Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

5 Giờ 25 Phút

Chương 21: Những cuộc trò chuyện

Tác giả: Agatha Christie

Còn lại một mình, chàng phóng viên Enderby vẫn không giảm cường độ hành động. Để biết rõ cuộc sống hằng ngày của cư dân xóm Sittaford này, anh ta chỉ cần gợi chuyện để bà Curtis mở máy. Trong lúc nghe người đàn bà thích nói này thao thao kể, Enderby cố ghi nhớ các mẩu chuyện, các lời ngôi lê đôi mách, những chuyện tai tiếng, rồi lọc ra trong mớ tư liệu hỗn độn ấy những thứ anh ta thấy là quan trọng.

Qua đó, Enderby biết được rằng ông Wyat tính khí “tồi tệ”, chuyên cãi nhau với hàng xóm láng giềng, nhưng lại hết sức hòa nhã với những “tiểu thư xinh đẹp”. Anh biết được giờ ăn hàng ngày của ông đại úy già đã quen sống ở các thuộc địa này, món ăn thông thường của ông ta và cách đối xử tàn bạo với người đầy tớ châu Phi.

Bà Curtis kể về những cuốn sách của cụ Rycroft, về thứ dầu xức tóc của ông cụ, và về tính thích chính xác giờ giấc một cách quá mức, cả tính thích xấn xổ vào công việc người khác của ông cụ nữa. Enderby còn biết được rằng gần đây ông cụ bán được một số đồ cổ rất đắt tiền, và chuyện phu nhân Willett dường như cố tìm cách làm thân với ông cụ.

Theo cách tả của bà Curtis thì bà Percehouse là loại người phụ nữ độc miệng, suốt ngày chê bai và hành hạ người cháu, anh chàng Garfield, anh này vốn quen thói hưởng lạc tại thành phố London.

Chàng nhà báo Enderby lắng nghe rất kỹ về đôi bạn thân thiết: thiếu tá Burnaby và đại úy Trevelyan, cũng như hai mẹ con phu nhân Willett. Theo bà Curtis thì cô Violette chỉ tỏ ra là thân với Garfield, thật ra cô không coi anh này ra cái gì. Bà Curtis kể rằng bà nghe nói cô Violette ấy nhiều lúc dạo chơi ra xa lâu đài Sittaford, đến tận những khu đất hoang vu cùng với Garfield. Theo phỏng đoán của bà Curtis thì phu nhân Willett chọn nơi hẻo lánh này là muốn tách con gái ra khỏi một anh chàng nào đó theo đuổi cô mà bà không ưa. Nhưng ngăn sao được khi một đôi trẻ đã mê nhau?

Riêng về ông Duke thì bà Curtis không biết gì, ngoài việc ông ta mới dọn đến đây chưa lâu và rất say mê cây cảnh.

Ba giờ mười lăm, khi đầu óc đã mụ đi về các câu chuyện huyên thuyên của bà Curtis, Enderby đứng dậy ra ngoài để giải lao. Anh ta muốn tìm hiểu sâu thêm về người cháu bà Percehouse. Dạo chơi xung quanh ngôi biệt thự của bà già bại liệt này mấy vòng, chưa biết làm cách nào thì một dịp may xuất hiện. Enderby nhìn thấy Garfield vẻ mặt cau có, chán chường đang từ trong lâu đài Sittaford đi ra.

– Chào anh – Enderby bắt chuyện – Có phải đây là lâu đài của ông đại úy Trevelyan không nhỉ?

– Phải.

– Tôi đang định chụp tòa lâu đài này cho tờ báo của tôi… Nhưng ít ánh sáng quá.

Garfield chấp nhận ngay lời giải thích ấy, vì anh ta đâu biết phải có nhiều ánh sáng đến mức nào mới chụp được những tấm ảnh để đăng lên báo.

– Anh có cái nghề thú vị đấy – Garfield nói.

– Anh tưởng thế! Đây là một cái nghề chó má – Enderby đáp, cho rằng phàn nàn về nghề nghiệp mình là một chiến thuật hay – Tôi cảm thấy tòa lâu đài có dáng u uất thế nào ấy – anh nói thêm, trong lúc ngắm nghía lâu đài Sittaford.

– Hồi phu nhân Willett chưa đến ở, tình trạng còn tồi tệ hơn nhiều. Năm ngoái, cũng vào thời gian này, tôi đến đây săn sóc bà cô, tôi thấy buồn tẻ đến mức không sao chịu nổi.

– Trong làng Sittaford này không có gì để giải trí hay sao?

