Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Sicily – Miền Đất Dữ

Chương 16

Tác giả: Mario Puzo

Chiếc Fiat đi vòng qua thị xã Trapani để tới bờ biển. Trên xe Stefan Andolinini cầm vô – lăng. Michael Corleone ngồi cạnh. Chiếc xe chạy đến một biệt thự rộng lớn nhất so với các biệt thự xung quanh. Trừ cổng và một lối thông ra bãi biển, khuôn viên tòa biệt thự có tường cao ngất bao quanh. Cổng lúc nào cũng có hai người canh.

Vừa vào phía trong cổng, Michael đã thấy ngay một người đàn ông mập, to ngang, ăn mặc khác với dân địa phương. Quần kiểu Mỹ, áo thun bó sát người, bên ngoài khoác chiếc áo vét thể thao. Trong lúc chờ mở cổng, Michael đã thấy nụ cười “toác hoác” nở trên khuôn mặt bành bạnh. Hắn lấy làm ngạc nhiên khi nhận ra đó là lão Peter Clemenza.

Peter Clemenza là “sếp lớn” dưới trướng Bố Già Vito Corleone, cha của Michael Corleone. Hai năm trời sống lưu vong, cách biệt và lẩn lút tại Sicily, Michael gần như bị cắt đứt khỏi mọi diễn biến trong gia đình. Hắn gần như mù tịt về những gì đã xảy ra trong giới giang hồ, ngay cả trong chính cánh Corleone nhà nó. Bởi vậy, hắn ngạc nhiên không hiểu tại sao lão Clemenza lại có mặt ở đây vào lúc này. Lần cuối cùng Michael thấy lão là cái “đêm định mệnh” khi nó chĩa súng khử thằng Sollozzo – biệt danh là “thằng thổ” – và me-xừ quan ba cớm Mc. Closkey.

Dù đã qua hai năm, Michael vẫn còn nhớ rõ cái nhìn có vẻ ái ngại và buồn buồn trên khuôn mặt lão lúc đó. Nhưng, lúc này nom Peter Clemenza tươi rói. Cứ như là lão ôm Michael, nhấc ra khỏi chiếc Fiat và cứ thế ghì chặt hắn vào cái ngực đồ sộ của lão.

– Mike, thật không có gì vui sướng cho qua bằng được gặp em lúc này. Qua chờ em cả hai năm trời để nói với em là qua rất hãnh diện vì em. Chơi gọn băng như em mới gọi là chơi. Tém gọn một cú hai tay tổ mới ngon. Làm như em mới gọi là làm chớ. Nhưng thôi, những trục trặc gì bây giờ cũng được thu xếp gọn, êm cả rồi. Chỉ một tuần lễ nữa, em sẽ có mặt ở nhà. Tiệc lớn đang chờ người hùng trở về trong khúc khải hòan ca. Cả nhà ở bển, ai cũng nôn nóng, mong ngóng em về!

Hai tay lão vẫn âu yếm ôm lấy Michael sau khi nói một thôi một hồi như vậy. Sau đó, lão âu yếm đăm đăm nhìn vào mắt hắn như thể đánh giá lại lần chót cho đắc ý. Đây không còn là một người hùng xốc nổi, bốc đồng lao vào trận mạc nữa. Sau hai năm lưu vong ở Sicily, hắn đã lột xác trở nên một người già dặn, chín chắn về mọi mặt, khuôn mặt Michael không còn rạng rỡ, cởi mở. Trái lại, kiêu hãnh, nhưng nghiêm nghị và dè dặt. Đúng típ Sicilian chính cống, có bản lãnh. Michael sắp nhận cái địa vị đầy quyền thế trong gia đình hắn.

Michael cũng không kém sung sướng khi gặp lại một Peter Clemenza đồ sộ, dềnh dàng. Khuôn mặt lão đã có nhiều nếp nhăn, sau cú bị ám sát, chết hụt, nay đã lành vết thương. Nhưng sức khỏe không được tốt lắm. Clemenza buồn bã, nhè nhẹ lắc đầu:

– Thân xác nào cũng vậy. Đã bị đạn nó khoét cho một lỗ như vậy thì dù có lành cũng không thể như trước được, huống hồ lúc này ông cụ đã có tuổi rồi. Đã đành, đây chẳng phải là lần đầu tiên ông cụ bị nếm kẹo chì như vậy. Tuy nhiên, nói là không được như xưa, chớ ông cụ còn gân chán. Somny bị tụi nó đốn. Tội nghiệp cho hắn. Nhưng, người đáng thương nhất vẫn là cụ bà nhà ta. Mike, tụi nó dã man quá, mẹ kiếp, tụi nó lấy súng máy xả Somny thành từng mảnh. Chơi vậy không đúng luật giang hồ chút nào. Chúng không được phép chơi kiểu đó. Đ.m. ức thiệt! Nhưng, mình đã có kế hoạch chơi lại. Mẹ kiếp, cú “rờ – ve” của cánh mình ấy nghe, cứ gọi là trời long đất lở, mình sẽ đòi tụi nó một vốn bốn lời, chớ không dưới. Khi về đến nhà, ông cụ sẽ cho em rõ chi tiết. Bởi vì em sẽ là đầu tàu thực hiện. Bởi vậy, mọi người đều mong ngóng em về.

Stefan Andolini gật đầu chào Clemenza. Rõ ràng họ đã quen biết nhau từ trước. Gã bắt tay Michael, chào giã từ:

– Qua phải quay trở lại Montelepre gấp. Ở đó, qua còn nhiều việc phải giải quyết lắm.

Gã nín thinh một chút, rồi ngập ngừng nói tiếp:

– Dù em có nghe ai nói ngược nói xuôi gì về qua đi nữa, em cũng kệ họ, đừng tin. Em nên nhớ điều này: qua luôn luôn trung thành với Guiliano. Và nó cũng tin qua cho đến cùng. Nếu nó bị phản bội thì thằng khốn phản thùng ấy nhất định không phải qua. – Gã lắp bắp nói thêm: – Và qua cũng sẽ không phản bội em.

Michael cũng cảm thấy tin gã:

– Sao không ở lại kiếm cái gì nhậu lai rai chút đã rồi hãy về, gấp thì gấp chớ, làm gì gấp dữ vậy?

