã cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh, nhưng vẻ điên loạn vẫn còn đấy, hiện trên mắt trên môi hắn, rồi biến mất. Chị đưa tay âu yếm vuốt mặt hắn.

Cô tiếp viên trở lại, mang theo khăn lau ấm. Raza đưa tờ báo cho cô ta. Hắn và Nadine lấy khăn ấm lau tay rồi đưa lại cho cô tiếp viên. Không ai nói chuyện với cô ta trong suốt chuyến bay. Raza học được một bài học ở Moscou nữa, là tránh những cuộc tiếp xúc không cần thiết.

Ba mươi phút sau, họ đã qua được hai trạm nhập cư và thuế quan trót lọt. Raza đưa giấy thông hành qua quầy. Giấy thông hành được đóng dấu và trả lại cho hắn. Một viên chức thuế quan viết phấn lên hành lý hắn mà không yêu cầu mở mấy chiếc cặp da đắt tiền ra khám xét. Raza đã nghe theo lời khuyên của KGB, hắn mua loại cặp thật đắt tiền để tăng thêm vẻ sang trọng lên.

Ra ngoài phòng khách của phi trường, Raza nhanh nhẹn, khôn khéo nhìn vào đám đông. Chỉ có Cairo hay Mexico mới hấp dẫn nhiều khách đến đón máy bay thôi. Mùi thuốc lá và mùi mồ hôi nhắc Nadine nhớ đến không khí hôi hám ở vùng ngoại ô Beirut. Raza trông thấy Lila. Hắn chen qua đám đông tiến đến phía chị ta.

— Xin chào – Lila nói nho nhỏ, vừa hôn cả hai má Raza.

— Anh rất vui sướng được gặp lại em – Hắn trả lời. Hắn bỏ đi và nhìn Anna. Hắn không bước đến để ôm hôn cô ta. Cô ta cười, vẻ xanh xao buồn bã.

Sau khi Nadine đã chào hỏi lấy lệ hai người phụ nữ, họ đều bước ra khỏi phi trường, không ai nói gì với nhau hết. Chỉ có mình Nadine mới biết được sự giận dữ của Raza đang sắp bùng ra mà thôi. Anna đã nhắc cho hắn nhớ lại cảnh thất bại ấy.

Tập đoàn tu sĩ Hồi giáo đã dành cho hắn một chiếc Mercedes tại Athens. Trong lúc Anna chất va li vào thùng xe, Raza vào ngồi ở phía sau xe với Nadine. Hắn nhìn ra cửa xe, hai tay đan mấy ngón vào nhau để trong lòng. Nadine biết đấy là dấu hiệu cho thấy hắn đang lo âu.

Anna ngồi vào tay lái, chị lái xe theo hướng về Athens. Tất cả đều im lặng, không khí thật nặng nề đáng sợ. Khi vào thành phố, Lila đang ngồi ở ghế trước quay lại nhìn Raza. Chị ta nói :

— Zelda chết hoàn toàn do tai nạn.

— Đúng thế, đúng thế – Anna hăng hái đáp.

Raza rít lên trong miệng : — Chúng ta sẽ nói đến chuyện này khi tôi hỏi cô.

Hắn quay nhìn ra cửa xe. Nadine thấy Anna lo sợ ra mặt. Họ lặng lẽ lái xe về căn hộ của tập đoàn tu sĩ Hồi giáo. Căn hộ nằm ở tầng trệt, gồm ba phòng tiếp khách, năm phòng ngủ, mỗi phòng đều có phòng tắm riêng. Lại còn có một nhà bếp và một phòng ăn rộng rãi thông với hành lang rộng. Đồ đạc trong phòng nhắc cho Nadine nhớ đến vila : cũng toàn đồ gỗ chạm trổ, nặng nề, sẫm đen, và ghế dựa toàn bọc da lạc đà. Raza quay qua Anna :

— Đi pha trà đi. Khi nào xong báo cho tôi biết.

Không nói một lời, hắn bước ra hành lang, hai tay nắm chặt thanh sắt tròn trên lan can, ngẩng đầu lên nhìn mặt trời, đôi môi mấy máy không thành lời.

