Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truy tìm Dracula

Chương 55

Tác giả: Elizabeth Johnson Kostova

“Mấy năm trở lại đây, cha thấy mình cứ không ngơi nhớ về lần đầu tiên nhìn thấy ngôi nhà của Anton Stoichev. Có lẽ nó để lại trong cha ấn tượng sâu đậm như vậy vì sự tương phản giữa thành phố Sofia và nơi trú ngụ của ông, ở ngay bên ngoài thành phố, hoặc có thể cha thường nhớ đến nó vì chính bản thân Stoichev – sự đặc biệt và tinh tế của con người ông. Tuy nhiên, cha nghĩ mình cảm thấy một niềm hy vọng mãnh liệt đến nín thở khi hồi tưởng lại hình ảnh cánh cổng trước căn nhà của Stoichev, bởi buổi gặp giữa ông ấy và chúng ta là bước ngoặt trong cuộc tìm kiếm thầy Rossi.

“Mãi sau này, khi đọc về các tu viện nằm ngoài thành Constantinople, những chốn linh thiêng nơi đôi lúc người ta đến trú ngụ để tránh không phải thi hành những sắc dụ toàn thành phố về điểm này điểm kia trong lễ nghi nhà thờ, nơi họ không được bảo vệ bởi những bức tường vĩ đại của thành phố nhưng ở một mức độ nào đó lại thoát khỏi cái vòi bạch tuộc bạo ngược của nhà nước, cha lại nghĩ đến Stoichev – mảnh vườn nhà ông, những cây táo và anh đào nghiêng nghiêng nở đầy hoa trắng, ngôi nhà nằm sâu trong sân, những chiếc lá non trên cành và các tổ ong màu xanh, hai cánh cổng gỗ cũ kỹ, không gian tĩnh lặng bao trùm nơi ấy, không khí của lòng mộ đạo, của chốn ẩn dật thong dong tự tại.

“Chúng ta đứng trước cánh cổng đó trong lúc bụi lắng xuống xung quanh chiếc xe của Ranov. Helen là người đầu tiên đẩy tay nắm của một trong những then cửa cũ kỹ kia; Ranov sưng sỉa đi tụt lại phía sau, tựa như không muốn bị ai nhìn thấy ở nơi đó, thậm chí là chúng ta, và thực kỳ lạ cha có cảm giác như mình đang chôn chân tại chỗ. Mất một lúc cha như bị thôi miên bởi sự dao động giữa buổi sớm của lá và ong, và bởi một cảm giác sợ hãi không mong đợi. Cha nghĩ, có thể Stoichev hóa ra lại không giúp được gì, một giải pháp cuối cùng không lối thoát, và như vậy chúng ta sẽ phải trở về nhà sau khi đã đi một chặng đường dài vô ích. Cha đã hình dung tình huống này hàng trăm lần: chuyến bay thầm lặng về New York từ Sofia hoặc Istanbul – cha nghĩ mình muốn gặp lại Turgut một lần nữa – và sắp xếp lại cuộc sống của mình ở quê nhà, một cuộc sống không có thầy Rossi, những câu tra hỏi cha đã đi đâu, các vấn đề nảy sinh với khoa trong thời gian dài cha vắng mặt, việc quay lại viết tiếp về giới thương nhân Hà Lan – những kẻ bình tĩnh chán ngắt – dưới sự dẫn dắt của một vị giáo sư hướng dẫn mới năng lực kém xa thầy Rossi, và cánh cửa đóng kín của phòng làm việc thầy Rossi. Hơn tất thảy, cha khiếp sợ cánh cửa đóng kín đó, sợ cuộc điều tra đang diễn ra, sợ sự tra vấn khó chịu của cảnh sát – ‘Vậy… ông… ờ… ông Paul… đúng chứ? Ông đã thực hiện một chuyến đi chỉ hai ngày sau khi thầy hướng dẫn của mình mất tích?’ – sợ những cuộc triệu tập nho nhỏ khó hiểu với không khí như thể ở lễ truy điệu, kết thúc bằng câu hỏi về những cuốn sách, tác quyền và di sản của thầy Rossi.

“Dĩ nhiên, quay trở về tay trong tay với Helen sẽ là một niềm an ủi lớn. Cha định hỏi cưới cô khi toàn bộ chuyện khủng khiếp này kết thúc, cách này hay cách khác; nếu có thể, trước tiên cha phải dành dụm một ít tiền, rồi cha sẽ đưa cô đến Boston gặp ông bà. Đúng vậy, cha sẽ trở về nắm tay cô trong tay mình, nhưng sẽ không có người cha nào cầm lấy bàn tay đó trong lễ cưới. Cha thoáng cảm thấy một nỗi đau đớn mơ hồ khi Helen mở cánh cổng.