Stefan Andolini siết chặt tay Michael, nhưng lắc đầu từ chối. Gã chui vội vào chiếc Fiat và chạy vút ra cổng. Clemenza dẫn Michael qua khoảng đất trống đi về phía tòa biệt thự. Những người mang vũ khí đi tuần cẩn mật. Nhất là lối thông ra biển. Có một đầu tàu nhỏ và một khinh tốc đỉnh cắm cờ Ý neo sẵn ở đó.

Trong nhà có hai mụ già mặc đồ đen, da sạm nắng, đầu trùm khăn đen. Peter Clemenza bảo họ bưng đĩa trái cây vào phòng ngủ cho Mike.

Sân thượng phía trên phòng ngủ của Michael trông ra Địa Trung Hải xanh biếc. Vệt ánh sáng ban mai đã chia mặt biển thành hai phần. Những chiếc ghe đánh cá với những chiếc buồm xanh, đỏ thấp thoáng nơi chân trời trông như những trái banh bập bềnh trên sóng nước. Trên sân thượng có chiếc bàn nhỏ phủ khăn màu nâu đậm. Trên bàn có vò rượu, hai ly cà – phê và một chai rượu vang đỏ. Bên cạnh hai người đàn ông một già, một trẻ – ngồi trầm ngâm. Thỉnh thoảng lại nói chỉ vừa đủ cho nhau nghe. Clemenza nói:

– Trông em có vẻ mệt. Mà mệt là phải. Thức đêm ngồi trên xe suốt như vậy thì sức voi cũng phải thấm mệt. Ngủ một chút đi cho khỏe. Ngủ dậy, tỉnh táo rồi qua sẽ cho em rõ chi tiết.

– Cháu quen rồi, – Michael đáp, – Nhưng, trước hết, cho cháu biết là bà già cháu lúc này ra sao đã?

– Ôi, tưởng ai chớ bà già còn khỏe chán. Bà mong em lắm đó. Đừng làm cho bà thất vọng thêm. Vụ Somny kể như “quá tải” đối với sức chịu đựng của bà rồi.

– Thế còn ông già cháu? Ông đã bình phục hẳn chưa?

– Nhất định rồi, – Clemenza cười lớn, tiếng cười nghe dễ sợ. – Trước sau gì thì ngũ đại gia đình kia cũng sẽ tìm ra ông. Ông đang đợi em ghê lắm đó. Mike! Ông đã có một kế hoạch vĩ đại, thần sầu. Mà em là người thực hiện, không thể để cho ông “đổ” lần nữa được. Còn chuyện Guiliano thì chẳng cần quan tâm nhiều. Nếu nó đến, thì mình cho nó đi theo. Nếu nó cứ bám chặt lấy cái đất chết này thì thôi, kệ cha nó, cần đếch gì.

– Ông già cháu cho chỉ thị như thế nào?

– Mỗi ngày có người đưa tin theo chuyến bay đến Tunis. Qua sẽ đi tới đó nhận chỉ thị. Lệnh mới nhứt qua nhận được bữa qua là thế này: trước hết, lão Croce được coi như là đứng về phía mình và giúp mình. Ngay lúc qua rời Hoa Kỳ đến đây, thì ông cụ cũng nói vậy. Nhưng, em có biết, hôm qua, khi em vừa rời khỏi Palermo, thì ở đó xảy ra chuyện gì không? Một kẻ nào đó tính khử lão Croce. Bọn chúng đặt mìn phá lủng một mảng tưởng, chui vô và mần thịt hết bốn vệ sĩ của lão. May mà lúc đó lão đi khỏi, chớ nếu không thì giờ này, lão chầu Diêm Vương rồi.

– Giêsu, lạy chúa tôi, – Michael thốt lên kinh ngạc. Hắn nhớ lại những sự bố trí cẩn mật mà Ông Trùm đã dàn ra ở khách sạn Umberto của lão. – Cháu nghĩ, người tính khử lão Croce không phải ai khác ngoài ông bạn Guiliano nhà ta. Cháu hy vọng là ông già cháu cũng như cháu đều đã rõ là mình đang làm gì chứ. Cháu mệt lắm rồi, cháu không thể tiếp tục suy nghĩ gì thêm nữa.

Clemenza đứng dậy, thân mật vỗ vai Michael:

– Mike, thôi, đi ngủ. Ngồi xe chạy suốt cả đêm hôm rồi, mệt là phải. Khi ngủ dậy, em sẽ gặp ông anh của qua. Cũng là một tay ngon lành lắm, cũng trạc cỡ ông cụ bên nhà. Nghĩa là cũng chịu chơi, chơi có tay nghề, có trình độ, chơi không chơi ẩu. Nếu cần cũng dám chơi xả láng, chết bỏ. Nếu không cần thì rụng một sợi lông chân cũng đếch thèm. Tóm lại, vừa có trình độ cao, vừa có tính tóan khôn ngoan, kỹ lưỡng.

Michael cởi quần áo ra và đi ngủ. Hơn hai ngày nay, hầu như hắn không chợp mắt. Thế nhưng đầu óc hắn vẫn cứ miên man suy tính, khiến hắn không yên tâm mà nghỉ ngơi được. Mặc dầu đã đóng kín những cánh cửa sổ bằng gỗ sồi nặng nề, hắn vẫn cảm thấy như ánh nắng ban mai xuyên vào tận da thịt. Mùi hoa gì đó hăng hắc hòa lẫn với mùi hương hoa chanh. Liên tiếp mấy gnày liền, đầu óc hắn căng thẳng vì phải đấu trí với các cao thủ ngoại hạng, chứ không phải chỉ với các bậc thầy trong khoa lừa lọc, xảo quyệt. Những câu hỏi cứ liên tiếp đặt ra mà không tìm được câu trả lời. Tại sao trong khi Guiliano bị truy lùng gắt như vậy mà những thủ túc thân tín của nó – như Pisciotta và Andolini – vẫn cứ nhởn nhơ, thong dong đi tới đi lui giữa ban ngày ban mặt trong thành phố? Tại sao, Guiliano lại quyết định coi Ông Trùm Croce là tử thù của mình trong lúc lo chạy tháo thân, trong tình hình bất lợi như thế này? Một tay Sicilian thứ thiệt dứt khoát không thể mắc sai lầm sơ đẳng như thế được. Đằng này lại là một tay có quá trình bảy năm vùng vẫy ngoài vòng pháp luật, rất tinh khôn, rất có bản lĩnh. Chắc chắn là Guiliano muốn sống an nhàn hơn, không phải là trên cái đất Sicily khốn khổ này, mà là trên đất Hoa Kỳ. Nếu không vậy thì hắn gởi vợ con đi trước làm gì? Lời giải đáp cuối cùng có vẻ hợp lý nhất và có thể làm sáng tỏ phần nào màn sương mù bí ẩn chỉ có thể là như thế này: Guiliano muốn chơi một đòn cuối cùng trước khi rời khỏi mảnh đất này. Và nếu cần phải chơi đòn tuyệt mệnh cũng ô – kê. Vì nó không sợ phải bỏ xác trên mảnh đất nó đã sinh trưởng.

