Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sicily – Miền Đất Dữ

Chương 29

Tác giả: Mario Puzo

Sau khi bị bắt, Michael Corleone và Peter Clemenza được đưa tới nhà tù ở Palermo. Từ đó, họ được dẫn tới văn phòng của ngài thanh tra Velardi để hỏi cung.

Cùng có mặt trong phòng thẩm vấn, có sáu sĩ quan cảnh sát có võ trang cùng mình. Ngài thanh tra chào Michael và Clemenza với một vẻ lịch sự lạnh lùng. Và, ngài quay ra nói với Clemenza:

– Ông là công dân Hoa Kỳ. Ông mang giấy thông hành, nói là đến đây để thăm người anh, già Domenic Clemenza ở Trapani. Cứ như người ta nói với tôi thì ông Domenic là người rất đàng hoàng, đáng trọng nể. – Ngài thanh tra nói năng thì cũng vẫn như lời xã giao thông thường, nhưng trong giọng nói có cái vẻ mỉa mai, châm chọc. – Ấy vậy mà chúng tôi lại bắt gặp ông đi với cái anh Michael Corleone này. Ông lại còn mang vũ khí giết người ở một cái nơi mà chỉ trước đó vài giờ, tên cướp Guiliano bị sát hại. Ông trả lời sao?

– Tôi đang đi săn, – Clemenza trả lời, – tôi đang săn chồn và thỏ. Thế rồi tôi thấy có sự ồn ào, lộn xộn ở Castelvetrano, trong lúc tôi ngừng xe ở quán để uống cà – phê buổi sáng. Thế là tôi tò mò xem xét cái gì xảy ra. Có thế thôi.

Thanh tra Velardi cười gằn, mỉa mai:

– Ngộ nhỉ! Ở bên Mỹ, các ông thường quen đi săn thỏ bằng súng lục à?

Rồi, quay sang phía Michael Corleone, ngài thanh tra nói tiếp:

– Tôi và anh bạn, may mắn thay, ta có dịp gặp nhau rồi. Và cũng may mắn thay, tôi biết anh bạn có mặt ở đây để làm gì rồi. Và ông bạn mập, – ngài day đầu ra dấu về phía Clemenza, – cũng biết nữa. Nhưng cho mấy người hay, kể từ bữa ăn trưa thịnh soạn tại nhà Ông Trùm đến nay thì mọi sự đã đổi thay. Đổi thay nhiều lắm rồi. Thằng Guiliano đã bị hạ sát rồi. Mấy người là đồng mưu tổ chức cho nó tẩu thoát. Tao không còn bị đòi hỏi phải xử nhân đạo với lũ cặn bã như tụi bay. Hãy ký vào bản khẩu cung mà tao đã chuẩn bị đó

Đúng lúc đó, một sĩ quan cảnh sát đi vào. Ghé vào tai ngài thanh tra và nhỏ to cái gì đó. Velardi xẵng giọng, bực tức đáp:

– Cho nó vào.

Thì ra Ông Trùm. Lão ăn mặc cũng xập xệ chẳng thua kém gì bữa ăn trưa hôm nào đó. Cái bản mặt bì bì của lão nom càng lầm lì. Lão lạch bạch đi về phía Michael, ôm hôn hắn, bắt tay già Clemenza, rồi quay vào nhìn thẳng vào mặt người thanh tra, chẳng nói chẳng rằng. Cái sức mạnh thô bạo toát ra từ thân xác dềnh dàng của lão. Uy lực lồ lộ trên khuôn mặt và đôi mắt.

– Hai người này là bạn của tôi, – Lão nói, – Vì lý do gì mà ông lại đối xử với họ tệ như vậy?

Trong giọng nói không có vẻ gì giận dữ, không có một chút cảm xúc. Cứ như thể chỉ là một câu hỏi bình thường về một sự việc tầm thường. Nhưng cũng trong giọng nói đó có cái ý nghĩa khiển trách: “Trong vụ này chẳng có lý do gì để bắt giữ người ta”.