“Phía bên trong, ngôi nhà của Stoichev nằm êm đềm trên một khu đất gập ghềnh mà một phần là sân và phần còn lại là vườn cây ăn quả. Phần móng nhà xây bằng một loại đá xám nâu nhạt, kết dính với nhau bằng thạch cao trắng; sau này cha mới biết đó là một trong những loại đá hoa cương được sử dụng ở hầu hết các công trình xây dựng cổ của Bungari. Trên lớp nền móng là tường gạch, nhưng là loại gạch có màu đỏ vàng mượt mà nhất, tưởng chừng như đã thấm đẫm ánh mặt trời qua hàng bao nhiêu năm tháng. Mái được lợp ngói đỏ. Cả mái và tường nhà đều hơi xiêu vẹo. Toàn bộ ngôi nhà trông có vẻ như đã dần dần mọc lên từ mặt đất và bây giờ đang chậm rãi trở về với cát bụi, và đám cây cối mọc bên trên tựa như chỉ để phủ bóng lên cái tiến trình đó. Tầng trệt có một cái chái nhô ra một bên hông, cạnh hông bên kia căng một giàn lưới mắt cáo, bên trên phủ đầy dây nho và bên dưới dọc theo bờ tường là những cụm hoa hồng phớt. Phía dưới giàn lưới mắt cáo là một bàn gỗ và bốn chiếc ghế thô mộc, cha hình dung đó là chỗ sẽ rợp bóng mát của những chùm lá nho vào mùa hè. Bên ngoài giàn nho, và dưới gốc táo già nhất, đong đưa hai tổ ong hình thù quái dị; gần đó, một mảnh vườn nhỏ với những luống rau xanh mướt thẳng thớm nằm trong ánh nắng ngập tràn, chứng tỏ có sự chăm sóc tỉ mỉ của bàn tay ai đó. Cha có thể ngửi thấy mùi thảo mộc và một thứ mùi có lẽ là oải hương, mùi cỏ tươi và mùi hành rán. Ai đó đã chăm nom gìn giữ chốn xưa cũ này bằng sự nâng niu trìu mến, và cha phần nào nghĩ rằng sẽ nhìn thấy Stoichev mặc đồ tu sĩ, đang quỳ trong mảnh vườn với một cái xẻng trồng cây.

“Rồi, một giọng hát bắt đầu trỗi lên bên trong, có lẽ gần bên ống khói đổ nát và các cửa sổ tầng trệt. Đó không phải là giọng nam trung của một người đàn ông sống ẩn dật, mà là một giọng nữ cao ngọt ngào, một giai điệu mãnh liệt thậm chí khiến cả tay Ranov đang phì phèo điếu thuốc và cau cau có có bên cạnh cha cũng có vẻ thích thú. ‘Izvinete!’ gã thốt lên. ‘Dobar den!’ Tiếng hát ngưng lại đột ngột, tiếp theo là tiếng lách cách và một tiếng thịch. Cánh cửa trước nhà Stoichev bật mở và một cô gái đứng đó, nhìn chúng ta chằm chằm, tựa như cô ta không tưởng tượng được trong sân nhà mình lại có hình bóng con người.

“Cha dợm bước tới, nhưng Ranov đã chen ngang, nhấc mũ, gật đầu, nghiêng người chào cô theo kiểu cách người Bungari. Cô gái đưa hai tay ôm má, nhìn Ranov với ánh mắt tò mò, cha nhận ra trong đó dường như còn có vẻ cảnh giác nữa. Nhìn kỹ thì cô không hẳn trẻ như cha nghĩ, nhưng từ người cô toát ra một sức sống mạnh mẽ và sinh động khiến cha nghĩ có thể cô là tác giả của mảnh vườn nhỏ nhiều màu sắc và những mùi thơm trong bếp kia. Mái tóc chải ngược ra sau để lộ một gương mặt tròn trĩnh; một nốt ruồi đen trên trán. Mắt, miệng và cằm giống như của một đứa bé xinh xắn. Tạp dề khoác bên ngoài áo cánh trắng và váy xanh. Cô gái dò xét chúng ta bằng một cái liếc nhìn sắc lẻm trái ngược hẳn với vẻ ngây thơ trong mắt, và cha nhận thấy sau những câu tra vấn nhanh của cô, Ranov thậm chí đã phải mở ví cho cô xem một cái thẻ. Dù là con gái hay người giúp việc – liệu giáo sư về hưu có được phép thuê người giúp việc trong một đất nước cộng sản? – thì rõ ràng cô ta không phải là người khờ dại. Dường như Ranov đang nỗ lực khác thường để tỏ ra quyến rũ; gã vừa cười vừa quay lại giới thiệu chúng ta. ‘Đây là cô Irina Hristova,’ gã giải thích khi chúng ta bắt tay nhau. ‘Cô ấy là ness của giáo sư Stoichev.’

“ ‘Nest – tổ chim(1)_ hả?’ cha hỏi, thoáng nghĩ đây có thể là một cách gọi ẩn dụ tinh tế nào đó.

