Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nàng Iđo

Chương 4

Tác giả: Gárdonyi Géza

Sau bữa trưa, Iđo len lén lấy tờ báo trong phòng cha ra xem.

Lẽ ra nàng có thể lấy tờ báo đó một cách tự nhiên trước mặt cha, hoặc là nàng có thể ngồi ngau cái ở chiếc ghế bành cạnh bànviết trong phòng cha mà đọc, thế nhưng nàng mới ở trường dòng về được vài tuần nay. Nàng vẫn còn cảm giác đọc báo là một tội lỗi.

Tất nhiên, hồi ở trong trường dòng, nàng vẫn thấy các cô học sinh ngoại trú lén lút mang báo vào trường cho các cô khác đọc. Cô nào mà đã đọc dù là một bức thư vớ vẩn trên báo chí thì đến thứ bảy vẫn phải xưng tội:

” Con đã đọc tiểu thuyết”

Iđo cũng phải thú tội hai lần. Một lần thực ra không phải nàng đọc, mà nàng chỉ nghe bạn bè thì thầm bàn tán về một câu chuyện tình đăng trên báo. Sau lần đó, nàng đã đoạn tuyệt với những chuyện mà nàng cho là ấn phẩm nguy hiểm. Nàng thường bịt tai lại nếu như nghe thấy các cô bạn xì xào bàn tán về truyện ngắn, truyện tiểu thuyết. Mặc dù quyết tâm vậy nhưng nàng vẫn run cả người vì háo hức tò mò.

Thế là nàng lại xưng tội.

” Con có tội bởi vì con đã tò mò”

Còn bây giờ, nàng đã có thể tự do đọc báo, đọc thơ, đọc tiểu thuyết . – Đọc liên tục cả ngày cũng được. Nàng đã mười chín tuổi. Nếu muốn nàng đã có thể ở lại trường dòng tiếp tục dạy học và trở thành nữ tu sĩ.

Ngay từ lúc bé, Iđo đã không muốn thành nữ tu. Lớn lên chút ít, khi học trung học, nàng lại được học thơ của Petôphi. Hịc sinh không được đọc cả thơ của ông mà chỉ có phần nào, nhưng Iđo là một thiếu nữ học hành chăm chỉ, nàng đã say mê thơ của Petôphi và tìm cách mượn người coi cổng tên là Klein Berta toàn bộ tuyển tập thơ ông.

Những dòng chữ thơ của Petôphi đã khiến nàng rung động những giây phút đầu tiên trong đời.

” Tự do và tình yêu~ Cả hai tôi đều cần!”

Từ những câu thơ này, mà nàng đã quyết định không bao giờ thành nữ tu sĩ.

Iđo cảm thấy nghẹt thở khi lần đầu nàng được tiếp xúc với những vần thơ tuyệt vời đó. Nếu người khác viết câu thơ như vậy, hẳn nàng đã thấy kinh sợ về những lời tội lỗi đó, nhưng đây lại được in trong sách giáo khoa học luật thơ của nàng, và cần phải biết thơ của Petôphi kỹ càng thì mới thi tốt nghiệp trường trung học được. Ai mà chỉ đọc thơ ông có một vài bài thôi, thì không thể nào tự nhận là biết thơ ông được, vì vậy nàng đã đọc hết tuyển tập thơ Petôphi.

Khi đọc thơ, khuôn mặt nàng nóng bừng, đỏ như khi đứng trước các thầy giáo hỏi thi, bởi đó là tập thơ tình yêu từ đầu chí cuối. Trời đất, chẳng lẽ người ta lại có thể kiểm tra bằng cách bắt học sinh đọc to những dòng như vậy lên sao!

Bắt đầu từ ngày đó, nàng không còn mơ tưởng đến chiếc áo đen của dòng tu nữa. Mỗi tối, trước khi đi nằm lúc nào nàng cũng cầu nguyện thiết tha như sau:

– Lạy chúa, xin chúa hãy ban cho con tự do và tình yêu như người vẫn thường ban cho những người phụ nữ khác nhà ở và hạnh phúc.

Cô gái tội nghiệp đã bị cha nàng gửi vào trường dòng khi nàng mới chưa được bảy tuôit, ngay cả các kỳ nghỉ hè, cha nàng cũng không hề đón con gái về nhà. Trái tim của Iđo luôn đau đớn mỗi khi nghỉ hè, các nữ sinh đi về nhà hết. Nàng đơn độc trong trường và khóc thương cho những giấc mơ hạnh phúc bình dị của một con người. Nàng biết mình không được tự do, bởi vì qua các nữ tu kể lại, nàng biết mẹ nàng đã mất, mà cha nàng không tìm cho nàng được một người mẹ kế tin cậy, cha nàng suốt ngày tháng bận bịu với những cửa hàng, cửa hiệu buôn bán rượu. Người chủ hãng buôn rượu cần phải đi nhiều. Khi trở về nhà là lúc ông lại phải bán rượu theo các hợp đồng.

nàng cũng ít được thấy cha, nhiều nhất, một năm nàng được gặp cha một lần thường thường vào tháng sáu. Lúc đó cha nàng thường mang đến một sọt rượu nhẹ biết các nữ tu và yêu cầu họ hãy cho phép Iđo ở lại trường vào dịp hè. Cha nàng lúc nào cũng xuất hiện với chiếc áo khoác đen, đẹp. Gương mặt ông đầy vẻ nghiêm túc và thành kiến. Tóc ông càng ngày càng nhiều sợi bạc, mũi ông đỏ chót như là tất cả sự nóng nảy trong cơ thể ông đều dồn cả lên đấy. Iđo lúc đó cũng như là tất cả những người quen biết bình thường của ông. Ông ôm con, hôn cẩn thận để bộ ria khỏi đâm vào má con, ông hỏi con hai ba câu, đó là tất cả cuộc nói chuyện giữa hai cha con.

– ” Con khỏe không? Con cần gì? Cha cho con tiền nhé ?”

Ông nhìn con gái với ánh mắt lạnh lùng. Rồi sau đó lại biến đi mất dạng một năm trời.

Thật bất ngờ, một lần có người phụ nữ đến thăm Iđo. Lcú đó nàng đã mười lăn tuổi. Đang ăn bữa chiều, bỗng một nữ tu canh cửa bước vào gọi Iđo ra phòng khách.