– Nếu phải ở đây một tháng liền, hẳn tôi phát điên lên mất. Tôi không hiểu tại sao bà cô tôi lại bám chặt nơi này đến thế? Anh nhìn thấy mấy con mèo của bà cụ chưa? Sáng nay, tôi định mơn trớn một con, liền bị nó cào ngay một phát.

Garfield chìa bàn tay rồi kéo ống tay áo lên cho chàng nhà báo nhìn thấy những vết mèo cào.

– Nơi đây buồn tẻ quá nhỉ?

– Đúng thế! Nhưng nếu anh cần thu thập thông tin để viết báo, tôi có thể giúp anh được đấy.

– Trong tòa lâu đài kia có chuyện gì lý thú không? Đại úy Trevelyan có để lại đấy những vật dụng của ông ấy không?

– Tôi nghĩ là không. Bà cô tôi bảo, ông ta chỉ để lại những thứ hết sức cần thiết, còn thì mang theo xuống thị trấn Exhampton: những cái ngà hà mã, chân voi, súng săn, và mọi thứ khác.

– Như thể ông ta tính sẽ không quay về lâu đài này nữa?

– Anh có một nhận xét hay đấy. Hay là ông Trevelyan tự tử?

– Không đâu. Ai lại tự tử bằng cách quật bao cát lên đầu mình bao giờ?

– Nếu không thì rất có thể ông ấy đã linh cảm thấy một điều gì đó.

Cặp mắt Garfield bỗng sáng lên:

– Rất có thể đại úy Trevelyan cảm thấy có kẻ đang tìm giết ông ta, cho nên ông ta vội chuyển đi ở nới khác và đem cho thuê tòa lâu đài này.

– Nhưng phu nhân Willett tự ngỏ ý muốn thuê đấy chứ!

– Anh nói đúng. Quả tôi vẫn chưa hiểu hai mẹ con bà ta thuê nhà ở tận nơi hẻo lánh này nhằm mục đích gì. Cô Violette thì tỏ ra rất thích thú. Cô ta bảo phong cảnh ở đây đẹp. Nhưng hôm nay thì tôi thấy cô ấy cáu kỉnh thế nào ấy. Hay tại đám đầy tớ bỏ đi cả? Nhưng nếu chúng không chịu làm phận sự thì thà tống cổ hết đi còn hơn.

– Hình như hiện nay không còn người đầy tớ nào ở lại phải không?

– Đúng thế. Đâm hai mẹ con bà Willett phải tự làm lấy mọi việc. Bà mẹ thì nằm trong phòng chán ngán. Cô con gái thì thấy tôi đến lập tức cau có từ chối không tiếp…

– Hình như cảnh sát đến thẩm vấn họ?

Garfield ngạc nhiên nhìn anh nhà báo:

– Cảnh sát? Làm gì có chuyện ấy? Mà tại sao cảnh sát lại thẩm vấn họ?

– Tôi không biết. Chỉ là sáng nay tôi nhìn thấy thanh tra Narracott ở trong đó ra.

Garfield để rơi chiếc gậy, cúi xuống nhặt lên:

– Thanh tra Narracott?

– Đúng thế.

– Vậy là ông ta chịu trách nhiệm điều tra vụ Trevelyan?

– Chính xác.

– Ông ta đến làng Sittaford này làm gì? Anh nhìn thấy ông ta ở đâu?

– Hẳn là để tìm hiểu quá khứ của đại úy Trevelyan.

– Anh tin là chỉ như thế?

– Chắc thế.

– Hay ông ta tin rằng hung thủ là một người nào đó trong làng Sittaford này?

– Chắc không phải.

– Vậy tại sao ông ta lại dò la ở đây? Đám trinh sát này giống nhau như hệt! Tôi đọc cuốn tiểu thuyết hình sự nào cũng thấy kiểu điều tra như vậy đấy.

– Tôi thì ngược lại. Tôi cho rằng đó là những con người rất thông minh – nhà báo Enderby nói – Tất nhiên là giới nhà báo chúng tôi cũng giúp thêm họ rất nhiều nữa. Nhưng nếu anh theo dõi các vụ án trên báo chí, anh sẽ thấy cảnh sát rất giỏi tìm ra thủ phạm, đôi khi chẳng có biểu hiện gì lúc ban đầu.

