Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truy tìm Dracula

Chương 9

Tác giả: Elizabeth Johnson Kostova

Ngày 14 tháng Mười hai năm 1930

Cao đẳng Trinity, Oxford

Người kế thừa thân mến và bất hạnh của tôi:

Tôi sẽ kết thúc nghiên cứu của mình càng sớm càng tốt, vì bạn phải rút ra từ đó những thông tin quan trọng, nếu cả hai chúng ta còn – à vâng, ít ra là còn sống sót, sống sót một cách tốt đẹp và hạnh phúc. Có những thứ luôn sống sót và tồn tại, một sử gia luôn học được điều đó một cách buồn đau. Những xung lực xấu xa nhất của nhân loại có thể tồn tại trong nhiều thế hệ, hoặc nhiều thế kỷ, thậm chí cả thiên niên kỷ. Nhưng những nỗ lực cá nhân tốt đẹp nhất của chúng ta lại tàn lụi cùng thân xác ta ở cuối mỗi cuộc đời đơn lẻ.

Nói tiếp về tiến trình nghiên cứu của tôi: trong hành trình từ Anh đến Hy Lạp, tôi đã được trải qua một chuyến đi êm đềm nhất mình từng biết tới. Ông giám đốc viện bảo tàng tại Crete thậm chí còn ra bến tàu đón, và mời tôi quay lại vào mùa hè để tham dự lễ mở một ngôi mộ cổ từ thời Minoan. Ngoài ra, hai học giả người Mỹ chuyên nghiên cứu cổ ngữ mà tôi hằng mong được gặp từ nhiều năm qua lại ở cùng khách sạn với tôi. Họ thúc giục tôi tìm hiểu thông tin về một chức vụ cấp khoa đang bỏ trống tại trường đại học của họ – đúng là một công việc thích hợp cho một người có nền tảng như tôi – và không ngớt lời ca tụng các công trình của tôi. Tôi được phép dễ dàng tiếp cận mọi bộ sưu tập mình muốn, kể cả một số bộ sưu tập cá nhân. Buổi trưa, khi viện bảo tàng đóng cửa và thị trấn ngủ trưa, tôi ngồi ngoài ban công xinh đẹp có giàn dây nho leo phủ, xem lại các ghi chép của mình, đồng thời triển khai ý tưởng cho nhiều công trình nghiên cứu khác mà tôi đang ấp ủ. Trong khung cảnh bình yên này, tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ hoàn toàn công việc mà lúc này đối với tôi có vẻ như là một điều hoang tưởng, việc theo đuổi cái tên Drakulya kỳ dị kia. Tôi mang theo cuốn sách cổ kia, không muốn phải rời xa nó, nhưng đã một tuần rồi không đụng đến. Nói chung, tôi cảm thấy được giải phóng khỏi lời nguyền của nó. Nhưng một cái gì đó – niềm đam mê của một nhà sử học đối với tính hoàn thiện, hoặc có thể chỉ là niềm yêu thích săn đuổi đơn thuần – lại thúc ép tôi phải thực hiện kế hoạch của mình và tiếp tục đến Istanbul rồi ở đó vài ngày. Và bây giờ, tôi phải kể cho bạn biết cuộc phiêu lưu kỳ quặc ở đấy, trong một trung tâm lưu trữ tư liệu lịch sử. Có lẽ đây là sự kiện đầu tiên trong nhiều sự kiện có thể khiến bạn hoài nghi mà tôi sẽ mô tả sau đây. Nhưng tôi xin bạn, hãy đọc cho hết.

Theo lời thỉnh cầu đó, cha tôi nói, cha đã đọc từng chữ một. Lá thư đó thuật lại trải nghiệm đáng sợ của thầy Rossi khi nghiên cứu các tài liệu trong bộ sưu tập về Quốc vương Mehmed II: việc ông phát hiện ra một tấm bản đồ chú thích bằng ba thứ tiếng, hình như để chỉ ra địa điểm hầm mộ của Vlad Kẻ Xiên Người, việc nó đã bị một tên quan chức nham hiểm lấy mất, và việc trên cổ hắn có hai vết thương nhỏ chưa lành hẳn.

