Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đắm Đuối

Chương 1

Tác giả: Carter Brown

Ở bên ngoài, đêm nóng bỏng và quyến rũ như cô nàng tóc vàng mà tôi bỏ lại nhà khi phải vội vã ra đi. Từ nãy đến giờ hẳn nàng ta cũng đã bắt đầu cảm thấy như tôi, nghĩa là mình mẩy ướt đẫm mồ hôi và thất vọng não nề. Đêm hôm khuya khoắt mà từ biệt nhau để đi đến nhà xác thì quả là không vui chút nào!

Tôi chán ngán nhìn Charlie Kaltz, trưởng ban bảo vệ nhà xác, và hỏi:

“Này Charlie, bác có chắc là không nhầm lẫn chứ? Bác đã đếm kỹ chưa?”

Charlie gật đầu, nói với vẻ tức tối:

“Thưa trung úy Wheeler, bộ tôi mơ hay sao mà phải lãnh cục u trên đầu như thế này?”

“Biết đâu chừng? Sống miết ở đây thì đôi lúc bác có thể mơ tầm bậy!”

“Dẫu sao thì cái xác cũng đã biến mất” lão đáp khô khốc.

“Khi không ai mà đi đánh cắp một cái xác? Không lẽ để ngâm dấm à?”

Bằng một giọng trịch thượng, Charlie vặn lại:

“Đúng thế và nhiệm vụ của trung úy là phải làm sáng tỏ điều này.”

“Này Charlie, ở đây đã quá buồn bã rồi vậy mà bác không biết khôi hài thì thật là quá tệ. Thôi, bác chớ có trợn trừng mắt mà nhìn tôi như vậy nữa, tôi chán lắm rồi!”

Charlie than thở:

“Trung úy phải làm cái gì đi chứ! Tôi sống ở đây đã hai mươi năm mà chưa bao giờ xảy ra một trường hợp như thế này! Chưa bao giờ!”

“Mọi việc phải có nguyên nhân của nó, đây là điều mà ban nãy tôi đã nói với một em tóc vàng khi bị quấy rầy bởi cú điện thoại của ông cảnh sát trưởng và bây giờ tôi cũng mong bác nhớ kỹ điều đó. Vậy, chuyện đã xảy ra như thế nào?”

Charlie kể lể bằng giọng khàn khàn:

“Tôi đã nghe có tiếng gõ cửa. Thưa trung úy, chỉ nghe gõ cửa không thôi là tôi đã lấy làm lạ rồi, bởi thông thường thì họ vào một cách rất êm ả!”

“Họ là ai? Xác chết à?”

Charlie gào lên:

“Thì người ta chứ còn ai nữa. Ông có muốn nghe tôi hay không thì bảo?”

“Thú thật thì tôi không muốn nghe bác chút nào bởi chuyện bác kể chẳng nói lên một điều gì cả nhưng tôi buộc lòng phải nghe thế thôi. (Tôi thở dài). Thôi được, bác cứ nói tiếp đi…”

“Lúc đó tôi mở cửa xem thử ai và vừa kịp thò đầu ra thì bụp!”

“Bụp?”

Lão giải thích:

“Tôi lãnh ngay một quả vào đầu trong khi tâm trí vẫn còn thắc mắc về tiếng gõ cửa. Khi tôi tỉnh lại thì chẳng thấy ai. Tôi gọi điện ngay cho ông cảnh sát trưởng và….”

“Sau đó ông cảnh sát trưởng lại gọi cho tôi. Như thế gọi điện xong bác mới nghĩ đến chuyện đếm xác chết à?”

“Đúng thế! Trung úy phải hiểu: nhiệm vụ của tôi là bảo vệ các tử thi. Và liền ngay đó tôi đã phát hiện mất một cái xác.”

“Liệu có phải là một thằng nhóc nào đó muốn chơi trò “giải phẫu” nên đã đánh cắp một cái xác để về học hỏi?”

Trông thấy bộ mặt nghiêm trọng của Charlie, nên tôi vội tiếp ngay:

“Thôi bỏ qua đi… Bây giờ bác hãy cho tôi biết tử thi đó như thế nào?”

“Đó là một cái xác mà tôi nhận hồi sáng sớm. Một cô bé tóc vàng thật đẹp. Trung úy muốn tin hay không thì mặc! Nàng đang đi thì ngã xuống và chết ngay trên vỉa hè, ở trung tâm thành phố” một cơn đau tim. Vì là thứ bảy nên bác sĩ Murphy quyết định để đến thứ hai mới giải phẫu tử thi.