— Tôi biết anh ấy không hề cầu nguyện mà – Anna nôn nóng nói.

Nadine lạnh nhạt nhìn cô ta.

— Anh ấy không cầu nguyện. Anh ấy nguyền rủa những gì đã xảy ra. Tất cả kế hoạch của anh gần như hoàn toàn thất bại vì sự ngu ngốc của Zelda.

Chị đem va li của mình vào căn phòng chính dành cho chủ nhà. Phòng kê một cái giường đôi lớn, chung quanh giường kê nhiều ghế dài bọc nệm. Tủ áo quần chạy dọc theo một bức tường. Phòng tắm lát bằng đá thạch anh màu đỏ. Bỗng giọng Lila cất lên :

— Buồng tắm thường làm cho tôi tưởng tượng nhiều cảnh hấp dẫn.

Nadine quay lại. Lila đang đứng bên cạnh giường, mỉm cười. Nadine nhìn chị ta rồi nhíu mày. Lila bước đến phía chị, vẫn tươi cười. Chị ta đang mở nút áo chiếc áo khoác dài.

— Đừng cau có, cưng ! – Cô ả nói nho nhỏ. Á bước đến gần hơn, đưa tay sờ vào mặt Nadine.

— Dừng lại ! – Nadine nắm cổ tay Lila, đẩy ra.

Hai người đứng yên một lát, lượng sức nhau và chờ xem.

— Đừng cau có, cưng à – Lila lại nói.

— Tao đâu có cau có – Nadine đáp, rồi đẩy mạnh cô ta ra xa.

Lila cười tinh quái nhìn chị. Cô ả rất cần xả hơi sau những ngày quá căng thẳng vừa rồi. Tuy có Anna, nhưng khó làm cho cô ả hài lòng được. Cô ta nói nho nhỏ :

— Mày thật quá đẹp cho đàn ông đấy.

— Lila, tao yêu anh ấy – Nadine đi qua mặt Lila, chị đặt chiếc va li lên giường. Chị mở va li ra.

— Này cưng, Raza không biết yêu là gì đâu. Còn mày thì có tin thật rằng mày là người duy nhất không ? Anh ấy không bao giờ thỏa mãn đâu.

Nadine quay phắt người lại. Chị nắm trong tay con dao găm chị mang theo trong quần áo. Chị đung đưa cán dao trong tay, rồi nhanh như chớp, phóng mạnh cây dao.

Cây dao găm vào khung cửa, cách đầu Lila môt inh.

Nađine quay lại, lấy trong va li ra một con dao khác.

— Đừng nói về chồng tao như thế – Nadine gằn giọng nói. Chị bước đến lôi con dao ra khỏi khung gỗ, rồi bước lui nhìn vào mặt Lila – Mày tránh xa anh ta ra ! Và xa cả tao nữa !

Không nói một lời, Lila bước ra khỏi phòng ngủ.

Nadine lại soạn đồ tiếp trong va li ra. Chị đã học cách phóng dao khi còn nhỏ. Không ai địch nổi với chị ngoài Shema.

Shema! Từ khi rời Tripoli, chị không hề nghĩ đến người em mình. Chị biết chị vẫn còn mong muốn cho em chị được tự do, nhưng chị không muốn Shema lại đẩy chị vào hậu trường thêm một lần nữa. Chị lấy làm lạ là chị không hề thấy tội lỗi về chuyện này.

Khi Raza gọi to, kêu chị vào phòng khách với hắn, thì chị đã thấy Lila và Anna ngồi bên nhau trên một ghế dài. Tách trà nhỏ và một bình thủy tinh đầy nước trà có pha lá bạc hà tươi đã để ở trên bàn.

Bên cạnh đó là năm chai “Đêm Hy Lạp” còn lại, chứa đầy vi rút bệnh than B.c. và một thùng bìa cứng đựng hai tá chai nước hoa không.

Raza đứng dưới một bức tranh lồng trong khung mạ vàng họa hình một người có khuôn mặt hồng hào đội chiếc khăn trùm và mặc áo dài đen.

