Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Đàn Bà Hoang Dã

Chương 6: Kế hoạch hành động

Tác giả: Agatha Christie

Tommy lơ đãng liếc nhìn cái gói mà Tuppence trao cho anh, hỏi:

– Gói này đây à?

– Vâng. Nhưng hãy cẩn thận. Anh không được khinh xuất đâu.

Tommy sôi nổi trả lời:

– Em đừng lo!… Chẳng biết là đồ quái quỷ gì đây?

– Là thứ mà mọi người gọi là enzim thối đấy – Tuppence trả lời – chỉ một dúm nhỏ thôi là người ta sẽ hiểu ra ngay tại sao người yêu của hắn lại phải dùng đến cách chạy trốn…

– Một thứ nước hoa xịt nách… – Tommy thổi phì phì, vẻ mặt ngẫm nghĩ.

Một lúc sau, có một loạt sự cố bất ngờ xảy ra trong ngôi nhà Vui Vẻ…

Đầu tiên là toàn bộ căn phòng của ông Meadowes tràn ngập một mùi cực kỳ khó chịu.

Meadowes không phải là típ người hay kêu ca phàn nàn. Lúc đầu, ông định tự mình giải quyết vấn đề đó nhưng thứ mùi lạ ấy mỗi lúc lại càng bốc lên nồng nặc.

Để biểu lộ thái độ tôn trọng bà Perenna, người ta thúc ép bà giải quyết cho được vấn đề nghiêm trọng này. Cực chẳng đã, bà Perenna đành chấp thuận phải tìm ra bằng được nguyên nhân gây ra thứ mùi đó. Đúng là khó chịu thật. Bà Perenna là người đầu tiên nêu ý kiến là do cái khóa ở van khí đốt của lò sưởi đã bị rò rỉ.

Tommy cúi người xuống để đi tìm nguyên nhân giả thiết của bà, và anh đã nhận ra mùi hôi thối này có vẻ xuất phát từ một nguồn gốc khác. Cuối cùng mọi người nhất trí rất có khả năng đó là mùi chuột chết.

Bà Perenna bắt buộc phải thừa nhận là đã nghe nói đến những sự cố tương tự như thế. Một con chuột nhắt. Đây là chuyện bất đắc dĩ thôi… Ấy vậy mà bà đã thề sống thề chết là không có một con chuột nhắt nào trong ngôi nhà Vui Vẻ.

Ông Meadowes không muốn để bà chủ nhà bị chưng hửng, rằng cái mùi hôi thối ấy bốc ra đến tận… lỗ mũi của ông khiến ông phải suy nghĩ, cho dù đây chỉ là một con chuột chết chứ không phải là một chuyện gì to tát. Với giọng cương quyết, ông nói thêm rằng mình không có ý định phải trải qua một đêm nào nữa ở nơi khó chịu như thế này. Do đó, ông hy vọng bà Perenna vui lòng đổi cho ông một buồng khác.

Bà Perenna vội vã nói rằng bà cũng định đề nghị như vậy.

Nhưng thật đáng tiếc là chỉ còn một căn phòng có kích thước trung bình, ngoài ra không có hướng nào nhìn được ra ngoài biển. Tuy chẳng vui vẻ gì nhưng ông Meadowes đành phải chuyển đến căn phòng bất tiện đó…

Vậy là nguyên vọng của ông Meadowes đã được thỏa mãn. Ông chỉ mong muốn chạy trốn khỏi cái mùi hôi thối không thể chịu nổi đó. Bà Perenna dẫn ông lên tận căn phòng bé nhỏ có cánh cửa ra vào, sao mà trùng hợp đến thế, lại đối diện với căn phòng của bà Blenkensop. Bà chủ còn cho gọi một người gia nhân hay ốm yếu và thóc mách từ vùng nông thôn Beatrice đến để giúp dọn nhà cho ông Meadowes. Ngoài ra bà ta còn nói thêm rằng sẽ có người đến dỡ những tấm ván sàn để tìm ra nguồn gốc cái mùi cực kỳ khó chịu đó.

Mọi người tạm quên đi chuyện này nhưng thứ rượu Rum chết tiệt của ông Meadowes đã làm nên sự cố thứ hai. Ông ta bị nhiễm lạnh, chắc là như thế. Đôi mắt của ông giàn giụa nước và ông hắt hơi liên tục. Nếu người nào tinh mắt thì sẽ nhận thấy một củ hành gói trong chiếc mùi xoa đã không ngừng được ông ta đưa lên mũi nhưng thật may là không có ai nhận thấy cử chỉ này. Thêm vào đấy, mùi thơm ngát của thứ nước hoa Cologne đậm đặc đã nguỵ trang cho những thứ mùi đáng sợ hơn.

Không chịu đựng được hơn nữa sau một hồi hắt hơi liên tục, ông Meadowes đã quyết định lên giường nằm nghỉ cho tới tận sáng hôm sau.

