Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nàng Iđo

Chương 10

Tác giả: Gárdonyi Géza

I-đo đắm mình vào thưởng thức những suy ngẫm về cuộc sống, như là người sau một thời gian dài khao khát ước mong giờ mới đến được nước I-ta-li-a… Nhưng lại đúng lúc rét mướt của tháng mười hai, cuối năm.

Nàng đọc sách, chơi đàn dương cầm, hay là ngồi trầm ngâm như một con thiên nga rúc đầu vào cánh trốn lạnh.

Hết ngày nọ sang ngày kia cha nàng giục nàng hãy đi mua hàng, sắp xếp lại đồ đạc trong phòng nàng, theo ý muốn, hay mua váy áo, mua hoa, mua sách, mua các bản nhạc. Nhưng Iđo chỉ mua sách, bất kể sách tốt hay xấu. Nàng chỉ mua theo tên sách. Có lúc mua đến ba, bốn quyển thỉnh thoảng nàng cảm thấy xấu hổ khi đọc một quyển sách nào đó, vừa mới đọc nàng đã cảm thấy chán ngán như cầm trong tay một của vất đi. Nàng ném nó vào lửa không thương tiếc. Nàng không hề nghĩ tình yêu giống như các câu chuyện tình trong tiểu thuyết nữa, mà nó là một cái gì đó trong sạch, không chút vẩn đục, đó là một tình cảm vĩnh viễn giữa nam giới và phụ nữ. (Nàng hiểu cái từ vĩnh viễn này như là đàn bà và trẻ con cảm thấy sự vĩnh viễn của cuộc sống trên trái đất).

Có một lần, cha nàng nhắc đến Nô-ra, và bảo I-đo nên đến chơi với cô ta.

– Cô ấy đã đến thăm con, con nên đến đáp lễ. Cô ấy cũng là một nữ nghệ sĩ và cô ấy hát thì… Chẳng phải vô ích mà cô ấy đã lớn lên giữa đàn và sáo. Con có thể đệm đàn cho cô ấy hát, như vậy con sẽ thấy thời gian thú vị hơn.

– Không, không ạ,- I-đo giật mình trả lời.

– Vì sao vậy?

– Chỉ vì…

– Một cô gái nghệ sĩ hơn cô ấy, con không thể tìm thấy trong thành phố, trong cả tỉnh đâu!

– Không, không ạ…

– Nhưng nếu cha muốn vậy.

Câu này ông nói sống sượng như là người cha bắt buộc con.

I-đo tái mặt, nàng cảm thấy nặng nề như một con thú bị nhốt trong lồng sắt bức bối. Nàng hít thở khó khăn.

Lẽ ra nàng đã có thể nói lý do vì sao nàng cảm thấy xa lạ với Nô-ra, nhưng từ nhỏ ở trong trường dòng nàng đã được dạy rằng không được phép nói lên những tật xấu của người khác, dù những tật xấu đó là sự thật cũng không được phép nói, vì thế mà lưỡi nàng cứng đơ lại.

Người cha đứng lên, cầm lấy mũ, ra lệnh:

– Chiều nay bốn giờ, cha sẽ đưa con sang chơi bên nhà cô ta!

Và ông đi ra.

I-đo ngồi đờ đẫn như bị thôi miên.

Cuối cùng nàng cựa quậy như trong giấc mơ. Nàng đưa mắt tìm chiếc áo khoác. Trong căn nhà này nàng cảm thấy bức bối như thiếu không khí.

Đi đâu bây giờ? Chỉ có ra nhà thờ hoặc cửa hàng mà thôi. Nhà thờ thì buổi chiều không mở. Còn đi các cửa hàng thì nàng không còn hứng thú.

Đôi mắt nàng dừng lại ở cửa hàng sách, thời gian còn dài, nàng muốn vùi đầu vào một công việc nặng nề để có thể quên đi nỗi buồn. Sau một giờ đồng hồ nàng đã chọn xếp ra được năm mươi quyển sách, tiểu thuyết, thơ và sách dạy nấu ăn. Trong đó còn có cả một quyển sách chỉ dành cho người làm vườn của Đức. Nàng chọn quyển đó chỉ vì bên trong có in ảnh những loại hoa.

Lẽ ra nàng còn chọn thêm nữa, nhưng vừa lúc đó có một chàng thanh niên mặc bộ đồ đen bước vào hiệu sách.

– Chúa mang ông giáo đến đấy ạ, – ông chủ hiệu sách lịch sự chào chàng thanh niên.

Họ còn bắt tay nhau nữa. Thầy giáo trẻ hỏi một cuốn sách tiếng Hi-lạp xem đã có chưa, ông chủ hiệu sách trả lời chưa có. Thầy giáo trẻ ngồi xuống chiếc ghế cạnh lò sưởi, rồi bắt chéo chân đưa mắt nhìn I-đo.

I-đo cũng tế nhị kín đáo nhìn anh chàng, đó là một chàng trai có đôi mắt trong như thủy tinh, có ria mép đen, nom có vẻ rảnh rỗi.

– Thưa tiểu thư, tôi phải gửi những quyển sách này đến địa chỉ nào ạ?- Ông chủ hiệu sách hỏi.

I-đo chợt nhớ ra, nàng còn phải giới thiệu số nhà với ông chủ hiệu sách ư? Mà thầy giáo trẻ kia sẽ nghe thấy mất…Nàng định bảo ông chủ hiệu sách rằng nàng sẽ về nhà và cho người hầu đến lấy, nhưng ông chủ hiệu sách đã bấm nút máy nói và gọi:

– Bô-đô-ky đâu rồi, hãy cầm lấy áo khoác, mũ rồi lên đây ngay nhé.

I-đo giật mình khi nghe cái tên Bô-đô-ky. Nàng sốt ruột nhìn cánh cửa thông vào phòng trong. Nàng nghe thấy tiếng chân chạy lên. Đó là cầu thang đi xuống tầng hầm, nàng nhận ra có người đang chạy lên.

Cuối cùng, có một chàng trai đầu nhỏ nhô lên đầu cầu thang. Đường viền ở đôi mặt anh ta đỏ cạch như là vừa mới khóc, hoặc là người mất ngủ. Ở cổ quấn một cái khăn màu đỏ còn nhìn rõ nút ca-ra-vat màu đen, cổ áo sơ mi hơi bẩn, thuộc loại rẻ tiền. Sau đó đến cả một thân hình gầy, xương xẩu nhô lên. Người đó mặc chiếc áo khoác đông vải thô. Đó là một anh chàng có ria mép đen, mái đầu chải mượt, hai ống chân gầy nhẵng, đôi tay đầy mùi dầu mỡ, trong tay cầm đung đưa chiếc mũ cứng màu đen, anh ta là người có cái tên Bô-đô-ky! Trông anh ta, I-đo hoàn toàn không nhận được nét nào quen thuộc.

– Cậu hay buộc tất cả những cuốn sách này và mang về nhà cho tiểu thư đây.- Ông chủ hiệu sách nói.

Bô-đô-ky với đôi bàn tay khéo léo bó đống sách vào, bọc nó vào giấy rồi nhấc lên, vừa làm anh ta vừa liếc trộm I-đo.

Khi còn trong cửa hiệu anh ta không nói gì, nhưng vừa bước chân xuống bậc cửa là anh ta bắt đầu nói:

– Thưa tiểu thư chúng ta đi đến đâu?

– Đi đến phố Fuđ-rô, nhà của ông Ô. Pê-ter. – I đo trả lời và theo dõi thái độ anh thanh niên. Nàng rất bồn chồn xem anh thanh niên có phản ứng ra sao khi nghe tên cha nàng.

– Nhà ông Pê-ter ư? Ông All. Pê-ter phải không?- Anh chàng hỏi và nét mặt sáng lên.

– Anh có quen ông ấy ư?

– Ôi, sao lại không kia chứ?- Bô-đô-ky mỉm cười- Tôi biết ông ấy khi tôi còn bé tí, còn bây giờ tôi lại là khách của ông ấy đấy. Tôi đã được dự những tối vui động trời ở nhà ông ấy. Ông ấy thật hóm hỉnh, vui tính.

– “Vui động trời”?- I-đo ngạc nhiên hỏi.

– Đúng thế đấy, – Bô-đô-ky gật đầu vui vẻ,- tất cả các buổi tối thứ bẩy, ở những tối vui đó cũng có nhiều loại người, cũng có khi vắng hơn,… nhưng bình thường phải có đến hai mươi người,… Lúc nào rượu cũng loại ngon nhất. Ông dược sĩ Stern còn là một cây tếu đấy. Tiểu thư không biết ông ta ư? Rồi ông ta sẽ chở đến tặng tiểu thư hàng đống nước hoa các loại: bởi vì tiểu thư là bà chủ mới nhất của ông Pê-ter, thay thế cô Er-zi chứ gì? Ông Pê-ter thì thay người nhanh lắm, cứ như là cảnh trong phim: ”Tôi sẽ mang con gái tôi về nhà” vậy. Ông Pê-ter nói câu đó rất nghiêm chỉnh và cho tiền, tặng quà, thế là tất cả các cô gái đều biến đi theo kiểu vậy. Rồi mai đây sẽ đến lượt tiểu thư thôi. Nhưng tôi thấy tiểu thư là người thông minh nhất trong các cô gái đã đến ở với ông Pê-ter từ trước tới nay đấy. Thế mà các tôi lại cứ tưởng tiếp theo chân Er-zi là cô Nô-ra kia đấy. Cô Nô-ra cũng khôn, cô ta không tỏ ra dễ dàng với ông Peter đâu. Cô ta tinh ranh như một con cáo mà lại đong đưa như một con sáo ấy. Cô ta huýt sáo rất cừ, nhưng chỉ có một buổi tối là cô ta đến huýt sáo, hát và nhảy với chúng tôi thôi. Cô ta nhảy mới điên chứ, nhảy trên bàn…! Tiểu thư cũng sẽ nhảy chưa? Không ư? Thôi được đến tối chúng ta sẽ biết. Tôi sẽ mời tiểu thư kiên nhẫn đến mức đôi chân tiểu thư cũng phải ngó ngoáy thôi… Nô-ra sẽ tức điên lên nếu biết tôi nói gì đấy, vì cô ta đang tìm cách chài ông già Pê-ter đấy…

I-đo ngơ ngác hỏi lại.

– “Chài” là cái gì?- Giọng nàng nghèn nghẹn.

– Tiểu thư muốn biết chài là gì ư? Chúng ra hãy đi chậm lại một chút kẻo tiểu thư cảm thấy mệt. Chài có nghĩa là xỏ mũi, một từ mà dân Do Thái hay dùng, à mà không phải là từ của dân Do Thái, chính là từ của nước I-ta-li-a. Người Do Thái chỉ hay đọc sách của Gớt mà Gớt lại dịch cuốn cel-li-ni, cho nên họ thường áp dụng từ ngữ đó. Tôi biết điều này qua ông giáo vừa nãy ở trong hiệu ây. Ông ta là một triết gia lớn đấy (anh chàng chuyển sách xuống tay). Ôi ngần này quyển sách! Tiểu thư thích đọc sách lắm ư? Chưa bao giờ có cô gái nào thích đọc sách lại ở với ông Pê-ter đâu. Trong bọn họ còn có cả người không biết đọc nữa cơ. Tên cô ta là gì nhỉ? (Anh chàng đăm chiêu nhìn vào khoảng không, cố nhớ). À Ku ki, tên cô ta là Ku-ki. Tất nhiên, tên thật cô ta không phải vậy mà là Ka-rô-lin hay gì đó kia. Chắc cũng chẳng phải là Ka-rô-lin đâu, bởi tên chúng tôi hay gọi là Kri-nô-lin kia, đó là tên phụ, biệt danh của cô ta. Ông Pê-ter đặt cho mỗi cô một cái biệt danh ngộ nghĩnh. Tiểu thư còn chưa có biệt danh nào ư? Chắc đến tối sẽ có đấy.