Nadine đến ngồi trong một ghế nệm, khép hai chân lại, hai bàn tay để trên bụng. Raza thích chị ngồi như thế trước công chúng. Chị thấy mạch máu hai bên thái dương hắn nhảy mạnh. Chắc là hắn đang đau đầu như búa bổ rồi. Chị đứng dậy, đến bàn rót một tách trà, đưa cho hắn.

Hắn uống trà nóng từng hớp, nuốt ừng ực, mắt nhìn Anna rồi nhìn qua mấy chai nước hoa. Tại sao con đĩ ngựa ấy lại không cố cứu lấy mấy chai nước ấy chứ ?

— Anh uống nữa không ? – Nadine vừa đỡ lấy chiếc tách trên tay hắn, vừa hỏi.

Hắn gật đầu, cặp mắt vẫn không rời Anna, ánh mắt hắn thật dữ tợn. Nadine rót cho hắn hai tách trà nữa, hắn uống hết nhưng vẫn không nói một lời. Sau khi uống hết tách thứ ba, Nadine thấy mạch máu trên thái dương hắn bớt đập. Hắn vẫy tay xua chị đi, chị trở lại ngồi vào chỗ cũ.

— Ân nhân của chúng ta – Bỗng Raza lên tiếng, vừa đưa mắt nhìn bức chân dung – Ayatollah Muzwaz tin tưởng tôi sẽ thực hiện kế hoạch của ngài thành công. Ngài tin tôi vì tôi luôn luôn nói cho ngài biết sự thực.

Hắn quay lại nhìn chiếc ghế dài, một lần nữa hắn nhìn An na. Cặp mắt hắn lúc ấy trông thật vô cảm. Khi hắn cất tiếng nói, giọng hắn bỗng dịu dàng, như hắn đang nói với một đứa bé.

— Cô có biết con ấy mang mấy cái chai đi không ?

Nadine thấy mặt cô gái có vẻ ngạc nhiên trước sự thay đổi thái độ của hắn. Anna gật nhẹ đầu, mắt nhìn xuống.

— Cô có cản nó không ?

Anna vẫn nhìn xuống, lắc đầu.

— Tại sao lại không cản ? – Raza hỏi, giọng hắn vẫn dịu dàng – Tại sao lại không ?

Anna ngẩng đầu lên. Nước mắt cô giàn giụa. — Em không nghĩ là…

Hắn nhìn cô gái, gật gù :

— Không, cô không hề nghĩ đến.

— Em xin lỗi – Anna nói nho nhỏ.

Nadine thấy nét dữ tợn lại xuất hiện trên mặt hắn. Raza quay phắt đi, nhìn vào bức chân dung. Cô ta phải bị trừng phạt. Nhưng chưa phải lúc này. Trừng phạt bây giờ chỉ tổ gây nguy hiểm cho công việc mà thôi.

Khi Raza quay lại, Nadine thấy hắn bình tĩnh trở lại.

— Đừng có mắc sai lầm thêm nữa – Hắn bình tĩnh nói.

Anna vội gật đầu. Lila và Nadine cũng gật theo.

— Rất tốt ! Vì sự việc tồi tệ đã xảy ra, nên công việc phải thay đổi – Hắn nói tóm tắt công việc, rồi bước đến bên đống chai lọ.

*

**

Ở phía đông của thành phố Paris, chiếc Concorde đang hạ cánh.

— Nội các chia làm hai phe – Lacouste nói ở trên màn hình – Một nửa muốn thả chúng ra. Nửa kia muốn giữ bọn cảm tử thêm một thời gian lâu Hơn, họ hy vọng sẽ ngăn chặn Raza mở thêm đợt tấn công nữa vào Paris.

Morton xoay người trong ghế ngồi.

— Trước đây có bao giờ xảy ra như thế đâu ? Bây giờ cũng nên thế. Nếu dân tộc ông suy yếu, thì đại sự sẽ sụp đố đấy. Tôi thấy khó mà đoàn kết họ lại quá.

— Còn những người Ý thì sao ?