– Hẳn là như thế. Thì họ đã chẳng bắt thằng cha Pearson đấy ư? Bây giờ thì chuyện thằng cha phạm tội đã quá rõ ràng…

– Rõ như nhìn vào nước suối trong vắt. Rất may là chúng ta không rơi vào hoàn cảnh của anh ta. Thôi, chào anh, tôi phải đi đánh mấy bức điện. Tại cái nơi này, bưu điện không quen đánh điện, chỉ một bức điện quá mười từ thôi, nhân viện điện báo cũng nhìn tôi như nhìn một thằng điên.

Trong ngôi biệt thự của thiếu tá Burnaby lại diễn ra một cuộc đối thoại khác, phải nói là độc thoại thì đúng hơn. Bà Curtis xách một làn đầy quần áo bẩn, vẫn nấn ná đứng lại đây bắt chuyện.

– Sáng nay tôi đã bảo chồng tôi, là cô gái xinh đẹp ấy chài khắp cả đám thanh niên, chẳng chừa ai.

Thiếu tá Burnaby chỉ ậm ừ. Người phụ nữ ba hoa nói tiếp:

– Đã đính hôn với một anh chàng, vậy mà vẫn chài những anh chàng khác. Ông thiếu tá thấy không, cô ta làm thằng Garfield mê muội. Cứ nhìn thấy cô ta là nó lúng ta lúng túng, ngoan ngoãn như con cừu non ấy.

Bà ta dừng lại lấy hơi. Viên thiếu tá bèn nói luôn:

– Tôi không dám giữ bà lại lâu, chào bà Curtis.

– Tôi về chuẩn bị cho ông chồng tôi ăn bữa phụ – bà ta nói nhưng vẫn đứng yên – Tính tôi không hay thóc mách chuyện người khác. Mình tự biết lấy mình thôi, còn người khác mặc họ. Mà ông thiếu tá này, có lẽ hôm nào ông để tôi làm tổng vệ sinh ngôi nhà của ông nhé?

– Không! – Viên thiếu tá trả lời dứt khoát.

– Nhưng đã một tháng nay nhà chưa được tổng vệ sinh!

– Không! Tôi không muốn rồi đến lúc muốn tìm thứ gì cũng không thấy, bởi mỗi lần bà làm tổng vệ sinh, bà chuyển chỗ lung tung, tôi chẳng còn biết thứ nào ở đâu nữa.

Bà Curtis thở dài. Bà ta rất thích làm tổng vệ sinh. Bà nói tiếp:

– Nhà ông Wyat đã đến lúc cần làm tổng vệ sinh lắm rồi đấy. Tên đầy tớ da đen chẳng biết làm gì cả. Nhà bẩn thỉu như cái chuồng lợn ấy. Thỉnh thoảng tôi cứ phải sang thu dọn cho ông ta đôi chút.

– Tôi lại mong có một tên đầy tớ da đen như thế. Nó chỉ biết làm, không chuyện con cà con kê.

Thiếu tá Burnaby cố ý muốn làm bà Curtis tự ái nhưng ông lầm. Bà ta vẫn điềm nhiên nói tiếp:

– Chỉ trong vòng chưa đến nửa tiếng đồng hồ mà cô ta nhận hai bức điện liền. Tôi dã thử quan sát xem thế nào, thấy cô ta chỉ liếc mắt xem qua, vẻ mặt vẫn điềm tĩnh. Rồi cô ta bảo phải đi ra thị xã Exter, mai mới về đây.

– Cô ta có rủ cậu nhà báo kia đi cùng không? – Viên thiếu tá hỏi, có vẻ hy vọng.

– Không, anh ta ở lại đây. Anh nhà báo này hiền lành, không kiêu căng. Anh ta đi với cô ấy trông thật đẹp đôi quá.

Thiếu tá Burnaby lại nhăn mặt.

– Thôi, tôi đi đây – bà Curtis nói.

Viên thiếu tá không dám thở mạnh, sợ làm bà láng giềng thích nói kia thay đổi ý kiến. Nhưng lần này bà ta đi thật. Ra đến ngoài, bà ta khép cánh cửa lại.

Thở phào nhẹ nhõm, thiếu tá Burnaby nhồi thuốc lá vào tẩu, cúi xuống chăm chú đọc bản tường trình đầy lạc quan hoạt động kinh doanh của một công ty khai thác khoáng sản. Bản tường trình này không lừa được ai trừ các bà quả phụ và các đại úy về hưu.

– Mười hai phần trăm – viên thiếu tá lẩm bẩm… – Nơi này làm ăn có vẻ khá đấy…

Trong ngôi biệt thự bên cạnh, đại úy Wyat đang trình bày quan điểm của mình với cụ Rycroft:

– Những người thuộc loại cụ không biết gì thực tế hết. Các vị coi như không hề sống. Chưa bao giờ cụ ăn thứ thịt bò điên.