Có những kế hoạch, những mưu toan, những thủ đoạn tuyệt chiêu nhằm đạt tới những mục đích mà Michael Corleone không hoặc chưa nhận định được. Do đó, bắt buộc hắn phải cảnh giác, đề phòng từ mọi phía. Bởi vì, Michael cũng chẳng muốn bỏ thây vô tích sự ở Sicily này. Hắn hoàn toàn cảm thấy mình không có dính dáng chút nào đến cái huyền thoại đặc biệt về Guiliano.

Thức dậy trong phòng ngủ rộng mênh mông của tòa biệt thự, Michael mở cửa bước ra ban công trắng toát dưới ánh mặt trời. Xa xa phía dưới ban công, Địa Trung Hải như một tấm thảm màu xanh trải dài đến tận chân trời. Những chiếc thuyền đánh cá tít ngoài khơi xa bập bềnh ẩn hiện trên biển lấp lánh. Michael ngắm nhìn vẻ đẹp của biển cả và vách núi đá hùng vĩ ở bờ phía bắc.

Căn phòng có nhiều đồ gỗ to lớn một cách thô kệch. Trên mặt bàn, có một bình nước và cái tách tráng men. Trên lưng ghế có tấm khăn lau màu nâu. Trên tường treo bức ảnh Đức Thánh Mẫu ẵm Đức Chúa Con. Michael rửa mặt, rồi ra khỏi phòng. Peter Clemenza đang chờ sẵn ở chân cầu thang.

– Có thế chớ, bây giờ nom chú em đã khỏe ra rồi. Ăn cho nó khỏe thêm chút nữa, rồi qua sẽ bàn chuyện với em, dựa trên những tin tức vừa nhận được.

Lão dẫn Michael vào phòng ăn gần bếp, trong đó đã kê sẵn chiếc bàn gỗ.

Họ vừa ngồi vào đó thì một mụ già bận đồ đen từ trong bếp đi ra, lẳng lặng đặt hai ly cà phê, trứng ốp – lết, xúc xích và một ổ bánh mì. Rồi mụ lẳng lặng đi vào chẳng để ý đến lời cám ơn của Michael.

Đúng lúc đó, một người đàn ông mở cửa bước vào. Lớn tuổi hơn, nhưng trông rất giống Peter Clemenza, đến nỗi Michael nhận ra ngay đó là ông anh của lão Peter. Có điều lão Domenic đáng chú ý hơn nhiều. Chiếc quần nhung bạc phếch nhét vào ống giày màu nâu, áo lụa trắng, tay xếp ly rộng thùng thình. Bên ngoài khoác chiếc ja – ket màu đen. Trên đầu là chiếc mũ mỏ vịt. Tay phải lão phe phẩy chiếc roi ngựa, rồi quăng vào một góc nhà. Michael đứng lên chào. Lão Domeni Clemenza ôm hôn hắn một cách thân mật.

Họ cùng ngồi vào bạn. Sếp Domenic Clemenza có cái phong cách oai vệ tự nhiên của một người lãnh đạo, chỉ huy, khiến Michael liên tưởng đến ông bố hắn. Cũng một phong cách lịch sự kiểu xưa. Rõ ràng là Peter Clemenza có vẻ nể sợ ông anh. Và đối với ông em, Domenic tỏ ra thân mật kiểu vai trên, đàn anh. Điều đó khiến Michael ngạc nhiên và cảm mến ngay Domenic. Dưới trướng của Bố Già, Peter đã là một thủ lĩnh rất sáng giá và được Bố Già tin cậy.

Giọng nói ồ ồ, nhưng đôi mắt Domenic – dù đã bằng ấy tuổi – vẫn sáng như sao và tinh nhanh sắc sảo:

– Michael, qua lấy làm sung sướng và vinh dự được ông cụ thân sinh ra em – Don Corleone – trao phó cho cái nhiệm vụ ngầm chăm sóc, bảo vệ em. Ngày hôm nay em mới gặp qua và mới biết điều đó. Nhưng qua đã biết em ngay từ phút đầu tiên em đặt chân đến đây. Mặc dầu trong hai năm sống ở đây, em cũng gặp trục trặc, nhưng tính mạng của em được bảo toàn cho đến giờ phút này đã là nỗi vui lớn của qua rồi. Bây giờ em có thể giúp qua giải tỏa cái mà qua thắc mắc từ hồi nào tới giờ. Ấy là chú em vô tích sự của qua đây, – lão đưa tay thân mật vỗ vỗ vào vai Peter, – hồi ở bên đó, hắn có được thành công như hắn đã khoe khoang hay không? Có thật là hắn đã “leo” cao như vậy không? Chứ cứ như qua nghĩ thì chỉ trao cho chú nó một con heo, qua cũng đã ngại là hắn làm không xong rồi. Có thiệt là ông cụ bên ấy tin cậy hắn đến mức coi hắn như cánh tay mặt? Chú ấy còn dám nói là dưới tay chú ấy có cả trên trăm thủ hạ. Cái đó không biết có thiệt hay lại là câu chuyện làm quà của một anh đi xa về tha hồ nói dóc? Chứ qua thấy sao khó tin quá!

Lão vừa nói vừa thân mật vỗ vai ông em, miệng mỉm cười.

– Tất cả đều đúng như vậy đó à, chú Domenic. Ông già cháu vẫn thường nói nếu không có Peter Clemenza chắc suốt đời ông vẫn chỉ là anh bán dầu ô – liu.