— Cũng như người Đức và Hà Lan. Những chính khách của các nước này bắt đầu chống lại hiện tượng kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Chậm trễ vài giờ ở phi trường và ở biên giới là đủ cho họ quấy động cử tri lên rồi. Cử tri bèn kêu gọi các nghị sĩ. Nghị sĩ kêu gọi Thủ tướng. Thủ tướng ra lệnh cho cơ quan an ninh tìm cách dàn xếp. Chuyện như thế này đã xảy ra ở Roma và ở Hague. Nếu dân tộc ông cứ để tự do cho bọn khủng bố, thì chúng ta lại sẽ rơi vào tình trạng ngày xưa. Châu Âu sẽ giống như miếng phó mát, miếng phó mát có đủ chỗ trú ẩn cho người của Raza đến rồi đi tùy thích !

Laaouste thở dài. — Thật chó má ! Chó má ! Chó má ! Tôi sẽ đến thúc đẩy họ thêm nữa xem sao.

Khuôn mặt ông ta biến mất. Morton quay sang chiếc màn hình bên cạnh, Matti đang đợi để nói chuyện với ông tại tòa Lãnh sự Israel ở New York.

— Mạnh khỏe không, Matti ?

— Dạ, mạnh khỏe – Anh đáp – Ngay bây giờ chúng tôi đang lo công việc này đây : Năm trăm tên đầu tiên trên danh sách tôi đưa cho họ đã được Trung tâm Dò tìm và Phân tích bọn khủng bố (TRAC – Terrorist Research and Analytical Center) điều tra phân tích. Họ cho biết không hề có một con tem bưu điện nào có dấu để chứng tỏ có sự liên kết giữa bất kì người nào với Raza.

Trung tâm Dò tìm và Phân tích bọn khủng bố (TRAC) đã được cơ quan FBI thành lập sau khi những vụ cướp máy bay đầu tiên đổ đến Beirut. Nhiệm vụ đầu tiên của họ là theo dõi những sự tiếp xúc của chúng.

— Họ còn tiếp tục dò bao nhiêu tên nữa ?

— Trên bốn ngàn. Họ dự trù phải mất ba ngày nữa – Matti nói.

— Lâu quá. Họ nên làm trong hai ngày thôi, hai ngày là tối đa.

— Tôi sẽ nói với họ như thế. Tôi đã phân chia nhân viên trong nhóm Cải Tổ Nhanh để nghe lén đủ thứ, và đặt trọng tâm vào Liên Hiệp Quốc và những tòa Đại sứ Ả Rập ở Washington. Họ đã gài máy điện thoại nghe lén khắp nơi. Nhưng lại vẫn không phát hiện được gì cả.

Matti dừng lại, nhìn vào những lời ghi chú. — Bill Gates, cũng không có gì. Ông Đô đốc cũng thế. Lou cho biết ai cũng chờ vào mạng lưới điện tín…

— Còn Tòa Nhà Trắng thì sao ?

Matti nhún vai.

— Appleton vẫn không đáng tin như hồi nào.

Brent Appleton là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống. Từ ngày được chỉ định vào chức vụ này, ông ta không giấu giếm cảm tình thân Ả Rập của mình chút nào hết.

Matti nhăn mặt.

— Vấn đề thế nào cũng xấu thêm vào tháng mười một sắp đến, khi Tổng thống vận động nhiệm kỳ hai cho mà coi.

— Appleton sẽ làm gì ?

— Ông ta hành động rất mị dân, tuyên bố huỵch toẹt ra hết. Ông muốn có Hải quân à, ông ta giao cho ông đấy. Ông ta sẽ giao cho ông bất cứ thứ gì miễn là ông đừng có kế hoạch chống lại nước Ả Rập nào cả.

Natti dừng lại, lắc đầu. — Khi ngồi riêng với Tổng thống, ông ta sẽ rỉ tai Tổng thống rằng đụng đến Iran và Iraq là tương lai chính trị sẽ trở thành mây khói ngay.