“ ‘Con gái của bà chị,’ Ranov trả lời. Gã châm điếu thuốc khác và mời Irina một điếu nhưng cô từ chối bằng một cái gật đầu dứt khoát. Khi gã giải thích là chúng ta từ Mỹ đến, cô tròn xoe mắt nhìn chúng ta chăm chú. Rồi cô gái bật cười, cha chưa bao giờ hiểu ý nghĩa nụ cười đó là gì. Ranov lại quắc mắt cau có – cha không nghĩ mới khoảnh khắc trước đây gã có thể tỏ ra vui vẻ như vậy – và cô gái quay người dẫn chúng ta vào.

“Ngôi nhà lại làm cho cha ngạc nhiên; bên ngoài nó có thể là một trang trại cổ xưa xinh xắn, nhưng bên trong, trong ánh sáng mờ mờ tương phản hoàn toàn với ánh mặt trời của khoảnh sân phía trước, ngôi nhà thực sự là một viện bảo tàng. Cánh cửa mở thẳng vào một căn phòng lớn có lò sưởi, ánh nắng chiếu lên mặt đá thay vì một ngọn lửa. Bản thân đồ đạc trong nhà trông rất bắt mắt – những chiếc tủ com mốt màu đen, gắn gương, chạm khắc cầu kỳ và những chiếc ghế dựa, ghế bành sang trọng – nhưng thứ làm cha không thể rời mắt và khiến Helen trầm trồ thán phục là sự hòa hợp hiếm thấy giữa chất liệu vải dân gian và những vật trang trí – phần lớn là ảnh thánh cổ, nhiều ảnh trong số đó, theo cha, có chất lượng vượt hẳn những ảnh thánh chúng ta nhìn thấy trong các nhà thờ ở Sofia. Có những bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh mắt sáng ngời, những ảnh lớn nhỏ khác nhau của các vị thánh môi mỏng, mặt mày buồn bã, nổi bật nước sơn mạ vàng hoặc bọc miếng dát bạc, ảnh các đấng tông đồ đang đứng trong thuyền và các thánh tử đạo đang kiên trì trải qua những khổ nạn của mình. Sắc màu phong phú cổ xưa và ám khói hiển hiện ở mọi phía, từ những tấm thảm đến những chiếc tạp dề dệt thành đủ kiểu hoa văn kỷ hà, thậm chí một bộ áo giáp thêu và một cặp khăn quàng cũng điểm thêm những đồng xu nhỏ tí. Helen trỏ những chiếc túi nằm ngang thân dưới bộ áo giáp. ‘Để chứa đạn,’ cô chỉ nói có vậy.

“Kế bên chiếc áo là một cặp dao găm. Cha những muốn hỏi ai là người đã mặc bộ áo giáp đó, ai đã từng giữ túi đạn, ai đã mang những con dao găm kia. Ai đó đã cắm một bình hoa hồng và dương xỉ xanh ở cái bàn bên dưới, trông có vẻ sống động dị thường giữa tất cả những báu vật đang phai tàn này. Nền nhà bóng loáng. Cha có thể nhìn thấy ở phía bên kia một phòng khác, tương tự.

“Ranov cũng nhìn quanh, và giờ thì gã khịt mũi. ‘Theo quan điểm của tôi, ông giáo sư Stoichev này được phép giữ quá nhiều tài sản quốc gia. Những món này lẽ ra phải bán đi vì lợi ích của nhân dân.’

“Irina hoặc không hiểu tiếng Anh hoặc không thèm trả lời câu nói đó; cô quay đi, dẫn chúng ta ra khỏi phòng và leo lên một cầu thang hẹp. Cha cũng không biết mình mong nhìn thấy điều gì ở phía trên nữa. Có lẽ chúng ta sẽ nhìn thấy một căn phòng nhỏ bừa bộn, một cái hang để vị giáo sư già trú ẩn, hoặc có lẽ, cha nghĩ – với sự ray rứt đau khổ giờ đã thành quen thuộc – chúng ta có thể thấy một phòng làm việc gọn gàng ngăn nắp kiểu như cái phòng làm việc ẩn tàng trí tuệ dữ dội và tuyệt vời cỡ thầy Rossi. Những hình ảnh tưởng tượng này biến mất khi cánh cửa phía trên cầu thang mở ra, một người đàn ông tóc bạc trắng, nhỏ người, nhưng rắn rỏi, xuất hiện ở đầu cầu thang. Irina vội vàng đến bên cạnh, dùng cả hai tay nắm chặt cánh tay người đàn ông, liến thoắng gì đó bằng tiếng Bungari cùng với vài tiếng cười phấn khích.