Cụ Rycroft thận trọng không cãi lại. Viên đại úy nghiêng đầu sang thành chiếc ghế thương binh.

– Đứa con gái kia đi đâu không biết?

Cách gọi cô Emily Trefusis như vậy làm cụ Rycroft ngạc nhiên, há hốc miệng nhìn viên đại úy thương binh.

– Con bé đến đây làm cái gì không biết? – rồi ông ta gọi to – Abdul!

– Sahib? (Ông chủ)

– Con Bully đâu?

– Dưới bếp, thưa Sahib.

– Hôm nay bắt nó nhịn ăn.

Viên đại úy Wyat lại ngả người ra lưng ghế.

– Tôi cứ tự hỏi, con bé ấy đến đây làm gì? Sáng nay tôi tình cờ gặp nó, hỏi nó vài câu. Con bé có vẻ rất ngạc nhiên thấy một người như tôi lại sống trong một ngôi biệt thự thế này.

Viên đại úy thương binh xoắn ria mép.

– Cô ấy là vị hôn thê của cậu James Pearson, đã bị bắt giam vì tình nghi giết ông Trevelyan – cụ Ryeroft giải thích.

Đại úy Wyat với tay lấy ly whisky, nhưng tuột tay làm rơi xuống sàn. Lập tức ông ta quát gọi anh đầy tớ da đen Abdul, mắng về tội đặt ly rượu trên chiếc ghế đẩu quá xa ghế thương binh của ông ta. Rồi ông ta tiếp tục câu chuyện.

– Thật à? Vậy ra con bé là vợ chưa cưới của thằng cháu gọi Trevelyan bằng cậu? Con bé thông minh gấp ngàn lần thằng chồng chưa cưới non choẹt ấy. Loại con gái đẹp như thế lẽ ra phải lấy một thằng đàn ông cho đúng là đàn ông.

– Cậu James Pearson kia cũng đẹp trai đấy chứ – cụ Rycroft cãi.

– Đẹp cái gì? Trông như thằng thợ cạo. Một viên chức tàng, ngày ngày cắp cặp đến công sở, không biết tý gì về cuộc đời.

– Thế thì lần này bị giam cậu ta sẽ có khá nhiều kinh nghiệm cho cuộc sống sau này – cụ Rycroft lạnh nhạt nói.

– Tôi cho rằng cảnh sát bắt lầm.

– Họ phải có đủ chứng cớ thì mới bắt chứ!

– Bọn cảnh sát toàn một lũ ngu đần cả ấy mà! – Viên đại úy thương binh khinh bỉ nói.

– Không đâu? Sáng nay tôi gặp thanh tra Narracott, thấy ông ta có vẻ là người thông minh, có trình độ.

– Cụ gặp lão ta ở đâu?

– Ông ta đến nhà tôi.

– Sao lão không đến nhà tôi nhỉ? – đại úy Wyat kêu lên giận dữ.

– Chắc vì ông không phải là bạn Trevelyan.

– Trevelyan là đứa keo kiệt, bẩn thỉu. Tôi đã nói thẳng điều ấy vào mặt hắn. Tôi đã ngán thấy hắn cứ xồng xộc vào nhà này bất kể lúc nào. Tôi đâu thèm quì gối trước mặt hắn như đa số các người trong xóm Sittaford này. Việc tôi hàng tuần, thậm chí hàng tháng không gặp ai là việc của tôi.

– Hình như đã một tuần nay ông không tiếp ai phải không?

– Thì đã sao?

Viên đại úy thương binh giận dữ đấm mạnh tay xuống bàn. Cụ Rycroft biết câu hỏi vừa rồi của mình làm ông ta nổi cáu. Nhưng cụ giữ im lặng, và cơn giận dữ của viên đại úy cũng dịu xuống.

– Nếu cảnh sát muốn thu lượm thông tin về Trevelyan thì phải hỏi tôi chứ? Tôi là người từng trải, ngao du khắp bốn phương trời, tôi thừa đủ kinh nghiệm để xét đoán một con người. Vậy mà lão thanh tra đi hỏi dò mấy đứa ngu xuẩn và mấy mụ đàn bà già khọm. Một câu nhận xét của tôi giá trị bằng hàng chục câu của mấy đứa ngu đầ ấy.

– Chắc ông thanh tra không biết – cụ Rycroft dè dặt nói.

