Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truy tìm Dracula

Chương 54

Tác giả: Elizabeth Johnson Kostova

“Ấn tượng đầu tiên – và sau này là ký ức của cha về Bungari – là những ngọn núi nhìn từ trên không, những ngọn núi cao và sâu thẳm, phủ đầy một màu xanh đen kịt của cỏ cây và phần lớn nằm cách biệt với đường giao thông, dù thỉnh thoảng đây đó một dải màu nâu chạy giữa các làng mạc hoặc dọc theo những vách đá dựng đứng. Helen ngồi yên lặng bên cha, mắt dán chặt vào ô cửa máy bay, bàn tay nằm yên trong tay cha, dưới lớp áo khoác. Cha có thể cảm nhận lòng bàn tay cô ấm áp, những ngón tay xinh xắn, không đeo nhẫn và hơi lành lạnh. Thỉnh thoảng chúng ta nhìn thấy ánh sáng phản chiếu lấp lánh giữa những khe núi, cha nghĩ hẳn đó là những dòng sông, và cha đã căng mắt tìm kiếm, dù không mấy hy vọng, một hình đuôi rồng cuộn lại mà có lẽ là lời giải cho câu đố của chúng ta. Lẽ dĩ nhiên, chẳng có gì khớp với những đường nét mà dù có nhắm mắt cha cũng quá rành ấy.

“Chắc sẽ chẳng có gì ở đây khớp với những đường nét ấy đâu, cha tự nhủ như vậy, chỉ để dập tắt niềm hy vọng cứ trào dâng một cách bất trị trong người khi nhìn thấy những ngọn núi già cỗi đó. Sự tối tăm mù mịt, vẻ nguyên sơ chưa hề bị lịch sử hiện đại đụng chạm tới, sự thiếu vắng khó hiểu của các thành phố, thị trấn hoặc công trình công nghiệp khiến cha hy vọng. Không hiểu vì sao, cha cảm nhận quá khứ càng được giấu kín trong đất nước này bao nhiêu thì càng có khả năng nó được bảo tồn bấy nhiêu. Chúng ta đang bay bên trên hành trình không còn dấu vết của các tu sĩ kia, và chắc hẳn họ đã vượt qua những ngọn núi như thế này – biết đâu chính là những đỉnh núi này, dù chúng ta chưa biết chắc lộ trình của họ. Cha chia sẻ với Helen suy nghĩ đó vì muốn nghe hy vọng của chính mình được nói ra thành lời. Helen lắc đầu. ‘Chúng ta không biết chắc liệu họ có đến được Bungari hay không, hay thậm chí liệu họ có thực sự khởi hành đi Bungari hay không nữa,’ cô nhắc nhở cha, nhưng đồng thời cũng vuốt ve bàn tay cha dưới tấm áo khoác như để làm nhẹ đi cách nói thẳng thừng của mình.

“ ‘Em biết đấy, anh chẳng biết gì về lịch sử Bungari cả,’ cha nói. ‘Anh sợ mình sẽ mất phương hướng ở đây mất.’

“Helen mỉm cười. ‘Dù không phải là chuyên gia nhưng em có thể nói qua cho anh biết là người Xlavơ đã di cư từ miền Bắc đến khu vực này vào thế kỷ thứ sáu và thứ bảy, và một bộ lạc Thổ tên là Bungari đã đến đây vào thế kỷ thứ bảy, tầm đó. Họ đã liên minh chống lại đế quốc Byzantine – làm thế là sáng suốt – và vị vua đầu tiên của họ là một người Bungari tên là Asparuh. Vào thế kỷ thứ chín, sa hoàng Boris I đã biến Thiên Chúa giáo thành tôn giáo chính thức của xứ sở này. Mặc dù vậy, có vẻ như ông ta vẫn là một anh hùng vĩ đại ở đây. Đế quốc Byzantine cai trị từ thế kỷ mười một cho đến đầu thế kỷ mười ba, và sau đó Bungari trở thành một đất nước rất hùng mạnh cho đến khi bị người Ottoman đè bẹp vào năm 1393.’

“ ‘Khi nào thì người Ottoman bị tống cổ đi?’ cha hỏi đầy quan tâm. ‘Có vẻ như chúng ta gặp họ ở khắp mọi nơi.’