Họ cùng cười. Peter Clemenza đáp lại:

– Còn tôi, nếu không có ông thì chắc suốt đời ngồi tù, nếu không phải lên ghế điện. Điều quan trọng nhất ông dạy tôi mà tôi học cũng chưa trọn vẹn là cách suy nghĩ để làm thế nào khỏi dùng súng mà vẫn được việc.

– Còn tôi, – Don Domenic thở dài, – Thì cứ mãi mãi là anh nhà quê nghèo mạt. Nói của đáng tội, thì cũng có những người quanh quanh đây đến để hỏi han, xin ý kiến này nọ. Họ nói là ở cái vùng Trapani này thì qua là người quan trọng. Nhưng họ cũng còn gọi qua là “già gân”, thậm chí còn gọi là “bất tín”. Chẳng là vì qua chẳng có coi lệnh của Croce là cái “đách” gì cả. Làm vậy có lẽ là không hay. Vì Bố Già ở bên cũng còn thấy cái chỗ dùng được của Croce. Nhưng qua thì đành chịu, không tài nào chơi được với thằng cha ấy. Có thể là qua bất tín. Nhưng chỉ bất tín với những đứa vô liêm sỉ. Thằng cha Croce đã tư thông với bọn cớm, với chính quyền. Nghĩa là, làm “gián điệp cao cấp” của chính quyền. Qua thì cổ hủ, nên qua coi đó là hành vi đê tiện. Đếch cần biết vì những lý do tế nhị nào, hễ cứ đi với chính quyền, với nhà nước thì là đê tiện rồi. Ấy, qua cứ theo lối xưa mà nghĩ thế và đối xử như thế. Nhưng, chẳng thà mang tiếng là “già hủ”, chứ tân tiến để mà như lão Croce, thì qua không ham. Michael, em cứ ở lại đây ít bữa thôi, em sẽ thấy có phải vậy không?

– Chắc chắn là như vậy, – Michael lễ phép đáp lại. – Và cháu cũng chẳng biết phải nói như thế nào để tỏ lòng biết ơn về những sự giúp đỡ mà các chú đã dành cho cháu.

– Thôi, bây giờ qua có việc phải đi đây, – Don Domenic nói, – Nếu em có cần gì thì cứ nhắn cho “qua” biết. – Nói rồi, lão cầm cây roi ngựa và đi ra.

Peter Clemenza quay qua nói với Michael:

– Michael, ông cụ ở bên ấy đồng ý giúp cho Turi Guiliano thoát khỏi cái xứ này. Vì nghĩ lại cái tình xưa nghĩa cũ đối với ông già nó. Nhưng, sự an toàn của em vẫn là quan trọng hơn hết. Ở đây, ngay tại Sicily này, đâu phải ông cụ không có kẻ thù. Nội trong một tuần lễ, Guiliano sẽ đến gặp em. Nhưng nếu nó không đến, thì em vẫn cứ phải về một mình. Qua được lệnh như vậy đó. Mình có một máy bay túc trực sẵn ở Phi Châu, sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào. Ý của em thế nào?

– Pisciotta nói là hắn sẽ đưa Guiliano đến trong thời gian sớm nhất.

– Em đã gặp Pisciotta rồi hả? – Clemenza huýt gió. – Thằng ấy cũng bị bọn kia săn đuổi không thua gì Guiliano. Làm sao nó có thể khơi khơi đi khỏi sào huyệt của nó được vậy?

– Nó có giấy thông hành đặc biệt do Bộ trưởng Bộ tư pháp ký. Đó là điều khó hiểu và khiến cháu không an tâm.

Peter Clemenza gật gù cái đầu. Michael nói tiếp:

– Cái thằng cha chở cháu tới đây – lão Stefan Andolini ấy mà, chú biết lão không?

– Biết! Gã cũng đã làm cho mình hồi gã còn ở bển. Hồi ông cụ làm cái đường hầm đó. Ông già của thằng Turi Guiliano là một người ngay thẳng và khéo tay. Cả Andolini lẫn ông già của Guiliano đều là những tên lẩn thẩn, cho nên, đang làm ăn ngon lành ở bên ấy, khi không đâm đầu về Sicily. Mà, nói cho cùng thì chẳng thiếu gì người Sicilian như vậy. Cứ như thể họ không tài nào quên được cái nhà tí hin, sặc sụa mùi cứt đái của họ ở cái đất Sicily này hay sao ấy. Hai lão này qua bên ấy làm ăn cũng là do qua đem qua đấy chứ, chứ ai? Họ quay về Sicily dễ cũng đến hai chục năm rồi. Thôi, ta đi lên chỗ này chút, Mike. Ta đi thưởng thức cảnh đẹp đồng quê, vừa ngắm bầy cừu gặm cỏ vừa nhâm nhi lai rai và dò la tin tức chơi. Ấy, để qua nói tiếp chuyện của hai lão Andolini và Guiliano. Xây cho ông cụ vừa xong cái đường hầm, thì hai lão này nổi cơn điên hay sao không biết mà đùng đùng rủ nhau quay về Sicily. Can cách gì cũng không nghe. Làm như cơn sốt hòai hương nó hành mấy chả không bằng. Mà thật, đã là dân Sicilian thì chết đến đít vẫn cứ thói nào tật nấy, vẫn cứ Sicilian. Thế mới ngộ chứ!

– Đúng vậy. Nhưng còn Andolini thì sao?

Peter Clemenza nhún vai:

– Thằng cha là anh em bà con gì đó với ông cụ nhà ta đấy. Từ năm năm nay, gã là cánh tay mặt, cánh tay trái gì đó của Guiliano. Nhưng trước đó, gã đi phe với Croce. Chẳng ai hiểu ra làm sao nữa. Nhưng gã là tay nguy hiểm, khó chơi, khó lường trước được. Cứ coi như một tay đi dây có tài. Vì năm năm trời đi trên cái dây mong manh, nghiêng ngả giữa một cáo già Croce và một thằng quá rách trời như Guiliano mà không bị rớt, thì phải kể như quán quân quái kiệt đi dây tử thần, chớ gì nữa?

