Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đàn Bà Hoang Dã

Chương 7: Đứa bé bị bắt cóc

Tác giả: Agatha Christie

Ngày hôm sau, loáng một cái bà Sprot đã có mặt ở London. Về việc làm này của bà ta đã có một vài lời bóng gió công khai đến nỗi vài người khách trọ của ngồi nhà Vui Vẻ ngay lập tức đã tự nguyện nhận chăm sóc bé Betty trong khi bà ta đi vắng. Vậy là bà Sprot đã lên đường sau khi yêu cầu đứa con gái của bà phải tỏ ra ngoan ngoãn.

Betty không chịu buông tha Tuppence – người đã nhận chăm sóc đứa trẻ trong buổi sáng hôm nay.

– Chơi đi – Betty quyết định – Chơi ú tim với cháu đi nào.

Cách nói của nó đã tiến bộ từng ngày. Nó có thói quen đáng yêu là ngoẹo đầu về một bên rồi nở một nụ cười tán tỉnh hướng vào người nói chuyện mà thì thầm:

– Xi-mờ-i…

Tuppence định đi dạo nhưng trời mưa như trút nước khiến cho hai cô cháu phải ở lại trọng phòng. Betty cầm tay chị dắt tới tận chiếc bàn làm việc. Những đồ chơi của nó được cất giấu trong cái ngăn kéo dưới cùng.

– Chúng ta sẽ chơi trò ú tim với Benzof chứ? – Tuppence hỏi.

Nhưng rồi Betty lại thay đổi ý định và nằn nì:

– Đọc truyện cho cháu nghe đi.

Tuppence rút từ trên giá xuống một cuốn sách khá cũ nhưng cô bé đã hét lên:

– Không, không! Nó ác lắm…

Tuppence sửng sốt nhìn Betty chằm chằm. Chị liếc nhìn cuốn sách. Đây là bản dịch câu chuyện Chú bé Jack Horner.

– Có phải Jack là một đứa bé hư? – Tuppence hỏi – Bởi vì nó đã ăn cắp một quả mận?

Nhưng Betty đã nhắc lại, nó nhấn mạnh từng âm tiết:

– Ác lắm!

Nó giật lấy quyển sách trong tay Tuppence và đặt quyển sách vào chỗ cũ. Sau đó nó rút ra một cuốn giống hệt ở đầu kia giá sách rồi vừa cười một cách thắng lợi vừa tuyên bố:

– Jack Homer bé nhỏ, sạch sẽ!…

Tuppence hiểu đó là cuốn sách mới xuất bản thay thế cuốn cũ, bẩn và rách. Điều đó làm chị vui thích. Bà Sprot thuộc kiểu người mà Tuppence gọi là “một người mẹ vệ sinh”, bà lúc nào cũng không yên tâm vì chứng sợ những con vi trùng và nguồn dinh dưỡng không được sạch sẽ. Bà ta cũng hay lo lắng với ý nghĩ rằng con bà có thể ngậm vào mồm một thứ đồ chơi dính đầy bụi.

Được nuôi dạy trong một môi trường tự do và sung sướng ở nhà một cha xứ ở nông thôn, Tuppence vốn đã mang trong lòng một thái độ coi thường sâu sắc đối với những người bảo hộ cho thứ vệ sinh bệnh tật. Betty bập bẹ: “Thế đấy, Jack. Quả mận!… Trong bánh gatô!”. Cô bé dùng ngón tay chỉ vào những hình ảnh đó rồi nhanh chóng chuyển sang tập Chú bé Jack Hpnier thứ hai rồi lại trở về tập thứ nhất đã bỏ xó. Sau đó hai người lại chuyển sang đọc truyện Con ngỗng đực con, con ngỗng cái con, và truyện Bà già sống trong chiếc giầy. Tiếp đó bé Betty đem giấu những cuốn truyện đó đi và vui mừng hớn hở đến cực độ khi thấy Tuppence vất vả lắm mới tìm lại được. Buổi sáng hôm đó nhanh chóng trôi đi.

Sau bữa ăn trưa, chị cho Betty đi ngủ trưa. Bà O’Rourke mời Tuppence đến thăm căn phòng của bà.

Cảnh tượng trong phòng của bà O’Rourke vô cùng lộn xộn. Phảng phất đâu đó mùi thơm của kẹo bạc hà chống ho và mùi khét của những chiếc bánh bích quy trộn lẫn với mùi của những viên thuốc chống gián. Trên chiếc bàn là những khung ảnh hai người con của bà O’Rourke. Ngoài ra còn có cả ảnh của những đứa cháu trai và cháu gái của bà nữa. Đây đó bày đầy những đồ vật gây cho Tuppence có cảm xúc như phải đóng vai một nhân vật chứng kiến sự rối loạn vô tận trong những năm cuối cùng của triều đại Nữ hoàng Victoria.

– Chị đã giải quyết những chuyện của con cái thật là tài. – Bà O’Rourke vui vẻ nhận xét.

– Ồ! Bà biết đấy, hai đứa con của tôi… – Tuppence trả lời.

– Hai à? Thế mà tôi cứ tưởng rằng chị có ba thằng con trai cơ đấy. – Bà O’Rourke sôi nổi cắt ngang.

– À, vâng. Đúng thế. Ba đứa. Hai đứa sau chỉ chênh nhau có mười bốn tháng cho nên lúc nào tôi cũng nghĩ rằng mình đã chia sẻ vui buồn với hai đứa mà thôi.

– À! Hay đấy, tôi hiểu rồi! Chị ngồi xuống đi, chị Blenkensop, cứ tự nhiên như ở nhà mình.

Tuppence ngoan ngoãn ngồi xuống. Chị thích lúc nào cũng cảm thấy được thoải mái trước mặt bà O’Rourke. Hình như chị đang dần hiểu được những gì mà người ta nói về mụ “phù thủy” O’Rourke.

– Nào, hãy nói cho tôi biết chị nghĩ gì về ngôi nhà Vui Vẻ? – Bà O’Rourke nhắc lại.

Tuppence không tìm được câu trả lời nào ngoài lời nhận xét về các món ăn nấu không ra gì nhưng bà O’Rourke đã ngắt lời chị một cách thẳng thừng:

– Không… Vấn đề tôi hỏi chị ở đây là chị không thấy nơi này có điều gì lạ lùng ư?

– Lạ lùng? Không, tôi không tin.

– Ngay cả về bà Perenna à? Bà ấy làm chị thích thú, phải vậy không? Tôi thấy chị quan sát bà ấy rất kỹ.

Tuppence đỏ mặt:

– Đấy là… là một phụ nữ khá thú vị.

– Không phải thế đâu! – Bà O’Rourke ngắt lời – Đây là một phụ nữ có điều gì đó kỳ lạ. Vì vậy trên thực tế, bà ta cố tạo ra một ấn tượng sao cho phù hợp. Nhưng, bà ta đâu có bình thường đến thế. Bà ấy muốn làm ra vẻ… Đúng thế không? Ý kiến nho nhỏ của chị thế nào?

– Bà O’Rourke, thực sự tôi không hiểu bà muốn ám chỉ điều gì?

