Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nàng Iđo

Chương 25

Tác giả: Gárdonyi Géza

Ngồi trên tàu quay trở về Tổ quốc, họ đã không còn là hai người dưng đối với nhau nữa. Họ không còn ngồi mỗi người một góc xa nhau trong ngăn tàu. Tro-bo vẫn đọc báo, I-đo không đọc tiểu thuyết. Họ còn nói chuyện với nhau nữa. Trên cổ tay I-đo lấp lánh chiếc vòng có mặt là chân dung đức mẹ Ma-ri-a, món quà đúng đêm giáng sinh, Tro-bo đã tặng nàng. Họ nói chuyện với nhau thân thiện như hai người bạn quen cũ của nhau.

Đến thủ đô Viên, họ lại thuê một phòng có hai buồng ngủ, khi đi ngủ I-đo vẫn khóa cửa phòng giữa thông sang buồng nhau, như lần đầu họ cùng nhau xuống nghỉ ở khách sạn. Có điều, trước khi đi ngủ, họ thân mật, lịch sự chúc tụng nhau như hai người bạn, hai người quen cũ.

Họ đã tới Bu-đa-pest, Tro-bo hỏi I-đo xem có cần đánh điện cho cha nàng không?

I-đo thảng thốt trước câu hỏi đó:

– Để làm gì thưa ngài?

– Thế em không muốn về thăm nhà ư?

– Thăm nhà nào?

– Nhà của cha em ấy.

– Không!

– Kỳ lạ đấy.

– Đối với em không kỳ lạ chút nào. Thế ngài không biết rằng cha em cũng lấy vợ ngay hôm chúng ta phải cưới ư?

– A, tôi hiểu rồi, em không thể ưa bà mẹ kế chứ gì?

I-đo đôi mắ buồn bã, nhún vai trả lời:

– Cô ta không có gì để cho em ưa thích cả.

Đúng mười một giờ trưa, họ về đến thành phố. Hôm đó là ngày chủ nhật, trời lạnh, tuyết rơi.

Họ lại vào khách sạn Mê-trô-pôl.

– Chúng ta sẽ lập chương trình hàng ngày nhé, – Tro-bo nói khi họ ngồi ăn trưa, – Em chắc chắn đã mệt rồi; Sau bữa trưa em hãy đi nằm nghỉ. Còn tôi sẽ chạy đến tiệm Đrê-che-lêr một chút. Đó là nơi thụ tập của các họa sĩ thủ đô. Tôi gặp gỡ họ đến hai giờ chiều. Tôi sẽ thăm dò xem ở thủ đô còn phòng vẽ nào trống không? Có thể tôi sẽ tìm ngay được một phòng làm việc đấy. Nếu vậy tôi sẽ phải tìm khá xa, sang tận Bu-đo hay là sang quận nào nữa, vì thế tôi sẽ đi mất cả buổi chiều đấy. Em hãy kiếm mua một vé chiều nay đi nhà hát nhân dân mà xem, có thể buổi diễn sẽ kéo dài đến sáu giờ chiều. Khi em về đến nhà, có lẽ tôi sẽ đợi em rồi mà cũng có thể tôi chưa về kịp. Lúc đó em hãy chờ tôi nhé. Ngày mai chúng sẽ tìm thuê nhà – Nếu em thích, chúng ta sẽ cùng đi tìm, nhưng cũng phải đi khá nhiều đấy.

I-đo đồng ý với chương trình ấy.

Buổi tối họ găp nhau. Tro-bo vui mừng báo tin đã tìm được phòng vẽ: một người bạn họa sĩ của chàng đang bị bệnh, anh ta cho chàng thuê tạm phòng vẽ đến cuối tháng năm. Phòng vẽ ở trên phố Rôt-ten-bil-ler. Phòng này không cần đồ đạc gì cả.

– Bây giờ chúng ta chỉ cần tìm thuê nhà.