“Bộ cô ấy đẹp lắm à?”

Charlie buồn bã:

“Đẹp lắm trung úy à! Phải thú thật là khi xác cô ấy không còn ở đây nữa, tôi cảm thấy như thiếu một cái gì.”

“Thế thì bệnh viện đã rõ tung tích của nạn nhân chưa?”

“Không, cô ấy không một mảnh giấy tùy thân và cũng chẳng mang theo xắc tay. Chẳng một ai quen biết với cô. Cô đang đi ngang qua một quán rượu và như thế là lăn đùng ra chết.”

“Chết ngay tại chỗ, tôi biết. Này Charlie, theo lẽ thì cô ấy phải vào quán rượu và uống một ly bourbon[1], như thế thì chắc qua khỏi.”

Tiếng chuông điện thoại bất chợt vang lên, làm cho Charlie đang đứng cạnh máy nhấp nhỏm. Với vẻ rối bời, Charlie vẫn đứng sững như thế, chăm chăm vào chiếc máy.

Tôi nói:

“Thì bác hãy nhấc máy lên chả lẽ để nó reo như thế à.”

Charlie năn nỉ:

“Trung úy làm ơn trả lời hộ tôi, đầu óc tôi căng thẳng quá.”

Tôi nghe theo lời lão và đến bên máy:

“Nhà xác đây!”

Đầu dây bên kia, một giọng nói thật dịu dàng, lịch sự, hẳn là của một người đàn ông có học:

“Tôi có một tin muốn báo cho quí ông. Tôi biết hiện nhà xác đang bị mất một tử thi và tôi muốn chỉ cho các ông nơi người ta đang cất giữ nó.”

“Ở đâu?”

“Trong cái studio của đài truyền hình KVNW.”

Tôi hỏi ngay:

“Xin lỗi, ai đang ở đầu dây vậy?”

Giọng nói nghe vẫn dịu dàng, dễ mến:

“Tôi vốn có tánh không ưa lộn xộn. Mọi vật phải được đặt ở đúng chỗ của nó và tôi cảm thấy không yên khi biết rằng quí ông đang rối bời vì cái hộc chứa xác trống trơn…”

Có tiếng ống nói được gác lên máy và rồi im lặng.

Tôi cũng gác máy và báo cho Charlie biết về cái tin đáng phấn khởi này. Mặt sáng rỡ, lão nói ngay:

“Tốt lắm! Tôi rất mừng khi được gặp lại cô ấy. Bây giờ trung úy đến đó chứ?”

“Đương nhiên, nhưng trước tiên tôi muốn biết ai là kẻ vừa gọi điện đến đây.”

Charlie nói, mặt vẫn trang nghiêm:

“Có thể đấy là nhân viên của một công ty mai táng. Đúng là cái loại người như thế. Một loại người thích mọi vật được đặt đúng chỗ của nó, đâu vào đấy, giống như tôi vậy.”

Tôi gợi ý:

“Hẳn cha nội này đã về hưu và còn lưu luyến với cái mùi xác chết ngấm formaldehyde. Này bác Charlie, từ lâu nay bác có gặp một bác sĩ tâm thần nào chưa?”

“Ồ, gì chứ bác sĩ tâm thần thì mới hai tuần đây thôi!”

“Thế bác sĩ đã nói sao với bác?”

“Chẳng nói gì được bởi ông ta đã dùng dũa móng tay để thọc vào cuống họng. Cuối cùng thì người ta đã đưa ông vào đây để ướp lạnh chứ dễ gì mà gặp được ổng.”

“Ừ nhỉ! Thôi, tôi đi đây.”

Tôi chào từ biệt Charlie và nửa tiếng đồng hồ sau, tôi đậu chiếc Austin Healey nơi một con hẻm phía sau tòa nhà KVNW. Sát theo tường nhà là tám cái thùng rác loại lớn nhất và để chắc ăn, tôi lần lượt xem xét tất cả: chẳng thấy xác chết đâu.

Tôi đi bọc quanh nhà và bước đến cổng chính để trình giấy cho người bảo vệ. Trong khi anh này đi tìm giám đốc thì tôi đã điện thoại để gọi cho cảnh sát trưởng Lavers.

