Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nàng Iđo

Chương 20

Tác giả: Gárdonyi Géza

Ngày hôm sau, Tro-bo tỉnh dậy, trong lòng vẫn còn khó chịu. Ở bàn ăn sáng, chàng chỉ nhìn thấy có mỗi chiếc tách cà phê của mình. Kể ra cũng có lần chàng ngồi ăn sáng một mình, nhưng hôm nay chàng lại cảm thấy bất bình thường.

Ban đêm, chàng trăn trở suy nghĩ mãi đến mọi chuyện, và chàng cảm thấy mình đã tỏ ra bất nhã khi nói với I-đo những lời như vậy. Nếu như I-đo lại không khóc, mà tỏ ra ương bướng, hoặc cãi lại chàng, thì chàng sẽ bình thản, coi mọi chuyện là đúng và lại bắt tay vào làm việc được, nhưng đằng này I-đo lại không cãi lại, không thanh minh cho mình câu nào như những người phụ nữ khác thường làm. Làm sao có thể hình dung được là trong một cơn mưa lớn, hai người đi đường lại không được phép đi chung dưới một cái ô được.

Chỉ riêng một lý do ấy thôi. I-đo cũng đủ để thanh minh cho mình.

Vậy mà… chàng đã dùng quá liều thuốc…

Bây giờ chàng rất mong muốn được chào I-đo một cách dịu dàng lịch sự. Hoặc nói đôi câu ấm áp để dịu đi sự việc ngày hôm qua, chàng đã nghĩ tới câu sẽ nói:

– Tôi hy vọng tiểu thư đừng tự dày vò mình nữa. Chẳng đáng phải làm như vậy. Tiểu thư hãy quên chuyện đó đi, tôi yêu cầu nàng hãy tha lỗi cho tôi, vì tôi đã quá nặng lời.

Chàng đã nghĩ tới mọi cách nói, bởi vì trong đầu chàng lúc nào cũng hiện lên khuôn mặt xanh xai, đẫm nước mắt của I-đo. Rồi sau này nữa, khi đã hết hạn “hợp đồng” chung sống, cô gái sẽ nhớ đến những ngày này như là ngày bất hạnh, chàng cảm thấy mình không được phép làm cho cô gái đó phải tổn thương.

Chàng ăn xong bữa sáng, ngồi chờ xem I-đo có ra không.

Nàng không ra mà Ka-ti lại chuẩn bị đi chợ, cái làn treo trên tay.

Cô ta chào ông chủ và hỏi xem sẽ ra chợ mua gì?

– Bà chủ bảo con ra hỏi ông xem nên mua gì ạ?

– Vì sao lại hỏi tôi?

– Bởi vì bà nhà bị ốm ạ…

– Bị ốm ư?

– Vâng, thưa ông, vì thế hôm nay bà không thể ra chợ được.

– Bà ốm thế nào?

– Con không biết ạ.

– Vào hỏi bà xem tôi vào thăm có được không?

Ka-ti ngạc nhiên, nhưng rồi cô lại nghĩ có lẽ phong tục của người Hung như vậy chăng? Cô đặt cái làn cạnh cửa rồi đi vào.

– Ông chủ hỏi bà xem ông có vào thăm bà được không?

– Không! – Giọng I-đo vẻ thảng thốt,- tự ra sẽ dậy bây giờ, em cứ đi chợ đi Ka-ti. Hãy mua cái gì mà em thấy được.

Tro-bo đứng lên nói to:

– Nếu ốm, tiểu thư cứ nằm đó đừng dậy, tôi sẽ cho mời bác sĩ.

– Không cần đâu, cám ơn ngài. Thôi Ka-ti, hãy đi chợ đi, đóng cửa vào.

Tro-bo không nói gì nữa, chàng đứng đợi một lát rồi đi vào phòng làm việc của mình.

Trên giá vẽ là bức tranh ngày lễ phục sinh để lại từ hôm thứ bảy. Chàng nhấc nó ra và đặt bảng vẽ có bức tranh con dơi lên. Chàng nhìn bức tranh vẻ đau khổ, cầm lấy cây bút lông và quệt vào hộp màu rồi bắt đầu vẽ lên tranh. Chàng vẽ màu vàng xanh làm nền, gần mặt trăng là những đám mây. Chàng vẽ vào rồi lại xóa đi, lùi xa ngắm nghía.

Bức tranh đã có nét mềm mại nhưng vẫn chưa đạt. Chàng lấy một cái khung thiếp vàng trong góc ra rồi đặt bức tranh vào đó. Chàng ngồi xuống.

Chàng ngắm nghía bức tranh rồi lại lắc đầu.

Chàng nghe thấy có tiếng gõ cửa phòng chàng.

– Xin mời.

I-đo mở cửa bước vào. Khuôn mặt nàng vẫn xanh xao như tối qua. Đôi mắt buồn bã vô hạn. Tóc nàng chải mượt ra phía sau như là hồi còn học ở trong trường dòng.

– Ngài ra lệnh gì ạ?

– Tôi chỉ định hỏi xem tiểu thư ốm ra sao thôi?

– Cám ơn ngài, tôi chỉ mệt thôi. Tôi đã ngủ ít quá. Vì thế tôi nghĩ dù Ka-ti không có tôi, vẫn nấu ăn được. Cô ta là đầu bếp chứ không phải tôi.

Nói rồi nàng nhìn xuống và đi ra.

Tro-bo bước theo nàng.

– Tiểu thư hãy đợi một chút.

I-đo dừng lại ở giữa phòng ăn. Nàng đưa mắt nhìn Tro-bo vẻ dò hỏi.

– Tôi muốn xin lỗi tiểu thư, – Tro-bo bắt đầu nói giọng nhã nhặn, môi mỉm cười, – hôm qua tôi hơi bị căng thẳng quá, chính vì cơn giông đột ngột ấy. Đêm tôi đã nghĩ khác đi, giá như buổi tối, tôi bình tĩnh được thì đã không có chuyện gì xảy ra. Tôi sẽ nói với tiểu thư những lời khác, đúng mực. Tiểu thư hãy tha lỗi, bỏ qua cho tôi. Tôi đã nói với tiểu thư những lời nặng nề, vì thế tôi chỉ dám xin tiểu thư hãy tha lỗi cho người xa lạ bất nhã này.

I-đo mở to mắt nhìn Tro-bo rồi nói:

– Ngài hoàn toàn có quyền được nói với tôi những lời đó, tôi không thể chối cãi nổi. Bởi lẽ tôi không hề biết những cư xử ngoài đời phải thế nào? Tôi không biết là mình không được phép tiếp nhận sự chú ý của các chàng trai trẻ…

– Nhưng mà tiểu thư được phép làm như vậy.

– Tôi không được đi ô cùng với đàn ông…

– Không, tiểu thư được phép bởi vì lúc đó mưa to ào ào, người ta bắt buộc làm vậy.

– Đặc biệt hơn tôi lại toàn nhảy với anh ta.

– Nhưng mà lúc đó chính tôi động viên tiểu thư cứ nhảy đi.