“Ông già quay qua chúng ta, bình thản, im lặng, gương mặt hoàn toàn thờ ơ đến độ mất một lúc cha cảm giác như ông đang chăm chăm nhìn xuống đất, dù thực sự ông đang nhìn thẳng vào chúng ta. Cha bước đến và chìa tay ra. Ông trang trọng bắt tay cha, rồi sau đó quay qua bắt tay Helen. Ông tỏ ra lịch sự, giữ đúng nghi thức, khiêm nhường theo kiểu người biết tự trọng. Đôi mắt to đen của ông lướt nhìn từng người chúng ta, và rồi chiếu vào Ranov, gã đang chùn lại phía sau quan sát cảnh tượng này. Đến lúc đó, Ranov mới bước đến bắt tay ông – với vẻ kẻ cả, cha nghĩ vậy, và càng cảm thấy không ưa gã hướng dẫn viên hơn nữa. Cha thầm ước phải chi gã biến đi để chúng ta có thể một mình nói chuyện với giáo sư Stoichev. Cha băn khoăn làm thế nào chúng ta có thể trò chuyện một cách thẳng thắn và học hỏi điều gì từ Stoichev khi mà Ranov cứ lảng vảng phía sau chúng ta như một con ruồi.

“Giáo sư Stoichev chậm rãi quay người dẫn chúng ta vào phòng. Phòng này hóa ra là một trong nhiều phòng của tầng trên ngôi nhà. Trong hai lần đến thăm nơi này, cha chưa bao giờ biết rõ những người trong nhà ngủ ở đâu. Theo như cha thấy, tầng trên của ngôi nhà chỉ có một phòng khách dài, hẹp mà chúng ta đang đi vào, và nhiều phòng khác nhỏ hơn, cửa hướng ra phòng này. Cửa mở vào các phòng khác chỉ khép hờ, ánh nắng chiếu xuyên qua đám cây cối xanh rì bên ngoài những cửa sổ đối diện, ve vuốt lên gáy của cơ man nào là sách xếp dọc theo các vách tường, hoặc chứa trong các thùng gỗ trên sàn nhà, hoặc nằm chất đống trên các mặt bàn. Xếp trên kệ ở giữa chúng là những văn kiện tư liệu rời đủ các hình dạng và kích cỡ, nhiều tài liệu rõ ràng là rất xưa. Không, đây không phải là kiểu phòng làm việc ngăn nắp của thầy Rossi, mà đúng hơn là một phòng thí nghiệm bừa bộn, bộ não của một nhà sưu tầm. Ánh mặt trời chiếu rọi khắp mọi nơi: các loại giấy da, sách da cổ xưa, những gáy sách rập nổi, hoặc mạ vàng, hoặc phồng rộp lên, những góc giấy sờn rách – những cuốn sách tuyệt vời màu đỏ, màu nâu, màu trắng ngà – sách và những cuộn bản thảo viết tay xáo trộn lung tung vì đang được sử dụng. Không có thứ gì bụi bặm, không có vật nặng chất lên thứ dễ vỡ, tuy vậy chỗ nào trong phòng của Stoichev cũng hiện diện những cuốn sách và những bản thảo này, cha có cảm tưởng như bị chúng bao vây theo cái cách người ta còn không cảm thấy ngay cả khi ở trong một viện bảo tàng, nơi những vật quý giá như vậy không hẳn có nhiều như ở đây và được trưng bày một cách có phương pháp.

“Cha ngạc nhiên thích thú khi thấy một tấm bản đồ cổ bằng da treo trên tường phòng khách. Stoichev mỉm cười khi cha không thể ngăn mình bước về tấm bản đồ. ‘Anh thích nó à?’ ông ta hỏi. ‘Đó là đế quốc Byzantine vào khoảng năm 1150.’ Câu nói đầu tiên của Stoichev, một thứ tiếng Anh đơn giản và chính xác.

“ ‘Trong lúc Bungari vẫn còn là một phần lãnh thổ của đế quốc,’ Helen trầm ngâm.

“Stoichev liếc nhìn Helen, rõ ràng có vẻ thích thú. ‘Đúng, chính xác là vậy. Tôi nghĩ tấm bản đồ này được làm ra tại Venice hoặc Genoa và mang đến Constantinople, có lẽ như một tặng phẩm dâng lên hoàng đế hoặc một người nào đó trong triều đình. Đây là một bản sao do một người bạn làm cho tôi.’

“Helen mỉm cười, đưa tay sờ cằm ra vẻ suy tư. Rồi cô gần như là nháy mắt với Stoichev. ‘Có lẽ là hoàng đế Manuel I Comnenus chăng?’

“Cha sửng sốt và Stoichev cũng có vẻ kinh ngạc, Helen thì bật cười. ‘Đế quốc Byzantine từng là sở thích của tôi mà,’ cô nói. Nhà sử học già mỉm cười, và bất ngờ tỏ thái độ lịch sự, cúi đầu chào Helen. Ông ra dấu chỉ những cái ghế chung quanh chiếc bàn ở giữa phòng, và tất cả chúng ta ngồi xuống. Từ chỗ ngồi, cha có thể nhìn thấy mảnh sân phía sau nhà, thoai thoải dốc xuống rìa một cánh rừng và những cây ăn trái, một số cây đã đậu quả xanh nho nhỏ. Các cửa sổ đều để mở, văng vẳng tiếng vo ve của lũ ong và tiếng xào xạc của cây lá. Cha nghĩ dù trong chốn lưu đày này, hẳn giáo sư Stoichev vẫn thoải mái khi ngồi đây, giữa những bản thảo viết tay, vừa đọc hoặc viết vừa lắng nghe những âm thanh đó, những âm thanh mà không một nhà nước độc đoán nào có thể bóp nghẹt, hoặc chẳng một quan chức nào có thể xua đuổi. Nhìn những gì đang diễn ra thì đây quả là một sự giam cầm may mắn, và có lẽ cũng có phần tự nguyện mà chúng ta không cách nào khẳng định được.