Jimmy Carter đã chấm dứt nhiệm kỳ Tổng thống vì không cứu được những con tin Mỹ đầu tiên bị bắt giữ ở Trung Đông, các nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ ở Teheran. Tám năm ở trong tòa Nhà Trắng của Ronald Reagan đã bị hoen ố vì vụ tai tiếng về việc lén lút bán vũ khí cho Iran để đổi lấy tự do cho những con tin Mỹ khác ở Beirut. Chiến tranh vùng Vịnh đã chấm dứt nhiệm kỳ Tổng thống của George Bush khi mà đất nước chia rẽ trầm trọng kể từ chiến tranh Việt Nam.

Morton bèn quyết định nhanh.

— Tôi sẽ nói chuyện với Appleton. Trong lúc đó anh cứ tiếp tục kiểm tra xem hai ngàn tên tôi vừa chuyển cho anh, những tên ấy do máy tính Honeywell đưa ra đấy. Những tên ấy chắc cũng toàn là những trí thức và thương nhân cả, nhưng cũng có thể có một tên mấu chốt.

Khi hình dáng nghiêm khắc của Brent Appleton hiện ra trên màn hình thì chiếc Concorde vừa đến bờ biển nước Pháp. Trông ông lùn tịt trong chiếc ghế bành. Morton biết Appleton trông không hấp dẫn mấy nhưng lại rất thông minh.

— Xin chào đại tá – Appleton lạnh lùng cười phớt – Tôi có thể giúp gì cho ông được không ?

Morton nói cho ông ta biết về sự rạn nứt trong nội các Pháp và những diễn biến trong nội các Ý và Hà Lan.

— Tôi biết rồi – Appleton hói, ông ta đan mấy ngón tay được trau chuốt vào nhau. – Trong bối cảnh chính trị rộng rãi, tôi hiểu, và còn thông cảm nữa về phản ứng của họ. Người Ý và Hà Lan luôn luôn có mối liên hệ tốt đẹp với người Ả Rập. Trong nhiều phương diện, tất cả chúng ta nên bắt chước họ thực hiện nhiều việc như thế. Dĩ nhiên trên thực tế, công việc xảy ra với Raza đã làm khó khăn công việc giao hảo mới mẻ với thế giới Hồi giáo. Sở dĩ tôi là người đầụ tiên cho rằng ta phải hòa hoãn với Raza, là vì tôi hy vọng những cuộc thương thảo vốn mong manh giữa chúng ta và người Ả Rập có cơ đi đến kết quả thành công được.

— Nếu tôi không loại Raza ra thì không có cách nào để thương thảo được. Ngay bây giờ, tôi chỉ lo có chuyện ấy – Morton bình thản nói.

— Nhưng tôi lại thấy vấn đề rộng lớn hơn – Appleton gay gắt nói – Tổng thống không những chỉ muốn đàm thoại với Damascus thôi, mà ông còn muốn mở những cuộc đàm thoại mới với cả Teheran và Baghdad nữa.

— Thế lại càng nên loại Raza đi.

— Dĩ nhiên rồi – Appleton vội vã cướp lời – Nhưng rất nhiều người trong vùng này lại xem hắn là một anh hùng. Họ cho rằng hắn đã hành động đứng đắn. Tất cả chúng ta có thể không đồng ý chuyện này. Nhưng chúng ta phải xem xét vấn đề cho kỹ. Quan điểm của Damascus hay của Teheran rất khác biệt với quan điểm của Washington, hay của Tel Aviv.

Morton cảm thấy giận tím cả người. Ông hỏi :

— Phải chăng ông sẽ nói với Tổng thống của ông như thế ? Phải chăng thực tế không có sự khác biệt nào giữa một quốc gia buộc lòng phải tự vệ hay đã bị tấn công, và bị tàn sát và nỗi kinh hoàng khủng khiếp do Raza gây ra ?

Mấy ngón tay của Appleton duỗi ra. Khi ông ta nói, giọng ông ta nghe thật lạnh lùng như không khí ngoài máy bay :

— Thưa đại tá, chuyện tôi nói là chuyện giữa Tổng thống với tôi. Nhưng tôi xin thưa với ngài như thế này : chúng tôi sẽ làm theo khả năng của chúng tôi trong công việc ủng hộ ngài. Nhưng tôi sẽ lưu ý Tổng thống tuyệt đối không làm việc gì phương hại đến tương lai của đất nước chúng tôi.