– Dù thế nào đi chăng nữa, thì tôi vẫn cứ vượt quá giới hạn cho phép. Nhưng mà trong đời tôi, đây là lần đầu tiên tôi nhảy với đàn ông, tôi không biết một người đàn bà đã có chồng sẽ phải với đàn ông ra sao, vì thế tôi xin ngài thứ lỗi.

Nàng nói tất cả với lời lẽ nghiêm trang, sau đó nàng nghiêng mình chào Tro-bo, rồi không đợi Tro-bo nói tiếp, nàng đi vào phòng riêng.

Buổi sáng hôm đó Tro-bo đã đặt mời mẫu đến, đó là một anh thợ thiếc mà tuần trước không có việc làm đã đi đào đất ngoài đường. Tro-bo nhìn thấy và thích cái “thần” của anh thợ cho vào bức tranh lễ phục sinh, vì thế nên chàng đã thuê anh ta đến. hôm nay anh thợ đã đứng đợi Tro-bo bên cửa, khi Tro-bo đi vào phòng làm việc.

Tro-bo thò tay vào túi, lấy ra hai mác đưa cho anh ta:

– Hôm nay tôi không vẽ, tôi sẽ nhắn anh hôm khác đến nhé!

Chàng cảm thấy xao xuyến trong lòng.

I-đo đã xử sự hoàn toàn khác với ý nghĩ của chàng. Chàng đã không biết đến những tập quán ở trong trường dòng rằng mỗi khi người nào đó bị trách mắng thì người đó không được phép cãi lại mà phải tự trừng phạt mình tiếp tục, dù rằng lời trách mắng đã ngừng lại. Tro-bo chỉ biết những dạng phụ nữ hoặc là chối đây đẩy tội lỗi của mình, hoặc là biến tội lỗi của mình thành ra ưu điểm, hoặc là đanh đá chửi rủa lại người phê bình. Những người đó thường bôi son phấn, trang điểm, chải đầu, đeo đồ trang sức để người ngoài không thể nhìn thấy bộ mặt thật của mình được.

Chàng cảm thấy I-đo khác hẳn họ. Nàng dường như quá sức khi bị kết tội nặng nề như vậy, nhưng nàng lại chỉ tự nhận đó là những lời đúng đắn. Trong những lời lạnh lùng, xấu hổ mà chàng đã nói ra thì I-đo mạnk dạn nhận lấy, và từ lúc đó nàng có gì đó cao quí, đáng trọng hơn hẳn, mặc dù trông nàng vẫn có vẻ hổ thẹn, buồn rầu. Nếu như trái tim nàng có thể bỏ ngỏ, đọc được thì ắt là sẽ không thể chứa đựng những tội lỗi xấu xa được.

– Cô gái này không thể làm chuyện xấu xa gì được?

Chàng bồn chồn đi đi lại lại trong phòng.

Sau đó, chàng lại tự bắt mình phải làm việc. Chàng căng một miếng vải bé hơn lên khung, rồi mở quyển vẽ phác thảo ra nhìn.

Từ khi được nghe ý kiến của bác Bo-laz, chàng cảm thấy mất hứng với hai bức tranh lớn kia, chàng nghĩ có lẽ chuyển sang vẽ tranh bé thì tốt hơn. Chàng đã lang thang khắp các công viên, vườn cây, hay là chợ quán. Nhiều khi chàng dừng lại ngoài đường để vẽ người, vẽ vật, vẽ nhà cửa. Và dù lúc đó đang có ánh sáng mặt trời thì chàng cố tìm ra những bóng đổ. Lúc ở nhà, chàng đã vẽ những cái đó lên những bức tranh nhỏ, rồi chàng đặt nó vào khung, như vậy chàng đã vẽ được năm mươi bức tranh nhỏ. Còn nhiều bức đang vẽ màu dở, hoặc là chàng muốn chuyển nó sang thành tranh lớn, những bức tranh nhỏ chàng đã treo đầy trong phòng khách, như ở nhà anh Mi-key.

Sau cái chết của ông già Bo-laz, trong đầu chàng luc nào cũng vương vấn ý nghĩ về khuôn mặt phụ nữ mà ông già đã từng mơ ước vẽ, đó là khuôm mặt đã mất hết sức sống, da trắng trong, đôi mí mắt đau đớn khép lại, dưới cổ là làn da mịn màng nhưng xanh xao… Đối với ông già Bo-laz thì đó sẽ thành một bức chân dung. Sự tưởng tượng đó của ông già gần giống như bức trnh bất tử của Kaul-Bach. Nhẽ ra nếu còn sống, ông già Bo-laz đã có thể vẽ trùm trên người phụ nữ mặc trang phục trắng muốt một tấm khăn voan màu đen. Cũng ý tưởng như thế, chàng đã thấy -le. Chàng còn nhớ tranh trò chơi của sóng của Bốc-klin cómtrong tranh thể vẽ được ba chân dung khác nhau và tách ra làm các tên sau:

1. Người thủy thủ già nhạo báng. 2. Gam-bri-nus kéo chuônh. 3. Khi các tiên nữ đi giầy chật.

Suy nghĩ của ông già Bo-laz thật là một tư tưởng đẹp, vĩ đại!

Chàng giở đến giữa quyển vẽ, đôi mắt chàng dừng lại: trên trang giấy có phác họa chú bé bẩy tuổi dẫn một con bò đi, nhưng con bò không muốn đi. Cái đầu hơi ngửa lên nhưng cái lưỡi vẫn còn cố vươn ra liếm vào ngọn cỏ.

Chàng cầm lấy bút lông và dùng màu đồng vẽ trên tấm vải trắng hình con bò và đứa bé, cây cối và cỏ theo như trong quyển vẽ phác họa.

Nhưng rồi chàng lại đặt đồ vẽ xuống, lắc đầu.

– Không hay rồi! Con bò không phải ở bên cạnh mà phải ở chính giữa bức tranh kia. Nhưng cũng không thể nhìn thấy thằng bé từ đằng sau lưng được: phải vẽ làm sao thấy được nét mặt của cậu bé đầy vẻ tức tối mới được.

Thật ra, chàng đã nghĩ tới những điều này từ một tuần nay, nhưng vì chàng đang bí, chưa biết cách thể hiện.

– Ôi thế mà trước kia mình có nhiều tưởng tượng kia mà! – Chàng lẩm bẩm, – thế mà giờ đây, mình cứ rã rời như người hái nho sau thu hoạch. Nữ thần nghệ thuật của mình đã chết rồi sao?

Chàng đi đi lại lại trong phòng, đầu lúc lắc:

– Nữ thần nghệ thuật của mình đã chết.

Tự nhiên chàng đứng sững lại như một con gà trống ngửng đầu để chuẩn bị gáy. Chàng reo lên:

– Nữ thần nghệ thuật đã chết! Phải rồi có thể vẽ một bức tranh lớn được đây!

Chàng vớ lấy chiếc bút chì và vẽ vội lên quyển vở một cơ thể phụ nữ nằm giữa các tán cây dầu, trên những tảng đá, bên cạnh nàng là những bông hoa rũ xuống. Nữ thần phải thật đẹp. Xung quanh nàng là những người trần đứng ngơ ngác nhìn nàng với ánh mắt xót thương.