“Mất một lát Stoichev không nói thêm một lời nào, mặc dù vẫn nhìn chúng ta chăm chú, cha thầm hỏi ông nghĩ gì về sự xuất hiện của chúng ta và liệu ông có dự định tìm hiểu chúng ta là ai. Sau một vài phút, cha lên tiếng vì nghĩ rằng có thể ông sẽ không bao giờ nói với chúng ta. ‘Thưa giáo sư Stoichev,’ cha nói, ‘xin ông thứ lỗi vì chúng tôi đã đường đột xâm phạm đến sự riêng tư của giáo sư. Chúng tôi rất biết ơn ông và cô cháu gái đã cho phép chúng tôi vào tư gia để thăm ông.’

“Ông nhìn xuống đôi tay đang để trên bàn của mình – đôi bàn tay thanh mảnh và lấm tấm những đốm đồi mồi – rồi nhìn cha. Mắt ông, như cha đã tả, to đen và là đôi mắt của một chàng trai, dù gương mặt màu ô liu được cạo nhẵn nhụi là gương mặt của một ông già. Đôi tai to một cách dị thường và vểnh lên hai bên đầu, giữa mái tóc bạc trắng được cắt ngắn gọn gàng; ánh nắng từ các khung cửa sổ chiếu vào làm tóc ông như trong suốt, vành tai ửng màu hồng nhạt trông chẳng khác gì tai thỏ. Đôi mắt, vừa dịu dàng vừa cảnh giác, cũng có một nét gì đó của loài thỏ. Hàm răng đã ố vàng và không còn đều đặn, một chiếc răng cửa bịt vàng. Nhưng hàm răng vẫn không thiếu chiếc nào, và gương mặt ông khi cười khiến ta giật mình, tựa như một con thú hoang dã bất chợt có vẻ mặt của một con người. Đó là một gương mặt tuyệt vời, một khuôn mặt mà nét thanh xuân rạng ngời, sự nhiệt tình hiển hiện – và đó chắc chắn là một khuôn mặt lôi cuốn lòng người.

“Bây giờ thì Stoichev đang mỉm cười, cũng với cái hấp lực làm cho Helen và cha cười theo. Irina cũng nhìn chúng ta mỉm cười, để lộ lúm đồng tiền trên má. Cô gái đã ngồi thoải mái trên một chiếc ghế, bên dưới ảnh một vị thánh nào đó – cha nghĩ có lẽ đó là ảnh Thánh George – đang gom hết sức lực để đâm ngọn giáo vào một con rồng ốm o. ‘Tôi rất hân hạnh khi được các bạn tới thăm,’ Stoichev nói. ‘Chúng tôi không có nhiều khách lắm đâu, và khách nói tiếng Anh lại càng hiếm hoi hơn. Tôi rất vui khi có thể thực tập tiếng Anh cùng các bạn, dù e rằng nó không được lưu loát như ngày xưa nữa.’

“ ‘Tiếng Anh của ông thật tuyệt vời,’ cha đáp lại. ‘Ông đã học tiếng Anh ở đâu vậy, thứ lỗi nếu câu hỏi của tôi có gì phiền phức?’

“ ‘Ồ, có gì phiền đâu,’ giáo sư Stoichev trả lời. ‘Lúc còn trẻ tôi đã may mắn được đi học ở nước ngoài, và vài nghiên cứu của tôi được tiến hành ở Luân Đôn. Liệu tôi có thể giúp các bạn điều gì không, hay các bạn chỉ muốn đến thăm thư viện của tôi?’ Cha lại ngạc nhiên khi ông ta đề cập đến điều đó một cách hết sức dễ dàng.

“ ‘Cả hai,’ cha trả lời. ‘Chúng tôi muốn thăm thư viện và cũng mong được hỏi giáo sư vài câu liên quan đến công trình nghiên cứu của chúng tôi.’ Cha dừng lại để lựa lời. ‘Cô Rossi và tôi rất quan tâm đến lịch sử đất nước giáo sư thời Trung cổ mặc dù chưa biết được gì nhiều như kỳ vọng, ngoài ra chúng tôi cũng đang viết một vài… à…’ Cha bắt đầu ấp a ấp úng, bởi cha chợt nhận ra rằng dù đã được nghe Helen nói vắn tắt lúc ngồi trong máy bay nhưng thực ra cha chẳng biết gì hoặc biết quá ít về lịch sử Bungari, và có thể làm trò cười với người đàn ông thông thái này, người canh giữ quá khứ lịch sử của đất nước mình; và cũng vì những gì chúng ta phải trao đổi là quá riêng tư, vô cùng khó tin, và hoàn toàn chẳng phải là kiểu chuyện cha muốn đề cập đến khi có mặt gã Ranov đang ngồi ở đầu bàn với nụ cười khinh khỉnh đáng ghét.

