Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đàn Bà Hoang Dã

Chương 10: Sự kiện xảy ra trong đêm

Tác giả: Agatha Christie

Chị đã nói là quân ba bích phải không, chị Blenkensop?

– Vâng, Blenkensop đã nói rõ là quân ba bích mà.

Từ phòng điện thoại trở về, dù mệt đến đứt cả hơi nhưng bà Sprot đã phản đối:

– Họ còn một lần nữa để thay đổi giờ kiểm tra phòng thủ thụ động. Thật chán chết đi được!

Rồi bà yêu cầu mọi người nhắc lại những thông cáo chiến sự cho bà biết. Như thường lệ, cô Minton lại làm cho ván bài chậm lại vì những lời lải nhải của mình:

– Có phải chính tôi đã nói là quân hai nhép không? Các bà có thừa nhận thế không? Tôi hoàn toàn tin chắc đấy là một quân át chủ bài. A! phải rồi, bây giờ thì tôi nhớ rồi, lúc đó… Bà Carley ra một con cơ, đúng không? Còn tôi, tôi đã cố ý nói đó là quân át chủ bài. Tôi hoàn toàn không có đủ số điểm cần thiết, nhưng theo tôi đánh bài thì cần phải lòe nhau một tí. Sau đó bà Carley đã nói là quân cơ làm cho tôi phải lên quân hai nhép. Thế đấy, lúc nào cũng thấy khó khăn khi còn hai quân bài trên tay…

Tuppence quan sát thấy cô Minton thường không ngửa quân bài của mình lên mặt bàn để những bạn chơi nhìn thấy. Cô ta không có khả năng trình bày lại được cách chơi của mình.

– Vậy thì chúng ta công nhận thế này nhé – Cô Minton kết luận vui vẻ – một cơ, hai nhép.

– Hai bích nữa. – Tuppence bổ sung.

– Tôi thì cho qua. Tôi tin là như vậy. – Bà Sprot nói.

Tất cả mọi người chăm chú nhìn bà Carley. Sau đó, cô Minton tóm tắt lại như sau:

– Bà Carley đã yêu cầu quân ba rô, còn tôi nói là quân ba cơ.

– Ba bích cho tôi. – Tuppence nhắc lại.

– Tôi cho qua. – Bà Sprot khẽ nói.

Bà Carley không nói gì cả. Cuối cùng bà cũng đã nhận thức được rằng mọi con mắt đang đổ dồn vào mình.

– Lạy Chúa! – Bà Carley ngượng đỏ mặt – Tôi thấy rối bời lên rồi. Tôi nghĩ có lẽ ông ấy đang cần đến tôi vì ông ấy vẫn còn ở ngoài đó, trên thềm nhà. Mong rằng không có chuyện tồi tệ gì xảy ra.

Bà đưa mắt nhìn một vòng quanh bàn:

– Nếu các bà không thấy phiền thì tôi xin phép đi xem ông nhà tôi thế nào rồi. Tôi đã nghe thấy một tiếng động lạ. Chắc ông ấy lại đánh rơi cuốn sách xuống đất rồi.

Rồi bà Carley hấp tấp đi qua ô cửa sổ sát đất. Tuppence buông tiếng thở dài khó chịu:

– Phải buộc một sợi chỉ vào cổ tay bà ta thôi! Làm như vậy thì chỉ cần giật dây là gọi được bà ấy.

– Thật là một người vợ hết sức tận tâm – Cô Minton than thở – Thật tuyệt vời khi có những người phụ nữ như thế trên đời.

– Bà đã tìm thấy chưa? – Tuppence bắt đầu cảm thấy sốt ruột hỏi vọng ra.

Không có tiếng bà Carley trả lời. Ba người phụ nữ im lặng không nói gì, mãi sau cô Minton mới cất tiếng hỏi:

– Mà này, Sheila đang ở đâu vào tối nay nhỉ?

– Đến rạp chiếu bóng. – Bà Sprot trả lời.

– Còn bà Perenna? – Tuppence tỏ ra lo lắng.

– Bà ấy nói với tôi là lên phòng để tính toán sổ sách. Ôi cái bà già hay nũng nịu đó – Cô Minton động lòng – sổ sách ấy phát chán đi được.