“Nét mặt ngơ ngác và ánh mắt xót thương”. Chàng mới chỉ nghĩ được trong đầu, còn việc thể hiện trên giấy nữa, chàng đã tìm thấy hứng thú cho bức tranh.

Khi nghĩ đến thể hiện khuôn mặt của nữ thần, chàng đã thấy không dễ dàng gì.

– Mình cần phải đi tìm mẫu. Một mẫu đẹp, nhưng mà chỉ có thể tìm thấy trong bệnh viện thôi. Phải có một cô gái tóc nâu, da mặt trắng mịn và trong suốt như không còn mạch máu.

Chàng cầm lấy quyển sách và cho hộp màu vào trong túi, đội mũ lên đầu.

Đi ra, chàng nhìn vào nhà bếp, chàng chỉ thấy Ka-ti đang đứng trong bếp.

– Bà chủ vẫn không ra ư.

Cô gái lại ngẩn người ra, bởi vì phong tục của người Hung lại lạ kỳ đến thế?

– Không ạ, con chưa thấy bà ra.

Tro-bo ngẫm nghĩ một chút. Chàng dừng trước cửa bếp vài phút. Sau đó bước ra khỏi cửa nhà, nhưng rồi, đứng ở ngoài cửa, chàng lại thần người ra nghĩ ngợi một lúc.

Cuối cùng, chàng lại mở cửa bước vào nhà. Chàng dừng chân bên cửa phòng ăn. Chàng muốn hỏi I-đo xem nàng có bị đau ốm gì không?

Chàng gõ cửa phòng I-đo.

Không có tiếng trả lời.

Hừm, hay nàng đã sang hàng xóm?

Vừa lúc đó, cửa phòng làm việc của chàng mở ra, và I-đo bước ra ngoài. Trên đầu nàng buộc một chiếc khăn. Tay nàng đi một đôi găng da nai màu vàng dài đến tận khuỷu tay. Trong tay cầm một chiếc chổi lông đầy bụi. Nàng ngạc nhiên nhìn Tro-bo. Rồi mặt nàng bỗng ửng đỏ.

– Tôi tưởng ngài đã đi rồi… – Nàng nói lúng túng.

– Thì ra tiểu thư vẫn quét dọn trong phòng tôi đó ư?

– Ka-ti đang bận nấu ăn. Mà tôi cũng không dám tin giao việc này cho cô ấy.

– Thế mà tôi lại không biết điều đó đâu. Tiểu thư hãy cho phép tôi trân trọng cảm ơn tiểu thư nhiều.

Chàng cầm mũ xuống tay nghiêng chào I-đo.

– Tôi đã thấy ngài đang chuẩn bị vẽ những bức tranh mới, – I-đo càng đỏ mặt hơn khi tìm cách nói lảng đi.- Tôi đang quét dọn ở phòng ăn, sau đó tôi nghe thấy bước chân ngài đi ra ngoài cửa, tôi cứ tưởng là ngài đã đi…

Nàng lúng túng đến nỗi không nói được hết câu. Sau đó, nàng nghĩ một chút rồi lại nói tiếp:

– Xin lỗi ngài vì tôi đã nhìn các bức tranh mà không được ngài cho phép.

– Không việc gì phải xin lỗi tôi, chính tôi yêu cầu tiểu thư nếu thích thì tiểu thư hãy xem, tốt nhất, nói cho tôi biết nhận xét của tiểu thư. Những gì tiểu thư thích và chưa thích. Tiểu thư cứ tự nhiên coi phòng của tôi như là phòng nàng, thế mà tôi lại không biết tiểu thư để ý đến công việc của tôi đấy. Tiểu thư cho phép tôi giải thích các bức tranh chút ít nhé… Tôi cũng mong muốn thế mà…

Tro-bo không chờ ý kiến của I-đo, chàng bước vào phòng và giải thích cho I-đo ý đồ từng bức tranh một, cái gì còn thiếu, cái gì sẽ vẽ.

Chàng chỉ vào bức tranh Con dơi nói:

– Tôi đã không gặp may khi vẽ bức tranh này. Tên bức tranh là con dơi đấy, tôi bắt đầu vẽ nó đầu tiên, vậy mà tôi vẫn chưa cảm thấy chín muồi trong suy nghĩ.

I-đo im lặng lắng nghe như là một cô học trò đứng nghe thầy giáo giảng bài vậy, mà đó lại là một vấn đề mới lạ, hóc búa. Đến khi Tro-bo nói đến bức tranh Con dơi nàng mới nói:

– Nhưng mà chủ đề của tranh rất hay.

Tro-bo giật mình mở to mắt hỏi:

– Chủ đề của nó hay phải không? Có thể hiểu được không?

– Hiểu được, thưa ngài.

– Những gì đã thể hiện lên bức tranh không đến nỗi tồi cả chứ?

– Hình tượng con dơi còn xấu, nhưng hai giọt máu này lại chiếm ưu thế lớn, nó diễn tả một bi kịch thảm thương!…

Nàng nhìn xuống, rồi thò tay vào túi áo, rút ra một tờ giấy gấp tư:

– Hôm qua ngài có hỏi tôi rằng chiếc nhẫn này tôi mua ở đâu? Xin lỗi ngài vì lúc đó tôi không trả lời nổi. Xin mời ngài xem, đây là thư của cha tôi, và trong đó sẽ có câu trả lời.

Nàng đặt bức thư lên giá vẽ, rồi quay người đi ra.

Tro-bo cầm lấy bức thư, chạy theo đưa cho nàng:

– Cám ơn tiểu thư, tôi không cần phải đọc đâu. Hãy tha lỗi cho tôi nếu như câu hỏi đó đã xúc phạm đến tiểu thư. Tôi đã quá căng thẳng khi bị mưa, vì thế, tiểu thư hãy tha lỗi cho tôi!

– Chiếc nhẫn đã được gói trong thư, – I-đo nói mà không nhìn Tro-bo.

– Nhưng tôi xin phép…

– Không sao, ngài có quyền hỏi tôi như vậy, bởi vì ngài là người chồng trong giá thú, người chồng đó cần phải biết vợ mình có đồ trang sức từ đâu…

– Nhưng tôi vẫn xin tiểu thư tha lỗi…

– Không sao cả,

– Tôi yêu cầu tiểu thư tha lỗi và từ giờ trở đi, giữa chúng ta sẽ không xảy ra chuyện như vậy nữa. Nếu tiểu thư tha lỗi cho tôi thì hãy cho tôi hôn tay để tạ lỗi…

Nét buồn trên mặt I-đo như lạnh lùng đi. Đôi mắt nàng có một vẻ nghiêm khắc, nàng cứng cỏi nhìn Tro-bo rồi trả lời:

– Một người đàn ông xa lạ nói với tôi: Xin lỗi. Tôi trả lời là: Không có gì cả!

Tuy nói vậy, nhưng nàng vẫn đưa tay cho Tro-bo.

Sau ngày hôm đó, Tro-bo thường đi vẽ ở ngoài trời.

