Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truy tìm Dracula

Chương 27

Tác giả: Elizabeth Johnson Kostova

Barley ngồi trầm ngâm trong cabin của chúng tôi, cằm tì lên đôi bàn tay có những ngón tay thon dài, cố gắng nhớ lại chuyện gì đó về thầy James – nhưng chỉ hoài công. Cuối cùng anh nhìn tôi, và tôi chợt sững sờ trước vẻ đẹp gương mặt anh, một khuôn mặt xương xương, tươi tắn ngay cả khi đang nghiêm nghị. Nếu không có vẻ vui nhộn khá lộ liễu kia, đó có thể là gương mặt của một thiên thần, hay của một vị tu sĩ khắc kỷ trong một tu viện vùng Northumberland. Lúc đó, tôi chỉ lờ mờ cảm nhận những so sánh này, phải đến sau này chúng mới hiện ra rõ ràng với tôi.

“Được rồi,” cuối cùng anh thốt lên, “như anh nhận thấy, có hai khả năng. Hoặc em đã bồng bột, trong trường hợp này anh sẽ phải theo sát và đưa em trở về nhà an toàn, ngược lại nếu không phải thế, trong trường hợp này em sẽ phải đối đầu với rất nhiều rắc rối, và như vậy, kiểu gì anh cũng vẫn phải sát cánh với em. Mai anh phải dự một bài giảng, nhưng anh sẽ tìm cách đối phó.” Anh thở dài liếc nhìn tôi, ngả người tựa vào thành ghế. “Anh nghĩ Paris không phải là điểm đến cuối cùng của em. Em có thể cho anh biết sau đó em sẽ đi đâu chứ?”

“Nếu tại cái bàn dễ chịu trong quán ăn ở Istanbul này, giáo sư Bora tát vào mặt cha và Helen mỗi người một cái, có lẽ chúng ta cũng không kinh ngạc bằng khi nghe ông ta tiết lộ cái ‘sở thích quái gở’ của mình. Tuy nhiên đây là một cái tát có tác dụng tốt; lúc này chúng ta đã hoàn toàn tỉnh táo. Trạng thái lừ đừ sau chuyến bay dài không còn nữa, và cùng với sự tỉnh táo này là cảm giác muốn tìm kiếm thêm thông tin về ngôi mộ của Dracula đến tuyệt vọng. Bọn ta đã đến đúng nơi. Có lẽ – tim cha đập rộn lên, không chỉ vì hy vọng – có lẽ mộ của Dracula nằm ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Cha chưa từng nghĩ thế bao giờ, nhưng giờ cha nghĩ có thể điều đó có lý. Xét cho cùng, ở đây thầy Rossi đã từng bị một trong những tên tay sai của Dracula gay gắt cảnh cáo. Có thể nào lũ ma cà rồng không chỉ canh giữ trung tâm lưu trữ mà còn cả ngôi mộ? Sự hiện diện rõ ràng của lũ ma cà rồng mà Turgut đang đề cập phải chăng chỉ là một hệ lụy của việc bọn đệ tử của Dracula vẫn liên tục chiếm cứ thành phố này? Cha rà soát một lượt những gì đã biết về sự nghiệp và huyền thoại về Vlad Kẻ Xiên Người. Nếu đã từng bị giam giữ ở nơi này trong thời trai trẻ, liệu có thể sau khi chết hắn quay trở lại nơi đã học những bài học vỡ lòng về nghệ thuật hành hạ con người? Có thể hắn đã có một tâm trạng kiểu như hoài cổ về nơi này, giống như người ta thường lui về nghỉ hưu ngay tại nơi họ đã lớn lên. Và nếu có thể tin được các ghi chép về thói quen của ma cà rồng trong tiểu thuyết của Stoker, thì tên quỷ dữ này chắc chắn đã có thể rời bỏ nơi chốn nào đó để đến một nơi khác, xây mộ cho mình ở bất cứ nơi nào hắn thích; trong cuốn tiểu thuyết đó, hắn đã nằm trong quan tài được di chuyển đến nước Anh. Vậy tại sao hắn lại không thể di chuyển đến Istanbul cơ chứ, vào ban đêm, sau khi chết như một con người, di chuyển vào ngay trung tâm của chính đế quốc của đoàn quân đưa hắn tới chỗ chết? Xét cho cùng, đây cũng là một sự trả thù thích đáng đối với đế chế Ottoman.