“ ‘Mãi đến năm 1878,’ Helen xác nhận. ‘Người Nga đã giúp Bungari đánh đuổi quân Ottoman.’

“ ‘Và rồi Bungari lại đứng về phe Trục trong cả hai cuộc chiến.’(1)_

“ ‘Đúng vậy, và ngay sau chiến tranh quân đội Liên Xô đã mang lại cả một cuộc cách mạng vẻ vang. Ta sẽ làm được gì nếu không có quân đội Liên Xô cơ chứ?’ Helen nở một nụ cười rạng rỡ nhất mà cũng cay đắng nhất, và cha siết mạnh tay cô.

“ ‘Nói khẽ thôi nào,’ cha nói. ‘Nếu em không cẩn thận, anh sẽ phải cẩn thận gấp đôi cho cả hai chúng ta.’ ”

“Phi trường Sofia bé tí; cha đã chờ đợi một công trình tráng lệ của chủ nghĩa cộng sản hiện đại, nhưng chúng ta lại hạ cánh xuống một khoảng đất rải nhựa khiêm tốn rồi cuốc bộ qua đó cùng các hành khách khác. Cha cố nghe vài mẩu chuyện trò giữa họ và quả quyết hầu hết bọn họ đều là người Bungari. Họ rất đẹp, một số người còn đẹp đến ấn tượng, gương mặt đa dạng từ người Xlavơ da trắng mắt đen đến người Trung Đông da đồng, đám đông như một cái kính vạn hoa đủ màu sắc và hình dạng: những hàng lông mày đen bờm xờm, những cái mũi dài phình ra hoặc khoằm xuống, cánh phụ nữ trẻ tóc đen uốn quăn trên vầng trán cao, các ông lão trông vẫn còn mạnh khỏe dù hàm răng không còn bao nhiêu chiếc. Họ cười nói sôi nổi với nhau; một ông cao lớn cầm tờ báo khoa tay múa chân với người bạn đồng hành. Quần áo của họ rõ ràng không theo lối người phương Tây, dù vậy cha cũng khó mà nói được gì về kiểu cắt may của những bộ vest và váy áo, những đôi giày nặng nề và những cái mũ chỉ một màu đen ấy, tất cả trông quá lạ lẫm trong mắt cha.

“Cha cũng ấn tượng về niềm hạnh phúc gần như không giấu giếm của những con người này khi đặt chân xuống mảnh đất – hoặc nhựa đường – của xứ sở Bungari quê hương, và điều này đã làm đảo lộn hình ảnh định kiến của cha về một đất nước cố kết chặt chẽ với người Liên Xô, thậm chí giờ vẫn là đồng minh thân cận nhất, cánh tay mặt của Stalin, dù đã hơn một năm sau cái chết của ông ta – một đất nước không có niềm vui trong vòng cương tỏa của những ảo tưởng mà có lẽ trong đó họ sẽ mãi đắm chìm. Những khó khăn trong việc xin thị thực Bungari tại Istanbul – một đoạn đường được bôi trơn chủ yếu nhờ tiền bạc từ quỹ bí mật của Turgut và những cú điện thoại từ người đồng nhiệm Bungari ở Sofia của bác Éva – đã làm tăng thêm lo ngại của cha về đất nước này, và cha thấy đám quan chức mặt nặng như chì, những kẻ mà rốt cuộc cũng miễn cưỡng đóng dấu chuẩn thuận vào hộ chiếu của chúng ta ở Budapest, dường như đã bị ướp xác trong áp bức. Helen tâm sự với cha là chính việc tòa đại sứ Bungari cấp thị thực cho chúng ta lại làm cô thấy băn khoăn.

“Tuy nhiên, nhìn chung người Bungari đích thực có vẻ như là một chủng tộc khác hẳn. Khi đi vào tòa nhà phi trường, chúng ta nhận ra mình đang xếp hàng trước quầy thủ tục hải quan, thậm chí ở đây tiếng cười nói còn to hơn, và chúng ta có thể nhìn thấy người đi đón bà con họ hàng đứng sau rào chắn hét to những tiếng chào mừng. Xung quanh chúng ta, mọi người đang khai báo những món tiền nhỏ nhoi và mấy món đồ lưu niệm mua ở Istanbul hoặc các điểm đến trước đó, chúng ta cũng phải khai báo như vậy khi đến lượt.

