Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truy tìm Dracula

Chương 6

Tác giả: Elizabeth Johnson Kostova

Như con đã biết, cha nói, đêm đó thầy Rossi trao cho cha gói giấy tờ kia rồi tươi cười tiễn cha ra tận cửa, nhưng lúc quay lưng đi cha chợt có cảm giác là phải giữ chân ông ấy hoặc quay lại trò chuyện với ông ấy thêm một chút. Cha biết đó chỉ là hậu quả của lần nói chuyện kỳ lạ giữa cha và thầy ấy, cuộc nói chuyện kỳ lạ nhất trong cuộc đời cha, nên cha đã cố quên nó ngay tức khắc. Hai nghiên cứu sinh khác trong khoa đi ngang qua, sôi nổi bàn luận, chào thầy Rossi trước khi ông khép cửa lại, rồi nhanh nhẹn bước xuống lầu, theo sau cha. Cuộc chuyện trò ồn ào của bọn họ đã làm cha có cảm giác cuộc sống xung quanh vẫn diễn ra bình thường, nhưng cha vẫn cảm thấy bứt rứt. Cuốn sách có hình con rồng của cha đã là một sự hiện diện nóng bỏng trong cặp, và bây giờ thầy Rossi lại bổ sung thêm chiếc phong bì chứa tài liệu ghi chép còn chưa mở niêm phong này. Cha tự hỏi lát nữa đây, liệu có nên xem qua chúng ngay trong đêm, khi ngồi một mình ở bàn làm việc trong căn hộ nhỏ bé hay không. Cha kiệt sức; cha cảm thấy không thể đối mặt với thứ chứa đựng trong phong bì đó, dù nó có là gì.

Cha cũng không chắc buổi mai và ánh sáng ban ngày có mang trở lại cho mình tinh thần minh mẫn cùng lòng tự tin hay không. Có thể lúc thức dậy thậm chí cha sẽ không còn tin câu chuyện của thầy Rossi, tuy nhiên cha cũng cảm thấy chắc chắn câu chuyện sẽ ám ảnh mình, dù cha có thực sự tin hay không. Và làm sao, cha tự hỏi – khi đã ra khỏi nhà, đi ngang qua dưới cửa sổ phòng thầy Rossi và bất chợt nhìn lên căn phòng vẫn còn sáng ánh đèn – làm sao cha có thể không tin vị giáo sư hướng dẫn của mình trong những vấn đề liên quan đến quá trình nghiên cứu của chính ông ấy? Nếu cha không tin, liệu điều đó có đòi hỏi phải xem xét lại tất cả những công trình mà cha đã cùng thực hiện với ông? Cha run lên khi nghĩ đến những chương đầu tiên trong luận văn của mình, đến bản thảo đánh máy đã được hiệu đính xếp thành chồng ngay ngắn trên bàn làm việc tại nhà. Nếu cha không tin câu chuyện của giáo sư Rossi, liệu cha và ông ấy có thể tiếp tục làm việc chung với nhau hay không? Liệu cha có dám giả định là ông ấy đã mất trí hay không?

Có thể vì đang suy nghĩ về thầy Rossi lúc đi ngang qua dưới cửa sổ phòng làm việc của ông ấy, nên cha mới cực kỳ chú ý đến chuyện lúc đó đèn phòng thầy vẫn còn sáng. Bất luận thế nào, lúc cha thực sự bước vào vùng ánh sáng hắt ra từ ô cửa sổ kia xuống đường, bước hướng về khu vực cha ở, thì chúng – những vũng ánh sáng kia – bất chợt tắt ngóm đúng ngay dưới chân cha. Việc này xảy ra chỉ trong tích tắc, nhưng cảm giác ớn lạnh vì kinh sợ liền tràn ngập trong cha, từ đầu đến chân. Vừa mới mải mê suy nghĩ lúc bước vào vùng sáng ánh đèn hắt ra từ cửa sổ phòng thầy, bây giờ cha đã đứng lặng người ngay nơi đó. Cha nhận ra hai sự việc kỳ lạ hầu như đồng thời. Thứ nhất, từ trước đến nay cha chưa bao giờ thấy vùng ánh sáng đó ở chỗ vỉa hè này, nằm giữa những phòng học kiểu Gothic, dù đã đi trên con đường đó cả ngàn lần. Trước đây cha chưa hề thấy nó vì không thể nhìn thấy nó ở đó được. Bây giờ sở dĩ nó nhìn thấy được là vì tất cả đèn đường đã tắt. Chỉ có mình cha trên con đường đó, những bước chân của cha là âm thanh duy nhất vang vọng quanh đó. Và ngoại trừ những mảng sáng chập chờn hắt ra từ căn phòng mà mười phút trước đây cha và thầy Rossi vừa ngồi trò chuyện, cả khu phố đều tối đen.