Và đúng vào buổi sáng hôm đó, bà Blenkensop nhận được thư của Douglas – con trai bà. Sự phấn khởi của bà đã làm cho cả ngôi nhà Vui Vẻ coi đó như một sự kiện cập nhật. Bà Blenkensop giải thích cho những người biết tin bà nhận thư mà không phải qua kiểm duyệt vì có một người bạn của Douglas nhân dịp đi nghỉ phép mang đến giúp. Vậy là lần này Douglas đã có thể viết thư một cách cởi mở.

– Và tôi có thể nói với anh rằng bức thư này đã chứng minh tại sao chúng ta lại ít có được những tin tức về tình hình chiến sự trong thời gian vừa qua – Bà Blenkensop vừa hất đầu vừa tuyên bố ra vẻ hiểu biết lắm.

Sau khi ăn xong bữa điểm tâm, Tuppence lên phòng ngủ mở chiếc hộp kim loại ra rồi đặt bức thư vào đấy. Chị rắc một lớp mỏng bột gạo lên bề mặt những bức thư. Sau đó chị đóng nắp hộp lại và cẩn thận dùng đầu ngón tay ấn thật mạnh vào cái nắp.

Trong lúc rời khỏi căn phòng, chị cố tình bật ra một tiếng ho đặc biệt. Từ căn phòng đối diện cũng vẳng đến tiếng hắt hơi hoàn toàn đúng như kịch bản.

Tuppence mỉm cười và bước xuống phòng khách lớn ở phía dưới. Chị thông báo với mọi người là bây giờ mình sẽ đi London để giải quyết một số việc quan trọng. Mọi người chúc chị có một chuyến đi thượng lộ bình an, và không quên ủy thác cho chị làm giúp một số công việc, tất nhiên là nếu chị có thời gian…

Riêng viên sĩ quan hành chính Bletchley là không tham gia. Ông ta chăm chú đọc báo và cao giọng bình luận về thời sự:

– Những tên Đức đó là đồ con lợn… Xả súng vào những dân thường đang trốn chạy trên các đường phố… Bọn súc sinh… Nếu tôi mà là thượng cấp…

Khi Tuppence đã ra khỏi nhà thì ông ta vẫn say sưa nói về những biện pháp sẽ được áp đụng nếu ông ta nhận trách nhiệm chỉ huy các chiến dịch. Tuppence đi vòng qua khu vườn để hỏi bà Sport xem nếu bà ta thích thì chị sẽ đem quà ở London về cho bà.

Bé Betty đang cầm trong đôi tay bé nhỏ của nó một con ốc sên. Nó có vẻ thích thú lắm, miệng bập bẹ thể hiện sự vui sướng. Trả lời những gợi ý của Tuppence: “Một con mèo bông nhé? Hay bút chì màu để vẽ?” thì ngay lập tức nó kêu lên: “Betty vẽ cơ”. Thế là những chiếc bút chì màu đã được bổ sung vào bản danh sách những thứ đồ cần mua sắm của Tuppence.

Chị quyết định đi tận xuống cuối vườn để trở về con đường cũ. Chính vì thế chị mới bất ngờ bắt gặp Karl Von Deinim… Karl tỳ tay vào bức tường rồi xoay người lại để đón chị. Nét mặt cứng cỏi của anh ta co dúm lại thể hiện một cảm xúc đã chai sạn.

Chị dừng bước khi đã đến bên cạnh Karl Von Deinim.

– Có chuyện gì không ổn phải không? – Chị nhã nhặn hỏi.

– Chao ôi, đúng vậy, mọi việc đều chẳng đâu vào đâu – Tiếng anh ta rít lên một cách cay đắng – Tôi tin rằng chị có biết đến câu phương ngôn “không ra môn mà cũng chẳng ra khoai” chứ?

Tuppence gật đầu tỏ vẻ đồng ý.

– Hiện tại tôi đang ở trong tình trạng đó – Karl đau khổ nói tiếp – Không ra môn mà cũng chẳng ra khoai. Nhưng không thể tiếp tục mãi như thế được. Tôi tin rằng kết thúc cuộc đời mình là cách tốt nhất.

– Anh muốn nói gì vậy?

– Chị đã rất quan tâm đến tôi nên tôi tin là chị có thể hiểu được. Vì sự bất công và độc ác mà tôi chạy trốn khỏi đất nước của mình. Tôi tới đây để tìm sự tự do. Tôi căm thù nước Đức Quốc xã. Nhưng, bất hạnh thay, tôi luôn luôn là một người Đức. Mà như thế thì làm sao có thể thay đổi được cuộc đời mình!