– Dù gì thì bà ấy cũng không làm sổ sách suốt tối nay đâu – Bà Sprot xen vào – Tôi đã nhìn thấy bà ấy bước vào phòng trong lúc gọi điện thoại.

– Tôi cứ băn khoăn mãi liệu bà ấy có thể đi đâu được nhỉ trong khi cuộc đời bà ấy đầy rẫy những nghi vấn như thế. Chắc chắn không phải tới rạp chiếu bóng rồi. Bà ấy vẫn chưa trở về mà.

– Bà ấy không đội mũ – Bà Sprot tiếp tục nói – Không mặc áo khoác. Đầu tóc thì bù xù và tôi nhìn thấy bà ấy ào vào phòng, thở đến đứt cả hơi. Rồi chẳng nói với tôi lấy một lời trong lúc trèo lên cầu thang, nhưng mắt thì liếc nhìn tôi rất lạ!… Tôi tin chắc là thế mà.

Bà Carley đã xuất hiện trở lai:

– Báo cho các bà biết nhé! Ông nhà tôi đã tự mình đi một vòng quanh khu vườn đấy. Quả là một buổi tối dễ chịu.

Bà Carley trở lại chỗ ngồi của mình ở bàn đánh bài brit [1].

– Các bà này… có phải những thông cáo lại được nhắc lại không?

Tuppence cố nhịn để không phá lên cười. Người ta cứ lải nhải mãi về những thông cáo tóm tắt.

Bà Perenna bước vào phòng đúng vào lúc những quân bài đang được chia cho ván tiếp theo.

– Một cuộc dạo chơi thú vị? – Cô Minton nói và cười duyên.

Bà Perenna đưa mắt nhìn cô vẻ khó chịu và nghiêm khắc nói:

– Tôi không đi dạo chơi.

– À… ờ… tốt rồi… Bà Sprot nói rằng bà cũng vừa mới bước vào đây?

– Tôi chỉ ra ngoài để xem thời tiết thế nào.

Ai cũng nhận ra trong giọng nói của bà Perenna có một âm điệu thù địch và ánh mắt của bà không chịu rời khỏi bà Sprot.

– Các bà có thấy ngạc nhiên không? – Bà Carley thu hút sự chú ý của mọi người bằng việc nhắc lại thông tin tuyệt diệu là ông Carley đã tự đi được một vòng quanh vườn.

– Cái gì đã thúc đẩy ông ấy làm được như vậy? – Bà Perenna đưa ra câu hỏi.

– Một đêm tuyệt vời như thế – Bà Carley giải thích – Thậm chí ông ấy còn không sử dụng đến khăn quàng cổ. Tôi thuyết phục mãi mà ông ấy chẳng chịu vào trong nhà. Mong rằng ông ấy không bị nhiễm lạnh.

– Bị nhiễm lạnh thì dở quá – Bà Perenna đáp lại – Vào bất kỳ lúc nào, tất cả chúng ta đều có thể nhận một trái bom và nó sẽ làm mọi người nát tan thành một tảng patê.

– Lạy Chúa! Tôi rất mong chuyện đó sẽ không xảy ra.

– A! Hay đấy! Thế này nhé, tôi lại rất mong có chuyện đó.

Sau khi phát ra những lời tốt lành đó, bà Perenna chạy biến mất qua cái cửa sổ ở sát đất, để lại bốn bà chơi bài brit sững sờ ngồi đấy.

– Có lẽ bà ấy không được khỏe. – Bà Sprot bình luận. Cô Minton cúi người để lời tâm tình của cô thêm ý nghĩa:

– Các bà không tin là…

Các bà chơi bài cúi người xuống, cô Minton cũng vậy.

– Các bà có tin là bà ấy đã uống rượu không?

– Trời ơi! – Bà Carley kêu lên – Tôi tự hỏi là… Chuyện này đã giải thích tất cả. Bà ấy… Một vài lần bà ấy tỏ ra rất khó hiểu. Chị nghĩ thế nào, chị Blenkensop?

– Ồ! Thực sự tôi không tin. Tôi nghĩ là vì buồn chán mà bà ấy làm như vậy.

– Đồ chết giẫm… Tôi có thể nói được điều gì chính xác hơn đây? – Bà Sprot nói thầm, vẻ bối rối và cân nhắc.