Nhận thức thứ hai, cứ cho đúng là nó xuất hiện sau nhận thức thứ nhất đi, ập đến với cha như một cơn liệt kháng khi cha dừng lại. Cha dùng chữ ập đến bởi vì đó là cách nó xảy ra trước mắt cha, chứ không phải trong lý trí hoặc bản năng. Ngay chính khoảnh khắc đó, khi cha đứng chết lặng trên đường đi của nó, ánh sáng ấm áp từ cửa sổ văn phòng vị thầy mẫn tuệ của cha bỗng vụt tắt. Có thể con cho rằng đó là chuyện bình thường: hết giờ làm việc, vị giáo sư cuối cùng còn ở lại cũng đã tắt đèn trước khi rời khỏi tòa nhà, một con phố bỗng tối thui vì đèn đường bất ngờ bị hỏng. Nhưng cảm giác khi ấy thì không giống như vậy. Cha không có cảm giác như khi một ngọn đèn bàn sau cửa sổ được tắt bình thường. Thay vì vậy, tựa như có một cái gì đó bay vụt lên cánh cửa sổ phía sau cha, che kín nguồn ánh sáng. Sau đó, đường phố hoàn toàn tối đen.

Trong chốc lát, cha như ngừng thở. Khiếp đảm và lóng cóng, cha quay lại, nhìn cánh cửa sổ tối om, gần như vô hình trên con phố tăm tối, rồi bột phát chạy vội đến đó. Giờ cánh cửa mà cha vừa từ đó đi ra đã bị khóa chặt. Không có ngọn đèn nào rọi vào mặt tiền tòa nhà. Vào giờ này, có lẽ bất cứ ai ra ngoài cũng phải khóa chặt cửa lại – tất nhiên, đó là điều bình thường. Cha đứng đó, lưỡng lự, sắp sửa chạy vòng sang cánh cửa khác đến nơi thì ngay lúc ấy đèn đường lại bật sáng, và đột nhiên cha cảm thấy bối rối. Chẳng có dấu vết gì của hai sinh viên lúc nãy còn đi phía sau cha; có lẽ họ đã rẽ sang hướng khác, cha thầm nghĩ.

Nhưng lúc này thì một nhóm sinh viên khác đang tản bộ ngang qua, cười nói; con phố không còn vắng nữa. Điều gì sẽ xảy ra nếu ngay sau đó thầy Rossi bước ra, bởi ông ấy chắc chắn sẽ ra sau khi đã tắt đèn và khóa cửa phòng làm việc, và thấy cha vẫn còn đang chờ ở đây? Ông đã nói không muốn bàn luận thêm về những gì mà cha và ông vừa mới thảo luận. Làm sao cha có thể giải thích với ông những sợ hãi phi lý của mình, ở đó – trên ngưỡng cửa kia, lúc ông khép lại chủ đề ấy – và có lẽ khép lại tất cả những chủ đề quái dị xấu xa ấy? Bối rối, cha quay đi trước khi ông có thể bắt gặp, vội vàng trở về nhà. Ở nhà, cha cứ để chiếc phong bì trong cặp, không mở nó ra, rồi ngủ – dù là chập chờn – suốt đêm.

Hai ngày kế tiếp là hai ngày bận rộn, cha đã không cho phép mình nhìn đến mớ giấy tờ của thầy Rossi; thực ra, cha đã kiên quyết gạt ra khỏi đầu óc tất cả những điều bí ẩn kia. Vì vậy, vào cuối buổi chiều hôm thứ hai sau đó, cha hết sức ngạc nhiên khi một đồng sự cùng khoa chặn cha lại trong thư viện. “Anh đã nghe tin gì về thầy Rossi chưa?” anh ta hỏi, chụp lấy cánh tay cha và giật lại lúc cha đang vội vàng đi ngang qua khiến cha lảo đảo. “Paolo, đợi chút.” Phải, con đã đoán đúng – đó là Massimo. Ông ấy cao lớn và nói rất lớn tiếng ngay từ hồi còn là một nghiên cứu sinh, có lẽ còn nói to hơn bây giờ nhiều. Cha nắm chặt cánh tay ông.

