Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

5 Giờ 25 Phút

Chương 6: Tại khách sản Ba Vương Mạn

Tác giả: Agatha Christie

Trước khi gặp thiếu tá Burnaby, thanh tra Narracott phải chịu đựng một loạt những câu kể lể dài dòng vô bổ của Belling, chủ khách sạn Ba Vương Miện. Người phụ nữ to béo này có kiểu nói một mạch, bắt người nghe phải nghe cho hết những chuyện con cà con kê của bà ta rồi bà ta mới chịu để yên.

– Chào ông! Thật không thể ngờ ông Trevelyan lại gặp phải một nỗi bất hạnh tàn bạo như thế. Cái bọn trộm cắp đáng nguyền rủa kia là cứ phải bỏ tù hết. Tôi không sao chịu nổi cái giống ấy. Bọn chúng rất sợ chó, vậy mà ông Trevelyan lại không chịu khó nuôi lấy một con để trông nhà và bảo vệ chủ. Mà hôm qua mưa tuyết dữ dằn quá, thành thử chỉ cách nhà hai chục mét cũng không ai nghe thấy gì hết…

– Thiếu tá Burnaby hiện có ở đây không? Tôi gặp ông ấy được chứ?

– Có đấy, thưa ông Narracott – bà chủ khách sạn đáp – Thiếu tá Burnaby hiện đang ăn điểm tâm bên phòng ăn. Tội nghiệp ông ấy quá. Đêm qua phải ngủ mà không được mặc đồ ngủ. Tôi là phụ nữ, lại góa chồng, làm gì có quần áo ngủ của đàn ông mà cho ông ấy mượn kia chứ? Cái chết của người bạn thân thiết làm ông ấy thành như người mất hồn. Cả hai ông đều tốt, duy ông đại úy lại quá keo kiệt. Tôi vẫn cứ bảo sống trên làng Sittaford heo hút ấy rất nguy hiểm, vậy mà bây giờ ông lại gặp tai họa sau khi xuống dưới thị trấn này. Đúng là định mệnh. Sống trên nơi hẻo lánh thì không sao, vậy mà xuống nơi có người này người nọ thì lại chết…

– Đúng thế, thưa bà Belling – thanh tra Narracott đành phải ngắt lời bà quả phụ thích nói kia – Khách hôm qua nghỉ ở khách sạn của bà là những ai? Có người nào không phải trong vùng này không?

– Khoan đã… Phải rồi, có hai ông nhà buôn, kiểu chào hàng ấy mà, tên là Moresby và Jones, và một ông khách trẻ người London. Có vậy thôi. Chẳng là mùa này ở đây yên tĩnh mà… Ôi, tôi suýt quên, còn một ông khách trẻ đến đây bằng chuyến tàu hỏa cuối cùng, hiện ông ta còn đang ngủ.

– Chuyến tàu cuối cùng?… Chuyến đến ga lúc mười giờ đêm phải không, thưa bà… Nếu vậy cứ để ông ta ngủ. Nhưng ông khách từ London đến? Bà biết ông ta không?

– Không. Hôm qua tôi gặp ông ta là lần đầu tiên. Không phải dân buôn đâu, trông dáng điệu cử chỉ là biết ngay. Tôi quên mất tên ông ta rồi. Nhưng có ghi trong sổ đấy. Sáng nay ông ấy đã rời khỏi đây từ sớm, đáp chuyến tàu đi Exter lúc sáu giờ mười. Chính tôi cũng thắc mắc, ông ta đến đây để làm gì không biết?

– Bà không hỏi ông ta làm nghề gì à?

– Không.

– Thời gian nghỉ ở đây, ông ta có đi đâu không?

– Có. Đến đây lúc giờ ăn trưa, thì khoảng bốn giờ chiều ông ta đi đâu đó, mãi sáu giờ rưỡi mới về.

– Bà không biết ông ta đi đâu à?

– Không. Chắc đi dạo thôi. Lúc đó trời chưa đổ trận mưa tuyết lớn, nhưng cũng không phải thích hợp cho việc đi dạo.

– Bà vừa bảo ông ta đi khỏi khách sạn lúc bốn giờ và về lúc sáu giờ rưỡi! Chà, nếu vậy tôi thấy lạ đấy. Bà có thấy ông ta nói gì đến đại úy Trevelyan không?

Bà chủ khách sạn lắc đầu mạnh mẽ:

– Không, thưa ông Narracott. Một là ông ta lầm lì chẳng nói chẳng rằng, như thể muốn tránh gặp mọi người… và trong nét mặt ông ta như đang băn khoăn điều gì…

Thanh tra Narracott lấy cuốn sổ ghi khách vãng lai, lật ra xem.

– James Pearson, London. Chỉ có vậy thôi. Chúng tôi đành phải tiến hành một cuộc điều tra nhỏ về ông James Pearson này vậy.