Một cỗ xe ngựa bốn bánh lướt trên đường phố ngay sát cạnh họ, nhưng I-đo không buồn ngước lên nhìn cỗ xe lẫn người ngồi trong. Nàng cũng không thèm rảo chân để tránh bùn trên bánh xe văng lên váy. Nàng cảm thấy nỗi buồn tràn ngập trong tâm hồn, khi nàng hiểu rõ thêm về cuộc sống của cha nàng.

Bô-đô-ky còn huyên thuyên nhiều nữa. Anh ta nhún nhẩy trên đôi cẳng gầy, nói luôn miệng: I-đo chỉ nghe thấy âm thanh giọng anh ta nói chứ nàng không hiểu được điều gì nữa.

Nàng rảo bước nhanh hơn khiến Bô-đô-ky phải chạy theo thở hổn hển, họ đã về đến phố nhà nàng.

– Anh hãy mang gói sách vào cửa hiệu, rồi người hầu của tôi sẽ mang lên nhà cho tôi. Cảm ơn anh.- Nàng nói với Bô-đô-ly, gật đầu chào lạnh lùng, bỏ đi, mặc cho Bô-đô-ky còn ngơ ngác khi dừng lại trước nhà.

Buổi chiều, đúng bốn giờ, cha nàng mở cửa vào phòng I-đo. Ông đội trên đầu chiếc mũ phớt, thắt ca-ra-vat màu vàng rơm. Khuôn mặt mới cạo trông tươi tỉnh. Ông nhìn vào gương vuốt ria mép. Quần áo ông thơm mùi nước hoa.

– Xong chưa con của cha?

Không trả lời cha, I-đo với tay lấy chiếc mũ, quay người lại.

Người cha rất ngạc nhiên khi thấy đôi mắt con gái đỏ hoe còn đầy nước mắt. Khuôn mặt xanh xám nổi lên những chấm đỏ.

– Con làm sao đấy?

– Con nghe lời cha đây. – I-đo lẩm bẩm, – con tự buộc mình phải làm theo lời cha.

Nước mắt tràn khỏi bờ mi.

Không, con không thể đi chơi như thế này được,- người cha lạnh nhạt nói, – con không hiểu à… Con bị sao vậy?

-Con vâng lời cha đấy, – I-đo nhắc lại, đôi môi run rẩy mím chặt.

Ông Pê-ter cau đôi lông mày:

– Cứ như là cha nhìn thấy hình ảnh của mẹ con ấy. Nếu bà mà đã không thích ai là không thể dung hòa nổi. Rồi mỗi lúc phải làm việc gì trái ý là bà ấy khóc.

Ông quay người bước đi, nhưng bước đến đầu cầu thang thì dừng lại. Tiếng chân bước vào cửa phòng. I-đo ngồi bên cửa sổ, đôi mắt đẫm lệ nhìn lên những đám mây trên trời. Nàng không quay lại nhìn cha nàng.

Ông Pê-ter đứng đó một lát. Đôi lông mày nhíu vào, sau đó ông quay người bỏ đi. Từ ngày đó, trái tim người cha của ông Pê-ter dường như bị nguội lạnh. Hai cha con rất ít gặp nhau. Trước bữa ăn chiều không bao giờ có mặt ông ở nhà, bữa trưa chỉ có mỗi mình I-đo ngồi ăn.

Thời tiết đã có nắng, ấm áp hơn.

I-đo chỉ ngồi trong phòng đọc sách, hoặc là đăm chiêu nhìn ra ngoài cửa sổ. Nàng không tiếp xúc với ai ngoài cô gái câm điếc.Cả bữa ăn trưa, ăn chiều của I-đo đều do cô gái này phục vụ. Nàng đi nhà thờ cô gái này cũng đi theo nàng. Khi nàng không giao việc gì nữa thì cô gái lại ngồi khâu vá bên ngoài cửa phòng I-đo.

I-đo chỉ ngồi trong nhà như một người nô lệ. Nàng rầu rĩ , khóc lóc. Nàng xanh xao ngồi trong chiếc ghế bành. Muốn đọc được sách, nàng bắt mình phải tập trung lắm mới đọc nổi, những chữ cái vẫn cứ nhảy nhót lung tung. Nàng cứ nhìn mãi vào một trang sách mà không hiểu nói gì, có khi nàng chỉ đọc đến dòng thứ ba là đã mệt mỏi đặt sách xuống.

Những ngày đó, nàng rất hay cầu nguyện. Sáng nào nàng cũng đi nhà thờ đều đặn, nàng chắp tay khẩn cầu, nước mắt giàn giụa trước bức tượng Ma-ri-a, như là hình ảnh cô gái đội mũ da hải ly nàng đã thấy hôm nào.

Một ngày nắng đẹp trời, nàng đến mộ mẹ nàng khóc than:

– Ôi, mẹ dịu hiền của con, mẹ là người duy nhất yêu con!… Vì sao mẹ không mang con đi theo với?!

Một buổi trưa, cha nàng lại có mặt bên bàn ăn. Nom ông vui vẻ, ông nói với con gái giọng ấm áp:

– Vì sao con vẫn mặc trên người những bộ đồ từ thời ở trong trường dòng kia? Vì sao con không mua áo váy mùa xuân? Cha đã nói rồi, con đừng để ý đến giá cả, con chỉ cần nhắc đến tên ông Ô. Pê-ter cho nhà hàng là đủ. Hay là con chưa quen làm như vậy…

Ông thò tay vào túi trong của áo khoác, lấy ra một cái ví đen. Ông lôi từ trong ví ra những đồng một trăm, giữa những tờ tiền trăm ấy còn có cả tờ tiền nghìn. Ông chọn những tờ tiền nghìn ra và nói:

– Con nhìn này, một tờ, hai tờ, thêm một tờ nữa là ba. Đấy, với số tiền này con có thể mua được sáu bộ đồ diện đấy. Con đừng sống quá khắc khổ như mẹ con thuở trước.

Ông ngừng nhai một chút rồi lại nói:

– Cha nghe nói ở Viên, thủ đô nước Áo, có một trường nội trú do các tu sĩ trông nom, nuôi nấng các cô gái mồ côi đến tuổi lấy chồng. Các cô gái ở đó sống thoải mái lắm, chỉ tiếc nhà ta không có họ hàng gì ở đó để mà gửi con đến cả.

– Con cảm ơn cha, – I-đo cúi gằm mặt xuống cái đĩa; – Đối với con, trường dòng đã quá ngán rồi cha ạ.

– Không, cha không ép buộc con. Cha còn có một phương án mới. Có một bà vợ góa của một ông đại tá, mới bốn mươi tuổi, một phụ nữ cô độc, sinh trưởng trong một gia đình quý tộc. Bà thích âm nhạc, thích đi du lịch leo núi. Biết nói tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng I-ta-li-a nếu thích, con hãy đến ở với bà ta, bởi vì bà ấy đăng báo là tìm bạn gái. Cha đã viết thư giới thiệu con với bà ta, bởi vì cha không quen biết bà ấy. Nhưng cha nghe nói bà ấy là người cao quý, chưa già và không khó tính. Đó là thư trả lời của bà ấy.

Thoạt đầu, I-đo nghe hơi thích thú, khi nghe tin ấy, nhưng rồi nàng trở nên nghiêm trang. Trong cả hai phương án cha nàng đưa ra thì đều có thể thấy rõ cha nàng đang muốn tìm cho nàng một chỗ ở, cốt đẩy nàng đi xa cha nàng hơn. Nàng cũng chẳng thích thú gì sống cạnh cha nàng, nhưng dù sao cũng còn hơn là đi đến với bất kì bà lớn nào… Hơn nữa, nếu bà ấy mà còn trẻ như vậy bà ấy sẽ còn đi bước nữa, như vậy khác chi rơi vào vòng luẩn quẩn. Nàng không muốn tròng vào cổ mình một sợi dây xích, hoặc dây buộc cổ chó nữa. Không bao giờ!

– Con không thích cha ạ, – Nàng nói ngắn gọn, mặt trở nên đăm chiêu suy nghĩ.

– Con hãy sử dụng tiền theo ý thích của con.- Cha nàng nói sau khi ăn xong.

Ông đứng lên đi vào phòng làm việc.

I-đo còn ngồi đó suy nghĩ. Nàng cảm thấy đau đớn vì cha nàng không có trái tim như những người cha khác đối với con. Khi còn ở trong trường nội trú, đã bao nhiêu lần nàng nhìn thấy cảnh các cô gái chạy đến ôm chầm lấy cổ cha, như là những con gà vẫn hay rúc vào cánh mẹ chúng, nhưng cha nàng thì lại khác. Thay vì âu yếm con, ông lại toàn ấn tiền vào tay con. Tuy vậy nàng cũng cảm thấy cha nàng còn nghĩ đến con dù ít ỏi và trái tim người cha của ông chưa đến nỗi bị đóng băng lại.

Cuối cùng, nàng đi đến một kết luận. Cha nàng dù cho không phải là một quý tộc đi nữa thì cũng vẫn là cha nàng. “Sự phè phỡn, phung phí ăn chơi” – âu cũng là cá tính của người đàn ông. Những người đàn ông mà không có vợ, thì ngay cả hoàng tử Ru-đolf cũng phè phỡn cơ mà?! Người ta thường hay nói rằng các ông vua rượu chè tối ngày… mà lại còn tàn ác nữa chứ!… như vậy thì cha nàng đã thấm tháp vào đâu so với họ. Cha nàng có tỏ ra phàm phu một chút nhưng ông còn có đầu óc, và một khi ông có suy nghĩ, ông cũng là một người tốt. Một người tốt cũng có quyền thích các hội vui đùa thỏa chí với ông dược sĩ, ông thương gia nào đó và điệu nhảy của cô gái lẳng lơ trên chiếc bàn nữa chứ.

Nghĩ tới đó nàng hơi kinh hãi, nhưng rồi nàng lại mơ màng tiếp tục.

Mọi việc sẽ không có kết quả nếu như nàng tỏ ra bướng bỉnh và từ chối cha. Lẽ ra nàng vẫn cứ đi theo cha sang thăm Nô-ra. Ở nhà cô ta nàng tỏ ra lạnh lùng, lạnh nhạt. Như vậy cha nàng sẽ thấy nàng không phải là một khúc gỗ vô tri vô giác, nàng biết đánh giá con người, rồi ông cũng sẽ nhạt dần với Nô-ra. Sau một vài lần như vậy, cha nàng cũng sẽ hiểu. Nô-ra thuộc hạng con gái rẻ tiền. Hai cha con nàng sẽ giữ trọn tình cảm với nhau, chung sống yên ổn.

Sau nhiều câu lẽ ra, lẽ ra nữa của nàng (mà trong suy nghĩ của phụ nữ thì nó nhiều như nước biển). Nàng cảm thấy một luồng ấm áp chạy trong tim. Nàng nên vào phòng cha ôm lấy cổ ông mà nói:

– Cha thân yêu tốt bụng của con, cha hãy yêu thương lấy con!

Đôi mắt rưng rưng lệ, nàng đứng dậy vội vã đi xuyên qua phòng khách đến cánh cửa buồng làm việc của cha. Nàng cầm lấy quả đấm cửa và nhẹ nhàng mở ra.

Cha nàng đang nằm trên đi–văng. Tờ báo rơi trên sàn nhà, tờ báo tuột khỏi tay cha nàng mà rơi xuống khi ông ngủ say sưa, miệng há ra.