“Thầy Rossi ư? Chuyện gì? Ông ấy thế nào?”

“Ông ấy đã đi rồi. Biến mất. Cảnh sát đang lục soát phòng làm việc của ông ấy.”

Cha vội lao ngay đến khu nhà ấy, lúc này trông nó rất bình thường, phía bên trong lờ mờ ánh nắng buổi chiều muộn và đông đầy các sinh viên đang tan lớp học. Trên tầng hai, trước phòng làm việc của thầy Rossi, một nhân viên cảnh sát của thành phố đang nói chuyện với trưởng khoa và vài người khác mà cha chưa hề gặp. Khi cha đến, hai người đàn ông mặc áo khoác đen đang ra khỏi phòng làm việc của thầy, đóng chặt cánh cửa lại sau lưng rồi rảo bước hướng về phía cầu thang và các phòng học. Cha chen lấn bước tới, hỏi viên cảnh sát. “Giáo sư Rossi đâu? Chuyện gì đã xảy ra với ông ấy?”

“Anh biết ông ta?” viên cảnh sát hỏi, ngẩng đầu lên khỏi sổ ghi chép, nhìn cha.

“Ông ấy là giáo sư hướng dẫn của tôi. Đêm hôm kia tôi đã ở đây. Có người nói ông ấy đã mất tích?”

Ông trưởng khoa tiến đến, bắt tay cha. “Anh biết những gì về chuyện này? Trưa hôm nay, bà giúp việc điện đến nói là cả đêm hôm qua và hôm kia ông ấy đều không về nhà – ông ấy không gọi bữa tối và cả bữa điểm tâm. Bà ấy nói trước nay ông ấy không hề như vậy. Ông ấy đã bỏ một cuộc họp khoa chiều nay mà không điện báo trước, đó cũng là việc ông ấy chưa bao giờ làm. Một sinh viên ghé lại báo là phòng làm việc ông ấy bị khóa suốt giờ làm việc, trong khi trước đó họ đã thỏa thuận hẹn gặp nhau, và giáo sư Rossi không hề xuất hiện. Ông ấy cũng đã bỏ bài giảng hôm nay, và cuối cùng tôi phải cho người phá cửa.”

“Thầy ấy có trong đó chứ?” Cha cố không thở hổn hển.

“Không.”

Cha gạt bọn họ ra và loạng quạng đi về cửa phòng làm việc của thầy Rossi, nhưng viên cảnh sát đã kéo tay cha lại. “Đừng nôn nóng như vậy,” anh ta nói. “Anh nói đêm kia anh đã ở đây?”

“Đúng vậy.”

“Anh trông thấy ông ta lần cuối lúc mấy giờ?”

“Khoảng tám giờ ba mươi.”

“Lúc đó anh còn thấy ai khác quanh đây không?”

Cha suy nghĩ. “Có, chỉ có hai sinh viên trong khoa – Bertrand và Elias, tôi nghĩ vậy, họ đi ra cùng một lúc với tôi. Lúc tôi ra thì họ cũng ra.”

“Tốt. Xác minh việc này đi,” viên cảnh sát nói với một trong số những người đứng đó. “Anh có nhận thấy điều gì không bình thường trong hành vi của giáo sư Rossi không?”

Cha có thể nói gì đây? Vâng, thực ra… thầy đã nói với tôi rằng ma cà rồng có thật, rằng Bá tước Dracula vẫn đang sống giữa chúng ta, rằng có thể tôi vừa được thừa hưởng một lời nguyền từ công trình nghiên cứu của chính thầy, và rồi tôi thấy ánh đèn phòng ông ấy vụt tối đi như thể bị một gã khổng lồ che khuất ư?

“Không,” cha trả lời. “Chúng tôi có một cuộc gặp để thảo luận về luận văn của tôi và đã ngồi chuyện trò với nhau đến khoảng tám giờ rưỡi.”

“Xong hai người cùng nhau ra về?”

“Không, tôi về trước. Ông ấy tiễn tôi đến cửa rồi trở lại phòng làm việc.”

“Anh có thấy điều gì hoặc người nào đáng nghi ở quanh tòa nhà lúc anh ra về không? Hoặc có nghe thấy gì không?”

Cha lại ngần ngại. “Không, không có gì. À, có việc mất điện trong giây lát trên đường phố. Đèn đường bị tắt.”

“Vâng, điều đó đã được ghi nhận. Nhưng anh không nghe hoặc thấy điều gì bất thường sao?”

“Không.”