– Chẳng bao giờ chị dành thời gian để nhận thấy rằng có rất nhiều người trong chúng ta đang sống một cách kỳ lạ nhưng bề ngoài, họ cố tỏ vẻ rất bình thường. Chúng ta hãy lấy ông Meadowes làm ví dụ. Một người đàn ông hoàn toàn làm chúng ta phải sửng sốt. Có lúc tôi gọi ông ta là một người Anh điển hình. Ông ta ngây ngô đến chết đi được. Nhưng, vào lúc khác, ông ta lại có những cái nhìn, hay có những câu nói chẳng ngây ngô chút nào. Như thế chẳng phải là rất lạ ư? Chị không nhận thấy gì thật à?

– Ồ! Tôi tin là ông Meadowes không có gì đặc biệt đến thế đâu – Tuppence ngắt lời bà ta.

– Ở đây còn có những người khác nữa. Có lẽ chị đã nghĩ ra người tôi muốn nói đến…

Tuppence lắc đầu.

Coi đây là một câu đố, bà O’Rourke lại nói ra vẻ ta đây thông thái:

– Một cái tên bắt đầu bằng chữ “S”…

Bị tác động bởi cơn giận dữ và ý nghĩ mơ hồ rằng cần phải chống đỡ, Tuppence bật nói:

– Sheila chỉ là một cô gái nổi loạn. Nói chung ở tuổi cô ta thì ai cũng vậy.

Bà O’Rourke gật đầu lia lịa tạo ra sự tương đồng sinh động với pho tượng của một ông quan người Trung Hoa bụng phệ mà Tuppence nhớ là đã nhìn thấy trên lò sưởi của dì Gracie. Một nụ cười quá cỡ làm đôi môi của bà ta bị kéo ngang ra. Bà O’Rourke nói:

– Có lẽ chị không biết, nhưng cô Minton có một cái tên nữa là Sophia.

– Ồ!… – Tuppence há hốc miệng thể hiện sự ngạc nhiên đến tột độ – Vậy là bà đã nghĩ tới cô ấy?

– Không.

Tuppence quay lại nhìn về phía cửa sổ. Thật là lạ khi người đàn bà này lại nghĩ về cô Minton như vậy. Tại sao bà ta lại gieo rắc bầu không khí khó chịu và sợ hãi ra xung quanh như vậy. “Một con chuột nhắt giữa những chiếc vuốt của một con mèo”.

Người đàn bà này to lớn đồ sộ như thế. Bà ta đang ngồi ở đây, hầu như là để gầm gừ… Mặc dầu gầm gừ đấy nhưng những chiếc vuốt kia khi đã đùa nghịch thì chẳng có thứ đồ chơi nào có thể thoát ra được…

“Mình nói bậy… mình hoàn toàn nói bậy rồi!” – Chị tự chế ngự bản thân. Những chuyện như thế là kết quả của sự tưởng tượng! Chị nhìn ra khu vườn. Mưa đã tạnh, nhưng mọi người vẫn còn nghe thấy tiếng xáo động của những giọt nước mưa từ trên các cành cây rớt xuống mặt đất.

“Mình đang có những ý tưởng viển vông dù mình không phải là một phụ nữ của ảo ảnh. Nhưng có một cái gì đó ở đây giống như một khối u tinh quái, một khối u định vị. Giá mà mình có thể nhìn thấy…”

Dòng suy nghĩ của chị đột ngột bị cắt đứt.

Những bụi cây ở cuối vườn đang bị tách ra. Ở chỗ hở đó bỗng xuất hiện một khuôn mặt lén lút nhìn chằm chằm vào ngôi nhà. Chính là khuôn mặt của người phụ nữ xa lạ đã đứng nói chuyện với Karl Von Deinim ở bên đường.

Người đàn bà này có cái nhìn bất động. Cô ta không hề chớp mắt, có vẻ dửng dưng vô tình. Một cái nhìn tập trung vào những ô cửa sổ của ngôi nhà Vui Vẻ. Một cái nhìn thiếu cảm xúc… nhưng chứa đầy những mối đe doạ. Nó sừng sững. Nó da diết. Một cái nhìn truyền đi lòng ham muốn, một sức mạnh lờ mờ khá lạ đối với ngôi nhà Vui Vẻ và đối với nếp sống thường ngày trong một đại gia đình người Anh đã về hưu. Cái nhìn như của Jael lúc chuẩn bị ấn chiếc đinh đâm sâu vào trán của Sisera đang thiêm thiếp ngủ.

Những ý nghĩ đen tối đó như một tia chớp lướt qua đầu Tuppence. Chị quay người lại và lẩm bẩm vài câu vô tình hướng về bà O’Rourke rồi vội vã chạy xuống cầu thang.

Chị băng theo một lối đi ở bên phải của khu vườn dẫn tới những bụi cây. Lúc này không có một người nào ở đây. Chị đi ngang qua một khóm cây và ra tới tận con đường để quan sát khắp bốn phía. Ở đây cũng không có một ai. Người đàn bà kia đã biến đi đâu rồi?

Tuppence thấy bị kích thích. Không, rõ ràng là chị đã nhìn thấy người đàn bà này. Không chịu thua, chị chạy khắp khu vườn băng băng về mọi phía, vòng qua mỗi thân cây, tìm tòi từng bụi cây và ụ đất. Quần áo và đôi giầy của chị thấm đầy nước vậy mà vẫn không tìm ra được một dấu vết gì lạ. Về tới khách sạn, chị mới cảm thấy con mồi của mình là một sinh linh khó hiểu. Nếu đúng là như vậy thì trong cơn ác mộng bị kích thích này, chị đã cảm nhận được rằng sắp có một tai họa xảy ra.

Nhưng không bao giờ chị có thể đoán ra được tai họa đó là gì.

Bầu trời lúc này thật quang đãng. Cô Minton đang mặc quần áo cho bé Betty trước khi dẫn nó đi chơi. Cả hai cô cháu sẽ vào thành phố để mua một con vịt cao su dự định sẽ cho nó tắm chung với đứa trẻ đáng yêu này.

Kế hoạch đó làm Betty phấn khởi lắm nên cô bé tỏ ra hiếu động đến mức. Khó mà xỏ được tay nó vào hai ống tay chiếc áo vét. Cuối cùng cả hai đã lên đường. Betty bập bẹ thật to tiếng: “C-o-on vi-ịt! C-o-on vi-ịt! Để tắm với Betty! Để tắm với Betty!”. Nó vỏ cùng thỏa mãn, nhắc đi nhắc lại không ngừng những viễn cảnh đầy hứa hẹn.

Hai que diêm để bắt chéo lên nhau như vô tình trên chiếc bàn bằng gỗ sến trong phòng khách đã thông báo cho Tuppence biết Tommy sẽ hy sinh buổi chiều nay để ở nhà theo dõi bà Perenna. Vậy là chị phải có mặt ở cái phòng khách kia cùng với ông bà Carley.

Ông Carley tỏ ra khó chịu đến buồn cười. Ông đã tới Leahampton với hy vọng sẽ tìm thấy ở đây một sự nghỉ ngơi thoải mái và một sự yên tĩnh tuyệt đối. Nhưng, ông đã hoàn toàn bị thất vọng vì sự có mặt của một đứa trẻ ở trong nhà. Suốt ngày đứa bé gái đáng ghét này phát ra những tiếng la hét, chạy lung tung khắp nơi rồi nhảy lên cả các cầu thang…

Vợ ông luôn nhận xét rằng Betty là một đứa bé đáng yêu nhưng lời bình luận của ông thì quả là khó chấp nhận được.