“Nhưng cha chưa thể nêu ra với giáo sư Turgut bất kỳ câu hỏi nào. Helen và cha chỉ vừa mới gặp người đàn ông này, và cha vẫn còn băn khoăn tự hỏi liệu có thể tin được ông ta hay không. Ông ta có vẻ thành thật, nhưng việc ông ta chuyển sang ngồi cùng bàn chúng ta rồi tiết lộ cái ‘sở thích’ ấy vẫn quá kỳ quặc để có thể chấp nhận ngay. Bây giờ Turgut đang trò chuyện với Helen, cuối cùng cô cũng đã chịu nói chuyện với ông ta. ‘Không, thưa cô, thực ra tôi không biết “mọi thứ” về chuyện Dracula đâu. Thú thật, kiến thức của tôi còn lâu mới đủ sức thuyết phục. Nhưng tôi ngờ là hắn đã có một ảnh hưởng quan trọng đối với thành phố chúng tôi, ở khía cạnh độc ác xấu xa, và chính vì vậy tôi vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề. Còn các bạn, những người bạn của tôi?’ Ông ta đưa ánh mắt sắc sảo, liếc nhìn từ Helen qua cha. ‘Dường như các bạn có phần quan tâm đến chủ đề của tôi. Chính xác thì luận văn của anh bạn là về chủ đề gì, anh bạn trẻ?’

“ ‘Chủ nghĩa trọng thương của Hà Lan vào thế kỷ mười bảy,’ cha ấp úng trả lời. Dù sao chăng nữa nghe chẳng tự nhiên chút nào, rồi cha bắt đầu băn khoăn tự hỏi liệu đây có phải là một cố gắng khá nhạt nhẽo. Xét cho cùng, các thương nhân Hà Lan, hàng thế kỷ qua cũng đâu có rình mò tấn công và đánh cắp linh hồn bất tử của con người.

“ ‘À.’ Cha nghĩ Turgut có vẻ bối rối. ‘Chà,’ cuối cùng ông ta thốt lên, ‘nếu các bạn cũng quan tâm đến lịch sử Istanbul, thì sáng mai các bạn có thể đến cùng tôi đi chiêm ngưỡng bộ sưu tập của Quốc vương Mehmed. Ông ta là một bạo chúa tuyệt vời – đã sưu tập nhiều thứ rất thú vị, ngoài ra còn có các tài liệu ưa thích của tôi. Trễ quá rồi, bây giờ tôi phải về nhà với vợ đây, nếu không bà ấy sẽ lo lắng muốn chết mất.’ Ông ta mỉm cười, tựa như chờ mong được thấy tâm trạng của bà vợ vui vẻ chứ không phải ngược lại. ‘Cũng như tôi, chắc chắn bà ấy sẽ mong các bạn đến dùng bữa tối cùng chúng tôi vào ngày mai.’ Cha ngẫm nghĩ về lời mời này một lúc lâu; chắc hẳn các bà vợ người Thổ vẫn còn ngoan ngoãn dễ bảo như các cung nữ hậu cung trong huyền thoại. Hay ông ta chỉ hàm ý vợ ông ta cũng hiếu khách như ông? Cha chờ tiếng khịt mũi của Helen, nhưng cô vẫn ngồi im, giương mắt nhìn hai người bọn ta. ‘Thế nhé, các bạn…’ giáo sư Turgut vừa nói vừa thu xếp đứng lên ra về. Cha không biết từ đâu đó ông ta đã rút ra và nhét một ít tiền dưới đĩa thức ăn của mình. Sau đó, nâng ly chúc mừng bọn ta lần cuối và uống cạn phần trà còn lại. ‘Tạm biệt và hẹn gặp lại ngày mai.’

“ ‘Chúng tôi sẽ gặp lại ông ở đâu?’ cha hỏi.

“ ‘Ồ, tôi sẽ quay trở lại đây để đón các bạn. Chính xác vào lúc mười giờ sáng ở đây, được chứ? Tốt lắm. Chúc các bạn một buổi tối vui vẻ.’ Ông ta cúi chào rồi bước ra. Một phút sau, cha mới nhận ra ông ta hầu như chưa hề ăn bữa tối, đã trả tiền ăn cho mình và cho cả chúng ta, và đã để lại cho bọn ta một cái bùa chống lại Con Mắt Quỷ, đang ngời sáng giữa tấm khăn trải bàn trắng toát.