Lavers đang ở nhà và xét qua giọng nói, tôi biết ông ta đã bị đánh thức trong khi đang nồng giấc điệp. Tôi báo cho ông biết về cú điện thoại nặc danh và nói rằng tôi đang ở tại đài truyền hình KVNW. Cảnh sát trưởng Lavers nói ngay: “Được, cậu hãy kiếm thử xem”. Rồi ông lầu nhầu nói thêm rằng lần sau, nếu không có gì quan trọng thì tôi cứ việc gọi thẳng đến bà già tôi để mà quấy rầy. Rồi tiếng gác máy đột ngột làm tôi phải sững sờ.

Vào lúc đó, ông giám đốc đài truyền hình xuất hiện, nhỏ con với lối ăn mặc trang trọng và bộ râu kẽm tỉa khéo – một loại người suốt đời không hề biết thế nào là sống bê bối.

Ông bắt tay tôi và nói bằng một giọng khô khốc:

“Tôi xin được giới thiệu tôi là Bowers. Có chuyện gì không ổn vậy trung úy?”

Dáng vẻ của ông thật điềm đạm, lịch sự như thể trong đời ông chưa từng gặp những điều bất ổn và trong thế giới của ông chưa từng có ai dám gây chuyện lộn xộn. Tôi giải thích cho ông về sự việc đã khiến tôi đến đây và để ông có thời giờ ghi nhận điều đó, tôi từ tốn móc gói thuốc ra và mồi một điếu.

Hoàn toàn sững sờ, Bowers hỏi ngay:

“Nhưng tại sao người ta lại mang xác chết vào studio của chúng tôi chứ?”

“Tôi chẳng hiểu nữa. Lúc nãy tôi có xem qua các thùng rác để bên ngoài nhưng không thấy xác chết đâu mà chỉ toàn là những hình nộm cao bồi mà các ông đã sử dụng trong phim trường.”

Lấy lại vẻ cương nghị của một giám đốc, ông nói:

“Cái chuyện mà trung úy vừa nói là thật là bậy bạ. Thật là phi lý!”

Tôi gật đầu:

“Vâng, tôi đồng ý với ông nhưng tôi biết phải làm sao hơn bởi khi ông cảnh sát trưởng đã ra lệnh cho tôi phải đích thân xem xét mọi chuyện ở đây.”

Bowers liếc nhìn đồng hồ rồi bực tức nhún vai:

“Được rồi… Thưa trung úy, chúng ta phải làm gì bây giờ?”

Tôi ngỏ ý:

“Thưa ông giám đốc, tôi muốn được hướng dẫn một vòng qua các studio.”

“Được thôi.”

Một lần nữa ông ta lại liếc nhìn đồng hồ và cắn môi thật nhẹ, thật nhẹ như thể ông sợ làm nó bị hư hại. Tôi thấy như thế cũng phải bởi đôi môi ông quá mọng và xem chừng mỏng manh tựa những cánh hoa hoặc thứ bánh hạnh nhân giả!

Rồi đến lượt tôi liếc nhìn đồng hồ như thể đó là chứng bệnh dễ lây lan. Bây giờ là mười hai giờ bốn mươi lăm đêm.

Tôi nói:

“Lại một ngày mới bắt đầu. Thưa ông Bowers, chẳng hay ông đang chờ ai vào giờ này?”

“Chương trình “Sau 0 giờ” sẽ được phát hình trong vòng mười lăm phút nữa. Chúng tôi sẽ cho chiếu một cuốn phim kinh dị cũ…”

Tôi dí dỏm hỏi:

“Phải chăng phim “Cuốn Theo Chiều Gió”?”

Bowers đáp ngay, giọng khô khốc:

“Đây là phim “Đứa con rể của Frankenstein”. Bruno phụ trách phần giới thiệu và vì anh ta mới được nhận vào làm việc nên tôi muốn có mặt tại phòng thâu hình để xem mọi việc có ổn không.”

“Ông phải ở đó trong bao lâu?”

“Mười phút. Sau phần giới thiệu là đến phần chiếu phim, chỉ đơn giản thế thôi.”

Tôi thắc mắc.

“Không có xen quảng cáo à? Thế thì nhất ông rồi!”

“Bộ lạ lắm sao trung úy?”

Bowers hỏi câu này bằng một giọng xấc xược rồi với một bộ mặt khinh khỉnh, ông tiếp:

“Nếu thế thì trung úy nên viết một bài để gởi cho tờ báo tiếu lâm New Yorker.”