“Lông mày tay nhân viên hải quan trẻ nhướn lên, mất hút dưới vành mũ lưỡi trai khi thấy hộ chiếu của chúng ta, gã đem hai sổ hộ chiếu đi tham khảo ý kiến một nhân viên hải quan khác. ‘Chẳng phải điềm lành rồi,’ Helen thì thào. Nhiều gã mặc đồng phục vây lấy chúng ta, tay lớn tuổi nhất và có vẻ kênh kiệu nhất bắt đầu tra vấn chúng ta bằng tiếng Đức, rồi tiếng Pháp, và cuối cùng bằng thứ tiếng Anh sai bét nhè. Theo lời dặn dò của bác Éva, cha bình tĩnh đưa ra thư giới thiệu của Đại học Budapest, lá thư ấy yêu cầu chính quyền Bungari cho phép chúng ta nhập cảnh vì có công việc quan trọng về lĩnh vực học thuật, và một thư giới thiệu khác mà bác Éva đã lấy được từ một người bạn ở tòa đại sứ Bungari cho chúng ta.

“Cha không biết tay nhân viên hải quan xoay xở như thế nào với lá thư liên quan đến lĩnh vực học thuật và được viết bằng cả ba thứ tiếng Anh, Hung và Pháp, nhưng lá thư từ tòa đại sứ thì viết bằng tiếng Bungari và có đóng dấu của tòa đại sứ. Gã im lặng đọc, đôi hàng lông mày đen rậm to tướng nhíu lại gần như chạm vào nhau trên sống mũi, và rồi trên mặt gã hiện lên vẻ ngạc nhiên, thậm chí có thể nói là sửng sốt, gã nhìn chúng ta bằng ánh mắt kinh ngạc. Điều đó thậm chí còn khiến cha lo lắng hơn cả lúc trước, khi gã có thái độ thù địch, rồi cha chợt nhớ ra bác Éva đã khá mập mờ về nội dung lá thư của tòa đại sứ. Lúc này chắc chắn cha không thể hỏi lá thư đó nói gì, và cha thấy bối rối đến khổ sở khi tay nhân viên hải quan kia đột nhiên mỉm cười rồi thậm chí còn vỗ lên vai cha nữa. Gã đến bên máy điện thoại trong một quầy thủ tục hải quan và có vẻ như đã liên lạc được với một người nào đó sau một lúc lâu cần mẫn quay số. Cha không thích cái kiểu gã cứ thỉnh thoảng cười vào ống nghe rồi lại liếc nhìn chúng ta. Helen loay hoay bên cạnh cha, cha biết chắc hẳn cô hiểu rõ toàn bộ chuyện này hơn cha.

“Cuối cùng, tay nhân viên hải quan cũng gác máy với điệu bộ màu mè, giúp chúng ta lấy lại đám va li bụi bặm và dẫn chúng ta đến một quầy rượu nằm trong phi trường, ở đó gã mời chúng ta những ly nhỏ rượu mạnh tên là rakiya và cũng nhiệt tình uống cùng. Bằng vài thứ ngôn ngữ sai bét, gã hỏi chúng ta đã tham gia cách mạng bao lâu, đã vào Đảng từ lúc nào, và những câu hỏi đại loại, chẳng câu nào khiến cha thoải mái hơn. Việc này lại làm cho cha suy nghĩ nhiều hơn về những điểm có thể không đúng sự thật trong lá thư giới thiệu chúng ta, nhưng theo sự dẫn dắt của Helen, cha chỉ mỉm cười hoặc đưa ra những nhận xét vô thưởng vô phạt. Gã nâng cốc chúc mừng tình hữu nghị giữa giai cấp công nhân của mỗi quốc gia, rồi lại châm đầy ly cho tất cả. Nếu Helen hoặc cha nói điều gì đó – chẳng hạn như một nhận xét tẻ nhạt về chuyện thăm viếng đất nước xinh đẹp của gã – gã sẽ lắc đầu, toét miệng cười, tựa như phủ nhận những nhận xét của chúng ta. Cha cảm thấy bối rối vì thái độ đó cho đến khi Helen thầm thì với cha là cô đã từng đọc về đặc trưng văn hóa này: người Bungari lắc đầu khi đồng ý và gật đầu khi phủ nhận.