– Andolini sắp đem vợ của Guiliano đến đây, – Michael nói. – Mình sẽ gửi cô ta đi tàu sang bên ấy. Tới nơi, cô ta sẽ gửi mật hiệu, mật mã gì đó về cho Guiliano nói sự thể ra sao. Rồi, căn cứ vào đó, anh chàng Guiliano mới xét đoán và quyết định có nên đến chỗ mình hay không. Cháu hứa mình sẽ y theo vậy. Được chứ, chú Clemenza?

Clemenza huýt gió một cái:

– Qua chưa từng nghe nói Guiliano có vợ. Nhưng nhất định là ta cứ y theo vậy, miễn là thời gian đừng quá kéo dài.

Họ ra ngoài, đi đến thửa vườn rộng. Từ cổng đến lối ra bờ biển, Michael nhận thấy ít ra cũng có tới sau người gác đi đi lại lại. Chiếc khinh tốc đỉnh vẫn neo ở cầu tàu. Ngay trong vườn cũng có một nhóm người. Rõ ràng là bọn này đang chờ Peter Clemenza. Tất cả khoảng hai chục, đều là dân Sicilian. Áo quần lem luốc, mũ mỏ vịt, trông tựa như già Domenic Clemenza. Ở góc vườn, dưới gốc chanh, kê một cái bàn với mấy chiếc ghế gỗ trông cũng thô kệch. Clemenza và Michael ngồi vào những chiếc ghế đó. Lão Clemenza bắt đầu phỏng vấn. Lão hỏi thăm về đời sống của hắn hiện nay, vợ con ra sao, “làm” cho Domenic lâu chưa, có bà con gì ở Trapani này không, đã có lần nào định đi Mỹ làm ăn chưa, vân vân và vân vân.

Những câu trả lời đại khái cũng như nhau. Và tập trung lại chỉ là “có, rồi”.

Mụ già bận đồ đen đem ra một vò rượu bự pha với chanh tươi. Và sau đó bưng một khay đựng ly. Lão Clemenza mời những người được phỏng vấn uống rượu và hút thuốc lá. Khi đã xong, bọn đó đã đi khỏi, già Clemenza quay ra hỏi Michael:

– Trong đám này, em có thấy đứa nào coi bộ không ổn không?

– Cháu cũng thấy vậy vậy cả. Bộ tất cả đều muốn qua bên ấy.

– Đợt vừa rồi mình bị hao người quá. Rồi lại phải loại bỏ một số máu xấu. Bởi vậy, giờ mình phải bổ sung quân số. Khi nào em về và triển khai kế hoạch, có thể còn hao nhiều người nữa. Cứ khoảng năm năm, qua lại về đây, tuyển lấy một mớ độ mươi mười lăm tên, rồi chính qua đảm đương việc huấn luyện, sau đó đem sang bên ấy. Lúc đầu mình trao những việc lặt vặt – thu thuế, gác cửa… chẳng hạn, sau khi “có nghề” kha khá, và nhất là có lòng trung thành, lúc mình ướm coi bộ xài được thì khi có cơ hội, mình đem trắc nghiệm lần trót, bằng cách cho vào trận, thử lửa. Nhưng cái này cũng phải rất cẩn thận. Một khi chúng có tay nghề vững chúng sẽ được cho biết là đời chúng sẽ đảm bảo cho đến lúc “tịch”, nếu chúng trung thành với mình. Tụi ở đây đều biết qua tuyển người cho gia đình Corleone. Do đó đứa nào cũng mong được gặp qua. Nhưng trước khi gặp “qua thì nó đã phải được tay ông anh của qua nắn gân, sơ tuyển trước đã, không có một đứa nào có thể trực tiếp đến gặp qua, nếu nó không được đôi mắt nhà nghề của ông anh qua xem xét trước.

Michael đưa mắt nhìn quanh khu vườn trông hòa đủ màu, và cây ăn trái – nào chanh, nào ô – liu. Cũng có cả bức tượng ở một cái giếng cổ được rinh về đây. Và những bức tượng mới là tượng các chư Thánh. Bức tường bao quanh, sơn vôi màu hồng. Toàn bộ khung cảnh đẹp đẽ ấy được trao cho mười hai “Sứ đồ” dao búa ngày đêm canh gác.

Trưa hôm sau, chiếc Fiat lại xuất hiện ở tòa biệt thự, cũng vẫn Andolini lái xe. Ngoài gã ra, còn một cô gái với suối tóc nâu đậm dài, khuôn mặt trái xoan, trông cứ như tranh vẽ Đức Thánh Mẫu. Khi cô gái ra khỏi xe, Michael thấy là cô ta đã có bầu. Bộ đồ xoàng xĩnh kiểu phụ nữ Sicilian. Có khác chăng là may bằng vải hoa, nền trắng, chứ không phải màu đen truyền thống. Nhưng khuôn mặt của cô ta đẹp đến nỗi cái áo xấu xí tầm thường kia đã không làm giảm được vẻ đẹp ấy đi chút nào.

Michael cũng ngạc nhiên khi thấy khuôn mặt nhỏ nhắn của giáo sư Hector Adonis ló ra ở khuôn cửa sau xe. Chính ông đã giới thiệu với Michael tên của cô bé là Justina. Cô ta chẳng có cái vẻ e lệ, bẽn lẽn của một cô gái. Và tuy chỉ mới mười bảy, khuôn mặt đã có cái nét già dặn của một người đàn bà, như thể đã nếm trải nhiều mùi cay đắng của cuộc đời. Khi được giới thiệu, cô ta chăm chú nhìn Michael trước khi gật đầu chào, như đang cố phát hiện nơi hắn có nét lừa lọc, cạm bẫy gì không.

Một trong hai mụ già ở nhà này đến, dẫn cô ta vào phòng dành sẵn cho cô. Andolini lấy hành lý của cô ra khỏi xe. Chỉ là một va – li nhỏ. Và chính tay Michael xách va – li ấy vào nhà.

Tối đó, tất cả ngồi ăn cơm chung. Giáo sư Hector Adonis ở lại. Adolini đã lái xe ra về. Trong lúc ăn, họ bàn kế hoạch đưa Justina đi Mỹ. Già Domenic Clemenza cho biết tàu đi Tunis đã sẵn sàng. Và luôn luôn sẵn sàng. Vì thế không biết Guiliano đến lúc nào. Và đến là có thể “dông” liền. Lão mỉm cười và tiếp:

– Không biết hắn có đem theo ông bạn quỉ quái nào của hắn không.

