Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truy tìm Dracula

Chương 47

Tác giả: Elizabeth Johnson Kostova

Bạn thân mến,

Tôi không thể hình dung anh sẽ nghĩ gì về sự trao đổi thư từ một chiều và kỳ quặc này khi cuối cùng những lá thư này đến tay anh, nhưng tôi bắt buộc phải tiếp tục, ít ra là để ghi chép lại cho chính bản thân mình. Chiều hôm qua, chúng tôi trở về ngôi làng bên dòng sông Argeş mà từ đó chúng tôi đã lên đường đi đến tòa pháo đài của Dracula lúc trước. Georgescu đã chia tay tôi trở về với công việc của ông ta ở hồ Snagov, với một cái ôm choàng lấy tôi thắm thiết, tay siết chặt vai tôi và mong một ngày nào đó chúng tôi sẽ có dịp gặp lại. Ông là người dẫn đường đôn hậu nhất mà chắc chắn tôi sẽ không thể nào quên. Giây phút chia tay đó, tôi cảm thấy trong lòng dằn vặt một cảm giác có lỗi vì không kể với ông những gì mình đã tận mắt chứng kiến ở Istanbul, không đủ sức chiến thắng bản thân để phá vỡ sự im lặng của chính mình. Nhưng đằng nào ông ta cũng sẽ không tin chuyện đó, nên có cố thuyết phục ông ta tin tôi cũng chẳng giúp ông ta tránh khỏi bất cứ rủi ro gì. Tôi có thể hình dung rất rõ ràng tất cả, từ nụ cười chân thành, cái lắc đầu của một nhà khoa học, đến việc ông ta có thể cho tôi là một con người hoang tưởng.

Georgescu đã nài nỉ tôi cùng quay lại Târgoviste với ông ta, nhưng tôi quyết định ở lại thêm vài ngày trong khu vực này để viếng thăm một vài giáo đường và tu viện địa phương, và để có thể biết thêm chút ít về khu vực xung quanh pháo đài của Vlad. Dù thế nào chăng nữa, đây là lý do tôi đưa ra để tự biện minh cho mình và cáo lỗi với Georgescu, vậy là ông ta đã cho tôi biết thêm nhiều địa điểm có nhiều bằng chứng cho thấy Dracula từng lui tới lúc hắn còn sống. Ngoài ra có lẽ tôi ở lại còn vì một động cơ khác nữa: cảm giác có lẽ mình sẽ không bao giờ trở lại nơi đây, chốn hẻo lánh đẹp tuyệt vời nhưng cách quá xa những địa điểm nghiên cứu thường lệ của tôi này. Quyết tâm nán lại thêm vài ngày thay vì vội vã đến Hy Lạp trước kế hoạch, tôi đã đến quán rượu để giải khuây chút đỉnh, cố gắng cải thiện mớ vốn liếng tiếng Rumani nghèo nàn của mình bằng cách chuyện trò với các ông già bà lão trong làng về những truyền thuyết trong khu vực, nhưng nỗ lực này xem ra chẳng mấy thành công. Hôm nay, tôi tản bộ hướng về một khu rừng ở gần làng, và bất chợt phát hiện một ngôi mộ nằm lẻ loi dưới một tàn cây. Nó được xây bằng đá cổ, với mái che bằng tranh, tôi nghĩ phần nguyên thủy của ngôi mộ có lẽ đã có ở đó từ lâu, trước cả lúc những đội quân của Dracula sải vó ngựa trên những con đường này. Những cánh hoa tươi trên mộ chỉ vừa mới tàn, và sáp nến chảy đọng lại phía dưới chân cây thánh giá.

Khi quay về làng, tôi gặp một cảnh tượng đáng kinh ngạc không kém – một thôn nữ trẻ mặc trang phục nông dân, đứng bất động trên lối đường mòn nhỏ bé tôi đang đi, giống hệt như một nhân vật lịch sử. Vì cô không tỏ dấu hiệu nào muốn tránh đường, nên tôi phải dừng lại để lên tiếng, và sửng sốt khi cô đưa cho tôi một đồng xu. Rõ ràng đó là một đồng xu rất xưa – thời Trung cổ – trên một mặt có hình một con rồng. Tôi cảm thấy chắc chắn, dù không có bằng chứng rõ rệt, đồng xu này được đúc ra cho Giáo đoàn Rồng. Dĩ nhiên, cô gái nói tiếng Rumani, nhưng tôi đã cố gắng và hiểu được phần nào là có một bà lão từ một nơi nào đó trên các rặng núi bên cạnh dòng sông, gần lâu đài của Vlad đã đến làng này và cho cô đồng xu đó. Cô gái cũng nói với tôi họ của cô là Getzi, dù hình như cô không có ý niệm nào về ý nghĩa của cái họ đó. Anh có thể hình dung được tôi khích động đến thế nào: rất có thể tôi đang đứng mặt đối mặt với một hậu duệ của Vlad Dracula. Ý tưởng đó làm cho tôi vừa ngạc nhiên vừa bối rối (dù gương mặt thánh thiện và thái độ cư xử dịu dàng của cô gái không gợi lên bất kỳ điều gì ghê gớm hoặc ác độc). Khi tôi có ý định trả lại đồng xu, cô đã nài nỉ tôi giữ lấy nó, và hiện giờ tôi vẫn còn đang giữ đồng xu đó, dù chắc chắn sau này tôi sẽ cố tìm cách trả lại. Chúng tôi thỏa thuận mai sẽ nói chuyện nhiều hơn nên giờ tôi phải dừng bút ở đây để ngồi lại vẽ một phác thảo đồng xu đó và tra cứu thêm tự điển để có thể hỏi nhiều hơn về gia đình và lai lịch cô ấy.