– Hẳn là thế rồi! Lão thanh tra có hỏi cụ về tôi không?

– Tôi không nhớ.

– Sao lại thế? Cụ đâu còn là đứa trẻ ranh!

– Không phải, mà là lúc ấy tôi bối rối.

– Thật à? Thấy cảnh sát là cụ hoảng chứ gì? Lão thanh tra mà đến đây, cụ sẽ thấy tôi trả lời lão đàng hoàng thế nào. Cụ biết không, đêm hôm nọ tôi bắn chết một con mèo ở cách xa một trăm mét đấy.

– Vô lý !

Cái trò thỉnh thoảng lại chĩa súng ngắn bắn một con mèo có thật hoặc tưởng tượng của viên đại úy này làm láng giềng luôn phải giật bắn lên vì hoảng hốt.

– Tôi mệt rồi – đột nhiên viên đại úy nói – Cụ uống thêm một cốc rượu nữa rồi hãy về.

Cụ Rycroft hiểu điều ám chỉ của viên đại úy, bèn đứng lên. Viên đại úy ép cụ uống thêm ly rượu.

– Uống đi! Kẻ nào không uống rượu không phải đàn ông.

Cụ Rycroft đã uống một ly whisky pha sôđa khá nặng nên khước từ.

– Cụ dùng thứ trà nào đấy? – đại úy Wyat hỏi – Tôi không biết thứ trà nào với thứ trà nào. Tôi đã sai thằng Abdul đi mua. Con bé xinh đẹp kia thế nào cũng có hôm ghé vào đây dùng một tách trà, cụ có tin như thế không? Tội nghiệp, nó cô đơn quá, cần phải được an ủi đôi chút.

– Cô ấy có một câu con trai đi cùng kia mà?

– Đã đành. Nhưng bọn thanh niên bây giờ có ra làm sao? Toàn bọn vô tích sự hết.

Vấn đề quá hóc búa, cụ Rycroft không đáp, chỉ chào rồi ra về.

Con chó cái của đại úy Wyat đi theo cụ ra đến tận hàng rào, tạo cho cụ một ấn tượng khó chịu.

Trong ngôi biệt thự số 3, bà Percehouse trò chuyện với cháu, anh chàng Garfield.

– Mày theo đuổi một đứa con gái khinh mày như rác mà không thấy hổ thẹn à? Vào địa vị mày, cô nhằm vào con gái bà Willett ấy. Loại con gái ấy may ra mày còn có thể hy vọng, mặc dù cô không tin là nó yêu được mày.

– Thì hai cô có khác gì nhau – Garfield cãi.

– Mà sao mày không kể cô nghe chuyện một thanh tra cảnh sát đến xóm Sittaford này? Cô có thể cung cấp cho ông ta rất nhiều thông tin bổ ích.

– Chính cháu cũng chỉ biết ông ta đến đây sau khi ông ta đã đi.

– Đúng là tính nết của mày!

– Cô tha lỗi.

– Lúc sơn ghế ngoài vườn mày phải cẩn thận, chứ rây hết cả sơn lên quần áo, mặt mũi thế kia à? Mà phí phạm cả sơn nữa.

– Cháu không cố tình, thưa cô.

– Im! Nghe cô nói câu gì thì đừng có cãi! – bà Percehouse nói rồi nhắm mắt – Cô đang mệt.

Garfield vẻ mặt băn khoăn, hết đứng trên chân này lại chuyển sang chân kia.

– Cái gì? – bà già hỏi.

– Không ạ… chỉ có là…

– Là gì?

– Cháu muốn xin phép cô, ngày mai cháu ra thị xã Exter…

– Để làm gì?

– Cháu muốn gặp một người bạn.

– Thằng bạn ấy thế nào?

– Nó cũng bình thường như mọi người khác.

– Muốn nói dối, phải biết cách nói dối cho khéo.

– Nhưng…

– Đừng cãi lại cô.

– Vậy cô bằng lòng cho cháu đi chứ?

– Sao mày hỏi thế? Mày còn bé gì nữa? Hai mươi mốt tuổi rồi đấy.

– Vẫn biết thế, nhưng cháu không muốn…

Bà Persehouse lại nhắm mắt.

– Cô đã bảo để yên cho cô nghỉ kia mà? Nếu như đứa bạn ấy mặc váy và tên là Emily Trefusis thì mày chỉ tổ làm nó cười thầm trong bụng thôi.

– Cô nghe cháu nói đã…

– Để yên cô nghỉ.

Bình luận