Tàu hỏa chạy từ thị trấn Exhampton đến thị xã Exter mất khoảng nửa giờ. Lúc mười hai giờ kém năm, thanh tra Narracott gõ cửa biệt thự “Hoa hồng”.
Ngôi biệt thự vẻ hoang tàn, cỏ mọc lấn mọi nơi, trông tiêu điều. Thanh tra Narracott thầm nghĩ: “Xem chừng cuộc sống ở đây không lấy gì làm sung túc”.
Cho đến lúc này, chưa thấy dấu hiệu nào chứng tỏ đại úy Trevelyan bị giết bởi một kẻ nào thù hằn. Trong khi đó, phần gia tài thừa kế, dù chia ra bốn phần đi nữa thì cũng khá lớn. Tên người khách ở khách sạn Ba Vương Miện họ Pearson có vẻ khả nghi, nhưng đó là một họ rất phổ biến trên khắpnước Anh. Thanh tra Narracott có tính luôn hoài nghi những kết luận vội vã, và ông muốn tạo chomình một cách suy nghĩ thoải mái trong việc điều tra.
Một chị đầy tớ vẻ lạnh nhạt ra mở cửa.
– Chào chị – thanh tra Narracott nói – Tôi muốn gặp phu nhân Gardner về vụ ông em bà là đại úy Trevelyan bị chết.
Viên thanh tra thận trọng chưa để lộ ra ý đồ nào của mình cho chị đầy tớ. Thấy khách là người của cảnh sát, chị ta hơi giật mình.
– Phu nhân Gardner đã biết tin ông em bà chết chưa? – viên thanh tra bình thản hỏi.
– Có, bà chủ nhận được điện của ông công chứng Kirkwood.
Chị đầy tớ dẫn Narracott vào phòng khách.
Trong nhà cũng thảm hại không kém gì bên ngoài,rõ ràng là phải bỏ ra một số tiến lớn để sửa sang lại ngôi nhà. Tuy nhiên không hiểu do đâu, thanh tra Narracott cảm thấy những đồ đạc cũ kỹ kia toát ra một vẻ gì dễ mến.
– Hẳn bà chủ chị choáng váng lắm?
Chị đầy tớ lạnh nhạt nói:
– Hai chị em bà chủ tôi có mấy khi gặp nhau đâu?
– Bức điện của ông công chứng có nói ông em phu nhân bị giết không?
– Bi giết? – chị đầy tớ tròn xoe mắt kinh hoàng.
– Nghĩa là ở đây chưa ai biết gì hết. Xin lỗi, tên chị là gì?
– Beatrice, thưa ông.
– Chị Beatrice, tôi rất cần gặp bà chủ, bởi chỉ chiều nay thôi, báo chí sẽ đưa tin về vụ án mạng ấy. Bà chủ chị chiều hôm qua có đến Exhampton không đấy? – Viên thanh tra hỏi bằng giọng hết sức thản nhiên.
– Tôi không nghe nói. Bà chủ tôi có lệ, chiều nào cũng đi dạo phố, mua sắm, rồi vào rạp xem phim.
– Bà về nhà lúc mấy giờ?
– Khoảng sáu giờ.
Vậy là bà Gardner có bằng chứng ngoại phạm.
– Tôi không được biết mấy về hoàn cảnh gia đình nhà ta. Phu nhân Gardner góa chồng phải không nhỉ?
– Không phải đâu, thưa ông.
– Vậy ông Gardner làm gì?
– Không làm gì cả. Vì ông chủ tôi là thương binh nặng.
– Thật thế sao?
– Suốt ngày, ông chủ tôi không đi đâu, chỉ nằm trên giường. Chúng tôi thuê một y tá chăm sóc ông chủ.
– Ra thế. Bây giờ chị báo bà chủ biết ông công chứng Kirkwood ở Exhampton cử tôi đến đây gặp bà.
Chị đầy tớ ra. Lát sau một người phụ nữ cao lớn, cử chỉ đường bệ, tóc hoa râm bước vào. Bà ta nhìn khách vẻ dò hỏi.
– Ông công chứng Kirkwood ở Exhampton cử ông đến đây?
– Không hẳn là như thế, thưa bà. Tôi nói thế với chị đầy tớ thôi. Em trai bà, đại úy Trevelyan bị ám sát chiều hôm qua. Còn tôi là thanh tra Narracott, chịu trách nhiệm điều tra vụ án mạng này.
Bà Gardner này hẳn phải có dây thần kinh bằng sắt. Bà ta chỉ nheo mắt, hơi thở mạnh hơn bình thường, rồi trỏ ghế mời khách ngồi.
– Bị ám sát? Khó mà tin được! Kẻ nào có thể giết cậu ấy được?
– Đó chính là điều tôi đang cần làm sáng tỏ, thưa bà.
– Tất nhiên rồi. Tôi hy vọng có thể giúp được ông, nhưng chắc gì. Trong mười năm qua, hai chị em chúng tôi quá ít gặp nhau. Tôi lại không biết các bạn bè của cậu ấy, và những người cậu ấy tiếp xúc.