Mặt của Morton cũng đanh lại như giọng nói của ông :

— Ông không muốn bảo đảm cho Tổng thống tái đắc cử hay sao ?

— Tôi chỉ bảo đảm Tổng thống không dấn thân vào việc xung đột vô bổ giữa ông với người Ả Rập mà thôi. – Appleton nói nhanh.

Morton thấy Appleton nhìn đồng hồ Rolex trên tay.

— Xin thưa với ông như thế này, ông Appleton. Nếu tôi phát hiện ra những gì ông nói hay ông làm có liên quan đến việc của tôi, thì ông phải chịu trách nhiệm với tôi đấy.

— Ông hăm dọa tôi đấy ư, ngài đại tá ?

— Không phải, tôi chỉ nhắc ông nhớ những gì phải dành ưu tiên. Tất cả những phương cách nào để Tổng thống của ông tái đắc cử. Nhưng đừng có hòng tôi phải trả giá đắt. Xin chúc ông môt ngày tuyệt hảo, ông Appleton.

Morton quay lưng lại trên màn hình trước khi màn hình tắt.

Ba mươi phút sau. Morton bước xuống theo đường dốc ở căn cứ không quân Hoàng gia Anh ở Northolt, chiếc Concorde phải hạ xuống đây để tránh cảnh kẹt xe ở phi trường Heathrow do những biện pháp kiểm soát an ninh nghiêm nhặt gây ra.

Wolfie đến đón ông trong chiếc xe của Chính phủ do Percy West phái đến. Morton ném cái túi xách lớn vào chỗ ngồi ở phía trước, bên cạnh anh tài xế nhà binh, rồi ông bước lên ngồi ở ghế sau xe.

Wolfie chạm nhẹ vào vai Morton. Anh nói : — Tôi chia buồn với ông, David. Fuller đã nói cho tôi biết.

— Cám ơn Wolfie – Morton vội nắm cánh tay Wolfie, – Rất sung sướng gặp anh.

Chiếc xe chạy ra khỏi sân bay, cổng ngoài phi trường có nhiều binh sĩ điều khiển chó đứng canh gác. Wolfie nói :

— Fuller nói đây là vụ nổ lớn nhất kể từ sau vụ đánh bom khách sạn Brighton của mặt trận IRA.

— Tôi chắc bọn đánh bom đi rồi. Nhưng Raza thế nào cũng còn để người lại đây.

Morton nhìn ra cửa xe, rồi quay sang Wolfie. — Michelle khỏe chứ ?

— Cô ấy khỏe. Người Ý lại phàn nàn đây. Họ lại kêu ca như mấy lần trước là cứ làm việc qua mặt họ, không xin phép họ.

Morton càu nhàu : — Nếu mình nói cho họ biết, thì tin tức lại lọt ra ngoài ngay, như lần đã xảy ra với Nidal đấy.

Hai năm trước, ông phát hiện ra chỗ nấp của Nidal ở La Mã, tại khu Trastevere. Bitburg cứ nằng nặc đòi báo cho đội Digo, đội chống khủng bố của Ý biết. Khi họ tấn công căn hộ hắn ở, Nidal đã biến mất. Chắc là đã có kẻ báo cho hắn biết.

— Bitburg lại nói xin lỗi rồi hoà thôi, Wolfie à.

Rời khỏi căn cứ không quân, xe băng qua những đường phía sau. Wolfie nói : — Có nhiều dữ kiện nhưng không rõ ràng về người phụ nữ đã chết ấy. Tôi đã đưa vào máy vi tính.

— Costas đã báo cáo gì chưa ?

— Anh ta gởi đến một bức fax cách đây một giờ. Anh ta có tin về những tên đánh bom trở về Beirut qua ngõ phía bắc Hy Lạp, anh ta đang đi theo dõi.

— Rồi sao nữa?

— Chẳng có gì. Hiện giờ anh ta đang theo dõi vụ nổ xe dầu. Một tai họa hy hữu. Bây giờ đã thấy bốn mươi người chết. Cũng may là vào đêm khuya, không thì số thương vong cũng gần bằng con số ở khách sạn.