“Tối hôm đó cha ngủ như chết, như người ta thường nói, sau chuyến du hành và cuộc tham quan mệt bã người. Đã sáu giờ ba mươi khi những âm thanh của thành phố đánh thức cha dậy. Căn phòng nhỏ lờ mờ sáng. Ngay khi vừa tỉnh ngủ, cha nhìn quanh những bức tường quét vôi trắng, đồ đạc trong phòng trông đơn giản và có gì đó xa lạ, ánh sáng phản chiếu yếu ớt trên tấm gương treo phía trên giá rửa mặt, cha cảm thấy đầu óc lẫn lộn lung tung. Cha nghĩ đến việc lưu trú của thầy Rossi ở đây – tại Istanbul, thời gian ông cư ngụ tại một khách sạn nhỏ nào đó – nó nằm ở đâu nhỉ? – nơi hành lý của ông bị lục soát và các tấm bản đồ phác thảo quý giá bị lấy mất, cha hồi tưởng lại việc đó cứ như chính mình đã hiện diện ở đó, hoặc đang tự trải qua cảnh ấy ngay lúc này. Một lát sau cha mới nhận ra tất cả mọi thứ trong phòng đều bình thường, ngăn nắp; chiếc va li vẫn để trên bàn, không bị xáo trộn, và – quan trọng hơn – cái cặp xách với các tài liệu quý giá bên trong vẫn nằm nguyên bên giường ngủ, nơi cha có thể với tay đến, chạm vào nó. Ngay cả trong giấc ngủ, không hiểu vì sao cha vẫn cảm nhận được cuốn sách cổ xưa kia, im lặng nằm trong đó.

“Hiện tại, cha có thể nghe tiếng động của Helen trong phòng tắm, tiếng nước chảy và tiếng đi tới lui. Sau một lát, cha cảm thấy xấu hổ vì nhận ra việc này có thể bị đánh giá là một sự rình mò đối với cô. Để khỏa lấp cảm giác này, cha vội ngồi dậy, đổ nước vào chậu rửa mặt và bắt đầu tạt nước lên mặt và cánh tay. Nhìn trong gương, khuôn mặt cha – trẻ trung biết bao vào những ngày ấy, chính cha cũng nhận thấy điều đó, con gái thân yêu của cha, có lẽ cha không biết phải mô tả với con thế nào – vẫn như thường lệ. Đôi mắt cha tuy hơi lờ đờ sau chuyến hành trình, nhưng vẫn lanh lợi. Cha làm bóng tóc với một chút dầu thông dụng của thời kỳ đó, chải hất ra phía sau sao cho thật ẹp xuống và thật láng mướt, và mặc quần áo vào – quần và áo khoác nhăn nhúm, áo sơ mi và cà vạt khá sạch, dù cũng hơi nhăn. Lúc đang soi gương để vuốt thẳng cà vạt, cha không còn nghe tiếng động trong phòng tắm, và một lát sau cha lấy ra bộ đồ cạo râu rồi khẽ gõ nhẹ vào cánh cửa. Cha mở cửa bước vào khi không nghe có tiếng trả lời. Mùi thơm của Helen, một loại nước hoa Cologne rẻ tiền, mùi khá gắt, có lẽ được cô mang theo từ nhà, còn phảng phất trong gian phòng nhỏ bé. Cha gần như bắt đầu thấy thích mùi hương đó.

“Bữa ăn sáng ở nhà hàng là cà phê đậm – rất đậm – được pha sẵn trong một bình bằng đồng có cán dài, dùng với bánh mì, pho mát mặn và quả ô liu, kèm theo một tờ báo mà chúng ta không thể đọc được. Helen im lặng ăn uống, cha ngồi trầm ngâm, hít hà hương thuốc lá bay đến từ khu dành cho nhân viên phục vụ. Sáng hôm đó, nhà hàng vắng tanh, chỉ có một vài tia nắng rọi qua các khung cửa sổ cong cong, nhưng cảnh người xe hối hả bên ngoài đã đổ đầy không gian trong này những âm thanh vui tai và hình ảnh vụt qua của những người hoặc ăn vận đồ công sở hoặc xách hàng giỏ đồ mua ở chợ. Theo bản năng, chúng ta đã chọn một bàn xa cửa sổ nhất.

“ ‘Phải hai tiếng nữa ông giáo sư mới đến,’ Helen nhận xét, cho thêm đường vào ly cà phê thứ hai và khuấy mạnh. ‘Chúng ta làm gì bây giờ nhỉ?’

“ ‘Tôi nghĩ chúng ta có thể tản bộ trở lại thánh đường Hagia Sophia,’ cha nói. ‘Tôi muốn thăm lại nơi ấy một lần nữa.’

“ ‘Tại sao lại không nhỉ?’ cô thì thầm. ‘Trong lúc chúng ta còn ở đây thì làm du khách cũng đâu có sao.’ Cô trông có vẻ thanh thản, và cha để ý cô mặc chiếc áo sơ mi sạch sẽ màu xanh nhạt cùng chiếc áo vest đen, màu sắc đầu tiên mà cha nhìn thấy, một ngoại lệ so với loại quần áo chỉ có hai màu trắng đen thường thấy ở cô. Như thường lệ, cô quấn một khăn quàng nhỏ quanh cổ, chỗ vết cắn của gã thủ thư. Gương mặt cô đượm vẻ mỉa mai và cảnh giác, nhưng cha có cảm giác – dù không có bằng chứng rõ rệt – cô đã quen với sự hiện diện của cha ở đối diện bên kia bàn, gần như đến mức giảm bớt phần nào tính khí dữ tợn của cô.