“Cho đến nay anh là người cuối cùng trông thấy giáo sư Rossi,” viên cảnh sát nhấn mạnh. “Gắng nhớ lại xem. Khi anh đang ở cùng giáo sư, ông ta có hành động hay nói điều gì kỳ lạ? Bất kỳ lời nào về tuyệt vọng, tự tử, hoặc bất kỳ điều gì tương tự? Hoặc bất kỳ lời nói nào về việc bỏ đi hoặc một chuyến đi, chẳng hạn?”

“Không, chẳng có gì như vậy cả.” Cha thành thực trả lời. Taycảnh sát ném cho cha một cái nhìn không mấy thân thiện.

“Tôi cần tên và địa chỉ của anh.” Ông ta ghi lại mọi thứ rồi quay qua ông trưởng khoa. “Ông có thể xác nhận về chàng trai trẻ này chứ?”

“Chắc chắn anh ấy là người đúng như lời anh ấy nói.”

“Được rồi,” tay cảnh sát nói với cha. “Tôi muốn anh vào đây với tôi và cho tôi biết anh có thấy gì bất thường không. Đặc biệt là bất kỳ cái gì khác lạ so với đêm hôm kia. Đừng đụng vào bất kỳ thứ gì. Thành thực mà nói, hầu hết những trường hợp như thế này đều hóa ra là vì một chuyện gì đó dễ đoán, chuyện khẩn cấp gia đình hoặc một cơn trầm cảm nho nhỏ nào đó – chắc hẳn ông ấy sẽ quay về trong ngày một ngày hai thôi, tôi đã chứng kiến những việc như thế này cả triệu lần rồi. Tuy nhiên, do có máu trên bàn, nên chúng tôi không thể hành động sơ suất được.”

Máu trên bàn? Đôi chân cha như muốn sụm xuống dưới sức nặng cơ thể nhưng cha cố tỏ ra tự nhiên bước chậm rãi theo sau viên cảnh sát. Căn phòng nhìn vẫn như hàng chục lần trước đây khi cha có dịp nhìn nó dưới ánh sáng ban ngày: gọn gàng, dễ chịu, bàn ghế ở đúng tư thế sẵn sàng đón khách, sách vở và giấy tờ được xếp đúng vị trí của chúng thành từng chồng trên các bàn cũng như bàn làm việc. Cha bước lại gần hơn. Phía bên kia bàn làm việc, trên tờ giấy thấm màu nâu của thầy Rossi là một vũng chất lỏng sậm màu, kể từ khi loang ra, ngấm xuống rồi định hình ở đó hẳn đã khá lâu. “Lượng máu bị mất không đủ gây tử vong,” viên cảnh sát nói. “Có lẽ một ca chảy máu cam nặng hoặc một loại xuất huyết nào đó. Giáo sư Rossi có bị chảy máu cam lần nào khi anh có mặt bên ông ấy? Tối hôm đó, ông ta có vẻ gì bệnh tật không?”

“Không,” cha trả lời. “Tôi chưa bao giờ thấy ông ấy – chảy máu cam – mà ông ấy cũng chưa bao giờ nói với tôi về chuyện sức khỏe.” Cha bất chợt nhận ra, hết sức rõ ràng, là cha đã nói về những cuộc đàm thoại giữa ông ấy và cha bằng các động từ ở thì quá khứ, tựa như chúng đã vĩnh viễn trôi qua. Cổ họng cha như nghẹn lại vì xúc động khi nhớ lại hình ảnh thầy Rossi đứng ở cửa, tươi cười nhìn cha ra về. Phải chăng ông đã tự làm mình bị thương, bằng cách nào đó – thậm chí là cố ý? – trong một khoảnh khắc bất ổn, và rồi hấp tấp khóa cửa phòng lại, bỏ đi? Cha cố hình dung ra cảnh tượng ông ấy đang nửa tỉnh nửa mê trong một công viên nào đấy, có thể đang đói và rét, hoặc đang đáp một chuyến xe buýt đến một nơi chốn ngẫu nhiên nào đó. Chẳng có giả thiết nào hợp lý. Rossi vốn là một người khỏe mạnh, bản chất trầm tĩnh và sáng suốt như bất kỳ người nào cha từng gặp.