Không có người nào đề xuất ý kiến gì để giúp đỡ bà Perenna giải quyết chuyện của mình. Cô Minton không ngừng liếc nhìn một cách trâng tráo những lá bài của bà Sprot – người mà cô nghĩ có thể mang lại cho bà Perenna những lời khuyên quý giá.

– Chắc không phải vì vụ bắt cóc Betty đấy chứ? – Bà Sprot tỏ ra lo lắng.

– Không, chắc chắn là không rồi. – Tuppence khẳng định.

Chị đang tự nhủ mình chắc sẽ phải hét tướng lên cho tới khi cuộc chơi lại tiếp tục.

Dường như những sự lo âu của tình mẫu tử đã chiếm hết cả tư duy nên bà Sprot kiểm tra những lá bài của mình bằng con mắt vô định:

– Ờ… tôi tin…

Mọi người đều thông báo là đã sẵn sàng. Bắt đầu từ bà Carley. Bà dẫn một câu nói đùa truyền thống để khỏi phải ra quân chủ bài:

– Hàng vạn người Anh bị vứt xuống sông Tamise…

Bà đặt lên bàn quân chín rô của mình.

– Hãy nói cho tôi nghe các bà định ngồi chơi bài cho đến ngày tận thế đấy à! – Một giọng nói ồm ồm và quen thuộc vang lên.

Bà O’Rourke đang chiếm cả khoảng trống của ô cửa lớn nhìn ra ban công. Bà đứng đó với đôi mắt lấp lánh, tinh quái và nghịch ngợm. Bà bước vào phòng khách.

– Mọi người đều có vẻ thích chơi bài nhỉ? – Bà O’Rourke tiếp tục.

– Bà có cái gì ở trong tay thế kia? – Bà Sprot tò mò hỏi.

– Một chiếc búa ấy mà – Bà O’Rourke vui vẻ trả lời. Tôi tìm thấy nó trên lối đi. Chắc có ai đó đã bỏ quên.

– Một nơi kỳ cục để bỏ quên một chiếc búa – Bà Sprot nhận xét.

– Cho dù thế nào, sự thật vẫn là sự thật – Bà O’Rourke nhấn mạnh.

Bà O’Rourke xem ra có vẻ bẳn tính. Tay vung vẩy chiếc búa, bà ta đi vào căn phòng lớn.

– Để xem có chuyện gì đây – Cô Minton suy nghĩ – Vì sao nhỉ, một con át chủ bài ư?

Cuộc chơi đã tiếp diễn như vậy trong vòng năm phút cho tới lúc viên sĩ quan hành chính Bletchley xuất hiện. Ông ta đã bỏ ra một buổi tối ở rạp chiếu bóng để chìm đắm trong những tình tiết của một câu chuyện về nhà thơ Troubadour [2] lang thang, dưới thời trị vì của nhà vua có trái tim sư tử Richard. Là một chuyên gia về nghệ thuật quân sự, ông ta chỉ trích rất gay gắt người đạo diễn các cảnh quay những trận chiến đấu ở thời Thập Tự chinh.

Ván bài brit chắc sẽ không bao giờ bị gián đoạn nếu như bà Carley không liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay của mình. Bà nhận ra thời gian đã trôi đi nhanh quá nên bà vừa kêu lên sợ hãi vừa nhảy bổ vào vườn để đi tìm chồng.

Sau một thời gian bị bỏ quên trong vườn, ông Carley khoái trá phát ra một cơn ho dữ dội trong khi cả cơ thể đang rung lên bần bật.

– Em thân yêu ơi, anh thấy rất dễ chịu, hoàn toàn dễ chịu đấy. Anh hy vọng em cũng thấy hết sức thoải mái. Anh, anh không có gì đáng phải lo lắng, đúng không? Anh có bị nhiễm lạnh thì cũng chẳng quan trọng gì… Chúng ta đang sống trong chiến tranh cơ mà, phải không nào?

Sáng hôm sau, Tuppence bước xuống tầng dưới để ăn sáng thì chị nhận thấy ngay bầu không khí có vẻ hơi căng thẳng.

Bà Perenna, môi cắn chỉ, nói không úp mở một vài nhận xét khó chịu rồi rời khỏi phòng ăn mà không tìm cách che giấu sự tức tối của mình.