I-đo sẵn sàng nhận việc, nhưng nàng cũng không thể biết được Tro-bo có thể thuê nhà như thế nào. Chàng muốn thê nhà trong vòng một hai tháng hay là thuê lâu dài? Chàng thuê nhà ba hay bốn phòng? Nếu chàng định thuê thời gian dài thì chàng sẽ để làm gì ngôi nhà nhiều phòng ấy? Nếu như chàng vẫn cần thì có nghĩa là chàng sẽ đưa cô gái của chàng đến ở.

Nàng đoán thế vì rằng, trước hôm họ trở về tổ quốc, Tro-bo lại nhận được một bức thư nữa, bức thư có nét chữ của Zô-lan và có đường viền tang màu đen trên phong bì, nhưng tem thư lại gửi từ Bu-đa-pest.

Ở Viên, thủ đô nước Áo, Tro-bo đã xuống ga đánh điện. Chàng không nói điện cho ai, và I-đo cũng không hề hỏi.

Vừa đến thủ đô Bu-đa-pest, ngay sau bữa cơm trưa đầu tiên của họ, chàng đã bỏ nàng lại và đi đến tám giờ tối. Chàng không nói thật đã đi đâu, và nàng cũng chẳng hỏi. Nhưng khi họ cùng ngồi xuống ăn tối bên bàn thì I-đo nhìn thấy trên ngực áo comp-lê mầu đen của Tro-bo còn vương một sợi tóc màu nâu sợi đóc đó dài hơn một gang tay, đó là tóc của phụ nữ.

– Ngài hãy lấy sợi tóc kia xuống đi kẻo nó rơi vào xúp bây giờ. – Nàng nói với Tro-bo.

Tro-bo cầm sợi tóc ra, vẻ ngạc nhiên rồi thả nó xuống đất.

– Chắc trên tàu điện có ai đó chạm đầu vào ngực tôi – chàng thản nhiên chống chế.

I-đo không phân tích lại, nếu đúng như vậy thật thì sợi tóc đó phải ương ngoài áo khoác đông của chàng, chứ không phải là áo bên trong.

Tro-bo ngay đầu tiên đã không tìm thuê nhà bên phía Pest , mà chàng tìm bên Bu-đo . Họ tìm thấy một ngôi nhà ba phòng ở phố At-ti-lo khu Krix-ti-na.

– Ngôi nhà này thuê đến tháng năm thì vừa xinh, – Tro-bo nói vậy.

Còn từ tháng năm sẽ thuê nhà ở đâu thì Tro-bo không nói, I-đo tất nhiên cũng không hỏi.

Từ nhà, Tro-bo cần phải đi tầu điẹn, rồi đi bộ đến phòng vẽ ở tận phố Rôt-ten-bil-ler.

Tranh vẽ đã xong, nhưng với đôi mắt của một người họa sĩ thì luôn tìm thấy những điều cần phải sửa.

I-đô ngạc nhiên vì phòng vẽ của Tro-bo ở bên Pest, vậy mà chàng lại tìm thuê nhà bên Bu-đo. Nhưng nàng cũng chẳng hỏi gì cả. Tro-bo đã biết vì sao phải làm vậy, thế thì không có cách khác.

Đồ gỗ trong nhà do Tro-bô chi tiền và đích thân chàng chọn lựa. Đồ gỗ loại rẻ tiền tuy không phải là gỗ dán. Phòng khách và phòng ăn là một, trong phòng đó, có một chiếc bàn viết. Trên tường không trang trí gì cả. Chỉ còn một bức tranh đó là tranh Zô-lan. Tro-bo lại treo tranh Zô-lan lên phía trên bàn viết.

Đàn pi-a-nô thì họ chưa thuê, I-đo sẽ tự chọn lấy cho mình. Ở Muy-chen có mười mác thuê đàn một tháng, nhưng ở đây cần phải thuê mười lăm đến hai mươi cua-ron một tháng.