“Hãy nhìn quanh thật kỹ.” Viên cảnh sát buông tay khỏi vai cha. Ông ta nhìn cha chăm chú, còn cha thì có cảm giác ông trưởng khoa và nhữnt người khác vẫn đang lảng vảng ở lối đi trước cửa, sau lưng cha và ông ta. Cha chợt nhận ra cho đến khi chứng minh được ngược lại, cha sẽ vẫn nằm trong số những người bị tình nghi, trong trường hợp giáo sư Rossi bị sát hại. Nhưng Bertrand và Elias sẽ làm chứng cho cha cũng như cha sẽ làm chứng cho họ. Cha chăm chú quan sát mọi vật trong phòng, như cố nhìn xuyên qua chúng. Nhưng đó là một nỗ lực tuyệt vọng; mọi vật đều có thực, bình thường, vững chắc, và thầy Rossi đã hoàn toàn biến mất.

“Không,” sau cùng cha thốt lên. “Tôi không thấy có điều gì bất thường.”

“Được rồi.” Tay cảnh sát hướng cha về phía cửa sổ. “Vậy thì anh hãy ngước lên đi.”

Trên trần nhà thạch cao màu trắng phía trên bàn làm việc, phía bên trên cha và viên cảnh sát, có một vết bẩn màu đen dài khoảng mười hai phân, nghiêng xéo về một bên tựa như chỉ về một cái gì đó ở phía bên ngoài. “Cái đó cũng có vẻ là máu. Đừng lo, nó có thể là của giáo sư Rossi hoặc không. Trần nhà này quá cao, một người bình thường không thể với tới, ngay cả đứng trên ghế. Chúng tôi sẽ cho xét nghiệm mọi thứ. Bây giờ, anh hãy suy nghĩ kỹ vào. Đêm đó, ông Rossi có đề cập đến việc có một con chim bay vào phòng không? Hoặc anh có nthe âm thanh gì đó khi ra về, có thể giống như có cái gì đó đi vào? Anh có nhớ lúc đó cửa sổ mở hay đóng không?”

“Không,” cha trả lời. “Ông ấy chẳng đề cập đến chuyện gì như vậy cả. Các cửa sổ đều đóng kín, tôi chắc chắn vậy.” Cha không thể rời mắt khỏi cái vệt kia; cha có cảm giác nếu quan sát đủ lâu hẳn cha có thể sẽ đọc ra điều gì đó trong cái hình dạng tượng hình đáng sợ của nó.

“Đã nhiều lần chim bay vào tòa nhà này,” ông trưởng khoa lên tiếng ở sau lưng chúng tôi. “Lũ bồ câu. Thỉnh thoảng chúng bay vào qua các cửa sổ trên mái.”

“Đó là một khả năng,” tay cảnh sát nói. “Mặc dù chúng tôi không tìm thấy chút phân chim nào, nhưng đó dứt khoát là một khả năng.”

“Hoặc dơi,” ông trưởng khoa lại lên tiếng. “Bọn dơi thì sao? Những tòa nhà cũ kỹ này chắc hẳn có đủ tất cả mọi loài vật sinh sốnt trong đó.”

“Vâng, đó là một khả năng nữa, nhất là khi ông Rossi dùng một cái chổi hoặc dù để cố đánh đuổi và làm bị thương một con vật gì đó.” Một giáo sư đứnt ở lối cửa vào góp ý.

“Anh đã từng thấy ở đây có vật gì giống như dơi hoặc chim chưa?” Tay cảnh sát lại hỏi cha.

“Chưa,” cha trả lời. Phải mất vài giây để một từ đơn giản hình thành và bật ra trên môi cha, nhưng cha hầu như không hiểu được ý nghĩa câu hỏi của anh ta. Rốt cuộc, mắt của cha cũng bắt được cái ý nghĩa tiềm ẩn của phần đuôi vệt đen và cái mà dường như nó muốn hướng đến. Trên ngăn trên cùng của kệ sách, trong dãy “nhữnt việc thất bại” của thầy Rossi, một cuốn sách đã biến mất. Nơi hai đêm trước ông đặt cuốn sách bí ẩn của mình trở lại vị trí cũ bây giờ là một khe hở đen ngòm giữa các gáy sách.

Các bạn đồng nghiệp đưa cha ra ngoài, vỗ vỗ lên lưng khuyên cha đừng lo lắng; chắc hẳn mặt cha đã trắng bệch như một tờ giấy. Cha quay sang tay cảnh sát đang khép và khóa cánh cửa phía sau lưng. “Có thể nào giáo sư Rossi đã ở trong một bệnh viện nào đó sau khi ông tự cắt vào người hoặc ai đó gây thương tích cho ông ấy?”