Vẫn giữ vẻ lịch sự, tôi đề nghị:

“Nếu phần giới thiệu phim chỉ kéo dài trong mười phút thì tôi sẽ theo ông đến đó để xem qua cho biết rồi tôi sẽ tiến hành cuộc điều tra sau.”

Ông ta mỉm cười với tôi bằng vẻ đặc biệt hiếu khách:

“Vâng, tôi xin cảm ơn lòng ưu ái của trung úy!”

Rồi nắm lấy cánh tay tôi, ông đẩy tôi về phía cánh cửa gần nhất:

“Lối này nè trung úy! Ở studio số 2 này thì mọi việc đã xong xuôi để chờ ghi hình.”

Tôi bước vào. Studio số 2 này trông chẳng khác gì ngôi nhà của một lũ điên. Dồn đống trước sàn diễn là một đám người coi ké vô trật tự, dẫm cả lên mớ dây điện chằng chịt dưới đất, ngong ngóng chờ xem, bất chấp cả tiếng xua đuổi của ông trưởng ban sản xuất. Trong tiếng chửi thề và xua đuổi đó, tôi thoáng thấy một cô tóc vàng thật đẹp, thật man dại và ngay lúc đó là tiếng cười ha hả của Bowers khi ông chỉ tay về phía sàn quay:

“Trung úy thấy thế nào?”

Đúng là một cơn ác mộng.

Tôi đáp ngay:

“Bọn nhóc mà trông thấy cảnh này thì khó mà ngủ yên giấc được.”

Cảnh tượng ở đây trông giống như bên trong một đường hầm, một ngôi mộ hoặc một hầm nhà – hay cũng có thể là sự tổng hợp của cả ba thứ đó. Những mạng nhện khổng lồ lấp lánh giăng đầy ở những góc hầm và, ngay giữa một trong những mạng nhện là một thứ quái vật gì đó đen ngòm đang nằm trong tư thế rình rập. Càng nhìn kỹ người ta càng thầm vái cho đó là một con nhện chứ không phải là một con ác thú nào khác. Và phải chi đó là một con nhện sói thì cũng là nhẹ nhõm biết bao…

Ở phía trước là một cái bàn gỗ dài với bên trên là một thiết bị lạ lùng, hẳn là phát minh của một bộ óc điên loạn nhằm sản xuất năng lượng nguyên tử với giá rẻ hoặc một thứ gì đó đại khái như thể kề bên cái thứ quái gở này là những chai lọ dị dạng được nối liền bằng những ống thủy tinh với bên trong đang sôi sục một chất nước trôi chảy màu đen ngòm.

Phía sau cái bàn là một chiếc quan tài với những mảnh ván đóng sơ sài được đặt trên hai cái mễ[2]. Trông thấy cảnh này hẳn người ta sẽ nghĩ ngay rằng chủ nhân của những thứ này chắc là người ưa đọc loại cẩm nang “Khéo Tay Hay Làm”.

Bowers nhắc lại:

“Vì là những bước đầu của Bruno nên chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc dàn dựng. Như trung úy thấy đó, đây là một bộ phim kinh dị với phần giới thiệu khiếp đảm. Một chủ đề rất hợp thời.”

“Riêng tôi thì tôi thấy thích thú lắm.”

“Trong giây lát Bruno sẽ xuất hiện và rồi trung úy sẽ ngạc nhiên hơn. Tay này hóa trang thật tài tình và để phụ họa với lời giới thiệu của hắn còn có một thiếu nữ…”

“Cô Brunehaut?”

“Trung úy biết cô ấy à?”

“Không, nhưng tôi đoán thế.”

Bowers đảo mắt nhìn quanh rồi kề sát tai tôi, thì thầm:

“Này trung úy, tôi muốn tiết lộ cho ông điều này. Brunehaut thật ra chính là Pénélope Calthorpe!”

“Làm gì có chuyện đó!”

Bowers vui vẻ nói nho nhỏ:

“Thật mà! Tôi không đùa với ông đâu. Nhưng chớ có nói với ai đấy nhé.”

“Được, tôi hứa sẽ giữ kín. Nhưng Pénélope Calthorpe là ai chứ?”

Khuôn mặt Bowers sa sầm lại. Ông ngạc nhiên hỏi:

“Cái gì? Trung úy chưa từng nghe nói đến chị em nhà Calthorpe à?”