Hai phòng ngủ có sự khác biệt nhau rất lớn. Trong một phòng ngủ có cái giường bằng gỗ tần bì màu sáng và một cái tủ gương cũng cùng loại gỗ đó. Trong phòng còn có một bồn nước rửa mặt bằng sứ trắng. Nếu như trên tường có treo tranh nữa, thì đó là một phòng ngủ cho phụ nữ rất xinh. Còn phòng ngủ kia toàn loại rẻ tiền, và một cái ghế tre, trong phòng này, duy nhất chỉ có một đồ làm đẹp phòng, đó là chiếc giường đôi.

Tro-bo chỉ tín nhiệm I-đo trong việc chọn mua đồ nấu ăn và đồ trải giường:

– Nếu em thích thì em hãy đi mua những đồ nhà bếp nhưng chỉ nua những thứ thật cần thiết thôi nhé. Còn đồ trải giường thì hãy mua cho tôi loại đơn giản thôi.

I-đo hỏi xin Tro-bo một nghìn cua-ron trong số tiền mang tiên nàng bởi vì nàng cũng còn cần phải may trang phục mùa xuân nữa.

– I-đo thân mến, vì sao em lại phải yêu cầu tôi số tiền mà do chính em là chủ? Số tiền trong ngân hàng nay đã được chuyển về Bu-đa-pest. Đây là tờ séc, em hãy viết vào đó theo như trong quyển sổ đã viết, rồi em ra ngân hàng lĩnh tiền. Sau đó, em lại mang sổ về nhà để tôi cất cho, nhưng mà em phải cẩn thận kẻo bị mất giữa đường đấy nhé.

– Em sẽ cất nó vào sắc tay. Trong cái sắc này có có ngăn nhỏ nữa, quyển sổ không thể bị rơi ra ngoài.

Nàng đi và rút trong sổ ra hai nghìn cua-ron. Với số tiền đó nàng mua đồ nhà bếp và đồ trải giường, gối, chăn… Nàng mua những thứ chỉ vừa đủ đẻ cho những người hầu trong nhà không chê bai chủ nhà mà thôi.

Nàng tìm ngay được một bà nấu bếp, nhưng nàng còn cần một cô hầu để đi cùng nàng nữa. Bà đầu bếp bảo nàng hãy tin ở bà, bà có quen một cô gái tốt, đã từng học nghề của bà, nhưng cô gái này mãi chưa thấy đến, I-đo tự tìm lấy một người hầu trong các hiệu thuê người giúp việc.

Đầu tiên, nàng chỉ tìm ở bên Bu-đo, sau đó nàng qua cả bên Pest nữa. Nàng nghe các bà nói chuyện với nhau rằng các cô hầu chỉ tốt một khi mới vào nghề, hoặc là chỉ mới phục vụ một hai chỗ mà thôi. Nàng bước vào một cửa hiệu bên Pest.

Nàng nhìn thấy ai trong đám người đứng chờ việc kia nhỉ? Pan-ni cô người hầu đầu tiên của nàng ở nhà cha nàng. Cô ta ngồi trong cùng trên hàng ghế, cửa hiệu có một mùi khó chịu. Ở trên ghế đã ngồi quãng tám cô giá hầu. Pan-ni ngồi cạnh một cô giá nom nông thôn đặc, chắc là lần đầu ở quê lên, bởi vì chân còn đi ủng.

Pan-ni những tưởng sẽ ngượng ngùng trốn mặt nàng, thì lại tỏ ra vui vẻ ra mặt chạy vội đến hôn tay nàng tỏ lòng kính trọng.

– Tiểu thư hãy nhận con nhé, ô không phải, bà lớn, phu nhân hãy nhận con một lần nữa…

Cô giá ngước lên nhìn I-đo vẻ tận tụy, trung thành như ánh mắt một con chó đen ngước lên nhìn chủ sau mỗi lần người chủ đi xa nhà trở về.

– Bà chủ đừng đày đọa con nữa, bà chủ tốt bụng dịu hiền ạ, con đã làm một việc xấu, nhưng thử hỏi con đã yêu bà biết bao nhiêu? Bà đừng có dầy vò con nữa.!