Peter Clemenza cho biết lão sẽ đích thân hộ tống Justina đến tận Tunis và làm mọi sự để chắc chắn cô ta đi trót lọt với cái tài liệu đặc biệt của cô ta, nhất là vào được Hoa Kỳ mà không gặp một trục trặc sơ hở nào, dù rất nhỏ bé. Sau đó, lão sẽ quay lại biệt thự này.

Tới Hoa Kỳ, Justina gửi mật mã về. Lúc đó, cuộc “hành quân” chót để giải cứu Guiliano mới bắt đầu.

Trong bữa ăn, Justina rất ít nói. Già Domenic hỏi cô ta xem ngay đêm nay, cô ta có thể làm tiếp cuộc hành trình nữa sau một ngày mệt nhọc như vừa rồi không.

Nghe cô ta trả lời, Michael hiểu ngay tại sao Guiliano lại mê con bé này đến vậy. Đôi mắt đen, sáng. Chiếc cằm thon, nhưng lộ vẻ cương quyết. Cái miệng của một phụ nữ Sicilian táo tợn. Và giọng nói dõng dạc:

– Đi thì đâu có mệt bằng làm lụng. Và đâu có nguy hiểm bằng trốn tránh. Ở trên núi, ở ngoài đồng với bầy cừu mà cháu còn ngủ được, nữa là trên tàu thủy, trên máy bay. Ở những chỗ đó chắc chắn là không có lạnh lẽo như trên núi, ngoài đồng chớ?

Cô ta nói với cái vẻ hãnh diện, hiên ngang, thách thức với tuổi trẻ. Nhưng khi nâng ly rượu lên, tay cô run thấy rõ:

– Có điều cháu sợ là Turi không thể nào thoát được. Không hiểu sao anh ấy lại không đi cùng với cháu?

– Justina, – Giáo sư Hector Adonis nhẹ nhàng nói, – Nó không muốn con phải chịu sự nguy hiểm khi có nó bên cạnh. Sự đi lại của nó khó khăn gấp bội. Vì không thể lường được hết những bất trắc. Bởi vậy phải cẩn thận hơn nhiều.

– Cô Justina, – Peter Clemenza nói, – Đêm nay, tàu sẽ chở cô đến châu Phi, trước lúc rạng đông. Bởi vậy, có lẽ cô nên đi nghỉ sớm.

– Không, – Justina đáp, – Cháu không có mệt. Vả lại, cũng thấy hồi hộp quá, nên chắc có đi nằm thì cũng chỉ nằm đó, chứ ngủ thì chắc không được. Cho cháu một ly rượu nữa, được không?

Già Domenic rót cho cô ta một ly:

– Uống đi! Tốt cả cho đứa nhỏ trong bụng và giúp cho cô dễ ngủ. Guiliano có nhắn gì cho chúng tôi không?

Justina mỉm cười, có dáng buồn bã:

– Cả tháng nay cháu có gặp được anh ấy đâu. Aspanu là người duy nhất anh ấy tin cậy. Nói vậy không có nghĩa là ảnh nghi ngờ cháu phản bội ảnh. Nhưng đối với ảnh, cháu là một điểm yếu. Ảnh sợ người ta dùng cháu để bắt chẹt, để bẫy anh. Cũng là do ảnh đọc mấy cái tiểu thuyết, nói là tình yêu đối với đàn bà thường là mạt lộ của các anh hùng. Sự nghiệp anh hùng mà cứ dính vào đàn bà đó là tiêu. Và, tất nhiên, chẳng bao giờ ảnh hé răng cho cháu biết dự tính, kế hoạch của ảnh.

Michael tò mò, muốn tìm hiểu thêm nữa về Guiliano, con người có lẽ sẽ là chính hắn, nếu ông già hắn sinh sống tại Sicily. Somny đã từng là một con người như vậy. Hắn hỏi Justina:

– Cô đã gặp Turi trong trường hợp nào?

Cô bé cười hào sảng và vui vẻ nói:

– Cháu yêu ảnh từ lúc cháu lên bảy tuổi. Cách đây khoảng chừng bảy năm, lúc đó Turi mới sống ngoài vòng pháp luật, nhưng đã nổi tiếng khắp trong thị trấn nhà cháu, một thị trấn nhỏ bé ở Sicily. Bữa đó, cháu và thằng em trai đi làm ở ngoài đồng với ba. Ba đưa cho hai chị em tờ giấy 5 lire, biểu đưa về cho má, làm gì đó cháu không nhớ. Lúc đó hai chị em cháu ngốc lắm kìa. Tụi cháu vừa đi vừa cầm tờ giấy bạc mà phất như người ta phất cờ vậy đó. Lần đầu tiên mới được cầm đồng tiền lớn vậy mà. Hai thằng cớm đang đi, thấy vậy, chúng “chớp” mất. Hai chị em kêu khóc, đòi lại thì chúng cười hô hố. Tụi cháu không biết làm sao, không dám quay trở lại nói với ba. Cũng không dám về nhà nói với má. Hai đứa cứ ngồi chỗ đó vừa khóc vừa trách móc lẫn nhau, vừa chửi lại thằng cớm ăn cướp. Cho đến lúc tối sẫm, Turi ở trên núi xuống, đi qua. Anh cao, to, hơn hẳn mọi người đàn ông ở Sicily này. Cao to cứ như mấy ông lính Mỹ hồi chiến tranh đã đến Sicily này. Súng máy cầm tay, nhưng đôi mắt ảnh thật hiền từ, dễ thương và rất đẹp trai. Anh hỏi tụi cháu: “Hôm nay là ngày lễ mà sao công tử ngồi đây khóc vậy? À, ăn vạ cô nương đây phải không? Còn cô nương, sao cô nương cũng đang làm xấu đôi mắt rất đẹp của cô nương vậy? Làm xấu đôi mắt đẹp tuyệt vời ấy thì ai còn dám cưới cô nương nữa chứ?” Rồi ảnh cười. Có lẽ vì thấy cảnh hai chị em bé tí tẹo ngồi mếu máo. Tụi cháu nói cho ảnh biết sự việc xảy ra. Anh còn cười lớn hơn nữa, và nói tụi cháu phải đề phòng bọn cớm, rằng tụi cháu phải học quá sớm cái bài học đầu tiên như vậy về cuộc đời thì thật đáng buồn. Rồi ảnh đưa cho chị em cháu cả nắm tiền, bảo đem về cho má. Và còn viết một cái giấy bảo đưa về cho ba. Cho đến giờ, cháu vẫn còn nhớ từng chữ anh ấy viết, như thế này: “Đừng rầy la hai đứa nhỏ xinh đẹp và dễ thương này. Chúng sẽ là niềm an ủi, là nơi nương tựa của ông bà lúc tuổi già đấy. Số tiền mà tôi cho lại chúng gấp mười lần số tiền đã mất. Và xin nhớ kỹ điều này: Kể từ hôm nay trở đi, ông bà và hai em nhỏ này được Guiliano bảo trợ”. Cháu nghĩ cái tên ấy chắc chắn là kỳ diệu lắm. Vì ảnh viết chữ bằng chữ hoa. Cả tháng trời sau đó, trong giấc mơ, cháu chỉ thấy cái tên ấy thôi. Đúng thế, chỉ có tên Guiliano. Nhưng, cái làm cho cháu yêu ảnh nhất là ảnh cảm thấy thích thú khi làm được điều lành. Anh thấy sung sướng khi giúp đỡ người khác. Và cho đến bây giờ, cái tính ảnh vẫn vậy, không thay đổi. Cứ như thể cho đi thì ảnh có lợi nhiều hơn cái ảnh đã cho. Cũng vì vậy mà xứ Sicily này, ai ai cũng thương ảnh.