Có những hôm chàng đi từ sáng sớm, trở về nhà buổi tối. Những hôm đó chàng thường ăn trưa, ăn tối bằng thức ăn khô. Chỉ có buổi sáng chàng còn uống cà phê ở nhà mà thôi, sau đó chàng cầm quyển vở vẽ đi, thỉnh thoảng cũng cầm theo đồ vẽ như hộp mầu, bảng vẽ, giá vẽ có ba chân mảnh nhẹ. Buổi tối, chàng trở về, chơi vi-ô-lông một chút, sau đó đi ngủ.

Chàng không gặp mặt I-đo.

Qua các bản vẽ mang về nhà, I-đo biết Tro-bo đã làm việc cật lực. Chàng vẽ rừng, vẽ cánh đồng, đôi khi vẽ những khuôn mặt trẻ em hoặc là đầu súc vật, hoặc chân dung các ông bà già.

Một ngày mưa, chàng ở nhà cả ngày, chàng chữa những bức tranh nhỏ, hoàn thiện chúng. Chàng lấy hộp phấn màu và lấy một tờ giấy nhỏ màu ngà ngà. Chàng dùng phấn màu vẽ lên đó. Ở phòng ăn, qua cửa phòng bỏ ngỏ, I-đo nhìn thấy Tro-bo đang vẽ một chân dung, trên tờ giấy xuất hiện khuôn mặt, mái tóc nâu của một người phụ nữ, đó là một phụ nữ nông thôn với đôi má đỏ hồng, chỉ có cái trán trông hơi cao, rộng theo kiểu đàn ông, nhưng cái cằm nhẹ nhõm, hơi nhọn như cằm trẻ con. Người phụ nữ đó sẽ đẹp hơn nếu như Tro-bo vẽ đôi lông mày màu nâu. Nàng đợi xem chàng tô màu áo dưới cái cổ, nhưng chàng chỉ lia một vài đường màu mà thôi. Sau đó chàng đặt bức tranh vào một cái khung kính, và treo lên góc tường phía trên cái bàn làm việc của chàng.

I-đo trầm ngâm nghĩ:

– Trông người đàn bà này rất quen.

Sau đó trời lại nắng đẹp, Tro-bo lại đi vẽ ở ngoài trời từ sáng sớm.

Một lần I-đo nghĩ, vì sao Tro-bo lại phải đi nhiều thế? Phải chăng, Tro-bo cảm thấy lạnh lẽo trong ngôi nhà này? Không, giữa hai người không phải hoàn toàn xa lạ nhau nữa, dầu sao chàng cũng đã mang tiếng là chồng nàng. Họ chưa thể đối xử thân mật với nhau, nhưng không cần phải lạnh nhạt với nhau đến thế. Cháng dù sao cũng là một người lịch sự. Chàng vốn được phụ nữ ưa thích, nếu như chàng không bị căng thẳng bởi mưa giông. Chàng cũng sẽ có một người phụ nữ yêu quí của chàng. Sự thật chàng cũng đẹp trai, và sống có tâm hồn cao quí. Chàng không thể tỏ ra vồ vập đối với người phụ nữ nào khác người yêu quý kia được.

I-đo còn tưởng tượng một cách rất phụ nữ rằng nếu như Tro-bo cũng đối xử với nàng như là Trôr-bo Ma-chi khi lấy chiếc khăn lau giầy cho nàng, thì nàng sẽ đưa tay cho chàng hôn ra sao.

Nhưng sau đó, nàng lại tự trách mình quá mơ mộng, nàng đang ngồi ở vị trí của một người đàn bà khác bên cạnh Tro-bo.

Nàng chắc sau một năm, khi nàng đã tự do rồi, thì không phải chỉ có một Trôr-bo Ma-chi say mê nàng mà còn nhiều chàng trai nữa.

Một buổi trưa, Tro-bo ngồi ăn ở nhà. Nàng rụt rè yêu cầu:

– Thưa ngài, ngài cho phép tôi hỏi một câu.

– Xin mời tiểu thư.

– Trong thời gian này ngài rất ít khi làm việc ở nhà. Đối với tôi điều đó cũng chẳng quan hệ ảnh hưởng gì, nhưng mà ngài nên báo cho nhà bếp biết để còn trù liệu nấu ăn. Ngoài ra, nếu như ngài đi suốt như vậy, tôi sợ mọi người sẽ hiểu nhầm tôi đã làm cho ngài khó chịu phải đi, vì vậy giá như ngài có thể ăn chiều ở nhà thì tốt, còn bữa trưa tùy ngài.

Nàng đợi một chút xem Tro-bo có nói gì không, nhưng Tro-bo chỉ nhìn nàng hồi hộp. Nàng nói tiếp:

– Nếu như tôi có điều gì làm phiền ngài, thì ngài cứ nói, tôi xin cố gắng sửa chữa, tôi không muốn vì mình mà ngài khó chịu.

Tro-bo lắc đầu.

– Xin tiểu thư cứ yên tâm, không phải vì tiểu thư mà tôi đi nhiều đâu. Tiểu thư hãy cho phép tôi bày tỏ sự cảm phục những nhận xét tinh tế của tiểu thư dành cho nghệ thuật, mà tôi chưa hề tìm thấy ở người phụ nữ nào khác. Hiện nay, tôi vẽ một lúc ba bức tranh lớn, tiểu thư có nghe tôi nói về chúng không?

– Xin mời ngài.

– Bởi vì tiểu thư đã nhận xét đánh giá các tác phẩm hội họa rất nghiêm khắc cho nên tôi có thể nói rõ hơn về các bức tranh của tôi cho một người xa lạ được chăng? Tiểu thư cho phép tôi không?

– Ngài cứ nới với tôi tự nhiên như với một người lạ.

– Một lúc tôi đang vẽ ba bức tranh lớn. Tiểu thư đã được biết về hai bức cũ rồi, nhưng tôi sẽ vẽ lại tất cả. Còn bức thứ ba có tên là: cái chết của nữ thần nghệ thuật. Thực ra chủ đề này cũng đã có nhiều nhạc sĩ, họa sĩ đề cập đến. Nhưng không phải vì thế mà tôi không động đến. Tôi đã dựng cảnh mấy bức tranh đó rồi. Tôi mang ra đây cho tiểu thư xem nhé.

– Tôi đã nhìn thấy rồi, xin ngài thứ lỗi.

– Tôi rất mừng vì tiểu thư đã xem. Tôi chẳng có gì giấu tiểu thư cả. Tôi cũng chẳng giấu tiểu thư cả cái tên của bức tranh nữa, mặc dù, đối với các họa sĩ, thì có thể cho mọi người xem tranh đang vẽ, nhưng tên tranh thì họ không thể nói cho mọi người biết trước. Bởi vì, cũng có những họa sĩ ăn cắp tư tưởng chủ đề của người khác, và cho ra tranh trước cả người đã nghĩ ra nó. Nhưng tôi tin tiểu thư biết giữ cho tôi. Tiểu thư là người kín đáo, khiêm nhường, mặc dù tôi chỉ là một người xa lạ đối với tiểu thư thôi, nhưng tôi rất vui nếu như được bày tỏ tâm sự thầm kín đối với một người nào đó. Phụ nữ thường chỉ thích âm nhạc. Các bác sĩ cũng giải thích cơ quan của họ rất nhạy… Điều này chẳng liên quan gì đến câu chuyện của chúng ta. Tuy vậy, cũng có người phụ nữ, tuy họ không am hiểu về hội họa, nhưng họ lại có cái nhạy cảm rất nhanh đối với những giá trị trong bức tranh. Những người phụ nữ đó là những người có học thức. Tôi sẽ rất cảm ơn tiểu thư nếu như tiểu thư góp ý cho nghệ thuật hội họa của tôi, thâm chí cả nhược điểm nữa.