– Nhưng em nghĩ thế nào Pan-ni, vì sao em lại…

Pan-ni đỏ bừng mặt. Đôi mắt ngấn lệ.

– Không, không bào giờ như vậy nữa! Cơ mà lúc đó nếu như tiểu thư đã khóc, tiểu thư tìm đồ bị mất, thì đời nào con lại có thể giữ lấy… Con sẽ đưa trả lại tiểu thư rồi. Thế nhưng lúc đó tiểu thư lại không khóc lóc, không tìm kiếm, mà con lại đang rất cần tiền. Pis-to định cùng con lên thành phố lớn, chúng con đã thề với nhau, sau ba năm nữa chúng con sẽ cưới nhau trong nhà thờ.

Người câm điếc nói chuyện thật đặc biệt, từ trong cổ họng những tiếng khó chịu bật ra, còn đoi tay múa lia lịa để diễn tả. Sự thề thốt được bàn tay khoanh lại như vòng hoa đội đầu, những người trong hiệu thú vị nhìn họ nói chuyện.

– Ồ, vậy là cô ta có người yêu đấy, – Mọi người xì xào.

– Chắc anh chàng cũng điếc.

– Thế thì cũng chẳng biết nói đâu nhỉ?

– Mà họ lại hiểu được nhau đấy!

– Cả trong bóng đêm ấy chứ…

Rồi họ rộ lên cười. Cô gái nông thôn đi ủng cũng rụt cổ lại giữa đôi vai, cười không ra tiếng.

I-đo gọi bà chủ hiệu và xin thuê cô gái. Nàng trả tiền, rồi vẫy Pan-ni đi theo.

Chỉ khi xuống khỏi tàu điện rồi nàng mới hỏi Pan-ni:

– Pis-to của em vẫn ở gần em ư?

Pan-ni sung sướng trả lời:

– Vâng, anh ấy trốn lên đấy với con, anh ấy làm việc. Anh ấy có tiền, nhiều tiền. Chúng con sẽ để dành. Ba năm nữa cưới nhau.

– Em hứa với ta sẽ không bao giờ lấy cắp nữa nhé?

– Con xin hứa. Con chưa bao giờ ăn cắp, chỉ trừ có lần đó, mà là vì Pis-to, để cho anh ấy có thể lên được thủ đô với con.

Về đến nhà, I-đo mới giở quyển sổ nhận việc của Pan-ni ra xem. Chỉ có tên một người chủ viết vào, đó là cha nàng. Pan-ni không phục vụ ở nơi nào khác ngoài nhà cha nàng ra. Ai lại muốn người giúp việc câm điếc như vậy?

– Em lên thủ đô từ bao giờ?

– Một tuần nay.

– Thế còn Pis-to?

– Anh ấy cũng vậy.

– Hai người cùng trốn ư?

– Cùng trốn đi.

– Thế em lấy tiền ở đâu?

– Tiền của Pis-to. Anh ấy góp nhặt, còn con thì tích trữ bánh mỳ, xúc xích gói vào tạp dề đưa đến cho anh ấy. Anh ấy chuẩn bị tiền. Chúng con trốn đi ban đêm. Mọi người đuổi theo. Chúng con chạy đứt cả hơi trốn vào đống cỏ, đống rơm.

– Hai người đi bộ lên ư?

Pan-ni nghiêm trang gật đầu.

Lúc này đã là buổi trưa.

Tro-bo ngồi ở nhà đọc báo. Khi nghe giọng I-đo, chàng gấp báo vào đút túi. Sau đó chàng nhìn ra phía lò sưởi. Khi I-đo mở cửa bước vào phòng thì tờ báo đang cháy bập bùng trong lò sưởi.

Ngọn lửa cháy lem lém vào tờ báo tin hàng ngày, tờ báo đó có tin cảnh sát đã đổ tất cả rượu lậu của cửa hàng ông Pê-ter và Stern xuống sông. Họ đã niêm phong toàn bộ các chi nhánh cửa hàng kể cả vùng ngoại ô, nông thôn, các tỉnh khác.

Bình luận
720
× sticky