– Có một người phụ nữ đợi con dưới kia, bà ta tên là Beretvas Istvan.

Iđo ngạc nhiên hỏi:

– bầ ấy là ai ạ?

– Bà nhũ mẫu của con.

Iđo không nhớ tên ai cả. Nàng chỉ nhớ tới các nhũ mẫu qua hình dáng gầy, béo, đi dép hay đi chân đất còn tên là Rozi hay Mari thì nàng không phân biệt được, mặc dù vậy, nàng cũng vui sướng bỏ tách cà phê uống dở, chạy xuống cầu thang.

Một người phụ nữ có khuôn mặt lưỡi cày, buộc khăn đen trên đầu đợi nàng. Trong đuôi mắt nhỏ màu đen của bà ánh lên sung sướng.

– Ồ, Iđo bé bỏng!

Cái miệng của bà cười nở rộng khi nói chữ ồ không hề có một chút nào kiểu cách hay gượng gạo.

– Trời ơi, suýt nữa thì u không nhận ra tiểu thư! Em lớn quá lại đẹp ra nhiều! Trời ơi, đôi mắt của em đẹp quá! Trông em ra dáng một tiểu thư quyền quí lắm rồi! Chúa hãy an ủi tâm hồn tội nghiệp của mẹ em. Lẽ ra bây giờ bà hãy sống và nhìn thấy em nếu như bà không bị bệnh tật bắt đi! U đã xướng tên khác khi nhờ nữ tu gọi em đấy, sau đó u chợt nhớ ra thì nữ tu sĩ đã đi rồi. Lẽ ra u chỉ cần nói rằng : tôi là Mari, nhũ mẫu của tiểu thư Iđo. Bởi vì chắc chắn em không thể biết được rằng u đã lấy chồng. Ông Beretvas lấy u đấy. Đó là người yêu đầu tiên của u. Ông ấy làm nghề thợ gạch. Ông ấy tốt, chỉ thỉnh thoảng say rượu thôi, nhưng ngay cả lúc say rượu, ông ấy cũng không đánh u đâu. Ông ấy hơi thô bạo, cục mịch nhưng ông ấy không đánh vợ. Bây giờ gia đình u ở lại cùng Kelenfoldon. U chợt nghĩ phải đến nhìn xem tiểu thư bé nhỏ dễ thương của u ra sao. Bây giờ em đã nhớ ra u rồi chứ?

Iđo cũng đã nhớ ra. Họ cùng nhau nhắc nhở tới mẹ nàng, và bà nhũ mẫu ca ngợi bà là một người tốt vô cùng.

– Chỉ có điều phu nhân luôn buồn thôi – nhũ mẫu nói.

– Nhưng vì sao mẹ em lại hay buồn rầu? Em không thể nhớ nỗi vì sao mẹ em lại buồn.

Nhũ mẫu Mari chớp đôi mi một lát rồi mở mắt ra nói:

– Chính nỗi buồn đã cướp đi cuộc sống của mẹ em đấy, cầu chúa hãy an ủi bà.

– Nhưng vì sao mẹ em lại buồn?

– Sao ư?…Bởi vì cuộc sống mà chỉ quanh quẩn ở nhà bếp…mà trong cuộc đời u chưa bao giờ u thấy có ngôi nhà nào lại buồn hơn ở nhà em – nhũ mẫu Mari lắc đầu – ở đây nhà bếp có buồn như vậy không em?

– Thì…cũng yên tĩnh.

– Có phải các nữ tu sĩ nấu ăn không?

– Không ạ. Ở đây còn có cả những người phục vụ bình thường nữa. Thế ở nhà u, u cũng phải nấu ăn chứ?

– Có chứ, tiểu thư – tâm hồn của u ạ, u phải làm tất cả. Đến bây giờ u vẫn phải tự nấu ăn, nhưng đó là làm vì chồng con.

Bà nhũ mẫu chớp mắt rồi bỏ lửng câu nói. Bà lại quay về với những kỷ niệm xa xưa, hỏi Iđo có nhớ chuyện này…chuyện kia không…?

Tất nhiên, Iđo không nhớ lắm. Nàng nhớ đến ngôi nhà như là chỉ nhìn thấy nó trong một giấc mơ xa. Ngôi nhà rộng và lớn. cả nhà sống trên lầu. Mẹ con nàng ngủ trong một căn phòng có chiếc giường bằng đồng, chiếc chậu rửa mặt trắng và một cái gương to, có thể soi chiếc gương đó thấy từ đầu đến chân. Đặc biệt, nàng nhớ chiếc tủ thấp có nhiều ngăn kéo. Chiếc tủ được làm bằng gỗ cây lê. Trên mặt tủ có để một tấm kính lớn, trên tấm kính có một chiếc đồng hồ cỡ to và đẹp, giữa bốn chiếc cột đỡ mặt đồng hồ có tượng một ông già râu quai nón trắng, mặc áo choàng có mũ, ông già chỉ cao bằng một gang tay, ông cầm một chiếc gậy vàng nhỏ nhắn. Cứ mỗi một giờ, chiếc gậy của ông già lại đập vào chiếc chuông đồng hồ. Những lúc đó mặt đồng hồ sáng lên và nổi trên hình những con số là ảnh đức bà Maria tuyệt đẹp. Trong tay đức bà bế chúa hài đồng Zêxu. Ông già râu trắng đã đánh chuông rất cần mẫn theo từng giờ một.

Iđo còn nhớ đến một chiếc đàn piano, nàng nhớ chiếc đàn vì nhớ đến các cuộc chơi trốn tìm hồi nhỏ. CHỗ trốn là dưới gầm một chiếc bàn phủ tấm khăn giải bàn bằng lụa màu xanh lá cây rủ dài xuống đất đó là chỗ trốn tốt nhất. Những ngày vui như lễ là những ngày mà phu nhân Bôđôky đến chơi cùng cậu con trai nhỏ tên là Pisto. Hai người mẹ ngồi nói chuyện, còn bọn trẻ chạy trốn xung quanh chiếc đàn piano. Có hôm còn đến thêm một phu nhân nữa cùng một cô gái. Lúc đó, tụi trẻ lại càng vui hơn. Khi chia tay, những bà mẹ ôm hôn nhau, cô bé gái cũng hôn Iđo. Iđo hôn bé trai Pisto. Các bà mẹ thấy vậy đều cười trêu Iđo.