“Đúng lúc cha không thể uống thêm một giọt rakiya nào nữa thì chúng ta được cứu thoát nhờ sự xuất hiện của một người đàn ông có gương mặt khắc khổ mặc vest và đội mũ toàn một màu đen. Trông anh ta chỉ lớn hơn cha vài tuổi và có lẽ sẽ đẹp trai hơn nếu vẻ tươi vui không biến mất trên gương mặt. Cũng vậy, bộ ria mép đen hầu như không che được đôi môi bĩu lại như chê bai, và mớ tóc đen lòa xòa trên trán chẳng giấu nổi vẻ cau có khó chịu của anh ta. Tay nhân viên hải quan chào người đàn ông với vẻ tôn kính và giới thiệu anh ta là người được chỉ định hướng dẫn cho chúng ta ở Bungari, rồi giải thích thêm là chúng ta đã được biệt đãi trong việc này, bởi anh Krassimir Ranov là người rất được trọng vọng trong chính phủ Bungari cũng như ở Đại học Sofia, và cũng là người rành rẽ những thắng cảnh thú vị của đất nước cổ xưa và quang vinh này.

“Trong cơn lâng lâng vì rượu cha bắt tay con người lạnh lùng đó và thầm cầu Chúa cho chúng ta được nhìn ngắm Bungari mà không cần đến một hướng dẫn viên nào. Helen có vẻ không mấy ngạc nhiên trước toàn bộ việc này và lên tiếng chào anh ta bằng thái độ mà theo cha thì vừa khó chịu vừa khinh khỉnh. Ranov vẫn chưa thốt ra một lời nào, nhưng đã tỏ vẻ không ưa gì Helen ngay cả trước khi tay hải quan lớn giọng giới thiệu Helen là người Hungary và đang du học ở Hoa Kỳ. Lời giải thích đó làm ria mép anh ta giật giật, để lộ một nụ cười nham hiểm. ‘Chào giáo sư,’ anh ta mở miệng – những lời đầu tiên – rồi quay đi. Tay nhân viên hải quan tươi cười bắt tay chúng ta, vỗ vỗ lên vai cha cứ như thể chúng ta đã là bạn bè thân quen, và rồi ra dấu cho chúng ta đi theo Ranov.

“Bên ngoài phi trường, Ranov ra hiệu dừng một chiếc taxi, cha chưa bao giờ nhìn thấy nội thất chiếc xe nào lạc hậu cũ kỹ đến vậy, lớp vải đen nhồi chặt thứ gì đó, có lẽ là lông ngựa, và từ ghế ngồi phía trước Ranov cho biết chúng ta đã được thu xếp lấy phòng ở một khách sạn nổi tiếng nhất. ‘Tôi tin các bạn sẽ cảm thấy thoải mái, ngoài ra khách sạn cũng có một nhà hàng tuyệt vời. Ngày mai chúng ta sẽ gặp nhau ở đó để ăn sáng, khi ấy các bạn có thể giải thích với tôi tính chất công việc nghiên cứu của các bạn và tôi có thể giúp các bạn sắp xếp các cuộc hẹn thế nào để hoàn thành nghiên cứu đó. Chắc hẳn các bạn sẽ mong được gặp đồng nghiệp ở Đại học Sofia cũng như các bộ ngành liên quan. Chúng tôi cũng sẽ thu xếp để các bạn thăm viếng một vài địa điểm lịch sử của Bungari.’ Anh ta lại nở nụ cười chua lè, cha nhìn anh ta đăm đăm, càng lúc càng cảm thấy kinh sợ hơn. Tiếng Anh của anh ta quá tuyệt; mặc dù mang thổ âm rõ rệt nhưng lại có âm điệu chính xác buồn tẻ của thứ đĩa học ngoại ngữ trong ba mươi ngày.