Viên sĩ quan hành chính Bletchley sau khi đã nâng cốc đang công khai cười khẩy.

– Tình hình xem ra bi đát lắm đây – Nói xong ông ta cười rúc rích – Nhưng dù sao thì đây cũng là điềm báo trước một sự kiện gì đấy, phải không nào?

– Cái gì đã được báo trước? – Cô Minton hỏi – Có chuyện gì xảy ra rồi?

Với một thái độ tò mò thèm thuồng, cô Minton vươn cái cổ gầy gò của mình để chú ý nghe được rõ hơn câu chuyện.

– Tôi không hoàn toàn chắc có thể tiết lộ cho các vị biết bí mật của những tên vô lại xấu xa thuộc loại tầm cỡ.

Viên sĩ quan lại rúc rích cười như một cách chọc tức đặc biệt.

– Ô, ông thiếu tá Bletchley. Hãy kể hết cho chúng tôi nghe đi. – Tuppence năn nỉ.

Vẻ tư lự, viên thiếu tá đưa mắt đảo qua một vòng số cử tọa: cô Minton, bà Blenkensop, bà Carley và bà O’Rourke. Bà Sprot vừa mới đi khỏi đây cùng với Betty.

– Sự rầu rĩ của bà chủ nhân là do ông Meadowes. Ông ta đã qua đêm ở bên ngoài. Và bây giờ vẫn chưa trở về.

– Cái gì? – Tuppence kêu lên.

Viên sĩ quan hành chính đưa mắt nhìn chị đầy vẻ quỷ quyệt. Bộ mặt tiu nghỉu của người vợ góa ông chủ hãng dầu làm hắn khoái chí.

– Ông ta là một kẻ có tính chim chuột – Ông ta lạnh lùng nói – Còn bà Perenna thì tỏ ra không bằng lòng về ông ta. Dĩ nhiên là như thế rồi.

– Ôi, Chúa ơi! – Cô Minton đỏ mặt nghẹn ngào nói.

Bà Carley thì thể hiện rõ vẻ bực mình.

Bà O’Rourke thì ôm bụng cười:

– Ha, ha! Bà Perenna đã kể cho tôi nghe chuyện đó rồi. Úi chà! Đàn ông thì lúc nào mà chả là đàn ông…

– Nhưng các bà ơi – Cô Minton húng hắng ho – biết đâu ông Meadowes chẳng đã gặp phải một tai nạn. Các bà biết đấy, khi người ta trong tình trạng mất trí…

– A! Một con người mất trí can đảm – Viên sĩ quan hành chính ngắt lời – vì sao ông ta lại tỏ ra vô trách nhiệm như thế? Tôi có thể nói cho các bà biết là đi tuần tra với đơn vị phòng vệ địa phương sẽ mở ra cả một chân trời. Người ta kiểm tra các xe ô-tô và những người bộ hành. Các bà này, các bà không thể tưởng tượng được những phụ nữ “trở về nhà cùng với đức ông chồng của họ” là như thế nào đâu. Chỉ có các chứng minh thư mới ghi các tên họ khác nhau thôi! Như một sự tình cờ, một bà, hoặc là một ông, một vài tiếng đồng hồ sau đó lại đi theo một người khác. Hoặc đi một mình!… – Tiếng cười của viên sĩ quan vang lên nhưng ngừng lại rất nhanh bởi cái nhìn như muốn đốt cháy ông ta của bà Blenkensop…

– Là con người thì phải như vậy – Bletchley nói như để xin lỗi – Cũng cần phải làm cho da thịt tươi mát một chút chứ.

– Ôi! Ông Meadowes tội nghiệp – Cô Minton phàn nàn – ông ấy có thể đi gặp phải một tai nạn lắm chứ. Xe ô-tô bị đổ chẳng hạn… Tôi không biết nữa…

– Tôi tin chắc rồi ông ấy sẽ kể lại cho chúng ta nghe thôi – Viên sĩ quan hành chính nói xen vào – Một chiếc ô-tô nào đó đã va vào ông ấy… làm cho ông ấy ngất đi… và không trở về nhà mình vào sáng nay.

– Có lẽ ông ấy đã được chở vào bệnh viện.

– Người ta sẽ thông báo thôi. Ông ấy có thẻ căn cước trong người cơ mà, phải không nào?