Ông Hector Adonis nhẹ nhàng nói:

– Nhưng chỉ như vậy cho đến khi xảy ra vụ Portella della Ginestra.

Justina nhắm mắt lại và nói một cách đanh thép:

– Họ vẫn còn thương anh ấy.

Michael mau mắn hỏi tiếp:

– Thế rồi làm sao cô gặp lại anh ấy?

– Anh hai cháu là bạn của anh ấy. Và có lẽ ba cháu cũng bí mật nhập băng của ảnh. Cháu không rõ điều này lắm. Còn cái vụ cháu và ảnh lấy nhau thì chỉ có gia đình cháu, gia đình ảnh – mà cũng chỉ có ông già, bà già biết, chớ đám lau nhau cũng không được biết – và mấy “sếp” trong băng của ảnh biết. Turi bắt mọi người phải tuyệt đối giữ bí mật chuyện đó. Sợ bọn cớm bắt cháu.

Mọi người ngồi ở bàn đều kinh ngạc về điều này. Justina lần gấu áo, lôi ra một mẩu giấy nhỏ, có đóng dấu và đưa cho Michael. Nhưng, ông Adonis đã nhanh tay đón lấy, và đọc. Rồi, ông mỉm cười và nói với cô ta:

– Ngày mai, con đã đặt chân lên đất Mỹ. Thầy có thể báo tin vui này cho ông bà già của Turi được không?

Justina đỏ mặt, e thẹn:

– Họ cứ nghĩ là cháu chẳng có cưới cheo gì mà đã có bầu. Họ nghĩ xấu về cháu. Nhưng thầy cứ nói đi cũng được.

Michael hỏi tiếp:

– Cô đã nhìn thấy hay là đọc bản chúc thư của Turi bao giờ chưa?

Justina lắc đầu:

– Chưa. Turi không nói cho cháu biết cái đó.

Mặt già Domenic Clemenza bỗng trở nên buồn thiu. Nhưng lão cũng có vẻ tò mò. Michael nghĩ là lão nghe nói về bản chúc thư ấy. Nhưng coi bộ không tán thành. Sao lại có thể có nhiều người biết như vậy nhỉ? Tất nhiên, không phải là tất cả mọi người Sicilian đều biết. Nhưng, như vậy, dứt khoát có nghĩa là một vài tay chóp bu trong chính quyền Rome đã biết. Ông Trùm Croce đã biết. Giáo sư Hector Adonis bỗng lên tiếng:

– Già Domenic, tôi xin già cho phép tôi ở lại đây, cho đến khi nào nhận được mật hiệu của cô này từ bên ấy gửi về, đặng tôi có thể thu xếp để kịp báo cho Turi. Kể từ khi tôi nhận được tin, thì chắc không quá một đêm Turi cũng sẽ nhận được.

– Ấy chết, thưa giáo sư, tội nghiệp tôi phải nói là ngài đã ưu ái dành cho tôi cái vinh dự được đón tiếp ngài ở đây. Chỉ sợ ngài chê thôi. Chứ nếu ngài muốn lưu lại đây bao lâu, là hân hạnh cho bỉ nhân này bấy lâu. Nhưng thôi, đã đến lúc tất cả anh em mình nên đi nghỉ. Nhất là phu nhân đây lại cần phải ngủ một chút, để có sức mà chịu đựng cuộc hành tình dài và mệt nhọc ngay ngày mai. Vả lại, xin lỗi giáo sư, lúc này bỉ nhân cũng đã có tuổi rồi. Thức đêm, ngồi lâu, cái thân già rệu rã này nó ê ẩm lắm. Thôi, xin lỗi!

Lão giơ hai tay lên, vươn vai – như một con chim vươn cánh lấy trớn bay đi – đồng thời lão mời mọi người đứng dậy. Đích thân lão dẫn giáo sư Adonis vào phòng ngủ dành sẵn cho ông ta. Lão gọi mấy mụ già sửa soạn chỗ ngủ cho khách.

Sáng hôm sau, khi Michael thức dậy thì Justina đã đi rồi.

Giáo sư Hector Adonis ở lại đó hai đêm mới nhận được thư của Justina cho biết đã tới Mỹ bình an. Có một lời lẽ nào đó trong bức thư khiến cho Adonis an tâm, thỏa mãn. Sáng hôm sau, trước khi ra đi ông xin gặp riêng Michael.