– Này Pisto, cố mà nhận lấy trách nhiệm làm đàn ông đó nhé.

Iđo đỏ mặt. Cô bé cảm thấy ngượng ngùng nếu có ai đó trêu cô.

Còn một đứa trẻ nữa mà nàng vẫn nhớ được: Cô bé đó nhỏ hơn Iđo hai tuổi. Nó là con gái của viên kế toán gia đình Iđo. Gia đình ông kế toán ở ngay trong sân nhà Iđo. Ông ta có tên gọi là Bogar, nhưng đó là tên đã rút ngắn. Tên chính của ông ta là Bôgđanôvich. Sau khi đến làm cho cha nàng, cha nàng mới gọi tên ông là Bôgar. Cũng giống như cha nàng, vốn là người Hungari gốc Đức cho nên cha nàng cũng đổi họ Alt thành ra Ô. theo phiên âm tiếng Hung. Đứa con gái của ông Bôgar luôn luôn chơi ở ngoài sân. Mắt cô bé màu xanh. Đôi môi tròn đỏ như hoa hồng. Hầu như ngày nào, Iđo cũng chạy ra sân tìm cô bé và gọi thân thiết:

– Ela bé bỏng, Ela bé bỏng! Em ở đâu?

Hai đứa bé ôm nhau hôn, cười đùa và chuyện trò ríu rít.

từ lúc Ela mới chập chững biết đi, bập bẹ biết nói, nó đã rất vui gọi Iđo là ” mẹ bé nhỏ của em”

Iđo cũng thường hay nhớ tới cô bé Ela. Nhưng tất nhiên, nhiều lần nàng nhớ tới cậu bé Pisto. Đặc biệt mỗi khi sắp tới kì nghỉ nàng đều mong được về nhà để có thể gặp lại Pisto.

Khi Iđo đã học trung học, nàng thường xuyên nghĩ rằng Pisto cũng đã lớn lắm rồi. Có thể bây giờ đã là một chàng trai trẻ đẹp. Có một lần nàng đã dám mơ mộng, chồng nàng sẽ là Pisto. Đầu tiên trong ý nghĩ, nàng chỉ dùng từ có thể, nhưng sau này nàng lại đinh ninh chắc chắn thế.

– U từ quê lên đây bao giờ?

– Sau ngày lễ thánh, đúng thứ ba là u đi, cô gái nhỏ của u ạ.

– U cho em biết, gia đình ông kế toán Bôgar còn sống ở nhà em không?

– Có đấy tiểu thư ạ, ít ra họ còn sống ở đó mười năm sau khi tiểu thư đi học, rồi thì…

– Điều này, cha em đã nói cho em biết. Cha em đã đuổi họ đi vì họ làm một việc bừa bãi gì đó. Họ đã gây nhiều thiệt hại cho gia đình em…Em cũng chẳng biết cụ thể là chuyện gì, họ vẫn còn ở trong thành phố hay là đã chuyển đi nơi khác?

– Họ chuyển đi được vài năm. Ông Bôgar lại xin được việc ở một văn phòng của công ty Petrovich, nhưng rồi đến mùa đông họ lại chuyển về thủ đô. U có gặp lại họ sáu lần nữa, số phận của họ thật cực như là…

– U có gặp lại họ? Bé Ela còn sống chứ?

– Vì sao lại không sống hở em?! U gặp lại cô ta nhiều nhất đấy. Họ hiện nay sống ở gần vùng đất phái đông Kelen hay là Ladmanhoson. Bây giờ, Ela không còn bé bỏng nữa, cô ta đã trở thành một thiếu nữ đẹp…Chỉ có điều cô ta gầy quá, cứ nhìn thân hình cô ta cũng biết là gia đình họ không đủ ăn.

– Trời ơi, u Mari hiền dịu đáng yêu của em, u hãy nói với cô ấy rằng hãy đến đây gặp em. Bất cứ chủ nhật nào cũng được. Buổi chiều từ ba đến bốn giờ.

– U sẽ nói, tiểu thư ạ.

Iđo chớp mắt, sau đó lại hỏi:

– Vậy u có biết gì về gia đình phu nhân Bôđôky không?

– Phu nhân Bôđôky ư? Bà ta là ai nhỉ? À u nhớ rồi, phải chăng là bà phu nhân sang trọgn hay đến chơi với bà nha ta? Phu nhân có mớ tóc màu hạt dẻ, có cái cằm bự và hay cười, trên ngón tay đeo hai chiếc nhẫn, một chiếc có viên đá hồng ngọc màu đỏ thắm như rượu. Bà quàng chiếc khăn to, đẹp, bằng lục màu vàng chanh…

– Phu nhân còn có một đứa con trai nữa…

– Đúng, một đứa bé trai tên là Pisto. U biết rõ quá. Tóc nó cứng như rễ tre vậy. tiểu thư hay chơi với cậu ta. Tiểu thư có nhớ cái lần cậu ta làm vỡ ba chiếc cốc chỉ vì cậu ta kéo cái khăn trải bàn?!

– Thế bây giờ họ ra sao hở u?

– U chẳng biết gì về họ cả, tiểu thư bé bỏng của u ạ, bởi vì, sau đó u làm công cho một ông phòng thuế, u không ở nơi cũ nữa. Hàng ngày u phải theo bà chủ ra chợ để cọ rửa, quét dọn, làm công việc đó không phải kiếm ăn tốt như khi u ở cho nhà em đâu. Ở chợ là nơi u chủ nhận được những lời chửi mắng thậm tệ, chứ chẳng thấy ai cho đồ ăn bao giờ.

Iđo trầm ngâm nhìn bàn tay to bè vì lao động của nhũ mẫu Mari, sau đó nàng nói nghiêm trang:

– U Mari hãy nói cho em biết, vì sao em không bao giờ được về nhà? Tất cả các bạn của em được về nhà vào những kỳ nghỉ, ngàylễ, chỉ có em là không dược về thôi.