– Lòng khoan dung! – Bà Carley rên rỉ – Tôi tự hỏi xem ông ấy sẽ nói gì về chuyện này?

Câu hỏi mang tính hình thức nên không có câu trả lời. Cảm thấy phẩm giá của mình bị xúc phạm, Tuppence liền đứng dậy và rời khỏi phòng ăn.

Khi cánh cửa đóng lại, thiếu tá Bletchley lại cười khẩy:

– Ông Meadowes đáng thương… Người đàn bà góa vui vẻ thì say ông ta quá rồi. Tôi tin là bà ta đã chọn ông ấy.

– Này, thiếu tá Bletchley! – Cô Minton lên tiếng quở trách.

Thiếu tá nháy mắt:

– Các bà có nhớ những nhân vật của Bickens nói gì không nào? “Sanrmy, anh có dè chừng các bà góa chồng không?”…

Sự vắng mặt không ngờ tới của Tommy đã làm cho Tuppence hơi bối rối, nhưng chị vẫn cố gắng tự trấn an. Rất có thể Tommy bị kẻ thù nghi ngờ và anh đã bị săn lùng. Cả hai người đã được báo trước về những tình huống đặc biệt như thế này. Chị kết luận rằng đây chỉ là một sự mất tích, kéo theo những lo lắng vô căn cứ chưa được giải thích. Ngoài ra họ đã thỏa thuận trước với nhau về một số việc nhất định phải làm để đối phó với những trường hợp khẩn cấp.

Căn cứ vào lời nói của bà Sprot thì bà Perenna đã ra đi từ tối hôm trước. Sự phản bác thẳng thừng của những con người này thúc đẩy chị phải hỏi cho ra động cơ nào đã khiến anh lẩn đi một cách kín đáo như thế.

Ai mà biết được chuyện gì có thể xảy ra nếu như Tommy đã phát hiện ra dấu vết nào đó của kẻ thù và bị hắn theo dõi. Hy vọng là anh ấy sớm gửi cho chị một lời nhắn hoặc là anh phải xuất hiện trở lại.

Tuppence đã ngấm ngầm cảm thấy rất rõ sự nguy hiểm. Và, không lần chần tránh né thêm nữa, chị đi sẽ tìm hiểu bà Perenna.

Bà Perenna bày tỏ quan điểm của mình một cách súc tích và cô đọng: Ông ấy không phải là một đối tượng đáng ngờ, càng không phải một người xấu xa như thế về tư cách trong quan hệ với một số người khách trọ ở đây.

– Ồ! Nhưng mà điều gì chứng thực rằng anh ấy đã không gặp phải tai nạn nhỉ? – Bà Blenkensop kêu lên trong tinh thế tuyệt vọng – Tôi chắc rằng anh ta đã gặp phải một chuyện gì đó! Anh ấy không phải là người đàn ông… xấu xa và dâm đãng. Đó không phải là tính cách của anh ấy… Chỉ có thể là bị đổ xe… hoặc là… tôi không biết, tôi…

– Dù sao đi nữa, chúng ta cũng phải biết chắc chắn sự thật về một con người – Bà Perenna nói chặn.

Nhưng một ngày đã trôi qua mà vẫn chẳng có tin tức gì về ông Meadowes.

Tối hôm đó, bà Perenna đã chịu nhượng bộ trước những lời khẩn cầu của những người khách trọ của mình là nhấc máy gọi cảnh sát.

Một trung sĩ đem theo một cuốn sổ tay lập tức có mặt để thu thập lời khai của từng người. Diễn biến của các sự việc dần dần được xác định. Ông Meadowes đã rời khỏi chỗ ở của đại úy Haydock vào lúc 10 giờ rưỡi rồi đi bộ về ngôi nhà Vui Vẻ cùng với hai người đàn ông trẻ tuổi tên là Walters và Ctis. Đến chân hàng rào sắt, họ chúc nhau một buổi tối tốt lành rồi mỗi người đi theo con đường của riêng mình.

Từ lúc đó trở đi, ông Meadowes có vẻ như đã bị bốc hơi.

Tuppence hình dung ra hai giả thuyết.