Michael trải qua hai ngày bồn chồn, nôn nao, nóng lòng muốn trở về ngay bên ấy. Lời lẽ Peter Clemenza mô tả cảnh Somny bị sát hại khiến cho Michael không hiểu sao có linh tính về một sự chẳng lành cho Turi. Trong thâm tâm của Michael, không hiểu sao, hai người này cứ quyện vào nhau. Họ có một cái gì đó giống nhau. Cả hai đều có cảm thức như nhau về sự sống mãnh liệt, dữ dội và về quyền lực. Guiliano cũng cỡ tuổi với Michael. Chính Michael cũng bị tiếng tăm của Guiliano hấp dẫn, kích thích trí tò mò, tưởng tượng. Michael cũng cảm thấy cái gì đó như thể một tâm trạng lo âu khi phải mặt đối mặt với anh chàng Guiliano. Hắn cứ băn khoăn tự hỏi không hiểu ông già hắn có dụng ý gì khi đưa Guiliano về bên ấy. Hắn không hiểu, nhưng hắn không bao giờ nghĩ rằng ông già hắn hành động xốc nổi, bốc đồng, không suy tính chín chắn. Những ý đồ sâu hiểm, những mục tiêu xa xôi – nhưng dứt khoát không bao giờ có trường hợp ông già hắn hành động theo ngẫu hứng. Nếu không có ý đồ gì đó thì chẳng hóa ra sự trì hoãn ngày về của hắn thành vô ích sao?

Michael và Adonis cùng đi ra bờ biển. Những người gác đã chào họ “Vossia” (Chào các thủ lĩnh). Không một người nào đó tỏ ra khinh lờn, chế nhạo khi thấy con người có vóc dáng thấp bé, nhưng ăn mặc rất thanh lịch ấy. Sau chuyến đi đêm rồi, chiếc khinh tốc đỉnh đã lại nằm chờ đợi ở cầu tàu. Những người ở trên tàu đều võ trang “đến tận răng”.

Mặt trời tháng bảy ở Sicily rất nóng. Mặt biển Địa Trung Hải yên tĩnh, phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ phản chiếu ánh mặt trời chói lọi. Michael và Adonis ngồi trên hai chiếc ghế đặt trên cầu tàu. Ông Adonis lên tiếng:

– Trước khi rời khỏi nơi đây, tôi có điều muốn nói với anh. Tức là điều quan trọng, rất quan trọng mà anh nên làm ngay thì mới có hy vọng cứu Guiliano.

– Tôi rất sẵn lòng!

– Anh phải tức tốc gửi ngay bản chúc thư ấy. Không cần công bố, chỉ cần cho chính phủ Ý và Ông Trùm Croce biết là bản chúc thư đã nằm trong tay ông cụ. Bấy nhiêu đó cũng đủ khiến phe kia không dám đụng đến Guiliano nữa, mà phải để cho Guiliano bình an qua bên ấy.

– Ông có mang theo chúc thư đó không?

Con người có vóc dáng nhỏ bé kia bẽn lẽn mỉm cười, nhìn Michael:

– Anh đã nhận được rồi mà?

– Ông có nhớ lộn không? – Michael sửng sốt. – Đã có ai trao cho tôi cái đó bao giờ đâu!

– Rồi!

– Hector Adonis thân mật đặt bàn tay nhỏ nhắn của mình lên cánh tay Michael. Lúc đó, hắn mới để ý và nhận thấy bàn tay của ông nhỏ nhắn và những ngón tay cũng xinh xắn dường nào. Cứ như bàn tay của chú bé con ấy thôi.

– Maria Lombardo, bà già của Guiliano đã trao cho anh rồi. Chỉ có bà và tôi biết cái đó để chỗ nào. Ngay cả ông già nó và Pisciotta cũng không biết – Thấy Michael nhìn chòng chọc vào ông, có vẻ không hiểu, ông nói tiếp: – Trong bức Tượng Đức Thánh Mẫu bằng gỗ mun đó. Đúng, bức tượng ấy là món duy nhất có giá trị của gia đình này. Mọi người đều biết điều đó. Nhưng, Guiliano đã được người ta cho một phiên bản giống y vậy. Có khác là phiên bản này rỗng ruột. Bản chúc thư được viết trên giấy mỏng. Mỗi trang đều có chữ ký của Guiliano. Chính tôi cũng đã góp ý kiến cho Guiliano thực hiện từ mấy năm về sau này. Ngoài ra, cũng còn một vài tài liệu chứa đựng nội dung rất động trời nữa. Turi luôn ý thức rất rõ cái kết cục bi thảm rất có thể xảy ra cho nó, do đó đã chuẩn bị sẵn. Vừa để ngăn ngừa vừa để đón nhận. Đó là một thanh niên có thiên tài về chiến thuật, chiến lược.

Michael cười:

– Còn bà già anh ấy cũng là một diễn viên thượng thặng.

– Người Sicilian thứ thiệt nào cũng vậy. Chúng tôi không bao giờ hoàn toàn tin cậy vào một ai. Luôn luôn, chúng tôi phải làm bộ này nọ trước mặt mọi người. Tất nhiên, ông già của Guiliano là đáng tin. Nhưng ông thuộc loại ruột để ngoài da, phổi bò, nông nổi, hớ hênh, phù phiếm. Pisciotta là anh em bà con và là bạn chí cốt của nó từ lúc hai đứa còn để chỏm. Stefan Andolini thì cũng tận trung đấy. Chính lão đã cứu mạng Guiliano trong một trận đụng độ với cảnh sát. Nhưng thời gian cũng có khi làm cho lòng người đổi thay. Ngòai ra tiền bạc, hoặc bị tra tấn… cũng có thể làm cho con người không giữ được lòng thủy chung. Ai mà biết trước được lòng người sẽ ra sao. Bởi vậy, tốt nhất là đừng cho mấy người này biết.

– Nhưng, anh ấy lại tin ông!

– Chính điều đó làm tôi hãnh diện, – Hector Adonis chỉ nói giản dị có vậy. Nhưng ông ta có vẻ trầm ngâm, do dự, và sau đó ngập ngừng nói tiếp: – Nhưng, anh cũng sẽ thấy Guiliano khéo léo và khôn ngoan như thế nào. Nó tin tôi trong vụ chúc thư. Nhưng lại chỉ tin Pisciotta trong việc bảo vệ mạng sống của nó. Bắt buộc cả hai chúng tôi sẽ cùng phải phản bội nó, nếu nó thất bại.

Bình luận