– Đúng, đúng là như vậy – Ông Carley nhăn nhó lắc lư cái cổ dài ngoẵng của mình. Nhưng mẹ nó phải làm cho nó bớt nghịch đi chứ. Phải nghĩ đến những người khác một chút chứ. Nhất là những người cần được thư giãn thần kinh…

– Điều này không phải là dễ đối với một cô bé ở tuổi đó – Tuppence nhận xét – Không những thế nó còn trái với tự nhiên. Trên thực tế, nếu đứa bé giữ được sự yên tĩnh có nghĩa là nó đang có chuyện gì đó không bình thường.

– Những chuyện vớ vẩn… những chuyện vớ vẩn chỉ thấy ở những lý luận hiện đại ngớ ngẩn – Ông Carley lẩm bẩm một cách chua chát – Để cho bọn trẻ hành động theo những điều chúng nghĩ ở trong đầu! Tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì đây, và sau đó nữa? Một đứa trẻ thì phải ngồi im ở góc nhà và… bản thân tôi cũng không hiểu tại sao chúng lại thích đùa nghịch với búp bê, đọc sách, hoặc làm bất cứ việc gì nó muốn…

– Nó còn chưa được ba tuổi – Tuppence cười – Ông không thể yêu cầu nó ngồi đọc sách một cách nghiêm chỉnh được.

– Phải… Vậy thì, ta phải sắp xếp bằng được chứ. Tôi sẽ nói qua với bà Perenna. Thậm chí vào sáng nay, mới chưa đến 7 giờ sáng mọi người còn chưa thức dậy mà con bé đã ca hát ầm ĩ. Đêm qua tôi bị mất ngủ và mới thiếp đi được một lúc.

– Giấc ngủ đối với ông ấy quả là rất quan trọng – Bà Carley giải thích với giọng lo lắng – Chính vì thế mà bác sĩ đã phải cho đơn thuốc uống để giúp ông ấy ngủ được.

– Ông cần phải đi an dưỡng thôi. – Tuppence nói bóng gió.

– Những nơi như thế sẽ dẫn con người đến chỗ chấp nhận sự hủy hoại mà thôi. Hơn nữa môi trường ở đó không thích hợp, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tôi.

– Bác sĩ đã dặn ông ấy phải có một cuộc sống bình thường – Bà Carley hăng lên nói tiếp – Ông ấy nghĩ rằng một ngày lưu trú ở khách sạn sẽ thích hợp hơn nhiều so với một chỗ trong một ngôi nhà bằng gỗ. Hơn nữa ông ấy sẽ ít có nguy cơ mắc phải chứng trầm cảm, vì việc trao đổi những suy nghĩ với mọi người sẽ động viên ông ấy nhiều lắm đấy.

Tuppence đoán rằng ông Carley chỉ thích những cuộc trao đổi về tư tưởng dưới hình thức các cuộc hội thảo về vấn đề sức khỏe, qua đó để biết được cụ thể những tai họa và triệu chứng căn bệnh của mình. Tuppence khéo léo thay đổi chủ đề:

– Tôi rất muốn được nghe ông trình bày những quan điểm của cá nhân ông về cuộc sống ở Đức. Ông đã nói với tôi rằng trong những năm gần đây, ông thường được đi du lịch. Mà tôi lại rất thích được nghe ý kiến của một người có nhiều kinh nghiệm về thế giới này như ông. Tôi biết rõ ông không phải là loại người mù quáng bởi những thành kiến và ông còn có thể mô tả một cách khách quan tình hình ở đấy như thế nào.

Tuppence nghĩ rằng trong khi trao đổi với một người nào đó thì không nên tiết kiệm lời phỉnh nịnh. Quả nhiên là ông Carley đã cắn câu.

– Chị nói đúng quá, chị yêu quý. Tôi là người có khả năng giải tỏa được những thành kiến. Này nhé, chị xem…

Tiếp theo là một cuộc độc thoại. Tuppence đã tự kềm chế để thời gian mỗi lúc một trôi đi với những lời bình luận như “chà, thật thú vị”, hoặc “Ông là một nhà quan sát tinh tế hiếm có”. Việc chị đã hết sức chăm chú lắng nghe không có gì là giả dối. Bởi vì ông Carley đang cao hứng mà không hề sợ phải mang tiếng là một người tin tưởng tuyệt đối vào chế độ Quốc xã. Nếu ông ta không hướng tới sự diễn tả quan điểm đó một cách rõ ràng thì cũng để cho chị hiểu là ông ta muốn nước Anh và nước Đức sẽ kết hợp với nhau để chống lại những nước còn lại của châu Âu.

Cô Minton và bé Betty sau khi chọn được một con vịt như ý đã trở về nhà. Tuppence ngước mắt nhìn và chị nhận thấy một cảm xúc khác lạ khó xác định được thể hiện trên nét mặt của bà Carley.

Nó có thể biểu lộ sự ghen tị chắc chắn có thể tha thứ được của một người vợ đã nhận thấy một người đàn bà khác đang giành được sự chú ý của chồng mình. Nó cũng có thể khơi dậy nỗi lo lắng trước những thái độ rất công khai ở ông Carley. Bất kể thế nào đây cũng là biểu hiện của sự không hài lòng.

Lúc đó bà Sprot từ London cũng đã trở về và không quên tuyên bố:

– Tôi hy vọng bé Betty đã trở nên ngoan ngoãn và không gây phiền hà cho mọi người! Con đã ngoan ngoãn phải không Betty?

Betty chỉ trả lời ngắn gọn:

– Con ngốc đấy!

Mọi người đều hiểu là đứa bé không có ý xúc phạm đến mẹ nó mà chỉ muốn đòi quà mà thôi. Bà O’Rourke cười nghiêng ngả trong khi người mẹ đứa trẻ đang cảm thấy bực mình lắm:

– Xin con đấy, Betty. Yên nào!…

Sau đó bà Sprot ngồi nguyên tại đấy ừng ực uống hết ly trà này đến ly trà khác và bắt đầu câu chuyện về những chặng đi đó đây trong thủ đô, về sự lộn xộn ồn ào đầy ắp hành khách trong các chuyến tàu, về chuyện của một người lính vừa mới từ mặt trận Pháp trở về kể cho những người khách cùng toa nghe… Và về dự đoán lờ mờ của cô gái bán quần áo đã báo cho bà ta biết trước là giá hàng tơ lụa sẽ hạ.

Hầu hết những ý kiến của mọi người lại chẳng ra đâu vào đâu. Rồi câu chuyện lại được tiếp tục trên thềm nhà vì lúc này mặt trời đã tỏa sáng.

Cơn mưa buổi sáng dường như không còn được ai nhớ tới nữa.

Betty mừng rỡ khôn xiết chạy đi chạy lại khắp nơi. Lúc thì nó mang về một lá cây thăng, lúc lại là một vốc cuội từ những cuộc thám hiểm bí mật trong các khóm cây rồi đặt lên đầu gối một trong những người lớn – những người sẽ cho nó những lời giải thích dài dòng và khó hiểu nữa.