Trường hợp thứ nhất, rất có thể là Tommy đã bắt gặp bà Perenna đang nấp trong các bụi cây nên đã theo dõi bà ta. Sau đó anh đã nhìn thấy sự hẹn hò lén lút giữa bà Perenna và một người đàn ông lạ mặt. Rồi bà Perenna trở lại ngôi nhà Vui Vẻ. Tommy tiếp tục lần theo dấu chân của kẻ lạ mặt kia và sự mạo hiểm đó đã đẩy anh vào một tình thế hết sức hiểm nghèo.

Giả thuyết thứ hai rõ ràng là ít hấp dẫn hơn, bà Perenna trên đường trở về ngôi nhà Vui Vẻ trong tình trạng “đầu bù tóc rối, thở đứt cả hơi”, và nhìn kìa, rõ ràng là bà O’Rourke đang tươi cười hớn hở bên ô cửa sổ sát mặt đất với chiếc búa trong tay…

Chiếc búa này đã hé mở những bối cảnh kinh khủng. Bởi vì, cuối cùng thì chỉ có quỷ mới biết được tại sao nó lại được đem vào trong vườn?

Phát hiện được kẻ nào có thể sử dụng thành thạo chiếc búa này là đã hé mở được điều kỳ diệu rồi.

Trên thực tế tất cả phụ thuộc rất nhiều vào giờ phút chính xác khi bà Perenna trở về khách sạn. Chắc chắn sự kiện này xảy ra trong khoảng thời gian 10 giờ đến 10 giờ rưỡi, nhưng không một ai có thể nhớ chính xác điều ấy. Bà Perenna đã cao giọng khẳng định rằng mình chỉ ra khỏi nhà để xem xét tình hình thời tiết. Nhưng có bao giờ đi kiểm tra thời tiết nắng mưa và nhiệt độ ngoài trời mà người ta lại phải thở đứt cả hơi. Thêm vào đó, bà Perenna rất lấy làm bực mình khi bà Sprot nhận thấy điều đó. Cả bốn bà chơi bài brit có may mắn một chút là được bình thản ngồi quanh chiếc bàn.

Vậy thì ván bài này xảy ra vào lúc nào?

Tuppence thấy rất mơ hồ về điểm này. Nếu như các bà này vô can thì hiển nhiên bà Perenna được ghi tên đầu tiên vào bản danh sách những người khả nghi.

Nhưng người ta cũng không thể gạt bỏ những khả năng khác. Ba người trong số khách trọ của ngôi nhà Vui Vẻ không có mặt ở đây lúc Tommy quay về.

Viên sĩ quan hành chính Bletchley đã đi xem phim. Có điều ông ta lại đi một mình. Và cái cách kể lại đến từng chi tiết nhỏ nhất trong bộ phim lại khiến cho người ta nghi ngờ rằng người thiếu tá này đã chuẩn bị sẵn một lý do vắng mặt.

Ông Carley ốm yếu đã đi một vòng quanh vườn. Nhưng nếu không có sự lo lắng biểu lộ rõ trên nét mặt của người vợ ông ta thì cuộc đi dạo đó sẽ chẳng bao giờ được nghe nói đến và mọi người đều nghĩ là ông ta đang ngồi trong chiếc ghế bành của mình kê trên thềm nhà, giống như một cái xác ướp quấn quanh mình vô số những thứ hào nhoáng. Vả lại, làm như thế là ông ta đã đương đầu với những mối nguy hiểm bất ngờ trong một đêm tối trời mát mẻ.

Tiếp đó là bà O’Rourke đung đưa chiếc búa trong tay với một nụ cười lạ lùng trên môi…

– Chị có chuyện gì không ổn à chị Deborah? Trông chị có vẻ lo lắng đấy.

Deborah Beresford cười phá lên, cô nhìn chằm chằm vào đôi mắt màu hạt dẻ đáng yêu của Tony Mardon. Cô rất mến Tony. Anh ta là một người thông minh – một trong số những người mới vào nghề có tài năng nhất của Cục Tình báo và có vẻ sẽ hứa hẹn một tương lai tươi sáng.

Bất chấp những yêu cầu hết sức khắt khe đòi hỏi ở cô, Deborah lấy làm vui thú về công việc của mình. Đó là một công việc thực sự cực nhọc, khác hẳn việc phải đứng chờ quá lâu trong một bệnh viện để được người ta cho phép bạn lại gần một thương binh.