Ngài thanh tra nhún vai:

– Có gì hay không có gì, thì cứ ra tòa rồi biết.

Ông Trùm ngồi xuống chiếc ghế đặt bên cạnh bàn giấy của ngài thanh tra. Cặp lông mày gã nhíu lại. Lão nói, cố gắng để giữ cho giọng không có vẻ đe dọa:

– Thật vuốt mặt mà không nể mũi. Xin ông thanh tra vui lòng giúp tôi, gọi điện thoại cho ngài bộ trưởng xem ý kiến của ngài về vụ này ra sao?

Ngài thanh tra lắc đầu. Đôi mắt xanh của ngài không lạnh lùng, lạnh nhạt, mà lộ vẻ khinh ghét.

– Giữa ông và tôi, – Ngài thanh tra giọng kiêu kì, khinh khỉnh, – Ta chưa bao giờ là bạn với nhau cả. Tôi phải đối đãi với ông theo cái cung cách mà từ trước đến giờ chẳng qua là do lệnh buộc phải như vậy. Nhưng, khi đã giết được thằng Guiliano rồi, thì lệnh đó cũng hết hiệu lực. Hai tên kia sẽ ra tòa. Và nếu tôi có quyền, thì chính ông cũng sẽ bị đưa ra tòa cùng với chúng nó nữa.

Đúng lúc đó, chuông điện thoại trên bàn giấy ngài thanh tra reo. Ngài thanh tra làm như không biết đến cú điện thoại ấy và ngài chờ câu trả lời của Ông Trùm. Nhưng Ông Trùm nói:

– Ngài cứ trả lời điện thoại đi. Có lẽ là ngài bộ trưởng Trezza gọi cho ngài đó.

Ngài thanh tra từ từ nhấc ống nói. Hai mắt nhìn trừng trừng vào Ông Trùm. Ngài nghe, và sau đó nói vào máy:

– Dạ vâng, thưa ngài bộ trưởng.

Và cúp máy. Ngài ngồi phịch xuống ghế và nói với Michael và Clemenza:

– Hai người được trả tự do.

Ông Trùm đứng dậy, dẫn Michael và Clemenza ra khỏi phòng. Vừa như có vẻ đuổi ra khỏi phòng, vừa như có vẻ của con gà mái bao tre lũ gà con tán loạn, hoảng sợ, lão quay lại, nói với ngài thanh tra, giọng bình tĩnh, nhỏ nhẹ:

– Suốt năm qua, tôi đã đối đãi với ngài thanh tra một cách hết sức lịch sự, trọng thể, mặc dù ngài chỉ là người “ngoại quốc” trên xứ Sicily của tôi. Ấy vậy, mà trước mặt bè bạn tôi, trước mặt các sĩ quan thuộc cấp, đồng sự của ngài, ngài lại tỏ ra khinh khi tôi. Nhưng, tôi không phải là người ưa chấp nê. Tôi mong trong một tương lai gần đây, ta lại được ngồi ăn với nhau một bữa, để đối lại cái chỗ bạn bè xưa và hiểu lòng nhau hơn.

Năm ngày sau, giữa ban ngày, ban mặt ngay tại một đại lộ đông đúc của thủ phủ Palermo, ngài thanh tra đã bị ám sát. Chết.

Hai ngày sau, Michael về tới nhà, bên Mỹ. Trong bữa tiệc gia đình, có đủ mặt mọi người, ông anh Fredo bay từ Las Vegas về. Có cả vợ chồng Conie – Carlo, vợ chồng Clemenza, vợ chồng Tom Hagen. Michael nhừ người ra vì bị ôm, hôn, chuốc rượu. Họ tíu tít, ríu rít bình luận nom Michael lúc này ra sao. Không ai đả động gì đến hai năm lưu vong của nó, dù là bóng gió, xa xôi. Không ai đả động gì đến cái mặt nhăn nhúm méo mó của nó. Không ai dám đả động đến cái chết của Somny. Đó là buổi sum họp gia đình. Cứ như thể sau thời gian ở ký túc xá đại học hay là đi nghỉ hè xa và dài hạn trở về thôi. Michael được xếp chỗ ngồi ngay bên cạnh ông bố.