“Lúc chúng ta ra khỏi quán, đường sá đầy người và xe cộ, Helen và cha thơ thẩn giữa đám người đó qua trung tâm thành phố cổ, bước vào một khu chợ. Lối đi giữa các sạp hàng đầy ắp người đi mua sắm – những phụ nữ lớn tuổi mặc đồ đen, đứng mân mê những tấm vải đẹp đủ màu; đám phụ nữ trẻ mặc áo quần sặc sỡ, trùm kín đầu, đang cò kè mặc cả để mua những thứ trái cây mà cha chưa bao giờ trông thấy, hoặc đang săm soi những khay trang sức bằng vàng; đám đàn ông lớn tuổi với những chiếc mũ đan trên đỉnh đầu hói nhẵn hoặc bạc trắng đang đọc báo hoặc khom người xem xét những chiếc tẩu gỗ có hình khắc chạm. Một số cầm chuỗi tràng hạt trong tay. Nhìn đâu cha cũng thấy những gương mặt da màu ô liu đẹp đẽ, sắc sảo, rắn rỏi, những đôi tay ra hiệu, ngón tay chỉ trỏ, những nụ cười sáng lóa đôi lúc lại lộ ra một chiếc răng vàng sáng chói. Xung quanh, cha nghe ầm ĩ đủ thứ giọng tranh cãi dứt khoát, hùng hồn, đôi lúc xen vào tiếng cười.

“Helen bối rối, miệng trễ xuống thành một nụ cười ngược, nhìn những kẻ xa lạ quanh mình kia, tựa như họ đã làm cô hài lòng, nhưng cũng tựa như cô nghĩ là cô hiểu bọn họ rất rõ. Đối với cha, đây là một quang cảnh thú vị, nhưng đồng thời cha cũng cảm thấy cần phải cảnh giác, một cảm giác mà cha đã có từ gần một tuần nay, một cảm giác mà trong những ngày này ở bất kỳ nơi công cộng nào cha cũng cảm thấy. Đó là một cảm giác săm soi tìm hiểu đám đông, liếc mắt ngang qua vai, dò xét những gương mặt để đánh giá chúng có ý định tốt hay xấu – và có lẽ cũng là cảm giác đang bị theo dõi. Đó là một cảm giác khó chịu, một nốt chói tai trong bản hòa âm những cuộc chuyện trò sống động xung quanh, và không phải là lần đầu tiên cha băn khoăn tự hỏi phải chăng Helen đã lây sang cha một phần nào đó thái độ hoài nghi đối với con người? Cha cũng thắc mắc liệu thái độ đó trong cô là bản chất hoặc đơn giản chỉ là hậu quả tất nhiên của cuộc sống cô trong chế độ cảnh sát trị.

“Dù nguồn gốc của thái độ ấy là gì chăng nữa, cha cũng cảm nhận tính đa nghi hiện nay như một sự sỉ nhục đối với bản ngã trước đây của mình. Một tuần trước cha còn là một nghiên cứu sinh Mỹ bình thường, bằng lòng với công việc dù chưa được như ý của mình, tận hưởng cảm giác về sự phồn vinh và tính ưu việt của nền văn hóa của mình ngay cả trong lúc làm ra vẻ nghi ngờ nó và mọi thứ khác. Hiện tại, Chiến tranh Lạnh là có thực đối với cha, hiện diện trong con người của Helen và thái độ vỡ mộng của cô, và cha chợt cảm thấy một cuộc chiến tranh lạnh xa xưa hơn trong chính huyết quản của cha. Cha nghĩ đến thầy Rossi, hẳn thầy đã đi qua những đường phố này vào mùa hè năm 1930 trước cái lần mạo hiểm trong trung tâm lưu trữ đã buộc thầy phải nháo nhào chạy khỏi Istanbul, và thầy cũng là người có thực đối với cha – không chỉ là giáo sư Rossi như cha biết mà cũng còn là chàng trai trẻ Rossi trong những lá thư thầy viết vào thời ấy.

“Helen vỗ lên tay cha khi chúng ta bước đi và hất đầu chỉ về hướng hai ông già đang ngồi tại một bàn gỗ nhỏ khuất sau một ki ốt gần đó. ‘Nhìn kìa – lý thuyết về sự nhàn rỗi của anh thực sự hiện diện bằng xương bằng thịt kia kìa,’ cô nói. ‘Mới chín giờ sáng mà họ đã chơi cờ rồi. Điều kỳ lạ là không phải họ đang chơi tabla(1)_ – trò được ưa thích ở khu vực này của thế giới. Thay vì tabla, họ chơi cờ vua.’ Đúng là hai người đàn ông sắp các quân cờ lên bàn cờ gỗ cũ. Quân đen đấu với quân trắng, mã và xe bảo vệ vua của mình, tốt được dàn đối diện nhau sẵn sàng chiến đấu – cùng một cách dàn trận trong chiến tranh trên khắp thế giới, cha ngẫm nghĩ, thôi không nhìn nữa. ‘Anh biết chơi cờ chứ?’ Helen hỏi.