– Ồ! Không có gì đâu – Cô nói – Chuyện gia đình ấy mà! Anh đã biết một số vấn đề trong gia đình tôi mà.

– Các gia đình hay tìm mọi cách phô ra những chuyện khó chịu. Rắc rối của gia đình chị như thế nào?

– Đấy là chuyện của mẹ tôi. Tôi cảm thấy buồn khi phải thú thật với anh về chuyện này.

– Tại sao? Có chuyện gì xảy ra vậy?

– Chuyện là như thế này! Bà đã đi rất xa về tận miền Cornonailles, để sống với những người họ hàng mà tôi chán đến kinh khủng. Bà đã hơn bốn mươi tuổi rồi và đã hơi lẩm cẩm…

– Như thế thì không có gì là kỳ cục. – Người đàn ông trẻ nói với vẻ thông cảm.

– Vâng, về phía mẹ tôi, đây là một hành động thực sự rất thanh cao. Nhưng bà lại là người hung dữ nên mới không được người ta cho tham gia vào cuộc chiến này một cách dễ dàng. Trước đây mẹ tôi đã từng làm y tá và bà đã làm được rất nhiều điều kỳ diệu. Nhưng bây giờ đã khác rồi. Họ chẳng thích gì kiểu người chiến đấu xa xưa ấy. Họ cần bọn thanh niên trẻ, làm việc có hiệu quả một trăm phần trăm. Nên bà mới quyết định về nghỉ hưu ở Cornonailles tại gia đình dì Gracie. Bà dành thời gian để trông nom khu vườn, trông một số loại rau và vài thứ khác.

– Một việc làm bổ ích đấy chứ. – Tony nhận xét.

– Phải, tôi thực sự tin rằng mẹ tôi có thể làm được tốt hơn. Bà hãy còn năng động lắm, anh biết đấy.

– Thật may mắn.

– Phải, nhưng vấn đề không phải là ở chỗ đó. Tôi vui vì bà. Vậy mà cách đây chưa được ba ngày, tôi đã thực sự thấy bi quan về bà.

– Vấn đề gì vậy?

– Vấn đề gì ư? Là một chuyện mà tôi đã nhờ Charles, khi anh ấy về thăm gia đình thì chuyển giúp tôi lời chào đến mẹ. Anh ấy đã đến nhưng mẹ tôi không có mặt ở đó.

– Vào lúc đó, bà cụ không ở đấy ư?

– Không. Và ngay cả dì Gracie cũng có vẻ như không biết mẹ tôi đang ở đâu.

Một thoáng bối rối lướt qua khuôn mặt Tony:

– Thật là lạ. Tôi muốn hỏi… người cha của chị… đang ở… Ở đâu nhỉ?

– Người đàn ông có mái tóc hung ấy à? Ồ! Ông ta ở đâu đó tại Ecosse. Trong một những văn phòng khủng khiếp của Chính phủ và một ngày phải hoàn thành một núi các văn bản.

– Có thể mẹ chị đã trở về với ông.

– Chẳng phải thế đâu. Ông đang sống ở một trong những địa phận nghiêm cấm sự hiện diện của các bà vợ.

– Vâng… mà này…

Lúc này Tony đang thực sự bối rối. Có lẽ là vì đôi mắt to đầy lo âu của Deborah đang nhìn như van nài anh ta.

– Nhưng rốt cuộc thì tại sao chứ? Đó là một chuyện rất mập mờ. Tất cả những bức thư mà mẹ gửi cho tôi trong thời gian qua… đã nói cho tôi biết về dì Gracie, về mảnh vườn và về tất cả…

– Tôi biết, tôi biết – Tony tỏ ra vồn vã – Chắc chắn là bà cụ muốn chị tin rằng… Bà không muốn để chị nghi ngờ… Tôi muốn nói là… Ở thời buổi này có những người làm… những chuyện điên rồ. Nếu như chị hiểu được tôi muốn nói tới điều gì…

Trong cái nhìn của Deborah đã bùng lên ngọn lửa giận dữ:

– Nếu anh cho rằng mẹ tôi đã chuồn đi với một tay bịp bợm nào đó thì anh hoàn toàn nhầm rồi! Hoàn toàn nhầm đấy! Mẹ yêu bố! Và ngược lại… hai người yêu nhau! Trong một gia đình thì tình cảm đó phải được coi như một chân lý. Không bao giờ bàn lại…