I-đo nhặt tờ báo lên. Nàng nhìn quanh nên đặt nó vào đâu? Sau đó nàng quyết định không nên đặt lên bàn mà cầm ra phòng khách ngồi đọc.

Nàng không thích đọc những tin chính trị, nàng chỉ đọc truyện ngắn. Bây giờ thì nàng có thể tự do đọc các truyện ngắn ở trên báo. Trước tiên nàng đọc lướt qua một lượt, một tin về các vụ xử của tòa án, bởi vì sự hấp dẫn của vấn đề: Một vụ án thú vị. Tờ cuối, có một khung nhỏ hình chữ nhật bị cẳt rỗng trong mục tin rao vặt, chắc cha nàng cắt một tin gì đó mà ông quan tâm.

Các tin khác đập vào mắt nàng, đó là lời rao bán các loại trang sức. Nàng chợt nhớ ra các đồ trang sức mà mình định mua. Cả những mặt dây chuyền có đức mẹ Ma-ra-a nữa. Sao nàng lại có thể quên được nhỉ?! Nào phải đi sửa sai thôi.

Nàng bước ra ngoài cửa phòng, vẫy cô gái câm điếc Pan-ni ra hiệu cho cô đi theo.

Cần phải mang theo bao nhiêu tiền đây? Nàng không muốn cầm hết đi vì sợ mất. Một mặt cái dây chuyền vàng không thể đắt hơn hai mươi cua-ron được. Mà nếu nhiều hơn chưa chắc nàng đã dám mua. Nàng cho vào ví hai trăm cua-ron, rồi thay trang phục.

– Đi nào Pan-ni.

Nàng dừng lại trước cửa hiệu bán đồ trang sức, đưa mắt nhìn các mặt dây chuyền trong tủ kính. Nàng tìm chiếc vòng tay như dây xích với cái chốt hình ngôi nhà nhỏ bằng vàng có nạm những hạt kim cương mà không thấy đâu nữa. Thay vào chỗ đó là ba chiếc vòng đeo tay khác lấp lánh vàng, nhưng chẳng có chiếc nào đẹp bằng chiếc cũ cả.

Nàng cảm thấy một tình cảm khó tả, nàng ngột thở khi nghĩ ai đó đã mua mất chiếc vòng của nàng.

Nhưng nhỡ vẫn còn thì sao.

– Em hãy đứng đợi chị nhé. – Nàng nói với cô gái câm rồi bước vào hiệu.

Trong cửa hiệu chỉ có một phụ nữ còn trẻ đang ngồi. Trên đầu bà ta có treo một loạt những dây chuyền to tướng. Tóc của bà đen nhánh và xoăn. Dưới cằm bự mỡ. Thấy I-đo bước vào cửa hàng, trên mặt bà ta xuất hiện nụ cười:

– Xin phục vụ tiểu thư.

Lẽ ra I-đo đã hỏi mua mặt dây chuyền đức mẹ Ma-ri-a nhưng nhìn thấy khuôn mặt người đàn bà Do Thái nàng lại không hỏi nữa.

– Có một cái vòng đeo tay mà tôi đã nhìn thấy ở ngoài tủ kính kia, cái vòng hình dây xích, chốt là một ngôi nhà nhỏ bằng vàng đâu rồi? – Nàng hỏi thẳng bà chủ hiệu.

– Tôi có biết, – Người đàn bà chào nàng rồi nói,- tiểu thư không thấy nữa ư? Vậy thì chồng tôi mới bán nó rồi.

Bà ta đưa tay mở ngăn kéo tìm cái gì trong đó,

– Chồng tôi đã bán rồi, tôi biết mà, nhưng còn những cái đẹp hơn, mà lại rẻ hơn, thưa tiểu thư.

– Không, tôi chỉ cần cái đó thôi.

– Hôm nay có những cái nhẫn mới tuyệt vời, rất mốt, tôi lấy cho tiểu thư xem nhé.

Vừa nói, bà ta vừa đặt trước mặt I-đo một hộp nhung đen, trong đó có khoảng một trăm cái nhẫn đủ loại.

I-đo chăm chú nhìn những chiếc nhẫn. Nàng chưa có chiếc nhẫn nào bao giờ. Khi còn ở trong trường, thứ bẩy nào nàng cũng xưng tội:

– Con có tội vì đã ước muốn có một chiếc nhẫn như bạn con đã đeo.

Nhiều lúc, nàng ngần ngại một chút rồi nói với cô bạn:

– Cho mình đeo thử một chút.

Còn bây giờ thì nàng đã tự do, nàng có quyền đeo nhẫn, thậm chí còn phải bắt buộc có nhẫn nữa ấy chứ! Thử hỏi trên thế giới này, có ở nơi nào phụ nữ không đeo nhẫn? Nàng biết một điều, nếu đeo nhẫn mặt đá thì phải hợp với mầu trang phục nữa. Chỉ có nhẫn kim cương là có thể hợp với mọi loại trang phục.

Đôi mắt nàng dừng lại ở một chiếc nhẫn kim cương mỏng mảnh, nhưng nàng chợt nhớ rằng mẹ nàng trước kia cũng có bao nhiêu là nhẫn, chắc rằng chúng vẫn còn. Hình như cha nàng đã không mang bán chúng đi, nhưng mà nàng cũng không thấy mẹ nàng có đeo nhẫn kim cương.

– Cái này giá bao nhiêu?

– Chỉ tám trăm cua-ron thôi, thưa tiểu thư, nhưng mà ở đây còn có loại rẻ hơn nữa.

Bà ta giơ lên một chiếc nhẫn mặt đá.

I-đo vẫn nhìn chiếc nhẫn tám trăm cua-ron.

-Không phải của rởm chứ?

– Ồ không! Ở tiệm chúng tôi cũng có đá giả, nhưng tôi để riêng nó ở chỗ khác kia. Những loại đó, tôi không giới thiệu với tiểu thư. Khi người nào bước vào tiệm, ngay lập tức tôi phải nhận định người đó thuộc hạng nào để mà giới thiệu hàng chứ. Tất nhiên tôi biết phải giới thiệu đồ thật với ai chứ.

– Thế giá rẻ hơn được không?

– Thưa tiểu thư, không thể bớt được, vì tôi cũng phân biệt ngay được, ai phải nói giá cao lên, để cho họ trả giá, còn ai là người nói thật giá chứ!

I-đo ngần ngừ trước cái nhẫn.

– Tôi lại không mang theo đủ tiền…

Nàng lấy làm tiếc đã để tiền ở nhà. Quả còn chưa có kinh nghiệm! Nàng nhận thấy mình nông nổi quá, nếu như những người phụ nữ khác họ sẽ không làm như nàng.

Người đàn ông Do Thái nhỏ bé, râu quai nón màu nâu bước vào, khuôn mặt ông ta mệt mỏi, đôi vai hẹp kiểu người này không bao giờ to cao hơn được cả, nhìn sau lưng họ, thì dù họ có năm mươi tuổi nom cũng chỉ như một cậu bé thôi. Đôi lông mày của bà chủ tiệm hơi chau lại một thoáng rồi dãn ra ngay:

– Không sao thưa tiểu thư, tiểu thư có thể gửi lại đây, hoặc là tôi sẽ tiễn tiểu thư về nhà để lấy tiền cũng được. Tiểu thư ở xa không?

– Ở phố Fur-đo. Bà biết nhà ông Ô. Pê-ter chứ?

Người đàn ông râu nâu đã vòng ra sau quầy đứng cạnh vợ.

– Ông Ô. Pê-ter ư?- Ông chủ tiệm nói mỗi lúc một nhiệt tình hơn. – Hình như tiểu thư là con của ông nhà?… Ôi, tôi thật may mắn quá, tôi rất mừng. Còn bà, sao bà lại giới thiệu cho tiểu thư những chiếc nhẫn hàng chợ này? Tiểu thư không dùng loại hàng đó.

Ông ta quay lại mở một cánh tủ to, lôi ra một cái hộp sắt. Ông ở hộp sắt và bốc ra một vốc nhẫn.

– Đây mời tiểu thư, tôi hãnh diện vì chuyện này đấy. Những cái nhẫn này mới là kim cương, đá quý, hàng “hảo hạng”.

Ông ta quay nhìn vợ vẻ không hài lòng:

– Bà nghĩ thế nào mà lại đưa các thứ kia cho tiểu thư sang trọng vậy chứ…

Bà chủ rụt rè rời khỏi quầy:

– Tôi không biết trước… hãy tha lỗi cho tôi!

Ông chủ tiệm nhặt ra một chiếc nhẫn lộng lẫy, lấp lánh.

– Đây xin mời tiểu thư nhìn xem: Một viên kim cương to nhé. Đây nữa này, mốt mới nhất của Pa-ri. Tấy cả đều là hàng loại một cả đấy. Con gái của ông Pê-ter không bao giờ dùng thứ hàng loại hai cả. Có đúng ông thân sinh ra tiểu thư giới thiệu tiểu thư đến cửa hàng của tôi không? Ông chủ đại lý bán rượu lớn thường phải mua những chiếc nhẫn đắt tiền và thích hợp. Hay tiểu thư muốn chọn loại nhẫn như của bà thân sinh ra tiểu thư.

Nàng chọn trong đó một chiếc nhẫn trông có vẻ khiêm tốn nhất, nàng hỏi giá, nhưng ông chủ chỉ nói:

– Xin tiểu thư cứ bình tâm, rồi tôi sẽ tính tiền nong với ông thân sinh của tiểu thư. Chỉ cần tiểu thư lúc về hãy đưa chiếc nhẫn này và nói cho ông Pê-ter biết tiểu thư đã mua chiếc nhẫn đó ở cửa hiệu của tôi.

Ông chủ đi ra bàn viết, lấy một quyển vở lớn, ông cong ngón tay út, cắm cúi viết vào đó. Ông dừng lại một chút, chấm bút vào lọ mực.

I-đo nhìn quyển vở và thấy đầu trang có chữ ông Ô. Pê-ter.

– Một chiếc nhẫn hạt xoàn lớn…2570 cua-ron.- thế là xong, thưa tiểu thư.

I-đo đứng lặng. Nàng cảm thấy hết sự liều lĩnh của mình. Như vậy nàng đã sử dụng tên cha nàng để mua thứ mà nàng thích! Vậy mà cha nàng lại tin tưởng ở nàng, giao cho nàng mua bán tùy ý, dù là những thứ hàng nhìn thích mắt, hay thích ăn. Nhưng ai có thể lường trước được. Nàng trầm ngâm nghĩ cuối cùng tháo chiếc nhẫn ra và nhủ thầm: Được rồi, ta sẽ về nhà hỏi cha ta xem cái nhẫn như vậy có đúng giá không.

Nàng thả chiếc nhẫn vào sắc tay, rồi gật đầu chào ông chủ hiệu đi ra.

Ngoài phố, nàng vừa đi vừa nghĩ thầm. Dù sao nàng cũng có thể hợp được với cha nàng. Muốn gì thì nàng cũng được sống trong một thế giới khác rồi. Giữa trường dòng và nhà của cha con nàng đã khác nhau như châu Âu và châu Mỹ, như biển và trời. Đối với nàng, thế giới của cha nàng cũng chính là của nàng. Nàng phải làm thế nào tỏ ra là một đứa con thân yêu của cha nàng. Dù cho cha nàng không phải là quý tộc đi chăng nữa thì ông cũng vẫn là cha của nàng. Dù ông có cư xử như một thương gia ít học thì ông cũng vẫn là cha nàng, cũng như nếu sau này chồng nàng có giống như tầng lớp của cha nàng thì cũng vẫn là chồng nàng, nàng phải có trách nhiệm chia sẻ học thức của mình với chồng. Cuộc sống có biết bao là cơ hội để thực hiện ý muốn của mình. Nếu như cha nàng muốn nàng đến thăm nhà ông Đô-ga thì nàng cũng nên ngoan ngoãn theo cha.