– Mời ngài cứ nói. Như vậy là ngài định vẽ một cô gái vừa chết, xung quanh có những người đứng chứ gì?…

– Đúng vây.

– Tôi không biết ngài định thể hiện gì, nhưng tôi đã nhìn thấy phác thảo của ngài, tôi hiểu đó là một khúc bi thương.

– Đúng vậy đấy, thưa tiểu thư. Tôi đã ra công tìm mẫu vẽ. Tôi đã tìm thấy một cô gái bệnh nặng trong bệnh viện, tôi đến ngay. Nhưng như tiểu thư đã biết đấy, tối nào, những người họa sĩ điêu khắc Hung cũng tụ họp tại trung tâm hội họa Luit-Pôlđ. Ở đó tôi thường gặp Hô-lô-sy một nhà bác học, một nghệ sĩ lớn. Một buổi tối, tôi nói chuyện với ông về đề tài, nền tảng của luật lệ và mối liên quan hội họa có một sự đồng nhất. Tình cờ Hô-lô-sy đã nói:

-Ber-ze-nhi là một giáo sư người Hung chân chính nhất khi ông đã dám giảng cho học sinh rằng: – Hãy quẳng xuống địa ngục những thiên thần, các nữ thánh của Hy-lạp và La-mã đi! Chúng ta thì liên quan gì đến dòng giống Hy-lạp và La-mã! Những câu chuyện thần thoại của họ quá cũ kỹ, ôi thiu rồi! Chúng đã trở nên hư hỏng rồi! – Theo giáo sư thì chúng ta phải có những tác phẩm thuộc dân tộc chúng ta để có thể sánh với thế giới.

Như vậy là vị giáo sư ấy đã giết chết cái đề tài tôi nhen nhóm trong tôi. Tôi cảm thấy ông ấy đã nói những lời chính xác! Thế là tôi phải chuyển ý định. Tôi căng toan mới. Tôi sẽ vẽ những người đứng xung quanh không giống như các diễn viên trên sân khấu nữa. Khuôn mặt cúi xuống gần cô gái phải là gương mặt thô, chất phác của một bà nông dân, còn cô gái nằm đó, phải là một cô gái có nưóc da mịn màng… thế mà, trong bệnh viện, chỉ có các có có tuổi xấp xỉ ba mươi thôi, và màu da không trắng trong mà lại mầu vàng nghệ, tôi không thể vẽ được.

– Và chân của họ lại quá thô.

– Điều đó thì không quan trọng lắm, vì đối với một họa sĩ thì có thể vẽ từ to thành nhỏ, từ nhỏ phóng ra to, từ ngắn thành dài. Nhưng mà mầu sắc cơ, mầu sắc rất quan trọng… Không thể vẽ mầu mặt giống như mầu sứ được, cũng chẳng thể giống mầu phấn được. Tôi đang đi tìm điều đó đấy. Ở đầu tôi cũng để tâm tìm dù trên đường phố hay là trong bệnh viện. Bây giờ, lẽ ra tôi đã có thể tìm được rồi, nếu như tôi không nản chí, mỗi khi tôi nghĩ đến việc tôi sẽ vẽ một thiên thần thì tôi lại nhớ đến lời Ber-ze-nhi nói.

Chàng lắc đầu, đôi mắt buồn bã.

– Tôi mới vẽ phác ra, những gì tôi đã nghĩ. Có thể đến cuối năm, tôi sẽ tìm ra được một điều gì đó hay ho hơn…

I-đo ngẩn ngơ, nhìn chàng rồi nói:

– Nhưng mà có lẽ không phải ra ngoài trời, ngài mới có thể vẽ được một chân dung như người phụ nữ tóc nâu…

Tro-bo có vẻ buồn hơn:

– Không, tôi vẽ cô ấy theo trí nhớ đấy.

I-đo không nhịn được câu hỏi cứ tuôn ra:

– Cô ấy phải chăng là người thân thiết của ngài?

Đôi mắt Tro-bo như ươn ướt nước:

– Thân thiết thôi ư?

Lẽ ra chàng định nói: “đó là em gái tôi!”

Nhưng chàng lại không nói.

Bởi vì, lúc mới cưới, đi trên tầu đến làng, chàng còn không nói kia mà. Vả lại, nếu nói chuyện gia đình, thì lại lộ ra nguyên nhân cưới vợ của chàng, nhắc đến em gái có nghĩa là động đến nỗi đâu, vì em mà chàng đã…

Vì thế chàng im bặt.

I-đo đợi một chút, sau đó lại quay trở về câu hỏi trên:

– Vậy là ngài có thể vẻ theo trí nhớ ư?

Tro-bo nhún vai:

– Điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Tôi đã nhìn thấy người nào đó thật kĩ thì dù là tôi thích họ, hoặc không thích, tôi đều có thể vẽ lại được. Còn ai mà tôi đã nhìn thấy nhiều lần thì tôi nhớ đến lúc chết. Nếu tôi chỉ nhìn thấy một lần thôi, thì tôi nhớ một thời gian. Chẳng có gì ngạc nhiên cả. Từ nhỏ tôi đã có thể vẽ như vậy được rồi, tiểu thư không tin tôi ư?

– Tôi tin thưa ngài.

– Tiểu thư không tin, tôi giải thích thêm nhé. Với những người không phải là họa sĩ thì họ nói chuyện với ai cũng vậy thôi, họ chỉ chú ý xem người ta nói gì và mặc dù nhìn nhau lâu họ cũng chẳng để ý đến đường nét, mầu sắc cử động của người kia. Họ chỉ để ý đến lời nói thôi. Đôi mắt còn bận phân tích xem đó là câu chuyện thật hay giả. Còn đối với các họa sĩ thì ngay lập tức họ phải chú ý đến mầu sắc, đường nét, trong ánh sáng khác nhau. Dưới ánh sáng mặt trời khác, dưới ánh điện khác. Các họa sĩ theo thói quen sẽ chú ý đến bóng đổ, đến độ đậm nhạt trên nét mặt, trên sống mũi, dưới đôi mắt, dưới cằm, dưới cổ. Mầu sắc cũng chênh nhau khá rõ. Thôi, tôi không làm tiểu thư chán nữa. Tốt nhất là tôi nên chứng minh trí nhớ của tôi, tiểu thư sẽ tin thôi.

Chàng với tay lấy quyển vở vẽ, giở một trang giấy trắng, chàng dùng bút chì để phác phác lên đó. Bàn tay chàng nhấn mạnh theo các nét.

I-đo ngồi bên bàn và chờ đợi.

Không đầy năm phút sau, nàng ngạc nhiên khi thấy Tro-bo vẽ chân dung của cha nàng.

Tro-bo xé tờ giấy ra và đưa cho I-đo:

– Đây xin mời.