— Có nhíều phụ nữ không ?

— Costas cho biết khoảng trên một chục người. Toàn là các bà nội trợ. Có hai cô gái điếm. Và theo họ thì có một số là dân lang thang. Anh ta bảo là có lẽ họ không nhận diện ra được con ấy.

— Tại sao họ biết con ấy là kẻ lang thang ?

Wolfie lấy trong túi ra một mảnh giấy.

— Cảnh sát Athens cho rằng con ấy là kẻ đi bán đồ dỏm bên vỉa hè, vì các bác sĩ pháp y đã tìm thấy nhiều mảnh chai vỡ nằm bên thi thể của nó.

— Loại mảnh chai gì ?

Wolfie nhìn vào tờ giấy. — Costas không cho biết. Nhưng có lẽ là những mảnh vỡ của đồ trang sức rẻ tiền. Vừa qua khi tôi đến đây, đã xảy ra tình trạng có nhiều dân đi bán hàng dỏm này, họ bán đủ thử.

— Kể cả nước hoa nữa chứ ?

Wolfìe nhìn Morton rồi lắc đầu. — Lạy Chúa Jesus, ông có nghĩ là con ấy đã mang theo thứ ấy không ?

Morton gượng cười.

— Không. Chúng ta đâu may mắn như thế.

Ông lấy tờ giấy Wolfie đưa, cẩn thận xếp lại rồi bỏ vào túi áo trong. Rồi ông nhìn ra cửa xe. Trời bắt đầu mưa. Mỗi lần ông đến Luân Đôn là trời lại mưa. Nan đã nói đấy là một điềm báo trước. Ông nhớ ông đã hỏi nàng điềm hên hay điềm xui, nàng chỉ cười bí ẩn. Đến nhà bí mật, ông sẽ gọi cho nàng.

Michelle vui vẻ đón hai người ở nhà. Ngôi nhà bí mật là một căn hộ kín đáo rộng chiếm hai tầng. Đồ đạc trang bị trong nhà trông rất đạm bạc, không có gì quý giá. Có vài bức tranh của Israel lồng khung đơn sơ treo trên tường.

Michelle ôm hôn Morton, rồi cô nói nho nhỏ :

— Em rất buồn, rất buồn về chuyện nhà không may của ông.

— Cám ơn cô.

Họ đứng yên một lát, rồi Morton bước đến thang lầu. — Tôi lên phòng nhé. – Ông nói.

Morton bước lên cầu thang, ông bước từng hai bậc một, mong chóng được ở một mình. Ngoài Ruth ra, ông không biết tìm nguồn an ủi ở ai hết.

Buồng ngủ kê một chiếc giường cũ kỹ chân cao, vải trải giường sờn cũ như thảm trải nhà. Trên bàn, ngay đầu giường có một máy điện thoại. Một cái ghế dựa gỗ cứng, một cái tủ áo đứng chơ vơ trong phòng. Một tấm màn kéo che cánh cửa sổ. Một cánh cửa thông với buồng tắm. Qua một cánh cửa khác, ông bước vào phòng mật.

Trong phòng mật, có một máy vi tính và một máy hiện hình VDU, nhiều điện thoại, một máy nghiền hủy giấy, hai máy fax và một cái tủ khóa số mật. Mấy cái ghế nhựa kê vừa đủ cho ba người ngồi trong phòng.

Cả hai máy fax đang nhận tin. Trạm ở Madrid báo cáo hải quân Tây Ban Nha đang lục soát tàu bè chạy ven bờ biển để tìm Raza. Nữ nhân viên mật vụ của Mossad ở Lisbon cho biết người Bồ Đào Nha cũng đang lục soát như thế. Gates gởi tin cập nhật của CIA : không có gì mới. Văn phòng của Đô đốc Burness báo cáo cho biết vệ tinh đã liên lạc với toán biệt kích của Yertzin rất hoàn hảo. Nhưng chưa có tin gì lạ để báo cáo hết.