Nghe ông giám đốc truyền hình nói thế, tôi nhớ ra ngay:

“Ông không đùa chứ? … Cặp song sanh Calthorpe à? Hai cô khùng của xã hội thời thượng?”

“À, như thế là trung úy đã biết rồi đấy” Bowers thích thú nói.

Tôi cố nén một cái rùng mình khiếp đảm:

“Không có một anh cớm nào trong vùng này mà không biết đến Prudence Calthorpe! Chỉ cần nghe đến tên cô là người ta phải dọt lẹ rồi… Đây là một nhân vật chuyên tạo scandal.”

Khuôn mặt Bowers càng sáng rỡ hơn:

“Càng được nhắc nhở đến nhiều thì càng nổi tiếng chứ sao!”

Tôi nhận xét bằng một giọng cân nhắc:

“Vào một buổi chiều thứ sáu cách đây sáu tháng tại Los Angeles, hai cô này đã mướn một chiếc xe tải để đến xa lộ dẫn vào Hollywood. Họ cho xe chắn ngang ở đó, làm tắc nghẽn cả bốn tuyến giao thông. Lúc này Prudence đã nhảy xuống xe để ôm một cái thùng lớn đi quyên tiền trong khi Pénélope thì bắt đầu biểu diễn một màn múa bụng. Để kết thúc chương trình Pénélope chuyển sang thoát y vũ và khi cảnh sát xuất hiện thì nàng ta vứt ngay mớ xiêm y của nàng vào mặt họ! Phần cô Prudence thì đã lén nhét chiếc quần lót của cô vào túi viên trung úy áp giải cô lên xe. Khi đến sở cảnh sát, nàng tuyên bố với các phóng viên đang tụ tập ở đó rằng nàng đã bị viên trung úy hãm hiếp và để chứng minh điều này, nàng đòi ông ta phải trả lại cho nàng cái quần lót mà ông đang giữ trong túi!”

Bowers gật gù:

“Hai chị em đó vốn thích đùa bỡn! Hẳn trung úy cũng biết là họ có trong danh sách mười người đàn bà giàu nhất Hoa Kỳ… Tôi rất hãnh diện khi Pénélope chọn studio này là nơi đầu tiên để nàng bước vào lãnh vực truyền hình.”

“Ông quả thật may mắn! Nhưng tôi chẳng hiểu tại sao nàng lại chọn hệ thống truyền hình của quí ông? Với sự giàu có như thế thì nàng có thể mua bất cứ một hệ thống truyền hình nào.”

Nhưng Bowers hình như không còn nghe tôi nói. Sau khi liếc nhìn đồng hồ thêm một lần nữa, ông thốt lên với vẻ nhẹ nhõm:

“Kia rồi!”

Với dáng người gầy đét và dong dỏng cao, Bruno khoác một tấm choàng dài tới gót chân. Khuôn mặt của y đúng là một siêu phẩm của nghệ thuật hóa trang: ngay mắt phải là một lỗ hõm to tướng, mắt trái thì đục ngầu; răng cửa của y đen ngòm và để tăng thêm phần kinh khiếp là hai chiếc răng nanh to dài, thòng hẳn xuống tận môi dưới.

Để tăng thêm phần kinh dị, người ta đã vẽ lên quanh cổ y một lằn màu đỏ đi kèm với những rạch đen to tướng. Có thể nói cái đầu của y đã được khâu lại trên thân bằng một bàn tay vụng về vội vã. Trước cảnh tượng này, tôi hiểu ngay rằng mình chẳng ưa trông thấy thằng cha này chút nào, ngay cả khi hắn còn sống và chưa bị cắt cổ…

Ngược lại, khi đưa mắt nhìn Brunehaut thì tôi thấy an tâm. Nàng đội chiếc nón của bọn hải tặc Viking nhưng thay vì có một cặp sừng trên đầu thì người ta đã thay vào đó bằng hai nắm tay đang giương lên trông cứ như là thật. Nàng khoác một chiếc áo choàng ngắn màu trắng, để lộ đôi vai trần và cặp đùi thon dài; thắt lưng của chiếc áo là một sợi xích rỉ sét có đính những răng thú lớn. Mái tóc nàng màu hung và cặp giò tuyệt đẹp – và rất có thể nàng là một người đẹp nhưng để biết rõ điều này, người ta cần phải xóa đi cái lớp hóa trang lem luốc của nàng.