Mọi người không ngờ lại có được một buổi chiều yên bình như thế trong bầu không khí căng thẳng rất đặc trưng của ngôi nhà Vui Vẻ. Người ta chuyện trò với nhau, gợi ra những chuyện ba láp ở hậu phương, hỏi nhau về diễn biến của chiến trận: Không hiểu nước Pháp có khả năng lấy lại thế thắng được không? Có phải Weygand có thể lật lại được tình thế? Nước Nga sẽ làm gì? Hitler có thể thành công trong việc đổ bộ lên nước Anh không? Và liệu Paris có rơi vào tay bọn Đức không? Nói cho tôi biết đi, có thật là… Với tôi, người ta nói ngược lại… Có tin đồn là… Mọi người cãi nhau ầm ĩ trong những câu chuyện hóm hỉnh gần đây nhất nặng về quân sự hơn là chính trị.

Kẻ ba hoa thật là nguy hiểm? – Tuppence suy nghĩ – Thật là ngu xuẩn! Nhưng những câu chuyện hài hước giúp mọi người vượt qua được những sự buồn rầu và lo lắng. Thế là chị hấp tấp mang sự đóng góp của mình đến bằng một lời mở đầu hấp dẫn:

– Con trai tôi đã viết cho tôi rằng… nhưng tuyệt đối đây là chuyện chỉ chúng ta biết mà thôi, các bà hiểu không…

Bất ngờ bà Sprot nhìn chiếc đồng hồ:

– Lạy Chúa Jesus! – Bà ta hét lên – Đã 7 giờ rồi, đáng lẽ đã phải cho con bé Betty đi ngủ từ lâu rồi! Betty! Betty.

Đúng là đã lâu không thấy bóng Betty xuất hiện trở lại trên thềm nhà. Bà Sprot lại gọi lần nữa, mỗi lúc một sốt ruột:

– Betty! Betty-y-y. Con bé có thể ở đâu vào lúc này?

Bà O’Rourke cất tiếng cười vang:

– Các bà rõ ràng là đã phạm phải một điều ngu ngốc! Chuyện này bao giờ cũng là thế đấy khi không ai nghe thấy động tĩnh gì.

– Betty! Đến đây ngay nào!

Không có tiếng trả lời. Bà Sprot không còn nhẫn nại được nữa. Bà vụt đứng dậy:

– Tôi chỉ còn cách là phải đi tìm xem nó ở đâu thôi.

Cô Minton cho rằng đứa bé đang đi trốn. Tuppence thì vẫn chưa quên được tuổi ấu thơ của mình nên gợi ý đi vào bếp để tìm xem. Nhưng rốt cuộc vẫn không tìm thấy Betty đâu, cả ở trong khách sạn và cả ở ngoài vườn. Mọi người bổ nhào đi tìm, vừa sục tìm vừa kêu gọi, qua hết bụi cây này đến bụi cây khác, hết căn phòng này đến căn phòng khác. Vẫn không hề thấy bóng Betty.

Trên khuôn mặt của bà Sprot đã bắt đầu toát lên sự sốt ruột:

– Betty không chịu nổi đâu. Thực sự là nó không chịu nổi đâu! Các chị có nghĩ là nó ra tới tận đường cái không?

Tuppence đi cùng với bà Sprot đến tận hàng rào sắt. Cả hai người tìm kiếm rất kỹ, bắt đầu từ trên đỉnh đồi cho đến chân đồi. Nhưng ở đây không có một ai, ngoại trừ một người giao hàng tay dắt chiếc xe đạp đang tranh luận với một cô hầu gái của tòa Thánh Lucian trên vỉa hè bên kia đường.

Tuppence thúc giục bà Sprot sang đường. Bà Sprot hỏi thăm hai người trẻ tuổi xem có ai trong số họ nhìn thấy một bé gái đi qua đây không. Cả hai đều lắc đầu. Nhưng cô gái kia có vẻ chợt nhớ ra điều gì đấy.

– Một bé gái mặc áo sơ mi kẻ sọc? – Cô gái hỏi.

– Phải rồi, đúng thế đấy. – Bà Sprot vội vã thừa nhận.

– Tôi vừa mới thấy nó cách đây khoảng nửa giờ. Nó đi xuống phố cùng với một người phụ nữ.

– Một người phụ nữ? – Bà Sprot bật kêu lên – Trông bà ta như thế nào?

Cô gái tỏ rõ sự lúng túng của mình:

– Ờ ờ… đó là một phụ nữ trông rất lạ lùng, có thể nói là như vậy. Người này lạ lắm. Ăn mặc lôi thôi. Một chiếc khăn quàng, không có mũ đội, và dáng dấp cũng lạ. Thế đấy! Làm cho người ta thấy sợ, nếu bà hiểu được tôi muốn nói điều gì. Tôi đã nhìn thấy người đàn bà này hai hay ba lần gì đó ở góc đằng kia. Mà thật ra thì tôi thấy người đó có vẻ đáng thương… Bà hiểu được những gì mà tôi vừa nói chứ?…

Trong tích tắc Tuppence nhớ lại bộ mặt mà chị thoáng nhìn thấy trong bụi cây vào buổi chiều hôm đó.

Nhưng không bao giờ chị có thể tạo ra được một mối dây liên hệ nào giữa người phụ nữ này và bé Betty. Đấy là điều mà chị không thể hiểu nổi.

Chị không đủ thì giờ để đắm chìm trong những suy nghĩ của mình. Bà Sprot đã rối trí đến cực điểm:

– Ôi, Betty bé bỏng của tôi! Nó đã bị người ta bắt mất rồi! Người đàn bà… giống ai nhỉ?… Một phụ nữ Bôhêmien chăng?

Tuppence nhớ lại các chi tiết:

– Không phải như vậy. Cô ta có mái tóc vàng, rất vàng. Khuôn mặt to, hai gò má cao và đôi mắt xanh cách nhau rất xa.

Bà Sprot sững người lại, sửng sốt. Tuppence nhanh chóng giải thích:

– Tôi đã nhìn thấy người phụ nữ này vào buổi chiều hôm đó. Cô ta trốn trong các bụi cây ở cuối vườn. Tôi cũng đã trông thấy cô ta lang thang quanh đây. Một hôm tôi đã trông thấy Karl Von Deinim đứng nói chuyện với cô ấy. Chắc chắn là cô ấy rồi…

Cô hầu gái hùa theo:

– Vâng, đúng thế đấy ạ. Tóc vàng. Và trông rất đáng thương nữa…

– Ôi, lạy Chúa! – Bà Sprot rên rỉ – Bây giờ tôi có thể làm được gì đây?

Tuppence vòng một tay ôm lấy người bà Sprot:

– Ta phải trở về khách sạn thôi. Uống một ngụm rượu cô-nhắc đi. Sau đó chúng ta sẽ điện thoại báo cho cảnh sát biết. Đừng lo lắng nữa. Họ sẽ đi tìm nó.

Bà Sprot loạng choạng đi theo Tuppence, nhắc đi nhắc lại câu nói đến lạc cả giọng:

– Tôi không thể hiểu nổi tại sao Betty lại đi theo một người lạ mặt…

– Nó hãy còn quá nhỏ mà – Tuppence nhắc. Chưa đủ lớn để trở thành nhút nhát nữa.