Bạn thân mến,

Đêm hôm qua, tôi đã có chút tiến triển trong việc nói chuyện với cô thiếu nữ mà tôi đã kể với bạn – họ cô quả thực là Getzi, cô đánh vần cho tôi, giống y như cái tên Georgescu đã cho tôi. Khi tôi cố gắng bắt chuyện, tôi kinh ngạc nhận ra cô là một người thông minh nhạy bén, và ngoài năng khiếu tự nhiên là khả năng nhận thức, cô có thể viết, đọc và có thể giúp tôi tra cứu tự điển. Tôi thích thú nhìn ngắm gương mặt sáng ngời và lanh lợi, đôi mắt đen huyền sáng lên mỗi khi hiểu được một nghĩa mới. Dĩ nhiên, cô chưa bao giờ học một ngôn ngữ nào khác, nhưng tôi tin chắc rằng nếu được chỉ dạy đúng cách, cô sẽ tiếp thu rất dễ dàng.

Việc phát hiện một người thông minh như vậy tại một vùng núi non hẻo lánh và quê mùa như thế này đã khiến tôi kinh ngạc; có lẽ đây là một bằng chứng nữa cho thấy cô là con cháu của một dòng dõi những người quý tộc, thông minh và có học. Gia đình cha cô đã đến xứ này từ rất lâu, đến độ không ai còn nhớ từ lúc nào, ngoại trừ việc một số người trong bọn họ là người Hungary, tôi chỉ hiểu được chừng đó. Cô kể việc cha cô tin rằng ông ta chính là người thừa kế của ông hoàng tại Lâu đài Argeş, kho báu của họ vẫn còn chôn giấu ở đó, và dường như tất cả mọi nông dân ở đây đều nghĩ vậy. Một cách khó khăn, tôi cũng hiểu người ta tin rằng vào vài ngày lễ thánh nào đó có một thứ ánh sáng siêu nhiên chiếu rọi trên địa điểm chôn giấu kho báu, nhưng người dân trong các làng mạc quá sợ hãi, không dám tìm kiếm kho báu đó. Trí tuệ của cô gái, rõ ràng quá nổi trội so với những người dân làng khác, và làm tôi nhớ đến nàng Tess xinh đẹp trong tác phẩm Tess of the d’Urbervilles của Thomas Hardy. Bạn ạ, tôi biết bạn sẽ chẳng định đi ngược trở lại quá năm 1800, nhưng năm ngoái tôi đã đọc lại cuốn sách đó, vì vậy tôi khuyên anh cũng nên đọc nó để giải trí sau những công việc thường ngày của mình. Nhân tiện cũng xin nói luôn, tôi cũng không mấy tin việc có kho báu trên tòa lâu đài, vì nếu có hẳn Georgescu đã tìm thấy rồi.

Cô cũng cho tôi biết một sự thực đáng sợ là mỗi thế hệ trong dòng họ cô đều có một thành viên phải xăm lên người hình một con rồng nhỏ. Thực tế này, cũng như tên cô, và câu chuyện của cha cô về kho báu, làm cho tôi tin rằng cô là thành viên của một nhánh còn sống sót của Giáo đoàn Rồng. Tôi ngỏ ý muốn nói chuyện với cha cô, nhưng khi tôi đề nghị điều này cô trông có vẻ vô cùng đau khổ đến mức tôi cảm thấy mình là một kẻ chẳng ra gì nếu cứ tiếp tục theo đuổi ý định đó. Văn hóa ở đây là một nền văn hóa truyền thống, cổ hủ và cực đoan, tôi lo ngại sẽ gây tai tiếng cho cô với dân làng – chắc chắn cô đã mạo hiểm khi dám đứng một mình nói chuyện với tôi, vì vậy tôi càng cảm thấy biết ơn hơn đối với sự quan tâm giúp đỡ của cô.