Nhũ mẫu Mari chớp mắt lúng túng:

– Ôi, linh hồn của u…Nhưng về thế nào…?

– Như tất cả mọi người khác ấy. Ai cũng được đón về.

– Ôi, linh hồn của u…Nhưng về thế nào được hở em? Trong nhà em từng tháng một đều có các bà, các cô thay nhau đến ở.

Bà mỉm cười lắc đầu:

– Cha em là một người đàn ông ham vui lắm đấy.

Iđo không thể hiểu được điều này. Nàng nghỉ đó là các bà, các cô quản lý mà cha chọn về để trông nhà – ” nếu khi nào mình tốt nghiệp trung học, mình sẽ về nhà trông nom quản lý nhà cửa và không cần phải thuê bà quản lý nữa”. Nàng chỉ ngạc nhiên khu u Mari gọi cha nàng là người đàn ông ham vui.

Nàng thắc mắc:

– Cha em mà vui ư? Ở đây, bao giờ cha em cũng nghiêm trang…

– U tin như vậy – bà nhũ mẫu lắc vai mỉm cười thông cảm – ở nhà thì còn có trò trăng hoa được…Nhưng em hãy nói cho u biết, ở đây có thuê những người đàn bà như u làm các công việc trong nhà bếp không? Nếu u có thể vào làm ở đây được nhỉ…

– Trò trăng hoa là gì hở u?

– Trăng hoa ư? Là trò nhảm nhí, linh hồn của u ạ, là trò giải trí của các ông. ( Bà chớp mắt, vẻ nghiêm chỉnh). Nhưng mà em muốn hỏi điều đó làm gì. Tốt nhất em hãy cho u rõ, u có thể kiếm việc làm ở đây được không? Các buổi tối u sẽ từ đây đi về nhà và có thể mang theo những mẩu bánh thừa trong nhà bếp hoặc chút ít gì cũng được…

Cánh cửa phòng mở ra, khuôn mặt trạc trung niên, trắng trẻo của bà nữ tu canh cửa thò vào.

– Đã được một giờ rồi đấy Iđo.

Iđo hỏi ngay bà nữ tu xem có việc gì cho bà Mari làm không. Nữ tu lắc đầu:

– Ngày nào cũng có người tới xin việc, nhưng chỗ chúng tôi đã có đủ người phục vụ trong trường từ lâu rồi.

Iđo vẫn còn vương vấn tự hỏi về cái từ “trăng hoa” cùng trò ” nhảm nhí” mà u Mari đã nói là gì. Nàng giở từ điển ra tìm nhưng không thấy. Sau đó nàng cũng quên đi chỉ có một điều chắc chắn tồn tại trong suy nghĩ của nàng đó là nàng sẽ trở về nhà và làm người quản lý nhà cửa. CHính nàng sẽ sắp xếp, trông nom cai quản những người giúp việc, sẽ không có sự rối ren trong nhà nữa…

Chủ nhật tiếp theo, nữ tu trông phòng khách lại gọi Iđo:

– Có một cô gái tới tìm em – Nữ tu nói – Cô ta bảo quen em từ lúc nhỏ.

Iđo lập tức nghĩ ngay đến Ela. Bôgar Ela, người đã từng gọi nàng bằng đôi môi hồng và tiếng cười ngọt ngào trong trẻo ” Mẹ bé bỏng của em”.

Nàng chạy như bay xuống cầu thang, khuôn mặt đỏ bừng. Nàng mỉm cười, miệng lẩm bẩm gọi trước.

– Ela bé bỏng, em bé của chị!..

Vừa đến tầng một, cánh cửa của ban giám đốc xịch mở. Trước tiên là những ngon tay nhọn trắng bám trên cánh cửa, sau đó là một chiếc váy màu xanh thẫm dài chấm đất. Iđo lập tức đoán biết đó là đệ tử của đức mẹ đồng trinh Maria, bà giám đốc trường dòng.

Bước chân đang chạy của nàng chợt giảm tốc độ, chuyển sang thành các bước nghiêm trang chậm rãi. Khuôn mặt như vừa bị trận gió mùa đông vụt qua lấy mất nụ cười và màu hồng trên má.

Bởi lẽ, trước mặt bà giám đốc thì làm sao đôi chân lại có thể nhẩy lên được, chiếc váy làm sao lại được phép đung đưa vui vẻ? Bà giám đốc không quở mắng cũng chẳng bao giờ trừng phạt ai, nhưng mẹ thân sinh của bà lại là một nữ bá tước, một nữ bá tước chính cống được sinh ra trong lâu đài nhung lụa, lớn lên trong cao sang quyền quí, những ai bước chân như nhảy trước mặt nữ bá tước là một kẻ vô học. Dòng họ nữ bá tước không nói gì mà chỉ mở to đôi mắt nhìn. Trong đôi mắt của bà giám đốc có huyết thống của nữ bá tước. Trời ơi, ai mà dám xem thường bà thì đất sẽ sụp xuống dưới chân họ.

Nếu như bố của bà giám đốc chỉ là một người thợ làm yên cương ngựa, mẹ của bà chỉ là một người thợ làm đai ngựa thì các học sinh chỉ phải chào bà như một tu sĩ già mà thôi, nhưng đây lại là con gái của một bá tước.

Bà đi, bà cúi chào, bà hắt hơi thế nào thì tất cả các nữ tu, nữ giáo sĩ, và các học sinh trong trường đều phải bước đi, cúi chào, hắt hơi y như vậy. Đặc biệt nhất là cái nhìn của bà xuyên qua cặp kính trắng gọng vàng. Đôi mắt lạnh lẽo như cũng được đúc bằng thủy tinh vậy. Đôi mắt nhìn chăm chăm như không bao giờ chớp mi. Cái nhìn của bà luôn luôn nhìn vào người đối diện như nhìn một vật kỳ quái trong viện bảo tàng vậy. Những cô gái khó tính kiêu kỳ nhất cũng thường có ánh mắt như vậy nếu họ cảm thấy ai đó chạm vào tự ái của mình, họ cũng mở to đôi mắt nhìn không chớp mi, không hề lay động như nhìn vào một vật kỳ quái. Trong trường hợp này, bất cứ một hành động, một cử động nào của bà giám đốc cũng gây ra sự xao động trong đám nữ sinh, họ dò hỏi nhau xem bà giám đốc nghĩ gì? Xà phòng thơm mà bà bá tước dùng sẽ là mùi được tất cả các nữ sinh coi là hương thơm của tầng lớp quí tộc. Ai mà bước đi, quay người, im lặng không như bà giám đốc thì cô gái đó bị coi là tầm thường.