Khi kể lại chuyện này, văn phong của thầy Rossi không còn súc tích và tỉnh táo như cha để ý thấy ở hai lá thư trước, nó dông dài và đầy những lỗi vụn vặt, tựa như ông ấy đã viết trong tâm trạng cực kỳ bối rối. Và dù đang lo lắng bực bội (vì hiện giờ là ban đêm, cha đã trở về căn hộ của mình, đang ngồi đọc một mình, cửa cài chặt, màn buông kín vì lo sợ những điều hão huyền), cha vẫn nhận thấy cách diễn đạt ông ấy sử dụng để trình bày những sự kiện kia giống hệt với những gì ông đã nói với cha hai đêm trước. Cứ như thể, gần một phần tư thế kỷ trước đây, câu chuyện này đã giày vò tâm trí ông mãnh liệt đến nỗi cần phải thổ lộ ngay tức khắc với một người nào đó biết lắng nghe.

Còn ba lá thư nữa, và cha đã nôn nóng đọc lá thư kế tiếp.

Ngày 15 tháng Mười hai năm 1930

Cao đẳng Trinity, Oxford

Người kế thừa thân mến và bất hạnh của tôi:

Kể từ lúc viên quan chức xấu xa kia lấy mất tấm bản đồ, vận may của tôi cũng kết thúc. Khi quay trở lại phòng, tôi nhận thấy viên quản lý khách sạn đã dọn đồ đạc của tôi qua một phòng khác nhỏ hơn, có phần dơ dáy hơn, vì trần một góc phòng cũ tôi ở bị sụp xuống. Trong quá trình di chuyển này, một số giấy tờ đã biến mất và cặp khuy măng séc bằng vàng mà tôi rất quý cũng bốc hơi.

Ngồi trong căn phòng chật hẹp mới, tôi thử cố nhớ lại ngay các ghi chú của mình về câu chuyện Dracula, cả về những tấm bản đồ đã nhìn thấy trong trung tâm lưu trữ. Sau đó tôi vội vàng quay về Hy Lạp, ở đó tôi cố gắng tiếp tục công việc nghiên cứu về đảo Crete, thời gian bây giờ đã quá dư thừa.

Chuyến tàu trở lại Crete thật kinh khủng. Biển động dữ dội. Gió nóng, cuồng bạo như loại gió mùa mit-tran khét tiếng của nước Pháp, thổi liên tục qua đảo. Căn phòng trước đây của tôi đã có người ở, tôi chỉ nhận được một căn phòng tồi tệ nhất, ẩm mốc và tối tăm. Hai anh bạn đồng nghiệp người Mỹ đã ra đi. Ông giám đốc tử tế của viện bảo tàng đã ngã bệnh, có vẻ như không ai còn nhớ đến lời ông ta mời tôi tham dự lễ khai quật một ngôi mộ cổ nữa. Tôi cố gắng tiếp tục công việc của mình về chủ đề đảo Crete nhưng đọc đi đọc lại những gì mình đã ghi chú cũng chẳng tìm thấy đâu cảm hứng. Những chuyện mê tín xa xưa mà ngay cả đám thị dân ở đây cũng hay kể, những chuyện đồng bóng mà trong những chuyến du hành trước tôi chẳng hề để ý, dù chúng phổ biến ở Hy Lạp đến mức hẳn trước đây tôi phải gặp rồi, cũng chẳng khiến tâm trạng bồn chồn của tôi nguôi ngoai chút nào. Theo truyền thuyết Hy Lạp, cũng như trong nhiều truyền thuyết khác, ma cà rồng, tức vrykolakas, được hình thành từ bất kỳ xác chết nào không được chôn cất tử tế, hoặc chậm phân hủy, chưa kể đến những người vô tình bị chôn sống. Những người già trong các taverna(1)_ trên đảo Crete có vẻ như thích kể cho tôi nghe về hai trăm mười câu chuyện ma cà rồng của họ hơn là hướng dẫn cho tôi tìm ở đâu để có những mảnh gốm vỡ khác như mảnh gốm kia, hoặc những con tàu đắm cổ xưa nào ông nội họ từng lặn xuống để cướp bóc cổ vật. Một buổi chiều kia, tôi đã để một người lạ mặt mời mình một chầu thứ nước uống đặc sản có tên gọi kỳ lạ là lãng quên, hậu quả là tôi phải nằm bẹp suốt cả ngày hôm sau.