“ ‘Lẽ dĩ nhiên,’ cha nói, hơi gắt giọng. ‘Tôi thường chơi cờ với cha tôi.’

“ ‘Vậy à.’ Âm thanh nghe chua chát, cha chợt nhớ ra nhưng đã quá muộn rằng cô không có được những bài học thời thơ ấu như vậy, và rằng cô đang chơi ván cờ của chính mình với cha cô – đúng hơn là với hình ảnh cô hình dung về ông. Nhưng dường như giờ cô lại đang mải mê với những hồi tưởng về lịch sử. ‘Anh biết không, đây không phải là trò chơi phương Tây – nó là một trò chơi xa xưa có nguồn gốc từ Ấn Độ – ở Ba Tư còn gọi là shahmat. Phát âm gần giống như checkmate – chiếu tướng trong tiếng Anh, tôi đoán vậy. Shah nghĩa là vua. Một cuộc chiến giữa các vị vua.’

“Cha nhìn hai người đàn ông đang bắt đầu cuộc chơi, những ngón tay xương xẩu lựa chọn các chiến binh đầu tiên. Những lời nói đùa trao đổi qua lại – có lẽ họ là những người bạn vong niên. Cha có thể đứng đó suốt cả ngày, quan sát ván cờ, nhưng Helen đã nôn nóng bỏ đi nên cha bước theo. Khi Helen và cha đi ngang qua, có vẻ như hai người đàn ông này lần đầu tiên để ý đến bọn ta, thoáng nhìn lên với ánh mắt dò hỏi. Cha chợt nhận ra, chắc hẳn chúng ta trông giống những người ngoại quốc lắm, dù gương mặt Helen trông chẳng khác gì những khuôn mặt xung quanh. Cha băn khoăn tự hỏi không biết ván cờ của họ kéo dài bao lâu – có thể suốt cả buổi sáng – và lần này ai trong số họ sẽ là người thắng cuộc.

“Ki ốt gần chỗ họ ngồi vừa mở cửa. Thực ra đó là một nhà kho, khuất dưới một cây sung cổ kính, ở ngoài rìa khu chợ. Một thanh niên mặc áo trắng, quần màu sậm đang ra sức kéo các cánh cửa và màn che ki ốt, kê những chiếc bàn ra bên ngoài để bày hàng hóa – sách – của anh ta ra. Sách chất đống trên các quầy gỗ, nhô ra khỏi những thùng thưa dưới sàn, xếp thành hàng kín các kệ bên trong.

“Cha hăm hở bước tới, chàng thanh niên mỉm cười gật đầu chào, tựa như anh ta nhận ra một người ham mê sách, dù cho đó là người quốc tịch gì. Helen đi chậm lại phía sau, chúng ta đứng lật xem các quyển sách, viết bằng hàng chục thứ tiếng khác nhau. Phần lớn là chữ Ả-rập, hoặc tiếng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại; một số thì bằng chữ Hy Lạp hoặc Kirin, một số khác viết bằng tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý. Cha tìm được một quyển tiếng Do Thái và nguyên một kệ toàn là sách tiếng Latin kinh điển. Phần lớn là sách in rẻ tiền và đóng bìa tồi, phần vải bọc bìa của chúng cũng sờn rách trong quá trình sử dụng. Cũng có những cuốn sách bìa mềm mới với bìa in những cảnh ghê rợn, và vài quyển sách trông rất xưa, đặc biệt một số cuốn viết bằng tiếng Ả-rập. ‘Người Byzantine cũng yêu thích sách,’ Helen thì thầm trong lúc lật xem cái gì đó giống như một tập thơ Đức. ‘Có lẽ họ đã mua sách ngay chỗ này.’

“Chàng thanh niên đã dọn hàng xong, và anh ta đến chào hỏi chúng ta. ‘Tiếng Đức hay tiếng Anh?’

“ ‘Tiếng Anh,’ cha nhanh chóng đáp lại, vì Helen không mở miệng.