– Tôi biết anh có thể đang gặp phải những khó khăn – Tuppence thì thầm – nhưng…

– Không phải như vậy đâu. Tôi là một người Đức. Tôi đã nói với chị về chuyện của tôi rồi mà. Trong trái tim tôi, trong khối óc tôi, nước Đức vẫn là đất nước của tôi. Khi tôi đọc các bài báo viết về những thành phố của Đức bị ném bom, nhiều binh lính bị chết, những máy bay Đức bị bắn hạ là… Điều đó có nghĩa là dân tộc của tôi đã chết. Khi người sĩ quan hành chính già cả hiếu chiến đọc đến đoạn “những con lợn ấy”… thì những lời đó làm cho tôi thấy giận dữ. Tôi không thể chịu đựng được sự sỉ nhục đó. Và chính vì điều đó mà tôi nghĩ rằng có lẽ nên kết thúc tất cả đi là phương sách tốt nhất. Vâng, kết thúc tất cả đi.

Tuppence nắm chặt lấy cánh tay anh ta:

– Quên những điều ngớ ngẩn ấy đi! – Chị mắng Karl một cách thô bạo – Những điều khiến anh cảm thấy uất ức rồi sẽ trở nên bình thường thôi mà. Bất cứ người nào ở trong hoàn cảnh của anh cũng nghĩ như vậy thôi. Nhưng anh phải giữ gìn sức khoẻ.

– Tôi thích nhất là được người ta nhốt tôi vào một chỗ. Như thế còn dễ chịu hơn.

– Vâng, có thể thế lắm. Nhưng đồng thời anh cũng nên làm một việc gì đó có ích ở đây đi, ít nhất thì đấy là điều mà mọi người đã nói với tôi. Nó không chỉ có ích cho nước Anh mà còn có ích cho toàn thể nhân loại. Anh nghiên cứu những vấn đề về khử nhiễm chất độc chứ gì?

Một nụ cười mơ hồ làm bừng sáng gương mặt của người đàn ông trẻ:

– A, vâng. Và tôi bắt đầu có kết quả. Một phương pháp đơn giản ấy mà, dễ thực hiện và để trở thành một tác phẩm thì không có gì là khó khăn.

– Anh thấy đấy – Tuppence nói tiếp – đó là một công việc khá vất vả đấy. Tất cả những việc gì có thể làm được để giảm bớt những nỗi đau khổ đều phải tốn công sức, đều có ý nghĩa tích cực và xây dựng. Chắc chắn là như vậy. Mọi người cần phải xỉ vả kẻ thù một trận. Chúng xuất hiện rất nhiều ở Đức. Có tới hàng trăm sĩ quan hành chính như Bletchley là điều chắc chắn. Những tên sáo mép ấy mà. Bản thân tôi cũng rất căm thù những người Đức. Chỉ cần nói đến hai từ “người Đức” thôi cũng đủ làm dâng lên những làn sóng căm thù trong lòng tôi. Nhưng khi tôi nghĩ tới một nước Đức bình thường, đến những người mẹ đang lo lắng chờ đợi tin tức mới về những đứa con trai và con gái của họ, đến những chàng trai đang chiến đấu ngoài mặt trận, đến những người nông dân trên các cánh đồng, đến những nam nữ thanh niên đang có mặt trong các quán hàng và về những người Đức yêu quý nào đó mà tôi biết thì những cảm xúc của tôi lại rất khác. Tôi biết đó là những con người thực như tôi đây, và rằng mọi người chúng ta đều giống nhau hết. Thế đấy, đó là một thực tế mà. Phần còn lại, đó là chiếc mặt nạ của chiến tranh. Nó tạo thành một phần của chiến tranh. Nhưng tình trạng tồi tệ này sẽ không kéo dài lâu đâu.

Tuppence chợt nhớ tới những lời nói của Edith Cavell: “Chủ nghĩa ái quốc không thôi là chưa đủ, trong trái tim tôi phải có sự căm thù”.

Karl Von Deinim cúi xuống hôn bàn tay chị.

– Xin cảm ơn chị nhiều – Anh ta thở dài nói – Những gì chị vừa nói với tôi rất chính xác và đúng đắn. Tôi sẽ can đảm hơn.

“Ôi, lạy Chúa – Tuppence mơ màng đi về hướng nhà ga – bất hạnh thay cho con người đang sống trong khách sạn kia. Người tôi yêu thích lại là một người Đức…”

Thực ra Tuppence không hề có ý định trở về London. Nhưng chị thấy hài lòng có một cuộc dạo chơi nho nhỏ và đã cố ý thông báo cho tất cả khách trọ trong ngôi nhà Vui Vẻ biết điều đó.

Chị mua một chiếc vé khứ hồi hạng ba. Rồi chị vội vã rời cửa bán vé và vấp phải cô Sheila Perenna.

– Này – Sheila cười – bà định đi đâu đấy? Tôi cũng vừa mới tới đây để được chỉ dẫn về một bưu kiện có vẻ như đã bị thất lạc.

Tuppence trình bày kế hoạch đi London của mình.