– Chắc chắn bà ta là người Đức rồi – Bà Sport hổn hển nói – Bà ta sẽ giết Betty mất!

– Không chắc đâu! – Tuppence nói chen vào – Mọi việc rồi sẽ ổn cả thôi. Tôi bảo đảm rằng đây chỉ là một người không tự chủ được.

Nhưng Tuppence khó mà tin được vào những lời nói của chính chị. Chị không thể tưởng tượng được rằng chỉ trong nháy mắt người đàn bà có mái tóc vàng và điềm tĩnh như thế lại trở thành người điên được.

Karl! Liệu hắn có nhúng tay vào việc làm bẩn thỉu này không?

Vài phút sau, chị lại thấy ngờ vực: Karl Von Deinim, cũng giống như mọi người trong ngôi nhà Vui Vẻ, ngơ ngác. Anh ta tỏ ra không tin và ngạc nhiên đến tột độ.

Ngài thiếu tá Bletchley liền vạch ra hướng điều tra.

– Bà thân mến – Ông ta ra lệnh – Bây giờ xin mời bà ngồi xuống… hãy uống một chút thứ này… rượu cô-nhắc đấy. Nó không có hại cho bà đâu… Còn tôi, tôi đi xuống trạm cảnh sát…

Một lúc sau, bà Sprot cố gắng lắm mới nói được thành lời:

– Có lẽ… có lẽ đã có chuyện gì đó xảy ra rồi…

Bà ta ba chân bốn cẳng trèo lên cầu thang xông vào phòng mình rồi vào phòng của Betty. Hai phút sau, mọi người bất thần nghe thấy tiếng chân bà ta vội vã chạy xuống. Bà Sprot giữ chặt lấy cánh tay của ông Bletchley ngay sau khi ông thiếu tá gác ống điện thoại vào chỗ cũ.

– Không, không! – Bà Sprot van nài – Không nên như thế! Dẫu sao cũng không nên làm như thế!…

Những tiếng nức nở nghẹn ngào. Và bà Sprot ngã vào chiếc ghế bành.

Mọi người đứng xúm quanh bà. Vài giây sau bà mới lấy lại bình tĩnh. Bà Sprot đứng lên và chìa ra một mảnh giấy đã nhàu nát.

– Tôi tìm thấy nó trên tấm ván ở trong phòng của tôi.. Nó được buộc vào một hòn cuội rồi ném qua cửa sổ. Các người hãy xem… xem trong đây đã nói gì…

Tommy giật lấy mảnh giấy rồi vuốt lại cho phẳng.

Đây là một lời nhắn ngắn gọn viết bằng chữ hoa, nét chữ cứng đờ và căng thẳng – đây là cách viết điển hình của những người nước ngoài.

Đứa con của bà đang ở trong tay chúng tôi. Nếu có thời cơ thuận lợi, chúng tôi sẽ nói cho bà biết chúng tôi chờ đợi gì ở bà. Nếu bà báo cho cảnh sát biết thì chúng tôi sẽ giết ngay con bà. Không được nói gì cả. Hãy chờ những lời chỉ dẫn của chúng tôi, nếu không…

Thay cho chữ ký thì ở cuối lời nhắn là hình vẽ một cái đầu lâu đặt trên hai khúc xương bắt chéo nhau.

Bà Sprot lúc này chỉ còn biết rên rỉ mà thôi.

– Betty… Betty…

Tất cả mọi người đều kêu lên cùng một lúc. “Những tên đểu cáng!” – Bà O’Rourke tuôn ra một thôi một hồi “Những tên súc sinh!”. Cô Sheila Perenna thì gào lên: “Diệt hết bọn chúng đi, diệt hết bọn chúng đi; những đứa làm chuyện tương tự cũng phải thế!”. “Đây là một trò đùa trẻ con” – Ông Carley bình luận. “Trời ơi, đứa bé đáng yêu khốn khổ!” – Cô Minton than vãn “Tôi không hiểu gì hết. Không thể tin được chuyện này”. Sau đó tiếng của thiếu tá Bletchley nổi lên át cả tiếng ồn ào:

– Đi tố cáo! Đi trình bày! Ngay lập tức cần phải thông báo cho cảnh sát biết! Sớm muộn thế nào họ cũng phải giải quyết được chuyện này!

Một lần nữa người thiếu tá bước tới chỗ đặt điện thoại. Nhưng tiếng kêu của bà Sprot – người mẹ đang bị tổn thương đã ngăn ông ta lại.

– Suy cho cùng thì, thưa bà – Ông ta gào lên – đây là việc duy nhất mà chúng ta nên làm lúc này! Lời nhắn đó là một sự đe dọa nhằm ngăn cản chúng ta truy đuổi những kẻ khốn nạn ấy!

– Chúng sẽ giết nó mất.

– Vớ vẩn! Không bao giờ chúng dám làm thế đâu.

– Tôi nhắc lại với ông là tôi không muốn. Tôi là mẹ nó. Chính tôi mới là người có quyền quyết định.

– Tôi biết, tôi biết mà. Chắc chắn thượng cấp đã có sự tính toán về nhân vật phản động này. Một phản ứng khá tự nhiên, cứ phân tích sự việc đã qua thì sẽ rõ. Nhưng bà phải tin ở tôi, thưa bà. Với tư cách là một sĩ quan và là một người có kinh nghiệm, tôi tin chắc người chúng ta cần là cảnh sát.

– Không!

Thiếu tá Bletchley đưa mắt tìm những đồng minh:

– Anh hoàn toàn đồng ý với tôi chứ, anh Meadowes?

Tommy im lặng gật đầu.

– Còn ông, ông Carley? – Rồi quay sang bà Sport – Bà thấy đấy, bà Sprot, ông Carley và anh Meadowes có cùng ý kiến như tôi.

Nhưng bà Sprot đã vùng vằng kêu lên:

– Những người đàn ông ấy ư! Tất cả đều cùng một giuộc. Hãy hỏi các bà ở đây xem họ nghĩ gì!

Tommy đưa mắt nhắc nhở Typpence phải chú ý Nhưng Tuppence đã yếu ớt nói:

– Tôi… tôi tán thành ý kiến của bà Sprot.

Bà O’Rourke nói như để khẳng định:

– Trên thế giới này không có người mẹ nào lại muốn làm một việc mạo hiểm đối với con mình cả. Đây là điều hiển nhiên.

Bà Carley có ý đánh giá cao vị trí của mình:

– Tôi nghĩ là các bà nên biết… – Rồi bà chìm vào một mớ từ rời rạc, rối rắm nhất.

Cô Minton quả không phải là người hà tiện lời nói:

– Có thể sẽ xảy ra những sự việc rất kinh khủng… Nếu có bất cứ chuyện gì không hay xảy ra cho Betty bé nhỏ thân yêu của chúng ta thì chúng ta sẽ không bao giờ bỏ qua cho họ đâu!

– Anh còn chưa nói gì, Von Deinim. – Tuppence nhắc nhở.

Đôi mắt rất xanh của Karl sáng lên lấp lánh. Nhưng nét mặt của anh ta lại cứng đờ như của một chiếc mặt nạ.