– Cám ơn ngài.

Đôi mắt I-đo tối sầm lại. Nàng cảm thấy đau lòng vì những kỷ niệm khi nhìn thấy cha nàng.

Tro-bo nhìn nàng chăm chú.

– Tôi cũng sẵn lòng vẽ tiểu thư nếu tiểu thư muốn, vẽ lên vải sơn dầu. Nét mặt của tiểu thư rất cần cho tranh của tôi, nhưng tôi không dám yêu cầu tiểu thư.

I-đo rùng mình đứng lên. Nàng nhắc chuông gọi Ka-ti lên dọn bàn.

Tro-bo cũng đứng kên, thở dài.

– Khuôn mặt của tiểu thư đầy sức sống, mầu sắc, đôi mắt cũng rất linh động…

– Không, xin ngài hãy cho tôi ra khỏi trí nhớ của ngài. Ngay cả chụp ảnh chân dung, tôi cũng chưa bao giờ chụp cả.

Nàng hoảng sợ thực sự khi nghĩ rằng Tro-bo đã nhìn ngắm nàng hàng giờ rồi, mà không được như vậy! Chàng cần phải ngắm nhìn người phụ nữ mà vẫn viết thư cho chàng, trao dây chuyền cho chàng đeo. Có một lần nàng thấy bức thư đúng là nét chữ của người phụ nữ đó gửi đến, nhưng trên địa chỉ thì tên chị ta như là một người phụ nữ góa chồng. Tro-bo đọc thư, đôi mắt nhíu lại dữ dội. Và chàng đã viết thư trả lời một tiếng đồng hồ.

Tro-bo thở dài rồi đi vào phòng làm việc.

I-đo ngồi vào bàn may, nàng khâu và nghĩ ngợi, cuối năm sẽ có những chuyện gì? Vì chính Tro-bo cũng đã nói cuối năm sẽ có vấn đề cần làm sáng tỏ. Vậy thì, hãy đợi đến cuối năm… Lúc đó cũng sẽ kết thúc mối quan hệ hôn nhân của nàng. Chắc lúc đó, chàng sẽ lập tức lấy ngay cô gái nông thôn của chàng.

Tro-bo cũng ngồi suy tư ở trong phòng làm việc. Chàng đứng lên đi đi lại lại, vừa rà xét suy nghĩ của mình:

– Việc gì mình lại cứ phải lên gân quá đáng thế nhỉ? Lẽ ra mình không nên tỏ điệu bộ ta đây với nàng làm gì. Lẽ ra cả hai người đều có thể dễ chịu hơn nếu cùng đi đây đó ra ngoài trời, bởi vì ngay khi ở nhà chúng mình đã nói chuyện với nhau như hai người bạn tốt rồi còn gì. Dù sao thì cũng chỉ đến mùa xuân là mình chia tay với nàng thôi.

Chàng dừng lại.

Chàng trầm ngâm nghĩ ngợi.

Chàng mở cửa sang phòng bên:

– Thưa tiểu thư, – chàng vẫn đứng ở trong cửa mà nói, – tôi mạnh dạn hỏi tiểu thư xem nàng có thích đi vẽ cùng tôi không? Bởi vì, không phải lúc nào chị hàng xóm cũng có thì giờ chơi với tiểu thư được. Còn các họa sĩ, điêu khắc thì bận việc nên càng ngày càng ít lại đây thăm viếng tiểu thư. Chỉ đi khoảng nửa giờ là chúng ta sẽ ra khu rừng ngoài thành phố. Tiểu thư có thể hít thở không khí trong lành, hoặc là đọc sách, hoặc là ngồi cạnh xem tôi vẽ hay là đi dạo. Chơi ở nơi không khí trong sạch cũng là một sự thú vị.

I-đo đang ngồi cạnh bàn may, nàng cúi đầu chăm chú làm việc gì đó. Khi Tro-bo mở cửa, nàng đã vội vàng giật mình, nhét vội đồ trên tay vào ngăn kéo.

Nàng ngần ngừ suy nghĩ một chút về lời mời của Tro-bo. Ở trong trường nội trú, rồi ở nhà cha nàng, nàng đều bị nhốt như người nô lệ vậy. Có lẽ sẽ có nhiều cảnh đẹp như là những bức tranh Tro-bo đã vẽ ở nhà… Nhưng dù sao được nhìn tận mắt cũng thú hơn chứ.

Sau khi nghĩ ngợi, nàng ngẩng đầu lên nghiêm trang nói:

– Tôi rất vui được đi cùng ngài, tôi sẽ cố gắng cư xử để cho ngài thấy tôi giữ đúng lời giao ước của chúng ta, đó là chúng ta sẽ vẫn là những người xa lạ.

Tro-bo cũng nói vẻ nghiêm trang:

– Cũng có đôi khi, tôi không cảm thấy chúng ta là những người hoàn toàn xa lạ tôi xin thú thật như vậy. Ngay cả hôm nay, khi tôi thấy tiểu thư đang khâu vá là tôi lại trót quên chúng ta là những người khách lạ. Nhưng mà đôi khi trên các quãng đường đi, ta hoàn toàn có thể kết bạn đồng hành với một người mà ta vừa gặp! Nhiều khi không cần cả giới thiệu với nhau, người ta vẫn có thể nói chuyện thân mật với nhau. Thậm chí người ta còn mời nhau ăn miếng bánh, uống chút rượu nữa cơ đấy. Sau đó họ lại chào nhau: “Tạm biệt – tạm biệt” – thế là một người rẽ phải, một người rẽ trái, chỉ một giờ sau họ đã không còn nhớ gì đến nhau nữa.

– Nếu thế thì tôi sẽ thử xem sao.

– Cũng chẳng có gì là vi phạm hiệp ước của nhau khi mà ta sẵn lòng giúp nhau, ví dụ như việc tiểu thư quét dọn phòng làm việc của tôi ấy.

– Không, tôi cảm thấy đó là công việc của người phụ nữ và tôi tự giác làm.

– Thế là chúng ta đi chứ.

I-đo nhìn đồng hồ:

– Đã ba giờ rồi thưa ngài. Hãy để mai hoặc là lúc nào thuận tiện vậy.

– Nhưng mùa hè thì tám giờ tối mặt trời mới lặn cơ, thưa tiểu thư.

– Để ngày mai, chúng ta sẽ ăn trưa sớm, nếu ngài đồng ý.

– Cũng tốt thôi, ngày mai chúng ta sẽ đi nếu trời không mưa.

– Dù không mưa thì tôi cũng phải mang theo ô che mưa thôi.

Một nụ cười thoáng qua môi nàng.

Một lúc sau, Tro-bo mở cửa đi ra. Chàng không thấy I-đo trong phòng, chàng gọi to về phía phòng ngủ của I-đo:

– Tiểu thư đi đâu rồi!

Không có tiếng trả lời cũng chẳng có tiếng chân bước.

Tro-bo vội vàng đi đến bên bàn may và mở ngăn kéo.

Trong ngăn kéo có ba đôi bít tất của chàng bị thủng để trong đó. Chiếc trên cùng còn cắm chiếc kim vào và ở đầu sợi kim đã có sợi mút đã xâu sẵn.