– Phải thế thôi, chắc chắn rồi – Sheila nhẹ nhàng nói – Lúc này tôi chợt nhớ ra là đã nghe bà thông báo như vậy nhưng không ngờ là bà lại về London ngay trong ngày hôm nay. Tôi sẽ tiễn bà đến tận bến tàu nhé.

Sheila tỏ ra hoạt bát hơn thường lệ. Tuppence huyên thuyên vui vẻ kể về những chi tiết nhỏ trong cuộc sống hàng ngày ở ngôi nhà Vui Vẻ cho tới khi con tàu khởi hành.

Tuppence vẫy tay mãi trong lúc mắt chị mải dõi theo bóng của cô gái trẻ lùi lại ở xa xa. Sau đó chị trở về góc tổ ấm của mình để suy nghĩ nghiêm túc một lúc.

Sheila có mặt ở nhà ga vào thời điểm quan trọng như thế có phải là hoàn toàn tình cờ không? Bà Perenna có nghi ngờ chuyến đi đến London của bà Blenkensop không?

Quả thực mọi việc đều có vẻ rất bình thường.

Tommy và Tuppence đã thỏa thuận trước là không bao giờ gặp mặt riêng trong ngôi nhà Vui Vẻ vì vậy cho đến ngày hôm sau chị mới tìm đến chỗ Tommy để nói chuyện với anh.

Thực ra bà Blenkensop đã gặp ông Meadowes lúc ông đang tha thẩn dạo chơi ngoài bờ biển. Họ ngồi bên nhau trên một trong những chiếc ghế kê trên bãi biển.

– Thế nào anh? – Tuppence hỏi.

Tommy lắc đầu. Trông anh đã khá hơn nhiều. Xem ra bệnh cảm cúm của anh đã bị đẩy lùi.

– Phải – Cuối cùng anh mới lên tiếng – Anh gặp phải một số vấn đề. Nhưng, lạy Chúa, ngày hôm nay thì thật là đẹp! Lúc nào cũng phải để mắt tới cái ổ khóa. Anh đã mắc phải chứng vẹo cổ rồi.

– Em không quan tâm đến cái chứng vẹo cổ của anh – Tuppence trả lời – Nó chẳng có nghĩa gì cả. Anh kể cho em nghe đi.

– Được thôi. Trước tiên là việc những cô hầu gái được gọi đến để làm công việc nội trợ và dọn dẹp giường chiếu. Sau đó, bà Perenna trở về còn các cô hầu gái thì ở lại đó. Bà ta đưa cho họ một bánh xà phòng, nhưng để làm gì thì anh còn chưa biết. Và cô bé con đã chạy vào trong phòng, với một con chó bằng nhung trên tay.

– Phải, phải… còn ai khác không?

– Có một người – Tommy chậm chạp trả lời.

– Ai vậy?

– Karl Von Deinim.

– Ồ!…

Tuppence cảm thấy trái tim mình như ngừng đập trong tích tắc. Vậy là xét cho cùng…

– Khi nào? – Chị chợt hỏi.

– Vào giờ ăn sáng. Anh ta ra khỏi phòng ăn sớm lắm, lên phòng của anh ta, sau đó nhón chân đi qua hành lang rồi lẻn vào phòng em. Anh ta ở lại đó khoảng mười lăm phút.

Tommy hỏi:

– Vậy là kết luận được rồi chứ gì?

Tuppence tán thành:

– Vâng, ở đây không có gì phải thắc mắc cả. Mọi chuyện đã quá rõ rồi. Để vào được phòng của bà Blenkensop và ở lại đó trong vòng mười lăm phút, Karl Von Deinim chỉ có thể hành động vì một động cơ mãnh liệt nào đó. Hành động tiếp tay của Karl đã lộ rõ. Đây là một diễn viên hài kịch đầu tiên…

Mặc dầu vậy, những gì anh ta đã thổ lộ với chị sáng nay xem ra hơi kỳ lạ… Nhưng biết đâu anh ta đã tâm sự thật lòng thì sao.

Để phỉnh phờ thiên hạ, người ta cần phải biết tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo. Karl Von Deinim là một người yêu nước thật sự nhưng cũng là một điệp viên của kẻ thù. Một người mà chị có thể sẽ mãi mãi kính trọng… nhưng phải đánh gục anh ta thôi.

– Thế thì em buồn lắm. – Chị thở dài nói.

– Chuyện này đối với anh cũng không có gì là vui. Đây là một nhân vật có thiện cảm.

– Anh biết đấy, chúng ta có thể sống ở Đức, và cũng đang làm một việc y hệt như anh ta. – Tuppence đưa ra ý kiến nhận xét.

Rồi chị kết luận:

– Thế này nhé, ít nhiều chúng ta đã biết mình đang ở đâu. Karl Von Deinim làm việc cùng với Sheila và mẹ cô ta – bà Perenna. Có lẽ anh ta là một con cá lớn đấy. Và người phụ nữ nước ngoài lạ mặt đã nói chuyện với Karl. Chính cô ta, trên một phương diện nào đấy, cũng nằm trong kế hoạch này.