Rồi viên thanh tra sang phòng ăn. Thiếu tá Burnaby ngồi một mình, ngoài ra không có ai khác, và đang uống tách cà phê đen, trước mặt là tờ Thời báo mở rộng.

– Xin lỗi, ông là thiếu tá Burnaby?

– Vâng.

– Tôi là thanh tra Narracott, ở sở cảnh sát Exter.

– Chào ông thanh tra. Cuộc điều tra tiến triển tốt chứ?

– Vâng, tôi có thể khẳng định điều đó.

– Tốt lắm – viên thiếu tá lạnh nhạt nói, thậm chí giọng còn có vẻ hoài nghi.

– Xin ông cho hỏi vài câu, được không thưa thiếu tá Burnaby?

– Được chứ. Tôi sẽ cố trả lời đầy đủ nhất.

– Theo ông biết thì đại úy Trevelyan có ai thù hằn không.

– Hoàn toàn không có.

– Theo ông, người làm công cho ông ấy, Evans, có phải là người lương thiện không?

– Rất lương thiện, và ông đại úy rất tin tưởng cậu ta.

– Liệu có mối bất hòa nào giữa hai người xung quanh việc anh ta lấy vợ không?

– Hoàn toàn không. Chỉ là đại úy Trevelyan lo cô vợ Evans phá rối cuộc sống độc thân của ông ấy.

– Nhân đây xin hỏi, đại úy Trevelyan chưa hề kết hôn lần nào hay sao? Xin ông thiếu tá cho biết, đại úy có để lại chúc thư, nói tài sản của ông ấy sẽ để lại cho ai hưởng không?

Thiếu tá Burnaby vội vã đáp:

– Trevelyan có để lại chúc thư.

– Vậy là ông biết?

– Tất nhiên rồi, vì Trevelyan ủy thác cho tôi làm công việc thực hiện chúc thư đó.

– Ai là người được hưởng quyền thừa kế?

– Tôi không thể nói rõ được.

– Đại úy Trevelyan có nhiều tài sản không?

– Ông ấy giàu hơn người ta tưởng rất nhiều.

– Đại úy có họ hàng không?

– Có. Một bà chị, và theo tôi biết thì mấy đứa cháu cả trai lẫn gái. Trevelyan rất ít khi gặp họ, nhưng giữa ông ấy và gia đình bà chị không có xích mích gì.

– Hiện bản chúc thư ai giữ?

– Văn phòng hai công chứng viên ở thị trấn Exhampton, tên là Walter và Kirkwood.

– Thưa thiếu tá Burnaby, vì ông là người thực hiện chúc thư, ông có thể cùng đi với tôi đến gặp hai viên công chứng ấy không? Tôi muốn biết càng sớm càng tốt nội dung bản chúc thư ấy.

Thiếu tá Burnaby ngước mắt nhìn viên thanh tra:

– Có chuyện gì vậy? Bản chúc thư có tầm quan trọng trọng vụ án này hay sao?

Thanh tra Narracott chưa vội ngả bài ngay:

– Vụ án phức tạp hơn chúng tôi phỏng đoán lúc ban đầu. Tôi muốn hỏi thêm một câu nữa. Thưa thiếu tá Burnaby, hình như tối hôm qua, ông có hỏi bác sĩ Warren là phải chăng vụ án mạng xảy ra lúc năm giờ hai mươi nhăm, có chuyện đó không?

– Nhưng như thế thì sao? – thiếu tá Burnaby đột nhiên vặn lại.

– Do đâu thiếu tá đoán vụ án mạng xẩy ra vào giờ đó mà không phải vào giờ khác?

– Nghĩa là sao, tôi chưa hiểu?

– Căn cứ vào đâu thiếu tá đoán vụ án mạng xảy ra vào một giờ chính xác đến như vậy?

– Tôi rất có thể đoán là sáu giờ kém hai mươi nhăm, hoặc bốn rưỡi lắm chứ.

– Tất nhiên rồi – viên thanh tra công nhận.

Thanh tra Narracott nghĩ không nên tranh luận với thiếu tá Burnaby lúc này.

– Việc đại úy Trevelyan cho thuê tòa lâu đài ở Sittaford làm tôi rất khó hiểu.

– Xin nói ngay là tôi cũng không hiểu.

– Ra thế!

– Và không phải chỉ tôi, mà mọi người khác cũng không ai hiểu.

– Những người ở làng Sittaford?

– Làng Sittaford và thị trấn Exhampton. Bà ta đúng là điên khùng.

– Cả về cách sống và cách ăn mặc?

– Đúng thế.

– Thiếu tá rất quen biết bà ấy?

– Đúng thế. Tôi ngồi ở nhà bà ấy đúng vào lúc…

– Lúc làm sao? – Thấy viên thiếu tá ngưng câu nói lại giữa chừng, thanh tra Narracott liền hỏi.

– Không làm sao cả.