Thế là sau bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm, hắn đã về đến nhà. Bình yên, Mạnh khỏe.

Sáng hôm sau, Michael ngủ dậy trễ. Đó là lần đầu tiên, sau hai năm xa nhà, giấc ngủ của hắn mới là ngủ thực sự. Bà mẹ đã dọn ăn sáng. Và chờ. Bà hôn hắn, khi hắn ngồi vào bàn. Một dấu hiệu bất thường để tỏ lộ lòng âu yếm của bà. Trước đó, cũng chỉ có một lần bà làm như vậy, ấy là sau thời chiến tranh, khi hắn giải ngũ trở về.

Ăn sáng xong, Michael đến thư phòng và đã thấy ông bố ngồi chờ ở đó. Hắn ngạc nhiên khi không thấy Tom Hagen luẩn quẩn ở đó. Hắn cho là chắc ông bố muốn nói chuyện riêng với hắn.

Bố Già Corleone trịnh trọng rót hai ly rượu hồi, trao cho y và nói:

– Uống mừng cho cái sự cùng hội cùng thuyền của cha con mình!

Michael nâng ly rượu lên môi:

– Cám ơn bố, con có nhiều điều phải học hỏi bố.

– Mà mình cũng còn chán thì giờ. Và bố ở đây để dạy con đó!

Bố Già Corleone trịnh trọng ngồi xuống và làm một hớp rượu đầy.

– Câu chuyện thật cũng đáng buồn. Lúc đó bố cũng hy vọng là nó trốn thoát được. Ông bà già nó đã là bạn tốt của bố.

– Con không sao hiểu được câu chuyện quái quỷ ấy. Con không sao hiểu được bên nào đúng, bên nào sai. Bố nói cho con biết cái bộ mặt thật của lão Croce, nó ra làm sao, mà Guiliano lại ghét lão thậm tệ đến vậy. Con nghĩ là bản chúc thư của nó đã nằm trong tay bố thì tụi nó không còn dám giết Guiliano nữa. Vậy mà tụi nó vẫn cứ thịt. Nếu bây giờ mình tung cái chúc thư ấy ra cho báo chí thì có phải đúng là tụi nó tự cắt họng tụi nó không?

Michael thấy ông bố nhìn nó, lạnh lùng.

– Đúng típ Sicily, – Bố Già nói, – lừa lọc kẻ lừa lọc, bội phản kẻ bội phản!

– Lão Croce và chính quyền phải trả giá đậm cho Pisciotta à?

Chắc chắn là thế.

Michael vẫn còn thắc mắc:

– Tại sao họ lại làm như vậy. Mình đã có bản chúc thư với đầy đủ tài liệu chứng minh chính quyền đã “đi đêm” với Guiliano. Khi mình tung cái này ra cho báo chí, báo chí không sướng rên lên ấy chứ. Nó không tranh nhau mà vồ lấy tin này ấy chứ. Tin bạc triệu chứ đâu ít. Và, chính quyền của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đứng sao nổi với cái tin động trời này? Tại sao tụi nó lại không nghĩ như thế nhỉ. Bộ chánh quyền Ý không cảm thấy gì sao.

Bố Già mỉm cười:

– Tài liệu ấy vẫn sẽ được giữ kín. Mình sẽ không tung ra cho báo chí.

Phải mất cả mấy phút Michael mới nắm được cái ý nghĩa của điều mà “Bố Già” vừa nói đó. Và, lần đầu tiên trong đời, hắn cảm thấy tức giận ông bố của mình. Mặt hắn trắng bạch ra.