Không, nàng đã hành động không đúng. Nàng đã có những cư xử không hay với cha.

Nàng đang rất sung sướng vì có chiếc nhẫn. Chiếc sắc dưới tay nàng đung đưa như là chim bồ câu đập cánh vì có chiếc nhẫn trong đó. Cô gái câm điếc Pan-ni hôm nay trông cũng đẹp làm sao, thế giới đẹp, cuộc đời quanh nàng đều đẹp!

Bất chợt, nàng dừng lại tự hỏi: không biết mình mua ngần ấy tiền của cha có phải là lạm dụng quá không nhỉ?

Nàng đứng trước tủ kính cửa hiệu bán giấy bút. Cô gái câm cũng dừng lại, quay mặt vào tủ kình như nhìn ngắm. Trong tủ kính có đầy đủ đồ dùng học tập của trẻ em. Đôi mắt của I-đo dừng lại trên một cuốn sổ để trong một cái bìa da và có ổ và chìa khóa xinh xinh, sáng lóa. Trên bìa có một dòng chữ vàng óng lấp lánh: Nhật ký. Hồi nàng còn học ở trường dòng, nàng thấy trong đám học sinh có khoảng ba cô ghi nhật ký. Cô gái Vêg-Ma-ris-ko còn có cuốn nhật ký khóa y như thế này, nhưng cuốn nhật ký đó đã chẳng bí mật được với ai vì cô bạn nào cũng biết cách mở khóa và thế là I-đo không thích ghi nhật ký nữa.

Nhưng nàng lại bất chợt nghĩ đến chiếc nhẫn, nhỡ cha nàng biết mà không đồng ý cho nàng tiêu pha như vậy thì sao? Rồi vì thế mà cha nàng lại trở nên lạnh lùng với nàng ư? Không, không được làm cho cha khó chịu với mình nữa.

Nàng quay trở lại hiệu bán đồ trang sức.

– Yêu cầu ông đừng đề giá chiếc nhẫn này vào tài khoản của cha tôi nữa. Tôi sẽ trả riêng. Trưa ngày mai tôi sẽ mang tiền đến trả, yêu cầu ông hãy xóa khoản này trong trang có tên cha tôi.

– Tôi xin làm đúng theo yêu cầu của tiểu thư!

Khi đi qua cửa hiệu bán đồ dùng học tập, nàng lại nhìn vào quyển nhật ký. Nàng thích cuốn sổ vì nó có chiếc khóa xinh. Nàng vào hiệu và mua quyển sổ đó.

Rồi nàng sẽ viết vào đó những kỉ niệm thuở bé thơ của riêng mình. Kỷ niệm đầu là một con rối rất nhỏ mà lần đầu tiên nàng thấy từ lỗ thủng ở bụng nó có mùn cưa tuôn ra. Nàng đã rất ngạc nhiên và tưởng là búp bê ăn mùn cưa.

Nhưng khi về đến nhà, nàng lại nghĩ khác. Nếu mình mà viết về quá khứ thì sẽ lại phải nhắc cả cuộc đời trong trường dòng của nàng mà những kỷ niệm đó có xứng đáng để nhắc lại không? Không, nàng sẽ bắt đầu ghi từ ngày mà nàng được tự do, từ ngày nàng mua chiếc nhẫn này.

Chiếc nhẫn lúc này đã lấp lánh trên ngón tay nàng. Nàng say mê nhìn ngắm nó. Bàn tay nàng dường như đẹp hơn khi có chiếc nhẫn lấp lánh! Tay nàng thon, trắng mịn như bàn tay các nữ tu sĩ. Trong môn mỹ thuật có nói bàn tay của các nữ sinh nội trú đẹp vì được trau chuốt bởi tám loại kem xoa, nhiều khi người ta còn đồn nhau những bí ẩn về cách làm đẹp đôi bàn tay.

Về đến chân cầu thang, nàng lại rút chiếc nhẫn ra. Nàng sẽ khoe với cha nàng, khi nào giữa hai cha con thực sự mất đi những ngăn trở, khó chịu.

Sự sung sướng bồi hồi của nàng không được toàn vẹn, bởi nàng nghe thấy trong phòng cha nàng có tiếng một người khác mua rượu, họ đang mặc cả giá.

Sau khi mặc cả xong, ông Pê-ter đi theo người khách xuống cửa hiệu.

I-đo ngắm nghía chiếc nhẫn mười lăm phút. Sau đó bắt đầu giở quyển nhật ký ra viết. Nàng viết chữ tròn trịa, những chữ l, t, d, b, k nàng viết dài và thẳng như là những chữ in.

Ngày 12 tháng tư

Hôm nay mình như được sinh ra lần nữa, bởi vì cuộc đời trước đây của mình không thể gọi là sống được.

Lạy đức chúa sáng danh! Nếu như Người đã ban cuộc sống đầy hương thơm hoa lá cho tất cả mọi người, thì xin người hãy ban cho trái tim con hạnh phúc cũng như những người phụ nữ khác vẫn được hưởng. Sống mà không hạnh phúc thì không thể gọi là sống được. Người hãy cho con tìm thấy một người đàn ông mà cả trong ánh mắt và làn môi của anh đều nhìn con như muốn gọi thành lời: “Em là hạnh phúc của anh!”

Xin người hãy ban cho con hạnh phúc, đức chúa của con!

………………………………………………………………………………………………………

Khoảng năm giờ mình nghe thấy tiếng chân cha trở về phòng. Mình chạy qua phòng khách trái tim hồi hộp. Mình những muốn nhảy lên ôm cổ cha xua tan bóng đen lạnh lùng buồn bã khiến tâm hồn hai cha con phải xa cách nhau.

Bước chân mình khựng lại khi mình nhìn thấy một ông khách lạ người còng còng trong chiếc áo khoác. (Trông hình dáng ông ta như là một người hề lùn vậy). Ông ta đang đọc tờ ngân phiếu gì đó cạnh bàn của cha mình.

– Con cần gì? – Cha mình ngạc nhiên hỏi.

– Không có gì ạ, mình lắp bắp, – con không biết… Xin cha tha lỗi…

Mình ra khỏi phòng cha, rồi ngồi ngẩn người trong phòng khách như là bị thôi miên.

Một vài phút sau cửa phòng làm việc của cha mở ra.

– Con muốn gì? – Cha mình hỏi nhỏ nhẹ.

– Con chỉ định hỏi rằng con có thể đến thăm E-la… à … Nô-ra được không? Con rất tiếc rằng đã tỏ ra xa lạ đối với cô ấy.

Khuôn mặt cha mình nom vui hẳn lên.

– Ừ, đi chứ. Cha cũng đang chuẩn bị đi đến đó đây.

Ông quay vào, vội vã lấy áo khoác và mũ.

Mình cũng thay trang phục, khi mình mở cửa bước vào thì thấy cha mình đã thắt ca-ra-vát bằng lụa màu đỏ, ria mép vuốt nhọn, như hồi trẻ,

– Cha yêu quý, những chiếc nhẫn của mẹ con để ở đâu hở cha? – mình hỏi khi ông đang đứng trước gương.

Mình thấy câu hỏi của mình khiến cha mếch lòng.

– Không còn nữa. – Cha mình trả lời vẻ cáu bẳn, – toàn là loại cũ kỹ không giá trị, cha đã bán hết rồi.

– Thế cha không giận con chứ nếu con đã mua một chiếc nhẫn…

– Tại sao cha lại giận con vì việc đó cơ chứ? Cha mình trả lời vẻ mặt lại tươi lên; – Hình như chính cha bảo với con hãy mua một hai chiếc nhẫn là gì. Cha có quên đâu, con mua ở cửa hiệu nào đây?

– Con không nhớ tên cửa hiệu, chỉ nhớ nó nằm trên phố Xê-che-nhi, nhưng chiếc nhẫn khá đắt.

– Đắt ư? bao nhiêu?

– Con không dám nói đâu, nhưng chiếc nhẫn có đẹp không cha?

Mình giơ nhẫn ra cho cha xem.

Cha mình nhìn rồi lắc đầu.

– Con bắt đầu ngay bằng hạt xoàn ư? Mà cũng chẳng đến nối đắt lắm đâu. Con mua chỗ nào?

Mình tả cửa hiệu. Cha mình gật đầu.

– Tên ông ta là Blao-nal đúng không? Trông ông ta như một đứa trẻ có râu quai nón. Nào đứng lại cha xem đã! Thôi được rồi, để mai cha sẽ sửa sai cho con. Lúc khác, nếu con muốn mua hạt xoàn con phải hỏi cha đã nhé, bởi đó không phải là hạt đậu xanh đâu.

– Con mua chiếc nhẫn này bằng số tiền mà cha cho con buổi trưa ấy.

– Con đã trả tiền rồi ư? Không bao giờ được phép vội vàng như vậy. Cần phải suy nghĩ đắn đo trước khi trả tiền. Con có thể học được điều đó trong các cửa hàng buôn bán đấy, nhưng ta đi thôi không trời lại tối mất rồi.

Mình đọc ở truyện nào đó rằng, người phụ nữ luôn có linh cảm trước sự việc. Mình cũng cảm thấy sự một không hay sẽ đến khi cha con mình đã ra đến ngoài đường, nhưng mình cứ dấn bước.

Nô-ra nhiệt tình đón tiếp cha con mình. Mình chủ động xưng hô chị em với cô ta cho thân mật, điều này làm cô ta vui mừng ra mặt. Mẹ Nô-ra bày tỏ niềm vui một cách nhẫn nhục. Bà ta còn sống, nhưng những cử chỉ của bà ta như là một thây ma biết cử động vậy, khuôn mặt bà ta trông hiền lành như là bầy cừu Di-gan lần lượt theo nhau vào mồm thú dữ mà không hề có ý phản kháng.

Mình ngạc nhiên khi thấy phòng Nô-ra lộng lẫy quá. Tường phủ giấy hồng, đồ gỗ màu trắng. Ngọn đèn hình trái lê cũng màu hồng, ngay cả đến màu gỗ của chiếc đàn pi-a-nô cũng hợp với căn phòng đến vậy.

Mình ngơ ngẩn nhìn xung quanh.

– Ôi, cái đàn đẹp quá! Đó là lời đầu tiên mình thốt lên, – chắc chắn tiếng cũng hay.

– Đàn hãng I-bach đấy. – Nô-ra đáp lời.

– Thế ư? Em hãy chơi bài gì để chị nghe tiếng nó xem sao.

– Ôi, em mới học ấy mà, – Nói rồi cô ta vẫn đứng đập tay xuống một nốt nhạc, – chị chơi đi. Chắc chắn chị chơi đàn có nghề rồi.

Bỗng nhiên người mình sững lại, vì trên cổ tay cô ta lóe sáng lên bởi chiếc vòng lấp lánh, khi cô ta vừa thò tay đập lên đàn. Chiếc vòng tụt xuống cổ tay… đúng chiếc vòng lẽ ra là của mình…

“Ôi nghị lực của ta đâu rồi, đừng bỏ ta mà đi!” Mình ngồi xuống bên đàn để cô ta đừng nhìn thấy mặt mình.

……………………………………………………………………………………………………

Từ nhỏ tới giờ mình vẫn hay nghe thấy các bạn bảo mình là cô gái có nét mặt “phớt ăng lê”, bình thản đến khó tin. Ngay cả cô gái Nôg-ra-đi Ir-ma sau buổi lễ bế giảng còn thốt lên:

– Bạn như là một người bằng băng giá vậy.