Từ hôm đó, I-đo thường xuyên đi cùng với Tro-bo đến các vùng làng quê quanh thành phố, trên cánh đồng, ở rừng liễu… Không phải lúc nào nàng cũng mang theo ô che mưa, bởi vì không phải lúc nào giữa điệu nhảy cũng có mưa giông như lần nọ. Nhưng nàng luôn mang theo chiếc dù mỏng nhẹ che nắng.

Nàng thường ngồi sau lưng Tro-bo, chênh một chút về phía trái để nàng có hể nhìn thấy Tro-bo vẽ gì. Nàng ngồi đó, đọc sách hoặc khi Tro-bo vẽ phác họa trẻ em hoặc phụ nữ, thì nàng thân mật nói chuyện vói họ, nhắc họ ngồi yên, nếu như họ cựa quậy khác tư thế:

– Em thân mến hãy giữ nguyên đầu như lúc trước nhé.

Không bao giờ Tro-bo bắt chuyện trước với I-đo, nếu như chàng chưa xin phép I-đo. Ngược lại, nếu như cảm thấy chàng nói quá giới hạn là nàng lại tỏ ra lạnh lùng, hoặc nhìn đi chỗ khác. Những lúc như thế Tro-bo im bặt.

Có một lần, I-đo ngồi cạnh Tro-bo và đọc được nửa cuốn tạp chí Bảo ảnh của Đức mà nàng vừa mua trên đường đi. Ngày nào trên đường đi nàng cũng mua báo, tạp chí đôi lúc nàng còn mang theo tiểu thuyết để đọc.

Tro-bo nhìn xéo qua phía I-đo, mắt chàng không thể rời khỏi hình ảnh I-đo lúc đó được. I-đo đang ngồi dưới bóng mát của một cây liễu già. Trên đầu nàng là chiếc dù che nắng mầu xanh da trời cắm xuống đất, trên nữa là những cành lá xanh rủ xuống xung quanh. Nàng mặc chiếc áo lụa mầu tơ tằm. Cổ áo rộng mầu trắng, chiếc váy xanh nom rất hợp với đôi xăng-đan màu vàng nhỏ nhắn. Xuyên qua chùm lá mượt là những tia nắng dài chiếu xuống đất lốm đốm tròn. Ánh sáng chiéu lên mái dù xanh rồi chiếu xuống khuôn mặt đỏ bừng vì trời nóng của nàng, bên cạnh nàng là chiếc mũ để trên cỏ. Tóc nàng mềm mại được vấn lên, để lại một cái bóng đậm trên cái cổ màu trắng muốt.

– Tiểu thư cho phép…

– Xin mời ngài nói.

– Tiểu thư có cho phép, đôi lúc chỉ giữa hai chúng ta với nhau, tôi gọi tiểu thư bằng tên được không?

Đôi mi dài của I-đo chớp chớp, rồi nàng nghiêm trang trả lời:

– Nếu như có lí do để gọi tên, thì xin ngài cứ tự nhiên.

– I-đo, tiểu thư đẹp lắm… Tiểu thư không biết rằng tiểu thư đẹp đến thế nào đâu?

– Tôi biết! – I-đo trả lời bình tĩnh, đứng đắn.

Nàng lại cúi xuống đọc tiếp.

Lẽ ra Tro-bo định yêu cầu nàng cho phép chàng vẽ dù là một bức tranh nhỏ thôi, nhưng chàng cảm thấy I-đo sẽ từ chối ngay câu ngỏ ý, vì thế chàng im lặng và họ lại như hai người xa lạ nhau.

Rất ít trường hợp I-đo bắt chuyện với Tro-bo. Thường là những lúc Tro-bo thốt nhiên buồn bã khi thấy đoàn tàu chạy qua. Những lúc như thế, tâm hồn người mẹ, tâm hồn người phụ nữ như trỗi dậy trong nàng, nàng hỏi mượn Tro-bo quyển vở vẽ rồi nàng giở ra, và khen ngợi các bức tranh phác thảo.

– Đây đúng là cảnh chợ bán ngựa, cái ông chủ người Do thái trông mặt mũi vẻ lừa đảo, mời một con Di-gan trộm cắp mua, bức tranh này tuyệt đẹp. Nhất là vẻ láu cá trên cả hai nét mặt mà ngài đã vẽ… Vì sao ngài lại không vẽ chúng thành tranh lớn.

– Đó chỉ là phác thảo vẽ tranh nhỏ thôi. Khi nào có dịp, tôi sẽ vẽ chúng.

I-đo đã phần nào hiểu được nghệ thuật hội họa. Vào đầu tháng bẩy, triển lãm tranh có tên Glao-pa-lest lại mở. Ngay tuần đầu tiên, nàng đã cùng Tro-bo đi xem ba lần. Tro-bo giảng giải cho I-đo những giá trị và những yếu điểm của các bức tranh. Giữa những bức tranh đó cũng có một vài bức của các họa sĩ quen biết. Vói các họa sĩ đó, nàng chú ý nghe Tro-bo nói xem họ đã làm những gì. Nàng đã có thể tự mình đánh giá được các bức hình họa, và nàng hiểu khi các họa sĩ dùng từ chuyên môn để nói về làn da, hay đường nét. Nhưng dù vậy, cứ đến trước các tranh khỏa thân là nàng vẫn chưa dám nhìn.

Nàng bắt chuyện về hội họa, bởi vì nàng biết rằng Tro-bo sẽ chú ý nghe những chuyện đó, rồi những nếp nhăn buồn bã trên trán chàng sẽ giãn ra, biến mất.

Nhưng vì sao Tro-bo buồn chứ? Chắc chắn chàng không phải lo về tiền nong rồi. Đén tháng tư năm sau thôi, là chàng đã có bao nhiêu là bức tranh đem bán được, với số tiền đó, chàng có thể đủ sống một năm nữa để rồi vẽ tranh. Vậy thì vì lẽ gì? Vì sao chàng phải xa người phụ nữ mà chàng yêu? Hay là chàng chưa yêu? Những người yêu nhau họ luôn tìm đến với nhau, dù giữa họ ngăn cách bằng biển cả. Họ có thể gởi tâm hồn đến với nhau bằng các cánh thư tình. Vậy mà Tro-bo cũng ít viết thư, ngược lại, chàng nhận thư cũng không nhiều. Từ hồi ở đây đến giờ, chàng chỉ nhận được có hai lá thư. Vì vậy không phải là là họ yêu nhau lắm. Nhưng nếu chàng chưa yêu ai thì sao? Vì sao Tro-bo lại dám cưới vợ theo tin trên báo, chẳng lẽ chàng lại có một trái tim chai cứng như bằng sắt thép hay sao?!

Đôi lúc nàng cũng hỏi vì sao chàng buồn? mặc dù những câu hỏi đó, giữa những người khác lạ không thể hỏi nhau.

Những lúc vậy, Tro-bo trả lời:

– Tôi buồn vì tôi thất vọng. Tôi tưởng mình là một nhà điêu khắc kiến trúc lớn, tôi mơ tưởng xây dựng những lâu đài, thành quách vĩ đâị, nhưng thực ra thì tôi chỉ làm được những chiếc chuồng chim thôi. Cái chết của nữ thần nghệ thuật cũng là bước kết thúc của mộng tưởng trong nghệ thuật của tôi.