– Vậy là bố và lão Croce đã thông đồng với nhau rồi, hả? Thế có nghĩa là con đã phản bội thằng Guiliano, chứ không phải là đã giúp đỡ nó, hả? Nghĩa là con đã nói dối ông bà già nó, hả? Vậy là chính bố cũng đã phản bội bè bạn của mình, đẩy con họ vào chỗ chết hả? Vậy là bố đã xài con như một thằng khùng, một thằng Judas, một con dê tế thần, hả? Trời đất ơi, Chúa ơi! Guiliano là một con người hiền lương, đôn hậu. Một anh hùng thứ thiệt của đám dân nghèo Sicilian, không, ta phải trả thù cho nó. Ta phải tung cái bản chúc thư ấy cho báo chí.

Bố Già cứ ngồi lặng thinh để hắn xổ một thôi một hồi. Rồi lão từ từ đứng lên và đặt tay lên vai hắn:

– Nghe bố nói đây. Thật ra, mọi sự đã được chuẩn bị để cứu thoát Guiliano đấy chứ. Bố không hề thương lượng điều gì với lão Croce để phản bội Guiliano hết. Máy bay đã chờ sẵn. Clemenza được chỉ thị phải giúp đỡ con hết mình. Chính lão Croce cũng muốn Guiliano trốn thoát. Vì đó là cách dễ nhất. Nhưng chính Guiliano thề là sẽ trả hận. Nó có sang đây thì cũng chỉ là nấn ná đợi dịp thuận tiện là làm. Quyết làm cho bằng được. Nó có thể gặp con sớm hơn vài ngày, thế mà nó vẫn nấn ná để chơi vố trót. Ấy, chính vì thế mà chính nó hại nó.

Michael rời ông bố, đến ngồi trên một chiếc ghế bành bọc da.

– Thế còn lý do tại sao bố lại không chịu tung bản chúc thư kia ra. Vậy, đã rõ là có sự thông đồng, thương lượng, chứ còn gì nữa?

– Phải, cái đó thì có. Con nên nhớ rằng khi con bị đặt bom – may mắn con không bị mà chỉ có vợ con của con bị – bố và bạn bè của bố đã tưởng không sao có thể bảo vệ cho con ở Sicily nữa kia. Càng ngày chúng càng nhằm kỹ vào con, để mưu hại. Bố phải làm mọi cách để đảm bảo cho con được an toàn mà về đến nhà. Bởi vậy, bố đã phải thương lượng với lão Croce. Lão sẽ bảo vệ con. Phần bố, bố sẽ phải khuyến dụ Guiliano để sao cho nó đừng tung tài liệu ấy cho báo chí, một khi nó ở bên Mỹ này.

Michael thấy muốn phát ốm, khi nhớ lại mình là người độc nhất đã cho Pisciotta biết bản chúc thư đã nằm an toàn bên Mỹ. Lúc đó hắn đinh ninh thế là Guiliano sẽ được an toàn. Nhưng éo le thay đó lại là dấu ấn tử thần đóng lên số mệnh Guiliano. Michael thở dài:

– Con đã thề với ông bà già nó là sẽ bảo vệ nó. Và cả Justina nữa. À, lúc này cô ta ra sao?

– Ờ, cô ta vẫn được chăm sóc cẩn thận, chắc vài tháng nữa là đến ngày sanh nở. – Ông ngừng lại một chút, rồi tiếp. – Con bé ấy cũng đảm đang lắm. Ở đây, nhỏ đó sẽ được việc đấy. Làm ăn ngon lành lắm!

– Nhưng, ta sẽ phản bội ông bà già của Guiliano nếu ta không tung tài liệu ấy ra!

– Không, trong những năm tháng sống trên cái đất Hoa Kỳ này, bố đã học hỏi được vài điều. Con phải biết điều mới được. Nghĩa là phải biết thương thảo. Phải biết thỏa hiệp. Phải biết tới, biết lui. Tung cái tài liệu ấy ra thì mình được cái gì kia chứ? Có thể chính quyền của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo bị lật nhào. Mà cũng có thể không chứ. Lão bộ trưởng Trezza có thể bị cho về vườn. Nhưng bộ con tưởng họ sẽ trừng phạt lão ra sao chứ?