Các bạn ngạc nhiên về vẻ bình thản của mình, còn mình lại lạ lùng vì không hiểu nổi tại sao họ lại ngạc nhiên về chuyện đó?! Đúng ra, mình là người kịch liệt chống lại sự nuôi dạy con người thành lạnh nhạt, thờ ơ. Nếu như mình mà là một thủy thủ thì ắt hẳn mọi người sẽ hấy mình nôn nao khi bị say sóng, mình đâu có thể tỏ ra lạnh nhạt được. Từ khi mình bước chân vào ngôi nhà Nô-ra, mình luôn cảm thấy tâm hồn bị xáo động như ở trong xoáy nước. Chân mình bủn rủn như không phải đứng trên đôi chân của mình, như con mèo bị ướt run rẩy bên đống lửa. Nếu như mình nhân ái, thì mắt mình cũng cứ vương vướng như bị rơi bụi vào. Làm sao mình có thể thản nhiên được…

Mình cũng không biết làm cách nào để có thể rời khỏi sự vồ vập gượng gạo của gia đình này. Mình chơi bản nhạc tang lễ của Be-tô-ven, sau đó mình cúi gục đầu trên giá nhạc.

– Con cảm thấy mệt quá, chúng mình đi về nhà đi, – Mình nói với cha mình.

Họ đỡ mình ra bàn, cho mình uống nước chè nóng, xoa dầu hoa hồi cho mình. Đúng lúc đó ông Bô-gar cũng về nhà, ông khuyên mình hãy nhấm mấy hạt tiêu, bởi vì với những con chim bị ốm người ta cũng cho ăn hạt tiêu hoặc dầu, nhưng mình chỉ muốn về nhà.

Mình dựa vào cánh tay Nô-ra đi về.

Cha mình gọi bác sĩ đến, một anh chàng bác sĩ còn trẻ đến ngay, – trên tay anh ta có đeo chiếc nhẫn cưới, anh ta trịnh trọng lôi ống nghe ra khỏi hộp và yêu cầu mình hãy cởi áo ra để khám. Đừng hòng! Mình đành nói mình đã đỡ hơn rồi. Khi anh ta đã đi ra khỏi, mình lại nghĩ cách làm sao cho Nô-ra đi về.

– Chị buồn ngủ quá, chị phải đi nằm đây. – mình nói giọng lạnh nhạt.

Mình nằm qua cả bữa ăn tối. Mình chỉ uống có một cốc dầu dừa pha nước, thứ dầu mà bác sĩ đã cho mình uống.

Mình tỉnh dậy như cả đêm mình không ngủ chút nào, mình đã suy nghĩ miên man xem mình có thể đi khỏi nhà cha mình bằng cách nào?

Sáng sớm cha mình gõ cửa vào phòng hỏi thăm mình, mình bảo rằng mình không bị sao cả, cha đừng gọi bác sĩ nữa. Sau đó Nô- ra cũng đến.

Mình nói với cô ta rằng mình cảm thấy lưỡi cứng lại và khó nói năng. Mình mặc kệ cho cha mình và cô ta ngồi bên bàn ba hoa chích chòe cả một giờ đồng hồ. Mình không nói một lời nào cả. Hễ mình nhìn cô ta, mình lại liên tưởng ngay đến những con rắn mình nhìn thấy trong vườn thú.

Rồi bác sĩ cũng đến. Anh ta phán rằng con bệnh đã ở giai đoạn sắp khỏi cần phải “nghỉ ngơi”, “uống thuốc an thần” “Dùng nước lạnh trong giếng” “Dạo chơi khi trời đẹp”…

Mình cứ cười thầm trong bụng. Giá như mình có thể cười phá lên được nhỉ. Ờ mà mình cũng có dịp thử cười đấy chứ. Nếu mọi người mà chứng kiến cái cảnh mà mình nhìn thấy buổi trưa nay thì họ sẽ cười ngất ngưởng. Buổi trưa tự dưng mình nhìn thấy Pan-ni múa múa đôi tay trên bậu cửa sổ. Mình trố mắt ra tưởng cô ta phát rồ, nhưng mình lại thấy cô ta giơ tay vẫy vẫy chỉ trỏ lên cửa sổ phòng mình, mình ra khỏi giường đến bên một cửa sổ nhìn ra ngoài phố. Dưới đường, có một anh chàng choai choai bẩn thỉu đang đứng anh ta cũng đang giơ tay ra hiệu bằng những ngón tay của bàn tay trái cũng lem luốc. Cái anh chàng mặt như mặt ngựa này là ai? Anh em của Pan-ni chăng?… Ai mà hiểu được những dấu hiệu bằng các ngón tay của hai người này? Đầu tiên mình thấy buồn cười, nhưng rồi lại giật mình. Có lẽ cả hai người đều bị câm vì vậy mà họ hiểu nhau chăng?!

Chàng trai ra hiệu cho Pan-ni là mình đang nhìn họ, thế là ngay lập tức Pan-ni đóng cửa sổ lại, mặt đỏ hừng nhìn sang phía mình.

Mình không nói gì cả.

Cha mình mãi đến sáng hôm sau mới về, chân nam đá chân chiêu lảo đảo. Mình nhìn thấy điều đó, và thế là phát bệnh thêm.

Ngày 14 tháng 4

Ngày hôm nay có hội chợ lớn. Sau lễ Mi-sa buổi sáng, mình cùng Pan-ni đi khắp phiên chợ để nhìn ngó mọi thứ.

Ở khu chợ bán các con rối, mình đã làm cho mấy đứa trẻ con khu nhà nghèo sung sướng. Cả bọn đứng đó đôi mắt hau háu nhìn vào các con rối, vẻ thèm khát. Những đứa trẻ con nhà giàu sẽ được mua những con búp bê đẹp, đắt tiền kia, chứ đâu thèm các đồ này. Mình đã mua vài con rối cho bọn trẻ đứng đó. Chỉ có một cô bé gái sáu tuổi là nói được một lời cảm ơn thôi, còn những đứa khác chỉ tỏ lòng cảm ơn bằng ánh mắt. Một cậu bé đi chân đất quãng năm tuổi được mình cho một con rối thượng sĩ to nhất. Đôi mắt nó sáng bừng lên, rồi nó ôm món quà chạy mất.

Nhưng ở khu chợ bán bò ngựa và gia cầm bẩn hơn. Người người chen lấn nhau để đi, tiếng rống của bò, tiếng ngan ngỗng kêu ầm chợ. Mùi hôi bốc lên. Rồi những tiếng chửi rủa, thề thốt thô tục… Mình ngượng ngùng khi nghĩ rằng mình cần phải gọi những con người đó là anh em.

Những con vật mới tội nghiệp làm sao! Họ kéo dây xỏ mũi chúng. Những con bò hiền lành, những con ngựa bồn chồn lo lắng. Những con bê có đôi mắt đẹp, hiền hậu. Chúng nó đứng mới thản nhiên, ngơ ngác làm sao.

Ngày 15 tháng 4

Pan-ni dẫn một người đàn bà có dáng như một bà nội trợ đi vào gặp mình. Qua hình dáng bên ngoài, mình cũng có thể đoán được bà ta là mẹ của Pan-ni. Khuôn mặt bà cũng tròn vành vạnh. Đôi lông mày đen gần như giao nhau ở trán.

Bà nài nỉ mình hãy giữ Pan-ni làm người hầu gái, dù cho cô gái có điếc nhưng vẫn là một cô gái tốt. Bà cho cô đi làm không phải để kiếm tiền, bởi vì gia đình họ có nhà, có vườn nho, và có nghề kiếm được khá tiền. Chồng bà là ông Ka-đar một người làm công cho cha mình từ xưa tới nay.

Mình an ủi bà, rằng mình chưa hề có ý nghĩ xa cách Pan-ni, vì cô gái ngoan ngoãn, chăm chú với công việc.

– Nhưng vì sao bà lại cho cô ấy đi hầu, nếu như cô ấy có gia tài? – Mình hỏi bà và mời. – Xin mời bà cứ ngồi xuống.

– Ồ, cả một sự nhục nhã,- bà thở dài, chúng tôi đều khổ vì đứa con gái này đấy. Có một anh chàng câm điếc chạy việc phụ trong nhà in thành phố đã khiến đầu óc con gái tôi lú lẫn. Không hiểu bằng cách nào mà chúng nó quen biết nhau, chỉ biết rằng từ đó con gái tôi toàn nghĩ tới anh ta. Thậm chí nó còn nung nấu ý muốn theo anh ta nữa đấy. Mà tất cả những ai đã nhìn thấy anh ta đều bảo rằng anh ta xấu trai quá, mặt như mặt ngựa, mắt cũng như mắt con ngựa đầy lo sợ. Anh ta đợi con gái tôi ở cổng, hoặc làm dấu cho nó trên của sổ. Tất cả mọi người đều cười anh ta.

– Xin bà thứ lỗi, nhưng tôi không hiểu tại sao bà lại không thích anh ta? Họ có thể lấy nhau được đấy.

– Trời ơi, làm sao được.

– Bởi vì họ hiểu nhau hơn cả những người khác kia mà.

– Cái đôi này sẽ ra cái gì?!

– Họ cảm thấy thích hợp với nhau, thì đó là một đôi chân chính. Họ sẽ không chọn ai khác được nữa vì đó là tình cảm của họ đã chọn nhau. Bà ạ, nếu họ đã yêu nhau có nghĩa đức chúa đã đặt tình yêu ấy vào tim họ.

Bà mẹ vẫn lắc đầu: Dù con bé có câm điếc đi nữa cũng không phải là điên. Con bé có đối tượng khác, đó là một chàng trai không câm điếc, hai nhăm tuổi. Bố mẹ anh ta cũng là thợ. Anh ta yêu Pan-ni, và luôn nhìn Pan-ni say đắm. Bây giờ anh ta vẫn yêu thích Pan-ni vì thế mà chúng tôi đã cho phép anh ấy tập cho con chúng tôi biết nói.

Cha mình bước vào phòng.

Ông lại an ủi bà mẹ rằng không thấy Pan-ni đi đến xưởng in từ khi hầu hạ bên cạnh mình, còn mình, mình cũng cố gắng để bà đừng bắt cô gái đi chỗ khác.

Cha mình báo tin cho mình biết ông đã mua ô tô con, bảo mình hãy thay trang phục để xuống xem. Nô-ra đang đợi ở dưới ô tô. Cả nhà sẽ đi một vòng.

– Ôi cha yêu quý của con, con luôn chóng mặt khi nhìn ô tô mà…

– Nhưng ít ra con hãy nhìn nó một cái.

– Không, con sợ ô tô lắm.

Ngày 16 tháng 4

Không khí lại nặng nề như trước. Cha mình chiều nào cũng sang chơi nhà Nô-ra rồi họ đi ô tô dạo chơi. Mình thì không có đủ can đảm để nói thẳng với cha mình, cô ấy là người đàn bà thế nào, rằng với bất cứ người đàn ông nào có tiền cô ấy cũng theo hết!

Nô-ra chắc cũng nhận biết ý kiến của mình về cô ta nên từ hôm đó cô ta chỉ đến thăm mình một lần nữa thôi, mình đã nói chuyện hết sức lạnh nhạt với cô ta và chỉ nhìn cô ta như một chai rượu rỗng vậy…

Mình hy vọng không bao giờ cô ta đến đây nữa.