– Vậy chúng ta phải làm gì đây?

– Ta phải tìm được cách nào đó để xâm nhập vào căn phòng của bà Perenna. Chắc chắn là trong căn phòng này phải có một vật gì đó giúp chúng ta lần ra được dấu vết. Rồi sau đó phải theo dõi xem bà ta làm gì, phải biết được bà ta đi đâu và gặp những ai. Ôi! Tommy, giá mà người ta phái Albert đến đây nhỉ?

Tommy suy nghĩ.

Nhiều năm trước đây, Albert là một nhân viên của khách sạn nhà nước. Anh ta đã có nhiều công lao với đôi vợ chồng trẻ Beresford và cũng là người đã tham gia vào những công việc mạo hiểm của hai vợ chồng này. Sau này anh ta được vào làm việc trong cơ sở của họ và chỉ có anh ta được coi là gia nhân trong tập thể hợp nhất này. Lấy vợ cách đây sáu năm, trở thành người hạnh phúc từ ngày đó, làm chủ một quán rượu ở miền Nam thủ đô London – quán “The Duck and The Dog”.

– Albert sẽ phát điên lên vì vui – Tuppence nhấn mạnh – Phải tìm cách để anh ta đến đây phối hợp với chúng ta. Anh ta sẽ dễ dàng tìm được một căn phòng nào đấy ở gần nhà ga hay trong một quán rượu. Anh ta có thể để mắt tới bà Perenna hay bất cứ một người nào khác mà không bị nghi ngờ.

– Còn vợ của Albert thì sao?

– Chị ấy sẽ đi cùng với các con về nhà mẹ đẻ ở xứ Galler vào thứ hai tới. Lấy lý do là tránh những trận ném bom. Như thế là sắp xếp ổn thỏa cả.

– Anh tin rằng đây là một ý tưởng hay, bà già của anh ạ. Nếu một trong hai chúng ta cứ đi theo người đàn bà tốt bụng đó thì sẽ bị nghi ngờ ngay. Nhưng Albert thì rất tuyệt rồi. Bây giờ là một vấn đề khác đây. Anh nghĩ là chúng ta cần phải để ý đến cô gái người Ba Lan mà em đã trông thấy đứng nói chuyện với Karl và lảng vảng trong khu vực này. Anh chắc chắn là cô gái này giữ một đầu mối khác của đường dây. Như thế thì những gì mà chúng ta phát hiện được quý giá biết chừng nào.

– Em hoàn toàn đồng ý với anh. Chắc chắn là cô gái đó tới đây để nhận quân lệnh hoặc để thực hiện sứ mệnh gì đó. Lần sau nếu nhìn thấy cô gái ấy thì một trong hai chúng ta sẽ bám sát để xem cô ta đi đâu.

– Làm thế nào để lục soát căn phòng của bà Perenna… và của Karl nhỉ?

– Em không nghĩ là chúng ta sẽ phát hiện được một dấu vết gì dù là nhỏ nhất. Nếu như ở Đức thì bất cứ lúc nào người ta cũng có thể bị cảnh sát khám xét. Chỉ một lần ra tay thôi chắc chắn sẽ dứt điểm. Còn về căn phòng của bà Perenna, chuyện này không dễ như anh tưởng đâu. Khi bà ta ra khỏi khách sạn thì hầu như lúc nào cũng có Sheila ở đó. Betty và bà Sprot luôn luôn tha thẩn ngoài hành lang. Đấy là chưa kể bà O’Rourke thường xuyên có mặt trong phòng của mình.

Chị nghĩ ngợi một lúc rồi nói tiếp:

– Úi chà! Em nghĩ là đã tới giờ ăn sáng rồi. Tốt nhất là ta đi thôi anh.

– Thậm chí cả chuyện về anh bạn Karl của chúng ta…

– Chính xác. Em có thể làm như đang đau đầu nên phải về phòng của mình… Không được. Một người nào đó có thể muốn đến với em để tâm sự về tình cảnh cô đơn của mình. Ồ! Trước giờ ăn sáng em sẽ đàng hoàng bước vào phòng khách cho mọi người nhìn thấy, sau đó em sẽ lên phòng mình ngay mà không nói cho ai biết lý do. Rồi sau đó, sau bữa ăn sáng, em sẽ nói là mình bị chứng đau nửa đầu.

– Em không cho là chuyện đó nếu để anh làm thì sẽ tốt hơn sao? Ngày mai, thứ rượu Rum có thể sẽ làm khuấy đảo nơi đây.

– Không được, tốt nhất là để em làm chuyện này. Nếu chẳng may người ta bắt gặp thì lúc nào em cũng có thể giải thích rằng đang đi tìm thuốc Aspirin hay một thứ vớ vẩn nào đó. Trong khi đó một người đàn ông mà lại có mặt trong phòng bà Perenna có thể sẽ kéo theo không biết bao nhiêu là điều tai tiếng.