Thực ra, chẳng có gì tốt đẹp đến với tôi cho đến khi tôi trở về nước Anh, trong một cuộc hành trình mưa bão khủng khiếp khiến tôi phải trải qua một cơn say sóng tồi tệ nhất trong đời.

Tôi ghi lại những tình huống này phòng khi chúng liên quan đến những khía cạnh khác trong trường hợp của mình. Ít nhất, chúng sẽ giải thích cho bạn tâm trạng của tôi khi trở về Oxford: kiệt sức, buồn nản và sợ hãi. Nhìn vào gương, tôi thấy mình xanh xao và gầy rộc đi. Mỗi lần lỡ cắt vào da trong khi cạo mặt, mà trong tâm trạng căng thẳng thế này tôi thường xuyên cắt nhầm một cách vụng về, tôi lại cau mày, nhớ đến những vết thương nhỏ, chưa lành hẳn trên cổ tên quan chức Thổ Nhĩ Kỳ kia và càng lúc càng hoài nghi sự minh mẫn của chính mình. Đôi khi tôi có cảm giác, cái cảm giác ám ảnh làm cho tôi gần như mất trí, về vài mục tiêu chưa hoàn thành, về vài ý định mà tôi không thể tái định hình chúng. Tôi cảm thấy cô đơn và khát khao mọi thứ. Tóm lại, thần kinh tôi chưa bao giờ rơi vào tình trạng tệ hại như vậy.

Dĩ nhiên, tôi cố gắng tiếp tục công việc như bình thường, không nói gì với ai về những chuyện này và chuẩn bị cho học kỳ sắp tới với sự cẩn trọng thường lệ. Tôi đã viết thư cho hai học giả người Mỹ chuyên nghiên cứu cổ ngữ mà tôi đã gặp ở Hy Lạp, thân mật gợi ý với họ rằng tôi quan tâm đến, ít ra là, một cuộc gặp gỡ ngắn ở Mỹ, và liệu họ có thể giúp thu xếp được không. Đã gần hoàn tất học vị của mình, tôi càng lúc càng cảm thấy cái nhu cầu phải bắt đầu lại từ đầu và nghĩ sự thay đổi sẽ tốt hơn cho mình. Tôi cũng hoàn thành hai bài báo về mối liên kết giữa chứng cứ khảo cổ học và văn học trong việc nghiên cứu công nghệ sản xuất đồ gốm ở đảo Crete. Từng ngày, tôi cố gắng mang tính kỷ luật, tự giác vốn có của mình để chịu đựng, và mỗi ngày lại cảm thấy thanh thản hơn.

Tháng đầu tiên sau khi trở về, tôi đã cố gắng không chỉ chôn vùi tất cả ký ức về chuyến hành trình khó chịu kia, mà còn tránh không gợi lại mối quan tâm của chính mình đối với cuốn sách nhỏ kỳ lạ vẫn còn nằm trong mớ hành lý, hoặc về cuộc nghiên cứu mà nó đưa đến. Tuy nhiên, sự tự tin lại trỗi dậy và tính hiếu kỳ cũng lớn dần lên – một cách ngoan cố – trong tôi. Một buổi tối kia, tôi cầm cuốn sách lên và tập hợp những ghi chú đã thực hiện ở Anh và Istanbul. Kết quả – và từ đó tôi xem nó như hậu quả – thật nhãn tiền, khủng khiếp và bi thảm.

Tôi phải ngừng ở đây, người bạn đọc can đảm của tôi; ngay bây giờ, tôi không thể viết tiếp. Tôi cầu xin bạn đừng bỏ ngang ở những lá thư này mà hãy đọc tiếp khi tôi cố gắng viết tiếp vào ngày mai.

Người bạn vô cùng sầu khổ của bạn, Bartholomew Rossi

Chú thích:

1. Tiếng Hy Lạp: quán cà phê, nhà hàng nhỏ.

Bình luận
× sticky