Thanh tra Narracott chăm chú nhìn thiếu tá Burnaby một lúc lâu, do thấy viên thiếu tá lúng túng, có vẻ sắp lộ ra điều gì đó. Một điều mà ông rất muốn biết.

“Rồi sẽ đến lúc mình biết” – thanh tra Narracott thầm nghĩ.

Làm ra vẻ thản nhiên, ông nói to.

– Nghĩa là chiều hôm qua thiếu tá ngồi trong lâu đài Sittaford. Bà khách thuê kia đã ở đó được bao lâu rồi?

– Khoảng hai tháng.

Có vẻ muốn xóa đi những câu bất cẩn của mình, viên thiếu tá tỏ ra mau miệng hơn trước.

– Bà ta ở đó cùng với cô con gái, đúng vậy không?

– Đúng thế. Bà ta góa chồng.

– Bà ta có nói tại sao bà ta chọn thuê toà lâu đài đó trong mùa đông này không?

Thiếu tá Burnaby gãi mũi:

– Bà ta nói rất nhiều… về phong cảnh thiên nhiên hiếm có ở đây… về tính thích sự cô đơn của bà ta… về đủ thứ khác. Tuy nhiên…

Viên thiếu tá cựu chiến binh dừng lại tìm chữ.

Thanh tra gợi ý:

– Thiếu tá cũng cảm thấy việc bà ta về nghỉ đông tại Sittaford là không bình thường?

– Đúng thế. Một phụ nữ giàu có, mặc theo mốtthời trang mới nhất, lại có một cô con gái xinh đẹp, giá như nghỉ ở khách sạn Ritz hoặc khách sạn Claridge thì hợp hơn nhiều.

– Nhưng bà ta không sống cô độc, đúng vậy không? Bà ta không có vẻ cần… lẩn trốn?

– Đúng thế. Trái lại là đằng khác. Bà ta liên tục mời chúng tôi đến nhà. Mà ở cái làng Sittaford nhỏ xíu, đâu có đông đúc để có thể viện cớ người này mời người khác mời để khước từ lời mời của bà ta? Cho nên nhiều khi láng giềng rất khó xử.

– Chắc bà ta có thói quen từ hồi sống ở thuộc địa?

– Tôi cũng đoán thế.

– Thiếu tá có nghĩ rằng có thể bà ta quen biết viên đại úy Trevelyan từ trước không?

– Trước đó bà ta không hề quen biết Trevelyan.

– Nghe ông nói có vẻ quả quyết.

– Trevelyan có kể với tôi nghe khi bà ta đến Sittaford.

– Rất có thể bà ta đến đây cốt để nối lại mối quan hệ trước kia với ông đại úy?

Cách đặt vấn đề của thanh tra Narracott quá mới mẻ và đột ngột, khiến thiếu tá Burnaby phải suy nghĩ một lát.

– Thú thật chưa bao giờ tôi nghĩ đến khả năng đó. Nhưng tôi không tin là có chuyện ấy. Tôi thấy bà ta xởi lởi, thích mở rộng giao du chỉ là do thói quen của những người đã sống lâu năm ở các nước thuộc địa.

– Tôi hiểu. Đại úy Trevelyan tự thuê xây tòa biệt thự Sittaford?

– Đúng thế.

– Ngoài ông ấy ra, không có ai khác đến ở đấy? Tôi muốn nói là ông đại úy chưa cho ai thuê nó bao giờ.

– Chưa.

– Có nghĩa không phải do ông đại úy rao cho thuê? Quả là điều khó hiểu! Nhưng theo tôi thì tòa lâu đài đó không liên quan gì đến vụ án mạng, mà đó chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên… khiến tôi chú ý. Còn ngôi biệt thự đại úy Trevelyan thuê ở thị trấn này là của ai?

– Biệt thự “Hazelmoor” là của bà Larpent, một phụ nữ đứng tuổi, không chồng, mùa đông thường ra thành phố Cheltenham, thuê một ngôi nhà tại đó để ở. Thông thường bà ta khóa cửa để đấy, rất ít năm có người thuê.

Vậy là cuộc gặp thiếu tá Burnaby không giúp gì thêm cho thanh tra Narracott. Ông chán nản, hỏi thêm câu cuối cùng:

– Việc thuê đó là do hãng Williamson môi giới, đúng vậy không?

– Đúng.

– Hãng môi giới nhà đất này đóng tại thị trấn Exhampton này?

– Đúng thế. Văn phòng của hãng này ngay gần văn phòng ông công chứng.

– Thế thì, nếu ông không phiền, xin thiếu tá đi với tôi đến văn phòng công chứng, và tiện đường, ta ghé vào văn phòng hãng Williamson, được không?

– Ông muốn đi ngay bây giờ?

Thiếu tá Burnaby đã ăn xong bữa điểm tâm từ lâu, bèn đứng lên đi theo thanh tra Narracott.

Bình luận