Chantal đã gởi đến một tin nhắn. Lou Panchez đã gọi đến báo rằng Appleton đang bực tức, làm ồn lên về vụ ông ta bị đe dọa. Y muốn Tổng thống gọi cho Karshov. Morton xé tờ nhắn tin, vò nát rồi ném vào máy nghiền giấy.

Anwar Salim gởi một bản tường trình dài nói đủ việc về các điệp viên Ai Cập trong một nửa tá thủ đô của các nước Ả Rập hoạt động ra sao, nhưng họ vẫn chưa tìm ra tung tích của Raza. Bản tường trình này xác nhận những tờ tường trình riêng rẽ của các điệp viên Mossad trong những thành phố ấy.

Lester Finel đã gởi một báo cáo cập nhật trong ngày. Những chuyên viên câm của ông đã mở rộng phạm vi dò tìm kể cả Nhật Bản và những đồng minh châu Á của bọn khủng bố Ả Rập. Vẫn khó khăn. Loại thêm vào danh sách đáng ngờ mười bảy ngàn tên nữa.

Morton xem tờ trình tiếp theo.

Cụ Gù đang tiến hành theo một hướng mới, tìm xem cuốn băng thành hình khi nào, tìm xem thời gian Al Najaf ở tại La Mã là bao lâu, và tìm xem khoảng cách giữa khi thu băng và vụ xảy ra ở Trekfontein và những vụ đánh khách sạn là bao lâu.

Vị giáo sư thì báo cáo cho biết phản ứng của người Ả Rập đối với vụ Trekfontein và vụ đánh bom. Họ đều lên án vụ này. Phản đối mạnh mẽ nhất là ở Li Bi. Giáo sư cho rằng vị Lãnh đạo Tối cao muốn làm áp lực với Muzwar từ bỏ lời kêu gọi một cuộc thánh chiến đi.

Báo cáo sau cùng là tên tuổi và hình dạng của hàng trăm phụ nữ bị chết trong những ngày vừa qua quanh Beirut với vòng bán kính khoảng 500 dặm. Wolfie đã nói đúng. Không có ai trong số này giống người thiếu nữ bán nước hoa đã về với Đấng tối cao của chị ta.

Và không có ai chứng minh được nơi ở của Raza hết.

Khi Morton bước đi khỏi mấy máy fax thì có tiếng điện thoại reo. Danny gọi đến.

— Chúng ta đã lầm rồi ! – Ông ta không kiềm được vẻ kích động khi nói – Tôi đã thử nhiều lần trong hai mươi bốn giờ qua. Nhân viên giỏi nhất của tôi đã kiểm tra đuợc giọng nói trong lời gọi ấy.

— Về người phụ nữ chết ấy phải không ?

— Đúng thế. Chúng tôi so sánh giọng ấy với những giọng trên các điện thoại khác trong vòng bán kính ấy. Nghĩa là tôi thu hết tất cả những cuộc điện thoại trong các thành phố các thị xã trong khu vực này so với âm thanh trong lời nhắn gọi về Beirut, chúng tôi trắc nghiệm so sánh nhiều lần. Không có nơi nào có dấu hiệu tương tự…

— Vậy lời gọi ấy xuất phát từ đâu ? – Morton ngắt lời.

— Ở Athens. Chúng tôi đã kiểm tra hàng chục lần rồi. Lần nào cũng giống nhau. Cũng cái nhịp âm ấy. Rất chính xác.

— Báo cho Costas biết chuyện này nhanh đi.

Giọng thở dài của Danny nghe rất rõ từ Tel Aviv. Ông ta đáp :

— Tôi đã báo đến rồi. Anh ta không trả lời qua máy MRT.

Morton ra lệnh ngay :

— Báo cho ban mật vụ gởi một tổ đến Athens để thay thế hắn ngay. Gọi Gates báo cho nhân viên của ông ấy ở đấy biết để hợp tác với họ. Ông ấy có hai nhân viên rất giỏi ở đấy. Cứ theo dõi Costas. Tôi sẽ cho anh ta nghỉ việc.

— Tuân lệnh.

Khi Morton nói tiếp, giọng ông dịu dàng hơn : — Danny này. Nhắc nhở mọi người làm cho tốt. Và anh cũng thế.

Bình luận
× sticky