Bây giờ tôi phải tạm dừng ở đây để vào rừng một lát, nơi này còn có quá nhiều chuyện phải suy nghĩ đến nỗi tôi cảm thấy mình cần phải để đầu óc thảnh thơi một chút.

Bạn thân mến, người tri kỷ duy nhất của tôi,

Hai ngày đã trôi qua, và tôi phân vân hầu như không biết viết cho anh như thế nào về quãng thời gian đó, hoặc liệu có nên kể với bất kỳ ai chuyện này. Với tôi, hai ngày này là khoảng thời gian lạ lùng nhất trong đời. Khoảng thời gian mà trong tôi tràn đầy vừa hy vọng vừa sợ hãi. Suốt hai ngày đó tôi cảm thấy mình như đang bước qua một ranh giới để vào một cuộc sống mới. Dù sao chăng nữa tôi cũng không thể nói được điều này có ý nghĩa gì. Tôi cảm thấy vừa cực kỳ lo lắng vừa là người hạnh phúc nhất từng được tạo ra.

Hai đêm trước, sau khi viết cho anh, tôi đã gặp lại cô thiếu nữ thiên thần kia, và cuộc chuyện trò lần này của chúng tôi dẫn đến một thay đổi bất ngờ – thực ra là một nụ hôn, trước khi cô gái biến mất. Tôi thao thức suốt đêm, và khi bình minh đến đã ra khỏi căn phòng trong làng để lang thang vào rừng. Tôi dạo trong rừng một lát, thỉnh thoảng ngồi xuống, khi thì một tảng đá, lúc thì một gốc cây giữa bạt ngàn màu xanh mướt đang chuyển sắc của buổi sớm mai, hình dung khuôn mặt cô gái trong đám cây lá hoặc thậm chí ngay trong ánh nắng. Nhiều lần tôi băn khoăn tự hỏi liệu có nên rời khỏi làng ngay tức khắc, bởi vì có thể tôi đã xúc phạm đến cô gái rồi.

Cả ngày cứ như thế trôi qua, tôi cứ lang thang hết nơi này đến nơi khác, chỉ trở về làng để ăn bữa trưa, tôi vừa mong mỏi vừa sợ chạm mặt cô gái. Nhưng vẫn không có dấu vết của cô; buổi chiều, khi đang trên đường ghé qua nơi chúng tôi thường gặp nhau mấy ngày vừa rồi, nghĩ rằng nếu cô lại đến đó tôi sẽ cố gắng nói với cô tôi nợ cô một lời xin lỗi và sẽ không làm phiền cô nữa. Ngay khi đinh ninh là mình đã xúc phạm nặng nề và từ bỏ hy vọng gặp lại cô gái, và quyết định sẽ rời làng vào sáng hôm sau thì cô bỗng xuất hiện giữa những hàng cây. Tôi thoáng thấy cô trong chiếc váy chân quê và tấm áo khoác đen, mái tóc đen nhánh và bóng mượt, bím tóc đong đưa trên đôi bờ vai. Đôi mắt cũng một màu đen huyền và có vẻ lo sợ, nhưng gương mặt rạng rỡ thông minh như nổi bật lên trước mắt tôi.

Tôi mở miệng định lên tiếng, nhưng ngay khoảnh khắc đó cô gái đã lao thẳng vào vòng tay tôi. Tôi bàng hoàng, có vẻ như cô muốn phó thác bản thân hoàn toàn cho tôi, chẳng bao lâu, những xúc cảm đã khiến chúng tôi trở nên hoàn toàn thân mật, một sự thân mật dịu dàng và trong sáng vì chẳng ai trong chúng tôi dự định trước. Tôi nhận ra chúng tôi có thể trò chuyện với nhau một cách thoải mái – bằng những ngôn ngữ của mỗi người mà tôi không còn nhớ chắc – và tôi như nhìn thấy cả thế giới cũng như toàn bộ tương lai của chính mình trong đôi mắt đen thẳm với bờ mi dày và nếp gấp da thanh tú ở khóe mắt trong đặc thù Á Đông của cô gái.

Khi cô đi rồi, tôi đứng một mình, vẫn còn run rẩy vì xúc động, và cố hình dung lại tôi đã làm gì, cả hai chúng tôi đã làm gì, nhưng cảm giác trọn vẹn và hạnh phúc cứ không ngớt dậy lên trong tâm trí. Hôm nay tôi sẽ lại đi để chờ đợi cô gái, bởi tôi đã cảm thấy nhớ cô, bởi bây giờ toàn bộ con người tôi hình như đã trở thành một con người khác hẳn so với con người trước đây, tuy nhiên con người đó cũng vô cùng thân thuộc đến độ hầu như tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra nữa.