“Gương mặt anh ta có nét gì đó quen quen. Chắc chắn cha chưa bao giờ gặp anh ta trước đây, nhưng gương mặt ấy làm cha nhớ đến một người quen biết, kèm theo là cảm giác thất vọng vì không thể nhớ ra cái người quái quỷ đó là ai. Cảm giác ấy tiếp tục tồn tại dai dẳng trong cha suốt ngày đầu tiên ở Sofia, nhùng nhằng bám theo cha trong chuyến tham quan thành phố được-hướng-dẫn-từ-đầu-đến-cuối. Tuy nhiên, Sofia đẹp kỳ lạ – một sự pha trộn giữa vẻ tao nhã của thế kỷ mười chín, nét lộng lẫy của thời Trung cổ với những dinh thự mới mẻ sáng ngời theo kiểu cách xã hội chủ nghĩa. Ở trung tâm thành phố, chúng ta thăm tòa lăng u ám chứa xác ướp nhà độc tài theo khuynh hướng Stalin – Georgi Dimitrov, người đã chết cách đây năm năm. Ranov bỏ mũ trước khi bước vào lăng và ra hiệu cho chúng ta đi trước. Chúng ta nhập vào hàng người Bungari đang lặng lẽ bước ngang qua quan tài để mở của Dimitrov. Gương mặt của nhà độc tài như làm bằng sáp, bộ ria mép đen rậm rịt giống y như Ranov. Cha nhớ đến Stalin, thi hài ông ta nghe nói đã được đưa đến chỗ Lenin vào năm ngoái, trong một tòa lăng tương tự trên Quảng trường Đỏ. Những nền văn hóa vô thần này rõ ràng đã tỏ ra quá mẫn cán trong việc bảo quản thi hài các vị thánh của mình.

“Linh tính không hay của cha về gã đàn ông hướng dẫn càng tăng lên khi gã lùi lại vẻ ghê tởm lúc cha hỏi liệu gã có thể giúp chúng ta liên lạc với một người tên Anton Stoichev. ‘Ông Stoichev là kẻ thù của nhân dân,’ gã khẳng định với chúng ta bằng giọng cáu kỉnh. ‘Sao các bạn lại muốn gặp ông ta?’ Và rồi, thật kỳ lạ, hắn nói thêm, ‘Lẽ tất nhiên, nếu các bạn muốn, tôi có thể thu xếp việc đó. Ông ta không còn dạy ở đại học nữa – với quan điểm về tôn giáo của mình, ông ta không thể được lớp trẻ tin cậy. Nhưng ông ta rất nổi tiếng và có lẽ các bạn muốn gặp ông ta vì lý do đó chăng?’ ”

“ ‘Ranov đã được yêu cầu phải đáp ứng bất kỳ điều gì chúng ta muốn,’ Helen khe khẽ nhận xét khi chúng ta có được một khoảnh khắc riêng tư bên ngoài khách sạn. ‘Vì sao? Vì sao có người cho rằng đó là một ý hay?’ Chúng ta nhìn nhau, sợ hãi.

“ ‘Anh ước gì mình biết được điều đó,’ cha trả lời.

“ ‘Ở đây chúng ta phải vô cùng thận trọng.’ Vẻ mặt Helen trầm trọng còn giọng nói thì lí nhí, cha cũng không dám hôn cô một cách công khai. ‘Chúng ta phải thỏa thuận là từ giờ sẽ không để lộ bất kỳ điều gì ngoài những quan tâm liên quan đến lĩnh vực học thuật, và nếu phải bàn luận công việc trước mặt gã thì cố gắng để lộ càng ít càng tốt.’

“ ‘Đồng ý.’ ”

Chú thích:

1. Có lẽ ở đây tác giả có đôi chút nhầm lẫn. Khối Trục (The Axis powers) là thuật ngữ phải đến những năm 1930 mới ra đời, để chỉ khối đối địch với Đồng minh trong Thế chiến II – với ba nước đứng đầu là Đức, Nhật và Ý; Bungari cũng thuộc phe này. Thời Thế chiến I, Bungari thuộc phe Liên Minh chống lại phe Hiệp Ước, cùng với Đức, Áo – Hung, Thổ (đế chế Ottoman).

Bình luận
× sticky