– Tôi là một người nước ngoài – Anh ta hé môi trong sự cố gắng có thể của mình – Tôi không biết cảnh sát Anh giỏi… và nhanh nhẹn… như thế nào.

Bà Perenna ào vào trong phòng. Da mặt bà đỏ và bóng. Hiển nhiên là bà đã trèo lên đồi bằng những bước chân nặng nề.

– Chuyện gì xảy ra vậy? – Bà Perenna hỏi bằng một giọng chuyên quyền và hống hách.

Mọi người kể tóm tắt cho bà ta nghe biến cố vừa xảy ra. Chắc hẳn đây chỉ là một câu chuyện lộn xộn, tối nghĩa được kể bởi quá nhiều người. Nhưng bà Perenna không mất nhiều thời gian để nắm bắt được vấn đề. Bà hiểu được ngay những gì đã xảy ra. Và ai cũng nhận thấy lý lẽ của người phụ nữ này như của một vị trọng tài.

Bà Perenna đọc đi đọc lại tờ giấy rồi đặt xuống bàn. Cuối cùng bà phát biểu một cách bình tĩnh nhưng không kêu gọi:

– Cảnh sát ư? Họ chẳng làm được việc gì tốt đẹp cả. Chúng ta không thể mạo hiểm để họ tới đây cùng với những đôi ủng to tướng của họ. Công lý thuộc về các ông bà. Chúng ta phải tự đi tìm xem đứa trẻ đang ở đâu.

Thiếu tá Bletchley nhún vai:

– Hay lắm. Quả thực đấy là một việc duy nhất mà chúng ta có thể làm, nếu như bà không muốn để cảnh sát kéo tới đây.

– Trước hết không cần đến quá nhiều người đâu. – Tommy nhận xét.

– Người phụ nữ sốt sắng này đã phát biểu tới nửa tiếng. – Tuppence nói.

– Ông Haydock! – Người thiếu tá nói như phát hiện – Ông Haydock là người có thể giúp được chúng ta. Ông ta có một chiếc ôtô. Người phụ nữ đó có một đặc điểm đặc biệt. Các người nghĩ như thế nào? Đây là một phụ nữ nước ngoài? Chắc chắn cô ta sẽ để lại dấu vết. Chúng ta chỉ cần lần theo những dấu vết này. Đi thôi, không nên để lãng phí giây phút nào nữa. Anh tham gia chứ, Meadowes?

Bà Sprot bật dậy:

– Tôi cũng đi!

– Không được đâu, bà thân yêu. Hãy để việc này cho chúng tôi…

– Tôi cũng đi! – Tuppence nói.

– Tốt. Nếu bà muốn.

Người thiếu tá đã rút lui khỏi cuộc tranh luận. Nhưng như thế không có nghĩa là không có lời bình luận tự phát nào của các loài động vật mà giống cái bao giờ cũng rầy rà hơn giống đực nhiều.

Đại úy Haydock – người nắm vững địa thế và thiên nhiên ở đây như lòng bàn tay, đã quen với những phản ứng nhanh đang lái chiếc ô-tô của ông ta. Tommy được xếp ngồi cạnh Haydock. Thiếu tá Bletchley, bà Sprot và Tuppence ngồi chật cứng ở ghế sau. Không riêng bà Sprot mới liên quan đến chuyện này mà Tuppence mới là người duy nhất – trừ Karl Von Deinim – nhận thức được bí mật của vụ bắt cóc này.

Haydock là người có tài tổ chức. Ông ta nhanh nhẹn thực hiện các thao tác cần thiết. Loáng một cái xe của ông ta đã được đổ đầy xăng. Ông ta giao tấm bản đồ khu vực và một sơ đồ tỷ lệ lớn của Leahampton cho người thiếu tá rồi sẵn sàng nổ máy.

Bà Sprot lao rất nhanh vào trong phòng. Để lấy chiếc áo khoác, mọi người nghĩ như vậy. Nhưng khi tất cả đã ngồi yên vị để người đại úy cho xe chạy lên dốc thì lúc đó bà Sprot mới mở chiếc túi xách tay rồi chỉ cho Tuppence thấy một vật. Đó một khẩu súng lục cỡ nhỏ.

– Tôi lấy nó ở phòng của thiếu tá Bletchley – Bà Sprot thổ lộ – Tôi nhớ một hôm ông ta đã nói với tôi là có sở hữu một khẩu súng.

– Nhưng bà không nên nghĩ rằng… – Tuppence định thử bác bỏ, vì thấy hoài nghi.

– Thứ này có thể sẽ có ích cho chúng ta. – Bà Sprot chống chế cắt ngang lời nói của chị.

Tuppence lấy làm ngạc nhiên trước sức mạnh phi thường của tình mẫu tử. Bà Sprot vốn tự nhận là người sợ súng đạn, vậy mà giờ đây lại lạnh lùng tuyên bố sẵn sàng hạ gục kẻ nào làm điều xấu cho đứa con của bà.

Theo gợi ý của đại úy Haydock thì trước hết mọi người nên đi về hướng nhà ga xe lửa. Cách đây khoảng hai mươi phút, có một con tàu đã xuất phát cho nên không thể có khả năng người phụ nữ kia và đứa bé đã đi chuyến tàu đó.

Họ chia tay nhau tại nhà ga. Haydock nhận trách nhiệm điều tra ở bưu điện, Tommy ở cửa bán vé còn Bletchiey đến chỗ những người bốc vác.

Tuppence và bà Sprot đến nhà vệ sinh nữ vừa để kiểm tra xem người phụ nữ đó có đi qua đây không vừa để sửa sang lại vẻ bề ngoài của mình trước khi trèo lên toa tàu.

Không một ai thu được kết quả gì. Đến lúc này việc xác định bước tiếp theo đã trở nên khó khăn. Theo đánh giá của đại úy Haydock thì, những kẻ tòng phạm và người đàn bà bắt cóc đứa trẻ cần phải bố trí một con tàu đón họ và khi Betty đã chịu đi theo người đàn bà lạ mặt thì họ sẽ sử dụng con tàu này để trốn chạy. Lúc này người thiếu tá mới khoe tài của mình, sự họp tác của cảnh sát đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Chỉ họ mới có thể bố trí được một cơ cấu báo động cho toàn quốc biết và kiểm tra được mọi cuộc hành trình.

Nhưng bà Sprot một lần nữa lại mím chặt môi, lắc đầu lia lịa ra hiệu từ chối.

– Chúng ta nên đặt địa vị của mình vào địa vị của bọn chúng mới được – Tuppence góp ý – Chúng ta để chiếc xe ở đâu trong lúc chờ đợi? Cũng có khả năng là ở gần ngôi nhà Vui Vẻ, nhưng phải ở một địa điểm mà sự có mặt của một chiếc xe ô-tô sẽ không thu hút sự chú ý của ai cả. Chúng ta thử suy nghĩ mà xem. Người phụ nữ và bé Betty cùng nhau đi xuống chân đồi. Ở phía dưới là bờ biển. Chừng nào chiếc xe không có người cầm lái thì nó có thể đỗ được ở đây. Còn có một bãi đỗ xe của khu James cách, đây không xa….