– ” Bạn tầm thường lắm…” – đó là một câu phỉ báng.

Iđo bước chậm rãi như có bàn tay vô hình níu chân nàng lại. Nàng bước thẳng nghiêm trang như một người lính. Khuôn mặt lộ vẻ đoan trang cao quí.

Nàng cúi đầu thật thấp chào bà giám đốc bằng tiếng latinh:

– Laudotur….

– In setornum…

Và nàng cứ cúi đầu như vậy cho đến khi bà giám đốc bước qua…

Đứng giữ phòng khách, có một cô gái tuổi chừng mười ba, khuôn mặt như của cont rai đang nhìn ra phía cánh cửa mở. Cô mặc chiếc áo vải trắng xuềnh coàng và chiếc váy rẻ tiền màu tím đã bạc. Trên đầu cô đội chiếc mũ rơm cũ có buộc một dải nhung. Tay cô cầm một chiếc dù trắng đã sờn. Vầng trán cô được phủ bằng một mớ tóc cứng, tỉa ngắn không chau chuốt, mái tóc cô màu vàng cháy nắng. NHìn máu tóc đó cũng thấy ngay chủ của nó thuộc loại nghèo hèn. Đôi giày dưới chân cô kiểu mũi tròn có thể thấy ngay được rằng nó không đúng cỡ chân cô: ở gót chân còn thấy thừa ra một khoảng giày.

Một khuôn mặt hoàn toàn xa lạ, lạnh lùng và ngơ ngác! Trông lạ đến nỗi bước chân của Iđo trở nên e ngại. Nàng ngơ ngác nhìn quanh, nhưng trong phòng không có một ai khác nữa.

Đôi mắt nàng mờ đi.

Cô gái bé cũng hiểu Iđo không nhận ra cô. Cô cứ đứng nhìn như người thất thần vậy – đôi mắt cô gái màu xanh xám – đôi mắt mở to nhìn Iđo vẻ ngạc nhiên chờ đợi.

– Em là Bôgar Ela ? – cuối cùng Iđo đánh bạo hỏi:

– thưa tiểu thư, em là Ela – cô gái trả lời và cúi chào.

Trên khuôn mặt nhỏ nhắn, ầy guộc của cô gái xuất hiện nụ cười hy vọng.

Cái từ cô ta gọi ” thưa tiểu thư” đã khiến Iđo khó chịu. Vậy ra bây giờ cô bé đã không còn gọi nàng là: “mẹ bé bỏng của em…”

Nàng nhìn cô gái bằng ánh mắt của bà giám đốc vẫn thường nhìn, ánh mắt lạnh lùng, không chớp mi.

– Chị rất vui lại được nhìn thấy em.- cuối cùng nàng nói – em hãy ngồi xuống Ela. Chị rất mừng… Đúng là lúc đó em còn quá nhỏ…Em không thể nhớ chị được…

Cô gái nhỏ đưa đôi mắt thăm dò nhìn lên mặt Iđo. Có thể thấy ngay rằng cô gái nhỏ đã không nhớ nàng thật.

– Em chỉ nhớ rất ít – cô mỉm cười ngượng ngùng, vẻ nhún nhường – lúc đó em còn bé quá…

– Thế em không nhớ được lời em nói với chị ư?

– Em không nhớ…

– Em không nhớ đã gọi chị thế nào chăng?…

– Chắc là…

Cô lại lắc vai trái.

Iđo lúc đó nhìn xuống đôi bàn tay cô gái: đôi tay đỏ, da mu bàn tay ngăm ngăm đen, móng tay hẹp và cùn. KHuôn mặt của cô bé có vẻ sạch sẽ hơn đôi tay.

– Thế em không thể nhớ nổi chị đã gọi em thế nào ư?

– Không ạ…

– Thế em nhớ những kỷ niệm gì khi chúng ta sống cạnh nhau? Khi mà em còn bé ấy?

Cô bé gái mỉm cười:

– Em nhớ nhiều thứ. Em nhớ có người tặng em chiếc áo màu đỏ. Em đã rất sung sướng và tưởng nếu mặc chiếc áo vào em sẽ bay được. Em nhớ một con mèo nhỏ hay cào cấu búp bê của em. Em nhớ hai con búp bê và cả hai con đều có cái đầu bằng sứ, khi cả hai bị vỡ em đã khóc…

– Em không nhớ gì nữa sao?

Cô gái suy nghĩ:

– Có một cái cầu thang mà em bị ngã khiến một con búp bê của em bị vỡ. MỘt cái gương mà chúng soi vào đó…

– CÒn gì nữa?

– Em có nhớ các bạn chơi với em không?

– Có hai cô bé. Một cô bé đặc biệt, có giọng nói choe choé. Chúng em dẫn nhau từ nhà cụ cố về.

– Thế còn cô bé kia?

– Cô bé kia sống cùng trong khu phố chúng ta. Tóc cô cắt ngắn. Mũi cô bé rất nhỉ. Trong trường học cô hay cắn táo đỏ, và những đó trông mũi cô ta tẹt dí đâu mất.

– Thế em không nhớ những người bạn chơi của em hồi bé hơn hay sao?

Cô bé gái suy nghĩ:

– EM có nhớ một đứa con trai, em chơi bóng với nó. KHông…đó là sau này, nó là con trai một chủ hiệu. Nó hay mang đường viên đến cho em, đường củ cải…

– Thế em không nhớ một đứa bé trai nào khác ư?

– Thời đó chỉ nhớ có hai cô bé gái nhà cụ cố-

Iđo trầm ngâm nhìn cô gái rồi nói:

– Em sướng thật – rồi nàng khẽ thở dài.