Bạn thân mến (nếu vẫn là bạn, người mà tôi thư từ lâu nay),

Hiện tại, tôi đã trải qua bốn ngày như ở thiên đường, và tình yêu của tôi dành cho vị thiên thần chủ quản thiên đường đó dường như đúng là tình yêu. Trước đây, tôi chưa bao giờ cảm nhận về một phụ nữ như những gì tôi đang cảm nhận tại đây, trong nơi chốn xa lạ này. Lẽ tất nhiên, tôi chỉ có thêm vài ngày để suy ngẫm, cân nhắc chuyện này ở mọi góc cạnh. Ý nghĩ rời bỏ và không bao giờ gặp lại cô đối với tôi có vẻ là không hiện thực, chẳng khác gì việc tôi sẽ không bao giờ trở lại quê hương. Mặt khác, tôi đang tranh đấu với việc đưa cô theo cùng, nghĩa là – quan trọng hơn hết, liệu tôi có nhẫn tâm khi tách cô ra khỏi nhà và gia đình cô, và hậu quả sẽ như thế nào nếu cô cùng tôi trở về Oxford. Ý nghĩ sau cùng này tuy cực kỳ rắc rối, nhưng sự khắc nghiệt của tình huống đối với tôi là rất rõ ràng: nếu tôi ra đi và bỏ cô ở lại, cả hai chúng tôi đều đau khổ, và đó cũng là một hành động đốn mạt và tàn ác sau những gì tôi đã làm với cô.

Bây giờ tôi phải quyết tâm biến cô trở thành vợ mình càng sớm càng tốt. Không nghi ngờ gì nữa, cuộc sống của chúng tôi sẽ khó khăn, nhưng tôi chắc chắn vẻ duyên dáng tự nhiên cũng như trí tuệ sắc sảo sẽ giúp cô ấy vượt qua bất cứ trở ngại nào mà chúng tôi gặp phải. Tôi không thể để cô ở lại nơi chốn này, cũng không thể bỏ rơi cô trong một tình huống như thế này. Nếu làm vậy cả cuộc đời tôi sẽ ra sao? Tôi gần như đã quyết tối nay sẽ hỏi cô làm vợ và sẽ tiến hành hôn lễ trong vòng một tháng nữa. Tôi nghĩ trước tiên mình sẽ trở về Hy Lạp, ở đó tôi sẽ mượn của bạn bè đồng nghiệp – hoặc chuyển bằng điện – đủ tiền để gặp và đền bù cho cha cô; thời gian còn lại của tôi ở nơi này rất ít, nếu không thì tôi đã không dám làm theo cách này. Hơn nữa, tôi còn phải tham gia cuộc khai quật mà tôi đã được mời tới: hầm mộ của một nhà quý tộc gần Knossos. Công việc tương lai của tôi có thể tùy thuộc vào các đồng nghiệp này, và nhờ nó tôi có thể chu cấp cho cô cũng như bản thân mình trong cuộc sống mà chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng.

Sau thời gian này tôi sẽ trở về với cô – dù cho bốn tuần xa cách có dài bao nhiêu chăng nữa! Tôi muốn biết liệu các tu sĩ ở Snagov có thể làm lễ cưới cho chúng tôi ở đấy hay không, như vậy Georgescu có thể là người làm chứng cho chúng tôi. Dĩ nhiên, nếu cha mẹ cô ấy nhất định chúng tôi phải làm đám cưới trước khi rời khỏi làng, tôi sẽ sẵn sàng thực hiện yêu cầu đó. Dù sao chăng nữa, cô sẽ cùng ra đi với tư cách là vợ tôi. Tôi nghĩ, ở Hy Lạp, tôi sẽ đánh điện cho cha mẹ mình, và sau đó sẽ đưa cô đến ở với ông bà một thời gian khi chúng tôi trở về Anh. Và bạn thân mến, nếu anh đang đọc đến đây rồi, anh có thể để ý một chút tới phòng ốc bên ngoài trường đại học được không? – chỗ nào kín đáo một chút – lẽ tất nhiên, giá cả cũng quan trọng lắm đấy! Tôi sẽ cho cô học tiếng Anh càng sớm càng tốt; chắc chắn cô sẽ học xuất sắc. Bạn ạ, có lẽ đến mùa thu anh sẽ được ngồi bên cạnh lò sưởi nhà chúng tôi, và rồi anh sẽ hiểu được lý do cơn điên rồ của tôi. Đến lúc đó, anh vẫn là người duy nhất mà tôi có thể kể lại chuyện này một cách thoải mái, và ngay khi tôi có thể gửi những lá thư này tới tay anh, tôi cầu mong anh hãy phán xét tôi thật khoan dung, bằng tấm lòng độ lượng của bạn.

Người bạn hạnh phúc và lo lắng của anh,

Rossi

Bình luận