– Những chuyện tai tiếng cũng như mọi sự tục tĩu đều có mặt ở đây. – Tommy vừa cười vừa nói.

Nhưng nụ cười của anh vụt biến mất.

– Hành động ngay là tốt nhất, bà già của anh ạ – Anh kết luận, giọng nói của anh bỗng trở nên lo lắng và trầm xuống – Những tin tức của ngày hôm nay không tốt đâu. Chúng ta cần phải khám phá ra điều bí mật trong ngôi nhà này. Phải nhanh chóng thôi!

Tommy tiếp tục cuộc dạo chơi cho tới tận trạm bưu điện. Từ đây anh gọi đến cho ông Grant để báo cáo vắn tắt: “Chiến dịch mới đây của chúng tôi đã có kết quả. Người bạn K. của chúng tôi chắc chắn phải có liên can”.

Sau đó, anh viết một bức thư, bỏ nó vào thùng. Bức thư được gửi đến địa chỉ: Ông Albert Batt, quán “The Duck and The Dog” phố Glamorgan, Kennington.

Anh mua một tờ báo tuần chuyên đăng những thông tin dành cho dân chúng. Anh biết những gì đang thực sự diễn ra trong những ngày qua. Sau đó anh ung dung chậm rãi bước đi trên con đường dẫn về ngôi nhà Vui Vẻ.

Bất thình lình, anh nghe thấy giọng nói vang như sấm của đại úy Haydock, ông ta đang ngồi sau tay lái chiếc xe con Cabriole:

– Chào anh Meadowes, tôi đưa anh đi một quãng chứ?

Tommy nhận lời mời và ngồi cạnh người lái xe.

– Vậy ra anh cũng đọc tờ báo tồi tệ này à? – Haydock đưa mắt nhìn tờ bìa màu hồng điều của tờ báo Những tin tức hàng tuần trong nước.

– Một tờ báo tồi – Tommy thừa nhận – Nhưng thỉnh thoảng nó cũng cung cấp thông tin về những gì xảy ra ở hậu trường.

– Phải, nhưng thỉnh thoảng chúng cũng nhúng mũi vào mọi chuyện.

– Đúng đấy.

Người lính thủy chúi người về phía trước khi chiếc xe đánh một đường vòng chạy quanh một mô đất và tránh không để đụng phải một chiếc xe tải hạng nặng.

– Tôi nghe nói là anh đã bị ốm?

– Ồ! Một chút rượu Rum kích thích ấy mà. Lúc nào chẳng thế, vào thời kỳ này trong năm.

– Phải, đúng quá. Bản thân tôi thì chẳng bao giờ phải khổ sở về điều này, nhưng tôi có một anh bạn đã không chịu nổi căn bệnh đó. Anh có nghĩ là ta nên hoãn đánh golf vào một buổi khác không?

Tommy trả lời là anh sẽ buồn lắm nếu phải làm như vậy.

– Tuyệt vời! Anh nghĩ sao nếu chuyển buổi chơi golf sang ngày mai? Hôm nay tôi cần phải tham gia vào cuộc họp bàn về những mẹo thả dù. Người ta nói động viên được những người tình nguyện địa phương là một ý tưởng tuyệt vời. Ở vào thời điểm trọng đại này, cả thế giới đều chú ý. Vì thế anh sẽ bảo sao về một chuyến đi vào lúc 6 giờ sáng mai?

– Rất cảm ơn! Như thế thì tuyệt quá!

– Tốt rồi. Này, thế là quyết định rồi nhé!

Người lái xe hãm mạnh phanh trước hàng rào sắt của ngôi nhà Vui Vẻ.

– Còn cô Sheila xinh đẹp thì sao? – Ông ta chợt hỏi.

– Không tồi đâu. Tôi tin là như vậy. Tôi không được gặp cô ta nhiều lắm.

Haydock cười sặc sụa:

– Chẳng phải anh thích cô ta là gì. Tôi cược với anh đấy! Một cô gái xinh đẹp như thế. Nhưng tính cách thì dở quá. Không những thế, cô ta lại gặp gỡ anh chàng người Đức đó nhiều quá. Con người này thực sự không yêu nước. Tôi hiểu là cô ta chẳng có việc gì để làm với những người hủ lậu già nua như chúng ta. Mặc dù ở một nơi xa xôi như thế này hiếm có những chàng trai đẹp trai nhưng cô ta việc gì phải say đắm anh chàng xấu tính xấu nết như vậy? Đây là một nhân vật có nhiều thủ đoạn đấy. Nhưng dù sao cô ta vẫn làm tôi thích thú!

– Cẩn thận đấy – Meadowes nói khẽ – hắn đang tiến đến ngay sau lưng chúng ta kìa.