Nàng nghĩ đến việc Ela được tự do đi lại ngoài trời mà thốt vậy. Nhưng Ela chỉ nhìn vẻ ngạc nhiên. CÔ chờ đợi xem IĐo giải thích vì sao cô lại sướng. Cuối cùng Iđo cũng nói ngây thơ rằng nàng muốn trở lại tuổi ấu thơ, làm một đứa trẻ con. Vậy mà lúc đó IĐo mới mười lăm tuổi.

Cả hai im lặng nhìn nhau:

Sau rốt Ela thốt lên: ” nom chị thật đẹp…”

Iđo vụt thấy một luồng điện chạy qua người. Không ai nói với nàng là nàng đẹp. CHỉ có các bạn nữ sinh hay xì xào với nhau và xếp Iđo là một trong các cô gái đẹp trong trường.

Khi chia tay Ela, nàng chạy vội về phòng tắm, tò mò ngắm nghía dung nhan mình trong gương.

Ngay lập tức, nàng như cảm thấy có một người nào đó đứng sau lưng mình, người đó soi mói ngắm nàng và nói:

– Chắc chắn là cô không đẹp Iđo ạ, không đẹp! Dù cho cô có đôi mắt và cái mũi trông nghiêm chỉnh đấy nhưng khuôn mặt cô chẳng có màu như cánh hoa. Trong mắt cô không có những tia sáng lấp lánh. Thân hình cô vẫn giống một đứa con trai hơn. Môi cô rộng quá. Cô gái nghèo kia khen cô. Vậy chẳng qua chỉ vì cô mặc váy áo sạch sẽ phẳng phiu. Mặt và đôi tay được rửa xà phòng, nước sạch.

Thật ra chẳng có ai đứng sau lưng Iđo cả. Iđo bắt đầu nhìn quanh trong gương, đôi mắt lộ vẻ hài lòng.

Chủ nhật tuần sau người ta lại gọi Iđo.

– Bạn có khách! – cô bạn gọi, hãy ra đi!

Iđo giật mình. Cứ hàng năm cha nàng đến một lần vào tháng sáu kia, còn bây giờ chưa đến tháng sáu.

– Cha tôi ư?

– Tôi không biết, có một ông đi cùng cô gái nhỏ.

Trái tim nàng đập rộn rã. Nàng tự đoán xem. Cô ta đến cùng ai?

Ở trong phòng khách có nhiều người, đa số là các bà mẹ đi thăm con, đồng hồ chỉ gần đến năm giờ chiều.

Trái tim nàng đập rộn rã, Iđo chạy vội ra. Nàng tự đoán xem. Cô ta đến cùng ai?

Ở trong phòng khách có nhiùe người, đa số là các bà mẹ thăm con, đồng hồ chỉ gần đến năm giờ chiều.

Iđo đưa mắt nhìn quanh, nàng không thấy cha giữa đám người đó, nhưng nàng nhận ra Ela, cô bé gái đó vẫn mặc chiếc váy màu tím cùng chiếc áo trắng, trên mũ rơm có một dải băng nhung. Nhưng chân cô đã đi giày vừa chân màu đen.

Cô bé chủ động mỉm cười, vẻ quen biết. Cô đứng lên khỏi ghế và bước lại gần Iđo. Cô đợi Iđo đưa tay cho cô, như là cô biết Iđo đang định làm như vậy. Một người đàn ông tóc đen, râu quai nón đứng dậy và nghiêng người chào Iđo. Một người đàn ông hoàn toàn lạ mặt trong chiếc áo khoác đen. Đôi mắt ông ta nhỏ, mũi thanh, thân hình gầy gò. Ông mỉm cười thân thiết với Iđo nụ cười để lộ hàm răng màu vàng khấp khểnh. Ngừơi đó có ngoại hình gây một cảm giác khó chịu.

– CHị không biết ai đấy ư Iđo ? Cha em đấy ?

Iđo cũng đoán thế. Giữa hai người có nét gì đó rất giống nhau mặc dù đôi mắt của bố Ela màu đen, sống mũi gầy, nhọn. Từ quần áo của cả hai bố con đều có một mùi lạc mốc.

– Mời bác ngồi – Iđo nghiêm trang vẫy tay mời ( điệu bộ như của bà giám đốc mời các nữ giáo sĩ vào văn phòng ). Nàng cũng chủ động giơ tay kéo một chiếc ghế đặt trước mặt họ rồi ngồi xuống. Nàng có cảm giác chính Ela đã khen ngợi nàng ở nhà nhiều đến nỗi bố Ela đã nẩy ra ý tò mò muốn gặp nàng, để xem cô con gái có ba hoa quá đáng không.

Bố Ela trước tiên ngỏ lời cảm ơn Iđo đã quan tâm đến con gái ông.

– Điều đó đã khiến cho con gái tôi mạnh dạn hơn – ông nói với vẻ kính trọng Iđo – tôi cũng muốn được nhận tấm lòng tốt của tiểu thư. Con Ela năm nay gần mười bốn tuổi, tôi rất muốn cho nó được đi học tử tế – chỉ hai năm là nó có thể tốt nghiệp được một khóa sơ đẳng nào đó, nhưng đúng lúc này, tôi chưa có chỗ nào làm cả, đã ba tháng rôi tôi chỉ chuyên dạy chim. Tiểu thư chắc hẳn đã biết rôi có một nghề phụ là nghề nuôi dạy chim. Chắc tiểu thư còn nhớ chính vì cái chuyện này mà cha của tiểu thư đã đuổi tôi đi…

– Không, cháu không biết – Iđo ngạc nhiên nói.

– Tiểu thư không biết thật ư?

– Cháu rời nhà từ nhỏ, Từ dạo đó tới giờ cháu chưa về nhà lần nào.

– Tiểu thư rời nhà từ lúc nào ?

– Từ dạo mẹ cháu mất đi.

– Chuyện này xảy ra từ lâu rồi. Chuyên như thế này, tôi có mang vào văn phòng một con sáo, chắc tiểu thư biết tôi làm kế toán cho cha tiểu thư chứ nhỉ ?

– Cháu có biết.