Cuối tháng bảy, một ngày trời mát, họ đi ô-tô điện ra khỏi thành phố. Ở ngoại ô, họ đi bộ sâu vào vùng trồng cây ăn quả I-sar, về phía cánh đồng cỏ. Thời tiết dìu dịu, gió nhẹ, nhiều mây. Tro-bo nhìn sang trái, sang phải mãi mà vẫn không tìm được nơi nào để vẽ. Nếu như ánh sáng không tạo thành bóng đậm nhạt thì không thể vẽ tranh được. Họ cứ đi tiếp.

Quãng năm giờ chiều, họ đến một cái cối xay gió, Tro-bo dừng lại trước khu vườn đó.

I-đo nhìn lên theo ánh mắt Tro-bo xem chàng chú ý cái gì? Phải chăng chàng chú ý đến hàng rào thấp bao quanh, trong khu vườn có một cây hồ đào xanh vượt lên, hay là chàng chú ý đến con đường hẹp, một bên hàng rào, còn một bên là cánh đồng. Bên đường có một cây cọc mang bảng hiệu đã bị mục nát, trên cái bảng có chữ Verboten đã bị mờ đi vì thời gian. Có thể vì vậy mà không ai đi tiếp qua cánh đồng này chăng, hay là người ta sợ các tổ ong treo thành nhiều bọng to lủng lẳng phía trên hàng rào? Các con ong đã làm tổ trên đám lau sậy mọc bên hàng rào, bên cạnh tổ ong là một cây hoa hướng dương vươn cao. Còn bên cạnh lại là một cây hồ đào già. Trên mái cối xay gió có những con chim bồ câu trắng bay lượn.

Tro-bo nhìn I-đo và hỏi:

– Chúng ta vào đây ăn chiều chứ? Có thể chúng ta sẽ kiếm gì ăn được đấy.

– Vâng, thưa ngài.

– Nếu như không có nhiều thì ít ra họ cũng có sữa chua. Sau một chặng đường đi bộ ăn sữa chua là món nhất.

Họ đi vòng quanh con đường nhỏ dẫn đến cánh cổng vào khu cối xay gió.

Trong cái sân lớn của khu nhà đầy rẫy gia cầm: những con vịt bầu, những con ngỗng, gà béo lạc lè. Mùi phân lợn ở đây đó bốc lên. Một cậu trai trẻ quãng mười lăm tuổi, dáng nông dân đang cầm cung tên nhằm bắn lũ bồ câu trên mái cối xay. Phựt, một mũi tên bay…

Một con chim bồ câu vùng vẫy rơi xuống, một bên cánh đã bị gẫy, lông chim bay tơi tả trên đầu họ.

Cậu trai trẻ nét mặt hãnh diện, nhìn con chim mình đã hạ gục. Một con chim trắng mịn màng, đã nằm gục trên đất, từ bên cánh bị gẫy máu chảy ra, còn cái cánh kia cũng không thấy cựa quậy nữa, cái đầu rũ xuống đất, từ mỏ chim ứa ra những giọt máu đỏ.

Tro-bo nhìn ngẩn ngơ con chim chết.

I-đo thốt lên: “Thảm cảnh của một thiên thần”.

Khuôn mặt ngẩn ngơ của Tro-bo vụt quay lại nhìn I-đo như là nàng vừa mới tiến hóa từ con cóc vàng thành hình dáng cô gái. Tuy vậy chàng chẳng nói gì cả.

Cậu trai trẻ bước về phía họ, hỏi xem họ là ai? Vẻ tự hào vẫn hiện trên nét mặt cậu.

– Chúng tôi muốn tìm chỗ ăn chiều, gia đình có sửa chua không?

Một người nông dân chính cống vùng Ba-vơ-rơ chạy ra, ông ta có vẻ không lạ lùng gì về yêu cầu của hai vị khách:

– Có sữa chua, mời các vị ngồi dưới cây hồ đào nhé. Chúng tôi vẫn hay ăn ở đó đấy.

– Ở đó có tổ ong, – I-đo ngần ngại nói, – chúng tôi có thể ngồi ăn ở chỗ khác được không?

– Nó không đốt đâu, thưa quý bà.

– Tất nhiên là nó không đốt chủ nhà, nhưng nó có quen chúng tôi đâu.

– Thế thì mời ông bà vào trong nhà, chúng tôi có cả mật ong, cà phê, bơ, sữa chua… Có tất cả, các vị muốn gì?

– Ông hãy mang cho chúng tôi sữa chua.

I-đo vẫn thản nhiên, vì sao Tro-bo lại nhìn nàng ngỡ ngàng như vừa rồi. Khi đã ngồi trong phòng khách và chỉ còn hai người với nhau, Tro-bo mới thốt lên giọng ngây ngất như người say rượu:

– I-đo, có tranh rồi! Tôi xin cảm ơn I-đo, cảm ơn nàng! Ôi hãy cho tôi bắt tay I-đo, cám ơn nàng! Ôi hãy cho tôi bắt tay I-đo dù rằng tiểu thư không cho phép. Tranh có rồi, chắc chắn có rồi I-đo ạ.

Trên nét mặt chàng sáng bừng một niềm vui vô tận, đôi mắt chàng ươn ướt vì xúc động. I-đo cũng không tỏ thái độ bực bội trước những lời thân mật mà chàng thốt ra. Dù sao chàng cũng đã cảm ơn nàng đem lại niềm vui.

– Như thế nào, sao cơ? – nàng ngạc nhiên.

– Thế đấy “Thảm cảnh của một thiên thần” Chính tiểu thư đã nói vậy đấy! Thế mà tôi chỉ cảm thấy thôi, còn tiểu thư mới là người phát hiện ra chủ đề ấy!

– Tôi chưa hiểu ngài nói gì.

– Tiểu thư chưa hiểu ư, nàng vẫn chưa hiểu ư? Tôi nói nhé, người phụ nữ ấy… tiểu thư vẫn chưa hiểu ư? Tôi sẽ thay hình ảnh nữ thần nghệ thuật bằng một thiên thần có đôi cánh trắng nằm soải trên đất và chảy máu. Từ khóe môi nàng máu rỉ ra! Còn con người, những người trái đất nom thật đần độn ngơ ngác đứng nhìn. Ôi, I-đo, giá mà tôi có thể hôn em được.

Bây giờ thì I-đo đã hiểu. Trái tim nàng cũng rung lên sung sướng, bởi vì không ngờ nàng đã đóng góp được một tư tưởng hay; còn người họa sĩ, một khi đã nhập tâm thì họ như say rượu. Nàng cảm thấy vui, tự hào vì điều nàng nghĩ ra và nàng cũng đã hình dung ra bức tranh của Tro-bo.

– Được, được rồi, nhưng ngài hãy ăn sữa chua đi chứ! Ngài ăn thêm cả một nửa đĩa nữa đi, tôi không ăn hết đâu, đưa đĩa đây tôi xẻ cho.

Bình luận
720
× sticky