Đúng vào cái khoảnh khắc đáng quý đó thì một người đàn ông bé nhỏ dáng điệu rụt rè, đeo một chiếc kính kẹp mũi bước tới gần cả nhóm và ấp úng:

– Xi…in thứ lỗi cho tôi… Hy vọng là tôi sẽ không làm phiền các vị… Nhưng t-ô-ôi không thể không nghe, vị này đã hỏi thăm người công nhân bốc vác, ở đằng kia, vư-ừa mới rồi… – Người đàn ông hướng vào thiếu tá Bletchley nhấn mạnh – Tôi không nghe gì hết, nhất định thế. Tôi chỉ vừa mới tới đây thôi để hỏi dò về một kiện hàng của mình… Thật không thể ngờ được là sự chậm trễ lại có tác hại như thế này… Người ta nói đó là hậu quả của những cuộc vận chuyển của quân đội… Nhưng một khi vấn đề lại là ở chỗ những thực phẩm để hỏng… Tôi muốn nói tới cái kiện hàng đó… thế là, các vị biết đấy, vì lý do đó mà tôi đã nghe được rằng… Không những thế chuyện này quả thực lại là một sự trùng hợp bất thường nhất đối với tôi…

Bà Sprot níu chặt vào cánh tay người đàn ông nhỏ bé kêu lên:

– Ông đã thấy nó ư? Ông đã nhìn thấy đứa con của tôi rồi ư?

– Ôi! Thực sự, đứa con của bà, bà nói là? Thưa bà, xin bà hình dung rằng…

– Hãy nói ngay cho tôi nghe đi! – Bà Sprot gào lên, và bấm những móng tay vào cánh tay của người đàn ông kia khiến cho ông ta phải rùng mình vì đau đớn.

– Tôi xin ông – Tuppence nói xen vào – Hãy nhanh chóng kể cho chúng tôi nghe những gì ông đã nhìn thấy. Chúng tôi sẽ rất biết ơn ông.

– Này nhé! Có thể đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Nhưng hiện tượng lại rất phù hợp…

Tuppence cảm thấy đứng bên chị bà Sprot đang run lên vì nóng ruột. Có lẽ bà ta đang phải đấu tranh để giữ được bình tĩnh. Chị rất hiểu người đàn ông mà cả nhóm đang tiếp xúc: một người khó hiểu, vụng về, thực ra là người không có khả năng diễn đạt rõ ràng một vấn đề gì và còn tệ hại hơn nếu bị thúc bách. Chị nhắc lại:

– Hãy kể tất cả cho chúng tôi nghe! Xin ông đấy.

– Đây chỉ là… Ồ! Trước hết, tên tôi là Robbins… Edward Robbins. Tôi sống ở Whiteways, trên đường Emes Cliff. Đây là một trong những ngôi nhà mới xây, ở một phố cũng mới… Giá không đắt lắm, tiện nghi, phong cảnh thì tuyệt vời và chỉ hai bước chân thôi là đã tới những quả đồi.

Tuppence đưa mắt để làm yên lòng người thiếu tá vì chị cảm thấy ông ta sắp sửa vỡ tung ra mất, rồi hỏi:

– Và ông đã nhìn thấy cháu bé mà chúng tôi đang đi tìm?

– Phải, tôi nghĩ rằng đúng là bé gái đó. Một bé gái đi với một người phụ nữ nước ngoài, chị đã nói như vậy phải không… Thực ra, lúc nào tôi cũng phải để mắt đến người phụ nữ này. Bởi vì, tất cả chúng tôi đều phục kích những tên gián điệp của ĐỘI QUÂN THỨ NĂM, phải không nào?.. Phải mở mắt ra, phát những quân lệnh chính thức, là điều mà lúc nào tôi cũng phải cố gắng thực hiện. Tôi đã để ý đến người phụ nữ này. Tôi đã nghĩ tới một cô nữ y tá, hay một cô hầu phòng… nói chung, đó là những nghề mà những nữ gián điệp thường chọn để xâm nhập vào đất nước này… Tóm lại, đây là một người phụ nữ lạ lùng… Cô gái đó đi về hướng những quả đồi nhỏ kia… với một bé gái bé nhỏ… Đứa bé có vẻ rất mệt mỏi, đôi chân lết đi. Hơn nữa, vào lúc 7 giờ 30 phút tối, phần lớn trẻ con ở tuổi đó đều đã đi ngủ cả rồi… Cho nên tôi đã theo dõi người phụ nữ này rất sát… Tôi nghĩ là đứa bé đã làm cho cô ta lo lắng… Và cô ta đã rảo bước, vừa đi vừa kéo theo đứa bé gái ở đằng sau… Cuối cùng cô ta cũng phải ẵm bé gái lên tay… Và họ lại tiếp tục tiến lên trên con đường nằm bên những vách đá… Mà các vị thấy không, như thế tôi mới thấy rất tò mò chứ, vì ở đấy không có một ngôi nhà nào… không có một cái gì hết… Không có một cái gì hết cho đến tận bến cảng Whitehaven dài tới tám cây số… Một cuộc dạo chơi bổ ích cho những người đi bộ… Nhưng ở đây tôi lại thấy rất lạ. Tôi tự hỏi mình rằng nếu như người phụ nữ này muốn phát đi những tín hiệu… Người ta đã nghe được những chuyện như vậy khi nói về những tên gián điệp kẻ thù… Có một điều chắc chắn là cô gái này rất lúng túng khi phát hiện ra tôi đang để ý đến mình.

Đại úy Haydock đã lên xe. Động cơ đã được khởi động.

– Đường Emes Cliff, ông nói thế chứ gì? – Haydock hét lên – Đúng là ở đầu kia thành phố, phải không nào?

– Phải. Ông cho xe chạy theo ven biển, đi ngang qua một khu đất cũ, rồi…

Tất cả mọi người đều đã ngồi vào trong xe, chẳng còn muốn nghe ông Robbins nói nữa.

– Xin cảm ơn, ông Robbins! – Tuppence chào ông ta.

Chiếc xe hơi bất thần lao về phía trước để lại sau lưng một tiếng động inh tai nhức óc.

Nếu họ đi qua thành phố mà không để xảy ra tai nạn gì thì cũng là nhờ sự may mắn hơn là nhờ tài năng điều khiển của con sói biển Haydock. Cuối cùng chiếc xe cũng đã chạy tới nơi có những chiếc chòi nằm rải rác ở gần một nhà máy sản xuất gas. Một loạt con đường nhỏ cụt ngủn bò dần lên đến đỉnh đồi. Emes Cliff là con đường cái thứ ba.

Đại úy Haydock lái chiếc xe của mình chạy tới nơi sau một đường lượn được ông ta tính toán thật tuyệt. Con đê kết thúc bởi một con đường mòn nhỏ dẫn lên tới tận đỉnh đồi.

– Tốt nhất là xuống xe rồi đi bộ tiếp. – Người thiếu tá tuyên bố.

– Tôi phải có bổn phận đưa chiếc xe này lên đến tận trên cao kia – Haydock quan sát – Xem ra mặt đất có vẻ khá cứng. Hơi xóc một chút đấy nhưng nhất định sẽ đi được.

– Ô, đúng rồi, tôi xin ông đấy! Tôi xin ông đấy! – Bà Sprot hò hét hết cả hơi – Chúng ta cần phải nhanh lên.