“ ‘Vậy là các bạn quan tâm đến Bungari thời Trung cổ?’ Stoichev nhắc lại, cha nhận thấy có vẻ như ông cũng liếc nhìn về hướng Ranov.

“ ‘Vâng,’ Helen trả lời, kịp thời ứng cứu cha. ‘Chúng tôi quan tâm đến cuộc sống của giới tu sĩ ở Bungari thời Trung cổ, chúng tôi đang nghiên cứu càng nhiều càng tốt để viết một số bài báo. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cuộc sống trong các tu viện ở Bungari vào giai đoạn cuối thời Trung cổ, và những lộ trình đưa người hành hương đến Bungari cũng như những con đường họ đi từ Bungari đến các xứ sở khác.’

“Stoichev sáng mắt lên, gật gù có vẻ tâm đắc, đôi tai dỏng lên. ‘Đây là một đề tài rất thú vị,’ ông nói, nhìn ra phía sau chúng ta, cha nghĩ hẳn ông đang chìm đắm vào một quá khứ xa xăm, vào một cái giếng thời gian sâu thẳm, và nhìn thấy rõ hơn ai hết trên thế gian này quãng thời gian mà chúng ta đề cập đến. ‘Không biết các bạn có viết về một điều gì cụ thể hay không? Ở đây, tôi có nhiều bản thảo có thể có ích đối với các bạn, nếu các bạn muốn tôi sẵn lòng để các bạn xem chúng.’

“Ranov ngọ nguậy trên ghế, và cha lại cảm thấy ghét kinh khủng cái kiểu gã nhìn chúng ta. Nhưng may mắn là hầu hết sự chú ý của gã có vẻ như chỉ tập trung vào gương mặt nghiêng nghiêng xinh đẹp của Irina ở đầu kia phòng. ‘Vâng,’ cha lên tiếng. ‘Chúng tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về thế kỷ mười lăm – cuối thế kỷ mười lăm, cô Rossi đây đã thu thập được khá nhiều điều về giai đoạn đó ở xứ sở quê hương cô ấy, tức là…’

“ ‘Rumani,’ Helen chêm vào. ‘Nhưng tôi lớn lên và học tập ở Hungary.’

“ ‘À, ra vậy – cô là láng giềng của chúng tôi đấy.’ Giáo sư Stoichev quay qua Helen và nở một nụ cười hiền lành. ‘Và cô công tác ở Đại học Budapest?’

“ ‘Đúng vậy,’ Helen trả lời.

“ ‘Có lẽ các bạn biết ông bạn tôi ở đó, ông ấy là giáo sư Sándor.’

“ ‘Ồ, vâng. Ông ấy là trưởng khoa lịch sử của chúng tôi. Đồng thời cũng là một người bạn rất tốt của tôi.’

“ ‘Thật là tuyệt vời – rất tuyệt vời,’ giáo sư Stoichev thốt lên. ‘Cho tôi gửi đến ông ấy lời chào thân ái nhất, nếu các bạn có dịp.’

“ ‘Vâng, tôi sẽ chuyển lời.’ Helen mỉm cười với ông.

“ ‘Còn ai nữa nhỉ? Lúc này thì tôi nghĩ mình không còn nhớ ai ở bên đó. Nhưng họ của cô, cô giáo sư ạ, rất thú vị đấy. Tôi biết cái họ này. Ở Hoa Kỳ’ – ông lại quay sang cha, rồi quay lại với Helen; cha cảm thấy khó chịu khi Ranov nheo mắt nhìn chúng ta – ‘có một nhà sử học nổi tiếng họ là Rossi. Có lẽ ông ấy là một người bà con của cô chăng?’

“Cha ngạc nhiên khi thấy mặt Helen đỏ bừng. Cha nghĩ có lẽ cô chưa muốn công khai thừa nhận chuyện này, hoặc cảm thấy vẫn còn chút nghi ngại khi thừa nhận thực tế đó, hoặc có lẽ cô đã nhận thấy Ranov đột nhiên chú ý đến cuộc chuyện trò. ‘Vâng,’ cô trả lời ngắn gọn. ‘Ông ấy là cha tôi, giáo sư Bartholomew Rossi.’

“Cha nghĩ, theo lẽ thường hẳn Stoichev có thể ngạc nhiên vì sao con gái một nhà sử học người Anh lại tuyên bố mình là một người Rumani và lớn lên ở Hungary, nhưng nếu thực sự có những thắc mắc đó, ông đã giữ chúng lại cho riêng mình. ‘Phải, đúng là cái họ đó. Ông ta đã viết những cuốn sách tuyệt vời, mà cũng trong phạm vi chủ đề như vậy!’ Ông vỗ tay lên trán. ‘Khi đọc một vài bài báo đầu tiên của ông ta, tôi đã nghĩ ông ta sẽ trở thành một sử gia xuất sắc về Balkan, nhưng tôi thấy ông ta đã bỏ rơi lĩnh vực này để theo đuổi nhiều lĩnh vực khác.’