– Tôi đếch sợ hắn nghe được những gì tôi nói! Thậm chí tôi còn rất muốn để hắn nghe được. Quả thực tôi rất muốn đá vào mông hắn vài cái! Một người Đức đáng được kính trọng là phải chiến đấu cho đất nước của mình và không trốn chạy sang đây như một tên ăn cắp!

– Này, đã là một người Đức thì ít ra vẫn luôn luôn muốn xâm chiếm nước Anh.

– Anh muốn nói là việc anh ta ở đây là một âm mưu ư? Ha ha! Meadowes, ý nghĩ ấy thật là tuyệt! Tôi không tin một lối xì xào vớ vẩn nào về hành động xâm nhập đâu. Chúng ta sẽ không bao giờ bị xâm lược, và chúng ta cũng không bao giờ làm thế. Chúng ta còn có hải quân trong tay cơ mà, một đao phủ của thượng đế đấy!

Kết thúc xong lời phát biểu xuất phát từ lòng yêu nước sắt đá đó, đại úy Haydock đột ngột tăng tốc. Chiếc xe hơi của ông ta chồm lên trên bờ biển rồi lao thẳng về hướng nơi nghỉ chân của tên buôn lậu.

Tuppence đến trước hàng rào sắt của ngôi nhà Vui Vẻ lúc 2 giờ kém 20 phút. Chị bỏ qua lối đi chính và đi vòng quanh khu vườn rồi lẻn vào khách sạn bằng một cửa sổ nhỏ ở sát mặt đất của phòng khách. Mùi thơm của món ragu – món đặc sản thịt hầm của người Ailen, lơ lửng bay trong không khí. Mọi người phân biệt được giọng nói thì thầm và tiếng lách cách của những bộ đồ ăn bằng sứ va chạm vào nhau. Mọi người trong ngồi nhà Vui vẻ đã tập trung để ăn bữa điểm tâm.

Tuppence đứng trong phòng khách nhỏ chờ cô phục vụ Martha đi qua rồi mới bước vào phòng ăn. Sau đó, chị tháo giầy và khẽ bước lên cầu thang.

Chị bước vào phòng của mình, xỏ giầy vào chân rồi bước những bước chân của con sói, leo lên hành lang, rồi lẻn vào phòng của bà Perenna.

Chị bắt đầu đảo mắt nhìn quanh phòng một lượt và cảm thấy một sự chán ghét nào đó đang tràn ngập trong lòng. Xấu xa quá! Một hành động xấu xa không có lời tạ tội nếu bà Perenna thật ra chỉ là một bà Perenna bình thường. Một người luôn ngập đầu vào những công việc kinh doanh…

Chị khẽ rùng mình, động tác của chị nhanh nhẹn và bộc lộ rõ sự nóng ruột không thua gì thời xuân trẻ. Chi bắt đầu từ bàn trang điểm. Những vật dụng trong các ngăn kéo nhanh chóng bị lục lọi. Một trong những ngăn kéo của cái bàn làm việc lớn bị khóa. Thế là đã xuất hiện một sự hứa hẹn.

Cơ quan phản gián đã trao cho Tommy một loại dụng cụ đặc biệt, và dạy cho anh cách sử dụng nó. Sau đó, anh đã dạy lại cho Tuppence. Chỉ bằng vài động tác khéo léo của cổ tay là phá được ổ khóa.

Nếu như chị tìm thấy ở đây một cái hộp đựng hai mươi đồng bảng Anh, những cuộn tiền và một hộp nữ trang thì tiếp theo sẽ là vô số giấy tờ. Tuppence thấy thích thú. Phải khẩn trương thôi. Chị phải chuyên tâm vào việc này để thu được kết quả tốt nhất.

Một số giấy tờ liên quan đến quyền cầm cố ngôi nhà Vui Vẻ và một số giấy tờ thanh toán khác ở nhà băng. Còn có cả những bức thư tình nữa. Giờ phút trôi đi nhanh quá. Sau khi nhìn lướt qua là chính chứ không kiểm tra, Tuppence tập trung vào tất cả những tài liệu nào đồng thời đạt được cả hai mục đích. Hai bức thư của một bà bạn người Ý chẳng hạn, chữ viết thì lem nhem, lời lẽ rất ngây ngô. Rồi đến bức thư của một người nào đó tên là Simon Mortimer ở London gửi tới. Khá khô khan bàn về công việc kinh doanh, và quá ngắn gọn khiến cho người ta tự hỏi tại sao bà Perenna lại phải cất giữ nó. Vậy chính ông Mortimer này cũng ngây thơ sao? Dưới cùng là một bức thư viết bằng một thứ mực màu vàng, ký tên Pat. Bắt đầu bằng những chữ sau đây:

Eileen, em yêu dấu. Bức thư này là bức cuối cùng của anh…

Không! Không phải là cái này! Tuppence đã cưỡng lại được ý nghĩ phải đọc hết bức thư! Chị gập bức thư, sắp xếp lại các giấy tờ theo trật tự rất cẩn thận như trước. Bất thình lình, chị linh tính thấy có nguy hiểm nên vội đẩy cái ngăn kéo vào. Nhưng chưa kịp khoá!… Cửa mở ra. Bà Perenna bước vào và nhìn thấy Tuppence đang cuống cuồng tìm kiếm trong các loại chai lọ khác nhau đặt trên chiếc bàn nhỏ ở trong toa-lét.