– Xin bà tha lỗi, nhưng giữa bà với ông đại úy có xích mích gì không?
– Nói xích mích thì không. Đúng hơn, đó là sự lạnh nhạt. Cậu em tôi không tán thành cuộc hôn nhân của tôi. Chắc ông đã biết, cậu em tôi được một bà cô cho thừa kế một gia tài rất lớn. Trong khi đó chị tôi và tôi lại lấy chồng nghèo. Hồi chồng tôi bị tai nạn, liệt, tôi rất cần một khoản tiền để chữa chạy. Tôi bèn hỏi vay cậu ấy, nhưng cậu ấy từ chối. Tất nhiên đấy là quyền của cậu ấy. Nhưng từ ngày đó hai chị em rất ít khi gặp nhau, thậm chí không viết thư cho nhau nữa.
Lời khai của bà Gardner rất rõ ràng và cô đọng.
Thanh tra Narracott thầm nghĩ: “Một phụ nữ khác thường”. Khác thường ở chỗ nào thì ông không cắt nghĩa được. Bà Gardner bình thản kể về các sự kiện, nhưng không hề hỏi chi tiết về cái chết của ông em.
– Bà muốn biết vài chi tiết về cái chết của đại úy Trevelyan không?
Bà Gardner chau mày.
– Có cần thiết không? Tôi hy vọng cậu ấy chết không đến nỗi đau đớn lắm, có phải thế không?
– Đúng thế. Ông ấy chết ngay lập tức.
– Thế là đủ. Ông không cần kể gì thêm nữa.
“Lạ lùng! Quả là lạ lùng!” Thanh tra Narracott thầm nghĩ.
Dường như bà Gardner đọc được ý nghĩ trong óc viên thanh tra, bà nói:
– Chắc nghe tôi nói ông thấy lạ lùng, thưa ông thanh tra? Nhưng nếu ông biết tất cả những nỗi ghê tởm mà chồng tôi phải chứng kiến… và kể lại cho tôi nghe, hẳn ông sẽ hiểu tôi hơn.
– Tất nhiên rồi, thưa bà Gardner. Tôi đến đây chỉ cốt thu thập thêm một số thông tin về bà và gia đình bà. Bà có thể cho tôi biết về những họ hàng khác còn sống của ông em bà không?
– Họ hàng gần thì chỉ có gia đình Pearson, mấy đứa con của bà chị tôi, bà Mary Pearson.
– Bà Pearson có mấy người con?
– Ba: hai con trai James và Brian, một con gái là Sylvia.
– James?
– Nó lớn nhất, hiện đang làm cho một công ty bảo hiểm.
– Anh ấy bao nhiêu tuổi?
– Hai mươi tám.
– Có vợ chưa?
– Chưa, nhưng có người yêu… nghe nói là một cô gái rất đáng yêu nhưng tôi chưa gặp.
– Địa chỉ James Pearson?
– 21, phố Cromwell, quận Tây-Nam, London.
Thanh tra Narracott ghi vào sổ tay.
– Người con thứ hai?
– Sylvia, chồng là Martin Dering, một cây bút viết tiểu thuyết khá nổi tiếng.
– Địa chỉ?
– Biệt thự “Tổ ấm”, đường Surray, thành phố Wimbledon.
– Người con thứ ba?
– Brian, hiện sống ở Australia, tôi không biết địa chỉ nó, nhưng ông hỏi anh và chị nó chắc chắn biết.
– Vô cùng cảm ơn bà, thưa bà Gardner. Để cho đúng thủ tục, xin bà cho biết chiều và tối hôm qua bà làm những gì ở đâu?
Bà Gardner tỏ vẻ ngạc nhiên.
– Để tôi nhớ lại. Chiều qua, tôi đi mua sắm vài thứ lặt vặt, rồi đi xem phim. Khoảng sáu giờ chiều tôi về nhà. Thấy váng đầu, tôi đi nằm cho đến bữa ăn tối.
– Cảm ơn bà.
– Ông cần hỏi thêm gì nữa không?
– Hiện thế là đủ. Bây giờ tôi đi tìm gặp mấy người cháu của bà. Tôi không biết ông công chứng Kirkwood đã thông báo với bà chưa, là bà và ba người cháu của đại úy Trevelyan được hưởng thừa kế của ông ấy.
– Vậy là tôi sắp đổi đời! Cho đến nay, tôi phải tính toán từng xu, và phải bó mồm bó miệng đến khổ.
Bà nhổm dậy khi nghe thấy giọng đàn ông gọi trên gác.
– Mình đâu rồi?
– Ông tha lỗi – Bà Gardner nói với viên thanh tra.
Lúc bà mở cửa, tiếng gọi vang to và khẩn thiết:
– Mình đâu rồi? Lên đây mau!
Thanh tra Narracott đi theo bà Gardner ra đến cửa phòng khách, dừng lại nhìn theo người phụ nữ hấp tấp chạy lên thang gác.
– Em đây, em đây!