Michael nói một cách giận dữ:

– Nhưng lão ta là một đại diện cho một chính quyền đã âm mưu ám hại người dân của mình.

Bố Già nhún vai:

– Thì đã sao? Nhưng để bố nói tiếp. Tung cái tài liệu ấy ra thì có ích gì cho ông bà già và bè bạn của nó nào? Chính quyền sẽ trù ếm họ, tống họ vô tù, hành hạ, làm khó dễ họ đủ cách. Tệ hơn nữa, lão Croce có thể còn ghi họ vào sổ bài đen của lão nữa. Chi bằng cứ để họ an vui trong lúc cuộc đời họ xế bóng. Bố sẽ thương lượng để chính quyền và lão Croce bảo trợ họ. Và cứ như vậy thì việc mình giữ kín cái bản chúc thư ấy còn có ích cho họ hơn.

Michael, giọng chì chiết, cay đắng:

– Có ích cho họ? Có chăng là có ích cho mình. Vì một ngày nào đó, biết đâu, mình lại chẳng cần đến Sicily?

– Bố không thể loại trừ điều ấy. – Bố Già nói với nụ cười mỉm tinh quái.

Sau một phút im lặng, Michael lại lên tiếng:

– Con không biết. Nhưng, đó thật là một điều nhục nhã. Guiliano nó đúng là một anh hùng. Nó đã trở thành một huyền thoại. Ta sẽ làm thế nào để người đời phải nhớ đến nó. Không được để nó chìm vào quên lãng bội bạc.

Lần đầu tiên Bố Già tỏ ra bực bội. Ông tự tay rót một ly rượu khác. Và làm một hơi. Ông giơ ngón tay chỉ vào mặt Michael:

– Con muốn học. Thì đây, bài học thứ nhất bố dạy con. Lắng nghe cho kỹ. Cái bổn phận đầu tiên của một con người là làm sao để mình còn sống. Sau đó, mới đến cái gì khác. Cái mà thiên hạ gọi là danh dự, là vinh quang gì gì đó thì cũng phải là sau. Sống đã. Không sống, thì khỏi có cái gì hết. Này, cái mà con gọi là nhục nhã ấy hả? Bố lại rất muốn được người ta đối xử như vậy. Trong hoàn cảnh như vậy, bố đã làm điều đó để cứu mạng con, cũng như con đã làm điều tương tự để cứu mạng bố. Nếu không có sự che chở của Ông Trùm Croce, con chẳng có ngày rời khỏi cái đất Sicily rừng rú tàn bạo ấy. Phải biết thế. Con lại muốn là một anh hùng như Guiliano hả? Con lại muốn trở thành một huyền thoại hả? nghĩa là, muốn chết, hả? Bố thương nó, thương thằng Guiliano ấy, như là con một người bạn của bố. Nhưng cái tiếng tăm của nó, cái danh tiếng của nó, khỏi! Bố xin miễn. Bố không ham. Con còn sống! Còn nó thì đã chết! Con phải luôn luôn nhớ điều này và áp dụng nó trong suốt cuộc đời con. Đó là: sống là để khỏi chết, chứ không phải là để trở thành anh hùng. Với thời gian, anh hùng nào thì cũng có vẻ điên điên, khùng khùng cả.

Michael thở dài:

– Guiliano không còn cách nào khác.

– Nhưng, cha con ta thì may mắn hơn.

Đó là bài học đầu tiên của Michael học được nơi ông bố mình. Và hiện đã học rất kỹ. Đó chính là cái nét độc đáo của cuộc đời hắn. Về sau, bài học đó đã khiến hắn đưa ra những quyết định khủng khiếp mà trước đó hắn chưa bao giờ nghĩ tới. Bài học đó đã làm thay đổi hẳn quan niệm của hắn về danh dự. Và hắn kinh sợ chủ nghĩa anh hùng. Bài học ấy làm cho hắn sống sót. Nhưng không làm cho hắn cảm thấy hạnh phúc. Bởi vì, khác với ông bố, Michael rất muốn cái danh tiếng của Guiliano.

Bình luận