“Cha cảm thấy khuây khỏa khi nghe Stoichev biết và đánh giá cao công việc của thầy Rossi; điều này có thể làm ông ấy tin tưởng và dễ dàng có cảm tình với chúng ta hơn. ‘Vâng, đúng vậy,’ cha tiếp lời. ‘Thực ra, giáo sư Rossi không chỉ là cha Helen mà còn là giáo sư hướng dẫn của tôi – tôi cùng làm việc với ông ấy trong luận văn tốt nghiệp của mình.’

“ ‘May mắn quá nhỉ.’ Stoichev chắp hai bàn tay nổi đầy gân xanh lại với nhau. ‘Vậy đề tài luận văn tốt nghiệp của anh là gì?’

“ ‘Chà,’ cha trả lời, và lần này đến lượt cha đỏ bừng mặt. Cha thầm hy vọng Ranov không dòm ngó quá kỹ những biến đổi sắc mặt này. ‘Đó là về giới thương nhân Hà Lan thế kỷ mười bảy.’

“ ‘Không tồi chút nào,’ Stoichev nhận xét. ‘Một đề tài rất thú vị. Vậy thì điều gì đã đưa anh đến xứ sở Bungari này vậy?’

“ ‘Đó là một câu chuyện dài,’ cha trả lời. ‘Cô Rossi và tôi quan tâm đến việc nghiên cứu những mối liên quan giữa Bungari và cộng đồng Chính Thống giáo ở Istanbul sau khi đế quốc Ottoman chinh phục thành phố này. Dù chủ đề này có chệch hướng so với đề tài luận văn của tôi, chúng tôi vẫn đang viết vài bài báo về chủ đề đó. Thực ra, ở Đại học Budapest tôi còn lên lớp giảng về lịch sử… một vùng thuộc Rumani dưới chế độ cai trị của người Thổ.’ Ngay tức khắc cha nhận ra đây là một sai lầm; có lẽ Ranov chưa biết cha đã từng ở Budapest và Istanbul. Tuy nhiên, Helen đã kịp chấn chỉnh lại và cha phải làm theo ám hiệu của cô. ‘Chúng tôi rất muốn kết thúc công trình nghiên cứu của mình ở đây, ở Bungari này, và chúng tôi nghĩ ông có thể giúp chúng tôi rất nhiều.’

“ ‘Tất nhiên rồi,’ Stoichev nói vẻ kiên nhẫn. ‘Có lẽ các bạn có thể nói với tôi chính xác thì điều gì khiến các bạn quan tâm nhất trong lịch sử các tu viện thời Trung cổ và lộ trình của những người hành hương, và đặc biệt về thế kỷ mười lăm. Đó là một thế kỷ đầy hấp dẫn của lịch sử Bungari. Các bạn nên biết là sau năm 1393, phần lớn đất nước chúng tôi phải sống dưới gông cùm của đế chế Ottoman, mặc dù một vài khu vực của Bungari vẫn chưa bị chinh phục cho đến khi bước hẳn sang thế kỷ mười lăm. Nền văn hóa trí tuệ của quê hương chúng tôi được gìn giữ phần lớn nhờ các tu viện. Tôi rất vui khi các bạn quan tâm đến tu viện vì đó là một trong những nguồn di sản phong phú nhất của đất nước Bungari.’ Ông ngưng nói và lại chắp hai tay vào nhau, tựa như chờ xem chúng ta quen thuộc với thông tin vừa rồi đến mức nào.

“ ‘Vâng,’ cha nói. Không thể đừng được nữa. Chúng ta sẽ buộc phải nói chuyện về một vài khía cạnh của cuộc tìm kiếm trong lúc Ranov vẫn ngồi ngay ở đó. Xét cho cùng, nếu chúng ta yêu cầu gã ra ngoài, ngay lập tức gã sẽ đặt dấu hỏi về mục đích của chúng ta khi đến đây. Chúng ta chỉ hy vọng những câu hỏi nêu ra sẽ có vẻ như chỉ liên quan đến lĩnh vực học thuật và không đụng chạm ám chỉ đến bất kỳ điều gì cấm kỵ. ‘Chúng tôi tin rằng có những mối liên quan thú vị giữa cộng đồng Chính Thống giáo ở Istanbul vào thế kỷ mười lăm và những tu viện ở Bungari.’

“ ‘Đúng, tất nhiên là có,’ Stoichev thừa nhận. ‘Đặc biệt từ khi giáo hội Bungari được đặt dưới quyền hạn của vị giáo trưởng ở Constantinople theo lệnh của Quốc vương Mehmed Người Chinh phục. Lẽ dĩ nhiên, trước đó, giáo hội của chúng tôi độc lập với giáo trưởng của riêng mình tại Veliko Trnovo.’