– Tôi mang một con sáo đến và tôi nghĩ mang lại niềm vui cho ông thân sinh ra tiểu thư. Con sáo biết hát khúc quân hành Rakochi, ai đi qua cũng phải dừng chân lắng nghe. Các ông lớn rất thích con sáo, đặc biệt có rất nhiều đàn ông đứng dừng lại trước cửa hiệu, họ nghe sáo hót và thế là tôi nảy ra ý nghĩ đặt một tấm biển quảng cáo ngay ngoài cửa trước cái lồng chim gợi sự chú ý.

” Cửa hàng đại lý rượu của Ô. Peter “

Một lần ông chủ nói với tôi

– Này Bôgar gần đây có một trại lính và các sĩ quan người Áo cũng hay đến đây. Anh có thể dạy cho chúng bài Gôterhalt được không?

– Được thôi ông chủ ạ – tôi trả lời – nhưng tôi cần thời gian là ba tháng. Lúc đó tôi nuôi một bầy năm con sáo nhỏ. Tôi sẽ dạy chúng hót, khi chúng đã nhỉnh hơn, tôi mang chúng ra thợ để cắt lưỡi cho chúng, tôi phải trả tiền cho thợ là năm mươi, sáu mươi cuaron. Tôi mang con sáo về và tách riêng một con ra để dạy. Tôi mang con sáo đó về buồng tôi và thổi sáo cho nó nghe điệu Gôterhalt. Thực ra, trái tim tôi đau nhói vì phải dạy điệu nhạc của dân Áo ấy cho con sáo nhưng làm sao được nếu như ông chủ muốn vậy? Tôi cần phải làm để cho lương tâm đỡ cắn rứt tôi nhốt riêng một con sáo khác sang lồng riêng và tôi dạy nó khúc hát phổ cập của dân Hung : ” trời ơi, kẻ bịp bợm vào đấy”. Ba tháng sau con sáo đã hót đưọc điệu Gôterhalt như là con sáo nở ngay tại Viên, thủ đô của nước Áo vậy. Ông chủ rất mừng – tôi vẫn thường gọi ông chủ là ông Alt, từ khi tôi đến đây làm, dần dần những người làm trong nhà cũng đều quen gọi ông chủ như vậy. Ông chủ mừng lắm, ông nghe nó hót hai ngày liền,đến ngày thứ ba ông cho đặt chiếc lồng chim vào giữa hiệu. Ông chủ thò tay vào túi lấy ra năm mươi cuaron mới đưa cho tôi cùng với một chai rượu để tôi uống buổi tối. Rồi sau đó xảy ra chuyện gì? Buổi chiều có hai viên sĩ quan người Áo đến cửa hiệu. Họ gọi rượu uống. Con sáo bắt đầu hót điệu Gôterhalt, lên bổng, xuống trầm, nhuần nhuyễn tuyệt vời. Hai viên sĩ quan ngồi ngẩn người ra nghe, Họ hỏi xem ông chủ có bán con sáo cho họ không? Tôi vừa mới mang lồng sáo đến gần họ, thì con sáo đáng nguyền rủa ấy tự nhiên rồ dại hót to lên khúc ca : trời ơi, kẻ bịp bợm vào đấy…

Ông Bôgar thở dài đau đớn.

– Cho đến tận hôm nay tôi cũng không hiểu nổi vì sao con sáo lại hót được điệu nhạc ấy? Nó học được từ bao giờ và thế nào, ai dạy nó ? Chẳng nhẽ nó lại có thể nghe được con sáo kia tập hót ở trong buồng nhà kho? Kể ra loài sáo vốn thích các khúc dân ca, kể cả điệu Con chim cun cút đẻ được ba quả trứng…Không còn điệu nào mà chúng nó học dễ hơn bài hát ấy nữa. Nhưng muốn thanh minh gì cũng vô ích. Hai người sĩ quan đã đứng lên bỏ đi, bỏ mặc những cả những thứ mà họ đã gọi, họ chào rất lạnh lùng rồi đi. Tôi cũng cần phải cuốn xéo. Trong ngày hôm đó, gia đình tôi phải chuyển đi chỗ khác. Tôi ức lên cắt cổ con sáo chết tiệt đó, nhưng vô ích, ông chủ đã không thể tha thứ được cho tôi. Ông chủ nhìn tôi với ánh mắt căm ghét.Thật vô ích…vô ích…Từ hồi đó tới giờ, tôi lang thang không kiếm được việc làm tử tế nữa, như là con ngựa đua đã bị loại bỏ. Bây giờ tôi làm văn thư cho một nhà máy. Mỗi tháng tôi kiếm được một trăm năm mưoi cuaron thôi. Giá mà tôi gây dựng được một bầy sáo.

Ông ta lại thở dài. Rồi llắc đầu như muốn xua đi kỷ niệm khó chịu.

– Tiểu thư biết rồi đấy, chính vì nỗi khổ sở nhục nhã ấy mà hôm nay tôi phải mang con gái tới đây, như người nghèo khổ ăn mày miếng bánh rơi của chúa. Chắc chắn nếu được tiểu thư nói giúp thì con gái tôi cũng sẽ được vào đây, rồi chỉ cần nó học hết lớp bốn thôi, là tôi sẽ xin cho nó đi bán hàng ở cửa hiệu nào đó, nó có thể kiếm tiền được. Khi đó, tôi cũng đã đủ thời gian gây dựng được đàn sáo. Tôi sẽ mở một cửa hàng bán chin ở trong thành phố. Tất nhiên muốn được thế, tôi cần phải nhờ cậy bạn bè xem có người nào đó giúp tôi vốn, bởi vì chúng tôi bây giờ đang rất nghèo khó. Bữa trưa của gia đình chúng tôi chỉ có xup loãng và mỳ, bữa chiều chủ yếu là khoai tây. Cứ nữa thì khoa tây nấu, bữa thì khoai tây rán, thỉnh thoảng lại nghiền. Tiểu thư tính, chỉ có một trăm năm mươi cuaron tiền lương thì quả là sự nghèo đói.

Iđo nghe ông ta nói với ánh mắt thông cảm, nàng biết với số tiền như vậy thì thật là quá eo hẹp để sống. Trong trườngđòng, cũng có bốn cô gái sống bằng tiền bố thí của chúa. Hai cô gái là họ hàng của một nữ tu. Một cô nữa là cháu của một nữ tu chuyên nghe xưng tội, cô bé thứ tư là Fazekos Bôrisko con của một bà giáo góa chồng, người ta nhận cô vào để đào tạo cô thành một nữ giáo sĩ. Không có nhiều người được ăn mày nơi cửa chúa, bây giờ muốn xin cho Ela vào, nàng cần phải gặp bà giám đốc và nói thế nào đây?