Ngày 17 tháng 4

Mình chỉ còn một thú vui duy nhất là đi nhà thờ và đọc một thiên tiểu thuyết đăng tải trên báo. Thiên truyện này có vẻ trong sạch nhất so với những quyển sách mà mình đã mua về nhà đọc. Ngày nào mình cũng xuống vườn sưởi nắng. Cây cối trong vườn đã nở hoa. Cây mận nở hoa mới lộng lẫy làm sao! Mình chỉ cảm thấy hạnh phúc bên cạnh thiên nhiên, cây cối, hoa lá.

Pan-ni vẫn luôn luôn ngồi cạnh mình, cô ta khâu, khâu một cái áo mầu hoa hồng xuân. Nhưng hễ cô ta ngoái nhìn ra hàng rào là mình lại ngó xem. Đã hai lần mình thấy anh chàng câm ấy đến gần. Mình nói chuyện tình cảm với cô ta rằng cha mẹ cô không thích cho cô có mối quan hệ ấy và đừng nên chống đối lại bố mẹ, bởi vì dù sao trái tim ruột thịt bao giờ cũng gần gũi với mình hơn so với bất cứ ai khác. Bất cứ lúc nào cũng có thể bỏ một người đàn ông, nhưng cha mẹ thì không thể bỏ con cái được. Những điều như vậy không bao giờ có thể đọc trên báo.

Cô ta khóc. Mình an ủi cô rằng anh chàng đó xấu. Anh ta có cái đầu như đầu ngựa. Nhưng cô ta vẫn khóc.

Điều đáng ngạc nhiên là không thể tìm thấy dù một cái ảnh của mẹ mình trong căn nhà này. Gia đình không có an-bom riêng. Mình không muốn hỏi cha mình, bởi vì qua những lời nói hậm hực của cha mình từ trước tới nay, thì mình cũng có thể hiểu được mối hôn nhân của cha mẹ không hề có hạnh phúc.

Trong phòng khách có ảnh chụp của cha mình hồi trẻ. Ở giữa là ảnh cha mẹ mình chụp chung. Có thể lúc họ chụp chung tấm ảnh này, cha mình là một chàng trai khác bây giờ.

Mình chưa bao giờ chụp ảnh. Chắc chắn là tại vì lý do, – như bà nhũ mẫu của mình đã nói. – Khuôn mặt của mình giống khuôn mặt buồn rầu của mẹ mình.

Ngày 18 tháng 4

Ngày hôm nay, cha mình ngồi cạnh bàn trầm ngâm một cách đặc biệt.

Khi sắp xong bữa trưa ông mới nói:

– I-đo, có lẽ con sẽ cảm thấy khó xử. Con có ý kiến gì nếu như cha cưới vợ kế?

Mình ngơ ngác nhìn cha, đôi mắt của cha mình tránh nhìn vào mắt mình, ông lại bình tĩnh ăn tiếp.

– Không thể được, thưa cha.- Cuối cùng mình trả lời.

– Vì sao lại không thể được.

– Cha đã năm mươi tuổi rồi…

Ông phấy tay.

– Đấy là bề ngoài thôi, nhưng mà cha lấy vợ không chỉ cho cha mà còn cho cả con nữa. Trong nhà mình cần có một người phụ nữ. Con đã thấy đấy, nhà mình vẫn còn trống chỗ đó. Con người ta không phải chỉ có cơ thể sống gần nhau mà phải cả tâm hồn nữa. Ngôi nhà không thể cứ thiếu bàn tay người phụ nữ được. Cha thì luôn bận bịu với cửa hàng buôn bán. Mà con gái của cha, một cô tiểu thư thì không thể thành người nội trợ lúc nào cũng sực nức mùi hành.

– Thế vợ kế của cha làm việc đó tốt hơn con ư?

– Không, vợ kể của cha cũng không phải trực tiếp làm, vợ kế của cha sẽ trở thành một bà chủ, bà chủ sẽ điều khiển bà đầu bếp, điều khiển các cô hầu phòng, các cậu phục vụ. Các cậu hầu trong nhà sẽ đi găng tay trắng, mặc lễ phục.

– Thế vì sao con lại không làm được việc đó?

– Những người hầu, người ở sẽ không nghe lời con, bởi vì trong nhà này con là đứa trẻ. Vả lại con sẽ làm cho không khí trong gia đình thêm lạnh lùng. Cha hiểu các cô con gái đều rất kính trọng những kỷ niệm về mẹ đẻ, vì thế nên bao giờ các cô cũng hục hặc với mẹ kế. Mà cha thì không muốn là một ông chủ gia đình ngù ngờ ngốc nghếch.

Mình không còn nghe thấy cha mình nói gì nữa. Trong giờ phút này, mình có cảm giác như một người bị buộc thòng lọng vào cổ và kéo lên trên ngọn cây, cha mình đang treo cổ mình.

– Cha thân yêu ơi, không thể thế được! – Mình ngạt thở, giẫy giụa trong tình huống hấp hối đó.

Khuôn mặt cha mình trở nên nghiêm khắc, cứng nhắc:

– Cha chỉ báo cho con rõ những điểm chính sau đây, ngắn gọn thôi và có liên quan đến con: Cha sẽ lấy vợ! Chắc chắn nếu cha nhắc đến tên người mà cha thích cưới làm vợ thì con sẽ rất kinh hoảng đấy. Ngay bây giờ, cha phải cảnh cáo con trước, con cần phải chấp nhận việc này, con cần phải chịu đựng!

– Con phải chấp nhận ai, chịu đựng ai?

– Vợ của cha! Người mẹ kế của con, Nô-ra!

Mình đứng lên nói kiên quyết:

Nô-ra ư? Cha mà lấy một cái người…

Cha nhìn mình một cách dữ tợn đến nỗi câu nói như mắc lại trong cổ mình, cái câu mình định nói tiếp: một cô gái không được kính trọng.

Hai cha con nhìn nhau như hai con hổ say máu.

– Cha lấy Nô-ra đấy! Còn nếu con mà tỏ ra hỗn láo với cô ấy thì con sẽ biết mặt cha!…

Đúng lúc đó mặt mình biến sắc và mình ngã ngồi trên ghế.

Buổi chiều mình tự bắt buộc mình phải làm việc gì đó để dịu bớt đi nỗi đau đớn dày vò trong lòng. Mình lau các khung kính ảnh trong phòng khách với Pan-ni.

Trên tấm ảnh của cha mình có một lỗ thủng trong bằng đồng xu. Mình đẩy bốn cái đinh ở bốn góc ra và đằng sau tấm ảnh cha có gì thế này? Đằng sau tấm ảnh của cha mình có lót một tấm ảnh mầu, ảnh của đức mẹ Ma-ri-a. Ảnh này thường được đặt trong các quyển sách kinh thánh kia mà. Đó là Ma-ri-a bay vào thiên đường.

Vì sao lại có tấm ảnh ở đây?

Chẳng thể có ai khác ngoài bàn tay của mẹ mình. Chắc chắn mẹ đã lấy từ trong quyển kinh ra và đặt đằng sau tấm ảnh cha, mẹ muốn đức bà Ma-ri-a phù hộ cho cha tránh khỏi mọi tai nạn!

Mình kính cẩn hôn lên bức ảnh và rồi lại đặt nó vào khung. Suy nghĩ một chút mình lại lấy ra. Mình chẳng có vật kỷ niệm nào của mẹ cả, vậy thì bây giờ phải giữ lấy cái ảnh này chứ! Những ngón tay của mẹ đã từng chạm vào đây! Mẹ đã hôn vào bức ảnh biết bao nhiêu lần khi cầu nguyện. Biết đâu chính mẹ đã thì thầm trong ý nghĩ rằng sau này con gái của mẹ sẽ lau các bức ảnh, bằng cách đó bức ảnh Ma-ri-a sẽ đến tay mình. Một giọt sầu rơi xuống chén đắng vốn đã tràn đầy!

Ngày 19 tháng 4

Đêm mình không ngủ nổi. Chỉ đến rạng sáng mình mơ màng thiếp đi một chút.

Mình đi đến nhà thờ xưng tội, cầu nguyện. Mình xưng cả tội đã không thể coi Nô-ra như một người thân thiết được. Ngay cả vị linh mục cũng không thể nào làm mình thay đổi được ý kiến!

Sau đó mình chẳng cầu nguyện gì ngoài cái điều mình xin đức chúa, đức mẹ Ma-ri-a, thánh I-đo (đức thánh hộ mệnh của mình) hãy soi sáng cho trái tim cha mình, làm cho cha quay trở lại con đường sáng, rời khỏi sự cám dỗ độc ác của những con nhện quỷ quyệt.

Mình cảm thấy có thêm sức mạnh và trở về nhà.

Mình cúi chào cha khi ông lên ăn trưa. Hai cha con chẳng nói chuyện gì, chỉ yên lặng ăn. Trông cha mình như đang mải nghĩ đến những công việc buôn bán của cửa hàng. Còn mình, mình chỉ nghĩ đến những điều gì mình kính trọng thôi!

Khi ăn đến đĩa mỳ, cha mình hỏi:

– Con vẫn chưa đi may trang phục ư?

– Nếu mà cha ra lệnh cho con…

Mình trả lời vẻ nhẫn nhục, bình tĩnh, giọng dịu dàng.

– Nếu con vẫn chưa biết ai là thợ may giỏi ở đây, thì cha có thể dẫn con đến nhà một bà thợ may có tiếng. Nếu con không tin cha, thì con có thể mua váy áo từ Bu-đa-pest hoặc từ Mô-nax-te-ry. Con chỉ cần gửi số đo của mình tới đó mà thôi.

Dường như ông đọc thấy vẻ biết ơn âu yếm từ đôi mắt mình, ông lại tiếp tục nói:

– Nếu như con không thích may ở những nơi đó, con có thể gửi đặt ở Viên, hoặc là Pa-ri. Một hai bộ trang phục ở những nơi hào hoa phong nhã đó cũng không khiến cha sạt nghiệp đâu. Con cũng đặc biệt thật đấy. Những cô gái khác khi có điều kiện là tung tiền ra tiêu pha, ăn diện, thế mà con cứ giản dị như là cha nghèo khổ, sống bằng tiền lương công nhật ấy.

– Bộ váy cũ này con vẫn còn thấy hợp với con, con không thích cầu kỳ. Nhưng nếu cha muốn thì, – mình nói bình thản.

– “ Cầu kỳ, lòe loẹt”. Nếu là phụ nữ thì hãy cứ cầu kỳ đi. Đàn ông lại chỉ mong ước các người phụ nữ như vậy đấy.

– Con sẽ làm theo lời cha, cha yêu quí ạ.

Nghe câu nói ấy của mình, dường như cha cảm động, cũng có thể cha cảm thấy mình làm tất cả vì ai.

Mình đã chủ động khéo léo cứ như mình đang đi trên đầu ngón chân, mà trên tay lại cầm một cái khay với các cốc rượu đã đầy tràn. Mình cảm thấy trong trận chiến này mình là người mạnh hơn.

Sau cốc cà phê đen, mình bắt đầu.

– Cha yêu quí, con thành thật xin cha tha lỗi vì những cư xử của con ngày hôm qua, bởi vì tin cha lấy vợ đối với con đột ngột qua nên con đã phản úng không hay. Tối con đã nghĩ lại rằng việc đó không phải là của con mà là của cha, vì vậy con xin cha tha lỗi.

– Nhưng mà đó cũng là vấn đề của con nữa, con gái của cha ạ, – cha trả lời dịu dàng, – cả viẹc của con nữa. Nếu như con tỏ ra vui mừng, thì cha sẽ cảm thấy con không cản trở cha.

– Nếu con cản trở cha thì… Bởi nếu như cha đặt vấn đề cưới bất kì người phụ nữ nào khác thì con sẽ không có cản trở gì.