– Lạy Chúa, cứ làm như vậy đi cho dù các bà ấy có làm sao – Viên đại úy lẩm bẩm.

Chiếc xe ì ạch lên dốc. Cái dốc như dựng đứng nhưng cuối cùng thì chiếc xe vẫn lên được tới đỉnh an toàn. Đứng ở đây có thể phóng tầm mắt ra tới tận bến cảng Whitehaven.

– Cô ta không đến nỗi ngu ngốc thế đâu – Thiếu tá Bletchley bình luận – Nếu cần thiết người phụ nữ đó có thể ngủ qua đêm tại đây rồi sáng mai sẽ xuống bến cảng Whitehaven để đáp tàu đi tiếp…

– Tôi không thấy một dấu vết nhỏ nào cho dù đã cố hết sức quan sát. – Haydock nói.

Haydock đã ra khỏi xe và lấy chiếc ống nhòm cực nhạy dùng trong hải quân đưa lên mắt quan sát. Bất ngờ mọi người nhìn thấy nét mặt của ông ta nhăn lại trong lúc điều chỉnh lại đôi mắt kính để phân biệt được rõ hơn hai điểm đen đang di động:

– Mẹ kiếp, họ kia rồi!…

Ông ta nhảy vào sau tay lái, chiếc xe chồm lên. Cuộc săn đuổi kéo dài không lâu lắm. Những người ngồi trong xe không ngừng bật lên khỏi chiếc ghế ngồi của mình rồi đảo người từ bên này sang bên kia. Họ đã nhanh chóng bắt kịp được con mồi của mình mà thoạt tiên chỉ là hai dấu chấm đen. Sau đó, rõ ràng hơn là hai cái bóng – một cái nhỏ, còn cái kia lớn hơn nhiều… Đến gần hơn nữa thì đó là một phụ nữ đang dắt tay một em bé… Đó là một bé gái mặc chiếc áo dài có kẻ sọc xanh – Betty…

Bà Sprot xúc động để bật ra một tiếng kêu nghẹn ngào.

– Mọi việc đều tốt đẹp cả – Thiếu tá Bletchley vừa vỗ vào vai bà vừa nói – Chúng tôi sẽ giữ họ lại.

Chiếc xe của họ tiếp tục lăn bánh. Bất thình lình, người đàn bà đó quay đầu lại và nhận thấy chiếc xe đang tiến về phía cô ta.

Người phụ nữ hét lên, ẵm lấy đứa bé rồi co chân chạy. Không chạy thẳng về phía trước mặt mà hướng tới phía vách đá.

Đuổi theo được vài mét thì chiếc xe miễn cưỡng phải dừng lại. Mặt đất đầy những viên đá lớn làm con đường rất mấp mô. Những người ngồi trong xe nhảy ra ngoài.

Bà Sprot là người đầu tiên nhảy ra khỏi xe để đuổi theo người đàn bà lạ và Betty.

Những người khác cũng chạy theo bà.

Bây giờ họ chỉ còn cách nhau khoảng hai mươi mét. Người đàn bà lạ đã ở trước mặt, đứng cứng đờ. Giờ đây cô ta đã ở tận cùng của vách đá.

Cô ta phát ra tiếng gầm gừ khàn khàn và xiết chặt đứa bé hơn nữa.

– Lạy Chúa – Haydock kêu lên – Chị ta sẽ ném đứa trẻ xuống vực mất!

Nhưng người phụ nữ kia vẫn đứng bất động, sự căm thù đã làm biến dạng cả nét mặt của cô ta. Một câu nói dài phát đi mà không một ai hiểu nội dung. Người đàn bà đó thỉnh thoảng lại nhìn xuống khoảng không đang mở ra phía dưới cách chỗ cô ta đứng không đến một mét.

Hiển nhiên là cô ta đang đe dọa sẽ đẩy Betty từ trên vách đá cao như thế xuống dưới vực.

Mọi người đứng im như hóa đá, không ai dám động đậy vì sợ sẽ gây ra một thảm kịch.

Haydock sục tìm trong túi áo rồi rút ra một khẩu súng lục:

– Đặt đứa trẻ xuống đất nếu không ta bắn! – Ông ta kêu lên.

Nhưng người đàn bà xạ lạ kia lại khoái trá cất tiếng cười. Cô ta ghì chặt lấy đứa bé vào ngực. Cả hai cái bóng giờ đây chỉ là một.

– Tôi không đám bắn – Haydock nói khẽ – Tôi sợ sẽ làm bị thương đứa bé.

– Người đàn bà này điên mất rồi – Tommy khích lệ ông ta – Cô ta rất có khả năng sẽ nhảy xuống vực cùng với đứa trẻ vào bất cứ lúc nào.

– Tôi không dám bắn. – Haydock giọng yếu ớt nhắc lại.

Nhưng ngay lúc đó có tiếng súng vang lên. Người đàn bà lảo đảo, đổ sụp xuống nhưng vẫn không buông đứa bé ra.

Mọi người cuống cả lên. Bà Sprot lảo đảo, khẩu súng trong tay vẫn còn bốc khói, đôi mắt của bà như lồi ra.

Bà Sprot bước đi vài bước như một cỗ máy tự động.

Tommy quỳ xuống, thận trọng lật hai người lại. Anh nhìn vào khuôn mặt người phụ nữ và ghi nhận vẻ đẹp hoang đã kỳ lạ của cô ta. Đôi mắt mở to nhìn anh chăm chú rồi mất dần mọi cảm giác. Người đàn bà lạ bị bắn trúng vào đầu đã chết một cách thanh thản. Betty hoàn toàn bình an vô sự. Nó đã thoát khỏi cái chết trong gang tấc, vùng dậy rồi chạy tới người phụ nữ đang đứng im như một pho tượng đợi nó.

Cuối cùng bà Sprot cũng bình tĩnh trở lại. Bà ném khẩu súng ra xa rồi cúi xuống bế đứa con gái bé nhỏ:

– Nó không sao cả! – Bà Sprot kêu lên – Nó không sao cả! Ôi, Betty!… Betty!

Rồi bà nới lỏng tay ra và nói trong hơi thở:

– Có phải… có phải… tôi đã giết chết cô ta rồi không?

– Đừng nghĩ tới chuyện đó – Tuppence nói như ra lệnh – Đừng nghĩ ngợi gì nữa. Chỉ nghĩ tới Betty thôi. Riêng Betty mà thôi.

Người bà Sprot hơi rung lên trong những tiếng nấc và đứa trẻ đã thiu thiu ngủ trong lòng bà.

Tuppence quay lại nhập bọn với ba người đàn ông.

– Chuyện này quả là kỳ diệu! – Haydock lẩm bẩm – Tôi sẽ chẳng bao giờ làm được như thế đâu. Với một người phụ nữ chưa bao giờ cầm một khẩu súng trong tay thì chuyện vừa xảy ra càng không thể tin được! Một phát bắn theo bản năng… Đúng là kỳ diệu, thế đấy.

– Ơn Chúa vì chuyện này đã kết thúc! – Tuppence đáp.

Chị đưa mắt dõi theo những chiếc lá cây lìa cành rơi xuống dưới chân vách đá phía xa mà rùng mình.

Bình luận