– Nhất định rồi – Tony cắt ngang – Tôi lấy làm tiếc. Tôi không muốn…

Nhưng cơn giận dữ của Deborah đã dịu lại, cô đưa tay lên vuốt tóc:

– Nhưng điều lạ lùng nhất là có một người, vào một hôm nào đó, nói với tôi là đã nhìn thấy mẹ ở Leahampton. Tôi xin hỏi anh về Leahampton một chút! Tất nhiên, tôi tin người phụ nữ mà người đó nhìn thấy không phải là mẹ vì bà đang ở Cornonailles. Nhưng bây giờ có nhiều vấn đề làm tôi thắc mắc…

Tony rút ra một điếu thuốc lá và quẹt que diêm. Động tác của anh ta ngừng lại và que diêm vụt tắt.

– Leahampton à? – Anh ta hỏi.

– Vâng. Một vùng đất ở tận cùng của thế giới, nơi mà người ta hình dung ra mẹ sẽ chẳng có việc gì để làm ở đấy và đây cũng là nơi trú ngụ của các đại tá về hưu cùng các cô gái già quàu quạu.

Tony châm một điếu thuốc lá. Anh ta tỏ ra điềm tĩnh và tìm hiểu:

– Chị nói bà cụ làm gì trong cuộc chiến tranh vừa qua?

– Có một giai đoạn bà là y tá, rồi làm lái xe cho một ông tướng…

– Đúng rồi! Có lẽ bà cũng giống như chị đang làm việc cho Cục Tình báo Trung ương.

– Bà mẹ khốn khổ của tôi lúc nào cũng quá sốt sắng với một công việc như thế. Nhưng dẫu sao thì tôi cho rằng bây giờ cha và mẹ có vẻ như đã trở thành những nhân vật bí hiểm và bất tài. Những tài liệu bí mật… những điệp viên có tầm cỡ… Lẽ tất nhiên, các cụ rất thích khoe khoang và cố làm cho người ta tin rằng đấy là một công việc cực kỳ quan trọng. Tôi phải thú nhận là chúng ta không được ép họ kể cho chúng ta nghe hết mọi chuyện vì anh biết đấy, những chuyện tương tự đã xảy ra như thế nào trong các gia đình… suốt một ngày…

– Tôi biết – Tony nhiệt tình khẳng định – và hoàn toàn nhất trí với chị.

Ngày hôm sau, Deborah có cảm tưởng là người ta đã làm xáo trộn thứ gì đó trong cái vẻ bề ngoài quen thuộc của căn phòng cô ở.

Phải mất một lúc lâu cô mới phát hiện được sự khác lạ đó. Một khung ảnh lớn có hình mẹ cô được đặt ở trên chiếc tủ quần áo đã biến mất và thế là bà chủ phòng trọ đã bị tra hỏi một cách chua chát.

Bà Rowley vừa tỏ ra khổ tâm vừa bực mình.

Cô không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chưa bao giờ cô có ý nghĩ sẽ chạm tay vào bức ảnh này. Biết đâu lại chẳng là bà Gladys – người giúp việc của nhà trọ… Thế là bà Gladys được gọi hỏi nhưng bà ta đã phủ nhận tất cả. Nhưng theo gợi ý của bà ta thì có một người đàn ông của công ty chất khí đã đến kiểm tra đường ống dẫn chất đốt của nhà trọ…

Deborah không nghĩ rằng một người làm công cho một công ty chất khí lại có thể bị lòng ham muốn như lửa đốt hành hạ đến mức phải chiếm lấy bức chân dung của một người đàn bà đã ở hai lứa tuổi.

Bà Rowley nghĩ ngay đến chuyện bà Gladys đã sơ ý làm rơi bức chân dung, chiếc khung ảnh bị vỡ và bà ta nhanh chóng cho nó biến vào sọt rác.

Nhưng Deborah không muốn làm to chuyện. Sớm hay muộn cô sẽ viết thư bảo mẹ gửi đến một bức ảnh mới.

Chú thích:

[1] Có 52 quân. Khi chơi chia làm hai bên, mỗi bên hai người.

[2] Nhà thơ trữ tình phương Nam thế kỷ XII, XIII ở Pháp.

Bình luận
× sticky