Một lần nữa, Bowers lại nhìn đồng hồ:

“Quá sáu mươi giây rồi!”

Tôi hỏi ngay:

“Quan tài chứa cái gì thế?”

Bowers đáp, giọng bực tức:

“Thì chỉ là mớ dụng cụ thông thường để trình diễn. Trung úy vui lòng giữ im lặng giùm tôi một tí!”

Bỗng chốc toàn bộ studio chìm trong im lặng. Bruno bước đến đứng sau chiếc bàn, theo sau là Brunehaut. Một chiếc camera trườn tới để lấy cận cảnh.

Tôi liếc mắt nhìn lên màn truyền hình của hệ thống kiểm soát. Hàng tựa phim “Đứa Con Rể Của Franskenstein” chìm dần trong điệu nhạc quái đản để nhường chỗ cho hàng chữ “… Được Giới Thiệu Bởi Bruno”.

Lại tiếng nhạc, càng lúc càng kỳ dị và sau hết là: …“Cùng Với Sự Cộng Tác Của Brunehaut”.

Khuôn mặt và đôi vai của Bruno chiếm hẳn cả màn ảnh truyền hình. Y liếc ngang liếc dọc con mắt duy nhất còn lại rồi dùng ngón tay mân mê vết thương nơi cổ:

“Lần sau, nếu nghe lệnh “cắt đi” thì tôi sẽ sử dụng một lưỡi dao cạo, như thế sẽ ngọt hơn!”

Rồi, nghiêng mình về phía trước, mắt nhìn thẳng vào đám khán giả truyền hình, y nói tiếp bằng một giọng van nài:

“Liệu chúng ta có thể làm quen với nhau? Bạn thử nghĩ đi, tôi chỉ cần bước một bước thôi là vào ngay phòng khách của bạn!”

Cảnh này thật kinh khiếp và rất hợp với những ai thích loại kinh dị như thế này. Màn biểu diễn hoàn toàn do Bruno đảm trách và Brunehaut chỉ đứng bên cạnh như một vật trang trí vậy thôi. Vài ba lần Bruno nhắc đến “con quỉ nhỏ của chúng tôi” khi chỉ tay về chiếc quan tài và tôi hiểu đây là cái đinh của buổi trình diễn.

Bruno tâm sự với đám khán giả truyền hình:

“Đây là báu vật của chúng tôi, một siêu phẩm đáng phải nể phục… Chỉ có điều là nó đã bị hỏng. Chúng tôi đã đọc sai câu thần chú, nhưng không sao cả. Đây là một… một điều rất đáng yêu, một đứa trẻ mà ta ưa thích được thấy đùa giỡn trên nấm mồ của mình, với điều kiện là chớ có nhìn nó quá gần.”

Quay sang Brunehaut y mỉm cười hiền hậu:

“Này cưng, hãy mở nắp quan tài cho các bạn chúng ta xem đi và nếu các bạn chúng ta bị chứng mất ngủ thì tốt hơn hết là để họ cùng thức với chúng ta một đêm vậy.”

Brunehaut mỉm cười thích thú:

“Vâng, đúng thế anh ạ!”

Nàng bước một bước về phía quan tài rồi dừng lại.

Bruno lên tiếng quở:

“Nào, sao em cứ chần chừ để các bạn chúng ta phải chờ đợi.”

Nàng ngần ngại:

“Thưa anh, liệu em có cần phải thủ sẵn chiếc rìu? Em không biết phải làm gì đây nếu chẳng may hắn thức dậy.”

“Làm gì có chuyện đó!” Bruno quả quyết. “Ta đã cho hắn lãnh đủ chất độc của ánh sáng và hắn say ngủ như bất cứ một con quỉ hút máu nào vào ban ngày.”

Brunehaut thích thú:

“Ồ! Anh thật là tuyệt vời! Anh đã lo liệu mọi chuyện!”

Bruno nhún nhường:

“Vậy mà anh vẫn chưa hóa thân thành ma sói được… nhưng em yên chí đi, rồi sẽ có ngày.”

Trước ống kính thâu hình, Brunehaut khom người trên quan tài và tôi thấy bộ ngực nàng phập phồng trong chiếc áo rộng cổ. Rồi là cận ảnh của bàn tay nàng đang chầm chậm đẩy nắp quan tài. Chiếc nắp rớt sang một bên vang lên một tiếng động tang tóc. Nhưng cảnh tượng sau đó đã làm cho mọi người đang trố mắt chờ đợi phải thất vọng biết bao!