– “Bất kỳ người phụ nữ nào khác”? thế thì tại sao lại không thể là Nô-ra được? Cô ta là hiện thân cho sự vui vẻ, thân thiết, cô ta như là ánh sáng mặt trời chiếu vào căn nhà lạnh lẽo này. Ánh sáng sống động linh hoạt.

– Không, cô ta không phải là ánh sáng mặt trời. Xin lỗi cha nếu con có ý kiến khác. Ánh sáng mặt trời thì không thể có vết nhơ. Nhưng nếu như cha của con mà ra lệnh thì con bắt buộc…

– Vết nhơ nào? Vết nhơ là cái gì?

– Người ta gọi người phụ nữ có vết nhơ, có nghĩa là người đó đã có một quá khứ từng trải.

– Quá khứ từng trải ư? Quá khứ của cô ta là gì? Làm sao một cô gái chỉ lớn lên sau cửa kính trường dòng như một củ khoai tây lại biết được quá khứ của một người ngoài đời?

– Thì chính cô ta đã thổ lộ quá khứ của cô ta trong trường dòng mà.

– Cô ta thổ lộ điều gì?

– Theo ngôn từ của phụ nữ, thì những loại đó được gọi là loại con gái rẻ tiền.

– Rẻ tiền- từ đó có nghĩa làm sao?

– Con cũng chẳng biết, nhưng con nghe các nữ tu sĩ nói vậy.

– Thế các nữ tu sĩ thì biết gì về cô ấy?

– Không biết gì ngoài những gì mà chính cô ta kể cho con.

– Cô ta kể gì?

Cha mình hỏi dồn, đôi mắt nhìn mình như là đôi mẳt của một con sư tử khi nhìn thấy người ta định giật con mồi của mình đi.

Khuôn mặt vẫn bình thản, mình trả lời:

– Cha thử hỏi cô ta xem sao, cô ta vào được trường sân khấu có phải là do cha mẹ cô ta xin cho không? Hay là một người nào khác? Cha hãy hỏi xem ai là người cho cô ta y phục và trang sức?

Mình nói, chờ đợi cha mình xé nhỏ hoặc nghiền nát mình ra. Mình sẽ chết như con chiên ngoan đạo bị Nê-rô bạo chúa hành tội ở Cô-lô-xe-nin.

Đôi mắt cha nhìn mình đầy vẻ đe dọa, không khí trong phòng nặng nề như bị đông lại thành thủy tinh. Giữa mình và cha mình bị ngăn cách bởi nhiều lớp thủy tinh trong suốt.

Ông tỏ ra suy nghĩ lẩm bẩm:

– Trang phục của cô ta là những loại không mấy giá trị, đồ trang sức toàn đồ rẻ tiền. Nếu như cô ta thuộc loại con gái ấy thì dồ trang sức phải khác chứ. Vô ích mà thêu dệt ra sự hư hỏng của cô ấy! Đối với ta mọi chuyện đó là vô ích! Ta cứ lấy cô ấy đấy! Thế là xong, chấm hết!!!

Cha đấm tay xuống bàn làm cho những chiếc đĩa nảy lên.

Ngày 20 tháng 4

Bà thợ may mang theo vải đến tận nhà.

Mình chọn vải màu đen để may áo váy. Còn chọn vải màu hạt dẻ để may áo khoác. Mình đã nói với bà, tất cả đều may theo kiểu giản dị. Áo khoác thì mình chọn vải nhung đen làm cổ và trong có lót lụa màu đen.

– Nhưng mầu đen thì thành áo tang còn gì? Bà thợ may nói.

– Thì bà đừng có nghĩa là như vậy. – Mình trả lời ngắn gọn.

Nếu như cha mình cưới Nô-ra thì mình sẽ mặc bộ này. – Mình nghĩ cay đắng.

Buổi chiều Nô-ra lên thăm mình. Cô ta cũng là một loại người liều lĩnh và không có lòng tự trọng!

Cô ta nhìn thấy mình đang giàn giụa nước mắt. Mình cũng chẳng ừ hữ gì khi cô ta chào, mình chẳng đưa tay cho cô ta. Cô ta ngồi xuống và hỏi một điều bất ngờ:

– Em biết vì sao chị buồn; Nhưng tại sao chị lại căm ghét em đến thế? Hay chỉ vì em đã mang hạnh phúc đến cho cha chị? Em nói thực nhé, em sẽ mang lại hạnh phúc cho cha chị trong suốt cả cuộc đời!

– Thưa bà, bà mà có khả năng đem lại hạnh phúc ư?

– Chị lại khách sáo với em rồi, sao chị xưng hô với em như vậy?

– Bởi vì tôi không thể gọi mẹ kế của tôi là em được!

Mình cười, nụ cười đau đớn nhất.

Ngày 21 tháng 4

Mình cầu nguyện, cầu nguyện rất nhiều và khóc hoài. Nước mắt của mình cũng là những lời cầu khẩn tha thiết.

Phòng của mẹ mình sẽ là phòng của cô ta sao? Ghế của mẹ mình sẽ là nơi cô ta ngồi!… Cô ta sắp xếp, cai quản và ra lệnh ở đây! Cả không khí xung quanh của cô ta! Cả ngôi nhà, cả mảnh vườn, cả tài sản, cả đôi mắt của cha mình cũng sẽ thành của cô ta.

Ở đây mình bị tước đoạt mất mọi quyền lợi, mất cả tài sản lẫn trái tim của cha mình nữa.

Rồi đây gia đình nhà Bô-gar sẽ ngồi trong phòng ăn, trong phòng khách, họ sẽ ngắm cảnh qua cửa sổ, họ sẽ đi trên cầu thang, họ sẽ nhìn mình với ánh mắt khinh bỉ như mình là một vật vô dụng và làm cho chủ nhà khó chịu vướng mắt.

– Lạy chúa hãy giải phóng cho con khỏi địa ngục kinh khủng này.

Buổi cầu nguyện đã xong, linh mục cũng đã vào! Mình còn ngồi lại cầu khẩn đức mẹ Ma-ri-a, thánh hộ mệnh I-đo và các thiên thần của mình! Hôm nay mình đặc biệt nhớ đến thánh Pê-ter và xin Người hãy nhớ lúc bầu trời cứu thoát người khỏi song sắt ngục tù!…

Hãy giải thoát cho con, hỡi đức mẹ đồng trinh và các thánh từ thiện vĩ đại! Xin các Người hãy ban cho con một chút ân huệ khi con luôn ngước mắt lên trời thành kính.

Buổi chiều, mình viết thư cho xơ Pao-la, và xin xơ hãy đảm bảo cho mình vào dạy hẳn trong trường dòng. Mình xin làm cô giáo dạy đàn hoặc môn nào mà trường cần, nhưng mình sẽ thuê nhà ở ngoại trú chứ không ở trong trường, vì mình không chịu đựng nổi không khí ở đó về lâu dài. Mình viết cho xơ biết những lý do bắt buộc mình phải rời khỏi nhà của cha mẹ, mặc dù mình mới chỉ ở trong nhà được hai- ba tuần.

Mình tự cầm phong thư đó ra bưu điện.

“Tôi gửi thư nhanh”. Mình yêu cầu nhân viên bưu điện.

Ở bưu điện ra, mình đến thẳng mộ mẹ. Mình mua những cây hoa màu trắng đến trồng cho mẹ.

Pan-ni cũng lau mắt. Đây là một cô gái tốt, bởi vì cô ấy có những đồng cảm với mình, nhưng cô ấy cũng không thể hiểu nổi vì sao mình lại khóc nhiều thế.

– Thôi em đừng buồn nữa, – Mình nói với cô ấy, – rồi chị sẽ mang em theo về Bu-đa-pest, một thành phố lớn và đẹp, ở đó em sẽ thấy những lâu đài, chúng ta sẽ đi xem nhà hát lớn. Nếu em không nghe được âm nhạc thì ít ra em cũng thấy họ diễn trò.

Mình ngồi xuống trồng những cây hoa, Pan-ni thì đào những cái hố. Trong nghĩa địa không có ngôi mộ nào nhiều hoa hơn mộ mẹ mình.

Khi trở về nhà, mình hối tiếc vì đã gửi bức thư đi. Chắc chắn ở trường dòng họ sẽ không trả lời, không nhận mình nữa. Không những thế họ còn mang thư mình tới phòng ăn để đọc, rồi cười nhạo mình.

– Ha-ha thấy chưa, bây giờ cô ta đã biết là ở đây tốt hơn rồi đó. Cô ta cần phải bị trừng trị như vậy.

Ngày 22 tháng 4

Đã một tuần rồi mình không đọc báo, kể cả câu chuyện đăng trên đó… cái cô gái mà số phận giống như mình, chỉ khác tên. Nữ nhân vật chính là một nữ triệu phú người Anh, có sắc đẹp… mà còn đẹp hơn mình nhiều nữa! Mình cũng biết, mình thuộc loại nhan sắc, bởi vì đàn ông mỗi khi nhìn thấy mình đều ngẩn người ra, xì xào, trầm trồ với nhau, ánh mắt họ dõi theo mình, thậm chí họ còn đi theo mình nữa. Hồi mình đi qua thủ đô cùng các nữ tu sĩ, mình cho rằng đàn ông nhìn theo mình vì mình đi cùng các nữ tu nên họ tò mò xem mình là người ra sao khi sống cùng các nữ tu?! Thế nhưng ở đây mình chẳng đi cùng với nữ tu nào, thế mà đàn ông vẫn ngơ ngẩn nhìn mình, vậy thì mình vào loại có sắc đẹp. Con xin đội ơn chúa! Trong tiểu thuyết in trên báo kia, số phận cô gái đó cứ như là số phận của mình, tương lai của mình vây. Cô E-đit (tên nhân vật chính) cũng bị bà mẹ ghẻ chiếm đoạt tất cả và đuổi ra khỏi nhà. E-đit đi làm công việc của một người hầu. Mình bỏ không đọc từ cái đoạn cô gái bỏ đến Luân-đôn, xin vào làm người hầu.

Mình biết trước rằng cô ấy sẽ lại khổ ải như là cô gái I-đo đội mũ da hải ly tội nghiệp thôi.

Mình mang mấy tờ báo vào phòng dự định sẽ đọc tiếp. Mình cũng muốn biết số phận của cô gái giống mình sẽ ra sao?

Mình đọc một tờ báo, thật không may cho mình, đúng trang có truyện thì cha mình lại cắt một ô vuông, chắc tin rao vặt gì đó.

Mình nhìn sang tờ khác, xem chỗ rỗng mà cha mình cắt mất là mục gì, thì thấy đó là mục: Hôn nhân. Trên đó có đủ các ông góa vợ, các bà góa chồng, các chàng trai độc thân, các cô gái chưa chồng, những người có của và không có của,… tóm lại là những người muốn lập gia đình. Họ đề tất cả. Chỉ có khung đề những dòng quảng cáo đại loại như:

“Răng còn nguyên vẹn, tiêu hóa còn tốt”

Ôi, đáng xấu hổ! Nhưng thật đặc biệt, là tờ báo nào cũng cắt đúng một ô ở chỗ đó.

Mình xem qua tất cả các tờ khác, mình đều thấy vậy.

Cha mình tìm gì ở cái mục mày mà ông lại cắt ô ấy nhỉ? Chắc chắn đó là của một người rao tin tìm đôi lứa. Hay là bạn của cha mình nhắn tin? Tuần nào mà ông chẳng về thủ đô, ông đi khắp nơi kia mà?! Cần phải tìm xem mới được.

Mình gọi Pan-ni và bảo cô ta hãy chạy ra cửa hiệu bán báo đầu phố hỏi mua tờ báo tuần trước, nếu như người ta còn!