– Cháu cũng không biết có thể được không? – cuối cùng nàng ngập ngừng nói – để rồi trong hôm nay hoặc vài ngày tới cháu sẽ thử hỏi xem sao.

– Tiểu thư thử xin hộ tôi – người bố ngước mắt nhìn Iđo vẻ cầu khẩn – xem tôi có gặp được bà giám đốc để trực tiếp cầu xin được không nhé.

– Bà ấy khó gặp lắm, bởi vì bà ấy là một nữ bá tước – Iđo giật mình từ chối vội.

– Bà ấy cao sang lắm ư ? Vậy thì tôi sẽ đối xử với bà một cách cao quí. Tôi sẽ mang đến đây một con sáo hiểu biết, cao quí,loại mà đáng được hót cho đức giáo hoàng La Mã nghe ấy. Nó biết hót cả một bài thánh ca từ đầu chí cuối. Tôi đã hẹn bán nó hai trăm cuaron rồi đo. Từng ấy tiền cũng đủ xứng, vì tôi đã nuôi dạy nó hai năm rồi chứ ít à…Con gái tôi huýt sáo cho nó nghe nghệ thuật lăm. Ela con hãy huýt sáo một điệu nào đó cho tiểu thư nghe đi.

Vừa may lúc đó đã hết giờ viếng thăm. Iđo nhìn đồng hồ. Kim đồng hồ chỉ đúng năm giờ. Trong phòng đã có tiếng chuông reo. Nữ tu sĩ mở cửa đi vào.

– Chúng ta cần phải đi thôi bố ạ – Ela lẩm bẩm nhắc.

Iđo nhẹ cả người, nàng đứng dậy nói

– Con sáo ấy, bác không cần mang đến đây đâu, bởi vì ở đây không được phép nghe các bài ca ở ngoài đời dù cho con sáo hót.

– Vậy thì nó sẽ chỉ hót bài của nhà thờ vậy – ông thầy dạy sáo cố nài thêm – đúng đấy có thể là bài ” thiên thần từ thiên đường…” đúng đấy, quả là ý nghĩ hay! TThiên thần từ thiên đường…

Ông ta sung sướng ra về với ý nghĩ đó.

Iđo đã suy nghĩ rất lung xem làm sao để thực hiên được mong muốn của bố con ông Bôgar?

Nàng không đủ can đảm để gặp bà giám đốc, nhưng nàng đã thử hỏi Morgit, một nữ tu trẻ nhất mà tuần trước nàng vừa giúp sơ mang đến nhà thờ mười chậu hoa.

Nữ tu sĩ lắc đầu

– Bà giám đốc sẽ không đồng ý đâu, vì trong trường không có chỗ nữa.

– Nhưng người bố đó đã hứa sẽ biếu bà một con sáo có giá trị, một con sáo biết hót thánh ca.

Mặt người nữ tu lộ vẻ hoảng hốt.

– Em phải xưng tộ đi Iđo. Một con sáo hót thánh ca!..con sáo hót!..chao ôi chỉ có ý nghĩ đó cũng đủ mang tội rồi!

Và nữ tu làm dấu lia lịa.

Iđo bồn chồn chờ đến chủ nhật . Nhưng nàng lấy làm ngạc nhiên khi không thấy Ela tới.

Mãi tới một chủ nhật sau đó ba tuần nàng mới thấy cô bé gái. Co mặc một chiếc áo mới bằng lụa trắng, váy mới màu đen. Mũ mới, đôi giày mới của cô bé có hai màu, nửa dưới vàng. Khuôn mặt cô non đã có màu hồng trên má, Trông cô bé đẹp đẽ hẳn lên.

– Em đến đây để cảm ơn chị – cô ta mỉm cười vẻ sung sướng – em đã bỏ ý định xin vào đây học. Khi về em đã mang một con sáo đến cửa hiệu bánh kẹo bán, em đòi họ năm mươi cuaron. Em thấy trong cửa hiệu có hai cô gái phục vụ, thế là em hỏi xem người ta có việc gì cho em làm không ? Họ bảo có, thế là từ lúc đó, em sống thật mãn nguyện. Em đã được trả lương. Bây giờ thì mỗi tuần được mười cuaron, nhưng sau này sẽ được nhiềuh hơn. Nếu em thạo nghề này rồi, nhà em sẽ mở một cửa hiệu bánh kẹo. Bố em rất mừng vì may mắn của em đấy.

Cô nói líu lo như một con chim. Vừa nói cô vừa vung tay, nhún chân rất điệu bộ. Cốt khoe bàn tay và móng tay đã được tỉa xén cẩn thận.

– Rất nhiều chàng trai trẻ tuổi vào tiệm nhé, đó là các học sinh trường sân khấu. Họ thật là các chàng trai thân mật, dễ thương họ nói chuyện rất có duyên, rất nhộn…

Và cô cười phá lên.

– Họ tất thích con sáo. Con sáo biết hót bài ” ôi..người đàn bà yêu quí của anh…” Có một lần thầy giáo của họ cũng tới đó là Uihazy. Chị có biết ông ta là ai không? Không à? đó là một diễn viên nổi tiếng, và là đạo diễn những phim trinh thám. Ông ta cũng thích nghe sáo hót, nhưng đúng lúc đó con sáo khó chịu không muốn hót nữa, thế là em phải đến đấy và em huýt sao cho con sáo hót theo.

Ela chúm môi và những tiếng lảnh lót như tiếng sao hót vụt ra khỏi môi cô.

Iđo sợ hãi nhìn ra phái cửa.

– trời ơi, em hãy im nào. Em làm thế nào mà huýt được vậy?

Ela hướng dẫn cho Iđo để lưỡi vào hàm răng uốn lại, sau đó đẩy hơi ra.

Thứ bảy tuần tới Iđo đã xưng tội.

– Con huýt sáo…

Bình luận
720
× sticky