“ ‘Tôi có sách tiếng Anh,’ anh ta nói với cha kèm theo một nụ cười tươi tắn. ‘Không thành vấn đề.’ Gương mặt anh ta xương xương và biểu cảm, với đôi mắt to màu xanh lá và một chiếc mũi dài. ‘Còn có cả báo chí từ Luân Đôn, New York nữa.’ Cha cám ơn và hỏi anh ta có sách cổ không. ‘Có, rất cổ.’ Anh ta trao cho cha một bản in thế kỷ mười chín vở hài kịch Shakespeare Much Ado About Nothing – Quá nhiều công sức cho chuyện tầm phào – trông có vẻ rẻ tiền, vải bọc đã sờn rách. Cha băn khoăn tự hỏi không biết nó được lôi ra từ thư viện nào và đã trôi nổi qua cuộc hành trình nào – từ Manchester tư sản, ví dụ thế – đến giao lộ thế giới cổ xưa này. Tỏ vẻ lịch sự, cha lật xem chiếu lệ vài trang rồi trao cuốn sách lại cho anh ta. ‘Không được cổ lắm à?’ Anh ta cười hỏi.

“Helen vẫn nhìn qua vai cha, nhưng giờ đã chĩa ánh mắt vào đồng hồ đeo tay. Cuối cùng thì thậm chí chúng ta còn chưa kịp đến Hagia Sophia. ‘Vâng, mà giờ chúng tôi cũng có việc phải đi ngay,’ cha nói.

“Chàng thanh niên bán sách lịch sự cúi chào chúng ta, tay vẫn cầm cuốn sách. Cha nhìn anh ta đăm đăm một lát, bối rối bởi một cảm giác như sắp nhận ra anh ta quen quen đến nơi, nhưng anh ta đã quay sang một người khách khác, một ông lão – có thể là người thứ ba của nhóm chơi cờ. Helen thúc vào khuỷu tay cha, và chúng ta rời cửa hàng sách, chủ định đi vòng qua rìa khu chợ rồi trở lại hướng nhà trọ.

“Quán ăn nhỏ bé kia vẫn vắng tanh khi chúng ta bước vào, nhưng chỉ vài phút sau Turgut đã xuất hiện ở lối vào, mỉm cười gật đầu chào, lên tiếng hỏi thăm chúng ta có được ngon giấc không. Ông ta mặc vest len màu ô liu, dù trời nóng hầm hập, và hình như đang đầy ắp sự phấn khích dồn nén. Mái tóc quăn đen nhánh vuốt ngược ra sau, đôi giày láng cóng, ông sải bước dẫn chúng ta ra khỏi quán ngay. Cha nhận ra ông quả là một người giàu sinh lực và cảm thấy yên tâm khi có được một hướng dẫn viên như vậy. Cảm giác phấn khích cũng dần dâng lên trong cha. Mớ giấy tờ tài liệu của thầy Rossi vẫn nằm an toàn trong cặp xách, và có lẽ vài giờ nữa chúng sẽ đưa cha tiến một bước gần hơn đến nơi thầy Rossi đang ở. Ít nhất, cha cũng sắp được đối chiếu bản sao tài liệu của thầy với các bản gốc mà thầy đã xem xét nhiều năm trước đó.

“Khi chúng ta theo chân Turgut qua các đường phố, ông ta giải thích rằng kho lưu trữ của Quốc vương Mehmed không nằm trong tòa nhà chính của Thư viện Quốc gia, dù nó vẫn được nhà nước bảo vệ. Hiện tại, nó nằm trong một khu phụ của thư viện, nơi từng là một mendrese, một trường Hồi giáo truyền thống. Ataturk(2)_ đã đóng cửa các trường học này khi thực hiện chính sách thế tục hóa xã hội trên đất nước này, và nơi đây hiện lưu trữ các đầu sách hiếm và cổ xưa của Thư viện Quốc gia nói về lịch sử của đế chế Ottoman. Chúng ta sẽ tìm được bộ sưu tập của Quốc vương Mehmed trong số các bộ sách ra đời từ những thế kỷ khi đế quốc Ottoman đang bành trướng.

‘Khu vực phụ của thư viện quả là một tòa nhà nhỏ cực kỳ xinh đẹp. Từ ngoài đường, chúng ta bước vào đó qua những cánh cửa gỗ có tay nắm bằng đồng. Ánh nắng được lọc qua những mảng hoa văn chạm khắc từ đá cẩm thạch che phủ các cửa sổ thành những hình kỷ hà tinh tế, điểm trang cho nền nhà tối nhờ nhờ của lối vào bằng vô số hình ngôi sao và bát giác. Turgut chỉ cho Helen và cha nơi đăng ký, nằm tại một quầy ở lối vào (cha để ý thấy Helen đã nguệch ngoạc một chữ ký không thể đọc nổi), và đích thân ông ta ký tên bằng một nét chữ bay buớm.