Pan-ni chạy đi khá lâu. Chắc chắn việc mua báo này đối với một cô gái câm sẽ khó khăn (mình ân hận vì đã sai cô ấy đi). Cuối cùng, cô ấy hổn hển về tới nơi, tờ báo trong tay.

Mình định đọc truyện trước, nhưng không hiểu nghĩ thế nào mà mình lật mặt sau của tờ báo ra và thấy một mẩu tin kỳ quặc, ở nơi mà cha mình đã cắt;

Tìm chồng cho con gái: Một người đàn ông có văn hóa, trẻ tuổi. Có nghề nghiệp, địa vị trong xã hội, không uống rượu, không cờ bạc, lành lặn, khỏe mạnh. Hồi môn của cô gái là 300 nghìn cua-ron tiền mặt. Tài sản vĩnh viễn sẽ còn lớn hơn tới hàng triệu bạc.

Địa chỉ hỏi ở tòa soạn báo.

Mình cảm thấy chóng mặt như ngôi nhà đang nứt ra, sàn nhà đang sụp dưới chân mình, đầu đau như bị nện. Mình chưa bao giờ bị ốm liệt giường, vậy mà lúc này mình nằm trên giường không thể dậy nổi nữa.

Cha mình đã mang mình ra rao bán như bán một con vật! Cha bán mình như bán một con bê non hiền lành…

Ngày 25 tháng 4

Mình nằm liệt giường đã ba ngày nay rồi.

Ngày nào bác sĩ cũng đến thăm bệnh. Ông ta nhìn họng, nhìn lưỡi mình, đặc biệt là săm soi cái lưỡi. Mình không cho ông ta nghe tim phổi của mình.

Cha mình không có nhà, may mắn thay, ông không có nhà vào lúc này.

Nô-ra qua thăm mình từ ngay hôm đầu tiên bị bệnh nhưng mình chỉ nói mỗi câu:

– Yêu cầu bà, hãy ra khỏi phòng tôi.

Nhưng giọng nói và đôi mắt mình thì muốn nói:

– Hãy cút xéo khỏi đây! Hôm nay tôi vẫn còn là chủ căn nhà này!

Cô ta quay người lủi mất như con chó bị dội nước nóng.

Đêm đầu tiên mình không ngủ được. Mình chỉ khóc, mình buồn nôn. Mình đang trên đường đi đến cõi hư tàn đây. Cha mình chỉ muốn hất mình ra đường, vậy mà mình lại cứ bắt buộc phải cư xử với ông cho lễ độ.

Mình biết tự tử là tội lớn nhất trong mười cái tội, mình chưa bao giờ nghĩ tới chuyện vi phạm. Nhưng cuộc đời trước mắt mình đã bị cắt đứt! Mình không còn biết đi đâu về đâu nữa, mình không có đường trở về!

Mình biết, trong nhà này không có cả súng dài lẫn súng ngắn. Nhưng mình có thể ra cửa hàng mua được chăng? Có lẽ người ra không bán súng cho phụ nữ, nhất là các cô gái mà trên nét mặt đầy vẻ muốn chết.

Trong nhà cũng không có cả thuóc độc, mà các hiệu thuốc cũng không bán cái của ấy nữa.

Mình đã nghĩ đến các kiểu chết đuối, chết treo cổ, chết đói, chết chẹt bánh xe tầu hỏa. Mình tưởng tượng, mình chóng mặt ở trong giường. Ôi nghĩ đến cái chết người ta không thể dùng từ tôi muốn được!

Ôi, bóng đêm, đen tối. Địa ngục mịt mùng! Không có đằng trước, chẳng có đằng sau!

Mình lại cầu nguyện thành khẩn như là Đa-ni-el cầu nguyện trong hang đạo giáo, câu nói khiến mình nhớ lại: “… Con hãy cứng rắn lên”

Nước mắt mình lại ứa ra.

– Chúa của con, người muốn cho Nô-ra cưỡi lên cổ con ư? Không, Người không bao giờ muốn có sự độc ác! Người chỉ muốn những điều tốt lành mà thôi!

Ý nghĩ đó khiến trái tim mình dịu đi. Mình ngủ thiếp.

Ngày 28 tháng 4

Cha mình vẫn chưa về.

Hôm nay mình đã khỏe hơn. Mình đã định sẽ bình tĩnh hỏi cha bằng một tâm hồn trong sạch rằng:

– Cha ơi, cuộc sống của con có phải là của con nữa không? Hay là cha bắt buộc con phải là sở hữa của cha và hành động như một vật hy sinh?

Cha mẹ có quyền chọn chồng, vợ cho con xứng đôi vừa lứa, nhưng chúa cũng cho cô gái có quyền chọn lựa hay không?

Nếu như cha mình không nghĩ thế, thì không còn con đường nào khác là phải ra khỏi nhà này. Tiền thì cha sẽ đưa cho mình một phần trong khoản mình được thừa kế. Mình đủ mạnh để có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Mình đã học đủ để tự kiếm sống. Mình sẽ đi dạy trẻ, hoặc dạy các cô gái nhỏ, nếu cần dạy cả người lớn nữa. Có điều mình sẽ không chuyển vào ở nhà ai cả. Mình sẽ thuê một căn hộ rẻ tiền và sống ở đó. Khi mà tiền đã với đi, mình đã có đủ quen biết để có thể sống bằng sức lao động của mình.

Mình sẽ tìm một người chồng. Ý chúa đã sáng tạo ra cuộc đời này là chim chóc cũng phải có đôi, vậy thì mình cũng sẽ tự kiếm được chồng cho mình.

Ngày 29 tháng 4

Cha mình vẫn chưa về.

Mình đã ngồi dậy trên giường. Mình cũng thấy khỏe hơn. Mình xếp tất cả đồ đạc của mình vào hòm. Nhưng mình sẽ chưa đi khỏi đây nếu mình chưa báo cho cha mình biết.

Pan-ni cũng lo lắng về trận ốm này của mình, cô ấy hay than khóc cùng mình, cô ấy thấy mình khóc thì thường hỏi han mình tại sao/

– Chị không bị bệnh đâu Pan-ni, em hãy hiểu rằng không thể bắt buộc chị lấy một người mà chị không yêu được.

Cô ấy hiểu hết mặc dù tâm hồn cô ấy giản dị. Đôi môi cô ấy mấp máy kêu lên:

– Tiểu thư đừng cho phép bất cứ ai làm vậy! Cô ấy ú ớ kêu ầm lên khiến mình phải bịt mồm cô ấy lại.

Những lời đó khích lệ, củng cố thêm suy nghĩ của mình, như là một sự tâm phúc, tin cậy.

– Không đâu, chị sẽ ra khỏi nhà này. – Mình an ủi cô ấy.

– Em sẽ đi với chị! Hãy mang em đi với chị! Đừng để em ở lại!

Cô gái chắp hai tay cầu khẩn.

Mình ôm cô gái hôn.

– Chị sẵn lòng mang em theo, nhưng trước tiên cần phải hỏi cha mẹ em đã.

– Tiểu thư đừng hỏi!

– Không, không thể được, phải hỏi chứ. Mà chắc chắn cha mẹ em sẽ đồng ý thôi, vì như vậy em sẽ cách xa cậu Pis-ta của em hơn mà.

– Pis-ta sẽ đi cùng với em! – Cô ta vỗ tay kêu lên – Em đi đâu, Pis-ta sẽ theo đấy.

Không chắc đâu, – mình nghĩ, – cô gái này chưa bao giờ đi tàu hỏa và cũng không biết tên các thành phố. Mình đi thì mình chỉ báo địa chỉ cho cha mẹ cô ấy biết thôi.

Mình soạn ra xem mình còn bao nhiêu tiền.

Mình kéo ngăn tủ ra và thấy cái ví vẫn nằm đó. Chợt lóe lên trong đầu mình một ý nghĩ, mình đã để quên chiếc nhẫn kim cương của mình ở ngoài mộ mẹ trong lúc trồng hoa.

Ngày 30 tháng 4

Ngày nào cũng như có một viên đá rủi ro rơi xuống đầu mình! Mình đã đi lại được, sáng nay mình đến nhà thờ xưng tội.

Mình nói với linh mục rằng mình sẽ không đời nào chịu để cho người ta bắt mình lấy một người chồng mà không phải do mình chọn.

Linh mục cũng nói rằng, ở hôn lễ trong nhà thờ, bao giờ linh mục cũng hỏi các câu hỏi, trong đó có câu: “Có ai bắt buộc con trong việc kết hôn không?”. Cần phải trả lời câu hỏi đó một cách thành thật bên bàn thờ.

Ngoài ra đức cha còn giải thích cho mình là không phải bao giờ đứa con cũng hiểu hết ý muốn tốt của cha mẹ. Nhất là những đứa trẻ con nhà nghèo không bao giờ được đến trường học, những đứa bé ấy khi lớn lên cũng thường xảy ra chuyện cha mẹ muốn điều tốt nhưng đứa con ấy lại hiểu sai đi. Ông còn khuyên mình nên nhớ đến trường hợp vâng lời cha mẹ của A-bra-ham, đã dám hy sinh cả con trai độc nhất vì đức chúa.

Mình không thể làm vật hy sinh được. Nếu mà linh mục cũng chịu làm một vật hy sinh, thì mình sẽ không buồn đến nhà thờ nữa.

Sau lễ xưng tội ây, mình nghĩ rằng A-bra-ham đã là một người không bình thường khi chuẩn bị mang con mình đi giết, mà cậu con trai I-zak thì hoặc là điên, hoặc là không biết cha mình định làm điều đó.

Mình cảm thấy mình lại có tội khi nghĩ vậy, nhưng lễ thú tội đã xong rồi, mình không thể nói gì thêm nữa.

Mình đi ra khỏi nhà thờ, và viết lên tờ giấy một hàng chữ: Những cuốn sách có liên quan đến hôn nhân rồi mình đưa cho Pan-ni mang đến cửa hiệu sách (từ dạo phát hiện ra Bô-đô-ky làm việc ở đó, mình không đến hiệu sách nữa).

Cô gái cầm về cho mình ba cuốn sách.

Ở nhà, mình đã thấy có một bức điện chờ mình.

“Ba giờ cha sẽ về nhà, con hãy chờ cha.

Cha của con”

Bụp, một viên gạch nữa lại rơi xuống đầu mình.

Chắc chắn Nô-ra sẽ kể cho cha mình nghe chuyện mình đuổi cô ta. Cha mình sẽ buộc mình phải xin lỗi cô ta, thậm chí còn phải hôn tay cô ta nữa chăng? Đúng là nhục nhã! Trong nhà này, những người hầu sẽ khinh mình.

Trái tim mình như bị rứt ra từng đoạn. Mình chắp tay cầu khẩn.

– Lạy chúa Zê-xu, Người hãy ban cho con nghị lực dồi dào, giống như khi người lên đường đi tìm cây thánh giá.

Mình khẩn cầu tha thiết khiến lòng mình dịu đi. Mình cảm thấy cha mình có thể lôi mình đến bên chân Nô-ra. Nhưng mà ông không thể nào làm nhục mình được! Mình sẽ nói những điều ông mong muốn, nhưng không ai có thể hiểu được mình đang nghĩ gì!

Mình rửa mặt bằng nước lạnh, sau đó ngồi đọc sách. Một quyển là: Hôn nhân. Quyển thứ hai: Tình yêu hôn nhân, sách dịch bằng tiếng Đức. Quyển thứ ba: Những giây phút thú vị.

Những quyển sách này thu hút người đọc bằng cách chứng minh lý giải cho người ta biết hôn nhân là gì?

Bình luận