Viên sĩ quan cảnh sát lắc đầu. “Chúng tôi có đường dây liên lạc với các bệnh viện, và đã kiểm tra. Không có dấu vết gì của ông ta. Tại sao anh hỏi vậy? Anh nghĩ ông ta có thể tự gây thương tích sao? Tôi nhớ là anh đã nói ông ta không có vẻ như muốn tự sát hoặc thất vọng gì kia mà.”

“Phải, đúng vậy.” Cha hít vào một hơi thật sâu và lại cảm thấy sức nặng cơ thể đang đè lên đôi chân. Trần nhà quá cao, ông có cắt cổ tay thì đằng nào cũng không thể làm vấy bẩn lên đến đó được – đó cũng là một điều an ủi chẳng mấy vui vẻ.

“Nào, các bạn, lên đường thôi.” Ông ta quay sang ông trưởng khoa, và họ vừa đi vừa rì rầm trao đổi với nhau. Đám người chung quanh cửa phòng bắt đầu tản mác, cha bỏ đi trước họ. Trên tất cả mọi điều, cha đang cần một nơi yên tĩnh để ngồi xuống.

Chiếc ghế dài ưa thích của cha trong gian giữa thư viện trường đại học cổ kính vẫn còn ấm hơi nóng ánh mặt trời của buổi chiều mùa xuân. Chung quanh, ba hoặc bốn sinh viên đang đọc sách hay thì thầm nói chuyện, cha cảm nhận cái không khí êm ả quen thuộc của nơi trú ẩn đậm chất học thuật kia như thấm sâu vào xương tủy mình. Gian sảnh lớn của thư viện trổ những khung cửa sổ nhiều màu sắc, qua một số cửa sổ đó, người ta có thể nhìn vào các phòng đọc, các hành lang giống như trong tu viện và các sân trong, vì vậy cha có thể nhìn thấy mọi người đi lại ở cả bên trong lẫn bên ngoài, hoặc đang nghiên cứu này nọ tại những bàn gỗ sồi lớn. Đó là quãng thời gian cuối một ngày bình thường; chẳng bao lâu ánh mặt trời sẽ biến mất khỏi các shiến đá dưới chân cha và cả thế giới sẽ đắm chìm trong ánh chiều chạng vạng – ghi dấu bốn mươi tám giờ tròn kể từ lúc cha ngồi trò chuyện với vị thầy thông tuệ của mình. Còn giờ thì, tri thức và hoạt động của con người vẫn chiếm ưu thế ở đây, làm chậm bước của bóng tối.

Cha thấy cũng nên lưu ý với con là trong những ngày đó, khi làm việc, cha thích được ở hoàn toàn một mình, không bị quấy rầy, trong sự tĩnh lặng giống như ở tu viện. Cha đã mô tả ngăn làm việc của cha ở thư viện rồi đấy, ở tầng trên kho sách thư viện, nơi cha có được góc của riêng mình và cũng là nơi cha đã tìm thấy cuốn sách kỳ lạ đã làm thay đổi cả cuộc đời và suy nghĩ của cha hầu như chỉ sau một đêm. Cách đó hai hôm, cũng khoảng giờ này cha vẫn còn đang làm việc ở đấy, bận rộn và không hề lo âu sợ hãi, chuẩn bị dọn dẹp những cuốn sách viết về Hà Lan và vội vàng cho một cuộc gặp gỡ thú vị với vị thầy thông tuệ của mình. Cha không nghĩ gì ngoài điều mà năm ngoái Heller và Herbert đã viết về lịch sử nền kinh tế thành phố Utrecht và làm thế nào để phản bác lại điều đó bằng một bài viết, có thể là một bài trích ra từ một trong các chương luận văn của cha.

Thực ra, nếu có tưởng tượng được phần nào về quá khứ, thì cha chắc chỉ hình dung ra nhữnt người Hà Lan có chút ngớ ngẩn, có chút tham lam kia đang tranh luận về những vấn đề cỏn con trong các phường hội buôn bán của họ, hoặc đang đứng, tay chống nạnh, trong những khung cửa bên trên dòng kênh, nhìn những sọt hàng hóa được kéo lên tầng trên cùng của những căn nhà-kiêm-kho của họ. Nếu cha từng nhìn được một phần nào đó của quá khứ, hẳn cha sẽ thấy được những khuôn mặt hồng hào, phóng khoáng của người miền biển, những cái trán vồ, những đôi tay thành thạo; nghe được âm thanh kẽo kẹt từ những chiếc tàu xinh đẹp của họ va vào nhau; cảm nhận được hương vị của các loại gia vị, nhựa đường và cống rãnh ở các cầu tàu; và cảm thấy thú vị trước sự khôn khéo nhưng kiên quyết trong việc mua bán và mặc cả của họ.