“Sau đó chúng ta bước vào một phòng dành riêng cho các bộ sưu tập, một khoảng không gian rộng lớn yên tĩnh nằm dưới một mái vòm khảm hai màu xanh-trắng. Những chiếc bàn bóng láng chạy suốt chiều dài gian phòng, đã có ba hoặc bốn nhà nghiên cứu ngồi làm việc ở đó. Các bức tường không chỉ có kệ sách mà còn có các ngăn hộc và hộp gỗ, những chiếc chao đèn bằng đồng tinh xảo thật hợp với bóng điện treo lủng lẳng trên trần. Viên thủ thư, một người đàn ông mảnh khảnh khoảng độ năm mươi, mang một chuỗi tràng hạt ở cổ tay, ngừng công việc lại đến chào hỏi, bắt cả hai tay Turgut. Họ nói chuyện với nhau một lát – trong cuộc trò chuyện của họ, cha nghe Turgut nhắc đến tên trường đại học của cha tại Mỹ – sau đó người thủ thư mỉm cười cúi chào và nói gì đó với chúng ta bằng tiếng Thổ. ‘Đây là ông Erozan. Ông ấy chào mừng các bạn đến với phòng sưu tập.’ Turgut thông dịch lại cho chúng ta, trông hài lòng ra mặt. ‘Ông ấy sẵn lòng phục vụ các bạn dù có bị giết hại.’ Cha bất giác cảm thấy chựng lại, Helen thì nở một nụ cười ngờ nghệch. ‘Ông ấy sẽ mang các tài liệu của Quốc vương Mehmed về Giáo đoàn Rồng ra ngay cho các bạn. Nhưng trước tiên, chúng ta phải ngồi ở đây chờ ông ấy đã.’

“Chúng ta ngồi xuống một chiếc bàn, thận trọng cách xa vài nhà nghiên cứu kia. Họ thoáng nhìn chúng ta với vẻ tò mò rồi trở lại ngay với công việc của mình. Một lát sau, ông Erozan quay lại, mang theo một hộp gỗ lớn có khóa đằng trước và dòng chữ Ả-rập khắc trên nắp. ‘Câu đó nghĩa là gì?’ tôi hỏi vị giáo sư.

“ ‘À.’ Ông ta di đầu ngón tay lên nắp hộp theo dòng chữ. ‘Câu này có nghĩa, “Đây là cái ác” – ừm – “nơi đây chứa đựng cái ác. Hãy giam cầm nó lại bằng những bí quyết trong Kinh Koran thiêng liêng.” ’ Tim cha như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực; những câu này tương đồng đến kinh ngạc với những gì thầy Rossi ghi lại bên lề tấm bản đồ bí ẩn kia và đã buột miệng đọc to lên trong trung tâm lưu trữ cổ kính, nơi tấm bản đồ từng được cất giữ. Thầy Rossi đã không đề cập đến chiếc hộp này trong các lá thư, nhưng cũng có thể ông chưa từng trông thấy nó, nếu người thủ thư chỉ mang đến cho thầy những tài liệu chứa bên trong. Hoặc cũng có thể sau thời điểm thầy Rossi lưu trú ở đây các tài liệu đó mới được đặt vào hộp.

“ ‘Cái hộp này có từ bao giờ nhỉ?’ cha hỏi Turgut.

“Ông ta lắc đầu. ‘Tôi không biết, và ông bạn của tôi đây cũng vậy. Vì là hộp gỗ nên tôi nghĩ nó không có khả năng cùng tuổi với thời của Mehmed. Ông bạn tôi đã có lần bảo với tôi’ – ông ta mỉm cười nhìn về hướng Erozan, và ông thủ thư này cười lại dù chẳng hiểu chuyện gì – ‘là những tài liệu này được cất vào hộp này vào năm 1930, để giữ chúng được an toàn. Ông ấy biết điều đó vì đã trao đổi với viên thủ thư tiền nhiệm. Ông bạn tôi là người rất cẩn thận.’

“Vào năm 1930! Helen và tôi đưa mắt nhìn nhau. Có lẽ là khoảng thời gian thầy Rossi viết những lá thư đó – tháng Mười hai năm 1930 – cho bất kỳ ai có thể nhận chúng sau này, các tài liệu mà ông ấy nghiên cứu đã được đặt vào trong chiếc hộp này để giữ cho an toàn. Một chiếc hộp gỗ bình thường là đã có thể phòng ngừa chuột và ẩm mốc, nhưng điều gì khiến người thủ thư thời kỳ đó phải khóa các tài liệu về Giáo đoàn Rồng bên trong một chiếc hộp có khắc dòng chữ cảnh báo trầm trọng như vậy?

“Ông bạn thủ thư của Turgut rút ra một xâu chìa khóa, tra một chìa vào ổ. Cha gần như muốn bật cười, nhớ đến danh mục thẻ hiện đại ở trường nhà, có thể giúp truy cập hàng ngàn cuốn sách quý hiếm trong hệ thống thư viện của trường. Cha chưa bao giờ tưởng tượng phải dùng đến một cái chìa khóa cũ kỹ để tiến hành công việc nghiên cứu. Ổ khóa bật lên một tiếng tách. ‘Được rồi,’ Turgut thì thầm, và người thủ thư rút lui. Turgut cười với từng người chúng ta – những nụ cười buồn bã, cha nghĩ – và mở nắp hộp lên.”