“Cha cảm thấy trào dâng một cảm giác biết ơn đối với người đàn ông uyên bác và có đôi tai biết lắng nghe tuyệt vời này. Những lời bình luận của cha gần như là ngớ ngẩn, vô nghĩa, tuy nhiên ông đã trả lời với thái độ thận trọng đúng mực, rất lịch sự, đó là chưa kể về khía cạnh thông tin.

“ ‘Chính xác,’ cha thốt lên. ‘Và chúng tôi đặc biệt quan tâm – chúng tôi đã phát hiện ra một lá thư – nghĩa là, chúng tôi vừa mới ở Istanbul’ – cha thận trọng không liếc nhìn về phía Ranov – ‘và chúng tôi tìm thấy một lá thư có liên quan đến Bungari – một nhóm các tu sĩ đã đi từ Constantinople đến một tu viện ở Bungari. Chúng tôi quan tâm đến chi tiết này vì mục tiêu của một trong các bài báo của chúng tôi là vạch lại con đường họ đã đi ngang qua Bungari. Có lẽ họ đi hành hương – nhưng chúng tôi không hoàn toàn chắc chắn về điều đó.’

“ ‘Tôi hiểu,’ Stoichev nói. Đôi mắt ông có vẻ thận trọng hơn và ngời sáng hơn bao giờ hết. ‘Lá thư đó có đề ngày tháng chứ? Liệu các bạn có thể cho tôi biết sơ qua về nội dung của nó hoặc ai là người viết, nếu các bạn biết, và các bạn đã tìm thấy nó ở đâu? Nó được gửi cho ai, vân vân, nếu các bạn biết được những điều đó?’

“ ‘Chắc chắn rồi,’ cha nói. ‘Thực ra, chúng tôi có mang theo ở đây một bản sao. Bản chính viết bằng chữ Xlavơ, một tu sĩ ở Istanbul đã chép lá thư lại cho chúng tôi. Bản chính hiện đang ở trung tâm lưu trữ tư liệu về Mehmed II của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Có lẽ ông muốn tự đọc lá thư này.’ Cha mở cặp, lấy bản sao lá thư trao cho ông, thầm hy vọng sau đó Ranov sẽ không đòi xem.

“Stoichev cầm lá thư, cha thấy ánh mắt ông lướt qua những dòng mở đầu. ‘Thú vị đấy,’ ông nói, và cha cảm thấy thất vọng khi ông đặt lá thư xuống bàn. Có lẽ rốt cuộc ông sẽ không giúp chúng ta, hoặc thậm chí không thèm đọc lá thư. ‘Cháu yêu,’ ông lên tiếng, quay về phía cô cháu gái. ‘Chúng ta không thể đọc những lá thư cổ xưa này mà không mời các vị khách của chúng ta ăn uống một cái gì đó. Cháu mang cho chúng ta rượu rakiya và một ít gì đó để ăn trưa nhé?’ Ông hướng về phía Ranov, gật đầu vẻ vô cùng lịch thiệp.

“Irina mỉm cười, đứng dậy ngay. ‘Được chứ, thưa cậu,’ cô gái trả lời bằng giọng Anh chuẩn. Cha trộm nghĩ chẳng có giới hạn nào cho những điều ngạc nhiên trong ngôi nhà này. ‘Nhưng cháu cần giúp mang đồ lên cầu thang.’ Cô đưa đôi mắt trong veo khẽ liếc Ranov một cái, gã đứng dậy, vuốt tóc.

“ ‘Tôi xin hân hạnh được giúp cô, thưa quý cô,’ gã nói, và cả hai bước xuống cầu thang, Ranov bước thùm thụp trên các bậc cấp, Irina liến thoắng gì đó với gã bằng tiếng Bungari.

“Ngay khi cánh cửa khép lại phía sau lưng Irina và Ranov, Stoichev nghiêng người về phía trước, ngốn ngấu đọc lá thư với vẻ tập trung cao độ. Khi đọc xong, ông ngước nhìn chúng ta. Gương mặt ông như già đi cả mười tuổi, và căng thẳng nữa. ‘Chuyện này quả thực đặc biệt,’ ông trầm giọng. Theo bản năng, chúng ta cùng bật dậy, đến ngồi sát bên ông, ở đầu chiếc bàn dài thượt. ‘Tôi rất kinh ngạc khi thấy lá thư này.’

“ ‘Vâng… gì cơ?’ cha hỏi, giọng nôn nóng. ‘Ông có ý tưởng gì về ý nghĩa có thể có của lá thư này chăng?’

“ ‘Một chút thôi.’ Mắt Stoichev mở to, nhìn cha chăm chú. ‘Vấn đề là,’ ông nói tiếp, ‘tôi cũng có một trong các lá thư của Sư huynh Kiril.’ ”

Chú thích:

1. Tác giả ngụ ý nhân vật Ranov phát âm không chuẩn, từ NIECE thành NESS – gần như đồng âm của từ NEST (tổ chim).

Bình luận
× sticky