Nhưng dường như lịch sử, có thể là cái gì đó khác hẳn, một vệt máu mang trong nó nỗi thống khổ mà sau một đêm, thậm chí sau hàng thế kỷ, cũng không dễ gì quên đi. Từ nay, những nghiên cứu của cha sẽ chuyển sang một kiểu mới – mới đối với cha, nhưng không phải vậy đối với giáo sư Rossi và nhiều người khác, những người từng dò dẫm bước qua cái bụi rậm tăm tối đó. Cha muốn khởi đầu loại hình nghiên cứu mới mẻ này trong tiếng xôn xao phấn khởi và tiếng chuông rền vang trong gian chính sảnh, chứ không phải trong những kho sách im lìm, thỉnh thoảnt chỉ vọng lại những bước chân nặng nề, mệt mỏi từ những bậc cầu thang xa xa. Cha muốn mở ra giai đoạn kế tiếp cuộc đời nghiên cứu sử của mình ở đó, dưới ánh mắt vững tin của các nhà nhân học trẻ tuổi, những người thủ thư già dạn dày kinh nghiệm, những chàng trai mười tám tuổi đant nghĩ về các trận bóng hay những đôi giày trắng mới, hoặc những sinh viên tươi cười cùng những giáo sư danh dự có vẻ điên khùng nhưng thực ra rất lành – tất cả các sinh hoạt buổi chiều tối của trường đại học. Cha nhìn quanh một lần nữa gian sảnh đông người, những vạt nắng đang nhanh chóng lùi dần, những cánh cửa ở lối ra vào chính liên tục đóng mở quanh bản lề bằng đồng. Rồi thì cha cũng cầm cái cặp cũ kỹ của mình lên, mở khóa và lôi ra một phong bì màu đen dày cộm, có chữ viết của thầy Rossi bên ngoài. Chỉ vỏn vẹn có dòng chữ sau: LƯU GIỮ CHO NGƯỜI KẾ TIẾP.

Người kế tiếp? Hai đêm trước cha đã không nhìn kỹ chiếc phong bì này. Phải chăng ông ấy có ý để dành thông tin được phong kín này cho lần nỗ lực kế tiếp của chính mình cho công trình này, cho cái pháo đài tăm tối này? Hoặc phải chăng chính cha là “người kế tiếp”? Liệu đây có phải là bằng chứng rằng ông đã mất trí?

Bên trong phong bì, cha thấy một xấp giấy tờ có trọng lượng và kích thước khác nhau, nhiều tờ đã xỉn màu và có vẻ như đã mỏng đi theo năm tháng, một số là giấy vỏ hành đặc kín những hàng chữ đánh máy. Một khối lượng tư liệu đồ sộ. Cha quyết định phải soạn chúng ra. Cha đến chiếc bàn màu mật ong gần nhất, bên cạnh tủ thẻ danh mục. Ở đó vẫn còn đông người, những người lạ thân thiện, nhưng cha vẫn nghi ngại liếc chừng trước khi lấy mớ tài liệu ra và sắp xếp lại trên bàn.

Hai năm trước, cha đã xử lý vài bản thảo viết tay của ngài Thomas More, một số các bức thư gửi từ Amsterdam của Albrecht Cha, và gần đây đã giúp lập danh mục một bộ sổ sách kế toán tiếng Flemish có từ những năm 1680. Cha biết, đối với một nhà sử học, thứ tự thời gian của bất kỳ tài liệu lịch sử được tìm thấy là một phần quan trọng trong bài học mà nó mang lại. Lôi giấy bút ra, cha lập một bản kê thứ tự của từng hạng mục tài liệu mà cha rút ra. Tài liệu đầu tiên, cái ở trên cùng trong số các tài liệu của thầy Rossi là những tờ giấy vỏ hành. Chúng dày đặc những hàng chữ đánh máy ngay ngắn, ít nhiều dưới dạng những lá thư. Cha cẩn thận xếp chúng lại với nhau mà không cho phép mình nhìn kỹ.