Trong tàu, Barley vừa đọc xong hai lá thư đầu tiên của cha. Tôi cảm thấy nhói đau khi nhìn thấy những lá thư mở rộng trong đôi tay anh, nhưng tôi biết Barley sẽ tin vào tiếng nói có cơ sở của cha, dù chỉ tin phân nửa cái giọng điệu kém thuyết phục của tôi. “Anh đã từng đến Paris rồi chứ?” tôi lên tiếng hỏi, một phần để che giấu cảm xúc của mình.

“Chắc là rồi,” Barley đáp, giọng vẫn còn tức giận. “Anh đã học ở đó một năm trước khi vào đại học. Mẹ anh muốn anh giỏi tiếng Pháp hơn.” Tôi rất muốn hỏi về mẹ anh và lý do vì sao bà yêu cầu con trai mình phải đạt được một thành tựu thú vị như vậy, cũng như cảm giác khi có mẹ thì thế nào, nhưng Barley đã lại chúi mũi vào lá thư. “Cha em chắc hẳn là một giảng viên có tài,” anh ta trầm ngâm. “Những bức thư này thú vị hơn nhiều so với những gì bọn anh được học tại Oxford.”

Câu nói đó mở ra trước mắt tôi một lãnh địa khác. Các bài giảng tại Oxford nhàm chán lắm sao? Có thể như vậy được sao? Barley có nhiều thứ mà tôi muốn biết, một sứ giả từ thế giới rộng lớn đến nỗi hiện giờ tôi vẫn chưa thể hình dung. Lần này, dòng suy tưởng của tôi bị cắt ngang bởi một nhân viên của đoàn tàu vội vã đi dọc lối đi, băng qua trước cửa cabin của chúng tôi. “Bruxelles!” ông ta kêu lên. Tàu chạy chậm dần, vài phút sau, qua cửa sổ tàu chúng tôi nhìn thấy ga Brussels; các nhân viên hải quan bước lên tàu. Bên ngoài mọi người hối hả lên xuống tàu và lũ bồ câu đang mải mê săn tìm các mẩu thức ăn thừa rơi rớt trên sân ga.

Có thể vì thầm yêu mến loài bồ câu nên tôi đã nhìn chúng trong đám đông chăm chú đến nỗi chợt nhận ra một hình dáng đang đứng bất động. Một phụ nữ, cao, mặc một chiếc áo khoác đen dài, lặng lẽ đứng trên sân ga. Chiếc khăn đen choàng qua đầu, quấn quanh một gương mặt trắng toát. Khoảng cách khá xa để có thể nhìn rõ được nét mặt, nhưng tôi thoáng thấy cặp mắt đen, và một cái miệng đỏ choét dị thường – son môi màu chói, chắc thế. Có gì đó khác thường trong bộ quần áo đen kịt như một hình chiếu bóng của bà ta; giữa những chiếc váy ngắn và bốt cao gót thời thượng dị hợm, bà ta mang đôi giày cao gót mũi nhọn màu đen.

Nhưng đặc điểm trước tiên làm tôi chú ý đến bà ta, và cứ phải chú ý cho đến lúc đoàn tàu lại chuyển bánh, là thái độ cảnh giác của bà ta. Bà ta chăm chú quan sát đoàn tàu của chúng tôi, từ đầu đến cuối. Theo bản năng, tôi nép người ra sau, tránh khỏi cửa sổ, Barley liền nhìn tôi với ánh mắt thắc mắc. Rõ ràng người phụ nữ đó không nhìn thấy chúng tôi, dù bà ta đã bước một bước bâng quơ về hướng chúng tôi. Sau đó, có vẻ như bà ta thay đổi ý định, quay sang quan sát một đoàn tàu khác vừa đỗ lại ở bên kia boong ke. Một vẻ gì đó trong cái lưng thẳng đuột, cứng đơ của bà ta làm tôi cứ phải nhìn chăm chăm cho đến khi đoàn tàu ra khỏi nhà ga, và bà biến mất trong đám đông, tựa như chưa bao giờ hiện hữu.

Chú thích:

1. Các trò chơi kiểu đổ xúc xắc rồi di chuyển quân cờ trên một tấm bảng lớn (BT).

2. Ataturk (tên đầy đủ là Mustapha Kemal Ataturk (1881-1938): vị tổng thống đầu tiên (1923-1938) và cũng là người sáng lập nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ với chính sách thế tục hóa xã hội, giảm nhẹ ảnh hưởng của đạo Hồi.

Bình luận