Thay vì một con quỉ thì bên trong quan tài chỉ là một người đàn ông trạc tứ tuần với khuôn mặt phúng phính và tấm thân đã chớm phệ. Với đôi mắt đã khép lại và dáng điệu bình thản, cha nội này xem chừng thích hợp cho một chương trình quảng cáo nệm ngủ hơn là diễn viên của chương trình giới thiệu phim kinh dị.

Vẫn không rời khỏi chiếc bàn với những dụng cụ quái gở, Bruno thao thao giải thích về chuyện mình đã áp dụng sai công thức trong khi chế tạo con quỉ nhỏ nhưng câu chuyện của y xem chừng không ăn khớp với cái thằng cha đang nằm trong quan tài.

Một chiếc camera khác trườn đến để thâu cận cảnh Bruno lần cuối trong khi y chào từ biệt khán giả truyền hình. Đoạn kết của phần giới thiệu phim xem ra chẳng có gì đáng ngạc nhiên và hoàn toàn thất bại. Nhưng không! Vẻ khiếp đảm đã lộ hẳn trên khuôn mặt của Brunehaut trong khi nàng mở to mắt nhìn chăm vào quan tài.

Đèn hiệu màu đỏ nơi chiếc camera tắt chớp liên hồi và, qua máy phóng thanh, giọng nói của trưởng khối sản xuất cho biết là phần giới thiệu đã kết thúc.

Xoa hai tay vào nhau, Bowers nói lớn:

“Tuyệt! Hy vọng chương trình này sẽ thu hút được nhiều khán giả!”

“Vâng, theo tôi nghĩ thì khá lắm” Tôi đáp và bước đến bên quan tài.

Brunehaut đang mở lớn mắt nhìn về tôi nhưng nàng không trông thấy gì. Lúc này Bruno vội vã bước đến, vẻ hài lòng thấy rõ.

Y hỏi, thật thanh thản:

“Màn giới thiệu như thế ổn chứ? Ông nghĩ sao về thằng quỉ nhỏ của chúng tôi? Đúng là một siêu phẩm bằng giấy bìa chứ?”

Vừa nói y vừa thọc hai tay vào trong quan tài và liếc mắt nhìn vào.

Tôi nói nho nhỏ:

“Theo lẽ, thì anh không nên thọc tay bừa bãi vào trong đó. Đó không phải là người nộm bằng giấy bìa đâu!”

Bruno khựng lại, mắt mở lớn và chăm chú nhìn vào anh chàng đang nằm trong đó.

Y lắp bắp

“Ủa, đây không phải là…”

Ngay lúc đó y không thấy cái điều mà ống kính ghi hình đã không ghi nhận – cái lỗ thủng ở ngay ngực và vết máu đọng trên chiếc áo sơ mi trắng toát của người nằm trong đó.

“Trời, máu!” Y thều thào trước khi ngã lăn bất tỉnh.

Brunehaut thở dài một tiếng, loạng choạng lùi lại và ngã gục bên cạnh ông thầy đang hôn mê của nàng.

Tôi khinh bỉ thốt lên:

“Vậy mà quí vị cũng tập tễnh làm trò quỉ!”

Nhưng cả hai không còn nghe gì nữa vì đã hôn mê.

Cùng lúc đó là một tiếng hét ghê rợn xuất phát từ cuối studio. Nhanh như chớp, tôi lao ngay về phía đó và chạm phải một người đàn bà trung niên đang chạy ra, mắt mở lớn vì khiếp đảm. Bằng một cử chỉ giật giật, bà ta nắm lấy tay áo vest của tôi và hét lên một cách điên loạn:

“Kia kìa! Trong phòng cất giữ đạo cụ… một người đàn bà… chết.”

Tôi đẩy người đàn bà điên loạn này sang một bên và bước vào trong một căn phòng ngổn ngang đồ vật tương tự như một kho lạc soong[3]. Ngồi im lìm trên một cái ghế sơn son thếp vàng là một cô tóc vàng đang nhìn sững vào khoảng không với đôi mắt mờ đục. Tôi bước đến gần, đưa tay sờ nhẹ vào má nàng – nàng lạnh ngắt như cẩm thạch và tôi thầm nghĩ hẳn Charlie Kaltz có thể nhận lại cái xác mà lão đã bị đánh cắp.

Bình luận