Bà Blenkensop quay bộ mặt nhớn nhác, hơi ngây dại về phía bà chủ khách sạn:

– Ôi! Tha lỗi cho tôi, thưa bà Perenna. Tôi nhức đầu quá nên muốn uống một viên Aspirin trước khi lên giường nằm nhưng không tài nào cầm được vào ống điện thoại… Thế là tôi nghĩ rằng việc này sẽ không làm phiền bà, nếu như… Tôi biết là bà có thuốc Aspirin vì có lần bà đã cho cô Minton uống.

Bà Perenna nhanh nhẹn bước tới:

– Bà Blenkensop, sao bà không đến hỏi tôi? – Bà chủ nhà nhẹ nhàng hỏi.

– Vâng, đúng là như vậy… Nhưng tôi biết bà đang ăn sáng mà tôi lại rất sợ gây ra những chuyện…

Đẩy Tuppence sang một bên, bà Perenna với tay lấy một lọ thuốc đặt trên chiếc bàn nhỏ:

– Bà cần bao nhiêu viên?

Blenkensop yêu cầu ba viên. Sau đó bà được bà Perenna dìu về phòng mình, bà từ chối không nhận chiếc túi chườm nước nóng mà bà Perenna đem đến.

Trước khi quay gót, bà Perenna còn nói câu châm chọc cuối cùng:

– Bà Blenkensop, mặc dù đã uống thuốc Aspirin rồi, nhưng lát nữa đích thân tôi vẫn đến thăm bà.

– À vâng, tôi biết – Tuppence vội vã trả lời – Tôi biết nó ở đâu đó nhưng vì cuống quá nên đã không thể tìm ra được.

Những chiếc răng của bà Perenna sáng lên lấp loáng:

– Tốt rồi. Mà này, bà nên nằm nghỉ cho tới tối thì tốt hơn đấy.

Bà Perenna ra khỏi phòng. Cánh cửa đóng sập lại sau lưng. Tuppence nằm bất động trên giường thở hổn hển chỉ sợ bà ta quay lại.

Liệu bà ấy có nghi ngờ gì không? Những chiếc răng của bà ta sao mà nhọn và trắng thế. Cứ mỗi lần nhìn thấy nhũng chiếc răng đó của bà Perenna là Tuppence lại nghĩ tới câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ. Và hai bàn tay của bà Perenna nữa. Chúng gợi ra rất rõ ràng những chiếc vuốt của một con chim săn mồi…

Bề ngoài, bà chủ nhà tỏ ra chấp nhận sự có mặt rất ngẫu nhiên của Tuppence trong phòng của bà. Nhưng sớm muộn, bà ta cũng phát hiện ra cái ngăn kéo vẫn chưa được khóa. Liệu lúc đó bà ta có nghi ngờ gì không? Có thể bà ta sẽ nghĩ rằng chính bà đã quên không xoay chiếc chìa? Những chuyện như thế vẫn thường xảy ra. Vả lại Tuppence đã sắp xếp lại các giấy tờ ngăn nắp y như cũ sao cho không nhận ra được sự lộn xộn.

Mặt khác, nếu bà Perenna có nhận ra một chi tiết nào đó không khớp thì một điều rất tự nhiên là bà phải nghi ngờ một trong những người gia nhân chứ không phải là bà Blenkensop. Thậm chí cho dù bà Perenna có nghi cho bà Blenkensop thì bà ta cũng chỉ cho rằng đây là một sự tò mò. Tuppence biết có nhiều người thích nhúng mũi vào chuyện của người khác.

Giờ đây, nếu bà Perenna đúng là nhân vật điệp viên Đức nổi tiếng kia thì chị sẽ phải nghĩ ngay đến một chiến dịch chống phản gián.

Cách cư xử của bà ta phải chăng đã chứng tỏ có một sự day dứt đặc biệt?

Không đâu, người đàn bà này đã tỏ thái độ hoàn toàn tự nhiên, trừ lời nhận xét chua chát về thứ thuốc Aspirin.

Bất thình lình, Tuppence bật dậy khỏi giường. Chị sực nhớ ra ống thuốc Aspirin và chai iốt nằm sâu trong chiếc ngăn kéo mà chị đã phát hiện ra được khi sục sạo những đồ dùng của bà ta.

Cần phải kết luận một cách chắc chắn rằng Tuppence không phải là người duy nhất thấy cần phải tiến hành những cuộc khám xét chớp nhoáng ở những căn phòng không phải là của mình. Bà Perenna đã đi trước một bước rồi.

Bình luận