Tài liệu thứ hai là một bản đồ, vẽ bằng tay, rõ ràng nhưng vụng về. Nó đã mờ, các dấu hiệu và địa danh lờ mờ hiện ra trên một tờ giấy, sờ vào có cảm giác là lạ, dày như giấy sổ tay, rõ ràng là bị xé ra từ một cuốn sổ cũ nào đó. Tiếp theo là hai tấm bản đồ giống nhau. Sau đó là ba trang giấy rải rác những ghi chú viết tay, bằnt mực và đọc được dễ dàng. Cha xếp chúng lại với nhau. Kế tiếp là một tập quảng cáo chào mời khách du lịch đến với “Rumani lãng mạn” bằng tiếng Anh, có vẻ như mang phong cách trang trí Deco, giống như một sản phẩm của các thập niên 1920 và 1930. Tiếp theo, hai hóa đơn của một khách sạn và các bữa ăn đã dùng ở đó. ỞIstanbul, thực tế là vậy. Rồi một bản đồ lớn, cũ về đường sá vùng Balkan, in hai màu một cách cẩu thả. Thứ cuối cùng là một phong bì nhỏ màu ngà, dán kín và không ghi gì bên ngoài. Cha để phong bì đó qua một bên, không đụng đến nắp phong bì, theo đúng kiểu anh hùng mã thượng.

Chỉ có vậy. Cha đã dốc ngược và thậm chí còn lắc lắc chiếc phong bì màu nâu lớn đó đến độ tưởng chừng như xác một con ruồi chết cũng không thể không bị phát hiện. Khi đang làm động tác đó, cha bất chợt (và cũng là lần đầu tiên) có cảm giác ấy, cảm giác sẽ theo cha trong suốt những nỗ lực cha phải thực hiện sau này: Cha cảm nhận sự hiện diện của thầy Rossi, niềm tự hào của ông về tính chu đáo ở cha, điều gì đó như linh hồn ông đang sống và trò chuyện với cha qua những phương pháp thận trọng mà ông đã truyền dạy cho cha. Cha biết, với tư cách một nhà nghiên cứu, ông ấy đã làm việc một cách nhậm lẹ, nhưng đồng thời cũng biết rằng ông không bao giờ lạm dụng hoặc bỏ sót điều gì – không bỏ sót một tài liệu nào, một tư liệu lịch sử nào, dù nằm ở một nơi xa xôi cách trở đến đâu, và càng chắc chắn không bỏ sót một ý tưởng nào của các bạn bè đồnt sự, bất chấp nó có lạc mốt đến đâu. Sự biến mất của ông và – đầu óc cha như quay cuồng trong dòng suy tưởng – việc ông quá ư cần đến cha, đột nhiên đã khiến cha và ônt trở nên gần như ngang hàng. Cha cũnt có cảm tưởng là ông vẫn luôn hứa hẹn với cha điều này, sự bình đẳng này, từ trước tới nay, và chờ đợi cho đến lúc cha nhận được nó.

Bây giờ, mọi thứ vẫn còn ntuyên sơ và đang được bày ra trên bàn, trước mặt cha. Cha khởi đầu với những lá thư, những bức thư dài dày đặc chữ đánh máy trên loại giấy vỏ hành, rất ít lỗi và ít chỉnh sửa. Mỗi lá thư chỉ có một bản và có vẻ như chúng đã được sắp xếp theo trình tự thời gian. Được ghi ngày tháng cẩn thận, tất cả đều được viết từ tháng Mười hai năm 1930, hơn hai mươi năm trước. Trên đầu mỗi lá thư đều có tiêu đề CAO ĐẲNG TRINITY, OXFORD, không có địa chỉ chi tiết. Cha liếc qua lá thư thứ nhất. Nó thuật lại chuyện Rossi đã tìm thấy cuốn sách bí ẩn và nghiên cứu sơ khởi của ông tại Oxford. Lá thư được ký tên “Người bạn khổ đau của anh – Bartholomew Rossi”. Và lá thư mở đầu – Cha cầm tờ giấy vỏ hành cẩn thận ntay cả khi tay đã bắt đầu hơi run – lá thư bắt đầu một cách thân mật: “Người kế thừa thân mến và bất hạnh của tôi…”

Cha đột nhiên dừng lại, giọng nói run run của cha làm tôi phải kín đáo quay mặt đi trước khi cha có thể gắng gượng nói tiếp được điều gì khác. Như ngầm đồng thuận, chúng tôi cầm áo khoác lên, tản bộ băng qua cái quảng trường nhỏ bé và nổi tiếng, vờ như mặt tiền của ngôi nhà thờ kia vẫn còn thu hút sự chú ý của chúng tôi.

Bình luận
× sticky